Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 01 năm 2016

 

 

Vĩnh Long: Diện tích khoai giảm do lo ngại đầu ra

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

Theo Cục Thống kê, đến giữa tháng 1/2016, diện tích khoai lang chỉ xuống giống được 3.906ha, giảm 19,3% so với cùng kỳ.

 

Nguyên nhân được xác định do ảnh hưởng của sâu đục củ và tâm lý lo sợ giá bán sụt giảm mạnh như đã từng xảy ra vào thời gian từ tháng 3 - 8/2015. Mặc dù giá khoai lang tím Nhật tháng 1/2016 tăng 22,4% so với cùng kỳ, hiện ở mức 800.000đ/tạ 60kg, nhưng cũng không giúp nông dân yên tâm tăng diện tích.

 

Đến ngày 15/1/2016, toàn tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống 14.442 ha cây màu vụ Đông Xuân 2015 - 2016, tăng 2.281 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích màu xuống ruộng là 7.880 ha, chiếm 54,6% tổng diện tích gieo trồng và tăng 7,24% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích màu tăng chủ yếu ở nhóm cây rau đậu các loại.

 

Đến nay, các loại sâu như: sâu đục củ khoai lang, các loài sâu ăn tạp, sâu xanh, sâu xanh da láng, bọ trĩ… xuất hiện trên rau màu đã được nông dân chủ động phòng trị kịp thời.

 

LÝ AN

 

Giá mía nguyên liệu tiếp tục tăng

 

Nguồn tin: Trà Vinh

 

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết: Niên vụ mía 2015 - 2016, nông dân trong huyện đã trồng mới và lắp vụ được 4.524ha. Đến giữa tháng 01/2016, đã thu hoạch được gần 1.200ha, đạt hơn 25% so với tổng diện tích.

 

Theo một số nông dân của huyện, thời điểm đầu vụ, giá mía đạt 10 CCS, dao động từ 1.020 - 1.060/kg (tùy theo ruộng mía thuận lợi hoặc khó khăn trong khâu vận chuyển). Hiện nay, giá mía có nơi đạt 1.090 - 1.100 đồng/kg. Nguyên nhân giá mía tăng là do tuổi của mía đã đủ, nắng nóng kéo dài, nên chỉ số CCS có thể đạt 10 - 11. Tuy nhiên, có thể bị giảm trọng lượng.

 

Cũng theo nhận định của một số nông dân, nhiều khả năng trong niên vụ mía 2016 - 2017, giá mía sẽ giữ mức tốt hơn. Nguyên nhân do nhiều nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cải thiện giống nhằm tăng chất lượng.

 

TRƯỜNG HIẾU

 

Thanh Hóa: Toàn tỉnh thu hoạch 9.426 ha mía nguyên liệu

 

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 21-1-2016 nông dân các địa phương đã thu hoạch mía nguyên liệu vụ ép 2015 - 2016 là 9.426 ha, đạt 33,5% kế hoạch; sản lượng đã được đưa vào chế biến ước đạt 520.813 tấn.

 

Trong đó, Công ty CP Mía đường Lam Sơn 4.126 ha/12.705 ha, sản lượng 260.000 tấn, năng suất bình quân 63 tấn/ha; Công ty CP Mía đường Nông Cống đạt 1.647 ha/5.607 ha, sản lượng 70.813 tấn, năng suất bình quân 43 tấn/ha; Công ty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan 3.653 ha/9.800 ha, sản lượng 190.000 tấn, năng suất bình quân 52 tấn/ha.

 

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thu mua mía nguyên liệu, các địa phương đang chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho trồng mía niên vụ 2016 - 2017.

 

Khánh Phương

 

Tuyển chọn 2 giống sắn cao sản cho Khánh Vĩnh (Khánh Hòa)

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu đề tài xây dựng các biện pháp kỹ thuật canh tác giống sắn cao sản tại Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Đề tài do ông Lê Văn Hùng (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh) làm chủ nhiệm; Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ là cơ quan thực hiện.

 

Qua 3 năm thực hiện, đề tài đã tuyển chọn được 2 giống sắn cao sản là KM140 và SM937-26 với năng suất hơn 30 tấn/ha, có khả năng thay thế giống sắn cũ KM94 đang trồng phổ biến tại Khánh Vĩnh. Đề tài cũng đã xây dựng 2 quy trình kỹ thuật canh tác sắn bền vững trên đất dốc và phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số. Đề tài đã thực hiện 6ha mô hình thâm canh giống sắn cao sản và thâm canh sắn kết hợp trồng xen đậu đen. Kết quả, mô hình thâm canh giống sắn cao sản lãi ròng trung bình 18,3 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 131,6%; mô hình trồng sắn xen đậu đen lãi ròng trung bình 32,4 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 157,1%.

 

N.D

 

Lào Cai: Toàn tỉnh có gần 6.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng nặng do tuyết rơi

 

Nguồn tin: Báo Lào Cai

 

Trong 2 ngày, từ 24 đến 25/1, toàn tỉnh Lao Cai có gần 6.000 ha hoa màu bị tuyết che phủ, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất hoặc mất trắng.

 

Theo thông tin của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố đến 16 giờ ngày 25/01/2016 đã có 58 xã, thị trấn thuộc 7/9 huyện, thành phố bị mưa tuyết che phủ với độ dày trung bình từ 5 - 8cm, thời gian kéo dài, phạm vi rộng. Đặc biệt, tại Sa Pa mưa tuyết bao phủ toàn bộ 18/18 xã của huyện.

 

 

Tuyết che phủ hoa lan tại xã Ngải Thầu (Bát Xát).

 

Theo đó, diện tích rau, hoa màu, cây dược liệu bị tuyết che phủ là 5.869 ha. Trong đó, thảo quả 5.246 ha (nhiều nhất là Sa Pa 2.000 ha, Văn Bàn 2.910 ha), Ác ti sô 67 ha (huyện Sa Pa), 150 ha cỏ VA06 (huyện Si Ma Cai) và cây rau, hoa màu khác 623 ha.

 

 

Nhiều diện tích cây hoa màu của Sa Pa bị vùi sâu dưới tuyết.

 

Ngoài ra, diện tích có rừng bị tuyết che phủ là trên 151.842 ha, trong đó khoảng 2.712 ha là rừng mới trồng năm 2015.

 

* Gần 300 ha thảo quả ở xã Dền Sáng (Bát Xát) bị gãy đổ do tuyết

 

Do ảnh hưởng của đợt mưa rét và tuyết rơi sáng 24/1, gần 300 ha cây thảo quả ở xã Dền Sáng (Bát Xát) bị đổ, gãy. Trong số này có hàng chục ha bị dập nát, không thể hồi phục. Nặng nhất là ở các thôn: Ngải Chồ 69,9 ha, Nậm Giàng 264,4 ha, Nậm Giàng 156,6 ha. Ước tính thiệt hại về cây thảo quả do mưa tuyết gây ra với xã Dền Sáng lên tới hàng chục tỷ đồng.

 

 

Hàng trăm ha thảo quả ở xã Dền Sáng bị đổ gãy do mưa tuyết.

 

Ông Hoàng Thông Liềm, Chủ tịch UBND xã Dền Sáng cho biết: Trận mưa tuyết kéo dài với cường độ mạnh đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân ở tất cả các thôn, bản trên địa bàn xã Dền Sáng. Hiện toàn xã chưa xảy ra trường hợp gia súc bị chết do đói, rét, nhưng thiệt hại về cây thảo quả là rất nặng nề. Nhiều khả năng, phần lớn diện tích thảo quả ở xã Dền Sáng năm nay sẽ không có thu hoạch, phần còn lại năng suất và chất lượng sẽ giảm đáng kể.

 

Hiện, chính quyền địa phương đang phối hợp với các tổ chức đoàn thể xuống các thôn, bản thăm nắm tình hình, thống kê thiệt hại, đồng thời vận động người dân khi thời tiết ấm lên đi gạt tuyết ở gốc, dựng lại những cây thảo quả bị đổ, với hy vọng hạn chế thấp nhất thiệt hại.

 

THÚY PHƯỢNG – TẤT ĐẠT

 

Ăn Tết không quên ruộng đồng

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

Tiết trời cận tết se lạnh là điều kiện thuận lợi để một số dịch hại nguy hiểm, nhất là rầy nâu trên cây lúa phát sinh, di trú và lây lan mật số cao. Vì thế, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân vui tết nhưng không quên chăm sóc ruộng đồng.

 

 

Bà con cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trị sâu bệnh kịp thời.

 

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, tính tới thời điểm hiện tại lúa Đông Xuân xuống giống cơ bản dứt điểm trên 61.000ha, lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ, trà lúa xuống giống sớm bước vào giai đoạn thu hoạch hơn 3.000ha nên sinh vật gây hại có chiều hướng giảm.

 

Tại các địa phương có hệ thống thủy lợi nội đồng tương đối hoàn chỉnh, gieo sạ sớm như: xã Ngãi Tứ (Tam Bình), Trà Côn, Tích Thiện, Thiện Mỹ (Trà Ôn), nông dân tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân sớm. Nhờ được chăm sóc và phòng trừ dịch hại tốt, hầu hết các trà lúa này đều đạt năng suất từ 6 - 7 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt gần 8 tấn/ha.

 

Theo ông Bùi Văn Lễ (xã Thiện Mỹ - Trà Ôn) hiện giá thu hoạch lúa bằng máy trọn gói chỉ khoảng 280.000 đ/công. Trong khi đó, các ruộng lúa dự kiến thu hoạch sau Tết Nguyên đán những ngày qua đang đối mặt với nhiều loại dịch bệnh gây hại. Trong đó, rầy nâu di trú trên lúa giai đoạn đồng trổ đến chắc xanh khá cao nhưng mật số còn trong vòng kiểm soát.

 

Anh Nguyễn Văn Nguyện (xã Long Phú - Tam Bình) cho biết: Ngoài dịch chuột, thời điểm này những năm trước còn xuất hiện nhiều loại dịch bệnh khác như sâu cuốn lá nhỏ và đạo ôn gây hại. “Tui mới mua thuốc, dự kiến vài ngày nữa sẽ phun ngừa. Khoảng mùng 2, 3 tết lại tiếp tục ra đồng thăm chừng, phát hiện bệnh để phòng trị, chứ không là thất liền”.

 

Những ngày giáp tết, nông dân không thăm đồng thường xuyên hoặc thiếu quan sát nên đôi lúc không phát hiện tình hình dịch hại phát sinh trên ruộng. Một số trường hợp chủ động phun ngừa trước để sau đó yên tâm ăn tết, thế nhưng điều này làm cho dịch hại phát triển càng nhiều hơn mà nông dân không hay biết. Do đó, người dân không nên phun thuốc ngừa rầy nâu để ăn tết khi mật số rầy trên ruộng thấp, mà chỉ nên phun thuốc trừ rầy ở tuổi 2 - 3 để tiêu diệt.

 

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, ẩm độ không khí cao, sáng sớm có sương mù thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, chú ý bệnh đạo ôn cổ bông trên các trà lúa trổ, khuyến cáo bà con nên phun ngừa đạo ôn cổ bông trước trổ và sau khi lúa trổ đều, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị hại nặng.

 

Đối với lúa đang giai đoạn đẻ nhánh- đòng cần duy trì mực nước trên ruộng thích hợp hạn chế rầy chích hút thân cây lúa, khi rầy trưởng thành xuất hiện với mật số cao thì cần can thiệp ngay bằng thuốc chết nhanh (hoạt chất Fenobucard) và khi rầy cám xuất hiện mật số cao 3 con/tép, rầy tuổi 2 - 3 thì cần phun xịt thuốc (hoạt chất Buprofezin) kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”.

 

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cũng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương theo dõi và phòng chống sinh vật hại cây trồng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

 

Theo đó, trước, trong và sau tết là giai đoạn cao điểm và dễ bộc phát một số dịch hại cây trồng, đặc biệt năm nay thời gian nghỉ tết kéo dài. Để bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân và bảo vệ thực vật, các tỉnh- thành, các trung tâm bảo vệ thực vật vùng thực hiện phân công lãnh đạo và cán bộ trực ban, phối hợp chặt chẽ với địa phương giám sát đồng ruộng, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, cảnh báo và hướng dẫn nông dân phòng, chống dịch hại trước, trong và sau tết.

 

Đặc biệt lưu ý các dịch hại chính như đạo ôn, rầy nâu tại các tỉnh Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng thông báo tình hình sinh vật gây hại trong dịp tết và vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm và xử lý kịp thời; không tiến hành phun thuốc với mục đích phòng sinh vật gây hại khi không cần thiết để yên tâm ăn tết.

 

Bên cạnh công tác phòng chống dịch hại, hiện sở nông nghiệp- PTNT các tỉnh thành ĐBSCL đang khẩn trương khắc phục hiện tượng thiếu nước, xâm nhập mặn, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên phát hiện và quản lý kịp thời các đối tượng rầy phấn trắng, nhện gié, muỗi gây lá hành, đạo ôn cổ bông. Với diễn biến thời tiết khá thuận lợi và hoạt động kiểm soát phòng chống dịch hại tốt, kỳ vọng vụ lúa Đông Xuân tiếp tục thắng lợi lớn.

 

Tại các tỉnh phía Nam, muỗi hành (sâu năn) xuất hiện cục bộ ở một vài địa phương ở giai đoạn lúa đẻ nhánh. Khuyến cáo nông dân ở những vùng thường xuất hiện muỗi hành áp dụng các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại của muỗi hành. Ngoài các đối tượng nêu trên, cần lưu ý ốc bươu vàng trên lúa ở giai đoạn mạ; sâu cuốn lá nhỏ, chuột, bệnh bạc lá vi khuẩn giai đoạn đẻ nhánh- trổ chín.

 

HOÀNG MINH

 

Hà Nội: Rau xanh tăng giá

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Thời tiết rét đậm trong mấy ngày qua khiến cho rau xanh sinh trưởng chậm. Bù lại, giá rau đã nhích lên đáng kể so với thời gian trước và cùng kỳ năm ngoái.

 

Giá tăng

 

Trước đợt rét đậm vừa qua, mưa rét kèm theo sương muối đã khiến cho người trồng rau đứng ngồi không yên vì rau bị sương làm táp lá, gây thối nhũn. Nhiều hộ trồng rau phải nhanh chóng tìm biện pháp chống sương cho rau, trong đó phổ biến nhất là tưới nước rửa sương hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Cũng vì sinh trưởng chậm nên rau xanh tăng giá hơn so với vài ngày trước. Chị Hoàng Thị Hồng, thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chia sẻ, năm nay trồng rau khó khăn hơn năm ngoái, nhất là su hào đã bị thối, hỏng một phần. Tuy nhiên, giá rau thời điểm này đang tăng 30 – 40% so với thời điểm trước đợt rét đậm. Hiện, giá cải bắp bán tại ruộng ở Thanh Đa khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg, su hào 4.000 đồng/củ, súp lơ 5.000 đồng/cây.

 

 

Ông Đặng Bá Thắng – Chủ nhiệm HTX Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cho hay, thời tiết rét kèm theo mưa và sương muối đã làm một phần nhỏ diện tích rau ăn lá trên địa bàn bị hỏng, những loại rau ăn quả như cà chua bị thối quả, năng suất chỉ đạt 70% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cơ bản sản xuất vẫn ổn định và đặc biệt là giá rau tăng khiến cho người nông dân rất phấn khởi. Tại thời điểm ngày 25/1, giá cải bắp bán lẻ của người dân Duyên Hà đạt gần 9.000 đồng/kg, cà chua 18.000 – 19.000 đồng/kg, tăng mạnh so với trước đợt rét đậm.

 

Nguồn cung Tết dồi dào

 

Thông thường, cây rau khá ưa thời tiết lạnh, nhất là một số loại rau cần điều kiện lạnh mới cuộn được như cải bắp, cải thảo, xà lách… Ngày 25/1, nhiệt độ ngoài trời đã bắt đầu nhích lên, song tại các vùng rau, bà con nông dân vẫn không chủ quan trước điều kiện thời tiết. Ngoài che phủ nilon cho một số loại rau màu, bà con thường dùng ô doa để rửa lớp sương muối. Đáng mừng là theo các HTX, nguồn cung rau xanh cho thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán cơ bản ổn định. Ông Hoàng Văn Tùng – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cho biết, toàn HTX có khoảng 30ha trồng rau, trong đó 20ha trồng rau theo quy trình VietGAP. Sản lượng rau bình quân mỗi ngày khoảng 20 tấn, cung cấp ổn định cho các đơn hàng theo yêu cầu.

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2015, toàn TP đã rà soát, xác định, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất rau cho 5.000ha, trong đó rau an toàn VietGAP có 352,7ha và rau hữu cơ trên 40ha. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã quản lý, chỉ đạo xây dựng được 8 cơ sở sơ chế rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ công suất 3 - 7 tấn/ngày tại các xã Văn Đức, Đặng Xá (Gia Lâm), Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ), Tiền Lệ (Hoài Đức), Chúc Sơn (Chương Mỹ) và Nam Hồng (Đông Anh). Ngoài ra có 42 cơ sở chế biến nhỏ của HTX và DN với công suất 200 – 1.000 kg/ngày. Do đó nguồn cung rau xanh cho thị trường Tết Bính Thân 2016 cơ bản ổn định, còn giá cả phụ thuộc vào biến động của thời tiết.

 

Thắng Văn

 

Trồng lúa theo chuẩn quốc tế

 

Nguồn tin: Người Lao Động

Đây là bước tiến quan trọng để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, là cơ sở để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và mang lại giá trị cao

 

Ngày 25-1, tại tỉnh An Giang, Diễn đàn Lúa gạo bền vững quốc tế (Sustainable Rice Platform - SRP) và Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức hội thảo Triển khai bộ tiêu chuẩn SRP tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, sau 6 tháng, vùng sản xuất thí điểm có thể đạt tiêu chuẩn SRP, trong khi nhiều nước khác phải mất từ 2 - 3 năm.

 

Giảm chi phí, bảo vệ môi trường

 

SRP ra đời dưới sự liên kết giữa Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Viện lúa Quốc tế (IRRI) vào năm 2013, hiện có khoảng 30 thành viên, gồm đại diện các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là thành viên), viện khoa học, nhà thương mại, tổ chức chứng nhận và công ty xuất khẩu gạo uy tín.

 

SRP có 46 tiêu chí và 8 vấn đề trên các chu kỳ của cây trồng, gồm quản lý đồng ruộng; chuẩn bị canh tác; sử dụng nước; quản lý dinh dưỡng; quản lý sâu bệnh; thu hoạch, sau thu hoạch; sức khỏe, an toàn; quyền lợi của người lao động.

 

 

Kiểm tra quy trình canh tác trên cánh đồng mẫu lớn của Tập đoàn Lộc Trời

 

Theo ông James Lomax, Chủ tịch SRP, thực hiện các tiêu chí của SRP, nông dân sẽ có thu nhập cao hơn, môi trường được bảo vệ do sử dụng hóa chất có kiểm soát và là cơ hội và lợi thế để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trao đổi với báo chí, ông James Lomax cho biết sau An Giang, sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp (DN) khác ở Việt Nam triển khai SRP cho nông dân trồng lúa.

 

Theo ông Phạm Quang Trung, điều phối viên Chương trình Mekong của Veco (tổ chức phi chính phủ của Bỉ, thành viên SRP), bộ tiêu chuẩn của SRP tập trung vào tính bền vững và là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành cho lúa gạo trên toàn cầu. Tham gia SRP, người trồng lúa sẽ được hướng dẫn sản xuất bền vững, giảm chi phí vật tư đầu vào, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế hơn.

 

Theo ông Trung, các tiêu chí của SRP không quá khó để nông dân thực hiện và họ cũng không phải trả tiền chứng nhận như các bộ tiêu chuẩn khác đang áp dụng cho lúa như VietGap, Global Gap hay Organic. “Sắp tới, sẽ triển khai tiêu chuẩn SRP cho một số vùng cánh đồng mẫu lớn ở miền Bắc và miền Trung” - ông Trung nói.

 

Sẽ hết cảnh được mùa mất giá

 

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho biết cánh đồng mẫu lớn của DN này hiện có 91.000 ha. Lúc đầu, thực hiện SRP trên 15.000 ha và sau đó triển khai trên toàn bộ diện tích còn lại. Sẽ có vài bộ giống được gieo trồng nhưng chủ lực là AGPPS 103, vừa vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc đấu xảo cuối năm 2015 tại Malaysia. Hiện gạo trồng từ giống AGPPS 103 đã được xuất sang 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu có chứng nhận SRP, giá gạo xuất khẩu sẽ cao hơn.

 

Theo ông Thòn, ngoài giá trị toàn cầu và thực hiện chứng nhận miễn phí, điều đặc biệt của SRP là hướng đến bền vững, minh bạch và công bằng. “Trước đây, nhiều nơi đã sản xuất theo chuỗi nhưng còn gặp trục trặc, tình trạng “bẻ kèo” thường xảy ra do phân phối lợi nhuận không đồng đều giữa các bên. Còn SRP hướng tới việc “ăn đồng - chia đủ” nên có nhiều ưu thế hơn. Khi có chứng nhận SRP, chúng ta có cơ sở để đàm phán được giá gạo xuất khẩu cao hơn” - ông Thòn phân tích.

 

Ông Nguyễn Văn Nhạt - nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, được chọn tham gia dự án SRP - cho biết sau nhiều năm tham gia cánh đồng mẫu lớn của Tập đoàn Lộc Trời, thu nhập từ 5 ha lúa của ông đã tăng rõ rệt.

 

“Trước đây, tôi luôn đối mặt với nạn “được mùa mất giá”, mua nhầm vật tư kém chất lượng. Sau khi tham gia dự án, thu hoạch xong, tôi có thể gửi lúa tại kho, chờ được giá mới bán và yên tâm về chất lượng vật tư do Tập đoàn Lộc Trời cung cấp. Ngoài ra, cái được nhất của nông dân là sức khỏe được bảo đảm do không còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, khi thấy kiến 3 khoang, bọ xít mù xanh, bà con mua ngay thuốc về phun xịt mà không biết đây là những con thiên địch giúp bảo vệ mùa màng” - ông Nhạt bộc bạch.

 

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu - nông dân xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang - đã tham gia cánh đồng mẫu lớn, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn nhưng chưa được tổ chức quốc tế công nhận, hạt gạo làm tự xưng là “sạch” nên giá bán chưa cao. Tham gia dự án SRP, ngoài lợi thế về đầu ra, nông dân còn được hướng dẫn canh tác khoa học hơn. Trước đây, một vụ tưới nước đến 11 lần, nay chỉ còn 8; ruộng nứt nẻ nhưng lúa vẫn không thiếu nước, tiết kiệm được 700.000 đồng/ha.

 

NGỌC ÁNH

 

Thất vọng với cây siêu cao lương

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Cây siêu cao lương được cho là loại cây “vàng” của Nhật Bản vì cho siêu năng suất, trồng 1 lần cho thu hoạch 3 lần vì là cây tái sinh. Đây là nguồn nguyên liệu chế biến được rất nhiều sản phẩm, như: xăng sinh học, viên nén sinh học, thức ăn gia súc... Nông dân Đồng Nai được chọn trồng khảo nghiệm loại giống mới này, vụ thu hoạch đầu cho kết quả khả quan nhưng ở vụ tái sinh lại thất bại.

 

 

Nông dân Nguyễn Đức Thơm (huyện Cẩm Mỹ) thất vọng vì cây siêu cao lương không cho lợi nhuận như kỳ vọng.

 

Nông dân càng thất vọng vì trong quá trình trồng, thu hoạch giống cây mới này, Công ty TNHH siêu cao lương SOL Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản), đơn vị đầu tư dự án, lại đẩy cái khó về phía nông dân.

 

* Lợi nhuận thua cây bắp

 

Theo doanh nghiệp giới thiệu, cây siêu cao lương cho siêu năng suất, dễ thích ứng với các điều kiện canh tác khó khăn, như: khô hạn, thiếu nước tưới hoặc đất đai cằn cỗi... nên lợi nhuận hơn rất nhiều khi so sánh với trồng cây bắp và nhiều loại cây hàng năm khác. Tuy nhiên, thực tế sản xuất lại có khoảng cách khá xa với lý thuyết. Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng thử nghiệm giống cây siêu cao lương tại xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc), cho biết lần thu hoạch đầu cây trồng này đạt năng suất gần 60 tấn/hécta, nhưng đợt thu hoạch lần 2 chỉ đạt 11 tấn/hécta. Con số này cách biệt rất xa với năng suất mà doanh nghiệp giới thiệu với nông dân. Ông Thanh so sánh: “Nếu 3 vụ thu hoạch từ 1 đợt trồng siêu cao lương đạt năng suất khoảng 180 tấn/hécta như công ty giới thiệu thì thu nhập từ cây siêu cao lương vượt xa cây bắp. Nhưng với năng suất thực tế hiện nay và mức trả của doanh nghiệp cho nông dân là trên 31 triệu đồng cho toàn vụ với diện tích trồng là 0,5 hécta thì nông dân chúng tôi đang lỗ tiền công”.

 

Ông Nguyễn Đức Thơm, nông dân trồng đạt năng suất cao nhất khi trồng thử nghiệm giống cây này tại xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) là 102 tấn/hécta vào vụ 1, cũng khẳng định sẽ không chọn cây trồng này vì hiệu quả kém. Ông Thơm dẫn chứng: “Vụ 2, tôi bỏ không thu hoạch vì năng suất quá thấp. So với cây bắp, chi phí đầu tư, công chăm sóc, thu hoạch giống cây mới này cao hơn rất nhiều. Cụ thể, khi trồng bắp cây, tôi bán cả ruộng cho đơn vị thu mua nhưng với cây siêu cao lương, tôi phải tìm công lao động để thu hoạch. Cây cao cả 4 - 5m nên thu hoạch rất vất vả và tốn chi phí tiền công hơn 11 triệu đồng cho 0,5 hécta. Tôi đang kiến nghị phía doanh nghiệp hỗ trợ thêm tiền công thu hoạch thì mới có lời”.

 

* Đẩy khó cho nông dân?

 

Theo hợp đồng trình diễn trồng khảo nghiệm giống cây siêu cao lương mới được ký kết giữa Công ty TNHH siêu cao lương SOL Việt Nam và nông dân, thì phía doanh nghiệp đầu tư giống, hỗ trợ chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật... tiến hành theo dõi, đánh giá giá trị canh tác và sử dụng đất của nông dân, mua độc quyền toàn bộ sản phẩm cây siêu cao lương của nông dân. Phía doanh nghiệp cam kết đảm bảo doanh thu từ cây siêu cao lương cho nông dân đạt khoảng 52 triệu đồng/0,5 hécta trong 8 tháng, tương đương với 2 vụ bắp với lợi nhuận đạt được ít nhất bằng hoặc hơn cây bắp.

 

Tuy nhiên, thực tế nông dân hầu như không có lời trong mô hình trồng thực nghiệm như công ty đưa ra. Ông Lê Văn Dũng, nông dân tại xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Nông dân trồng đúng theo quy trình hướng dẫn do cán bộ kỹ thuật từ công ty cử xuống. Vụ trồng siêu cao lương này trễ hơn gần 2 tháng so với thời điểm xuống bắp của nông dân. Công ty lại tổ chức thu hoạch vụ 1 trễ hơn cả nửa tháng nên khi tái sinh vụ 2 thì hết mưa, cây không phát triển được. Chúng tôi muốn tưới nước cho cây sinh trưởng thì cán bộ kỹ thuật của công ty yêu cầu không cần tưới. Chính vì vậy, năng suất vụ 2 hầu như không có, nhưng doanh nghiệp lại bỏ qua nguyên nhân này và vẫn căn cứ vào mức năng suất thực tế để tính tiền với nông dân là không hợp lý”.

 

Đánh giá ban đầu về hiệu quả của cây siêu cao lương, ông Nguyễn Lam Điền, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Xuân Lộc, nhận xét cần thêm thời gian trồng khảo nghiệm để đánh giá đúng hiệu quả giống cây trồng này. Vì với hiệu quả ban đầu, nông dân không bị thuyết phục bởi cây trồng này, nhất là chi phí đầu tư lớn hơn nhiều so với cây bắp. Ông Điền tính toán: “Công chăm sóc và nhất là thu hoạch cây trồng này rất cao, có nông dân mất gần 15 triệu đồng để thu hoạch 0,5 hécta. Những chi phí này “ăn” hết phần lời của nông dân”. Ngoài ra, vấn đề vướng mắc lớn nhất của nông dân hiện nay là doanh nghiệp không đưa ra chính sách thu mua và giá thành cụ thể, rõ rằng với nông dân. Nông dân cũng mù mờ về cách tính sản lượng của doanh nghiệp. Theo ông Điền, điều cũng cần quan tâm là vấn đề cải tạo không để đất bị thoái hóa vì trồng giống cây mới này. Vì trồng giống cây mới này, đất chỉ bị lấy đi mà không được trả lại nguồn dinh dưỡng như trồng các loại cây hàng năm khác.

 

Theo ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, kết quả trồng thử nghiệm 50 hécta siêu cao lương tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, chỉ tính vụ thu hoạch lần 1 đạt năng suất trung bình khoảng 88 tấn/hécta, vẫn cho lợi nhuận trên 20 triệu đồng/hécta vì trồng với diện tích lớn, đầu tư đồng loạt nên giảm chi phí hơn so với nông dân. Tuy nhiên, ông Sáng cũng thừa nhận, ở nước ngoài cây trồng này triển khai với diện tích lớn, ứng dụng cơ giới hóa nên không gặp những vấn đề khó khăn và tốn công thu hoạch như nông dân trồng tại Đồng Nai. Ông cũng khuyến cáo, trồng cây này nông dân chỉ nên thu hoạch 1 vụ, phải chọn đúng thời điểm xuống giống để cây phát triển trong mùa mưa và có thời gian quang hợp cao nhất thì mới đạt năng suất tốt.

 

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đánh giá vụ thu hoạch đầu, cây siêu cao lương cho năng suất đạt nhưng vụ 2 thì thất bại hoàn toàn. Chi phí đầu tư, thu hoạch lại quá lớn khiến lợi nhuận hầu như không có, gây tâm lý ngán ngại cho nông dân. Theo đánh giá của nông dân, cây siêu cao lương không khó trồng nhưng phía doanh nghiệp phải xem xét, tính toán lại quy trình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân cũng như ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ sớm làm việc để đánh giá hiệu quả của dự án; vấn đề ký kết hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân.

 

Bình Nguyên

 

Cẩn trọng khi đốn thanh long ruột trắng trồng ruột đỏ

 

Nguồn tin: Báo Long An

 

Nhiều nhà vườn ở Châu Thành, tỉnh Long An sẵn sàng chặt bỏ thanh long ruột trắng để trồng ruột đỏ. Hiện diện tích thanh long ruột đỏ và trắng ở huyện Châu Thành đã gần cân bằng nhau.

 

 

Diện tích thanh long ruột đỏ và ruột trắng ở huyện Châu Thành xấp xỉ gần bằng nhau

 

Ông Võ Văn Thông, ngụ ấp 5, xã Phước Tân Hưng vừa qua chặt bỏ 1ha thanh long ruột trắng để chuyển qua thanh long ruột đỏ. Không chỉ ông Thông mà nhiều người khác ở xã và các xã lân cận cũng đã đốn thanh long ruột trắng để trồng ruột đỏ.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Vấn - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Châu Thành thông tin, nếu như mấy năm trước, hầu hết ở huyện là thanh long ruột trắng, nhưng gần đây nhiều nông dân đã chặt bỏ ruột trắng để chuyển sang trồng ruột đỏ. Vì thế thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện tăng nhanh. Hiện toàn huyện có 6.438ha cây thanh long, trong đó thanh long ruột đỏ là 3.300 ha.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, thanh long ruột đỏ có giá cao hơn nhiều lần so với ruột trắng. Như hiện nay thanh long ruột trắng chỉ có giá từ 6 đến 12 ngàn đồng/kg, trong khi đó ruột đỏ có giá 40 đến 50 ngàn đồng/kg. Vì giá chênh lệch lớn nên nhiều hộ dân sẵn sàng chặt bỏ thanh long ruột trắng để trồng ruột đỏ.

 

“Về phía huyện đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chặt bỏ thanh long ruột trắng để trồng ruột đỏ vì rất dễ xảy ra hệ lụy. Nhưng do giá thanh long ruột đỏ đang rất cao, cho lợi nhuận lớn nên người dân vẫn chuyển sang trồng ruột đỏ”, ông Nguyễn Văn Thình – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nói.

 

Trước việc người dân chuyển đổi sang trồng ruột đỏ, ông Trương Quang An - Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu cho biết “thanh long ruột đỏ chỉ bán cho thị trường Trung Quốc vì khách hàng ở đây thích màu đỏ để chưng, vì theo họ quan niệm màu đỏ là màu may mắn. Đó cũng là lý do dẫn đến giá thanh long ruột đỏ cao gấp 5 - 6 lần so với ruột trắng”.

 

Tuy nhiên theo ông An, người dân cần cẩn trọng và cân nhắc khi chặt thanh long ruột trắng để trồng ruột đỏ. Bởi thanh long ruột đỏ quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vỏ mỏng lại nhiều nước nên bảo quản rất khó, việc chăm sóc cũng khó hơn, sản lượng cũng ít hơn ruột trắng. Ngoài ra chi phí bỏ ra đầu tư cho ruột đỏ cũng cao hơn ruột trắng./.

 

Lê Đức

 

Vĩnh Long: Nhãn da bò, chôm chôm mùa Tết rớt giá

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

Những ngày qua nhà vườn mất ăn mất ngủ vì giá nhãn da bò, chôm chôm java mùa tết rớt giá thê thảm và có thời điểm không có thương lái đến mua.

 

 

Thương lái mua chôm chôm java tại vườn chỉ dao động từ 5.000 - 6.000đ/kg

 

Hiện tại, nhãn da bò thương lái đến vườn mua giá dao động từ 3.000 - 4.000đ/kg. Chôm chôm cũng cùng chung số phận với nhãn da bò các thương lái mua tại vườn giá từ 5.000 - 6.000đ/kg. Với giá này, nhiều nhà vườn neo lại chờ giá lên nên chôm chôm chín đỏ vườn vẫn chưa hái.

 

Nhà vườn cho biết, chưa có năm nào trái cây mùa tết rớt giá thê thảm như vậy. Với giá như trên nhà vườn trồng nhãn da bò và chôm chôm lỗ chi phí. Đặc biệt, cây nhãn da bò bị dịch chổi rồng tàn phá, năng suất thấp chỉ vài trăm ký/công được xem là trúng mùa. Mùa trái cây năm trước giá nhãn da bò trên 10.000đ/kg, còn chôm chôm không dưới 20.000đ/kg.

 

Theo các thương lái thì nhãn da bò, chôm chôm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Năm nay, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất ít nên trái cây nội địa dội chợ. Hiện tại, chỉ chôm chôm thái còn giữ giá trên 20.000đ/kg và chôm chôm đường trên 15.000đ/kg.

 

HOÀI NAM

 

Lâm Đồng: Quýt sạch D'Ran sẵn sàng vụ Tết

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang đến gần cũng là lúc nhà vườn trồng quýt tại thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) tất bật chuẩn bị để sẵn sàng đưa trái quýt đặc sản về phục vụ thị trường các địa phương trong cả nước.

 

 

Vườn quýt trái to đẹp được ông Nguyễn Văn Hải (thôn Phú Thuận 3, thị trấn D’Ran) để dành chờ Tết

 

Hàng trăm tấn quýt cho vụ Tết

 

D’Ran được coi là vùng trồng quýt quy mô lớn duy nhất tại Lâm Đồng. Loại trái này bắt đầu được người dân đưa giống về trồng từ hơn 20 năm trước. Hợp với khí hậu thổ nhưỡng nơi đây, cây quýt cứ thế phát triển với chất lượng ngon ngọt, mẫu mã đẹp và nhiều loại giống lai tạo khác nhau. Mùa cuối năm, những cây quýt trĩu quả trên cành, màu quýt chín vàng cam nổi bật cả một thung lũng, xen lẫn trong các vườn cây cà phê, cây hồng truyền thống vùng D’Ran.

 

Theo thống kê của UBND thị trấn D’Ran, diện tích cây quýt hiện nay được mở rộng lên trên 30ha, trồng tập trung tại các thôn Phú Thuận 1, Phú Thuận 2. Vào dịp cuối năm, từ tháng mười âm lịch đến tháng chạp, bà con trong vùng bắt đầu thu hái để phục vụ thị trường, đặc biệt cung cấp cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán. Các giống quýt hiện đang được trồng phổ biến tại D’Ran gồm các loại chính như quýt tiều, quýt đường, quýt cam, quýt giấy… Trong đó, quýt tiều son được thị trường ưa chuộng và giá bán cao hơn vào dịp Tết do quả ngọt, màu sắc vàng rực rỡ.

 

Ông Đặng Trung, cán bộ nông nghiệp UBND thị trấn D’Ran, tính toán: “Với sản lượng trung bình trên 10 tấn/ha thì dịp Tết này sẽ có khoảng bốn trăm tấn quýt của D’Ran được tung ra thị trường. Đặc điểm của quýt D’Ran là chất lượng ngon, khi lột vỏ vẫn còn nguyên sợi tơ trên múi quýt, khác hẳn với một số loại quýt trôi nổi, nhập từ nước ngoài nên được người tiêu dùng ưa chuộng”.

 

 

Một vườn quýt xum xuê trái chín chuẩn bị được thu hoạch phục vụ thị trường Tết

 

Bán quýt sạch để tạo thương hiệu

 

Càng gần Tết, ông Huỳnh Văn Thu càng thêm tất bật với vườn quýt rộng hơn 4ha, phủ kín một ngọn đồi trong thôn Phước Thuận 2. Dù được trồng từ 20 năm trước, vườn quýt của gia đình ông Thu vẫn trĩu quả. Chưa vào cao điểm, mỗi ngày ông Thu và người làm chỉ thu lai rai vài tạ quýt bán cho mối lái. Khi vào cao điểm vụ Tết, từ 20 âm lịch trở đi, ông Thu phải thuê thêm gần 100 nhân công để thu hoạch quýt, đóng gói, vận chuyển ra đường lớn rồi gửi theo xe tải về xuôi, cung cấp tận nơi cho bạn hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng... Trung bình mỗi ngày cao điểm vụ Tết, khoảng 5 – 7 tấn quýt sạch thương hiệu “Năm Thu” được chuyển đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ông Thu nói: “Để chuẩn bị hàng Tết, mấy tháng nay tôi chỉ xịt tưới nước cho sạch sâu bọ, côn trùng, tuyệt đối không bơm thuốc hoá học nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, qua đó cũng góp phần xây dựng thương hiệu quýt sạch cho vùng D’Ran này”.

 

Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng quýt, ông Thu đã hình thành một quy trình khép kín cho vườn quýt của gia đình, tự trồng tự hái và tự bán cho các mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. “Bằng cách làm này đã cho gia đình tôi thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn khoảng ba lần so với trồng cà phê hoặc trồng cây hồng truyền thống” – ông Thu cho hay.

 

Tuy không có vườn trái quy mô như nhà ông Thu, vườn quýt của gia đình ông Nguyễn Văn Hải (thôn Phú Thuận 3, thị trấn D’Ran) nằm nép trong thung lũng đầu đèo Ngoạn Mục. Với 2 sào quýt trồng xen với vườn cà phê, dịp Tết năm trước đã đem lại cho gia đình ông mức thu nhập khoảng 70 triệu đồng. “Năm nay chưa vào vụ cao điểm Tết nên chưa biết thế nào. Tôi đang để dành những cây quýt giấy chất lượng ngon, trái to đẹp sẽ thu hoạch bán vào dịp Tết sắp tới” – ông Hải nói.

 

Theo một số nhà vườn, giá quýt hiện được các vựa thu mua dao động từ 10.000 – 20.000đ/kg tuỳ loại. Tuy nhiên trong vài ngày tới, giá quýt có thể sẽ tăng lên khi thị trường mua sắm dịp Tết cổ truyền vào cao điểm. Nhiều vườn quýt hiện nay đã bắt đầu chín rộ nhưng người dân vẫn “găm” hàng chờ đến sát thời điểm mới thu hoạch bán Tết. Như vậy trái quýt vừa được giá, vừa đảm bảo chất lượng khi quýt được bảo quản ngay trên cây, không phải sử dụng hoá chất hay giải pháp nào để giữ quýt tươi lâu như những loại trái cây khác.

 

Nguyễn Dũng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop