Tin nông nghiêp ngày 27 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 27 tháng 11 năm 2019

Hồi sinh giống đào Mẫu Sơn

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Đào Mẫu Sơn là loại quả đặc sản của vùng núi Mẫu Sơn nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Những năm gần đây, loại quả này gần như “biến mất” trên thị trường, chính vì vậy, việc phục tráng giống đào Mẫu Sơn không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng quả đào Mẫu Sơn mà còn góp phần phát triển du lịch.

Nhóm nghiên cứu khảo sát chất lượng đào Mẫu Sơn

Ở Việt Nam, đào được trồng chủ yếu ở một số vùng có khí hậu riêng biệt như: Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đồng Văn (Hà Giang)… Quả đào Mẫu Sơn được sử dụng để ăn tươi, hoa đào được đặc biệt ưa chuộng trong dịp tết.

Cách đây khoảng 20 năm, cây đào có ở khắp các sườn đồi, nhà dân, khe suối trên núi Mẫu Sơn. Đào Mẫu Sơn ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán cho thu hoạch quả vào tháng 5 và tháng 6 hằng năm, quả đào có trọng lượng 300 – 400 gram, khi chín, quả chuyển sang màu hồng, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây đào dần bị thoái hóa và thu hẹp diện tích. Đến năm 2017, diện tích đào Mẫu Sơn chỉ còn khoảng 5 ha, cây sinh trưởng yếu, quả nhỏ, tỷ lệ đậu quả thấp.

Để phục tráng giống đào Mẫu Sơn, năm 2017, tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết, Viện Nghiên cứu rau quả (Gia Lâm, Hà Nội) cùng các cộng sự triển khai đề tài phục tráng giống đào ăn quả Mẫu Sơn và phát triển một số giống đào mới tại khu du lịch Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra trực tiếp tại các vườn đào trên khu vực núi Mẫu Sơn, qua đó, đã tuyển chọn được 5 cây đầu dòng ưu tú có những ưu điểm nổi bật của giống đào Mẫu Sơn. Từ những cây đầu dòng này, nhóm đã tiến hành nhân giống và xây dựng vườn đào, vườn cây mẹ với 500 cây. Cùng với đó, để nâng cao năng suất, chất lượng đào lên trên 20%, nhóm tiến hành nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc, phục tráng đào Mẫu Sơn với các phương pháp như: ảnh hưởng của biện pháp cắt tỉa; ảnh hưởng của vật liệu giữ ẩm; ảnh hưởng của các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp đến năng suất, chất lượng đào.

Nhóm nghiên cứu tiến hành mô hình canh tác tổng hợp, mô hình trồng mới đào Mẫu Sơn. Đồng thời thử nghiệm một số giống đào nhập nội triển vọng tại Mẫu Sơn với các giống Nectarin, A2229, B115, đây là giống đào nhập từ Đài Loan, Úc đã được khảo nghiệm tại Tràng Định (Lạng Sơn), Bắc Kạn, Lào Cai nhằm làm phong phú thêm nguồn giống. Các giống đào nhập nội có thời gian thu hoạch quả sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm thu hoạch đào Mẫu Sơn nên góp phần kéo dài vụ đào. Để nông dân nắm vững kiến thức, kỹ năng chăm sóc đào, nhóm tiến hành tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đào cho 30 hộ dân trồng đào tại khu vực Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình là các hộ tham gia dự án.

Chị Lê Thị Mỹ Hà, Viện Nghiên cứu rau quả – Thư ký khoa học của đề tài cho biết: Sau 3 năm triển khai, đến nay, chúng tôi đã xây dựng được các vườn đào 3 năm tuổi. Trong đó, vườn cây mẹ giống đào Mẫu Sơn có tỷ lệ sống cao, mỗi cây có chiều cao từ 1 đến 1,2 m, đã có cành cấp 1 và cấp 2; các giống thử nghiệm phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu Mẫu Sơn, trong đó, một số cây bắt đầu bói quả. Vườn cải tạo phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, chất lượng được cải thiện.

Khi dự án kết thúc năm 2020, đề tài phục tráng giống đào ăn quả Mẫu Sơn và phát triển một số giống đào mới tại khu du lịch Mẫu Sơn sẽ không chỉ giúp nông dân có nguồn thu nhập từ canh tác cây đào ăn quả mà còn góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch.

HOÀNG VƯƠNG

Cam Sành Hà Giang chính thức khai vụ ngày 20.12

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang đã có Thông báo khung lịch thời vụ (khai vụ và kết thúc vụ) cam Sành niên vụ 2019 – 2020 tại vùng trọng điểm cam của tỉnh. Thời gian khai vụ bắt đầu từ ngày 20.12.2019 (tức ngày 25.11 âm lịch).

Đồng bào Dao thôn Thượng Cầu, xã Tiên Kiều – Bắc Quang chăm sóc cây cam giai đoạn mang quả

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện nay, toàn tỉnh có tổng diện tích 8.865,37 ha cam (Sành, V2, Vinh…); tổng sản lượng cam niên vụ 2019 – 2020 ước đạt trên 71,7 nghìn tấn. Trong đó, cam Sành được trồng tập trung tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên với tổng diện tích trên 7.000 ha, diện tích cam cho thu hoạch đạt 74,44%, diện tích cam thời kỳ kiến thiết cơ bản chiếm 14,33%…

Để tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất cam Sành niên vụ tiếp theo, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo các hộ, tổ, hợp tác xã sản xuất cam Sành nên kết thúc thời vụ trước ngày 29.2.2020 (tức ngày 7.2 âm lịch).

Tin, ảnh: THU PHƯƠNG

Vĩnh Hưng: Dưa hấu sớm trúng mùa được giá

Nguồn tin: Báo Long An

Theo các ngành chức năng, do thời tiết thuận lợi, ít sâu, bệnh, nên dưa hấu thu hoạch sớm trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có năng suất khá cao, khoảng 20 - 30 tấn/ha, nhiều nông dân có lãi từ 60 - 100 triệu đồng/ha/vụ.

Dưa hấu thu hoạch sớm trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng có năng suất khá cao

Anh Trần Hoàng Thơ, ngụ xã Vĩnh Bình thuê đất tại ấp Thái Kỳ, xã Thái Trị để trồng dưa. Anh cho biết, 3ha dưa của anh vừa thu hoạch rất có năng suất khoảng 30 tấn/ha, với giá bán 6.300 đồng/kg. Trừ hết các chi phí, vụ này anh có lợi nhuận mỗi hecta khoảng 60 triệu đồng.

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng, đến thời điểm hiện tại, nông dân toàn huyện gieo trồng gần 200ha dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các xã: Vĩnh Bình, Thái Trị, Thái Bình Trung, Khánh Hưng,... với các giống: Rồng Xanh, Trâu Vàng 999, Phù Đổng, Sen Hồng,... Số diện tích xuống giống sớm đã thu hoạch, với giá bán khá cao từ 6.000 đồng/kg trở lên tùy chất lượng dưa.

Các ngành chuyên môn khuyến cáo hiện đang xuất hiện bọ trĩ, bệnh thán thư với tỷ lệ trung bình, nông dân nên tích cực phòng trừ nhằm mang lại hiệu quả cao./.

Minh Phương

Hội thi gạo ngon Đồng Tháp

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức hội thi gạo ngon Đồng Tháp năm 2019 với sự tham gia của 12 đơn vị là các địa phương, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn tỉnh.

Các đội tham gia phần thi trưng bày sản phẩm

Các đội dự thi trải qua các phần thi đánh giá về hồ sơ dự thi (chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, Organic), sổ tay ghi chép nhật ký đồng ruộng để truy xuất nguồn gốc, chứng nhận cơ sở chế biến đóng gói đủ điều kiện an toàn thực phẩm)...; tiếp theo là phần chấm điểm cơm nấu, thảo luận của Ban giám khảo về từng giống lúa; thi đánh giá cảm quan bằng cách dùng thử sản phẩm.

Kết quả cuối cùng, giống gạo ST24 của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười đạt giải nhất, giải nhì là giống gạo Nàng Hoa 9 của Công ty TNHH Phương Minh Đồng Tháp, giải ba thuộc về 3 đơn vị: Công ty Gạo sinh học Tháp Mười với giống Jasmine 85, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến với giống gạo Đài Thơm 8, hộ chị Tăng Thi Kim Xuyến (ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) với gạo lúa Nhật AKITA KOMACHI.

Ban tổ chức trao giải nhất cho Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười (bìa phải) và giải nhì cho Công ty TNHH Phương Minh Đồng Tháp

Ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trưởng Ban Giám khảo hội thi cho rằng, hội thi lần đầu tổ chức nhưng đã nhận được sự tham gia nhiều đơn vị. Các giống lúa, gạo đạt giải lần này đều là những giống gạo đặc sản, chất lượng cao đang được thị trường ưa chuộng. Đây là tín hiệu tốt để xây dựng thương hiệu gạo Đồng Tháp trong thời gian tới.

Qua hội thi, các giống lúa, gạo đạt chất lượng cao sẽ được phổ biến rộng rãi và được tỉnh làm cầu nối liên kết giữa các nhà khoa học lai tạo giống, nhà sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, các nhà nghiên cứu, hộ nông dân lựa chọn được giống lúa có năng suất, chất lượng cao, góp phần xây dựng thành công thương hiệu gạo Đồng Tháp.

Mỹ Nhân

Bình Phước: Chủ động phòng ngừa dịch hại cây điều

Nguồn tin: Báo Bình Phước

“Thời tiết năm nay thuận lợi, tình trạng sâu bệnh vẫn diễn ra nhưng không phức tạp. Trên cây điều xuất hiện một số bệnh phổ biến, như bọ xít muỗi, thán thư, bọ đục chồi với diện tích không đáng kể. Đến thời điểm này, diện tích điều ra bông khoảng 30%, nhú bông đạt 50-60%. Từ giờ đến cuối năm, nếu thời tiết thuận lợi, nông dân xã Bù Gia Mập sẽ đón vụ điều khả quan” - ông Hà Văn Toản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập nhận định.

CHỦ ĐỘNG CHĂM SÓC VƯỜN

Niên vụ 2018-2019, 2 ha điều của gia đình anh Đoàn Văn Toán ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập được chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, bón phân đúng quy trình nên cho năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Năm nay thời tiết diễn biến thuận lợi hơn nhưng anh cũng không chủ quan. Thời điểm này, anh Toán đã dọn xong vườn, tỉa cành, tạo tán và rải vôi khử trùng để sâu bệnh không có nơi trú ẩn. “Đặc điểm của cây điều là ra bông nhiều đợt, do đó sau những cơn mưa trái mùa rất dễ phát sinh nấm, bệnh và các loại sâu bọ tấn công gây khô cành, khô bông. Thường xuyên thăm vườn sẽ kịp thời phát hiện và xử lý sâu bệnh, hạn chế tối đa lây lan mầm bệnh sang cây khác” - anh Toán cho biết.

Nông dân xã Long Hà (Phú Riềng) được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều giai đoạn 1

Huyện Phú Riềng có hơn 20.000 ha điều cho thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp các xã tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây điều đợt 1 với hơn 800 hộ tham gia. Nông dân được cán bộ trung tâm hướng dẫn kỹ thuật xử lý ra bông đồng loạt; cách phòng trị một số loại bệnh hại thường gặp trên cây điều; hướng dẫn phun rửa đọt bông nếu gặp phải những cơn mưa trái vụ... Mục tiêu đợt 1 xử lý sạch mầm bệnh; đợt 2 xử lý ra bông, đậu trái; đợt 3 dưỡng trái non đến khi thu hoạch. Thạc sĩ Lê Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng, khuyến cáo: Niên vụ điều 2019-2020, nông dân cần lưu ý một số loại sâu bệnh hại cây điều, như bọ xít muỗi, bệnh thán thư, bọ vòi voi, sâu róm đỏ... Trong đó, bệnh thán thư đang gây hại trên diện tích 136 ha; 421 ha bị bọ xít muỗi tấn công; 224 ha bị bọ vòi voi đục chồi gây hại; 12 ha bị sâu đo gây hại; sâu róm đỏ gây hại 64 ha... chủ yếu ở mức độ nhẹ.

Ông Đỗ Trọng Cương ở thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng cho biết: Tôi chủ động chăm sóc vườn từ sớm chứ không đợi đến kỳ ra bông và tích cực tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, tìm hiểu rõ từng loại sâu, bệnh để chọn thuốc phòng trị phù hợp. Tôi còn thường xuyên theo dõi vườn, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường; cắt bỏ những cành bị nấm bệnh, sâu đục thân; tăng cường phân bón lá kích thích ra bông, đậu trái... theo sự hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp. Mong vụ điều năm nay được mùa, được giá.

Mùa điều trước, nông dân Đồng Phú kém vui vì năng suất thấp, một số diện tích bị khô, hạt non cháy đen và rụng, có cây hầu như không ra trái. Nguyên nhân do thời điểm xử lý ra bông, đậu trái, cây điều liên tiếp gặp mưa trái mùa. Mặc dù nông dân đã áp dụng các biện pháp phun xịt, nhưng những cơn mưa vẫn làm trái điều nhỏ, hạt bị teo. Cây nào đậu trái thì chất lượng hạt giảm, không sáng bóng nên thương lái thu mua với giá thấp. Do đó, việc thường xuyên thăm vườn, dọn cành, đốt lá khô và tích cực kiểm tra tình hình sâu, bệnh hại... là những công việc được bà Hoàng Thị Tường ở ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú quan tâm thực hiện thời điểm này.

“Vụ trước, gia đình chủ động đầu tư phân bón, phun thuốc để điều ra bông, đậu trái sớm vì thu hoạch sớm hạt to và đẹp thường bán được giá cao, nhưng gặp thời tiết bất lợi nên đành chịu. Thời điểm này, cây điều rụng lá già, ra chồi non và trổ bông, tôi đã phun 1 đợt phân bón lá để kích thích rụng lá già, ra lá non và bổ sung chất dinh dưỡng cho cây; thường xuyên tham gia các lớp tập huấn để có thêm kỹ thuật ứng phó với tác động xấu của thời tiết ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất cây điều” - bà Tường chia sẻ.

CHĂM SÓC QUYẾT ĐỊNH NĂNG SUẤT VÀ SẢN LƯỢNG

Cây điều ra bông, đậu trái bắt đầu từ tháng 11 kéo dài tới tháng 3 năm sau, rộ nhất vào tháng 1 và 2. Bông điều thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng, nếu gặp mưa, sương mù, nhất là sương muối thì phấn không bung ra được, dẫn đến tỷ lệ đậu trái rất thấp. Cây điều đang bước vào giai đoạn rụng lá, đâm chồi non. Do đó, việc bảo vệ đọt non, chồi bông trong giai đoạn này có ý nghĩa quyết định đến năng suất vụ mùa.

Để không còn những mùa điều “đắng”, ngay từ đầu niên vụ 2019-2020, việc chăm sóc cây điều và cải tạo vườn điều già cỗi đã được ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai đến nông dân. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm tiếp tục ký Công văn số 3043/UBND-KT yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây điều.

Các chuyên gia khuyến cáo, giai đoạn này, nông dân cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu, như: Tỉa những cành bị sâu bệnh, cành khô tạo độ thông thoáng cho cây và tăng số chồi của cây nhằm đảm bảo năng suất, hạn chế tối đa nơi ẩn nấp cũng như sự phát sinh, phát triển của bệnh thán thư. Cây điều đang trong giai đoạn ra bông, chồi non, nông dân cần bón phân để cây tập trung dinh dưỡng nuôi chồi non giai đoạn 2 và chuẩn bị cho đợt ra bông tới. Nông dân không nên chủ quan vì thời tiết diễn biến phức tạp, cần thường xuyên kiểm tra vườn điều để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh phát sinh cũng như có biện pháp khắc phục khi mưa trái mùa và có sương.

Theo các nhà khoa học, khâu chăm sóc đóng vai trò quyết định năng suất và sản lượng điều. Bên cạnh đó, nông dân cần áp dụng các biện pháp cạnh tranh sinh học nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Đơn cử như, người trồng điều cần trồng keo để dụ kiến vàng đến vườn điều. Kiến vàng là khắc tinh của sâu đục thân và bọ xít muỗi. Với biện pháp này, người trồng điều sẽ giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - đây còn là phương pháp canh tác sinh học, tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt điều.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, chủ đạo là ngành nông nghiệp cùng sự nỗ lực của người dân và điều kiện thời tiết thuận lợi, hy vọng người trồng điều trong tỉnh sẽ có mùa vụ mới nhiều khả quan.

Ngân Hà

Khởi nghiệp từ nghề trồng nấm

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Hai chàng trai Đinh Trọng Nghĩa và Trần Minh Hòa (cùng trú tại xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã quyết định từ bỏ công việc ổn định có mức lương khá để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp từ nghề trồng nấm.

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, anh Đinh Trọng Nghĩa đã nhanh chóng kiếm được cho mình một công việc tại TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên cuối năm 2013, anh phải nghỉ làm về phụ giúp công việc nương rẫy cho bố mẹ vì nhà neo người. Vốn thích ăn nấm, lại thấy nghề trồng nấm tuy đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng không tốn quá nhiều sức lao động, nên trong thời gian ở nhà anh Nghĩa luôn ấp ủ dự định tự tạo ra một trại nấm cho riêng mình. Anh đem ý nghĩ đó bày tỏ với người bạn thân của mình là Trần Minh Hòa và đã nhận được ủng hộ, đồng ý hùn vốn làm chung.

Hai anh Nghĩa và Hòa trao đổi kinh nghiệm trồng nấm.

Sau một thời gian tham quan thực tế tại một số mô hình trồng nấm, tìm hiểu trong sách vở và Internet, đầu năm 2018 anh Nghĩa bắt tay vào trồng nấm, chọn trồng nấm mối đen vì đây là loại nấm đang được người tiêu dùng ưa chuộng và mang lại giá trị kinh tế cao. Anh đã tự mày mò và tập làm phôi nấm để tiết kiệm chi phí cũng như chủ động được nguồn giống, giúp cho việc trồng nấm được thuận lợi. Mới đầu do chưa có kinh nghiệm làm cũng như cách bảo quản nên phôi nấm thường bị mốc, sâu bọ cắn dẫn đến hư hỏng. Phải mất gần một năm tự học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm, anh mới làm chủ được kỹ thuật và sản xuất phôi nấm thành công với số lượng lớn. Đầu năm 2019, anh Trần Minh Hòa đã quyết định nghỉ việc tại TP. Hồ Chí Minh để về quê làm nấm cùng với Nghĩa. Tháng 4-2019, hai anh đầu tư 180 triệu đồng để xây dựng khu trại nấm rộng 220 m2 và mua sắm trang thiết bị làm nấm.

Mới đầu, hai anh trồng 6.000 bịch nấm bào ngư để có nguồn vốn xoay vòng. Sau 50 ngày trồng và chăm sóc, mẻ nấm đầu tiên đã cho thu hoạch, đạt sản lượng 1,3 tấn, với giá bán từ 30-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 30 triệu đồng. Số tiền lãi được hai anh đầu tư trồng 2.000 bịch nấm mối đen, đến nay sắp cho thu hoạch.

Anh Nghĩa cho biết: “Mỗi loại nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau. Đối với nấm mối đen, nguyên liệu chính dùng để làm phôi là mùn cây cao su phối trộn với cùi bắp, cám ngô và cám gạo; bịch nấm không treo hay để nằm ngang được mà phải dựng đứng, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch là 90 ngày và nấm sẽ ra ở đầu bịch. Giá trị của loại nấm này cao hơn rất nhiều so với các loại nấm khác, với giá bán khoảng 200 nghìn đồng/kg.”

Các loại nấm và phôi giống từ trại nấm của hai anh Nghĩa và Hòa đã được Huyện Đoàn Cư Kuin lựa chọn là sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên để trưng bày tại “Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2019”.

Bên cạnh trồng nấm mối đen, hai anh còn tận dụng một số loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp, cây sắn, mùn cưa… có tại địa phương và các huyện Lắk, Krông Bông để làm phôi phục vụ trồng nấm chân dài, nấm rơm. Tuổi trẻ xông xáo, năng động, hai anh chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ngoài việc đưa sản phẩm nấm của mình giới thiệu tại các hội chợ, trưng bày gian hàng khởi nghiệp trong tỉnh còn tích cực liên hệ trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp phân phối sản phẩm nông nghiệp để giảm được khâu bán hàng qua trung gian, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Đến nay, hai anh đã có được những bạn hàng lớn cam kết và mong muốn hợp tác làm ăn lâu dài tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định… Hiện, ngoài bán nấm thương phẩm, họ còn tự sản xuất phôi giống để bán cho các hộ trồng nấm khác, lợi nhuận thu được từ trại nấm dùng để tái đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất.

Anh Nghĩa (bên phải) giới thiệu sản phẩm nấm tại “Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2019”.

Anh Nghĩa bày tỏ dự định, trong thời gian tới, cùng với việc sản xuất phôi giống và nấm thương phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng thì sẽ vận động người dân, thanh niên trong vùng trồng nấm để tạo thành chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống đến hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm; góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hiện hai anh đang tập trung sản xuất 14.000 bịch phôi giống để cung cấp cho 2 hộ dân đang muốn phát triển kinh tề từ trồng nấm tại địa phương.

Tuyết Mai

Nữ tiến sĩ màu xanh lá cây

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Tiến sĩ Vi sinh vật học Mai Thi đam mê theo đuổi từ hồi công tác ở cơ quan bảo vệ môi trường của tỉnh Sóc Trăng đến bây giờ là ở Tập đoàn Minh Phú kinh doanh tôm có tiếng toàn cầu.

Niềm hạnh phúc của TS Mai Thi bên ao tôm

Xanh lá cây là màu nổi bật của vùng đất trù phú, màu của loại tảo nảy nở khi nguồn nước trong lành thuận lợi cho con tôm phát triển, đó cũng là màu sắc mà nữ Tiến sĩ Vi sinh vật học Mai Thi đam mê theo đuổi từ hồi công tác ở cơ quan bảo vệ môi trường của tỉnh Sóc Trăng đến bây giờ là ở Tập đoàn Minh Phú kinh doanh tôm có tiếng toàn cầu.

Nụ cười

“Chế phẩm sinh học do chúng tôi nghiên cứu sản xuất đã đạt 1.012 CFU/ml, tức là trong một mililít có ngàn tỷ con vi khuẩn, không thua các nước tiên tiến. Năm trước, chúng tôi mới sản xuất được 108 CPU/ml”, TS Mai Thi tươi cười nói. Năm trước, chị còn ở Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 4-2019, chị chuyển về Tập đoàn Minh Phú làm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế phẩm sinh học Minh Phú (huyện Châu Thành, Hậu Giang). Lúc đó, công ty cũng chỉ có mình chị, phải xây dựng cơ sở sản xuất từ đầu, tuyển chọn và đào tạo nhân sự.

Ba tháng sau, chị cho ra mẻ chế phẩm đầu tiên. Nay, đã có 12 chế phẩm, gồm 4 chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường và 8 chế phẩm nuôi tôm. Xử lý ô nhiễm môi trường tập trung xử lý các chất thải hữu cơ và nước thải. Chế phẩm nuôi tôm dùng cho các công đoạn từ xử lý ao trước thả giống, nuôi cấy tảo lục để nước có màu xanh lá cây, dinh dưỡng giúp tôm kháng bệnh mau lớn. Mẻ chế phẩm đầu tiên ứng dụng nuôi 3ha tôm sú ở xã Thạnh Thới Thuận (huyện Trần Đề, Sóc Trăng).

Đây chính là phương thức nuôi tôm an toàn sinh học, không dùng thuốc hóa học, nên con tôm thâm canh đạt được chất lượng như tôm sinh thái, màu sắc đỏ đẹp được thị trường ưa chuộng. Nuôi tôm an toàn sinh học ưu điểm rất rõ nhưng trở ngại lớn ở chất lượng chế phẩm và cách kiểm soát hiệu quả, các khó khăn ấy hầu như không còn với TS Mai Thi. Sau vụ tôm sú thắng lợi, chế phẩm sinh học được tăng sản lượng để đưa về 700ha nuôi tôm thẻ chân trắng của Tập đoàn Minh Phú ở tỉnh Kiên Giang, nay tôm đã đạt 100 con/kg và đang phát triển tốt. Kết quả nâng cao chất lượng tôm, hạ giá thành sản xuất của chế phẩm đã được khẳng định.

Ở nhà máy sản xuất chế phẩm gốc, một tháng khoảng 10.000 lít, cứ được vài trăm lít lại đặt lên xe cùng TS Mai Thi về Kiên Giang, đưa vào phòng thí nghiệm nhân ra, rồi cho xuống ao tôm. Thời gian chưa dài nhưng yêu cầu của Tập đoàn Minh Phú đặt ra về kỹ thuật và kinh tế đều đã đạt. Nhà máy đang nâng sản lượng lên gấp đôi để phục vụ thêm mấy trăm hécta nuôi tôm của Tập đoàn Minh Phú ở Vũng Tàu và đưa dần ra thị trường. TS Mai Thi nâng niu những con tôm trên tay, nở nụ cười rạng rỡ bên ao tôm có bờ cỏ xanh biếc.

Tiếng khóc

Thật khác với giữa năm 2017, TS Mai Thi trò chuyện một lúc là bật khóc nghẹn ngào, dù cuộc sống vừa lấp lánh hào quang. Chị sinh ra trong gia đình nhà giáo, tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thực phẩm năm 1996, về tỉnh Sóc Trăng quê nhà làm việc và năm 2012 được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường. Những năm đó, chị còn đi học xử lý nước ở Thụy Điển, học thạc sĩ công nghệ sinh học và từ năm 2012, chị nghiên cứu tiến sĩ ở Trường Đại học Cần Thơ.

Chị cùng cộng sự đã có “Giải pháp sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường ST Bacilli” đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng năm 2014-2015. Nhóm tác giả được tặng bằng khen của Chủ tịch tỉnh và TS Mai Thi còn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động Sáng tạo. Chế phẩm ST Bacilli xử lý ô nhiễm môi trường đạt kết quả tốt ở nhiều nơi. Chị có một mối quan tâm đặc biệt đến môi trường, nhất là từ khi một số người thân của chị bị bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do môi trường bị ô nhiễm. Chị đã nguyện dành cả đời để nghiên cứu xử lý ô nhiễm môi trường.

Cũng khi đó, tôm nuôi bị dịch bệnh hoành hành. Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh trách chị: “Cháu xử lý được những nơi ô nhiễm nặng, sao không giúp bà con nuôi tôm xử lý ao bị ô nhiễm nhẹ hơn?”. Chị và các cộng sự đã làm ra chế phẩm ST Bacilli MT, xử lý ao tôm rất tốt, bởi chế phẩm chứa vi khuẩn bản địa, thích nghi với môi trường, hơn hẳn chế phẩm nhập ngoại. Vụ tôm đầu năm 2016 thật khó quên, hạn nặng nên dịch bệnh lan tràn, nhiều vùng tôm ở tỉnh Sóc Trăng u ám.

Giữa không khí ấy, có 4 hộ nuôi tôm ở những vùng khắc nghiệt dùng chế phẩm ST Bacilli MT làm sạch ao lại thắng lợi. Sáng sớm 23-6-2016, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Luân (nay là Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản) dẫn đoàn cán bộ đến các hộ như đốm sáng giữa bóng đêm đồng tôm. Tối mịt, đoàn trở về, ông Trần Đình Luân yêu cầu cấp dưới khẩn trương mở rộng việc dùng chế phẩm ST Bacilli MT để cứu ngành tôm. Hiệu quả của ST Bacilli MT càng thấy rõ, thậm chí còn được in sách phổ biến và Chủ tịch HĐND tỉnh có công văn đề nghị UBND tỉnh cho áp dụng đại trà chế phẩm trong năm 2017.

Vậy thì sao năm 2017, TS Mai Thi lại khóc tức tưởi. Thì ra, việc đưa chế phẩm ST Bacilli MT ra ao tôm chưa báo cáo xin phép Sở TN-MT, TS Mai Thi bị kỷ luật vì làm sai chức năng nhiệm vụ. Có vị lãnh đạo Sở TN-MT còn nói TS Mai Thi là “lừa đảo khoa học”.

Tổng cục Thủy sản có công văn khẳng định, chế phẩm ST Bacilli MT đang nghiên cứu, thử nghiệm thì không phải xin phép. Dù vậy, TS Mai Thi vẫn cứ bị kiểm điểm, mất chức Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường. Ngày 22-8-2017, chị bị khiển trách về Đảng và ngày 27-11-2017, chị bị cảnh cáo về mặt chính quyền.

Ước nguyện

Chuyên gia sinh học ở Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nghiên cứu vi sinh là chuyên ngành khó, bởi vi khuẩn chỉ có một tế bào. Trong tự nhiên có rất nhiều loài vi khuẩn, có lợi lẫn có hại và tồn tại cân bằng. Nếu loài có hại vượt trội sẽ gây ô nhiễm môi trường, sinh ra dịch bệnh. Xử lý ô nhiễm môi trường bằng chế phẩm sinh học là tăng các loài vi khuẩn có lợi, đưa môi trường trở về trạng thái cân bằng. TS Mai Thi và cộng sự nghiên cứu ruột nhiều con vật như sùng đất, giun… để tuyển chọn vi khuẩn có lợi làm chế phẩm, bởi vi khuẩn bản địa nên khỏe hơn vi khuẩn trong chế phẩm nhập ngoại, vòng đời dài và còn có thể phục tráng khi thoái hóa.

Kỷ luật dồn dập giáng xuống gây nhiều khó khăn, khiến chị Mai Thi phải kéo dài thời gian làm luận án tiến sĩ. Chị học giỏi nhưng bạn cùng khóa đã ra trường, còn chị đến ngày 29-1-2019 mới được bảo vệ luận án và ngày 19-9-2019, chị nhận bằng Tiến sĩ Vi sinh vật học. “Đúng 7 năm không thiếu một ngày cho bằng tiến sĩ, gấp rưỡi bình thường. Nhưng nhờ vậy, tôi làm thí nghiệm nhiều nên có nhiều công thức sản xuất các chế phẩm sinh học”, TS Mai Thi bộc bạch.

Kỷ luật khiển trách về Đảng với chị Mai Thi được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng xóa ngày 14-8-2018, còn cảnh cáo chính quyền vẫn giữ. Cuối buổi chiều 29-1, khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, giữa niềm vui vẫn có nỗi buồn, chị tâm sự: “Khi làm luận án, tôi dự tính kết quả sẽ là tài sản chung để Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng ứng dụng, tạo một nguồn phúc lợi xã hội bảo vệ môi trường. Nhưng hoàn cảnh hiện nay, dự tính ấy không thực hiện được nữa”.

Đến hôm Tập đoàn Minh Phú mời về làm việc, chị liền bày tỏ ước nguyện: cùng với nghiên cứu sản xuất chế phẩm nuôi tôm, được tiếp tục nghiên cứu sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường làm một nguồn phúc lợi xã hội.

Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang đã đồng ý ngay. Nay sản xuất chế phẩm sinh học đã thành công theo dây chuyền hiện đại, TS Mai Thi lại bày tỏ nguyện vọng: việc ứng dụng trên diện tích nuôi tôm của tập đoàn đã có nhiều kỹ sư lành nghề, riêng chị xin được tập trung đưa chế phẩm đến ao tôm của đông đảo nông dân đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với tập đoàn. Ông Lê Văn Quang vui vẻ đồng ý. Tiến sĩ Vi sinh vật học Mai Thi lại dọc ngang các vùng tôm của nông dân, góp phần làm cho màu xanh lá cây (tảo lục) không ngừng mở rộng đẩy lùi ô nhiễm.

SÁU NGHỆ

Thị trường thức ăn chăn nuôi lao đao vì dịch bệnh

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp không chỉ gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi lợn mà còn khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi lao đao. Đã có không ít doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động và nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần...

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm - Chủ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), khi chưa có bệnh Dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp bán từ 2.000 đến 2.500 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng, nhưng đến nay chỉ bán được từ 1.000 đến 1.200 tấn/tháng. Mặc dù đã chuyển sang sản xuất một số loại thức ăn cho gia cầm, thủy cầm, nhưng do các hộ chăn nuôi sử dụng ít nên doanh thu giảm khoảng 50%.

Còn ông Trần Trọng Quang, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi Vina (Vinafeed) cho biết, trong mấy tháng qua, lượng tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018 (doanh số bán từ 16.000 tấn/tháng xuống còn 11.000 tấn/tháng). Hiện tại dịch bệnh đã giảm phát sinh, nhưng nông dân vẫn chưa tái đàn vì môi trường chưa bảo đảm nên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã vậy, các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi càng khó khăn hơn. Theo ông Trần Văn Quý, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), thường thì các đại lý vẫn bán chịu cho nông dân, sau 4 đến 6 tháng, khi bán xong lứa lợn mới thanh toán. “Từ khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, số nợ mấy trăm triệu đồng của người chăn nuôi trở thành nợ xấu vì họ bị thua lỗ, chưa biết bao giờ mới trả. Để duy trì hoạt động, đại lý phải vay vốn ngân hàng và không dám bán chịu nữa...” - ông Quý nói.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay toàn thành phố có 51 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1.160 cơ sở kinh doanh sản phẩm này. Ảnh hưởng đầu tiên đối với ngành kinh doanh thức ăn chăn nuôi khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra là sản lượng giảm, doanh thu thấp. Rất nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh rơi vào tình trạng khó thu hồi vốn. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất phải thanh toán ngay lúc nhận hàng nên không ít đại lý rơi vào cảnh nợ nần.

Để hỗ trợ ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) đề xuất, các ngân hàng tạo điều kiện cho đại lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi được vay vốn, hoặc khoanh nợ, giãn nợ… để tiếp tục duy trì hoạt động tới khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.

Trong hàng loạt giải pháp được các cơ quan chức năng đưa ra, theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trước mắt, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nên cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, tận dụng nguyên liệu sẵn có để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Còn các trang trại chăn nuôi, thay vì sử dụng toàn bộ cám công nghiệp nên tự phối trộn thức ăn bằng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương để giảm chi phí sản xuất. Còn về lâu dài, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cần đa dạng hóa các loại sản phẩm như: Cám gà, vịt, thủy sản... để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…

QUỲNH DUNG

Nam Định: Mô hình Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi

Nguồn tin: Báo Nam Định

Qua 4 năm hoạt động đến nay Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh biết đến nhờ có sản phẩm thịt lợn sạch sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Chăn nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín và có truy xuất nguồn gốc tại Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi.

Chúng tôi đến trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Việt Hùng ở thôn Nam Sơn (người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi) khi vợ chồng anh đang chăm 2 con lợn đẻ. Nằm dưới chân núi Phương Nhi, tách biệt hẳn khu dân cư, trang trại nuôi lợn của anh Hùng được thiết kế, tổ chức sản xuất, quản lý bài bản. Toàn bộ đường ra vào trang trại đều được rắc vôi bột thường xuyên để tiêu độc, khử trùng; đặc biệt trong thời gian có dịch tả lợn châu Phi. Cả 7 dãy chuồng được xây dựng để đảm bảo nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín, lắp đặt hệ thống làm mát về mùa hè, giữ ấm trong mùa đông, hệ thống cung cấp nước sạch cho lợn uống tự động. Nhờ đó, trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến các hộ chăn nuôi điêu đứng nhưng đến nay trang trại của anh Hùng vẫn an toàn. Hiện, trang trại duy trì nuôi 150 con lợn thịt, hàng chục con lợn nái để tạo nguồn giống tại chỗ cho gia đình và các hộ thành viên nuôi lợn thịt. Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng cho biết: Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, an toàn trên thị trường ngày càng cao; yêu cầu hợp tác để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cách thức sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y trong sản xuất chăn nuôi hiện đại nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho thành viên, tháng 10-2015, anh Hùng và 7 thành viên khác đã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi. Các thành viên hợp tác xã đã dành nhiều thời gian để đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi các mô hình chăn nuôi theo quy trình sản xuất sạch ở trong và ngoài tỉnh. Áp dụng vào sản xuất của hợp tác xã, các thành viên đều đảm bảo các công đoạn từ phối trộn thức ăn đầy đủ nguồn dinh dưỡng đến chăm sóc lợn con, lợn thịt và xử lý môi trường chuồng nuôi khép kín, các nguồn chất thải, nước thải, phế phụ phẩm chăn nuôi không được xả trực tiếp ra môi trường mà được thu gom, xử lý qua hầm biogas trước khi sử dụng tưới cho cây ăn quả, rau. Toàn bộ thức ăn cho lợn đều được các thành viên hợp tác xã nhập từ các cơ sở cung cấp thức ăn có uy tín, bảo đảm an toàn. Nước cho lợn uống cũng được lấy từ nguồn do nhà máy cấp nước sạch tập trung của xã cung cấp... Lúc cao điểm, đàn lợn thịt của hợp tác xã đạt 1.000-1.200 con/lứa. Tuy nhiên, hiện nay hợp tác xã đã giảm mật độ để ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sản phẩm lợn sạch được giết mổ, sơ chế ngay tại cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của hợp tác xã, một phần cung cấp cho người tiêu dùng ở địa phương, một phần được đóng túi hút chân không phân phối tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng nông sản sạch của Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh tại thành phố Nam Định. Anh Hùng cho biết, sản xuất theo quy trình sạch, khép kín thời gian nuôi lợn kéo dài hơn; thức ăn cho lợn do hợp tác xã sử dụng các loại nguyên liệu ngô, cám gạo, đỗ tương, men vi sinh... để chế biến và ủ lên men thay thế chất đạm khác và đảm bảo quy trình sạch nên chi phí tăng, nhưng bù lại, giá bán thịt cũng cao hơn so với thịt lợn nuôi theo cách nuôi thông thường. Sản phẩm thịt lợn thương phẩm của hợp tác xã hiện đang không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Mô hình nuôi lợn sạch, khép kín của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi đang cho hiệu quả bước đầu và là hướng đi đúng trong phát triển chăn nuôi lợn hiện nay. Đối với các hộ thành viên đã có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, hợp tác xã khuyến cáo chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm hoặc trâu, bò để tạo sinh kế trước mắt giảm thiểu rủi ro, không cố tái đàn để tránh nguy cơ tái phát dịch, giữ uy tín thương hiệu. Theo anh Hùng, việc tái đàn sẽ được tiến hành thử nghiệm từng bước với số lượng mỗi trang trại thành viên chỉ nuôi từ 20-30 con lợn, theo dõi và làm đầy đủ các xét nghiệm, nếu kết quả âm tính với vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tăng dần đàn lợn nuôi một cách hợp lý trên nguyên tắc an toàn trên hết.

Phát triển nuôi lợn theo hướng quy mô, đảm bảo an toàn, có trách nhiệm và truy xuất nguồn gốc là chủ trương được tỉnh và các địa phương quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện. Vì thế mô hình sản xuất của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi cần được khuyến khích nhân rộng, tạo cơ sở để xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh lớn mạnh và bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Miền Trung ứng phó với dịch lở mồm long móng đang lan rộng

Nguồn tin: Lao Động

Dịch lở mồm long móng đã bùng phát tại Hà Tĩnh hồi tháng 3.2019, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi địa phương. Ảnh: Minh Lý.

Dịch lở mồm long móng đang lan rộng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi.

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng lây lan diện rộng, diễn biến phức tạp, nhất là khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc gia tăng vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Hiện nay, dịch bệnh này đang lan rộng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quyarng Bình, Quảng Trị. Được biết, nguyên nhân lây lan dịch lở mồm long mong chủ yếu do việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện, đặc biệt tại tuyến cơ sở;

Trong thời gian qua, các địa phương đã và đang tập trung các nguồn lực để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nên có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh khác, trong đó có bệnh lở mồm long móng. Hơn nữa, mầm bệnh còn lưu hành trong đàn gia súc, nhưng một số địa phương chưa tổ chức lấy mẫu kịp thời để xét nghiệm xác định bệnh, chưa tổ chức tiêm phòng vắc xin đầy đủ và kịp thời cho đàn gia súc.

Bên cạnh đó, việc cung ứng, vận chuyển gia súc giống trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ con giống chưa được kiểm soát theo quy định, gia súc có triệu chứng nghi bệnh lở mồm long móng vẫn được vận chuyển và cung ứng cho các hộ dân. Cùng với đó, hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh có nhiều thay đổi, sáp nhập, cắt giảm làm ảnh hưởng đến công tác chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh, không nắm bắt được thông tin dịch bệnh hoặc có nhưng chưa đầy đủ, chưa kịp thời…

Để khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại, bất cập nêu trên, nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh lở mồm long móng tại các địa phương có dịch và chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương chưa có dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt cần khẩn trương quán triệt, chấn chỉnh và tổ chức thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng theo đúng quy định tại Luật thú y, các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới tại các tỉnh đã và đang có dịch bệnh lở mồm long móng, không để lây lan dịch bệnh sang các tỉnh, thành phố khác. Hằng ngày, báo cáo đầy đủ, chi tiết và kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho Cục Thú y và các Chi cục Thú y vùng theo đúng quy định hiện hành.

Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo cần thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch xuất, nhập con giống theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi, các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra, không để lây lan diện rộng.

Khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và các địa bàn có nguy cơ cao; bảo đảm đạt 100% số gia súc thuộc diện tiêm tại vùng dịch và ít nhất 80% số gia súc thuộc diện tiêm tại các vùng nguy cơ cao; rà soát và tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và các bệnh khác cho đàn gia súc.

Tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường và phương tiện ra vào ổ dịch, các địa điểm nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Chỉ đạo chấn chỉnh công tác chuyên môn, tổ chức phòng, chống và báo cáo dịch bệnh tại tuyến cơ sở (từ thôn/bản đến cấp xã, huyện), bảo đảm tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

L.V

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop