Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 05 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 05 năm 2020

Sầu riêng "bén duyên" cùng bơ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nắm bắt xu hướng để phát triển kinh tế trong việc trồng cà phê, gia đình hộ nông dân Nguyễn Văn Tưởng (48 tuổi, thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mạnh dạn đầu tư vốn để trồng xen cây ăn trái. Việc chủ động trồng xen cây ăn trái đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích cho nông hộ này với mức thu là 250 triệu đồng/năm.

Trên diện tích 3 ha đất trồng xen cà phê, sầu riêng, bơ đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Nguyễn Văn Tưởng.

Rời quê hương Đông Anh (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tưởng cùng bố mẹ chuyển vào xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà) sinh sống từ năm 1979. Để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học, bố mẹ anh vay mượn và mua được ít diện tích đất để trồng cà phê.

Anh Tưởng kể, quê nhà nghèo nên bố mẹ quyết định chuyển vào đây sinh sống. Ở đây đất đai, khí hậu đều thuận lợi cho những ai đi tha phương cầu thực như gia đình anh. Ngày ấy cà phê đang là cây trồng phổ biến ở vùng đất Nam Tây Nguyên, giá thành cao lại dễ trồng, nên từ ngày lấy vợ rồi ra sống tự lập anh Tưởng vẫn tiếp tục trồng cà phê. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cà phê xuống giá, chi phí phân bón, chăm sóc... cũng không còn lời lãi bao nhiêu, nên hai vợ chồng anh tính trồng thêm cây gì đó để phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân lúc bấy giờ.

Ngay sau đó, anh Tưởng bắt đầu tìm đến những người đã và đang có ý tưởng giống anh để nắm thêm kinh nghiệm canh tác của họ. Khi được bạn bè tư vấn việc trồng xen hiện tại đang là một xu hướng tất yếu của nông dân nếu muốn phát triển kinh tế ổn định trên diện tích cà phê. Đồng thời, nhận thấy hàng xóm hằng ngày vẫn có thêm nguồn thu từ bơ, sầu riêng, anh Tưởng quyết định trồng xen cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng, bơ.

Mạnh dạn vay thêm một số vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua giống cây sầu riêng và bơ 034, bơ Booth từ Bảo Lộc, vợ chồng anh Tưởng bắt đầu thử nghiệm trồng xen từ năm 2015. Tuy nhiên, do chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc nên ngay từ lần đầu vợ chồng anh bị thất bại. Anh Tưởng chia sẻ: “Sầu riêng và bơ là hai loại trái cây có giá trị kinh tế cao, nhưng để chăm sóc được thì cần phải có thời gian, đặc biệt sầu riêng là loại cây khó tính. Nguyên lí của cây sầu riêng và bơ là phải trồng nổi, nhưng lúc đó tôi lại trồng quá sâu thân cây dưới lòng đất nên xảy ra hiện tượng sì mủ, dẫn đến cây không phát triển và chết dần”.

Cuối năm 2018, khi mọi thứ đã đi vào ổn định từ kinh nghiệm chăm sóc đến vốn, vợ chồng anh tiếp tục trồng xen. Rút kinh nghiệm từ lần trước, anh Tưởng chi ra hơn 70 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho 100 cây sầu riêng và hơn 100 cây bơ. Anh Tưởng cho hay: “Để áp dụng và triển khai mô hình này, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi từ bạn bè. Sau nhiều lần nghiệm ra rằng, sầu riêng, bơ năng suất cao nhưng kháng bệnh yếu, nên thân cây trồng từ đầu phải chọn lọc từ cây bố mẹ khỏe nhất. Riêng đối với bơ, khi cây lớn chừng 1,2 - 1,5 m thì mới ghép vào được. Còn đối với cà phê, tôi cải tạo, ghép lại hoàn toàn trên thân cây cũ và cắt tỉa cành gọn gàng sao cho khi thu hái chỉ cần vươn một sải tay là có thể hái dễ dàng”.

Anh Tưởng cho biết thêm, việc trồng xen bơ cùng cà phê và sầu riêng có rất nhiều lợi ích: thứ nhất là lợi ở việc bón phân, khi mình bón phân cho cà phê thì bơ và sầu riêng cũng sẽ ăn được một phần từ lượng phân đó bón xuống. Lợi nữa là bơ đảm nhiệm vai trò là cây che chắn cho cà phê, còn cà phê sẽ giảm mức độ xói mòn của đất, từ đó sầu riêng, cà phê và bơ sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngoài ra, trồng xen kết hợp với kỹ thuật cắt tỉa cành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho dù diện tích đất canh tác không nhiều.

Hiện tại, trong vườn anh có hơn 500 cây sầu riêng và 500 cây bơ ghép như bơ Booth, 034. Mặt hàng của anh Tưởng chủ yếu được đưa về Bảo Lộc tiêu thụ hoặc các lái buôn ở các huyện lân cận như Lâm Hà, Đức Trọng, Đà Lạt. “Nếu như nói được giá nhất thì hiện tại bơ là loại trái cây có giá nhất so với sầu riêng. Còn riêng cà phê, tôi bắt đầu khống chế sản lượng sao cho mỗi năm thu về khoảng hơn 3 tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, mức thu nhập bình quân của gia đình từ việc trồng xen khoảng hơn 250 triệu đồng, chưa kể là từ cà phê” - anh nói.

Ông Đào Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh nhận xét, mô hình trồng xen của gia đình anh Tưởng đã tạo điều kiện để người dân nơi đây tìm đến học tập. Hiện tại, xã cũng đã giới thiệu đến bà con nhiều mô hình trồng xen canh các loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, xã cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức một số lớp tập huấn về nông nghiệp cho bà con để áp dụng vào thực tế.

HÀ ANH

Bình Phước xây dựng vùng chuyên canh cây ca cao

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Bộ NN-PTNT vừa có chủ trương xây dựng và phát triển vùng chuyên canh cây ca cao tại tỉnh Bình Phước.

Toàn tỉnh có hơn 15.000ha cây ca cao trồng xen dưới tán các loại cây khác. Tỉnh phấn đấu cuối năm 2020, diện tích ca cao xen điều đạt từ 20.000 - 30.000ha và có khoảng 60.000ha đủ nước để trồng xen ca cao. Tại huyện Bù Đăng có 59.000ha điều thì 1/3 diện tích điều già cỗi được các hộ dân tận dụng trồng ca cao và hiện nay với 1.000 gốc ca cao, giá hạt là 60.000 - 65.000 đồng/kg, nhiều hộ thu lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân tại các khu vực có diện tích điều già cỗi kém năng suất, giúp tăng thu nhập, ổn định sản xuất, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

HOÀNG BẮC

Hơn 1.500 ha cây trồng ở Cư Jút bị hạn

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Theo UBND huyện Cư Jút (Đắk Nông), nắng nóng kéo dài đã khiến cho hơn 1.500 ha cây trồng bị khô hạn, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng thiếu nước sinh hoạt.

Cụ thể, tại xã Trúc Sơn, có khoảng 1.000 ha cây trồng bị hạn hán. Trong số này, chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu... Hiện UBND xã Trúc Sơn đang cử cán bộ chuyên môn kiểm tra, tổng hợp số liệu cụ thể để có phương án xử lý, hỗ trợ người dân.

Nhiều diện tích cà phê của người dân ở Cư Jút đã khô héo vì hạn

Tại xã Đắk Wil, thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương cho thấy, có khoảng 500 ha cây trồng bị thiếu nước. Ngoài ra, một số diện tích cây ăn quả của địa phương này cũng đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của khô hạn.

Qua rà soát sơ bộ, Phòng Nông nghiệp - PTNT Cư Jút ước tính, có khoảng 60% giếng nước của người dân trên địa bàn đã cạn nước, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của bà con. Hiện nay, huyện Cư Jút kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình hạn hán và mức độ ảnh hưởng để có phương án xử lý.

Lê Phước

Mủ cao su không nơi tiêu thụ

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ sản phẩm mủ cao su hầu như đóng băng, trong khi trong tỉnh Lào Cai chưa có đơn vị đứng ra thu mua, tiêu thụ. Thực trạng này đã đẩy hàng trăm hộ trồng cao su trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh khó khăn bởi vụ khai thác mủ đã đến và nếu cây cao su trong độ tuổi không được cạo mủ sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sự phát triển lâu dài của cây.

Từ năm 2008 đến 2017, hàng trăm hộ ở các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương… đã trồng hơn 300 ha cao su, ngoài ra nhiều hộ đã góp đất cùng doanh nghiệp trồng 234 ha. Đến cuối năm 2014, một số diện tích cây cao su của các hộ tự trồng ở Bát Xát đã cho khai thác mủ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cây cao su ở Lào Cai sinh trưởng và phát triển tốt. Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có hơn 150 ha cao su tiểu điền đủ tuổi khai thác mủ. Tuy nhiên, người dân phải đối mặt với khó khăn lớn là việc tìm đầu ra cho mủ cây cao su.

Hàng trăm ha cao su trên địa bàn tỉnh đã cho khai thác mủ.

Là hộ trồng cao su lớn nhất huyện Bát Xát, gia đình ông Hoàng Mộc Lan (tổ 9, thị trấn Bát) có hơn 10 ha cao su đang trong kỳ thu hoạch mủ. Năm 2019, giá bán mủ cao su tại vườn khoảng 20.000 đồng/kg (mủ cao su đóng bánh), tiền thu từ bán mủ của gia đình ông chỉ đảm bảo trả lương công nhân và mua phân bón, không có lãi. Năm nay, đã đến vụ thu hoạch mủ nhưng gia đình ông Lan vẫn chưa thể tổ chức cạo mủ vì chưa tìm được đầu ra. Ông Lan cho biết: Tôi đã liên hệ với các mối tiêu thụ mủ nhưng chưa có nơi nào trả lời. Năm nay, tôi thậm chí đã liên hệ với đối tác Trung Quốc nhưng qua tìm hiểu thì thủ tục xuất khẩu mủ cao su rất phức tạp nên chưa khai thác. Mỗi ngày qua đi, gia đình tôi thiệt hại cả triệu đồng nhưng chưa biết phải làm thế nào!

Xã Bản Phiệt có diện tích trồng cao su lớn huyện Bảo Thắng (hơn 250 ha). Trên địa bàn xã có nhiều vườn cao su đã đến kỳ khai thác mủ từ 2 năm trước, nhưng đến nay người dân ở đây vẫn đang loay hoay không biết bán mủ cao su ở đâu.

Bà Đặng Thị Dẩn, ở thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt cho biết: Từ năm 2010, thôn Nậm Sò có hàng chục hộ trồng cao su, tổng diện tích hơn 15 ha. Riêng gia đình bà trồng hơn 2 ha. Đến nay, cây cao su đã được khai thác nhưng các hộ vẫn chưa tìm được đơn vị thu mua mủ nên đành chờ. Các hộ trồng cao su trong thôn mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn.

Chung hoàn cảnh như những hộ trồng cao su ở xã Bản Phiệt, gia đình ông Hầu Seo Hòa, ở thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) đang đứng ngồi không yên vì hơn 1.000 cây cao su (trong tổng số 3.000 cây trên diện tích khoảng 3 ha) đã đến tuổi khai thác mủ nhưng chưa có người thu mua. Ông Hòa ngán ngẩm nói: Năm 2019, gia đình tôi và một số hộ trong thôn đã cạo mủ và mang sang Trung Quốc bán nhưng giá thấp (khoảng 12.000 đồng/kg), tính ra không đủ bù vào tiền thuê nhân công cạo mủ và công vận chuyển đi bán. Năm nay, một phần vì giá bán rẻ và một phần vì ảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bên kia biên giới không thu mua, gia đình tôi quyết định không cạo mủ để bán nữa và giờ chỉ trông chờ xem các doanh nghiệp của Việt Nam có thu mua không.

Thôn Na Lốc 4 hiện có 15 ha cây cao su đã đến tuổi cho thu hoạch mủ. Người dân tại đây vẫn loay hoay, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm mủ cao su trong khi vụ trước đã cạo mủ thì vụ này không thể bỏ khai thác.

Trao đổi với phóng viên, ông Cư Trữ, Phó Chủ tịch xã Bản Lầu cho biết: Cây cao su được trồng trên địa bàn từ năm 2008, do người dân tự mua giống về trồng với diện tích hơn 230 ha. Tính đến thời điểm này, xã có gần 150 ha cây cao su bước vào vụ thu hoạch mủ, người dân rất lo lắng vì không biết bán cho ai. Năm 2019, có đại diện Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai vào khảo sát nhưng đến nay chưa thấy quay lại để thu mua cho bà con.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lào Cai có hơn 1.469 ha cây cao su đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát và Mường Khương. Trong vụ khai thác năm 2020, dự kiến có gần 250 ha tại các hộ đến kỳ cho thu hoạch mủ, năng suất 0,8 tấn/ha. Vì nhiều nguyên nhân, như giá mủ cao su thấp, không có nơi tiêu thụ và thiếu kỹ thuật cạo mủ nên người dân chưa thể tổ chức khai thác. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai cũng đang có hàng trăm héc-ta cây cao su đến kỳ thu hoạch đã được đơn vị này cho cạo mủ song giá bán chưa được thông báo chính thức.

Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai cho biết: Diện tích cây cao su đơn vị đã trồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai là gần 1.500 ha. Năm 2020, Công ty có khoảng 150 ha cho khai thác mủ. Từ giữa tháng 5, công ty đã tổ chức khai thác đúng khung thời vụ nhưng đến nay vẫn chưa biết giá bán mủ như thế nào.

Mặc dù đã đến vụ khai thác mủ cao su, nhưng nhiều hộ vẫn chưa thể khai thác vì chưa tìm được đầu ra.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai có tổ chức thu mua mủ cao su cho các hộ trồng nhỏ lẻ không, ông Phạm Hồng Việt cho biết: “Chúng tôi cũng chưa tìm được đối tác thu mua nên chưa thể mua cho người dân. Nếu đến vụ, người dân cứ tổ chức cạo, có sản phẩm rồi tính”.

Nói về giải pháp tìm đầu ra cho cây cao su, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến với Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai tổ chức khai thác mủ toàn bộ diện tích cao su của doanh nghiệp liên kết với các hộ trồng sao cho đúng khung thời vụ và tìm đầu ra để tiêu thụ mủ cao su cho các hộ. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chủ động liên hệ với các đầu mối để xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.

Các hộ trồng cao su ở các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng… đang loay hoay không biết phải làm gì với cây cao su, bởi đây là cây trồng đòi hỏi việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc và khai thác mủ rất nghiêm ngặt. Hơn thế, cao su là cây trồng lâu năm nên không thể cứ trồng mà không bán được sản phẩm và chặt bỏ như chuối, dứa. Thất thu khi trồng cây cao su đã và đang đẩy không ít hộ dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Tìm giải pháp để tiêu thụ mủ cao su bền vững là bài toán đang rất cần lời giải của ngành các chức năng.

TÙNG LÂM

Tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Hiện các địa phương trong cả nước đang tích cực tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học.

Ảnh minh họa

Khánh Hòa: Thúc đẩy tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học

Khánh Hòa đang hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 3/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là khoảng 249.250 con, bằng gần 95% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vào tháng 12/2018.

Về điều kiện tái đàn trên địa bàn tỉnh cơ bản là đảm bảo, bởi từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình bệnh DTLCP đã được kiểm soát. Hầu hết các địa phương của Khánh Hòa qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện bắt tay vào tái đàn do hầu hết chưa bảo đảm đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Mặt khác khi bị DTLCP, trên 2.200 con nái trong các nông hộ buộc tiêu hủy nên nguồn cung cấp lợn giống cho người nuôi gặp khó khăn.

Để thúc đẩy tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo cung ứng cho thị trường, hiện địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đúng với hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Đảm bảo yêu cầu về con giống sạch bệnh, thức ăn và nước uống an toàn; thực hiện tốt quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng; kiểm soát vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào trại; kiểm soát tốt phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.

Đồng thời xử lý tốt chất thải chăn nuôi, kiểm soát môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh thông thường. Vệ sinh sát trùng định kỳ chuồng trại và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ trong chăn nuôi....

Bên cạnh đó, Chi cục còn hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; rà soát, kịp thời tiêm vaccine cho đàn vật nuôi, phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao. Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế.

Hà Tĩnh: Không vội tái đàn nếu chưa đảm bảo an toàn sinh học

Tháng 5/2019, DTLCP khởi phát tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Sau hơn 1 năm quần thảo, đại dịch này đã “ăn” hơn 44.000 con lợn, làm giảm sâu cả tổng đàn (từ 406.000 con xuống còn 362.000 con) và tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.

Hiện tại, DTLCP ở Hà Tĩnh tuy đã được khống chế nhưng chưa triệt để, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát. Đặc biệt, trong bối cảnh giá thịt lợn đang lập đỉnh sẽ khó tránh khỏi việc bà con liều mình tái đàn. Vì vậy, ngành chuyên môn Hà Tĩnh đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường giám sát, khuyến cáo công tác đảm bảo an toàn sinh học tại các trang trại, gia trại, đặc biệt là hộ chăn nuôi. Tuyệt đối không vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn phòng dịch.

Đối với khối trang trại, gia trại, tập trung chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi, từ nuôi chuồng hở sang chuồng khép kín. Chi phí đầu tư cho việc chuyển đổi này, bình quân trên dưới 300 triệu đồng/trang trại.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, để đẩy nhanh việc tái đàn, tăng đàn lợn, mới đây trang trại 10 ha của Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, đóng tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng đã nhập 250 con lợn nái bố mẹ từ Thái Lan về để chuẩn bị cung cấp con giống cho trang trại và chăn nuôi nông hộ trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn giống bố mẹ. Vì vậy, công tác kiểm dịch được cơ quan chức năng địa phương giám sát hết sức nghiêm ngặt.

Ngoài chỉ đạo các trang trại, gia trại, nông hộ chủ động tái đàn tại chỗ, tỉnh Hà Tĩnh đang hoàn thiện dự thảo chính sách hỗ trợ tái đàn lợn, dự kiến trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuối tháng 5/2020.

Nghệ An: Tăng nhanh đàn lợn trong trang trại

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện có 438 trang trại lợn (theo quy định của Luật Chăn nuôi ).

Trong đó có 24 trang trại quy mô lớn, 75 trang trại quy mô vừa và 339 trang trại quy mô nhỏ. Tính đến tháng 4/2020, tổng đàn lợn của tỉnh Nghệ An đạt 901.449 con, giảm 39.741 con so với thời điểm trước khi có DTLCP. Nhưng kể từ đầu năm tới nay, khi DTLCP cơ bản đã được không chế, và giá lợn hơi, lợn thịt tăng lên thì tất cả các trang trại chăn nuôi đã thúc đẩy công việc tăng đàn. Tính đến tháng 5/2020, đàn lợn trong hệ thống trang trại đã tăng 37.336 con, nâng tổng số đàn lợn trang trại lên đến 256.543 con. Trong đó đàn lợn nái trang trại đã tăng lên 5.000 con.

Nhiều trang trại lớn của Masan, CP Việt Nam, Mavin... không những tăng nhanh đàn lợn thịt, mà lợn nái và đực giống cũng tăng cao về số lượng. Các công ty này hiện có 20.990 con lợn nái và 338 con lợn đực giống. Hiện Mavin đang đầu tư xây dựng trại lợn nái sản xuất giống tại huyện Anh Sơn với quy mô 10.000 nái cụ kỵ, ông bà.

“Vựa heo” miền Trung tái đàn chắc ăn, không nhắm mắt làm liều

Khôi phục đàn lợn sau DTLCP, “vựa heo” lớn nhất miền Trung đẩy mạnh tái đàn nhưng không “nhắm mắt làm liều”, mà tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học.

Trong thời gian DTLCP hoành hành khắp các vùng chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Định, huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo” lớn nhất miền Trung với tổng đàn lợn trên 300.000 con cũng không ngoại lệ.

Theo thống kê của UBND huyện Hoài Ân, hiện ở địa phương này có 4 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp công nghệ cao, 62 trang trại chăn nuôi lợn có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ.

Đặc biệt, từ các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hoài Ân đều có nuôi lợn nái sinh sản để chủ động nguồn lợn giống. Đây là lợi thế lớn khi người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn trong bối cảnh lợn giống đắt như hiện nay.

Tuệ Văn (tổng hợp)

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi dê giống và dê thương phẩm

Nguồn tin: VOV

Ông Nguyễn Văn Bé, ở vùng đất Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng kiếm thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm nhờ mô hình chăn nuôi dê giống và dê thương phẩm.

Khoảng 20 năm rời địa phương đi mưu sinh ở TPHCM, ông Nguyễn Văn Bé được tham quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở nhiều nơi. Trong một lần về tỉnh Bến Tre, ông ấn tượng bởi thu nhập ổn định của mô hình nuôi dê của một gia đình nông dân địa phương. Khi trở về quê nhà sinh sống, ông quyết định khởi nghiệp bằng chính mô hình này.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi dê của gia đình, ông Bé cho biết, mấy hôm trước, gia đình vừa xuất bán gần 10 con dê giống cho khách. Hiện trong chuồng còn gần 60 con đang được nuôi nhốt trong 3 chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, được xây theo kiểu chuồng sàn chia ngăn. Ông bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi dê từ năm 2016, với ban đầu là 10 con.

“Khởi nghiệp ban đầu ai cũng có khó khăn. Giai đoạn đầu thì mình cũng không dám chuyển dịch tích đất trồng mía sang trồng cỏ. Phải đi cắt cỏ dạo, cắt rau muống dạo cũng hết hơn 1 năm. Khi mà mình thấy nó có hiệu quả rồi mới dám bỏ đất ra trồng cỏ. Ban đầu mình cũng sợ thiếu ăn trong gia đình, bắt buộcphải trồng cây mía, đi cắt cỏ dạo. Ngay giai đoạn đầu nó phải khó khăn, chưa biết nó đem về lợi nhuận như thế nào” - ông Bé tâm sự.

Nhờ mô hình nuôi dê, ông Nguyễn Văn Bé ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có thu nhập ổn định.

Với phương châm, vừa nuôi vừa tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, thời gian đầu thực hiện mô hình của ông Bé gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tính cần cù, chịu khó, tìm tòi kiến thức chỉ dẫn chăn nuôi trên tivi, báo đài, đặc biệt trên hệ thống trang mạng, chỉ sau đợt nuôi đầu, ông Bé từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ đó, đàn dê của ông không ngừng tăng số lượng qua mỗi đợt sinh sản, dê lớn nhanh. Ông Bé cho biết, lúc cao điểm, đàn dê của gia đình lên tới hơn 100 con.

Sau thành công bước đầu, ông Bé quyết định chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng mía sang trồng cỏ, để đảm bảo đủ nguồn thức ăn, đàn dê sinh trưởng tốt. Ông cũng mở rộng và xây dựng thêm chuồng trại. Hiện nay, đàn dê của ông cho thu nhập quanh năm. Theo đó, mỗi tháng, ông đều có xuất bán dê giống và dê thịt với tổng thu nhập trên 200 triệu đồng trở lên mỗi năm. Về thị trường, đối với dê thịt ông bán cho các nhà hàng, quán ăn, trong khi con dê giống, ông bán cho bà con nông dân gần xa. Ngoài ra ông còn có phụ phẩm phân dê bán cho nông dân địa phương để trồng cây.

“Bây giờ bà con vào mua, cần con giống thì mình có con giống. Còn dê đực thì mình bán cho quán. Một tháng bán dê giống thấp cũng 15 triệu đồng/tháng, khoảng 4 con cái thôi, chưa tính con dê thịt” - ông Bé nói.

Mô hình nuôi dê rất phù hợp cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Hiện nay, gia đình ông Bé không đủ nguồn cung cấp cả dê thương phẩm và dê giống cho thị trường, bởi với hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại, nhiều người dân tìm đến để mua giống về nuôi.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, chăn nuôi dê hộ gia đình như hộ ông Nguyễn Văn Bé rất phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương. Bởi đây là vật nuôi dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Nhìn chung, đây là mô hình rất phù hợp với gia đình ít đất sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo.

“Trồng mía thì không ổn định. Huyện và các xã tập trung chuyển đổi như là nuôi bò, hai là nuôi dê hoặc là nuôi gà. Trong những năm vừa qua, hộ nghèo được tiếp cận chính sách hiệu quả rất là tốt. Có những hộ chăn nuôi dê thì mở rộng quy mô cũng khá lớn. Định hướng của huyện là những hộ nghèo sẽ tập trung chuyển đổi qua chăn nuôi là chính” - ông Nguyễn Văn Đắc cho biết.

Với bản chất siêng năng, cần cù trong lao động, gần 4.000m2 mía của ông Bé trong năm nay dù ảnh hưởng của hạn mặn nhưng ông Bé vẫn thu về lợi nhuận từ 6 triệu đồng trở lên mỗi công. Tuy nhiên, theo ông Bé, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nước ngọt càng khan hiếm, mặn xâm nhập vào mùa khô, việc trồng mía sẽ càng gặp khó khăn, vì vậy, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu là điều ông cần thực hiện ngay.

Theo đó, ông Bé dự định sẽ tiếp tục chuyển từ đất trồng mía sang trồng cỏ, mở rộng mô hình chăn nuôi dê trong thời gian tới. Ông Bé so sánh, nuôi dê cho thu nhập và lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng mía, bên cạnh đó, dê dễ nuôi, thị trường và giá cả lại rất ổn định./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Ninh Thuận có tổng đàn gia súc khoảng 460 ngàn con, trong đó đàn bò khoảng trên 120 ngàn con, chiếm 27% tổng số đàn gia súc của tỉnh. Với địa phương ít mưa nhiều nắng, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng rất lớn để phát triển chăn nuôi gia súc lớn, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp thực phẩm cho cả nước. Tuy nhiên tỷ lệ bò lai chỉ chiếm 43% tổng số đàn bò cả tỉnh, chính vì thế mà tầm vóc, chất lượng bò thịt chưa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

Nhằm cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò địa phương tạo ra những con lai có tầm vóc, thể trạng tốt phục vụ cho chăn nuôi sinh sản đạt hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận” trong giai đoạn từ tháng 8-2018 đến tháng 7- 2021 tại 3 xã: xã Phước Thắng (Bác Ái), xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) và xã An Hải (Ninh Phước), đến nay qua gần 2 năm thực hiện đã đạt được những kết quả tốt. Dự án gồm 3 mô hình: Mô hình nuôi bò thuần hướng thịt (Bò cái Brahman), quy mô 30 con bò cái giống tại các xã: Phước Thắng, Mỹ Sơn, An Hải. Đã phối được 15 con bò cái có chửa, số bê sinh ra: 2 con; mô hình nuôi bò lai hướng thịt (Bò cái lai Zebu), quy mô 1.160 liều tinh, 6 bò đực giống tại Phước Thắng, Mỹ Sơn, An Hải. Đã phối giống trực tiếp được 77 con bò cái có chửa. Đã thụ tinh nhân tạo (TTNT) có chửa 216 con; tỷ lệ phối có chửa lần 1 đạt 73,5%, số bê sinh ra: 37 con;

Nông dân Ninh Phước trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: T. Mạnh

Mô hình Trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ (VA-06, Sả lá lớn) làm thức ăn cho bò, quy mô 6 ha tại các xã: Phước Thắng, Mỹ Sơn, An Hải. Cỏ sinh trưởng, phát triển tốt, đã cắt lứa 3; ủ được 11,5 tấn thức ăn. Dự án đã tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Giúp người chăn nuôi thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Hộ ông Nguyễn Trí Nhân, thôn Nam Cương, xã An Hải (Ninh Phước) cho biết, gia đình tham gia dự án đã được hơn 2 năm. Trước đây, ông thường phối tinh bò giống địa phương, bê con từ lúc sinh ra đến lúc xuất chuồng bán 13 tháng chỉ thu về khoảng 12 triệu đồng. Năm 2019, ông được hỗ trợ TTNT giống bò Brahman đã cho hiệu quả cao hơn hẳn. Bê sơ sinh đã đạt trọng lượng 28 kg, mới được 2 tháng tuổi nhưng đã có người tới trả mua với giá 14 triệu nhưng vẫn chưa bán. Tuy giá mua cao nhưng ông quyết định giữ lại nuôi thêm để nhân giống.

Ông Đỗ Ngọc Sơn, cán bộ phụ trách cho biết, dự án đến năm 2021 mới kết thúc nhưng đã cho thấy được những hiệu quả rõ rệt qua các mô hình ông phụ trách. Các hộ trong và ngoài mô hình nhận thấy hiệu quả đã chủ động TTNT giống bò Brahman, Red Angus, các hộ chăn nuôi bò ở huyện Ninh Phước hiện rất ưa chuộng sử dụng tinh bò ngoại để phối giống do bê con sinh ra có ngoại hình đẹp, trọng lượng lớn nên bán được giá cao. Còn với cỏ VA06 với những ưu điểm vượt trội như năng suất cao, cỏ mềm, ít lông và chịu được hạn, được người dân chia sẻ hom giống để nhân lên đáng kể. Cùng với đó là biết cách ủ chua thức ăn để bổ sung dinh dưỡng giúp bò lớn nhanh, khỏe mạnh.

Cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt bằng phương pháp TTNT để đẩy nhanh tỷ lệ đàn bò lai hướng thịt có năng suất chất lượng cao, tạo tiền đề chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa và hướng tới phục vụ xuất khẩu, chính là mục tiêu định hướng phát triển ngành chăn nuôi bò nhằm nâng cao cả về số lượng và chất lượng đàn bò góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Cơ Nguyên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop