Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 06 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 06 năm 2020

Phú Thọ: Hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ cho phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng và bưởi Diễn

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Mô hình trồng bưởi đặc sản ở xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng

Từ năm 2016 đến nay, trên 20 tỷ đồng đã được huy động hỗ trợ cho phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ các nguồn kinh phí khác nhau.

Việc phát triển vùng cây ăn quả theo định hướng, quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện nay, toàn tình đang có 147 vùng sản xuất bưởi tập trung với diện tích trên 700ha; 33 trang trại, 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác sản xuất bưởi với trên 200ha. Các địa phương đã bám sát được kế hoạch phát triển cây bưởi, đưa quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị áp dụng kỹ thuật tiên tiến như an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ… vào sản xuất để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố hiệu quả kinh tế và mức độ bền vững của các vùng sản xuất bưởi.

Văn Lang

Nhãn Ido trồng ở Cần Thơ chất lượng tốt, có mã vùng trồng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Cây nhãn Ido trồng ở các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai và Phong Điền (Cần Thơ)… được tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu trái cây đánh giá cao về chất lượng thơm ngon, trái to, da trái đẹp nên có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển xuất khẩu.

Thu hoạch nhãn Ido ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai.

Nhãn Ido ở TP Cần Thơ không chỉ được tiểu thương và doanh nghiệp tại các tỉnh vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh thu mua để phục vụ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Đặc biệt, một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại tỉnh Bến Tre (như Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu) đã liên kết, thu mua nhãn của nông dân tại một số HTX ở Cần Thơ và xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU… Hiện nông dân trồng nhãn Ido tại Cần Thơ cũng đã liên kết thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác trồng nhãn theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã code cho vùng trồng, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, trái nhãn Ido của TP Cần Thơ có thuận lợi và triển vọng để mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhà vườn mong các ngành chức năng thành phố quan tâm hỗ trợ quảng bá sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp và nhà phân phối.

Dù có chất lượng ngon nhưng trái nhãn Ido ở TP Cần Thơ cũng không thoát cảnh bị giảm giá do rộ mùa thu hoạch, với mức giảm 5.000-7.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng. Giá nhãn Ido được nông dân bán ngay tại vườn chỉ còn ở mức 15.000-17.000 đồng/kg.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Trồng mận bao lưới góp phần phát triển kinh tế

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều nhà vườn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) tìm tòi, nghiên cứu chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng mận bao lưới. Mô hình này được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo sức khỏe của người nông dân, người tiêu dùng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Trồng mận bao lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao

Với định hướng bắt tay cùng nhau xây dựng mô hình trồng mận bền vững, nhiều nhà vườn thuộc xã Phong Hòa tiến tới thành lập Tổ hợp tác (THT) mận bao lưới Phong Hòa với 12 thành viên; diện tích sản xuất mận hơn 8ha, được canh tác theo quy trình VietGAP.

Là một trong những người khởi xướng mô hình canh tác mận bao lưới, ông Nguyễn Văn Nguyên - Tổ trưởng THT mận bao lưới Phong Hòa mạnh dạn chuyển sang trồng mận hồng đào đá bao lưới với diện tích 5.000m2. Theo ông Nguyên, mô hình mận bao lưới mang lại nhiều hữu ích cho nông dân, nhất là trong việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thay vì trước đây, vào đầu mùa mưa, nông dân trồng mận thường có tâm trạng lo lắng khi trái bị ruồi vàng tấn công, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Tuy nhiên, từ khi áp dụng mô hình trồng mận bao lưới, nhà vườn hạn chế được tối đa các loại dịch hại tấn công và thu hoạch với năng suất tăng gấp đôi so với trước đây. “Mỗi năm, mô hình trồng mận trong nhà lưới giúp tôi tiết kiệm được vài chục triệu đồng từ việc giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, điểm nhấn của mô hình này là vào mùa mưa, nhà vườn vẫn có thể áp dụng quy trình để cây cho trái” - ông Nguyên nói thêm.

Là nông dân đang theo đuổi mô hình trồng mận bao lưới, ông Bùi Văn Dũng ngụ xã Phong Hòa phấn khởi khi vườn mận 15 năm tuổi của gia đình mang lại nguồn thu nhập ổn định. Theo ông Dũng, xây dựng nhà lưới không tốn nhiều chi phí trong khi thời gian sử dụng khá dài từ 3 - 4 năm. Mô hình này còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nhân công phun thuốc, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Tổ Trưởng THT mận bao lưới xã Phong Hòa chia sẻ: “Thực hiện theo mô hình trồng mận bao lưới, tôi và các thành viên thường xuyên có những buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm nhằm đảm bảo canh tác đúng theo quy trình VietGAP. Cụ thể, nhà vườn phải chú trọng ghi chép nhật ký, cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cùng nhiều biện pháp an toàn khác. Một trong những mong muốn lớn nhất của THT là mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, mở rộng thị trường, tiếp cận với nhiều kênh phân phối hiện đại”.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung đánh giá: “Thời gian qua, các nhà vườn của THT mận bao lưới Phong Hòa rất sáng tạo dùng lưới để ngăn ruồi vàng tấn công. Chính vì vậy, sản phẩm làm ra gần như là an toàn tuyệt đối, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ có những hỗ trợ cho nông dân cải tiến mô hình để đạt được yêu cầu cao của thị trường”.

Hiện nay, mô hình trồng mận trong nhà lưới đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Lai Vung. Đây được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn cho sức khỏe và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn khi mà nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

KHÁNH PHAN

Lâm Đồng: Cây bơ gốc 034 thu hoạch 400 kg trái

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo tin phóng viên, từ giữa tháng 4/2020 đến nay, cây bơ gốc 034 của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dậu (Tổ 1, thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) thu hoạch đạt tổng sản lượng lên đến 400 kg, giá bán bình quân ra thị trường trên dưới 50.000 đồng/kg.

Năng suất trung bình bơ 034 của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dậu ở Tổ 1, thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm đạt 100 kg/cây

Từ năm 1991, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dậu mua 4.000 m2 diện tích cà phê đang vào thời kỳ kinh doanh thì phát hiện trên đất có một cây bơ cao khoảng 12 m, tán rộng 4 m, đường kính gốc khoảng 0,5 m, tọa lạc tại Tổ 1, thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm nói trên. Gia đình chăm sóc đến năm 1993 thu hoạch khoảng 50 kg trái có hình thù dài và cong, cơm vàng, hạt lép, bán với giá gấp 10 lần giá bơ thông thường. Trái bơ này tham gia cuộc thi tuyển chọn giống bơ chất lượng cao toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2009 đoạt giải Nhì (không có giải Nhất), “số báo danh 034”, nên từ đó đến nay được gọi là bơ 034.

Từ cây bơ 034 giống gốc, hộ gia đình anh Dậu khai thác hàng năm từ 4.000- 6.000 mầm chồi ghép với cây con ươm hạt tại vườn để cung cấp cho nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng trồng chuyên canh hoặc xen canh với cây cà phê, chè... Thời gian trồng mới cây bơ 034 ghép đến khi thu hoạch khoảng 3 năm.

Riêng diện tích nhân rộng cây bơ 034 của hộ gia đình anh Dậu đến nay khoảng 2.500 cây trên diện tích 6 ha ở địa bàn huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc, năng suất trung bình đạt 100 kg/cây.

VĂN VIỆT

Sóc Trăng: Có 9 vùng trồng cây ăn trái được cấp 36 mã code

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Đó là một trong những kết quả đạt được của Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2021 và định hướng đến năm 2025 được đánh giá tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng công tác quý III năm 2020, vào ngày 25-6. Đến dự có Giám đốc dự án Huỳnh Ngọc Nhã và toàn thể thành viên.

Đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: Thúy Liễu

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án đã triển khai các hoạt động như: theo dõi 17 mô hình trồng mới, cải tạo vườn cây ăn trái năm thứ 2 trong vùng dự án và phối hợp các chuyên gia tư vấn Trường Đại học Cần Thơ và Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, quản lý sâu bệnh vườn cây ăn trái cho hộ tham gia mô hình; theo dõi các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên vườn cây bưởi, nhãn, mãng cầu, vú sữa và tổ chức hội thảo tổng kết các mô hình để nhân rộng trên diện rộng.

Đồng thời, có 2 mô hình trên cây vú sữa và cây bưởi của dự án được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích gần 67ha/62 hộ của 2 hợp tác xã tại huyện Kế Sách. Nổi bật nhất là các vùng trồng cây ăn trái do dự án xây dựng được các công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ như: trái vú sữa tím được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu là 60.500kg và siêu thị trong nước là 38.260kg, giá bán cao hơn thị trường từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.

Đại biểu đã nêu các kết quả đạt được do dự án hỗ trợ địa phương về quy hoạch vùng trồng cây ăn trái phù hợp; kỹ thuật canh tác; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây ăn trái; nâng cao năng suất, chất lượng trái cây sau thu hoạch khi áp dụng các quy trình sản xuất an toàn…

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã thông tin, trong quý III, Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục các hoạt động như chọn địa bàn triển khai, xây dựng tiêu chí và lựa chọn hộ gia đình là thành viên hợp tác xã tham gia thực hiện 27 mô hình trồng mới, cải tạo, VietGAP và ứng dụng trên cây bưởi, cam, nhãn, xoài, vú sữa, mãng cầu...; vận động bà con nông dân chuyển đổi các diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đặc sản nhằm tăng hiệu quả kinh tế; phối hợp các ngành xúc tiến thương mại nhằm liên kết tiêu thụ trái cây trong và ngoài nước; tiếp tục tìm thêm đầu ra cho các loại trái cây như: xoài, nhãn, bưởi…

Thúy Liễu

Đừng để ‘vỡ mộng’ đàn hương!

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Thời gian gần đây ở huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đã xuất hiện giống cây trồng mới, đó là cây đàn hương. Đây là loại cây bán ký sinh được du nhập từ Ấn Độ, đang được trồng xen trong các vườn cà phê, cam, quýt của nhiều hộ nông dân ở xã Ea Nuôl.

Ông Nguyễn Quang Tòa (thôn Hòa An, xã Ea Nuôl) là người đầu tiên đưa cây đàn hương về trồng thí điểm ở Buôn Đôn. Ông Tòa kể, năm 2015 khi được nghe về cây đàn hương Ấn Độ, loại cây được mệnh danh là “vàng xanh" của tự nhiên, ông đã ra Hà Nội tìm gặp Tiến sĩ Vũ Thoại, người có nhiều năm học tập, làm việc tại Ấn Độ và đã đưa cây đàn hương về Việt Nam trồng thí nghiệm.

Được Tiến sĩ Vũ Thoại giúp đỡ, ông Tòa đã đưa cây đàn hương về trồng xen canh vào 2,5 ha vườn cam, quýt của gia đình. “Sau 4 năm trồng tôi thấy cây đàn hương phát triển rất tốt, thân đã bắt đầu hình thành lõi gỗ, trong khi ở Ấn Độ phải 7 - 8 năm mới được như vậy. Hiện nay vườn đàn hương của tôi đã được đưa vào diện theo dõi của Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF) để chuẩn hóa thành vườn cung cấp cây giống đầu dòng sau này”- ông Tòa nói.

Vườn ươm giống cây đàn hương của ông Nguyễn Quang Tòa (thôn Hòa An, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn).

Năm 2016, ông Y Krih Hwing (buôn Niêng, xã Ea Nuôl) cũng đã trồng xen 250 cây đàn hương vào vườn cà phê của gia đình. Ông Y Krih Hwing cho biết, ông có 1,5 ha cà phê đã hơn 20 năm tuổi, cây già cỗi, mỗi vụ thu chưa đến 2 tấn cà phê nhân. Nghe nói cây đàn hương là loại thực vật quý hiếm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên ông mạnh dạn trồng xen 250 cây đàn hương vào vườn cà phê của gia đình. Cây đàn hương của ông Y Krih Hwing nay đã được gần 4 năm, chiều cao đã trên 3 m, đường kính gốc 10 cm. Năm vừa rồi, ông đã thu trên 1 tạ hạt đàn hương, bán với giá 400 nghìn đồng/kg, thu được 40 triệu đồng. Ngoài ra ông còn bán lá non và búp với giá 200 nghìn đồng/kg. Năm nay gia đình ông sẽ tiếp tục đưa cây đàn hương trồng xen canh trong vườn cây điều.

Hiện nay, người dân ở các xã Ea Nuôl, Tân Hòa và Ea Wer đã trồng xấp xỉ 50 ha cây đàn hương. Ông Nguyễn Quang Tòa đã thành lập Công ty Cổ phần Phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên. Công ty của ông đã ươm 100 nghìn cây đàn hương giống chuẩn bị xuất bán ra thị trường. Số cây này đủ để trồng trên diện tích 300 ha. Một cây đàn hương giống đạt chuẩn được công ty bán với giá 80 nghìn đồng, để trồng 1 ha, số tiền mua cây giống tốn từ 30 - 36 triệu đồng.

Bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết, đơn vị đã kiểm tra thực tế, thấy cây đàn hương phát triển tốt. Tuy nhiên đây chỉ là sự chuyển dịch cây trồng mang tính tự phát của người dân. Hiện chưa thể đưa cây đàn hương vào cơ cấu cây trồng, bởi chưa được đánh giá, khảo nghiệm một cách khoa học. Về tương lai thì huyện mong muốn đưa cây này vào khảo nghiệm để đánh giá kết quả bước đầu, sau đó mới nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện.

Cây đàn hương được trồng xen vườn cà phê của gia đình ông Y Krih Hwing (buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn).

Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây đàn hương mới nổi lên hai năm gần đây, hiện đơn vị chưa nghiên cứu về loại cây này. Đây là loại cây lâm nghiệp, có tác dụng bảo vệ môi trường và có giá trị dược liệu là chính. Do đó, muốn phát triển cây đàn hương, bà con nông dân nên tìm hiểu kỹ về loại cây trồng này, nên trồng thử nghiệm xen canh với số lượng ít trên vườn rẫy của gia đình, không nên trồng ồ ạt, làm ảnh hưởng đến cây trồng khác. Nếu liên kết với doanh nghiệp để trồng thì phải thông qua chính quyền địa phương để ký cam kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tránh trường hợp trồng ồ ạt như cây sa chi, chanh dây… trước đây. Về giống cây đàn hương, hiện do một số cá nhân, đơn vị tự ươm và nhập từ nơi khác về để bán, Nhà nước chưa kiểm soát được. Trong khi đó, giống đảm bảo là giống phải qua khảo nghiệm và được Nhà nước quản lý.

Với những nhận định của các nhà chuyên môn, thiết nghĩ ngành chức năng cần sớm có đánh giá, định hướng cụ thể để nông dân không đánh mất cơ hội làm giàu, nhưng cũng không lâm vào tình cảnh trồng ra sản phẩm rồi không biết bán cho ai. Đó là chưa nói đến việc họ mua phải giống cây kém chất lượng, bởi trên thị trường giống cây trồng này bắt đầu có hiện tượng bát nháo.

Theo Thạc sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy – Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên - người nghiên cứu sâu về cây đàn hương, đây là loại cây trồng quý, cho giá trị kinh tế cao và là cây đa tác dụng, vừa lấy gỗ, vừa làm dược liệu, phục vụ ngành mỹ phẩm cao cấp… Giá trị sản phẩm chính của đàn hương là tinh dầu và lõi gỗ. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả kinh tế của loài cây này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng suất và chất lượng sản phẩm, thị trường đầu ra... Và cần phải có thời gian theo dõi, đánh giá mới có đủ cơ sở chứng minh.

Thanh Nga

‘Ôm’ nợ vì... tiêu

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Thời gian gần đây, nhiều diện tích tiêu ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) chết hàng loạt, giá tiêu lại liên tục lao dốc, khiến người nông dân điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Nhận thấy tiêu được giá, năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Nghi (thôn Ea Heo) đã chuyển đổi 8 sào đất trồng cà phê để đầu tư trồng 400 trụ tiêu. Năm 2013, gia đình anh vay ngân hàng 2 tỷ đồng, mua thêm hơn 2 ha đất để tiếp tục trồng tiêu, với hy vọng đổi đời từ cây “vàng đen” này. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiêu vừa phủ trụ, cho thu vụ chính cũng là lúc tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm và nhanh chóng lan rộng ra cả vườn, 3.000 trụ tiêu của gia đình anh chết sạch.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Tân (bên trái) kiểm tra tình trạng tiêu nhiễm bệnh trên địa bàn.

Để cứu cây trồng, anh tham gia một số cuộc hội thảo tìm nguyên nhân và mua nhiều loại thuốc để xử lý, thế nhưng vẫn không cứu vớt được. Không thể vay mượn của ngân hàng được nữa, anh đành nhờ đến anh em, họ hàng để trồng gần 300 cây bơ vào khu đất trồng tiêu trước đó. Những tưởng gia đình sẽ có thêm chút vốn từ cây bơ để đầu tư phát triển lại vườn, tích góp trả nợ ngân hàng, nhưng năm nay, khi bơ bắt đầu cho thu vụ chính thì lại chịu ảnh hưởng của thời tiết, vườn bơ hầu như mất trắng. Anh Nghi buồn rầu tâm sự, đầu tư thua lỗ, kinh tế gia đình ngày một sa sút, vợ chồng anh đành phải đi làm thuê ở xã khác, con cái vì vậy cũng phải bỏ học để đi làm công nhân. Với khoản nợ lớn như vậy, gia đình anh không có khả năng chi trả.

Cùng chung cảnh nợ nần vì tiêu, gia đình ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Ea Heo), cũng chuyển đổi 4,7 ha trồng độc canh cà phê đã già cỗi sang trồng tiêu. Để có vốn đầu tư trồng và chăm sóc tiêu, gia đình ông cũng phải thế chấp đất để vay vốn lên đến cả tỷ đồng. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, vườn tiêu phát triển xanh tốt, gia đình ông rất vui mừng, hy vọng một mùa bội thu. Thế nhưng, cây mới phủ trụ, chưa được thu hoạch thì bị hiện tượng vàng lá, thối rễ. Chỉ trong vòng năm ngày sau, cây đã chết khô, lá rụng đầy gốc. Tình trạng đó cứ tiếp diễn, khiến 7.000 cây tiêu của gia đình chết dần, chỉ còn trơ trọi lại trụ. Nợ nần chồng chất, gia đình ông vẫn cần cù bám đất, bám vườn. Ông trồng lại cây ăn quả và đăng ký mua 2.000 cây cà phê của Hội Nông dân xã để phát triển lại từ đầu. Hiện tại, cây trồng chưa cho thu hoạch, gia đình cũng cạn kiệt vốn nên ông phải cố gắng chăm sóc vườn cây, được tới đâu hay tới đấy. “Không có tiền thuê nhân công, hằng ngày hai vợ chồng phải cặm cụi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Đã vậy, nỗi lo về khoản nợ ngân hàng và tiền lãi hằng tháng cũng khiến tôi mất ăn, mất ngủ”, ông Thiều thở dài.

Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Ea Heo, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đã chết khô.

Trước đây, cà phê là cây trồng chính ở xã Ea Tân. Khoảng từ năm 2013, cây tiêu bắt đầu phát triển mạnh ở địa phương, nhiều người dân đã chặt bỏ cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Để có vốn phát triển vườn cây, đa phần người dân đều phải vay mượn ngân hàng. Thế nhưng khi vườn chỉ mới bắt đầu được thu hoạch thì tiêu rớt giá và nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tháo đốt… Tình trạng đó xảy ra ở hầu hết các vườn trên địa bàn xã, nhiều người dân cũng vì thế mà ôm nợ, thậm chí bỏ đất đai, nhà cửa.

Ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Ea Heo, xã Ea Tân, huyện Krông Năng): “Trước tình cảnh nợ nần chồng chất, người trồng tiêu chỉ mong muốn các ngân hàng có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ để họ có thời gian, điều kiện phát triển lại vườn cây, tích góp trả nợ ngân hàng”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tân cho biết, hiện xã có hơn 1.200 ha tiêu, nhưng hiện tượng tiêu chết ở địa phương vẫn đang diễn ra, chưa tìm được cách cứu chữa, nhiều diện tích cho năng suất thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thời tiết biến đổi thất thường; cây giống không đảm bảo; người dân mở rộng diện tích một cách ồ ạt, chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, sử dụng các loại thuốc, phân bón quá liều… Nhiều người thua lỗ vì tiêu và đa phần đều nợ ngân hàng từ vài trăm triệu đồng cho đến vài tỷ đồng.

Để chia sẻ khó khăn với bà con, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk hỗ trợ cung cấp cây giống cà phê cho người dân với giá ưu đãi 1.500 đồng/cây. Trong 6 tháng đầu năm nay, Hội đã cung ứng cho người dân 45.000 cây cà phê giống, giúp người dân giảm bớt chi phí đầu tư, có cơ hội phát triển lại vườn cây. Nhiều người dân đã chủ động trồng lại cà phê thay vào diện tích tiêu đã chết.

Phương Thảo

Người chinh phục loài nấm ‘đỏng đảnh’

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Khí hậu tự nhiên ở nước ta không thích hợp cho việc trồng nấm kim châm nhưng bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) đã “chinh phục” thành công loài nấm “đỏng đảnh” này bằng công nghệ sản xuất hiện đại.

Bà Dương Thị Thu Huệ (bên trái) kiểm tra chất lượng nấm.

Thành công nhờ nỗ lực và công nghệ

Giữa cái nắng như đổ lửa của mùa hè, chúng tôi về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) thăm trang trại trồng nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao - nơi có mô hình trồng nấm kim châm hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam.

Trước đây, người trồng nấm ở Việt Nam đã sản xuất thành công nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm... nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro cao và phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao kể tiếp: “Sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng và học hỏi kinh nghiệm trồng nấm kim châm ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., năm 2005, tôi quyết định thuê đất ở xã Đốc Tín và đến năm 2006 thì xây dựng nhà máy sản xuất nấm kim châm ứng dụng công nghệ của Nhật Bản. Chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất lúc đó đã lên đến gần 60 tỷ đồng...”.

Trồng được nấm kim châm đòi hỏi nhiều công sức và trên hết là đam mê bởi toàn bộ nguyên liệu sản xuất đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Cám gạo, cám mạch, lõi ngô, bã mía, bã củ đậu... là những nguyên liệu sẵn có ở trong nước nhưng bã củ cải đường phải nhập khẩu từ nước ngoài. Loại nấm này sinh trưởng trong nền nhiệt độ 5-16 độ C, ở giai đoạn ươm sợi rất mẫn cảm với môi trường nên có nhiều đòi hỏi khắt khe. Ví như chất lượng nước cung cấp cho máy tạo ẩm phải sạch tuyệt đối… Có lẽ vì sự "đỏng đảnh", "khó tính" ấy nên thời gian đầu tiếp cận với công nghệ mới, công ty đã gặp không ít vấn đề về kỹ thuật, có những lô nấm không ra hình hài, hoặc năng suất rất thấp. Nhiều lúc, những người trong cuộc lo lắng đứng ngồi không yên.

Nhưng bằng sự nỗ lực của đội ngũ kỹ thuật, chất lượng nấm đã dần được khẳng định. Năm 2017, công ty được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nhật Bản sản xuất nấm đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, công ty cung cấp cho các siêu thị Vinmart, Big C, Co.opmart, Lotte, Aeon Mall… và các cửa hàng thực phẩm sạch hơn 3 tấn nấm/ngày, doanh thu đạt 3-4 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập 6-12 triệu đồng/người/tháng.

Bà Dương Thị Thu Huệ giới thiệu sản phẩm nấm cho đại diện một công ty ở tỉnh Bình Dương ra tham quan, học tập.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá: Mô hình trồng nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là mô hình trồng nấm công nghệ cao đầu tiên ở Hà Nội với dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại.

Hôm về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), chúng tôi tình cờ gặp ông Trịnh Thanh Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư phát triển Bình Dương. Ông kể: "Sau khi thấy mô hình sản xuất nấm kim châm của bà Dương Thị Thu Huệ thành công ở Việt Nam, tôi đã cất công ra Hà Nội tham quan, học hỏi. Tôi tin là mô hình sẽ được nhân rộng ở Hà Nội, có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nông nghiệp Thủ đô”.

Truyền nghề cho nông dân

Sau nhiều năm chinh phục loài nấm "đỏng đảnh", sản phẩm nấm kim châm của công ty đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước, nhưng chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu của các doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng. Vì thế, bà Huệ đang nỗ lực truyền nghề cho nông dân Hà Nội để có thêm nhiều cơ sở trồng nấm khác cũng như giúp người dân nâng cao thu nhập.

Bà Dương Thị Thu Huệ cho biết: Sau khi khảo sát cơ sở hạ tầng, công ty sẽ cử cán bộ đến hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ dân trên địa bàn các huyện có nhu cầu trồng nấm kim châm theo hướng hữu cơ; đồng thời, cung cấp toàn bộ cây giống và thu mua sản phẩm nấm với giá hợp lý.

Bà Dương Thị Thu Huệ kiểm tra chất lượng nấm ở giai đoạn sinh trưởng.

Ấp ủ về việc sẽ hình thành một mô hình trồng nấm, bà Nguyễn Thị Hằng ở xã Tân Phú (huyện Quốc Oai) chia sẻ: "Tôi đang học trồng nấm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao. Sau khi kết thúc khóa học, tôi sẽ sản xuất nấm kim châm với diện tích 600m2... Lúc này tôi đã tự tin hơn về việc có thể cải thiện kinh tế gia đình nhờ trồng nấm theo hướng công nghệ cao".

Còn ông Lê Tiến Thành ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho hay, sau khi được bà Huệ hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đã đầu tư xây dựng khu sản xuất nấm, trung bình mỗi tháng bán được 6-8 tấn. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao thu mua 70%, còn lại gia đình ông Thành bán cho các siêu thị, nhà hàng...

Câu chuyện về nghề trồng nấm theo công nghệ cao của bà Dương Thị Thu Huệ tưởng như có thể kéo dài bất tận. Bà nói về nghề với sự say mê cùng những mục tiêu rõ ràng. Rõ nhất vẫn là mong muốn giúp nông nghiệp Thủ đô được biết đến nhiều hơn, giúp doanh nghiệp và các hộ gia đình trồng nấm cùng phát triển. Xem ra, đấy không phải là mục tiêu bất khả thi…

QUỲNH DUNG

Cà phê dược liệu của ông Mạnh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Những hạt cà phê do ông Nguyễn Hữu Mạnh làm ra được sản xuất theo quy trình hữu cơ có tính dược liệu mang 2 thương hiệu Mr. Mạnh và Arabica Xuân Sơn Cầu Đất đem đến cho khách hàng những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.

Ông Mạnh mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm cà phê mang thương hiệu của từng hộ gia đình

Tìm về cà phê nguyên bản

Thế giới càng phát triển văn minh, con người càng có xu hướng tìm đến cái chân, thiện, mỹ. Và không ít ý kiến cho rằng, đỉnh cao của hoàn hảo lại là sự nguyên bản. Ông Nguyễn Hữu Mạnh (60 tuổi), thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (Đà Lạt) gây dựng trang trại và kiên trì với con đường đã chọn - trồng cà phê theo phương pháp hữu cơ.

Ông Mạnh chia sẻ: Cà phê dẫu có biến đổi qua bao nhiêu hình thái đi chăng nữa, thì rồi cuối cùng cũng vẫn quay về với chính nó: cà phê nguyên bản. Đó chính là giá trị đích thực của cà phê.

Nằm cạnh rừng thông xanh ngát ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, thoạt nhìn, trang trại cà phê của ông Mạnh cũng giống như bao trang trại cà phê bình thường khác, thậm chí nó giống như một khu vườn tạp với đủ các loại cây trồng đa dạng. Tuy nhiên, khi đón ly cà phê đầu tiên do chính tay chủ trang trại pha chế, thì thực khách là người uống cà phê hay bị say như tôi vẫn có thể thưởng thức được loại thức uống này.

Ông Mạnh kể: Vì yêu thành phố mộng mơ Đà Lạt, năm 2015 từ Hà Nội tôi quyết định vào đây để an dưỡng tuổi già. Theo đuổi những loại cây dược liệu, ban đầu tôi tính mua vườn để trồng Atiso và bén duyên với cà phê thật tình cờ. Tôi về vùng Xuân Sơn, Cầu Đất để thực hiện ước mơ của mình, vườn cà phê tôi lựa chọn dự định sẽ trồng toàn bộ là Atiso.

Đến mùa thu hoạch năm đó, tôi vẫn cho người chủ cũ thu hoạch, chỉ xin lại vài tạ rang xay để làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Thật tình cờ, những người bạn của tôi uống khen ngon không khác gì uống ly cà phê ở châu Âu với giá 20-30 USD. Có những người không hề uống được cà phê nhưng khi thử loại cà phê này thấy con người trở nên hưng phấn, dễ chịu.

Việc này làm ông trăn trở, sau đó, ông cùng với người bạn ở “Viện Nghiên cứu hàn lâm vì sức khỏe con người” tìm hiểu và nghiên cứu dược tính của cà phê và được biết: Cà phê có vị đắng, có tác dụng kích thích thần kinh và tâm thần, làm tăng hoạt động của tim, co mạch trung ương,… Thường dùng trị suy nhược, mất sức do bệnh nhiễm trùng, mất trương lực dạ dày. Cà phê còn được sử dụng là thành phần trong các loại thuốc giảm đau, kích thích… Từ đó, ông quyết định theo đuổi hạt cà phê dược liệu.

Ông Mạnh chia sẻ: “Để phát huy tính dược liệu trong cà phê, tôi lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ truyền thống và đi ngược lại với xu hướng sản xuất hiện tại với năng suất vượt trội là sản xuất sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Việc ấy, đồng nghĩa với năng suất của khu vườn sẽ không đạt”. Trang trại của ông theo đuổi con đường hữu cơ 5 năm nay, dẫu chưa thu được lợi nhuận là bao nhưng ông tin rằng những năm về sau, cà phê hữu cơ sẽ lên ngôi, lúc ấy việc theo đuổi giá trị cà phê nguyên bản sẽ có thành quả.

Tạo dựng thương hiệu cà phê Cầu Đất cho từng hộ gia đình

Cà phê Cầu Đất có từ thời Pháp thuộc hơn 100 năm nay, được người Pháp rất yêu thích và đã đưa những giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu về đây. Cà phê Arabica Cầu Đất Đà Lạt có mùi vị độc đáo, được thị trường ưa chuộng. Hiện tại có rất nhiều nơi mượn thương hiệu Cầu Đất để bán với mức giá thấp. Ông Mạnh trăn trở làm thế nào để cà phê Cầu Đất về đúng với giá trị vốn có của nó.

Thương hiệu cà phê Cầu Đất đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận, do vậy, người nông dân phải sản xuất thật sự bền vững để giữ vững được thương hiệu, giữ được hương vị nguyên bản của mình để người tiêu dùng thưởng thức và đánh giá. Khi tạo ra thương hiệu cà phê Arabica Xuân Sơn Cầu Đất và Mr. Mạnh, ông Mạnh mong muốn, người nông dân trực tiếp sản xuất ra cà phê có vai trò rất quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng hạt cà phê, để từ đó cùng nhau nâng cao giá trị gia tăng cho hạt cà phê và góp phần xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam.

Ở trang trại cà phê Mr. Mạnh, Specialty coffee (cà phê đặc biệt) được ông làm theo quy trình khép kín. Đầu tiên, ông chọn giống tốt, phù hợp với thổ nhưỡng. Đối với loại cà phê này, vùng trồng càng cao sẽ cho chất lượng ngon. Nằm trong khu vực ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, nơi đây được xem là điều kiện thuận lợi cho cà phê đạt chất lượng cao nhất. Hiện trang trại đã phát triển diện tích lên đến 5 ha với gần 17.000 cây cà phê Arabica. Tất cả diện tích trên đều được ông Mạnh canh tác theo phương thức nông nghiệp hữu cơ bền vững. Với lão nông Nguyễn Hữu Mạnh, mỗi gốc cà phê được ông vun trồng và chăm sóc bằng tất cả tình yêu và tâm huyết. Để rồi vào thời điểm tháng 10 hàng năm, những trái cà phê chín mọng được ông thu hái bằng tay, lên men và sơ chế ngay tại vườn, tạo nên hương vị tốt nhất.

Tại trang trại Mr. Mạnh, ông Mạnh gần như là người trồng cà phê duy nhất ở Cầu Đất có thể tự mình làm từ A-Z (from farm to cup): từ việc xác định giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, lên men, sàng lọc, rang xay, cupping (tức quy trình ngửi - nếm một cách chuyên nghiệp để kiểm định chất lượng cà phê), cho đến pha chế. Không chỉ trồng, thu hoạch và chế biến cà phê, ông Mạnh còn có sở thích rang và thưởng thức cà phê do chính mình làm ra. Niềm đam mê ngày càng mạnh mẽ đã biến thành động lực để ông sản xuất ra loại cà phê Arabica chất lượng cao tại Đà Lạt. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất cà phê, niên vụ 2019 - 2020 vừa qua, trang trại của ông Mạnh thu hoạch khoảng 3 tấn hạt nhân/5 ha, tất cả sản phẩm ông dành để chiết xuất tính dược liệu của cà phê.

Ông Mạnh mong muốn giúp người trồng cà phê thay đổi nhận thức, để họ không chỉ xem mình là một người sản xuất, mà còn phải là một nhà kinh doanh. Theo ông Mạnh, muốn Nhà nước bảo hộ sản phẩm này, chính người dân phải có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.

Hiện trang trại cũng đang liên kết với một số hộ chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho người dân, nhưng mục tiêu cao hơn của ông là giúp người dân tạo dựng thương hiệu của từng gia đình, nếu chưa có nơi chế biến thì ông sẵn sàng giúp họ, để từ đây, mỗi nhà sẽ tự tạo ra cho mình một thương hiệu riêng, góp chung vào thương hiệu Cà phê Cầu Đất.

PHONG VÂN

Cà phê Đắk Hà của Kon Tum nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Chiều 25/6, UBND huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum tổ chức lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà.

Được mệnh danh là một trong 8 vùng cà phê ngon nhất Việt Nam, đầu năm 2014, sản phẩm cà phê bột Đắk Hà với thương hiệu “Vị đắng Bắc Tây Nguyên” đã chính thức được công nhận đạt chuẩn UTZ Certified. Đây là lần đầu tiên UTZ Certified trao chứng nhận cho một sản phẩm cà phê bột của Việt Nam.

Danh tiếng cà phê Đắk Hà còn được giới sành cà phê nhận định với tính chất đặc trưng là hàm lượng cafeine mạnh, vị đậm, ít chua. Sự nguyên chất, thuần khiết đã làm nên tên tuổi, dấu ấn của cà phê Đắk Hà trên thị trường. Những năm gần đây, một số sản phẩm cà phê của huyện Đắk Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thuỵ Sĩ…

Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý Đắk Hà cho sản phẩm cà phê huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020. Qua 3 năm tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục, đến nay đã hoàn thành các nội dung về xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý Đắk Hà cho sản phẩm cà phê và xây dựng các công cụ phục vụ công tác quản lý chỉ dẫn địa lý.

Theo Quyết định số 6221/QĐ-SHTT, tên gọi mang chỉ dẫn địa lý là Đắk Hà đối với sản phẩm cà phê. UBND huyện Đắk Hà là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Đắk Hà được bảo hộ gồm cà phê nhân và các dạng sản phẩm chế biến như cà phê hạt rang, cà phê bột và cà phê phin, bảo đảm yêu cầu chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia.

Vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà nằm ở độ cao 523-875 m so với mặt nước biển, gồm 11 xã, thị trấn: Đắk Mar, Ngọk Wang, Hà Mòn, Đắk Ui, Đắk La, Đắk Long, Đắk Psi, Đắk Ngọk, Ngọk Réo, Đắk Hring và thị trấn Đắk Hà, thuộc huyện Đắk Hà với tổng diện tích trên 9.000 ha.

Đắk Hà là địa phương có diện tích sản xuất cà phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum, là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây. Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển, sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

Bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng việc sản phẩm cà phê Đắk Hà được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là vinh dự, đồng thời gắn liền với trách nhiệm gìn giữ, quảng bá danh tiếng, chất lượng sản phẩm của các cấp chính quyền, các nhà quản lý và người dân trên địa bàn huyện.

Do vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh và huyện Đắk Hà tiếp tục chủ động, sáng tạo, tập trung củng cố và nâng cao hoạt động quản lý ngành cà phê, tổ chức phát huy chuỗi các giá trị liên kết sản xuất, tích cực hỗ trợ nguồn lực để ngành cà phê vượt qua khó khăn, giữ vững thương hiệu cà phê Đắk Hà gắn liền với chỉ dẫn địa lý Đắk Hà.

Dương Nương

Giàu nhờ nuôi vịt

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Sau những năm trồng lúa, anh Cao Bá Quốc (xã Lộc An, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) chuyển hướng kết hợp nuôi vịt đàn.

Anh Cao Bá Quốc kiểm tra trọng lượng vịt nuôi để bán cho thương lái

Trang trại của anh Quốc (thôn Châu Thành, Lộc An) - một trang trại vịt tổng hợp nằm giữa vùng đồng chiêm trũng.

Bước ngoặt đổi đời từ sau năm 2000, anh Quốc chuyển nơi ở cũ (thôn Bắc Hà, Lộc An) sang thôn Châu Thành bây giờ, nơi vùng đất chưa mưa đã ngập lụt và không điện, không đường để lên kế hoạch nuôi vịt.

Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Quốc gặp vô vàn khó khăn không chỉ địa hình mà còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Để biến quỹ đất khó ở Châu Thành trở thành đất sinh lợi như bây giờ là điều không tưởng.

Anh Quốc chia sẻ, thời điểm ấy, anh đã “đổ” không biết bao nhiêu công sức để gầy dựng trang trại vịt đàn, như mở đường, đào hồ, làm lán trại... Để tiết kiệm chi phí thức ăn cho đàn vịt (khoảng 1-2 trăm con), không kể nắng mưa, anh Quốc thường lùa vịt ra các cánh đồng trong, ngoài xã khi lúa đã gặt xong.

Với anh bữa ăn trưa giữa đồng với nắm cơm nguội hay gói mì tôm là chuyện thường ngày. Vất vả nhưng có đồng ra đồng vào nên vợ chồng anh cũng chịu khó. Lãi từ lứa vịt này, anh đầu tư nuôi lứa vịt khác. Đến năm 2010, vợ chồng mở rộng quy mô nuôi lên 2 lứa/năm, gần 3 nghìn con; trong đó có hơn 1 nghìn vịt đẻ; đồng thời làm khoán 3 mẫu ruộng để ổn định lương thực cho gia đình và đàn vịt.

Công việc đồng áng đan xen nuôi vịt đàn của anh Quốc thuận lợi dần, mỗi ngày thức dậy là có tiền bỏ túi.

Khi tôi nhắc câu nói người xưa: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, anh Quốc cười cho rằng có phần đúng.

Theo anh, để khá lên nhờ vịt cũng lắm gian truân, đòi hỏi người nuôi phải chịu khó và nhìn xa trông rộng. Anh Quốc đơn cử như chuyện anh nhân rộng đàn vịt đẻ cũng là điểm nhạy bén với thị trường.

Đó là thời điểm thấy bà con nói dạo này nguồn trứng nhiều nơi không rõ nguồn gốc tràn lan, người tiêu dùng không yên tâm, anh nảy ra ý định sản xuất trứng vịt. Sau mấy tháng tìm tòi học hỏi, anh đã gây được đàn vịt đẻ hơn 1 nghìn con. Hành trình đó hao tốn nhiều công sức, tiền bạc bởi khâu chọn giống tốt, đẻ khỏe vô cùng khó khăn.

Gần 3.000 con vịt giống nuôi trưởng thành, sau đó chọn những con vịt mái giữ lại để nuôi tiếp tầm 8-10 tháng nữa để cho đẻ trứng. Thời gian đầu, chúng cho trứng không đều, có hôm chỉ thu chưa đến 1 trăm quả, chất lượng lại không đồng đều. Anh tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để khắc phục bằng cách tăng cường các loại thức ăn đủ chất dinh dưỡng mà vịt ưa thích, như lúa trộn với cám cùng ốc đồng đập nhỏ. Sau đó đàn vịt bắt đầu đẻ đều và trứng cũng to hơn, có ngày chúng đẻ đạt 80%, gần 800 quả.

Có thời điểm đàn vịt mắc dịch bệnh chết hàng loạt không thể cứu chữa kịp thời nhưng anh không nản, dồn vốn liếng để nuôi tiếp. Kinh nghiệm sau những lần thất bại của anh là chia thành nhiều đàn vịt, mỗi đàn có một ao để chúng bơi và tắm vì vịt là loài ưa bơi lội và cũng để tăng thêm dinh dưỡng khi chúng ăn những sinh vật nhỏ trong ao. Các ao cách nhau và thường xuyên được thay nước nhờ có con sông gần đó. Ngoài ra, phải chú ý đến hệ thống chuồng thoáng mát và tiêm phòng cho vịt...

Dẫn chúng tôi thăm khu chăn nuôi vịt được xây dựng quy củ, gồm có nhà kho, chuồng trại ươm giống, sân, máng ăn, rãnh thoát nước và tủ thuốc thú ý..., anh Quốc cho biết, hiện gia đình anh đang nuôi 8.500 con vịt thịt và gần 3 nghìn con vịt đẻ. Để có nguồn giống tốt, anh ra Hà Nội chuyển về thuê công chăm sóc, tiêm phòng; sau đó chuyển sang các trại nuôi.

Riêng vịt nuôi thịt lúc nào cũng có cung cấp cho thương lái, giá 60-70 nghìn đồng/kg. Còn nguồn vịt đẻ, trong năm cho trứng với thời gian không dưới 4 tháng, bình quân mỗi ngày đàn vịt đẻ từ 2.000-2.100 trứng; mỗi trứng bán ra ở trại là 2-2,3 nghìn đồng, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, như tiền thuê nhân công, thức ăn..., bình quân mỗi năm gia đình anh lãi không dưới 300 triệu đồng.

Ông Lại Đình Cẩm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Châu Thành, Lộc An, Phú Lộc cho biết, anh Cao Bá Quốc hiện nay không chỉ là điển hình làm giàu ở huyện Phú Lộc mà còn là người đi đầu hỗ trợ giúp đỡ kinh nghiệm chăn nuôi cho người dân địa phương. Tham vọng của anh Quốc sắp đến sẽ xây dựng mô hình cung cấp vịt giống, vịt thịt và trứng cho các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Bài, ảnh: Minh Văn

Chăn nuôi an toàn sinh học: Hướng đến phát triển bền vững

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi mà còn góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô năm 2020 đạt hơn 4,2%. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững thì cần hướng tới việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học góp phần mang lại lợi ích bền vững cho người chăn nuôi. Ảnh: Cao Thắng

Lợi ích đã rõ nhưng chưa thể nhân rộng

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và môi trường nuôi. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 100 trang trại, doanh nghiệp triển khai theo hướng này; mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn thịt lợn, hàng trăm nghìn tấn thịt gà an toàn.

Bà Cấn Thị Quy, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh đã không xảy ra với đàn gà (trong đó có hơn 1.000 con gà thương phẩm) tại trang trại của tôi. Mỗi năm, trang trại bán hơn 60 tấn thịt gà cho các cửa hàng tiện ích, siêu thị trên địa bàn thành phố... Số còn lại, thương lái thu mua với giá ổn định, 80.000-90.000 đồng/kg".

Còn ông Nguyễn Hồng Nhiên ở xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) cho biết, với quy mô 200 con lợn nái và 2.000 con lợn thương phẩm, trung bình mỗi tháng trang trại của gia đình ông xuất bán 200 con lợn thịt ra thị trường và 1.000 con lợn giống cho các hộ dân trên địa bàn. “Trong thời điểm bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trang trại của gia đình tôi chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học nên không bị tác động, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường”, ông Nguyễn Hồng Nhiên nói.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hà Tiến Nghi cho rằng, áp dụng mô hình này giúp kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi cũng được xử lý hiệu quả hơn thông qua chế phẩm sinh học, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, ông Hà Tiến Nghi thừa nhận một thực tế là, chăn nuôi an toàn sinh học ở Hà Nội chưa mang lại kết quả như mong muốn. Bởi, chăn nuôi nông hộ vẫn manh mún, nhỏ lẻ nên mới triển khai ở dạng các mô hình, chưa thể nhân rộng, phát triển quy mô lớn. Trong khi đó, người chăn nuôi vẫn nếp làm việc theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên không tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khi bị “khép” vào những quy trình, quy định bắt buộc thì tỏ ra lúng túng...

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, từ xây dựng chuồng trại khép kín đến khu xử lý môi trường... Đồng thời, việc tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến giá cả, tiêu thụ sản phẩm làm ra… Điều này gây khó khăn cho việc nhân rộng, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín sẽ góp phần phát triển chăn nuôi an toàn. Ảnh: Sơn Hà

Thực tế cho thấy, Hà Nội là một thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nên dư địa cho phát triển chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học còn rất lớn. Việc quan trọng là các địa phương cần xác định lợi thế để có định hướng phát triển phù hợp, tránh làm ồ ạt.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, có hai việc được huyện đặc biệt quan tâm trong thời gian tới là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín; thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm.

Còn dưới góc độ người chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ trang trại chăn nuôi an toàn sinh học ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) kiến nghị, các cấp, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi; tạo điều kiện cho nông dân đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi cũng như tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.

Ở góc nhìn tổng thể hơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn phức tạp, Hà Nội cần thực hiện tốt việc quản lý chăn nuôi. Tiếp đến là thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi; loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, từng bước xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, có khả năng bảo đảm các quy trình kỹ thuật, vệ sinh thú y...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin: Nhằm hạn chế phát sinh mầm bệnh và kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học, phấn đấu đến cuối năm nay có thêm 10-15 cơ sở chăn nuôi theo hướng này. Đặc biệt, thành phố sẽ từng bước hình thành vùng chăn nuôi an toàn tập trung, quy mô lớn để kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển đàn gia súc, gia cầm một cách bền vững.

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không chỉ góp phần tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt mục tiêu hơn 4,2% trong năm 2020, mà còn phù hợp với xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại; đồng thời mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

NGỌC QUỲNH

Khánh thành Trung tâm Sơ chế yến sào Việt Nam

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vừa khánh thành Trung tâm Sơ chế yến sào Việt Nam nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm yến sào, hoàn thiện chuỗi sản xuất yến sào hướng tới xây dựng thương hiệu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cho thị trường xuất khẩu cao cấp.

Trung tâm có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, với 10 phân xưởng hoạt động độc lập trên diện tích 1.000m2. Dự kiến, mỗi năm sơ chế được 6 tấn tổ yến sạch từ 10 tấn nguyên liệu. Trung tâm sử dụng công nghệ sơ chế theo hướng kết hợp phương pháp thủ công truyền thống với thiết bị công nghệ hiện đại, để đảm bảo tổ yến sạch đạt tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp.

Sản phẩm yến sào được sơ chế tại trung tâm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

THANH HẢI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop