Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 03 năm 2021

ĐBSCL: Gần 40.000ha cây ăn trái có nguy cơ thiếu nước tưới

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Tổng cục Thủy lợi cảnh báo, với mức độ xâm nhập mặn như dự báo trong tháng 3, tháng 4-2021, cần đề phòng khả năng gây thiếu nước cho khoảng 40.000ha cây ăn trái ở ĐBSCL.

Theo Tổng cục Thủy lợi, tại các cửa sông Cửu Long, nước mặn sẽ xâm nhập tăng dần từ nay đến ngày 31-3. Nước mặn 4‰ theo triều cường sẽ vào sâu từ 45-55km.

Riêng khu vực sông Vàm Cỏ, mặn xâm nhập có khả năng ở mức 95-100km, sâu hơn tháng 2 từ 23-25km; khu vực sông Cái Lớn, mặn xâm nhập có khả năng ở mức 55-60km, sâu hơn tháng 2-2021 từ 6-11km.

Cán bộ ngành nông nghiệp Hậu Giang kiểm tra độ mặn trên sông Cái Lớn (giáp với Kiên Giang)

Tổng cục Thủy lợi cũng cảnh báo: Với mức độ xâm nhập mặn như dự báo trong tháng 3, tháng 4-2021, cần đề phòng khả năng gây thiếu nước cho khoảng 40.000ha cây ăn trái (Tiền Giang 19.000ha, Bến Tre 15.000ha, Vĩnh Long 1.800ha, Sóc Trăng 3.400ha) và khoảng 5.000ha lúa của tỉnh Trà Vinh.

Theo Cục Trồng trọt, trong các đợt xâm nhập mặn xảy ra từ đầu năm 2021, một số thời điểm đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, nông dân nhiều tỉnh đã chủ động tích nước ngọt tưới cho cây trồng.

Cụ thể, nông dân tỉnh Bến Tre đã đào gần 500 ao với dung tích 500m3 nước/ao; tại Tiền Giang, nông dân đã đầu tư 1.200 dụng cụ tích nước tưới, trong đó đào 109 ao với dung tích 2000m3 nước/ao…, nông dân đã chủ động tích trữ nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái nên đến nay, xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.

CAO PHONG

Vườn cây xanh trên đồi đá của nông dân U70

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ông Lê Văn Hải chăm sóc vườn mít Thái để chuẩn bị cung ứng cho dịp Tết Đoan ngọ sắp đến. Ảnh: TRẦN QUỚI

Ông Lê Văn Hải, xã An Thạch (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là tấm gương tiêu biểu của phong trào nông dân sản xuất giỏi. Sau 3 năm thực hiện mô hình trồng cây ăn trái trên đồi Núi Một, ông Hải đã biến đồi đá khô cằn thành vườn đồi xanh tốt cho trái ngọt.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, ông Hải xem đất đai như khúc ruột của mình. Thấy đất đồi hoang Núi Một toàn là đá, bà con không mặn mà, vợ chồng ông Hải gom hết tiền dành dụm mua lại để trồng cây. Năm 2018, ông Hải bắt tay vào cải tạo mảnh vườn đồi với ước mơ biến nó thành một vườn cây ăn trái, xa hơn là một trang trại xanh.

Hai vợ chồng ông hàng ngày từ sáng đến tối, cơm đùm, cơm dỡ dựng cái chòi nhỏ, suốt ngày lượm đá dồn thành đống, đào mương dẫn nước, xây dựng hệ thống bơm nước từ dưới ruộng kéo lên đồi. Hơn 3 tháng vật lộn với quả đồi đá, ông Hải cũng có thành quả khi các hố đất được đào, đường ống dẫn nước lên tới nơi, phân lạt ủ hoai để bắt tay vào trồng cây ăn trái.

Với gần 3ha đất đồi, ông Hải chọn cây mãng cầu và cây mít Thái siêu trái. Sau 2 năm, vườn cây đã cho trái lứa đầu tiên. Tết vừa rồi, vườn cây mãng cầu và mít đã mang về cho vợ chồng ông gần 50 triệu đồng. “Năm nay, vườn cây bắt đầu thu hoạch rộ, mỗi năm cho vụ thu chính vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Đoan ngọ. Một trái mít nếu bán với giá thấp nhất 50.000 đồng/trái, mỗi cây 5 trái, cả vườn có 100 cây, riêng mít đã thu được 25 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, vườn mãng cầu sau đợt ảnh hưởng của bão và sương muối năm ngoái, mùa này cũng bắt đầu ra hoa”, ông Hải nhẩm tính.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình, ông Hải kể vợ chồng ông gặp không ít khó khăn. Vợ chồng ông hết lo nhặt đá để ló đất ra trồng được cây, đến lo nước tưới, vì mùa khô ở đồi đá này nóng như lửa. Đến mùa mưa cây chết do úng rễ, vợ chồng ông hì hục đào mương thoát nước đến phồng rộp tay, phải thuê máy múc mương.

“Quyết tâm cải tạo cho được đồi đá thành vườn cây, bà nhà tôi cũng đồng lòng, dành dụm thêm tiền đầu tư hệ thống tưới nước đến từng gốc cây, rồi đào mương chống úng”, ông Hải bộc bạch. Tốn kém tiền của và công sức, nhưng sau 2 năm thấy màu xanh đã bắt đầu phủ lên đồi đá, vợ chồng ông Hải như được động viên. Hiện nay, trang trại của ông với 600 cây mãng cầu, 100 cây mít Thái đang cho thu hoạch, xung quanh có thêm chuối cấy mô, cỏ nuôi bò là thành quả sự cần cù, chịu khó của hai vợ chồng già.

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạch Dương Văn Hải cho biết: Hội Nông dân xã An Thạch đang hướng dẫn bà con xây dựng mô hình trồng rau la ghim và mô hình vườn đồi. Vườn đồi đá Núi Một của anh Hải được hội hỗ trợ ban đầu về cây giống từ chương trình nông thôn mới, hướng dẫn kỹ thuật để trồng và chăm sóc. Đồi đá Núi Một nay đã bắt đầu có màu xanh, là mô hình để các hộ dân khác học tập làm theo.

Ngấp nghé tuổi 70, ông Lê Văn Hải vẫn ngày ngày cải tạo đất đồi, tưới nước, chăm cây, biến đồi đá Núi Một thành khu vườn đồi xanh tốt. Nói về dự định sắp tới, ông cười hào sảng: “Mình còn sức khỏe thì còn lao động, đó cũng là cách tập thể dục cho khỏe người. Sắp tới, hai vợ chồng sẽ làm chuồng nuôi thêm heo, gà, bò, lấy phân bón cho cây, từng bước hình thành vườn rừng nuôi, trồng, được nữa thì kết hợp với dịch vụ ăn uống sinh thái từ những sản phẩm tại vườn”.

BÍCH NGÂN

Giao lưu trực tuyến về trồng lúa hữu cơ giữa nông dân Úc và Việt Nam

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

TS. Nguyễn Văn Kiền (bía trái), ông Peter Radall (giữa) trên ruộng lúa hữu cơ của ông Peter (ảnh TS. Nguyễn Văn Kiền cung cấp).

Cuộc giao lưu bắt đầu lúc 10 giờ Việt Nam (14 giờ Úc), ngày 27/3/2021. Chủ đề trồng lúa hữu cơ và việc tiêu thụ gạo hữu cơ tại Úc, sau đó là cuộc trao đổi kinh nghiệm giữa nông dân trồng lúa hữu cơ ở Úc và Việt Nam.

Về phía Úc có ông Peter Randall- một nông dân có hơn 35 năm kinh nghiệm trồng lúa hữu cơ trong dòng họ có 3 đời trồng lúa hữu cơ; ông Alan Broughton- Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ- Organic Agriculture Association) tại vùng Bairndale bang Victoria và TS. Nguyễn Văn Kiền- Giám đốc Mekong Organics PTY LTD (tại Canberra/Úc), giảng viên về nông nghiệp sinh thái tại ĐHQG Úc, tại TP Canberra.

Tại đầu cầu Vĩnh Long, địa điểm HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm), có đại diện HTX Tân Tiến (Tam Bình), HTX Hồi Tường (Trà Ôn) cùng một số nông dân trồng lúa hữu cơ tại địa phương.

Tại địa điểm HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, nông dân 2 nước đã có cuộc trao đổi vô cùng thú vị và bổ ích.

Ông Peter Randall canh tác 35 ha lúa đã giới thiệu kinh nghiệm canh tác hữu cơ với nhiều kiến thức mới; trong đó, việc trồng lúa chung với cỏ, sử dụng cừu trên ruộng như tác nhân thúc đẩy quá trình làm giàu dinh dưỡng cho đất, sử dụng thiên địch có lợi thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư tạo men vi sinh cho đất, quy trình sử dụng nước trong nông nghiệp và những chi phí đầu tư, cũng như giá cả về thị trường gạo hữu cơ tại Úc.

Trung bình 1 kg gạo thường tại Úc có giá khoảng 2 đô la Úc, thì gạo hữu cơ của ông Peter Randall có giá 12 đô la Úc; trong khi nhu cầu thị trường gạo hữu cơ rất lớn vượt quá khả năng cung ứng hiện nay. Từ gạo hữu cơ của ông Peter Radall, khi sản xuất ra 1 kg bánh gạo hữu cơ thì lên đến 50 đô la Úc. Đây là cơ hội rất lớn cho nông dân Việt Nam đang canh tác lúa hữu cơ nếu có được chứng nhận của tổ chức NASAA (Úc) để xuất khẩu vào thị trường Úc.

Tin, ảnh: NGỌC TRẢNG

Người tiên phong trồng cây vani trên đất Ðồng Nai

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Với đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Phạm Thái Vương Nam (P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã mày mò thử nghiệm trồng cây vani (vanilla) ở TP.Long Khánh.

Anh Phạm Thái Vương Nam (P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) đang thụ phấn cho hoa vani. Ảnh:H.Giang

Sau 4 năm chăm sóc, những cây vani đầu tiên trên đất Đồng Nai đã đơm hoa, kết trái.

Quyết tâm chinh phục loài cây khó tính

Cây vani là một giống lan nhiệt đới, có xuất xứ từ Mexico… Loài cây này sống bám vào thân cây khác như một loại dây leo (giống cây tiêu), ra hoa, đậu quả và cho hương vani thiên nhiên. Đây là loại cây trồng khá khó tính, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc.

Từ 3-4 năm (tùy theo giống) sau khi trồng, cây vani mới bắt đầu ra hoa. Một bông hoa nở, bên trong có 2 nhánh, 1 đực, 1 cái và 1 nhụy. Hoa không thể tự thụ phấn mà phải do con người thực hiện thủ công.

Hoa vani chỉ nở đúng 1 ngày trong năm. Thời điểm thụ phấn lý tưởng là từ 7-9 giờ sáng. Nếu ngày hoa nở mà không thụ phấn kịp thì đến chiều hoa sẽ tự xếp cánh rồi tàn đi, 1 năm sau hoa mới nở lại.

Sau khi thụ phấn, đậu quả, trái vani cần phải 9 tháng sau mới chín. Từ trái vani tươi, người ta phải ủ, phơi nắng, rồi phơi trong bóng râm… cho đến khi đạt chất lượng (tăng nồng độ chất vani, chất căn bản làm nên mùi thơm). Tổng thời gian này khoảng 2 tháng.

Anh Phạm Thái Vương Nam tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí nhưng lại có niềm đam mê với cây cối, đặc biệt là các loại hoa lan. Năm 2010, chàng thanh niên này tình cờ đọc được thông tin về cây vani, được biết đến như một loài hoa lan quý, có giá trị thương phẩm cao. Đến năm 2015, anh tìm hiểu mọi thông tin về cây vani và quyết tâm sẽ theo đuổi nó.

Ban đầu, anh Nam mua được một ít cây vani về trồng thử nghiệm trên 30m2 đất tại gia đình để theo dõi quá trình sinh trưởng, thử nghiệm các quy trình chăm sóc cây. Đến năm 2018, anh mua thêm cây giống và tự nhân giống để trồng trên diện tích 500m2. Đây là mảnh vườn mà anh đi thuê. Ngoài ra, vì công việc chính của anh là tư vấn thi công xây dựng và làm tại TP.HCM nên Nam phải thuê người để phụ giúp chăm sóc, trông nom vườn lan quý này. Dù biết rằng con đường đi của mình là mạo hiểm nhưng anh vẫn tin tưởng và kiên trì thực hiện đến cùng.

“Mình không muốn đi theo lối mòn của nông nghiệp Việt Nam là làm theo phong trào. Mình muốn làm theo hướng nông nghiệp sạch, khác biệt, đồng thời khai mở một cơ hội để nhiều người nông dân cùng tham gia làm” - anh Nam chia sẻ.

Bước đầu thành công

Cây vani đang ra hoa. Ảnh:H.Giang

Không có kinh nghiệm trồng cây vani, không có ai hướng dẫn, tài liệu lại khan hiếm… khởi đầu của anh Nam vô cùng gian nan. Dựa vào những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình trồng hoa lan, anh bắt đầu thử áp dụng và điều chỉnh dần với cây vani.

Anh Nam quyết định làm nhà lưới, đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động và kiểm tra cây hằng ngày để ghi chép lại nhằm tìm ra kỹ thuật, quy trình trồng cây vani. Ngoài ra, chàng thanh niên này cũng tìm thêm thông tin về cây vani trên các trang web nước ngoài. Thậm chí, anh đặt mua cuốn sách về kỹ thuật trồng cây vani trên ứng dụng mua sắm Amazon với giá 5 triệu đồng. Sau đó, anh vừa đọc, vừa dịch, vừa so sánh các số liệu trong sách (độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ…) xem có tương xứng với thực tế tại Long Khánh hay không.

Điều thuận lợi nhất của anh Nam là điều kiện khí hậu ở Long Khánh phù hợp để trồng cây vani. Tuy vậy, anh muốn tìm ra kỹ thuật trồng cây vani với chi phí thấp nhất nhưng vẫn thu được năng suất cao. Vì thế, anh thử nghiệm trồng trên nhiều loại trụ, nhiều loại giá thể để tìm ra loại giá thể và trụ trồng phù hợp nhất.

Hiện nay, anh đang dùng giá thể là vỏ đậu phộng trộn với tro trấu và vỏ dừa (đã được xử lý). “Tìm ra được loại giá thể thích hợp rồi thì nguồn cung giá thể lại gặp khó khăn. Mình tìm mãi mới mua được vỏ đậu phộng ở tận Đắk Lắk. Giá vận chuyển cũng ngang bằng với giá vỏ đậu” - anh Nam cho biết.

Nam chia sẻ, khi những cây vani đầu tiên được 3 năm tuổi, anh đã thử chủ động kích thích cho cây ra hoa nhưng vì cây còn yếu nên trái không đạt yêu cầu. Đến năm thứ 4, những cây vani đầu tiên bắt đầu ra hoa tự nhiên và đậu trái. Anh Nam bắt tay vào thử nghiệm quy trình xử lý trái vani và thành công.

Hiện nay, lứa cây vani đang ra hoa đợt thứ 2. Dự kiến, năm sau sẽ là thời điểm mà vườn vani 500m2 này rộ hoa. Với những thành công bước đầu này, trong năm nay, anh Nam cùng với các bạn của mình sẽ đầu tư trồng vani trên diện tích khoảng 2.000-3.000m2 tại TP.Long Khánh. Mong ước của anh Nam là có thể tạo được một hệ sinh thái “Vani Farm Stay” ở thành phố trẻ này.

“Con đường đi rất mạo hiểm nhưng mình tự tin và đã làm được. Hiện nay, mình đã hoàn thiện kỹ thuật trồng cây vani, từ khâu gây giống, thụ phấn cho hoa, đến khâu xử lý trái. Mình cũng sẽ tìm đầu ra để có thị trường ổn định. Vì mình trồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ nên tự tin có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính.” - anh Nam tự tin chia sẻ.

Hoàng Giang

Bến Tre: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với truy xuất nguồn gốc

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Trên cơ sở 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre đã hình thành giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tiếp tục phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực giai đoạn 2021 - 2025.

Vườn dừa hữu cơ xã Phú Vang, huyện Bình Đại.

Theo đó, trong 5 năm tới tỉnh sẽ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với thực hiện truy xuất nguồn gốc với quy mô 20 đến 22 ngàn ha nhóm sản phẩm dừa, 1,5 đến 2,2 ngàn ha nhóm sản phẩm cây ăn trái, 300ha nhóm sản phẩm cây giống - hoa kiểng. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với 450ha nhóm sản phẩm tôm (trong 4.000ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao), gắn với tổ chức lại dân cư nông thôn, trong đó, có 80% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương. Phát triển hoàn chỉnh các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực nhóm sản phẩm con heo, bò trên địa bàn tỉnh.

Trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, chuỗi dừa được xếp đầu tiên. Hiện nay, chuỗi dừa đã hình thành 51 tổ hợp tác, 18 hợp tác xã và thực hiện liên kết tiêu thụ với 7 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã tham gia, với tổng diện tích liên kết 11.768,3ha, chiếm 16,17% tổng diện tích dừa toàn tỉnh.

Liên kết chuỗi dừa đã góp phần hình thành nên vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gần 10.000ha. Từ đó, tạo ra các dòng sản phẩm hữu cơ từ dừa như: dầu dừa, nước dừa, cốt dừa… thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Tin, ảnh: Phương Khê

Lợi ích máy cuộn rơm

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

Hiện nay, nông dân ở TP Cà Mau đang vào cuối vụ thu hoạch vụ lúa đông xuân. Ngoài thu nhập chính từ việc bán lúa, rơm cũng là nguồn phụ thu giúp nông dân tăng thu nhập. Thời điểm này, bên cạnh thu hoạch lúa thì dịch vụ cuộn rơm bằng máy cũng sôi động hẳn lên.

Trước đây, cắt lúa xong nông dân thường đốt đồng (đốt rơm) tại ruộng. Việc làm này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tiêu diệt những thiên địch có lợi cho việc sản xuất lúa.

Người dân vẫn còn thói quen đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường, tiêu diệt các thiên địch có lợi, giảm giá trị dinh dưỡng trong đất.

Gần đây, rơm trở nên có giá trị khi được nhiều người tìm mua. Từng bị xem như phế phẩm, rơm cuộn ngày nay trở thành nguồn thu nhập cho nông dân và cuộn rơm bằng máy hiện nay cũng là nghề đem lại thu nhập khá ổn định cho nông dân trong thời điểm thu hoạch lúa.

Bà Trần Thị Miền (Ấp 4, xã An Xuyên) có 12 công đất làm lúa. Những năm trước, sau khi thu hoạch, bà thường đốt đồng để chuẩn bị cày ải cho vụ sản xuất lúa hè thu. Nhưng năm nay, thấy có dịch vụ cuộn rơm, bà Miền không đốt đồng nữa mà cho máy vào đồng ruộng để thu hoạch rơm, bán lại với giá 30.000 đồng/công, tính ra bà Miền thu về được gần 400.000 đồng từ việc bán rơm.

Bà Miền chia sẻ: “Mọi năm mình phải tốn nhiều công sức ra ruộng bó rơm để sử dụng. Nếu 12 công này ra bó khoảng 3 ngày mới xong, còn bây giờ có máy cuộn này thì chừng 2 tiếng đồng hồ là được khoảng 200 cuộn rơm, người ta chở vô tới nhà… Vụ lúa đông xuân nắng tốt, mặt ruộng khô ráo nên máy vào thu hoạch rơm rất dễ dàng. Thu hoạch rơm bán xong, mình chừa lại chục cuộn để lót trong chuồng nuôi 300 con gà, vịt cho sạch sẽ”.

Máy cuộn rơm thu hoạch rất nhanh chóng và hiệu quả, giúp việc thu gom dễ dàng hơn.

Rơm dễ phơi khô, dễ vận chuyển và dễ tồn trữ nên hiện nay nhiều nông dân tận dụng để bán, thay vì đốt rơm trên đồng, gây ô nhiễm môi trường và mất giá trị dinh dưỡng của đất như trước đây. Thời điểm này, bên cạnh thu hoạch lúa thì dịch vụ cuộn rơm cũng sôi động hẳn lên. Dịch vụ cuộn rơm này là của anh Quách Thanh Nhã (Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau).

Hơn 2 năm trước, anh Nhã đầu tư mua máy cuộn với chi phí hơn 100 triệu đồng. Anh Nhã thông tin: “Trung bình 1 ha có thể thu được từ 100 cuộn rơm trong thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi. Vụ lúa đông xuân, máy cuộn hoạt động dễ hơn vì nền mặt ruộng khô. Ðến thời điểm này đã thu hoạch rơm với diện tích hơn 500 ha. Hiện tại, chỉ có số ít người bán rơm trên ruộng, đa số bà con cho mình đem máy vào cuộn rồi cho lại vài cuộn rơm để họ sử dụng. Trước đây, rơm bị xem là phế phẩm, nông dân đốt bỏ, nhưng rơm rất có ích, sử dụng để trồng nấm rơm, trồng rau màu, bón cây, nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm…”.

Dịch vụ cuộn rơm giúp nông dân dễ dàng thu gom sản phẩm phụ của cây lúa, phục vụ việc chăn nuôi, làm nấm, làm phân bón cho các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Thanh Tịnh (Ấp 3, xã An Xuyên) mua 500 cuộn rơm về để thả xuống 50 công vuông nuôi tôm, cua. Theo anh Tịnh: “Những vụ thả nuôi trước, trong vuông có năn, tạo môi trường sống cho tôm, cua, nhưng sau đợt hạn mặn năm trước thì năn chết hết. Ðợt này, tôi thấy bà con trong xã thu hoạch lúa xong, có người bán rơm cuộn sẵn rất tiện lợi nên mua về thả xuống vuông, vừa tạo nơi tránh trú cho tôm trong mùa nắng nóng, vừa giảm độ kiềm trong vuông, cải tạo nước, khi rơm mục dần sẽ tạo thức ăn cho tôm, cua mau phát triển”.

Rơm được anh Nguyễn Thanh Tịnh thả xuống vuông để tạo môi trường sống và thức ăn cho tôm, cua.

Còn anh Nguyễn Hoàng Vũ (Ấp 4, xã An Xuyên) cũng mua 200 cuộn rơm với giá 20.000 đồng/cuộn để ủ trồng nấm rơm. Anh Vũ cho biết: “Rơm mới thu hoạch sau khi mua về, ủ khoảng 10 ngày mới chất ra luống. Với số rơm này mình có thể dự trữ trồng nấm rơm cả năm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

Dịch vụ cuộn rơm còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chạy máy và vận chuyển, chất rơm. Mỗi cuộn rơm, họ sẽ được trả công 1.000 đồng, trung bình mỗi ngày có thể kiếm từ 400.000-600.000 đồng/người. Tiền công máy cuốn cuộn rơm tại ruộng khoảng 6.000 đồng. Nếu bao luôn việc vận chuyển thì chi phí khoảng 10.000 đồng.

Ðối với các vùng sản xuất lúa như Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, TP Cà Mau, việc thu hoạch rơm rạ không chỉ tăng giá trị cho cây lúa, mà còn giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân./.

Thảo Mơ

Vinamilk nhập hơn 2.100 bò sữa HF thuần chủng từ Mỹ

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Hơn 2.100 con bò sữa cao sản sẽ gia nhập đàn bò tại Trang trại Vinamilk Quảng Ngãi. Đây là trang trại mới của Vinamilk với quy mô 4.000 con, diện tích trên 100 hecta và tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 700 tỷ đồng.

Bò được nhập về là giống bò khỏe mạnh, đặc biệt là khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại Viêt Nam. Ảnh: VGP/Minh Thi

Đàn bò hơn 2.100 con nhập về lần này đều là bò sữa thuần chủng giống Holstein Friesian (HF), được đăng ký thông tin với Hiệp hội bò sữa HF Mỹ và có thông tin phả hệ đầy đủ đến 3 đời. Đàn bò này còn có giấy chứng nhận phân tích gen xác nhận về chỉ số lợi nhuận cả đời (Net Merit) và chỉ số hiệu suất sản xuất (GTPI) do các phòng kiểm nghiệm được chỉ định của Mỹ cấp.

Theo đối tác của Vinamilk tại Mỹ, đây là giống bò khỏe mạnh, khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại Viêt Nam. Sau khi làm quen với “ngôi nhà mới” và ổn dịnh về sức khỏe có thể cho sản lượng sữa trung bình đạt trên 11.000 lít/con/năm. Nguồn sữa chứa nhiều dưỡng chất với hàm lượng chất đạm, béo cao.

Trong số bò được nhập về lần này, có gần 700 bò tơ có độ tuổi đa dạng cùng với hơn 1.400 bò mang thai nhằm góp phần gia tăng nhanh số lượng đàn bò của trang trại trong thời gian tới. Như vậy, cộng với đàn bò hiện hữu thì 2.100 con nhập mới này sẽ giúp Trang trại Vinamilk Quảng Ngãi sớm đạt quy mô đàn là 4.000 con, sản lượng sữa nguyên liệu dự kiến sẽ đạt 20 triệu lít/năm. Theo kế hoạch, trong năm 2021, Vinamilk sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm 3.000 con bò sữa cao sản để gia tăng số lượng đàn cho các dự án trang trại đang phát triển tại Mộc Châu và Lào.

Chuẩn bị cho việc đón bò sữa về trang trại, hàng loạt “hàng rào” giúp đảm bảo các yêu cầu về phòng bệnh và sức khỏe đàn bò đã được Vinamilk triển khai. Cụ thể, chuồng nuôi cách ly phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y khu cách ly kiểm dịch động vật, tất cả phương tiện vận chuyển bò phải được tập kết riêng biệt, phun khử trùng cả trước và sau khi bò được chuyển lên xe để di chuyển về trang trại. Khi về đến trang trại, một lần nữa đàn bò sẽ được kiểm tra trước khi nhập vào khu chuồng cách ly riêng. Mỗi cá thể bò sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, được tiêm phòng các loại bệnh theo quy định của cơ quan thú y chuyên trách.

Đàn bò sữa mới nhập về trước khi gia nhập vào đàn hiện hữu sẽ có một nơi ở riêng trong vòng 30-45 ngày và được một đội ngũ chuyên gia, nhân viên trang trại “cắt cử” riêng chăm sóc. Theo quy định, các nhân viên, công nhân tại trang trại cũng sẽ phải tuân thủ việc cách ly như liên tục được kiểm tra, khử khuẩn, không được đi vào các khu vực chuồng trại khác để bảo đảm yếu tố khoanh vùng khi cần thiết.

Tại trang trại hiện đại của Vinamilk, mỗi cá thể bò cũng sẽ được theo dõi 24/24 qua chip điện tử. Với các thiết bị, phần mềm công nghệ hiện đại 4.0, các chuyên gia có thể theo dõi tình trạng hoạt động và sức khỏe của đàn bò từ xa thông qua phần mềm, ứng dụng di động mà không cần phải có mặt tại trang trại. Nhờ đó, phía đối tác Mỹ không thể trực tiếp làm việc tại trang trại do tình hình dịch bệnh nhưng vẫn có thể phối hợp cùng Vinamilk thực hiện quá trình tiếp nhận và chăm sóc bò sữa nhập khẩu diễn ra tốt nhất.

Ông Thái Duy Nhất, Quyền Giám đốc trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi chia sẻ: “Tuy lần đón bò này có nhiều khó khăn hơn do dịch COVID-19, nhưng với kinh nghiệm của các chuyên gia của Vinamilk cũng như sự phối hợp tốt của phía đối tác, mọi công tác tiếp nhận bò đều diễn ra suôn sẻ. Có thể nói, đàn bò sữa cơ bản đã được tiếp nhận về ngôi nhà mới một cách an toàn, khỏe mạnh sau một hành trình dài và hy vọng sớm thích nghi hòa nhập với đàn bò của trang trại.”

Hiện nay Vinamilk đang sở hữu 12 trang trại đạt chuẩn quốc tế trên cả nước và 1 tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào. Tổng đàn bò sữa do Vinamilk quản lý và khai thác sữa đạt xấp xỉ 150.000 con, giúp cung ứng cho thị trường trên 1 triệu lít sữa tươi nguyên liệu/ngày. Với các dự án đang thực hiện, dự kiến đến năm 2022-2023, đàn bò tại các trang trại của Vinamilk sẽ tăng thêm 20.000 con, gia tăng nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.

Song song mở rộng quy mô đàn bò sữa, nâng cao sản lượng, thì phát triển bền vững là một định hướng rõ nét của Vinamilk đối với hệ thống trang trại bò sữa. Các yếu tố như môi trường, năng lượng, tài nguyên… được chú trọng. Điển hình là việc gia tăng tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, vận dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động trong khi giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Minh Thi

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop