Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 02 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 02 năm 2020

Phát triển mô hình kinh tế tổng hợp ‘3 trong 1’

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Nhằm cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nhà nông sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Bên cạnh đó, Gò Quao còn quy hoạch từng vùng sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; trong đó, mô hình đa canh tổng hợp trồng khóm- tôm- lúa là một điển hình.

Mô hình đa canh tổng hợp trồng khóm - tôm - lúa nông dân xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao.

Sáng tạo với các mô hình tổng hợp

Toàn huyện vừa phát triển thêm 600ha khóm, nâng tổng số diện tích trồng khóm toàn huyện lên hơn 4.300ha. Diện tích này được nông dân trồng tập trung ở các xã Vĩnh Thắng, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Thới Quản và Vĩnh Phước A. Theo đó, có gần 3.000ha ở xã Vĩnh Phước A và Vĩnh Thắng được thực hiện theo mô hình đa canh tổng hợp trên liếp trồng khóm, dưới mương nuôi tôm sú và trên bệ (mé liếp) trồng lúa mùa.

Ông Lâm Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước A, cho biết, do đặc thù địa bàn đất bị nhiễm phèn mặn nên xã chỉ tập trung phát triển kinh tế đi lên từ cây khóm. Hiện nay, toàn xã có 2.600ha diện tích trồng khóm, trong khi đó chỉ có 260ha diện tích chuyên trồng lúa.

Thế nhưng, khóm bán ra lúc thăng, lúc trầm do hiện nay chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân nên giá cả lên xuống bất thường. Từ những khó khăn đó, nông dân nghĩ ra nhiều cách để tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích.

Bao năm nhọc nhằn với cây khóm, nông dân bắt đầu đi tìm tòi học hỏi để không bỏ phí nguồn nước từ các mương liếp. Thế là họ bắt đầu cải tạo để nuôi tôm sú. Lúc đầu cũng gặp khó do canh tác trước đây người dân sau khi thu hoạch khóm rồi vứt cây, lá xuống mương làm ô nhiễm nguồn nước nên tôm nuôi bị chết hoặc chậm lớn.

Rút kinh nghiệm, người dân cải tạo lại mương nước sạch và nuôi thành công. Đặc thù nuôi con tôm sú trong mương khóm là không cần cho thức ăn hay bất cứ loại phân thuốc nào, tôm nuôi hoàn toàn sạch nên bán được giá cao. Sau khi thành công với mô hình nuôi tôm dưới mương khóm, người dân bắt đầu thử nghiệm trồng lúa trên bệ.

Theo nông dân Lê Minh Mão, ngụ ấp Bùi Thị Thêm, xã Vĩnh Phước A, sau khi mô hình khóm - tôm cho hiệu quả, nhìn thấy mé liếp cỏ mọc um tùm chuột vào cắn phá khóm rồi làm hang ở ngay mé cỏ mà không làm gì chúng được. Thấy vậy, bà con ở đây bàn với nhau ai ai cũng dọn sạch cỏ để không cho loài chuột này phá hại cây khóm. Lúc đầu chỉ nghĩ có vậy, nhưng sau khi dọn sạch cỏ mọi người bàn với nhau nên trồng lúa để có thêm thu nhập. Thế là bà con đồng loạt cũng thực hiện theo và cho kết quả ngoài mong đợi.

Ông Lê Minh Mão cho biết, trước đây trồng 1ha khóm thu nhập khoảng 70 triệu đồng, thì nay thêm nguồn thu từ trồng lúa cặp mé dứa sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 3 triệu đồng/ha, từ con tôm nuôi dưới mương từ 13-15 triệu đồng/ha. Nguồn thu phụ từ con tôm sẽ giúp chi phí phân bón trong một năm cho cây khóm, còn lúa cung cấp gạo sạch đủ ăn cho gia đình trong một năm mà còn có gạo sạch bán để có thêm nguồn thu phụ để trang trải một phần chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Khóm là mô hình trồng chính của mô hình “3 trong 1” và là cây trồng có đặc tính phù hợp đất đai ở địa phương: chịu được phèn, mặn tốt, nhẹ công chăm sóc và cho hiệu quả cao. Bình quân 1ha khóm sau khi trừ chi phí đầu tư nhà nông lợi nhuận trung bình 80 triệu đồng; tôm nuôi trong vuông khóm thả từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm cho thu nhập trung bình 14 triệu đồng/ha.

Tăng hiệu quả sản xuất

Theo ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Quao, theo kế hoạch, diện tích khóm sẽ tiếp tục được quy hoạch tăng lên trên 5.000ha và định hướng phát triển theo mô hình khóm- tôm- lúa cũng dần tăng lên, đến năm 2025 sẽ tăng lên diện tích theo mô hình này là 50% và nhân rộng ra các xã có diện tích trồng khóm còn lại trên địa bàn.

Cây khóm, con tôm và cây lúa được đánh giá là cây trồng vật nuôi có đặc tính phù hợp trong mô hình sản xuất đa canh tổng hợp ở Gò Quao. Đây cũng có thể xem là mô hình sản xuất sinh thái và cho hiệu quả cao trên cùng một diện tích canh tác. Bình quân canh tác một năm trên diện tích 1ha, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư cho sản xuất, nông dân trong mô hình này lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Để mô hình phát triển bền vững, các yếu tố cần thiết để giúp cho vùng sản xuất ở đây, trước hết phải có chứng nhận sản phẩm an toàn bằng các tiêu chuẩn VietGAP. Xa hơn nữa là sản xuất theo hướng hữu cơ và gắn với xây dựng hệ thống lịch sử truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa quá trình sản xuất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Những yếu tố đó sẽ giúp kết nối thị trường, các doanh nghiệp thu mua sẽ tìm đến để bao tiêu cho bà con làm ra sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Hợp tác xã khóm - tôm ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A, cho biết: Trước đây khi chưa thành lập tổ hợp tác và sau này nâng lên hợp tác xã, người dân canh tác không tập trung, đất ai người ấy làm nên năng suất chất lượng không cao. Từ khi thành lập tổ hợp tác và giờ là hợp tác xã, người dân bắt đầu có thói quen làm gì cũng theo ý kiến tập thể nên năng suất chất lượng sản phẩm làm ra cao hơn. Đến nay, Hợp tác xã Phước An đã thu hút được 60 thành viên canh tác diện tích trên 100ha với mô hình “3 trong 1”.

Hợp tác xã Phước An còn nhân giống con khóm để bán ra các địa phương khác tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động địa phương, với thu nhập bình quân 200.000-250.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, trong Hợp tác xã Phước An, người có thu nhập cao nhất 700 triệu đồng/năm, còn thấp nhất cũng 70 triệu đồng/năm và đến nay chỉ còn 5 hộ trong Hợp tác xã còn khó khăn. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cho toàn xã Vĩnh Phước A xuống còn 3,17% vào cuối năm 2019 thay vì 9,6% năm 2015.

Qua mô hình sản xuất đa canh tổng hợp khóm - tôm - lúa là mô hình đặc trưng phù hợp với vùng sinh thái ở một số xã của huyện Gò Quao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cho hiệu quả kinh tế cao so với độc canh cây dứa. Chính vì vậy, những năm qua mô hình này đã giúp nông dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, nhiều hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên quê hương mình.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Giá chanh tăng do nhu cầu tiêu thụ cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giá trái chanh tại nhiều địa phương ĐBSCL tăng từ 4.000-6.000 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.

Thương lái thu mua chanh của nông dân ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Tại TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long… chanh tàu và chanh không hạt được nông dân bán cho tiểu thương và các vựa thu mua trái cây ở mức 15.000-16.000 đồng/kg; giá bán lẻ trên thị trường ở mức trên dưới 25.000 đồng/kg.

Giá chanh tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng cao vì bước vào mùa nắng nóng, người dân có nhu cầu mua chanh làm các loại nước uống để giải khát. Mặt khác, nhiều người cũng sử dụng chanh để tăng sức đề kháng cho cơ thể nhằm phòng tránh các loại bệnh, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, chanh tăng giá còn do nguồn cung trái chanh tại nhiều địa phương hạn chế vì mùa này chanh cho trái ít.

Tin, ảnh: VĂN CỘNG

Đắk Nông: Nông dân tiếp tục ‘mắc kẹt’ với hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay, nhiều hộ nông dân tỏ ra chán nản do năng suất, giá bán thấp, nhân công khan hiếm. Tuy vậy, để vớt vát lại các khoản đầu tư, bà con nông dân vẫn phải "căng sức" thu hoạch tiêu, chạy đua với mùa vụ.

Đang cùng với các thành viên trong gia đình tranh thủ thu hoạch hồ tiêu, ông Trần Văn Phúc, thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) thở dài cho hay, gia đình có 3.000 trụ tiêu thu chính được 2 năm nay. Thời điểm giá hồ tiêu lên cao, gia đình ông đã đổ hết vốn liếng để mua trụ, mua giống về trồng. Khi vườn hồ tiêu bước vào kinh doanh thì tiêu mất giá, thu nhập từ vườn tiêu không đủ trả nợ đầu tư, nên ông đành hạn chế thuê nhân công thu hoạch.

Nhân công khan hiếm nên ông Trần Văn Phúc, thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) chỉ sử dụng thành viên trong gia đình để thu hoạch hồ tiêu

Ông Phúc cho biết: “Nhân công thu hoạch hồ tiêu tăng cao, nên hàng ngày chỉ có 3 người trong gia đình tự thu hái. Bởi, nếu thuê nhân công và cộng chi phí đầu tư phân bón, thuốc men thì gia đình sẽ không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Do đó, gia đình tôi tranh thủ tự hái, hạn chế kêu công ngoài”.

Còn gia đình ông Lê Văn Quyền, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cũng vất vả tìm nhân công thu hoạch 2.000 trụ tiêu. Những vụ mùa trước, vườn tiêu của gia đình thường xuyên có hàng chục nhân công thu hoạch vườn tiêu. Năm nay, đầu vụ ông thuê được 6 người, khi hái được vài trăm trụ thì người làm bỏ đi dần vì cho rằng, vườn tiêu khó hái, không bù lại được ngày công.

Ông Quyền cho biết: “Tôi thuê người hái tiêu theo công ngày không xong. Tôi chuyển sang giao khoán vườn tiêu để người ta thu hoạch cho kịp thời vụ, nhưng cũng không ai nhận. Hái khoán thì cuối ngày chia đôi sản lượng, nhưng tiêu mất mùa, nên cũng không đủ tiền công cho họ. Vì vậy họ không nhận thì mình cũng đành chịu và tự hái lấy”.

Gia đình ông Lê Văn Quyền, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) tìm người giao khoán vườn hồ tiêu để thu hoạch nhưng không có ai nhận.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, một hộ trồng tiêu ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), nếu nhân công hái tiêu theo công nhật, mỗi ngày nhận 200.000 đồng thì họ cứ biết vậy, hái xong là có tiền mang về. Còn những người nhận khoán vườn để hái, mỗi ngày một công lao động hái tối đa khoảng 20 kg tiêu tươi, nếu gặp vườn tiêu khó hái mà chỉ nhận 10 kg tươi thì họ bị lỗ. Vì thông thường, cứ 4 kg tiêu tươi mới được 1 khô, đó là tiêu đạt tiêu chuẩn. Với giá bán 34.000 đồng/kg thì không đủ ngày công của họ. Cũng vì thu hái theo hình thức khoán vườn không bằng tiền công nhật, nên nhân công lao động thường chọn vườn đạt năng suất, địa hình bằng phẳng, dễ di chuyển để hái. Vì vậy, các chủ vườn tiêu phải có những khoản ưu đãi nhất định mới giữ được chân người làm cho đến cuối vụ. Có nhiều chủ vườn hoặc tăng giá từ 20.000 – 30.000 đồng/ngày hay rút ngắn thời gian lao động xuống còn 7 giờ/ngày so với 8 giờ như trước để giải quyết vườn tiêu không bị hao hụt do lưu trên cây quá ngày và chín rụng.

Đến thăm một số vườn tiêu ở thôn 9, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), dù tiêu chín muồi nhưng vẫn thưa thớt người hái. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn 9, xã Kiến Thành, vụ thu hoạch tiêu năm nay, đa số các hộ dân tận dụng nhân công của gia đình để thu hái mỗi ngày một ít. Tại các vùng trồng tiêu tập trung diện tích lớn, dù đang mùa thu hái rộ, nhưng đến đâu cũng gặp cảnh đìu hiu vì đa số các vườn đều tận dụng công gia đình để bù lỗ vật tư và công chăm sóc.

Chưa năm nào việc thu hái hồ tiêu lại khó khăn đối với các chủ vườn như năm nay. Nông dân không chỉ gặp cảnh mất mùa mà nhân công thu hoạch còn đắt đỏ, khó thuê. Hiện giá thuê nhân công thu hoạch hồ tiêu có giá từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày. Trong khi hồ tiêu vụ này tiếp tục rớt giá thê thảm, chỉ còn 34.000 đồng/kg tiêu khô. Nhiều hộ gọi người hái tiêu theo kiểu khoán vườn để chia đôi sản phẩm, nhưng cũng chẳng ai nhận, nên phải đành tự sắp xếp thu hái được đến đâu hay đến đấy.

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, hiện toàn tỉnh có trên 34.000 ha hồ tiêu. Những năm qua, cây hồ tiêu là một trong số loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Nhưng hiện nay, giá hồ tiêu xuống thấp, chi phí đầu tư chăm sóc, thuê nhân công ngày càng tăng cao, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng như trước đây. Chính vì vậy, thời gian qua, có không ít hộ nông dân đã bỏ bê vườn cây, khiến cho tiêu bị nhiễm bệnh, năng suất kém… Trước thực tế đó, các cấp, ngành và chính quyền các địa phương đã triển khai các chương trình khuyến nông, kết nối thị trường để động viên, khuyến khích bà con tiếp tục duy trì chăm sóc vườn cây. Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất nhằm định hướng cho người dân theo hướng an toàn, hiệu quả. Các địa phương cũng chú trọng thực hiện tái canh một số diện tích hồ tiêu trồng trên đất không phù hợp, già cỗi, bị nhiễm bệnh để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như cây ngắn ngày hoặc đầu tư trồng xen các loại cây ăn trái nhằm cải thiện người thu nhập cho bà con.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nông dân liên kết phát triển nghề trồng nấm

Nguồn tin: Báo An Giang

Nghề trồng nấm ở xã Vĩnh Lợi (Châu Thành, An Giang) những năm gần đây có bước phát triển rõ rệt cả về quy mô lẫn chất lượng. Đặc biệt, với việc thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng nấm Hòa Lợi đã giúp nông dân có nơi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác trong quá trình sản xuất và hỗ trợ nguồn vốn…

Tham quan mô hình trồng nấm dạng trụ

Phát triển mô hình trồng nấm dạng trụ

Giống như nhiều hộ nông dân khác, sau mỗi vụ lúa, anh Dương Văn Tài (ấp Hòa Lợi 2) thuê đất để canh tác nấm. Tuy nhiên, trồng nấm rơm ngoài trời gặp nhiều rủi ro, nhất là thời tiết biến đổi thất thường như hiện nay khiến năng suất giảm đáng kể.

Năm 2017, anh Dương Văn Tài chuyển qua mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ, tính kinh tế và hiệu quả cao hơn gấp đôi so với trồng nấm rơm ngoài trời. Tuy nhiên, qua nhiều vụ trồng nấm cho thấy, trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ có nhiều điểm chưa phù hợp.

Năm 2019, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật từ Trạm Khuyến nông, anh Tài đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà với diện tích 105m2.

Theo anh Tài, so với phương pháp canh tác truyền thống, trồng nấm rơm trong nhà theo dạng trụ giúp nông dân quản lý tốt nhiệt độ, độ ẩm. Đây là điều kiện quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của nấm. Từ kinh nghiệm được đúc kết, anh Tài cho biết, khi độ ẩm trong nhà đạt 80% và nhiệt độ trong trụ từ 40-42% là cây nấm cho năng suất cao nhất.

Đánh giá về năng suất, anh Tài chia sẻ: “Trung bình mỗi mét mô ngoài trời thu hoạch khoảng 1,5kg nấm/vụ, còn mỗi trụ nấm thu hoạch trung bình 3 - 4 kg/vụ. Ngoài ra, trồng nấm rơm theo phương pháp này dễ chăm sóc và thuận lợi khi thu hoạch. Gia đình tôi thường thu hoạch nấm vào buổi sáng sớm, sau đó mang ra chợ bán. Nhờ vậy, nấm giữ được độ tươi hơn so với nấm thu hoạch ở ngoài trời”.

Hiện nay, anh Tài đang sở hữu 3 nhà trồng nấm với diện tích 450m2, trên 300 trụ. Với giá bán dao động từ 60.000 đồng/kg, chi phí mỗi trụ khoảng 70.000 đồng. Ngoài trồng nấm, anh còn tận dụng nguồn rơm sau sử dụng để trồng thêm hoa bán Tết và ủ phân rơm để bán cho các nhà vườn trồng cây ăn trái hoặc trồng hoa kiểng với giá 50.000 đồng/bao.

Thấy cách làm của anh Dương Văn Tài mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã đến học tập kinh nghiệm và được anh nhiệt tình hướng dẫn. Hiện nay, mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo dạng trụ đã được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Hiệu quả từ mô hình liên kết

Năm 2018, thấy mô hình trồng nấm rơm phát triển mạnh ở địa phương và giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi đã đứng ra vận động bà con nông dân liên kết sản xuất, thành lập THT trồng nấm Hòa Lợi.

Hiện nay, tổ có 11 thành viên, canh tác trên diện tích 1.120m2 (gồm diện tích trồng trong nhà và ngoài trời). Tổ trưởng THT trồng nấm Hòa Lợi Trần Công Tạo cho biết, đây là “ngôi nhà chung” để các nông dân yêu nghề trồng nấm có điều kiện giao lưu với nhau.

“Bình quân mỗi tháng, tổ tiến hành họp các thành viên 1 lần. Thông qua các buổi họp mặt, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác; những khó khăn, thuận lợi trong quá trình trồng nấm. Đặc biệt, các thành viên trong tổ còn thành lập quỹ góp vốn xoay vòng để giúp nhau vượt qua những khó khăn. Ngoài ra, tổ còn ký hợp đồng mua nguyên liệu về chia lại cho các thành viên trong tổ nhằm giảm giá thành sản xuất” - anh Tạo cho biết.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi Võ Hữu Dự đánh giá, mô hình trồng nấm nói chung và trồng nấm trong nhà nói riêng đã tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào từ rơm, vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi của nông dân, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Nhu cầu thị trường đối với nấm rơm khá lớn nên giá cao và ổn định. Bên cạnh đó, các chất hữu cơ còn lại sau thu hoạch nấm là nguồn phân bón rất tốt cho cây ăn trái và hoa màu, giúp người trồng nấm nâng cao thu nhập cho gia đình.

“Năm 2019, từ nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân đã hỗ trợ cho 3 hộ vay vốn xây dựng nhà trồng nấm, với tổng kinh phí 150 triệu đồng (50 triệu đồng/hộ). Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia mô hình. Đặc biệt là hướng tới xây dựng thương hiệu để sản phẩm nấm của bà con có được chỗ đứng trên thị trường” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi Võ Hữu Dự thông tin.

ĐỨC TOÀN

Hậu Giang: Giá vịt tàu, gà giảm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, giá vịt tàu (mắt xéo) ở thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) được thương lái mua với giá chỉ còn 36.000 đồng/kg, giảm 14.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Nguyên nhân giá vịt giảm là do đang lúc người nuôi xuất chuồng nhiều và ảnh hưởng dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số địa phương. Bà Lê Thị Mê, ở khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ, vừa xuất bán 100 con vịt tàu, cho biết giá vịt phải đạt từ 40.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi mới có lời. Với giá hiện tại, hầu như người nuôi không có lời.

Trong khi đó, giá gà Bình Định hiện nay ở mức 60.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Sau khi trừ chi phí chăn nuôi, đối với một con gà có trọng lượng 1,5kg người nuôi chỉ còn lời khoảng 15.000 đồng/con.

HOÀNG NHÂN

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh được đánh giá không chỉ có lợi thế cạnh tranh mà còn nhiều dư địa để phát triển chăn nuôi. Do đó, bằng nhiều giải pháp cụ thể, tỉnh đã và đang tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Chăn nuôi bò thương phẩm tại Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái). Ảnh: Mạnh Trường

Tháng 1/2017, dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống tại xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) do Công ty TNHH Phú Lâm làm chủ đầu tư đã đi vào vận hành. Đây cũng là dự án chăn nuôi bằng công nghệ tiên tiến lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, số lượng bò mà Công ty nuôi đã đạt 7.000 con, tăng 14 lần so với ngày mới đi vào hoạt động. Đàn bò tăng trưởng và có chất lượng tốt, sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao.

Với những tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh, Công ty dự kiến sẽ nâng đàn bò lên 20.000 con cho một lứa nuôi trong năm nay. Công ty đang xây dựng khu giết mổ bò tập trung, khu bảo quản, mở rộng vùng trồng nguyên liệu thức ăn… nhằm tạo ra một chuỗi sản xuất khép kín. Qua đó, không chỉ giúp Công ty chủ động về nguyên liệu, mà còn góp phần nâng cao đời sống, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Mới đây, Tập đoàn TH True Milk đã đề xuất, khảo sát, tiến hành các bước đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sữa, khu chế biến dược liệu kết hợp với trồng cây ăn quả, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái tại huyện Đầm Hà.

Trong đó, Tập đoàn sẽ xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ trang trại, liên kết với người dân để trồng, cung cấp nguyên liệu với diện tích khoảng 400ha; đầu tư khu chế biến dược liệu kết hợp với phát triển nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, trồng cây ăn quả… Dự án sẽ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Chăn nuôi lợn nái công nghệ cao tại Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả).

Không chỉ hai doanh nghiệp kể trên, trước đó, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực với sự tham gia của một số doanh nghiệp triển khai các dự án chăn nuôi với quy mô lớn như: Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh, Công ty CP Phát triển nông lâm nghiệp Bình Minh...

Xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Tiêu biểu là chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 30/7/2019. Đối với từng dự án, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất 70% tổng mức đầu tư, không quá 3 tỷ đồng/dự án/năm.

Thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập; 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư...

Ngoài ra, tỉnh cũng có một số chính sách đặc thù: Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ... Hàng năm, tỉnh sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư trong việc đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, dịch vụ tư vấn và áp dụng khoa học công nghệ... Các địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... cho doanh nghiệp triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, bền vững với môi trường.

Thời gian qua, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất danh mục dự án nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên một số dự án chăn nuôi theo hướng tập trung làm cơ sở để tỉnh quyết định chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Theo đó, trong số 60 dự án nông nghiệp, nhiều dự án chăn nuôi đã được phê duyệt danh mục khuyến khích đầu tư như: Dự án chăn nuôi gia súc tại Bình Liêu; dự án chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung công nghệ cao tại Đầm Hà; dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bảo tồn và phát triển giống gà Tiên Yên... Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Cao Quỳnh

Hai ‘gã khùng’ và khát vọng mang tên ‘Yến sào Kon Tum’

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Với khát vọng tạo nên một thương hiệu mang “hơi thở” núi rừng Kon Tum, Đặng Xuân Hùng và Đinh Xuân Tâm chấp nhận bị gọi là “khùng”, dồn thời gian, tiền bạc và tâm huyết nuôi loài chim được ví như lộc trời - chim yến.

1.Khi ráng chiều tắt dần sau dãy núi xanh lam, trên nền trời xám bắt đầu xuất hiện từng bóng đen nhỏ bé vun vút từ xa lao tới, rồi hợp thành đàn, bay quẩn trên nóc nhà, ríu rít kêu tìm bạn trước khi chui vào căn nhà cao lênh khênh, kín như hộp diêm. Loáng cái, trên đầu chúng tôi rợp những đôi cánh nhỏ bé.

Miên man ngắm nhìn những đôi cánh đang vi vút đập gió ấy mà trong tôi cồn lên suy nghĩ: Nếu đổi lại là mình, liệu có dám dốc hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng để thực hiện cuộc phiêu lưu "5 ăn 5 thua" này không?

Như đoán được suy nghĩ của tôi, Đặng Xuân Hùng cười lớn: Thế thì người ta mới gọi chúng tôi là "hai gã khùng" chứ. Đùa thôi, chứ để nuôi yến thành công, vốn đầu tư là một chuyện, ăn nhau là ở tinh thần ham học hỏi, nắm bắt kỹ thuật và một chút may mắn nữa.

Và rồi, trong ánh sáng chạng vạng, trong tiếng ríu rít tần số cao của hàng ngàn con chim yến về tổ, tôi đã được nghe 2 ông chủ nhà nuôi yến trải lòng xung quanh những vui buồn đã qua và những trăn trở, dự định trong tương lai.

Chim yến tìm về ''nhà'' sau một ngày kiếm ăn. Ảnh: TH

Kể ra ông trời cũng khéo sắp đặt, Đặng Xuân Hùng thì bộc trực, quyết liệt và hào sảng, đôi khi cách nói chuyện "thẳng ruột ngựa" của anh dễ gây cảm giác hơi… bốc đồng; trong khi đó, Đinh Xuân Tâm thì chỉn chu, cẩn thận và điềm đạm. Hai con người, hai tính cách ngỡ như trái ngược ấy lại tâm đầu ý hợp trong "chuyện làm ăn", và chẳng bao lâu sau, cả hai phát hiện rằng, hóa ra "chúng ta" có khá nhiều điểm chung, ít nhất là sự đam mê nuôi yến, sự quyết liệt, bài bản trong công việc và cả một chút… máu liều.

Không ít người ở Kon Tum đã và đang nuôi yến. Người ta truyền tai nhau rằng, việc đầu tư xây nhà nuôi yến chứa đựng rủi ro cao bởi vì xây nhà xong chưa chắc yến đã vào, vào chưa chắc đã ở, ở chưa chắc đã làm tổ hoặc làm tổ ít, từng có những dự án thất bại, qua cả năm trời mà chỉ lơ thơ dăm ba cặp yến tìm về. Trong bối cảnh ấy, việc đổ tiền nuôi yến rõ ràng là liều - Đinh Xuân Tâm nhớ lại.

Có một điều may mắn là, Đặng Xuân Hùng từng sinh sống mấy năm ở Khánh Hòa - vùng đất có truyền thống làm nghề khai thác tổ yến trên đảo trước đây, và nuôi yến nhà sau này. Khi ấy, dù không nghĩ rằng sau này chính mình sẽ nuôi yến, nhưng do yêu thích mà Hùng đã bỏ nhiều công sức, thời gian tìm hiểu về chim yến, nên anh khá am hiểu tập tính và môi trường sinh sống của chúng.

Khu nhà nuôi yến được đầu tư bài bản, với quy trình kỹ thuật khắt khe. Ảnh: TH

Năm 2018, bằng kinh nghiệm của mình, Đặng Xuân Hùng lờ mờ đoán được rằng, khu đất rộng cả mấy héc ta ở tổ dân phố 1, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum của gia đình có thể làm nhà nuôi yến được, bởi ở đây thoáng đãng, sát cánh đồng nên không ảnh hưởng đến những nhà xung quanh, lại có ao hồ. Đặc biệt hơn cả, vào những buổi chiều cho cá ăn, Hùng phát hiện có những cánh yến lượn lờ, chấp chới trên mái nhà.

Vì vậy, sau nhiều đêm dài trăn trở, suy nghĩ, bàn bạc, tranh luận, Đặng Xuân Hùng và Đinh Xuân Tâm quyết định khởi đầu "cuộc phiêu lưu" mới: nuôi yến.

2.Nhưng "lờ mờ đoán" là một chuyện, để bắt tay vào làm lại đòi hỏi phải có nghiên cứu, có "luận cứ, luận chứng" thuyết phục đàng hoàng, không thể làm lụi được. Bài học thất bại của một số người đi trước còn đó.

Chúng tôi quyết định đi tìm thuê các chuyên gia giỏi về khảo sát, xác định vùng hoạt động của chim yến. Hàng tháng trời quan sát bằng mắt thường, sau đó là sử dụng các trang thiết bị hiện đại để thử âm trong các buổi chiều, từ 16h-18h (là khung giờ chim kiếm ăn về). Kết quả thử mỗi ngày (lượng chim, hướng chim bay) đều được quan sát và ghi lại cụ thể làm cơ sở để đánh giá- Đặng Xuân Hùng kể.

Đặng Xuân Hùng (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về sản phẩm yến sào. Ảnh: TH

Sau thời gian dài nghiên cứu, xác minh thực tế, các chuyên gia đã khẳng định có thể xây dựng nhà nuôi yến ở 2 vị trí, tại khu rừng cao su ở xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum), và tại khu vườn của gia đình Đặng Xuân Hùng (ở tổ dân phố 1, phường Ngô Mây), bởi nơi đây nằm trúng luồng chim yến từ Khánh Hòa lên, từ Lào sang.

Ngay lập tức ý tưởng được triển khai với sự bài bản hiếm thấy. Cả hai chạy đôn chạy đáo hoàn tất các thủ tục, từ rà soát quy hoạch, khai báo với phòng chức năng đến xin phép xây dựng, tìm đầu mối cung ứng nguyên vật liệu đạt chuẩn, mua sắm trang thiết bị… "Đã làm là phải bài bản, đàng hoàng, không thì thôi" - Hùng từng đốp chát lại một người bạn khi người này cho rằng đang làm việc thừa, vì "bao nhiêu người làm rồi, có ai kỹ như vậy đâu".

Xét cho cùng đây cũng là điều nên làm, vì nguồn vốn đầu tư không hề ít. Chi phí cho khu nhà nuôi yến ở tổ dân phố 1, phường Ngô Mây (xây nhà, mua sắm trang thiết bị…) hết khoảng 1,3 tỷ đồng; chi phí cho khu nhà nuôi yến ở xã Đăk Cấm cũng xấp xỉ, chưa biết kết quả thế nào, đầu tư ban đầu mất đứt 2,5 tỷ đồng, phần lớn là vốn vay ngân hàng, nên chẳng dại gì mà làm kiểu chụp giật.

Bắt tay vào làm rồi mới thấy, nuôi yến khó thật. Có người nói, nuôi chim yến dễ vì không cần phải lo lắng về việc lựa chọn con giống, cũng không cần phải lo lắng về nguồn thức ăn cho chim vì sáng sớm chúng bay ra khỏi tổ đi kiếm ăn, chiều tối mới trở về. Nhưng trên thực tế, nếu muốn thành công, phải tuân thủ những quy trình kỹ thuật khắt khe.

Hệ thống sấy tổ yến. Ảnh: TH

Trước hết là trong xây dựng và lắp đặt thiết bị. Muốn thu hút chim yến về ở nhiều và nhanh, nhà nuôi yến phải đảm bảo các yêu cầu sau “mưa không ồn, nắng không nóng, thoáng không khí, không lọt sáng, ngăn phòng hợp lý, tạo đường bay độc lập”. Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, yến có về thì cũng sẽ đi.

Ở tỉnh ta, đặc thù khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, nên nhà nuôi yến còn phải lắp đặt hệ thống sưởi khi thời tiết lạnh, hệ thống làm mát khi thời tiết nóng, luôn đảm bảo nhiệt độ trong nhà yến từ 27-300C, độ ẩm từ 65% - 80%. Vì vậy, trong nhà yến còn phải lắp đặt hệ thống giám sát nhiệt độ và độ ẩm không khí.

Xây dựng xong nhà nuôi, lắp đặt hoàn tất trang thiết bị, bật loa lên, cả 2 bỏ ăn bỏ ngủ thấp thỏm rình coi yến có về không. Khi những cặp yến đầu tiên lượn vòng trên nóc nhà rồi theo "cửa" chui vào, chúng tôi mừng đến phát khóc, sau đó, yến về ngày một nhiều, chưa đầy năm đã được hàng ngàn cặp, và may mắn thay, đúng 1 năm sau, chúng tôi đã được thu hoạch mẻ đầu tiên - Hùng hào hứng.

Theo giải thích của anh, gọi là may mắn vì không phải ai nuôi yến cũng thành công, hoặc nếu thành công thì cũng phải vài ba năm sau mới được thu hoạch.

Đinh Xuân Tâm và Đặng Xuân Hùng với mẻ tổ yến đầu tiên. Ảnh: TH

3.Trong căn nhà gỗ nhỏ xinh được bọc kính dày xung quanh, chị Hồng (vợ Đặng Xuân Hùng) đang tỉ mẩn dùng nhíp nhặt nhạnh từng mảnh tạp chất, lông chim li ti trong tổ yến. Có lẽ đây là công việc đòi hỏi sự cẩn thận, dẻo dai và kiên nhẫn nhất mà tôi từng biết.

Dụng cụ để làm sạch tổ yến thô cũng khá đơn giản, gồm thau sạch màu trắng hoặc màu nhạt để dễ thấy lông lẫn trong tổ yến; nhíp gắp; rây sạch, có lỗ nhỏ; muỗng; đĩa hay chén để đựng yến sạch.

Chăm chú gắp từng mẩu tạp chất màu đen nổi lên giữa nền trắng của tổ yến, chị Hồng cho biết, việc thu hoạch tổ yến cũng có mùa, người nuôi phải tránh thời gian chim yến làm tổ và sinh sản (khoảng tháng chạp năm trước đến hết tháng giêng năm sau). Vì vậy, người nuôi thường thu hoạch tổ yến ở 3 thời điểm: trước khi chim đẻ trứng; khi chim yến đẻ được 2 quả trứng; sau khi chim yến đã rời tổ. Việc thu hoạch ở mỗi thời điểm đều có những ưu điểm và hạn chế khác nhau.

Theo chị Hồng, hiện nay, mỗi tháng 2 nhà yến cho thu hoạch khoảng 5-6 kg, đáng mừng là sản lượng đang tăng dần bởi đàn chim đã “an cư lạc nghiệp” và sinh sản không ngừng.

Sản phẩm “Yến sào Kon Tum” hiện được bán với giá vừa phải: 25 triệu đồng/1kg yến thô; 5 triệu đồng/kg yến tươi; 40 triệu đồng/kg yến tinh đã làm sạch, sấy khô. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến mua nhưng không được vì sản lượng có hạn.

Sau khi thu hoạch, tổ yến thô được làm sạch nếu khách hàng có yêu cầu. Ảnh: TH

Điều đáng nói là ngay từ khi triển khai ý tưởng nuôi yến, hai "gã khùng" đã nghĩ ngay đến việc xây dựng thương hiệu yến sào Kon Tum một cách nghiêm túc, bài bản nhằm giúp người tiêu dùng phố núi tiếp cận được những sản phẩm yến nhà chất lượng và uy tín.

Được biết, hiện nay, ở Kon Tum đã có một số người đầu tư nuôi yến, nhưng tất cả đều chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu một định hướng bài bản về phát triển cũng như xây dựng thương hiệu.Xuất phát từ thực tế đó, tháng 4/2019, Hùng và Tâm đã quyết định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Yến sào Kon Tum lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ngày 20/1/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, không lâu nữa, cơ sở nuôi yến của hai người sẽ được công nhận sở hữu nhãn hiệu này.

Trên thị trường đã có các thương hiệu Yến sào Khánh Hòa, Yến sào Bình Thuận, Yến sào Phú Yên…, vậy thì sao không thể có Yến sào Kon Tum? Tôi nghĩ rằng, nếu chúng tôi quyết tâm, hoàn toàn có thể đưa tên Kon Tum vào "bản đồ" yến sào Việt Nam - Đinh Xuân Tâm bộc bạch.

Bỗng dưng tôi nhớ lại hình ảnh những đôi cánh nhỏ vi vút đập gió tìm về "nhà" trong ráng chiều, và có niềm tin mãnh liệt rằng, khát vọng về một thương hiệu riêng cho yến sào phố núi của hai "gã khùng" sẽ trở thành hiện thực.

Có người nói 2 cậu ấy… khùng, khi bỏ hàng tỷ đồng ra để “đánh bạc”, để “mơ hái lộc trời”, trong khi một số người đi trước đang lao đao, lại còn đăng ký nhãn hiệu gì đó nữa. Nhưng tôi thì tin rằng họ sẽ thành công. Bởi tôi đọc được trong ánh mắt, trong cách làm của họ sự quyết tâm và khát vọng chinh phục mục tiêu phía trước- một người từng nuôi yến đã nói về Ðặng Xuân Hùng và Ðinh Xuân Tâm như vậy.

Thành Hưng

Bố Trạch (Quảng Bình): Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Với những định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp, những năm qua, Bố Trạch đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi mới hoạt động hiệu quả, góp phần đa dạng hóa vật nuôi trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình còn tự phát, nhỏ lẻ và phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa tập trung. Để người dân mở rộng đầu tư sản xuất, chăn nuôi gia công theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, tính bền vững cao, Bố Trạch cần tiếp tục có chính sách khuyến khích phù hợp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bố Trạch đã hình thành các mô hình chăn nuôi mới, như: chăn nuôi thỏ ở xã Đại Trạch, Đồng Trạch; chim cút sinh sản ở xã Nhân Trạch; dê ở xã Xuân Trạch, Sơn Trạch, Thượng Trạch; chim trĩ ở xã Lý Trạch; hươu lấy nhung ở Tây Trạch, Lý Trạch,... Đây là cơ sở để huyện thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu con nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, có giá trị kinh tế cao.

Đàn dê thương phẩm ở xã Xuân Trạch phát triển ổn định, cho thu nhập cao.

Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết: “Ngoài các mô hình nuôi dê thả núi, Xuân Trạch còn có mô hình nuôi dê thương phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái. Bà con tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên ở vùng núi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó chú trọng phát triển đàn dê. Hiện, Xuân Trạch có 7/10 thôn có mô hình chăn nuôi dê với 16 hộ nuôi, tổng đàn hơn 400 con. Trong đó, tại thôn 2 có mô hình nuôi dê trên vùng núi Hung Lầm, vừa để chế biến thức ăn vừa phát triển du lịch sinh thái”.

Mô hình nuôi dê thương phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái là của hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Ánh ở thôn 2, xã Xuân Trạch. Ông Ánh cho hay: “Đàn dê từ khi thả nuôi đến 6 tháng sau là có thể xuất chuồng hoặc sinh sản. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn phong phú trong tự nhiên nên đàn dê của gia đình có chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Với giá bán dao động từ 120-160 nghìn đồng/kg thịt dê, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, góp phần trang trải chi phí và nâng cao đời sống”.

Theo đánh giá chung của Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, những năm qua, với định hướng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, Bố Trạch đã hình thành các trang trại chăn nuôi lợn thịt với quy mô từ 1.000-2.000 con/lứa, trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại với quy mô 100-200 nái ngoại; các gia trại chăn nuôi bò với quy mô 50-100 con bò lai; chăn nuôi gà với quy mô 3.000 con/lứa.

Huyện cũng chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 2 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAHP (cơ sở chăn nuôi gà thịt ở Trung Trạch, cơ sở chăn nuôi lợn ở Thanh Trạch). Đây là hướng đi đúng đắn của Bố Trạch, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã huy động tốt các nguồn lực từ người dân và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 của Trung ương; nguồn vốn dự án SRDP, để thực chuyển đổi cơ cấu con nuôi phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi của Bố Trạch giữ ổn định dù có những khó khăn nhất định. Số lượng đàn tăng chậm nhưng chất lượng đàn tăng lên, ý thức của người chăn nuôi được nâng lên rõ rệt; chăn nuôi đang chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp.

Các giống gà mới chất lượng cao được người dân huyện Bố Trạch ưu tiên đưa vào chăn nuôi, mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, đến nay, Bố Trạch vẫn đang loay hoay, chưa thực hiện được quy hoạch chăn nuôi theo vùng để tận dụng các lợi thế sẵn có; tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, thả rông trâu bò vẫn còn. Mặt khác, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn nằm đan xen trong khu dân cư nên khâu xử lý chất thải chưa được bảo đảm, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và là nguyên nhân phát triển các loại dịch bệnh…

Bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa có thói quen đánh giá về thị trường trước khi quyết định đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư chủ yếu theo tính tự phát, nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, thường xuyên bị tư thương ép giá. Các yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, như: dịch bệnh thường xuyên xảy ra; tình hình thời tiết khắc nghiệt, diện tích cỏ trồng làm thức ăn cho trâu bò bị ngập úng vào mùa đông, cháy khô vào mùa hè.

Thêm nữa, giá cả đầu vào phục vụ ngành chăn nuôi đều tăng, như: giống, thức ăn, thuốc thú y, dụng cụ chuồng trại, trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm luôn biến động, có lúc giảm mạnh. Đây là những yếu tố bất lợi trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của người nông dân. Một số người dân thiếu vốn đầu tư cho chăn nuôi, các nguồn vốn cho vay phát triển chăn nuôi còn rất hạn chế, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn gần như chưa tiếp cận được các nguồn vốn cho vay ưu đãi.

Để ngành chăn nuôi trên địa bàn phát triển, đem lại hiệu quả cao, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, Bố Trạch đã chỉ đạo các ban, ngành phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ; hướng dẫn trực tiếp cho người chăn nuôi cách phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm; lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con nông dân tuân thủ quy trình vệ sinh thú y trong chăn nuôi để bảo đảm khâu quản lý dịch bệnh.

Đặc biệt, để thay đổi dần tập quán mua con giống không rõ nguồn gốc trong nhân dân, huyện chú trọng giới thiệu cho bà con các loại giống mới, một số địa chỉ cung ứng con giống chất lượng. Trước đây, bà con nông dân thường mua con giống không rõ nguồn gốc nên trong quá trình chăn nuôi gặp phải khó khăn như chậm lớn hoặc chất lượng kém. Hiện nay, do đã có quy định cụ thể về quản lý con giống nên các hộ chăn nuôi đã mua giống tại các trung tâm giống uy tín, có lý lịch rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm tại địa phương.

“Trên cơ sở đó, Bố Trạch tiếp tục duy trì các mục tiêu phát triển về chăn nuôi trong thời gian tới; cụ thể: tỷ lệ đàn bò lai tăng dần hàng năm, tổng đàn gia cầm trên 1 triệu con; phấn đấu nâng tổng đàn trâu bò gần 40.000 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 23.000 tấn. Riêng đối với tổng đàn lợn, hiện tại, tình hình dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến khó lường, nên khuyến cáo bà con chuyển đổi con nuôi và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để ổn định tổng đàn ở mức 60.000 con”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, trao đổi thêm.

Hương Trà

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop