Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 2 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 2 năm 2019

Thị trường chuối: Thu hoạch sớm, xuất khẩu chậm

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Ngay sau Tết Nguyên đán 2019, nhiều nhà vườn đã bắt đầu “đóng” chuối già cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Năm nay, chuối xuất khẩu vào vụ thu hoạch sớm hơn mọi năm, nguồn cung dồi dào nên giá chuối bán tại vườn chỉ từ 6-8 ngàn đồng/kg, giảm gần 10 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều nhà vườn hồi hộp vì vào đầu vụ, giá chuối thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh chụp tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom)

Theo các thương lái, tại nhiều thị trường xuất khẩu năm nay, tình hình tiêu thụ chuối chậm hơn mọi năm. Trong đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc cũng không còn rộng cửa như trước, do đó chuối Việt Nam lại phải cạnh tranh với nhiều nước lân cận. Mặt khác, vụ thu hoạch năm nay, diện tích trồng chuối tăng quá nhanh nên đầu ra cũng nhiều rủi ro hơn.

* Giá chưa bằng một nửa năm ngoái

Thời điểm này năm 2018, các vườn chuối cho thu hoạch chưa nhiều. Trong khi đó, Trung Quốc và nhiều thị trường khác đều “ăn” hàng mạnh do mất mùa chuối là nguyên nhân khiến giá chuối già xuất khẩu bị đẩy lên cao, có lúc lên đến 15-17 ngàn đồng/kg.

Theo ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai), vụ chuối năm nay toàn huyện có 400 hécta chuối già xuất khẩu, tăng gấp đôi so với vụ năm ngoái. Để trái chuối có đầu ra ổn định, địa phương đã làm việc với Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân trồng chuối của địa phương với diện tích khoảng 50 hécta. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ liên kết với nông dân tại địa phương để đầu tư cánh đồng lớn cho cây chuối xuất khẩu.

Khảo sát tại nhiều địa phương có diện tích chuối già lớn cho thấy vụ chuối năm nay, nguồn cung dồi dào hơn do nông dân đầu tư trồng chuối nhiều nên từ trước Tết Nguyên đán 2019, nhiều nơi đã bắt đầu đóng hàng xuất khẩu và hiện nhiều nhà vườn đã cho thu hoạch.

Nhận định về thị trường xuất khẩu chuối năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ vựa chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) cho biết: “Năm nay, tình hình xuất khẩu chuối khó khăn hơn cùng kỳ năm ngoái. Áp lực cạnh tranh lớn, thị trường lại rủi ro hơn nên vụ này, tôi không tham gia “đóng” hàng nhiều như mọi năm”.

Ông Vy Đức Hiền, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ chuối xuất khẩu Tân Thành (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Năm nay xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khó khăn hơn vì họ yêu cầu truy xuất nguồn gốc và làm kiểm dịch thực vật chặt chẽ hơn. Gốc là thương lái nhưng tôi vừa liên kết với một số nhà vườn thành lập Tổ hợp tác xuất khẩu vì muốn làm xuất xứ và làm nhãn hàng riêng để tổ chức xuất khẩu trái chuối một cách bền vững hơn”.

* Rủi ro “ế hàng” cao

Cũng theo ông Hiền dự báo, giá chuối xuất khẩu năm nay khó đạt mức cao như cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung từ các nước khá dồi dào. Việt Nam lại khó cạnh tranh được về giá thành vì nhiều nước đã đầu tư trồng theo hướng công nghiệp với quy mô lớn. Tại Đồng Nai và một số tỉnh thành lân cận, thời gian gần đây, diện tích trồng chuối cũng đang tăng nóng. Thị trường xuất khẩu cũng cạnh tranh gay gắt hơn, tạo ra rủi ro lớn về đầu ra cho mặt hàng này.

Ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, hợp tác xã vừa xuất khẩu được 1 container chuối sang thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên đầu vụ năm nay, các đối tác Hàn Quốc cũng chậm nhập hàng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

“Năm nay, diện tích chuối xuất khẩu của hợp tác xã tăng gấp 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến từ tuần sau, chúng tôi có thể cung cấp được khoảng 10 container chuối xuất khẩu/tuần. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng tìm đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này” - ông Đồng nói.

Bình Nguyên

Trồng chuối cấy mô, nông dân Lào Cai thu hơn 113 tỷ đồng

Nguồn tin: VOV

Năm vừa qua, chuối cấy mô ở huyện Mường Khương (Lào Cai) được mùa, được giá, thu hoạch đạt 17.400 tấn, giá trị trên 113 tỷ đồng.

Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai có khoảng 1.300 ha chuối cấy mô, trong đó gần 900 ha đang cho thu hoạch. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, năm vừa qua chuối được mùa và giá cả ổn định, tổng sản lượng thu hoạch đạt 17.400 tấn, giá trị trên 113 tỷ đồng.

Chuối cấy mô Mường Khương được mùa, được giá. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Cây chuối cấy mô được trồng tại huyện Mường Khương cách đây 20 năm, tập trung ở các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Thanh Bình, Bản Xen. Giống và kỹ thuật sản xuất được người dân trao đổi từ các địa phương của huyện Hà Khẩu (Trung Quốc).

Chuối cấy mô phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác của đồng bào địa phương, chi phí sản xuất thấp, giá trị kinh tế khá cao. Mấy năm gần đây, ngoài diện tích hiện có, bà con đã mở rộng diện tích trồng chuối trên đất trồng ngô kém hiệu quả./.

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc

Phụng Hiệp (Hậu Giang): Cam sành tiếp tục tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Những ngày gần đây, nhà vườn trồng cam ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã phấn khởi trở lại khi thương lái vào tận vườn thu mua cam loại 1 với giá từ 10.000-11.000 đồng/kg, loại 2 có giá 7.000-8.000 đồng/kg, đối với loại cam xô giá 6.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời điểm trước đây 4 tháng.

Mặc dù giá tăng trở lại nhưng để có cam tiêu thụ thời điểm này là không dễ. Bởi theo các nhà vườn trồng cam ở thị trấn Cây Dương, do hiện nay cam vào thời điểm cuối vụ, nhiều vườn cam không còn trái để bán. Mặt khác, do thời gian qua giá cam giảm mạnh làm cho nhiều nhà vườn không xử lý cam nghịch vụ nên sản lượng hiện nay là rất ít.

LÊ ĐĨNH

Giá trái mít Thái giảm nhưng vẫn còn ở mức cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Nông dân trồng mít Thái đang rất phấn khởi do giá trái mít Thái liên tục duy trì ở mức khá cao trong nhiều tháng qua. Hiện giá mít Thái loại 1 (khoảng 9kg/trái trở lên) được nhiều tiểu thương và vựa trái cây ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thu mua ở mức 55.000 đồng/kg; còn mít Thái loại 2 có giá khoảng 45.000 đồng/kg.

Thu hoạch mít Thái tại một hộ dân ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo nhiều nhà vườn trồng mít, cách nay hơn 1 tháng, giá bán mít Thái tại nhiều địa phương lên đến 62.000-65.000 đồng/kg. Hiện nay, giá mít Thái dù có giảm so với trước nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với nhiều loại trái cây khác, giúp nhà vườn trồng mít có thu nhập rất tốt. Trái mít Thái bán được giá do được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc.

KHÁNH TRUNG

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá thanh long tăng mạnh sau Tết

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Thông thường, sau Tết, giá thanh long khá thấp do nhu cầu trong nước giảm mạnh. Tuy nhiên, năm nay, thời điểm này giá thanh long đột ngột tăng cao. Khảo sát tại các vùng Đất Đỏ, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), giá thanh long ruột trắng ở mức 20-22 ngàn đồng/kg, tăng 5-7 ngàn đồng; thanh long ruột đỏ có giá 35-38 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 7-8 ngàn đồng/kg so với trước Tết Nguyên Đán. Theo một số thương lái, nguyên nhân giá thanh long tăng là do thị trường Trung Quốc “ăn” hàng mạnh trong khi thanh long chưa đến thời điểm rộ vụ.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 230ha diện tích thanh long. Với giá như hiện nay, bà con trồng loại cây này có thể thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/vụ.

Thu hoạch thanh long tại vườn ông Nguyễn Tông Hạ, ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc.

QUANG VINH

Nông dân Gia Lai lao đao vì không tìm được đầu ra cho khoai lang Nhật

Nguồn tin: VOV

Mặc dù đã tới thời vụ thu hoạch, nhưng hơn 1.000 ha khoai lang của nông dân huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai vẫn không tìm được đầu ra.

3 ha khoai lang Nhật của gia đình anh Trần Văn Tuyến ở thôn Kim Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã qua thời vụ thu hoạch 10 ngày nhưng chủ vườn không tìm được thương lái thu mua.

Vì quá vụ, khoai bắt đầu mọc mầm và hà thối, anh Tuyến đành lòng tháo vốn bán cho những người buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ với mức giá bọt bèo là 5.000 đồng/1kg khoai to, 1.500 đồng/1kg khoai loại nhỏ.

Với lượng mua nhỏ giọt chừng 2 - 3 tấn mỗi đợt, anh Tuyến chỉ bán được một phần, mà buộc phải tự cày hoại 2/3 diện tích khoai còn lại để kịp trồng lúa.

“Có bán được đâu, đây là tôi bán khoai chợ, bán lẻ đi các đầu mối của các tỉnh, ngày họ mua được khoảng 2 đến 3 tấn. Nói chung, làm vụ khoai này sẽ bị nhỡ mất vụ. Nếu bán được hết thì cũng không lãi được, kiểu gì cũng lỗ” - anh Tuyến chia sẻ.

Anh Tuyến ở thôn Kim Môn, xã Chư A Thai chỉ bán được một phần khoai lang quá lứa thu hoạch và buộc tự hoại 2/3 diện tích để kịp trồng lúa.

Thôn Kim Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện có hơn 100 hộ dân trồng khoai lang Nhật, nhưng tới nay, mới chỉ có 5 hộ liên hệ được thương lái thu mua. Hầu hết các hộ đều trong hoàn cảnh bế tắc vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Bà Trịnh Thị Thuỷ, ở thôn Kim Môn cho biết vì không bán được, không có tiền thuê người dỡ, cho cũng không ai lấy, nên gia đình bà đành lòng cày băm nát 2 ha khoai tại ruộng để thay phân xanh trồng lúa. Thế nhưng, bà Thuỷ cho biết, vụ sau gia đình bà vẫn tiếp tục trồng khoai lang vì không có lựa chọn nào tốt hơn.

“Chưa biết được như thế nào, nếu bà con trồng khoai thì mình vẫn phải trồng. Năm nay đã lỗ rồi thì sang năm lại phải theo tiếp, đâm lao phải theo lao. Hi vọng năm sau, giá cả sẽ ổn định để bà con được nhờ” - bà Thuỷ nói.

Phần lớn trong tổng số gần 700 ha khoai lang Nhật của nông dân Phú Thiện, Gia Lai không có người thu mua.

Vụ này, toàn huyện Phú Thiện có gần 700 ha khoai lang, chủ yếu ở 2 xã Chư A Thai và xã Ia Sol. Trung bình với mỗi ha có chi phí đầu tư 50 - 60 triệu đồng. Đối với hộ thuê đất, chi phí này có thể lên tới 80 - 90 triệu đồng/1 ha. Vì không tìm được đầu ra cho khoai lang mà vụ này, người dân Phú Thiện thua lỗ nặng nề.

Ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết, người dân địa phương bắt đầu trồng khoai lang từ 2011 tới nay nhưng việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái. Tình trạng được mùa, nhưng không có đầu ra thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

“Người dân trong xã trồng khoai lang tự phát thôi, tự liên hệ với tư thương thu mua. Đa số rớt giá và ít người thu mua. Khoai lang là cây tăng vụ, 3 tháng lại cải tạo đất. Nếu được giá thì hiệu quả kinh tế rất cao, khoảng gấp 4 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên khó nhất là đầu ra không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Nếu có doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ khoai lang thì sẽ tạo điều kiện cho bà con địa phương khắp mọi miền, không riêng gì người dân xã Chư A Thai” - ông Phùng Trung Toàn cho biết./.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Xuất hiện loài sâu mới đe dọa Việt Nam

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Cục BVTV vừa có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố cảnh báo về nguy cơ xâm nhiễm của một loài sâu hại mới rất nguy hiểm có tên Sâu keo mùa thu vào nước ta.

Theo Cục BVTV, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã phát đi cảnh báo về việc xuất hiện một loài sâu hại mới có tên tiếng Anh là Fall Armyworn, tên khoa học là Spodoptera frugiperda, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu này mới được phát hiện lần đầu tại châu Á ở Ấn Độ vào tháng 7/2018. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nghiêm trọng tại các vùng bị xâm nhiễm.

Sâu non sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda

Hiện nay, loài sâu này đã xuất hiện tại rất nhiều nước châu Á gồm Banglades, Srilanka, Myanmar, đặc biệt là hai nước gần Việt Nam là Thái Lan và Trung Quốc. Đây là loài sâu hại mới chưa phát hiện tại Việt Nam, được cảnh báo có khả năng phát tán vào Việt Nam và gây hại nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ngăn chặn, phòng chống kịp thời.

Sau khi xem xét về phân loại, tập tính gây hại, Cục BVTV đã đề nghị tên Tiếng Việt cho loài sâu hại này là “Sâu keo mùa thu”. Để chủ động phòng ngừa sự xâm nhiễm và gây hại của loài sâu hại này, Cục BVTV đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở thực hiện một số nội dung như: Phổ biến thông tin về loài sâu keo mùa thu đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật trồng trọt và BVTV, cán bộ khuyến nông và nông dân để cùng phối hợp kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ các bẫy đèn, bẫy bả chua ngọt để thu thập mẫu. Trong trường hợp nghi ngờ, phải tiến hành lấy mẫu gửi ngay cho các cơ quan chuyên ngành nơi gần nhất giám định để có biện pháp phòng ngừa kịp thời (các Trung tâm BVTV vùng, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, Trung tâm giám định kiểm dịch thực vật).

Triệu chứng gây hại trên cây ngô của sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda

Cục BVTV cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Cục triển khai các nội dung nhằm ngăn chặn loài sâu mới xâm hại vào nước ta. Cụ thể: Các Chi cục Kiểm dịch thực vật (KDTV) vùng cần khẩn trương chỉ đạo các trạm KDTV cửa khẩu trong vùng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn loài sâu keo mùa thu trên các lô hàng cây, cỏ là ký chủ của loài sâu này được NK từ các quốc gia đã xuất hiện chúng (đặc biệt lưu ý các lô hàng NK từ các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, và Campuchia). Trong trường hợp nghi ngờ, cần lấy mẫu gửi ngay về Trung tâm Giám định KDTV để giám định.

Trung tâm Giám định KDTV xây dựng tài liệu để hướng dẫn các cơ quan KDTV và cán bộ BVTV các tỉnh về việc lấy mẫu giám định loài sâu hại này. Các Trung tâm KDTV sau nhập khẩu phối hợp với các đơn vị của Cục BVTV và cơ quan Trồng trọt - BVTV các tỉnh để điều tra phát hiện loài sâu keo mùa thu trên các giống cây trồng NK gieo trồng trong vùng phụ trách. Bên cạnh đó, các Trung tâm BVTV vùng phân công cán bộ, phối hợp với cơ quan Trồng trọt - BVTV các tỉnh tăng cường điều tra, xác định sự xuất hiện gây hại của loài sâu keo mùa thu trên đồng ruộng, đồng thời hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng chống kịp thời, có hiệu quả.

Trưởng thành sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda

Một số dấu hiệu nhận biết loài sâu keo mùa thu

Đặc điểm hình thái: Sâu trưởng thành có chiều dài cơ thể 1,6 - 1,7cm và sải cánh là 3,7 - 3,8cm, con cái dài hơn. Trứng được đẻ thành bọc, mỗi bọc 150 - 200 trứng, quả trứng có hình cầu, đường kính 0,75mm. Ấu trùng có mầu xanh nhạt đến nâu sẫm, ở giai đoạn tuổi 6, ấu trùng dài 3 - 4cm. Nhộng có chiều dài 1,3 - 1,7cm (tùy theo con đực và con cái) và có mầu nâu sáng bóng.

Ký chủ: Sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda là loài sâu hại đa thực, chúng có thể gây hại trên 80 loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: ngô, lúa, kê và cây mía. Ngoài ra cũng đã được phát hiện gây hại trên các loại rau, cây bông.

Phân bố: Loài sâu keo mùa thu đã được phát hiện gây hại tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ (Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ) và một số quốc gia tại châu Âu. Trong đó tại châu Á loài sâu hại này đã xuất hiện và gây hại tại Ấn Độ, Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Yemen và Trung Quốc.

LÊ BỀN

Bình Phước: Nông dân Lộc Ninh lo điều mất mùa, rớt giá

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) hiện có khoảng trên 4.800 ha điều - một trong 3 loại cây trồng chủ lực của người dân sau cao su và tiêu. Nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho năng suất các loại cây trồng, trong đó có điều giảm đáng kể, khiến người trồng lo lắng.

Khoảng đầu tháng chạp hằng năm, cây điều bắt đầu trổ bông, nếu gặp thời tiết thuận lợi trời mát, không có mưa thì điều trổ bông sai. Thế nhưng thời tiết năm nay diễn biến khá phức tạp, ngày nắng nóng và xảy ra nhiều trận mưa trái mùa đã làm điều khô bông, héo trái non.

Gia đình anh Lâm Kha Mây, ngụ ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh có hơn 2,5 ha điều. Các năm trước dù mất mùa gia đình anh cũng thu được khoảng 2 tấn điều, lãi khoảng 50 triệu đồng. Nhưng từ đầu vụ đến nay, gia đình chỉ mới thu được khoảng 3 tạ. Do điều mất mùa, rớt giá, không dám thuê công lượm nên vợ chồng anh phải vào ở trong rẫy để thu hoạch. Anh Mây cho biết: “Năm nay điều trổ bông nhiều nhưng gặp mưa nên hầu hết bông bị thối, trái non cũng bị teo ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng”.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Huy có hơn 1,5 ha điều tại ấp Lộc Bình 2, xã Lộc Thành, là nguồn thu nhập chính của gia đình để nuôi 2 con ăn học và chi tiêu cuộc sống. Vụ điều năm ngoái tuy mất mùa nhưng gia đình ông cũng thu được hơn 30 triệu đồng. Năm nay rất nhiều cây điều không ra, hoặc ra bông ít và còn bị khô nên đến thời điểm này gia đình mới thu được khoảng 5 triệu tiền điều. Ông Huy lo lắng: “Năm nay kinh tế gia đình khó khăn vì điều mất mùa, chắc vợ chồng tôi phải kiếm thêm việc làm để trang trải cuộc sống và đầu tư chăm sóc mùa điều sau”.

Ngoài mất mùa, người trồng điều năm nay còn đối mặt với tình trạng giá giảm. Mùa điều năm trước giá thu mua đầu mùa 47 ngàn đồng/kg, sau đó giảm nhẹ còn 45, 40 đến 30 ngàn đồng/kg vào cuối vụ. Năm nay do thời tiết bất lợi, chất lượng điều không tốt nên giá đầu mùa chỉ dao động 35 ngàn đồng/kg, đến thời điểm giữa mùa thu hoạch hiện nay giảm còn 29 ngàn đồng/kg và có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Mất mùa, rớt giá, người trồng điều trên địa bàn huyện Lộc Ninh đang gặp khó khăn khi tiền thu hoạch từ điều không đủ để bù chi phí chăm sóc, thuê nhân công.

Văn Hùng

Đồng Tháp: Rơm khô được tiêu thụ mạnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Tại huyện giới Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) việc thu mua rơm khô diễn ra khá sôi động. Trên các cánh đồng, nhiều máy cuộn rơm hoạt động liên tục.

Theo nông dân, thương lái thu mua rơm khô với giá 500.000 đồng/ha. 1ha rơm được cuộn thành 120 cuộn, sau đó được vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành trên cả nước phục vụ cho sản xuất hoa màu, làm thức ăn cho gia súc và lót hoa quả khi vận chuyển, giá bán lẻ khoảng 10 ngàn đồng/cuộn.

Giá lúa đông xuân đang xuống thấp, việc bán rơm khô phần nào giúp nông dân có thêm chi phí, tránh tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ cháy nổ.

Văn Bửu

Anh giám đốc đam mê sản xuất thực phẩm sạch

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp, 25/02/2019
Ngày cập nhật: 27/2/2019

Sau hơn 1 năm thử nghiệm, mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ (Aquaponics) của anh Nguyễn Tiến Thành (SN 1979) - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA (ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) dần đi vào chiều sâu và cho thấy sự phù hợp với xu thế tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng.

Tại Trang trại Đồng Tháp Aqua, từng khâu sản xuất đều được khép kín với các quy trình hiện đại

Từ hệ thống canh tác hiện đại...

Từ mô hình nuôi trồng còn khá mới mẻ, đến nay, anh Nguyễn Tiến Thành đã hoàn thiện toàn bộ quy trình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ; đồng thời cho ra mắt Trang trại Đồng Tháp Aqua thuộc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA. Song song đó, anh mở rộng thêm 2 nhà lưới, nâng tổng diện tích canh tác hơn 4.000m2 với toàn bộ hệ thống nuôi trồng hiện đại.

Có dịp ghé thăm Trang trại Đồng Tháp Aqua mới thấy cơ ngơi khang trang bởi sự tâm huyết của anh Thành. Là người đặt toàn bộ tâm huyết với mô hình nên anh Tiến Thành luôn nắm rõ từng khâu canh tác.

Đối với mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá, khâu chọn giống rất quan trọng. Ảnh: N.K

Anh Thành cho biết, Aquaponics là phương pháp sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Hệ thống thủy canh này là biện pháp canh tác không dùng đất, bộ rễ cây trồng được nuôi dưỡng phát triển trong nước có bổ sung các thành phần dinh dưỡng thiết yếu. Có một sự khác biệt giữa phương pháp canh tác thổ canh (trồng trong đất) và thủy canh là trong hệ thống thủy canh không có sự tham gia của các vi sinh vật phân giải như trong đất, là sự khác biệt với tự nhiên.

Phương pháp này dựa trên sự tích hợp đồng thời cả hai hệ thống nuôi trồng thủy sản, thủy canh mang lại lợi ích thiết thực. Theo đó, ban đầu thức ăn cho cá là các đầu vào chính của một hệ thống Aquaponics, cá ăn thức ăn và sau đó bài tiết các chất thải. Phần còn lại của chất thải trải qua một quá trình khoáng hóa. Trong quá trình dị dưỡng, vi khuẩn này tiêu thụ chất thải của cá, các vật chất thực vật và thực phẩm vẫn còn, chuyển đổi chúng thành các hợp chất. Các vi khuẩn sẽ phát triển mạnh trong các bể cạn trồng cây (growbed) và giúp chuyển hóa các chất thải từ bể nuôi cá thành dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng phát triển. Vì vậy, nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây. Ngược lại, thay vì phải xử lý rồi xả nước từ nuôi cá ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá.

Theo anh Thành, hoạt động của hệ thống Aquaponics là giải pháp lý tưởng cho việc xử lý chất thải giàu dinh dưỡng từ một hồ cá và tái sử dụng nó để cung cấp cho đời sống thực vật với các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển một cách bền vững.

“Đây là hệ thống hoạt động dựa trên hệ cân bằng sinh thái tự nhiên, đó là sự kết hợp giữa nuôi cá để trồng rau, mô hình khép kín không sử dụng phân bón, tạo rau sạch 100% hữu cơ. Ưu điểm của phương pháp này là người trồng tiết kiệm được hơn 40 - 50% chi phí sản xuất” – anh Thành nói thêm.

... Đến rau, cá hữu cơ tiếp cận bàn ăn của người tiêu dùng

Với bước khởi đầu thành công, rau, cá từ Trang trại Đồng Tháp Aqua sản xuất bao nhiêu được tiêu thụ hết bấy nhiêu, thậm chí khách hàng phải đặt hàng trước. Từ thành công này, anh Thành đang tiếp tục bắt tay phát triển mô hình trang trại theo nhiều tiêu chuẩn với mong ước khép kín quy trình. Hiện tại, anh Thành đang trồng các loại rau cải thảo, xà lách, tía tô, cải bẹ xanh; cùng với đó là các loại cá mang giá trị kinh tế cao như: chạch lấu, chình, tôm, cá Koi...

Theo anh Nguyễn Tiến Thành, quá trình bổ trợ qua lại cho ra nước sạch có thể nuôi được các loại cá mang lại giá trị kinh tế cao

Việc cho ra các sản phẩm chất lượng đã mang lại hiệu quả tốt khi rau, cá của mô hình bán được với giá cao hơn khoảng 30% so với sản phẩm cùng loại, thu nhập mang lại khoảng hơn 5 tỷ đồng/năm. Hiện sản phẩm của Trang trại Đồng Tháp Aqua đã cung cấp cho các trường Mầm non, Tiểu học trên địa bàn huyện Lấp Vò và các cửa hàng rau củ quả sạch trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, nhiều nhà phân phối, siêu thị lớn đã tìm đến đặt vấn đề bao tiêu đầu ra cho sản phẩm rau và cá hữu cơ... với nhu cầu cao hơn so với khả năng đáp ứng của trang trại hiện tại.

Nói về định hướng thời gian tới, anh Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Để cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn quy trình sản xuất, đồng thời mở rộng quy mô canh tác với nhiều sản phẩm rau, cá khác. Trong khuôn viên sản xuất, tôi sẽ xây dựng thêm không gian phục vụ du lịch trải nghiệm. Tại đây, khách hàng và các đối tác có thể trực tiếp tham quan từ khâu xuống giống đến thành phẩm. Để đảm bảo an toàn cho khu vực nuôi trồng, hệ thống phun sát khuẩn, khử trùng được xây dựng. Khách muốn vào trang trại phải khử trùng toàn bộ, thay đồ bảo hộ, hạn chế mầm bệnh từ ngoài xâm nhập vào...”.

“Trong thời gian tới, chúng tôi lên kế hoạch phủ xanh toàn bộ diện tích còn lại của trang trại với quy mô khoảng 1ha khu nuôi trồng. Với sản lượng dự kiến 216 tấn rau/năm; 24 tấn cá/năm” - anh Thành chia sẻ thêm.

Ngoài cung cấp cho các cửa hàng, anh Nguyễn Tiến Thành cũng giới thiệu sản phẩm của trang trại thông qua hệ thống quán cà phê

Ông Hồ Tấn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò đánh giá: “Tuy là còn khá mới mẻ nhưng mô hình trồng rau nuôi cá Aquaponics đã cho thấy hoạt động hiệu quả theo đúng định hướng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, mô hình cũng cho thấy sự nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, để mô hình phát triển tốt hơn, huyện sẽ có những bước tiếp cận nhằm nắm bắt thuận lợi, khó khăn để hỗ trợ kịp thời...”.

Trong lần dự lễ khánh thành Trang trại Đồng Tháp Aqua, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đánh giá rất cao về hiệu quả của mô hình. Bí thư Lê Minh Hoan cho rằng, đây được xem là một mô hình nông nghiệp công nghệ cao được hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung và huyện Lấp Vò nói riêng, mô hình nhằm đem đến người tiêu dùng những sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường.

Khánh Phan

Mạnh thường quân vượt khó làm giàu

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai

Không chỉ là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập hàng tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Vũ Hợi (ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) còn là mạnh thường quân luôn sẵn lòng giúp đỡ những hộ khó khăn về vốn, và hướng dẫn khoa học - kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. Ông cũng đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Nguyễn Vũ Hợi (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) giới thiệu vườn bơ đặc sản cho thu nhập cao

Năm 2018, ông Hợi được công nhận 5 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản suất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

* Đi lên từ nghèo khó

Ông Hợi kể: “Vì nhà nghèo, anh em đông nên 17 tuổi, tôi đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm rẫy, nuôi heo, lo cho các em. Khi lập gia đình, vợ chồng tôi ra riêng với 2 bàn tay trắng, ai thuê gì làm nấy, phải tích góp từng đồng tiền vốn rồi vay mượn thêm của người thân và ngân hàng khi lập trại nuôi heo”.

Từ 10 con heo đầu tiên, nhờ tính chịu khó và luôn tìm tòi học hỏi những kiến thức mới về chăn nuôi, ông Hợi dần gầy dựng được trại chăn nuôi với 70 heo nái và trên 300 heo thịt. Chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi trong năm 2018, ông thu về cả tỷ đồng sau khi trừ các chi phí đầu tư.

Ông Hợi cho hay: “Muốn vượt qua nghèo đói vươn lên làm giàu, điều quan trọng nhất là phải cần cù chịu khó, không ngừng học hỏi kiến thức mới về kỹ thuật sản xuất tích lũy thêm kinh nghiệm từ thực tế và biết nắm bắt thời cơ. Khi chăn nuôi có lãi, tôi mua thêm đất trồng cây ăn trái”.

Hiện ông Hợi có vườn cây gần 3 hécta trồng bơ cao sản Thái Lan và chuối bơm. Nhờ mô hình chăn nuôi - trồng trọt bổ trợ cho nhau giúp mang lại lợi nhuận cao trong khi chi phí đầu tư lại giảm. Tổng thu nhập hằng năm của ông Hợi đạt hơn 2 tỷ đồng.

* Giúp nhau làm giàu

Theo ông Hợi, chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tồn tại và cạnh tranh được trong giai đoạn hội nhập phải vào chuỗi liên kết, sản xuất an toàn. Ông đã tích cực tham gia khi dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) được triển khai. Ông là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi VietGAHP xã Gia Tân 1. “Để các thành viên trong tổ được mua cám với giá ưu đãi, tôi đã chủ động ký hợp đồng với công ty sản xuất thức ăn gia súc để hạ chi phí đầu vào. Tôi không giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức với các hộ chăn nuôi khác. Tổ hợp tác thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chung để hướng dẫn cho các tổ viên về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh” - ông Hợi nói.

Ông Hợi cũng rất quan tâm áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn cho vườn cây ăn trái của gia đình. Nhờ đó, trái cây trong vườn được thị trường ưa chuộng. Trong đó, đặc sản trái bơ sáp giống Thái Lan do ông trồng luôn bán được giá cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường.

Ông Hợi tâm sự: “Tôi từng trải qua hoàn cảnh nghèo khó nên khi có chút của để dành luôn sẵn lòng hỗ trợ giúp những hộ nghèo vượt qua khó khăn”. Ngoài việc sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn, sản xuất, ông Hợi còn tích cực đóng góp xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo trong xã. Là người có uy tín tại địa phương, ông đã tích cực vận động từ nguồn xã hội hóa hàng tỷ đồng để xây dựng tuyến đường nội đồng Suối Cạn dài 2,4km; đầu tư hạ thế đường điện ở tuyến đường này. Ông Nguyễn Vũ Hợi là tấm gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cũng như trong đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Bình Yên

Khai trương cửa hàng tiêu thụ nông sản nông nghiệp

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 24-2, Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT (Bộ NN-PTNT) tại TPHCM đã phối hợp với Công ty TNHH Millennials Market và Công ty TNHH MTV Thực phẩm Saigon Co.op khai trương cửa hàng trưng bày và tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã nông nghiệp cả nước tại số 45 Đinh Tiên Hoàng, quận 1.

Đây là điểm bán những sản phẩm thực phẩm tươi, an toàn, tiện lợi và hàng trăm mặt hàng nhu yếu phẩm dành cho gia đình với mức giá bình ổn thị trường. Nơi này cũng là điểm thực tập cho học viên ngành nông nghiệp về kỹ năng giới thiệu, tư vấn sản phẩm nông nghiệp.

Đây được xem là dự án quan trọng nhằm tạo điểm kết nối cung - cầu nông sản Việt ngay tại TPHCM (với sự tham gia của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Winstar chuyên cung ứng nông sản Việt), đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp toàn quốc.

Cửa hàng trưng bày và tiêu thụ nông sản cho các HTX nông nghiệp cả nước trở thành trung tâm giới thiệu và tiêu thụ thực phẩm tiêu biểu, an toàn; cũng là nơi tập trung những mặt hàng nông sản đặc sắc của các vùng miền cả nước.

ĐĂNG LÃM

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop