Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 05 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 05 năm 2021

Nông dân cần theo dõi thời tiết và áp dụng đúng lịch thời vụ

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp, hiện nay độ mặn tại TX. Giá Rai tăng khá cao (từ 20 - 25‰) và tại huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) độ mặn từ 10 - 20‰ và đang giảm dần phía Hồng Dân với độ mặn từ 5 - 10‰. Nhìn chung, công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm nay đã hoàn thành tốt và không xảy ra thiệt hại về sản xuất. Qua đó, cơ bản bảo vệ được diện tích sản xuất nông nghiệp và phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản.

Dự báo đến cuối tháng 5/2021, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 20 - 25% và bước sang tháng 6/2021 xấp xỉ trung bình nhiều năm. Do vậy, nông dân cần theo dõi thời tiết và áp dụng đúng lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp đã công bố, nhằm chủ động sản xuất và phòng tránh thiệt hại do thời tiết gây ra.

BL-KT

Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận): Mưa lớn, thiệt hại hơn 500 ha cây trồng do ngập lụt

Nguồn tin:  Báo Bình Thuận

Liên tiếp trong 2 ngày qua (23 và 24/5) trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra mưa lớn, gây ngập nhà, hư hỏng đường giao thông và ngập lụt nhiều diện tích cây trồng của nhân dân 5 xã.

Cụ thể, ngày 23 và 24/5 trên địa bàn huyện xảy ra mưa vừa và to trên diện rộng vào buổi chiều tối. Mưa lớn gây ngập lụt nhiều diện tích thanh long, lúa, hoa màu các loại đang trong thời kỳ gieo trồng của người dân. Cường độ mưa lớn, phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn 5 xã, gồm Hàm Trí, Hàm Phú, Hàm Chính, Thuận Minh, Hàm Thắng...

Hậu quả, có 10 căn nhà bị ngập nước, sạt lở khoảng 5 km đường giao thông nội đồng tại xã Thuận Minh. Tổng diện tích nông nghiệp bị ngập trên địa bàn huyện là 517 ha, gồm 90 ha thanh long, 415 ha lúa, 12 ha hoa màu, rau các loại. Ước giá trị thiệt hại tạm thời khoảng 1 tỷ đồng.

Ngay khi xảy ra mưa lớn, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã, thị trấn thông báo đến nhân dân sinh sống dọc ven các tuyến sông, những nơi trũng thấp biết để chủ động có phương án bảo vệ an toàn về người. Mặt khác, kịp thời di dời gia súc, gia cầm đến nơi an toàn; tổ chức thu hoạch nông sản tại những nơi có nguy cơ ngập lụt. Cùng với đó, vận động nhân dân khơi thông kênh tiêu và bơm thoát lũ, chăm sóc cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Theo dự báo, mưa to có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày tới, do đó người dân cần chủ động để phòng tránh ngập lụt.

K.Hằng

Phù Cừ mùa vải chín

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Những ngày này, nông dân ở nhiều địa phương thuộc huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) đang bước vào mùa thu hoạch vải lai chín sớm.

Đến xã Tam Đa, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của vải lai chín sớm, các tuyến đường trong xã tấp nập xe lớn xe nhỏ của thương lái đến thu mua vải. Người trồng vải trong xã tranh thủ lúc sáng sớm, thời tiết mát mẻ, nhanh tay thu hoạch vải nhằm bảo đảm chất lượng, mẫu mã với mong muốn bán giá cao cho các thương lái. Ông Đặng Văn Viễn, thôn Tam Đa, xã Tam Đa cho biết: Nhà tôi trồng 1 mẫu vải và bắt đầu thu hoạch khoảng 4 ngày nay. Do thời tiết thất thường nên sản lượng vải của gia đình tôi giảm 30% so với năm trước. Giá bán vải đầu vụ từ 12 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg, thấp hơn giá năm trước.

Người dân xã Tam Đa thu hoạch vải lai chín sớm

Hiện toàn xã Tam Đa có trên 240ha trồng vải lai chín sớm, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 220 ha. Năm nay, do thời tiết bất lợi, gần đến thời điểm cho thu hoạch, cây vải bị bệnh, rụng quả khiến năng suất thấp. Ước tính sản lượng vải lai chín sớm toàn xã đạt khoảng 2 nghìn tấn. Ông Nguyễn Tiến Thiều, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi (xã Tam Đa) cho biết: Vải lai chín sớm của xã Tam Đa được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Những năm trước, sản phẩm vải lai chín sớm đã tham gia tại các hội chợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản tại một số siêu thị lớn trên toàn quốc. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì thế, tới thời điểm hiện tại, vải lai chín sớm Tam Đa chưa tiếp cận được các chuỗi siêu thị lớn trong nước mà kênh tiêu thụ chủ yếu từ đầu mối thu mua trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Trong những ngày này, nông dân xã Minh Tiến huy động tối đa nguồn nhân lực để thu hoạch vải đúng thời vụ, bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Thoăn thoắt lựa chọn những quả vải chín đỏ, căng mọng bó thành chùm để kịp thời gian giao hàng cho các đầu mối thu mua, ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Minh Tiến chia sẻ: Khi cây vải ra hoa, thời tiết thuận lợi, tỷ lệ đậu quả tương đối cao. Tuy nhiên, gần đến thời điểm thu hoạch, vải bị bệnh, quả rụng nhiều khiến năng suất giảm mạnh.

Toàn huyện Phù Cừ có trên 700 ha trồng vải lai chín sớm và khoảng trên 90% diện tích đang cho thu hoạch. Ước tính sản lượng vải năm nay đạt khoảng trên 5 nghìn tấn (sản lượng vải lai chín sớm năm 2020 khoảng 7 nghìn tấn). Vải lai chín sớm Phù Cừ quả to, màu sáng, ít bị sâu đầu và ưu điểm nổi trội là thời gian thu hoạch rất sớm so với sản phẩm vải thiều ở một số tỉnh trong cả nước. Vì thế, vải lai chín sớm Phù Cừ được nhiều người biết đến, cứ đến vụ thu hoạch thương lái các tỉnh về đặt mua rất nhiều. Sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận, được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Năm nay, khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải lai chín sớm, chính quyền địa phương cũng như người trồng vải ở Phù Cừ không khỏi lo lắng về thị trường tiêu thụ vải bởi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, khoảng từ ngày 15.5, khi người trồng vải lai chín sớm Phù Cừ bắt đầu thu hoạch, thương lái từ các tỉnh đã đến để thu mua sản phẩm. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản đồng thời bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch, huyện Phù Cừ đã yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ thương lái đến thu mua vải; bố trí lực lượng hướng dẫn người đến thu mua vải khai báo y tế; tổ chức phun khử khuẩn các xe hàng đồng thời lực lượng công an tổ chức phân luồng giao thông bảo đảm không ùn tắc tại các tuyến đường, điểm thu mua vải, tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái đến thu mua vải của người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tiêu thụ vải lai chín sớm trên địa bàn huyện Phù Cừ từ nhiều năm nay phụ thuộc chủ yếu vào các tư thương trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, người trồng vải đã quen với việc thụ động đợi người mua tới tận vườn trả giá, thu mua chứ chưa có biện pháp chủ động tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Thời gian thu hoạch vải lai chín sớm ngắn, chỉ khoảng 15 - 20 ngày trong khi đó trên địa bàn huyện chưa có cơ sở, nhà máy chế biến quả vải tươi nên đến vụ thu hoạch, người trồng vải chỉ trông chờ vào việc bán quả vải tươi cho các thương lái. Số lượng vải lai chín sớm được bày bán trong các siêu thị lớn còn rất hạn chế. Vì thế, giá cả lên - xuống hoàn toàn do tư thương quyết định.

Hy vọng trong thời gian tới, cùng với việc phát triển vùng chuyên canh trồng vải lai chín sớm, tăng năng suất, sản lượng quả thì chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng cần định hướng lâu dài để quảng bá sản phẩm vải lai chín sớm, tạo liên kết giữa các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản trong toàn quốc để thu mua sản phẩm quả vải tươi cho người dân; có đột phá trong liên kết “4 nhà” để xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài, tránh bài toán vẫn thường lặp đi lặp lại là “được mùa mất giá”.

PV

Nguồn cung giảm đẩy giá hồ tiêu tăng, xuất khẩu khởi sắc

Nguồn tin: Lao Động

Nông dân Đắk Nông không ngần ngại mở rộng diện tích hồ tiêu. Ảnh: Bảo Lâm

Giá hồ tiêu tăng 500-1.000 đồng/kg, thị trường xuất khẩu hồ tiêu đang khởi sắc sau gần 1 tháng giá trồi sụt bất thường.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ bất ngờ tăng 133,335 rupee/tạ, lên mức 40.200 rupee/tạ. Thị trường tiêu Ấn Độ sau nhiều ngày liên tiếp đi ngang đã bắt đầu có chuyển biến tích cực.

Tỉ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 20.5.2021 đến ngày 26.5.2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,61 VND/INR.

Các thương nhân ngành hàng hồ tiêu cho biết, ngày 25.5, giá hồ tiêu tại các vùng trồng tiêu trọng điểm tại Đông Nam Bộ tăng từ 500-1.000 đồng/kg, bán ra ở mức giá từ 65.500 - 69.500 đồng/kg.

Tại "thủ phủ” hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu, giá tiêu tăng cao nhất (1.000 đồng/kg), bán ra ở mức 69.500 đồng/kg. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là địa phương có mức giá hồ tiêu cao nhất.

Tại Bình Phước, giá hồ tiêu tăng thấp hơn (500 đồng/kg), bán ra ở mức 68.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông được thu mua với mức 67.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá hồ tiêu tăng 1.000 đồng/kg, bán ra ở mức 65.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai: 65.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), tình hình xuất khẩu hồ tiêu đang có dấu hiệu lạc quan hơn, khi giá hồ tiêu đã tăng sau 3 tuần ảm đạm trồi sụt thất thường.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng trong khi nguồn cung trong các vườn đã cạn do thời điểm này đã kết thúc mùa thu hoạch hồ tiêu.

Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, khối lượng xuất khẩu tiêu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 92 nghìn tấn và 274 triệu USD, giảm 21,3% về khối lượng nhưng tăng 10,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam đầu năm 2021 là Hoa Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ảrập Thống Nhất và Pakistan.

Tuy nhiên, tính riêng 3 tháng đầu năm 2021, thị trường có giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh nhất là Canada: Tăng tới 63,7%.

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, trong phiên gần đây nhất cũng ghi nhận giá tiêu xuất khẩu của Indonesia, Việt Nam (tiêu đen và tiêu trắng) tăng nhẹ, trong khi giá xuất khẩu của Brazil, Malaysia, Ấn Độ giữ nguyên. Hiện tại, nguồn cung hạt tiêu toàn cầu hạn chế là do diện tích giảm và năng suất thấp, thời tiết không thuận lợi đối với loại cây trồng này...

VŨ LONG

Tân Trụ (Long An): Nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng

Nguồn tin: Báo Long An

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngày càng mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Nhiều nông sản tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập và cuộc sống của người dân nhờ đó được nâng lên.

Trồng rau màu mang lại thu nhập ổn định cho nông dân

Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ, những năm gần đây, diện tích cây ăn trái và rau màu ngắn ngày của huyện tăng lên đáng kể. Toàn huyện có hơn 78ha bưởi, 25ha mãng cầu, 33ha mít, 89ha dừa và hơn 100ha rau màu ngắn ngày. Những loại cây trồng này thích ứng được biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường và cải thiện thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Bốn, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, nói: “Với nhiều người dân nơi đây, cây lúa hay thanh long đã không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao như trước. Bởi, những năm gần đây, giá thanh long không ổn định, còn lúa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Do đó, nhiều người dân đã chọn chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn”. Được biết, ông Bốn hiện có hơn 0,6ha mít thái. Diện tích mít này đã cho trái 2 đợt và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông.

Ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, chia sẻ, hơn 1ha đất của gia đình ông trước đây nằm ở khu vực trũng sâu nên trồng lúa không đạt hiệu quả cao. Do đó, ông quyết định đầu tư lên liếp để trồng mít. Vụ thu hoạch trước, ông Lâm bán mít với giá hơn 30.000 đồng/kg, nhưng vụ đầu tiên nên còn ít trái, dẫu vậy ông vẫn rất phấn khởi. Ông Lâm khẳng định: “Giá trị kinh tế cây mít mang lại không thua kém gì so với một số cây trồng khác. Cây mít lại dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, sau 18 tháng là có thể thu hoạch được vụ đầu tiên”.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những hộ có diện tích đất lúa không chủ động được nguồn nước trong mùa khô hay những diện tích thanh long già cỗi. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãng - Huỳnh Hữu Lợi thông tin: Những năm gần đây, trên địa bàn xã có nhiều người dân đã chuyển đổi từ cây lúa, thanh long sang cây bưởi, mít, mãng cầu và rau màu. Đây là những giống cây mà nông dân tự thấy thích nghi với điều kiện nước tưới, thổ nhưỡng, hơn nữa, vấn đề đầu ra có thể ổn định.

Nếu như nhiều hộ dân ở xã Bình Lãng chọn cây bưởi, mít, mãng cầu để trồng thì người dân xã Bình Tịnh lại chọn rau màu ngắn ngày như dưa hấu, dưa leo, bầu, bí, khổ qua, đậu bắp,… để trồng theo lối chuyên canh. Anh Bùi Văn Cảnh, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh, cho biết, sau khi thấy trồng lúa không còn lợi nhuận, anh đã chuyển hơn 1ha đất trồng lúa sang trồng khổ qua. Khổ qua từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 2 tháng. Khổ qua thường được tiểu thương mua tại vườn với giá ổn định trên 10.000 đồng/kg. Mỗi đợt hái trái, anh Cảnh thu hoạch khoảng 1 tấn. Ước tính vụ này, với sản lượng gần 10 tấn, anh Cảnh thu nhập khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 70 triệu đồng.

Còn ông Bùi Văn Đậu, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Bình Tịnh, chọn cây rau màu để thay thế cho thanh long. Ông Đậu bộc bạch: “Trồng rau màu cực công chăm sóc hơn trồng thanh long nhưng thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận khá”. Trên thực tế, nhiều năm qua, với 0,8ha đất trồng thanh long, chưa bao giờ ông có được khoản lợi nhuận cao. Từ khi chuyển sang trồng cây rau màu như dưa leo, dưa hấu, bắp trái, khổ qua,… cuối năm, ông còn dư được vài chục triệu đồng.

Nhiều nông dân chia sẻ rằng, những năm gần đây, cây lúa mang lại hiệu quả kinh tế thấp, còn thanh long thì liên tục không ổn định về đầu ra, trong khi chi phí đầu tư trồng thanh long lớn. Do đó, người dân phải tự mình tìm hướng đi mới để có thu nhập ổn định.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, những diện tích lúa, thanh long được chuyển đổi sang trồng các loại giống cây trồng khác phần lớn đều cho năng suất thấp và hàng năm thường bị thiệt hại nặng khi xảy ra hạn, mặn. Tính đến thời điểm này, huyện có hơn 1.200ha đất trồng lúa, thanh long được người dân chuyển đổi sang cây trồng khác, trong đó chủ yếu là các giống cây ăn trái như bưởi da xanh, mít, chuối, dừa và rau màu. Để chuyển đổi cây trồng thành công, mang lại hiệu quả cao, bên cạnh việc xem xét vùng sản xuất những loại cây trồng phù hợp gắn với liên kết đầu ra, ngành Nông nghiệp huyện đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn kỹ thuật canh tác cây ăn trái và hoa màu, giúp người dân hạn chế rủi ro trong sản xuất. Có thể nói, từ việc thực hiện các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân./.

Bùi Tùng

Cần Đước (Long An): Chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm

Nguồn tin: Báo Long An

Nhằm phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Cần Đước (tỉnh Long An) chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và nâng cao ý thức của người chăn nuôi, góp phần giảm thiệt hại về tài sản cho người dân và hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ông Hồ Thanh Minh luôn ý thức chủ động phòng, chống bệnh trên gia cầm để bảo vệ đàn gà đang cho trứng hơn 10.000 con

Những năm qua, huyện Cần Đước là một trong những địa phương thường xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm (DCGC), nhất là thời điểm cuối năm 2020 - đầu năm 2021. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của người chăn nuôi mà còn làm cho nền nông nghiệp địa phương chậm phát triển. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xuất hiện DCGC ở huyện là người dân mua con giống không rõ nguồn gốc, chưa tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin hoặc vệ sinh chuồng trại chưa tốt.

Anh Ung Hoàng Quốc, ngụ xã Phước Đông, trải lòng: “Thấy người dân xung quanh chăn nuôi gà có thu nhập ổn định, có người còn làm giàu, tôi quyết định nuôi 1.200 con gà. Đến tháng 11/2020, số gà chuẩn bị xuất chuồng thì bị nhiễm vi-rút H5N1 nên phải tiêu hủy toàn bộ. Tôi thiệt hại hơn 100 triệu đồng và công chăm sóc. Điều này làm gia đình lâm cảnh nợ nần, e ngại trong việc tái đàn”.

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp huyện đã đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, trong đó có việc nâng cao ý thức của các hộ chăn nuôi. Ông Hồ Thanh Minh, ngụ xã Tân Lân, nói: “Chăn nuôi mà nghe các phương tiện thông tin đại chúng thông báo địa phương này, địa phương kia có gia cầm bị bệnh cúm là gia đình tôi rất sợ. Do đó, để bảo vệ chuồng gà trên 10.000 con đang trong giai đoạn đẻ trứng, tôi thường mua thuốc sát trùng về vệ sinh chuồng 5 ngày/lần; đồng thời, cứ vài tháng thì chích vắc-xin phòng cúm. Tài sản của mình, mình phải chủ động bảo vệ trước, đừng trông chờ vào ai hết”.

Hiện nay, huyện Cần Đước có trên 1 triệu con gia cầm các loại. Đợt dịch cuối năm 2020, huyện đã xuất hiện 6 điểm dịch. Nhờ phát hiện sớm, ngành chuyên môn triển khai nhanh các biện pháp dập dịch, hạn chế lây lan diện rộng ra các địa phương còn lại. Song, ngành Nông nghiệp huyện rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trước khi tái đàn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp triển khai kế hoạch tiêu độc, khử trùng từ đầu năm, đến nay đã hoàn thành. Ngoài ra, huyện còn thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cạn và Tổ phản ứng nhanh để ứng phó kịp thời khi có ổ dịch xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người chăn nuôi. Đặc biệt, huyện chú trọng, khuyến khích, hỗ trợ người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”.

Dịch bệnh trên gia cầm là điều không ai mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, người chăn nuôi có thể chủ động phòng, chống bằng việc tích cực thực hiện tốt khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Tin rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện và sự chủ động, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi, đàn vật nuôi của huyện Cần Đước tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh trên địa bàn./.

Kim Ngọc

Giá thức ăn tăng cao, bộc lộ điểm yếu của ngành chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tại vùng ĐBSCL đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các loại thức ăn công nghiệp được chế biến từ các nguyên liệu nhập khẩu. Đã khiến người chăn nuôi đối mặt với nhiều rủi ro, ảnh hưởng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Giá luôn ở mức cao trong nhiều năm

Nuôi cá tra và nhiều loại thủy sản tại ĐBSCL phụ thuộc hoàn toàn vào các loại thức ăn công nghiệp chế biến sẵn.

Từ tháng 11-2020 đến nay, giá nhiều loại thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản đã có 6-7 lần điều chỉnh tăng giá. Với mức tăng mỗi lần từ một vài trăm đồng/kg, đến nay nhiều loại thức ăn chăn nuôi đã tăng tổng cộng từ 2.000-2.500 đồng/kg, tương đương 20-25%. Theo đó, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…, hiện giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho heo con từ lúc tập ăn đến đạt trọng lượng 15 kg/con ở mức 16.500-22.000 đồng/kg; thức ăn dành cho heo nái mang thai và heo thịt dao động từ 9.400-12.300 đồng/kg. Giá nhiều loại thức ăn viên dành cho gà thịt, vịt thịt, gà đẻ, vịt đẻ ở mức 9.900-12.500 đồng/kg. Giá nhiều loại thức ăn viên công nghiệp dành có cá ở mức 13.500-14.000 đồng/kg, còn một số loại thức ăn chuyên dụng dành cho tôm có giá lên đến 36.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.

Ông Lê Văn Phiêm, nông dân nuôi tôm càng xanh ở xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần đây, giá thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi tôm đã liên tục tăng, trong khi giá tôm càng xanh lại giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên người nuôi tôm không còn đạt lợi nhuận cao như các năm trước. Hiện giá thức ăn công nghiệp dành cho tôm càng xanh thịt đã ở mức 36.000 đồng/kg, tăng thêm 2.000 đồng/kg. Riêng giá thức ăn dành cho tôm con lên tới 43.000 đồng/kg”.

Còn chị Lê Thị Thu Thủy, nông dân nuôi heo xã Thới Tân, huyện Thới Lai, lo lắng: “Giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho heo tăng mạnh làm cho giá thành nuôi một con heo đạt 100kg tăng gần 1 triệu đồng so với trước, lên ở mức từ 6-6,5 triệu đồng/con. Nhưng giá heo hơi lại đang giảm hơn 20.000 đồng/kg so với trước, xuống còn ở mức 70.000-71.000 đồng/kg. Nếu giá thức ăn tiếp tục tăng và giá heo tiếp tục giảm, người nuôi cầm chắc lỗ...”.

Do chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm và thủy sản phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào các loại thức ăn công nghiệp chế biến sẵn nên người chăn nuôi rất lo lắng, trong khi giá cả đầu ra nhiều sản phẩm chăn nuôi lại ở mức thấp. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều hộ dân nuôi cá tra và nhiều loại thủy sản nước ngọt, hay gà, vịt sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp đã bị thua lỗ nặng do bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất.

Theo hộ dân nuôi cá tra, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu vẫn ở mức khá thấp, với chỉ từ 20.000-21.500 đồng/kg, người nuôi bị lỗ ít nhất 500-1.500 đồng/kg. Với việc giá các loại thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh và có khả năng còn tăng do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tới đây người nuôi cá tra càng thêm gặp khó nếu giá cá tra nguyên liệu không tăng lên. Điều này gây nguy cơ thiếu hụt nguồn cá tra phục vụ xuất khẩu trong tương lai do người dân “treo ao” hoặc giảm nuôi. Hầu hết người dân và doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu đều nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp viên nổi và nhiều người xem đây là một trong những “bí quyết” để có sản phẩm cá tra thịt trắng, đạt chuẩn xuất khẩu. Vì thế, việc chuyển sang sử dụng các loại thức ăn tự chế tại chỗ với giá rẻ là rất khó khả thi trong thời điểm hiện tại.

Cần giải pháp khắc phục

Ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL và cả nước nói chung. Sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản và nhiều sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, sữa và trứng của nước ta đã không ngừng tăng trong những năm qua. Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan tâm là mỗi năm chúng ta đang phải nhập một lượng nguyên liệu rất lớn, với giá trị lên đến hàng tỉ USD để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có nhiều loại nguyên nhiên liệu như: bắp, đậu nành, bột cá, mỡ động vật... chúng ta hoàn toàn có khả năng tự sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên chúng ta rất khó kiểm soát giá cả các loại thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, quá trình nhập khẩu nguyên liệu và thực hiện sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi trải qua rất nhiều trung gian nên khi sản phẩm thức ăn chăn nuôi đến tay người tiêu dùng thường bị đội giá lên cao rất nhiều lần.

Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giá các loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu do giá các loại nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Để ổn định giá cả các loại thức ăn chăn nuôi, tới đây ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất các loại nguyên liệu để phục vụ sản xuất thức ăn. Trong những năm qua đã có tình trạng xuất khẩu gạo thu về khoảng hơn 3 tỉ USD trong một năm, nhưng lại nhập lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi có giá trị lên đến 3,8 tỉ USD. Do đó, cần mạnh dạn giảm các diện tích đất sản xuất lúa kém để chuyển sang trồng bắp, đậu nành và các loại cây nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa giúp tiết kiệm nước tưới và thích ứng biến đổi khí hậu. Nhà nước cần tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất các loại cây nguyên liệu phục vụ thức ăn chăn nuôi và kết nối nông dân với các doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền máy móc hiện đại phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Về lâu dài, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo nông dân cần quan tâm tăng cường sản xuất các loại thức ăn tự chế để phục vụ chăn nuôi nhằm chủ động giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học để bán sản phẩm được giá cao. Từng bước hạn chế việc phát triển chăn nuôi chạy theo năng suất, sản lượng và số lượng, với chi phí sản xuất quá cao mà đầu ra chưa đảm bảo, dẫn đến nhiều rủi ro và hệ lụy.

Theo PGS.TS Nguyễn Nhựt Xuân Dung, Bộ môn Chăn nuôi - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, để giúp người chăn nuôi tự sản xuất thức ăn, ngành chức năng cần tăng cường phổ biến kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi và kỹ thuật phối trộn thức ăn, cũng như tiếp cận được các nguồn nguyên liệu với chất lượng đảm bảo và có giá cả phù hợp. Ngoài ra, cần quan tâm giải quyết vấn đề về chi phí đầu tư máy móc thiết bị ban đầu và tâm lý của người chăn nuôi ưa thích sự nhàn rỗi, chỉ cần lấy bao thức ăn đổ vào máng, giúp cho việc chăn nuôi trở nên nhàn hạ hơn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Xuất khẩu heo sang Campuchia cần theo đường chính ngạch

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) vừa cho biết, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia vừa có văn bản gửi chính quyền các tỉnh biên giới của Campuchia nhận định dịch tả heo châu Phi (AFS) đang bùng phát tại các nước châu Á.

Heo giống xuất khẩu sang Campuchia. Ảnh: GREENFEED

Để ngăn chặn dịch AFS lây lan từ các nước vào Campuchia, cơ quan này đề nghị ngăn chặn tình trạng nhập khẩu trái phép heo sống, thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Campuchia.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi dự báo, trong thời gian tới, Campuchia sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch đối với heo sống, thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Cơ quan chức năng của Campuchia cũng sẽ siết chặt công tác kiểm dịch đối với thịt heo, sản phẩm thịt heo nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ với Việt Nam.

Do đó, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam xuất khẩu heo sống, thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo (nếu có) trên tuyến biên giới với Campuchia cần lưu ý xuất khẩu theo đường chính ngạch, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn bị đầy đủ giấy phép kiểm dịch động vật khi xuất khẩu.

Nhu cầu tiêu thụ thịt heo của Campuchia vào khoảng 7.000-8.000 con/ngày (loại 60kg/con). Trong khi đó, nguồn cung của nước này có thể đáp ứng 6.000 con/ngày nên cần nhập khẩu heo sống chủ yếu từ các nước láng giềng như Việt Nam và Thái Lan.

PHÚC VĂN

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop