Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 05 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 05 năm 2020

Bảo vệ các nguồn gen động, thực vật quý

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Trước thực trạng nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao đang dần bị mai một, có nguy cơ biến mất, tỉnh Quảng Ninh đã và đang có những giải pháp quyết liệt, mang tính bền vững hơn để giữ gìn các “tài nguyên” quý này.

Cây dược liệu ba kích tím được bảo tồn nguồn gen, xây dựng mô hình trồng chuyên canh. Trong ảnh: Mô hình trồng ba kích tím của hộ ông Mông Văn Thàm (huyện Ba Chẽ). Ảnh: Phạm Tăng.

Gà Bang Trới là giống gà gắn liền với 2 địa danh làng Bang và làng Trới của huyện Hoành Bồ trước đây (các địa danh này nay thuộc TP Hạ Long). Giống gà này dễ nuôi, thích nghi cao với điều kiện thời tiết của địa phương, ít dịch bệnh, cho thịt, trứng thơm, ngon, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, do phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự nhiên, không chú ý chọn lọc giữ gìn nguồn gen gốc của người dân, nên giống gà này đã bị thoái hoá, năng suất thấp. Nhận thấy rằng, đây là giống gà quý, cần được bảo tồn, lưu giữ nguồn gen để nhân rộng, năm 2015, Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc (Bộ NN&PTNT) đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nhân thuần, lưu giữ bảo tồn giống gà Bang Trới”.

Thực hiện nhiệm vụ này, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 100 con gà mang đặc điểm của gà Bang Trới (80 con gà mái, 20 con gà trống), nhân thuần đàn gà qua 4 thế hệ; đánh giá chi tiết nguồn gen; bàn giao 2.000 con giống gà Bang Trới cho 2 doanh nghiệp và 4 hộ dân để duy trì và phát triển nguồn gen.

Gà Tiên Yên là một trong những loài được đề xuất bảo tồn nguồn gen trong giai đoạn tới. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà đồi Tiên Yên của hộ anh Trần Văn Hoan (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên).

Đây chỉ là một trong 8 giống, loài động, thực vật quý hiếm mà tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện bảo tồn theo đề án khung bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020. Trong giai đoạn này, tỉnh cũng đã triển khai bảo vệ thành công nguồn gen quý của một số loài khác, như cây ba kích tím, ngán, sá sùng, cá tráp vây vàng, tu hài, ốc đĩa… Việc tổ chức tốt công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu này để khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống… sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi của môi trường, biến đổi khí hậu, vấn đề bảo tồn càng mang tính cấp thiết, cần triển khai có hiệu quả để không mất đi nguồn gen quý báu mang tính đặc trưng. Vì vậy việc quy hoạch để bảo tồn, khai thác nguồn gen bền vững mang tính cấp thiết, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái.

Sá sùng Vân Đồn.

Theo rà soát, đánh giá của Sở KH&CN, hiện Quảng Ninh có gần 250 nguồn gen nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn; trong đó, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, rươi nước lợ Đông Triều… Xác định bảo tồn nguồn gen các loài đặc hữu trên là nhiệm vụ cấp bách, Sở KH&CN đang tiến hành xây dựng khung Đề án bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025. Theo đó, thông qua việc xác định giá trị khoa học, giá trị sử dụng và tình trạng suy giảm nguồn lợi, Đề án sẽ đánh giá cụ thể hiện trạng nguồn gen, từ đó xây dựng lộ trình, giải pháp để bảo tồn.

Theo ông Lâm Văn Phong, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN): Đề án được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nghẽn trong bảo tồn gen, như xây dựng cơ chế hỗ trợ bảo tồn, phát triển nguồn gen; hình thành mạng lưới bảo tồn quỹ gen quốc gia tại Quảng Ninh. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen đã lưu giữ, bảo tồn; phát triển các nguồn gen cây rừng bản địa, cây dược liệu có giá trị theo Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững.

Sở KH&CN đang xây dựng Đề án bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo rà soát, đề xuất của Sở, trong giai đoạn này dự kiến sẽ đưa 19 đối tượng vào nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, gồm; cây đằng sâm, cây hoằng đằng, cây nam hoàng liên, loài bình vôi, cây cẩu tích, cây cốt toái bổ, cây hoàng tinh hoa trắng, cây re hương, cây trai lý, cây gù hương, cây gụ lau, cây thông tre lá ngắn, cây tùng La Hán, giống lúa chiêm đá, gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, lợn hương, rươi nước lợ Đông Triều và cây nấm chẹo.

Nguyên Ngọc

Thu nhập ổn định nhờ trồng chuối Laba

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Trong điều kiện giá cà phê xuống thấp, anh Mai Văn Phúc, ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), đã mạnh dạn chuyển đổi cây cà phê sang trồng chuối Laba. Đến nay, chuối Laba đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cho gia đình anh Phúc.

Năm 2007, gia đình anh Phúc từ Bình Phước vào thôn 10, xã Trường Xuân lập nghiệp. Trên vùng đất bazan màu mỡ, cà phê là cây chủ lực của gia đình anh.

Vườn chuối đang được anh Phúc mở rộng

Bên cạnh đó, anh trồng cây ngắn ngày để tạo nguồn thu nhập và tạo nguồn vốn đầu tư, mở rộng diện tích. Khi toàn bộ diện tích 18 ha đất của gia đình được phủ kín bởi cây cà phê và bắt đầu cho thu hoạch thì cũng là lúc giá cà phê xuống thấp, còn chi phí đầu tư lại tăng cao. Sau nhiều trăn trở, anh Phúc quyết định tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Anh đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm sản xuất các loại cây trồng ở Lâm Đồng, Đồng Nai.

Năm 2017, anh Phúc bắt đầu thí nghiệm trồng 500 cây chuối lùn Laba giống nuôi cấy mô xuất xứ từ Lâm Đồng. Anh Phúc cho biết, chuối Laba mang nhiều ưu điểm và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Loại chuối này có độ dẻo, mùi thơm và vị ngọt đặc trưng. Về thị trường, trong nhiều năm trở lại đây, chuối Laba được coi là mặt hàng đặc sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, ngoài thị trường trong nước còn có thể xuất khẩu.

Anh đã trồng thí nghiệm để theo dõi, nắm bắt xem chuối thường bị bệnh gì, cách trị bệnh ra sao, xem khá năng của bản thân chủ động được bao nhiêu để triển khai trồng đại trà. Sau khi hiểu về cây chuối khá tường tận, năm 2018, anh Phúc đã mạnh dạn xuống giống 5.000 cây chuối Laba xen trong vườn cà phê. Tiếp đó, năm 2019, anh Phúc đầu tư xuống giống thêm 12.000 cây để mở rộng quy mô sản xuất.

Hiện nay anh Phúc có khoảng 5.000 cây bắt đầu cho thu hoạch

Anh Phúc chia sẻ, giống chuối Laba có chất lượng giống được bảo đảm, độ đồng đều cao, sạch bệnh, cho thu hoạch đồng loạt, thuận tiện cho việc canh tác bài bản để xuất khẩu. Trồng chuối tốn ít công chăm sóc, nhưng người trồng phải đặc biệt chú ý khi cây chuối trổ buồng rất cần nước nên cần tưới nước và bón phân đầy đủ để quả chuối phát triển tốt.

Thêm một ưu điểm lớn là ngoài chi phí mua giống ban đầu, chuối có thể cho thu hoạch liên tục từ 3 - 5 năm mới phải thay giống mới, nên hạn chế được vấn đề đầu tư. Sau khi trồng chuối khoảng 6 tháng thì có thể tiến hành để chồi cho vụ sau. Theo kinh nghiệm của anh Phúc, nên chọn những chồi con mập, khỏe, đều, cao dưới 1m, mọc cách xa cây mẹ 20 cm và cùng hàng với cây mẹ để làm cây giống. Mỗi bụi chuối chỉ nên để 3 cây và có thời gian sinh trưởng cách nhau từ 3-4 tháng.

Hằng ngày, anh Phúc phải kiểm tra và chằng chống để chuối khỏi ngã đổ, vì mỗi buồng nặng từ 20 - 40 kg

Anh Phúc chia sẻ kinh nghiệm, trồng chuối chú ý nước, vì cây chuối cần độ ẩm tương đối lớn. Ngoài ra, chuối thường bị sâu đục thân, rụt lá và sâu vẽ bùa lên trái. Các bệnh này chú ý phòng chống bằng cách cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây, bọc quả sớm. Từ 6 - 8 tháng, chuối bắt đầu có buồng. Chuối Laba 1 năm thu hoạch 1 lần, mỗi buồng chuối nặng từ 20 - 40 kg.

Thời gian qua, anh Phúc đã tự đi chào hàng, kết nối đầu ra và hiện nay, đã có các đơn hàng để đưa chuối Laba vào các siêu thị, công ty, điểm bán lẻ tại thị trường Bình Dương. Hiện nay, mỗi ngày gia đình anh Phúc thu hoạch khoảng 1 tấn chuối bán cho các thương lái ở Bình Dương. Đợt này, anh Phúc thu hoạch 5.000 cây chuối xuống giống năm 2018, ước đạt khoảng 100 - 120 tấn quả. Với giá bán hiện nay khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg, anh Phúc dự trù thu về khoảng 500 - 700 triệu đồng trừ chi phí.

Theo tính toán của anh Phúc, 1 ha đất có thể trồng được khoảng 2.000 cây chuối Laba, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng và thu hoạch được khoảng 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các năm tiếp theo thì giảm đầu tư và thu nhập tăng thêm khi mỗi gốc có thể đẻ từ 3 - 4 cây con và không tốn tiền giống. Hiện nay, anh Phúc đang áp dụng quy trình sản xuất chuối theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng nguyên liệu hướng tới xuất khẩu.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Sóc Trăng: Trao chứng nhận VietGAP cho trái vú sữa tím

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Ngày 22 - 5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tổ chức trao chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng, ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa (Kế Sách). Đến dự có lãnh đạo Chi cục TT-BVTV, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, UBND xã Xuân Hòa và toàn thể thành viên HTX.

Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV trao giấy chứng nhận VietGAP cho trái vú sữa tím đến Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng. Ảnh: Thúy Liễu

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng được thành lập năm 2019, có diện tích canh tác ha hơn 39,3ha, với 35 thành viên, trong đó vú sữa tím diện tích là 29,6 ha, sản lượng hàng năm ước đạt 420 tấn. Số lượng vú sữa tím xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm 2019 gần 23 tấn trái, giá xuất khẩu cao hơn giá thị trường nội địa 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về cho thành viên HTX hơn 90 triệu đồng/ha, góp phần tăng thu nhập cho thành viên. Diện tích đất còn lại thành viên trồng xen canh các loại cây ăn trái khác như: mận, xoài, mít, sầu riêng nhằm tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất…

Giám đốc HTX Quyết Thắng, xã Xuân Hòa (Kế Sách) Nguyễn Văn Thiên chia sẻ: “Hai năm trở lại đây nhờ được ngành chuyên môn khuyến cáo sản xuất trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều nhà vườn đã áp dụng làm theo, do thấy lợi nhuận trước mắt là giảm chi phí sản xuất, sử dụng phân bón đủ liều lượng cân đối, thay thế dần các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sang các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học đã tạo độ màu mỡ cho đất, cải thiện năng suất và chất lượng trái. Theo đó, HXT được ngành chuyên môn cấp giấy chứng nhận VietGAP cho trái vú sữa tím, tạo cơ hội tốt hơn nữa cho HTX mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…”.

Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Nguyễn Thành Phước chúc mừng HTX Nông nghiệp Quyết Thắng được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đây là HTX thứ hai tại huyện Kế Sách đạt chứng nhận VietGAP trên trái vú sữa tím. Qua đó, mong muốn HTX tiếp tục sản xuất trái vú sữa tím theo đúng quy trình kỹ thuật ngành chuyên môn khuyến cáo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giữ uy tín chung cho trái vú sữa tím tại HTX và của địa phương.

THÚY LIỄU

Năng suất và giá bán các loại trái cây hè giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện nay, các loại trái cây chủ lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… đang vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nắng nóng và khô hạn kéo dài nên hầu hết các vườn cây ăn trái đều cho năng suất thấp, giá bán cũng giảm sâu so với vụ hè năm 2019.

Theo nhiều tiểu thương, dù giá thấp nhưng lượng tiêu thụ sầu riêng vẫn giảm so với mọi năm. Trong ảnh: Chọn mua sầu riêng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu.

Còn gia đình ông Văn Công Hòa, thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức trồng bơ trên diện tích 9.000m2. Hiện nay, vườn bơ đã được 4 năm tuổi, là thời điểm cho thu hoạch “sung sức” nhất, dù vậy, vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề của thời tiết cực đoan. Ông Hòa cho biết, mùa khô năm nay đến sớm, kết thúc muộn, dịp cây ra hoa lại gặp nắng nóng kéo dài. Do đó, việc thiếu nước tưới khiến hoa héo khô, rụng nên năng suất giảm mạnh. Trái cũng không được đẹp như mọi năm. “Vườn bơ của tôi chỉ đạt khoảng 7 tấn so với 10 tấn của các năm trước. Cùng với đó giá bơ cũng đang giảm mạnh. Đầu vụ còn bán được 50-60.000 đồng/kg, nhưng đến nay giá bơ đã giảm mạnh chỉ còn 24.000 đồng/kg”, ông Hòa nói. Những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Mai, thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức đang tất bật vào vụ thu hoạch chôm chôm và măng cụt. Bà Mai cho biết, vụ thu hoạch trái cây hè năm nay trễ hơn thông thường khoảng nửa tháng do thời tiết khô hạn kéo dài. Năng suất cũng không được như kỳ vọng. Cụ thể, chôm chôm chỉ cho gần 4 tấn/ha, giảm 1 tấn/ha; măng cụt 2-3 tấn/ha, giảm 0,5 tấn/ha so với mọi năm.

Không chỉ năng suất giảm mạnh, chất lượng trái kém, cộng với thị trường tiêu thụ khó nên giá bán các loại trái cây đều ở mức thấp. Bà Nguyễn Thị Mai cho biết: “Nếu như mọi năm, thời điểm này thương lái thu mua măng cụt giá từ 50-60.000 đồng/kg, thì năm nay còn từ 25-30.000 đồng/kg. Chôm chôm cũng giảm phân nửa, chỉ còn 6.000-10.000 đồng/kg. Với năng suất, giá cả như thế này, nông dân gần như không có lãi sau cả năm trời chăm bẵm cho vườn cây ăn trái”.

Nắng nóng làm giảm chất lượng, năng suất măng cụt trong vườn bà Nguyễn Thị Mai, thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức.

Trong khi đó, sầu riêng được xem là “vua” của các loại trái cây hè, giá bán lúc nào cũng ở mức cao thì năm nay cũng không được như kỳ vọng. Những năm trước, thương lái vào tận vườn bao tiêu toàn bộ, với giá 55-60.000 đồng/kg (sầu riêng Thái), 60-65.000 đồng/kg (Ri 6). Tuy nhiên hiện nay, 2 loại này lần lượt có giá khoảng 30.000 và 35.000 đồng/kg. Theo đó, giá bán sầu riêng tại chợ cũng giảm mạnh, nếu như trước đây luôn ở mức từ 95-120.000 đồng/kg thì nay chỉ còn từ 75-85.000 đồng/kg, tùy loại. Nguyên nhân là do xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn cũng như chất lượng sầu riêng năm nay giảm đáng kể. Gia đình bà Huỳnh Thị Liên, ở ấp Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đang trồng gần 1ha sầu riêng. Theo bà Liên, năm nay, vườn sầu riêng của gia đình bà chỉ thu về khoảng 2 tấn, giảm gần 1 nửa thông thường, giá bán cũng giảm phân nửa. Dù vẫn giúp người nông dân thu lãi vài chục triệu đồng/ha nhưng đây là vụ sầu riêng kém vui nhất trong vài năm trở lại đây.

Theo ngành nông nghiệp, những năm gần đây, các loại cây trái đặc sản đã đem lại lợi nhuận cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh cũng tăng “nóng” hơn 2.000ha so với năm 2018, lên đến 10.370ha như hiện nay. Tuy nhiên, điều này mang đến nhiều rủi ro về giá cả, dịch bệnh. Do đó, theo ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, thay vì tăng diện tích cây ăn trái một cách ồ ạt, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu nhu cầu thị trường; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng vườn cây, đăng ký sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…, tránh tình trạng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Bên cạnh đó, để giảm áp lực của tình trạng được mùa - rớt giá, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân nên thực hiện xử lý cho các loại cây ra trái rải vụ, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt, khiến nguồn cung dư thừa.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

Triển vọng từ giống lúa hữu cơ thảo dược tím

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Lúa thảo dược tím được đưa vào sản xuất ở Quảng Trị đã vài năm nay nhưng trước đây nông dân thâm canh giống lúa này theo phương pháp canh tác vô cơ. Do đó, sản phẩm chưa đạt chất lượng chuẩn sạch. Nhằm tìm kiếm một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Công ty TNHH Vương Tây Sơn, Cam Lộ đã phối hợp với nông dân tiến hành sản xuất thử nghiệm các mô hình lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ tại vụ đông xuân 2019-2020, trong đó có lúa thảo dược tím. Đến nay đã vào kỳ thu hoạch, mô hình lúa thảo dược cho kết quả khả quan.

Lúa hữu cơ thảo dược thử nghiệm ở xã Thanh An, Cam Lộ. Ảnh: VTH

Hộ ông Lê Hữu Thiện ở Đội 2, thôn Kim Đâu, xã Thanh An, huyện Cam Lộ vụ đông xuân năm nay nhận làm mô hình thí điểm sản xuất theo phương pháp hữu cơ cho Công ty TNHH Vương Tây Sơn 5 ha, trong đó có giống lúa thảo dược tím 2 ha. Ông Thiện được công ty hỗ trợ 100% giống lúa và 100% phân hữu cơ vi sinh Vương Tây Sơn. Ông Thiện xuống giống lúa thảo dược tím cùng lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, nhưng ở ruộng của ông không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào cho đồng ruộng, kể cả thuốc trừ cỏ. Từ đầu đến cuối vụ ông Thiện chỉ bón phân hữu cơ vi sinh cho lúa với lượng phân 2,4 tạ/sào được chia làm 3 lần vào những thời kỳ là bón lót, bón thúc đòng và bón khi lúa trổ. Làm theo phương pháp hữu cơ này, ông Thiện phải bỏ thêm 20 công làm cỏ cho 2 ha lúa. Khi lúa chớm bị sâu bệnh, ông Thiện được công ty hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chủ yếu với mục đích xua đuổi các loại sâu. Đặc biệt, lúa bón phân hữu cơ vi sinh có thân chắc, lá to, xanh bền, không đổ ngã nên hầu như ít bị bệnh và chống chịu tốt với thời tiết, dự kiến năng suất đạt khoảng 45- 50 tạ/ha.

Ông Lê Hữu Thiện cho biết: “Nhà tôi làm lúa thử nghiệm cho Công ty Vương Tây Sơn chỉ bón phân hữu cơ vi sinh do công ty hỗ trợ thôi, ngoài ra không bón thêm bất cứ một loại phân nào hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nào hết. Bón phân hữu cơ đưa lại nhiều ưu điểm trong quá trình phát triển của cây lúa nên lúa ít bị sâu bệnh, không đổ ngã, năng suất có thấp hơn bón phân vô cơ nhưng sản phẩm hoàn toàn sạch, giá bán lúa cao hơn nhiều so với lúa đại trà nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Vụ tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất lúa thảo dược tím theo phương pháp này”.

Đây là vụ đầu tiên Công ty TNHH Vương Tây Sơn thử nghiệm sản xuất lúa bằng chính loại phân hữu cơ vi sinh do công ty sản xuất. Tổng số diện tích công ty sản xuất thử nghiệm là 9 ha, trong đó lúa thảo dược tím 5 ha và lúa Bắc Thơm 4 ha. Giống lúa thảo dược tím Vĩnh Hòa được công ty mua từ tỉnh Nghệ An đạt chất lượng tốt. Phân hữu cơ được công ty sản xuất bằng phương pháp lên men sinh học từ các phụ phẩm lâm nghiệp, nông nghiệp, phân chuồng, bả đậu tương, rỉ mật, men vi sinh và một lượng nhỏ NPK để giúp men vi sinh sinh khối nhanh. Các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học cũng do công ty tự pha chế từ các vật liệu như gừng, ớt, tỏi, rượu, lá xoan, cây cà độc dược, bồ kết…

Đến nay, lúa hữu cơ thảo dược tím của mô hình thử nghiệm đã thu hoạch, công ty sẽ triển khai thu mua thóc tươi tại ruộng cho nông dân với giá 10.000 đồng/ kg (cao hơn giá thóc chất lượng cao 2.000 đồng/kg). Nhờ công ty hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh nên mỗi sào ruộng nông dân lãi 2 triệu đồng. Còn nếu tính cả chi phí vật tư, phân bón, giống sản xuất thì nông dân lãi 1,4 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với sản xuất lúa đại trà theo phương pháp vô cơ. Giám đốc Công ty TNHH Vương Tây Sơn Nguyễn Đăng Vương cho biết: “Công ty phối hơp với nông dân thử nghiệm sản xuất vụ đầu đạt kết quả tốt. Công ty sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm vài vụ nữa để khẳng định kết quả chắc chắn của phân hữu cơ vi sinh Vương Tây Sơn đối với sản xuất lúa nói chung và lúa thảo dược nói riêng. Công ty cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ lúa thảo dược để mở rộng diện tích canh tác lúa thảo dược theo phương pháp hữu cơ vì lúa này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa”.

Hiện nay, Công ty Vương Tây Sơn đã kết nối được với hệ thống phân phối gạo sạch hữu cơ tại Hà Nội với giá bán sỉ 35.000 đồng/kg gạo. Toàn bộ sản phẩm gạo thảo dược tím đã được công ty ký hợp đồng bán tại Hà Nội. Gạo thảo dược có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài việc cung cấp năng lượng cho cơ thể, gạo thảo dược tím còn có nhiều tác dụng khác nhau, đặc biệt cho người bị bệnh như: Phòng ngừa bệnh tim mạch, tốt cho xương, chống táo bón, giảm các triệu chứng hen suyễn, giảm béo phì, giảm mỡ máu, duy trì hệ thống thần kinh khỏe mạnh…

Sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ không phải là phương pháp mới mà là cách trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống của người dân trước đây nhưng hiện nay được sự hỗ trợ của máy móc, các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa nên nông dân không phải tốn nhiều công sức lao động nhiều. Vì vậy, đây là một hướng sản xuất đúng vừa tạo ra sản phẩm sạch tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái. Đặc biệt là sản xuất lúa thảo dược tím theo phương pháp hữu cơ mở ra cho nông dân một triển vọng mới để nâng cao giá trị trong sản xuất lúa.

Võ Thái Hòa

Liên kết với nông dân huyện Ia Grai sản xuất điều hữu cơ

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Gần 1 tháng qua, Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Ia Grai (làng Klah 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) phối hợp với chính quyền 2 xã Ia Chía và Ia O tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 133 nông hộ chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu. Đây là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng hạt điều nguyên liệu, hạt điều thương phẩm có xuất xứ từ Ia Grai.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, toàn huyện hiện có khoảng 5.755 ha điều, tập trung ở 6 xã phía Tây gồm: Ia O, Ia Chía, Ia Tô, Ia Krai, Ia Khai, Ia Grăng. Sản lượng hàng năm khoảng 7.000-8.000 tấn, năng suất bình quân 1,4-1,5 tấn/ha. Nếu được chăm sóc tốt, điều có thể đạt năng suất 2-3,5 tấn/ha.

Việc liên kết trồng điều theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp nhiều nông dân ở huyện Ia Grai nâng cao thu nhập. Ảnh: S.C

Để nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng điều của địa phương, từ cuối tháng 4 đến nay, HTX Mật ong Phương Di Ia Grai đã phối hợp cùng chính quyền và 133 nông hộ ở 2 xã Ia Chía, Ia O thực hiện dự án liên kết trồng điều hữu cơ trên diện tích gần 370 ha. Bước đầu, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) và EU. Tham gia dự án, anh Ksor Dớ (làng Kuc, xã Ia O) cho biết: “Cây điều rất dễ trồng, không phải đầu tư chăm sóc nhiều, chỉ cần làm cỏ, tỉa cành, bón phân. Nay được tập huấn kỹ thuật chăm sóc điều theo tiêu chuẩn hữu cơ, tôi cần tuân thủ nghiêm quy trình, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân hóa học. Tôi thấy quy trình canh tác này không khó lắm, giá bán hạt điều lại cao hơn”. Cũng theo anh Dớ, gia đình anh có 3 ha điều, mỗi năm đem lại nguồn thu vài chục triệu đồng.

Xã Ia O hiện có hơn 1.235 ha điều. Đây là loại cây trồng chủ lực của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho biết: “Cây điều là nguồn thu nhập chính của bà con dân tộc thiểu số trong xã. Do đó, chính quyền địa phương rất ủng hộ việc chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu làm được, bà con sẽ nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất vì có HTX Mật ong Phương Di Ia Grai lo đầu ra. Xã đã xây dựng được tổ liên kết sản xuất, quản lý chặt chẽ tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hái”. Ông Nghiệp còn cho biết, với vai trò đầu mối liên kết với HTX Mật ong Phương Di Ia Grai, xã Ia O đã thành lập tổ liên kết gồm 63 hộ trồng 170 ha điều. Các hộ này tham gia làm thành viên HTX, được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, bao tiêu sản phẩm…

Theo khảo sát, đa phần vùng điều nguyên liệu do bà con dân tộc thiểu số canh tác theo xu hướng tự nhiên. Đây là điều kiện cần thiết để làm chứng nhận điều hữu cơ cho cây điều Ia Grai. Ảnh: Sơn Ca

Ông Nguyễn Tấn Công-Giám đốc phụ trách kỹ thuật của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai-cho biết: “Tôi đã chia sẻ với bà con nông dân về nguyên tắc cơ bản trong canh tác cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ; hướng dẫn bà con sử dụng bộ nhật ký nông hộ. Với quyết tâm của HTX cùng với bà con, chắc chắn trong năm nay sẽ có một diện tích điều hữu cơ được chứng nhận. Những năm tới, vùng điều hữu cơ sẽ được mở rộng”. Thông qua hoạt động khảo sát tại vùng nguyên liệu, trao đổi trực tiếp với nông hộ tham gia dự án thuộc 2 xã Ia Chía và Ia O, ông Công cho rằng, thay đổi thói quen canh tác không phải là quá khó khăn. Quan trọng nhất là sự định hướng của đơn vị với bà con và chính sách hỗ trợ, động viên của chính quyền các cấp. Lâu nay, đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong trồng trọt. Do vậy, việc chuyển sang canh tác điều theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ tránh được những tác hại của ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai-thông tin: “Song song với việc hỗ trợ bà con chuyển đổi quy trình sản xuất, chúng tôi đang tìm kiếm, ưu tiên lựa chọn diện tích điều được đồng bào dân tộc thiểu số canh tác theo xu hướng thuần tự nhiên để làm các mẫu kiểm tra, gửi Lab nước ngoài kiểm nghiệm. Nếu diễn tiến thuận lợi thì đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, HTX sẽ có chứng nhận vườn điều nguyên liệu hữu cơ cho một số diện tích”. Cũng theo bà Trần Thị Hoàng Anh, xây dựng chứng nhận sản xuất điều hữu cơ là bước đi cần thiết để phát huy lợi thế của vùng nguyên liệu điều Ia Grai. Gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, HTX đã liên kết với đầu mối doanh nghiệp, sẵn sàng bao tiêu khoảng 2.000 tấn điều/vụ của vùng nguyên liệu ở xã Ia O và Ia Chía.

SƠN CA

Chứng chỉ True Source cho mật ong Phong Sơn

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Công ty TNHH Phong Sơn (Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến mật ong đạt chứng chỉ True Source do NSF International chứng nhận. Đây là chứng chỉ công ty đạt được yêu cầu của Hệ thống giám sát và cấp chứng nhận True Source Honey (chứng nhận nguồn gốc mật ong) và tổ chức NSF International là cơ quan đánh giá, giám sát và chứng nhận từ những nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Ngoài chứng chỉ True Source, Công ty TNHH Phong Sơn còn đạt chứng nhận Halal, cánh cửa để xuất khẩu mật ong vào các quốc gia Hồi giáo cũng như thị trường Hồi giáo toàn thế giới. Được biết, mỗi năm Phong Sơn xuất khẩu hàng triệu USD mật ong sang thị trường Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác, mang lại thu nhập cao cho doanh nghiệp cũng như người lao động và nông dân nuôi ong.

D.Q

Nuôi vịt biển thu nhập 3,5 triệu đồng/hộ

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Trung tâm Dịch vụ và kỹ thuật nông nghiệp Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cho biết, 8 hộ tại xã Tân Thành tham gia mô hình chăn nuôi vịt biển sử dụng đệm lót sinh học đã cho thu nhập 3,5 triệu đồng/hộ sau 2 tháng nuôi.

Mô hình nuôi vịt biển.

Theo đó, các hộ trên đã được trung tâm giao 1.400 con giống vịt biển Đại Xuyên (mỗi hộ nuôi 175 con), được hỗ trợ vaccine, đệm lót sinh học và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau hai tháng nuôi chăm sóc, tỷ lệ vịt biển sống đạt 97%, vịt lớn nhanh nặng gần 3 kg/con, với giá bán 50.000 đồng/kg cho lợi nhuận khá từ nghề phụ này.

Trung tâm Dịch vụ và kỹ thuật nông nghiệp Hàm Thuận Nam đánh giá, chăn nuôi vịt biển sử dụng đệm lót sinh học làm giảm mùi hôi khu vực nuôi gia đình; không ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giảm ruồi muỗi chuồng trại, tiết kiệm nguồn nước…Thông qua mô hình, người nông dân địa phương biết cách chăm sóc nuôi dưỡng vịt theo quy trình kỹ thuật, như sử dụng con giống an toàn, phòng bệnh bằng vaccine, sát trùng định kỳ, xử lý chất thải đúng cách, tạo sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thụy Khanh

Lào Cai: Nuôi ngựa - hướng đi mới của ngành chăn nuôi Bát Xát

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Những năm qua, với sự hỗ trợ của các cấp và các ngành, nông dân các địa phương huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) đã phát triển đàn ngựa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nông dân Bát Xát nuôi ngựa với số lượng lớn.

Cách đây khoảng chục năm, gia đình ông Trần Văn Nam, ở thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi thuộc diện hộ nghèo, dù làm việc quần quật, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ ăn. Khi được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Nam nhận thấy ngựa có đặc tính sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên quyết định vay vốn ngân hàng để mua một cặp ngựa về nuôi. Ông Nam cho biết: Nuôi ngựa rất đơn giản, hằng ngày thả ra bãi cỏ, tối dắt về. Đồng đất Mường Vi cỏ xanh tốt quanh năm nên nuôi gia súc nói chung và ngựa nói riêng rất nhanh lớn, khỏe mạnh, sinh sản tốt. Đàn ngựa của gia đình tôi đã có hàng chục con lớn, nhỏ, nếu bán đi cũng thu về ngót 300 triệu đồng.

Ông Vùi Văn Từa là một trong những hộ nuôi ngựa đầu tiên của thôn Ná Rin, xã Mường Vi. Trước đây, ông nghĩ nuôi ngựa khó hơn nuôi trâu, bò nên không đầu tư. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật cách chăm sóc ngựa, ông đã bán bớt trâu để chuyển sang nuôi ngựa hàng hóa. Hiện nay, gia đình ông có đàn ngựa 4 con đến kỳ xuất bán, tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng. Ông Từa cho biết: “Ngoài việc chăn thả hằng ngày, gia đình tôi còn trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho ngựa. Ngựa là gia súc có thịt ngon, ngọt, mềm nên được thị trường ưa chuộng. Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng thêm chuồng, mở rộng diện tích cỏ voi để tăng số lượng ngựa”.

Thời gian qua, Dự án “Phát triển đàn ngựa hàng hóa” được triển khai đã tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn huyện Bát Xát phát triển đàn ngựa. Nhờ sự hỗ trợ lãi suất của dự án, anh Thào A Hừ, ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua 10 con ngựa về nuôi. Sau gần 3 năm chăm sóc, đến nay đàn ngựa của gia đình anh đã tăng thêm 7 con. Nhằm đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn ngựa, gia đình anh mở rộng diện tích trồng cỏ voi. Anh Hừ tâm sự: Nhờ có cán bộ ngành nông nghiệp giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc mà đàn ngựa của gia đình tôi phát triển tốt, không mắc các loại dịch bệnh.

Còn gia đình anh Giàng A Mềnh, ở thôn Sơn Hà, xã Cốc Mỳ đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ voi và mua 10 con ngựa giống về nuôi. Những ngày đầu, anh lo ngựa không phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương sẽ còi cọc, kém phát triển. Tuy nhiên, khi được nghe cán bộ ngành nông nghiệp giới thiệu về đặc tính sinh trưởng, phát triển của con ngựa rất phù hợp nuôi tại xã, anh đã phần nào yên tâm. Anh Mềnh cho biết: Khi biết huyện có dự án hỗ trợ nông dân lãi suất vay vốn trong 3 năm để mua ngựa về nuôi, gia đình tôi đã đăng ký. Hiện đàn ngựa của gia đình tôi đã tăng lên 12 con, tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. Tới đây tôi sẽ bán bớt những con ngựa to để trả tiền vay ngân hàng và chi tiêu trong gia đình.

Nuôi ngựa góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân Bát Xát.

Được biết, Dự án “Phát triển đàn ngựa hàng hóa” của huyện Bát Xát có kinh phí hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ vay 170 triệu đồng không lãi suất trong 3 năm để mua 10 con ngựa. Các hộ tham gia dự án còn được huyện hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng nuôi. Dự án đã thu hút hàng chục hộ ở các xã Sàng Ma Sáo, Cốc Mỳ, Ngải Thầu tham gia.

Huyện Bát Xát hiện có đàn ngựa gần 2.000 con, tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước. Từ đó có thể khẳng định, con ngựa phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Bát Xát và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: So với các loại gia súc khác như trâu, bò… thì ngựa có những ưu điểm vượt trội. Ngựa không những ăn cỏ mà ăn tinh bột vẫn phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện chăm sóc của người dân địa phương, nhất là vào mùa đông. Hơn nữa, giống ngựa thuần chủng ở Bát Xát rất khỏe, ít bị bệnh, nuôi nhanh lớn, thịt ngon nên được thị trường ưa chuộng. Bước đầu đánh giá việc nuôi ngựa của nông dân Bát Xát đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, mở rộng và phát triển đàn ngựa.

TRUNG NGUYÊN

Đón bằng công nhận 3 cây di sản Việt Nam

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Ngày 22-5, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đón bằng công nhận 3 loài cây trên địa bàn tỉnh là cây Di sản Việt Nam.

Theo đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận trên địa bàn tỉnh có 3 cây Di sản Việt Nam, gồm: Cây đa sộp lá to, 250 năm tuổi, cao 26m, có chu vi thân cây 9,8m (tại miếu Cây Đa, thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh); cây kơ-nia 240 năm tuổi, cao 27m, chu vi thân cây lớn nhất là 3,7m (tại địa danh Hòn Dù, thuộc thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh); cụm cây đa sộp quả nhỏ cao 25m, trên 250 năm tuổi, gồm 1 thân chính và 10 thân phụ, với tổng chu vi cả cụm 11 thân là 56m (tại tịnh xá Ngọc Vạn, thôn Tân Phước Bắc, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh).

Nhân dịp này, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh đã trao tặng hơn 25 cuốn sách Đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa cho các đại biểu tham dự buổi lễ.

BẢO NGUYÊN

Tiếp nhận một cá thể chim hồng hoàng nguy cấp, quý hiếm

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Thông tin trên được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận vào sáng 21/5.

Hồng hoàng đang được chăm sóc, bảo vệ, chờ thả về tự nhiên

Trước đó, ngày 20/5, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc tiếp nhận từ ông Hồ Văn Phương, ở xã Lộc An (Phú Lộc) một cá thể chim hồng hoàng Buceros bicornis, cân nặng khoảng 3,5kg, trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Ông Phương thông tin, vào ngày 19/5, ông phát hiện một chim lạ bay lạc vào vườn nhà, vướng vào lưới quây nuôi gà nên cùng người dân xung quanh tháo gỡ, nuôi nhốt. Qua tìm hiểu, đây là loài chim quý hiếm cần phải bảo vệ nên ông đã liên lạc, báo cáo và bàn giao cho cơ quan chức năng để thả về môi trường tự nhiên.

Chim hồng hoàng là loài thuộc họ Hồng hoàng Family Bucerotidae, chiều dài thân từ 119-122cm, bộ lông đen nhạt, gáy và cổ trắng, mỏ rất lớn- màu vàng nhạt, mủ mỏ lớn. Hồng hoàng thuộc nhóm Ib - các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Đây là loài cần được bảo tồn theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Hạt Kiểm lâm Phú Lộc đang hoàn tất các thủ tục cần thiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thả về môi trường tự nhiên.

Tin, ảnh: Hoàng Triều

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop