Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 02 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 02 năm 2021

Tây Ninh: Nhiều hướng đi để nâng cao giá trị cây nhãn

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Việc sản phẩm nhãn Hoà Thành (Tây Ninh) được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu không chỉ tạo cơ hội nâng cao giá trị thương hiệu mà còn giúp nông dân có thêm động lực phát triển sản xuất.

Thu hoạch nhãn trên địa bàn xã Trường Ðông (thị xã Hoà Thành).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, diện tích nhãn trên địa bàn tỉnh gần 4.000 ha, tập trung chủ yếu các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, thị xã Hoà Thành… năng suất bình quân đạt 17 tấn/ha.

Theo đó, nhãn là một trong những loại cây ăn trái đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, gần đây, nhiều vụ nhãn liên tiếp rơi vào tình trạng được mùa - mất giá, khiến người trồng không có lợi nhuận.

Cần chuyển đổi giống nhãn có chất lượng

Nhiều năm trước đây, trái nhãn tiêu da bò được thị trường Campuchia và Trung Quốc săn đón, cây nhãn được coi là cây “hái ra tiền”, nhiều người đua nhau trồng. Gần đây, nhãn liên tục rớt giá, có khi chỉ 3.000 đồng - 4.000 đồng/kg. Với giá như vậy, mỗi héc-ta, nông dân thất thu hàng chục triệu đồng.

Trước tình hình này, một số nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống nhãn khác thay thế nhãn da bò để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí đầu tư. Hiện giống nhãn tiêu da bò chiếm khoảng 90% tổng diện tích, 10% diện tích còn lại chuyển sang trồng các giống khác như nhãn xuồng và Ido.

Qua tìm hiểu thực tế, ông Trần Văn Liền (ngụ ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) nhận thấy nhãn xuồng cơm vàng là một trong những giống có chất lượng vượt trội so với các giống nhãn da bò, nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn, giá bán cao. Năm 2018, ông quyết định trồng 2 ha nhãn xuồng cơm vàng ghép trên gốc nhãn da bò, thành công khoảng trên 90%.

“Nhãn xuồng cơm vàng nhẹ công chăm sóc nhưng phải bảo đảm đủ phân bón để trái to, mẫu mã đẹp. Do giống nhãn có khả năng kháng bệnh tốt nên tôi sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật. Từ lúc nhãn ra bông đến khi thu hoạch hơn 4 tháng, giá bán lại cao gấp 4 lần so với nhãn da bò nên lợi nhuận cao”- ông Liền chia sẻ thêm.

Từ hiệu quả của mô hình, ông Liền hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân trồng nhãn cùng làm theo, giúp nhà vườn nâng cao giá trị cây nhãn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.

Ông Phan Ðình Vũ (ấp Thuận Tân, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) cho biết, trong những năm qua, giá cả nhãn tiêu da bò bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định làm cho người trồng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thu nhập bị giảm sút.

Vì vậy, việc chuyển đổi sang giống nhãn khác có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao là cần thiết. Trong đó, giống nhãn Mỹ có tỷ lệ bệnh chổi rồng thấp, khả năng sinh trưởng tốt, có năng suất và chất lượng cao phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương.

Theo ông Vũ, sau khi chuyển đổi 1 ha nhãn tiêu da bò kém hiệu quả sang nhãn Mỹ, vụ thu hoạch đầu tiên cho năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha với hơn 80% trái đạt loại 1, giá bán bình quân 27 triệu đồng/tấn, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng/ha/vụ.

So với nhãn tiêu da bò cùng độ tuổi, năng suất chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 22 triệu đồng. Ðiều đó cho thấy việc trồng nhãn Mỹ thay thế giống nhãn tiêu da bò là hướng chuyển đổi đúng, bởi vùng đất tại địa phương thích hợp cho cây phát triển tốt, năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh, ít bị rụng trái trong quá trình thu hoạch, vận chuyển.

Sau nhiều lần tìm hiểu, giống nhãn Ido được ông Nguyễn Văn Huyện (xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) đánh giá cao và quyết định chuyển đổi 0,5 ha sang trồng. Không như nhiều loại cây ăn trái khác, nhãn Ido nhẹ chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc lại phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển tốt, có khả năng kháng bệnh cao, ít bị bệnh chổi rồng và rụng trái non nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm được chất lượng trái và cho năng suất trái cao. Ðặc biệt, trái nhãn Ido có vị ngọt thanh, ít nước, cơm ráo, dày, có thể để lâu, vận chuyển xa mà tỷ lệ hao hụt ít nên rất được thị trường ưa chuộng.

Vườn nhãn của gia đình ông Huyện đang chuẩn bị cho trái, với giá từ 29.000 - 35.000 đồng/kg, ước tính vụ nhãn năm nay, ông thu hoạch hơn 5 tấn trái, trừ các chi phí, ông cầm chắc trong tay hơn 100 triệu đồng.

Theo Sở NN&PTNT, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh thuận lợi để phát triển cây nhãn; nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất; sản lượng nhãn đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng của người dân nội tỉnh, tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lân cận và Campuchia.

Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm

Thị xã Hoà Thành được xem là “thủ phủ” trồng nhãn của tỉnh với tổng diện tích gần 1.500 ha, chủ yếu giống nhãn da bò. Ðể khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Thị xã tiếp tục sản xuất nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhãn; tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ngày 15.5.2020, nhãn Hoà Thành được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá. Ông Ðinh Văn Tỷ- vừa là người trồng, vừa là người thu mua nhãn trên địa bàn xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành phấn khởi khi biết vùng chuyên trồng nhãn của thị xã Hoà Thành đã có chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. "Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có cơ hội liên kết, hợp tác với nông dân Hoà Thành”.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, người trồng nhãn tiêu da bò trên địa bàn xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành cho biết: “Từ lâu, cây nhãn trở thành cây trồng chính giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông dân.

Việc sản phẩm nhãn Hoà Thành được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu không chỉ tạo cơ hội nâng cao giá trị thương hiệu mà còn giúp nông dân có thêm động lực phát triển sản xuất. Tôi cùng nhiều nông dân khác luôn ý thức trong việc xây dựng nhãn hiệu trái nhãn và cải thiện canh tác sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Nhằm tăng cường quảng bá và khẳng định chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm nhãn Hoà Thành, Hội Nông dân Thị xã cho biết, Hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan sử dụng, quản lý nhãn hiệu nhãn Hoà Thành một cách có hiệu quả.

Ðịa phương sẽ tập trung thực hiện một số nội dung như: xây dựng và hướng dẫn người dân trồng nhãn theo đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP; tạo điều kiện để sản phẩm nhãn Hoà Thành tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, góp phần phát triển nhãn hiệu bền vững; tổ chức xây dựng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Nhi Trần

Sản xuất thanh long VietGAP, GlobalGAP: Hướng đi tất yếu

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Việc thay đổi nhận thức nông dân làm GAP trong sản xuất thanh long là rất cần thiết nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh trái thanh long Bình Thuận trên thị trường xuất khẩu.

Sử dụng bóng tiết kiệm điện để chong đèn thanh long.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đẩy mạnh vận động người dân tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để phục vụ nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu vào châu Âu. Đây là hướng đi bền vững, mang tính “sống còn” cho trái thanh long, bởi không chỉ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay mà còn nâng cao giá trị cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu. Hội Nông dân có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất thanh long bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận. Hiện nay khi thị trường Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” khi nước này siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn; trong đó, yêu cầu phải có chứng nhận vùng trồng.

Mặc dù thanh long Bình Thuận đã được xuất khẩu qua nhiều thị trường ở các châu lục chiếm từ 80 - 85%, nhưng thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn chủ lực hơn 90% sản lượng thông qua hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch. Hội Nông dân tỉnh, các cấp trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền giúp nông dân hiểu rõ chính sách phát triển thanh long bền vững, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hướng cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Một số cách làm đã đem lại hiệu quả, hỗ trợ nông dân trong tỉnh như phối hợp với Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông đưa vào sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng kích thích ra hoa trái vụ tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất. Phối hợp với Công ty Enzyma triển khai một số mô hình ứng dụng sinh học trên cây thanh long…

Còn tại huyện Hàm Thuận Bắc, thanh long là cây trồng chủ lực với diện tích khoảng 8.630 ha, trong đó có 3.540 ha thanh long VietGAP. Hàng năm diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP của huyện đều đạt từ 95% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Ông Trần Ngọc Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Huyện tập trung chỉ đạo, vận động tuyên truyền phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị và coi đây là khâu then chốt, đặc biệt để tiêu thụ thanh long được ổn định và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp trong quá trình sản xuất và giám sát. Theo Hội Nông dân tỉnh, hiện tại đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn sạch, an toàn do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2025 sẽ phấn đấu diện tích trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP đạt hơn 70%. Do đó để giải quyết bài toán này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cho người sản xuất và tiêu dùng, cần tập huấn cho cán bộ hướng dẫn nông dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến để mở rộng thị trường tiêu thụ hiệu quả, khắc phục phụ thuộc tiêu thụ nông sản tươi ở một thị trường nhất định theo đường tiểu ngạch.

Đến cuối năm 2020, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 690.000 tấn. Toàn tỉnh có trên 11.419 ha thanh long được công nhận đạt chuẩn VietGAP và 517 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

T.Duyên

Phú Yên: Ra đồng phòng trừ sâu keo mùa thu

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân xã An Định (huyện Tuy An) cày xới đất soi, phun thuốc phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại bắp. Ảnh: LÊ TRÂM

Từ sau Tết đến nay, sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại bắp non tại huyện Sông Hinh, Tuy An và Phú Hòa (tỉnh Phú Yên). Cây bắp nếu đã bị sâu này gây hại thì rất khó phục hồi, vì chúng thường cắn đứt ngọn. Nông dân các địa phương đang tập trung ra đồng phòng trừ sâu keo mùa thu hại bắp.

“Kẻ hủy diệt” cây trồng

Trên cánh đồng bắp ven sông Cái thuộc xã An Định (huyện Tuy An), nông dân ra đồng cày xới đất, phun thuốc trừ sâu keo mùa thu. Ông Bùi Văn Minh ở xã An Định cho biết: Vui ba bữa Tết xong nông dân ở đây ra đồng chăm sóc, phòng trừ sâu keo mùa thu. Con sâu này thường nằm dưới nách lá, chui vô giữa vòi sen cắn cụt đọt. Buổi sáng nó chui xuống đất nấp dưới đó, muốn phun thuốc diệt trừ phải dùng cày tay (loại cày độ bánh bằng vành xe đạp), xới đất cục lên rồi phun mới trừ được.

Cạnh đó, bà Huỳnh Thị Thanh Cúc vãi phân đám bắp, chia sẻ: Vùng này nông dân trồng bắp tháng 3 là vụ chính (thu hoạch tháng 3 âm lịch). Trước Tết xuống giống gieo bắp, đến nay bắp ra 3-5 lá non thì sâu keo mùa thu cắn phá, nông dân phải phun thuốc trừ. Kinh nghiệm năm trước, khi sâu keo mùa thu xuất hiện cắn phá bắp ra 6-7 lá thì việc phun trừ hiệu quả, còn để bắp lớn gần trổ cờ thì khó tiêu diệt loại sâu này.

Cũng theo bà Cúc, vùng đất ven sông Cái này là đất phù sa “ưa” cây bắp. Tuy nhiên vụ này sâu keo mùa thu cắn nát đọt bắp, nông dân rất lo lắng. “Trước đây gia đình tôi có đám bắp bị sâu keo mùa thu tấn công, ăn như bò cắn trụi lá, tôi đành phá bỏ, gieo đậu xanh”, bà Cúc cho biết thêm.

Qua kiểm tra, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An ghi nhận sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại 8ha. “Sâu keo mùa thu là loại sâu đa thực (ăn nhiều loại cây trồng), được xem là “kẻ hủy diệt” cây trồng. Khi phát hiện sâu keo mùa thu, trạm tổ chức đi thực tế hướng dẫn nông dân phòng trừ”, ông Nguyễn Tuấn Luân, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An nói.

Ngăn chặn lây lan

Tại huyện Sông Hinh, ngành Nông nghiệp ghi nhận sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại 0,1ha. Còn vùng trồng bắp dọc sông Ba thuộc xã Hòa An (huyện Phú Hòa), sâu keo mùa thu gây hại 0,5ha. Ông Phan Văn Kim, nông dân trồng bắp ở xã Hòa An cho hay: Tôi trồng 2 sào bắp lai, sâu xuất hiện cắn nát đọt. Loại sâu này phun thuốc khó chết vì ban đêm nó ra ăn lá, ban ngày chui vô nách lá nằm nên khi phun thuốc khó ướt đến. Tôi phun 2 lần thuốc liên tiếp trong 4 ngày, sâu có giảm nhưng vẫn còn cắn phá, vạch trong lá thấy có trứng sâu.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất mạnh, một cá thể sâu trưởng thành có thể ăn hết phần ngọn cây bắp trong vài ngày. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây với mật độ từ 4-8 con/m2.

Thống kê của Sở NN-PTNT, đến nay nông dân trong tỉnh trồng 240ha bắp, giai đoạn nảy mầm ra lá non. Theo kế hoạch, năm nay nông dân trồng 6.000ha bắp, năng suất 47,3 tạ/ha, sản lượng 25.021 tấn. Xu hướng sản xuất đang phát triển mạnh bắp ăn tươi và bắp sinh khối với các giống bắp lai MAX68, HN88, NK88, ADI601… Diện tích trồng bắp thì nông dân chuyển đổi đất trồng lúa bấp bênh sang cây trồng cạn mang lại thu hoạch cao cho nông dân.

Gần đây, ngành Nông nghiệp tiến hành khảo nghiệm các giống bắp lai phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 1,4ha, tại huyện Tây Hòa, gồm bắp HN88, Gold99 và Nếp lai 601. Kết quả vụ đông xuân 2020, giống Gold99 cho năng suất tươi cao nhất 17,5 tấn/ha; vụ hè thu 2020 giống HN88 cho năng suất tươi cao nhất đạt 19,2 tấn/ha, giống Gold99 cho năng suất tươi 18,7 tấn/ha. Hiện nay, sâu keo xuất hiện gây hại bắp nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, Sở NN-PTNT yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương tăng cường điều tra phát hiện sâu keo mùa thu, qua đó thông tin cho nông dân biết về tác hại và hướng dẫn biện pháp quản lý sâu hại.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Thời gian qua, sâu keo mùa thu tập trung gây hại tại các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Sông Hinh, TX Đông Hòa. Dự báo trong thời gian đến, sâu keo mùa thu tiếp tục phát sinh gây hại cây bắp trên diện rộng, nguy cơ làm giảm năng suất và sản lượng nếu không phòng trừ kịp thời. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường điều tra phát hiện sớm sâu keo mùa thu hại bắp, hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng trừ, tiêu diệt nhanh, ngăn chặn sự lây lan gây hại.

MẠNH LÊ TRÂM

Khó khăn tiếp tục bủa vây người trồng tiêu

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Như mọi năm, khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây người trồng tiêu trong thời điểm thu hoạch. Giá tiêu xuống thấp, chi phí nhân công cao và khan hiếm khiến nông dân loay hoay tìm đường xoay xở.

Sản lượng, giá thành thấp, trong khi chi phí đầu tư cao khiến người trồng tiêu gặp không ít khó khăn. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại hộ ông Phạm Văn Phương (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức).

DIỆN TÍCH, SẢN LƯỢNG GIẢM MẠNH

Dù thời gian thu hoạch hồ tiêu đã bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán, những đến hôm nay gia đình ông Phạm Văn Phương (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mới thuê được người thu hoạch. Ông Phương cho biết, những năm trước, gia đình ông trồng khoảng 1,2ha tiêu, nhưng do tiêu căn cỗi, giá tiêu thấp nên ông đã chặt bỏ một phần, hiện chỉ còn khoảng 4 sào. Thông thường, vụ tiêu sẽ bắt đầu cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán khoảng 10-15 ngày, song do không tìm được nhân công, ông đành phải để ra năm. Năm nay, sản lượng vườn tiêu của gia đình ông Phương chỉ đạt khoảng 1,5 tấn, giảm khoảng 40% so với năm ngoái.

Còn vườn tiêu của gia đình ông Võ Công Tường (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức), vụ thu hoạch này, ước tính, sản lượng giảm ½ so với năm ngoái. Với 8 sào tiêu, năm ngoái ông thu về 4 tấn năm nay ước đạt chỉ khoảng 2 tấn tiêu. “Sản lượng không đạt, giá cả không tăng nên nhiều người dân trong vùng đã chặt bỏ tiêu. Những hộ còn lại chưa có điều kiện chuyển đổi cây trồng thì rất chật vật. Vùng trồng tiêu bạt ngàn trù phú ngày xưa, nay đã trở nên xơ xác”, ông Tường cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Thành, cho hay, địa phương là đơn vị có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất huyện Châu Đức với khoảng 890ha. 2 năm trở lại đây, toàn xã chỉ còn khoảng 500ha hồ tiêu. Theo ông Thìn, sở dĩ diện tích giảm nhanh là do hồ tiêu già cỗi, giá tiêu xuống thấp khiến hàng loạt người dân chặt bỏ trụ tiêu. Trong số này, địa phương đã quy hoạch, chuyển đổi khoảng 25ha sang trồng cây cacao, số còn lại do người dân tự chuyển đổi sang các loại cây ăn quả như: mít thái, sầu riêng, hoặc cây công nghiệp như: cacao, điều…

Không thuê được nhân công, gia đình ông Võ Công Tường (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) đang chạy đua với thời gian để kịp mùa vụ.

LẤY CÔNG LÀM LÃI

Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, năm nay giá tiêu có cải thiện. Thương lái đang thu mua tiêu ở mức 50-53 ngàn đồng/kg, cao hơn gần 10 ngàn đồng so với vụ năm ngoái. Tuy nhiên, do sản lượng thấp, chí phí đầu tư cao khiến không ít người trồng tiêu rơi vào cảnh thua lỗ, chủ yếu lấy công làm lãi. Khó khăn nhất hiện nay của người trồng tiêu không chỉ là giá thành thấp, mà lao động thu hoạch tiêu cũng rất khan hiếm.

Diện tích trồng hồ tiêu hiện nay của BR-VT khoảng 11.000 ha, giảm gần 2.000ha so với năm 2019. Từng là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh, vài năm trở lại đây khi giá hồ tiêu xuống thấp, chi phí đầu tư chăm sóc, thuê nhân công ngày càng tăng cao, không mang lại hiệu quả kinh tế buộc nhiều nông dân phải chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Phạm Văn Phương, hiện các nhà vườn đang thuê công thu hoạch với giá từ 230-250 ngàn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân công thu hoạch cũng không hề dễ dàng. Những vụ mùa trước, vườn tiêu gia đình ông có hàng chục nhân công thu hoạch, chỉ khoảng 15-20 ngày đã xong. Năm nay, ông chỉ thuê được 4 người, để kịp thu hoạch vườn tiêu đang chín rộ, ông Phương phải huy động thêm 3 người trong gia đình. Theo ông Phương, do không thu hoạch kịp, tiêu chín rụng, ước tính hiện vườn tiêu của ông đã thất thoát khoảng 10-15%. “Nếu hết tháng này không thu hoạch xong, vườn tiêu sẽ chín và rụng hết, lúc đó không chỉ sản lượng thất thoát lớn mà thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Với mức giá bán so với giá thuê nhân công, chưa kể các khoản chi phí đầu tư, nhà vườn chúng tôi chỉ lấy công làm lãi, không đủ vốn. Mặc dù vậy, nông dân vẫn bắt buộc phải thu hoạch, bởi nếu không sẽ khiến chất lượng cây tiêu bị cạn kiệt, năm sau không thể ra trái”, ông Phương cho hay.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU-VĂN THÌN

Hiệu quả đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng

Nguồn tin:  Báo Long An

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An luôn tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị nông sản.

Theo đó, phương pháp ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser là mô hình đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng phát huy hiệu quả, được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ nông dân. Cán bộ TTDVNN tỉnh - Trần Sơn Thuận cho biết: “Nếu đồng ruộng được san phẳng sẽ thuận lợi cho việc canh tác lúa như chủ động cung cấp nước, thoát nước đồng đều trên đồng ruộng, khống chế được cỏ dại, tiết kiệm phân bón,... Hơn hết, diện tích canh tác sẽ cho năng suất cao hơn các diện tích khác không sử dụng công nghệ laser từ 5-10% trên cùng diện tích. Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Long An (nay là TTDVNN) mạnh dạn chuyển giao công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser ra dân. Qua khảo sát, nông dân rất thích sử dụng công nghệ laser để san phẳng mặt ruộng”.

Anh Trần Văn Thành, ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Lức, là một trong những nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser đã gần 6 năm. Điều này không chỉ giúp anh giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận mà còn trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền, được nhiều người gọi là “nông dân thời công nghệ 4.0”. Anh Thành trải lòng: “Hiện nay, việc thuê nhân công vào mùa vụ rất khó khăn. Nhờ đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, gia đình tôi giải được bài toán thiếu nhân công lao động khi đến mùa vụ”.

Việc ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser là phương pháp canh tác lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Còn anh Phan Văn Mỹ, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, chuyên sản xuất lúa giống. Trước đây, anh sử dụng phương pháp sạ truyền thống, với hơn 100kg lúa giống/ha. Điều này làm cho mật độ lúa dày, cây yếu, dễ bị đổ ngã. Nhìn thấy mô hình sạ lúa theo cụm của TTDVNN tỉnh mang lại hiệu quả, anh mạnh dạn áp dụng.

Anh Mỹ chia sẻ: “Sau khi tham quan mô hình sạ lúa theo cụm của TTDVNN tỉnh, tôi quyết định thuê sạ 4,5ha. Chi phí sạ lúa theo cụm tốn khoảng 1,5 triệu đồng/ha nhưng chỉ tốn 50kg lúa giống/ha. Sau thời gian, lúa phát triển tốt, không phải thuê nhân công giặm lúa tốn chi phí khoảng 4 triệu đồng, bởi với 4,5ha chỉ cần một mình tôi là có thể cấy giặm được trong vòng 4 ngày. Hơn hết, tôi còn dễ dàng khử lẫn, góp phần nâng cao chất lượng lúa giống của gia đình”.

Việc sử dụng máy sạ lúa theo cụm và ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser là phương pháp canh tác lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiện đại./.

Kim Ngọc

Cuối quý 2 sẽ có vắc xin thương mại dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Dự kiến cuối quý 2, đầu quý 3-2021 sẽ có vắc xin dịch tả heo châu Phi thương mại để phục vụ phát triển chăn nuôi trong nước.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết tại cuộc họp bàn về triển khai chiến lược chăn nuôi 2020-2030 và báo cáo tình hình dịch bệnh, tiến độ sản xuất vắc xin dịch tả heo châu Phi diễn ra chiều 23-2.

Theo báo cáo của Công ty Navetco, sau 5 lần thí nghiệm, vắc xin có khả năng bảo hộ 100% số heo được tiêm. Trong điều kiện sản xuất cho thấy vắc xin dịch tả heo châu Phi đã bảo hộ được 80% số heo được tiêm và đang tiếp tục theo dõi được 3 tháng rưỡi sau tiêm phòng.

"Đến giờ này, đã có 5 lần thử nghiệm vắc xin dịch tả heo châu Phi thành công, đáp ứng miễn dịch 94,7%. Như vậy từ khâu tiếp nhận virus an toàn và vô trùng, chúng ta có đủ điều kiện đưa vào sản xuất vắc xin dịch tả heo châu Phi" - ông Tiến khẳng định.

Theo ông Tiến, Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin dịch tả heo châu Phi, đông khô vắc xin và có 5 lô đã được sản xuất với số lượng hơn 100.000 liều. Đến nay đã xác định liều tiêm, thời điểm thích hợp và đang theo dõi thêm thời gian đáp ứng miễn dịch.

"Trong tuần này, bộ sẽ ký quyết định thành lập hội đồng khoa học và nếu mọi điều kiện thuận lợi thì cuối quý 2 và đầu quý 3-2021 chúng ta có vắc xin dịch tả heo châu Phi thương mại để phục vụ phát triển chăn nuôi trong nước" - ông Tiến nói.

Nói về giá bán vắc xin, ông Tiến cho biết bộ đang tổng hợp, đánh giá các yếu tố về giá thành. Do Công ty Navetco là doanh nghiệp nhà nước có 65% cổ phần, lợi ích xã hội phải là chính, còn hạch toán để doanh nghiệp góp phần hiệu quả cũng phải tính đến.

"Chúng tôi xác định giá thành 1 liều vắc xin dịch tả heo châu Phi không quá cao so với cơ cấu giá thành sản xuất thịt heo trong nước và đáp ứng yếu tố lợi ích của xã hội" - ông Tiến nói.

Trong tháng 1-2021, đàn heo cả nước tiếp tục đà phục hồi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số đàn heo của cả nước tháng 1-2021 tăng khoảng 16,2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Tính đến cuối tháng 12-2020, tổng đàn heo của cả nước đạt khoảng 27,3 triệu con, tương đương 88,7% so với tổng đàn heo trước khi có dịch tả heo châu Phi.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, dịch tả heo châu Phi chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp, số heo phải tiêu hủy khoảng 2.000 con.

"Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi nhưng giá thịt heo trong Tết Nguyên đán không biến động lớn và đến nay đang có xu hướng giảm, điều đó cho thấy tốc độ tăng trưởng trong kế hoạch chúng ta đã giữ ổn định" - ông Tiến nói.

CHÍ TUỆ

Nuôi heo rừng lai mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Thực hiện phong trào thi đua nông dân sản xuất xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, Hội Nông dân xã Phước Đông (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đã vận động nông dân trên địa bàn đẩy mạnh phát triển sản xuất, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất.

Nuôi heo rừng lai.

Bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông cho biết, trong thời gian qua, mô hình chăn nuôi heo rừng lai được nông dân thực hiện trên địa bàn đánh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, có 2 hội viên nuôi 33 con giống heo rừng lai.

Anh Nguyễn Thành Tâm, hội viên nông dân ấp Cây Trắc (xã Phước Đông) cho biết, giữa năm 2020, anh tìm hiểu cách nuôi heo rừng lai, nhận thấy đặc tính của heo rừng lai dễ nuôi, ít công chăm sóc so với một số vật nuôi khác, mà hiệu quả kinh tế cao hơn nên anh mạnh dạn mua 25 heo con giống với giá 2 triệu đồng/con về nuôi.

Thức ăn cho heo chủ yếu là chuối cây, rau các loại có sẵn và một ít thức ăn hổn hợp. Vừa qua, anh bán được 80 heo con với giá 1.500.000 đồng/con, thu được 120.000.000 đồng.

Anh Tâm cho biết thêm, heo rừng lai dễ nuôi, sức đề kháng tốt, thời gian nuôi ngắn hơn nuôi trâu, bò nên thu nhập khá hơn. Theo anh Tâm, hiện nay thị trường tiêu thụ nhiều, anh không đủ heo để bán.

Giang Hà

Nuôi gà ri có truy xuất nguồn gốc

Nguồn tin: Nhân Dân

Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm trong việc nuôi gà thả vườn, đến nay mô hình nuôi gà ri của gia đình anh Lý Trung Vân, thôn Phước An, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) đã được Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứng nhận là mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Anh Vân cho biết: Gà ri giống thuần chủng ngoài miền bắc tuy nhỏ, lớn chậm nhưng lại có chất lượng thịt vượt trội so với hầu hết các giống gà thịt thương phẩm khác hiện nay. Anh chọn giống gà ri thuần chủng từ huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) để nuôi bởi đây là giống gà chống chọi với thời tiết tốt, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại, gia trại. Cùng với phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học; không sử dụng kháng sinh; không sử dụng chất cấm, cám tăng trọng và gắn thẻ in mã vạch truy xuất nguồn gốc, mô hình nuôi gà của anh Vân đang mở ra hướng đi phù hợp nhu cầu của thị trường và mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ngay từ lứa nuôi đầu tiên, anh Vân thả nuôi 3.000 con gà ri. Với hình thức nuôi gối đầu nên trung bình một năm, anh nuôi được bốn lứa với hơn 12 nghìn con gà. Gà được chăn thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là bắp, cám gạo, bã bia đã được ủ qua men để loại bỏ vi sinh, nấm mốc. Ngoài ra, anh còn cho gà ăn thêm tỏi (để tăng sức đề kháng, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh), bột nghệ, quế... để thịt gà thơm ngon. Tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, khu vực trang trại chăn nuôi còn được bố trí ở xa khu dân cư, áp dụng các biện pháp thú y, kết hợp giữa công nghiệp với phương pháp nuôi thả truyền thống nên bảo vệ môi trường, hạn chế các loại dịch bệnh và mùi hôi. Vì thế đàn gà phát triển tốt, sau 4,5 đến 5 tháng nuôi, trọng lượng gà mái đạt khoảng từ 1,4 đến 1,8 kg, gà trống từ 2 đến 2,6 kg. Với giá bán từ 90 đến 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa gà gia đình anh Vân lãi khoảng 100 triệu đồng.

Ngoài ra, để tạo sự khác biệt với các loại gà nuôi khác trên thị trường, cũng như tạo uy tín cho sản phẩm của mình, anh Vân đã đầu tư gắn thẻ cho gà khi nhập gà giống về nuôi. Trên mỗi thẻ đều in mã vạch truy xuất nguồn gốc, thể hiện thông qua nhật ký điện tử về quá trình nuôi, thời gian nhập đàn, thời gian xuất bán cũng như quy trình chăm sóc, tiêm vắc-xin. Toàn bộ hệ thống này được quản lý qua điện thoại thông minh. Khi gà trưởng thành, xuất chuồng và đến tay người tiêu dùng được gắn tem truy xuất nguồn gốc QR Code, giúp người tiêu dùng có thể biết được con gà mình mua được nuôi ra sao, ngày nuôi, ăn thức ăn gì…

Không chỉ xuất bán gà cho các thương lái, để vừa chủ động đầu ra, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về gà sạch, chất lượng của khách hàng, anh Vân còn liên kết với điểm giết mổ an toàn, sau đó đóng gói sản phẩm theo hình thức hút chân không và bán tại cửa hàng của gia đình.

THÀNH VINH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop