Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 03 năm 2020

Thêm 40 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, trong 3 tháng qua, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng TPHCM vẫn có 40 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm- thủy sản thành lập mới, nâng tổng số DN đang hoạt động trong lĩnh vực này là 1.722.

Chế biến rau tại HTX Phước An. Ảnh: CAO THĂNG

Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, trồng trọt tăng 6,7%; chăn nuôi tăng 0,7%; thủy sản tăng 7%. Sản lượng nuôi chim yến lấy tổ đạt 3.550kg, tăng 26,8% so cùng kỳ.

Các DN trên địa bàn đã xuất khẩu khoảng 490 tấn hạt giống, 10.000 cây kim ngân, kim ngạch xuất khẩu 12.000 USD; cá cảnh đạt 5,21 triệu con, giá trị kim ngạch xuất khẩu 6,10 triệu USD…

Hiện có 7 HTX thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả VietGAP, gồm Phước An, Phú Lộc, Mai Hoa, Ngã ba Giồng, Phước Bình, Nấm Việt, Liên tổ rau an toàn Tân Trung và 1 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Sản lượng rau dán tem truy xuất nguồn gốc đạt 21,8 tấn/ngày, chiếm 53,1% tổng sản lượng/ngày.

Tổng số cơ sở sản xuất rau quả trên địa bàn thành phố được chứng nhận VietGAP là 1.345 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác 1.728ha, tương đương 11.313ha diện tích gieo trồng, chiếm tỷ lệ 60% diện tích gieo trồng rau trên thành phố.

Trong chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, TPHCM đã phê duyệt 27 quyết định, 28 hộ, doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ lãi vay; tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng, tổng vốn vay 23 tỷ đồng.

THANH HẢI

Chuyển đổi cây trồng: Đường đi không có sẵn

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Khi giá các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Bình Phước lao dốc, nông dân lao đao với bài toán kinh tế. Như một vòng tuần hoàn khép kín, nông dân lại đi theo lối mòn cũ - chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, việc đầu tư cần chi phí lớn. Khi nguồn thu không có, nếu không sáng suốt nông dân rất dễ rơi vào cảnh “1 cổ 2 tròng” - nợ cũ chồng nợ mới.

Việc chuyển đổi cây trồng theo cảm tính không có sự định hướng quy hoạch của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ thị trường không ổn định, nông dân như bịt mắt đi giữa ma trận.

PHÍA TRƯỚC GẬP GHỀNH

Đến thị xã Bình Long - một trong 3 thủ phủ hồ tiêu của Bình Phước với 3.519 ha vào năm 2005, chúng tôi gặp gỡ những người nông dân dành cả đời gắn bó với cây tiêu qua bao thăng trầm. Nhìn vườn cây sachi sai trái, cho năng suất cao nhưng ông Phương Công Ký ở tổ 5, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú không có tâm trạng hồ hởi, sảng khoái của một người nông dân bội thu. Có lẽ thành công không đến với lão nông 74 tuổi.

Năm 1982, ông rời quê hương Ba Vì, Hà Nội vào Bình Phước tìm miền đất hứa. Với 7 sào đất, tìm hiểu thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế, ông chọn cây tiêu để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thời đó, vùng đất Bình Long nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu, gia đình nào kinh tế cũng khá giả, không có lý do gì ông Ký phải từ chối cây tiêu. Năm 1983, sau khi học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu từ những người quen biết, tự tay ông Ký chọn từng dây tiêu giống, trụ tiêu và xuống giống.

Sau 3 lần trồng tiêu và 1 lần trồng cao su, hiện nay, hộ ông Phương Công Ký (áo sẫm) ở tổ 5, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú, TX. Bình Long chuyển đổi trồng cây sachi và đang cho thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra sản phẩm

Cây tiêu cho thu hoạch được vài năm thì Bình Phước bị ảnh hưởng của trận “đại hồng thủy”. Tháng 11-1999, Bình Phước mưa nhiều, phần lớn các vườn tiêu chưa có hệ thống thoát nước, những vườn có nước cũng không thoát kịp. Tiêu là loại cây ưa nước nhưng nếu bị ngập trong 30 phút dù có thoát nước, thì rễ tiêu cũng bị nấm và sau đó thối rễ sẽ chết. Sau ảnh hưởng của trận “đại hồng thủy”, vườn tiêu của gia đình ông Ký chết trắng. Không có kinh nghiệm giải độc cho đất nên dù trồng lại mới hoàn toàn, đến năm 2004 vườn tiêu của ông tiếp tục chết thêm lần nữa.

Đất đã nhiễm độc, ông chọn cao su để chuyển đổi cây trồng. Sau 4 năm chăm sóc, năm 2009, gia đình mới có nguồn thu từ cao su nhưng giá mủ cũng giảm dần qua từng năm. Diện tích ít, giá cao su thấp, ông tìm tòi trên internet và quyết tâm chuyển sang trồng cây sachi từ tháng 4-2019. Sau khi trồng 8 tháng sẽ cho thu hoạch và được thu quanh năm.

Đầu tư trồng sachi gần 90 triệu đồng, đến nay gia đình ông mới thu lại khoảng 20 triệu đồng. Nhìn trái sachi chất đầy nhà, ngoài vườn sắp đến đợt thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra, ông Ký nghi ngờ hướng đi của mình. Không chỉ ông mà nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt, chặt - trồng”. Họ chấp nhận mất mát, đầu tư chuyển đổi cây trồng tìm hướng đi mới nhưng không phải ai cũng gặp may mắn để phục hồi kinh tế, vì lối đi mới đầy “chông gai”.

KHÓ LƯỜNG

Với quan điểm nông dân chỉ biết bám đất, năm 2013, anh Nguyễn Hữu Lập ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập quyết định dùng số tiền tích cóp nhiều năm nay từ 6 ha tiêu, để mua thêm 10 ha đất với giá 5,7 tỷ đồng, trong đó tiền đi vay 3 tỷ đồng. Gia đình anh đầu tư trồng 12.000 trụ tiêu, chi phí hết hơn 6,7 tỷ đồng. Thế nhưng, đến thời kỳ cho thu hoạch thì giá hồ tiêu lao dốc. Đến nay chưa có dấu hiệu “ấm” lên, trong khi diện tích hồ tiêu trong vườn ngày càng bị thu hẹp vì bị bệnh chết nhanh, chết chậm.

“Cõng” số nợ khổng lồ, vợ chồng anh Lập ám ảnh gánh nặng nợ nần cả trong giấc ngủ. Trăn trở hướng cải thiện kinh tế gia đình, anh Lập đã chọn phương thức “lấy ngắn nuôi ngắn” làm chủ lực. Ngoài xuống giống cao su, anh chọn các loại cây ngắn ngày, hoa màu trồng rút ngắn thời gian được thu hoạch để có thu nhập trả nợ. Tranh thủ lúc cao su còn nhỏ, anh chọn các cây ngắn ngày trồng xen như: chuối, khoai môn, bầu, củ từ để phát triển kinh tế.

Ông ĐÀO NGUYÊN BA, Trưởng ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh: Ấp 6 từng là nơi trồng tiêu nhiều nhất xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh với diện tích 80 ha trong tổng 147 ha đất nông nghiệp. Nhưng hiện nay, diện tích tiêu bị thu hẹp chỉ còn 35 ha, còn lại đã được thay thế bởi cây sầu riêng 30 ha, mít Thái 30 ha...

Mạo hiểm với lối đi mới, anh Lập cho biết: 10 ha mua thêm trước đây là đất trồng tiêu. Nhưng mua được thời gian là cây tiêu bắt đầu có biểu hiện bệnh và chết rất nhanh. Vườn tiêu chưa cho thu hồi vốn thì trở thành đất trắng. Đất vườn tiêu chết không thể trồng lại cây tiêu. Tôi chọn cao su để chuyển đổi cây trồng với diện tích 10 ha và xen các loại cây ngắn ngày. Riêng số tiền đầu tư trồng các loại cây ngắn ngày mất khoảng 2 tỷ đồng. Cụ thể, mỗi héc ta chuối chi phí đầu tư khoảng 80 triệu đồng, khoai môn 30 triệu đồng, bầu 30 triệu đồng, củ từ 30 triệu đồng. Hiện nay, diện tích vườn bầu đang cho thu hoạch đợt đầu tiên, giá đọt bầu bán tại các chợ 20.000 đồng/kg, quả bầu 10.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay, với diện tích nhiều mà tôi chưa tìm được đầu ra sản phẩm, đây là điều khiến gia đình lo lắng với lối đi mới. Ngoài ra, sản phẩm các loại cây trồng khác như chuối, củ từ, khoai môn, chúng tôi cũng chưa tìm được nơi tiêu thụ.

Chúng tôi đã đến các vùng có diện tích cây nông sản lớn đang được người dân thay thế bằng các loại cây trồng ngắn ngày, cây ăn trái có múi như sầu riêng, mít Thái. Để quyết định “bức tử” loại cây trồng mà mình đã tâm huyết chăm sóc, ngoài mất tất cả chi phí mà còn mất đi khoảng thời gian, sức khỏe người dân đã đầu tư. Trong khi việc đầu tư cây trồng mới lại mất thêm chi phí, phải chờ thời gian mới có thu hoạch. Việc chuyển đổi các loại cây trồng mới như sachi chưa được nhiều người dân biết đến cũng như chưa có kiểm định nào về giá trị dinh dưỡng của loại cây này là một hướng đi mạo hiểm. Còn đối với các loại cây mít Thái, sầu riêng đang được nông dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên vì giá bán cao và thị trường đang ổn định. Nhưng với số lượng ồ ạt, nhà nhà trồng mít, người người trồng sầu riêng thì trong thời gian tới nguy cơ cung vượt cầu diễn ra, nông dân lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay đối với người dân nếu không có một la bàn định hướng, ắt nông dân sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

Ngọc Bích

Người ‘chắt vàng’ từ đất

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Duy Dự, xã Thụy Thanh (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã biến vùng đất 4ha ngoài đê ven sông Diêm Hộ cấy lúa kém hiệu quả thành trang trại bốn mùa xanh tươi, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Bưởi da xanh - cây ăn quả chủ lực trong trang trại của anh Nguyễn Duy Dự.

Bại không nản

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cái nghèo vẫn đeo bám, không thể để vợ con thiếu ăn, thiếu mặc, năm 2005, anh Dự đã mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi trên 250 đầu lợn. Vào thời điểm đó, trang trại của anh đã lớn nhất, nhì huyện Thái Thụy. Song khởi đầu của anh không được như mong đợi bởi đàn lợn sắp đến ngày xuất chuồng thì bị dịch tai xanh khiến anh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Khoác ba lô lên vai, anh Dự đi tìm vận may đổi đời nơi trời Nam. Rong ruổi qua 27 tỉnh, thành để tìm kiếm cơ hội làm giàu, cuối cùng anh quyết định dừng chân lập nghiệp tại Đắk Lắk. Tại đây anh mua 30ha đất đầu tư trồng cao su, cà phê, điều, cây ăn quả. Đất đai nơi đây màu mỡ nên cây trồng phát triển tốt, cho nhiều trái ngọt. Anh Dự chia sẻ: Thấy cây nào trong vườn cũng trĩu quả mừng lắm nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” bởi giao thông không thuận tiện, thị trường tiêu thụ khó khăn khiến nông sản làm ra không bán được hoặc bán như cho. Thêm một lần thất bại, thêm kinh nghiệm làm giàu, anh Dự chuyển nhượng lại vườn cây rồi trở về quê hương.

Lần trở về này của anh đúng thời điểm địa phương cho phép chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây, con giống có giá trị kinh tế cao nên anh Dự đã mạnh dạn đứng ra đấu thầu 4ha trong vùng chuyển đổi ven sông Diêm Hộ đầu tư trên 2,5 tỷ đồng trồng cây ăn quả. Ban đầu anh chọn trồng 1ha cây Phật thủ nhưng lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá” nên kết quả vẫn giống như 2 lần trước là thất bại.

Khách đến mua cây giống tại nông trại của anh Dự.

Thành công nhờ đam mê

Liên tiếp thất bại nhưng anh không nản, vẫn đam mê với cây ăn quả. Lần này, anh nghiên cứu rất kỹ chất đất, nhu cầu thị trường rồi mới lựa chọn mua 3 giống cây độc, lạ, chất lượng cao, đang có sức tiêu thụ lớn là mít Thái, táo đào vàng, bưởi da xanh ở những nơi có uy tín cả trong nước và nước ngoài đưa về trồng. Hiện trong trang trại anh trồng trên 1.000 gốc táo đào vàng, gần 600 gốc mít Thái, 300 gốc bưởi da xanh. Sau 2 năm trồng, đến năm 2017, cây trong vườn bắt đầu cho trái ngọt, giờ đã cho thu hoạch ổn định. Táo thu khoảng 20 tấn/năm, được 300 - 350 triệu đồng. Mít một năm thu 4 lứa quả, 1 cây thu 1 - 1,5 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Đến giờ gia đình đã thu hồi gần đủ vốn đầu tư.

Để cây sai quả, chất lượng cao, ít sâu bệnh, anh Dự rất chú trọng đến thời điểm chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phòng, trừ sâu bệnh... Với cây mít còn thêm kỹ thuật chọn quả. Mỗi cây mít ra khoảng 100 - 200 quả, để quả to, múi dày, ngọt, giòn phải chọn quả nào để lại, quả nào bỏ đi. Mít trồng đến năm thứ 3 thì bắt đầu lấy quả, năm đầu lấy quả để lại 1 - 2 quả, năm thứ 2 lấy quả để lại 3 - 4 quả... cứ thế tăng lên theo số năm. Đối với cây bưởi, nhiều sâu bệnh hơn các loại cây khác nên phải phun thuốc sinh học định kỳ từ khi cây bắt đầu ra chồi non, tiến hành cắt tỉa tán, kích thích bưởi ra hoa, đậu quả. Còn với táo, tháng 3 cây táo nảy chồi thì cắt tỉa, tạo cành, dùng thuốc sinh học phun để diệt một số loại sâu bay ban đêm; từ tháng 4 đến tháng 11 bón phân 4 lần. Anh Dự còn nuôi 20 thùng ong mật để giúp thụ phấn cho cây ăn quả trong vườn. Anh gọi đây là công nghệ rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả cao. Điều đáng mừng là cây trái được anh trồng, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ như chăm con mọn nên bốn mùa cho hoa thơm, quả ngọt, được khách hàng biết tiếng tới tận vườn mua, nhiều thời điểm không đủ quả bán.

Trong trang trại, anh Dự dành hẳn một khu để nghiên cứu, trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả độc, lạ như bưởi Phúc Kiến, bưởi Rubi, na Đài Loan, na Thái, mít Thái... Thử nghiệm thành công anh mới bán cho bà con về trồng. Khách mua cây giống của anh ở nhiều địa phương nên anh đã lập kênh youtube hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây, ai nhắn hỏi vấn đề gì anh trả lời, hướng dẫn tỉ mỉ. Ông Nguyễn Văn Thảnh, thôn Khúc Mai, xã Thụy Thanh cho biết: Tôi thấy anh Dự có nhiều giống cây ăn quả độc, lạ, chất lượng cao nên nhiều năm nay đều mua cây giống ở đây để trồng cho các nông trại, nhà vườn có nhu cầu. Sau một thời gian, các chủ vườn chăm sóc theo đúng hướng dẫn của anh Dự cây nào cũng sai quả, quả ngon nên ngày càng tin tưởng chọn lựa cây giống của anh Dự. Bà Hà Thị Thiềm, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) phấn khởi cho biết: Trước tôi đến mua 20 cây mít Thái của anh Dự về trồng, chăm sóc theo đúng hướng dẫn đã cho quả, quả to, múi giòn, ngọt nên tôi với con gái lại tới mua thêm về trồng. Tôi mong anh Dự có thêm nhiều giống cây ăn quả chất lượng nữa cho bà con nông dân chúng tôi trồng để tăng thu nhập.

Không phải là người đầu tiên ra vùng chuyển đổi này nhưng anh Dự lại là người sở hữu trang trại rộng nhất và đạt được thành công nhất. Ông Nguyễn Thế Tứ, Giám đốc HTX DVNN xã Thụy Thanh cho biết: Tại vùng đồng Hộn, xã chuyển đổi 30ha cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi, có gần 40 hộ tham gia, trong đó có hộ anh Nguyễn Duy Dự. Các hộ chủ yếu phát triển chăn nuôi còn anh Dự lại chọn trồng cây ăn quả và ươm cây giống. Mô hình của anh Dự hiệu quả cao nhất xã.

Thời gian tới, anh Dự dự định sẽ đầu tư làm thêm cây ăn trái bon sai và làm nhà vườn sinh thái để thu hút khách đến vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp ảnh, ghi hình làm kỷ niệm vừa thưởng thức hoa quả ngay tại trang trại. Đây là một hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững mong anh sớm thực hiện và thành công.

Nhóm Phóng Viên

Bảo vệ rẫy khóm trong mùa nắng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vào mùa khô, tình hình dịch hại trên cây khóm thường xuất hiện nhiều và ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Do đó, để cây khóm phát triển tốt và cho trái hiệu quả trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì ngành chức năng thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) cùng nông dân đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Cần nhân rộng cách làm trữ nước ngọt để đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho cây khóm trong mùa khô, nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế.

Phòng trị bệnh héo đỏ lá

Thành phố Vị Thanh là địa phương có vùng chuyên canh khóm Cầu Đúc lớn nhất của tỉnh, với diện tích gần 2.000ha và tập trung nhiều ở xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu. Với chất lượng thơm ngon nên khóm Cầu Đúc là thương hiệu nổi tiếng của tỉnh được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Nhờ vậy, sản phẩm khóm Cầu Đúc có đầu ra và giá bán tương đối ổn định, tạo nguồn thu nhập hấp dẫn cho người dân. Thế nhưng, điều mà hầu hết người trồng khóm trên địa bàn thành phố Vị Thanh lo lắng là vào mùa khô hàng năm, loại cây trồng này thường xuất hiện bệnh héo đỏ lá do vi-rút tấn công (người dân còn gọi là chết bụi), trong khi dịch hại này hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, từ đó làm giảm năng suất đáng kể.

Đang loại bỏ những cây khóm bị bệnh héo đỏ lá ra khỏi rẫy khóm rộng 2ha của gia đình, ông Vu Chiểu, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thông tin: “Giai đoạn khóm còn nhỏ thì phát triển bình thường, đến khi bắt đầu cho trái thì bệnh xuất hiện. Biểu hiện của cây khóm bị bệnh giống như tên gọi của loại bệnh này. Cây bị bệnh thì không để trái được nên phải nhổ bỏ để tránh lây lan sang cây khác. Trước đây, loại bệnh này thường gặp trong mùa nắng nóng như bây giờ nhưng chỉ xuất hiện rải rác. Còn khoảng 2 năm nay, bệnh xuất hiện với tỷ lệ nhiều và ảnh hưởng nặng hơn. Riêng rẫy khóm của tôi đang bị thiệt hại với tỷ lệ hơn 30% diện tích”.

Hiện nay, không riêng gì rẫy khóm của ông Chiểu mà qua quan sát tại cánh đồng khóm của xã Hỏa Tiến thì hầu hết rẫy khóm của nông dân đều bị bệnh héo đỏ lá tấn công. Qua đánh giá sơ bộ của bà con thì mức độ thiệt hại cũng không dưới 30%. Để khống chế dịch bệnh tấn công sang diện rộng thì giải pháp mà nông dân đang tích cực thực hiện trong lúc này là nhổ bỏ những cây khóm đã bị bệnh ra khỏi rẫy khóm. “Thà nhổ bỏ cây khóm để trồng lại cây khác còn ít tốn kém hơn là mua thuốc về xịt để điều trị bệnh. Bởi tiền mua thuốc cao hơn tiền cây giống và xịt thuốc cũng không hết hoàn toàn vì bệnh này chưa có thuốc đặc trị”, anh Lưu Văn Chịa, có hơn 1ha khóm bị nhiễm bệnh héo đỏ lá cách rẫy khóm của ông Chiểu không xa, chia sẻ.

Theo nhận định của những hộ trồng khóm tại thành phố Vị Thanh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh hại trên ngày càng xuất hiện nhiều và làm ảnh hưởng nghiêm trọng là do đất trồng khóm lâu năm và qua nhiều đợt trồng bị bạc màu dù nông dân thường xuyên cải tạo. Mặt khác, bà con canh tác cùng một loại giống khóm lâu đời nên có khả năng bị thoái hóa giống.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn khóm rộng hơn 1ha của gia đình vừa được cải tạo trồng mới gần một năm, lão nông Trương Văn Hiêu (81 tuổi), ở cùng ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, cho biết trước đây cây khóm thường cho thu hoạch trái từ 3-4 lần/đợt trồng rồi mới cải tạo đất để trồng lại, còn bây giờ thì chỉ xắn được 1-2 đợt trái là cây bị suy kiệt và bệnh nên phải trồng lại, từ đó dẫn đến chi phí đầu tư cao. Vì vậy, để từng bước khắc phục dịch bệnh, cải tạo lại nguồn đất được màu mỡ và giúp nông dân canh tác hiệu quả thì ngành chức năng cần có chương trình khuyến nông kéo dài khoảng 3 năm để nghiên cứu và thực hiện thử nghiệm các phương pháp trong phòng trừ bệnh héo đỏ lá. Tin rằng với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ nhà khoa học thì nhất định sẽ thành công và qua đây sẽ làm cơ sở để bà con cùng học tập, áp dụng vào rẫy khóm của từng gia đình.

Nhân rộng cách trữ nước ngọt

Ngoài tích cực phòng ngừa để bệnh héo đỏ lá hạn chế lây lan sang diện rộng thì nhiều nông dân trồng khóm trên địa bàn thành phố Vị Thanh còn có cách làm hay trong việc trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho cây khóm, qua đây nhằm hạn chế cây khóm bị đỏ lá và giúp cho cây khóm tạo ra trái to, bán được giá cao. Điển hình như hộ ông Võ Thanh Hồng, ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, với cách làm là chủ động mở rộng thêm diện tích bề ngang và nạo vét mương khóm thật sâu để trữ nước ngọt. Ông Hồng chia sẻ: “Là vùng sản xuất thường chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm, để chủ động ứng phó, nhất là làm thế nào có đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất trong những tháng mùa khô nên tôi và nhiều bà con trồng khóm nơi đây nảy ra ý tưởng về cách làm trên. Từ khi triển khai mô hình, hơn 1,5ha khóm của tôi hạn chế bị cháy đỏ lá do nắng nóng và thiếu nước tưới. Mặt khác, việc cung cấp đủ lượng nước giúp cho trái khóm to tròn đạt loại I nên bán được giá cao”.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho hay: Qua ghi nhận thì hiện toàn thành phố có khoảng 320ha khóm Cầu Đúc bị bệnh héo đỏ lá do vi-rút lá tấn công, với tỷ lệ ảnh hưởng từ 20-30%. Trước tình hình trên, đơn vị đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trị hiệu quả. Trước mắt, khuyến cáo nông dân nhổ bỏ những cây khóm bị bệnh ra khỏi rẫy khóm và tiến hành thu gom tập trung để đốt bỏ. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được vứt cây khóm bị bệnh xuống mương như đã làm thời gian qua. Bởi vi-rút sẽ theo dòng nước và được phát tán nhanh hơn khi nông dân lấy nước dưới mương tưới lên rẫy khóm. Mặt khác, nông dân cần nhân rộng mô hình trữ nước ngọt nhiều trong các mương khóm để phục vụ tưới cho cây khóm trong mùa khô nhằm hạn chế dịch bệnh tấn công.

Cũng theo ông Sáu, về lâu dài, nông dân cần chuẩn bị kỹ ngay ở khâu trồng ban đầu. Cụ thể, bà con cần xử lý đất, bón vôi cải tạo đất, vệ sinh khu vực trồng để hạn chế mầm bệnh. Ngoài ra, phải chọn hom khóm đồng đều, khỏe, sạch bệnh. Trường hợp nông dân có thói quen sử dụng giống từ vụ trước để trồng lại thì xử lý bằng thuốc nhằm diệt hết mầm bệnh, tránh lây lan sang vụ sau…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Thu hoạch cây ăn trái và rau màu lời ít hơn mọi năm

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Tháng qua, người dân xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) thu hoạch 20ha cây ăn trái: nhãn, mít, vú sữa, chanh và các loại cây ăn trái khác với sản lượng khoảng 210 tấn. Với giá bán bình quân 16.000 đ/kg, cho thu nhập hơn 3,3 tỷ đồng, ước lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.

Riêng lĩnh vực rau màu, bà con thu hoạch củ sắn với năng suất 8-10 tấn/công (1.000m2), giá bán 2.500- 3.000 đ/kg, vụ này không có lợi nhuận.

Trong khi đó đậu đỏ năm nay có giá tốt khi lái thu mua tại rẫy 30.000 đ/kg hạt, người trồng đậu đỏ thu lời khá. Cùng với cây ăn trái, ở Lục Sĩ Thành còn là vùng trồng nhiều loại cây màu như: củ sắn, đậu đỏ, bắp.

Theo khảo sát, người dân theo dõi sát dự báo và khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng về hạn và xâm nhập mặn để ổn định sản xuất. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết bất thường này cộng với dịch bệnh nên giá bán các loại trái cây và rau màu nhìn chung thấp và lời ít hơn mọi năm.

TƯỜNG VÂN

Tìm giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Nắng hạn và xâm nhập mặn đang xảy ra khốc liệt nhiều địa phương vùng ĐBSCL, đe dọa đến các vùng trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, nhà vườn trồng cây ăn trái tại nhiều địa phương: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng… phải dồn sức và tiền của để tìm nguồn nước ngọt cứu vườn cây.

Bị động ứng phó

Nhiều vườn sầu riêng tại ĐBSCL có nguy cơ giảm năng suất và chết cây do thiếu nước tưới.

Những nỗ lực của nông dân đã và đang góp phần hạn chế được nhiều thiệt hại trước mắt nhưng nếu hạn mặn tiếp tục kéo dài, tình trạng “hụt hơi” rất dễ xảy ra. Đặc biệt, khi hiện phần lớn các giải pháp được người dân đưa ra để ứng phó với hạn mặn còn mang tính tình thế và còn thiếu các giải pháp căn cơ lâu dài. Song, người dân lại phải bỏ ra một khoảng chi phí quá cao, nhiều nơi bà con phải thuê xe và sà lan chở nước ngọt với giá từ 100.000-150.000 đồng/m3, thậm chí 200.000 đồng/m3 để tưới cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Ngộ ngụ xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, lo lắng: “Gia đình tôi có 4 công trồng sầu riêng và hơn 2 công đất ươm cây giống nhưng giờ không có nước tưới cho cây. Nước ngọt dự trữ trong mương vườn cạn kiệt từ cách nay hơn 1 tháng, buộc phải đầu tư hơn 2 triệu đồng mướn thợ làm một giếng khoan sâu hơn 12m để lấy nước ngầm. Tuy nhiên, nước từ giếng khoan bơm lên yếu, nhiễm phèn, lấy nước tưới cầm chừng, một số cây đã bị héo. Chỉ mong trời sớm có mưa, chứ hạn mặn kéo dài sẽ còn bị thiệt hại nặng”.

Trường hợp của ông Võ Văn Tư ngụ ấp Hưng Nhơn, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre càng đáng lo hơn, bởi hơn 2 công đất trồng sầu riêng của gia đình ông được hơn 15 năm tuổi, đang cho trái non và rất sai, nhưng có nguy cơ rụng hết, thậm chí chết cây do thiếu nước tưới. Ông Tư cho biết: “Nước trong mương vườn khô cạn từ lâu, nước ở dưới sông rạch đã có độ mặn trên 4%o không thể lấy nước tưới. Sầu riêng rất nhạy cảm với nước mặn, chỉ cần độ mặn 0,4%o đã không chịu. Gần 20 ngày nay, mỗi ngày tôi phải thuê xe chở 3m3 nước ngọt từ nơi khác về để cứu vườn cây, với giá tới 100.000 đồng/m3. Nếu đồng loạt hái bỏ hết trái non, cây cũng có thể bị mất sức mà chết, do vậy phải dốc tiền mua nước ngọt cứu cây dù đã quá sức chịu đựng”.

Cần “tiếp sức”

Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có hơn 8.575ha vườn cây ăn trái, với nhiều loại trái ngon, đặc sản: sầu riêng Cái Mơn, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh... Vùng đất Chợ Lách còn được mệnh danh là “vương quốc” sản xuất cây giống của cả nước, với sản lượng hằng năm trên 40 triệu cây giống và hơn 18 triệu sản phẩm hoa kiểng, với hơn 6.000 hộ dân tham gia sản xuất. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách - Bùi Thanh Liêm, Chợ Lách là huyện nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, có nước ngọt quanh năm rất thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất cây giống. Thế nhưng, năm nay nước mặn từ 4-10%o đã xuất hiện hầu khắp các xã, thị trấn của huyện. Tình trạng này kéo dài khiến nông dân “hụt hơi” trong việc ứng phó, nhất là khi huyện chưa có các công trình trữ nước ngọt với quy mô lớn do Nhà nước đầu tư. Về lâu dài, ngành nông nghiệp huyện rất mong các cấp chính quyền tỉnh và Trung ương hỗ trợ cho địa phương có công trình trữ nước ngọt, đảm bảo nước cho sản xuất từ 3-4 tháng mùa khô để ổn định và phát triển nghề sản xuất cây giống. Để ổn định sinh kế, từng hộ dân cũng phải có công trình trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt mang tính “dài hơi” hơn hiện nay.

Thời gian qua, các vùng trồng cây ăn trái tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) và một số xã tại huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) vốn nằm cách xa biển nhưng hiện cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của độ mặn trên 3%o. Nhiều nông dân tính đến chuyện ứng phó lâu dài với nước mặn bằng giải pháp đầu tư mua hệ thống máy lọc nước mặn thành nước ngọt nhưng còn gặp khó về nguồn vốn đầu tư. Nông dân rất cần Nhà nước có chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ, kết nối nông dân với các công ty cung cấp máy lọc nước có uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý. Việc đầu tư máy lọc nước mặn không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm.

Theo phản ảnh của người dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, để lấy được nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, phải đầu tư khoan giếng tầm sâu từ 400m trở lên, chi phí đầu tư khoảng 120 triệu đồng/cái. Đầu tư giếng khoan tầm cạn (độ sâu 12-20m) hiện có chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/cái, nhưng kém hiệu quả do nước bị nhiễm phèn, kim loại nặng và lượng nước lấy được không nhiều. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn nước ngầm và tránh sụt lún đất, hầu như các địa phương đều không cho phép người dân khoan giếng, nhất là giếng tầm sâu... Nhà nước cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu xây dựng ngay các công trình trữ nước ngọt hay nhà máy lọc nước mặn với quy mô lớn ngay tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi hạn, mặn, cũng như xây dựng các hệ thống đường ống vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về, giúp người dân có nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất ổn định với chi phí thấp.

ĐBSCL có khoảng 307.000ha cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích trồng cây ăn trái của cả nước, sản lượng trái cung cấp ra thị trường khoảng 4 triệu tấn/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Theo dự báo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong sẽ tiếp tục ảnh hưởng ngày càng nhiều đến tài nguyên nước ngọt ở ĐBSCL...

Bài, ảnh: VĂN CỘNG

Nông dân hợp tác với công ty sản xuất rau sạch

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngoài việc hợp tác với Công ty MM Mequa Market để sản xuất 1,7 ha rau sạch, bà Đinh Thị Xuân Mai, ở thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) còn liên kết với nhiều hộ nông dân làm rau sạch nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Trang trại của bà Đinh Thị Xuân Mai liên kết với công ty cho thu nhập cao

Việc liên kết sản xuất để cung ứng cho các công ty không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất mà còn hướng đến sản xuất các mặt hàng nông sản sạch theo hướng bền vững.

“Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp sản phẩm được thị trường chấp nhận rộng rãi hơn, từ đó có thể tăng cao sản lượng” - đó là nhận định của bà Đinh Thị Xuân Mai, người đã có nhiều năm liên kết trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Metro Requirement. Hiện gia đình bà Mai cũng lọt vào top những “tỉ phú rau sạch” ở tỉnh Lâm Đồng với diện tích sản xuất 1,7 ha.

Bà Mai cho biết: “Được nghe về cách trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Metro Requirement, tôi nghĩ nên tham gia xem sao, không ngờ cách này mang lại hiệu quả”.

Bà Mai nói thêm: Chúng tôi phải tuân thủ quy trình ghi nhật ký cho rau. Ngày trồng, ngày bón phân hay bơm thuốc đều phải được ghi lại tỉ mỉ để có thể truy xuất nguồn gốc rau quả. Tuy cực nhưng hiệu quả làm rau theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp rất cao. Mỗi năm, trừ hết chi phí, tôi thu lời được từ 500-600 triệu đồng.

Gia đình bà Mai bắt đầu trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2007 - khi hệ thống METRO mở trụ sở ở Đức Trọng và “khoanh vùng” nguyên liệu đến tận Đơn Dương. Theo bà Mai thì lúc đầu thấy khó chịu với cái kiểu ghi ghi chép chép, làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật có đạt hay không đạt đến đó..., nhưng riết rồi cũng quen và với lại, đây là lối canh tác hiện đại để cho ra sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn nên không thể khác được. Nhóm hợp tác sản xuất của bà Mai cho biết, trước đây khi hợp tác với Metro các quy trình như ghi chép nhật ký, quản lý giống, phân bón… khiến họ cảm thấy rắc rối vì đã quen với phương pháp canh tác cũ.

Chỉ sau 5 năm được nhân viên kỹ thuật của công ty cầm tay chỉ việc, bây giờ người dân đã có thể tự làm mọi việc theo đúng quy chuẩn.

Đến giờ, bà Mai không chỉ nổi tiếng bởi thu nhập cao từ rau mà còn vì trang trại của bà thường xuyên tiên phong trong việc thử nghiệm các giống cây trồng mới và những cách làm mới.

Bà Mai tâm sự: Đối với nhiều nông dân sản xuất tự phát, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn bởi đây là những tiêu chuẩn cơ bản, nhưng không phải nông dân nào cũng có thể làm đạt yêu cầu. Tuy nhiên, qua tập huấn, các nông dân đều nghiêm túc tiếp cận và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã làm chủ được quy trình. Cứ định kỳ một năm sẽ có sự đánh giá và cấp lại chứng nhận VietGAP.

Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B hiện có 20 thành viên và liên kết thêm 12 hộ với diện tích sản xuất 40 ha, trồng nhiều loại rau, củ và tất cả sản phẩm đều cung cấp cho METRO.

Bà Mai cho tôi xem nhật ký cây trồng trên chiếc điện thoại Smartphone, bà bảo trước đây chỉ biết viết nhật ký bằng tay, sau này đứa con trai học đại học về bày cho cách quản lý trên chiếc điện thoại thông minh, giờ quản lý dễ dàng hơn. Nhật ký sản xuất, trong đó ghi chép rõ ràng, từ việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho đến ngày giờ thu hoạch…

Mỗi vùng nguyên liệu, METRO đều cử kỹ sư nông nghiệp theo sát. Thông qua ghi chép thường xuyên, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đánh giá, kiểm tra chất lượng từ METRO, người nông dân luôn có những điều chỉnh kịp thời, để cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn nhất. Theo lịch mùa vụ, tùy theo nhu cầu của thị trường, các diện tích trồng trọt sẽ luân canh, mùa nào thức nấy. Bà Mai chia sẻ, kể cả những lúc nông sản rớt giá thì nông dân tham gia hệ thống với công ty cũng được đảm bảo không bị lỗ vốn, bởi METRO dự báo thị trường khá chính xác. Thêm vào đó, METRO cũng trực tiếp thu mua tại vườn, không qua trung gian, do đó vừa đỡ kinh phí, vừa tạo cho người nông dân có đầu ra ổn định.

HOÀNG YÊN

Phát triển cây ‘du nhập’ đàn hương cần tránh tình trạng tự phát

Nguồn tin: VOV

Trồng đàn hương, viễn cảnh làm giàu cũng được vẽ ra. Đây là loại cây mới du nhập, liệu thổ nhưỡng, khí hậu của Đắk Lắk có phù hợp để phát triển?

Thời gian gần đây trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nhất là ở Đắk Lắk đã xuất hiện loại cây trồng mới, đó là cây đàn hương. Loại cây này du nhập từ Ấn Độ, được quảng bá là mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Trong tình trạng giá hồ tiêu, cà phê lao dốc, người trồng lâm cảnh nợ nần chồng chất, việc xuất hiện cây đàn hương có giúp cho nông dân cải thiện thu nhập, hay đẩy họ vào tình thế đã khó càng thêm khó khăn hơn?

Đặc thù của cây đàn hương là sống ký sinh, rễ bám chặt vào rễ cây chủ hút dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển. Do đó đàn hương không trồng riêng biệt và đông đặc như cà phê, hồ tiêu. Cây chỉ sống khi được trồng xen vào vườn cà phê hoặc cây ăn quả, nhất là các loại cây ăn quả có múi.

Vườn ươm cây giống đàn hương ở huyện Buôn Đôn.

Ông Nguyễn Quang Tòa, giám đốc Công ty Cổ phần phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên cho biết: Hiện nay, cây đàn hương được trồng nhiều hai xã Ea Nuôl và Ea Wer (huyện Buôn Đôn) với diện tích xấp xỉ 50 ha.

“Tôi cùng một số anh em đưa cây đàn hương vào Tây Nguyên trồng các mô hình nghiên cứu, khảo nghiệm trước. Cây đàn hương rất là quý, búp và lá non của nó ta sẽ làm trà, còn lại hạt của nó ta ép dầu, dầu ăn, dầu phục vụ ngành mỹ phẩm. Thân của nó khi tạo lõi thì lõi là quý nhất. Còn về vấn đề đầu ra thì một số các hộ nông dân trồng liên kết, hay các công ty trồng liên kết, thì tập đoàn sẽ bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân và cho các công ty liên kết liên doanh” - ông Toà nói.

Ông Y Krih Hwing, người Ê Đê ở buôn Niêng, xã Ea Nuôl, (huyện Buôn Đôn) cho biết: Vườn cà phê 1,5 ha này đã hơn 20 tuổi, cây già cỗi, mỗi vụ thu chưa đến 2 tấn cà phê nhân. Năm 2016, ông Y Krih Hwing trồng xen 250 cây đàn hương vào vườn cà phê. Hiện nay cây đàn hương phát triển khá tốt. Sau 4 năm chiều cao của cây đã trên 3 m, đường kính gốc 12 cm. Vừa qua, ông Y Krih Hwing đã thu trên 100 kg hạt đàn hương. Bán hạt được 400.000 đồng/kg, thu trên 40 triệu đồng.

“Trong năm nay tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng đàn hương ở khu đất đồi. Chỗ đất đó tôi trồng xen với cây điều ghép với cây đàn hương. Cây đàn hương này không có cây ký chủ thì nó không phát triển được, phải có cây ký chủ, nó dựa vào mới phát triển được” - ông Y Krih Hwing nói.

Theo bà Trần Thị Thuỷ, phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Buôn Đôn, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã kiểm tra thực tế, thấy cây đàn hương phát triển tốt. Tuy nhiên đây chỉ là sự chuyển dịch cây trồng mang tính tự phát của người dân. Hiện chưa thể đưa cây đàn hương vào cơ cấu cây trồng, bởi chưa được đánh giá, khảo nghiệm một cách khoa học.

“Đối với cây đàn hương hiện nay đang trồng thí điểm. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng như chúng tôi đã tham quan các mô hình tại địa bàn thì về phát triển của cây thì sinh trưởng phát triển đạt yêu cầu. Về tương lai thì huyện mong muốn là đưa cây này vào khảo nghiệm để đánh giá kết quả bước đầu, sau đó mới nhân rộng mô hình để phát triển” - bà Thuỷ cho hay.

Rất nhiều nhà vườm ươm cây giống ở thành phố Buôn Ma Thuột cũng ươm giống cây đàn hương cung ứng cho thị trường. Những nhà uơm này, chỉ bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/cây. Không ai đảm bảo cây trôi nổi này có phát triển được không, hay trồng xuống sẽ èo uột và chết dần, chết mòn.

Trồng đàn hương, viễn cảnh làm giàu cũng được vẽ ra. Đây là loại cây mới du nhập, liệu thổ nhưỡng, khí hậu có phù hợp để phát triển hay không? Đặc biệt nếu trồng đại trà, cây phát triển tốt, nhưng khi thu hoạch, đầu ra của sản phẩm có bảo đảm không? Hay lâm tình trạng vừa diễn ra như cây nghệ ở Krông Pách (Đắk Lắk), cây Ma-gich ở Đơn Dương, Lạc Dương (Lâm Đồng), và cây mắc-ca ở một số nơi trên địa bàn Tây Nguyên.

Vì vậy rất cần ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương có khảo nghiệm, hướng dẫn bà con nông dân tránh tình trạng tự phát rồi lâm cảnh trồng chặt “bỏ thì thương thương, vương thì tội”./.

Xuân Lãm/VOV-Tây Nguyên

Nông dân thất thu vụ bí

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Nhiều năm nay, cùng với sản xuất 2 vụ lúa, nông dân một số xã của huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) còn tận dụng trồng thêm 1 vụ màu trên đất ruộng như bầu, bí, khổ qua... Trong đó, trồng bí rợ mang lại hiệu quả, lợi nhuận gấp 3-4 lần vụ lúa. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của nắng hạn gay gắt, năng suất và giá cả đều giảm, hầu hết những hộ trồng bí đều phải bỏ công mấy tháng trời mà lợi nhuận chẳng bao nhiêu.

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nhiều hộ nông dân các xã Trần Hợi, Khánh Bình Đông bắt đầu xuống giống bí rợ trên đất ruộng. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, đến thời điểm này, bà con đang vào cuối vụ thu hoạch bí.

Anh Phạm Minh Thắng (ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông) xuống giống 4.000 dây bí rợ trên 1 ha đất ruộng. Sau tết Nguyên đán, nước dưới kênh khô cạn, anh Thắng cùng những hộ dân gần đó góp tiền, góp sức bơm dẫn nước từ kênh khác về ruộng bí.

Anh Thắng cho biết: “Tính ra nhà tôi tốn ít nhất 4 triệu đồng tiền dầu bơm nước. Những hộ trồng 2-3 ha thì tốn nhiều hơn nữa. Vậy mà vẫn không ăn thua. Số bí bị méo do thiếu nước khoảng 40%, bán bị ép giá có 2.000-2.500 đồng/kg, hoặc thương lái không mua. Năm trước, cũng giống bí Trang Nông này, nước tưới đầy đủ, 1 trái tới 8-8,5 kg, thu hoạch xong tính sơ cũng khoảng 80 triệu đồng. Còn năm nay, trái nhỏ hơn nhiều, tính ra lời chưa được 10 triệu đồng”.

Nhiều hộ trồng bí năm nay cho biết, vào đầu vụ, thương lái từ các tỉnh về đây thu mua bí loại 1 (trái tròn, đạt trọng lượng 5 kg trở lên) giá 7.000 đồng/kg. Từ khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ đến nay, giá bí loại 1 dao động trên dưới 6.000 đồng/kg đối với bí Trang Nông, còn đối với bí Én Vàng, giá thu mua từ 4.000-5.000 đồng/kg. So với vụ mùa năm trước, giá thu mua bí các loại đều giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg. Mặt khác, các kênh mương đã khô cạn hoàn toàn từ sau tết Nguyên đán dẫn đến thiếu nước tưới trong thời điểm bí đang ra trái nên năng suất, trọng lượng trái giảm theo. Những trái bí bị méo, thương lái thu mua giá thấp, thậm chí không thu mua, nông dân phải bắt mối ngoài chợ, tự tìm đầu ra.

Thương lái thu mua bí của nông dân Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.

Vợ chồng anh Trần Văn Khảnh (Ấp 5, xã Trần Hợi) thu hoạch bí về chất đầy trước nhà. Đã 2 ngày mà vẫn chưa có thương lái nào chịu thu mua, anh chị phải túi bụi tìm từng người chịu mua số lượng lẻ.

Anh Khảnh ngao ngán: “Tháng 3 năm trước, vụ bí thu hoạch xong mà nước dưới kênh vẫn còn, ghe xuồng mua bí chạy vô tới bến trước nhà. Còn năm nay, mới cuối tháng 1 là nước dưới kênh đã khô queo, bí đang trổ trái nên phải hùn tiền dầu cũng trên 5 triệu đồng để vét kênh lấy nước cách đây 3-4 cây số. Chắc khoảng 40% là bí trái tròn nhưng dưới 5 kg, bán được 5.000 đồng/kg, còn trái bị méo thì vớt được 2.800 đồng/kg. Hai ngày nay tôi phải bỏ bí vô từng bọc để chạy xe đem ra đầu kênh Vồ Dơi giao cho người ta đến lấy. Chắt mót được chút nào đỡ chút nấy”.

Kế miếng đất trồng bí của anh Khảnh là 3 ha trồng bí của bà Trần Thị Mùi. Năm nay, bà Mùi xuống 1.500 dây bí đao và 6.000 dây bí rợ. Thu hoạch hơn 8 tấn trái, với giá cả như vậy, bà Mùi bán dứt điểm mà tính lãi chưa được 15 triệu đồng cho gần 4 tháng ròng rã chăm sóc. Bà Mùi ngậm ngùi: “Tôi về đây gần 20 năm, thu hoạch xong vụ lúa thì không có loại nào hiệu quả hơn trồng bí trên đất ruộng. Nếu thuận mùa, được giá, vụ bí đạt từ 10 tấn trở lên, lợi nhuận gấp 3-4 lần vụ lúa. Trong đó, riêng việc tôi hái bông bí để bán đã được cả chục triệu đồng rồi, còn vụ này không có 1 kg bông để bán. Chưa năm nào mà trời hạn sớm và dai như năm nay. Bơm nước giếng khoan phải đợi gần 2 tiếng mới đầy thùng 1.000 lít, sử dụng trong sinh hoạt còn phải tiết kiệm thì lấy đâu mà tưới cho nổi”.

Cùng với chi phí hạt giống, phân thuốc, người trồng bí mùa này còn phải gánh thêm chi phí mua dầu cho máy bơm nước tưới, chi phí vận chuyển, mà giá cả thu mua thì giảm. Vì vậy, mỗi hộ nông dân thất thu hàng chục triệu đồng. Trong khi nếu đủ nước tưới, vụ mùa thuận lợi, mỗi hộ có thể thu được khoảng 20-30 triệu đồng/ha. Trước những ảnh hưởng và thiệt hại do khô hạn gây ra, người dân mong muốn ngành chức năng và địa phương sớm có biện pháp hỗ trợ, khắc phục khó khăn để an tâm sản xuất trong vụ mùa tiếp theo./.

Trịnh Thảo

Làm giàu với mô hình nuôi gà ta giống Bình Định

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Trải qua nhiều năm làm nghề bảo vệ, anh Nguyễn Duy Tú (ấp 4B, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã rẽ ngang với nghề nuôi gà ta thả vườn, giống mua từ Bình Định. Mô hình chăn nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể là gợi ý hay cho thanh niên nông thôn trong phong trào lập thân lập nghiệp.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Duy Tú đi làm bảo vệ cho một công ty cao su ở Xuyên Mộc. Thu nhập chỉ đủ chi xài cá nhân nên anh rời quê hương ra huyện đảo Phú Quốc với ý định lập nghiệp. Nhưng rồi, Tú nhanh chóng nhận ra rất khó có cơ hội ở vùng đất mới này nếu chỉ làm công ăn lương. Cuối năm 2018, anh quyết định trở về quê nhà lập nghiệp.

Anh Nguyễn Duy Tú chăm sóc đàn gà chuẩn bị xuất chuồng.

Vay được 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với khoản vốn tích góp được, anh Tú đầu tư chuồng trại và mua 1.000 con gà ta thả vườn giống Bình Định về nuôi trên mảnh đất mượn của người em. Anh lên mạng tìm tòi và thiết kế chuồng nuôi gà rộng khoảng 1.000m2 dưới tán cao su rợp mát, xung quanh quây lưới và lợp mái tôn. “Qua hướng dẫn của một người bà con và tìm hiểu thị trường, tôi quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi gà Bình Định. Đây là giống gà có sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao, ít dịch bệnh. Khi trưởng thành, gà đạt trọng lượng từ 2- 2,7kg/con. Gà trưởng thành có bộ lông óng mượt, thịt ngọt, dai, thơm ngon… nên được thương lái bao tiêu sản phẩm”, anh Tú chia sẻ về quyết định của mình.

Lứa đầu, anh gần như không có lãi, bởi giá thức ăn cao, trong khi giá gà xuất chuồng thấp do ảnh hưởng của dịch cúm H1N1. Anh tiếp tục tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật để áp dụng phương pháp nuôi gà theo hướng hữu cơ, tạo không gian sống tự nhiên, rộng rãi. Thức ăn cho gà là cám, bắp, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng và chất tạo nạc. Sau 15 ngày vệ sinh chuồng trại, anh tiếp tục nuôi lứa gà thứ 2 với 1.500 con, thu lãi hơn 30 triệu đồng. Đây là động lực để anh tăng đàn lên 3.000 con trong lứa thứ 3 và thứ 4, thu lãi gần 80 triệu đồng/lứa.

Mặc dù đã “quen tính quen nết” con gà Bình Định như lời anh Tú nói, nhưng anh vẫn tích cực tham gia các nhóm chăn nuôi gia cầm trên mạng xã hội để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên. Hỏi về kỹ thuật chăn nuôi gà, anh Tú nhiệt tình cho biết: Yêu cầu đầu tiên là chọn giống chuẩn, sạch bệnh. Chuồng trại cần thông thoáng, đủ ánh sáng, mát vào mùa hè, khô ráo vào mùa mưa. Để gà sinh trưởng tốt, ít mắc dịch bệnh, người nuôi cần chích ngừa vắc xin, loại bỏ hoặc cách ly những con gà bệnh, tránh lây chéo trong đàn. Ngoài ra, người nuôi gà cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng, thực hiện nguyên tắc “Vào cùng lúc - ra cùng lúc” (nhập gà giống và xuất bán cả đàn cùng thời điểm) để thuận tiện cho việc xuất bán và sát trùng tiêu độc chuồng nuôi.

Nói về dự định sắp tới, anh Tú cho biết, anh đang trồng điều trên mảnh đất gần 2.000m2 để lấy bóng mát cho gà và chuẩn bị xây dựng một trang trại di động, có thể di chuyển vị trí. Anh nhẩm tính, với giá gà dao động từ 62.000-67.000 đồng/kg, mỗi con gà có thể cho lãi từ 30.000-35.000 đồng. Tìm được đầu ra ổn định, anh sẽ mở rộng quy mô, tiếp tục phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi gà Bình Định. “Ngoài ra, tôi đang tìm hiểu một số giống gà khác có hiệu quả kinh tế cao hơn và cân nhắc việc nuôi thử nghiệm trong thời gian tới”, anh Tú nói.

Nhận xét về mô hình nuôi gà của anh Tú, anh Nguyễn Minh Tuấn Anh, Phó Bí thư Xã Đoàn Hòa Hưng cho biết, bên cạnh một số mô hình trồng thanh long, khoai mỳ của các thanh niên trong xã, mô hình nuôi gà Bình Định của anh Tú mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thể là một mô hình hay để các thanh niên trong xã học hỏi, nhân rộng.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

Hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Sau dịch bệnh tả heo châu Phi, nguồn cung heo hơi giảm, giá heo hơi tăng cao. Do vậy, nông dân muốn tái đàn heo trở lại. Song, do gặp nhiều khó khăn, việc tái đàn heo của nhiều hộ dân ở TP Cần Thơ còn khá chậm...

Chăn nuôi heo tại một hộ dân ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Gia đình bà Huỳnh Thị Hạnh, ngụ ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ có hệ thống chuồng trại với quy mô khá lớn, trước đây thường xuyên nuôi khoảng 60 con heo. Tuy nhiên, hiện nay gia đình bà mới nuôi lại 10 con heo, sau thời gian dài tạm nghỉ nuôi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh tả heo châu Phi. Bà Hạnh cho biết: "Dù giá heo đang ở mức cao có lợi cho người chăn nuôi heo nhưng tôi không thể tăng đàn nhanh vì không đủ vốn và sợ rủi ro do dịch bệnh, giá heo hơi không biết có ổn định trong thời gian tới hay không. Vốn đầu tư nuôi heo bây giờ quá lớn, mua 10 con heo con tôi phải bỏ ra 20 triệu đồng. Chưa kể thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, điện nước và công chăm sóc khoảng 4 tháng mới xuất bán heo".

Theo nhiều hộ dân chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, với giá heo hơi dao động ở mức 70.000-80.000 đồng/kg như những tháng qua, xuất bán mỗi con heo 100kg, người chăn nuôi có lời 4-5 triệu đồng. Song, nhiều khả năng, tới đây người chăn nuôi heo khó kiếm được mức lời cao như vậy. Ngoài ra, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương cũng tích cực thực hiện nhiều giải pháp như khuyến khích chăn nuôi heo, cho nhập khẩu thêm thịt heo... nhằm tăng cường nguồn cung, kéo giảm giá heo hơi xuống và ổn định thị trường thịt heo trong nước.

Trước thực tế đó, ngay cả những hộ dân có các điều kiện về vốn cũng phải tính toán kỹ để tìm cách giảm chi phí chăn nuôi, tránh tái đàn heo ồ át với chi phí đầu tư cao, hạn chế rủi ro. Bà Nguyễn Thị Hiền, ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền, băn khoăn: "Nhà có chuồng trại đủ sức nuôi khoảng 30 con heo nhưng tôi mới thả nuôi trở lại 3 con heo, do lúc này giá heo giống quá cao, lại khó tìm mua. Hiện giá heo giống (heo con) trọng lượng cỡ 12-15 kg/con có giá lên đến 2 triệu đồng/con, thậm chí có nơi còn cao hơn. Mức giá này cao hơn gấp đôi so với trước đây. Tôi dự tính, 3 con heo mới nuôi sẽ dùng làm heo bố mẹ cho sinh sản để mở rộng quy mô hơn".

Nhìn chung, nhiều hộ dân đang chú trọng khôi phục và phát triển sản xuất con giống trước rồi mới tính đến phát triển đàn heo thịt. Đây là giải pháp có thể giúp người dân giảm chi phí đầu tư, góp phần tái bầy heo một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cách làm này cũng có hạn chế là có thể khiến việc tái bầy đàn heo tại nhiều hộ dân diễn ra chậm. Đặc biệt, nguồn heo giống do các hộ dân sản xuất ra có thể không đảm bảo tốt do chất lượng con giống ban đầu chưa tốt, cũng như quy trình sản xuất con giống chưa đảm bảo... Điều này, dễ dẫn đến sau này khi phát triển nuôi heo thịt có thể bị kém hiệu quả bởi heo chậm lớn hoặc heo cho tỷ lệ nạc kém, không bán được giá cao. Ngành chức năng cần nghiên cứu, khuyến cáo, hướng dẫn cho người dân về những cách tái đàn heo hiệu quả. Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn và có giải pháp đảm bảo nguồn heo giống chất lượng và sạch bệnh để người dân đẩy mạnh tái đàn heo.

Bên cạnh việc tăng cường sản xuất heo giống trong nước, Nhà nước cần xem xét, cho nhập thêm nguồn heo giống chất lượng để giải quyết ngay tình trạng heo giống bị thiếu hụt, giá cao. Đây cũng là giải pháp cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong nước, hạn chế phải nhập khẩu thịt heo.

Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra ổ bệnh đầu tiên trên địa bàn TP Cần Thơ tại quận Cái Răng vào tháng 5-2019. Từ ngày 23-5-2019 đến ngày 13-11-2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 2.377 hộ chăn nuôi heo, thuộc 76 xã, phường, thị trấn của 9 quận, huyện, với tổng số heo trong ổ dịch là 65.210 con, số heo tiêu hủy là 59.529 con, khối lượng là 3.379 tấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và UBND quận, huyện triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTHCP. Từ ngày 14-11-2019 đến nay, trên địa bàn thành phố đã không phát sinh thêm ổ dịch bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh DTHCP rất nguy hiểm đối với heo, vi-rút DTHCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và trong các sản phẩm của heo, hiện chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất để phòng tránh bệnh là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi heo.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Hiếu Giang tổng hợp

Công ty Hiếu Giang nhận cung cấp đất hữu cơ giàu dinh dưỡng cho bà con trồng rau an toàn trong mùa dịch covid-19, Ở TP.HCM vui lòng gọi Điện thoại: (84-8) 37445447-(84-8) 3898 9090 sẽ vui lòng phục vụ bà con.

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop