Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 7 năm 2019

Phú Yên: Chống đói cho trâu, bò mùa nắng nóng

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng liền làm cho hầu hết đồng cỏ khô cháy, thức ăn cho gia súc cạn kiệt. Người chăn nuôi phải tìm kiếm nguồn thức ăn bổ sung, không để gia súc suy kiệt vì đói và nắng nóng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, hiện tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh có khoảng 203.000 con, tập trung nhiều nhất ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân (chiếm tới 40%). Phần lớn đàn bò được nuôi tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng phương thức chăn thả rông, phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên nên những tháng vừa qua, khi thời tiết khô hạn, đồng cỏ tự nhiên khô cháy khiến nguồn thức ăn cho trâu, bò trở nên thiếu hụt.

Thiếu thức ăn, nước uống

Mí Thoan ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), cho biết: Đàn bò nhà tôi hiện có 11 con, lâu nay thức ăn cho bò phụ thuộc hoàn toàn vào đồng cỏ xen giữa các rẫy keo của gia đình. Mấy tháng nay, trời không mưa, rẫy keo khô cháy nên không còn cỏ, vì vậy mỗi ngày tôi phải đưa bò đến các khu đất trũng ven sông, hồ để tìm thức ăn nhưng lượng cỏ này cũng chỉ đủ cho bò cầm cự chứ không đủ no.

Tương tự, để có cỏ cho bò, nhiều ngày nay, gia đình Y Báo ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), cũng phải lùa bò đi ăn từ lúc mặt trời chưa mọc. Theo Y Báo, đàn bò nhà ông có hơn chục con, mỗi ngày phải đi hơn cây số đến dọc các bờ suối để tìm thức ăn. Do phải đi xa nên đàn bò càng mất sức, ốm yếu hẳn.

Ông Y Thảo, cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Tổng đàn bò toàn huyện có khoảng 18.000 con, được nuôi nhiều nhất ở các xã Ea Lâm, Ea Bá và Ea Trol. Đây là những xã đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi hộ dân ở đây nuôi khoảng 10 con bò, chủ yếu giống bò cỏ với phương thức chăn thả rông, phụ thuộc đồng cỏ tự nhiên xen lẫn trong ruộng rẫy. Vì vậy khi thời tiết khô hạn, đồng cỏ tự nhiên không còn, đàn bò bị thiếu hụt nguồn thức ăn.

Tình trạng này cũng đang diễn ra tại các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Toàn huyện có khoảng 28.000 con bò, nuôi nhiều nhất ở các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Phước và Đa Lộc. Hiện bò là đối tượng nuôi chính ở địa phương. Tại các xã người Kinh sinh sống, bà con hầu hết đã chuyển sang nuôi bò lai với hình thức bán công nghiệp, nuôi nhốt tại chuồng và trồng cỏ lấy thức ăn. Riêng một số vùng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như Đa Lộc, Phú Mỡ..., người dân vẫn giữ tập quán chăn thả rông nên bò thường xuyên bị thiếu thức ăn, nhất là mùa khô, nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp.

Không chỉ thiếu thức ăn, vì khô hạn kéo dài nên nguồn nước cũng đang cạn kiệt khiến gia súc bị thiếu nước uống. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo ở thôn Phước Hậu, xã An Hiệp (huyện Tuy An), cho biết: Nắng nóng lâu ngày nên hầu hết giếng nước trong vùng đã khô cạn, chỉ một vài giếng khoan sâu là còn nước. Bà con phải mua nước từ các giếng này về dùng và cho bò uống hàng ngày. Suốt mấy tháng qua, mỗi ngày tôi tốn vài chục ngàn đồng để mua nước và rơm cho bò nên không kham nổi đành phải bán bò.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp

Để hạn chế tình trạng thiếu đói trên đàn gia súc, các địa phương đã hướng dẫn, yêu cầu người dân tìm kiếm, bổ sung thêm nhiều loại thức ăn khác cho vật nuôi. Bà Trần Thị Hoa ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), cho biết: Gia đình tôi tận dụng diện tích đất bãi bồi dọc sông để trồng cỏ. Nhờ vậy mấy tháng qua, đàn bò có nguồn thức ăn bổ sung. Ngoài ra, với 6 sào lúa thu hoạch vụ trước, tôi đã gom rơm về tích trữ nên bò cũng còn đủ thức ăn qua mùa khô hạn.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, trong điều kiện thời tiết hiện nay, việc trồng cỏ lấy thức ăn cho bò chỉ thực hiện được tại những vùng có nước. Vì vậy, nguồn thức ăn bổ sung cho gia súc chủ yếu từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, đọt mía, sắn, thân bắp... Địa phương cũng đã hướng dẫn cho những hộ chăn nuôi các biện pháp ủ chua phụ phẩm nông nghiệp để tích trữ làm thức ăn cho bò.

Còn tại các vùng đồng bằng, nhiều hộ nấu cháo cám gạo, muối... cho bò ăn để tăng sức khỏe. Ông Nguyễn Sáu ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), cho hay: Mùa này nắng quá, bò ăn ít nên sức khỏe giảm, vì vậy mỗi tuần gia đình tôi cho bò ăn cháo cám gạo bổ sung muối khoáng một lần để giúp bò có sức, phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, gia súc thường suy kiệt sức khỏe, dễ nhiễm các loại dịch bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi cần cung cấp đủ thức ăn và nước uống, bổ sung thêm chất khoáng và vitamin cho gia súc; đồng thời nên hạn chế chăn thả gia súc trong lúc nắng cao điểm để tránh bị kiệt sức. Đối với những vùng khô hạn không có cỏ, người dân cần chủ động tìm kiếm thêm các nguồn thức ăn thay thế từ phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung chất thô xơ cho vật nuôi.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách - Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Người chăn nuôi cần cung cấp đủ thức ăn và nước uống, bổ sung thêm chất khoáng và vitamin cho gia súc; đồng thời nên hạn chế chăn thả gia súc trong lúc nắng cao điểm.

THỦY TIÊN

Hỗ trợ người nuôi thủy sản bằng thiết bị thông minh

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh” của em Châu Thế Khanh và Lý Minh Mẫn, học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A, khá độc đáo vì tích hợp đa chức năng. Sản phẩm đã rất xứng đáng đoạt giải nhì Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ VI năm 2019.

Châu Thế Khanh (bên phải) thuyết trình các chức năng của sản phẩm tại cuộc thi.

Bằng những vật liệu thông thường, hai em đã chế tạo mô hình thuyền thả thính từ ống nhựa kết hợp các chức năng cho cá ăn tự động, sản phẩm đã giải quyết được công việc hàng ngày của một người lao động ở ao nuôi thủy sản như: cho thủy sản ăn, phun thuốc trị bệnh, đề phòng mất trộm, theo dõi môi trường nước. Em Châu Thế Khanh chia sẻ: “Tất cả các công việc này nếu một người lao động làm sẽ mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức; nhất là phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trị bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Sản phẩm của em sẽ đáp ứng những việc làm trên”.

Cấu tạo của hệ thống gồm 2 mạch Arduino nano, mạch giảm áp, động cơ DC 4 cái; rơ le; 1 sim 800A; 1 tấm pin năng lượng mặt trời; 1 bình ắc quy; đèn led; máy bơm min 12v; 1 van phun thuốc; ống nhựa PVC. Châu Thế Khanh giới thiệu: Sản phẩm tạo ra hệ thống cho cá ăn được điều khiển từ xa bằng sóng RF kết hợp động cơ giảm tốc DC; hệ thống phun thuốc trừ bệnh từ xa điều khiển bằng sóng RF kết hợp máy bơm nén DC. Sản phẩm được thiết kế thêm hệ thống đèn thu hút côn trùng làm thức ăn cho thủy sản; hệ thống còn gắn cảm biến báo chống trộm đột nhập qua điện thoại; hệ thống quan trắc môi trường nước như nhiệt độ, độ ẩm, pH. Các chỉ số này nếu thay đổi theo hướng bất lợi, thiết bị sẽ nhắn tin qua điện thoại báo ngay cho chủ ao nuôi thủy sản. Sản phẩm tích hợp từ các nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp, tổng chi phí cho sản phẩm chỉ 1.550.000 đồng, tuổi thọ sử dụng trên 5 năm. Kích thước có thể áp dụng cho ao nuôi quy mô trên 1.000m2.

Ông Nguyễn Minh Tường, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, người hướng dẫn hai em thực hiện sản phẩm, thông tin: Hiện nay, trên thị trường có sẵn thiết bị cho cá ăn tự động với giá thành cao và còn nhiều hạn chế như phải đặt một vị trí cố định. Còn các thiết bị phun thuốc từ xa, bắt côn trùng và báo chống trộm cho ao nuôi thủy sản thì trên thị trường vẫn chưa có. Chính vì vậy, để có một hệ thống hỗ trợ người lao động thì việc tích hợp thiết bị này là rất cần thiết.

Sản phẩm đã được 3 thầy trò kiểm chứng hiệu quả qua quá trình thực nghiệm trên ao nuôi thủy sản. Sản phẩm có thể cho thủy sản ăn thức ăn dạng viên với số lượng 20kg trong ao nuôi 100m2, 60kg trong diện tích 300m2 với mức tiêu tốn thời gian lần lượt là 20 phút và 40 phút. Về thời gian phun thuốc cũng tương đương nhưng với lượng thuốc lần lượt là 60 lít và 120 phút. Chuông báo động chống trộm và các chỉ số nhiệt độ pH đều thực nghiệm thành công. Em Châu Thế Khanh đã so sánh hiệu suất sản phẩm so với một người lao động thì rút ngắn hơn được 10 phút. Hơn nữa, sản phẩm cũng giúp người lao động hạn chế tác hại do không phải thường xuyên tiếp xúc với thuốc.

Đa số các giám khảo trong Tiểu ban chấm giải Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh đều đánh giá cao sản phẩm. Bởi sản phẩm đã minh chứng được tất cả ứng dụng, mục tiêu đặt ra như báo trộm qua điện thoại, phát sáng đèn thu hút côn trùng làm thức ăn cho cá... Chính vì vậy, sản phẩm đã xuất sắc nhận giải nhì tại cuộc thi và được vinh dự gửi dự thi cuộc thi cấp quốc gia của năm 2019.

Thầy giáo Nguyễn Minh Tường cho hay: “Sản phẩm đã thực nghiệm trên ao nuôi thành công. Tuy nhiên, để sản phẩm tiếp tục nâng cao tính hiệu quả, tôi và các em sẽ tích hợp thêm một số cảm biến quan trắc môi trường nước như lượng khí oxy, độ đục của nước và lắp thêm mạch ESP8266 để nâng cấp hệ thống thành hệ thống IoT giao tiếp qua sóng wifi. Ngoài ra, thầy và trò sẽ lắp thêm các mạch điều khiển thiết bị như máy bơm nước và máy sục khí để tăng độ tự động hóa xử lý khi môi trường nước thay đổi theo hướng bất lợi cho thủy sản.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Hội thảo về cây điều thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Ngày 26-7, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Phước, phối hợp với Viện Khoa học vật lý ứng dụng (Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cùng các sở, ngành liên quan tổ chức hội thảo khoa học “Cây điều thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh Bình Phước” tại 2 xã Phước Sơn (Bù Đăng) và Tân Tiến (Đồng Phú).

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin và kiến thức khoa học - kỹ thuật cho người trồng điều trong việc trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây điều đạt hiệu quả cao, giúp cây điều phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đông đảo hộ trồng điều ở xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng dự hội thảo

Do trình độ canh tác cây điều có mặt còn hạn chế, biến đổi khí hậu tác động xấu đến sự phát triển của cây điều, sâu bệnh gây hại cây điều ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và sản xuất kinh doanh hạt điều. Nhiều nông dân dự hội thảo mong các nhà khoa học chia sẻ cách chăm sóc để điều ra bông, đậu trái đúng thời điểm; cách trị bệnh hại cũng như việc sử dụng phân bón cho cây…

Nông dân xã Phước Sơn đề nghị hướng dẫn cách sử thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho cây điều tại hội thảo

Những vấn đề này đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp giúp nhà nông. Ông Thân Quốc Hạ, Viện khoa học Vật lý ứng dụng cho rằng: Để ứng phó với biến đổi khí hậu, người trồng điều cần sử dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt để cung cấp nước cho cây vào mùa khô, giúp phát triển tốt cũng như tiết kiệm chi phí. Trong khi tưới bà con có thể kết hợp bón phân, dùng thuốc trị bệnh giúp cây phát triển tốt.

Thạc sĩ Thân Quốc An Hạ hướng dẫn cách đo độ pH trong đất để có cách chăm sóc điều phù hợp

Ngoài ra, cần canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, sử dụng giống tốt, hướng đến thâm canh, tái canh hoặc chuyển đổi mục đích trên vườn điều già cỗi. Đồng thời vệ sinh vườn đúng cách, sử dụng thuốc hiệu quả giúp cây thích ứng với biến đổi khí hậu. Bệnh xuất hiện còn từ nguyên nhân do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến cây điều chậm phát triển, ảnh hưởng đến năng suất. Người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng thuốc trị bệnh hay phân bón để cây phát triển tốt.

Mai Ly

Cây đinh lăng lá nhỏ, hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Đinh lăng là loài dược liệu quý đã được con người biết đến từ lâu, là thành phần chính trong nhiều loại thuốc. Đặc biệt, tất cả các bộ phận của loại cây này đều có thể dùng chế biến thuốc (cao, thuốc, trà...). Do vậy, trồng đinh lăng phục vụ sản xuất dược liệu ngày càng được người dân quan tâm do lợi nhuận cao so với các cây trồng khác. Từ thực tế đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án: “ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình”.

Kiểm tra cây đinh lăng lá nhỏ tại xã Gia Lâm (Nho Quan).

Đinh lăng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau. Cây giống được nhân bằng biện pháp giâm cành, không phức tạp như chiết và ghép nên người dân có thể tự làm khi trồng bổ sung, hay mở rộng diện tích.

Tuy nhiên dự án: “ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình”. Hướng tới mục tiêu đưa các tiến bộ KHCN vào từng công đoạn của quá trình sản xuất từ nhân giống đến trồng trọt, thu hái, sơ chế cây đinh lăng lá nhỏ, đảm bảo theo yêu cầu của tiêu chuẩn GACP - WHO (Tổ chức Y tế thế giới).

Tiêu chuẩn bao gồm hai nội dung chính: Thực hành tốt trồng cây thuốc (GAP) và thực hành tốt thu hái cây thuốc (GCP). Tuân thủ GACP có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc đạt các tiêu chuẩn. Mỗi quy trình có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại có những tiêu chuẩn riêng cho từng loài cây thuốc cụ thể.

Nó phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, điều kiện sinh thái, nguồn giống, đất trồng, biện pháp canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, vận chuyển, xử lý sau thu hoạch đến cách đóng gói và bảo quản dược liệu trong kho.

Anh Phạm Tiến Duật, Thạc sỹ chuyên ngành cây trồng, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Để đảm bảo những yêu cầu khắt khe của GACP, chúng tôi đã khảo sát, lựa chọn được một vùng canh tác rộng khoảng 30 ha thuộc thung Cổ Ngựa, thôn 4, xã Gia Lâm (Nho Quan), nơi đây có lịch sử canh tác thuần túy, chưa từng sử dụng các loại hóa chất BVTV hay thuốc trừ cỏ, tách biệt với các nguồn ô nhiễm, chất lượng đất, nước đều đảm bảo an toàn.

Triển khai dự án trên vùng thổ nhưỡng phù hợp điều kiện tự nhiên và đối tượng trồng trọt, thu hái như: nhà làm việc, nơi phơi sấy, kho chứa, công cụ sản xuất, mặt bằng làm nơi sơ chế, phòng thực nghiệm với các thiết bị đo đạc và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Với quy trình này, cơ sở sẽ tạo ra các sản phẩm dược liệu sạch phục vụ ngành y - dược, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Đến nay, tại thung Cổ Ngựa, Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia - đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Từ tháng 10/2016, Công ty đã xây dựng cơ sở hạ tầng khá quy mô, khép kín. Bao gồm hệ thống cấp và thoát nước, vườn ươm, nhà lưới đạt tiêu chuẩn Nhật Bản.

Theo đó, chương trình phải qua các bước, trong đó, gồm: quy trình sản xuất giống, quy trình trồng thâm canh thương phẩm, quy trình thu hoạch và sơ chế bảo quản dược liệu. Xây dựng được vườn đinh lăng giống gốc 1,5 ha theo tiêu chuẩn GACP.

Hiện nay, đơn vị đã tiếp nhận và xây dựng thành công các quy trình công nghệ về sản xuất nhân giống đinh lăng lá nhỏ (giống gốc). Xây dựng mô hình trồng thâm canh, xuống giống trồng 270 nghìn bầu cây.

Từ đầu năm 2019 đến hết năm 2020, Công ty tiếp tục nhân và xuất bán 450 nghìn bầu cây giống phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và chế biến dược liệu với diện tích 30ha. Công ty phấn đấu đảm bảo năng suất 10 tấn cây tươi/ha (tương đương khoảng 2 tấn khô/ha), giữ ổn định hoạt chất theo yêu cầu dược liệu.

Ông Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia chia sẻ: Hai năm tiếp theo, Công ty trồng tiếp 20 ha (trong đó 5 ha tại Công ty và 15 ha tại các hộ dân tại xã Gia Lâm và khu vực lân cận của huyện Nho Quan).

Đồng thời, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở sơ chế, nhà xưởng chế biến theo tiêu chuẩn GACP và hoàn thiện quy trình thu hoạch, sấy khô và bảo quản nguyên liệu dược liệu. Hiện nay, thị trường tiêu thụ đinh lăng rất rộng mở.

Thời điểm hiện tại, giá của cành và lá đinh lăng dao động từ 20 – 22 nghìn đồng/kg tươi. Củ đinh lăng có giá cao hơn tùy thuộc vào năm tuổi của cây, cây từ 3-5 tuổi giá 80 – 100 nghìn đồng/kg. Những cây trồng lâu năm có thể lên tới 1 triệu đồng/kg.

Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia cam kết thu mua hết sản lượng đinh lăng theo hợp đồng ký kết ngay từ đầu vụ sản xuất với giá mua đảm bảo lợi ích cho người nông dân với mức giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Đồng thời, đơn vị còn phối hợp với các công ty dược phẩm trong nước để cung cấp các sản phẩm dược liệu ra thị trường.

Dự án “ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Ninh Bình” thành công sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân vùng núi huyện Nho Quan và các địa phương khác trong tỉnh phát triển kinh tế nông nghiệp, tiến lên làm giàu ở ngay địa phương.

Đồng thời cũng góp phần vào công tác xây dựng quy hoạch và phát triển vùng trồng dược liệu toàn tỉnh, cung cấp các loại nguyên liệu dược liệu đạt tiêu chuẩn cho các đơn vị sản xuất, chế biến thuốc trong và tiến tới xuất khẩu.

Bài, ảnh: Nguyễn Minh

Bắc Cạn được mùa, được giá hoa hồi

Nguồn tin: Nhân Dân

Những ngày này, người dân ở Bắc Cạn đang khẩn trương thu hoạch hoa hồi. Vụ năm nay, bà con phấn khởi vì cây hồi vừa được mùa lại vừa được giá. Cây hồi đang trở thành cây xóa nghèo, làm giàu cho nhiều bản vùng cao nơi đây.

Người dân xã Sỹ Bình (Bạch Thông) thu hoạch hoa hồi.

Ở huyện Bạch Thông, xã Sỹ Bình và Vũ Muộn được coi là thủ phủ của cây hồi. Cây hợp đất, năng suất cao, trở thành cây trồng chủ lực vì tại hai xã vùng cao này đất ruộng ít, nhiều diện tích rừng đặc dụng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt. Trên con đường trải nhựa phẳng phiu thay cho nền đường cũ rải cấp phối, đầy ổ trâu, ổ voi trước đây, những ngày này không khó để bắt gặp cảnh tư thương tới thu mua hoa hồi. Dọc đường vào Sỹ Bình, Vũ Muộn hương hồi phảng phất trong gió thật dễ chịu.

Trên rừng hồi, tranh thủ nắng đẹp, bà Nông Thị Uyên ở thôn 1B, xã Sỹ Bình đang tất bật huy động nhân lực thu hái hoa. Bà Uyên cho biết, gia đình hiện có 10ha hồi, trong đó, 80% diện tích đã cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay đã thu được hơn hai tấn, với giá bán khoảng 30 nghìn đồng/kg, bà đã thu về 60 triệu đồng. Bà Uyên phấn khởi vì chưa năm nào hoa hồi có giá cao như năm nay, gần gấp đôi so với năm 2018.

Bà Lý Thị Chuổng ở thôn 1A, xã Sỹ Bình cũng có diện tích hồi lên đến 2ha đang cho thu hoạch. Hiện gia đình bà đã thu hoạch được năm tạ, dự kiến cả vụ sẽ khai thác được hơn ba tấn, thu về gần 100 triệu đồng. Bà Chuổng cho biết, tranh thủ hoa hồi đang được giá, bà đã thuê mỗi ngày sáu đến tám người thu hái. Mỗi người làm một nhiệm vụ, người thì trèo lên cây để tuốt hoa, người ở dưới nhặt hoa đóng bao.

Không chỉ người bán mà cả người mua hoa hồi cũng chung niềm vui được mùa, được giá. Anh Bế Văn Hoàn, Bình Gia (Lạng Sơn) cho biết, vùng hồi ở Bắc Cạn có năng suất cao, chất lượng tốt nên bên cạnh mua ở Lạng Sơn tư thương còn sang tận đây thu mua. Bản thân anh, mỗi ngày thu mua năm đến sáu tấn hoa hồi tươi. Giá ban đầu chỉ từ 25 – 27 nghìn đồng/kg, vài hôm nay, giá tăng lên 30 nghìn đồng/kg, người bán lãi cao thì người mua như chúng tôi cũng hưởng lợi.

Nhờ cây hồi, kinh tế của người dân tại Sỹ Bình và Vũ Muộn đã khấm khá hơn hẳn. Tại hai xã hiện có khoảng 400ha, chủ yếu được trồng từ những năm 1990 đến 1997 thông qua các chương trình của Nhà nước như Dự án 327, 661… trong đó, một nửa số diện tích đã cho thu hoạch. Giá cả trung bình 15-20 nghìn đồng/kg, riêng năm nay giá cao kỷ lục nên người trồng rất phấn khởi.

Chủ tịch UBND xã Sỹ Bình Nguyễn Duy Trọng cho biết, toàn xã có 200ha hồi, trong đó có 120ha đã cho thu hoạch, mỗi ha trồng khoảng 350-400 cây, năng suất trung bình 50-80kg/cây. Nhờ cây hồi, người dân có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều hộ có điều kiện làm giàu.

Không khí thu hoạch hoa hồi khẩn trương cũng đang diễn ra ở các xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư của huyện Chợ Mới. Bà Nguyễn Thị Dịu, thôn Khuôn Tắng, xã Bình Văn sở hữu vườn hồi hơn 1,5ha, trong đó có những cây gần trăm năm tuổi. Theo bà, hằng năm gia đình bà thu nhập ổn định từ vườn hồi được 50 đến 100 triệu đồng. Tư thương vào tận nhà thu mua, gia đình không phải mang đi bán như trước đây.

Đến nay, cả bảy thôn trong xã Bình Văn đều trồng hồi, trung bình mỗi hộ thu hoạch bảy đến tám tấn hoa/vụ. Nhiều gia đình có diện tích lớn, như: Nguyễn Trọng Toán, thôn Bản Mới có gần 4ha; ông Ma Phúc Thắng, thôn Thôm Bó có gần 6ha, người trồng ít cũng có từ vài chục đến vài trăm cây.

Hiện tại, toàn huyện Chợ Mới có khoảng 600ha cây hồi, trong đó hơn 300ha đang cho thu hoạch, nhiều diện tích hơn 50 năm tuổi. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bùi Nguyên Quỳnh cho biết, vụ hồi năm nay, có thời điểm giá lên tới gần 50 nghìn đồng/kg, tư thương vào tận vườn thu mua liên tục, bà con rất phấn khởi vì bán được giá.

Huyện Chợ Mới xác định, hồi là một trong những cây chủ lực vì vậy đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng mới, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật; cải tạo những diện tích đã già cỗi, kém hiệu quả; tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân. Theo tính toán, cây hồi có thể cho thu nhập lên tới 400 triệu đồng/ha. Do đó, huyện Chợ Mới đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 toàn huyện nâng diện tích lên 1.000ha, ở vùng kinh tế phía đông, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa. Huyện cũng đang tập trung thu hút đầu tư để xây dựng một nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại địa phương.

Đến nay, tỉnh Bắc Cạn đã phát triển được hơn 4.600ha cây hồi. Những diện tích này đều đã có tuổi từ 15 năm trở lên cho thu hoạch hoa đều đặn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, giá bán hoa hồi trên toàn tỉnh hiện trung bình ở mức 30 nghìn đồng/kg, là mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Do vậy, năm nay, người trồng hồi sẽ thu nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, mức giá này là bất thường, mang tính thời vụ do sản phẩm hoa hồi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, phụ thuộc tư thương xuất bán sang Trung Quốc, chưa được chế biến sâu tại địa phương. Do đó, thời gian tới, ngành đang tập trung xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến hoa hồi theo chủ trương khuyến khích đầu tư nông, lâm nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu của địa phương.

TUẤN SƠN-LƯỜNG LOAN

Giải pháp trồng thanh long ruột đỏ đạt giải Nhất Hội thi ‘Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định’

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở thôn Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 4.800 m2 đất đồi kém hiệu quả sang trồng 540 gốc thanh long ruột đỏ.

Để mô hình này mang lại hiệu quả cao, gia đình ông chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu làm đất, chuẩn bị cây trụ bê tông, lựa chọn cây giống... Tổng chi phí ban đầu thực hiện mô hình gần 120 triệu đồng.

Trong quá trình trồng và chăm sóc, gia đình ông chủ động phòng trừ sâu bệnh; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng. Hiện nay 540 gốc cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Chung đã cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Ban đầu thực hiện mô hình, gia đình cũng gặp khó khăn, nhưng nhờ học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện, xã tổ chức nên gia đình tôi đã nắm vững hơn các kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long. Hiện nay, mô hình đã cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt là tôi đã xử lý cho thanh long ra hoa trái vụ theo ý mình, đáp ứng nhu cầu thị trường quanh năm, nên đạt lợi nhuận cao. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng loại cây này”.

Thanh long ruột đỏ rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau đó có thể cắt cành giâm làm giống. Một năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 10 đợt, sản lượng tăng dần trong những năm tiếp theo và đặc biệt tuổi thọ của cây bình quân từ 30-40 năm tùy theo việc chăm sóc.

Tại thời điểm này, mỗi ngày, gia đình ông Chung thu hái hơn 100 kg trái thanh long, giá bán tại vườn trung bình từ 20.000-22.000 đồng/kg. Hàng năm, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chung (trái) đang hướng dẫn cách chăm sóc thanh long ruột đỏ cho khách tham quan

Ông Lê Văn Xinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Trồng thanh long ruột đỏ là mô hình mới, rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây ăn quả thông thường. Hướng đến, chúng tôi sẽ tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện đến thăm quan, học tập mô hình để về nhân rộng tại địa phương mình. Bên cạnh đó, Hội sẽ tích cực tuyên truyền vận động bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Với những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trên, ông Nguyễn Văn Chung mang giải pháp của gia đình tham gia Hội thi “Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2018” do Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức. Giải pháp “trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ” của ông đạt giải Nhất tại Hội thi.

Minh Khoa

Phú Thọ: Hiệu quả áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên cây bưởi

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp gia đình ông Vũ Khánh Hiệp tại khu 2, xã Phương Trung, huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong trồng trọt, ngoài lựa chọn nguồn giống, phân bón, việc điều tiết nguồn nước tưới hợp lý đóng vai trò quan trọng, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Được đưa vào ứng dụng trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay, công nghệ tưới tiết kiệm được coi là một trong giải pháp cải tiến trong trồng cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây bưởi trên đất cao hạn, đất vườn đồi, góp phần giảm mối lo thiếu nước vào mùa khô hạn, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Biết đến công nghệ tưới tiết kiệm qua tìm hiểu thực tế, học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương, năm 2016, ông Vũ Khánh Hiệp tại khu 2, xã Phương Trung, huyện Đoan Hùng đã mạnh dạn đăng ký với Trung tâm Khuyến nông tỉnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên diện tích 1,2ha cho trên 300 gốc bưởi đặc sản Đoan Hùng (bưởi Sửu và bưởi Khả Lĩnh) với tổng giá trị công trình hơn 70 triệu đồng. Sau khi khảo sát, gia đình ông Hiệp được Trung tâm khuyến nông hỗ trợ 70% kinh phí trang bị vật tư lắp đặt như: Máy bơm, ống dẫn, dây dẫn nước, béc phun tự động… và hướng dẫn kỹ thuật vận hành. Hệ thống tưới tiết kiệm được lắp đặt khép kín nối từ khu vực dự trữ nước, qua máy bơm, đến ống, dây dẫn nước tới các béc phun tự động. Khi được vận hành, nước sẽ bơm, các van phun nước tự động xoay tưới đều các gốc, giúp tiết kiệm lượng nước tưới từ 40-50% so với phương pháp truyền thống.

Ông Hiệp cho biết: Trước đây, do toàn bộ số bưởi được trồng trên diện tích đất đồi nên việc tưới nước thường xuyên trong mùa nắng khiến gia đình ông tốn nhiều công lao động, chi phí tốn kém mà quá trình chăm sóc không hiệu quả do nước tưới không đều, có khi còn dư thừa ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Sau khi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, việc chăm sóc cây bưởi trở nên thuận tiện, dễ dàng điều tiết nguồn nước, giúp cây ra hoa đúng thời điểm, tăng khả năng đậu quả và hạn chế được một số sâu bệnh gây hại trên cây bưởi…

Ngoài áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, ông Hiệp kết hợp với các phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng phân bón hữu cơ, do đó vườn bưởi của gia đình ông luôn phát triển tốt, so với trước đây năng suất vườn bưởi của gia đình ông Hiệp tăng từ 40-50%, mẫu mã, chất lượng quả được nâng lên. Hai năm trở lại đây ông kết hợp dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm, đem về thu nhập bình quân mỗi năm trên 500 triệu đồng. Dự kiến trong thời gian tới, gia đình ông sẽ mở rộng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên toàn bộ diện tích, nhằm tạo thuận lợi triển khai xây dựng mô hình theo hướng VietGAP.

Mô hình gia đình ông Vũ Khắc Hiệp được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá là một trong những mô hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm có hiệu quả, đang được phát triển, khuyến khích nhân rộng. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; tăng cường chuyển giao công nghệ nhằm tạo điều kiện giúp người nông dân tiếp cận tiến bộ KH-KT, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, lắp đặt ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân…

Thuỳ Phương

Thu nhập khá từ mô hình nuôi vịt biển

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Nằm trong dự án nuôi thử nghiệm giống vịt biển thương phẩm do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) thực hiện, sau hơn 2 tháng nuôi thử nghiệm, 5 hộ dân của hai xã Quảng Phương và Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) đã thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng/hộ.

Theo đó, mô hình nuôi thử nghiệm giống vịt biển thương phẩm bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 5 năm 2019, trong đó, 5 hộ dân của hai xã Quảng Phương và Quảng Hợp được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch hỗ trợ mỗi hộ 1.000 con vịt giống 15-Đại Xuyên. Đây là giống vịt do Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu.

Mỗi hộ gia đình nuôi giống vịt biển 15-Đại Xuyên thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng/hộ.

Trong quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch hỗ trợ mỗi hộ dân 50% giá giống, 30% thức ăn và 100% kỹ thuật chăm sóc. Kết quả, sau hơn 2 tháng chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn vịt đạt trọng lượng từ 2,5 đến 2,8kg, tỷ lệ vịt sống đạt hơn 96% và đã được các hộ dân xuất bán. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi hộ thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Cường, thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp, một trong 5 hộ thực hiện dự án cho biết, giống vịt biển này có sức đề kháng tốt, nhanh lớn, thức ăn của vịt chủ yếu là những phụ phẩm nông nghiệp, như: lúa, ốc, cá, nên chất lượng thịt ngon, đồng thời, giảm bớt được chi phí trong quá trình nuôi.

Với kết quả này, thời gian tới, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch sẽ nhân rộng mô hình trên các địa bàn, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Hà Ny (Đài TT-TH Quảng Trạch)

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop