Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 05 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 05 năm 2016

Nông sản sạch gian nan vào siêu thị

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Đồng Nai không thiếu những vùng chuyên canh trái cây, rau quả theo quy trình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo chuẩn Việt Nam). Tỉnh cũng rất quan tâm, thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối giữa các hợp tác xã, chủ trang trại nhằm đưa nông sản sạch vào siêu thị để có đầu ra bền vững cho nông dân. Tuy nhiên, những đơn vị sản xuất VietGAP của tỉnh vào được kênh tiêu thụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

 

Nông dân trồng ổi VietGAP ở Bảo Quang (TX.Long Khánh) gặp khó khăn vì mất kênh tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị.

 

Vào được siêu thị đã khó, trụ lại trên các kệ hàng càng khó hơn. Không ít doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất sạch để cung cấp hàng cho siêu thị rồi bỏ cuộc vì thua lỗ. Theo đó, việc thu hút DN đầu tư, liên kết, bao tiêu nông sản sạch cho nông dân của các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn.

 

* Trăm điều khó

 

Ổi Bảo Quang (TX.Long Khánh) là một trong số ít những mặt hàng trái cây VietGAP của Đồng Nai sớm vào được kênh tiêu thụ là các hệ thống siêu thị lớn. Nhưng hiện nay, vùng ổi VietGAP này đang có nguy cơ mất dần do DN thua lỗ, ngưng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Huỳnh Văn Hưng, Tổ phó Tổ hợp tác ổi Bảo Quang, chia sẻ: “Hơn 1 năm nay, DN ngưng thu mua ổi. Những hộ sản xuất ổi sạch phải bán ra thị trường với giá hàng thường. Mỗi khi vào mùa các loại trái cây khác, giá ổi có thể rớt xuống dưới 2 ngàn đồng/kg và thường kéo dài cả vài tháng. Theo đó, nông dân trồng ổi sạch kém thiết tha đầu tư, một phần ổi già cỗi, một phần bị dịch bệnh nên có một số hộ chuyển đổi sang cây trồng khác. Giờ không mấy nông dân mặn mà đăng ký tiếp VietGAP vì hiện không có DN bao tiêu”.

 

Tuy DN từng bao tiêu ổi cho nông dân đến nay vẫn còn nợ một phần tiền hàng, nhưng nông dân cũng rất thông cảm vì DN rơi vào cảnh thua lỗ buộc phải ngưng hoạt động. Theo ông Hưng, DN trên đã đầu tư không ít vốn để tổ chức vùng ổi VietGAP này, từ hỗ trợ cho nông dân làm ổi sạch đến bỏ chi phí đăng ký chứng nhận VietGAP... Suốt thời gian hoạt động, DN cũng giữ đúng cam kết bao tiêu ổi sạch cho nông dân với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. “Đưa hàng vào siêu thị không dễ: tốn rất nhiều chi phí, yêu cầu khắt khe của siêu thị, nhiều đợt hàng cung cấp cho siêu thị, trong đó không ít đợt đưa ra Hà Nội, chỉ cần phát hiện có một số hàng bị lỗi là bị họ trả về hết khiến DN điêu đứng” - ông Hưng nói.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề kết nối tìm đầu ra cho nông sản sạch, bà Nguyễn Thị Uyên Quyên, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Quang, cho biết: “Nông dân trồng ổi VietGAP đang gặp khó khăn vì DN ngưng bao tiêu sản phẩm. Toàn xã hiện có 88 hécta ổi. Đầu ra bấp bênh là vấn đề lớn nhất của nông dân hiện nay. Địa phương đã tổ chức nhiều chương trình kết nối, thu hút DN về bao tiêu nông sản sạch cho nông dân nhưng vì đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông sản rủi ro còn rất lớn nên DN chưa mặn mà tham gia”.

 

Theo một số chủ DN chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm vào siêu thị, còn rất nhiều rào cản để đưa nông sản vào kênh tiêu thụ giàu tiềm năng này. Trong đó, mức chiết khấu cao, thủ tục rườm rà trong khi không phải sản lượng tiêu thụ lúc nào cũng lớn; phải chấp nhận đổi trả hàng tồn; thời gian thanh toán lâu... khiến nhiều đơn vị e ngại đưa hàng vào siêu thị. Không thiếu DN chọn hướng tập trung đầu tư để đưa nông sản đi xuất khẩu thay vì cố chen chân vào siêu thị.

 

* Nên tính đường dài

 

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh), cho hay: “HTX nhiều lần tiếp cận siêu thị nhưng không thành công vì chưa thỏa thuận được về mức giá, sản lượng thu mua... Nhưng khó nhất hiện nay là thời gian thanh toán của các siêu thị thường kéo dài gần cả tháng, trong khi mua hàng của nông dân phải thanh toán ngay nên cần số vốn lưu động rất lớn”. Tuy nhiên, HTX vẫn luôn nỗ lực tìm cơ hội để chôm chôm VietGAP vào được siêu thị để có đầu ra ổn định hơn cho nông dân.

 

Trong hội thảo kết nối đưa nông sản vào siêu thị do Sở Công thương tổ chức, HTX đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA) tại TP.Hồ Chí Minh. Hiện 2 bên đang bàn bạc nội dung hợp tác và để gỡ khó về nguồn vốn do chậm thời gian thanh toán, HTX đang mời thương lái tham gia làm thành viên, ứng vốn thu mua cho bà con.

 

HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh (TX.Long Khánh) là một trong những đơn vị hiếm hoi của Đồng Nai đưa được trái sầu riêng vào siêu thị Nhật Bản. Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm nay HTX tạm ngưng cung cấp hàng vào siêu thị. Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Phú Quốc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh, nhận xét: “Chỉ dừng lại ở việc thu mua, cung cấp hàng cho siêu thị theo quy mô nhỏ lẻ thì khó có lợi nhuận. HTX đang xây dựng dự án cánh đồng mẫu lớn cho trái sầu riêng Long Khánh, hướng đến sản xuất hữu cơ. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đầu tư nhà xưởng sơ chế, chế biến sản phẩm sầu riêng và các mặt hàng trái cây đông lạnh khác”. Theo ông Quốc, trong giai đoạn các hệ thống bán lẻ đang rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài, nhất là Thái Lan có nhiều mặt hàng nông sản cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt, thì đây là những bước chuẩn bị cần thiết để nông sản Việt cạnh tranh được khi bước vào hội nhập.

 

Làm việc tại Đồng Nai bàn về vấn đề hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Yamaguchi Kimio, Tổng giám đốc Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), cho biết thời gian tới doanh nghiệp sẽ đầu tư vào ngành bán lẻ tại Việt Nam. Theo đó, tập đoàn mong chính quyền Đồng Nai giới thiệu cho đơn vị những đối tác cung cấp rau, thịt và những sản phẩm nông nghiệp sạch khác. Những mặt hàng nông sản sạch này sẽ được tổ chức tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị và mạng lưới cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam. Sojitz cũng sẵn sàng hợp tác với địa phương đầu tư xây dựng mô hình điểm sản xuất GAP, trong đó phía Nhật Bản sẽ tư vấn về kỹ thuật, công nghệ và bao tiêu sản phẩm.

 

Bình Nguyên

 

Lục Nam: Dưa lê siêu ngọt thu 6 triệu đồng/sào

 

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

 

Vụ xuân hè năm nay, nông dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) trồng hơn 300ha dưa lê siêu ngọt (tăng 50ha so với năm ngoái).

 

 

Nông dân thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam) thu hoạch dưa lê siêu ngọt.

 

Diện tích này tập trung nhiều ở các xã: Tam Dị, Bảo Sơn, Bảo Đài, Đông Phú, Chu Điện, Khám Lạng. Dưa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.

 

Thời điểm này bà con đang thu hoạch, năng suất đạt 1 tấn/sào, thương nhân các tỉnh: Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP Hà Nội đến thu mua tại ruộng với giá 5 - 6 nghìn đồng/kg, mỗi sào dưa cho thu gần 6 triệu đồng.

 

Ngọc Tâm

 

Giá chuối xuất khẩu giảm mạnh

 

Nguồn tin: VnExpress

 

Trung Quốc hạn chế thu mua khiến giá chuối xuất khẩu của Việt Nam giảm gần một nửa.

 

Chia sẻ với VnExpress, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu chuối ở Đồng Nai cho biết, hơn một tháng nay giá chuối đã giảm mạnh so với quý I. Nếu quý I đơn hàng xuất khẩu dồn dập và giá cao từ 14.000 đến 15.000 đồng một kg thì sang quý II giá giảm xuống gần một nửa.

 

 

Chuối xuất khẩu giảm giá mạnh do Trung Quốc giảm mua. Ảnh: MH.

 

Nguyên nhân là do lượng hàng xuất sang Trung Quốc đi xuống do thị trường này giảm mua, còn chuối đạt chất lượng cao để xuất đi Nhật, Dubai lại không nhiều.

 

“Đa phần chuối Việt Nam xuất sang Trung Quốc vì thị trường này không đặt tiêu chuẩn quá cao. Vào những tháng đầu năm, Trung Quốc thiếu hụt nguồn hàng nên tăng mua vào khiến giá đẩy lên cao. Tuy nhiên, sang quý II, Trung Quốc bước vào vụ thu hoạch chuối nên các doanh nghiệp nước này giảm thu gom khiến giá giảm mạnh”, doanh nghiệp ở Đồng Nai cho biết. Cũng xác nhận giá chuối giảm, ông Lê Sĩ Công, Giám đốc Công ty La Ba Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, đối với những chuối có chất lượng không cao, Trung Quốc thường là đơn vị thu mua với số lượng lớn. Thế nhưng, hơn một tháng nay họ giảm mua vì nguồn cung trong nước đã dồi dào. Riêng với các thị trường nhập khẩu như Nhật Bản, nhu cầu vẫn cao nhưng nguồn hàng chất lượng để cung ứng lại không đủ.

 

“Giá chuối công ty tôi xuất sang Nhật vẫn duy trì ở mức 22.000 đồng một kg. Ngoài 10ha của công ty thì tôi còn kết hợp với nông dân để thu gom hàng nhưng chất lượng chuối trong dân vẫn còn kém. Một phần nhỏ được xuất đi Nhật, số còn lại đa phần người dân bán cho thương lái với giá rẻ”, ông Công cho biết.

 

Không chỉ giá chuối phía Nam giảm mà tại miền Bắc cũng chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng một kg.

 

Ông Trần Văn Căn, chủ cơ sở xuất khẩu chuối tại Hưng Yên cho biết, hơn một tháng nay giá chuối đã hạ nhiệt xuống còn 8.000 đồng một kg đối với chuối tiêu hồng, còn chuối Tây chỉ ở mức 5.000 - 6.000 đồng. Các hợp đồng chuối xuất đi Trung Quốc chậm hơn so với 3 tháng đầu năm.

 

"Hiện một tuần tôi xuất khoảng 3 container, mỗi container chừng 10 tấn. Trong đó, số lượng xuất đi thị trường Nga và Trung Đông không nhiều mà chủ yếu là xuất sang Trung Quốc", ông Căn nói.

 

Thi Hà

 

Công ty Trọng Đức: Nông dân đăng ký trồng mới hơn 200 hécta ca cao

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Theo Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) - một trong những doanh nghiệp đi đầu xây dựng thành công cánh đồng lớn cho cây ca cao - từ tháng 9-2015 đến nay, công ty đã ký hợp đồng bao tiêu trái ca cao tươi cho 235 hécta với 315 nông dân thuộc các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng. Trong đó, trên 50% số nông hộ đã đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận sản xuất sạch theo chuẩn quốc tế).

 

 

Nông dân tham quan vườn ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức

 

Theo hợp đồng, mức giá sàn thấp nhất được công ty bao tiêu cho nông dân là 6.000 đồng/kg ca cao tươi có chứng nhận UTZ và 5.700 đồng/kg với ca cao thường. Trong trường hợp giá thị trường cao hơn mức giá bao tiêu, công ty sẽ tăng giá thu mua cho nông dân (Chương trình 6.000)...

 

Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ nông dân về cây giống; kết nối để nông dân được mua phân bón trả chậm; hướng dẫn về kỹ thuật, xây dựng hệ thống quản lý nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận tối đa; hỗ trợ nông dân được cấp chứng nhận UTZ... Nhờ hiệu quả của chương trình, đến nay, nông dân đã đăng ký trồng mới thêm khoảng 200 hécta.

 

Trong năm 2016, Công ty Trọng Đức dự kiến sẽ thu hút trên 400 hộ tham gia, 100% số hộ đều có chứng nhận UTZ. Cùng với việc đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu sạch theo hướng bền vững, công ty xác định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào khâu chế biến sâu, hướng đến thị trường xuất khẩu sản phẩm từ ca cao, như: rượu, bột ca cao, chocolate...

 

Được biết, đến nay doanh nghiệp cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu chocolate và một số mặt hàng chế biến từ ca cao sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp còn kết nối với các đơn vị lữ hành khai thác dịch vụ du lịch vườn để tăng giá trị kinh tế từ cây ca cao.

 

Bình Nguyên

 

Mô hình phát triển vườn tiêu hiệu quả

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

 

Hơn 10 năm nay, gia đình anh chị Nguyễn Văn Chự và Đặng Thị Nghị ở thôn Thủy Trung, xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) quyết tâm duy trì và phát triển vườn tiêu vì họ xác định đây là cây xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ được đầu tư bài bản, chăm sóc chu đáo, vài năm trở lại đây vườn tiêu của gia đình anh chị đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

 

Nhiều năm nay gia đình anh Chự và chị Nghị luôn duy trì và phát triển vườn tiêu hiệu quả

 

Chị Nghị dẫn chúng tôi tham quan vườn tiêu của gia đình. Thời tiết đang nắng gắt là vậy nhưng khi đi giữa những hàng tiêu thẳng tắp, phía gốc cây từng luống đất được vun cao chống ngập úng, nhìn lớp lá xanh tươi tốt, những chùm tiêu sai hạt báo hiệu cho một mùa bội thu ai nấy trong chúng tôi đều cảm thấy dịu mát trong lòng. Vợ chồng anh Chự và chị Nghị đầu tư trồng hồ tiêu đã hơn 10 năm nay. Từ các khâu chuẩn bị giống, ươm giống, trụ trồng tiêu, làm đất, bón lót cho cây anh chị luôn chuẩn bị kỹ lưỡng. Lúc đầu, họ trồng 300 gốc tiêu, nhờ thường xuyên nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước và tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên năm nào anh chị cũng có nguồn thu khá từ vườn tiêu. Bình quân mỗi năm, anh chị thu hoạch trên 2,5 tạ tiêu, giá tiêu dao động từ 210.000 - 220.000 đồng/kg, riêng năm 2016 ước đạt 3,5 tạ. Năm 2014 anh chị tiếp tục đầu tư trồng mới 200 gốc tiêu, hiện số tiêu này phát triển tươi tốt.

 

Chị Nghị chia sẻ: “Chúng tôi gắn bó với cây hồ tiêu đã nhiều năm nay và chưa năm nào vườn tiêu của gia đình bị sâu bệnh nặng. Muốn cây tiêu phát triển tốt, hạn chế bị sâu bệnh thì cần phải nắm kỹ các cách phòng ngừa sâu bệnh. Trước khi trồng tiêu cần xử lý đất thật kỹ, bón lót phân đúng kỹ thuật, tạo mương thoát nước không để cây ngập úng. Trường hợp cây bị sâu bệnh, cần xử lý sâu bệnh theo phương pháp tổng hợp. Từ hiệu quả mang lại của vườn tiêu, chúng tôi có điều kiện đầu tư chăn nuôi, trồng trọt các loại cây trồng, vật nuôi khác và thu nhập từ các loại này cũng khá cao”.

 

Song song với việc trồng hồ tiêu, anh Chự và chị Nghị đầu tư trồng 1ha cây cao su, hiện số cao su này đã cho thu hoạch 2 năm. Bên cạnh đó, họ còn đầu tư chuồng trại khá quy mô để chăn nuôi lợn thường xuyên 8 lợn nái, 100 lợn thịt, mỗi năm xuất 3 lứa lợn thịt. Không chỉ thế, họ còn đào ao nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi với diện tích mặt hồ 2.000m2 vừa cải thiện chất lượng bữa ăn gia đình vừa xuất bán. Tổng thu nhập từ các khoản tiêu, cao su, lợn, cá bình quân hàng năm trừ chi phí, vợ chồng anh chị lãi trên 350 triệu đồng. Chị Nghị cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tập trung củng cố lại vườn tiêu, thay thế dần những cây già cỗi, thoái hóa, mở rộng vườn đầu tư trồng mới hồ tiêu. Ngoài ra, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, chúng tôi sẽ đầu tư chăn nuôi theo hướng vườn, ao, chuồng tập trung”.

 

Chị Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trung cho biết: Gia đình anh chị Nguyễn Văn Chự và Đặng Thị Nghị là một trong những gia đình tiêu biểu trong vượt khó, vươn lên làm giàu ở địa phương. Đặc biệt là khi tiêu rớt giá hay bị sâu bệnh, nhiều hộ chuyển sang các loại cây trồng khác thì họ nhìn xa trông rộng vẫn duy trì và phát triển vườn tiêu. Đến nay, vườn tiêu của gia đình anh chị cho thu nhập khá, là mô hình để nhân rộng ở xã. Bên cạnh đó, họ đầu tư phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con mà ở lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nào cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chăm chỉ làm ăn là vậy nhưng khi có các hoạt động, phong trào thi đua nào do xã, thôn phát động, anh chị cũng nhiệt tình tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội của địa phương.

 

KÔ KĂN

 

Hà Nội: Hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu bị ngập úng

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Trận mưa lớn kéo dài từ tối ngày 24/5 tới sáng ngày 25/5 đã khiến nhiều diện tích canh tác lúa, hoa màu của bà con nông dân khu vực ngoại thành chìm sâu trong nước. Nhiều diện tích cây trồng bị mất trắng...

 

 

Nhiều diện tích cây trồng thuộc huyện Hoài Đức bị ngập sâu trong nước

 

Bì bõm bước trên dòng nước ngập phần lớn diện tích rau màu, chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thở dài chia sẻ: “Vụ này coi như vậy là mất ăn rồi! Gia đình tôi trồng hơn 3 sào rau sạch các loại. Đang độ thu hoạch, gặp trận mưa lớn, nhiều diện tích rau bị ngập, gãy đổ, nát bươm. Thiệt hại ước tính khoảng 10 triệu đồng”.

 

Không chỉ gia đình chị Hoa, nhiều hộ trồng rau ở xã Tiền Yên cũng trở nên điêu đứng chỉ sau trận mưa đêm qua. Chạy xe dọc tuyến đê Song Phương - An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), có thể dễ dàng quan sát thấy nhiều diện tích cây lương thực, cây ăn quả như ngô, sắn, cam Canh, bưởi Diễn… của bà con nông dân nơi đây bị ngập, đến trưa ngày 25/5 vẫn chưa tiêu thoát hết nước.

 

Ngoài các loại rau, nhiều diện tích trồng hoa tại các vùng hoa như Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), Song Phượng (huyện Đan Phượng)… cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trên cánh đồng hoa tại xã Song Phượng, các hộ dân phải vận hành máy bơm để chống úng cho hoa. Anh Đoan, một hộ trồng hoa có diện tích 1 mẫu cho biết, với hoa hồng là thân gỗ thì có thể chống chịu được 1 - 2 ngày, nhưng với các loại hoa ly, cúc… nếu không thoát nước kịp thời thì cây sẽ bị chết. Trong ngày hôm nay, ngoài việc bơm nước thoát úng, vợ chồng anh Đoan còn phải huy động nhân lực đi cắt hoa ly để bán, đề phòng nước ngập làm hư hỏng.

 

 

Bơm nước chống úng cho hoa ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.

 

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, tính đến trưa 25/5 khi mưa đã ngưng hẳn, trên địa bàn TP có trên 1.600ha lúa, hoa màu bị ngập sâu trong nước. Nặng nề nhất là các quận Hà Đông (169ha) và các huyện: Thanh Oai (1.200ha), Quốc Oai (132ha), Phúc Thọ (105ha)…

 

Trong khi một số địa phương vùng trũng thấp, ven sông bị ảnh hưởng khá nặng nề từ trận mưa lớn sáng 25/5 thì không hiếm địa phương lại có được thêm nguồn nước tưới. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho hay, lượng mưa đo được tính đến trưa 25/5 vào khoảng 100mm, chưa “đủ” gây ngập úng diện tích cây trồng trên địa bàn. Không những vậy, lượng mưa sáng 25/5 còn giúp hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện Đông Anh được bổ sung thêm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất…

 

Dưới đây là một số hình ảnh ngập úng do mưa lớn gây ra ở ngoại thành Hà Nội được phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận trong ngày 25/5:

 

 

Cánh đồng rau xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức ngập trắng nước

 

 

 

Nhiều ruộng lúa ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ nước ngập đến cổ bông.

 

 

Thu hoạch rau chạy úng ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức

 

 

Thu hoạch hoa tránh mưa tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.

 

 

Nông dân xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ buộc lúa bị mưa làm đổ.

 

Trọng Tùng - Thiên Tú

 

An Giang: Đề phòng dịch hại vụ hè thu

 

Nguồn tin: Báo An Giang

 

Ngoài diện tích lúa hè thu xuống giống sớm từ đầu tháng 2-2016 ở các huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, ngoại thành Long Xuyên (An Giang) (khoảng 20.828 héc-ta) đã cơ bản thu hoạch xong, phần lớn diện tích còn lại có thể chịu tác đồng của nhiều loại dịch hại trong bối cảnh nền nhiệt tăng, lượng mưa ít, nước dưới kênh thấp. Do vậy, nông dân càng phải tích cực thăm đồng, thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn vụ lúa này.

 

Nhiều loại dịch hại

 

Theo ThS. Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, căn cứ tình hình thời tiết, cơ cấu giống lúa, kết quả theo dõi, điều tra dịch hại thời gian qua, những đối tượng dịch hại chính có khả năng gây hại nặng trong vụ hè thu 2016 là rầy nâu, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy cánh phấn, nhện gié cùng các loại bệnh như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh cháy bìa lá và bệnh sọc lá vi khuẩn, lem lép hạt…

 

 

Nông dân nên thăm đồng thường xuyên

 

Đối với rầy nâu, ngoài đợt rầy cám nở vào nửa đầu tháng 5, gây hại với mức độ nhẹ đến trung bình, sẽ còn 2 đợt rầy cám nở vào khoảng đầu đến giữa tháng 6 (gây hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên trà lúa đại trà) và khoảng đầu đến giữa tháng 7 (gây hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên trà lúa muộn). Ông An khuyến cáo, nông dân nên thăm đồng thường xuyên, đặc biệt chú ý khi canh tác các giống nhiễm rầy như Jasmine, nếp, lúa Nhật, IR50404 và các giống OM: 4900, 7347, 4218, 6073, 6561, 6377, 5451, 2514... Đối với sâu cuốn lá nhỏ, các đợt sâu non nở gần tương đương với rầy cám nở. Tuy nhiên, cần chú ý đợt sâu non nở trên trà lúa đại trà đang đẻ nhánh đến làm đòng (khoảng đầu đến giữa tháng 6), vì đây là đợt sâu chính trong vụ gây hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình. Trong khi đó, đợt sâu non nở trên trà lúa muộn đang làm đòng trổ (khoảng đầu đến giữa tháng 7) có thể gây hại với mức độ nhẹ. Nông dân cần chú ý hạn chế phun thuốc trừ sâu cuốn lá khi cây lúa chưa được 40 ngày sau khi sạ để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng.

 

ThS. Nguyễn Hữu An cho biết, do thời tiết khô hạn đầu vụ nên trong khoảng cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, rầy cánh phấn có khả năng phát triển mạnh trên lúa đẻ nhánh - làm đòng với mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa sớm của tỉnh, cục bộ nặng trên những ruộng gò, thiếu nước, sạ dày, thừa phân đạm. Thời điểm này, nhện gié cũng có khả năng phát triển mạnh, gây hại mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa sớm và trà lúa đại trà của tỉnh.

 

Cần thường xuyên thăm đồng

 

Theo Chi cục BVTV, từ nay đến giữa tháng 7, bệnh đạo ôn lá sẽ phát sinh ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nhiễm nặng trên các giống nhiễm, ruộng ngộ độc hữu cơ như IR50404, OMCS 2000, Jasmine cùng các giống OM: 5451, 4218, 6561, 6976, 4900, 6073, 2514... Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, cần đề phòng khả năng phát triển mạnh trên các giống nhiễm này. Dự báo từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7, trong điều kiện môi trường có ẩm độ cao như mưa giông, bão kéo dài nhiều ngày, bệnh cháy bìa lá và bệnh sọc lá vi khuẩn sẽ phát triển mạnh, ảnh hưởng nặng trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ đều và ngậm sữa. Đối với bệnh lem lép hạt, dự báo sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7 với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng, chú ý trên giống Jasmine, OM6976…

 

Theo ThS. Nguyễn Hữu An, trước khi gieo sạ lúa hè thu, Chi cục BVTV đã khuyến cáo nông dân nên vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, cày ải phơi đất ít nhất 2 tuần để tạo điều kiện cho đất thêm tơi xốp, tăng độ phì cho đất, diệt các mầm sâu, bệnh lưu tồn trong đất. Bên cạnh đó, nên bón lót phân lân, tăng lượng phân lân và kali trong các kỳ bón thúc để kích thích bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và dịch hại, hạn chế ngộ độc hữu cơ, hạ phèn. “Các cán bộ kỹ thuật BVTV được yêu cầu thường xuyên thăm đồng, làm tốt công tác điều tra phát hiện và dự báo sớm đối tượng sinh vật hại để phòng trị kịp thời. Đối với nông dân, chúng tôi đề nghị bà con nên thăm đồng thường xuyên, quan sát kỹ để phát hiện và quản lý dịch hại đúng cách. Nông dân nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” để hạn chế dịch hại, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch đến ruộng giúp phòng trừ được sâu rầy hại lúa...” – ThS. An khuyến cáo.

 

Khi gặp vấn đề về dịch hại hay thắc mắc về canh tác, nông dân có thể liên hệ với các Trạm BVTV huyện, thị xã, thành phố gần nơi canh tác hoặc Chi cục BVTV An Giang theo số điện thoại: 076.3854698 và 076.3953622 để được hướng dẫn cụ thể.

 

HOÀNG XUÂN

 

Nhện đỏ tấn công cây mì

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Từ trước tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, thời tiết khô nóng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài địch hại phát sinh, lây lan trên cây trồng. Trong đó, nhiều diện tích cây mì bị nhện đỏ tấn công gây thiệt hại nặng cho nông dân. Tại ấp 4, xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, hơn 500ha mì đã bị nhện đỏ gây hại.

 

 

Ông Võ Đình Hảo (trái) trao đổi với cán bộ khuyến nông về nhện đỏ tấn công trên cây mì

 

Là người có hơn 10 năm trồng mì, năm nào diện tích mì nhà ông Võ Đình Hảo ở ấp 4, xã Minh Thành cũng đạt năng suất trên 30 tấn/ha. Ông Hảo cho biết, cây mì dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nhưng lại thường xuyên đối mặt với nhiều loại sâu bệnh, nếu không phòng trị kịp thời sẽ làm giảm năng suất và ảnh hưởng chất lượng củ. Năm nay, do hạn hán kéo dài nên hơn 7ha mì cao sản của gia đình ông đang bị nhện đỏ tấn công. Dù đã phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng cây mì vẫn bị nhện đỏ làm khô hết lá, nhiều cây đã chết khô. 130 triệu đồng là số tiền gia đình ông bỏ ra thuê đất và đầu tư trồng đang có nguy cơ mất trắng.

 

Cũng như gia đình ông Hảo, gia đình ông Phan Văn Dụng ở ấp 4, xã Minh Thành có 50 ha mì đang bị nhện đỏ phá hoại. Nhìn những cây mì cháy lá, khô hết đọt làm ông lo lắng đến số tiền 1 tỷ đồng vay ngân hàng để thuê đất trồng mì sẽ không trả được. Ông Dụng cho biết, từ khi cây mì bị bệnh, ông đã xịt nhiều loại thuốc mà vẫn không hết. Ông còn nghe người ta nói lấy nước rửa chén hòa ra xịt cho trơn lá, nhện sẽ không bò được mà tự chết. Ông làm theo nhưng không hiệu quả. Do vậy, ông mong ngành nông nghiệp có giải pháp hướng dẫn nông dân cách tiêu diệt loài nhện đỏ.

 

Từ đầu năm đến nay, nhện đỏ tiếp tục bùng phát. Chỉ tính riêng ở ấp 4, xã Minh Thành đã có tới 500ha mì bị nhện đỏ tấn công, nhà bị thiệt hại ít cũng khoảng 2ha, chủ yếu mì trồng xen trong các lô cao su non. Để ứng phó với nhện đỏ, nhiều nông dân đã tự mua thuốc về xịt cho mì.

 

Kỹ sư Mai Hưng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết, nhện đỏ thường xuất hiện ở giai đoạn nắng hạn hoặc giai đoạn cây ra lá non. Để cây mì phát triển và kháng bệnh tốt nông dân cần chọn những giống mì có lông trên lá, nếu cây mì bị nhện đỏ tấn công thì phải xịt thuốc trị kịp thời. Do nhện thuộc nhóm côn trùng có 8 chân nên nông dân phải lựa chọn thuốc đặc trị nhện để xịt chứ không phải dùng thuốc trừ sâu, vì thuốc trừ sâu không tiêu diệt được nhện đỏ. Mặt khác, phải thăm vườn thường xuyên, nếu vười mì ở kế bên bị bệnh thì nông dân phải theo dõi để xịt thuốc kịp thời. Cứ xịt 2 đến 3 đợt thuốc thì phải đổi loại thuốc. Nếu tuân thủ cách phòng trừ này sẽ không sợ nhện đỏ tấn công cây mì.

 

Gia Nghi

 

Phú Yên: Tập trung trồng sắn, mía sau cơn “mưa vàng”

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Nông dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), cày đất trồng sắn - Ảnh: M.H.NAM

 

Cuối tuần qua, “mưa vàng” xuất hiện kéo dài trên diện rộng. Nhờ đó, nông dân tranh thủ đất ướt tập trung trồng sắn, mía trên gò đồi trước đó bỏ hoang do nắng hạn.

 

Ông Ma Lung ở làng Hội, thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), cho hay: “Do nắng hạn nên đám đất này bỏ hoang 3 tháng nay. Giờ mưa xuống, đất ướt, tôi cày ải rồi quay lại cày trở (cày lần 2) cho chết cỏ gốc rồi trồng sắn”. Phía bên kia dốc Ruộng thuộc thôn Phú Tiến (xã Phú Mỡ), bà Lo O Thị Thửng đang cặm cụi trồng sắn. “Rẫy sắn rộng 3.000m2, thu hoạch vụ trước xong, đất xốp, tôi cày ải một bận chờ mưa ướt đất rồi trồng, nhưng sau đó nắng lại kéo dài nên đất bỏ hoang. Bây giờ trời mưa, tôi tranh thủ trồng sắn ngay”, bà Lo O Thị Thửng nói.

 

Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, cho biết: Khoảng 3 ngày nay, tranh thủ trời mưa, đất ướt, bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Phú Mỡ đã trồng sắn cho kịp thời vụ. Còn một số diện tích trước đây trồng đậu, đất nửa ướt nửa khô (khô lớp đất mặt), nông dân trồng “ép”, đến nay 3 tháng nhưng cây cao không quá gang tay người lớn, giờ mưa xuống, bà con tiến hành cuốc cỏ bón phân.

 

Tại vùng đất soi gần 50ha ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), nông dân thuê máy cày xới đất để kịp thời trồng sắn, mía. Còn trên vùng gò đồi nằm hai bên tuyến đường huyện lộ, từ thôn Phú Xuân A (xã Xuân Phước) xuống thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) rộng gần 100ha, nông dân đổ xô tìm chặt cây sắn giống, mua mía giống về trồng. Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho hay: Cơn “mưa vàng” đổ xuống trùng với thời điểm bơm nước để cày sạ lúa hè thu. Theo tập quán, những cây trồng phụ thuộc vào nước trời thì trồng trước nên nông dân tranh thủ trồng sắn, mía rồi gieo sạ lúa sau.

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, niên vụ mía 2016-2017, dự kiến nông dân trong huyện trồng 3.000ha mía, đầu vụ xuống giống 370ha; nông dân tranh thủ cơn “mưa vàng” này trồng hết số diện tích còn lại.

 

Trong khi đó, trên vùng gò đồi rộng lớn từ xã Ea Chà Rang qua xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), nhiều diện tích mía lưu gốc gặp thời tiết nắng hạn kéo dài làm cây còi cọc kém phát triển, một số diện tích mía chết chỉ còn thưa thớt. Hiện nay gặp mưa, người dân phải phá bỏ để trồng lại, một số trồng dặm. Tuy nhiên, lo ngại của nhiều nông dân là hiện mía giống khan hiếm do thời gian qua mía để giống ngoài gò đồi khô héo, nếu trồng thì tỉ lệ nảy mầm không cao. Ông Ma Lem ở xã Suối Trai, than vãn: Vừa rồi, gia đình tôi ra đám mía giống lột ngọn (tách vỏ nách lá mía), thế nhưng phần dưới gốc mắc mía đã khô chỉ lấy được phần ngọn.

 

Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, niên vụ mía này toàn huyện trồng 1.994ha. Mấy ngày qua, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, ngành Nông nghiệp vận động nhân dân, ngoài cây mía thì tranh thủ trồng xen các loại hoa màu trên vùng đất trước đây cây trồng bị chết do nắng hạn để giải quyết tình trạng thiếu mía giống.

 

Theo Sở NN-PTNT, đến nay, do nắng hạn nên diện tích mía trồng mới chiếm khoảng 20% (trong tổng số 24.175ha mía trong tỉnh). Nắng nóng liên tục kéo dài cũng gây bất lợi cho việc xuống giống các cây trồng cạn. Những ngày qua, có mưa, sở đề nghị các địa phương tập trung vận động nông dân xuống giống cây trồng, đồng thời trồng dặm, trồng xen các loại cây hoa màu phù hợp trên vùng đất để tăng thu nhập. Những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian đến, sở cũng đề nghị các địa phương vận động nhân dân đào âm sâu giếng để tìm nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới cây trồng.

 

LÊ TRÂM

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop