Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 03 năm 2021

Trồng bông súng từ ao nuôi cá tra bột

Nguồn tin: Báo Long An

Chị Nguyễn Thị Tiếp, ngụ ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, đầu tư trồng bông súng trong ao nuôi cá tra bột, bước đầu mang lại hiệu quả với thu nhập hàng tháng trên 7 triệu đồng.

Mô hình trồng bông súng mang về nguồn thu nhập 250 ngàn đồng mỗi ngày

Năm 2019, chị đào 600m2 ao nuôi cá tra bột nhưng bị thua lỗ vì giá xuống thấp. Năm 2020, chị đành “treo” hầm nuôi cá. Đầu năm 2021, chị dùng số tiền dành dụm từ việc chăn nuôi heo để mua 7.800 bụi bông súng trắng về trồng trong ao nuôi cá tra bột trước đó.

Theo chị Tiếp, bông súng dễ trồng, tự phát triển, không cần chăm sóc nhiều như các loại cây trồng khác. Bông súng trồng 2 tháng là có thể thu hoạch. Hiện nay, cứ 3 ngày, chị thu hoạch 1 lần, mỗi lần được 50kg, thương lái đến tận nơi thu mua với giá 5 ngàn đồng/kg. Như vậy trung bình mỗi ngày, chị có thu nhập 250 ngàn đồng. Chị trồng loại bông súng trắng, thân mềm nên được khách hàng ưa chuộng. Ngoài bông súng, chị còn nuôi thêm cá sặt bổi.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ ao nuôi cá tra bột không hiệu quả sang trồng bông súng trắng, chị Tiếp có được nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Chị dự định sẽ mở rộng diện tích trồng trong thời gian tới./.

Văn Sách

Làm giàu từ trồng cam sành, bưởi da xanh

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Vườn cây ăn quả của ông Võ Minh Tuấn ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh. Ảnh: NGÔ XUÂN

Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích sản xuất bấp bênh sang trồng bưởi da xanh, cam sành mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên triển khai mô hình trồng thâm canh các loại này, giống từ miền Nam, chất lượng tốt.

Mô hình nhiều triển vọng

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Thuận ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) trồng sắn và nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2017, ông Thuận quyết định tìm hiểu thị trường tiêu thụ cam sành, bưởi da xanh.

Ông Thuận chia sẻ: “Ban đầu gia đình tôi đầu tư khoảng 500 triệu đồng mua cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để trồng 1ha cam sành, bưởi da xanh. Giống cây tôi chọn mua là từ các nhà vườn lớn ở Bến Tre nên cây phát triển rất tốt. Sau 3 năm trồng, vườn cây ăn quả của gia đình đã cho thu hoạch. Lứa đầu tiên thu hoạch được gần 15 tấn cam, với giá bán sỉ từ 16.000-20.000 đồng/kg tại vườn, thu được gần 200 triệu đồng”.

Nhận thấy cây cam và cây bưởi cho thu nhập cao, đầu ra tương đối ổn định, ông Thuận đã đầu tư thêm vốn để khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước tự động, mở rộng vườn cây ăn quả của gia đình. Mô hình này không chỉ giúp ông Thuận phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương với thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Tại xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), ông Nguyễn Thành Cang trồng 20 gốc bưởi da xanh, cách đây 2 năm bưởi ra trái đầu mùa cho thu nhập 9 triệu đồng, còn năm vừa qua thu được hơn 30 triệu đồng. Ông Cang cho biết diện tích đất vườn của gia đình rộng gần 4.000m2. Ban đầu lập vườn, ông trồng đủ loại cây, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều lần thất bại.

Về sau cậu con trai học Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, hiện làm tại Sở NN-PTNT tỉnh Long An hướng dẫn ông trồng bưởi, cam sành, quýt, mít Thái, dừa xiêm lùn, ổi, xoài; trong đó cây bưởi da xanh đạt hiệu quả nhất. Một trái bưởi bình quân nặng 1,5-2kg, bán với giá từ 45.000-50.000 đồng/kg. Hiện gia đình ông Cang trồng thêm 100 gốc mới và cải tạo lại vườn cây ăn quả đã trồng thời gian qua.

Theo ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, sau khi thấy được hiệu quả kinh tế từ vườn bưởi của gia đình ông Cang, nông dân địa phương cũng học tập làm theo. UBND xã Hòa Thịnh đã xây dựng chương trình khuyến nông với việc hỗ trợ 308 cây giống bưởi da xanh cho 3 hộ nông dân tại địa phương trên diện tích 6.500m2 và số bưởi này cũng bắt đầu ra trái.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Cang được xã Hòa Thịnh chọn là mô hình tiêu biểu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương và được nhiều nông dân ở các vùng lân cận đến tham quan, học tập, nhân rộng.

Đầu tư phát triển vườn

Thời gian qua, Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên triển khai mô hình trồng thâm canh bưởi theo mô hình VietGAP quy mô 3ha tại xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) với 4 hộ nông dân tham gia. Hiện cây đang bước sang năm thứ ba và theo đánh giá ban đầu, cây sinh trưởng phát triển tốt, đạt yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, trung tâm còn trồng thử nghiệm giống cam mới V2, CT36 trên diện thích 5ha tại huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, với số lượng 2.800 cây. Kết quả thực hiện mô hình tại vườn nhà ông Cao Nguyên Lâm, buôn Quen, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) cho thấy, cây sinh trưởng phát triển tốt, các giống cam, bưởi thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các huyện miền núi Phú Yên.

Mới đây, cam sành, cam V2, bưởi da xanh của hộ kinh doanh ông Võ Minh Tuấn, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) được trao giấy chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Yên năm 2020, đạt từ 3 sao trở lên. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho hay: Ông Tuấn áp dụng thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi da xanh và cam nên được thị trường ưa chuộng. Đây là sản phẩm đầu tiên của huyện được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có diện tích cây ăn quả các loại là 6.720ha, tăng 2% so với năm 2019. Diện tích cây ăn quả chủ yếu là cây chuối, cam, bưởi, sầu riêng...

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT:Vài năm trở lại đây, các huyện miền núi đầu tư phát triển mạnh cây ăn quả thuộc họ cam. Một số giống cam sành, bưởi da xanh du nhập từ miền Nam đã cho thu hoạch, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Một số mô hình cây ăn quả tại Sông Hinh cho thu nhập từ 500-800 triệu đồng/ha/năm. Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên sẽ cung ứng giống cam sành, bưởi da xanh để bà con nông dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

MẠNH LÊ TRÂM

Sóc Trăng: Vị ngọt từ dưa hấu hữu cơ ở huyện Trần Đề

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng

Là vùng đất nằm dưới chân mặn nên việc trồng màu trở thành sinh kế chủ yếu của nhiều nông dân sinh sống ở khu vực ven dãy rừng phòng hộ thuộc ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) nhằm ứng phó tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là trong mùa hạn, mặn. Giữa rất nhiều loại cây trồng thì nghề trồng dưa hấu là sự lựa chọn của đa số bà con. Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng vùng mà dưa hấu tại nơi đây đã tạo được một thương hiệu riêng trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Riêng trong vụ dưa năm nay, cây trồng này lại một lần nữa mang đến “vị ngọt” cho bà con nông dân khi được áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.

Giữa cái nắng gay gắt trong mùa khô hạn tháng 3; trên từng rẫy dưa hấu tại khu vực ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình lại nhộn nhịp niềm vui của người nông dân về một vụ dưa trúng mùa, được giá. Hơn 5 năm gắn bó với nghề, nhưng chưa bao giờ ông Trần Văn Nông phấn khởi như trong vụ dưa năm nay. Lần đầu tiên 1,5 công đất trồng dưa được ông thực hiện canh tác bằng việc bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh để hạn chế rủi ro về sâu bệnh. Nhờ vậy, ruộng dưa của gia đình đạt năng suất cho trái gần 8 tấn/1 công (cao hơn từ 2 đến 3 tấn so với vụ dưa năm trước), lợi nhuận trung bình mỗi công là gần 30 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ông Nông cho biết: “Trồng hữu cơ năng suất đạt hơn so với khi trồng truyền thống, trồng theo kiểu lúc trước thì có khi nắng nóng hay mưa dầm nhiều ngày là dưa dễ bị chết dây, trái dưa dễ bị hư thối, còn bón phân hữu cơ độ dinh dưỡng cho đất tăng lên nên trái dưa mình đạt lắm”.

Đây là lần đầu tiên người nông dân Trần Đề thực hành quy trình canh tác hữu cơ trên dưa hấu. Mô hình này được phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai từ đầu năm 2020 nhằm nâng cao giá trị trái dưa hấu nơi vùng đất giồng cát ven biển Trần Đề. Tham gia mô hình, 5 công đất trồng dưa của một số thành viên thuộc Hợp tác xã Trồng màu Mỏ Ó phải đảm bảo tuân thủ quy trình canh tác 5 không: Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại. Theo tính toán của nông dân, nhờ thay đổi hình thức canh tác từ truyền thống sang hữu cơ mà chi phí đầu tư cho cả vụ dưa năm nay đã giảm gần 1 triệu đồng/1 công. Nông dân Triệu Văn Út, thành viên Hợp tác xã Trồng màu xã Mỏ Ó cho biết thêm: “Trồng hữu cơ mình nhìn trái dưa nó to và màu sắc đến vỏ dưa cũng đẹp hơn, nói chung vụ dưa này rất vui và phấn khởi. Sắp tới sẽ mở rộng diện tích ra thêm để nâng cao thu nhập. Vì gia đình chủ yếu trồng dưa hấu chứ đất nơi đây trồng cây gì cũng khó”.

Ngành Nông nghiệp tỉnh tham quan mô hình trồng dưa hấu hữu cơ tại huyện Trần Đề.

Dưa hấu được trồng tại vùng ven biển Trần Đề đã khẳng định được chất lượng trái ngon với độ ngọt đậm đà và màu sắc đặc trưng. Giờ đây, lợi thế thổ nhưỡng vùng kết hợp với quy trình kĩ thuật canh tác theo hướng sạch, an toàn đã giúp lá cây dày, thân dây cứng, vỏ mỏng, trái dưa to và có trọng lượng nặng hơn so với những ruộng dưa lân cận. Hiện toàn bộ số dưa trong mô hình đã được thương lái thu mua với mức giá dao động từ 7 đến 9 nghìn đồng/1 kg, cao hơn gần 2 nghìn đồng so với giá thị trường. Anh Trịnh Thanh Tùng, thương lái thu mua dưa thuộc Công ty Nông sản Đăng Khôi, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đã thu mua và bán rất nhiều loại dưa hấu rồi, nhưng có thể nói trái dưa được trồng theo hướng hữu cơ này cho chất lượng trái rất là chắc. Hôm nay đến tận rẫy của bà con ở ấp Mỏ Ó để thu mua, khi mình cắt dưa ra để kiểm tra thử thấy ruột dưa rất đặc. Điều đặc biệt là khi bà con sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ để bón cho dưa sẽ giúp người bán có thể tồn trữ sau thu hoạch rất là lâu, từ 10 đến 15 ngày vẫn không bị thay đổi kết cấu thịt quả, tròn vị, đậm đà hơn so với những trái dưa khác”.

Toàn huyện Trần Đề có gần 50 ha trồng dưa hấu, riêng diện tích dưa tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình chiếm đến 28 ha. Mặc dù đã khẳng định được chất lượng trên thị trường, nhưng sản lượng và giá thành vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố sâu bệnh và những biến động về giá cả trên thị trường nên làm sao để nâng cao giá trị trái dưa hấu từ tiềm năng, lợi thế sẵn có từng là trăn trở lớn của ngành nông nghiệp địa phương. Và với hiệu quả rõ rệt đã mang lại, trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ sẽ là phương thức canh tác mà huyện triển khai nhân rộng trong thời gian tới để nâng cao thu nhập cho người nông dân và cung ứng cho thị trường tiêu dùng thêm một mặt hàng nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Trần Hoàng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin: “Mở rộng diện tích trồng dưa hấu hữu cơ chắc chắn là điều chúng tôi sẽ làm trong thời gian tới và làm một cách khẩn trương. Bởi vì trồng dưa hấu vốn là mô hình phù hợp đối với một địa phương thường xuyên chịu tác động của hạn, mặn như Trần Đề này, nên vấn đề quan trọng là làm sao để bà con tiếp tục duy trì mà duy trì như thế nào để có hiệu quả và trồng hữu cơ là giải pháp tốt nhất”.

Ngọc Thơ

Bình Định: Phù Cát được mùa, được giá đậu phụng

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), cho hay: Hiện nông dân các địa phương đang tập trung thu hoạch 3.466 ha đậu phụng vụ Đông Xuân 2020 - 2021 sản xuất trên diện tích đất màu và đất lúa kém hiệu quả. Vụ này, nông dân áp dụng tốt quy trình đầu tư, chăm sóc nên cây đậu phụng ít sâu bệnh, năng suất đạt cao, từ 40 - 41,3 tạ/ha.

Không chỉ vậy, giá đậu phụng đang ở mức cao, đầu ra thuận lợi, hiện thương lái thu mua 15.000 đồng/kg đậu phụng tươi, 28.000 đồng/kg đậu phụng khô (cao hơn 3.000 đồng/kg so với vụ này năm trước). Với giá đậu phụng hiện nay, nông dân có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/ha, hiệu quả cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa trên cùng diện tích.

TIẾN SỸ

Đến 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.

Ảnh minh họa

Đó là một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ cở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ của Đề án là đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả; phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ rau quả.

Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản rau quả tươi có quy mô và trang thiết bị phù hợp với sản lượng và đặc tính cho các loại rau quả chủ lực nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch.

Thu hút mạnh đầu tư để đến năm 2030, đảm bảo tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói và kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, quy mô lớn.

Đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phế phụ phẩm sau chế biến; phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân trên 10%/năm; tập trung chế biến các nhóm sản phẩm chủ lực: Rau quả đóng hộp; rau quả đông lạnh; nước ép và pure rau quả; rau quả sấy, snack và rau quả muối.

Xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả đảm bảo nguyên liệu được cung cấp (khoảng 5-6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng và an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến.

Chí Kiên

Anh kỹ sư chuyển 2 tấn rác thải mỗi ngày nuôi ruồi lính đen

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Tận dụng phế phẩm bỏ đi từ quả xoài để nuôi ruồi lính đen, sau đó làm dịch thủy phân từ ấu trùng ruồi lính đen phục vụ trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp Hội thăm và động viên kỹ sư Khánh tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2020 - 2021

Đồng Tháp được xem là thủ phủ xoài, được trồng khá phổ biến và chủ yếu dùng để ăn tươi. Ngoài ra, một số công ty chế biến xuất khẩu có những sản phẩm từ xoài như: xoài đông lạnh dạng 2 má, dạng quân cờ, dạng hạt lựu, mứt nhuyễn, dạng sấy dẻo, nước ép,...

Đối với sản phẩm xoài đông lạnh xuất khẩu, các công ty chỉ sử dụng hai bên má của quả xoài, phần thịt vụn còn lại là rất lớn, hàng trăm tấn mỗi ngày. Đối với các công ty chế biến xoài sấy, cũng chỉ sử dụng phần thịt má xoài, phần thịt vụn xoài có thể chiếm đến 30% phần thịt quả xoài. Đây là nguồn phụ phẩm của xoài hiện nay các công ty chưa có biện pháp xử lý, đổ bỏ gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường nếu như không có giải pháp xử lý.

Qua quá trình nghiên cứu, anh kỹ sư môi trường Võ Duy Khánh (SN 1989) ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh đã mạnh dạn sử dụng nguyên liêu phụ phẩm từ xoài để nuôi ruồi lính đen, sau đó đem chiết suất chế phẩm dịch thủy phân từ ấu trùng của ruồi lính đen phục vụ trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

Đây cũng là kết quả của đề tài của anh sẽ tham dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp thời gian tới.

Theo kỹ sư Võ Duy Khánh, dịch thủy phân (chế phẩm sinh học): bổ sung các enzym và acid amin giúp tăng chất lượng thức ăn, tạo mùi hấp dẫn kích thích tôm cá ăn nhiều, mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi, tăng độ kết bám và tạo màng bảo vệ cho các chất bổ sung hoặc thuốc điều trị vào khẩu phần thức ăn. Ngoài ra, ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn bổ sung đạm trong chăn nuôi, thủy sản; cho ấu trùng ăn các phế phụ phẩm nông nghiệp (từ các loại trái cây) giúp xử lý môi trường đồng thời tạo thành phân bón hữu cơ bổ sung cho cây trồng. Nhộng ruồi lính đen làm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, thủy sản và xác ruồi lính đen: tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Kỹ sư Võ Duy Khánh cho biết, quy trình công nghệ sản xuất dịch thủy phân ấu trùng ruồi lính đen đã được áp dụng sản xuất thử nghiệm chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm xoài hiện có tại địa phương, bước đầu trang trại của anh tiêu thụ mỗi ngày khoản 2 tấn rác thải từ trái xoài. Kỹ thuật, máy móc, thiết bị đơn giản do trong nước chế tạo nên chi phí đầu tư không quá cao. Với tổng chi phí đầu tư thiết bị ban đầu cho trang trại khoản 2 tỷ đồng, quy mô sản xuất 300kg ấu trùng/ngày và trang trại có thể thu hồi vốn sau hơn 2 năm.

Với mô hình của anh, vừa tạo được việc làm cho nhiều lao động, vừa xử lý được nguồn rác thải, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt. Qua tâm sự anh cho biết: “Nếu như có nguồn vốn lớn, anh sẽ đầu tư và phát triển với quy mô lớn nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội”.

Tr.Vũ

Hà Tĩnh: Nông dân lao đao với dịch tả heo và viêm da nổi cục trên trâu, bò

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Bên cạnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp, tại tỉnh Hà Tĩnh, tất cả huyện, thị đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Hơn 300 con trâu, bò đã chết và được đưa đi tiêu hủy.

Bệnh viêm gia nổi cục hoành hành tại Hà Tĩnh đã khiến hơn 300 con trâu, bò bị chết - Ảnh: HOÀNG HÀ

Sáng 25-3, ông Trần Hùng - chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh - cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại trên diện rộng. Dịch xuất hiện tại 5 huyện gồm Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh và đang bùng phát rất nhanh.

Đến sáng nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 800 con heo bị nhiễm bệnh phải đưa đi tiêu hủy, trong đó hai huyện dịch bệnh bùng phát nặng nhất là Cẩm Xuyên và Đức Thọ.

"Hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn Hà Tĩnh hơn 400.000 con. Giá heo đang tăng cao nên người dân tái đàn rất nhanh, trong khi đó dịch bệnh đang bùng phát nhanh nên tới đây sẽ tiếp tục có heo ốm chết và tiêu hủy", ông Hùng nói.

Một người dân ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh cho biết đàn heo của gia đình xuất hiện triệu chứng nóng sốt, bỏ ăn. Sau khi chữa bệnh bằng biện pháp thông thường nhưng heo không khỏi bệnh, hiện đàn heo của gia đình ông đã có 3 con bị chết.

"Đàn heo là nguồn thu chính của gia đình, hiện đã có 3 con bị chết, nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan thì thiệt hại lớn đối với người dân như chúng tôi", người dân này nói.

Cũng theo ông Hùng, ngoài dịch tả heo châu Phi thì bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cũng diễn biến hết sức phức tạp. Đến nay tất cả huyện, thị tại địa phương này đã xuất hiện bệnh. Có hơn 300 con trâu, bò đã chết được đưa đi tiêu hủy.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 200.000 con trâu, bò nằm trong diện phải tiêm phòng bao vây dịch bệnh. Hiện địa phương này đã tiêm được khoảng 50.000 liều vắc xin phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

"Chúng tôi đang gấp rút phối hợp với các địa phương tiêm vắc xin cho 150.000 con trâu, bò nằm trong diện phải tiêm phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay là mùa người dân chăn thả gia súc, dịch dễ lây lan nên sẽ rất khó khăn để kiểm soát", ông Hùng cho hay.

Trước đó, như Tuổi Trẻ Online thông tin, từ tháng 12-2020, hàng loạt con bò tại Hà Tĩnh mắc bệnh lạ khi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, chướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân. Sau nhiều ngày, những cục sần bắt đầu hoại tử khiến trâu, bò bị chết.

Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy từ trâu, bò mắc bệnh, Chi cục Thú y vùng 3 xác định căn bệnh các con bò này mắc là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết dịch bệnh này lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Tĩnh, nguồn gốc bệnh xuất phát từ ruồi, muỗi.

HOÀNG HÀ

Nâng chất lượng đàn bò nhờ ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Long An

Mô hình nuôi bò ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) của Tổ hợp tác (THT) ở ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An là 1 trong 4 mô hình điểm được Hội Nông dân tỉnh thực hiện, bước đầu góp phần nâng cao nhận thức của các thành viên về chăn nuôi ƯDCNC.

Hiện đàn bò phát triển tốt

Tổ hợp tác hoạt động từ tháng 6/2020, có 17 hộ chăn nuôi bò trên địa bàn ấp tham gia. Khi tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Huệ tập huấn về kỹ thuật nuôi bò ƯDCNC. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh còn cấp vốn 500 triệu đồng cho 12 hộ trong THT. Từ nguồn vốn vay này, các thành viên mua mới và thay đổi 24 bò giống sinh sản. Anh Nguyễn Đăng Khoa - thành viên THT, chia sẻ: “Trước đây, tôi nuôi 3 con bò. Trong vòng 1 năm từ khi thực hiện mô hình, đàn bò của gia đình hiện có 4 con; khoảng 1 tháng nữa, đàn bò sẽ sinh thêm 2 con. So với cách nuôi truyền thống, bò nuôi theo hướng ƯDCNC được phối giống bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo; bò con sinh ra có tầm vóc lớn, giá bán cao hơn nên lợi nhuận tăng”.

Trước đây, khi chưa tham gia THT, đa số hộ chăn nuôi đều xây dựng chuồng trại đơn sơ và chưa quan tâm nhiều đến chất lượng bò giống,... Còn hiện nay, các hộ chăn nuôi tham gia mô hình đã xây dựng chuồng sạch sẽ, thoáng mát, chú trọng chất lượng con giống.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Hòa Bắc - Võ Thị Hồng Gấm cho biết: “Xã hiện có 1 hợp tác xã và 4 THT chăn nuôi bò thịt ƯDCNC. Lúc đầu thực hiện mô hình, người chăn nuôi còn ngại trong việc thay đổi giống bò vì quen sử dụng giống bò cỏ nhưng sau thời gian đã nâng cao nhận thức, chú trọng con giống chất lượng. Nhìn chung, đàn bò đang phát triển tốt, kinh tế gia đình của các hộ cũng dần được cải thiện và ổn định hơn”.

Qua gần 1 năm thực hiện mô hình, từ quy mô 54 con bò ban đầu, hiện tại, THT đã phát triển đàn bò lên 78 con, trong đó có 54 con bò sinh sản. Bò con sinh ra đều được thực hiện bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, có tầm vóc và trọng lượng lớn hơn so với giống bò nuôi trước đây có cùng tháng tuổi. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đàn bò tại địa phương và mang lại nguồn thu thập cao cho hộ chăn nuôi./.

Kim Tiến - Tấn Hữu

Khi nông dân linh hoạt

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Khi cái nắng ban trưa dịu bớt, anh Hồ Viết Sơn ở khu phố Lương Tây (thị trấn Lương Sơn, Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) lại mang máy ra cánh đồng cắt cỏ cho đàn bò ăn. Chỉ khoảng vài phút đi xe máy, vườn cỏ tây xanh um hiện ra trước mắt. Cánh đồng rộng 3 sào này 5 năm trước là ruộng lúa “năm được năm thất” của gia đình anh. Bây giờ đã khác, trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản mỗi năm cho gia đình nguồn thu nhập khá.

Anh Sơn cắt cỏ chăm đàn bò.

Trồng cỏ nuôi bò trên đất lúa

Tiếng máy cắt cỏ nổ giòn tan, từng đám cỏ ngã rạp, con gái anh Sơn theo sau tóm cỏ thành từng bó ôm gọn trên tay. Đàn bò trong chuồng cứ thong dong gặm cỏ, con nào con nấy bụng cũng no căng tròn. Ngưng tay, anh Sơn hồ hởi khoe: “Nhờ thức ăn dồi dào, bò nhốt chuồng ít dịch bệnh hơn nên tôi chủ động tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng nên đàn bò thịt phát triển rất tốt. 5 con bò cái vừa sinh 5 bê con sau gần 7 tháng nuôi, kêu thương lái đến bán tất cả số bê ấy được 25 triệu đồng. Tôi định sửa lại cái chuồng cũ để đầu tháng sắp tới nuôi thêm bê con bán thịt. Sở dĩ tôi quyết định tăng số lượng đàn là thấy hướng này cho mức thu nhập khá cao, hơn nữa số cỏ trồng đủ cho đàn bò ăn”.

Các cánh đồng khu phố Lương Tây, Lương Trung, Lương Đông hưởng lợi nguồn nước công trình thủy lợi Đại Ninh, bây giờ thêm nước tích trữ hồ Sông Lũy. Nơi đây, mạch nước ngầm dồi dào nhưng tình trạng ngập úng lại xảy ra vào mùa mưa, mùa khô có lúc thiếu nước một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Sau khi được UBND xã định hướng, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi bớt diện đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, số còn lại vừa trồng lúa tăng thu nhập và tận dụng nguồn rơm rạ chăn nuôi. Nhớ lại khi còn trồng 5 sào lúa, mỗi năm đầu tắt mặt tối làm đều đặn 3 vụ lúa song cuộc sống gia đình anh vẫn thiếu trước hụt sau. “Lúa thất thu đã khổ, điều khiến tôi đau đầu hơn là lúa mất nên không có rơm cho bò ăn, phải đi mua với giá cao. Mỗi tháng nuôi 4 con bò cũng tốn khoảng 200.000 đồng tiền mua cỏ”, anh Sơn kể. Anh Sơn nhẩm tính so sánh với làm lúa thì trồng cỏ nuôi bò lãi gấp 1,5 lần bởi giá bò thịt ổn định, gia đình anh bớt nhọc nhằn.

Anh Nguyễn Hữu Sáng - một hộ nông dân khác ở khu phố Lương Trung cũng chuyển đổi trồng 3,5 sào cỏ nuôi 10 con bò cái sinh sản và 10 con bò bán thịt, nói thêm: “Trồng cỏ trên đất lúa, cỏ tốt hơn so với đất gò bởi đất giữ được độ ẩm, ít tốn phân. Tôi bắt thêm hệ thống tưới tiết kiệm giảm được một nửa lượng nước tưới so với làm lúa”. Trồng cỏ nuôi bò đang cho hiệu quả kinh tế bởi người dân chủ động được nguồn thức ăn tự trồng sẵn, nguồn rơm rạ cả đàn bò ăn thoải mái, tận dụng phân bò bán cũng có thêm thu nhập.

Chuyển đổi sinh kế hiệu quả

Anh Trần Xuân Tửu – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lương Sơn thông tin: “Định hướng năm 2021 này sẽ nhân rộng mô hình khu vực cánh đồng Ma Khóc ở khu phố Lương Hòa, nơi đây diện tích lúa lên đến 500 ha”. Tùy vào lượng mưa hàng năm một số cánh đồng vùng hạ lưu nơi xa nguồn nước tưới của các hệ thống thủy lợi không đủ nước sản xuất. Nông dân có xu hướng chuyển đổi một vài đám ruộng nguy cơ thiếu nước sang trồng cỏ nuôi bò, được xã khuyến khích. Để mô hình trồng cỏ nuôi bò phát triển bền vững, tháng 10/2020 Tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo với 10 thành viên được thành lập ở khu phố Lương Hòa với quy mô 50 con.

Các thành viên của tổ thường xuyên gặp gỡ trao đổi thông tin, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất, nguồn hàng, kỹ thuật chăm sóc bò sao cho hiệu quả. Nguyễn Hữu Hảo – Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo chia sẻ: “Xuất phát từ ảnh hưởng dịch Covid - 19 kéo theo sản xuất cây thanh long cũng bấp bênh, giá chạm đáy. Những hộ khó khăn không chăm sóc, phá bỏ, khi có chủ trương của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, chúng tôi động viên nhau tập hợp lại xin thành lập Tổ hợp tác này”. Ngoài số diện tích đất lúa chuyển đổi trồng cỏ nuôi bò, một vài hộ đợt giá thanh long xuống thấp họ kết hợp trồng cỏ xen thanh long nuôi bò, sử dụng phân bón bò chăm sóc thanh long nên lợi cả đôi đường! Một thành viên trong tổ hợp tác nói thêm: “Từ ngày cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tôi học hỏi thêm được cách chọn giống, để nuôi bò vỗ béo hiệu quả hàng ngày phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, có sự kết hợp giữa thức ăn tinh và thức ăn thô. Nhiều bà con tha thiết vào tổ nhưng thiếu vốn sản xuất...”.

Có thể thấy từ độc canh cây lúa bấp bênh chuyển sang đa canh kết hợp, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế gia đình hiệu quả mở ra cho nông dân những cơ hội và thách thức đan xen nhau. Mặc dù sự linh hoạt chuyển đổi trồng cỏ nuôi bò hiệu quả nhưng để phát triển bền vững cần tính tới liên kết chuỗi chăn nuôi nâng cao năng lực nông dân, cải thiện thu nhập, có sự thống nhất về giá cả của sản phẩm khi xuất ra thị trường, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh… Rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn, liên kết hợp tác, liên kết sản xuất thì việc chuyển đổi sinh kế bền vững, tăng thu nhập, tránh vòng luẩn quẩn chuyển đổi với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì?”.

Thị trấn Lương Sơn có khoảng 50 ha diện tích lúa nước chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò, nhiều nhất là ở khu phố Lương Hòa chừng 20 ha, đàn bò phát triển với trên 5.000 con” - anh Trần Xuân Tửu – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lương Sơn cho biết.

THANH DUYÊN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop