Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 01 năm 2016

Đắk Nông: Thu nhập cao nhờ trồng giống khoai lang nuôi cấy mô

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 Trong những năm gần đây, nhiều hộ trồng khoai lang trong tỉnh Đắk Nông đã đưa giống khoai lang nuôi cấy mô vào trồng đạt hiệu quả cao, giúp bà con nâng cao thu nhập.

 Giống khoai lang nuôi cấy mô có ưu điểm vượt trội so với giống khoai lang địa phương và có thể trồng ở bất cứ địa hình canh tác nào, chất lượng củ đồng đều đạt yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

 Vụ khoai lang năm vừa rồi, gia đình ông Vũ Văn Lực ở thôn 8, xã Thuận Hà (Đắk Song) đưa vào trồng 1 ha khoai lang Nhật Bản giống nuôi cấy mô. Sau thời gian 5 tháng trồng và chăm sóc, gia đình ông thu hoạch được trên 25 tấn khoai củ. Giá bán tại ruộng là 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi ròng trên 250 triệu đồng.

 Ông Lực cho biết: “Mấy năm trước do nguồn giống không có nên tôi tự lấy giống tại ruộng để trồng nên năng suất khoai lang chỉ đạt khoảng 10 – 13 tấn/ha là cao lắm rồi. Nhưng vụ thu đông năm vừa rồi, tôi sử dụng giống cấy mô, năng suất không chỉ cao gấp đôi mà tỷ lệ củ loại 1 cũng đạt khá cao. Vì vậy, thu nhập cũng tăng lên đáng kể”.

 Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Song thì những năm gần đây nhờ nắm bắt xu hướng thị trường, nông dân đã chuyển sang trồng giống khoai Nhật từ giống nuôi cấy mô vừa cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, bán được giá, nên đời sống bà con nông dân được cải thiện. Riêng vụ hè thu 2015, toàn huyện đã đưa vào trồng 2.698 ha khoai lang, trong đó, diện tích cây khoai lang Nhật Bản có 800 ha, các diện tích còn lại là khoai lang cao sản.

 Còn tại huyện Tuy Đức, hầu hết các hộ trồng khoai lang bằng giống nuôi cấy mô đều vui mừng vì khoai lang vừa được mùa, được giá. Không như những năm trước, vụ trồng khoai năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Hữu ở thôn 6, xã Đắk Búk So đã đưa vào trồng hơn 1,5 ha cây khoai lang Nhật Bản từ giống nuôi cấy mô.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hữu ở thôn 6, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) thu lãi trên 200 triệu đồng từ 1,5 ha khoai lang nuôi cấy mô

 Từ khi xuống giống đến thu hoạch, ông Hữu đều chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên khoai của ông nhiều củ và đạt kích cỡ khá đồng đều. Ông Hữu cho biết: Với 1,5 ha đất trồng khoai lang thì vụ đông xuân năng suất khoai đạt hơn 15 tấn/ha, thu lãi gần 100 triệu đồng, vụ hè thu năng suất khoảng 27 tấn/ha, thu lãi trên 200 triệu đồng.

 Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức thì trong thời gian qua, huyện đã xây dựng vườn ươm giống khoai lang Nhật Bản bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích 2 ha. Bắt đầu từ năm 2013, mỗi 1 ha cung cấp cây giống thế hệ F1 đủ trồng cho 30 ha.

 Sau khi trồng, nông dân tự nhân giống từ thế hệ F1 đến F4 để lấy dây trồng cho các vụ sau và cho năng suất, chất lượng khoai đạt cao. Năng suất của khoai lang nuôi cấy mô ở thế hệ F1 và F2 đạt trung bình khoảng 18 tấn/ha đối với các vụ sản xuất trong năm, trong đó tỉ lệ củ đạt chất lượng loại 1 và loại 2 chiếm từ 60 - 70%. Với cách làm này, đến nay, huyện cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cây giống cho nông dân trên địa bàn trồng.

 Văn Tâm

Bình Phước: Bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu đã giảm

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2015, bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh Tây Nguyên và Đắk Nông. Theo thống kê sơ bộ, bệnh đã gây hại trên tổng diện tích hơn 10.300 ha hồ tiêu, chiếm 13% tổng diện tích hồ tiêu vùng Tây Nguyên, trong đó khoảng 73 ha đã chết hoàn toàn. Tuy nhiên, diện tích nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều do các tỉnh Tây Nguyên chưa có tổng hợp chính thức.

Khuyến nông viên Điểu Thương ở xã Lộc An (Lộc Ninh - Bình Phước) tư vấn cho nông dân phòng chống bệnh trên hồ tiêu

Qua kiểm tra tình hình thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu gây hại ở mức nghiêm trọng, con số nhiễm bệnh và thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều, nhất là tại 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đa số hồ tiêu bị thiệt hại thuộc các vùng sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác và phòng trừ bệnh hạn chế. Đáng lo ngại, do giá hồ tiêu thời gian qua rất cao nên nông dân ồ ạt mở rộng diện tích bằng mọi giá mà không để ý tới kỹ thuật canh tác và phòng trừ bệnh, đặc biệt là chất lượng nguồn giống đã vượt khỏi sự kiểm soát. Trước diễn biến phức tạp của bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu, Cục BVTV chỉ đạo phải dứt khoát rà soát, đánh giá lại chi tiết tình hình dịch bệnh tại các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời phân loại rõ mức độ bệnh của từng địa bàn. Trước ngày 25-1-2016, phải hoàn thiện quy trình phòng chống bệnh, thống nhất áp dụng cho tất cả địa phương, triển khai tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu cho nông dân.

Tại Bình Phước, thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó trưởng phòng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động chiến dịch phòng chống bệnh hại trên cây tiêu, qua đó tuyên truyền, tập huấn cho nông dân biện pháp vệ sinh vườn, biện pháp phòng là chính và sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp... nên đã hạn chế rất lớn diện tích bị bệnh chết nhanh chết chậm. Cụ thể, năm 2015 diện tích nhiễm bệnh chết chậm 515 ha, giảm 31%, diện tích bệnh chết nhanh 127 ha, giảm 62% so với năm 2014.

Ngoài ra, ở Bình Phước nhờ dự án liên kết sản xuất chuỗi giá trị tiêu bền vững giữa Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam và người trồng tiêu ở 3 huyện trọng điểm Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản và sự vào cuộc của truyền thông, chính quyền trong quảng bá thương hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh nên nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất, không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV chăm sóc hồ tiêu, góp phần giảm thiểu bệnh cho cây tiêu.

 P.T

Hà Nội: Lùi thời vụ gieo cấy vì rét hại

 Thời tiết rét kèm theo mưa kéo dài đã khiến cho nền nhiệt giảm sâu. Trước tình hình này, nhiều địa phương đã chủ động hướng dẫn bà con nông dân lùi thời vụ gieo cấy vụ Xuân 2016.

 Đội mưa rét ra đồng làm đất

 Dù trời mưa nặng hạt, gió rét căm căm, song ngày hôm qua, trên cánh đồng của các xã Ngọc Tảo, Phúc Hòa, thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), Đại Đồng (Thạch Thất)… một số bà con nông dân vẫn ra đồng phạt bờ cuốc góc, làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa Xuân. Tuy đã rất cẩn thận mặc áo khoác dày kèm theo một lớp áo mưa bên ngoài, song thỉnh thoảng chị Khuất Thị Hằng, cụm 1, thị trấn Phúc Thọ vẫn run lên bần bật. Mưa táp vào mặt từng đợt rát xé da thịt. Dừng tay cuốc, chị Hằng chia sẻ, từ ngày 25/1, khi có nước đổ ải về đồng, vợ chồng chị phải tranh thủ ra đồng đắp bờ, làm đất. “Nước về đến đâu phải làm đất đến đó, vì năm nay lượng nước không dồi dào nên dù trời rét chúng tôi vẫn phải ra đồng làm” – chị Hằng giãi bày.

Anh Nguyễn Hữu Cường, xã Đại Đồng bên ruộng hoa được che phủ nilon tránh mưa. Ảnh: Ánh Ngọc

 Tính đến chiều 26/1, huyện Phúc Thọ mới đổ ải được hơn 600ha, đạt 15,5% diện tích theo kế hoạch. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, toàn huyện đã gieo được khoảng 70% diện tích mạ do được che phủ nilon nên cơ bản vẫn đảm bảo. Bắt đầu từ tiết Lập Xuân (4/2), các xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ mới bắt đầu bước vào cấy lúa vụ Xuân 2016 đại trà.

Tương tự Phúc Thọ, ngày hôm qua, một số bà con xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất cũng đội mưa kiểm tra đồng ruộng, đắp bờ giữ nước. Trên một vài tuyến mương cao, đội thủy nông đã lắp đặt máy bơm vận hành nước, đảm bảo tất cả các chân ruộng đều có nước. Một vài chiếc máy cày lầm lũi dưới mưa xẻ những đường cày ngả đất mới tinh. Tiếng máy nổ giòn phần nào xua đi cái giá lạnh ngấm vào từng thớ thịt. Chị Kiều Thị Hạ, một người dân xã Đại Đồng vừa bước lên từ ruộng mạ chia sẻ, mạ của nhà chị đã được 4 – 5 lá, đủ điều kiện cấy nên dù mưa vẫn phải thuê máy làm đất để khi ấm lên là cấy ngay.

 Điều chỉnh thời vụ

 Lâu nay, các huyện khu vực Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai… vốn có truyền thống cấy sớm nên bà con thường gieo mạ sớm hơn khung thời vụ chính, nhất là những địa phương vùng trũng, phải cấy sớm chạy lũ tiểu mãn. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm, rét hại những ngày qua, các địa phương đã chủ động dừng gieo cấy và lùi thời vụ chờ thời tiết ấm lên mới tiếp tục. Tại thị trấn Phúc Thọ, HTX đã thông báo để bà con nông dân dừng gieo cấy trong thời tiết hiện nay và đa số các hộ dân đều chấp hành tốt việc điều chỉnh thời vụ này. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con có thể tiếp tục gieo cấy khi nhiệt độ từ 150C trở lên.

 Đáng chú ý, tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, do có truyền thống cấy sớm nên đa số diện tích mạ đã có 4 – 5 lá. Trong điều kiện giá rét kéo dài, xã đã động viên bà con hủy diện tích mạ đã gieo, tránh tình trạng cấy mạ già, ảnh hưởng tới năng suất lúa. Đồng thời khuyến cáo bà con gieo bổ sung mạ sân, mạ khay cấy máy. Để chủ động hỗ trợ cho người dân, các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã cũng chủ động triển khai đăng ký gieo mạ khay để phục vụ cấy đúng thời vụ sản xuất.

 Tại thị xã Sơn Tây, nếu như ngày bắt đầu đợt rét đậm (23/1) nông dân một số xã vẫn ra đồng cấy thì đến nay gần như đã dừng hẳn. Theo đánh giá, nếu cấy đúng thời tiết rét đậm, khả năng sống của cây lúa không cao. Ông Phùng Huy Vinh – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết, diện tích cấy sớm để chạy lũ tiểu mãn của địa phương chỉ chiếm 15% tổng diện tích gieo cấy vụ Xuân. Ngay khi có công điện của TP cũng như Sở NN&PTNT về chỉ đạo phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây đã cử cán bộ xuống kiểm tra tại cơ sở, tuyên truyền bà con dừng kế hoạch gieo cấy. Đồng thời, thị xã cũng chỉ đạo gieo bổ sung 10% lượng mạ trên nền đất cứng, có che phủ nilon để có thể thay thế diện tích mạ già.

 Người trồng hoa thiệt hại “kép”

 Hiện nay, cơ bản các cây trồng vụ Đông như ngô, khoai lang, rau màu… đang được bà con nông dân thu hoạch dứt điểm để kịp chuẩn bị sản xuất vụ Xuân. Ngoài tiến độ gieo cấy lúa Xuân và sản xuất các loại rau màu bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều hộ trồng hoa cũng đang “đứng ngồi không yên”. Trước đợt rét đậm lần này, nhiều hộ trồng ly “khóc dở mếu dở” khi hoa ly nở nhanh, quá sớm, khiến cho rớt giá thảm hại, bình quân chỉ 8.000 – 10.000 đồng/cành. Nhiều hộ dân ở Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Mê Linh phải vận chuyển hoa lên Sa Pa “tránh rét”, tuy nhiên thời tiết Sa Pa lại quá lạnh, xuống dưới 00C. Do đó, một số hộ phải di chuyển hoa quay trở về TP Lào Cai. Như vậy, không những chi phí sản xuất đội lên mà nếu trở tay không chuyển kịp thì còn bị thiệt hại “kép”.

 Trong khu lán trại ngoài cánh đồng ven Quốc lộ 32, ngồi nghe mưa rơi lộp bộp vào mái nhà màng, nhà lưới trồng hoa của gia đình, anh Nguyễn Hữu Cường, thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất bần thần lo lắng. Ngoài hơn 1 vạn cành hoa đã phải bán phá giá đợt nắng ấm vừa qua, hiện anh Cường còn 5.000 cây hoa ly chuẩn bị xuất bán ra thị trường Tết. Anh Cường chia sẻ, thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa mấy hôm nay đã khiến anh phải tạm dừng công việc làm đất cho vụ hoa mới và việc thu hái hoa cũng bị ngưng trệ. “Ngày 25/1 còn xuất hiện mưa đá khoảng 30 phút khiến người nông dân chúng tôi đứng ngồi không yên, bởi chưa khi nào thấy xuất hiện hiện tượng này trong mùa Đông” – anh Cường nói.

 Theo các hộ trồng hoa, thời tiết thay đổi đột ngột đang nắng nóng chuyển sang lạnh sẽ khiến cho hoa bị “điếng” hay còn gọi là bị "xòe miệng" do sốc nhiệt, làm cho chất lượng hoa bị giảm, màu sắc kém tươi. Chưa hết, đợt mưa rét lần này, nhất là cơn mưa kéo dài trong ngày 26/1 đã khiến cho các chủ vườn hoa thêm một lần lo lắng, bởi mưa kích thích các nụ hoa nở sớm hơn. Không những vậy, với những nụ hoa ly, hồng… đã được chụp bông, nước mưa ứ đọng còn gây úng, thối rữa. Nhiều người trồng hoa thở dài cho hay, dịp Tết năm nay cầm chắc 70% thất bát và chỉ có 30% cơ hội là thu lãi.

 Theo thông tin của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến hết 26/1, toàn TP đã gieo được gần 800ha mạ. Do thời tiết rét đậm, nhiệt độ xuống thấp từ 6 - 80C trong 4 ngày liên tiếp 23, 24, 25, 26/1 nên các địa phương đã ngừng gieo cấy. Duy chỉ có thị xã Sơn Tây do đặc thù địa hình, tập quán sản xuất nên đã cấy được 400ha và gieo sạ được 28ha (tính đến hết ngày 22/1).

 Theo thống kê, tính đến chiều ngày 26/1, toàn TP Hà Nội đã đổ ải được hơn 31.500ha, đạt 31,6% so với kế hoạch. Trong đó một số địa phương đổ ải đạt tỷ lệ cao như Phú Xuyên 97,7%, Ứng Hòa 63%, Thanh Oai 56%, Đan Phượng 33,3%, Thanh Trì 35%...

 Ánh Ngọc – Thắng Văn

Rau Tết vào mùa

 Các địa phương trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị nguồn rau củ quả để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

 Miền Bắc: Rau củ thiếu hụt

 Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có khoảng 172.000ha rau với tổng sản lượng khoảng 3 triệu tấn, đủ cung ứng cho thị trường cả nước. Thế nhưng, đợt không khí lạnh dị thường và lập kỷ lục lịch sử bất ngờ xuất hiện đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân miền Bắc. Các cơ quan chức năng hiện đang thống kê thiệt hại tại các vựa cung cấp rau xanh như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) gần như mất trắng do bị băng tuyết phủ, nhiệt độ dưới 0°C kéo dài nhiều ngày. Chỉ riêng tại tỉnh Lào Cai, đến ngày 26-1 đã có gần 3.000ha hoa màu bị chết. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, kể cả các khu vực quanh Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… nhiệt độ cũng giảm xuống 7°C - 8°C, kèm mưa rét, nên năng suất và sản lượng rau củ giảm rõ rệt.

Chăm sóc cà chua bi cung ứng thị trường tết

 Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT) đã có công văn gửi các địa phương về việc trích quỹ dự phòng và hỗ trợ giống, phương tiện phòng chống rét đậm, rét hại để hỗ trợ bà con mau chóng phục hồi sản xuất rau màu, thực phẩm cho thị trường tết. Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong bối cảnh nguồn cung có thể khan hiếm, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Vũ Văn Tám cho biết đã chỉ đạo sở chuyên ngành tại hai thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn là Hà Nội và TPHCM tổ chức các điểm giới thiệu rau xanh sạch có gắn xác nhận của cơ quan chức năng để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Đồng thời, các địa phương cũng cần tuyên truyền và cổ vũ các doanh nghiệp sản xuất sạch để giới thiệu tới người tiêu dùng biết và yên tâm sử dụng.

 Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cuối năm nhu cầu thực phẩm tăng cao trong khi thời tiết ở miền Bắc xuất hiện rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sản xuất, cung ứng rau màu nên giá các loại rau củ quả, chủ yếu là rau xanh tăng từ 10% - 15% nhưng cơ bản vẫn cân đối đủ.

 Miền Trung: Giá rau xanh giảm mạnh

 Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã hình thành nhiều vùng chuyên canh rau sạch. Song vấn đề đầu ra và bảo vệ thương hiệu rau an toàn vẫn còn là một khó khăn lớn đối với nông dân. Thời điểm này, nhiều hộ sản xuất rau ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang ra sức chăm sóc rau xanh, kiệu để kịp phục vụ dịp tết. Tuy nhiên, theo nhiều người dân cho biết, giá cả rau xanh năm nay có phần chững lại và giảm mạnh.

 Tại huyện Quảng Điền, vựa rau xanh lớn nhất Thừa Thiên - Huế, với diện tích gieo trồng hàng năm từ 1.200 - 1.300ha, bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, địa phương này đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP”. Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền cho rằng, mô hình trồng rau an toàn VietGAP không những giảm được chi phí sản xuất mà còn tăng thêm thu nhập 1,5 - 2 lần so với trồng rau thông thường và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái…

 Không lo thiếu rau sạch Đà Lạt

 Nông dân Đà Lạt đang tất bật chuẩn bị hàng trăm ngàn tấn rau, trong đó có nhiều sản phẩm rau cao cấp đặc trưng của Đà Lạt để cung ứng cho thị trường Tết Bính Thân.

 Thu hoạch rau sạch Đà Lạt phục vụ tết. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

 Tại nhà vườn của các xã viên Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào ở vùng ngoại ô TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, người dân đang hối hả chăm sóc, thu hoạch các loại rau củ đặc trưng Đà Lạt để phục vụ thị trường tết. Theo đại diện HTX này, hiện các xã viên đang sản xuất hơn 70 loại rau, trong đó những sản phẩm chính như rau xà lách các loại, bắp cải, cà chua, ớt chuông, đậu cove Đà Lạt, đậu Hà Lan... để cung ứng cho thị trường, HTX đã chuẩn bị lượng hàng hóa cung ứng dịp tết với 12.000 tấn. Ở những địa phương có khoảng cách xa vùng rau Đà Lạt, nhiều doanh nghiệp đã chủ động vận chuyển lưu kho lạnh từ sớm để cung cấp thông suốt cho thị trường những ngày cao điểm tiêu thụ rau củ.

 Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên (Lâm Đồng) cho biết, mỗi ngày công ty cung ứng cho thị trường TPHCM gần 20 tấn rau củ quả đạt chuẩn VietGAP, với khoảng 70 sản phẩm khác nhau, giá bán ổn định. Công ty hoàn toàn có thể tăng nguồn cung lên hơn 25 tấn/ngày.

 Theo ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào, thời điểm Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm tiêu thụ sẽ cao hơn ngày thường, nên HTX đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát đầu vào ngay tại vườn để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người tiêu dùng. Còn ông Trần Đức Quang, Chủ nhiệm HTX rau sạch Xuân Hương (TP Đà Lạt), thì toàn bộ 7ha rau của HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận thương hiệu rau Đà Lạt, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm qua sơ chế nên các sản phẩm trước khi xuất đi tiêu thụ đều được giám sát kỹ lưỡng.

 Theo đại diện các HTX chuyên cung cấp rau cho thị trường, với nguồn cung ổn định và nhiều doanh nghiệp đã chủ động ký kết cung cấp dài hạn với những nhà phân phối, nên sẽ khó xảy ra tình trạng giá rau tăng trong dịp tết.

 ĐBSCL: Rau xanh dồi dào

 Hiện nay, ở nhiều vùng trồng rau tại ĐBSCL, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc rau màu để cung ứng cho thị trường dịp tết. Trên cánh đồng rau xã Tân Bình (huyện Bình Tân, Vĩnh Long), không khí lao động những ngày này rất nhộn nhịp. Theo bà con, năng suất rau dự báo sẽ tăng so với năm trước, bảo đảm đủ cung cấp cho thị trường trước, trong và sau tết. Tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, cánh đồng trồng rau rất đa dạng các loại như: húng, quế, hành, ngò, xà lách, cải ngọt… Theo ông Võ Văn Hiếu, Phó Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), lượng rau ở đây đủ cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện giá rau đang nhích lên một ít, hy vọng trong dịp tết này rau sẽ được giá.

 Tại An Giang, chương trình sản xuất rau, thực phẩm an toàn gắn với việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ rau, thực phẩm an toàn, nhằm cung cấp nguồn rau, thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng bước đầu đã đạt hiệu quả. Theo bà Đinh Thị Việt Huỳnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh An Giang, rau màu là 1 trong 8 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với 1.948ha rau an toàn hiện có, tập trung chủ yếu ở 3 huyện, thị là Chợ Mới, thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc. Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Phan Nam đã đầu tư dự án “Sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”, mở cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn ở thành phố Long Xuyên. Đặc biệt, công ty này còn làm đầu mối tiêu thụ rau an toàn cho nông dân, với giá cao hơn giá thị trường thu mua từ 1.500 - 2.000 đồng/kg; cung cấp sản phẩm rau, thực phẩm sạch, an toàn cho các chợ đầu mối, các nhà hàng, trường học trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận, góp phần nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe người dân.

 Năm nay, nông dân Bạc Liêu xuống giống hơn 12.200ha hoa màu phục vụ tết. Các loại rau màu trồng xen canh (như cải xanh, cải ngọt, cải rổ, rau thơm, rau quế…) bắt đầu cho thu hoạch, giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, riêng ớt giá từ 15.000 - 25.000 đồng/kg.

 Thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng có 1.752ha rau các loại, cung cấp khoảng 65.000 tấn sản phẩm; huyện Đơn Dương có 7.600ha rau, sản lượng khoảng 250.000 tấn phục vụ thị trường dịp tết, phần lớn trong số đó là các loại rau ngắn ngày. Khoảng 70% rau trồng tại Lâm Đồng được tiêu thụ tại thị trường TPHCM.

 Tại các hệ thống siêu thị ở TPHCM, nguồn cung rau đạt chuẩn VietGAP vẫn dồi dào. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, rau củ quả là một trong 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm được đưa vào danh mục bình ổn giá, đơn vị đã tiến hành chốt giá bán trong 2 tháng tết (kể từ ngày 8-1 đến 8-3-2016) nên giá bán mặt hàng này sẽ không có sự thay đổi. Để đảm bảo nguồn hàng, ngay từ quý 4-2015, Saigon Co.op đã hoàn thành việc ứng vốn, tập huấn quy trình sản xuất, rồi hỗ trợ sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm cho các đối tác như HTX Thỏ Việt, Anh Đào, Thảo Nguyên, Phong Thúy, Phú Lộc, Ngã Ba Giồng… Hiện nay, tất cả các loại rau củ quả đều được chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng dịp tết.

 NHÓM PV

Sản xuất cà phê bền vững theo hướng 4C

 Nguồn tin: Báo Gia Lai

 Hầu hết diện tích cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang ở thời kỳ kinh doanh. Để nâng cao chất lượng cà phê, ổn định năng suất, huyện đã triển khai mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê vối bền vững theo hướng 4C tại xã Ia Krái.

 Một hộ gia đình ở huyện Ia Grai làm thí điểm mô hình 4C. Ảnh: G.H

 Theo đó, mô hình được triển khai với quy mô 8 ha (4 ha trình diễn và 4 ha đối ứng) với 8 hộ tham gia. Qua 1 năm triển khai cho thấy người trồng cà phê sử dụng phân bón, vật tư và nước tưới một cách hợp lý, giảm chi phí đầu tư, năng suất cà phê tăng hơn 1 tấn tươi/ha, tránh được tình trạng thừa phân bón, nước tưới gây lãng phí… Ông Ksor Alơn-làng Doch Tun, xã Ia Krái cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 ha cà phê, trước đây năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 15-16 tấn tươi mỗi vụ. Nhưng vụ cà phê vừa qua, được hỗ trợ làm thí điểm mô hình 4C, tôi thấy chi phí đầu tư giảm hơn 200 ngàn đồng so với đầu tư trước đây, năng suất và giá bán cao hơn nên lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí tăng gần 9 triệu đồng/ha”. Hay như hộ Siu Sen-làng Bia Yon (xã Ia Krái) sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư sản xuất cà phê bền vững theo hướng 4C đã cải thiện được năng suất, hiệu quả kinh tế tăng hàng chục triệu đồng/ha.

 Trước đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình kỹ thuật sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với quy mô 25 ha và có 40 hộ nông dân tại xã Ia Yok tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 50% chi phí vật tư, kỹ thuật, tập huấn, kiểm tra và được hướng dẫn quy trình ủ vỏ cà phê, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, chắn gió, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, ghi chép nhật ký nông hộ, hạch toán thu chi một cách chính xác. Qua đối chiếu với vườn cà phê đối chứng, đến nay, các vườn cà phê áp dụng theo quy trình sản xuất cà phê bền vững đều phát triển tốt, không phát hiện sâu bệnh gây hại, giá bán cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg nhân, giảm chi phí vật tư đầu vào, năng suất tăng 10% so với cách sản xuất thông thường.

 Việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê vối bền vững theo hướng 4C trên địa bàn huyện Ia Grai bước đầu phát huy hiệu quả, giúp nông dân sản xuất an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống… Ông Mai Văn Hùng-Trưởng trạm Khuyến nông huyện Ia Grai cho biết: Mô hình này sẽ giúp nông dân trồng cà phê cung cấp các sản phẩm cà phê an toàn trên thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen canh tác kém hiệu quả. Mô hình này cũng giúp duy trì ổn định về năng suất, chất lượng, từng bước hình thành mối liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ với sự tham gia của doanh nghiệp, tổ hợp tác. Đặc biệt, năng suất cà phê tăng 1 - 1,5 tấn tươi/ha và giá bán tăng 300 đồng/kg so với sản xuất truyền thống sẽ giúp người trồng cà phê thu thêm lợi nhuận khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha.

 4C là gì?

 - Common (Chung) 4C dựa trên quyết định của mọi thành viên. 4C được xây dựng trên sự nhất trí nội bộ và giữa các nhóm bên liên quan (người sản xuất, thương mại/công nghiệp và tổ chức xã hội).

 - Code (Bộ quy tắc) Bộ quy tắc tự nguyện này bước đầu đưa ra một mức tối thiểu về sự bền vững. Việc tuân thủ được kiểm tra xác nhận. Không phải chứng nhận sản phẩm.

 - Coffee (Cà phê) Dòng cà phê chủ lực/cà phê đại trà. Tất cả các loại cà phê, các hệ thống sản xuất, các vùng trồng cà phê.

 - Community (Cộng đồng) của ngành cà phê cho chính ngành cà phê: Tính tự chủ. Hệ thống thành viên.

 Gia Hưng

Gừng rớt giá thê thảm, nông dân miền Tây “khóc ròng”

 Nguồn tin: Người Lao Động

 Do giá gừng liên tục giữ ở mức cao nên nhiều địa phương ở miền Tây đua nhau xuống giống gừng, dẫn đến rớt giá thê thảm vào những ngày cận Tết Nguyên đán.

 Vào những ngày này, đi đến đâu cũng nghe người dân trồng gừng ở Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và TP Cần Thơ “khóc ròng” vì giá gừng xuống thấp đến mức khó tin. Theo đó, thương lái thu mua gừng tại ruộng chỉ với trên dưới 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên có nơi, gừng thu hoạch xong nhưng chẳng thấy bóng dáng thương lái đâu. Buộc lòng, các hộ dân phải kéo về nhà trữ hoặc mang ra chợ bán lẻ với giá khoảng 10.000 đồng/kg.

 Nhiều ruộng gừng đang thu hoạch nhưng chẳng thấy bóng thương lái đâu

 Đứng giữa ruộng gừng với đôi mắt đăm chiêu, ông Nguyễn Thanh Tường, một hộ dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), cho biết mới vụ trước đây, với giá tại ruộng 22.000 đồng/kg, gia đình ông thu về tiền lãi hơn 100 triệu đồng từ 4 công đất trồng gừng. Thế nhưng vụ hiện tại, gia đình ông cũng như những hộ trồng gừng khác chẳng thu về đồng lãi nào, nếu không muốn nói là lỗ vốn. Theo ông Tường: “Bình quân một công gừng sẽ cho năng suất từ 1 - 2 tấn. Với giá 5.000 đồng/kg thì xem như không lời đồng nào, thậm chí lỗ. Đối với những diện tích gừng bị thối nhiều thì càng lỗ nặng hơn. Bởi lẽ, mỗi công gừng thì phải đầu tư 200kg gừng giống, cộng với phân, thuốc, nhân công… thì mất hết khoảng 10 triệu đồng”.

 Hiện tai, sau khi nhổ và đem về rửa sạch, gừng chỉ bán được với giá khoảng 5.000 đồng/kg

Trong khi đó, ông Lâm Văn Tài, một hộ trồng gừng ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), cho biết gừng rất khó trồng vì thường xuyên bị thối củ. Tuy nhiên, do liên tiếp nhiều năm liền gừng đứng ở mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg nên nhà nông lấy làm phấn khởi, đua nhau tăng diện tích. Ít ai ngờ rằng, gần đến Tết Nguyên đán mà gừng lại rớt giá thê thảm như thế. “Cận Tết những năm trước, giá gừng cao ngất ngưởng ở mức 40.000 đồng/kg nên nhà nông mới tăng diện tích. Còn với mức giá thê thảm như hiện tại, chắc chắn số hộ trồng gừng sẽ giảm đi đáng kể ở những vụ sau”- ông Tài, khẳng định.

 Nhiều hộ dân đành vận chuyển gừng ra chợ bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg

 Một cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho rằng toàn huyện có gần 150 ha gừng. Đây được xem là cây giảm nghèo lý tưởng cho bà con nông dân trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, do Phụng Hiệp và các địa phương khác liên tục tăng diện tích trồng gừng nên đầu ra bị ứ là điều khó tránh khỏi. Vì thế, ngành nông nghiệp vừa khuyến cáo bà con không nên phát triển ồ ạt diện tích gừng để tránh tình trạng bí đầu ra như hiện tại.

 Công Tuấn - Ngọc Trinh

Chuyện làm giàu từ cây lúa F1

 Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Những cơn gió chướng đã ùa về, mọi người ai cũng phấn khởi nghĩ về một mùa xuân mới với những thành công mới. Trong không khí này, chúng tôi càng vui hơn khi được nghe câu chuyện làm giàu từ cây lúa lai (F1) của người dân ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

 Hiện thu nhập của người trồng lúa lai ở xã Long Trị A đạt trên 60 triệu đồng/ha/vụ.

 Men theo con lộ xi măng rộng 3,5m (thuộc tuyến kênh Thầy Năm) vừa được địa phương khánh thành, hai bên đường những chùm hoa mười giờ đỏ thắm, hoa vạn thọ vàng rực đang khoe sắc chuẩn bị đón chào mùa xuân mới, chúng tôi đến với “xóm chòi” ở ấp 7, xã Long Trị A, nơi có Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa lai với diện tích lớn nhất của tỉnh. Nói là xóm chòi, nhưng chắc chỉ còn trong ký ức, vì giờ đây, những căn nhà lá ngày nào giờ được thay thế bằng những ngôi nhà tường khang trang mọc san sát với đầy đủ tiện nghi.

 Trong ngôi nhà tường khang trang của gia đình, ngồi đối diện bên chiếc bàn dài cùng một số thành viên trong THT, uống một ngụm trà nóng, ông Trương Hoàng Em (52 tuổi), người đầu tiên đưa cây lúa lai về đây bắt đầu thổ lộ chuyện làm giàu từ việc trồng lúa lai. Theo ông Hoàng Em, trước đây, bà con khu vực này cũng canh tác lúa hàng hóa như bao cánh đồng khác; tuy nhiên, làm vất vả nhiều năm mà cuộc sống chỉ đủ ăn, đôi khi còn bị thua lỗ do giá cả bấp bênh. Một lần tình cờ thấy được mô hình trồng lúa lai cho hiệu quả kinh tế cao của người dân ở thành phố Cần Thơ, nhận thấy đây là mô hình mới, có khả năng áp dụng trên mảnh ruộng của gia đình, ông Hoàng Em đã mạnh dạn liên hệ với Công ty Giống cây trồng Miền Nam (đơn vị bao tiêu sản phẩm) đến khảo sát, hỗ trợ lúa giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật; đồng thời vận động một số bà con xung quanh cùng thực hiện, với diện tích trồng thử nghiệm 10ha. “Ban đầu cũng ngần ngại, không biết có hiệu quả gì nên tính làm thử, nghĩ ra cũng hơi liều”, ông Hoàng Em bộc bạch.

 “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sau một thời gian cần cù sản xuất, mô hình trồng thử nghiệm lúa lai của ông Hoàng Em cùng một số hộ dân nơi đây đã bắt đầu cho những quả ngọt đầu mùa, khi vụ đầu tiên thu hoạch lúa đạt năng suất từ 280 - 300 kg/công (1.000m2), giá bán 25.000 đồng/kg, cho nguồn lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công, tăng gấp đôi so với làm lúa thường.

 Từ hiệu quả ban đầu, mô hình trồng lúa lai bắt đầu tạo được tiếng vang, số hộ xin tham gia vào mô hình ngày một nhiều, kinh nghiệm sản xuất từng bước được nâng cao nên diện tích và năng suất lúa không ngừng tăng theo từng năm. Hiện tại, toàn THT có hơn 36ha, chia thành 3 điểm, có 60 hộ tham gia, năng suất đạt từ 4 - 4,5 tấn/ha. Điều mà bà con ở kênh Thầy Năm cảm thấy an tâm trong 6 vụ sản xuất lúa lai vừa qua là luôn được công ty thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ lúa giống, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn để hướng dẫn nông dân các quy trình sản xuất từ lúc gieo sạ đến thu hoạch; đặc biệt, đứng ra bao tiêu sản phẩm với mức giá không dưới 25.000 đồng/kg, từ đó, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây trở nên khá giả hơn, nhà nào cũng có của ăn của để, nhà cửa được tươm tất.

 Ông Nguyễn Văn Mười, thành viên THT, bộc bạch: “Khi chưa làm lúa lai, cuộc sống gia đình tôi luôn chật vật. Nhưng từ khi tham gia vào sản xuất lúa lai, kinh tế gia đình được thoải mái hơn, sắm được nhiều vật dụng tiện ích trong nhà. Với 1,3ha lúa lai, sau mỗi vụ thu hoạch, tôi có nguồn lợi nhuận hơn 60 triệu đồng”. Xen trong câu chuyện của ông Mười, ông Hồ Ngọc Bình chia sẻ: “Xứ này, nói bán lúa tươi tại ruộng giá 25.000 đồng/kg có người tin, chứ đi chỗ khác nói không ai tin, vì bà con bán cao lắm cũng khoảng 6.000 đồng/kg”. Khi thấy chúng tôi cũng có vẻ ngạc nhiên với mức giá này, ông Bình và nhiều bà con khác lý giải: Sở dĩ giá thu mua lúa lai cao hơn so với lúa thường là do quy trình sản xuất đòi hỏi gắt gao và tỉ mỉ hơn.

 Theo đó, lúa lai phải được sạ trước hoặc sau lúa thường 20 ngày. Bên cạnh đó, ngoài việc bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh giống lúa thường thì trong quá trình canh tác, bà con phải thực hiện thêm nhiều công đoạn khác. Chẳng hạn, phải sạ lúa bố trước lúa mẹ 10 ngày để khi đến giai đoạn trổ bông thì lúa bố và mẹ trổ đồng loạt; khi lúa trổ, bà con phải dùng dây kéo 2 đầu để thụ phấn cho lúa; thu hoạch lúa bố trước 10 ngày mới thu hoạch lúa mẹ; khu vực sản xuất lúa lai phải được quy hoạch thành một cánh đồng riêng biệt và tập trung, tránh xa lúa thường và sạ trước lúa thường nhằm hạn chế sự lai tạo, bởi lúa lai là lúa thuộc thế hệ F1, có phẩm chất gạo tốt, nên sau khi thu mua lúa tươi của bà con, đơn vị thu mua tiến hành đem về nhà máy sấy khô, đóng gói và xuất đi nhiều nước như: Ấn Độ, Philippines, Pakistan, Trung Quốc… Riêng trường hợp đem đi canh tác thì đây là giống chịu được điều kiện khắc nghiệt: hạn, mặn, chống chịu sâu bệnh...

 Chính từ quy trình canh tác, chăm sóc nghiêm ngặt nên lúa lai chỉ sản xuất được một vụ Đông xuân, còn vụ Hè thu và Thu đông do thời tiết thường mưa nhiều nên bà con sản xuất lúa thường. Ông Hồ Ngọc Bình chia sẻ thêm: “Canh tác lúa lai “ngon” hơn lúa thường rất nhiều. “Ngon” ở chỗ, lúa thường bà con phải chịu cảnh giá cả bấp bênh, có lúc phải đi năn nỉ thương lái để bán được lúa, còn trồng lúa lai thì có sự liên kết 4 nhà, được công ty bao tiêu sản phẩm và đưa ra giá đặt cọc trước nên rất yên tâm sản xuất và nguồn lợi nhuận lúc nào cũng cao hơn so với làm lúa thường, bình quân mỗi công trồng lúa lai hiện tại có mức lợi nhuận hơn 5 triệu đồng”.

 Hiệu quả kinh tế đem lại từ cây lúa lai không chỉ giúp người dân nâng cao cuộc sống, mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Mới đây, bà con đã tự nguyện đóng góp 45 triệu đồng để xây mới được 800/1.000m lộ trước nhà (bề mặt rộng 1m); 200m còn lại, mùa thu hoạch lúa lai sắp tới đây, người dân sẽ tiếp tục đóng góp để nối liền với tuyến lộ chính nhằm thuận tiện trong việc đi lại. Trước tình hình giá lúa bấp bênh như hiện nay thì mô hình trồng lúa lai đang được nhiều nông dân xã Long Trị A nhận định là mô hình cho lợi nhuận cao, yên tâm về đầu ra, trong khi công chăm sóc không nhiều so với canh tác lúa thường, nên đây được xem là một hướng đi mới để ngành chức năng địa phương, nhất là ngành nông nghiệp xem xét nhân rộng.

 Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, thông tin: Mô hình trồng lúa lai được người dân, công ty và ngành chức năng địa phương triển khai thực hiện từ năm 2009 đến nay và hiện mô hình đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhất là thực hiện tốt khâu liên kết 4 nhà. Từ 10ha ban đầu đến nay được mở rộng lên gần 55ha và cũng từ mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo. Hướng tới, địa phương sẽ tham mưu với các ngành chức năng của huyện, tỉnh và kết hợp với công ty xem xét mở rộng thêm diện tích sản xuất lúa lai. Trước mắt, địa phương sẽ sắp xếp, quy hoạch lại vị trí cho phù hợp nhằm đảm bảo các yêu cầu cần thiết của quy trình sản xuất lúa lai để đạt hiệu quả cao nhất…

 Một mùa xuân mới đang về, với người dân xóm chòi, mỗi độ xuân về thì xóm làng thêm rộn ràng sung túc vì cuộc sống ngày một ấm no, làng quê ngày một đổi thay, nhất là những con đường làng vừa được khánh thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo thêm sắc xuân cho làng quê. Hy vọng rằng, câu chuyện làm giàu từ cây lúa lai của người dân nơi đây sẽ được nhiều địa phương khác viết tiếp để mùa xuân càng thêm sắc xuân.

 HỮU PHƯỚC

Hỗ trợ nông dân trồng nấm cao cấp

 Nguồn tin: Báo Bắc Giang

 Sau khi thử nghiệm thành công trong nhà lạnh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang) đang thực hiện hỗ trợ nông dân xã Minh Đức, Quang Châu (Việt Yên); Tiên Lục, Nghĩa Hưng (Lạng Giang) trồng nấm đùi gà, chân dài.

 Cán bộ của Trung tâm kiểm tra mô hình trồng nấm đùi gà.

 Đây là hai loại nấm chất lượng cao, đòi hỏi chăm sóc khắt khe. Sản phẩm được thị trường ưa chuộng bởi nhiều dinh dưỡng nên giá bình quân từ 80 - 90 nghìn đồng/kg.

 Hiện nay nấm sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến lượng nấm thương phẩm thu được khoảng 1 tấn trên tổng số hơn 8 tấn nguyên liệu.

 Trường Sơn

Thái Nguyên: Bưởi Tiên Hội tăng giá mạnh dịp Tết

 Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 Với gần 1ha trồng bưởi, gia đình ông Nguyễn Văn Hải (bên trái), ở xóm Tiên Trường 2 thu hoạch được hơn 6.000 quả trong vụ bưởi này, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng.

 Do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, giá bưởi ở xã Tiên Hội (Đại Từ - Thái Nguyên) đã tăng mạnh so với ngày thường, giá mua buôn cả vườn trung bình từ 40 - 45 nghìn đồng/quả, mua lẻ có thể tới 70 - 80 nghìn đồng/quả.

 Vùng bưởi của xã Tiên Hội có diện tích khoảng 20ha, tập trung chủ yếu ở 2 xóm Tiên Trường 1 và Tiên Trường 2. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và được chăm sóc tốt nên chất lượng quả ở đây không thua kém nhiều so với vùng bưởi Diễn nổi tiếng Hà Nội. Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, cùng với việc người dân tập trung mở rộng diện tích sản xuất bưởi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (hiện đã đạt 15ha) thì thương hiệu “Bưởi Tiên Hội” đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.

 Ông Hứa Viết Đăng, Trưởng xóm Tiên Trường 2 cho biết: Vụ bưởi này kém hơn cả về năng suất và mẫu mã so với mọi năm do thời điểm ra hoa bị mưa phùn khiến tỷ lệ đậu quả thấp, quá trình quả phát triển cũng bị nhiều sâu bệnh gây hại. Bù lại thời điển này giá bán lại cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 10 - 15 nghìn đồng/quả nên người trồng vẫn có lãi khá. Mấy năm trở lại đây, người trồng bưởi ở Tiên Hội không phải lo đầu ra vì đều có thương lái đến tận vườn đặt mua, sản lượng bưởi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

 Hồng Tâm

Bến Tre: Gần 8,1ha bưởi da xanh được chứng nhận VietGAP

 Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

 Ông Nguyễn Minh Trang (bên phải) thay mặt Tổ hợp tác bưởi da xanh Sơn Đông nhận giấy chứng nhận VietGAP.

 Sau 3 tháng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, chiều 26-1-2016, tại hộ ông Phạm Thành Trị (Ấp 3, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre), UBND TP. Bến Tre tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác bưởi da xanh Sơn Đông.

 Tổ hợp tác này có 28 hộ tham gia với gần 8,1ha bưởi da xanh toàn xã (4/4 ấp) được trồng từ năm 2003 đến 2010. Ông Nguyễn Minh Trang - Tổ trưởng cho biết: 28 hộ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho khoảng 280 cây bưởi theo 65 tiêu chí của VietGAP. Sau nhiều lần thẩm định, Tổ hợp tác Bưởi da xanh Sơn Đông đã được Công ty Công nghệ Nho Nho - Cần Thơ trao giấy chứng nhận VietGAP.

 Ông Võ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Bến Tre phấn khởi: Sơn Đông hiện có khoảng 100ha bưởi da xanh, hy vọng trong thời gian tới, nông dân Sơn Đông ngày càng mở rộng diện tích bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 Hoàng Vũ

Chăm sóc xoài phục vụ thị trường Tết

 Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Để đáp ứng thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhiều nông dân TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) đang tích cực chăm sóc xoài phục vụ người tiêu dùng, trong đó có loại xoài Cát chu bao trái màu vàng.

 Tổ hợp tác sản xuất xoài phường 6 năm nay cung cấp trên 15 tấn trái, trong đó 5 tấn xoài Cát chu bao trái màu vàng.

 Thành viên trong Tổ cho biết, việc sử dụng loại bao trái xoài màu vàng hiện rất được thị trường ưa chuộng. Giá được thương lái đặt mua là 30 ngàn đồng/kg, cao gần gấp 2 lần so với bao trái màu trắng, mô hình sản xuất này góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều thành viên trong Tổ. Các ngành chuyên môn cho biết, việc áp dụng kỹ thuật bao trái màu vàng vẫn đảm bảo chất lượng, không chỉ giúp cho quả xoài có màu sắc đẹp mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, túi bao trái có thể sử dụng qua 2 mùa và dễ phân hủy trong môi trường bình thường nên hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường.

 Phương Nga - Ngọc Oai

Quýt vàng ở đất bồi vùng xa

 Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nằm dưới thung lũng đầu nguồn thủy lợi xã Pró, Đơn Dương, Lâm Đồng từ giữa tháng 1/2016 đến nay, vườn quýt 5.000m² của nông dân Đinh Trọng Tuệ đua nhau chín vàng rực những chùm trái trĩu cành, hàng ngày thu hoạch hàng trăm ký. Năm nay, dự kiến sản lượng “trái cây vàng” của hộ gia đình anh Tuệ tăng hơn năm ngoái khoảng 30% và tăng hơn năm đầu tiên thu bói (năm 2013) khoảng hơn 70%, trở thành một nguồn thu nhập vượt trội so với các loại cây trồng khác nơi vùng đất bồi này.

 Mỗi cây thu hoạch từ 35 - 40kg “trái vàng”

 Tôi đến vườn quýt của anh Đinh Trọng Tuệ vào giữa tháng chạp năm Ất Mùi 2015 - đang ở giai đoạn bắt đầu chín rộ, nên dự báo sẽ thu hoạch liên tục cho đến thời điểm 5 ngày trước và sau tết. Từ trung tâm xã Pró, Đơn Dương đi hơn ba cây số đường nhựa, rồi rẽ qua gần một cây số đường đất được san gạt bằng phẳng, nên hàng ngày khá thuận tiện cho xe tải vào thu mua trái quýt thu hoạch tại vườn của hộ gia đình anh Tuệ để chuyển đi cung cấp đến người tiêu dùng địa phương và nhiều nơi trong nước. Bên cạnh những chuyến xe tải của khách hàng trực tiếp đến vườn thu mua, anh Tuệ đã trang bị riêng một xe tải để chở từng thùng quýt đến từng chợ xã, chợ huyện trong tỉnh Lâm Đồng phân phối cho quầy bán lẻ. Sau mỗi chuyến hàng giao xong, anh Tuệ cùng với những nhân công của mình nhanh tay thu hái những chùm quýt vừa đủ độ chín vàng đều, nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ rơi rụng vì “để quên” chín rục trên cây. “Tính riêng hơn 2 tuần đầu tháng Chạp năm 2015, vườn quýt của hộ gia đình chúng tôi thu hoạch mỗi ngày dao động từ 200 - 400kg. Mặc dù đã dựng lên những hàng cây lồ ô chống đỡ hầu hết cành tán, nhưng vì sản lượng năm nay tăng vượt hơn 30% so với năm ngoái, lại chưa kịp thuê đầy đủ nhân công thu hái, nên vẫn còn bỏ sót lên đến cả chục ký trái chín rụng tự nhiên xuống đất, phải bỏ đi…” - anh Tuệ vừa dẫn đường tôi tham quan vườn quýt vừa nói.

 Đi dưới những hàng cây quýt khép tán nối liền với nhau, anh Tuệ ước tính trung bình mỗi cây năm nay thu hoạch từ 35 - 40kg, nhân với tất cả 400 cây trên diện tích 5.000m² cho ra sản lượng hơn 15 tấn. Quy cách trồng cây cách cây 4m, hàng cách hàng 4m đã chứng tỏ hiệu quả đậu trái khá cao, chất lượng trái được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, thu hoạch đến đâu bán hết nhanh trong ngày đến đó. Theo những đơn đặt hàng mua chốt giá trước 30.000 đồng/kg, mùa quýt Tết Bính Thân năm nay gia đình anh Tuệ sẽ thu khoảng 450 triệu đồng. Nếu trừ tất cả mọi chi phí, kể cả công lao động, thì với diện tích 5.000m² trồng thuần cây quýt đạt lãi hơn 300 triệu đồng - mức lãi mà 30 năm qua, chưa có cây trồng nào trên vùng đất bồi đầu nguồn thủy lợi này chạm đến.

 Nhà nông Đinh Trọng Tuệ (bên phải) trong vườn quýt năng suất và chất lượng vượt trội ở xã Pró, Đơn Dương

 Mở rộng diện tích, chia sẻ kinh nghiệm

 Nằm liền kề vườn quýt đang thu hoạch nêu trên, nông dân Đinh Trọng Tuệ còn đang mở rộng thêm 5.000m² chăm sóc lứa cây quýt mới 2 năm tuổi. Có 3 giống quýt chính được anh Tuệ tự chiết cành, nhân rộng tại chỗ gồm: quýt đường (vị ngọt thanh), quýt tiều son (vị chua ngọt) và quýt giấy (vị chua thơm). Nguồn gốc 3 giống quýt này được nông dân thị trấn D’Ran, Đơn Dương “di thực” từ vùng sông nước miền Tây Nam Bộ về thuần hóa hàng chục năm. Đến năm 2009, anh Tuệ mới quyết định phá bỏ 5.000m² đất trồng dâu nuôi tằm để chuyển đổi trồng mới đồng loạt 3 giống quýt thuần hóa với tất cả 400 cây chiết cành. “Nhờ hướng dẫn của các nhà nông nhiều kinh nghiệm ở thị trấn D’Ran, Đơn Dương, tôi lên luống, đào hố, rải vôi, bón lót phân chuồng rồi xuống giống cây quýt vào mùa mưa. Trong khoảng đất trống giữa các cây, giữa các hàng với nhau tôi trồng xen các loại hoa màu ngắn ngày. Sau một năm thì tỷ lệ cây quýt sống đến 90%; còn lại 10% cây chết phải trồng dặm trở lại. Tích cực chăm sóc bước qua năm thứ 4, vườn quýt mới thu hoạch lứa bói, đạt trên dưới 10kg trái/cây…” - anh Tuệ kể lại.

 Thu bói từng ký trái quýt, anh Tuệ gửi đi chào hàng nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, không ngờ người tiêu dùng không ngớt lời tấm tắc khen rằng, đây là giống cây quýt khác biệt, vị và hương khá đặc trưng riêng của đất đầu nguồn thủy lợi vùng xa xã Pró, Đơn Dương.

 Năm sau đó - năm 2010, anh Tuệ mới thực sự dốc hết tâm sức chuyên canh cây quýt. Đi qua nhiều vùng cây trái chuyên canh ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ, rồi trở về các vườn quýt giống đầu dòng ở thị trấn D’Ran, Đơn Dương, và lên mạng tìm tài liệu, anh Tuệ đã chọn ra một quy trình kỹ thuật canh tác quýt thích hợp nhất trên đất vườn của mình. Cụ thể, về nước tưới, anh Tuệ lắp đặt ở giữa mỗi thân cây định vị mỗi chiếc ống béc để phun nước phủ đều từ tán cây xuống gốc cây; khoảng cách giữa những hàng cây phải đào rãnh thoát nước cho mùa mưa, tránh cây bị ngập úng; chọn các loại thuốc sinh học bơm xịt trong những lúc thời tiết giao mùa để phòng trừ các loại bệnh phổ biến nguy hại như: nhện đỏ, sâu vẽ bùa; trường hợp có cây chết phải chặt hạ, đào bỏ toàn bộ gốc rễ rồi thu gom đưa ra ngoài vườn tiêu hủy; bón đầy đủ lượng phân chuồng hoai mục để tạo dinh dưỡng an toàn cho cây…

 Hiện tại, từ vườn quýt kinh doanh của mình, anh Tuệ đã chiết ghép thành công 300 cây giống để chuẩn bị trồng mới trên 3.000m² đất chuyển đổi từ những cây trồng hiệu quả thấp hơn. Những kinh nghiệm thành công bước đầu vườn “trái cây vàng” ở vùng xa thuộc xã Pró, Đơn Dương, nhà nông Đinh Trọng Tuệ nói sẽ sẵn lòng chia sẻ với tất cả nhà nông khác trong tỉnh Lâm Đồng đến tham khảo, nghiên cứu áp dụng trên diện tích đất sản xuất của mình.

 VĂN VIỆT

Bưởi Diễn, thêm một mùa thất thu

 Nguồn tin: Hà Nội Mới,

Bưởi Diễn là một trong những cây ăn quả chủ lực của Hà Nội. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiệu quả kinh tế của các mô hình bưởi Diễn rất cao, trung bình từ 300 đến 600 triệu đồng/hécta. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, cây bưởi Diễn tại nhiều vùng ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp, có vườn gần như mất trắng.

 Tỷ lệ đậu quả chưa đến 30%

 Năm nay là năm thứ 2 vùng bưởi Diễn tại một số xã Chương Mỹ như: Nam Phương Tiến, Trần Phú, thị trấn Xuân Mai… rơi vào tình trạng mất mùa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, toàn xã có trên 120ha sản xuất bưởi Diễn, trung bình mỗi hécta bưởi Diễn cho thu nhập 150 - 450 triệu đồng. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, hầu hết các vườn bưởi Diễn ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả rất ít, có vườn lơ thơ vài quả, coi như mất trắng.

 Hai năm gần đây do yếu tố thời tiết nên bưởi Diễn đậu quả thấp. Ảnh: Vương Trần

 Không chỉ Nam Phương Tiến, một số xã khác trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng rơi vào cảnh mất mùa. Vốn là một trong những vườn bưởi Diễn lớn nhất thị trấn Xuân Mai, ông Nguyễn Đức Thọ - chủ vườn bưởi trên 1ha tại thị trấn cho biết, hai năm trở lại đây, bưởi ra hoa rất nhiều song đến khi đậu quả lại ít. Quả phát triển bằng cái chén là rụng, hoặc không đậu quả. Năm nay, vườn bưởi của gia đình ông thiệt hại nặng bởi tỷ lệ đậu quả chưa đến 30%. Số lượng quả trên mỗi cây chỉ đếm trên đầu ngón tay, trung bình từ 5 đến 7 quả/cây.

 Hiện toàn huyện Chương Mỹ có trên 400ha trồng bưởi Diễn. Bưởi Diễn Chương Mỹ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể. Bưởi trở thành nguồn thu lớn không chỉ cho các xã mà còn cho cả huyện. Do tình trạng mất mùa kéo dài 2 năm khiến năng suất bưởi giảm nên thu nhập của các chủ vườn cũng giảm mạnh, trung bình chỉ đạt 50 - 70 triệu đồng/ha.

 Cần sớm khắc phục

 Lý giải về tình trạng này, TS Cao Văn Chí - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả) cho rằng: bưởi Diễn ra hoa, đậu quả vào tháng 1 - 2 Âm lịch trùng với thời điểm mưa nhiều, độ ẩm cao, do đó thường xảy ra hiện tượng thối nhũn hoa, đậu quả kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho cây dễ bị nhiễm nấm bệnh. Nếu kết hợp với mất cân bằng dinh dưỡng, hiện tượng rụng hoa, quả non diễn ra phức tạp hơn, khó kiểm soát, có thể rụng tới 70 - 80% số hoa, quả trên cây. Ngoài ra, do phát triển bưởi Diễn theo xu hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và phá bỏ cây bưởi chua truyền thống cùng cây bưởi khác dòng… dẫn tới bưởi Diễn không được thụ phấn chéo và bổ sung phấn dẫn tới tình trạng ra hoa nhiều nhưng khả năng thụ phấn, đậu quả thấp.

 Theo ông Cao Văn Chí, để khắc phục tình trạng này, cần điều tiết quá trình phát triển cân đối, hài hòa qua các thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng. Đất trồng bưởi phải được cải tạo thường xuyên, hằng năm bón bổ sung hàm lượng phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, lân để cải tạo đất. Bên cạnh đó, cần áp dụng đúng và triệt để các biện pháp kỹ thuật như: cắt tỉa tạo tán (làm cho cây bưởi thông thoáng) và bón phân phù hợp... Các chủ vườn cũng có thể trồng xen, cắt tỉa để "trẻ hóa" cây bưởi Diễn già cỗi và ghép cải tạo một số giống cây bưởi khác như bưởi Diễn trái chum, bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình), bưởi da xanh (Tiền Giang), bưởi đường Cát Quế (Hà Nội), bưởi Hoàng (Hưng Yên)... để tăng khả năng thụ phấn chéo, bổ sung phấn trong giai đoạn cây bưởi Diễn ra hoa, đậu quả.

 Để khắc phục tình trạng bưởi mất mùa hoặc bưởi ra quả cách năm, Sở NN&PTNT đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia nông nghiệp cùng vào cuộc để làm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục. Được biết, không chỉ giống bưởi Diễn mà hầu hết các giống bưởi khác như: bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch... cũng cùng chung cảnh ngộ mất mùa do mấy năm gần đây thời tiết biến đổi thất thường.

 Đào Huyền

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop