Tin nông nghiêp ngày 29 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 29 tháng 11 năm 2019

Vĩnh Long: Phát triển vùng trồng dừa tập trung

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, mặc dù không phải là sản phẩm chủ lực của tỉnh, cây dừa được xác định là một trong các loại cây trồng thích nghi tốt với biến đổi khí hậu (hạn hán và xâm nhập mặn).

Năm 2018, toàn tỉnh có 9.034ha dừa, sản lượng 125.200 tấn/năm. Các huyện trồng nhiều là Vũng Liêm (gần 3.840ha), Tam Bình (gần 1.510ha), Trà Ôn (hơn 1.410ha)...

Năm 2019, diện tích dừa của tỉnh tiếp tục được mở rộng; trong đó, phát triển vùng sản xuất tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Mang Thít với sản lượng cung cấp khoảng 127.000 tấn/năm.

Phần lớn dừa được trồng phân tán trong các vườn cây ăn trái. Hiện người dân trong tỉnh có xu hướng chuyển sang trồng dừa xiêm lùn lấy nước. Các giống dừa được trồng phổ biến là dừa xiêm, dừa dứa, dừa Tam Quan, dừa ẻo,…

Nhìn chung, nhà vườn chưa quan tâm đầu tư nhiều cho vườn dừa. Toàn tỉnh chưa thành lập tổ hợp tác/hợp tác xã và chưa có doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây dừa.

SÔNG HẬU

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): 80% xoài Đài Loan bán tết được nhà vườn bao trái

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Sử dụng túi bao trái giúp nhà vườn hạn chế được chi phí đầu tư, bán với giá cao.

Toàn huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) hiện có 500ha trồng xoài, tập trung nhiều ở các xã Hiệp Hưng và Phụng Hiệp, đang cho trái trên 300ha, trong đó trên 80% được nhà vườn sử dụng túi bao trái. Theo các nhà vườn, việc sử dụng túi bao trái nhằm ngăn ngừa sâu, bệnh tấn công, đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học. Ngoài ra, sử dụng túi bao trái ngay từ lúc nhỏ giúp trái ổn định môi trường phát triển, giảm hiện tượng rụng trái non và nám trái do nắng, đặc biệt giúp màu sắc trái xoài đẹp, bóng, sáng và bán được giá cao.

Tin, ảnh: BÁ ĐĨNH

Nỗi lo bơ, sầu riêng Đắk Lắk, Đắk Nông

Nguồn tin: Báo SGGP

Trong khoảng 5 năm gần đây, địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông phát triển nóng diện tích bơ và sầu riêng. Sản lượng tăng, nhưng đầu ra của 2 loại cây ăn trái này không ổn định, khiến nhiều người lo lắng sẽ đi vào “vết xe đổ” của hồ tiêu.

Người dân lo ngại về thị trường tiêu thụ sầu riêng

Trước tình trạng cây công nghiệp mất giá, người dân đổ xô chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Trong đó, sầu riêng và bơ là 2 loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân lựa chọn để trồng thay thế cây công nghiệp. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá sầu riêng và bơ liên tục biến động, khiến người dân lo lắng.

Ông Mai Ân (58 tuổi, thị trấn Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, gia đình ông có 200 cây sầu riêng trồng từ năm 2010, trung bình mỗi năm ông thu hoạch từ 30-40 tấn quả, thu về từ 2-3 tỷ đồng. Thấy sầu riêng có lợi nhuận cao, mới đây gia đình ông mua thêm 1ha đất trồng 300 cây sầu riêng.

“Những năm trước, sầu riêng có giá trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/kg thì năm nay giảm xuống còn khoảng từ 50.000 - 75.000 đồng/kg. Mọi năm, thương lái đến vườn nhà tôi tranh nhau mua, nhưng năm nay sản lượng sầu riêng từ người dân tăng nên các thương lái õng ẹo, chê sầu riêng xấu, không đảm bảo, ép giá đủ kiểu. Sợ sầu riêng chín không bán được, gia đình tôi phải chấp nhận bán giá thấp”, ông Ân chia sẻ.

Không chỉ sầu riêng, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng tăng nhanh khiến thị trường tiêu thụ loại trái cây này cũng gặp nhiều khó khăn.

Thống kê của Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, cho thấy từ năm 2014 - 2018, diện tích cây bơ tăng đột biến từ 390ha lên đến 2.583ha. Còn theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cũng từ năm 2014 - 2018, diện tích sầu riêng tăng từ 1.651 - 6.089ha (tăng 4.438ha so với năm 2014); diện tích bơ tăng từ 97ha lên đến 5.606ha (tăng 5.509ha so với năm 2014).

Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 5.000ha, diện tích bơ là 4.000ha nhưng đến nay, 2 loại cây ăn quả này đã vượt quy hoạch hơn 1.000ha.

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Lâm nghiệp và cây ăn quả - Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: “Hiện nay ngành nông nghiệp đang xây dựng chương trình, đề án các vùng chuyên canh, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất sản phẩm sạch để làm thương hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường; kêu gọi các tập đoàn kinh tế đầu tư chế biến sâu vào các mặt hàng này nhằm có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra, ngành chức năng cũng tăng cường quan hệ ngoại giao để đàm phán, xây dựng thị trường xuất khẩu chính ngạch, ổn định và lâu dài cho cây bơ, sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho rằng, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh tăng vượt trội, kéo theo sản lượng tăng. Thời gian gần đây, người nông dân bắt đầu gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, bị thương lái ép giá. Nếu không có thị trường tiêu thụ ổn định, diện tích tiếp tục phát triển không theo quy hoạch, e ngại nguồn cung sẽ vượt cầu, ảnh hưởng đến kinh tế của bà con.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Thành, nguyên nhân khiến giá sầu riêng, bơ biến động do thị trường tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là trong nước, chưa xuất khẩu được ra nước ngoài.

“Chúng ta chưa tìm được thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sầu riêng, bơ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước còn hạn chế và sản lượng ngày càng tăng khiến cho thị trường không ổn định”, ông Thành nhận định.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh đang xây dựng chương trình, đề án cho năm 2020 - 2025, nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản, gắn với đơn vị tiêu thụ; tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nông sản sạch áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để giảm chi phí đầu tư; không chạy theo sản lượng mà chú trọng về chất lượng. Đối với doanh nghiệp thì tăng cường công tác tuyền truyền, tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để tìm thị trường tiêu thụ.

“Ngành chức năng của tỉnh cũng đang tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, tăng cường sản xuất, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, bà Tình cho biết thêm.

ĐÔNG NGUYÊN

Chuyện nhà nông: ‘Chữa bệnh’ hồ tiêu bằng quản lý dịch hại tổng hợp

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Trong 2 năm (2018-2019), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên”. Mô hình này đã phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội giúp nông dân phục hồi vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm.

Tại Gia Lai, hàng năm có khoảng 3.288 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết chậm, trong đó, nhiễm nhẹ 1.336 ha, trung bình 1.060 ha và nhiễm nặng 892 ha. Vì vậy, năm 2018, khi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) triển khai dự án “Xây dựng mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chọn 15 hộ tại 3 huyện Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh (mỗi huyện 5 hộ) để thực hiện mô hình trình diễn, mỗi hộ 0,2 ha. Các vườn hồ tiêu này có vị trí liền kề nhau và có vườn lân cận để đối chứng sau khi bệnh chết chậm được phục hồi bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp giúp khôi phục vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm. Ảnh: internet

Tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ những vật tư thiết yếu như phân hữu cơ đa lượng; phân trung vi lượng cải tạo, khử trùng đất; thuốc bảo vệ thực vật Fosetyl-aluminium và thuốc trừ tuyến trùng, lưới che nắng. Bên cạnh đó, các hộ được tập huấn chuyển giao quy trình phục hồi vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm từ mức độ nhẹ đến trung bình bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Theo đó, sử dụng kết hợp một số loại phân bón tăng cường dinh dưỡng cho cây cải thiện độ pH của đất; đồng thời tác động để cây hồ tiêu phát triển mạnh bộ rễ hấp thụ dinh dưỡng trong đất và phân bón. Việc bón phân được chia làm nhiều lần để cây hấp thụ hết, phát triển trở lại, tăng sức đề kháng sâu bệnh. Việc tưới nước cho cây hồ tiêu trong mùa khô được thực hiện 15 ngày/lần với lượng nước 60-70 lít/trụ. Đặc biệt, các hộ chỉ sử dụng 1-2 loại thuốc bảo vệ thực vật xử lý cục bộ nơi có sâu bệnh gây hại và dùng lưới che vườn để điều chỉnh ánh sáng cho cây hồ tiêu… Nhờ các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, đến nay, các vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm đã được phục hồi, tỷ lệ lá vàng và bệnh giảm trên 75% so với ban đầu. Vườn hồ tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt 2-3 kg hạt khô/trụ.

Là một trong những hộ tham gia dự án, bà Vũ Thị Hương (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cho hay: “Sau 2 năm áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, tôi thấy bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu giảm rõ rệt. Các biện pháp chăm sóc hồ tiêu cũng đơn giản hơn trước đây. Đặc biệt, chi phí đầu tư giảm nhưng cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Kết quả này mở ra cơ hội để trong thời gian tới, gia đình nhân rộng áp dụng thêm trên 1 ha hồ tiêu bị bệnh chết chậm”. Cùng niềm vui này, ông Kpă Dãn (làng Phun, xã Ia Băng) cho biết, gia đình ông áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên 0,2 ha hồ tiêu và đến nay đã hạn chế được bệnh chết chậm. Ông sẽ tuyên truyền, vận động các hộ xung quanh có hồ tiêu áp dụng quy trình điều trị bệnh chết chậm bằng biện pháp này để phục hồi vườn cây.

Trong chuyến khảo sát thực tế mô hình tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông), ông Nguyễn Quý Dương-Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật-cho biết: Sau 2 năm triển khai mô hình tại 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông), kết quả, vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm phục hồi rất tốt. Lá và bộ rễ phục hồi nên năng suất vườn hồ tiêu đang dần ổn định. Kết quả này là tiền đề quan trọng để Gia Lai điều tra phân biệt mức độ bệnh bị nhẹ hay trung bình nhằm xây dựng quy trình phục hồi một cách tốt nhất. Những vườn hồ tiêu bị nhiễm nặng nên chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn. Tỉnh cũng cần thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người trồng hồ tiêu học tập, áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp để phục hồi vườn cây bị bệnh chết chậm. Đặc biệt, người trồng hồ tiêu nên chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Đây là giải pháp thiết thực và hiệu quả giúp cây hồ tiêu phát triển bền vững.

Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho hay: “Mô hình phục hồi vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp là hướng đi mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Đặc biệt, dự án chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh cùng các chế phẩm đối kháng nấm bệnh, cải tạo độ chua của đất; dần thay đổi thói quen canh tác giúp nông dân sản xuất theo hướng bền vững. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ nhân rộng mô hình này sang các địa phương trồng hồ tiêu trong tỉnh”.

NGUYỄN HỒNG

Quảng Trị: Tưới nước tiết kiệm trên cây tiêu

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Mô hình thực hành “Sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm” được triển khai tại hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) thuộc hợp phần 3 “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” (CSA) của “Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7).

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh kiểm tra vườn tiêu mô hình của ông Nguyễn Đăng An ở thôn Linh Đơn, xã Vĩnh Hòa

Bà Lê Thị Hiền Lương, Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh cho biết, mô hình sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho gần 10 ha hồ tiêu ở độ tuổi năm thứ 3, khi ra mùa quả bói đầu tiên được người dân hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa hồ hởi đón nhận. Mô hình này nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất tiêu theo hướng hàng hóa giá trị cao, là cơ sở để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Trong đó mô hình ở xã Vĩnh Kim 5,5 ha với 26 hộ tham gia được canh tác theo phương thức có sử dụng phân bón vô cơ hòa tan. Mô hình ở xã Vĩnh Hòa 4 ha có 15 hộ tham gia, trong đó 3,2 ha canh tác theo hướng hữu cơ và 0,8 ha canh tác theo phương thức có sử dụng phân bó vô cơ hòa tan.

Ông Nguyễn Tấn Minh ở thôn Đông, xã Vĩnh Kim, nhóm trưởng nhóm thực hiện mô hình áp dụng biện pháp bón phân vô cơ hòa tan cho biết, mô hình này được triển khai trên vườn cây tiêu kinh doanh. Sau khi thu hoạch tiêu, cần tỉa bớt cành lươn mọc ra từ gốc và cành tược mọc ngoài khung thân chính. Ở một số vườn tiêu có hiện tượng ra hoa không đúng thời vụ nên tỉa bỏ những hoa này. Theo ông Minh, thời kì chăm sóc, bón phân cho cây tiêu quyết định đến năng suất, sản lượng. Bón phân cần cân đối, hợp lí giữa từng loại phân vô cơ với nhau. Với mô hình này, tỉ lệ bón phân vô cơ gồm NPK cao cấp gatit 500 kg/ha, kali 200 kg/ha và canxi 400 kg/ha. Ngoài ra còn sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp đã ủ hoai mục, tuyệt đối không bón phân chuồng chưa hoai cho cây tiêu.

Đối với phương thức canh tác theo hướng hữu cơ tại thôn Linh Đơn, xã Vĩnh Hòa, chị Trần Thị Hà cán bộ khuyến nông cho biết, mô hình này không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất biến đổi gien, chất làm biến đổi hormones. Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép toàn bộ nguyên liệu đầu vào sử dụng cho vườn canh tác hữu cơ.

Ông Nguyễn Đăng An ở thôn Linh Đơn có 320 cây tiêu 4 năm tuổi tham gia mô hình cho biết, tận dụng những nguồn hữu cơ sẵn có trên vườn hoặc các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ dại, cành lá…ủ đúng quy định rồi đem ra bón. Tỉ lệ bón 20 kg phân hữu cơ đã ủ hoai mục/gốc tiêu cộng với 1kg phân hữu cơ vi sinh/ gốc (tương đương với 32 tấn hữu cơ đã ủ hoai mục với 1.600 kg phân hữu cơ vi sinh/ha/ năm). Ngoài ra cần bón bổ sung định kì phân hữu cơ dạng lỏng qua hệ thống tưới nhỏ giọt như amoni axit, humic/fulvic axit.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, điểm nhấn đặc biệt của hai mô hình này là sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm với kĩ thuật tưới nước nhỏ giọt, tưới nước hiệu quả nhất đến từng bộ rễ của cây tiêu, góp phần tăng năng suất, sản lượng. Phương pháp này nhằm đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ tích cực của cây tiêu, thông qua các hệ thống dây tưới được bố trí quấn quanh từng gốc cây. Hệ thống dây tưới được bố trí khoa học để dễ dàng đưa nước đầy đủ và đồng đều cho tất cả các cây tiêu, giúp quản lí nước tưới, dinh dưỡng và thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả nhất. Hai mô hình xây dựng 44 hệ thống tưới nhỏ giọt tại 41 hộ gia đình của hai xã trên.

Theo bà Phương, mỗi lần tưới lượng nước cần thiết từ 28-32 lít/gốc, chu kì tưới từ 3-4 ngày một lần. Với lưu lượng thiết kế là 20 lít/gốc/giờ tưới, thì mỗi lần cần tưới từ 1,4-1,6 giờ, tùy theo điều kiện thời tiết và giai đoạn phát triển của cây tiêu. Các vườn tiêu trong mô hình đang vào thời kì kinh doanh nên các biện pháp kĩ thuật cần áp dụng đồng bộ từ khâu chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Trong mùa mưa cần lưu ý thoát nước tốt cho tiêu. Không để đọng nước ở gốc cây tiêu, cần đắp mô cao ở gốc, khi thấy vườn tiêu quá ẩm cần khẩn trương có giải pháp để thoát nước. Cần làm sạch cỏ trong vườn tiêu, không trồng xen cây trồng có tán lớn, bộ lá rậm rạp trong vườn hoặc các cây cùng họ, các cây có cùng nguồn sâu bệnh với hồ tiêu, nên trồng các cây họ đậu.

Thông thường vào khoảng tháng 5 cây tiêu cho thu hoạch. Mỗi vụ hái 2-3 đợt, thu hái cẩn thận chùm quả ở đoạn cuống, tránh gây vết thương ở các nốt thân. Không nên thu hoạch khi quả hồ tiêu còn xanh, thời điểm thu hoạch tốt nhất để làm hạt tiêu đen khi chùm hồ tiêu có trên 5% quả chín màu vàng, đỏ và để làm tiêu sọ khi tiêu trên 20% quả chín. Khi thu hái xong có thể phơi ngay để làm tiêu đen hoặc ủ 1-2 ngày trong mát cho hồ tiêu tiếp tục chín để làm hồ tiêu sọ. Để hạt tiêu đen thương phẩm có màu đẹp, trước khi phơi nên nhúng hạt hồ tiêu vào nước nóng 80 độ C trong vòng 1-2 phút, trộn đều sau đó lấy ra để trong mát cho ráo nước rồi đem phơi. Sau khi thu hoạch cần cắt tỉa bớt lá già và lá bị bệnh để hạn chế bớt sự tiêu phí nước của cây, đồng thời kích thích phân hóa mầm cành quả cho vụ sau. Sau khi vườn tiêu thu hoạch được một tháng chỉ nên tưới nước vừa đủ để cây tiêu tồn tại, không nên tưới nhiều vì cây tiêu sẽ tiếp tục sinh trưởng và ra hoa rải rác làm ảnh hưởng đến vụ kế tiếp.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây tiêu mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc tăng thu nhập người trồng tiêu cũng như tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới. Đối với nhiều nông dân, chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới nhỏ giọt còn lớn so với thu nhập. Do đó ngoài hai mô hình trên, huyện rất cần có những cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ phù hợp nhằm mở rộng mô hình này ở nhiều xã trên địa bàn.

Tú Linh

Sâm Ngọc Linh in vitro nảy mầm hy vọng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Những ngày cuối năm 2019, sau nửa thập kỷ mày mò với cây sâm Ngọc Linh in vitro, vòng tuần hoàn cuối cùng đã khép. Những cây sâm Ngọc Linh con đã nảy mầm, trưởng thành từ những hạt thu từ cây mẹ vô tính, mở ra một cơ hội mới.

PGS. TS Trần Công Luận (chuyên gia về sâm Ngọc Linh) cùng tác giả Phan Công Du (bên phải) với sản phẩm cây sâm Ngọc Linh in vitro được trồng tại Đà Lạt. Ảnh: D.Quỳnh

Hạt từ cây mẹ vô tính nảy mầm

Thạc sỹ Phan Công Du, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Lâm Đồng, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu khả năng ra hoa tạo hạt của cây sâm Ngọc Linh in vitro tại Đà Lạt” đã có nhiều năm ăn, ngủ với cây sâm Ngọc Linh. Từ những năm 2014-2015, anh đã trồng những cây sâm Ngọc Linh in vitro tại Đà Lạt. Và đến năm 2017, anh đã hào hứng đón chào cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (in vitro) đầu tiên nở hoa, mở ra cơ hội mới để nhân giống loài sâm K9 quý hiếm này. Qua đó, đặt ra câu hỏi là từ những nụ hoa đầu tiên cho đến những hạt giống quý báu từ cây mẹ vô tính, làm sao để có những cây con nảy mầm tự nhiên, khép kín vòng sinh trưởng, giúp chủ động nguồn giống sâm Ngọc Linh?

Vì vậy, sau khi những cây sâm Ngọc Linh in vitro ra hoa và kết quả, nhóm nghiên cứu của Thạc sỹ Phan Công Du đã mày mò tìm hướng để những hạt sâm thu được từ cây mẹ in vitro có thể nảy mầm. Thạc sỹ Phan Công Du chia sẻ: “Thu được 7 hạt giống đầu tiên từ cây mẹ vô tính, nhóm chúng tôi rất hồi hộp, tìm nhiều phương pháp thử nghiệm để hạt nảy mầm tốt nhất. Phương pháp hiệu quả nhất là dung dịch nước tỏi 10% để xử lý hạt giống. Chúng tôi ngâm nhân hạt đã xử lý loại bỏ phần thịt quả vào dung dịch nước tỏi trong 30 phút, sau đó đem gieo. Với việc áp dụng quy trình xử lý hạt giống nêu trên, sau 4 tháng kể từ thời điểm gieo hạt, hạt đã nảy mầm và lên cây với tỉ lệ hiện nay là 3/7 hạt gieo, đạt tỉ lệ nảy mầm từ hạt của cây sâm Ngọc Linh in vitro là 42,8%”. Kết quả nảy mầm khả quan này đã chứng minh, cây sâm in vitro được nuôi trong điều kiện nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt phát triển hoàn toàn bình thường, sinh trưởng tương tự với sâm Ngọc Linh trong điều kiện tự nhiên của núi rừng K9.

Giáo sư - Tiến sỹ Dương Tấn Nhựt, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài: Hạt từ cây sâm Ngọc Linh in vitro nảy mầm, phát triển thành cây con là một thành công của nhóm nghiên cứu. Việc nảy mầm từ hạt thu từ cây sâm in vitro đã khép kín được vòng sinh trưởng và phát triển, chứng minh cây sâm in vitro sinh trưởng tự nhiên, tương tự với cây sâm nhân giống từ hạt. Thành công này mở ra một hướng mới cho việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, không còn bó hẹp tại vùng rừng nguyên sinh với điều kiện tự nhiên khó khăn.

Hàm lượng saponin tiệm cận sâm Ngọc Linh tự nhiên

Đã ra hoa, kết quả và hạt nảy mầm tự nhiên, cây con cũng phát triển khỏe mạnh chứng tỏ cây sâm Ngọc Linh in vitro thích ứng với điều kiện Đà Lạt. Thạc sỹ Phan Công Du cho biết, những cây sâm in vitro được nhóm trồng với 3 điều kiện phổ biến tại Đà Lạt, đó là trong nhà kính, trong nhà có mái che bền vững và trồng dưới tán rừng với độ che phủ 80%. Khu vực lựa chọn để trồng sâm Ngọc Linh là vùng rừng ven hồ Tuyền Lâm, nơi có sẵn nguồn nước sạch và khí hậu mát mẻ, gần gụi với điều kiện rừng núi Ngọc Linh.

Sau 5 năm trồng từ những cây sâm in vitro con, những củ sâm Ngọc Linh trồng tại Đà Lạt đã đủ chuẩn thu hoạch.

Củ thu được có trọng lượng bình quân đạt 40 gam/củ, với kết quả phân tích thành phần saponin có trong sâm củ đạt tiêu chuẩn dược điển sâm Việt Nam của Bộ Y tế ban hành, đặc biệt hàm lượng saponin đặc trưng cho sâm Việt Nam là M-R2, vượt gấp 3,5 lần so với tiêu chuẩn dược điển Việt Nam. So sánh với sâm Ngọc Linh tự nhiên, sâm in vitro đạt hàm lượng dược chất gần tiệm cận.

Lượng sâm Ngọc Linh cung cấp trên thị trường là khá hạn chế, do trong tự nhiên, sâm Ngọc Linh phát triển rất chậm, năng suất rất thấp. Vì vậy, nếu nông dân Đà Lạt có thể canh tác sâm Ngọc Linh sẽ là nguồn sâm quý giá. Nhóm nghiên cứu cũng đã hoàn thành quy trình chăm sóc sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt và sẵn sàng chuyển giao cho nông dân. Anh Phan Công Du đánh giá, tuy đầu tư ban đầu cho vườn sâm Ngọc Linh là khá nặng do giá cây giống nhưng sau 5 năm, mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh in vitro mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ tại Đà Lạt, các vùng trồng sâm Ngọc Linh truyền thống như Kon Tum, Quảng Nam cũng có thể sử dụng giống sâm in vitro để trồng rộng rãi thay cho nguồn giống mọc từ hạt tự nảy mầm rất quý hiếm. Với những hạt thu được từ cây sâm vô tính nảy mầm thành cây con và phát triển bình thường, cây sâm Ngọc Linh in vitro đã cho thấy khả năng mở rộng và phát triển giống sâm quý không còn quá phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

DIỆP QUỲNH

Xử lý hình sự vi phạm an toàn nông sản

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Thời gian qua diễn ra 2 vụ xét xử liên quan đến nông sản và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở TPHCM, đó là việc tổ chức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả và sử dụng hóa chất độc hại để ngâm hàng tấn rau quả. Những vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc do liên quan đến quyền lợi và sức khỏe mọi người.

Sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để có sản phẩm an toàn. Ảnh: Thanh Hải

Sản xuất thuốc giả - bị phạt 2 năm tù giam

Ngày 21-10, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm các đối tượng làm giả thuốc BVTV với số lượng lớn, phân phối đi nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Theo đó, ngày 17-4, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu kiểm tra kho hàng tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) phát hiện Nguyễn Minh Phục đang sản xuất hàng giả thuốc BVTV. Qua khám xét đã thu giữ hàng ngàn nguyên vật liệu để sản xuất thuốc BVTV giả dạng gói, bao, hộp, chai mang nhãn hiệu của nhiều hãng sản xuất thuốc BVTV. Xét thấy hành vi này nguy hiểm cho xã hội, hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Nguyễn Minh Phục nhận mức án 2 năm tù giam, phạt bổ sung bằng tiền mặt và tiêu hủy toàn bộ hàng giả thu được.

Luật sư Nguyễn Ngọc Huyền (Công ty Luật Invest Consult Group) cho biết, theo Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc BVTV có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù đến 15 năm, tùy mức độ phạm tội và hậu quả gây ra. Theo đó, cả người sản xuất và người buôn bán (các đại lý, cửa hàng kinh doanh) thuốc BVTV giả đều có thể bị xử lý hình sự. Do vậy, các đại lý phân phối, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV cần nhận thức rõ vấn đề này, không tiếp tay cho hành vi sản xuất thuốc BVTV giả để tránh những hậu quả nghiêm trọng về luật pháp cũng như để bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình.

Về phía nông dân, khi phát hiện hàng giả, bà con cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và cộng đồng. Bà con cũng có thể liên lạc với đại lý phân phối chính thức hoặc trực tiếp với nhà sản xuất để thông báo vụ việc hàng giả. Đại lý và nhà sản xuất sau đó sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, người có trách nhiệm điều tra, xử lý vụ việc.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Croplife, khi mua thuốc BVTV, bà con nông dân chỉ mua sản phẩm của các doanh nghiệp, đại lý có uy tín, đại lý được ủy quyền với đầy đủ hóa đơn bán lẻ và giấy biên nhận bán hàng. Không nên mua hàng trôi nổi, đừng vì ham giá rẻ mà tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh bất hợp pháp, vừa mất tiền mua thuốc mà bệnh hại trên đồng ruộng vẫn không được kiểm soát, cây trồng giảm năng suất, thậm chí mất mùa, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống. Ngoài ra, thuốc BVTV giả còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con và người tiêu dùng nông sản.

Ngâm rau củ bằng hóa chất độc hại - bị phạt 18 tháng tù giam

Việc TAND quận Thủ Đức (TPHCM) vừa phạt 18 tháng tù giam đối với đối tượng sử dụng hóa chất độc hại để ngâm củ cải, cà rốt... Sự nghiêm minh của pháp luật đã cảnh tỉnh những người kinh doanh thực phẩm bất chấp thủ đoạn chỉ vì lợi nhuận.

Theo cáo trạng, ngày 13-4-2018, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TPHCM) kiểm tra cơ sở chế biến nông sản của Bùi Văn Sáng tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức, phát hiện hành vi rửa, ngâm củ cải bằng hóa chất cấm nên lập biên bản và thu giữ vật chứng. Mỗi ngày, cơ sở này cung cấp khoảng 8 tấn hàng ra thị trường tiêu thụ. Tang vật thu giữ gồm 1,6 tấn củ cải trắng và 1,5 tấn củ cải đỏ bị ngâm hóa chất. Công an thu giữ 250g bột màu trắng, qua giám định là chất sodium dithionete (Na2S2O4) và sodium Sulfate (Na2SO4). Các chất này thuộc danh mục không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm của Bộ Y tế vì có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương mao mạch. Sử dụng thường xuyên thực phẩm dạng này, lượng hóa chất tích tụ trong cơ thể sẽ dẫn đến ung thư.

Việc sử dụng hóa chất độc hại không dừng lại ở đây, ngành chức năng TPHCM và các tỉnh, thành khác cũng từng phát hiện nhiều vụ sử dụng phẩm màu công nghiệp ngâm rau muống bào và bắp chuối bào. Theo BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật - An toàn thực phẩm Việt Nam), loại phẩm màu công nghiệp dùng trong ngành nhuộm này có tác dụng làm rau muống giòn dai, nhìn bắt mắt nhờ giữ được màu xanh tươi, thay vì bị xám đen khi để lâu ngày, nhưng làm cho thực phẩm tồn dư hàm lượng kẽm, đồng rất lớn. Kim loại đồng nếu tồn dư gây ngộ độc cấp tính, kim loại kẽm tồn dư gây chết người. Dạ dày, gan và các cơ quan khác trong cơ thể sẽ bị phá hủy do các loại hóa chất “ăn mòn” dần.

Có thể nói, việc cơ quan chức năng chuyển qua xử lý hình sự là tín hiệu tích cực, bởi thời gian qua có những vụ vi phạm ATVSTP kéo dài nhưng không xử lý hình sự được người vi phạm mà chỉ phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, khi xử lý hình sự đúng người, đúng tội những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về ATVSTP sẽ có tính răn đe tốt hơn. Có thể nói, đây là những “án điểm” cho các vụ án khác khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương trong cả nước xử lý các trường hợp tương tự.

CÔNG PHIÊN

Đồng Tháp: Ngành trồng trọt tăng trưởng theo chiều sâu

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Năm 2019, việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt tạo thêm động lực cho sự tăng trưởng của ngành theo chiều sâu. Cụ thể, nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng, nuôi thủy sản, giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 - 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng đơn vị diện tích.

Nhà vườn chăm sóc xoài

Theo đó, tốc độ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt là 4,12%/năm. Nhiều mô hình sản xuất theo quy trình an toàn, giảm giá thành, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được tỉnh triển khai và mang lại kết quả tích cực.

Từ những tác động đó, năm 2019 giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo đạt hơn 17.600 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2018, tương đương khoảng 100 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành hàng xoài đang có những bước phát triển mạnh. Đáng chú ý là thời gian qua, địa phương đẩy mạnh thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài; tập huấn cho nhà vườn sản xuất xoài đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Từ những đòn bẩy đó, xoài Cao Lãnh được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Riêng ngành hàng hoa kiểng đã tạo được sự kết nối giữa người dân với doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Năm 2019, tổng diện tích hoa kiểng là 2.850ha, ước giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng năm nay đạt 3.500 tỷ đồng, tăng gần 120 tỷ đồng.

MN

Vĩnh Thạnh (Cần Thơ): Nuôi chim yến tràn lan khó quản lý

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Vài năm trở lại đây, tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ nhà nuôi chim yến tự phát mọc lên tràn lan. Hiệu quả kinh tế mang lại ra sao chỉ có người nuôi mới biết, trong khi ngành chức năng và chính quyền địa phương rất khó tiếp cận các hộ dân nuôi yến. Điều này đặt ra vấn đề cho công tác quản lý, an toàn vệ sinh môi trường, dịch bệnh dễ lây lan...

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện hiện có 51 nhà nuôi yến, đa phần được xây dựng tiền chế, có hộ xây nhà bê tông kiên cố. Qua tìm hiểu, huyện vẫn chưa quy hoạch phát triển ngành nghề này, các hộ nuôi chủ yếu theo hình thức tự phát.

Một trong những nhà nuôi yến nằm trên tuyến quốc lộ 80, thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ đến các hộ tìm hiểu, đa phần bà con không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin rất ít. Chỉ biết rằng, khi thiết kế và thi công nhà nuôi yến, đơn vị thi công lắp đặt camera quan sát, theo dõi số lượng đàn yến vào ở, quá trình bảo hành cả chủ nhà cũng không vô được nhà yến, vì thế chúng tôi rất khó đánh giá hiệu quả cũng như đưa ra các khuyến cáo”.

Thạnh Lợi là một trong những địa phương phát triển nhanh số lượng nhà nuôi yến với 29 hộ. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: “Vài năm trước ở Thạnh Lợi chỉ có một vài hộ xây nhà nuôi yến, từ năm 2018 mô hình này phát triển khá nhanh ở địa phương. Được biết chi phí đầu tư xây dựng nhà nuôi yến khá cao, mỗi nhà có diện tích từ 200-250m2, chi phí từ 0,8-1,5 tỉ đồng. Quá trình dẫn dụ yến cũng rất nghiêm ngặt, nếu có các loài vật khác như: rắn, chuột, mèo trong nhà yến thì yến không vào ở và làm tổ. Qua nắm thông tin cũng có một vài hộ có thu nhập từ việc khai thác tổ yến, có hộ chưa có thu nhập vì yến không vào ở”.

Còn ở xã Vĩnh Trinh, Thạnh Mỹ cũng "mọc’’ lên nhiều nhà nuôi yến trong thời gian gần đây, tập trung nhiều nhất dọc theo tuyến quốc lộ 80. Theo lãnh đạo các địa phương cho biết, hầu như không có nhà nào xin phép cho việc xây nuôi yến, chỉ có một vài hộ xin giấy phép xây dựng, cải tạo công trình nhà ở, rồi cải biến nội thất thành nhà nuôi yến. Ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, nói: “Trước đây, có một số trường hợp bà con phản ánh tình trạng tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ phát ra từ các nhà nuôi yến, nhưng chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến nhắc nhở các hộ nuôi mở âm thanh vừa phải và tránh tiếng ồn vào ban đêm, các hộ cũng chấp hành nên bà con xung quanh cũng không còn khiếu nại, phản ánh. Tuy nhiên, xã cũng lúng túng trong khâu quản lý ngành nghề này, chỉ rà soát, thống kê số hộ nuôi yến trên địa bàn rồi báo cáo ngành chức năng của huyện”.

Điều đáng nói là hầu hết các nhà nuôi yến ở huyện Vĩnh Thạnh được xây dựng trên tuyến dân cư ở nông thôn hoặc tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nên nếu xảy ra dịch bệnh trên chim sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Theo quy định tại Công văn số 1553/SNN&PTNT-KHTC của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ về việc hướng dẫn quản lý nuôi chim yến bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, người nuôi chim yến phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thú y và buộc phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, trước đây Phòng có triển khai văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ nuôi chim yến khai báo nhưng các hộ nuôi chưa quan tâm thực hiện, việc nuôi, khai thác yến cũng chưa có quy định cấm nuôi trong khu dân cư hay tuyến dân cư nên ngành rất khó theo dõi, quản lý.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Vài năm gần đây nghề nuôi yến trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, qua nắm thông tin chỉ một vài hộ có hiệu quả còn lại đa phần chưa có nguồn thu mà vốn đầu tư lại rất lớn, rủi ro cao, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nên trước mắt huyện không khuyến khích phát triển ngành nghề này. Để tháo gỡ những khó khăn trong việc quản lý nuôi chim yến, trong khi chờ các văn bản quy phạm pháp luật chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến gia cầm, vật nuôi khác; nhất là ảnh hưởng sức khỏe con người để các hộ nuôi có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi và xây dựng cơ sở nuôi phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”.

Bài, ảnh: MINH HẢI

Đồng Tháp: Giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản vừa phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Nghiên cứu can thiệp trong việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà tại đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án được thực hiện tại huyện Cao Lãnh và huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) từ năm 2016 - 2019, có 102 hộ chăn nuôi tham gia khảo sát. Người chăn nuôi được các chuyên gia hướng dẫn về cách nhận biết phòng trị một số loại bệnh trên gà, cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng cho gà...

Theo kết quả nghiên cứu từ dự án, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc người chăn nuôi lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà là đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh; việc kháng sinh được bày bán tràn lan và người chăn nuôi có thể mua được một cách dễ dàng từ các cửa hàng thuốc thú y tại địa phương. Nếu trong quá trình chăn nuôi, hộ dân sử dụng quá nhiều kháng sinh sẽ dẫn đến hậu quả vật nuôi kháng kháng sinh và virut kháng kháng sinh trên vật nuôi sẽ có nguy cơ lây lan cho người. Vì vậy, dự án này không những có ý nghĩa đối với ngành chăn nuôi mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế.

Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án đã góp phần giúp cho các hộ chăn nuôi gà ở tỉnh Đồng Tháp giảm thiểu lượng khánh sinh đáng kể trong chăn nuôi. Nếu so với trước đây, tỷ lệ hộ chăn nuôi sử dụng kháng sinh là 28% thì hiện nay đã giảm xuống còn 13%. Con số này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng người chăn nuôi sản xuất theo quy trình sạch, an toàn.

Mỹ Lý

Giá lợn giống tăng rất cao

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Những ngày qua, tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, giá lợn giống tăng cao kỷ lục, người chăn nuôi muốn tái đàn nhưng không tìm được nguồn cung.

Theo đó, lợn siêu nạc xách tai dao động từ 2 đến hơn 2 triệu đồng/con. Yên Dũng có giá lợn giống cao nhất, đạt mức 2,2 triệu đồng/con.

Lợn lai (còn gọi là lợn cỏ) giá từ 1,6 triệu đến 1,9 triệu đồng/con giống (với trọng lượng đạt từ 8 đến 12 kg/con) nhưng hiện có rất ít.

Như vậy, giá lợn giống hiện tại cao hơn từ 200 đến 300 nghìn đồng/con so với năm 2016 (thời điểm giá lợn giống tăng cao nhất tính đến nay).

Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện trong tỉnh chỉ có 2 cơ sở cung cấp nguồn giống ra thị trường là Công ty CP Giống chăn nuôi Bắc Giang và Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, tại cơ sở chăn nuôi của Công ty CP Giống chăn nuôi Bắc Giang, tổng đàn lợn nái không nhiều, chỉ còn vài chục con (năm 2019, Công ty đã giảm những con nái chất lượng kém, tránh thiệt hại do bệnh dịch) nên số lợn con dịp này chỉ có khoảng vài chục con/tháng.

Nhân viên Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang đưa lợn giống tới điểm cân để xuất bán.

Mặc dù đàn lợn nái của Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang vẫn duy trì hơn 300 con (tại cơ sở chăn nuôi ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa) nhưng theo ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty thì hiện lợn giống của doanh nghiệp được sản xuất ra cũng chỉ cung cấp trong hệ thống của Công ty, không bán ra ngoài.

“Từ ngày 26-11, chúng tôi tăng giá lợn giống lên 2 triệu đồng/con. Mỗi tháng, Công ty xuất bán khoảng 500 con và chỉ cung cấp cho khách hàng đã đặt trước. Để bảo đảm chất lượng con giống, Công ty chúng tôi tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch. Trong thời điểm vẫn còn dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi chăm lợn con dài ngày hơn bình thường để người chăn nuôi khi nhập giống về hạn chế được rủi ro”, ông Hưng chia sẻ.

Do lợn giống khan hiếm nên giá tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh không tìm được nguồn cung để tái đàn. Anh Lý Văn Đức, thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam) cho biết: “Vì giá lợn giống cao, hơn nữa bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát hoàn toàn nên sang năm gia đình tôi mới vào đàn”.

Tìm hiểu tại Lục Ngạn, hiện có nhiều hộ phải mua lợn giống từ tỉnh Phú Thọ về để chăn nuôi, điều này cho thấy nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao.

Theo những chủ nuôi có kinh nghiệm thì các hộ không nên quá sốt ruột vì giá lợn hơi tăng cao mà vội vã tìm con giống để tái đàn. Điều này dẫn đến khó kiểm soát giá, chất lượng con giống và dịch bệnh.

Đại La

An Giang: Nuôi bò vỗ béo - mô hình cũ nhưng hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo An Giang

Nuôi bò vỗ béo đang là mô hình được nhiều nông dân trong tỉnh An Giang lựa chọn, bởi bò là động vật dễ nuôi, phương thức chăn nuôi đơn giản, rủi ro thấp, nguồn vốn đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đáng kể kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi bò được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình

Trước đây, kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Sự (ngụ ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, An Phú) phụ thuộc chủ yếu vào việc canh tác lúa, nhưng hiệu quả mang lại không cao, cuộc sống bấp bênh. Do đó, vợ chồng anh Sự đã trăn trở, suy nghĩ nhằm tìm kiếm loại cây trồng, vật nuôi khác để phát triển kinh tế gia đình. “Qua những lần họp mặt nông dân, tôi được giới thiệu nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả của nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tại địa phương, trong đó có mô hình nuôi bò vỗ béo. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, tôi mạnh dạn mua 4 con bò về nuôi. Nhờ những kinh nghiệm có được thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi bò do địa phương tổ chức, tôi đã áp dụng và đã đạt được những kết quả khả quan. Sau 12 tháng nuôi, bò xuất chuồng, gia đình tôi bán được 130 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng” - anh Sự thông tin.

Cũng giống như anh Sự, gia đình anh Nguyễn Chí Tâm (ấp Khánh An, xã Khánh Hòa, Châu Phú) trước đây ngoài việc canh tác rau màu còn chăn nuôi heo để nâng cao nguồn thu nhập. Tuy nhiên, thấy việc nuôi heo tiềm ẩn nhiều rủi ro: giá cả lên xuống thất thường, dịch bệnh khó kiểm soát… nên anh Tâm đã cải tạo chuồng trại, mua 10 con bò tơ về nuôi. Đợt đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi nên lợi nhuận mang lại không cao. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi khoảng 6 triệu đồng/con. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cùng với kiến thức từ cán bộ thú y, sau 5 năm, con bò đã giúp cuộc sống gia đình anh Tâm ổn định hơn trước rất nhiều. “Với lợi thế về nguồn thức ăn dồi dào, chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp như: cỏ, rơm, gạo, cám... và chi phí chuồng trại, thú y phòng trị bệnh không lớn, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng nên nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi” - anh Tâm chia sẻ.

Theo anh Tâm, bò là con vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít bị rủi ro, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời. Để vỗ béo con bò thành công, khâu đầu tiên và quan trọng nhất là người nuôi phải chọn mua con giống khỏe mạnh, có chất lượng tốt, không có dịch bệnh. Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để phòng, tránh bị nhiễm bệnh. Trước khi tiến hành vỗ béo, nhiều hộ nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn dọn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng tạo cho không gian chuồng trại khô thoáng, sạch sẽ, đó cũng là một trong những điều kiện giúp bò tăng trọng nhanh. Trong quá trình nuôi phải tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh cho bò, đặc biệt là vaccine phòng ngừa tụ huyết trùng và lở mồm long móng theo đúng lịch khuyến cáo từ ngành thú y…

Hiện nay, giá bán bò thịt luôn ổn định nên người chăn nuôi rất yên tâm. “Hiện tại, trong chuồng của gia đình luôn duy trì khoảng 10 con bò. Sau khi nuôi từ 10-13 tháng có thể cho xuất chuồng. Tùy thời điểm và giá cả thị trường, mỗi con bò có thể thu lợi nhuận từ 9-13 triệu đồng, thu nhập của gia đình vì thế cũng khá hơn. So với nuôi heo, nuôi bò nông dân không sợ thua lỗ; nếu giá thấp, có thể giữ lại khoảng 1 tháng rồi bán” - anh Tâm cho biết. Hiện nay, bò tơ cung cấp cho bà con chủ yếu là bò có nguồn gốc từ Campuchia, giá bán dao động từ 11-15 triệu đồng/con. Giống bò này nuôi trong thời gian 12 tháng là có thể xuất bán, bình quân mỗi con thu lợi nhuận từ 13-15 triệu đồng.

Nuôi bò không khó, có thể tận dụng nguồn thức ăn phong phú, có sẵn trong tự nhiên; thị trường tiêu thụ rộng lớn nên mô hình được đánh giá khá cao. Ngoài hiệu quả về kinh tế, phế phẩm từ bò còn phục vụ đắc lực cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phân bò được tận dụng để làm biogas phục vụ sinh hoạt hàng ngày; nuôi trùng; làm phân bón cho cây trồng hoặc có thể bán lại để nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

ĐÌNH ĐỨC

Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học: Nhẹ công, lời khá

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Kết quả thực hiện mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại địa bàn TP Vĩnh Long đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp để nhân rộng, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ.

Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao.

Thích hợp nhân rộng

Mô hình trên được triển khai trong năm nay tại 11 hộ thuộc 3 xã Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa (TP Vĩnh Long). Mỗi mô hình 300 con giống gà Bình Định nuôi trên nền chuồng có đệm lót vi sinh.

Đánh giá của Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, trong quá trình triển khai mô hình, các hộ tham gia thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi nhốt có sử dụng đệm lót sinh học.

Chuồng trại đảm bảo vệ sinh, thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, giai đoạn úm chuồng trại luôn khô ráo vì đệm lót luôn sinh nhiệt nên gà phát triển tốt, ít bệnh. Người nuôi chỉ việc đổ thức ăn cho gà ăn, không phải dọn chuồng nên bà con có thể làm việc khác.

Tham gia mô hình này, bà Phan Thị Thanh Nga (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi) cho biết: “Tôi đã xây dựng chuồng trại rộng 60m2, sử dụng đệm lót sinh học bằng trấu trộn với men sinh học Balasa cùng 300m2 vườn có rào lưới xung quanh để gà kiếm ăn, tắm nắng. Để giảm chi phí, tôi mua thêm gạo lứt, lúa, rau xanh trộn với thức ăn công nghiệp.

Bà Nga đã thực hiện phòng trị bệnh cho gà theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chủ yếu tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm cho gà như: gumboro, cúm, tụ huyết trùng, dịch tả,… trong suốt quá trình nuôi nên không xảy ra dịch bệnh trên đàn gà của bà.

Nhờ đó, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%, chỉ hao hụt 15 con. Hiện trọng lượng gà bình quân đạt 1,7kg, giá bán 65.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Nga còn lời trên 8,2 triệu đồng. Với kết quả này, bà Nga cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Ông Lê Văn Tấn (ấp Tân Nhơn, xã Tân Hòa) thì khá tâm đắc khi sử dụng men sinh học Balasa làm đệm lót gà ít bệnh và phát triển tốt. Sau 3 tháng nuôi, gà trống 2,5 kg/con, gà mái từ 1,7- 1,8 kg/con. Với giá bán 65.000 đ/kg, lợi nhuận ông Tấn thu được trên 10 triệu đồng.

Ông Trần Trung Nghĩa (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi) chia sẻ kinh nghiệm ngâm lúa trộn với men vi sinh cho gà ăn thì gà ít bệnh đường ruột.

Hàng tuần, ông phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng trại để đề phòng dịch bệnh nên đàn gà của ông khỏe mạnh, phát triển tốt, bán được giá, lợi nhuận cao. Ông Nghĩa cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mô hình này với quy mô 1.000 con gà trong lứa nuôi tới.

Hướng đến liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ

Sẽ ký kết chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gà.

Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua con giống, 30% tiền thức ăn, chế phẩm sinh học Balasa thực hiện mô hình cùng toàn bộ chi phí tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo nhân rộng mô hình.

Người dân đối ứng 70% tiền mua thức ăn và góp vào chuồng nuôi, công chăm sóc nuôi dưỡng, vật tư khác phục vụ cho mô hình. Kinh phí hỗ trợ 1 mô hình 10,7 triệu đồng. Người nuôi đối ứng 11,5 triệu đồng.

Hạch toán kinh tế cho một điểm nuôi 300 con theo hướng an toàn sinh học trong 3 tháng: hao hụt bình quân 13 con, trọng lượng bình quân 1,7 kg/con. Giá bán gà thịt 60.000 đ/kg thì với 287 con còn lại, người dân có lời gần 7 triệu đồng.

Từ hiệu quả chăn nuôi khả quan, ông Trần Trung Nghĩa đề nghị sớm hình thành tổ hợp tác chăn nuôi gà để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Giải đáp kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Lục- Trưởng Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long- thông tin, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trứng vịt, sắp tới đây sẽ ký kết chuỗi lươn và gà. Mô hình liên kết chuỗi từ con giống thức ăn đầu vào đến sản phẩm đầu ra có cơ sở thu mua với giá cao hơn giá thực tế tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lục khuyến nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền phát triển mô hình, người chăn nuôi tiếp tục nhân rộng, tiến tới hình thành tổ hợp tác để có sản lượng lớn, chất lượng cao, tạo cơ sở để hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ngãi- khẳng định Hội Nông dân xã sẽ sát cánh cùng những hộ tham gia mô hình tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình cũng như tích cực tuyên truyền vận động cho những hộ khác thực hiện theo.

Để chăn nuôi đạt hiệu quả, bà Lâm Thị Thảo Trang- Phó Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long- cho rằng, việc chuyển đổi vật nuôi sang gà, vịt cần thực hiện theo hướng an toàn sinh học và tiêm phòng đầy đủ. Khuyến khích chăn nuôi tập trung để có hướng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Bài, ảnh: THANH LIÊM

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop