Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 07 năm 2017

Đồng Tháp: Triển khai sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn GAP

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Lễ thành lập Hợp tác xã và triển khai đề án sản xuất nhãn theo quy trình VietGap tại Canh Tân Hội Quán, ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp.

Nhãn An Hòa sản xuất theo tiêu chuẩn GAP

Ngày 25-7, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, cùng lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành liên quan đã đến dự buổi Lễ thành lập Hợp tác xã (HTX) và triển khai đề án sản xuất nhãn theo quy trình VietGap tại Canh Tân Hội Quán, ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành.

Canh Tân Hội Quán sau hơn 1 năm hoạt động đã mang lại những kết quả khả quan. Nhiều nông dân được tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất trái nhãn sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi châu Âu, châu Á...

Tiến sĩ Trần Văn Hâu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, để trái cây ngày càng đi xa thì sản xuất tiêu chuẩn GAP là hướng đi tất yếu, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng để hướng tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường cán bộ quản lý NN-PTNT II (Bộ NN-PTNT) đã tư vấn cho nông dân về nguyên tắc, trình tự sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm cho nông sản; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

Theo ông Trương Văn Rồi, Giám đốc HTX Nhãn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, 3 ấp cù lao An Hòa, Tân Hòa, Tân An (xã An Nhơn) có hơn 370 ha trồng nhãn, mỗi năm cung ứng hàng trăm tấn nhãn cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Nay sản xuất đồng loạt theo tiêu chuẩn GAP sẽ giúp trái nhãn Châu Thành xuất vào những thị trường khó tính.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, địa phương luôn sẵn sàng tạo điều kiện giúp nông dân “xứ nhãn Châu Thành” sản xuất hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để đưa trái nhãn sạch Châu Thành xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới…

Nông dân đến dự buổi lễ

Lâm Ngọc

Trồng nhãn theo phương pháp mới

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

Vừa qua, anh Nguyễn Văn Phi ở xã Tiền Phong, huyện Ân Thi, Hưng Yên được Ban tổ chức hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất, cấp bằng chứng nhận “Trồng cây ăn quả theo phương pháp mới”.

Phương pháp trồng cây ăn quả mới của anh Phi là: Trồng 3 - 5 cây nhãn giống/1 hốc theo thế chân kiềng, trong đó có 1 cây giống là nhãn chất lượng cao (cây chính), các cây còn lại đều là giống nhãn chất lượng thấp (cây phụ).

Cây nhãn trồng ba gốc rồi ghép tạo thân tán

Sau trồng hơn 2 tháng, khi các cây giống đã sinh trưởng ổn định, tiến hành ghép áp các cây giống với nhau ở vị trí thân cây mang màu bánh tẻ. Sau 1 tháng, khi điểm tiếp hợp của vết ghép đã tương thích, cắt bỏ ngọn các cây nhãn phụ, để lại cây nhãn chính. Cây nhãn chính được nuôi bởi 3 - 5 bộ rễ gốc, nên sinh trưởng, phát triển khoẻ gấp bội so với cây nhãn trồng 1 hốc/1 cây.

Chỉ sau 1 năm xuống giống, mỗi cây nhãn trồng theo phương pháp mới, đã có thể cho tới 10kg quả, tương đương gần 1 tạ thóc. Sau 2 năm bộ tán cây đã có thể lớn gấp 3 lần bộ tán cây nhãn trồng 1 cây/1 hốc. Theo đó, năng suất quả cũng gia tăng tương ứng.

Từ năm thứ 3 trở đi vườn nhãn đã chuyển sang thời kỳ khai thác kinh doanh cao sản. Tuy nhiên, do cây nhãn trồng theo phương pháp mới sinh trưởng rất khoẻ, nên cần phải gia tăng cân đối đủ lượng phân bón các loại và theo dõi phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.

Kết quả, trồng nhãn theo phương pháp mới, đã rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây từ 5 - 6 năm xuống còn 3 năm. Khả năng chống đổ của nhãn rất tốt vì có thêm bộ rễ từ các cây phụ trợ. Mở ra triển vọng mới cho nghề thâm canh cây ăn quả nói chung, cây nhãn nói riêng.

Bên cạnh sáng tạo ra kỹ thuật trồng nhãn mới, anh Phi còn tích luỹ được nhiều kinh nghiệm điều khiển cho cây nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Và làm chủ mọi kỹ năng chiết, ghép nhân giống nhãn.

Theo anh Phi, để cho nhãn ra hoa đậu quả, nên khống chế lộc đông trên cây từ sau tiết Đông chí. Nếu khống chế lộc đông sớm hơn tiết Đông chí, cây nhãn sẽ ra hoa sớm, gặp mưa xuân làm ướt phấn hoa, ảnh hưởng đến khả năng đậu quả, năng suất quả trên cây, có thể gây mất mùa.

Trên các giống nhãn, thì giống T2; T6; Hương chi, có thể dùng Kaliclorat (KCN03) để điều khiển cho cây nhãn ra hoa, các giống Đường phèn, Muộn Khoái Châu phải dùng phương pháp xiết nước, chặn rễ, khoanh vỏ thân/cành mới hiệu quả.

Bằng những biện pháp kỹ thuật nêu trên, vườn nhãn nhà anh Phi chỉ sau trồng 3 năm đã cho thu 4 - 5 tấn quả/1 mẫu 3.600m2. Và hầu như không năm nào bị mất mùa.

Trò chuyện với chúng tôi anh Phi tâm sự: Sở dĩ anh đi sâu làm chủ nhiều kỹ thuật trên cây nhãn là do, khoảng đầu năm 1990, khi đi mua nhãn giống để trồng trong vườn nhà, anh đã bị mua phải cây giống “rởm”. Thay vì, oán trách người bán, anh Phi đã tìm mua sách báo hướng dẫn về kỹ thuật chiết ghép nhân giống cây nhãn, rồi tự mày mò gieo hạt, tuyển các mắt nhãn ngon ở địa phương để lai ghép cây giống. Sau nhiều lần lai ghép nhãn thất bại, cuối cùng anh cũng tự sản xuất thành công nhãn giống trồng cho gia đình.

Trong chiết, ghép nhân giống cây nhãn, anh Phi cũng có nhiều kỹ năng vượt trội như, có thể ghép cây trong mọi điều kiện thời tiết (trừ khi đang mưa), tỷ lệ mắt sống sau mắt ghép vẫn đạt trên 90%, hoặc ghép cải tạo giống cho vườn nhãn ngay lên đoạn thân/cành cây mới cắt có đường kính tới 15cm, mắt nhãn vẫn tiếp hợp tốt, sinh trưởng rất khoẻ (quy trình ghép cải tạo trên cây nhãn hiện nay là, cắt bỏ ngọn thân/cành, chờ vết cắt trên cây ra mầm và phát triển thành cành mới màu bánh tẻ, tiếp tục cắt bỏ ngọn cành mới, rồi tiến hành ghép mắt giống theo yêu cầu, quá trình này cần thời gian 4 - 6 tháng).

Ngoài ra, anh Phi cũng là một trong số rất ít người trên miền Bắc sản xuất thành công cây mít giống bằng phương pháp ghép mắt.

Càng phấn khởi hơn, sau hơn 20 năm, một trong số các cây nhãn do anh tự ghép trồng và chăm sóc, đã được Hội đồng bình tuyển nhãn lồng Hưng Yên cấp bằng công nhận là cây nhãn giống đầu dòng của tỉnh. Phát huy thành quả đạt được, anh Phi đã mở thêm nghề sản xuất, kinh doanh cây nhãn giống, mỗi năm sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 5.000 cây nhãn giống ưu tú các loại, ước thu đạt trên 100 triệu đồng.

Nguyễn Hải Tiến

Thu hơn 1 tỷ đồng từ 300 cây bơ Cuba

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Năm 2013, anh Lê Văn Hưng ở thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã mạnh dạn đưa 300 cây bơ giống Cuba vào trồng xen tại vườn cà phê có diện tích 3,5 ha của mình. Sau 2 năm chăm sóc, vườn bơ đã cho thu bói và hiện đang bước vào giai đoạn kinh doanh, với giá bán ra thị trường lên đến 80.000 đồng/kg.

Chỉ trồng xen trong vườn cà phê, nhưng mỗi năm gia đình anh Hưng thu về hơn 1 tỷ đồng từ bơ Cuba

Theo anh Hưng, trước đây vườn rẫy của gia đình chỉ trồng thuần cà phê, nhưng giá cả lại thất thường, khiến anh ngày đêm suy nghĩ nên trồng cây gì cho hiệu quả. May mắn là năm 2012, hội thảo chuyên ngành nông nghiệp được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk và anh đã có dịp tham dự. Tại đây, anh được nghe các chuyên gia giới thiệu về nguồn gốc, ưu điểm nổi bật của giống bơ Cuba nên đã mạnh dạn mua 300 cây bơ giống về trồng xen ở vườn rẫy của gia đình.

Nhờ phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, cộng với việc được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên cây bơ Cuba đã nhanh chóng đem lại hiệu quả. Cây bơ có trái đến đâu, thương lái trong và ngoài tỉnh đến đặt mua đến đó, thậm chí “cháy hàng”. Thị trường tiêu thụ quả bơ là Hà Nội và các tỉnh thành phía Nam.

Theo anh Hưng, bơ Cuba có ưu điểm là cây thấp, tán nhỏ, nhiều quả, nhỏ hạt. Thời điểm thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 7. Khi bơ chín, cơm có màu vàng, dẻo, thơm béo ngậy, vỏ dễ bóc và thời gian bảo quản lâu mà không bị thâm đen như các loại bơ thông thường. Đặc biệt, cơm bơ cứng có thể nạo, thái, nên có thể chế biến được các món ăn khác nhau như salat, gỏi... Mỗi trái bơ nặng gần 1 kg (loại 1) hoặc 2 trái/1kg. Hiện tại, trung bình mỗi cây bơ cho năng suất khoảng 100 kg/năm, nhưng đến khi cây khoảng 5-6 tuổi thì năng suất bơ sẽ cao hơn nhiều. Nếu tính mức giá trung bình 80.000 đồng/kg, một cây bơ cũng cho thu nhập cả chục triệu đồng và với 300 cây, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 1 tỷ đồng.

Anh Hưng cho biết: “Ngoài mỗi năm thu về hơn 10 tấn nhân cà phê, khi trồng xen thêm cây bơ, sản lượng cà phê không giảm, mà lại thu hoạch thêm hàng chục tấn bơ, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần”.

Với đặc tính cơm vàng, dẻo, béo, hạt nhỏ..., bơ Cuba rất được người tiêu dùng ưa chuộng

Thấy giống bơ mới cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều doanh nghiệp và bà con trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, đặt vấn đề mua chồi và cây giống. Theo đó, anh Hưng đã nghiên cứu ghép chồi, nhân giống để bán. Hiện nay, tỷ lệ ghép bơ giống đạt 98%. Để cho ra được cây giống tốt, cây mẹ khi ghép phải có năng suất cao, độ tuổi một năm, thường có lá già và ngọn chuẩn bị phóng đọt lá lần thứ hai. Trung bình mỗi năm, anh Hưng bán hàng vạn chồi và cây giống, với giá 60.000 đồng/cây.

Cũng theo anh Hưng, hiện tại, giống bơ Cuba rất được bà con ưa chuộng và đưa vào trồng đại trà. Nếu trồng thuần, 1 ha có thể trồng từ 400-500 cây, còn trồng xen cũng không ảnh hưởng gì đến năng suất, chất lượng của cây trồng chính trong vườn. Do đó, sau khi xem vườn bơ của anh Hưng, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã đến mua giống về trồng với diện tích lên đến hàng ngàn cây. Đơn cử như các anh Nguyễn Văn Khanh, Nhữ Văn Võ ở thôn Tân Phú, mỗi gia đình trồng hơn 1.000 cây.

Với hiệu quả mà cây bơ Cuba mang lại, hiện tại anh Hưng đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích và ươm giống; đồng thời tiến hành đăng ký độc quyền nhãn hiệu bơ Cuba tại tỉnh Đắk Nông.

Mỹ Hằng

Mở ra cơ hội xuất khẩu tôm tươi nguyên con và thanh long vào Australia

Nguồn tin: Báo Chính phủ

Quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đã bày tỏ ủng hộ đề xuất tạo thuận lợi cho Việt Nam sớm xuất khẩu tôm tươi nguyên con và trái thanh long vào thị trường này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia Barnaby Joyce. Ảnh: VGP/Thành Chung

Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã hội đàm với Quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia Barnaby Joyce; làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Steven Ciobo bàn về kế hoạch hợp tác, đầu tư giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Quyền Thủ tướng Australia, ông Barnaby Joyce đánh giá cao Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang phát triển năng động và có vai trò tích cực ở khu vực Đông Nam Á, khẳng định dành ưu tiên cao cho quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng Australia Banarby Joyce cùng các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư sâu rộng hơn nữa, nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều (hiện đang đạt khoảng hơn 5 tỷ USD/năm), tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau như nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng cơ sở, công nghệ sáng tạo...; nhất trí giao các bộ, ngành liên quan của hai nước xây dựng các nội dung cụ thể để thiết lập cơ chế đối thoại ở cấp Bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, hướng tới việc hình thành quan hệ Đối tác Kinh tế trong thời gian tới.

Hai bên cũng nhất trí tham vấn và trao đổi thông tin nhằm từng bước dỡ bỏ rào cản thương mại đối với các sản phẩm nông sản, thủy sản; thúc đẩy liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi sản xuất-cung ứng, tạo ra giá trị gia tăng cao đối với các sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần vào việc nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân hai nước.

Quyền Thủ tướng Australia Banarby Joyce và ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu - nơi có vùng nuôi tôm tập trung lớn nhất nước. Ảnh: VGP/Thành Chung

Quyền Thủ tướng Banarby Joyce và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo khẳng định, Australia sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hỗ trợ các mặt hàng trái cây nhiệt đới, tôm nguyên liệu không qua chế biến đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Australia.

Trên thực tế, tôm là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường Australia. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tôm (qua chế biến) chiếm khoảng 32,2% thị phần nhập khẩu tôm của Australia, là nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này. Tuy nhiên, mặt hàng tôm nguyên liệu chưa qua chế biến làm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp Việt Nam chưa được phía bạn cấp phép nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, việc Australia khẳng định hỗ trợ tôm tươi nguyên con, các sản phẩm tôm qua chế biến đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Australia sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp nuôi, chế biến tôm xuất khẩu và bà con nông dân Việt Nam.

Với trái cây, Quyền Thủ tướng Australia và Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng đồng tình với đề nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỗ trợ trái thanh long của Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào Australia trong năm 2017. Nếu được cấp phép, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm hiện nay được cấp phép nhập khẩu thanh long vào thị trường Australia.

Ngoài ra, phía Australia cũng bày tỏ quan tâm hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu nhãn, vú sữa, chôm chôm và chanh dây trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc vơi Bộ trưởng Thương mại Australia. Ảnh: VGP/Thành Chung

Tại các cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy các mối liên kết kinh tế, thương mại ở khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; nhất trí tăng cường hợp tác với các nước nhằm tìm hướng đi phù hợp cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Australia đánh giá cao vai trò chủ nhà của Việt Nam trong Năm APEC 2017; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.

Thay mặt các lãnh đạo Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã nhận lời mời tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC.

Thành Chung

Hậu Giang: Hơn 400ha mía bị nhiễm sinh vật gây hại

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Niên vụ mía 2017-2018, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuống giống gần 10.800ha. Hiện tại, các rẫy mía trong giai đoạn vươn lóng (từ 6-8 tháng tuổi) và đây là thời điểm thuận lợi cho sinh vật gây hại tấn công. Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có 400ha mía bị nhiễm các loại sinh vật gây hại, trong đó phổ biến là bọ trĩ, sâu đục thân, chuột, rệp sáp, rầy đầu vàng, bệnh rỉ sắt, bệnh thối đỏ thân đang gây hại rải rác trên các rẫy mía ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh.

Nông dân cần thường xuyên đánh lá mía để tạo sự thông thoáng, giảm sâu bệnh tấn công.

Trước tình hình mưa dầm do ảnh hưởng bão số 2 vừa qua, ngành nông nghiệp dự báo các loại dịch hại trên có khả năng tiếp tục lây lan sang diện rộng, nhất là sâu đục thân và bệnh thối đỏ thân. Do đó, để tránh ảnh hưởng dịch hại, đảm bảo năng suất mía khi thu hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm rẫy, đánh lá mía để tạo sự thông thoáng, giúp cây mía khỏe, kháng sâu bệnh và chuột cắn phá. Bên cạnh đó, cần chú ý khơi thông các mương mía khi có mưa dầm nhằm tránh tình trạng ngập úng quá lâu...

Tuấn Phát

Đầu ra cho rau muống nước VietGAP

Nguồn tin: Khuyến nông TPHCM

Hiện nay, vấn đề VSATTP đang được cả xã hội quan tâm. Bên cạnh các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa,... rau xanh là đối tượng mà người tiêu dùng quan tâm hàng đầu, nhất là rau ăn lá vì được chế biến đơn giản, thậm chí một số loại dùng để ăn sống trực tiếp như rau muống nước. Do vậy, để tạo sản phẩm an toàn cung ứng cho thị trường, tạo được sự an tâm đối với người tiêu dùng, thành phố HCM tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng rau muống nước theo quy trình VietGAP tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn và xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Trong đó, đơn vị Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã triển khai xây dựng mô hình “Trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP”, với tổng diện tích là 132,75ha/337,5hagồm 146 hộ tham gia/400 hộ đang sản xuất. Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã chứng nhận VietGAP cho 67 cơ sở, gồm xã Nhị Bình 20 cơ sở và xã Bình Mỹ 47 cơ sở, với tổng diện tích canh tác là 55,55ha (Nhị Bình là 14,1ha và Bình Mỹ là 41,45ha) tương đương 444,4ha diện tích gieo trồng (Nhị Bình 112,8ha và Bình Mỹ 331,6ha). Ước tính sản lượng đạt khoảng 8.888 tấn rau/năm, trong đó xã Nhị Bình là 2.256 tấn/năm, xã Bình Mỹ là 6.632 tấn/năm.

Để giúp người nông dân trồng rau muống nước an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, thành phố đã quan tâm và hỗ trợ tích cực trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm, cụ thể là mỗi ngày Tổ hợp tác rau muống nước xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn cung cấp ra thị trường cho các công ty, cửa hàng, Hợp tác xã với sản lượng bình quân 1.500 kg/ngày, giá bán chưa sơ chế là 5.000 đ/kg, sản lượng còn lại đưa vào các chợ đầu mối, với giá 3.500 - 4.000 đ/kg; ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng tham gia thu mua rau cho nông dân như Cửa hàng Bách Hóa Xanh đã thu mua 800 kg/ngày, giá chưa sơ chế là 5.000 đ/kg và đã qua sơ chế là 7.500 đ/kg; Công ty Sông Xanh 200 kg/ngày, giá thu mua chưa sơ chế là 5.000 đ/kg; Hợp tác xã Mai Hoa 200 kg/tuần, giá chưa qua sơ chế là 5.000 đ/kg và một số cửa hàng, công ty khác thu mua bình quân 200 - 300 kg/ngày, với giá thu mua chưa qua sơ chế là 5.000 đ/kg. Riêng tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi đa số các cơ sở sản xuất rau muống nước được chứng nhận VietGAP chủ yếu bán cho các điểm tập kết trên địa bàn xã, giá bán khoảng 3.500 - 4.000 đ/kg.

Đạt được kết quả trên là nhờ sự mạnh dạn của bà con nông dân trong việc thay đổi tập quán canh tác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất đã được tập huấn, tạo ra sản phẩm rau muống nước an toàn; tạo sự tin tưởng, hợp tác lâu dài và bền vững giữa doanh nghiệp thu mua với nông dân trồng rau và bên cạnh đó là sự hỗ trợ giúp đỡ từ các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố và chính quyền địa phương.

ThS. Liễu Kiều

Năng suất đậu phộng theo mô hình chuyển đổi cây trồng đạt 48 tạ/ha

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân tham quan mô hình trồng đậu phộng L14 tại thôn Triều Sơn - Ảnh: Lê Trâm

Ngày 24/7, tại xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu), Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tổ chức hội thảo mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng (đậu phộng) trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả.

Theo báo cáo tại hội thảo, vụ hè thu 2017, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên phối hợp với UBND xã Xuân Thọ 2 triển khai mô hình trồng đậu phộng L14 tại thôn Triều Sơn trên diện tích 5ha, với 41 hộ nông dân tham gia.

Trong thời gian sinh trưởng, giống đậu phộng L14 có khả năng phân cành nhiều, năng suất đạt 48 tạ/ha, lợi nhuận đạt trên 10,2 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu trồng lúa thì năng suất chỉ từ 35-40 tạ/ha, nông dân lỗ vốn và công đầu tư. Đặc biệt mô hình này được Viện Khoa học Kỹ thuật Duyên hải Nam Trung Bộ ký hợp đồng thu mua toàn bộ đậu phộng tươi theo giá thị trường.

Lê Trâm

Bệnh khô vằn, nhện gié gây hại lúa trên diện rộng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Tính đến ngày 24/7, hơn 7.600 ha lúa, chiếm khoảng 27% diện tích lúa toàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị nhiễm các loại sâu bệnh.

Nông dân HTX Phú Thanh phòng trừ sâu bệnh

Lây lan trên diện rộng

Cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, hàng ngàn ha đã đứng cái, đẻ nhánh và một số diện tích đã trổ, song đang đối diện với nạn sâu bệnh hoành hành có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Chị Phạm Thị Phượng ở xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) cho biết: “Từ khi xuống giống được chừng 20 ngày thì sâu bệnh bắt đầu xuất hiện, dù đã phun thuốc phòng trừ nhưng vẫn ngày càng lây lan. Chỉ trong vòng 2 tuần nay, bệnh rầy nâu sinh trưởng, gây hại lúa với mật độ khá dày, rất khó xử lý”.

Theo chị Phượng, hầu như vụ lúa nào cũng bị bệnh rầy nâu, nhưng vụ hè thu này rầy nâu gây hại khá nặng. Các loại thuốc đặc trị đã được người dân sử dụng để phun phòng trừ nhưng hiệu quả không cao. Kinh nghiệm của người dân cho thấy, bệnh rầy nâu thường xuất hiện từ giữa đầu vụ đến cuối vụ. Đây là thời điểm cây lúa làm đòng, đẻ nhánh và trổ nên nguy cơ thiệt hại rất cao.

Sâu cuốn lá nhỏ cũng đang có chiều hướng lây lan khá nhanh trong những ngày gần đây. Bệnh nhện gié, khô vằn trên cây lúa cũng đang diễn biến phức tạp trên diện tích khá lớn với mật độ khá cao.

Nông dân Quảng Lợi phun thuốc trừ sâu bệnh

Chị Trần Thị Mai ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thắng Lợi (Quảng Điền) nói: “Năm nay bệnh khô vằn, nhện gié xuất hiện, gây hại trên diện rộng. Các loại bệnh này tuy không nguy hiểm như rầy nâu nhưng nếu không có biện pháp xử lý triệt để, hiệu quả thì năng suất, chất lượng lúa không cao. Nông dân triển khai các biện pháp như hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp nhưng bệnh vẫn cứ lây lan”.

Tích cực ứng phó

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy Thanh 2 Phùng Quang Thạnh cho biết, toàn HTX có khoảng 500 ha lúa thì có đến 30% diện tích bị rầy nâu hoành hành với mật độ 750 -1.500 con/m2. HTX đang tích cực kiểm tra, nắm bắt tình hình, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân, hộ thành viên đồng loạt ra quân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, phương châm của HTX là hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi thông tin: Trên địa bàn có khoảng một nửa diện tích của gần 500 ha bị sâu bệnh hoành hành. Trong vòng 2 tuần nay là thời kỳ “cao điểm” của sâu bệnh. Chính quyền địa phương cử cán bộ khuyến nông, phối hợp với các HTX vận động, hướng dẫn người dân tích cực bám đồng ruộng để theo dõi, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho rằng, rầy nâu cũng như các loại sâu bệnh trên lúa rất khó phòng trừ một cách triệt để.

Thống kê sơ bộ, có hơn 32% diện tích trong tổng diện tích trên 4.000 ha lúa toàn huyện bị các loại sâu bệnh gây hại khá nặng. Vài ngày gần đây, một số diện tích bị nhiễm sâu bệnh có dấu hiệu giảm, nhưng phương châm của ngành nông nghiệp huyện là không chủ quan, tiếp tục bám đồng ruộng để xử lý nhằm hạn chế thiệt hại mức thấp nhất.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh thông tin, tính đến ngày 24/7, khoảng 7.600 ha lúa, chiếm khoảng 27% diện tích lúa toàn tỉnh bị nhiễm các loại sâu bệnh. Trong đó, rầy nâu có đến 2.500 ha bị nhiễm bệnh với mật độ trung bình trên 1.000 con/m2, nơi cao đến 3.000-5.000 con/m2. Diện tích bị nhiễm tập trung ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế.

Các loại sâu bệnh như nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, sâu đục thân, bọ phấn, chuột, thối bẹ, sọc vi khuẩn, bạc lá... gây hại ở mức độ, tỷ lệ thấp. Chi cục TT&BVTV phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến và triển khai các biện pháp phòng trừ, với phương châm “bốn đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.

Theo hướng dẫn của Chi cục TT&BVTV tỉnh, đối với rầy nâu, người dân cần sử dụng các loại thuốc: Phimetrozyne, Nitempyram, Dinotefuran... để phun phòng trừ; sâu cuốn lá, nhện gié... cần sử dụng các loại thuốc Dilen 10EC, Nauvo 3.6EC, Vimatox 1.9EC để phun. Cứ sau 2-3 ngày kiểm tra một lần, nếu sâu bệnh vẫn chưa thuyên giảm thì tiếp tục phun thuốc cho đến khi bệnh giảm dần.

Hoàng Triều

Bình Phước: Chủ cơ sở trộn tạp chất vào hạt tiêu bị phạt 87 triệu đồng

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Ngày 23-7, Công an huyện Phú Riềng (Bình Phước) cho biết đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng đối với ông Lê Văn Long, 31 tuổi, hộ khẩu thường trú khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh, tạm trú thôn Bình Điền, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng.

Lực lượng công an thu giữ tang vật trước sự chứng kiến của đông đảo người dân

Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 6 giờ sáng ngày 25-3-2017, qua kiểm tra điểm thu mua hạt tiêu tại thôn Bình Điền, xã Bình Sơn do ông Long làm chủ, lực lượng Công an huyện Phú Riềng bắt quả tang ông Long đang điều hành 2 người làm thuê (Dư Công Hoàng, 49 tuổi, trú tỉnh Thanh Hóa và Lê Ích Tư, 37 tuổi, trú xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập) đang pha trộn các loại tạp chất không có nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, nấu trong 2 chiếc nồi lớn để tạo thành một loại tạp chất dẻo, màu nâu sẫm, có mùi hôi. Sau đó, trộn tạp chất với hạt tiêu lép theo công thức 1 nồi tạp chất 60 lít trộn với 60kg hạt tiêu lép rồi phơi khô để biến hạt tiêu lép thành tiêu có trọng lượng nặng hơn và màu đen hơn.

Chủ cơ sở Lê Văn Long bên đống hạt tiêu đã pha trộn tạp chất

Qua làm việc, cơ quan công an xác định mỗi ngày ông Long cho nấu tạp chất và pha trộn được hơn 200kg hạt tiêu lép (tăng trọng lượng lên khoảng 250kg) thu lãi sau khi bán trên 2,5 triệu đồng. Số hạt tiêu sau khi pha trộn xuất bán cho các thương lái, rồi đem tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Qua trình kiểm tra, chủ cơ sở cũng không xuất trình được các loại giấy tờ đăng ký kinh doanh mua bán hạt tiêu. Tang vật lực lượng công an thu giữ gồm 16 bao tinh bột màu vàng trọng lượng 315kg; 1 bịch tinh bột màu đỏ sẫm 1,9kg; 854kg hạt tiêu đã trộn tạp chất.

Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng đã ra quyết định phạt 87 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là phải tiêu hủy tang vật trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định.

Văn Thủy - Huấn Lê

Cát Tiên (Lâm Đồng): Trên 70 tỷ đồng thiệt hại từ cây điều

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Thống kê của ngành chức năng huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) cho biết tổng cộng có 6.629,7 ha trong tổng số 7.064,6 ha điều đang canh tác trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề trong mùa điều 2017 (chiếm trên 93,8% diện tích) với 3.837 hộ trồng điều bị ảnh hưởng.

Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng dưới 30% trên 187 ha, ảnh hưởng từ 30 - 70% trên 647 ha và diện tích ảnh hưởng trên 70% nhiều nhất với 5.794 ha. Tổng thiệt hại từ cây điều trong niên vụ này trên địa bàn Cát Tiên khoảng 70,267 tỷ đồng.

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, tỉnh đã hỗ trợ Cát Tiên 15.444 lít hóa chất bảo vệ thực vật để phun thành 3 đợt với tổng diện tích được phun 8.580 ha. Tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp người trồng điều gần 430 triệu đồng để mua nhiên liệu sử dụng cho phun thuốc.

Cát Tiên hiện đang triển khai phương án khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, tập trung lồng ghép các nguồn lực để khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người trồng điều, trọng tâm là chuyển đổi diện tích điều bị già cỗi bị bệnh sang tái canh cây điều ghép cao sản, cây công nghiệp, trồng keo; xây dựng các mô hình thâm cạnh cây điều gắn với hình thành các tổ hợp tác nhằm đổi mới hình thức sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất cây lương thực, chăn nuôi, gắn với chính sách tín dụng ưu đãi.

Cát Tiên cũng đang đề nghị tỉnh hỗ trợ thiệt hại cho người trồng điều trên huyện với tổng kinh phí trên 24,4 tỷ đồng.

Viết Trọng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop