Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 06 năm 2016

Trồng mướp trên ao chống nóng cho cá: Lợi cả đôi đường

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Ở xã Hưng Phúc, Hưng Châu và Hưng Lợi huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phong trào chăn nuôi thủy sản phát triển mạnh. Nhiều hộ dân đã sáng tạo trồng dàn mướp ngay trên ao cá để chống nóng cho cá vào mùa hè đồng thời thu nhập cao từ mướp.

Giàn mướp quanh ao cá của gia đình bà Nguyễn Thị Liên xóm 2 Hưng Phúc.

Nhận thầu 4 sào ruộng ngay trước cừa nhà, gia đình bà Nguyễn Thị Liên xóm 2 xã Hưng Phúc cải tạo làm ao nuôi cá vừa kết hợp trồng cây ăn quả và các loại rau như mướp, bí, rau ngót, mùng tơi, rau dền, rau lang… Mỗi ngày bà có thu nhập 150 - 250 ngàn đồng từ bán rau. Tận dụng triệt để diện tích đất quanh bờ ao,gia đình bà Liên đã trồng hàng trăm gốc mướp, dàn mướp được làm ngay trên ao vừa tiết kiệm được diện tích đất mà còn tạo bóng mát, làm chỗ trú ngụ tránh nắng cho đàn cá dưới ao trong những ngày hè nắng gắt.

Mướp bắt đầu gieo hạt từ tháng 10 âm lịch. “Mướp trồng quanh ao đủ độ ẩm, chăm sóc tốt nên ra qua từ tháng 1, 2 có đến tháng 7, 8 mùa mưa lũ đến mới tàn. Mướp ở đây trồng sớm nên đầu vụ thường được giá, mỗi kg mướp quả thường có giá 18 ngàn đồng, có những ngày thu hoạch được 20-30kg mướp đưa đi chợ bán. Làm dàn mướp trên ao phải làm cọc bê tông kiên cố mới được lâu dài. Phần dàn thường làm bằng tre nứa, đầu tư 1 lần sử dụng được 3 năm mới phải làm lại." - Bà Liên cho hay.

Nước tưới cho mướp cũng dễ hơn ví lấy ở ao

Có thâm niên hơn chục năm trồng mướp ở xóm 2 Hưng Phúc, ông Dương Văn Phấn cho biết trước đây gi đình ông trồng mướp ở trong vườn. Vì vậy sau khi nhận thầu 1,5 sào ruộng sâu trũng khu vực trước vườn nhà, ông đã cải tạo làm ao nuôi cá vừa kết hợp trồng các loại rau mùng tơi, rau dền… diện tích bờ ao ông trồng hàng trăm gốc mướp, dàn cho mướp leo được làm trên ao nên tiết kiện được diện tích. Mỗi năm ngoài thu hoạch được hàng chục triệu tiền cá ông còn có thêm hơn 10 triệu đồng tiền mướp.

Giàn mướp được các hộ đầu tư đóng cọc bê tông nên sử dụng lâu dài

Làm dàn mướp trên ao vừa tiết kiệm diện tích, tạo bóng mát chống nắng cho cá một cách là cách làm sáng tạo được nông dân các xã ở Hưng Nguyên duy trì mấy năm nay, nhất là các xã ven đường đê sông Lam. Mùa hè qua bờ đê, từng giàn mướp nở hoa vàng trên ao rất đẹp mắt.

Có hàng trăm hộ dân ở Hưng Lợi, Hưng Châu, Hưng Phúc đã trồng mướp theo cách này và bên cạnh thu hoạch cá chép, cá trắm, mè, trôi... các hộ còn thu được mướp bán ở chợ Mý, chợ Vinh...

Cách làm này đồng thời thu được cá và mướp.

Thanh Tâm

“Vua lúa” đất Triều Sơn Nam

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Giữa cái nắng oi bức của mùa hè trên cánh đồng bạt ngàn, chúng tôi tìm gặp và trò chuyện với ông Đỗ Thịnh (70 tuổi) - “vua” trồng lúa đất Triều Sơn Nam (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ông Đỗ Thịnh (70 tuổi), người nông dân giỏi đất Triều Sơn Nam

Từ lão nông nghèo

Ở tuổi gần đất xa trời, đáng lẽ gác cày để vui vầy con cháu, nhưng ông Thịnh vẫn còn miệt mài với công việc đồng áng. Theo ông, nghề nông “không là nghệ thuật” nhưng cũng là niềm đam mê bất tận! Ngồi trò chuyện, ông Thịnh kể: “Gia đình tui vốn có truyền thống làm nông. Thời trước, đất đai cằn cỗi, không có máy cày, phải làm bằng trâu cùng với sức người, không như bây giờ, đã có máy móc cơ giới”. Qua nhiều năm tích lũy, một nắng hai sương trên đồng, gia đình ông Thịnh đã vươn lên trở thành một trong những hộ có nhiều ruộng nhất, nhì trong vùng. Thời điểm chúng tôi trò chuyện, gần 9 ha lúa của gia đình ông Thịnh đang chuẩn bị gieo sạ cho vụ hè thu. Trong đó, ở xã Hương Vinh, đất trồng lúa của ông Thịnh khoảng 4,5 mẫu, số còn lại ông thuê đất làm thêm ở xã Hương Toàn.

Ông Thịnh hứng khởi chia sẻ, với năng suất lúa đạt 3,5 tạ/sào, sản lượng thu hoạch trong vụ mùa đông xuân vừa qua của gia đình, bình quân 1 ha là khoảng 7 tấn, mỗi năm làm 2 vụ. Như vậy, trong một năm gia đình ông có thể thu được sản lượng lúa rất lớn, không chỉ đáp ứng lương thực cho gia đình ông mà còn bán lúa thịt. Để “kham” số lượng diện tích ruộng nhiều như thế, ông Thịnh có sự giúp sức của hai người con cùng đam mê đồng áng.

Ông Đỗ Khoa, Giám đốc HTX NN Hương Vinh cho hay: “Trước đây, làm ruộng gặp nhiều khó khăn, nguồn nước lại eo hẹp, trong khi tình trạng mặn xâm nhập luôn rình rập, nên nhiều nông dân đã bỏ ruộng đi làm nghề khác, chỉ riêng mình ông Thịnh vẫn tiếp tục công việc trồng lúa nước. Ban đầu, chỉ có 5-7 mẫu, sau này cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ông nhận thêm ruộng để làm. Cũng nhờ làm ruộng mà ông xây được nhà lớn, mua xe, đầu tư máy móc, cơ giới phục vụ sản xuất”.

Đến nông dân giỏi

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Vinh chia sẻ: “Ông Đỗ Thịnh là một trong những người nông dân gắn bó lâu với đồng ruộng. Không chỉ đam mê công việc đồng áng mà ông còn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác nông nghiệp của phường, xã rồi về áp dụng vào sản xuất, từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất”. Những năm qua, ông Thịnh được công nhận là nông dân giỏi cấp thị xã, tỉnh.

Không chỉ làm giàu một mình, ông Thịnh còn đầu tư máy gặt liên hợp, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con nông dân cùng làm giàu từ cây lúa. Ông cũng tự bỏ tiền đầu tư nhiều tuyến đường, đắp đê ruộng, không chỉ phục vụ trong sản xuất nông nghiệp của mình mà còn tạo thuận lợi cho bà con nông dân cùng xứ đồng.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh đánh giá: “Nhiều năm qua, UBND xã cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân, đặc biệt là những người như ông Thịnh thuận lợi trong việc vay vốn, làm sổ đỏ đất ruộng cũng như “cầu nối” về mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh”.

Dù còn nhiều vất vả, có những lúc gặp mùa màng thất bát, nhưng ông Thịnh vẫn không nản lòng với công việc ruộng đồng.

TRÚC NGUYỄN – TÂN ĐOÀN

Cây mía đang bị... ra rìa

Nguồn tin: Báo Long An

Bài cuối: Có giữ được quy hoạch vùng nguyên liệu mía?

Huyện Bến Lức, tỉnh Long An là vùng chuyên canh mía, lại có nhà máy đường đóng trên địa bàn nhưng với thực trạng hiện nay liệu có giữ vững quy hoạch vùng nguyên liệu mía?

Theo quy hoạch bổ sung đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 11.000ha mía, trong đó, huyện Bến Lức chiếm tới trên 70% diện tích. Do đó, những năm tới, huyện sẽ cố gắng giữ vững ở mức 7.000 - 8.000ha mía.

Nhằm giữ vững vùng nguyên liệu mía, những năm trước, huyện đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Chẳng hạn như đầu tư phát triển hạ tầng, đê bao khép kín chống ngập úng; thực hiện đầu tư trạm bơm điện ở các xã: Thạnh Hòa, Bình Đức, Thạnh Lợi; cải tạo cơ cấu giống mía mới có năng suất, chữ đường cao hơn; tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, định kỳ làm việc với nhà máy đường đóng tại địa phương để kịp thời nắm bắt những khó khăn cũng như việc thu mua nguyên liệu mía của nông dân;…

Do nhiều nguyên nhân, diện tích mía ở Bến Lức có khả năng tiếp tục giảm

Mặc dù có những giải pháp này nhưng với những gì đang diễn ra, diện tích mía ở địa bàn huyện Bến Lức vẫn giảm liên tục. Qua thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm, Bến Lức giảm từ 500 - 700ha mía (năm 2014, huyện vẫn có 8.500ha mía, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 8.100ha; dự báo năm 2016 chỉ còn 7.400ha).

Để cây mía tiếp tục phát triển ổn định và tránh phụ thuộc về đầu ra, huyện và tỉnh tính đến chuyện tìm nguồn đầu ra ổn định, đó là hợp tác với Nhà máy Đường Thành Thành Công ở tỉnh Tây Ninh để thu mua mía nếu Công ty NIVL cứ tiếp diễn tình trạng nợ kéo dài.

Tuy nhiên, theo người dân, thực tế những năm qua, người trồng mía cũng không phải chỉ bán cho Công ty NIVL mà còn bán cho các nhà máy đường khác ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bến Tre. Nhưng trước tình trạng nhà máy đường tại địa phương luôn gặp khúc mắc (nợ tiền, đánh giá chữ đường) với người trồng mía ở địa phương thì liệu với nhà máy khác ở ngoài tỉnh, ai dám chắc sẽ tốt hơn?

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng nhìn nhận: “Đúng là từ nhiều nguyên nhân cũng như trước việc Công ty NIVL liên tiếp nợ tiền mua mía kéo dài phần nào ảnh hưởng đến quy hoạch vùng mía vì ảnh hưởng đến tâm lý người dân”.

“Với những nguyên nhân: Trồng mía lợi nhuận thấp, thiếu nhân công, nhà máy liên tục nợ tiền thu mua; trong khi chanh đang cho lợi nhuận cao thì có khả năng diện tích mía vẫn tiếp tục giảm xuống. Điều đó đồng nghĩa rất khó để huyện giữ vững quy hoạch vùng nguyên liệu mía ở mức trên 7.000ha” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Ngô Văn Bình cho biết thêm./.

Lê Đức

Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững ở Lý Sơn: Những vấn đề đặt ra

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

Cùng với phát triển kinh tế biển và du lịch, huyện đảo Lý Sơn đang tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh cây trồng xảy ra thường xuyên khiến ngành nông nghiệp huyện đảo đối mặt với rất nhiều khó khăn...

Bấp bênh cây tỏi

Vụ tỏi đông xuân 2015 - 2016, mặc dù nông dân trên địa bàn huyện Lý Sơn đã làm đất, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, gieo trồng đúng lịch thời vụ và bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, song kết quả thu hoạch vẫn bị mất mùa đến 70%. Nguyên do là vào đầu vụ thì nắng hạn, đến giữa và cuối vụ, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Bính Thân mưa gió xảy ra liên tục, không khí lạnh kéo dài, nhiệt độ xuống đến 17 - 180C làm cho cây tỏi ngã đổ sớm, chậm phát triển, không tạo củ. Đặc biệt là xuất hiện bệnh tuyến trùng rễ trên diện rộng, gây hại cho cây tỏi...

Nông dân Lý Sơn chăm sóc cây hành vụ xuân hè.

Tổng diện tích gieo trồng vụ tỏi đông xuân 2015 - 2016 trên địa bàn huyện Lý Sơn 336ha, năng suất tỏi khô sau thu hoạch 24,5 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 825 tấn. Như vậy, năng suất giảm 54,75 tạ/ha, sản lượng giảm trên 1.830 tấn so với vụ đông xuân 2014 – 2015 và chỉ đạt 29,8% kế hoạch năm.

Theo đánh giá của một số cán bộ ngành nông nghiệp huyện Lý Sơn, những năm gần đây việc sản xuất nông nghiệp của huyện rất bấp bênh. Hai loại cây trồng truyền thống đã có thương hiệu nổi tiếng của huyện đảo là tỏi – hành, nhưng có một nghịch lý và gần như trở thành quy luật là năm nào được mùa thì giá bán thấp, mà thất thu thì giá cao. Hiện tại giá tỏi bán cho du khách tại cầu cảng Lý Sơn khoảng 120.000 đồng/kg; tỏi một 800.000 – 1.200.000 đồng/kg.

Giải pháp phát triển bền vững

Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, hành và tỏi là hai cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành nông nghiệp của huyện. “Định hướng những năm tới, chúng tôi sẽ tập trung động viên, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Đặc biệt là tìm giải pháp trồng tỏi không thay cát trắng (dùng đất thịt bazan), nhân rộng mô hình sản xuất tỏi bền vững, để hạn chế việc khai thác nguồn cát biển đang ngày càng cạn kiệt và gây sạt lở bờ biển hiện nay. Qua đó cũng giảm chi phí đầu vào cho nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện”, bà Hương nói.

Bà Phạm Thị Hương cho biết thêm, huyện xác định tiếp tục duy trì ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất, giá trị cây trồng. Đặc biệt là nâng cao năng suất, chất lượng một số cây trồng có giá trị và phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở huyện đảo. Hiện nay, trong tổng số 336ha trồng tỏi trên địa bàn huyện thì có khoảng 50% diện tích đã sử dụng hệ thống péc phun tưới tự động, tiết kiệm nước theo hướng bền vững.

Riêng trong tiêu thụ sản phẩm tỏi - hành, khuyến khích các hộ kinh doanh đưa các sản phẩm cây tỏi đi các thị trường trong nước; chế biến thành những sản phẩm giá trị cao như tỏi đen, tinh dầu tỏi - đây là những sản phẩm hiện nay người tiêu dùng đã biết đến và sử dụng có hiệu quả cao.

“Để phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của huyện, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan, quan tâm nghiên cứu, giúp huyện mô hình trồng hành - tỏi không dùng cát trắng và nghiên cứu về dịch bệnh trên cây tỏi. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng 5 bể chứa nước lớn, với kinh phí gần 50 tỷ đồng để phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Bởi vào những tháng mùa khô nguồn nước ở đây bị nhiễm mặn, trong khi đó nông dân đang nhân rộng mô hình tưới péc phun tự động rất hiệu quả. Việc này chúng tôi đã kiến nghị nhưng chưa nghe tỉnh có ý kiến?”, bà Phạm Thị Hương nói.

Không còn tình trạng trà trộn tỏi nơi khác vào tỏi Lý Sơn tại huyện đảo

“Cách nay 3 năm, thương hiệu tỏi Lý Sơn đã bị một số tư thương lợi dụng, đem tỏi nơi khác về trà trộn để tiêu thụ, hoặc đóng bao nhãn mác ở nơi khác nhưng đề tên tỏi Lý Sơn, gây dư luận và ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, nhãn hiệu tỏi Lý Sơn. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các ngành tích cực vào cuộc để giữ vững thương hiệu tỏi Lý Sơn. Chính nhờ đó mà 3 năm trở lại đây, tình trạng tỏi nơi khác đưa về Lý Sơn để trà trộn vào thương hiệu tỏi Lý Sơn không còn”, bà Phạm Thị Hương cho biết.

PHẠM DANH

Tây Ninh: Trồng hoa thiên lý cho thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Hơn một năm nay, gia đình anh Thanh có nguồn thu nhập khá, cuộc sống tương đối ổn định nhờ trồng hoa thiên lý.

Anh Trịnh Minh Thanh thu hoạch hoa thiên lý.

Bà Tô Cẩm Dung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đưa chúng tôi đến Tổ dân cư tự quản số 4, ấp Suối Cao B thăm gia đình anh Trịnh Minh Thanh - một hội viên nông dân sản xuất giỏi. Hơn một năm nay, gia đình anh Thanh có nguồn thu nhập khá, cuộc sống tương đối ổn định nhờ trồng hoa thiên lý.

Anh Thanh (sinh năm 1971) cho biết, xung quanh nhà anh có khoảng 30 cao (3.000 m2) đất. Trước đây, anh trồng nhiều loại hoa màu khác nhau, như: khổ qua, dưa leo, cà, mướp, bí, bầu…

Các loại “ hàng bông” này trồng và chăm sóc khá vất vả, giá cả lại bấp bênh, lời ít, thậm chí có khi còn bị cả lỗ công, lỗ vốn.

Thấy người thân ở xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) trồng hoa thiên lý có thu nhập khá, đầu năm 2015, anh Thanh đã học cách trồng, rồi mua giống và làm giàn trồng. Lúc đầu anh mua với giá 12.000 đồng/hom giống, loại dài 3 tấc. Sau hơn hai tháng trồng, ruộng thiên lý bắt đầu cho hoa. Lúc này, mỗi ngày gia đình anh thu hoạch được khoảng từ 5-10 kg hoa thiên lý.

Sau 7 - 8 tháng trồng, gia đình anh Thanh thu hoạch được từ 35- 40 kg hoa/ngày. Giá bán hoa thiên lý tại nhà vào mùa thuận (từ tháng 5 đến tháng 9) khoảng từ 30.000 đồng đến 37.000 đồng/kg, còn vào mùa nghịch (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) khoảng từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng/kg.

Hiện với 30 cao đất trồng thiên lý, mỗi ngày gia đình anh Thanh thu hoạch được từ 50 đến 60 kg hoa, giá bán hiện nay (ngày 16.6.2016) là 35.000 đồng/kg.

Anh Thanh cho biết thêm, so với các loại hoa màu, thiên lý có thu nhập cao hơn rất nhiều. Từ khi ruộng thiên lý thu hoạch rộ (khoảng tháng 8. 2015) đến nay, bình quân mỗi tháng gia đình anh Thanh có thu nhập khoảng 12 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư. Thấy trồng hoa thiên lý có nguồn thu nhập khá và ổn định, anh Thanh đã thuê thêm 50 cao đất để trồng tiếp tục.

Theo anh Thanh, thiên lý dễ trồng, giống cây này trồng bằng thân cây (gọi là hom), loại bò dưới đất. Mỗi hom cắt dài 3 tấc. Sau đó cho hom vào bầu, để trong mát, giâm chừng một tháng rưỡi cho hom ra rễ rồi đem trồng. Khi trồng, hàng cách hàng 10 mét và gốc cách gốc 1,5 mét. Giữa hai hàng làm giàn cho dây thiên lý bò. Giàn cao chừng 1 mét, cho dây thiên lý từ hai bên hàng bò vào.

Phân bón cho thiên lý là phân chuồng và NPK 20-20-15. Mỗi năm bón phân chuồng một lần, với khoảng 30 kg/gốc, còn NPK khoảng nửa tháng bón một lần, với mức nửa kg/gốc. Về thuốc bảo vệ thực vật thì chỉ dùng thuốc kích thích ra hoa, dưỡng hoa, thuốc trừ bọ trĩ, nhện đỏ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông Tô Cẩm Dung cho biết, ngoài hộ anh Trịnh Minh Thanh ra, hiện nay ở xã có khoảng 10 hộ dân trồng hoa thiên lý, tập trung ở ấp Suối Cao B. Hộ nhiều khoảng 40 cao đất, hộ ít khoảng 10 cao. Việc chuyển đổi và đa dạng hoá cây trồng đối với nông dân là cần thiết. Hội Nông dân luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

N.H

Quay cuồng với… tiêu

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Hạt tiêu được giá và không ngừng tăng cao trong những năm qua đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nhiều nông hộ ở vùng nông thôn, trong đó có không ít gia đình đã thật sự đổi đời. Hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này ngày càng hấp dẫn người nông dân và việc đua nhau trồng tiêu bằng mọi giá… là câu chuyện đang “nóng” tại nhiều địa phương.

Làng tỷ phú

Ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hiện nay đã xuất hiện những “làng tỷ phú” nhờ trúng tiêu liên tiếp trong nhiều niên vụ vừa qua bởi thu nhập hàng năm từ cây tiêu lên tới vài ba tỷ đồng. Chẳng hạn như thôn 8, 11 (xã Ea Ning), hay thôn 2, 3 và 5 (xã Ea Bhốk)… Có tiền người ta xây nhà cao cửa rộng, mua xe hơi sang trọng để hưởng thụ. Vì thế trong 2 - 3 năm qua, bộ mặt đời sống ở vùng quê này đã đổi khác. Từ đường sá đi lại, dịch vụ mua bán, sắm sửa… trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn.

Trụ tiêu bằng bê tông được nhiều người ở các xã cánh Đông Bắc huyện Cư Kuin chọn lựa đầu tư dài lâu cho vườn tiêu của mình.

Anh Trần Duy Khánh ở thôn 5 (xã Ea Bhốk) lạc quan rằng, chỉ cần tiêu giữ giá từ 150 - 160.000 đồng trong vài năm nữa thôi, đời sống của người dân ở đây còn xông xênh gấp nhiều lần. Người ta xây biệt thự kiểu Thái hết, còn đi lại phải là xe “bốn bánh”. Anh Khánh nói quả không ngoa, ở cái thôn hơn 140 hộ dân này, nhà nào cũng “hoành tráng”, nội thất sang trọng và xe hơi loại sang, giá trên dưới 1 tỷ đã có 5 - 7 chiếc. Góp chuyện giàu sang lên từ vùng tiêu này, anh Hoàng Minh Sỹ cho biết thêm: Thôn 2, 3 còn “cự phú” hơn nữa nhờ họ “nuôi tiêu” từ khi giá mới 17 - 18.000 đồng/kg. Nay thì khỏi phải nói, nhà nào cũng có 10 - 12 tấn mỗi vụ, có nhà lên tới 19 - 20 tấn như ông Nguyễn Xuân Hải, ông Lê Vinh, bà Trần Thị Tâm. Họ trúng đậm tiêu từ 5 - 6 năm nay thì tiền của không biết bao nhiêu mà kể! Có thể nói, câu chuyện làm giàu từ tiêu, quả thật không thể mô tả hết ở vùng đất này. Khoan nói đến những người đang sở hữu vườn cây 5 - 6 ha, chỉ cần nhìn vào số hộ trung bình, có trong tay 2 - 3 tấn tiêu/vụ cũng đủ cho thấy mức sống của “dân tiêu” thế nào?! Ví như anh Khánh, anh Sỹ chẳng hạn - họ tâm sự: Mới bén duyên với tiêu vài năm nay, nhưng đã có cuộc sống sung túc và khấm khá. Chưa có biệt thự, xe hơi như người ta nhưng cũng tạo dựng được cơ ngơi vững vàng. Cũng mua được xe tải loại lớn chở hàng, mở dịch vụ nông nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất cho bà con nông dân trong vùng. Cứ thế túc tắc làm ăn, lo gì không trở thành tỷ phú!

Phải thừa nhận rằng, cây tiêu đã làm thay đổi sâu sắc đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh nhất tại các vùng dân cư trên địa bàn huyện Cư Kuin. Theo báo cáo của hai xã Ea Ning, Ea Bhốk, số hộ nghèo chỉ còn lại trên 2%, riêng các thôn có mức thâm canh cây tiêu khá cao nói trên thì hầu như không còn hộ nghèo, số hộ giàu (có thu nhập tiền tỷ mỗi năm) chiếm hơn 30%. Những con số đó đã có sức thuyết phục người dân cũng như chính quyền địa phương trong việc phá bỏ cà phê để trồng tiêu và tạo nên “cơn sốt” khi mọi nhà, mọi người ra sức quay cuồng với… loại cây trồng có giá trị này!

Trồng tiêu bằng mọi giá (!)

Dù chưa hẳn đó là mệnh lệnh, nhưng nhìn vào cung cách hành xử và thái độ bày tỏ với “cây tiêu - cây vàng” trong đời sống người dân tại các xã thuộc cánh Đông Bắc huyện Cư Kuin (gồm Cư Êwi, Ea Ning, Ea Bhốk và Ea Ktur) hẳn sẽ thấy được “mức độ quyết tâm” của họ như thế nào.

Không đủ vốn, nhiều hộ đã dùng tre làm trụ tiêu để xuống giống cho kịp thời vụ.

Anh Võ Văn Tĩnh ở xã Ea Ktur hy vọng cây tiêu sẽ giúp gia đình đổi đời trong thời gian tới, nên đã dốc hết tâm lực, không ngừng mở rộng vườn tiêu của mình. Anh Tĩnh cho hay, không đủ sức mua trụ bê tông thì mua trụ gòn, so đũa…thậm chí tận dụng hết mọi thứ có thể để xuống giống tiêu cho bằng được. Anh nông dân này bảo: “Cứ nhìn xem, trong cả vùng đều như thế, bất cứ cây gì (xoài, mít, sầu riêng, bơ, vú sữa…) đều được cưa đi phần ngọn để làm trụ trồng tiêu. Có người còn dùng cả tre để làm trụ, xuống tiêu cho kịp thời vụ”. Chuyện ấy không ngoa, khi chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 12 - xã Ea Ning) cho biết: Vườn cà phê của gia đình còn lại khoảng 4 sào, nay nhổ bỏ hết để trồng tiêu. Chưa đủ vốn đầu tư nên phải mua tre cho rẻ về làm trụ, kẻo lỡ mất mùa mưa...

Có không ít người ở đây đã mạnh dạn lấy đất đổi… tiêu như ông Dương An, hay anh Y Lor vì sốt ruột trước hiệu quả kinh tế mang lại quá cao của loại cây trồng này. Người thì đổi 1ha cà phê để lấy 5 - 6 sào tiêu 1 - 2 năm tuổi (tùy theo thỏa thuận giữa hai bên); kẻ thì bán đất lấy tiền để trực tiếp làm tiêu - từ đào hố, chọn giống và đặc biệt là mua trụ bê tông về trồng tiêu nhằm tính kế lâu dài. Do vậy dịch vụ sản xuất, cung ứng trụ bê tông cho người trồng tiêu trong vùng đã mọc lên như nấm. Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo người dân trong vùng thì bình quân mỗi xã có tới hàng chục cơ sở sản xuất, cung ứng dịch vụ trên. Tại Ea Ning, cơ sở sản xuất trụ bê tông Thuận Thiết cho biết, mỗi tuần bán ra 500 - 700 trụ và theo đó giá cả cũng nhích lên qua từng năm (từ 180 - 220.000 đồng/trụ dài 5 m) do nhu cầu tiêu thụ khá lớn.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Cư Kuin, mùa mưa năm nay, trên địa bàn 4 xã cánh Đông Bắc sẽ có thêm khoảng 400 - 500 ha tiêu được trồng mới; diện tích cà phê còn lại trên địa bàn cơ bản bị “xóa sổ” để trở thành vùng chuyên canh tiêu lớn thứ hai Đắk Lắk (sau Ea H’leo) với diện tích gần 3.500 ha. Và tất nhiên, một khi trở thành vùng chuyên canh thì hàng loạt vấn đề đặt ra nhằm bảo đảm sự bền vững cho loại cây trồng này. Ông Hồ Sĩ Nguyên - Phòng Nông nghiệp huyện này cho rằng, vấn đề sâu bệnh gây hại và cách phòng chống thế nào cho hiệu quả là thách thức đặt ra. Ngoài việc người dân tự chăm sóc, tìm hiểu khoa học - kỹ thuật để ngăn ngừa, đối phó… thì cơ quan chức năng cũng cần có lộ trình, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cho bà con. Muốn được như thế, rất cần nguồn lực tài chính, cũng như con người được trang bị kiến thức, phương tiện khoa học - kỹ thuật để thực hiện đồng bộ và thường xuyên nhằm hạn chế rủi ro thấp nhất cho người dân, tạo điều kiện để họ yên tâm sản xuất trên vùng tiêu trọng điểm này.

Phương Đình

ĐBSCL: Giá mè ở mức thấp

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Năm nay, nông dân trồng cây mè trên nền đất lúa trong vụ hè thu 2016 tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL kém vui vì giá mè ở mức thấp so với các năm trước, nên không có lời nhiều.

Thu hoạch mè trong vụ hè thu 2016 tại phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Vào đầu vụ thu hoạch (cách nay khoảng 1 tháng), giá hạt mè được nhiều thương lái thu mua ở mức 34.000 - 36.000 đồng/kg (thấp hơn cùng kỳ năm trước ít nhất 1.000 - 2.000 đồng/kg), nhưng bước vào khoảng 1 - 2 tuần nay, giá mè chỉ còn ở mức 28.000 - 32.000 đồng/kg. Đáng chú ý là việc tiêu thụ mè của nhiều bà con nông dân cũng gặp khó do có ít thương lái thu mua. Thời điểm này, nhiều địa phương đã thu hoạch dứt điểm các diện tích mè nhưng có một bộ phận nông dân chưa bán được mè, phải trữ lại trong nhà, chờ thương lái.

Theo nhiều nông dân trồng mè, do giá rẻ và năng suất mè cũng thấp so mọi năm, bình quân khoảng 1 - 1,2 tấn/ha nên nhiều hộ trồng mè chỉ có thể kiếm được lợi nhuận khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha. Cũng có một bộ phận hộ dân trồng mè chỉ phá huề vốn hoặc thua lỗ nhẹ khi năng suất mè đạt thấp do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, khô hạn gay gắt hồi đầu vụ và nhiều ruộng mè bị cỏ dại tấn công.

Khánh Trung

Sa Pa tấp nập vào mùa thu hoạch lê tai nung

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Năm 2016, toàn huyện Sa Pa có 60ha lê tai nung (VH6), trong đó 30ha đang cho thu hoạch. Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện, năng suất lê VH6 năm nay đạt khoảng 30 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 90 tấn quả. Cây lê tai nung chủ yếu được trồng tại các xã: Sa Pả, Tả Phìn, Hầu Thào, Lao Chải và thị trấn Sa Pa.

Những ngày này, người dân Sa Pa đang tất bật thu hái lê để bán cho khách du lịch, với giá bán từ 40 - 60 nghìn đồng/kg.

Nông dân Sa Pa tấp nập thu hái lê.

Năng suất lê năm 2016 tăng 2 tạ/ha so với năm 2015.

Người dân Sa Pa bán lê VH6.

ĐỨC TOÀN

"Vỡ trận" trái cây hè

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Vụ trái cây hè năm nay, nông dân gặp khó khăn do nhiều loại trái cây mất mùa nhưng trái cây vẫn ế hàng, dội chợ. Theo các thương lái, nguyên nhân là do chợ ế, sức tiêu thụ về các tỉnh phía Bắc rất chậm. Đặc biệt, trái sầu riêng đang vào cuối vụ, sản lượng giảm, giá rớt nhưng vẫn ế hàng do thị trường Trung Quốc chậm “ăn” hàng.

Giá sầu riêng giảm mạnh vẫn chậm tiêu thụ do thị trường Trung Quốc giảm nhập hàng. Trong ảnh: Một vựa mua sầu riêng tại bến xe Long Khánh, TX.Long Khánh.

Hiện giá chôm chôm thường chỉ còn từ 3-4 ngàn đồng/kg; sầu riêng hạt lép chỉ trên 20 ngàn đồng/kg, giảm chỉ còn bằng khoảng 1/3 mức giá đầu mùa. Giá các loại chôm chôm nhãn, chôm chôm thái, bơ…cũng đang hạ nhiệt dần.

* Thị trường ế ẩm

Dù vào thời điểm mùa trái cây thu hoạch rộ nhưng tại khu vực tập kết trái cây bỏ mối về các nơi tiêu thụ tại bến xe Long Khánh (TX.Long Khánh), các xe chở trái cây chỉ về rải rác. Nhiều vựa trái cây cả chủ vựa lẫn nhân viên đóng hàng, bốc hàng ngồi không chờ khách thay cho cảnh mua bán tấp nập như những vụ mùa trước. Bà Võ Thị Trúc Thanh, chủ vựa trái cây Thanh Trung (bến xe Long Khánh, TX.Long Khánh), nhận xét vụ thu hoạch năm nay sức tiêu thụ của thị trường rất chậm. Các vườn báo trái chín nhiều nhưng vẫn buộc phải neo trên cây chờ khách đặt thì vựa mới báo hái, vì hái xuống để từ sáng đến chiều chậm tiêu thụ là rớt thêm mấy giá. “Đặc biệt từ đầu mùa đến nay, trái cây đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc rất chậm. Một phần nguyên nhân là do năm nay mất mùa, dẫn đến thời điểm đầu mùa giá nhiều loại trái cây đứng ở mức cao hơn so với cùng kỳ nên khó bán. Riêng mặt hàng sầu riêng, từ khi Trung Quốc giảm nhập, giá “rớt” chỉ còn hơn 20 ngàn đồng/kg mà tiêu thụ vẫn rất khó khăn”.

Cùng chung tâm trạng lo lắng vì buôn bán ế ẩm, bà Nguyễn Thị Thu Trinh, thương lái thu mua chôm chôm tại Xuân Lộc, Long Khánh, cho hay: “Đợt này, tôi chủ yếu đóng hàng chôm chôm cung cấp ngược về cho các tỉnh miền Tây do khu vực này năm nay trái cây bị mất mùa nặng do hạn, mặn. Riêng các đơn hàng đi những tỉnh phía Bắc giảm mạnh. Nhìn chung, sức tiêu thụ của các thị trường đều rất chậm”.

* Nông dân thất thu

Để có vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, nông dân phải đổ chi phí đầu tư cao hơn hẳn mọi năm để vườn cây vượt qua giai đoạn hạn hán. Tuy nhiên, năng suất của nhiều vườn cây vẫn giảm mạnh. Giá trái cây đầu mùa cao, một số vườn thu hoạch sớm còn có lợi nhuận, những vườn thu hoạch muộn hầu như mất trắng vì vừa thất mùa, vừa thất giá. Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước (huyện Long Thành), cho hay: “Vụ thu hoạch năm nay, đa số nhà vườn đều thua lỗ. Nông dân bỏ công, bỏ của gấp đôi để chăm vườn cây vượt qua đợt hạn hán vừa rồi, nhưng các vườn măng cụt trong vùng hầu như thất trắng. Sản lượng thu hoạch dâu da, sầu riêng, chôm chôm... cũng giảm mạnh, nông dân lại càng khó khăn khi vào đợt rộ thu hoạch trái cây lại rớt giá”.

Giá chôm chôm bắt đầu giảm mạnh. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm tại một nhà vườn ở TX. Long Khánh.

Ông Nguyễn Văn Tân, nông dân trồng sầu riêng tại huyện Cẩm Mỹ, so sánh: “Nhiều nhà vườn mất hàng chục triệu đồng để cứu cây thoát hạn nhưng không ít vườn cây không chỉ giảm năng suất ở vụ này mà có thể còn bị ảnh hưởng cho vụ sau. Vườn nào thu hoạch sớm vào thời điểm sầu riêng cao giá, trừ chi phí còn có chút lợi nhuận chứ thu trễ là hầu như lỗ trắng vì mặt hàng này đột ngột “rớt” giá và hiện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc”.

Riêng giá sầu riêng chín cây bán tại vườn được hơn 30 ngàn đồng/kg và bán lẻ đến tay người tiêu dùng lên đến 55-60 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân là do người tiêu dùng trong nước ngày càng chuộng loại sầu riêng chín cây tự nhiên, an toàn này. Theo các tiểu thương bán trái cây cho biết, những năm qua giá sầu riêng tăng cao, lại biến động thất thường nên xảy ra tình trạng nông dân dùng thuốc ép cây để tăng năng suất hoặc để vườn cây cho thu hoạch sớm; nạn dùng thuốc ép trái sầu riêng chín theo ý muốn... khiến người tiêu dùng e ngại mặt hàng này. Theo đó, thị trường tiêu thụ sầu riêng hiện phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc ngày càng thiếu ổn định.

Bình Nguyên

Vườn nho cho lãi trăm triệu của chàng trai xứ Lạng

Nguồn tin: VnExpress

Nhận thấy thu nhập từ trồng lúa thấp, Hoàng Hải Phòng, 29 tuổi, trú xã Mai Pha, TP Lạng Sơn cùng người thân trong gia đình chuyển sang trồng cây ăn quả, thu lãi hơn 300 triệu mỗi năm.

Lớn lên trong gia đình thuần nông, ruộng vườn chủ yếu trồng lúa nước và các loại rau nên thu nhập gia đình Phòng cũng chỉ đủ chi tiêu. Nhận thấy giá cả của các loại cây ăn quả cao hơn, anh cùng người thân trong gia đình bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu trồng một số giống cây ăn quả.

“Ban đầu nhà tôi trồng dưa hấu và dưa vàng nhưng đầu ra khá bấp bênh, có năm giá cao có năm thấp. Từ năm 2012, tôi thuê thêm đất trồng nho và đang tập trung cho loại quả này”, Phòng chia sẻ và cho biết, tổng diện tích 3 loại cây ăn quả của nhà anh gần 5 mẫu Bắc bộ (18.000m2), trong đó có hơn 3 mẫu đất trồng nho đem lại giá trị kinh tế cao. Ban đầu mới bắt tay vào trồng nho, Phòng gặp khó khăn chồng chất dù đã nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc thông qua các lớp tập huấn tại Sở Khoa học và Công nghệ, nhưng khi làm thực tế mới đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân.

Hoàng Hải Phòng hiện có khoảng 10.000 gốc nho. Ảnh: NVCC

Để nho phát triển tốt, đậu quả cao và không bị rụng phải rất tỉ mẩn trong chăm sóc. Có những ngày Phòng “cố thủ” trên ruộng nho tỉa cành, làm giàn, bón phân và thăm từng gốc nho để xem có sâu bệnh gì không. Do số đất của gia đình hạn chế nên mỗi năm anh đều phải tìm thuê đất để trồng, nhưng không phải lúc nào cũng thuê được những thửa ruộng ưng ý. Do trồng tập trung nên phải chọn ruộng gần nhau để tiện chăm bón và vị trí cao tránh ngập úng vào mùa mưa lũ.

Năm đầu tiên, nho nhà Phòng cho thu hoạch quả hơi nhỏ và không đẹp mắt như nho Trung Quốc nhưng nhiều người vẫn biết đến tìm mua. Nho chín tới đâu, khách mua hết tới đó. Sau vụ đầu tiên, thấy chất lượng nho vẫn còn thấp, Phòng lại cất công tìm hiểu trên tài liệu và trao đổi với các chuyên gia Trung Quốc. Các khâu tỉa cành, bảo vệ hoa, phòng trừ sâu bệnh, tăng tỉ lệ thụ phấn, tỉa quả tạo hình thái chùm, bảo vệ quả... anh đều ghi chép lại.

Thấy nho được giá, gia đình Phòng mạnh dạn mở rộng diện tích và hiện tại đang có hơn 10.000 gốc. Vào thời vụ, anh thuê 8-10 nhân công chăm sóc, tỉa, bón phân và hái nho.

Mỗi năm Phòng kiếm được hơn 300 triệu đồng tiền lãi từ trồng các loại cây ăn quả. Ảnh: NVCC

Giống nho mà Phòng chọn trồng là Cự Phong và Tảo Hồng, có thể sống ở vùng khí hậu lạnh và độ ẩm cao, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Mỗi cây cho quả khoảng 2-3 kg, một năm nhà anh thu hoạch khoảng 20-30 tấn. Dù giá bán dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng một kg, cao hơn cả nho Trung Quốc, nhưng nho vườn nhà Phòng lúc nào cũng “cháy” hàng. Trung bình mỗi ngày nho chín từ 50 đến 60 kg, ngày nào chín rộ lên đến cả tạ.

Không chỉ bán cho những mối quen biết, Phòng còn rao bán trên mạng, quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội, số lượng người biết đến nho nhà anh ngày càng tăng, đặc biệt là lượng khách “ruột”.

“Đầu ra của nho khá ổn định, tôi rao bán tại TP Lạng Sơn và một số tỉnh lân cận như Cao Bằng, Thái Nguyên. Thương lái họ vào tận vườn tìm mua, ai đặt hàng tôi sẽ gửi đi trong ngày vì không sử dụng chất bảo quản nên sau khi hái chỉ để được khoảng 3 ngày, cuống nho héo quả sẽ tự rụng khỏi chùm”, Phòng nói.

Tự nhận mình có niềm đam mê nông nghiệp, chàng cử nhân khoa giáo dục chính trị, Đại học sư phạm Thái Nguyên luôn tìm hiểu và chăm chỉ “làm thuê” ngoài ruộng cho bố mẹ bất cứ khi nào có thời gian để lấy thêm kinh nghiệm. Anh tự coi mình như một người học việc cố gắng học hỏi từ người thân và hàng xóm để hoàn thiện hơn nữa về kĩ thuật trồng nho.

Phòng tâm sự đã từng nhập ngũ, học trung cấp nghề, đi làm thuê, rồi học đại học. Dù bản thân cũng muốn có một công việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng hoạt động nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao hơn giúp anh nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Phòng cho biết mỗi năm “bỏ túi” hơn 300 triệu đồng tiền lãi từ trồng cây ăn quả, trong đó hơn một nửa từ nho. Hiện tại, anh thuê gần một mẫu đất tại Thái Nguyên trồng dưa hấu, sắp tới sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh cũng đang tìm hiểu thêm về đất và khí hậu vùng này để trồng nho, mở rộng thêm mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp.

Hồng Vân

Bình Thuận: Hội thảo sản xuất thanh long theo hướng an toàn thực phẩm

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Sáng 24/6, Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận (BVTV) tổ chức hội thảo sản xuất thanh long theo hướng an toàn thực phẩm với những quy định mới về sử dụng thuốc BVTV. Tham dự có đại diện một số ban, ngành, hội liên quan và trên 100 nông dân sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh cho biết, hiện tại ở Việt Nam, danh mục thuốc BVTV sử dụng trong nông nghiệp có 1.710 hoạt chất, với gần 4.000 sản phẩm thương mại. Trong đó, thuốc trừ sâu 775 hoạt chất, thuốc trừ cỏ 227 hoạt chất, thuốc trừ chuột 10 hoạt chất…Tại Bình Thuận, hàng năm Chi cục BVTV thường xuyên tổ chức 10 lớp tập huấn định kỳ cho 680 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV; tiến hành thanh tra khoảng 10 đợt ở các cơ sở buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Qua đó, cho thấy những năm qua Bình Thuận không có trường hợp buôn bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục và kém chất lượng… Tuy nhiên, nông dân vẫn còn lệ thuộc vào thuốc BVTV trong quản lý sâu bệnh; tình hình lạm dụng thuốc BVTV, không đảm bảo thời gian cách ly còn tồn tại…

Tại hội thảo, nông dân trồng thanh long đã trao đổi những vướng mắc, tìm hiểu xung quanh những quy định mới với về sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng, nhất là trên cây thanh long. Qua đó, Chi cục BVTV tỉnh lưu ý bà con sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, nên luân phiên thuốc để giảm tính kháng của sâu bệnh hại; sử dụng thêm chất bám dính, chất hỗ trợ để phun kèm với thuốc trừ bệnh. Khi cây trồng đang bị bệnh, tuyệt đối không pha thuốc BVTV với phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng.

Thông qua hội thảo, đã giúp nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh phần nào hiểu và biết cách chăm sóc cây trồng trước diễn biến phức tạp của thời tiết; sử dụng đúng và hiệu quả thuốc BVTV…

K. Hằng

Công bố chứng nhận nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp”

Nguồn tin: Nhân Dân

Bà Lê Thị Bích Thủy, PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp trao giấy chứng nhận “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp” của Cục Sở hữu Trí tuệ cho lãnh đạo huyện Châu Thành.

NDĐT - Ngày 25-6, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, tổ chức lễ công bố chứng nhận nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp”.

Trải qua giai đoạn nhiều thăng trầm, nhất là khi dịch bệnh chổi rồng xảy ra trên cây nhãn tiêu da bò đã làm cho nhiều nhà vườn trồng nhãn ở huyện Châu Thành điêu đứng. Nhưng với quyết tâm cao, nông dân Châu Thành vẫn kiên trì cải tạo vườn, chuyển sang trồng các giống nhãn khác có khả năng chống chịu bệnh chổi rồng, cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: Xuồng cơm vàng, Phú Quý, Thạch Kiệt, IDOR...

Nhờ đó, cây nhãn vẫn đang phát triển tốt trên vùng đất Châu Thành, nhất là các vùng cồn, ven sông như: An Nhơn, An Hiệp và Tân Nhuận Đông với tổng diện tích hơn 3.500 ha, chiếm hơn 50% diện tích các loại cây ăn trái khác trong toàn huyện.

Hiện nay, trái nhãn Châu Thành không chỉ có mặt khắp thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng hơn 200 tấn.

Sản phẩm nhãn Châu Thành được cấp giấy chứng nhận sẽ là cơ hội để nông dân trong huyện mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị kinh tế của trái nhãn, góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn và phát triển kinh tế địa phương. Đây còn là cơ hội để địa phương phát triển thương hiệu, từng bước quảng bá rộng rãi sản phẩm ra thị trường ngoài nước.

Ông Huỳnh Văn Thông, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục xây dựng nhãn hiệu đối với một số sản phẩm chủ lực khác như: chanh, khoai lang… nhằm tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nhanh, bền vững, gắn với thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.

NHỰT TRUNG

Khai mạc tuần lễ vải thiều tại Hà Nội

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

“Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang” tại Hà Nội năm 2016 đã chính thức khai mạc tại siêu thị Big C.

Ngày 24/6, “Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang” tại Hà Nội năm 2016 đã chính thức khai mạc tại siêu thị Big C.

Thông tin Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bên cạnh việc bày bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị, hệ thống chợ truyền thống, trong thời gian này, nhiều điểm tiêu thụ vải Lục Ngạn cũng sẽ được tổ chức.

Từ nay đến cuối tháng 6, các DN Hà Nội tham gia “Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang” dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải. Cụ thể, lượng vải tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C miền Bắc sẽ tăng 30% so với năm trước (năm 2015 tiêu thụ 300 tấn); Hapro khoảng 100 tấn; tại chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên sẽ tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn… Không chỉ tiêu thụ vải tại thị trường nội địa, ngay trong những ngày đầu tháng 6, Big C đã xuất khẩu thành công hơn 1 tấn quả vải tươi sang thị trường Pháp.

Thu Hương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop