Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2020

Thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang): Hơn 820ha đất trồng mít

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 24/11/2020
Ngày cập nhật: 26/11/2020

Do thời gian gần đây giá mít trên thị trường luôn ở mức khá cao, nên nhiều hộ dân ở thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang)) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn cây kém hiệu quả sang trồng loại này hoặc trồng xen cây mít với các loại cây trồng khác. Ở thời điểm hiện nay, giá mít trên thị trường dao động khoảng 30.000 đồng/kg đối với mít loại 1, nên nông dân trồng mít rất phấn khởi.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, đến thời điểm hiện nay, diện tích đất vườn được nông dân trồng mít trên địa bàn thành phố Ngã Bảy đã được hơn 820ha, tăng hơn 70ha so với 2 tháng trước. Diện tích trồng tập trung nhiều ở các địa phương xã Tân Thành, Đại Thành và phường Hiệp Lợi.

BẢO TOÀN

Dưa lê Hàn ngọt đất cao nguyên

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Là địa phương với đa phần người nông dân được đánh giá là đi đầu trong việc sẵn sàng tiếp cận những giống cây mới, Lâm Đồng đang thử nghiệm thành công với giống dưa lê Hàn Quốc, giống trái cây có vị ngọt, thơm, giòn. Với thành công của nhiều nông trại từ Đà Lạt, Lạc Dương cho tới Đức Trọng, nông dân Lâm Đồng đã cung cấp cho thị trường những trái dưa lê ngọt với giá trị cao.

Thu hoạch dưa lê Hàn Quốc

Dưa lê Hàn Quốc là giống mới được nhập nội vào thị trường Việt Nam. Với hình bầu dục nặng xấp xỉ 300-400gr/trái, vỏ màu vàng tươi, ruột ít, vị giòn, ngọt hơn hẳn giống dưa lê truyền thống, dưa lê Hàn Quốc đang được cung cấp trên thị trường với giá cao. Các nông trại Lâm Đồng đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường, trồng và cung cấp cho thị trường dưa lê Hàn Quốc “made in Lâm Đồng”.

Nông trại Kiến Huy, thôn Đạ Đum, xã Đạ Sar đang trong đợt thu bói dưa lê Hàn Quốc. Anh Lê Quốc Cường, cán bộ của nông trại cho biết, nông trại tự nhân giống bằng hạt. Anh cung cấp: “Chúng tôi gieo hạt dưa trên vỉ xốp, giữ đất ẩm vừa phải. Sau 2 tuần, cây nảy mầm, cao từ 10-15 cm là có thể trồng ra luống. Luống trồng dưa cao khoảng 10 cm, trồng 1 cây/hốc, cây cách cây 50 cm. Sau xuống giống 2,5 tháng là bắt đầu có trái cho thu hoạch”. Với Kiến Huy farm, nông trại sử dụng hình thức trồng trực tiếp trên đất nên cần đảm bảo đất thông thoáng, không để ngập nước. Dưa lê ưa ẩm nhưng cần thoáng, không bị úng, rò đất cách nhau 1,4 m/hàng. Để đảm bảo dưa thụ phấn tốt, Kiến Huy farm thả ong lấy mật, phấn hoa trong vườn để ong đóng vai trò thụ phấn cho dưa.

Khi còn non, trái dưa có màu xanh lá nhạt. Khi chín, trái ngả sang màu vàng và có các sọc trắng trên thân. Tới khi trái chín, hương thơm rất đặc trưng của dưa lê tỏa ra là lúc có thể thu hoạch. Dưa lê Hàn Quốc trồng tại Kiến Huy farm có trọng lượng trung bình 300-400 gr/trái, hiện là loại trái cây được thị trường thành phố Hồ Chí Minh ưa chuộng. Anh Cường nhấn mạnh, cũng như các giống dưa khác, dưa lê Hàn Quốc dễ bị ruồi vàng đục trái non khiến trái biến dạng, vẹo, không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, ngoài việc sử dụng bẫy ruồi bằng bảng dính, bẫy chai, trang trại còn sử dụng bao trái bằng túi giấy chuyên dụng màu trắng chuyên dành để bọc trái. Muốn cây sai trái, trái to đều cần tỉa lá, tỉa bớt trái nhỏ, chỉ để lại những trái to đều, mỗi cây để lại chừng 3-4 trái là vừa, cây đủ sức nuôi trái phát triển tốt.

Khác với Kiến Huy farm trồng dưa lưới trực tiếp trên đất, HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Thịnh Phát đóng chân trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng lại trồng dưa trên chậu. Sau khi nhân giống trong vỉ xốp, cây con được chuyển sang chậu, để sẵn giá thể và hệ thống tưới tự động. Trồng trong chậu giá thể, người trồng dễ dàng hơn trong việc chăm sóc dưa, từ chế độ tưới, chế độ bón phân cũng như bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Dưa lê trồng trên giá thể phát triển nhanh hơn trồng trên nền đất, chỉ khoảng 65-70 ngày đã cho trái, trọng lượng 300-400gr/trái. Đại diện HTX Thịnh Phát cho biết, hiện giá dưa lê đang ở mức tốt, từ 60-70 ngàn đồng/kg, là một nguồn thu không nhỏ với người nông dân. Năng suất dưa lê Hàn Quốc khá cao, cây cũng không đòi hỏi kỹ thuật quá phức tạp, phù hợp với khả năng của hầu hết nông dân Đà Lạt và phụ cận. Một vụ dưa có thể thu hoạch trong 3-4 tháng, thu nhập khá ổn định so với nhiều loại cây trồng khác. Cây dưa lê cũng ít bệnh tật, chỉ chú trọng xử lý đất, xử lý giá thể tốt, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nhất là bón một lượng phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất từ gốc.

Một số nông trại tại Đà Lạt và phụ cận Lạc Dương, Đức Trọng như nông trại Hoa Thắng Thịnh, An Huy, Thịnh Phát... đã triển khai trồng dưa lê Hàn Quốc và đều cho kết quả tốt, dưa năng suất ổn định, chất lượng cao, giòn, ngọt, giữ được màu sắc và độ ngon của trái. Điều khá đặc biệt là do có nguồn gốc Hàn Quốc, một nước ôn đới, khí hậu mát mẻ nên dưa lê Hàn thích hợp với môi trường Lâm Đồng, có thể gieo trồng quanh năm. Do sẵn hệ thống nhà kính, có kinh nghiệm canh tác các loại dưa như dưa leo, dưa lưới nên nông dân Lâm Đồng trồng dưa lê Hàn Quốc khá dễ dàng, năng suất tương đối cao, ổn định ở mức 3 tấn/vụ/sào, cao hơn các khu vực trồng dưa lê Hàn Quốc khác trong toàn quốc. Trên thị trường, dưa lê Hàn Quốc xuất xứ Lâm Đồng cũng được đánh giá cao về màu sắc, chất lượng trái, mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân xứ núi.

DIỆP QUỲNH

Sắp diễn ra Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2020

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Với quy mô gần 300 gian hàng, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2020 sẽ chính thức được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 29-11 tại quảng trường Trung tâm thương mại Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).

Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên từ năm 2014 đến nay do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan Hà Nội, đơn vị liên quan tổ chức.

Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các đơn vị (Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại/Khuyến công...) của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm trưng bày, quảng bá giới thiệu gồm: Sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các vùng miền; các sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Thủy, hải sản chế biến, nông sản thực phẩm chế biến, đồ uống, sản phẩm gia vị, trái cây, bánh kẹo, chè, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng... bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa.

Trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra giao thương, kết nối, tư vấn doanh nghiệp có sự tham gia của các nhà phân phối lớn (AEON, Central Group, Lotte…), trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, nhà sản xuất…; trình diễn sản phẩm, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch; trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề; thưởng trà Vùng Tây Bắc, quy trình sao tẩm chè sạch từ các vùng chè nổi tiếng và giới thiệu văn hóa trà; trình diễn ẩm thực các vùng miền, quảng bá thương hiệu đặc sản trái cây: Cam (Cao Phong, Hà Giang, Hàm Yên); xoài Cao Lãnh; cà phê (Buôn Ma Thuột); sâm Ngọc Linh (Quảng Nam)...

Hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, doanh nghiệp, khách du lịch trong và ngoài nước hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát. Đồng thời, sự kiện giúp nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Sự kiện kỳ vọng thu hút khoảng 80.000-90.000 lượt doanh nghiệp, người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, giao dịch tại hội chợ. Cùng với đó, lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để giới thiệu tại các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài (Tuần hàng Hà Nội - Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Tuần hàng nông sản Việt Nam tại Pháp...) tiến tới xuất khẩu, đưa vào hệ thống phân phối tại các nước.

THANH HIỀN

Xử lý nước thải nông thôn còn nhiều nan giải

Nguồn tin:  Cổng TTĐT Chính Phủ

Mặc dù hiện nay môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tuy nhiên, vấn đề xử lý nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt tại khu vực nông thôn vẫn chưa triệt để và còn nhiều nan giải.

Để bảo vệ môi trường, chăn nuôi cần thực hiện theo quy trình khép kín và xả thải đúng quy trình. Ảnh: Thiện Tâm.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia của người dân trong 10 năm xây dựng nông thôn mới đã tạo diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Đặc biệt, công tác giữ gìn cảnh quan môi trường đã được quan tâm, vì vậy môi trường khu vực nông thôn đã chuyển biến rõ nét, bắt đầu từ xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề vệ sinh tại các cụm công nghiệp, làng nghề đến xây rãnh thoát nước, nắp đậy trong khu dân cư, xây dựng nơi xử lý và chứa rác, chất thải cũng như xây dựng và quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung bảo đảm tiêu chuẩn.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi của khu vực nông thôn kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Đây là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ và hiệu quả, bền vững.

Hiện nay, ngành chăn nuôi Hà Nội có 25,5 nghìn con trâu, 139,6 nghìn con bò; đàn lợn có 1.760 con, đàn gia cầm 38 triệu con. Chăn nuôi trâu bò chủ yếu là nuôi bán công nghiệp, tận dụng thức ăn tự nhiên nên việc gây ô nhiễm không nhiều, chăn nuôi gà chủ yếu dùng đệm lót sinh học nên cơ bản không gây ô nhiễm nguồn nước. Trong chăn nuôi, ô nhiễm nước thải chủ yếu xuất phát từ sản xuất chăn nuôi lợn.

Theo tính toán của các nhà khoa học, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày, như vậy đối với Hà Nội cả năm có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường. Phần lớn các trang trại chăn nuôi lợn đang áp dụng các quy trình chăn nuôi sử dụng rất nhiều nước để làm mát, vệ sinh chuồng trại; chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn xả thẳng ra môi trường hoặc qua hệ thống hầm khí sinh học (biogas), một số ít cơ sở có hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả ra môi trường. Mặc dù các hầm khí sinh học (biogas) được xây dựng theo đúng quy chuẩn nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con thì chất lượng nước xả thải cơ bản đáp ứng theo quy định. Đối với chăn nuôi từ 100 con trở lên, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lớn, tập trung từ hàng nghìn con trở lên đang gây quá tải cho hệ thống xử lý biogas chất lượng nước thải ra môi trường không bảo đảm, đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Về vấn đề nước thải sinh hoạt, theo ông Chu Phú Mỹ, trên địa bàn Thành phố có 6 trạm/nhà máy xử lý nước thải, trong đó có 5 trạm/nhà máy nằm trong khu vực nội đô và một nhà máy nằm ở khu vực ngoại thành. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải của Thành phố mới đạt 276.300 m3/ngày đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý ở khu vực nội đô, phần còn lại chưa được xử lý mà trực tiếp xả thải ra môi trường. Nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư đô thị, ven đô và nông thôn đều chưa được xử lý đúng cách, nước thải từ các khu vệ sinh mới chỉ được xử lý sơ bộ tại các bể tự hoại, chất lượng chưa đạt yêu cầu xả ra môi trường, là nguyên nhân gây ô nhiễm, lây lan bệnh tật. Chưa kể dòng nước thải sinh hoạt từ nhà bếp, tắm, giặt… thường không được xử lý triệt để, góp phần làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Với số lượng chăn nuôi ở Hà Nội hiện nay, tổng lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia súc khoảng trên 2,5 triệu tấn/năm, lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia cầm khoảng hơn 600 nghìn tấn/năm. Nhìn chung ô nhiễm chất thải rắn trong chăn nuôi ở Hà Nội tuy chưa phải là vấn đề nghiêm trọng do hiện nay các cơ sở chăn nuôi đang sử dụng các biện pháp như ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; công nghệ ủ phân sinh học, sử dụng chất thải chăn nuôi để nuôi trùn quế, ấu trùng, ruồi lính đen… tạo ra nguồn phân bón chất lượng cao phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở trang trại và người dân xử lý ủ phân chưa đúng quy trình hoặc sử dụng phân tươi để bón trực tiếp cho cây trồng không những tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cây trồng phát triển, không những ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông sản mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước, chất lượng không khí, đó cũng là những tác nhân góp phần gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, khối lượng vận chuyển rác thải sinh hoạt của toàn Thành phố về các khu xử lý rác thải tập trung khoảng 6,5 nghìn tấn/ngày. Trong đó rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn 18 huyện, thị xã khoảng 2.424 tấn/ngày. Thực tế rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình chưa được phân loại xử lý tại nguồn. Trong đó rác thải hữu cơ là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường; rác thải sinh hoạt chưa được xử lý chuyển đi chôn lấp tại các bãi rác tập trung nên đã chuyển từ điểm ô nhiễm nhỏ sang khu ô nhiễm lớn; gây quá tải cho các bãi rác tập trung và gánh nặng cho công nghệ xử lý hiện nay, bên cạnh đó còn gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với nhân dân các vùng lân cận khu xử lý. Do vậy việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa rất quan trọng; việc xử lý, tái tạo chất thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ là nguồn tài nguyên vô cùng lớn, giúp cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn của nền nông nghiệp sạch, hữu cơ của Thủ đô. Ngoài ra, việc tận dụng rác thải tái chế bằng công nghệ thân thiện với môi trường góp phần tạo ra sản phẩm hữu ích, bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Chính vì vậy, theo ông Chu Phú Mỹ, để giải quyết ô nhiễm nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt cần phải có lộ trình, cách làm triệt để và giải quyết một cách thấu đáo, đồng bộ tình trạng ô nhiễm này. Trong đó, đối với chăn nuôi cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để thu gom cơ bản chất thải rắn trước khi đưa vào hệ thống hầm khí sinh học (biogas), sau đó tiếp tục qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường.

Đối với rác thải sinh hoạt phải được phân loại từ đầu nguồn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ công cụ, thiết bị thu gom, phân loại cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Đồng thời hỗ trợ các thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt từ nhà bếp, tắm, giặt… trước khi xả thải ra môi trường. Đặc biệt, xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái, tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn. Đa dạng hóa và tăng mật độ các mô hình trồng cây xanh ven đường, trồng hoa tại các khu vực công cộng, nhất là các khoảng đất trống có nguy cơ hình thành các điểm tập kết rác.

Thiện Tâm

Mùa ST trên Bán đảo Cà Mau

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Sau khi xuất sắc đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Philippines, cây lúa thơm Sóc Trăng (gọi tắt là ST), đặc biệt là giống ST24 và ST25 được lãnh đạo và nông dân các tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…) quan tâm đưa vào sản xuất tại những khu vực có điều kiện phù hợp, như: vùng sản xuất lúa – tôm, vùng 2 vụ lúa…

Từ thành công với giống ST22, anh Nguyễn Văn Mực và nhiều nông dân huyện An Biên thêm tự tin khi đến với giống ST24 và ST25 trong vụ sản xuất năm nay. Ảnh: TÍCH CHU

Ngay sau khi vụ tôm nước lợ năm 2020 kết thúc, các vuông tôm nhanh chóng được rửa mặn, làm đất để chuẩn bị đón cây lúa ST cho kịp thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Vào thời điểm này, tại một số vùng tôm – lúa thuộc tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu hay Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đều đã phủ một màu xanh của lúa ST. Năm nay, giá lúa các loại luôn ở mức cao, nên theo dự đoán của nông dân, giá lúa ST24 và ST25 thu hoạch trước tết chắc chắn sẽ vượt qua mức giá bao tiêu của các doanh nghiệp. Mới đây, gạo thơm ST25 lại xuất sắc giành giải nhất tại Hội thi “Gạo ngon Việt Nam” lần thứ hai tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh càng củng cố thêm niềm tin của nông dân vào giống lúa này.

Hôm 5-11, có dịp cùng kỹ sư Hồ Quang Cua dạo một vòng quanh các vùng tôm – lúa sử dụng giống ST24 và ST25 ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang mới thấy hết sự hồ hởi cùng không khí nhộn nhịp của nông dân khi bước vào mùa vụ ST này. Tại An Biên, gặp lại chúng tôi, nông dân Nguyễn Văn Mực khoe: “Năm nay, cả cánh đồng rộng 800 công tầm lớn ở đây chỉ sử dụng 2 giống: ST24 và ST25, trong đó, giống ST24 chiếm đa số với 600 công. Lúa hiện được 15 - 45 ngày tuổi và đang phát triển rất tốt lại được doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang bao tiêu nên ai nấy đều rất yên tâm”.

Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng ST phía sau nhà, anh Mực cho biết thêm: “Tôi và nhiều nông dân ở đây làm lúa ST đã nhiều năm rồi, từ thời còn ST5, rồi đến ST22 ở vụ mùa năm 2017 nên cũng rất tự tin với 2 giống ST mới này”. Nghe anh nhắc tới giống ST22 tôi mới nhớ và cũng chính từ giống lúa này tạo cho anh thêm tự tin cùng niềm đam mê lúa ST. Anh tin là bởi ở vụ lúa năm đó, sau khi sạ giống ST22 xong thì độ mặn trên hệ thống kênh nội đồng đo được lên đến 4 - 5%o, khiến cả nhà lo lắng và tính đến phương án 2 là mua năn về để cấy lại vì nghĩ rằng cây lúa sẽ không qua khỏi độ mặn này. Tuy nhiên, không chỉ vượt qua độ mặn khá cao này, cây lúa ST22 còn phát triển rất tốt và đến cuối vụ cho năng suất rất cao. Nhưng niềm vui trúng mùa không được lâu khi gần đến ngày thu hoạch trời bỗng đổ mưa trái mùa liên tục khiến giá lúa rớt thảm hại, thương lái không vô thu mua. Ngay lúc chưa biết bán cho ai, thì có doanh nghiệp trong tỉnh đến thu mua toàn bộ thông qua sự giới thiệu của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Không chỉ có Kiên Giang, mà ngay sát tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng đã chủ động đến tận khu sản xuất lúa giống để gặp gỡ, cùng bàn chuyện phát triển lúa ST với kỹ sư Hồ Quang Cua trên vùng tôm – lúa của tỉnh Bạc Liêu. Và ngay tại Diễn đàn lúa – tôm diễn ra đầu tháng 10 tại tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu rất tự tin với việc đưa cây lúa thơm ST vào mô hình tôm – lúa: “Chúng ta đã có giống lúa ST đạt giải nhất thế giới rất phù hợp cho mô hình tôm – lúa; có một diện tích tôm – lúa toàn vùng hơn 200.000ha và có cả một đội ngũ doanh nghiệp, nhà khoa học rất tâm huyết, sẵn sàng đồng hành thì không có lý do gì để chần chừ không đẩy nhanh sự phát triển mô hình tôm – lúa với giống lúa chủ lực ST này. Nông dân đang chờ đợi, doanh nghiệp rất tâm huyết nên chúng ta có thể tự tin vào sự thành công của mô hình trong thời gian tới, nếu có quyết tâm và sự tập trung trong thực hiện”.

Năm nay, bên cạnh 3.500ha làm lúa ST được tỉnh trợ giá, nông dân Bạc Liêu còn chủ động đưa vào sản xuất hàng ngàn hécta lúa ST ở vụ tôm – lúa này để tranh thủ giá bán cao dịp cuối năm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số diện tích sản xuất lúa ST của tỉnh Bạc Liêu ở vụ này vào khoảng 8.000 - 10.000ha trở lên. Còn tại tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích lúa – tôm thuộc hàng lớn nhất cả nước, theo ghi nhận của người viết, chỉ riêng ở huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, diện tích sản xuất lúa ST cũng đã hơn 7.000 - 8.000ha và hầu hết đều đã có doanh nghiệp đặt hàng tiêu thụ. Còn tại Sóc Trăng, thủ phủ của lúa ST, chắc chắn số diện tích sản xuất lúa ST năm nay sẽ tăng mạnh nhờ được tiêu thụ tốt, giá bán cao. Hiện một số vùng chuyên sản xuất lúa ST của huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên đã xuống giống gần như hoàn tất, chỉ còn vùng có diện tích lớn nhất là TX. Ngã Năm là chưa thể xuống giống do đang là mùa ngập.

Gạo ST đã được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm, sức tiêu thụ ngày một tăng, dù giá bán luôn cao hơn một số loại gạo thơm khác, còn trên thị trường xuất khẩu, đã có doanh nghiệp xuất bán với giá trên 1.000USD/kg. Trong khi đó, Sóc Trăng và các tỉnh khu vực Bán đảo Cà Mau là nơi có điều kiện thuận lợi nhất để mở rộng sản xuất lúa ST theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cả hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu và Mỹ. Cơ hội đang là rất lớn cho cả vùng Bán đảo Cà Mau trong việc phát triển lúa ST và chỉ cần cây lúa ST phủ màu xanh khắp các vùng tôm – lúa thì chắc chắn hương thơm của nó sẽ còn bay xa hơn nữa.

Ngay khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này, kỹ sư Hồ Quang Cua đã điện thoại cho hay, ngày 21-11 có một đoàn của tỉnh Đăk Lăk đến tham quan, bàn chuyện sản xuất lúa ST trên vùng đất Tây Nguyên. Đây cũng chính là một bất ngờ thú vị, bởi theo phản hồi của nông dân tỉnh Đăk Lăk với kỹ sư Hồ Quang Cua, giống ST24 và ST25 trồng tại đây cho năng suất rất cao, hạt lúa rất đẹp và chất lượng cũng rất thơm ngon.

TÍCH CHU

Hồ tiêu - thời vàng son bao giờ trở lại?

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Từng là “vàng đen” giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú, nhưng gần 3 năm qua, hồ tiêu rớt giá thê thảm. Các vườn tiêu trù phú giờ chỉ toàn xơ xác, hoặc đã được thay thế bởi những loại cây trồng khác.

Diện tích giảm, sản lượng tiêu của nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức giảm mạnh.

Trong ảnh: Gia đình bà Dương Thị Thông (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) phơi tiêu sau thu hoạch.

KIỆT SỨC, CẠN VỐN VÌ HỒ TIÊU

Thời điểm này, các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trong thời điểm đậu trái. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi, cùng với việc không được đầu tư chăm sóc kỹ khiến tỷ lệ tiêu kết trái rất thấp. Theo nhận định của các nhà vườn, năm nay sẽ tiếp tục một vụ tiêu mất mùa.

Ông Phan Huy Duẩn (ấp 2, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) hiện còn 6.000m2 tiêu. Những năm trước, vườn tiêu của ông Duẩn cho thu hoạch 4 tấn/vụ. Tuy nhiên năm nay, sản lượng ước chỉ đạt 2 tấn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tiêu giảm năng suất. Nguyên nhân là do trong 2 năm trở lại đây, tiêu liên tục “chạm đáy”, cũng như nhiều nông dân khác, ông Duẩn phải giảm công chăm sóc, vì vậy tỷ lệ tiêu đậu trái rất thấp. Đặc biệt, vụ tiêu năm nay còn xảy ra tình trạng tiêu ra hoa ngay trong khi thu hoạch. Ông Duẩn cho biết, việc ra hoa dị biệt khiến cây suy yếu, nên dự báo những mùa tiêu tiếp theo cũng không mấy khả quan. “Giá tiêu nay xuống quá thấp. Chỉ còn khoảng 50 ngàn/kg... Càng chăm sóc càng lỗ nặng nên bà con nông dân đang từng bước rời bỏ cây trồng chủ lực một thời”, ông Duẩn nói.

Thực tế, trong thời gian qua, không ít nông dân đã phải đốn hạ tiêu, không dám “đánh cược” với loài cây từng một thời mang đến cuộc sống no đủ cho họ. Nhiều người chuyển sang các loại cây trồng mới dù chi phí chuyển đổi cao, mất nhiều thời gian cải tạo đất. Bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) vừa qua đã phải chặt bỏ gần 1ha tiêu và chuyển sang trồng sầu riêng. “Tiếc lắm, nhưng bám mãi vào hồ tiêu thì mình cũng tiêu luôn”, bà Hạnh chơi chữ trong chua chát.

Đến thời điểm này, giá hồ tiêu giảm 4 lần so với thời kỳ “vàng son”. Với mức giá hiện nay, 1kg tiêu, nông dân lỗ khoảng 15-20 ngàn đồng. Do đó, người trồng tiêu gần như cạn vốn đầu tư, chăm sóc. Cũng như với bất cứ loại cây trồng nào, khi không được chăm bón kỹ thì năng suất lại càng giảm. Nông dân đeo bám cây tiêu chẳng khác gì đang đánh đu với một vòng xoáy dễ kiệt sức, cạn vốn.

TRÁCH AI BÂY GIỜ?

Theo Bộ NN-PTNT, giá tiêu sụt giảm mạnh thời gian qua là do diện tích tăng nóng, quy hoạch của ngành chỉ sản xuất 50.000ha, trong khi diện tích thực tế gấp 3 lần quy hoạch, lên đến 150.000ha. Việt Nam chiếm 51% sản lượng toàn cầu và đứng đầu thế giới. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, 90% lượng tiêu của nước ta chỉ làm gia vị, ít được sử dụng làm tinh dầu và dược phẩm, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ không lớn. Cũng cần nói thêm rằng, nhu cầu thị trường toàn cầu mỗi năm tăng 2-5%, nhưng sản lượng hồ tiêu lại tăng từ 8-10%. Trong bối cảnh nguồn cung dư thừa như vậy, với quốc gia chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu, khó khăn là không thể tránh khỏi.

Có con đường nào để hồ tiêu trở lại thời vàng son? Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến nay, nguồn cung hồ tiêu trên toàn thế giới đã vượt cầu khá nhiều. Dự báo trong những năm tới, sản lượng hồ tiêu vẫn chiều hướng tăng. Thế nên, việc giá tiêu tăng mạnh trong tương lai gần là khó có khả năng xảy ra.

Ngoài ra, cũng theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay, phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam đều xuất bán ra thị trường nước ngoài. Trước sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng từ các nước như Brazil, Malaysia, Indonesia… thì muốn phát triển được, hồ tiêu của Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chuyển dần sang chế biến sâu. Và câu chuyện này, hoàn toàn khó có thể bắt đầu từ phía nông dân mà phải từ các doanh nghiệp. Trên thực tế, ngoài làm gia vị, hạt tiêu được sử dụng nhiều để làm nguyên liệu cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược. Khai thác được phân khúc tiêu thụ này, có thể giải quyết được bài toán nan giải về phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Hiện nay, đã có nhiều DN, HTX liên kết với nông dân sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn thế giới và thực hiện chế biến sâu, làm gia tăng giá trị cho hạt tiêu trong bối cảnh thị trường ảm đạm 3 năm qua. Chẳng hạn như, nhờ canh tác theo quy trình GlobalGAP, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (HTX Bầu Mây) đã mở ra cánh cửa cho nông dân trực tiếp làm ăn lớn, bớt phụ thuộc vào những hợp đồng thời vụ của thương lái. Không những trụ vững trong bối cảnh giá tiêu xuống thấp mà còn bán được tiêu với giá cao “ngất ngưởng”, từ 2,2-15 triệu đồng/kg, tùy loại tiêu sữa, tiêu không hạt, tiêu một nắng... ở thị trường trong nước và giá xuất khẩu là 22 triệu đồng/kg (tiêu không hạt). Đây cũng là HTX điển hình trong việc cung cấp sản phẩm chế biến từ hạt tiêu cho các thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng như Nhật Bản, Dubai, Mỹ, Anh...

Thống kê từ Sở NN-PTNT, nếu như vào thời điểm cách đây 5-6 năm, giá tiêu ở mức cao, người dân ồ ạt tăng diện tích thì nay, khi giá giảm mạnh, nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh và chết đã khiến diện tích tiêu của tỉnh cũng giảm theo. Hiện toàn tỉnh chỉ còn trên 11.300ha, giảm hơn 1.830ha so với cùng kỳ năm 2019; tổng sản lượng tiêu thu hoạch ước đạt trên 19.340 tấn, bằng 91,7% so với kế hoạch, giảm 1.754 tấn so cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân trồng tiêu điêu đứng vì “vàng đen” một thời rớt giá thê thảm. Trong ảnh: Bà Mai Thị Phúc, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Đắk Nông: Nông dân loay hoay với cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Vụ thu hoạch cà phê năm 2020, người dân phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi như mất mùa, giá thấp, khó tìm nhân công thu hoạch. Chính vì vậy, nhiều gia đình trồng cà phê đã chủ động cắt giảm chi phí đầu tư để tránh thua lỗ.

Gia đình bà Huỳnh Thị Mai, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong) có gần 4 ha cà phê. Những năm trước, gia đình bà luôn thu hái cà phê đúng độ chín. Thế nhưng năm nay, cà phê đã chín rục mà bà vẫn chưa tìm được nhân công để hái.

Vườn cà phê 4 ha của gia đình chị Huỳnh Thị Mai, thôn 6 xã Đắk Ha (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), đã chín rục, nhưng chưa thuê được nhân công thu hoạch

Bà Mai cho biết, các năm trước, bà đều thuê lao động từ các tỉnh khác đến hái cà phê, nhưng năm nay tìm nhân công không được. Bà phải đi hỏi khắp nơi mới thuê được 8 người về hái cà phê. Tuy nhiên sau đó, họ lại chê vườn dốc, cà phê kém năng suất, nên đều bỏ đi.

Đến nay, dù vụ mùa đã trễ, nhiều cây cà phê rụng trái, bà Mai vẫn loay hoay để thu hoạch. "Thu hoạch muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi cây, vụ mùa sang năm sẽ giảm năng suất. Biết hậu quả sẽ như vậy, nhưng cũng không biết xoay xở thế nào, vì không thuê được nhân công", bà Mai phàn nàn.

Cũng theo bà Mai, năm nay, năng suất cà phê của gia đình chỉ bằng khoảng 2/3 so với mọi năm 2019, tức chỉ đạt tầm 2 tấn/ha. Nguyên nhân cà phê giảm năng suất là do ảnh hưởng của thời tiết. "Năng suất giảm, giá bán cũng thấp, nên vụ thu hoạch cà phê này thu nhập chẳng được là bao. Gia đình tôi đang tính toán cắt giảm bớt chi phí đầu tư để tránh thua lỗ", bà Mai cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn Đức Hòa, xã Thuận An (Đắk Mil), gia đình ông hiện có 3 ha cà phê. Năm nay cà phê mất mùa, sản lượng giảm khoảng 40% so với mọi năm. Nguyên nhân cà phê mất mùa là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán ở đầu vụ.

Năng suất giảm, vào chính vụ giá cà phê vẫn ở mức thấp, khoảng từ 32.000-33.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng cà phê hầu như không có lãi. Do đó, gia đình ông Thuấn đã chủ động giảm bớt chi phí đầu tư bằng cách tự thu hái cà phê, cắt bớt lượng phân bón...

Nhiều người dân cho biết, năm nay khó tìm nhân công thu hoạch cà phê hơn mọi năm. Nguyên nhân của thực trạng này một phần do lũ lụt miền Trung gây ảnh hưởng nặng, kéo dài, nên nhiều lao động phải lo ổn định đời sống, không thể vào Tây Nguyên hái cà phê thuê như mọi năm. Ngoài ra, hiện nay nhiều lao động nông thôn đã đến các thành phố lớn đề tìm việc làm thay vì đi hái cà phê thuê như trước đây.

Năm 2020, người trồng cà phê Đắk Nông lại gặp nhiều khó khăn

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sản lượng cà phê toàn cầu vụ mùa 2020 giảm 2,5% so với năm 2019. Nhu cầu sử dụng cà phê năm 2020 cũng giảm 0,9% (tương đương hơn 167 triệu bao) so với 2019.

Đầu tháng 11/2020, giá cà phê thế giới có tăng, nhưng không đáng kể. Trong đó, giá cà phê Robusta có khả năng tăng mạnh hơn so với giá cà phê Arabica do nhu cầu cà phê hòa tan tăng.

Đối với thị trường trong nước, giá cà phê những ngày đầu tháng 11/2020 tăng khoảng 500-600 đồng/kg so với cuối tháng 10/2020. Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng 11/2020, giá cà phê Robusta loại R1 tăng 1,7% so với ngày 30/10/2020, đạt mức 34.900 đồng/ kg. Thế nhưng, đến ngày 20/11/2020, giá cà phê lại giảm từ 100-300 đồng/kg so với ngày 10/11/2020.

Còn trên địa bàn tỉnh, thông tin từ các đại lý thu mua cà phê cho biết, giá cà phê đang dao động quanh mốc 33.000 đồng/kg. Mức giá này hầu như đã duy trì từ nhiều năm nay. Theo nhận định từ các cơ quan chức năng, từ nay đến cuối vụ, giá cà phê hầu như không có thay đổi lớn, chỉ dao động tăng giảm với biên độ rất nhỏ.

Toàn tỉnh đang có trên 131.000 ha cà phê, ước tính năm 2020 tổng sản lượng đạt khoảng 306.172 tấn, tức bằng 96,89% kế hoạch năm. Như vậy, năng suất, sản lượng cà phê năm nay trên toàn tỉnh đã sụt giảm đáng kể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người trồng cà phê lại thêm một năm khó khăn.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nuôi dê thích ứng biến đổi khí hậu tại các địa bàn khó khăn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Hiện nay, để thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vừa đảm bảo an sinh xã hội, nông dân các địa bàn khó khăn, đặc biệt là những huyện, thị xã ven biển phía Đông tỉnh Tiền Giang như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và thị xã Gò Công,… đang tích cực phát triển mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ theo hướng bền vững. Ước tính, tổng đàn dê của tỉnh hiện có khoảng 140.000 con, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều mô hình nuôi dê như: Nuôi dê thịt, cung ứng dê giống, nuôi dê theo mô hình trang trại, nuôi dê lấy sữa,... tùy tình hình thực tiễn địa phương và khả năng của các hộ chăn nuôi.

Nuôi dê nông hộ ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành.

Đi tiên phong nuôi dê lấy sữa theo mô hình trang trại có nông dân Nguyễn Hoàng Trí, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành. Ông đầu tư hơn 01 tỷ đồng xây cất chuồng trại, chăn nuôi dê lấy sữa với tổng đàn trên 200 con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng khoảng 200 - 250 triệu đồng từ nguồn lợi cung ứng sữa và dê giống cho nhu cầu thị trường. Ngoài ra, ông còn phổ biến kỹ thuật, hướng dẫn nông dân cách xây cất chuồng trại, chọn giống tốt để nuôi dê lấy sữa, đồng thời thành lập Hợp tác xã nuôi dê sữa Tam Hiệp.

Tương tự, ở huyện Gò Công Đông có mô hình nuôi dê trang trại của ông Đoàn Văn Hồng, cư ngụ tại xã Tăng Hòa. Đây là địa bàn ven biển, có điều kiện sản xuất khó khăn, thường xuyên bị thiên tai hạn, mặn gây nhiều thiệt hại. Trước tình hình trên, ông Hồng mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa bấp bênh sang lập trang trại nuôi dê cung ứng dê thịt, dê giống cho thị trường. Hiện trang trại nuôi dê của ông quy mô lớn nhất huyện Gò Công Đông với tổng đàn trên 100 con dê sinh sản và dê thịt, mỗi năm thu lợi trên 200 triệu đồng. Ông Hồng cũng là hạt nhân giúp địa phương thành lập được Tổ hợp tác chăn nuôi dê lai thương phẩm xã Tăng Hòa. Qua đó, tập hợp hộ chăn nuôi dê, liên kết sản xuất, giúp đưa nghề chăn nuôi dê ngày càng phát đạt trong cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập.

Nuôi dê quy mô gia đình có ông Lê Văn Út, cư ngụ tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành. Trong chuồng nhà ông có tổng đàn dê sinh sản 20 con. Ông cho biết: Dê sinh sản trung bình 02 năm 03 lứa. Mỗi lứa, một con dê sinh sản 02 con dê con. Khi dê con đạt trọng lượng khoảng 40kg/con, ông xuất chuồng bán thịt. Với mô hình và quy mô chăn nuôi kể trên, mỗi năm ông thu lãi ròng gần 100 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi dê, từ chỗ gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh trước đây, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, ngày càng khấm khá hẳn lên. Theo ông Út, dê dễ nuôi, thích ứng điều kiện khó khăn, đầu ra thuận lợi, phù hợp phát triển nhân rộng trong các mô hình chăn nuôi như VAC, cho nông dân thu nhập cao.

Nhận thấy tiềm năng và triển vọng của nghề chăn nuôi dê thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Tiền Giang đã quan tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển đàn dê, nông dân hưởng lợi, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thích ứng biến đổi khí hậu và đưa nông nghiệp - nông thôn - nông dân đi lên. Trong các năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, khả năng ứng dụng hiệu quả trong đời sống thực tế tại địa phương trên lĩnh vực chăn nuôi dê như: Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương; Dự án "Ứng dụng mô hình cải tạo giống dê địa phương” tại huyện Gò Công Đông; Dự án “Gieo tinh nhân tạo trên dê”… tại các huyện, thị xã có nghề nuôi dê phát đạt. Ngoài ra, còn ứng dụng, chuyển giao mô hình nuôi dê trên đệm lót sinh học, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe…

Theo đánh giá, kết quả nhập nuôi thành công 05 giống dê cao sản lai tạo với giống dê Bách Thảo địa phương cho ra đàn dê lai F1 có ưu điểm vượt trội đồng thời với xác định được khẩu phần thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của đàn dê lai, nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi dê của người dân địa phương, đưa khoa học - công nghệ vào thâm canh. Qua đó, đã góp phần nâng chất lượng đàn dê, tăng năng suất thịt, sữa, cải tạo con giống, nâng cao giá trị sản phẩm từ dê, đưa con dê trở thành một trong những vật nuôi chủ lực tại các địa bàn khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai hạn, mặn, giúp ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Minh Trí

Khẩn trương khôi phục chăn nuôi, ổn định sản xuất

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Đợt mưa lũ vừa qua đã gây hậu quả nặng nề cho ngành chăn nuôi trong toàn tỉnh Quảng Bình, hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, nhiều chuồng trại hư hỏng, ước tính thiệt hại hơn 230 tỷ đồng. Chính vì vậy, việc tổ chức tái đàn, khôi phục chăn nuôi sau mưa lũ là rất cấp thiết nhằm giúp người dân sớm ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm vào dịp cuối năm.

Đang tất bật dọn dẹp lại chuồng trại để chuẩn bị cho việc tái đàn vật nuôi, bà Nguyễn Thị Nguyền, thôn Thượng Thôn, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua nước ngập sâu, lại ngâm lâu nên trang trại của gia đình bà bị thiệt hại nặng nề. Hơn 300 con gà, vịt, ngan bị chết và 10.000 con cá các loại bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng.

“Sau lũ, tôi đã dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng để chuẩn bị tái lại đàn vật nuôi. Ngay lúc này, người chăn nuôi chúng tôi rất cần được hỗ trợ con giống để khôi phục sản xuất”, bà Nguyền cho hay.

Bà Nguyễn Thị Nguyền, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) đang dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị tái đàn gia cầm.

Lệ Thủy là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, chỉ tính riêng lĩnh vực chăn nuôi đã thiệt hại hơn 66,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Các hộ gia đình, trang trại, gia trại chăn nuôi bị thiệt hại nặng tập trung ở các xã: Cam Thủy, Thanh Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy…Người dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu giống sản xuất; chuồng trại, trang thiết bị hư hại nghiêm trọng”.

Gia đình anh Lê Xuân Thiệp, thôn 2 Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) là một trong những hộ chăn nuôi thiệt hại nặng trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Gia đình anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống trại nuôi cá chình hoa áp dụng công nghệ tuần hoàn sinh học vào cuối tháng 9-2019. Với diện tích 150m2, anh nuôi 3 bể cá với số lượng 3.600 con. Sau hơn 1 năm nuôi, cá phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt trên 1,2kg/con. Gia đình anh dự tính sẽ thu hoạch và xuất bán lứa đầu tiên vào tháng 12với giá bán 450.000 đồng/kg. Thế nhưng trận mưa lũ này đã khiến gia đình anh trắng tay.

“Trận lũ lịch sử làm ngập trại nuôi 1,6m, vượt thành bể nuôi 0,7m, nước chảy xiết đã cuốn trôi toàn bộ cá và thiết bị máy móc của gia đình tôi, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Để khôi phục lại trại cá cần chi phí rất lớn. Hiện tại, nguồn giống trên địa bàn không có, phải vào TP. Nha Trang mới có, nhưng giá lại quá cao. Tôi rất mong ngành nông nghiệp, các tổ chức cá nhân hỗ trợ con giống để khôi phục sản xuất. Đồng thời, ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất và cho vay thêm vốn để gia đình tôi có thể làm lại từ đầu”, anh Thiệp chia sẻ.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp-PTNT, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi và hơn 10.000 vật nuôi khác bị chết; 1.350 tấn thức ăn gia súc, gia cầm bị vùi lấp, hư hỏng; hệ thống chuồng trại, thiết bị, vật tư phục vụ chăn nuôi bị hư hại nghiêm trọng… Ước tính tổng thiệt hại của ngành chăn nuôi là hơn 230 tỷ đồng.

Để giúp người dân khôi phục sản xuất, Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi khắc phục, xử lý vệ sinh môi trường chuồng trại chăn nuôi. Sở chỉ đạo các địa phương tập trung tái đàn, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan sau lũ; tăng cường công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa ổ dịch mới phát sinh, đặc biệt không để dịch tả lợn châu Phi phát sinh lây lan.

UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 700 con bò, 17.000 con lợn, 3.000 con thỏ NewZealand, 750.000 con gà, 20.000 con vịt; các loại vắc xin, hóa chất sát trùng, thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến thăm và tặng gà giống cho người dân huyện Lệ Thủy.

Bước đầu, Bộ Nông nghiêp-PTNT đã hỗ trợ cho tỉnh 10.000 lít Benkocid, 20 tấn clorine để thực hiện tiêu độc khử trùng. Đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp trao tặng 5 triệu con tôm giống 12 ngày tuổi, trị giá 650 triệu đồng; 10 tấn thức ăn chăn nuôi, trị giá khoảng 445 triệu đồng; 2.500 gói chế phẩm men vi sinh trị giá khoảng 400 triệu đồng...cho các trang trại và hộ chăn nuôi gia cầm, thủy sản bị thiệt hại nặng trong các đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn TP. Đồng Hới và huyện Lệ Thủy.

Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy, bên cạnh các biện pháp khắc phục hậu quả của thiên tai, huyện Lệ Thủy tiếp tục vận động nhân dân gia cố, cải tạo lại ao nuôi, hệ thống chuồng trại để tái đàn gia súc, gia cầm. Căn cứ trên kết quả rà soát, thống kê tình hình thiệt hại, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin kinh phí hỗ trợ cho từng hạng mục cụ thể để hỗ trợ nhân dân ổn định sản xuất.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Lệ Thủy đã nhận 5.000 con gà và phân bổ về các địa phương. Người chăn nuôi trên địa bàn đang rất cần giống để tái đàn, cũng như tiền mặt để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa chuồng trại khôi phục sản xuất.

“Sau khi dọn dẹp, khử trùng chuồng trại, tại một số địa phương người dân đã bắt đầu chọn mua con giống, nuôi nhốt tại các vị trí cao, khô ráo… để chuẩn bị cho việc tái đàn”, ông Vương cho hay.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, nhằm nhanh chóng giúp người dân ổn định đời sống, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã hỗ trợ 275.000 giống gà ri và vịt để người dân tái đàn với kỳ vọng trong 2-3 tháng chăm sóc, bà con sẽ có gà, vịt để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng sẽ hỗ trợ thêm giống lợn, bò để giúp người dân khôi phục lại đàn gia súc bị thiệt hại do mưa lũ. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ tiền mặt cũng như tạo sinh kế để người dân khôi phục sản xuất...

Lan Chi

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn rừng

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Ngoài công việc chính tại Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, với sự nhạy bén, năng động, anh Nguyễn Lê Anh Tuấn ở khu phố Thống Nhất, thị trấn Hồ Xá đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi lợn rừng để mở hướng phát triển kinh tế gia đình. Sau hơn 3 năm, mô hình đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi lợn rừng của anh Nguyễn Lê Anh Tuấn (ngoài cùng) mang lại hiệu quả kinh tế cao-Ảnh: P.N

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại nuôi lợn rừng tại thôn Thủy Nam, xã Kim Thạch, anh Tuấn chia sẻ: “Đầu năm 2017, sau khi tìm hiểu kỹ qua mạng và thấy được hiệu quả từ các mô hình thực tế của những người bạn, tôi quyết định cải tạo toàn bộ gần 1 ha đất rừng cao su của gia đình tại thôn Thủy Nam và đầu tư hơn 150 triệu đồng để nuôi lợn rừng”. Để tìm được nguồn giống chuẩn, anh Tuấn đã đến trang trại lợn rừng NTC tại Đông Anh, Hà Nội vừa tham quan, vừa học tập kỹ thuật chăn nuôi và chọn mua được 17 con lợn giống về nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm về phòng trừ dịch bệnh cộng với việc thay đổi môi trường sống đột ngột nên hơn nửa số lợn giống mang về bị chết. Không nản chí, anh Tuấn tìm tòi học lại kỹ thuật chăn nuôi từ đầu qua mạng internet, tài liệu sách báo, đồng thời nhờ đến sự tư vấn của cán bộ thú y địa phương và thường xuyên liên ạc, kết nối trao đổi tình hình với trang trại cung cấp giống để được chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp khắc phục. Nhờ đó, số lợn rừng còn lại dần phát triển ổn định hơn.

Từ 8 con giống còn lại đã được anh Tuấn chăm sóc và phát triển lên thành 10 lợn nái sinh sản và 2 lợn đực trưởng thành để phối giống. Trung bình mỗi năm, đàn lợn rừng đẻ từ 1 - 2 lứa, mỗi lứa từ 7 - 12 con. Lợn con từ 1,5 - 2 tháng tuổi đã cứng cáp, biết ăn và có thể bắt đầu cai sữa, sau 5 - 6 tháng là có thể xuất chuồng. Lợn thành phẩm đạt độ xuất chuồng có trọng lượng từ 25 kg trở lên, với giá bán lợn hơi dao động từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg, trung bình mỗi con có giá khoảng 3,5 triệu đồng. Riêng đối với lợn giống, tùy theo trọng lượng của lợn, có thể xuất chuồng bán từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/con. Hiện trang trại của anh Tuấn luôn duy trì đàn lợn từ 40 - 50 con thành phẩm; có những giai đoạn đỉnh điểm lên đến gần 100 con. Qua đó, mỗi năm mang về thu nhập trên 200 triệu đồng.

Anh Tuấn cho biết, để nuôi được lợn rừng trước hết phải hiểu tập tính ăn ở và sinh sản của chúng. Với bản năng sống hoang dã nên lợn rừng luôn cảnh giác và hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động lạ, vì vậy chuồng trại cần cách xa khu dân cư, đường giao thông; môi trường nuôi phải gần giống môi trường tự nhiên, có nhiều cây cối. Trong quá trình chăn nuôi cần chú ý đến việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sát trùng thường xuyên và tiêm vắc xin phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn lợn. Đặc biệt thức ăn cho lợn rừng cũng phải hoàn toàn tự nhiên và không được nấu chín; bên cạnh các loại cây cỏ được trồng để làm thức ăn chính như cỏ voi, khoai lang, chè khổng lồ, cây ngọc hoàng, ổi... anh Tuấn còn bổ sung thêm các loại cám đập tự nhiên từ lúa, ngô để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho đàn lợn. Nhờ đó chất lượng lợn rừng khi thành phẩm luôn đảm bảo độ chắc thịt và tỉ lệ nạc cao.

Hiện nay, đầu ra lợn rừng tại trang trại chăn nuôi của anh Tuấn khá ổn định, ban đầu khách mua hàng chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn trong khu vực huyện Vĩnh Linh, nhưng nhờ chất lượng đảm bảo và tích cực giới thiệu trên mạng internet, lợn rừng của anh Tuấn đã mở rộng được thị trường, xuất bán ra các địa phương khác như TP. Đông Hà, TP. Đồng Hới và một số vùng lân cận.

Ngoài mô hình nuôi lợn rừng, để tận dụng tối đa diện tích đất anh Tuấn còn kết hợp nuôi thêm 4 con hươu sao để lấy nhung và 10 bò mẹ sinh sản. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ các mô hình chăn nuôi, đời sống kinh tế của gia đình Tuấn ngày càng được nâng lên.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Tuấn cho biết: “Tôi dự định trong năm nay sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn rừng, xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để tăng đàn. Ngoài lợn rừng, tôi cũng dự định sẽ đầu tư nuôi thêm gà thả vườn và thử nghiệm nuôi dúi rừng”.

Với những ưu điểm nổi bật như sức đề kháng cao, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có và giá cả ổn định nên mô hình nuôi lợn rừng của anh Tuấn đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Đây cũng là một trong những mô hình chăn nuôi mới trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cho thấy hiệu quả kinh tế tích cực và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng hiện nay. Từ đó, góp phần mở ra một hướng đi mới trong nông nghiệp chăn nuôi để nhiều người dân có thể học tập, nhân rộng nhằm nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

Phương Nga

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop