Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 07 năm 2017

Hòa Bình: Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả có múi

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, qua kiểm tra, đánh giá của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn cho thấy: Hiện nay, một số vườn cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã bị suy tàn. Cây sinh trưởng còi cọc, vàng lá, lá nhỏ, khô cành, rễ tơ kém phát triển, nhiều diện tích bị thối rễ; có sự xuất hiện của rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh Greening...

Để diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh phát triển bền vững, Sở NN&PTNT đề nghị cần có các giải pháp triệt để trong xử lý nguồn bệnh và cải tạo đất.

Kết quả phân tích cho thấy trên các vườn lấy mẫu đều ghi nhận có bệnh Greening, bệnh Tristeza, nấm Phytophthora, nấm Fusarium, tuyến trùng gây hại với mức độ khác nhau. Những diện tích vườn cây đã bị suy tàn rất khó để trồng lại chu kỳ mới nếu không có các giải pháp triệt để trong xử lý nguồn bệnh và cải tạo đất.

Để phát triển sản xuất cây có múi trên địa bàn tỉnh một cách bền vững. Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thực hiện tốt việc công khai diện tích, địa bàn quy hoạch vùng trồng cây ăn quả có múi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thông tin rộng rãi để người dân và các nhà đầu tư biết về diện tích và địa bàn được quy hoạch để huy động nguồn lực phát triển thành những vùng sản xuất tập trung.

Đối với diện tích trong kế hoạch trồng mới cần bố trí cơ cấu giống phù hợp giữa giống chín sớm, chính vụ và chín muộn nhằm rải vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng sản xuất. Đặc biệt trên diện tích trồng tái canh cần chú trọng việc cải tạo đất và xử lý đất nhằm loại bỏ các tác nhân gây hại trong đất, đảm bảo đất sạch trước khi trồng mới.

Đối với diện tích trong thời kỳ kinh doanh: Giám sát chặt việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV; tuân thủ các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất đáp ứng các yêu cầu và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Chủ động bố trí ngân sách cấp huyện và huy động các nguồn vốn khác để đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây có múi.

Chủ động trong công tác điều tra, phát hiện các đối tượng dịch hại, đồng thời bố trí kinh phí lấy mẫu, phân tích đánh giá để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Chủ động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; quản lý tốt những cây đầu dòng đã được công nhận để khai thác nguồn vật liệu nhân giống. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh giống cây có múi không đủ điều kiện; kinh doanh giống không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất cây ăn quả có múi, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Hạn chế tối đa các hoạt động khai thác, sử dụng bừa bãi gây ô nhiễm, sụt giảm nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động SX-KD giống cây ăn quả có múi về trình tự, thủ tục đăng ký công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng theo quy định hiện hành.

Đẩy mạnh ứng dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGap); ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất cây ăn quả có múi để nâng cao năng xuất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hướng dẫn thực hiện các quy định về SX-KD giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt những trường hợp SX-KD giống, phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc BVTV cấm sử dụng làm ảnh hưởng đến sản xuất. Đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại. Ngoài thị trường chủ lực là Hà Nội cần xúc tiến việc đưa sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trọng điểm khác, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng; phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan thu hút đầu tư vào các hoạt động sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm quả có múi...

P.V

Người trồng sim ở Quảng Bình bội thu

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Mỗi ha keo bán ra, thu được 100 triệu đồng sau 5 năm, còn sim thì sau một năm đã có tiền. Tính chi phí thì 1ha sim cho thu nhập gấp khoảng 5 lần trồng keo.

Ông Phan Thanh Nhàn, ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình dùng 200 triệu đồng từ tiền bán keo thuê người dân lên các vùng đồi phụ cận đào cây sim hoang dại về trồng trên diện tích 2,5ha từ mùa mưa năm 2015.

Mỗi cây sim cho thu hoạch ít nhất 3kg quả

Sau hơn một năm, hiện 20.000 cây sim của ông Nhàn đã thu hoạch vụ đầu. Theo ông Nhàn, mỗi cây sim cho ít nhất 3kg quả, mỗi ký bán 10.000 đồng. Nhưng do sim của ông Nhàn trồng được đánh giá tốt nên nhà máy chế biến thu mua với giá từ 15.000 đến 25.000 đồng.

Theo một số người dân, mỗi ha keo bán ra, thu được 100 triệu đồng sau 5 năm, còn sim thì sau một năm đã có tiền. Tính chi phí thì 1ha sim cho thu nhập gấp khoảng 5 lần trồng keo.

Sở NNPTNT Quảng Bình cho biết, Dự án phát triển bền vững vì người nghèo đang cùng công ty TNHH Sim Sơn (Phú Quốc, Kiên Giang) hỗ trợ kỹ thuật thu mua, trồng sim và tiêu thụ số lượng lớn.

Công ty này đã thỏa thuận tiêu thụ 100% sản lượng sim trong năm đầu với các tổ hợp tác trồng sim, mua ổn định trong các năm tiếp theo với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường với điều kiện, nơi trồng sim phải cam kết không sử dụng thuốc hóa học, khai thác và bảo quản sim theo đúng quy trình sạch về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Minh Phong

Bọ trĩ gây hại lớn cho người trồng xoài

Nguồn tin: Báo An Giang

Nhiều diện tích đất trồng xoài của bà con nông dân vùng núi huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang đang bị bọ trĩ gây hại với mật độ lớn. Bọ trĩ gây rụng bông, rụng trái non ảnh hưởng đến năng suất, phẩm chất trái xoài. Dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng chỉ vài ngày sau bọ trĩ xuất hiện trở lại khiến nông dân vô cùng lo lắng.

Khó quản lý

Tại huyện miền núi Tri Tôn, nông dân trồng xoài ở khu vực bến Bà Chi, xã Lê Trì trong những ngày qua đang đau đầu vì bọ trĩ gây hại. Đây là năm thứ 2 liên tiếp bọ trĩ gây hại nặng nề đối với vùng xoài, khiến nông dân mất đi nguồn thu nhập. Nhiều nông dân phải bỏ mặc vườn xoài không tiếp tục đầu tư do cạn kiệt nguồn vốn. Ông Trần Văn Chắn, canh tác xoài với diện tích 4,5 héc-ta, cho biết, những năm trước, bọ trĩ thường xuất hiện với mật độ thấp, gây hại ít nên dễ dàng kiểm soát, thiệt hại không đáng kể. Khoảng 2 năm trở lại đây, bọ trĩ xuất hiện nhiều với mật độ cao hơn. “Thời điểm này, xoài bắt đầu ra bông nhưng bị bọ trĩ tấn công làm bông bị khô và rụng sạch. Vụ xoài này coi như gia đình tôi mất trắng”- ông Chắn rầu rĩ nói.

Anh Quý buồn bã khi vườn xoài bị bọ trĩ

Cách đó không xa, gia đình anh Bùi Văn Quý chịu cảnh tương tự. Gần 3 héc-ta xoài Đài Loan, cát Hòa Lộc bông bị khô đen, rụng khắp vườn, khả năng đậu trái rất ít. Chỉ tay về phía vườn xoài của gia đình, anh Quý tâm sự: “Mỗi vụ, gia đình tôi thu nhập trên dưới 6 triệu đồng/công. Nhưng mùa này cả vườn bị bọ trĩ hại khiến bông rụng hàng loạt, không thể đậu trái. Ra thăm vườn, chỉ cần dùng tay gạt lên bông là thấy bọ trĩ bám đầy tay. Từ đầu vụ đến nay, tôi mệt mỏi vì phải tăng cường phun thuốc diệt bọ trĩ, mỗi lần phun tốn vài trăm ngàn nhưng vẫn chưa khắc phục được. Chúng tôi còn sử dụng thêm cách tưới nước trực tiếp lên bông nhưng chỉ hiệu quả thời gian đầu”.

Theo ông Chắn và anh Quý, cùng nhiều nông dân trồng xoài khác, mặc dù đã phun các loại thuốc đặc trị, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Lúc mới phun thuốc, bọ trĩ chết nhiều, nhưng chỉ sau 2-3 ngày là bọ trĩ lại xuất hiện với mật độ lớn. Điều này làm cho nông dân vô cùng lo lắng trong việc tìm kiếm biện pháp xử lý nạn dịch này.

Tập trung vụ xoài Tết

Không chỉ huyện Tri Tôn mà nông dân trồng xoài huyện Tịnh Biên cũng bị bọ trĩ gây hại. Diện tích ảnh hưởng trên dưới 500 héc-ta. Theo Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Tịnh Biên, bọ trĩ là đối tượng dịch hại phổ biến trên xoài, xuất hiện trong điều kiện ẩm độ cao và phát triển nhanh. Đây là loại di thực, thức ăn chủ yếu là bông xoài, lá non và trái non. Chúng thường xuất hiện vào khoảng tháng 6-7 âm lịch. Đây là thời điểm nắng nóng, phù hợp vào giai đoạn xoài đang ra hoa và trái non. Hơn nữa, do đặc thù là vùng núi, ít mưa, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng này gây hại.

Bọ trĩ gây hại có ảnh hưởng lớn đến năng suất và phẩm chất. Trên lá, bọ trĩ chích hút ở mặt dưới lá làm lá phát triển không bình thường, 2 mép cúp xuống, chồi không thể ra lá; bông héo, khô, rụng hàng loạt; trái còn non có thể bị khô, rụng, trái lớn mới bị hại sẽ để lại những vết chấm nhỏ màu nâu đen, tạo thành những vùng da cám xung quanh cuống, ảnh hưởng đến năng suất, giá trị thương phẩm giảm, mất giá trị của xoài.

Theo Trưởng trạm BVTV huyện Tịnh Biên Dương Ánh Đông, mặc dù bị bọ trĩ tấn công với mật độ lớn, nhưng đây lại là thời điểm xoài ra hoa ít, chỉ khoảng 10-15%. Thêm vào đó, thời điểm đợt dịch này chỉ thường kéo dài từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 âm lịch nên nông dân có thể bỏ qua vụ này để tập trung cho vụ xoài Tết và tháng giêng. “Đầu tháng tới, chúng tôi sẽ tập huấn cho nông dân xử lý xoài ra hoa để bán trái trong dịp Tết. Đây là thời điểm nghịch vụ nên giá sẽ tương đối cao, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân. Ngoài ra, sau khi thu hoạch xoài, nông dân cần thường xuyên dọn vườn, dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa những cành sâu bệnh, tạo môi trường thông thoáng để ánh sáng có thể xuyên đều trong cây…”- ông Dương Ánh Đông khuyến cáo.

Đình Đức

Giá keo lai tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Sau thời gian rớt giá, hiện giá keo lai đã bắt đầu tăng trở lại. Trung bình mỗi héc-ta keo lai được thu mua với giá từ 160-200 triệu đồng, tăng khoảng 20 triệu đồng/ha so với đầu năm 2017.

Ông Phan Thanh Trung, Trưởng Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết: “Tôi vừa mới bán xong 3 ha rừng keo lai, cũng được gần 200 triệu/ha. Hồi đầu năm nghe giá keo lai giảm nên chưa bán, đến tháng 7 này giá tăng trở lại nên tôi mới khai thác để tranh thủ mưa để trồng đợt keo lai mới”.

Keo lai được thu mua với giá từ 160-200 triệu đồng/ha.

Do thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ từ 3-5 năm, bằng 1/3 -1/2 so với trồng tràm nên mô hình trồng keo lai đã nâng cao hiệu quả nguồn thu, khẳng định về mặt giá trị kinh tế.

Trong những năm đợi bán 2 ha rừng tràm, bà Lê Xuân Đào (Ấp 18, xã Khánh Thuận) phải lặn lội khắp các xóm, ấp để làm thuê. Khai thác tràm bán cũng không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2013, được cấp sổ hộ nghèo, bà quyết định vay vốn để mua giống keo lai về trồng. Nhờ bỏ công chăm sóc nên 2 ha keo lai của bà Đào phát triển rất tốt.

Bà Lê Xuân Đào vui mừng: “Ở đây thì không có sở gì làm, nên tôi tranh thủ trồng chuối xen và đi làm cho công ty gỗ trong 4 năm đợi khai thác keo lai. Nhưng nghe thông tin giá keo lai cũng bấp bênh. Năm nào hạn, thiếu nước là cây đèo đuột. Nên lúc chuẩn bị trồng, vợ chồng tôi cũng cố gắng lên liếp, bón phân để keo lai phát triển tốt. Nhờ trồng keo lai bán lúc được giá mà năm nay gia đình tôi thoát nghèo”.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết, diện tích rừng keo lai hiện có của tỉnh khoảng 7.400 ha, chủ yếu tập trung ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Trung bình mỗi năm khai thác từ 1.000-1.200 ha với sản lượng khoảng 2.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu vốn đầu tư sản xuất và trang trải cuộc sống nên nhiều hộ trồng keo lai khai thác cây non, chỉ từ 2,5-3 năm, dẫn đến năng suất thấp, đất dễ bạc màu.

Hiện keo lai chủ yếu được khai thác là loại gỗ nhỏ, đường kính từ 10-15 cm, để làm nguyên liệu như giấy, dăm gỗ nên giá thu mua không cao. Vì vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác và thu hoạch rừng keo lai nhằm rút ngắn chu kỳ thu hoạch, nâng cao giá trị kinh tế bền vững cho người dân trồng rừng./.

Trịnh Thảo

Trồng rau cần khô trong nhà lưới cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Nhiều hộ gia đình ở Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có thu nhập cao với mô hình trồng rau cần khô trong nhà lưới.

Đây là vụ thứ 3, ông Hồ Trọng Hải ở xóm 4, xã Quỳnh Lương tiếp tục trồng rau cần khô ngay tại ruộng. Là loại rau chỉ ưa sống dưới nước hoặc trong nền nhiệt độ mát mẻ, nhưng khi canh tác trên ruộng khô và qua bàn tay chăm sóc của ông thì rau cần lại phát triển tốt, cho năng suất cao.

Mô hình rau cần khô trong trong nhà lưới của gia đình ông Hồ Trọng Hải ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng

Ông Hải cho biết, gia đình có 4 sào đất để sản xuất rau màu hàng hoá, sau khi tìm hiểu thêm một số giống rau trên mạng để canh tác ông quyết định đưa giống rau cần khô về trồng trên diện tích gần 1 sào. Do đặc tính rau ưa thời tiết mát mẻ nên ông đã áp dụng kỹ thuật dùng lưới che để canh tác. Qua trồng thử nghiệm và có kết quả, ông khẳng định loại rau này có thể phát huy và nhân rộng ở địa phương.

"Địa phương có lợi thế về sản xuất rau màu hàng hoá với đa dạng các loại, tuy nhiên một số loại chưa có mặt nhiều trên thị trường, do đó tôi đã tìm hiểu và đưa giống rau cần khô về trồng. Qua 2 vụ canh tác, rau cần phát triển tốt, đến kỳ thu hoạch đều được các công ty liên hệ tiêu thụ hết" - ông Hải cho hay.

Rau cần khô ưa thời tiết mát mẻ, khi bà con canh tác ở vùng đất cao đã đầu tư lưới che, vòi phun tưới tự động nên mới duy trì sự phát triển của giống rau này. Ảnh: Việt Hùng

Để rau cần khô phát triển trong nền độ cao 35 - 37 độ C, gia đình ông Hải đầu tư hàng chục triệu đồng để mua khung tuýp sắt, lưới che chắn bên trên và hàng chục ống phun nước tưới tự động. Sau khi hoàn thiện khâu làm đất và tiến hành gieo giống, đến khoảng 50 ngày sau có thể thu hoạch.

Hiện nay, vườn rau cần khô của ông Hải đang bắt đầu thu hoạch, năng suất đạt 2 tấn/sào. Do đây là giống rau khó trồng trong mùa hè nên rất khan hiếm nguồn hàng; hiện rau cần có giá bán từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, tính ra khi thu hoạch xong ông sẽ thu về khoảng trên 40 triệu đồng/vụ. Mỗi năm, ông có thể sản xuất rau cần 3 - 4 vụ.

Rau cần khô và các loại rau khác khi trồng trong nhà lưới cho hiệu quả cao hơn bởi hạn chế sâu bọ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Việt Hùng

Nhiều hộ dân đang áp dụng lưới che để sản xuất những giống rau trước đây không sản xuất được do thời tiết nắng nóng. Ảnh: Việt Hùng

Trên địa bàn xã Quỳnh Lương hiện có nhiều hộ đang dần làm quen với mô hình trồng rau cần trong nhà lưới, trong đó có hộ ông Ngô Quang Tiến mỗi năm thu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng từ giống rau này.

Qua đánh giá, rau cần khô có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với các giống rau khác. Để thành công, nhiều hộ trồng rau đã áp dụng kỹ thuật, quy trình sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích./.

Việt Hùng

Lo dịch rầy nâu quay lại theo chu kỳ

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Kết quả thống kê qua nhiều năm, cứ khoảng 12- 14 năm thì rầy nâu bộc phát thành dịch và truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VLLXL) hại lúa.

Xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy theo từng khu vực giúp giảm áp lực rầy nâu phát triển gây hại.

Nếu tính từ đợt dịch rầy nâu năm 2005- 2006 thì đến nay đợt dịch tương tự nhiều khả năng quay lại theo chu kỳ.

Nhận định của ngành chuyên môn, nếu không được xử lý tốt trong vụ này thì rầy nâu, bệnh VLLXL sẽ tiếp tục có thể gây hại ở những vụ lúa sau.

Tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh Vĩnh Long xuống giống 36.451ha lúa Thu Đông. Rầy nâu liên tục gia tăng mật số trên diện tích này.

Do hiện nay đa số các trà lúa Hè Thu đang vào giai đoạn thu hoạch tập trung nên có rất nhiều rầy nâu di chuyển liên tục sang các trà lúa Thu Đông mới gieo sạ với mật số khá cao từ 1.000- 6.000 con/m2.

Hiện tại do điều kiện thời tiết, mật độ rầy di trú cao thuận lợi cho rầy sinh sản và phát triển mật số.

Dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), rầy vào đèn rộ trong tháng 7, 8 từ ngày 3- 10 hàng tháng.

Sắp tới, rầy nâu sẽ nở rộ (tuổi 2- 3) trong thời gian từ ngày 15- 22 của tháng 7 và 8. Biện pháp quản lý là cần gieo sạ tập trung, đồng loạt theo lịch né rầy bón phân cân đối, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” để bảo tồn thiên địch.

Riêng bệnh VLLXL, hiện nay do áp lực rầy nâu trên đồng cao và tình hình bệnh VLLXL đang gây hại nghiêm trọng ở ĐBSCL, do đó các ruộng nhiễm rầy với mật số cao sẽ biểu hiện triệu chứng bệnh với tỷ lệ từ nhẹ đến trung bình. Diện tích lúa nhiễm bệnh sẽ gia tăng đến cuối vụ Thu Đông.

Theo ông Bành Ngọc Nghĩa- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm nay diện tích lúa nhiễm rầy nâu tăng đột biến, đặc biệt là thời điểm tháng 7, diện tích lúa nhiễm rầy cao gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình rầy di trú cũng có chiều hướng gia tăng, trong đó mật số rầy vào đèn đạt cao nhất ở thời điểm tháng 1, 6, 7.

Qua theo dõi tình hình rầy vào đèn từ tháng 1- 6 cho thấy rầy có xu hướng vào đèn từ thời gian đầu đến giữa tháng. Thời điểm tháng 6 và 7, rầy vào đèn sớm và tập trung hơn với số lượng rầy rất cao.

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, diện tích lúa nhiễm bệnh VLLXL đang tăng nhanh. Thời điểm đầu tháng 7 đã có trên 3.000ha nhiễm bệnh tập trung ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang,...

Từ kết quả phân tích các mẫu rầy nâu vào đèn mới nhất từ các tỉnh trên thì tỷ lệ rầy mang mầm bệnh VLLXL rất cao 68,3%.

Trong đó, 3 tỉnh giáp ranh với Vĩnh Long có tỷ lệ mầm bệnh cao là Trà Vinh 93,3%, Tiền Giang 86,6% và Đồng Tháp 70%. Do đó, rầy nâu và bệnh VLLXL là 2 đối tượng gây hại quan trọng trong vụ lúa Thu Đông của tỉnh Vĩnh Long.

Trong khi đó, một số giống như OM5451, IR50404, ML202 vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giống tại một số địa phương.

Hiện nay trên đồng ruộng bệnh VLLXL thường biểu hiện triệu chứng muộn (giai đoạn làm đòng trở về sau), đặc biệt 2 giống OM5451 và IR50404 rất mẫn cảm với bệnh.

Do đó việc nhận biết bệnh là rất quan trọng, bởi sau nhiều năm bệnh VLLXL không xuất hiện khiến nhiều nông dân lầm tưởng với các bệnh khác nên sử dụng nhiều loại thuốc trừ bệnh không mang lại hiệu quả.

Theo bà Phan Thị Cẩm Vân- Trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), thời gian qua, lịch thời vụ ở nhiều địa phương không được đảm bảo tập trung, đồng loạt né rầy từng khu vực, cũng như thời gian giữa 2 vụ lúa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Lịch xuống giống thực tế năm 2016 cho thấy, vụ Đông Xuân xuống giống kéo dài từ tháng 9- 12 năm trước và sang tháng 1, 2 năm sau, vụ Hè Thu từ tháng 1- 5 và vụ Thu Đông từ tháng 5- 9. Việc xuống giống như trên không đảm bảo thời gian cách ly vì còn gối vụ ở các tháng 1, 2, 5 và 9.

Để đảm bảo sản xuất an toàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo xuống giống vụ Đông Xuân từ tháng 10- 12, vụ Hè Thu từ tháng 1- 3 và Thu Đông từ tháng 5- 7 nhằm đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ từ 3- 4 tuần.

Chia sẻ tại hội thảo quản lý rầy nâu, bệnh VLLXL ở Vĩnh Long mới đây, PGS. TS Lê Văn Vàng- ĐH Cần Thơ, cho biết cần định kỳ xác định tỷ lệ rầy mang mầm bệnh trên đồng ruộng, khi tỷ lệ rầy mang mầm bệnh cao cần quản lý theo khía cạnh rầy truyền bệnh. Cụ thể là từ gieo sạ đến 20 ngày, phun thuốc khi rầy xuất hiện.

Để hạn chế sự bộc phát của rầy nâu cần sử dụng giống chống chịu thay vì giống kháng rầy, bởi rầy có khả năng thay đổi kiểu sinh học nhanh nên khả năng phá vở tính kháng rất nhanh.

Theo ông Lê Quốc Cường- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, kết quả đánh giá thực tế gần đây cho thấy, các giống nhiễm nhưng có khả năng chống chịu tốt với rầy nâu, bệnh VLLXL là OM4900, Jasmine 85, OM6976 và giống nếp IR4625. Riêng 2 giống OM5451 và IR50404 nhiễm nặng cần lưu ý hạn chế diện tích này.

Ông Lê Quốc Cường cho biết thêm, thời gian qua để phòng trị rầy nâu, bệnh VLLXL, nhiều nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý hạt giống nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy việc làm này không mang lại hiệu quả.

Ông Lê Quốc Cường cũng lưu ý khi phun thuốc phòng trị rầy nâu, ngoài việc chú ý nguyên tắc “4 đúng”, người dân cần chú ý béc phun và số lượng béc phù hợp.

Thành Long

Trồng rau nhút an toàn

Nguồn tin: Báo An Giang

Mô hình thử nghiệm của kỹ sư Nguyễn Phước Thanh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thu nhận “hiệu quả thật, lợi nhuận thật”, với mục đích chứng minh cho nông dân thấy rằng, trồng rau nhút theo hướng an toàn, giảm lượng phân, thuốc sử dụng trên rau vẫn đảm bảo có lợi nhuận và năng suất.

Gọi là rau sạch hay rau an toàn vì rau nhút được trồng tuân thủ theo nguyên tắc từ đầu đến lúc thu hoạch. Không giống như những nơi khác, thường trồng rau nhút cặp theo bờ sông, kênh, rạch, mô hình được thực hiện tại khu vực Lòng Hồ (xã Tân Trung) thuận lợi cho việc cấp và thoát nước. Trước khi trồng phải tát sạch nước, cày xới thật kỹ, diệt ốc bươu vàng, đồng thời phải bảo đảm sử dụng nguồn nước sạch để trồng rau. Sau thu hoạch, sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng đảm bảo các tiêu chuẩn về hàm lượng Nitrat, dư lượng thuốc BVTV, vi sinh vật gây bệnh và hàm lượng kim loại nặng ở mức cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam. Trên diện tích 5.000m2, anh Thanh chia thành 4 nghiệm thức để so sánh với ruộng rau nhút đối chứng (trồng theo cách thông thường của nông dân). Phương pháp lấy chỉ tiêu chủ yếu quan sát trực tiếp để đánh giá sự phát triển của cọng rau (đo chiều dài lóng rau dài nhất), tình hình sâu bệnh ghi nhận 7 ngày/lần, lấy mẫu lúc thu hoạch phân tích tại Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng nông- lâm sản và thủy sản An Giang. Kết quả đối chiếu với ruộng đối chứng trong 4 tháng trồng khá khả quan. Trên diện tích 1.000m2, tình hình sâu bệnh gần như nhau, năng suất cao nhất ở ruộng thí nghiệm là 1.644kg, còn năng suất ruộng đối chứng là 1.377kg (thấp hơn 287kg).

Nông dân tham quan mô hình và hội thảo trao đổi kinh nghiệm

Khái niệm “rau nhút an toàn” đối với người dân hiện nay còn khá mới mẻ khi tập quán sản xuất phần lớn không tách rời thói quen sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Kỹ thuật viên Nguyễn Phước Thanh cho biết, trong thời gian thử nghiệm mô hình, anh khảo sát 25 hộ trồng rau nhút trong vùng, đa số nông dân vẫn sử dụng thuốc BVTV vào cận ngày thu hoạch để rau xanh tươi. Do lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, nguồn nước trồng rau bị ảnh hưởng, sau nhiều năm đã có hộ bỏ nghề vì rau không tiếp tục phát triển. Trong khi đó, rau trồng theo quy trình an toàn đảm bảo thời gian cách ly ngày xịt thuốc, cọng rau không xanh bằng và có màu hơi tía. Bù lại đọt rau nhút rất non, đem ra chợ thuyết phục kiêm quảng bá rau an toàn được tiểu thương chấp nhận và giá bán cao hơn. Trong số các hộ khảo sát trên, chỉ 3 người trồng rau nhút có lời nhờ tự tìm đầu ra, số còn lại phụ thuộc vào bạn hàng. “Một ngày tôi thu hoạch được 150kg, bán trong chợ địa phương với giá 5.000 đồng/kg, gửi xe chở lên Bình Dương bán được giá 10.000 đồng/kg. Sau 4 tháng, ruộng rau nhút an toàn lời hơn 2,2 triệu đồng, còn ruộng đối chứng thì lỗ. Vì vậy, người dân muốn có lời phải tự tìm đầu ra, tự bán sản phẩm, giảm bớt phụ thuộc vào bạn hàng” - anh Thanh chia sẻ.

Với kết quả này, Trạm TT&BVTV huyện Phú Tân đã tổ chức hội thảo giới thiệu mô hình cho nông dân xã Tân Trung được chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích nông dân áp dụng để thay đổi thói quen canh tác. Không chỉ trồng theo hướng hữu cơ, giảm dần các loại phân bón, thuốc BVTV mà anh Thanh còn dành diện tích nhỏ trồng rau nhút và cho phát triển hoàn toàn tự nhiên để chứng minh trồng càng gần với môi trường tự nhiên, rau nhút càng hạn chế được sâu bệnh. Ngoài ra, trong môi trường nước, rau nhút cũng rất cần có bèo cám - thành phần hữu ích giúp mặt nước không bị nóng khi trời nắng, phao rau nhút không bị dập khi trời mưa. Theo Phó Trưởng trạm TT&BVTV huyện Phú Tân Trình Minh Thảo, trồng rau nhút nhẹ vốn, thu hoạch nhiều đợt trong 1 lần xuống giống. Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác của bà con hiện nay chưa tuân theo quy tắc “4 đúng”, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Mô hình thử nghiệm này khuyến khích nông dân làm theo, góp phần tăng lên số hộ trồng rau an toàn trong vùng để cung cấp cho thị trường sản phẩm rau sạch ngày một nhiều hơn.

Mỹ Hạnh

Hồ tiêu rớt giá - Doanh nghiệp và nhà vườn gặp khó

Nguồn tin: VOV

Hiện nay, bà con nông dân huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang lo lắng bởi giá hồ tiêu tiếp tục giảm mạnh, gây bất lợi cho người trồng tiêu.

Từ sau dịp Tết Nguyên Đán - thời điểm giữa vụ thu hoạch, giá hồ tiêu đen trên đảo Phú Quốc bán tại vườn dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg. Nhưng đến nay, giá tiêu đen chỉ bán được từ 75.000 – 80.000 đồng/kg, giảm hơn 50.000 đồng/kg.

Do giá hồ tiêu xuống thấp, gia đình anh Trần Quốc Dương ở ấp 4 xã Cửa Cạn vẫn còn tạm trữ hơn 2 tấn tiêu hạt, bởi nếu xuất bán với giá như hiện nay, chủ vườn sẽ thua lỗ nặng.

“Giá tiêu xuống thấp nên gia đình trữ lại mấy tấn. Gia đình không nợ ngân hàng nên không lo, nhưng còn những bà con mới trồng phải vay vốn ngân hàng, với lãi suất cùng với tiền phân bón chăm sóc, với giá này sẽ cầm chắc thua lỗ”, anh Dương cho biết.

Giá tiêu xuống thấp khiến người trồng tiêu ở Phú Quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo anh Dương, giá hồ tiêu giảm nhưng chi phí thuê mướn nhân công lại không giảm. Do vậy, nếu giá tiêu vẫn không tăng, buộc nông dân phải tự làm nhằm lấy công làm lời.

Tiêu xuống giá cũng khiến các hộ thu mua hồ tiêu bị lỗ nặng. Cơ sở thu mua hồ tiêu Sáng Lợi ở khu phố 5 thị trấn Dương Đông hiện còn đọng lại trên 30 tấn tiêu hạt. Số hồ tiêu này gia đình thu mua với giá 120.000 -130.000 đồng/kg ngay giữa vụ thu hoạch. Nhưng với giá bán như hiện nay, cơ sở đang lỗ trên 1 tỷ đồng.

“Tình hình chung của các hộ trồng tiêu trên đảo Phú Quốc cũng như doanh nghiệp đang rất khó khăn. Giá tiêu xuống thấp hơn hồi đầu vụ doanh nghiệp thu mua nên doanh nghiệp không xuất bán được. Nhà vườn sản xuất tiêu với giá này sẽ không đủ chi phí nên đang bị thua lỗ”, anh Sáng cho biết.

Hiện nay, huyện Phú Quốc có gần 500ha hồ tiêu, trong đó có 70% diện tích đang cho thu trái, với sản lượng trên 1.200 tấn. Tuy nhiên, với cách trồng truyền thống từ khâu làm đất, phân bón, công chăm sóc, nông dân vô tình đã đẩy chi phí giá thành hồ tiêu Phú Quốc tăng cao gấp đôi so với đất liền.

Vì vậy khi giá hồ tiêu lao dốc xuống còn 75.000 – 80.000 đồng/kg đang khiến các chủ vườn tiêu trên đảo Phú Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Đổ xô trồng lúa Nhật: Nhiều rủi ro

Nguồn tin: Người lao động

Dù chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo nghiệm và công nhận ở miền Nam nhưng giống lúa Nhật đã được trồng trên hàng chục ngàn hecta ở ĐBSCL

Gần đây, diện tích trồng lúa Nhật ở ĐBSCL đã lên đến hàng chục ngàn hecta. Đây là giống lúa có ưu điểm như ít nhiễm phèn, tương đối thích ứng với thổ nhưỡng nhiều vùng miền, ít nhiễm sâu bệnh, nông dân giảm được chi phí nên lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, do nhiều người ồ ạt trồng nên có nguy cơ thừa sản lượng, khó tiêu thụ.

Tự phát mở rộng diện tích

Giống lúa Nhật du nhập Việt Nam chưa lâu và mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chấp thuận cho sản xuất ở các địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc, chưa có khảo nghiệm và cũng chưa được công nhận ở miền Nam.

Do đó, ĐBSCL vẫn chưa được phép triển khai giống lúa này theo quy mô sản xuất đại trà. Thế nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhiều nông dân đã tự phát trồng lúa Nhật với diện tích ngày càng tăng. Theo thống kê, tỉnh này hiện có gần 43.000 ha trồng lúa Nhật, tập trung chủ yếu ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất và Giang Thành. Việc sản xuất giống lúa này cũng chưa được ngành nông nghiệp tỉnh đưa vào quy hoạch, nông dân đang sản xuất tự phát.

Diện tích trồng lúa Nhật ở Kiên Giang ngày càng tăng

Anh Đỗ Lê Hữu - nông dân ở ấp Kiên Hảo, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất - cho biết: "Trồng giống lúa Nhật có sản lượng và thu hoạch cao hơn giống truyền thống. Hơn nữa, do tôi đã có hợp đồng nên được công ty bao tiêu sản phẩm với giá thống nhất, không phải lo đầu ra. Trong khi đó, nếu trồng những giống lúa truyền thống, tôi không được bao tiêu sản phẩm, khi thu hoạch phải bán qua cò nên giá cả rất bấp bênh, thậm chí có khi thương lái không mua".

Theo một nông dân khác ở xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, trong vụ đông xuân 2016-2017, gia đình ông ký hợp đồng sản xuất 12 ha lúa Nhật do một công ty ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đầu tư và tiêu thụ sản phẩm với giá ấn định 5.000 đồng/kg lúa tươi. "Bây giờ, chúng tôi lại tiếp tục ký hợp đồng làm ăn, không phải lo đầu ra sản phẩm nữa, chỉ lo xuống giống, canh tác theo các điều khoản cam kết" - nông dân này tỏ ra tự tin.

Dễ bị thiệt hại

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, điều đáng lo ngại là trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chỉ có 30.000 ha giống lúa Nhật được các doanh nghiệp (DN) ký kết bao tiêu sản phẩm, còn lại khoảng 13.000 ha đang sản xuất giống lúa này là do nông dân trồng tự phát, sau thu hoạch không biết đầu ra thế nào. Trong khi đó, giống lúa Nhật khó có thể tiêu thụ trong nước do còn xa lạ với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho rằng: "Những năm gần đây, do nhiều DN xuất khẩu gạo trồng từ lúa Nhật nên nông dân nhiều địa phương ở ĐBSCL đã mua giống lúa này từ các nhà sản xuất ở phía Bắc mang về trồng. Sở đã có văn bản đề nghị Cục Trồng trọt và Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo xử lý việc trồng lúa Nhật tự phát trên địa bàn tỉnh. Cục Trồng trọt ghi nhận kiến nghị của Kiên Giang và đã báo cáo Bộ NN-PTNT. Tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo từ bộ".

Nguyên nhân diện tích canh tác giống lúa Nhật tự phát đang tăng ở mức đáng báo động là do nhiều nông dân cho rằng trồng lúa này có sản lượng, hiệu quả hơn các giống truyền thống, có nhiều DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đầu ra không đáng lo.

Theo các DN bao tiêu, trồng lúa Nhật phải theo hợp đồng mới được bao tiêu, ngoài hợp đồng không được thu mua. Ngay cả nông dân ký hợp đồng, lượng bao tiêu cũng căn cứ theo diện tích, nếu vượt mức cam kết cũng không được thu mua.

Ông Bùi Hùng Thường, Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kiên Giang, đánh giá đây là giống lúa mới nên nông dân địa phương chưa nắm bắt được kỹ thuật canh tác, tình hình sâu bệnh cũng chưa được dự báo. Ngoài ra, khu vực ĐBSCL, trong đó Tứ giác Long Xuyên, là vùng ngập lũ sâu, nếu canh tác giống lúa truyền thống, nông dân còn có thời gian để tránh lũ, còn lúa Nhật là giống lúa dài ngày nên dễ bị thiệt hại bởi sự bất thường của thời tiết.

Trước mắt, để tránh thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang khuyến cáo nông dân không nên trồng lúa Nhật đại trà, chỉ trồng khi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các DN.

Bài học chuối, heo vẫn còn đó

Theo GS Võ Tòng Xuân, gạo từ lúa Nhật hiện cung cấp chủ yếu cho thị trường Trung Quốc. Đây là giống lúa ĐS1 do Viện Di truyền nông nghiệp lai tạo nên Việt Nam có quyền xuất khẩu. Nông dân chỉ trồng khi có hợp đồng bao tiêu, không nên tự phát trồng. Không phải cứ thấy người khác bán được giá thì trồng theo mà không biết tiêu thụ như thế nào. Chúng ta phải cảnh giác việc này. Dù giống lúa này có thị trường tiêu thụ nhưng mua hay không là do thương lái quyết định. Bài học "giải cứu" dưa hấu, chuối hay heo vừa qua vẫn còn hiển hiện.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết nông dân trong tỉnh đang trồng 2 giống lúa Nhật là Naha và ĐS1. Trong đó, Naha là giống thuần Nhật và được Công ty Kitoku liên kết với Công ty Lương thực An Giang triển khai trồng khoảng 5.000 ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Loại gạo này được Công ty Kitoku xuất khẩu sang nước có người Nhật sinh sống. "Lúa trồng từ giống ĐS1 được Công ty Vinacam liên kết với các HTX ở 2 xã Tân Tiến và Lương An Trì của huyện Tri Tôn với khoảng 12.000 ha. Công ty này đang mở rộng diện tích sang các huyện An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên và Châu Phú. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp chỉ khuyến khích công ty mở rộng diện tích ở các huyện còn đất nhiễm phèn như Tri Tôn hay Tịnh Biên vì đây là giống lúa chịu phèn tốt" - ông Thư nói.C.Tuấn - Th.Nốt

Giang Sơn

Chứng chỉ rừng SFC cho vườn cây cao su

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Thúc đẩy rừng trồng cao su bền vững và chứng chỉ FSC cho các công ty cao su tại Việt Nam là chủ đề hội thảo do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức ngày 24-7 ở TPHCM.

Công nhân cao su thu hoạch mủ

Theo ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, dù nhiều nước nhập khẩu các sản phẩm được chế biến từ gỗ cao su chưa đặt nặng vấn đề về chứng chỉ FSC, nhưng về lâu dài, đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của thị trường. Hiện các sản phẩm gỗ có chứng nhận SFC có mức giá cao hơn so với sản phẩm thông thường từ 10% - 15%.

Thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đẩy mạnh trồng rừng đạt chứng chỉ FSC từ các đơn vị thành viên. Ông Lê Thiện Đức, Quản lý Chương trình rừng thuộc WWF Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 230.000ha diện tích được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC), đạt 42% so với mục tiêu 500.000ha vào năm 2020.

Công Phiên

Huyện Hồng Dân (Bạc Liêu): Nông dân trúng mùa lúa

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Thời điểm trung tuần tháng 7/2017, nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) thu hoạch xong trà lúa hè thu sớm với hơn 3.000ha. Trong đó tập trung ở xã Ninh Quới và một phần của xã Ninh Quới A. Năng suất trung bình đạt từ 5 - 6 tấn/ha.

Bên cạnh năng suất đạt khá, lúa hè thu cũng đang có giá khá cao nên nông dân phấn khởi. Giá lúa tươi loại thường từ 5.200 - 5.400 đồng/kg (tùy giống lúa). Riêng giống lúa RVT, thương lái mua với giá 6.000 đồng/kg lúa tươi.

Với mức giá khá cao và năng suất đạt khá nên nông dân có lợi nhuận xấp xỉ 2 triệu đồng/công.

KP

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop