Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 05 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 05 năm 2021

Đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất VietGAP gắn với tiêu thụ nông sản

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Trước sự lựa chọn thực phẩm ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng thì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) theo hướng liên kết chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trên thực tế, xu hướng này của người tiêu dùng đã được rất nhiều đơn vị sản xuất tại Đắk Lắk nắm bắt thông qua việc thay đổi quy trình sản xuất để làm ra những mặt hàng chất lượng, an toàn. Các đơn vị sản xuất, kênh phân phối thường xuyên áp dụng, kiểm tra nghiêm ngặt những tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Song song với đó, để thúc đẩy chuỗi liên kết VietGAP, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, thời gian qua Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc áp dụng VietGAP cho các địa phương, doanh nghiệp, nông dân. Đồng thời, tập huấn, hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật, quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu; xây dựng các mô hình điểm VietGAP gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình trồng cây ăn trái theo quy trình VietGAP ở TP. Buôn Ma Thuột.

Trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã xây dựng thành công 4 mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP. Qua đánh giá, các mô hình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại những hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt là giúp nông dân nắm bắt được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana là một trong những đơn vị sản xuất nấm quy mô lớn, hiện có 26 thành viên tham gia liên kết trồng nấm. Với quy mô 0,35 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hằng năm HTX cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 9 tấn nấm các loại (bào ngư, sò, linh chi, đầu khỉ, vân chi…). Bà Dương Thị Thảo Hiền, Phó Giám đốc HTX cho biết, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng về những thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn. Nắm bắt được điều này, HTX đã tiên phong áp dụng quy trình sản xuất an toàn từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào đến các bước sản xuất và tích cực chia sẻ với các thành viên tham gia liên kết. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX được cấp Chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và được xem là "tấm giấy thông hành" cần thiết để cơ sở tiếp cận được những đơn vị thu mua đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn… Điều này cũng giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm và cải thiện thu nhập.

Việc xây dựng các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp nông dân có thu nhập ổn định và tăng hiệu quả kinh tế.

Riêng đối với sản phẩm trái cây, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất đạt chứng nhận VietGAP như: sầu riêng, bơ, vải, nhãn, dưa lưới, cây có múi… Đồng thời, gắn mã truy xuất nguồn gốc và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định tại các tổ hợp tác, HTX, hộ liên kết trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phạm Bá Thiện, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Cư M’gar), đơn vị được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP trên diện tích 15 ha cây ăn trái các loại, các thành viên HTX đều tuân thủ theo quy trình sản xuất. Nhờ vậy, trái cây trong chuỗi liên kết sản xuất VietGap của HTX không bị ảnh hưởng nhiều từ tình hình dịch bệnh COVID-19, vẫn tiêu thụ ổn định và mở ra triển vọng lớn trong việc xây dựng thương hiệu cho trái cây địa phương.

Để thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai áp dụng quy trình VietGAP trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mỗi năm triển khai thực hiện tối thiểu 45 mô hình VietGAP, ưu tiên đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến hết giai đoạn, sẽ thực hiện tối thiểu được 225 mô hình VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh; 100% cơ sở được hỗ trợ kinh phí khi áp dụng VietGAP; 100% sản phẩm có chứng nhận VietGAP có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Hộ nông dân liên kết trồng nấm ở HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana.

Để các mục tiêu đạt hiệu quả tốt nhất, nhiệm vụ chủ yếu đến năm 2025 là ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung vào việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật về quy trình VietGAP, quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan, nhất là người sản xuất, kinh doanh; xây dựng, kiện toàn tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp thực hiện quy trình VietGAP ở các vùng được quy hoạch. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp, các chi phí liên quan cho các mô hình; xây dựng các kênh phân phối, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm VietGAP…

Minh Thuận

Tiêu thụ trái cây mùa hè: Cần chủ động thích ứng

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Bình Thuận có nhiều loại trái cây có thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, xoài, mít, dưa hấu… Thế nhưng hiện nay, dịch Covid - 19 bùng phát mạnh đã khiến cho nhiều loại trái cây này thường đứng ở mức giá cao rơi vào cảnh rớt giá, khó tiêu thụ. Hơn lúc nào hết, người nông dân cần chủ động thích ứng, đó sẽ là con đường duy nhất để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Rớt giá, khó tiêu thụ

Xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân là vùng có nhiều loại trái cây như nhãn, cam, bưởi, đặc biệt là xoài. Thời điểm này, nông dân nơi đây đang bước vào vụ thu hoạch xoài Úc – loại trái cây mùa hè. Thay vì phấn khởi, vui mừng, các nông dân ở đây đang điêu đứng vì xoài chín đầy cây nhưng không dám hái, vì có hái cũng không biết tiêu thụ đi đâu.

Có hơn 20 ha xoài, chủ yếu là loại xoài Úc, trái màu đỏ đang đến kỳ thu hoạch, ấy vậy mà ông Hà Thành Chánh (thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân) đành ngậm ngùi nhìn xoài chín rụng đầy gốc. Ông cho biết, hiện tại ông còn hơn 50 tấn xoài đang “lủng lẳng” treo cây vì giá quá thấp, thậm chí không có người thu mua. Nếu như những vụ trước, xoài loại 1 sẽ có giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, thấp nhất thì cũng bán được với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Song hiện giá xuống chỉ còn 1.000 – 3.000 đồng/kg.

Nông dân đang bước vào vụ thu hoạch trái cây mùa hè, đặc biệt là xoài.

“Tôi đầu tư cho vụ này tầm 500 triệu đồng, có gọi các mối lái thường xuyên mua của mình trước đây nhưng họ không tới. Với hơn 50 tấn, bán với giá 1.000 – 3.000 đồng/kg thì cũng không bỏ công thuê hái, vận chuyển. Coi như chấp nhận thua lỗ trong vụ này chứ biết sao”, ông Chánh chua xót.

Cũng theo ông Chánh, loại xoài Úc này có màu đỏ rất ngon, khi chín có thể kéo dài được thời gian. Thế nhưng từ trước đến nay chủ yếu xuất sang Trung Quốc, rất ít bán thị trường nội địa. Dịch Covid-19 bùng phát nên việc xuất đi gặp khó khăn. Hiện tại có tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng là vấn đề nan giải. Bởi người tiêu dùng cứ nghĩ màu đỏ là xoài của Trung Quốc nên sẽ hạn chế mua.

Ông Trần Xuân An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải cho biết, cả vùng xoài Thắng Hải đang có gần 100 ha xoài, hiện lượng xoài tồn đọng của các hộ nông dân còn rất nhiều, chủ yếu là xoài Đài Loan.

“Xoài bị tồn đọng là do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 khiến việc vận chuyển, tiêu thụ xoài đi các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn. Hiện địa phương đang kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi cho các nhà vườn. Về lâu dài, mong các doanh nghiệp trong tỉnh cần nghiên cứu, lắp đặt dây chuyền chế biến sản phẩm các loại trái cây, đặc biệt là xoài nhằm hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân” - ông An chia sẻ. Không riêng gì xoài, mà nhiều trái cây mùa hè như thanh long, sầu riêng, bơ, chôm chôm…cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19.

Nông dân chủ động tìm hướng đi để thích ứng

Sau các đợt dịch Covid-19 bùng phát trong nước, các tỉnh, thành nói chung và Bình Thuận nói riêng cũng đã chủ động và có nhiều sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh như: Tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để nới rộng thời gian thông quan; thành lập đội lái xe trung chuyển chuyên biệt để thông quan nông sản, hàng hóa tại cửa khẩu… Tuy nhiên, đó là việc của các ngành chức năng, còn người nông dân để tự cứu mình cũng đã chủ động tìm nhiều giải pháp để tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại trái cây do chính mình làm ra, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Việc lựa chọn và khai thác mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp đó.

Dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà vườn trái cây điêu đứng vì không bán được, thế nhưng vườn xoài rộng 3 ha của chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn có đầu ra, mang lại thu nhập ổn định. Chị Hạnh cho biết, chị không mang sản phẩm ra chợ, không gọi thương lái tới tận nhà thu mua, mà chị đã sử dụng mạng xã hội là Facebook cá nhân để chào hàng. Những ngày đầu, nhờ có bạn bè ủng hộ, chia sẻ, do đó cộng đồng mạng biết nhiều hơn.

“Ban đầu chỉ là những đơn hàng của khách lẻ, hoặc bạn bè người thân ủng hộ, thế nhưng sau đó đã có nhiều thương lái đến đặt hàng luôn trên mạng. Họ chuyển tiền cho mình trước và mình đóng thùng gửi hàng đi cho họ. Hiện nay, tôi đang bán xoài tùy theo loại 1, loại 2 nhưng trung bình giá dao động từ 10.000 – 15.000 đồng/ kg. Thời buổi dịch bệnh như thế này, nếu không chủ động bán hàng trên mạng, chắc vườn xoài của tôi cũng không có đầu ra”, chị Ngọc Hạnh chia sẻ.

Cũng như chị Hạnh, chị Trần Thị Nam (xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc) khá thành công trong việc thu hút khách hàng mua sầu riêng của vườn gia đình qua mạng xã hội. Chị cho biết, do tình hình dịch bệnh nên giá sầu riêng tại vườn bị thương lái ép. “Những ngày đầu mới vào vụ, giá còn cao được một chút, nhưng sau đó giá hạ đột ngột. Thương lái nói do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khó tiêu thụ. Nghĩ đi nghĩ lại, công sức đổ ra rất nhiều mà giờ thu hoạch lại không đáng bao nhiêu. Nên tôi quyết định quay clip vườn sầu riêng lại và bán trên mạng xã hội”, chị Nam cho hay. Cũng theo chị Nam, khách hàng ăn ngon, người này truyền người kia nên rất đông khách hàng ủng hộ. Hiện tại vườn sầu riêng của chị cũng đã thu hoạch hơn một nửa.

Trên thực tế, việc những nông dân biết lựa chọn và khai thác mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm, đa phần là những hộ có diện tích nông sản ít, vừa phải, không quá nhiều. Do đó, sản phẩm của họ cũng dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng và cũng dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng làm được điều này. Do vậy, việc chủ động tìm hướng đi để tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra trong bối cảnh dịch Covid - 19 hiện nay là việc làm cần thiết.

Ngọc Diệp

Sản xuất thanh long sạch để tìm đầu ra bền vững

Nguồn tin: Báo Long An

Hiện nay, yêu cầu của thị trường về chất lượng hàng hóa nông sản và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tìm đầu ra bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm thanh long, nhiều hợp tác xã (HTX) thanh long trên địa bàn tỉnh Long An chọn giải pháp chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

Sản xuất thanh long sạch để tìm đầu ra bền vững

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 5/2021, toàn tỉnh có hơn 12.167,7ha thanh long, đạt 101,4% kế hoạch, bằng 95% so cùng kỳ năm 2020. Diện tích cho trái khoảng 11.142ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An. Trong đó, Châu Thành được xem là thủ phủ thanh long của tỉnh với diện tích hơn 9.100ha, cho sản lượng gần 300.000 tấn/năm.

Thời gian qua, vấn đề đầu ra luôn là bài toán khó, bởi hơn 80% sản lượng được xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, giá cả bấp bênh. Người trồng thanh long Châu Thành nói riêng và tỉnh nói chung buộc phải thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản để tránh lệ thuộc vào một thị trường. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội) đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế này, mạnh dạn xây dựng mô hình phù hợp và gặt hái được thành công bước đầu.

Được biết, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi từ trồng thanh long truyền thống sang trồng theo hướng hữu cơ, đạt chất lượng cao ở huyện Châu Thành. Hiện HTX có khoảng 60ha thanh long được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và trong năm 2021, HTX sẽ thực hiện thêm 50ha thanh long theo hướng VietGAP, 50ha thanh long theo hướng GlobalGAP.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân - Phan Thanh Sơn cho biết: “Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP góp phần giúp ổn định đầu ra và tăng lợi nhuận cho các thành viên. Từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay, nhiều đối tác trong và ngoài nước đã đến đặt hàng của HTX. Trước nhu cầu của thị trường cũng như hiệu quả mang lại từ hoạt động sản xuất thanh long sạch, việc thu hút thêm các thành viên tham gia HTX để mở rộng thêm diện tích đang được Ban Giám đốc và chính quyền địa phương quan tâm thực hiện”.

Ông Phan Văn Kỳ - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dương Xuân, chia sẻ: “Thông qua các buổi tập huấn và tuyên truyền của HTX, tôi hiểu được tầm quan trọng và hiệu quả của việc sản xuất theo quy trình an toàn. Theo tôi, trồng theo quy trình GlobalGAP có nhiều cái lợi, cụ thể, trái thanh long sau thu hoạch sẽ bảo đảm không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn cho người tiêu dùng, vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn thông tin, đối với cây thanh long, ngành Nông nghiệp huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất từ truyền thống sang sản xuất sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng trái thanh long và ổn định đầu ra, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp các ngành liên quan mở thêm nhiều lớp tập huấn sản xuất thanh long hữu cơ, sạch cho người dân, góp phần thay đổi dần nhận thức và tập quán sản xuất của người dân./.

Minh Tuệ

Gỡ khó cho khoai lang

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những năm qua, nhiều nông dân ÐBSCL đẩy mạnh sản xuất khoai lang, đặc biệt là giống khoai lang tím Nhật để xuất khẩu. Tuy nhiên, khi diện tích khoai lang cứ “nở nồi” mà thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng một cách đồng bộ đã dẫn đến tình trạng rớt giá và nông dân là người chịu thiệt đầu tiên.

Nông dân trồng khoai lang xuất khẩu ở huyện Châu Thành (Ðồng Tháp) lỗ nặng do giá quá thấp.

Giá thấp kỷ lục

Thời điểm này, nhiều hộ trồng khoai lang xuất khẩu ở ÐBSCL đứng ngồi không yên vì giá giảm và khó tiêu thụ. Dọc các xã Phú Long, Hòa Tân, Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp), nhiều cánh đồng khoai lang xuất khẩu bạt ngàn nhưng vắng người mua. Ông Nguyễn Văn Huynh, Chủ nhiệm Hội quán Ðồng Tân, xã Phú Long, huyện Châu Thành, thở dài: “Trước Tết Nguyên đán 2021, giá khoai lang tím Nhật được thương lái mua xuất sang Trung Quốc dao động khoảng 1 triệu đồng/tạ (60kg), nông dân lời đậm. Tuy nhiên, sau Tết không hiểu sao giá khoai lang tím Nhật giảm xuống mức 600.000 đồng/tạ, rồi 400.000 đồng/tạ… Ðến cuối tháng 4-2021, còn khoảng hơn 200.000 đồng/tạ và mấy ngày nay chỉ còn 50.000-60.000 đồng/tạ. Với giá hiện tại, hàng loạt hộ trồng khoai lang xuất khẩu lỗ nặng”.

Giá giảm mạnh, khoai lang tiêu thụ chậm, hàng loạt ruộng khoai tới kỳ thu hoạch nhưng rất khó kêu bán. Ông Ngô Văn Mười ở xã Phú Long, than: “Vụ này tôi trồng khoảng 20 công khoai lang xuất khẩu, tổng chi phí đầu tư gần 300 triệu đồng. Tôi rất lo vì giá khoai quá thấp và khó bán”. Theo ông Nguyễn Văn Huynh, thống kê mới đây cho thấy chỉ riêng ở xã Phú Long còn khoảng 200ha khoai lang chưa bán được, trong khi cần phải thu hoạch dứt điểm vài tuần nữa để kịp gieo sạ lúa thu đông.

Tại xã Hòa Tân, tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Út Em, hàng chục năm trồng khoai lang, ngán ngẩm than: “Vụ khoai lang năm 2021 này, gia đình tôi sản xuất 15 công. Ðến thời điểm này chỉ mới bán được 8 công với giá khoảng 40.000 đồng/tạ. Với tình hình này, nông dân trồng khoai ôm nợ...”.

Dọc theo tuyến kênh thủy lợi ở xã Hòa Tân, chúng tôi tìm đến ruộng khoai lang tím Nhật 15 công của ông Nguyễn Văn Á. Ông Á cho hay, ruộng khoai này đã quá 5 tháng rồi, những ngày qua cả nhà cố chạy tìm thương lái thu mua, vậy mà mới bán được 10 công, giá chỉ 47.000 đồng/tạ; 5 công còn lại dù chấp nhận lỗ nặng nhưng vẫn chưa bán được. “Hàng chục năm trồng khoai lang xuất khẩu, cũng từng trải qua tình cảnh “được mùa, mất giá”, nhưng đây là năm thê thảm nhất…” - ông Á thở dài.

Không khí ở “vương quốc khoai lang Bình Tân” tỉnh Vĩnh Long, cũng rất ảm đạm. Ông Lê Văn Ðắng ở xã Thành Trung, ngao ngán: “Bình quân mỗi công khoai lang xuất khẩu, nông dân đổ vốn đầu tư khoảng 15 triệu đồng, riêng đất mướn, vốn sẽ tăng thêm. Với tình hình hiện tại, hầu như 100% hộ trồng khoai đều lỗ nặng; có hộ thu hoạch xong chỉ còn đủ tiền để trả nhân công, vốn đầu tư xem như lỗ đứt”.

Tìm hướng liên kết tiêu thụ

Toàn huyện Châu Thành mỗi năm sản xuất khoảng 3.400ha khoai lang, nhiều nhất tỉnh Ðồng Tháp. Tuy nhiên, hiện tại giá khoai quá thấp đã đẩy nhiều hộ vào cảnh khốn đốn. Ông Phạm Tấn Xiếu, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho rằng, khoai lang rớt giá do ảnh hưởng việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, bởi những tác động từ dịch COVID-19. Những ngày qua, huyện nỗ lực liên lạc với ngành chức năng của tỉnh, với doanh nghiệp… hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Về lâu dài, huyện vận động nông dân vào Hợp tác xã (HTX) nhằm sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Song song đó, kêu gọi doanh nghiệp gia tăng chế biến nhiều sản phẩm từ khoai lang, giảm áp lực xuất thô.

Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc, tỉnh Vĩnh Long, nhận định: “Nhiều năm nay, Vĩnh Long được xem là thủ phủ khoai lang của ÐBSCL với diện tích khoảng 13.000-15.000ha mỗi năm; trong đó huyện Bình Tân đóng vai trò chủ lực. Thực tế cho thấy, những năm được mùa, được giá thì khoai lang xuất khẩu đã giúp rất nhiều hộ nông dân có thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, việc phát triển nghề trồng khoai còn kéo theo giải quyết việc làm cho nhiều lao động như cuốc khoai, trồng khoai, chăm sóc, thu hoạch… Mặt được là vậy, tuy nhiên hạn chế tồn tại lâu nay vẫn là khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng ùn ứ khi vào giai đoạn thu hoạch rộ. Ðặc biệt là diện tích khoai lang xuất khẩu được mở rộng nhiều nơi, nhưng chúng ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên dễ gặp rủi ro”.

Cũng theo ông Luận, vài tháng nay, thị trường Trung Quốc giảm mạnh tiêu thụ khoai tím Nhật của ÐBSCL; trong khi việc xuất khẩu sang thị trường này cũng gặp nhiều trở ngại về thủ tục và các vấn đề khác. Do đó, một khi thị trường Trung Quốc giảm “ăn hàng” thì giá khoai lang sụt giảm là khó tránh khỏi. Ông Luận cho rằng nhiều năm “trong nghề” nên HTX luôn lường trước những trở ngại trong tiêu thụ. Vì vậy, thời gian qua, HTX nỗ lực tìm thêm thị trường xuất khẩu khoai lang sang Malaysia, Indonesia, Hồng Công… nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Bước đầu cũng đã xuất được sang những thị trường mới, nhưng số lượng chưa nhiều.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tỉnh quy hoạch vùng trồng khoai lang dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ. Quan điểm chung là không khuyến khích độc canh khoai lang liên tục mà áp dụng luân canh, xây dựng lịch thời vụ phù hợp, tránh việc thu hoạch quá nhiều cùng thời điểm, sẽ dễ bị rớt giá. Chuyển dần từ sản xuất tự phát, cá thể, sang mô hình HTX để dễ quản lý, đầu tư, tiêu thụ… Mặt khác, Vĩnh Long khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến khoai lang, nhằm phát triển bền vững.

Tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ việc dự báo thị trường tiêu thụ ở các nước, nhất là Trung Quốc để địa phương cân đối sản xuất. Hỗ trợ xúc tiến tìm những thị trường mới, tăng cường đầu tư kho chứa để tồn trữ, bảo quản khoai lang, giúp nông dân an tâm sản xuất…

Theo các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, qua thống kê cho thấy khoai lang của Việt Nam chiếm khoảng 1,2% về sản lượng khoai lang trên thế giới; xuất khẩu chiếm 0,7% trên thế giới. Hiện các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh, Malaysia, Indonesia, Singapore… có nhu cầu nhập khẩu khoai lang khá lớn. Vấn đề là các địa phương cần tập trung nhiều hơn cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm khoai lang, mở rộng thị trường… Song song đó, cần xây dựng thương hiệu khoai lang để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, tăng giá trị và lợi nhuận…

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Bình Định: Thêm 3 địa phương xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò

Nguồn tin: Báo Bình Định

Chiều 26.5, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho hay, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò tiếp tục lây lan và gây hại đàn bò của nhiều hộ dân tại các huyện: Hoài Ân, Tây Sơn và TX An Nhơn.

Riêng tại huyện Hoài Ân, có 7 con bò của 7 hộ dân ở các xã: Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân phong bị nhiễm bệnh VDNC. Còn tại huyện Tây Sơn, dịch bệnh VDNC đã xuất hiện tại các xã Bình Tường, Bình Tân, Bình Hòa gây hại 7 con bò của 4 hộ dân. Loại dịch bệnh này cũng đã xâm nhiễm và gây hại đàn bò 8 con của 7 hộ dân ở xã Nhơn Mỹ và phường Nhơn Thành, TX An Nhơn.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các địa phương đang nỗ lực khống chế các ổ dịch, đồng thời tư vấn hướng dẫn người dân điều trị đàn bò bị nhiễm bệnh.

TIẾN SỸ

Bình Định: Nghề nuôi gà nòi ở Tây Sơn

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ngày trước, ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) có nghề nuôi gà nòi kết hợp nuôi lấy thịt đồng thời tuyển chọn những con gà tốt tham gia thi đấu, biểu diễn. Do nhiều nguyên nhân, nay nghề này mai một dần, toàn huyện chỉ còn khoảng vài chục hộ nuôi.

Anh Nguyễn Minh Quang, ở thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận (ảnh) là người có đàn gà thuộc loại lớn và đa dạng nhất huyện, cho biết: Tôi bỏ công sưu tầm giống gà nòi tốt từ nhiều nơi khác nhau, thả nuôi tầm 100 con/lứa, vừa bán thịt, vừa tuyển chọn những con trống tốt để bán gà đá. Gà nòi mái nuôi lấy thịt, sau hơn 3 tháng nuôi đạt trọng lượng 2 kg/con, xuất bán ở chợ với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Đối với gà nòi trống, nuôi 7 tháng trở đi thì chuyển từ nuôi thả vườn sang nuôi nhốt chuồng với khẩu phần ăn và kỹ thuật chăm sóc chế độ cao hơn gà nòi lấy thịt. Nuôi đến tháng thứ 8 - 9, gà nòi trống đạt trọng lượng 2,7 kg - 3,3 kg/con, tuyển chọn thành gà đòn, gà thế, ai có nhu cầu mua thì bán. Gà nòi lấy thịt với các ưu điểm thịt giòn, dai, thơm ngon, giá trị cao. Gà nòi Tây Sơn cả gà thịt và gà đá đều được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Khác với anh Quang, anh Thái Bửu Bấu ở thôn An Dõng, xã Bình Thành tập trung tuyển chọn gà đòn, gà thế cung cấp cho thị trường. Hiện anh Bấu thả nuôi vài trăm con trong chuồng lớn, mỗi con nuôi riêng biệt một ô. Ngoài thức ăn thông thường, anh Bấu còn nuôi dế cơm, nuôi ruồi lính đen lấy trứng, lấy nhộng làm thức ăn bổ sung cho cho gà nòi. Anh Bấu cho biết, nuôi gà nòi có vất vả hơn gà thường, nhưng riêng thương hiệu “gà nòi Tây Sơn” không thôi cũng đáng để đầu tư vì đó là lợi thế rất lớn trong khâu tiêu thụ.

Xác định gen gà nòi Tây Sơn là một tài nguyên tốt, huyện Tây Sơn đã lên kế hoạch xây dựng chứng nhận “Gà nòi đất võ Tây Sơn” để phát huy giá trị đa dạng của giống gà này. Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tây Sơn, chia sẻ: Chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở KH&CN) để xúc tiến kế hoạch xây dựng thương hiệu, trước mắt huyện đề xuất thành lập và ra mắt HTX chăn nuôi gà nòi để thu hút, tập hợp những người thích nuôi gà nòi vào sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, chung tay phát triển uy tín nhãn hiệu “gà nòi Tây Sơn”; phối hợp với Công ty CP Du lịch Hầm Hô Rosa Alba quảng bá sản phẩm gà nòi Tây Sơn trong ẩm thực.

Bài, ảnh: ĐÀO MINH TRUNG

Chăn nuôi gặp khó vì giá thức ăn tăng

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Những tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp mà vẫn không có đầu ra, khiến người chăn nuôi tạm dừng tăng đàn, tái đàn, thậm chí nhiều hộ phải nghỉ hẳn.

Giảm đàn, nghỉ nuôi vì giá thức ăn tăng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó, nhiều trang trại chăn nuôi gà, heo quy mô lớn trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoặc giãn kế hoạch tái đàn. Ông Đỗ Minh Hiến (thôn Hòa Do 7, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) cho biết, trước đây, trại gà của gia đình ông nuôi khoảng 15.000 con gà thịt, nhưng từ cuối năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản phẩm bán ra rất chậm, thậm chí không bán được, trong khi giá thức ăn ngày càng tăng khiến chi phí sản xuất đội lên rất cao. Từ đó, ông chỉ bán cho hết sản phẩm chứ không còn tái đàn. Hiện nay, gia đình ông chỉ nuôi duy trì 2.000 con gà thịt. Theo tính toán của ông Hiến, trước đây, trung bình 1.000 con gà chi phí thức ăn hết khoảng 700.000 đồng/ngày, hiện nay tăng lên 900.000 đồng/ngày. Ông vừa nhận được thông báo của đại lý cung cấp thức ăn, sắp tới giá thức ăn tiếp tục tăng khoảng 10.000 đồng/bao, trong khi đó, gà bán không có người mua. Lúc trước, ông bán 7.000 - 10.000 con/tháng, hiện nay chỉ bán được trên dưới 1.000 con/tháng.

Người dân mua thức ăn chăn nuôi tại cửa hàng Kim Toản.

 

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24 ngày 14-4-2021 quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi. Theo đó, từ ngày 17-5 đến 31-12, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại biểu thu phí trong chăn nuôi. Cụ thể, giảm 50% mức phí như: Phí thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận vật tư nông nghiệp; thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp; thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, miễn thu phí đối với cá nhân thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng; tổ chức, cá nhân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các nội dung thu phí quy định tại biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo thông tư này.

Gia đình ông Võ Đông Anh (thôn Cẩm Sơn, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) nuôi 2.400 con gà đẻ, hiện nay, giá thức ăn quá cao, trong khi giá trứng thấp (1.600 đồng/quả), khó bán nên ông bán dần đàn gà đẻ. Thế nhưng, việc bán gà để giảm bớt đàn cũng không đơn giản, vì không có người mua sỉ. Ông Anh cho biết: “Hiện nay, mỗi bao thức ăn cho gà loại 25kg tăng 60.000 - 70.000 đồng/bao và còn tiếp tục tăng trong thời gian đến. Từ tháng 12-2020 đến nay, hầu hết người nuôi gà không có lãi, thậm chí lỗ. Vì vậy, nhiều trại gà ở Diên Khánh khi bán hết gà đã tháo dỡ trại, nghỉ nuôi. 80 - 90% hộ nuôi nhỏ lẻ trong dân cũng đã nghỉ. Sở dĩ gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì đàn gà là do tận dụng nguồn thức ăn khác rẻ hơn để thay thế những loại thức ăn tăng giá cao nhằm hạn chế chi phí. Cụ thể, thay đậu nành thành bánh đậu phộng; xác dừa, cám gạo thay một phần thức ăn bắp…”.

Nhiều hộ nuôi vịt, cá, chim cút, heo trên địa bàn tỉnh cũng đang có ý định nghỉ nuôi hoặc giảm đàn. Theo một hộ chăn nuôi heo ở xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm), từ sau Tết, gia đình bà mở rộng quy mô chuồng nuôi lên 500 - 800 con/lứa, tuy nhiên giá cám tăng liên tục nên từ đó đến nay bà vẫn chưa nuôi thêm. Mỗi bao cám hỗn hợp cho heo thịt, trọng lượng 25kg có giá 250.000 đồng/bao, hiện nay đã tăng lên 315.000 đồng/bao. Với giá thức ăn hiện nay, chi phí sẽ đội lên hơn 1 triệu đồng/tạ, cộng với các khoản giống, thuốc thú y, trong khi giá heo hơi đang có chiều hướng giảm (hiện nay, giá bán khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg) nên người nuôi không còn lãi hoặc lãi rất ít.

Vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu

Khảo sát tại các cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn TP. Nha Trang, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 7 lần. Giá các loại thuốc thú y cũng tăng khá cao, khoảng 20 - 25%. Chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Kim Toản (đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) cho biết: “Hơn 20 năm trong nghề bán thức ăn chăn nuôi, lần đầu tiên tôi chứng kiến giá thức ăn chăn nuôi tăng khủng như hiện nay. Giá tăng cao nên lượng khách hàng giảm khoảng 60 - 70%, vì vậy tôi chỉ nhập hàng cầm chừng”.

Theo chủ các đại lý, cửa hàng, nguyên nhân khiến thức ăn chăn nuôi tăng cao do Việt Nam vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Hiện nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như bột bắp và đậu nành trên thế giới tăng do thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng hóa cũng làm giá nguyên liệu về đến Việt Nam tăng lên.

KHÁNH HÀ

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop