Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 2 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 2 năm 2019

Bắt đầu triển khai mua lúa vụ Đông Xuân 2019

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Ngày 25/2, Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa thông báo kế hoạch mua lúa vụ Đông Xuân 2019 của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TPHCM.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Long An xem mẫu gạo tại Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến. Ảnh: Báo Long An

Theo đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ sẽ mua 1.500 tấn lúa vụ Đông Xuân năm 2019, nhập kho dự trữ quốc gia. Phương thức mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng tại cửa kho dự trữ Nhà nước.

Địa điểm nhập kho tại điểm kho Trâm Vàng thuộc Chi cục Dự trữ Nhà nước Tây Ninh (ấp Trâm Vàng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu).

Thời hạn mua thóc đến hết ngày 30/4/2019. Giá mua theo quyết định của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Cùng ngày, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TPHCM cũng thông báo kế hoạch mua dự trữ quốc gia 2.000 tấn lúa. Địa điểm mua tại cửa kho dự trữ thuộc Chi cục Dự trữ Nhà nước Long An (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh).

Thời gian mở kho mua từ ngày 1/3/2019. Thời hạn mua lúa đến hết ngày 30/4/2019.

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ khẩn trương triển khai và hiện. Tổng cục Dự trữ nhà nước đã bán hồ sơ gói thầu mua lúa, gạo dự trữ năm nay.

Dự kiến vào đầu tháng 3 tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ công bố giá mua và tổ chức đấu thầu thu mua lúa gạo. Việc triển khai mua lúa gạo sẽ được thực hiện ngay để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ lương thực cho nông dân.

Hiện Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang tổ chức đoàn công tác đi khảo sát giá mua gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để xây dựng phương án giá mua gạo, báo cáo Bộ Tài chính quyết định giá mua để tiến hành mua gạo trong thời gian sớm nhất.

Hiện nay Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Philippines và 100.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nghiêm túc quy định mua dự trữ lưu thông theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.

Vụ Đông Xuân 2018-2019 của ĐBSCL gieo trồng trên 1,597 triệu ha, năng suất ước đạt 69 tạ/ha, tăng 1 tạ so với vụ Đông Xuân 2017-2018. Sản lượng toàn vùng ước đạt trên 11 triệu tấn lúa; trong đó, lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng 7,339 triệu tấn, tương đương 3,669 triệu tấn gạo.

Thông tin từ báo Cần Thơ cho biết tại các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, thương lái bắt đầu chạy ghe tìm mua lúa. Các doanh nghiệp chế biến gạo cũng hoạt động mạnh trở lại. Ở TP. Cần Thơ, giá lúa đã nhích lên thêm từ 100 - 150 đồng/kg so với những ngày trước. Lúa tươi của nông dân tại ruộng, giống IR 50404 từ 4.400 - 4.500 đồng/kg, giống Đài Thơm 8 giá 4.900 đồng/kg, loại Jasmine 85 giá 5.000 đồng/kg, OM 4900 giá 5.400 đồng/kg, OM 5451 giá 4.900 đồng/kg, RVT giá 5.900 đồng/kg…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm cánh đồng lúa đang thu hoạch tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về mua dự trữ lúa gạo, ngày 25/2, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa tại Long An, Đồng Tháp

Theo Sở NN&PTNT Long An, vụ Đông Xuân 2018 - 2019, sản lượng lúa của tỉnh ước khoảng 1,42 triệu tấn. Việc thu hoạch sẽ dứt điểm vào cuối tháng 3/2019. Toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 103 lượt cánh đồng, diện tích xuống giống trên 9.229ha, 2.952 hộ tham gia.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An đôn đốc doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải thu mua lúa của nông dân ở những diện tích liên kết. Thời gian tới, Long An cần mở rộng thêm diện tích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để nông dân chủ động sản xuất và có đầu ra ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin trong tháng 3, các bộ có liên quan sẽ tiến hành xúc tiến thương mại ở nhiều thị trường, trong đó chú trọng Philippines, Malaysia.

Tại Đồng Tháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lãnh đạo tỉnh đã đến làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tại huyện Lai Vung.

Đại diện Vinafood 1 cho biết kế hoạch năm 2019 của Tổng Công ty dự kiến thu mua 1,6 triệu tấn lương thực các loại, trong đó có 1,36 triệu tấn lúa gạo và 80% lượng lúa gạo tiếp tục được thu mua tại các tỉnh ĐBSCL.

Đến thời điểm hiện tại, Vinafood 1 đã chỉ đạo 12 đơn vị thành viên và các chi nhánh trực thuộc thu xếp tài chính, bố trí lực lượng tập trung thu mua lúa gạo tại các nhà máy trên địa bàn khu vực ĐBSCL. Theo đó, tổng sản lượng gạo theo kế hoạch thu mua của Vinafood 1 trong quý I/2019 là 375.000 tấn, trong đó, gạo là 350.000 tấn, lúa là 25.000 tấn.

Hiện nay, các nhà máy đang tiến hành thu mua hết công suất, đến ngày 25/2 đã đạt lượng thu mua 178.000 tấn gạo. Từ nay đến hết tháng 3, Vinafood 1 sẽ tiếp tục thu mua thêm khoảng 172000 tấn gạo và 25.000 tấn lúa. Tại tỉnh Đồng Tháp, đơn vị sẽ thu mua 130.000 tấn lúa gạo. Việc thu mua vừa phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu giao hàng ngay, vừa tạm trữ để thực hiện nhiệm vụ kích cầu và tiêu thụ lúa, gạo cho bà con nông dân.

Trước những số liệu báo cáo từ Vinafood 1, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong những tháng tiếp theo, đơn vị nên phát huy những kết quả đạt được và cố gắng đẩy mạnh thu mua lúa, gạo đạt mức nửa triệu tấn cho nông dân.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các sở, ngành tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ đơn vị trong việc xây dựng các khối liên kết cung ứng lúa gạo, đồng thời đề nghị bà con nông dân nên chủ động trong việc liên kết với doanh nghiệp để tránh rủi ro.

Thanh Xuân (nguồn: Tổng cục Dự trữ Nhà nước/VFA/báo địa phương)

Vĩnh Long: Tam Bình được chọn làm thí điểm triển khai dự án tiêu thụ cam sành

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có trên 8.000ha trồng cam sành với sản lượng đạt trên 99.000 tấn/năm, tập trung nhiều ở 2 huyện Trà Ôn và Tam Bình.

Đây là một trong loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh, thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân có đời sống khá giả. Thương hiệu “Cam sành Tam Bình” đã được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận.

Mô hình đưa cây cam sành trồng trên đất lúa được tỉnh khuyến khích trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vì cho hiệu quả cao so với trồng lúa.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, người dân đã phát triển ồ ạt làm cho diện tích và sản lượng cam liên tục tăng nhanh vượt mức khuyến cáo của ngành chức năng, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, được mùa, rớt giá, có người cũng điêu đứng vì cây cam. Hiện nhiều nông dân đang có dự tính bỏ cam để chuyển qua các loại cây trồng khác.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có mạng lưới thu mua nông sản khá đa dạng nhưng chưa có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, ảnh hưởng đến chất lượng và chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế của trái cam.

Xuất phát thực tế trên, ngành công thương tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng dự án Mô hình thí điểm tiêu thụ cam sành và được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, huyện Tam Bình được chọn làm điểm để triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2019- 2020 mà trọng tâm là năm 2019.

DUY DẪN

Nhà vườn Lục Ngạn: Thất thu vì cam nhiễm bệnh Greening

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

“Hỏng hết rồi. Vụ vừa qua, gia đình tôi thu được gần 20 triệu, bằng 1/10 vốn bỏ ra. Dù đã cải tạo, thay thế trồng cây mới rồi nhưng cam vẫn bị bệnh. Nhiều hộ đã phá cam trồng chuối, có nhà nhổ bỏ cũng chưa biết trồng cây gì….” - ông Trần Văn Trường, chủ hộ trồng cam tại thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ.

Phá cam, trồng gì?

Chiều một ngày cuối tháng 2, chúng tôi trở lại thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang- nơi từng là “thủ phủ” cam ngọt của huyện. Nếu trước đây cả xã bạt ngàn màu xanh của cây có múi thì nay có nhiều giống khác xen kẽ.

Khu vườn của gia đình ông Trần Văn Trường, thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang chỉ còn thưa thớt cam ngọt.

Gặp ông Trần Văn Trường đang ngồi một mình trước cửa nhà, thấy khách đến hỏi về vụ cam vừa qua, ông buồn bã nói: “Chán lắm! Đầu tư hàng trăm triệu, vậy mà gia đình tôi thu về chỉ bằng 1/10 so với vốn bỏ ra”. Hiện vườn quả của nhà ông chỉ còn lác đác vài cây cam ngọt. Những cây bị bệnh đã được đào gốc, chất đống ở góc sân.

Ông Trường cho biết, giai đoạn ra lộc, quả nhỏ cây không có biểu hiện bệnh nhưng đến khi quả chín thì rõ ràng nhất. Chẳng là thời gian trước, ông Trường đã phá bỏ toàn bộ cây hỏng để mua cây mới trồng nhưng tình trạng bệnh vẫn không giảm. Cam có hiện tượng chín ngược, tạo ra quả mà người làng thường gọi là cam rươi hoặc cam bung, vị nhạt, không ăn được.

Ông Trường lý giải: “Cam rươi là quả chín ngược từ cuống xuống dưới. Cam bung thì nẫu, mõm, trong khi vỏ vẫn hơi xanh”. Đây là vụ thứ hai, cam của gia đình ông bị bệnh như vậy. Dù thời tiết ấm áp, mưa xuân thuận lợi cho trồng cây nhưng ông vẫn bỏ phần đất trống vì băn khoăn chưa biết trồng cây gì trên đó.

Rời nhà ông Trường, chúng tôi khảo sát quanh thôn. Đi dọc đường làng, bắt gặp một người dân đang đẩy xe rùa chở hàng chục cân cam. Ngỡ chị mang cam đến điểm cân bán nhưng ai dè mang… đi đổ. Xe cam có cả quả vỏ vàng, xanh nhưng không đồng nhất ở mỗi quả.

Khi chúng tôi hỏi chuyện, chị nói: “Cam này ăn nhạt, bán không ai mua. Năm nay hầu như nhà nào cũng có cam bị như vậy, chỉ là ít hay nhiều thôi”. Quan sát ở vệ đường còn có lác đác đống cam nhỏ được đổ từ lâu đang lên mốc, thối hỏng; nhiều thân cành cây bị bệnh vứt chỏng chơ.

Đến hộ ông Trần Bá Chung, trước đây là hộ thu nhập cao từ cam ngọt thì nay chẳng còn cây nào do chuyển sang trồng hơn một mẫu chuối. Hay hộ ông Trần Doãn Hoạt, Trần Khắc Sơ… cũng trong tình trạng tương tự.

Ông Trần Văn Trường, thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang (Lục Ngạn): Đầu tư hàng trăm triệu, vậy mà gia đình tôi thu về chỉ bằng 1/10 so với vốn bỏ ra. Giờ hiếm hộ trong xã mừng đón mùa cam lắm”.

Cùng phóng viên thực tế cơ sở, ông Vũ Lệnh Sánh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, những hộ trồng cam bị thất thu là do cây nhiễm bệnh Greening. Bệnh xuất hiện hầu hết khu vực trồng cam trong huyện song ở Tân Quang là điển hình hơn cả.

Không để cây "yếu"

Cam ngọt hiện không còn là cây trồng mang lại nguồn thu chính cho nhiều hộ tại xã Tân Quang. Được biết, cực chẳng đã người dân nơi đây mới phải chuyển từ cam sang trồng chuối. Khi thấy cây bị bệnh, một số hộ đã đánh bỏ gốc, đầu tư mua cây giống mới trị giá khoảng 400 nghìn đồng/cây về trồng song vẫn bị nhiễm bệnh phải phá bỏ. Điều này cho thấy, bệnh đã nhiễm, lưu cữu vào trong đất và lây lan khi trồng lứa mới.

Nhiều vườn chuối thay thế vườn cam.

Huyện Lục Ngạn hiện có hơn 6,5 nghìn ha cây có múi, trong đó cam ngọt hơn 2 nghìn ha. Với việc bỏ cây, đổ quả nhiễm bệnh một cách tràn lan, không được xử lý đúng quy trình cộng với khâu kiểm soát cây giống gần như “bỏ ngỏ” khiến nguy cơ cao bệnh lan rộng. Greening là bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra. Cây bị bệnh chỉ còn cách nhổ bỏ mà không có cách chữa trị.

Đây là thực trạng rất đáng lo ngại tại Lục Ngạn và đã được các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan truyền thông cảnh báo từ nhiều năm trước. Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng này là do tăng trưởng nóng cây cam, bưởi trong thời gian ngắn; người dân ồ ạt trồng cam xuống ruộng đã phá vỡ quy hoạch phát triển cây ăn quả và bệnh gia tăng, khó kiểm soát.

Để bảo vệ vùng cam, phát triển cây có múi bền vững, ông Vũ Lệnh Sánh cho rằng, trước mắt đơn vị khuyến cáo nhà vườn cuốc bỏ cả rễ cây bệnh, sau đó xử lý đất bằng cách rắc vôi bột, phơi đất 5-6 tháng mới trồng cây mới.

Về lâu dài, cần thực hiện tổng hợp các biện pháp, trong đó chú trọng quản lý chặt nguồn gốc giống; đưa cây sạch bệnh vào trồng và dành một phần diện tích trồng cây dự phòng để có kế hoạch bổ sung, thay thế kịp thời cây bị bệnh. Chăm sóc cho cây đủ dinh dưỡng, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi cũng như sâu bệnh.

Chúng ta đã từng có bài học về “xóa sổ” vùng cam Bố Hạ nổi tiếng một thời do bệnh hại. Vì vậy cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, sớm có giải pháp khắc phục, ngăn chặn mầm bệnh phát sinh.

Nhà khoa học Nguyễn Tiến Ky, Viện Nghiên cứu đào tạo và Tư vấn Khoa học công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam): Thay đổi cách sử dụng phân bón

Một số lần thăm vùng cam Lục Ngạn, tôi đã trao đổi, bày tỏ sự lo ngại với người dân, chính quyền và đơn vị chuyên môn về nguy cơ bệnh trên cây có múi, nhất là cam ngọt. Có hộ mua cây giống bị bệnh về trồng, có hộ bỏ bẵng không chăm sóc. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là người dân quá lạm dụng phân bón hóa học. Cây cũng như con người, “ăn gì, bệnh nấy” có nghĩa là bón cho cây thứ gì thì sẽ phát triển theo hướng đó.

Thời điểm tôi nói chuyện này, người dân thu nhập cao từ cam, có hộ thu bạc tỷ mỗi vụ nên gần như coi chuyện đó còn rất xa. Nay, những cảnh báo về vùng cam của tôi và một số nhà khoa học đối với Lục Ngạn đã trở thành hiện thực. Để khắc phục, ngành nông nghiệp tỉnh cần quyết liệt vào cuộc, liên kết với các nhà khoa học tìm ra loại phân bón bổ sung, giữ được khoáng chất trong đất để cây bền hơn, hướng tới phát triển bền vững.

Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn): Mong sớm có biện pháp khống chế bệnh Greening

Gia đình tôi trồng hơn 300 cây cam ngọt và vừa phải cuốc bỏ 50 cây bị bệnh Greening. Trồng cam đến nay gần 10 năm, năm nào vợ chồng tôi cũng phải bỏ đi vài chục cây nhưng năm nay là nhiều nhất. Có nhiều hộ cùng thôn vườn cam cũng xác xơ bởi phải phá cam, thu chẳng đủ bù chi. Chất lượng quả ngày càng kém, giá trị thấp.

Vụ vừa rồi giá bán bình quân tại vườn khoảng 20 nghìn đồng/kg cam, giảm gần một nửa so với vụ trước khiến gia đình tôi thắc thỏm, lo lắng. Trồng giống cây này phải sử dụng lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học đề chăm sóc khiến một số hộ lỗ vốn. Tôi mong muốn các nhà khoa học sớm nghiên cứu, có biện pháp khống chế bệnh Greening trên cam để bà con giảm thiệt hại.

Trịnh Lan - Trường Sơn (ghi)

Nông dân Quảng Ngãi khóc ròng vì giá mía rớt thê thảm

Nguồn tin: VOV

Chưa có năm nào giá mía tại Quảng Ngãi rớt thê thảm như năm nay. Giá mía giảm lại không có ai mua nên nhiều nông dân phải kêu thương lái đến cho.

Ở cái tuổi “thất thấp cổ lai hy” nhưng bà Nguyễn Thị Tình ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vẫn phải gồng gánh cuốc cày trên một sào ruộng mía với hy vọng dành dụm ít tiền dưỡng già. Đến kỳ thu hoạch hơn 1 tháng, mía đã trổ cờ, bà chờ mãi chẳng có ai đến mua. Chẳng biết xoay xở ra sao, bà đành phải kêu thương lái đến cho để kịp dọn đất chuẩn bị cho vụ trồng sắn sắp đến.

Bà Tình than thở, mía bán họ không mua, cho họ đốn để lấy đất trồng sắn, chứ bây giờ không ai mua mà mình đi đốn cũng không được.

Gia đình bà Tình neo đơn nên thương lái ưu tiên nhận mía. Những người khác cho mãi không ai nhận đành phải đốt bỏ, dọn đất để trồng cây khác mong bù lỗ cho vụ mía này.

Nông dân đốt mía để dọn đất làm vụ khác.

Bà Trương Thị Cúc ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh xót xa kể, 5 sào mía năm ngoái đến kỳ thu hoạch, giá mía chỉ ở mức 1,1 triệu đồng/tấn nhưng cũng kiếm được 25 triệu đồng. Thế nhưng, vụ mía này chẳng có ai đến mua, mà cho cũng không có người nhận nên đành phải đốt mía.

Bà Cúc than phiền ở thôn này có đến hàng chục hộ phải đốt mía bỏ đi: “Mía bán không được thì phải đốt đi, đốt hốt củi bỏ lên chở về chụm, phá lấy đất tỉa bắp”.

Những năm trước đây, cây mía mang lại cuộc sống khá giả cho nhiều người dân ở tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng năm nay, nhiều người lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì mía bán không ai mua mà cho cũng chẳng ai lấy.

PV

Lào Cai: Phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Với lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã liên kết, phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, qua đó tạo việc làm, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Lào Cai có nhiều cây dược liệu quý như tam thất, chè dây, giảo cổ lam, đương quy, atiso… Việc hình thành các chuỗi liên kết trồng, sản xuất, tiêu thụ đang là hướng đi bền vững trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, việc ký thỏa thuận hợp tác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với người dân đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng giúp huyện Bắc Hà phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa.

Gia đình bà Vàng Thị Ính, ở thôn Na Áng A, xã Na Hối (Bắc Hà) trồng cây dược liệu (đương quy, bạch chỉ) từ năm 2016. Với hơn 2.000 m2 đất chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng dược liệu, năm 2018, gia đình bà có thu nhập hơn 70 triệu đồng, lãi gần 40 triệu đồng. Bà Ính cho biết: Trồng cây dược liệu không vất vả như trồng ngô. Năm nay, gia đình mở rộng diện tích lên hơn 5.000 m2 đương quy và 1.000 m2 atiso nhưng cũng chỉ cần một người làm. Thời gian rảnh rỗi, tôi vẫn có thể làm nhiều việc khác. Tất cả đương quy và atiso sau khi thu hoạch đều được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và một số hợp tác xã trên địa bàn huyện thu mua, không lo đầu ra.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà hướng dẫn người dân xã Na Hối chăm sóc cây đương quy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Bắc Hà đang trồng 80 ha cây dược liệu các loại như atiso, đương quy, đẳng sâm, cát cánh, đan sâm, bạch truật, bạch chỉ… tập trung ở các xã: Na Hối, Lùng Phình, Tả Văn Chư, Lùng Cải, Bản Già. Năm 2019, huyện Bắc Hà dự kiến mở rộng diện tích cây dược liệu lên hơn 90 ha theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Các sản phẩm dược liệu trên địa bàn Bắc Hà đang được các công ty như Dược phẩm OPC, Nam Dược, TRAPHACO, Dược Việt Nam… cam kết bao tiêu sản phẩm nên người trồng không lo đầu ra.

Đánh giá về hiệu quả trồng cây dược liệu theo chuỗi liên kết, bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Việc phát triển cây dược liệu theo mô hình liên kết cho thấy hiệu quả thiết thực, rõ nhất là giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác. Đối với mỗi ha trồng cây dược liệu, người dân thu được khoảng 160 triệu đồng, lãi trung bình từ 90 đến 120 triệu đồng.

Huyện Bắc Hà sẽ tiếp tục tìm các công ty để liên kết đầu ra cho sản phẩm dược liệu, quan điểm là phát triển vững chắc và không ồ ạt.

Huyện Sa Pa cũng là một trong những địa phương có truyền thống trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, việc hình thành chuỗi liên kết chỉ manh nha từ khi Công ty TNHH một thành viên TRAPHACOSAPA có mặt tại địa phương vào năm 2001 với mong muốn xây dựng được vùng nguyên liệu atiso. Tuy nhiên, thời gian đầu, TRAPHACOSAPA chỉ tập trung thu mua lá atiso của người dân để chế biến thành cao. Đến giai đoạn năm 2008 - 2010, công ty mới thực hiện mô hình liên kết, ký kết các hợp đồng kinh tế, bắt tay tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Năm 2016, khi nhà máy chế biến cao atiso dạng bột khô tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, thành phố Lào Cai với sản lượng 100 tấn cao khô/năm đi vào hoạt động, chuỗi liên kết dược liệu mới hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả. Hiện nay, TRAPHACOSAPA đang liên kết với hơn 130 hộ trên địa bàn huyện Sa Pa thu mua toàn bộ sản phẩm lá atiso với sản lượng trên 2.000 tấn lá tươi/năm. Với giá 2.200 đồng/kg, mỗi năm người dân Sa Pa thu về khoảng 4,5 tỷ đồng từ lá atiso. Ngoài ra, sản phẩm hoa, hạt, củ atiso… cũng được người dân chế biến và bán ra thị trường. Ước tính, thu nhập từ cây trồng này của người dân Sa Pa đạt khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài TRAPHACOSAPA với chuỗi sản phẩm atiso, trên địa bàn huyện Sa Pa còn xây dựng được một số chuỗi dược liệu như lá thuốc tắm người Dao đỏ của Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa - SapaNapro và Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ… Đây là những mô hình đang phát huy hiệu quả và mang lại nguồn lợi kinh tế bền vững cho người trồng dược liệu.

Chế biến lá thuốc tắm tại Công ty SapaNapro.

Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích trồng dược liệu của huyện Sa Pa là 161,7 ha (diện tích duy trì là 112 ha; diện tích trồng mới 49,7 ha), trong đó có 67 ha atiso, 4 ha đương quy, gần 10 ha xuyên khung, 30 ha chè dây và 51 ha các loại cây dược liệu khác; khoảng 70% sản lượng được các công ty ký hợp đồng thu mua, số còn lại do người dân tự tiêu thụ. Ngoài ra, nông dân còn trồng, thu hái, bảo tồn bền vững hàng trăm ha cây dược liệu truyền thống dưới tán rừng để tạo ra các sản phẩm thảo dược nâng cao sức khỏe và thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường.

Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên TRAPHACOSAPA, vấn đề cốt lõi trong việc phát triển các chuỗi giá trị dược liệu là đầu ra của sản phẩm. Các công ty đứng ra làm chuỗi phải có sản phẩm tạo được chỗ đứng trên thị trường thì đầu ra sẽ ổn định và giữ được uy tín với người dân. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức của người dân và sự vào cuộc, tạo điều kiện, giúp đỡ của chính quyền các địa phương cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thành công các chuỗi giá trị dược liệu.

Được biết, tổng diện tích canh tác cây dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 1.500 ha, tập trung tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Sa Pa, Văn Bàn, gồm các loại cây: Đương quy, atiso, xuyên khung, ý dĩ, cát cánh, bạch truật, tam thất, chè dây... với tổng sản lượng ước đạt 3.200 tấn, giá trị thu nhập bình quân từ 120 đến 150 triệu đồng/ha, cá biệt một số loại dược liệu giá trị đạt hơn 600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết dược liệu còn khá hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế và giá trị của dược liệu.

Việc phát triển các chuỗi giá trị dược liệu trên địa bàn như atiso, thuốc tắm tại huyện Sa Pa hay chuỗi đương quy, bạch chỉ, cát cánh… tại huyện Bắc Hà đang mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân. Đây là hướng đi triển vọng cần được quan tâm, phát triển và nhân rộng để giúp người dân làm giàu.

ĐỨC PHƯƠNG

Giá hạt tiêu tiếp tục giảm sâu

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Ngày 24-2, giá hạt tiêu đen các đại lý nông sản ở Đồng Nai mua vào chỉ dao động từ 42-43 ngàn đồng/kg, giảm 4-5 ngàn đồng/kg so với dịp cuối tháng 1-2019. Với giá tiêu như hiện nay, đa số các nhà vườn trồng tiêu bị thua lỗ từ 30-40 triệu đồng/hécta. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giá tiêu trong 2-3 tháng tới chưa có dấu hiệu tốt lên, vì thị trường cung đang vượt cầu nên giá giảm mạnh.

Nhiều nhà vườn thua lỗ vì giá hạt tiêu xuống quá thấp.

Trong gần 2 tháng đầu năm, giá hạt tiêu đen xuất khẩu chỉ khoảng 2.940 USD/tấn. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất cả nước cho nên giá tiêu giảm mạnh ảnh hưởng rất lớn đến các nhà vườn. Hiện nhiều nhà vườn đã thu hoạch xong tiêu nhưng chưa bán ra vì giá quá thấp. Theo các nhà vườn, đầu vụ thu hoạch, giá tiêu được các đại lý mua vào xấp xỉ 60 ngàn đồng/kg, nhưng đến cuối vụ thu hoạch lại đột ngột hạ sâu.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đứng số 1 thế giới về xuất sản xuất, xuất khẩu hạt tiêu. Hạt tiêu của Việt Nam đã xuất sang hơn 100 quốc, vùng lãnh thổ trên thế giới và chiếm khoảng 60% sản lượng xuất khẩu tiêu của thế giới. Trong đó, thị trường nhập khẩu nhiều tiêu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ và Pakistan.

Gầy đây, tiêu Brasil xuất khẩu ngược vào Việt Nam giá khoảng 40 ngàn đồng/kg.

Khánh Minh

Bình Phước: Thận trọng khi chọn giống cho vụ mì mới

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Khoai mì (sắn) là loại cây từng được xem là “chìa khóa” để nông dân xóa đói giảm nghèo. Có giai đoạn giá mì tăng cao do nguồn cung khan hiếm, giúp nhiều nông dân thu nhập cao hơn so với trồng những loại cây khác. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người chạy theo cây mì mà không tìm hiểu kỹ thị trường lẫn kỹ thuật canh tác. Hiện nay, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vẫn diễn biến phức tạp và chưa có thuốc đặc trị. Song giá mì tươi vẫn ở mức cao (2.400-3.200 đồng/kg) nên nông dân vẫn lấy đó làm “động lực” tiếp tục trồng, bất chấp dịch bệnh, khuyến cáo.

Ngành chức năng từng khuyến cáo, nông dân nên cắt vụ chuyển đổi sang cây trồng khác, không nên tiếp tục tái canh cây mì. Tuy nhiên, do thiếu vốn để chuyển đổi, không ít hộ vẫn trồng mì và chấp nhận “đánh liều” với thực tế: Khi chưa có dịch bệnh, 1 ha mì có thể thu hoạch hơn 40 tấn, còn hiện nay mì bị nhiễm bệnh, chỉ cho sản lượng từ 20-30 tấn/ha (tùy mức độ bị bệnh).

Thu hoạch mì trên địa bàn thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú

Anh Phí Văn Nam, ngụ ấp 9, xã Tân Lập (Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) gắn bó với cây mì hơn 10 năm nay, cho biết, dịch bệnh khảm lá trên cây mì khiến nhiều nông dân lao đao do năng suất, sản lượng giảm. Gia đình anh trồng hơn 10 ha mì. Vụ mì năm nay do bị bệnh khảm lá nên năng suất giảm một nửa. Theo tính toán của anh, 1 ha mì bị bệnh khảm lá cho năng suất khoảng 20-30 tấn, nếu củ mì tươi bán với giá 3.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển..., người trồng vẫn còn lãi khoảng 20-30 triệu đồng/ha. Do đó, anh Nam cũng như nhiều nông dân khác tiếp tục chọn trồng mì chứ không chuyển sang cây trồng khác. Anh Nam dự tính, nếu giá mì vẫn duy trì ở mức cao, năm sau anh sẽ tiếp tục trồng và duy trì nguồn giống cũ (ở diện tích mì chưa bị nhiễm bệnh). “Nếu mua hom giống mới cũng chưa chắc có nguồn giống sạch bệnh. Các vựa giống trên địa bàn hay ở tỉnh Tây Ninh mì cũng bị nhiễm bệnh. Người trồng cần tìm mua cây giống ở những địa phương chưa bị bệnh, chọn giống mì dù khi trồng nhiễm bệnh nhưng vẫn cho năng suất cao. Hiện tôi trồng khoảng 5-6 giống mì khác nhau. Bên cạnh đó, trồng mì trong thời điểm dịch bệnh khảm lá mì chưa có biện pháp xử lý, ngoài chọn giống phù hợp, cách lên liếp cho từng loại giống mì cũng như quá trình chăm sóc, bón phân phải khác nhau. Có như vậy, dù mì bị bệnh khảm lá nhưng vẫn cho năng suất cao hơn” - anh Nam nói.

Ngay từ khi phát hiện dịch bệnh khảm lá trên cây mì, ngành chức năng của tỉnh, huyện đã khuyến cáo nông dân không sử dụng các hom mì ở khu vực bị bệnh để làm giống, không vận chuyển cây mì từ vùng có bệnh sang các vùng khác..., mà chỉ sử dụng hom mì không bị nhiễm bệnh. Về giải pháp trước mắt, tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền để cán bộ, người dân, doanh nghiệp chế biến... nhận thức rõ mục tiêu chống bệnh dịch, sự ảnh hưởng và tác hại lâu dài của bệnh... Đối với nguồn cung cấp giống mì, tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh tìm mua nguồn giống sạch bệnh từ tỉnh chưa có dịch, có địa chỉ rõ ràng, tin cậy để cung cấp cho người dân. Vào đầu vụ sản xuất, các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý điểm mua bán cây giống không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý...

Chị Phạm Thị Nga ở ấp 6, xã Tân Lập cho biết: Do hầu hết các địa phương đều có dịch khảm lá trên cây mì nên nguồn cung hom giống sạch bệnh rất khan hiếm, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, một số hộ trồng tận dụng cả cây mì không đảm bảo để làm giống, bất chấp năng suất cây trồng và nguy hiểm hơn là khiến dịch bệnh khảm lá mì khó dập tắt. Giải thích việc tiếp tục chọn cây mì để trồng cho vụ tới, chị Nga nói: Từ năm 2018, xăng sinh học E5 chính thức đưa vào lưu hành trên toàn quốc thay thế xăng Ron 92, mà một trong những nguyên liệu dùng để phối trộn tạo ra xăng E5 là cồn ethanol được sản xuất từ củ mì. Điều này đã góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ nên giá mì có thể lên cao và ổn định trong vài năm tới.

Hiện nay, đa số người trồng mì đều nhận thức được sự nguy hại của bệnh khảm lá trên cây mì và nắm được khuyến cáo của ngành chức năng. Thế nhưng vẫn còn nhiều nông hộ tâm lý chủ quan, cộng với sự nôn nóng khi thấy giá mì ngày càng tăng, đã canh tác ngay trên đất bị nhiễm bệnh, đồng thời còn sử dụng giống mì không rõ nguồn gốc. Hậu quả, sau khi xuống giống, chỉ một thời gian ngắn cây mì có thể bị nhiễm bệnh. Rất mong ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền tác hại của bệnh khảm lá trên cây mì. Đồng thời giới thiệu nông dân những nguồn giống sạch, kháng bệnh cao cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; đặc biệt là đầu ra và định hướng quy hoạch cây mì mang tính lâu dài trên địa bàn...

M.H

Công nghệ tưới tiêu trong mùa khô hạn

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Những ngày giáp tết Nguyên đán vừa qua, khô hanh kéo dài trên diện rộng ở hầu khắp huyện, thị, thành phố trong tỉnh Bình Phước. Tại các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, thời điểm này hầu hết giếng đào đã cạn nước. Vì vậy, việc tưới tiêu vườn cây tại Bình Phước đang gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là những vùng đồi cao, thiếu nguồn nước tự nhiên. Do vậy, tưới nhỏ giọt bằng công nghệ tự động hóa đã giúp giải quyết bài toán thiếu nước tưới trong mùa khô.

Có diện tích trồng tiêu lớn nhất cả nước, tuy nhiên, người nông dân ở Bình Phước còn giữ lối canh tác theo kiểu cũ, tưới nước không đúng cách gây dư thừa, lãng phí nguồn nước và công lao động. Anh Nguyễn Quốc Hay ở xã Hưng Phước (Bù Đốp) cho biết, gia đình anh trồng trên 6 ha tiêu, để đảm bảo cây sinh trưởng phải 4 ngày anh mới tưới xong 1 ha, mất gần 3 tuần anh tưới xong 6 ha tiêu đang vào thời kỳ thu hoạch. Lượng nước tưới trung bình cho 1 ha mỗi lần 300m3, đó là chưa tính khoản chi phí không nhỏ gia đình phải bỏ ra thuê nhân công, làm bồn tiêu.

Vườn tiêu tưới bằng công nghệ nhỏ giọt của nông hộ Nguyễn Quốc Hay mỗi lần tưới chỉ cần 1 nhân công

Cách đây 2 năm, anh Hay đã thay đổi phương thức tưới tiêu bằng cách đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt. Chi phí đầu tư hệ thống không cao hơn nhiều so với cách tưới truyền thống. Tùy theo quy mô, địa hình vườn tiêu chi phí bình quân khoảng từ 35-45 triệu đồng/ha. Chỉ sau 1 năm sử dụng, người trồng tiêu có thể thu hồi tiền đầu tư hệ thống tưới bởi giảm chi phí nhân công, tiền điện hay tiền dầu chạy máy bơm tưới. Việc lắp đặt cũng khá đơn giản, ngoài đấu nối hệ thống ống chính, ống phụ thì chỉ cần điều chỉnh van nước phun vào đúng chỗ.

Ưu điểm nổi bật của công nghệ tưới nhỏ giọt là cung cấp nước vừa đủ cho cây, lượng nước thất thoát không đáng kể. Bên cạnh đó, hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây duy trì độ ẩm tốt, không cần phải làm bồn, từ đó tiết giảm được nhân công, chi phí. “Tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước (hơn 40%), công tưới. Trước đây 1 ha tưới thủ công phải mất khoảng 5 công lao động nhưng tưới nhỏ giọt chỉ mất 1 công. Do nhiều việc quá chứ nếu không, tôi cáng đáng luôn sẽ tiết kiệm hơn” - anh Hay chia sẻ.

Tại huyện Hớn Quản, Dự án mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel kết hợp bón phân qua nước cho các vườn cây như cam, quýt, hồ tiêu tại 3 xã An Khương, An Phú, Đồng Nơ, do Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện triển khai cũng đang mang lại kết quả tích cực. Những hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ đầu tư 1 mô hình tưới nhỏ giọt, thí điểm trên 1 ha đất trồng tiêu hoặc cây ăn trái để làm đối chứng. Một đường ống có cấu trúc rất đặc biệt được lắp đặt hệ thống tưới có 3 bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm, hệ thống dây nhỏ giọt được đặt chạy dài theo các luống đưa thẳng vào gốc cây. Với mô hình tưới nước nhỏ giọt này, nhà vườn tiết kiệm chi phí nhân công tưới, rải phân bón, đặc biệt tiết kiệm nước, chống xói lở, tăng độ ẩm cho đất, giúp cây phát triển tốt. Ngoài ra, việc bón phân cũng tương đối dễ dàng, tiết kiệm nhân công khi chỉ cần hòa tan phân và cho vào hệ thống tưới giúp nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, cây trồng hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

Là hộ được chọn làm thí điểm mô hình, ông Nguyễn Đức Học ở ấp Bình Phú, xã An Phú cho biết: “So với tưới tràn như những năm trước, chúng tôi thấy tưới nhỏ giọt có hiệu quả hơn. Trước đây, 1 tháng tôi phải tưới 4 lần, mỗi lần tốn từ 4-6 công, còn hiện nay tưới nhỏ giọt 1 tháng tôi tưới 4 lần, mỗi lần chỉ mất 1 công”.

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu và phí bảo dưỡng hệ thống tưới nhỏ giọt có thể cao hơn hệ thống tưới khác, nhưng với những ưu điểm mang lại, tưới nhỏ giọt đang khẳng định là giải pháp hữu hiệu tiết kiệm nước, thời gian, công sức, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn. Đây cũng là mô hình được khuyến khích nhà nông áp dụng nhằm ứng phó với tình trạng khô hạn.

Ngọc Minh

Bình Thuận: Liên kết sản xuất: Xu thế tất yếu của nông nghiệp hiện đại

Nguồn tin:  Báo Bình Thuận

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang được nhiều địa phương đẩy mạnh góp phần mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp tạo chuyển biến xây dựng nông thôn mới…

Liên kết tiêu thụ cây nho xã Phước Thế.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Trước yêu cầu đặt ra trong việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng NTM, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) đang từng bước giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và và tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: Xác định giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp là đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi liên kết. Địa phương đã xây dựng mô hình liên kết chuỗi cung ứng vật tư đầu vào lúa giống; HTX Phước Thể liên kết doanh nghiệp Tư Thành tiêu thụ sản phẩm cây nho; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mực ống tại Liên Hương”. Mặc dù ở Tuy Phong quy mô các mô hình liên kết chuỗi còn nhỏ, số lượng còn ít, tuy nhiên các mô hình đều bước đầu ổn định. Đặc biệt, ở lĩnh vực thủy sản có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mực ống tại thị trấn Liên Hương. Được thành lập năm 2017, đây là liên kết chuỗi giữa ngư dân làm các nghề khai thác mực (nghề bẫy bóng mực, chụp mực, câu mực) với doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mực trong nước và xuất khẩu. Mô hình đang duy trì 4 doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua với các tàu cá đã thu mua mực của hơn 40 tàu cá ngư dân. Ngoài ra, ngư dân được tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, năm vừa qua có 278 hộ làm nghề khai thác hải sản có công suất lớn ở các xã, thị trấn Liên Hương, Chí Công, Phước Thể, Phan Rí Cửa, Hòa Phú được vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ với số tiền hơn 33,4 tỷ đồng.

Năm vừa qua, huyện Đức Linh có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Trà Tân, Đức Chính nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 10/11 xã. Đây là địa phương “tiên phong” trong xây dựng các mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hiệu quả. Toàn huyện có 10 HTX thực hiện liên kết với nông dân địa phương, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân trong vùng. Điển hình như các HTX: Dịch vụ nông nghiệp Công Thành, Mê Pu, Sùng Nhơn, bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rô Mô- Đa Kai, nuôi trồng thủy sản Trà Tân, rau sạch Trà Tân… đã thu mua các sản phẩm lợi thế của địa phương như lúa nếp, trái cây, rau sạch theo giá thị trường vào kỳ thu hoạch, liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất tiêu thụ trong và ngoài nước, tăng giá trị sản phẩm. Đức Linh đang xúc tiến chuyển dịch đất sản xuất kém hiệu quả để hình thành trên 4.000 ha vùng chuyên canh lúa, nếp chất lượng cao khu vực phía Nam huyện, trái cây đặc sản ở các xã phía Bắc cung cấp cho hầu hết các HTX dịch vụ tại địa bàn theo mô hình liên kết chuỗi.

Phát triển, mở rộng quy mô

Phải nói rằng, liên kết sản xuất có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi mà ngành nông nghiệp đang đứng trước sự đan xen giữa cơ hội và thách thức. Trong 7 xã đạt chuẩn NTM năm 2018 (xã Vĩnh Hảo, Hàm Cường, Tiến Thành, Tân Hải, Đức Chính, Trà Tân và Đức Bình) đều có xây dựng mô hình nông sản chủ lực theo liên kết sản xuất và tiêu thụ, một số mô hình liên kết chuỗi hiệu quả. Có mô hình quy mô lớn, ổn định tạo liên kết bền vững như xã Nam Chính (Đức Linh), HTX Dịch vụ Công Thành liên kết với hàng trăm hộ xã Đức Chính gieo trồng hơn 500 ha nếp chất lượng cao, bao tiêu toàn bộ nông sản cho nông dân, đưa ra tỉnh ngoài tiêu thụ. Ngoài ra, các xã khác như Trà Tân (Đức Linh) có HTX Rau sạch Trà Tân thành lập vào giữa năm 2017 với 25 hộ tham gia. HTX làm đầu mối cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết với doanh nghiệp thu mua rau sạch cho các thành viên với mức giá ổn định. Xã Hàm Cường có HTX thanh long Phú Cường ký kết tiêu thụ nông sản trái thanh long với các hộ dân trong xã và hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Khánh Trâm về thu mua trái thanh long…

Thanh Duyên

Ấn tượng với ống hút thân thiện môi trường làm từ bột gạo

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Những chiếc ống hút nhựa được sử dụng hằng ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại là thủ phạm khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Gần đây, tại làng bột Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), một doanh nghiệp (DN) vừa ra mắt người tiêu dùng sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường được sản xuất từ nguồn nguyên liệu bột gạo.

Sản phẩm ống hút OCHAO làm từ bột gạo, tiện dụng và thân thiện với môi trường

Có tên là OCHAO - loại ống hút đặc biệt này do Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu, TP.Sa Đéc ra mắt thị trường trong thời gian gần đây. Ống hút OCHAO được sản xuất từ 100% nguồn nguyên liệu tự nhiên, gồm bột gạo, bột mì và chiết xuất màu từ rau, củ, quả.

Được gọi là ống hút thân thiện với môi trường là vì ngoài công dụng dùng để hút nước thì sản phẩm này còn có thể ăn được và có thể tự hủy dễ dàng ngoài môi trường tự nhiên. Nếu bảo quản trong môi trường bình thường, sản phẩm có thể sử dụng tốt trong vòng 18 tháng. Riêng sử dụng trong môi trường nước nhiệt độ bình thường và nước lạnh trong khoảng 30 phút đến 2 tiếng vẫn giữ nguyên hình dạng và sản phẩm sẽ tự hủy sau khi sử dụng.

Với nhiều màu sắc hấp dẫn không kém sản phẩm ống hút nhựa, ống hút OCHAO hiện có 4 nhóm màu chính (tím, xanh, đen và trắng). Những màu sắc này là màu tự nhiên được chiết xuất từ rau, củ, quả như: củ dền, lá dền, mè đen, vì vậy người dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng ống hút OCHAO.

Với ưu điểm tiện dụng và tính năng thân thiện với môi trường, sản phẩm ống hút bột gạo của Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu đã được chào đón tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện DN cũng đang chào hàng tại một số thị trường khác như Châu Âu và Nga.

Chia sẻ về ý tưởng sản xuất sản phẩm ống hút bột gạo thân thiện với môi trường, ông Võ Minh Khang - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu tâm sự: “Có dịp đi công tác nhiều nước trên thế giới, tôi nhận thấy ở quốc gia của họ rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Việc sử dụng sản phẩm nhựa luôn được pháp luật quy định hẳn hoi, các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút nhựa hầu như không được phép sử dụng ở đất nước họ. Vì vậy tôi nghĩ, công ty mình đang có thế mạnh về sản xuất sản phẩm nui, sò, mì thì sao mình không thử sản xuất loại ống hút từ nguyên liệu bột gạo để thay thế ống hút nhựa. Và, may mắn là thành công đã đến với DN chúng tôi”.

Hiện tại, trung bình DN sản xuất 100.000 ống hút/ngày, tương đương 1 tấn sản phẩm/ngày. DN cũng đang đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trong tháng 2 này với công suất trên 3 tấn/ngày. Phần lớn sản phẩm hiện nay được cung cấp cho các thị trường nhập khẩu. Theo DN Hùng Hậu, hiện thị trường trong nước đang có những phản ứng rất tốt với sản phẩm ống hút OCHAO của DN. Một số nhà hàng, khách sạn đang đặt vấn đề liên kết dài lâu với đơn vị.

Ông Khang vui mừng: “Nhiều đại lý và chuỗi nhà hàng, khách sạn trong nước đã chủ động liên hệ với công ty để tiêu thụ sản phẩm ống hút OCHAO. Đây không phải niềm vui của riêng DN mà còn là niềm vui chung cho cả cộng đồng. Bởi thêm một người sử dụng sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường thì sẽ bớt đi một ống hút nhựa bị thải ra môi trường thiên nhiên”.

Ống hút được làm từ bột gạo không những là niềm vui với người tiêu dùng mà sự ra đời của nó còn có ý nghĩa quan trọng với với người dân làng bột Sa Đéc. Ông Nguyễn Văn Nương - chủ nhiệm Hội quán làng bột Sa Đéc tâm sự: “Tôi rất mừng khi làng bột quê tôi có thêm một sản phẩm mới ra đời được làm từ nguyên liệu bột gạo của quê hương. Đây cũng là động lực để bà con làng nghề hăng say sản xuất. Tôi tin, với sản phẩm mới này, sự phát triển của làng bột sẽ còn vươn xa hơn nữa”.

Theo Hiệp hội bảo tồn đại dương, Việt Nam nằm trong top 5 nước đổ rác nhựa xuống biển nhiều nhất trên thế giới. Trong khi đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là TP.Hà Nội và TP.HCM, trung bình 1 ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và bao nilông.

Mỹ Lý

Tìm cách giải bài toán liên kết trong sản xuất

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

Đồng Nai đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để hình thành những dự án cánh đồng lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Phát triển vùng chuyên canh trái cây rộng gần 100 hécta tại đồi Sabi (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc). Ảnh: L.Quyên

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu này bằng cách tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút DN tham gia.

* Liên kết để tồn tại

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chỉ ra yêu cầu của thị trường hiện nay: “Thời gian tới, ngay cả thị trường dễ tính là Trung Quốc cũng siết hàng rào kỹ thuật yêu cầu về chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc nông sản. Nếu không phát triển mạnh hợp tác xã, không xây dựng tốt các chuỗi liên kết thì đầu ra của nông sản sẽ là vấn đề rất khó khăn”.

Trước yêu cầu mới của thị trường, từ vài năm trước, Đồng Nai đã tích cực triển khai chương trình xây dựng dự án cánh đồng lớn theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương xây dựng 33 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với tổng diện tích thực hiện gần 10 ngàn hécta với trên 7 ngàn hộ nông dân tham gia. Trong đó, có 19 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích trên 7 ngàn hécta với hơn 6 ngàn hộ dân.

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được những vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú) cho biết: “Hiện DN đang xuất khẩu rất tốt sản phẩm gạo và nhiều loại nông sản khác. Ngoài dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa, chuối già xuất khẩu, DN sẽ tiếp tục đầu tư thêm những dự án sản xuất nông sản đạt chuẩn an toàn cung cấp cho thị trường xuất khẩu”.

* Để cánh đồng lớn vào thực tế

Tuy đã đạt những bước tiến đầu tiên, nhưng kết quả xây dựng cánh đồng lớn vẫn còn chậm và chưa xứng tầm với tiềm năng của tỉnh. Để tháo gỡ những khó khăn trên, cần những giải pháp đồng bộ từ việc đưa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cánh đồng lớn đi vào thực tế; xây dựng chuỗi liên kết bền vững bằng việc gắn với trách nhiệm của cả doanh nghiệp và nông dân; thành lập được những hợp tác xã thật sự phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân…

Ông Đường Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã điều An Viễn (huyện Trảng Bom) chia sẻ, thời gian đầu triển khai dự án cánh đồng lớn ca cao trồng xen canh cây điều, nhiều nông dân khá e ngại. Có hộ đã đăng ký tham gia dự án nhưng khi triển khai lại rút lui hoặc có tâm lý chờ xem sao mới làm. Tuy nhiên, khi địa phương đầu tư hệ thống điện, cải tạo đường sá và DN tích cực vận động, hỗ trợ nông dân triển khai thì số hộ tham gia tăng nhanh so với giai đoạn đầu triển khai dự án. “Gỡ nút thắt về xây dựng niềm tin giữa DN và nông dân trong tham gia chuỗi liên kết, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, thuyết phục nông dân bằng sự hỗ trợ thiết thực. Ngoài ra, hợp đồng ký kết giữa DN và nông dân phải có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý chứ không chỉ mang tính hình thức như trước” - ông Giang nói.

Đồng quan điểm, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cho rằng: “Hợp tác xã có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành được các chuỗi liên kết bền vững cho dự án cánh đồng lớn. Vì doanh nghiệp sản xuất không thể làm việc với từng nông dân riêng lẻ mà cần thông qua hợp tác xã để tập hợp nông dân. Việc xây dựng được những hợp tác xã mới, hoạt động hiệu quả góp phần rất lớn cho thành công để sản xuất lớn”.

Lê Quyên

Bình Dương: Chủ động các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa nắng nóng

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài gần một tháng qua không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiệt hại.

Các gia đình trồng bưởi ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên thực hiện các biện pháp bảo vệ trái bưởi trong mùa nắng nóng

Nắng nóng diễn ra sớm

Dù chưa đến cao điểm mùa nắng nóng trong năm nhưng những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ từ 33 - 360C. Ông Trần Văn Cả, ở xã An Sơn, TX.Thuận An, cho hay 10 ngày qua, do nắng nóng nên ông phải dậy sớm ra vườn chăm sóc vườn cây để tránh nắng nóng. Tuy đang diễn ra nắng nóng nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con trên địa bàn không bị ảnh hưởng nhiều do phần lớn các hộ dân đã có hệ thống tưới tự động và lượng nước tưới dồi dào.

Anh Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, cho biết để tránh nắng nóng, ông tranh thủ làm vườn từ sáng sớm và chiều muộn. Do nhiệt độ tăng cao nên các hộ trồng bưởi ở địa phương phải tưới cho vườn cây nhiều hơn. Đối với những hộ còn bưởi bán sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi phải tiến hành che chắn trái để không bị rám nắng trong đợt nắng nóng này.

Theo ông Tống Văn Hướng, Giám đốc Hợp tác xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, thời tiết nắng nóng làm thay đổi thời gian người lao động làm việc, người dân phải tưới nhiều hơn và thay đổi giờ tưới để cây không bị ảnh hưởng. Riêng đối với cây cam, bưởi, người trồng cần che chắn để trái cây khỏi bị rám nắng.

Đến nay, nhiều hộ sản xuất trồng trọt tại các địa phương trong tỉnh đều đã đầu tư hệ thống tưới tự động, nên phần lớn đều an tâm trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đều canh tác theo quy trình kỹ thuật nên hạn chế được những thiệt hại trong mùa vụ do thời tiết gây ra.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam -Chi nhánh Bình Dương, đầu mùa nắng nóng năm nay, công ty đã kiểm tra hệ thống làm mát, quạt phun sương để ứng phó với thời tiết nắng nóng. Những ngày nhiệt độ cao như thời điểm này, hệ thống làm mát tại các trang trại chăn nuôi khép kín của công ty hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp lo lắng là nguồn dịch bệnh từ bên ngoài lan vào hệ thống chăn nuôi của công ty. Hiện công ty đã tăng cường giải pháp an toàn sinh học, sát trùng và kiểm tra các nhân tố có thể gây truyền nhiễm cho gia súc, gia cầm khi dịch bệnh bên ngoài bùng phát.

Tích cực thực hiện các giải pháp phòng, tránh

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu nắng nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn thả. Việc tăng cường chống nắng, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm mùa nắng là rất quan trọng. Các gia đình chăn nuôi cần giữ cho chuồng trại thoáng mát, vệ sinh; thường xuyên tắm cho đàn heo để giảm nhiệt; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Những người chăn nuôi, định kỳ cần tẩy giun, sán cho vật nuôi, phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… vốn là những tác nhân truyền và gây bệnh…

Tại TX.Thuận An, hiện các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ khá lo lắng vì bò sữa rất nhạy cảm với thời tiết nắng nóng. Cụ thể, nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm sản lượng sữa, dễ phát sinh các bệnh cảm nắng, cảm nóng, ký sinh trùng đường máu và các bệnh truyền nhiễm khác, gây thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí gây chết bò sữa nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cũng lưu ý, những ngày khô hạn, người chăn nuôi cần thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau, cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin... để tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm. Đồng thời, những người chăn nuôi cần bảo đảm thường xuyên có đủ nước cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng và khống chế lượng nước uống cho đàn gia súc, gia cầm vừa đủ để tránh lãng phí. Đối với chuồng kín, người chăn nuôi cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng; đối với trang trại chăn nuôi lớn ở vùng khô hạn, có thể áp dụng hệ thống tái sử dụng nước tuần hoàn trong trại để tiết kiệm nước.

Theo lãnh đạo Chi cục Thú y, khi diễn biến thời tiết thất thường sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm, vì thế các hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch... Chi cục cũng khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất cần theo dõi phát hiện sớm các gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan rộng; cần quan tâm đến các bệnh đường ruột và tiêu hóa của gia súc, gia cầm bằng cách chủ động cho gia súc ăn, uống thuốc ở liều phòng bệnh...

Lường trước được diễn biến của thời tiết trong năm 2019, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chủ động phát hiện sớm không để lây lan dịch bệnh nhằm bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

Cung cấp đầy đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết Bình Dương bảo đảm lượng nước tưới cho nông nghiệp đạt 100%. Trong đợt nắng nóng đang diễn ra, chi cục đã theo dõi, đôn đốc các đơn vị quản lý khai thác thực hiện đúng quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; theo dõi tình hình điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn trong mùa khô và tình hình sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, 100% diện tích lúa và cây ngắn ngày trong toàn tỉnh được cung cấp đủ nước tưới. Trong thời gian tới, chi cục tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị quản lý khai thác thực hiện đúng các quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; phối hợp với địa phương kiểm tra thực tế tình hình khô hạn, theo dõi tình hình điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và tình hình sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

TIỂU MY

Ổn định nguồn thu từ kinh tế tổng hợp

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Nhiều năm trở lại đây, không ít nông dân rơi vào cảnh khó khăn trước thực trạng nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa. Bà Lê Thị Hoa ở khu phố 2, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đã xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Nhờ vậy, dù bị tác động bởi thời tiết hay thị trường thì bà vẫn có nguồn thu từ 5 sào đất để ổn định cuộc sống.

Bà Hoa có hàng chục năm kinh nghiệm làm kinh tế nông hộ với việc trồng các loại điều, tiêu và cây ăn trái như sầu riêng, cam, bưởi da xanh. Thời gian đầu, vườn cây cho năng suất cao, sản lượng tốt và giá hợp lý đã mang lại thu nhập cao cho gia đình bà. Nhưng nguồn thu của không chỉ riêng gia đình bà mà nhiều hộ khác trong vùng dần giảm sút khi việc chăn nuôi, trồng trọt chạy theo phong trào, cùng với đó là thị trường bấp bênh, biến đổi khí hậu. Từ những kinh nghiệm cùng việc tìm hiểu thực tế, bà quyết định đầu tư trồng trọt, chăn nuôi kết hợp.

Bà Lê Thị Hoa chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình

Trước đây đất vườn bà Hoa đầu tư trồng cây hồ tiêu. Khi cây tiêu già cỗi, bà tận dụng trồng các loại cây ngắn ngày để tăng thu nhập. Thời điểm cây tiêu đang cho năng suất cao, bà Hoa vẫn tiếp tục trồng xen sầu riêng, mít và bưởi da xanh. Bà cho rằng, khi cây tiêu già cỗi kém năng suất thì đến lúc cây ăn trái trưởng thành, phát triển mạnh. Từ đó, 2 loại cây trồng này có thể cho thu nhập song song trong một thời gian. Cây tiêu giảm năng suất thì cây ăn trái sẽ bù lại.

Bên cạnh đó, bà Hoa còn đầu tư nuôi gà thả vườn. Với hàng trăm con gà giống, mỗi tháng bà thu từ bán trứng và gà thịt hàng chục triệu đồng. Hiện nay, với giá gà thịt 120 ngàn đồng/kg, nhưng nhiều lúc bà không còn gà để bán. Bà Hoa chia sẻ: Nhiều năm gắn bó với cây trồng, vật nuôi, tôi thấy việc chỉ trồng hoặc nuôi chuyên canh một loại rủi ro rất cao. Người nông dân liên tục chuyển đổi cây trồng khi mất mùa, mất giá, sâu bệnh... Từ thực tế đó, bà đã kết hợp nhiều loại cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp. Mất mùa, mất giá cây trồng này hay vật nuôi kia thì có cây khác, con khác bù lại nguồn thu.

Với điều kiện đất đai thuận lợi, bà Hoa đã làm kinh tế tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả. Đây là cách làm có tính ổn định về thu nhập trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tiến Công

Làm giàu từ trang trại tổng hợp

Nguồn tin:  Báo Quảng Bình

Cần cù, chịu thương chịu khó, vợ chồng anh Đặng Xuân Khiển và chị Võ Thị Uyên ở thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh tỉnh Quảng Bình) đã vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương từ mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Chúng tôi về thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Đặng Xuân Khiển nhân dịp đầu xuân mới Kỷ Hợi. Đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, anh Khiển trải lòng về cơ duyên chọn chăn nuôi, trồng trọt làm hướng phát triển.

Năm 2016, trong bối cảnh chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, anh Khiển đã mạnh dạn thuê lại đất đồi núi để xây dựng trang trại tổng hợp.

Đây được xem là quyết định khá “táo bạo” bởi thời điểm đó, nơi đây gắn liền với nhiều từ “ không”: không điện, không nước, không đường đi, xung quanh chỉ toàn đồi núi, cây cối um tùm, dân cư thưa thớt. Nhưng, ý chí và nghị lực, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã giúp anh vượt qua tất cả.

Bằng số vốn tự có sau bao năm bôn ba nước ngoài, sự giúp sức của bạn bè cùng với nguồn vốn vay từ Quỹ Hội nông dân tỉnh, anh Khiển bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Việc đầu tiên là kéo điện, đào giếng nước, chặt cây mai dương, dựng lều tạm trên nền đất hoang.

Sau nhiều tháng "nằm gai nếm mật", nghiên cứu kỹ nguồn nước, thổ nhưỡng, tham quan học hỏi kỹ thuật nuôi tôm, tháng 8-2016, anh dồn sức và vốn cải tạo diện tích đất, thuê máy đào gần 12.000 m2 ao thả các loại cá, nuôi tôm, cua nước lợ.

Mỗi năm, gia đình anh thả nuôi hai vụ tôm thẻ chân trắng với hơn 60 vạn con giống; 1,5 nghìn con cua kết hợp chăn nuôi gà, vịt, ngỗng. Anh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng chuồng trại, lắp đặt hệ thống điện, nước hiện đại, đồng bộ.

Hiện nay, sau hơn 2 năm, trang trại có 2 hồ nuôi cá nước ngọt, 4 hồ nuôi tôm, cua thương phẩm, gần 200 con gà thịt, 100 vịt đẻ trứng và ngan, ngỗng, 12 con bò. Đối với các giống vật nuôi, như: gà, vịt, ngan, ngỗng, 100% con giống là nguồn tự sinh sản của trang trại nên bảo đảm chất lượng cũng như kiểm soát được dịch bệnh.

Nhờ chịu khó học hỏi, đầu tư đúng hướng, mô hình trang trại tổng hợp bước đầu mang về cho gia đình anh thu nhập từ 300-350 triệu đồng/năm. Không giấu được niềm vui, anh Đặng Xuân Khiển tâm sự: "Sau hơn hai năm lập nghiệp, với quyết tâm làm sao biến mảnh đất hoang này trở thành một nơi trù phú, tôi đã dồn mọi tâm sức, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước về kỹ thuật nuôi tôm, cua...

Mặt khác, với suy nghĩ lấy ngăn nuôi dài, tôi trồng và chăn nuôi kết hợp, không để đất hoang, mạnh dạn thử nghiệm những giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao. Với quan niệm mọi kiến thức đều từ thực tế, nên tôi cứ làm, cứ tìm tòi, học hỏi, rối ở đâu thì gỡ chỗ đó”.

Trên mảnh đất hoang vu, cách biệt với khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, giờ đây đã xuất hiện một cơ ngơi trang trại chăn nuôi trị giá hơn 1 tỷ đồng. Hơn thế nữa, để hình thành trang trại tổng hợp, anh Khiển còn ươm trồng những loại cây ăn quả mang giá trị kinh tế cao, như: hơn 1.000 gốc chuối, 150 gốc ổi đang độ thu hoạch, bưởi, cam.

Đặc biệt, tháng 6-2018, anh lặn lội vào tận Quảng Nam mua về trồng 1,5 nghìn cây dừa nước để vừa giữ đất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những năm tiếptheo. Không chỉ phát triển mô hình trang trại tổng hợp, anh Khiển còn nhận thêm 100 hecta rừng đồi để trồng keo và lim từ dự án JICA của Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại và Ba Rền.

Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng nhờ được đầu tư kỹ càng và có hệ thống, trang trại của gia đình anh Đặng Xuân Khiển là một điển hình kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Ông Hà Văn Thiêm, Trưởng thôn Phúc Duệ cho biết: "Trang trại của gia đình anh Đặng Xuân Khiển là một mô hình tiêu biểu tại thôn Phúc Duệ. Bằng ý chí và sự chịu thương chịu khó, anh đã biến mảnh đất khô cằn trở thành mộ trang trại quy mô như ngày hôm nay, bước đầu tạo việc làm cho bản thân và gia đình”.

Để xây dựng được trang trại thành công như hôm nay, ngoài sự nỗ lực đáng khâm phục của anh Đặng Xuân Khiển, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ phía Hội Nông dân các cấp, đặc biệt là Hội Nông dân xã Vĩnh Ninh.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ninh chia sẻ: “Trên địa bàn có rất nhiều mô hình, nhưng đặc biệt nhất là mô hình anh Đặng Xuân Khiển ở Chi hội nông dân thôn Phúc Duệ. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Vĩnh Ninh đã hỗ trợ cho gia đình anh Khiển vay 100 triệu đồng cùng nguồn vốn của gia đình để xây dựng trang trại.

Bây giờ, sau hai năm, kết quả rất là khả quan. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục huy động nguồn vốn, kết hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để anh Khiển cũng như các hội viên nông dân khác tham gia nhằm xây dựng hội ngày càng vững mạnh, tạo công ăn việc làm tại chỗ trên quê hương Vĩnh Ninh”.

Hồng Nhung (Đài TT-TH Quảng Ninh)

Nông nghiệp sạch đã ‘hút’ người trẻ

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông

Nhiều năm về trước, nhiều bạn trẻ quan điểm làm nông nghiệp là nghề “chân lấm tay bùn”, lam lũ, khổ cực… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thế nhưng, hiện nay, suy nghĩ đó đã thay đổi, một thế hệ nông dân trẻ, có kiến thức sâu rộng đang dần hình thành, góp phần làm thay đổi bức tranh nông nghiệp tỉnh Đắk Nông.

Thế hệ nông dân mới

Cuối năm 2018, dù giá bơ xuống thấp nhưng anh Nguyễn Minh Thư (SN 1985), ở xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức vẫn bán được giá cao hơn thị trường từ 2 - 3 lần. Để có được kết quả này, ngay từ đầu, Thư xác định trồng bơ theo chuỗi giá trị sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Anh Nguyễn Minh Thư ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) phát triển vườn bơ bảo đảm tiêu chuẩn sạch, hữu cơ. Ảnh: Phan Tuấn

Tiếp xúc với anh Thư, ít ai nghĩ rằng, người nông dân mới 34 tuổi này vốn là kỹ sư xây dựng mới chuyển sang làm nông nghiệp được vài năm.

Thư chia sẻ: Hồi trước, tôi làm kỹ sư xây dựng với mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng nhưng công việc rất áp lực, thường hay thức khuya, dậy sớm. Thời điểm này, ở quê vườn tược bỏ hoang, lãng phí, trong khi trên thị trường tìm mua sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn là hết sức khó khăn, giá cả cao hơn thị trường rất nhiều. Vậy nên, tôi quyết định sẽ làm nông nghiệp sạch để bán giá cao cho hệ thống siêu thị, khách sạn. Sau đó tôi có ý định thành lập công ty riêng do mình làm chủ nhưng việc đó cũng không hề đơn giản. Mặc dù con nhà nông nhưng khi bắt tay làm nông nghiệp, anh đã học nghề lại từ đầu.

Trước tiên, Thư bỏ kinh phí tìm đến các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các kỹ sư nông nghiệp để học tập, nghiện cứu kinh nghiệm. Sau đó nghiên cứu thêm các tài liệu, các tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch rồi quyết định phát triển 10 ha cây bơ 034, pink, hass, lam hass...

Sau những vụ mùa đầu tiên, trái bơ của trang trại Hùng Nguyễn được test mẫu đạt tiêu chuẩn cao nên lọt vào hệ thống phân phối của mốt số siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh. Vừa qua, một số thương lái đã đến đặt vấn đề với Thư về việc bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường nhiều lần. Trong thời gian tới, anh Thư còn hướng đến mục tiêu xuất khẩu trái bơ sạch ra thị trường quốc tế.

Còn Hoàng Đình Cảnh (SN 1995), ở phường Nghĩa Tân, cũng khởi nghiệp từ 2 ha cà phê của gia đình. Cách đây 3 năm, khi bắt tay vào làm nông nghiệp, Cảnh thay đổi phương thức sản xuất cà phê của gia đình theo tiêu chuẩn sạch từ khâu bón phân, thu hoạch, phơi sấy…. cho đến chế biến.

Thay vì bán ra thị trường, anh Cảnh và một số thành viên trong gia đình đã mở quán cà phê trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa để lo đầu ra cho sản phẩm của mình. Tiếp đó, Cảnh và các thành viên trong gia đình đã xây dựng cho mình thương hiệu cà phê “Tà Đùng”. Vượt qua những tiêu chuẩn quy định vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng, sự đánh giá của thị trường, Cảnh đã thành công với lựa chọn của mình. Đến nay, sản phẩm cà phê “Tà Đùng” không chỉ nổi tiếng ở Đắk Nông mà còn "bay" xa đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Anh Cảnh chia sẻ: “Thấy tôi có lộ trình phát triển cà phê bài bản, ổn định, một số nông dân quanh vùng đã đề nghị hợp tác để sản xuất cà phê sạch cung ứng ra thị trường. Hiện nay, công ty chúng tôi đang hợp tác với một số hộ gia đình để tạo nguồn nguyên liệu sạch. Trung bình mỗi năm, Công ty TNHH Tà Đùng xuất bán được khoảng 10 tấn cà phê sạch ra thị trường toàn quốc".

Gia đình anh Hoàng Đình Cảnh ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn sạch để cung ứng ra thị trường. Ảnh: Quốc Sỹ

Góp phần thay đổi bức tranh nông nghiệp

Không riêng gì anh Thư, anh Cảnh, nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều rất phấn khởi và lạc quan khi bắt tay vào làm nông nghiệp sạch. Phần lớn những bạn trẻ đều cho rằng họ có thị trường trong nước gần 100 triệu dân hậu thuẫn. Bởi thời gian qua, đi đâu cũng nghe người dân ca thán nỗi lo thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe mỗi ngày.

Ngoài ra, xu hướng tiêu thụ nông sản sạch và tự nhiên trên thế giới đang "lên ngôi" cũng góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp sạch trong tương lai. Đó cũng là lý do để nhiều bạn trẻ quyết định gắn bó với nghề nông nghiệp sạch và phát triển có chiều sâu.

Thực tế hiện nay tư duy làm nông nghiệp kiểu truyền thống vẫn còn rất phổ biến. Xét rộng ra, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay không được đánh giá cao trên thế giới. Không ít nông sản Việt Nam bị trả lại do chúng ta không bảo đảm được các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế. Nguyên nhân chính là vì chất lượng sản phẩm của chúng ta chưa tốt, quy trình sản xuất lạc hậu.

Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ nông dân đang có thói quen sử dụng hóa chất vô tội vạ. Để thay đổi điều này, ngành Nông nghiệp tỉnh cần chú trọng khai thác và tạo điều kiện cho thế hệ nông dân trẻ tham gia mạnh mẽ hơn. Chính họ là những nông dân được học hành, đào tạo bài bản, nắm bắt được khoa học kỹ thuật... áp dụng vào nông nghiệp tốt hơn.

Đánh giá về những bạn trẻ làm nông nghiệp, ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đắk Song nhận định: Những bạn trẻ hôm nay tư duy làm nông nghiệp gắn với kinh tế thị trường. “Thay vì chú trọng vào năng suất, những nông dân trẻ tập trung vào chất lượng, sự an toàn và các giá trị gia tăng của nông sản như: Bao bì, hệ thống phân phối, chăm sóc khách hàng... Điều này cho thấy một tín hiệu đáng mừng để nông sản của tỉnh Đắk Nông từng bước xây dựng giá trị, thương hiệu trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu”- ông Vinh tin tưởng.

Phan Tuấn

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop