Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 5 năm 2019

Kỳ vọng cây 'sâm tiến vua' trên vùng đất lửa Quảng Trị

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Lần đầu tiên mô hình trồng thí điểm cây sâm dược liệu Bố Chính do nhóm 3 hộ dân ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) triển khai đã kỳ vọng mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân vùng đất lửa Quảng Trị.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và đại diện các Sở, ngành tham quan mô hình trồng cây sâm Bố Chính.

Theo nhiều tư liệu, sâm Bố Chính hay còn được gọi là thổ hào sâm, sâm núi…, có tên khoa học là Abelmoschus sagittifolius, thuộc họ cẩm quỳ. Sở dĩ có tên gọi Bố Chính vì cây sâm này được phát hiện và sử dụng làm dược liệu đầu tiên ở Châu Bố Chính (nay là vùng Bố Trạch, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Đặc biệt, sâm Bố Chính cũng là một trong những sản vật từ miền Trung nắng gió dùng tiến vua, bởi vậy nó còn được gọi là “sâm tiến vua”. Trước đây, sâm Bố Chính phân bố chủ yếu từ bắc Đèo Ngang đến tỉnh Phú Yên, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, loài sâm quý này hầu như vắng bóng trên dãi đất miền Trung.

Tại Quảng Trị, từ đầu tháng 2/2019, với số vốn ban đầu khoảng 1,6 tỷ đồng, nhóm 3 hộ dân tại thôn An Nha (xã Gio An) đã lần đầu tiên thực hiện mô hình thí điểm trồng sâm Bố Chính trên diện tích 3ha. Quá trình chăm sóc, cây sâm Bố Chính được nhóm hộ trồng theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hoá học nào. Đến nay, sau 3 tháng cây sâm Bố Chính của nhóm đã phát triển tươi tốt, hình thể củ khá đẹp, dài từ 10 - 20cm, đường kính khoảng 2cm.

Ông Lê Phước Hiếu, Phó trưởng nhóm dự án trồng sâm Bố Chính khẳng định: “Sau 3 năm triển khai, dự án sẽ bán ra thị trường 125 tấn củ sâm tươi và một số sản phẩm từ sâm với số tiền 7,5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 3,8 tỷ đồng. Đảm bảo mỗi hộ nông dân tham gia dự án có thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm sau khi đã trừ chi phí”. Ông Hiếu cho biết thêm, để đảm đầu ra ổn định, nhóm hộ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm; đồng thời liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Mới đây, dự án mô hình trồng thí điểm cây sâm dược liệu Bố Chính đã vinh dự đón ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đến tham quan. Tại đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị bày tỏ vui mừng, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của nhóm thực hiện dự án và tin tưởng rằng mô hình trồng sâm Bố Chính sẽ đạt kết quả cao.

“Từ thành công bước đầu của dự án, tỉnh Quảng Trị sẽ nghiên cứu hướng phát triển du lịch ở vùng Tây huyện Gio Linh với tour thăm giếng cổ Gio An, thưởng thức đặc sản rau xà lách xoong, các món gà đồi và đặc biệt du khách có thể mua các sản phẩm từ sâm Bố Chính về thưởng thức”, ông Chính nói.

CÔNG ĐIỀN

An Giang: Xoài xuất khẩu đi Hoa Kỳ giá cao

Nguồn tin: Báo An Giang

Nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc ở Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn, tỉnh An Giang) phấn khởi khi giá mua xoài mang đi xuất khẩu của Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) cao gấp 3 lần so với thị trường bên ngoài.

Cụ thể thời điểm này, thương lái đến vườn mua xoài cát Hòa Lộc (để tiêu thụ ở thị trường nội địa) chỉ từ 13.000-15.000 đồng/kg thì Công ty Chánh Thu mua của nông dân từ 47.000-49.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần thương lái mua tiêu thụ nội địa. Việc trái xoài của nông dân trong tỉnh được Công ty Chánh Thu mua đưa đi xuất khẩu đã mở ra triển vọng cho việc phát triển diện tích trồng xoài ở tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Hiện các địa phương trong tỉnh đã chuyển đất trồng lúa, vườn tạp (kém hiệu quả) sang trồng xoài 10.000ha và con số này sẽ tiếp tục tăng lên, khi trái xoài xuất khẩu có giá cao. Ngoài giống xoài cát Hòa Lộc, Công ty Chánh Thu và các doanh nghiệp khác còn mua xoài 3 màu, xoài keo, xoài tượng xanh… đưa đi xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Canada…

MINH HIỂN

Làm giàu từ cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những năm qua, nhiều nông dân xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã chủ động chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như: Sầu riêng, na, chôm chôm thái... đem lại nguồn thu nhập ổn định

Vùng đất xã Ia Tô trước đây chỉ có cây cà phê và cao su, giờ người dân đã dần chuyển sang trồng cây ăn trái.

Anh Huỳnh Tấn Phát, ở làng De Lung 1, xã Ia Tô, huyện Ia Grai là người trẻ tiêu biểu trong xã làm giàu từ trồng cây ăn trái. Tận dụng 4 ha đất đồi trồng cà phê, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 150 cây sầu riêng, 600 cây na, 50 cây chôm chôm thái. Đến nay, cả 3 loại cây trên cho thu nhập ổn định khoảng 400 triệu đồng/năm, trừ chi phí anh Phát thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

50 cây chôm chôm thái của gia đình anh Phát chuẩn bị cho thu hoạch. Anh cho biết mỗi cây chôm chôm cho năng suất từ 1,5 đến 2 tạ.

Sầu riêng giống J6 cũng được người tiêu dùng ưa chuộng vì cơm vàng, hạt lép, múi to, vị ngọt bùi. Bình quân mỗi cây cho thu nhập trên 1 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Tường 80 tuổi, thôn 6, xã Ia Tô cho biết: Gia đình có 7 sào đất trồng 45 cây chôm chôm thường. Năm 2018, mỗi cây chôm chôm cho năng suất từ 2 đến 3 tạ, trừ chi phí cũng thu được gần 50 triệu đồng.

Một góc vườn cây chôm chôm thái chuẩn bị thu hoạch ở xã Ia Tô

Bà Hồ thị Tâm ở thôn 6 cho biết: Gia đình bà có 2 ha đất trồng 100 cây chôm chôm, 400 cây cà phê và 70 cây điều. Mấy năm gần đây giá nông sản không ổn định nên cây ăn trái trở thành cây thu nhập chính của gia đình. Năm ngoái, gia đình bán chôm chôm thu được 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Nguyễn Văn Tự ở thôn 6, xã Ia Tô có 3 ha trồng cà phê. 5 năm trước anh đã trồng sen 30 cây chôm chôm, 50 cây sầu riêng và 40 cây bơ để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm trừ chi phí cũng lãi trên 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Chí Nguyên-Chủ tịch hội nông dân xã Ia Tô cho biết: Theo thống kê của xã, hiện nay diện tích cây ăn trái trồng chuyên canh trên địa bàn xã là 70,8 ha, trong đó chôm chôm là 24 ha, sầu riêng 40,9 ha, bơ 5,9 ha. Cây ăn trái hiện nay đang là hướng phát triển tiềm năng trên địa bàn xã, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác, cho thu nhập bền vững.

Đức Thụy

Trái bơ vào mùa thu hoạch

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện nay, người trồng bơ trên địa bàn huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang bước giai đoạn thu hoạch chính vụ, trong khi giá cả mặt hàng này trên thị trường hiện khá tốt cho bà con nông dân. Cụ thể, giá bơ sáp được thương lái mua tại vườn khoảng 50 ngàn đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với vụ mùa 2018.

HTX Nông nghiệp Thái Dương (huyện Châu Đức) có hơn 5ha trồng bơ sáp dẻo, cơm vàng.

Theo anh Nguyễn Cảnh Thái Dương, Giám đốc HTX nông nghiệp Thái Dương (xã Xà Bang, huyện Châu Đức), vài năm gần đây, bơ sáp dẻo cơm vàng được người tiêu dùng ưu chuộng, đặc biệt ở các thị trường lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định, BR-VT…

Mặc dù được giá nhưng các hộ nông dân cho biết, năng suất bơ năm nay thấp hơn năm ngoái do thời tiết bất lợi, khiến hoa rụng nhiều, kết trái ít.

HTX Nông nghiệp Thái Dương hiện canh tác hơn 5ha bơ sáp, nếu như vụ mùa 2018, thu hoạch 10 tấn/ha, thì năm nay năng suất giảm chỉ còn khoảng 7 tấn/ha, ước tính thất thu hơn 120 triệu đồng/ha. Tuy thời tiết bất lợi, nhưng nhờ trồng bơ theo tiêu chí xanh, chỉ dùng phân hữu cơ và thuốc sinh học để chăm sóc trong suốt quá trình phát triển của cây nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá bơ sáp dao động ở mức 50.000 - 80.000 đồng/kg.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, trong bối cảnh giá tiêu xuống thấp thì bơ là loại cây trồng đem lại thu nhập ổn định nên được nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Đức chọn làm cây trồng phát triển kinh tế. Đến nay huyện Châu Đức có hơn 300ha trồng bơ với năng suất bình quân từ 10 – 15 tấn/ha/năm, chủ yếu tập trung ở các xã Xà Bang, Kim Long, Láng Lớn… Ngoài việc canh tác thuần, các nông hộ còn mở rộng diện tích trồng xen kẽ cây bơ trong vườn cà phê để tăng thêm năng suất và cải tạo môi trường.

Thực hiện: ĐINH HÙNG

Kon Tum: Thị trường cây giống vào mùa

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Mùa mưa đến chính là lúc thị trường cây giống vào mùa. Năm nay, các loại giống cây vô cùng phong phú về chủng loại, giá cả cũng rất đa dạng giúp người dân có nhiều lựa chọn giống cây cho vụ sản xuất mới.

Khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum tại một số địa phương như thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà…, hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đều tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua giống cây trồng vụ mới của người dân.

Sau một vài cơn mưa đầu mùa, việc mua bán cây giống bắt đầu sôi động. Thị trường cây giống năm nay vô cùng đa dạng từ các loại cây công nghiệp (cà phê, cao su, bời lời…); cây ăn trái (bơ, sầu riêng, mít Thái, xoài, cam, quýt…) đến các loại cây cảnh. Trong đó, một số giống cây ăn trái như bơ, sầu riêng được khá nhiều người tìm mua; bởi hiện nay ở nhiều nơi, phong trào trồng cây ăn trái xen canh trong vườn cà phê đang được người dân mở rộng.

Người dân chọn mua các loại cây giống. Ảnh: NT

Đa số người dân thường chọn các loại cây ghép để nhanh cho ra trái. Giá cả các loại giống cây này cũng nhiều mức khác nhau; cùng một giống cây nhưng các cơ sở ươm cây giống trên địa bàn tỉnh cung cấp thì giá rẻ hơn, loại nhập từ các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, miền Tây… về tỉnh ta tiêu thụ có giá cao hơn.

Bên cạnh đó, các loại cây cảnh cũng được khá nhiều người quan tâm. Theo các chủ cơ sở bán cây cảnh trên địa bàn thành phố Kon Tum, khi điều kiện sống của người dân được nâng lên, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn thì nhu cầu mua các loại cây cảnh về trồng, chưng trong nhà ngày càng nhiều. Các loại giống cây cảnh có sức mua cao nhất là hồng, phát tài, trầu bà, sống đời…

Cùng với cây ăn trái và cây cảnh thì các loại giống cây công nghiệp vẫn là những mặt hàng có sức tiêu thụ cao trong “mùa xuống giống” ở địa bàn tỉnh ta. Nếu như giống cây ăn trái phần lớn được nhập về từ các tỉnh, thành khác thì giống cây cà phê, bời lời, cao su trên thị trường hầu như được các vườn ươm trong tỉnh cung ứng. Cũng vì thế mà giá bán các loại giống cây này tương đối “mềm”. Chẳng hạn, giống cà phê ươm 2 năm được bán với giá khoảng 17.000 - 18.000 đồng/cây, cà phê 1 năm 3.500 - 4.000 đồng/cây, bời lời 800 - 1.000 đồng/cây, tiêu 6.000 - 7.000 đồng/dây...

Riêng giống cao su năm nay vẫn tiếp tục “ế hàng”, một phần vì nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa khi mà giá mủ cao su vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc; gỗ cây cao su thời gian gần đây cũng xuống dốc; một phần vì quỹ đất phát triển loại cây này không còn nhiều. Hiện cây cao su giống có giá khoảng 4.000 – 5.000 đồng/bầu.

Mưa xuống cũng là thời điểm nông dân trên địa bàn tỉnh chuẩn bị giống mì trồng cho vụ mùa mới. Vì vậy, thị trường hom mì giống hiện cũng khá sôi động. Nếu như trước đây, đa phần giống mì đều được người dân tự để từ vụ này qua vụ khác thì 2 năm trở lại đây, phần lớn người trồng đang tìm mua các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng kháng bệnh cao như KM419, KM140 để thay thế các giống cũ đã thoái hóa. Hiện, giá hom mì giống được người dân bán ra vào khoảng 1.500 - 1.700 đồng/cây. Để trồng được 1ha, cần từ 12.000 đến 16.000 hom giống (tùy mật độ trồng) tương đương với mức đầu tư khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/ha.

Giống cây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất. Sự đa dạng, phong phú của thị trường là điều thuận lợi giúp người nông dân có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, đây cũng là điều khiến người dân không khỏi lo lắng vì không thể biết được loại giống nào chất lượng. Do vậy, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở cung ứng cây giống; có những định hướng trong quy hoạch, phát triển vùng sản xuất đáp ứng thị trường; khuyến khích người dân gieo trồng các loại giống cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất cao; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng để tránh thiệt hại cho người nông dân.

Ngọc Thắng

Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại trên rau an toàn

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Hiện nay diện tích rau trên địa bàn Hà Nội còn phân tán, nhỏ lẻ, khiến việc quản lý các vùng rau gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh giám sát, tập trung phòng trừ sâu bệnh hại, các vùng sản xuất rau an toàn của thành phố luôn bảo đảm năng suất, chất lượng...

Vụ xuân 2019 toàn thành phố đã gieo trồng được 19.560,5ha rau màu các loại, trong đó, ngô 4.606,5ha, lạc 1.937,4ha, đậu tương 419,1ha, rau các loại 8.466,9ha... Cơ bản diện tích rau màu trên địa bàn thành phố sinh trưởng phát triển bình thường.

Tuy nhiên, một số diện tích còn sâu bệnh hại. Cụ thể, trên rau thập tự bị hại bởi bọ nhảy 82,9ha, sâu xanh 62,7ha, sâu khoang 33,7ha, bệnh thối nhũn vi khuẩn 16,6ha... Trên cây họ cà: Bệnh mốc sương 14,6ha, dòi đục lá 4,5ha... Trên bầu bí: Bệnh giả sương mai 5ha, bệnh phấn trắng 21ha, bọ dưa 4,9ha... Trên rau muống, bị sâu khoang 20,8ha, bọ ba ba 4,1ha...

Đóng gói, dán tem, nhãn rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hữu Tiệp

Để bảo đảm phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, giám sát việc sử dụng vật tư nông nghiệp, phân bón thuốc bảo vệ thực vật đúng cách trên rau màu, nhất là các vùng rau trọng điểm của thành phố, từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất rau an toàn trên diện tích 5.000ha.

Đơn vị đã cử cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn tại các mô hình thí điểm chuỗi rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS) tại 5 vùng PGS duy trì và 10 vùng PGS phát triển mới; triển khai khóa đào tạo giảng viên về IPM trên rau cho 30 học viên là cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật các xã; triển khai 25 lớp IPM vụ xuân hè, tổ chức 14 lớp tuyên truyền kỹ thuật trồng rau, 9 lớp tập huấn an toàn thực phẩm cho người sản xuất.

Đặc biệt, Chi cục đã triển khai được 8/20 mô hình bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang và sâu đục quả cà chua; 13/28 mô hình thử nghiệm bón phân hữu cơ cải tạo đất; 3/5 mô hình bẫy bả phòng trừ ruồi hại; 7/21 mô hình thử nghiệm sử dụng bẫy dính phòng trừ sâu hại tại các quận, huyện, thị xã...

Ngoài ra, đơn vị còn biên soạn 154 bài tuyên truyền và phát 2.727 lượt trên đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn với nội dung: Hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, vận động nhân dân không buôn bán, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, các quyết định về loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực sinh học thấp, độ độc cao, có nguy cơ gây hại sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Qua giám sát sản xuất rau an toàn tại các địa phương, cán bộ, kỹ thuật viên của Chi cục đã lập 118 biên bản nhắc nhở vi phạm của một số hộ nông dân trong vùng sản xuất rau an toàn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thực tế qua nhiều năm cho thấy, để các vùng sản xuất rau an toàn đạt chất lượng tốt, ngay tại vùng sản xuất, Chi cục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn tốt quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, đồng thời, phối hợp với hợp tác xã hướng dẫn nông dân thực hành trên đồng ruộng.

Sau đó, cán bộ, kỹ thuật viên cùng nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh hại, xử lý kịp thời, hiệu quả với phương châm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ; chỉ sử dụng phân hữu cơ và các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh hại từ thảo mộc.

Thông qua việc giám sát, kiểm tra chéo giữa các địa phương sản xuất rau an toàn cho thấy, tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép hoặc thực hiện sai quy định về sản xuất rau an toàn được hạn chế...

BẠCH THAN

Hướng tới trang trại nông sản hữu cơ

Nguồn tin:  Báo Bắc Ninh

“Giờ tôi nghiệm ra một điều đã dấn thân vào làm trang trại quy mô lớn phải hội tụ đủ 6 yếu tố: kiến thức, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, đất đai, tài chính và định hướng. Trong đó yếu tố định hướng vô cùng quan trọng, bởi bản thân phải định hướng thị trường cần gì, muốn gì thì chúng ta mới tránh lặp lại trong quá trình tìm hướng đi khác và thành công được…” đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Đăng Cường, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sau nhiều lần thất bại trong chăn nuôi. Giờ đây Cường không chỉ dừng lại với biệt danh “Vua vịt trời” mà chàng kỹ sư nông dân sinh năm 1980 ấy đã sở hữu một siêu trang trại 59 ha với đủ loại vật nuôi, cây trồng được sản xuất theo quy trình hữu cơ.

Khu nhà kính trồng dưa lưới và cà chua theo quy trình hữu cơ của anh Nguyễn Đăng Cường.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu nhà kính khoảng gần 3.000 m2 chuyên trồng dưa lưới và cà chua. Anh Cường vui vẻ: “khu này tôi đưa vào sử dụng được hơn 1 năm. Giống dưa lưới Nhật vỏ mỏng, ngọt đậm giá bán buôn trung bình từ 80-130.000/kg. Năm 2018 là vụ thu hoạch đầu tiên cho sản lượng cũng như lợi nhuận tương đối tốt, chỉ khoảng 20 ngày nữa cho thu hoạch lứa tiếp theo. Không chỉ bó hẹp một thứ vật nuôi hay cây trồng nào, Cường luôn luôn vận động suy nghĩ phải tìm kiếm những sản phẩm có giá trị cao, thị trường cần vào sản xuất để thay cho những thứ đã bão hòa. Quả vậy, với biệt danh “Vua vịt trời” đã vang khắp trong Nam ngoài Bắc, khi giai đoạn 2013-2016 là thời điểm thu lợi khủng từ vịt trời của Cường với tổng thu 15 - 17 tỷ đồng/năm.

Từ sự thành công đó, năm 2016 được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và các sở ngành, anh đã thuê 59 ha đất (thời gian 20 năm) thuộc 3 xã Hoài Thượng, Song Hồ, Đại Đồng Thành và cũng thời gian này anh thành lập Công ty TNHH Lucavi. Hiện ngoài 5.000 con vịt trời bố mẹ, mỗi tháng xuất bán 3 vạn vịt con với giá từ 15.000- 22.000 đồng/con; 2.000 con ngan Pháp, ngỗng, anh còn có 20 ha cấy lúa, bình quân mỗi vụ thu hoạch đạt 120-180 tấn thóc; gần 3.000 m2 nhà kính chuyên trồng dưa lưới và cà chua.

Nguyễn Đăng Cường mong muốn mở rộng thị trường hơn nữa, đồng thời sẽ hoàn thiện mô hình trang trại hữu cơ Lucavi với các sản phẩm vịt trời sạch hun khói, ngỗng hun khói, cá trê sạch, gạo và rau quả hữu cơ sạch cung cấp cho thị trường. Mục tiêu của Trang trại hữu cơ Lucavi là khép kín quy trình sản xuất từ con giống đến sản phẩm thành phẩm chất lượng cao để có thể khắc phục tình trạng khủng hoảng thừa của các loại nông sản, cao hơn nữa là tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu miền quê Kinh Bắc. Vì vậy, từ tháng 3-2017 Nguyễn Đăng Cường đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm ngỗng hun khói, vịt trời hun khói bao gồm: Lô gô thương hiệu sản phẩm, slogan bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời tiến hành xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua tham gia quảng bá tại một số hội chợ, khách sạn lớn trong nước và một số Công ty thực phẩm của Nhật Bản. Kết quả đã có nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác như: Hệ thống bán lẻ Hapro, Kinh Đô và biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc với các đối tác Nhật Bản về bao tiêu sản phẩm, tư vấn công nghệ sản xuất.

Tiếp tục mở rộng quy mô, năm 2018 anh đầu tư xây dựng dây chuyền giết mổ quy mô 500-1.000 con/giờ, dự kiến đi vào hoạt động tháng 6 tới và Nhà máy phân hữu cơ diện tích 1.500 m2 đang hoàn thiện... Đầu tư quy mô lớn nên anh vẫn cần nguồn vốn để phát triển. Anh Cường chia sẻ: “Vừa qua, Công ty của tôi được tỉnh hỗ trợ gần 3 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng mở rộng trang trại chăn nuôi vịt trời theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là tiền đề quan trọng cho tôi thêm tự tin, mạnh dạn mở rộng sản xuất để có thể giúp đỡ được nhiều người cùng gây dựng phát triển kinh tế địa phương. Với những bước đi mới đang triển khai chắc chắn sẽ góp phần nâng cao doanh thu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Để dự án sớm đưa vào vận hành, tôi mong muốn tỉnh, các cấp, ngành xem xét, hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển của tỉnh hoặc từ phía các ngân hàng”.

Có được thành công hôm nay, ít ai biết anh Cường đã đánh đổi bao mồ hôi công sức. Anh nhớ lại: “Năm 2002, sau khi rời quân ngũ, tôi huy động mọi nguồn vốn đấu thầu 2,5 ha đất trũng làm trang trại nhưng thả cá chết cá, nuôi ngan chết ngan, rồi lại chuyển sang nuôi 2.000 con vịt đẻ, đúng vào thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, mỗi ngày trang trại thu 1.700 - 1.800 quả trứng kéo dài 3 tháng liền không bán được, thất thoát này khiến gia cảnh lao đao tưởng chừng không vực lại được”. Sau thất bại, anh quyết tâm đèn sách theo học đại học. Vừa học vừa làm thêm, một năm, hai năm rồi 4 năm trôi đi thật nhanh, tốt nghiệp đại học anh làm kỹ sư chính cho một số trang trại ở Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh. Có chút vốn anh trở về khôi phục lại trang trại, và con đường trở thành “vua vịt trời” cũng bắt đầu từ đây.

Hà Linh - Nguyễn Tuấn

Máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi có nhiều lợi ích

Nguồn tin:  Báo Bình Định

Ngày 23.5, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Ban quản lý dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (Sở NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ.

Mô hình nói trên do Công ty TNHH Công nghệ Minh Châu (Hà Nội) thực hiện từ tháng 9.2018 tại trang trại chăn nuôi 2.000 con heo thịt của ông Nguyễn Hải Đảo, ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân. Kết quả cho thấy, máy tách phân hoạt động ổn định, khoảng 2 - 3 ngày chủ trang trại vận hành máy để tách phân một lần trong thời gian từ 2 - 4 giờ, lượng phân thu được trên 1 tấn. Phân được phun chế phẩm vi sinh để ủ làm phân bón hữu cơ và bán với giá 1,8 triệu đồng/tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Sử dụng máy tách phân cũng giúp chủ trang trại loại bỏ chất thải rắn khỏi nước thải đưa vào hầm khí sinh học, giúp giảm quá tải áp lực khí trong hầm khí, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hội thảo đánh giá máy tách phân mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi và có thể nhân rộng mô hình nói trên. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần lựa chọn thiết bị phù hợp với quy mô trang trại và sử dụng đồng bộ công nghệ máy tách phân với hệ thống máy phát điện khí sinh học đã xây dựng.

MINH HẰNG

Đồng Tháp: Toàn tỉnh thành lập được 14 Hợp tác xã trên nền tảng mô hình Hội quán nông dân

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Ngày 24/5, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, mô hình Hội quán nông dân phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, phát huy được vai trò huy động cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới và tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất thông qua hình thức tập hợp nông dân, thương nhân trên tinh thần tự nguyện, làm tiền đề quan trọng để hình thành các hợp tác xã.

Người dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh tích cực tham gia mô hình Hội quán nông dân

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 72 Hội quán nông dân. Trong đó, 14/72 hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 từ mô hình Hội quán nông dân, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động ổn định lên 164 hợp tác xã.

Để thực hiện chủ trương tri thức hóa nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân. Đây được xem là giải pháp căn cơ để đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hồng Ngự

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop