Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 06 năm 2016

Nghệ An: Gần 250 mô hình được hỗ trợ đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Thực hiện Quyết định số 87/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hàng trăm hộ trồng cam, mía, chè trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phun gốc, mang lại hiệu quả cao.

Vườn cam của gia đình anh Dương Đức Hạnh, xóm Tân Lập, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ được hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình đầu tư thêm 35 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun gốc ngay từ khi đặt cây giống. Sau 7 tháng chăm sóc, vườn cam 1ha của gia đình anh Hạnh phát triển tốt.

Gia đình anh Dương Đức Hạnh, xóm Tân Lập, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, đầu năm 2016 được huyện thực hiện mô hình tưới phun gốc cho 1ha cam, theo chính sách hỗ trợ Quyết định 87 của tỉnh. Hệ thống tưới phun gốc của anh Hạnh có giá trị 50 triệu đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại do gia đình đầu tư.

Anh Hạnh cho biết: Nước giếng khoan được bơm lên bể chứa, từ đó hàng ngày anh vặn van tưới 2 lần vào buổi sáng và chiều tối, mỗi lần 1 tiếng đồng hồ là đảm bảo độ ẩm cho cây phát triển. Nhờ đó, vườn cam 7 tháng tuổi đã cao gần đến đầu người, cành lá xanh tốt. Dù mùa hè nắng nóng, gia đình không còn lo khâu nước tưới cho cam. Sử dụng hệ thống tưới phun gốc tự động này, người trồng cam không vất vả, đặc biệt tiết kiệm nước và tiết kiệm điện năng, vườn cam phát triển đều.

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh hỗ trợ 20 mô hình tưới nhỏ giọt cho cam, mỗi mô hình được hỗ trợ 20 triệu đồng.

Trong 2 năm 2015 và 2016, Tân Kỳ đã có 20 mô hình trồng cam được lắp đặt hệ thống tưới phun gốc, với diện tích gần 30 ha. Mỗi mô hình tưới phun gốc phải đầu tư ít nhất 50 triệu đồng, nhưng khi được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh, các hộ trồng cam phấn khởi đầu tư thêm tiền để lắp đặt.

Ông Nguyễn Tất Hải - Phó phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Căn cứ vào số hộ đăng ký hàng năm, huyện kiểm tra thực tế, sau đó lập danh sách đề nghị tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình. Nhìn chung chính sách hỗ trợ của tỉnh phù hợp, kịp thời đối với người trồng cam, hầu hết các mô hình đều phát huy hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho người trồng cam.

Anh Nguyễn Đức Hạnh cho biết: Mỗi ngày tưới 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối. Mỗi lần tưới 1 tiếng đồng hồ.

Thực hiện Quyết định 87 của UBND tỉnh, mỗi năm tỉnh cấp 3 tỷ đồng hỗ trợ người trồng cây công nghiệp lắp đặt hệ thống tưới. Theo báo cáo của Chi Cục Thủy lợi, đã có 247 mô hình là hộ trồng cam, mía, chè được hưởng chính sách này, với diện tích 318ha, trong đó 209 ha cam, còn lại là mía, chè, tại các huyện: Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông, Thanh Chương, Thị xã Hoàng Mai và Kỳ sơn. Năm 2016, các địa phương đang triển khai thực hiện ước khoảng 245 mô hình, được hưởng chính sách theo quyết định 87 của UBND tỉnh

Quyết định 87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 có nhiều nội dung hỗ trợ, trong đó đối với cây công nghiệp: lạc, chè, mía là được hưởng 40% giá trị công trình được quyết toán do cấp có thẩm quyền phê duyệt (thiết bị và vật tư) tưới nhỏ lẻ cho cây công nghiệp (chè, cà phê, mía), cây ăn quả (cam, dứa) và cỏ trồng tập trung có quy mô 01 ha trở lên làm thức ăn chăn nuôi như: Giếng đào, giếng khoan, máy bơm nhỏ di động, ống tưới PVC hoặc bằng cao su.

Hỗ trợ 40% giá trị công trình nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng cho 01 hồ đập nhỏ có dung tích từ 30.000m3 đến 70.000m3 nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây công nghiệp (chè, cà phê, mía), cây ăn quả (cam, dứa) để tạo nguồn nước tưới và giữ ẩm. Số lượng hồ đập nhỏ được UBND tỉnh giao kế hoạch hàng năm cho các địa phương, đơn vị.

Xuân Hoàng

Đất biển phủ xanh hoa màu

Nguồn tin: Báo Ảnh Đất Mũi

Ấp Đất Biển, thuộc xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Là ấp ven biển nên đời sống người dân phụ thuộc nhiều vào con tôm, con cua. Gần đây nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng màu trên bờ vuông, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, hoa màu là một trong những nguồn thu nhập đáng kể của nhiều hộ dân nơi đây.

Những giàn khổ qua trĩu quả đã phủ xanh vùng đất mặn Đất Biển.

Ngoài thu nhập từ con tôm, khoảng 4 - 5 năm nay, gia đình anh Phan Văn Tài ổn định cuộc sống nhờ tận dụng diện tích đất trên bờ vuông trồng màu. Vụ màu này, anh Tài trồng được 0,4ha, hiện nay mỗi ngày anh thu hoạch trên 350kg các loại, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ngày.

Mỗi năm gia đình anh Tài trồng 2 vụ hoa màu, kết hợp với nuôi tôm, thu nhập trên 200 triệu đồng. Riêng hoa màu sau khi trừ chi phí, có lời khoảng 50 triệu đồng/vụ. Vừa thu hoạch bí đao, anh Tài vui vẻ nói với chúng tôi: “Vụ này vợ chồng tôi trồng bí đao, khổ qua và dưa leo. Vì đất ở đây tốt nên trồng màu không tốn nhiều phân bón lắm nhưng vất vả. Vợ chồng tôi hầu như ở ngoài này suốt, bây giờ hơn 11 giờ trưa rồi mà còn chưa vô nhà ăn cơm được, ráng cắt cho xong bí đao để người ta đến cân. Vụ này cũng mừng vì giá cả cao hơn năm trước, ở đây thương lái đến tận nơi thu mua. Hiện giá khổ qua là 11.000 đồng/kg, bí đao và dưa leo 6.000 đồng/kg. Nhờ trồng màu mà cuộc sống gia đình tôi cũng ổn chứ nếu chỉ trông vào nuôi tôm thì khó khăn lắm”.

Không riêng gia đình anh Tài, giờ đây hoa màu là nguồn thu nhập đáng kể của nhiều hộ khác ở ấp Đất Biển. Vụ màu này, ông Lý Văn Tuấn trồng được 0,5ha, gồm: Khổ qua, dưa leo, bầu... Riêng khổ qua đang cho thu hoạch, mỗi ngày không dưới 120kg. Ông Tuấn trồng màu quanh năm, mỗi vụ trừ chi phí còn từ 50 - 60 triệu đồng. Ông Tuấn cho biết: “Để có thêm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, tôi đầu tư trên 20 triệu đồng mua đường ống tưới nước, cải tạo đất trồng rẫy. Không riêng gia đình tôi mà bà con ở đây nếu muốn trồng được những giàn khổ qua hay dưa leo xanh tốt, lúc ban đầu phải đầu tư nhiều tiền lắm. Nhiều hộ không đủ vốn nên không thể trồng được. Cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn cũng nhờ trồng rẫy. Vụ màu này tàn, tôi sẽ trồng đậu đũa và một số loại khác nữa”.

Vì các con có gia đình riêng và đi làm ăn xa, nên vụ màu này vợ chồng ông Nguyễn Thanh Nghề chỉ trồng một loại duy nhất là dưa leo. Ông Nghề phấn khởi nói: “Vụ dưa leo này vợ chồng tôi thu hoạch hơn tháng nay, mỗi ngày hái bán khoảng 200kg, tính từ khi thu hoạch đến giờ trừ chi phí còn lời được không dưới 30 triệu đồng. Vùng đất ở đây phù hợp cho trồng màu nhưng phải chịu khó, chịu cực”.

Với hiệu quả mang lại khá cao, mô hình trồng màu trên bờ vuông đã được nhân rộng trong ấp, với trên 20 hộ thực hiện. Tuy nhiên, hiện bà con nông dân ở đây trồng màu theo kinh nghiệm, chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt. Ông Nguyễn Minh Trí - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Đất Biển: “Bà con ở đây trồng màu đã nhiều năm nay, có hộ trồng với diện tích lớn, có hộ do không vốn đầu tư nên chỉ trồng phục vụ bữa ăn hàng ngày. Trồng màu nhiều năm, có kinh nghiệm chứ người dân trong ấp cũng chưa được tham gia lớp tập huấn về trồng trọt hay nuôi trồng thủy sản. Tôi nghĩ nếu được các ngành chức năng mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt cho bà con áp dụng vào thực tế thì sẽ hiệu quả hơn. Bà con nơi đây cũng đang rất cần được hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập”.

Là ấp thuộc vùng mặn của huyện Trần Văn Thời, giờ đây trên bờ vuông của nhiều hộ dân ấp Đất Biển đã phủ màu xanh của hoa màu. Trồng được những giàn khổ qua, dưa leo, bí đao xanh mướt, với năng suất khá và giá cả cao hơn năm trước, tuy vất vả nhưng bà con rất phấn khởi. Mô hình trồng màu trên bờ vuông sẽ là hướng mở trong phát triển kinh tế gia đình, nếu bà con nông dân cần cù, chịu khó khai thác hết tiềm năng của vùng đất mặn.

ANH THƯ

Nông dân cần chuẩn bị tốt cho vụ lúa thu đông

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hiện nông dân toàn tỉnh đang tích cực chăm sóc vụ lúa thu đông mới với hy vọng “mưa thuận, gió hòa” cho vụ mùa bội thu.

Nông dân chuẩn bị xuống giống cho vụ thu đông

Nông dân kỳ vọng vào vụ mới

Trong vụ hè thu, nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bị ảnh hưởng nặng do chuột cắn phá làm giảm năng suất. Ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, cho biết: “Vụ hè thu, tôi khổ sở vì nạn chuột cắn phá lúa gây ảnh hưởng đến năng suất. Để chuẩn bị cho vụ tiếp theo, tôi chú trọng kỹ khâu làm đất, chọn giống ngay từ đầu vụ. Hiện, trà lúa thu đông của gia đình đang trong giai đoạn hơn 20 ngày. Hiện, nông dân chúng tôi ai cũng mong thời tiết thuận lợi cho vụ mùa bội thu”.

Ông Nguyễn Văn Hiền, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông) vẫn còn ám ảnh bởi sự xuất hiện gây hại của chuột, diện tích lúa hơn 10ha của gia đình ông bị chuột phá hơn 50%. Ông Hiền cho biết: “Thiên tai hay dịch hại là chuyện khó thể tránh khỏi trong canh tác lúa. Vì vậy, tôi cùng gia đình cố gắng khắc phục khó khăn để xuống giống vụ lúa tiếp theo. Hiện, lúa thu đông của gia đình tôi được 30 ngày, các trà lúa đang phát triển tốt. Chuẩn bị vụ lúa này, tôi chú trọng nhiều vào khâu chọn giống vì đây là yếu tố quan trọng nhất, tiếp đến là sử dụng phân cân đối để chủ động phòng trừ dịch hại. Tôi đã chủ động trong việc phòng trừ sự tấn công của chuột trên đồng ruộng bằng các biện pháp che chắn và sử dụng thuốc diệt...”.

Vụ lúa hè thu vừa qua ngoài bị chuột cắn phá, nhiều diện tích lúa tới ngày thu hoạch bị ngã đổ hàng loạt do mưa lớn kéo dài khiến nông dân gặp khó khăn. Vụ hè thu năm nay, diện tích lúa khoảng 15.000m2 của gia đình ông Phạm Văn Vệ, ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long (huyện Lai Vung) gần tới ngày thu hoạch bị ngã đổ hơn 50%. Việc lúa ngã đổ khiến ông phải tốn thêm chi phí thu hoạch, năng suất giảm khoảng 300 - 400 kg/công.

Ông Vệ cho biết: “Lúa gần tới ngày thu hoạch thì bị ngã đổ hàng loạt khiến tôi không kịp trở tay. Mặc dù, khó khăn động lực cho tôi cùng nhiều hộ lân cận cố gắng sản xuất trong vụ lúa tiếp theo. Chuẩn bị cho vụ lúa thu đông 2016, gia đình tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu làm đất, giống, chọn phân thuốc, nước... Tình hình thời tiết hiện tại không mấy thuận lợi nhưng tôi cùng nhiều nông dân khác vẫn mong “mưa thuận, gió hòa” để lúa phát triển tốt mang vụ mùa bội thu”.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để phòng trừ chuột gây hại trên lúa, nông dân nên xuống giống đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng. Trước khi gieo sạ, nông dân nên dọn vệ sinh những bờ ruộng cho sạch cỏ để chuột không còn nơi ẩn náu. Nông dân có thể dùng màn phủ che chắn ngay chân ruộng để hạn chế lượng chuột phá hoại. Nông dân nên chọn giống lúa xác nhận đảm bảo yếu tố cứng cây và không nên sạ với mật độ dày để giảm diện tích lúa ngã đổ.

Với những vùng không có thời gian cách ly giữa vụ tốt, nông dân phải chủ động tháo nước bơm rửa đất để tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ. Quan trọng hơn hết, vào giai đoạn lúa khoảng 25 - 35 ngày, nông dân nên xả nước ra cho lúa khô giúp chắc cây; bón đủ lượng lân, kali ngay đầu vụ cho lúa phát triển tốt...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Để đảm bảo sản xuất vụ thu đông, với những diện tích lúa chuẩn bị xuống giống, nông dân nên vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, phải đảm bảo thời gian cách ly giữa mỗi vụ. Điều quan trọng nhất, để lúa phát triển tốt là giảm lượng giống sạ trên đồng. Trong sử dụng thuốc hóa học, nông dân phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, “1 phải 5 giảm” và thực hiện đúng theo hướng dẫn; chú ý không bón phân thừa đạm giúp kéo giảm tỷ lệ nhiễm bệnh đạo ôn lá. Nông dân phải nắm chặt chẽ diễn biến thời tiết và kiểm tra ruộng đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời”.

Khánh Phan

Kiên Giang: Chọn tạo giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng gây nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh ven biển ĐBSCL nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác chọn tạo lúa giống chịu mặn phục vụ cho sản xuất trước mắt cũng như lâu dài là cần thiết.

Để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi và nâng cao giá trị hạt gạo, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nền kinh tế hội nhập quốc tế, những năm qua Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang thực hiện hằng năm khoảng 50 tổ hợp lúa lai theo hai mục tiêu cơ bản là: tạo ra giống chống chịu mặn và giống có phẩm chất cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Công tác chọn dòng chịu mặn và tạo ra sản phẩm chất lượng thực hiện liên tục trong các vụ. Kết quả chọn tạo giống trong 5 năm qua đã đưa ra được 27 giống lúa GKG có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Một số giống có phẩm chất gạo rất tốt, mùi thơm đậm và có khả năng chống chịu mặn tốt.

Giống GKG 1 của Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang là giống chịu mặn cực ngắn ngày, được tạo ra từ phương pháp biến dị cấy mô và được Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức vào năm 2011. Hai giống GKG 8 và GKG 9 cũng được Cục Trồng trọt cho phép sản xuất thử. Riêng giống GKG 9 là giống chịu mặn tốt và cho năng suất rất cao và mới đây cũng được Cục Trồng trọt công nhận chính thức là giống cây trồng nông nghiệp mới đưa vào phục vụ sản xuất tại ĐBSCL. Trung tâm đang hoàn tất hồ sơ để sản xuất thử GKG 5 và công nhận chính thức giống GKG 8. Trong ba giống này, đặc tính nổi trội của các giống đều có năng suất cao. Giống GKG 5 có năng suất trội hơn và chất lượng gạo tương đương với giống OM 5451. Giống GKG 8 có chất lượng gạo tốt, hạt trong. Giống GKG 9 là giống có thể chống chịu mặn cao, cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Việc lai tạo giống lúa chịu mặn giúp nông dân Kiên Giang dần thích nghi với biến đổi khí hậu.

Sản xuất những năm qua cho thấy, giống GKG 9 thích nghi rộng trên nhiều vùng canh tác; thích hợp cả hai vụ lúa hè thu và đông xuân. Ở Kiên Giang, trong vụ đông xuân 2013-2014, giống này đạt năng suất lúa khô từ 7-8 tấn/ha, cao hơn các giống khác ở địa phương từ 1,5-2 tấn/ha. Cá biệt có một số nông dân ở huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, An Biên, sản xuất giống GKG 9 đạt năng suất lúa khô rất cao, từ 8,6 đến hơn 9 tấn/ha.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, năm 2016, sau khi được trang bị các thiết bị hiện đại, Trung tâm tiếp tục chọn tạo giống lúa đạt năng suất cao, chống chịu mặn tốt. Năm 2016, Trung tâm chọn ít nhất 1 giống mới.

Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang còn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chọn tạo giống lúa chịu mặn năm 2014. Kết quả bước đầu cho thấy, giống GKG 4, GKG 14 và GKG 24 đã đáp ứng mục tiêu chống chịu mặn tốt. Riêng giống GKG 24 cho năng suất cao nhất; về năng suất và phẩm chất, giống GKG 4 và GKG 14 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác khảo nghiệm. Qua khảo nghiệm cơ bản vụ hè thu năm 2015, giống GKG 26 và GKG 27 có nhiều đặc tính tốt, dạng sạch đẹp, ngắn ngày cho năng suất cao. Hai giống này đang được tiếp tục khảo nghiệm các đặc tính nông học để xin Cục Trồng trọt công nhận và đưa ra sản xuất đại trà.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, Trung tâm đang tiếp tục công tác khảo nghiệm mới. Đây là chương trình thường xuyên, kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Dự kiến trong năm 2016 sẽ tiếp tục cho ra đời 3-4 bộ giống, mỗi bộ khoảng 15 giống cho mỗi vụ. Như vậy, có khoảng 120 giống và hy vọng trong số đó sẽ chọn ra được 6-7 giống có triển vọng tốt. Các loại giống này sẽ được bố trí khảo nghiệm sản xuất trên các vùng sinh thái của tỉnh.

Những kết quả đạt được trong nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới chịu mặn, chịu phèn, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, phẩm chất tốt những năm qua của Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang không chỉ giúp nhà nông chọn lựa được giống lúa mới canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và mang lại lợi nhuận cao, mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng cơ cấu giống lúa chất lượng cao trên các vùng sinh thái và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

PHƯƠNG ANH

Bảo tồn và phát triển rau rừng (bài 1)

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Chuyện về nhà nghiên cứu rau rừng

Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng là một “vựa” rau dại, rau rừng khổng lồ, trong đó có không ít loài có thể sử dụng như rau ăn và dược phẩm. Làm sao để đưa những loài rau rừng ra thị trường để phục vụ nhu cầu người dân, đồng thời bảo tồn nhiều loài rau quý hiếm là vấn đề nhiều nhà khoa học trăn trở. Và, từ một công trình nghiên cứu khoa học, nhiều loại rau rừng Lâm Đồng đã bắt đầu lên bàn tiệc sang trọng của các nhà hàng, mở ra một hướng sản xuất, kinh doanh mới.

Thạc sỹ Lương Văn Dũng đang tìm hiểu hoa rừng Lâm Đồng

Khởi đầu từ cây lá bép

Thạc sỹ Lương Văn Dũng, hiện đang công tác tại Khoa Sinh học, Đại học Đà Lạt, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng các mô hình trồng một số loại rau rừng có giá trị tại Lâm Đồng” cho biết, tất cả bắt đầu từ một “đơn đặt hàng” của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, mục đích ban đầu là nghiên cứu về cây lá bép.

Cây lá bép đã quá quen thuộc với đời sống người đồng bào dân tộc bản địa và không ít người Kinh qua câu hát “lá bép rau rừng thêm thắm tình anh nuôi…”. Anh Dũng chia sẻ: “Mục đích ban đầu của đề tài là nghiên cứu tổng thể, toàn diện về cây lá bép với mong muốn đưa ra làm rau thương phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một kho tàng rau rừng và tri thức về rau rừng trong cộng đồng dân tộc bản địa Lâm Đồng. Và phát hiện này đã chuyển hướng nghiên cứu của chúng tôi, dẫn đến việc đề xuất bảo tồn và phát triển 9 loài rau rừng có khả năng trở thành rau thương phẩm”.

Suốt 3 năm thực hiện đề tài nghiên cứu, nhóm của ông đã thu thập được 252 tiêu bản của 126 loài rau rừng sử dụng làm rau ăn ở Lâm Đồng, trong đó có 11 loài sử dụng thường xuyên, nhiều nhất là cây lá bép, 32 loài vừa là rau ăn vừa là cây thuốc, 1 loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Tri thức từ cộng đồng dân gian

Bảo tồn nhân giống lá bép trong điều kiện tự nhiên

Ngay từ ban đầu xác định hướng điều tra, thạc sỹ Lương Văn Dũng và cộng sự đã khẳng định phải dựa vào cộng đồng dân tộc bản địa. Tri thức về sử dụng rau rừng làm thực phẩm của bà con phong phú nhưng chưa được khám phá, tư liệu hóa và đây là một sự lãng phí lớn. Bởi vậy, anh và nhóm cộng sự đã thực hiện điều tra rộng khắp các vùng trong cộng đồng dân tộc bản địa tại Lâm Đồng, chú trọng vào những vùng cư dân sống gần rừng. Và từ kho trí thức khổng lồ ấy, nhiều phát hiện mới đã được mở ra.

Anh Dũng kể: “Chúng tôi điều tra từ những người già, người hay thu hái rau rừng bằng tiếng bản địa để bà con hiểu rõ ràng vấn đề. Sau đó, chúng tôi thu hái, xử lý tiêu bản, ghi lại tên rau bằng tiếng bản địa và tiếp tục điều tra tại vùng khác, xem địa bàn phân bố và kiến thức giữa các nhóm dân cư có trùng nhau hay không”.

Trong quá trình tìm hiểu tri thức bản địa nhiều phát hiện mới đã ra đời. Anh Dũng kể, cây rau lỗ bình mọc hoang tại nhiều vùng ở Việt Nam. Tuy nhiên, không sách nào ghi lại cũng như cư dân không biết cây rau này có thể ăn được. Đầu tiên là ở Sơn Điền (Di Linh) và sau đó là Đạ Chais (Lạc Dương), bà con cho biết đây là loại rau ăn được với tên bản địa là Kơ Dơl Vôp. Đây là phát hiện hoàn toàn mới về một loài rau rừng.

Nhiều câu chuyện về rau rừng còn hàm ẩn những nét văn hóa của dân tộc bản địa. Như bà con người Chu Ru, ở Đơn Dương, trong lễ hội đâm trâu không thể thiếu loài rau rừng được gọi là cây sả rừng, một loại thân gỗ có mùi như cây sả. Hái lá loại rau này, dùng để nướng thịt dâng thần linh với họ mới là lễ đâm trâu trọn vẹn. Tri thức của bà con về rau rừng rất phong phú do bề dày truyền thống sử dụng rau rừng, từ chủng loài rau, cách thu hái, cách chế biến làm món ăn cần được tư liệu hóa, tránh mai một theo độ mất rừng.

Tương lai cho rau rừng Lâm Đồng

Nhu cầu sử dụng rau rừng làm thực phẩm của người dân hiện rất lớn. Nhiều nhà hàng đã đưa vào thực đơn những loại rau rừng như lá bép, bầu đất (rau lủi), lỗ bình, cà đắng… Nhóm tác giả của dự án, sau khi đánh giá chặt chẽ từ các tiêu chí chất lượng, giá trị dinh dưỡng, khả năng nhân giống, khả năng thị trường hóa đã đưa ra quy trình trồng, chế biến 9 loại rau rừng khả quan nhất, trong đó có bầu đất, lỗ bình, cần dại, lá bép…

Nghiên cứu của nhóm cũng chỉ rõ, loại rau nào có thể trồng thương phẩm theo quy mô vườn hộ, loại nào cần bảo tồn ngay tại điều kiện sống tự nhiên của chúng do đặc điểm sinh trưởng gắn với vùng sinh thái hẹp.

Việc phát triển rau rừng thành rau thương phẩm song song với bảo tồn sẽ giúp nguồn rau rừng phát triển bền vững, vừa đảm bảo nguồn gien quý, vừa đảm bảo cung cấp cho thị trường những chủng loại rau sạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm rau mang thương hiệu rau Lâm Đồng.

DIỆP QUỲNH

Bảo tồn và phát triển rau rừng (bài 2)

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Rau rừng ra phố

Nhiều loài rau xưa nay coi là rau rừng, rau dại, chỉ được bà con dân tộc bản địa thu hái làm phong phú thêm bữa ăn gia đình đã trở thành những loại thực phẩm đặc biệt. Thay vì mọc dưới tán rừng, chúng được trồng trong nhà kính với hệ thống tưới tự động và cung cấp rộng rãi ra thị trường. Chất lượng dinh dưỡng cao, vị ngon lành và nhất là đảm bảo độ sạch, rau rừng đang là thực phẩm được người tiêu dùng yêu thích và chọn lựa.

Thu hoạch rau lỗ bình tại Lâm Hà

Thăm vườn rau của anh Nguyễn Văn Cường tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tôi thật sự ngạc nhiên khi anh Cường không chọn trồng các loại rau phổ biến, quen thuộc như lơ, cải hay hoa mà lại là một loài rau rừng có cái tên lạ: rau lỗ bình.

Trong hệ thống nhà kính hiện đại với dàn tưới tự động, anh Cường trồng chỉ một loài rau hoàn toàn mới này, anh giới thiệu đó là rau rừng. Rau lỗ bình nếu nhìn sơ qua có nhiều nét tương đồng với cây rau càng cua ở miền Tây Nam bộ sông nước. Anh Cường cho biết, đây là loại rau rừng được đưa vào danh mục cần bảo tồn của Tây Nguyên, có giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt, lỗ bình có thể ăn sống như trộn salad hoặc ăn chín, làm rau ăn với lẩu hoặc làm canh. Rau có màu sắc xanh, đẹp, vị giòn, ngọt, bước đầu được người tiêu dùng ưa chuộng.

Anh Cương cho biết, loại rau này dễ trồng, chỉ cần đủ ẩm là phát triển nhanh chóng. Hiện vườn của anh đang cung cấp rau cho nhiều nhà hàng tại Lâm Hà, Bảo Lộc, Đức Trọng và Đà Lạt với giá cả ổn định. Anh Cường chia sẻ: “Rau lỗ bình rất dễ trồng, là rau rừng nên lỗ bình rất khỏe, không phải phun bất cứ thuốc gì vì chúng ít có sâu bệnh hại. Chỉ cần đủ nước tưới là rau lên rất tốt”. Anh Cường đang lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng lỗ bình để cung cấp thêm cho thị trường do nhu cầu đặt hàng nhận được ngày càng nhiều hơn.

Khác với anh Cường chọn trồng chuyên rau lỗ bình, trang trại của anh Nguyễn Văn Dũng, nằm ngay chân đèo Prenn, thuộc phường 3, Đà Lạt có tới 3 sào nhà kính trồng khá nhiều loại rau rừng khác nhau, từ bầu đất, lỗ bình cho tới cần dại. Riêng bầu đất hay còn gọi là rau lủi, anh Dũng cung cấp cho khá nhiều nhà hàng tại Đà Lạt chuyên phục vụ món “rau rừng kho quẹt”. Anh Dũng cho hay, rau rừng hiện đã trở thành thực phẩm không chỉ ngon, lạ miệng mà còn là loại rau sạch, được ưa chuộng trên thị trường, đặc biệt với phân khúc khách hàng cao cấp đòi hỏi thực phẩm lạ, xanh, sạch.

Với quan niệm các loại rau thông thường đang bị lạm dụng hóa chất trong quá trình sản xuất và gây ô nhiễmcó thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng, trong khi đó, với khả năng chống chịu sâu bệnh đặc biệt của loài rau hoang dại, rau rừng trở thành lựa chọn tốt cho người tiêu dùng. Hiện anh Dũng còn liên kết với một số nông hộ, cấp giống để nông hộ trồng và cung cấp rau rừng cho anh đưa ra thị trường.Giống rau rừng anh cho biết, lấy từ những người thực hiện đề tài Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng các mô hình trồng một số loại rau rừng có giá trị tại Lâm Đồng nên đảm bảo chất lượng và thuần chủng.

Không đạt quy mô lớn như trang trại anh Dũng, anh Cường nhưng nhiều nhà vườn khác ở Đà Lạt, Đức Trọng cũng đã chọn một số loại rau rừng để canh tác thêm nhằm đa dạng sản phẩm, trong đó rau bầu đất được nhiều người chọn trồng nhất do nhu cầu thị trường lớn.

Rau từ rừng ra phố đã mang lại cho người nông dân thêm thu nhập, người tiêu dùng thêm lựa chọn và nhất là giúp những loại rau rừng vô danh với người thành phố cất tiếng. Từ đây, chúng sẽ được phát triển, bảo tồn và sinh trưởng mạnh mẽ, thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cung cấp cho cộng đồng những nguồn gen quý phục vụ đời sống.

Anh Nguyễn Thành Đạt, Trung tâm Ứng dụng KTNN Lâm Đồng đã thực hiện di thực cây lá bép lên Đà Lạt từ vùng sinh cảnh của chúng là khu vực Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc. Anh Đạt đã sử dụng các phương pháp giâm hom, gieo hạt và chuyển cây con từ rừng Di Linh về trồng ở Đà Lạt. Kết quả thật bất ngờ, cây con trồng dưới tán rừng tạp với cây gỗ nhỏ, cây bụi, tre nứa… hoặc trồng xen với một số loại cây khác trong vườn đều phát triển ổn định, mở ra triển vọng trồng cây lá bép rộng rãi. Được biết, anh Nguyễn Thành Đạt cũng là người đã phân tích giá trị dinh dưỡng của cây lá bép với 16 axít amin, trong đó có 8 loại không thể thay thế, tư liệu hóa giá trị của loài rau rừng nổi tiếng này.

D.QUỲNH

Tam Nông (Đồng Tháp): Hơn 235ha lúa hè thu bị đổ ngã

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), nhiều cơn mưa lớn đã làm ảnh hưởng hơn 235ha lúa hè thu trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

Hiện, giá thu hoạch lúa từ 300.000 - 340.000 đồng/công

Nông dân Trần Văn Hải, ngụ ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ, cho biết: Tôi đang cánh tác 10 công lúa đã đến ngày thu hoạch nhưng bị đổ ngã hơn 70%, nhân công thu hoạch lúa tăng, giá lúa lại giảm.

Phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông đã chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác tăng cường huy động máy gặt đập liên hợp để khi thời tiết thuận lợi tiến hành thu hoạch lúa nhanh cho bà con nông dân.

Đến thời điểm này, nông dân huyện Tam Nông đã thu hoạch được hơn 3.180ha trong tổng diện tích gieo sạ vụ hè thu là gần 27.350ha. Dự kiến, cuối tuần này, nông dân sẽ thu hoạch rộ vụ.

Dương Cầm

Sum suê cây trái Cà Mau

Nguồn tin: Báo Ảnh Đất Mũi

Trên đất rừng xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nhiều nông hộ tận dụng bờ bao trồng đu đủ, cho thu nhập khá.

Thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, song những năm gần đây nông dân Cà Mau đã mạnh dạn học hỏi, áp dụng trồng nhiều loại cây trái phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Hơn 800 gốc cam của gia đình anh Nguyễn Văn Khương, Ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, đang cho trái sum suê.

Cam, quýt, đu đủ, mận, mãng cầu, thanh long... được nhiều địa phương nhân rộng, không chỉ thành công ở vùng ngọt, mà trên vùng đất mặn, cây trái cũng nở hoa, trĩu cành. Theo nhiều nông dân, đây là những giống cây ít bệnh, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít nên bà con dễ áp dụng.

Nhiều nông dân vẫn tiếp tục duy trì vườn thanh long dù có thời điểm rớt giá.

Giống mận An Phước được ông Trần Trung Quốc trồng hiệu quả, vừa mang lại giá trị kinh tế vừa phục vụ phát triển du lịch sinh thái rừng U Minh Hạ.

Từ sự phát triển của các vườn cây trái, nông dân Cà Mau tiến tới thành lập các tổ hợp tác, đảm bảo cung ứng nguồn cây giống chất lượng và đầu ra được ổn định.

Cùng với dưa hấu Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, những năm qua, nông dân xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cũng phấn khởi với vụ dưa bán tết.

Tại phường Tân Thành, TP. Cà Mau, ông Nguyễn Hữu Ánh duy trì vườn dừa kết hợp nuôi cá chình, bống tượng.

LÊ QUYÊN

Bưởi 'trăm quả' ở Nghĩa Đàn (Nghệ An)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Là người đầu tiên đưa cây bưởi 2 vụ về bén duyên ở Nghĩa Đàn, anh Nguyễn Thanh quang, xóm Trung Tâm, xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An còn được biết đến là người “mát tay” trong trồng bưởi. Bưởi anh trồng mỗi cây cho hơn 100 quả, cá biệt có cây cho 300 quả. Hiện đã có 30 hộ nhân rộng giống bưởi của nhà anh Quang và được anh hỗ trợ kỹ thuật trồng cũng như tìm kiếm đầu ra.

Bưởi của gia đình anh Nguyễn Thanh Quang, Nghĩa Hiếu mỗi cây trên 100 quả

Năm 2009, sau khi đuợc học tập tham quan mô hình trồng bưởi ruột hồng da xanh ở Quảng Bình, anh Nguyễn Thanh Quang xóm Trung Tâm, xã Nghĩa Hiếu đã quyết định cắt bỏ lô cam lâu năm kém hiệu quả và lô chanh để trồng150 gốc bưởi ruột hồng, da xanh, giống miền Nam. Đây là giống bưởi ưa nhiều loại đất, đặc biệt đất cằn, dễ trồng dễ chăm sóc hơn cây cam, múi đều, quả có vị ngọt. Đặc biệt, bưởi này một năm cho 2 vụ, vụ chính vào giữa tháng 7, tháng 8 và vụ cuối tháng 12 của năm.

Năm 2013, sau 5 năm trồng, bưởi ruột hồng da xanh cho lứa quả bói đầu tiên, dù số lượng chưa nhiều lắm nhưng cũng đã cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Năm 2014, gia đình bán được khoảng 12 tấn bưởi, giá trung bình 30.000/kg, vụ chính cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, vụ giáp tết cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng.

Anh Quang đang tưới nước chống hạn cho bưởi

Đến năm 2015, sản lượng bưởi tăng lên 22 tấn và năm nay gia đình anh lại có thêm một mùa bưởi trĩu quả khi có gần 100 cây, mỗi cây có trên 100 quả, trong đó có cây gần 300 quả. Anh Quang chia sẻ năm nay sản lượng dự tính gấp 1,5 lần so với năm ngoái, nếu giá ổn định thì ước tính gia đình thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Chia sẻ về bí quyết để bưởi sai quả, anh Trần Thanh Quang cho biết : Trồng bưởi cũng không vất vả do ít sâu bệnh, chỉ cần chú ý bón phân phù hợp để quả ngọt và không quá to, vì quả to quá sẽ không ngon và ảnh hưởng đến gốc bưởi. Với giống bưởi này, sau khi trồng 2 năm thì cây cho quả bói, đến năm thứ 4 trở đi cho quả nhiều. Ngoài bán quả, mỗi năm gia đình anh bán 5000 đến 8000 cây giống cho các hộ trên địa bàn.

Thấy được hiệu quả từ loại bưởi này, hiện nay nhiều hộ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn cũng như các huyện lân cận đã nhân giống bưởi của gia đình anh Quang.

Dưới các gốc bưởi, gia đình kết hợp chăn thả lợn, gà, vịt để tăng thu nhập.

Ông Phan Thanh Khuông - PCT hội làm vườn Nghĩa Đàn cho biết: đây là giống bưởi sai quả, cộng với kỹ thuật chăm sóc nên có thể nói mô hình bưởi của gia đình anh Nguyễn Thanh Quang là mô hình bưởi sai quả nhất Nghĩa Đàn ở thời điểm này. Hội đang thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp trên địa bàn và cây bưởi là một cây trồng được ưu tiên.

Hiện nay anh Quang đang tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trồng giống bưởi này và liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Kỹ thuât trồng và chăm sóc bưởi da xanh:

- Thời vụ trồng giống bưởi da xanh: có thể trồng quanh năm, tốt nhất trồng vào vụ xuân (tháng 2-4) vụ thu (tháng 8-10).

Mât độ trồng: tuỳ thuộc vào chất đất và khả năng thâm canh. Đất trồng bằng (phù sa): 6m x 7m.

+ Đất vườn, đồi núi (sỏi đá): 4m x6m

*Cách trồng bưởi da xanh: Đào hố: Đất phù sa hố đào (60cm x 60cm x 60cm) nếu nền đất thấp trũng khó thoát nước có thể đắp ụ hoăc lên luống cao. Đất đồi hố đào 80cm x 80cm x 80cm trồng theo kiểu lanh sấu (so le).

- Bón lót/1 cây: Bón cho mỗi hố tuỳ thuộc vào độ phì nhiêu của đất.

Phân bón hữu cơ Đồng tâm xanh: 15 - 20kg.

Phân lân (supelân) 1kg, Kali sun fat 0,5kg,Vôi bột 1kg

Phần đất mặt đựơc trộn đều với phân và cho xuống đáy hố phần đất còn lại để trên mặt hố, gốc cao hơn mặt vườn từ 10 - 20cm (việc đào hố, bón lót phải được tiến hành trước khi trồng từ 1 - 2 tháng).

- Cách trồng: rạch bỏ bầu nilông, đặt cây vào hố lấp đất ngập bầu khoảng 2-3cm. Nèn chặt đất xung quanh bầu, tạo mặt lõm từ 3-5cm xung quanh gốc để tưới.

Cắm coc va buộc dây mềm để cố định cây, tưới nước và phủ cỏ khô hoặc rơm rạ để giữ ẩm cho cây.

2. Chăm sóc cây sau khi trồng

- Thường xuyên giữ ẩm cho cây. Tưới phân bón lá Lay-O, Combi-5, komix… và bón định kỳ thường xuyên 1-2 lần/tháng.

- Cắt tỉa tạo tán 50cm để cành cấp I, 30cm để cành cấp II và 20cm để cành cấp III. Tạo cho cây có bộ khung cành, tán rộng tốt cho quang hợp.

- Bón cho cây chưa có quả, trước mỗi đợt lộc bón một lần thường năm có 3 đợt lộc vào mùa xuân - hạ thu.

- Khi cây có quả: bón 4 đợt/năm:

+ Thời kỳ sau thu hoạch quả, bón phân hữu cơ + lân 100%, đạm 20% vôi 100%.

+ Thời kỳ chuẩn bị ra hoa bón đạm, ka li, ZinC.

+ Thời kỳ hạn chế dụng quả giúp quả lớn nhanh bón đạm, kali, boron.

+ Thời kỳ trước thu hoạch 1 tháng bón kali, sungar.

Đinh Thùy - Đài Nghĩa Đàn

Trồng đu đủ ruột vàng

Nguồn tin: Nhân Dân

Đu đủ là loại cây ăn trái nhiệt đới được trồng phổ biến ở nhiều nơi. Vài năm trở lại đây, nhờ có giá trị kinh tế cao mà đu đủ được người nông dân trồng với quy mô lớn, có thể trồng xen với vườn cây ăn trái “lấy ngắn nuôi dài” cho hiệu quả kinh tế cao. Khi trồng giống đu đủ này không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, tốn ít công chăm sóc.

Tuy nhiên, để cây phát triển tốt và cho năng suất cao, đất phải tơi xốp, khi trồng phải đắp mô, sau đó bón lót phân chuồng ủ hoai rồi trồng. Khi cây bắt đầu ra hoa cần phun ngừa thuốc trừ nhện kết hợp phân bón lá, quan trọng khi cây đậu trái nên tăng lượng phân bón lá và bón ít phân NPK để nuôi trái, cắt tỉa trái xấu để cây tập trung nuôi trái đẹp, một cây ra khoảng 30 quả là đạt yêu cầu.

Áp dụng mô hình này, hộ gia đình anh Nguyễn Thanh Tiền ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã trồng thử nghiệm 1.000 m2 khoảng 200 cây. Anh Tiền cho biết, sau khi trồng được bảy tháng thì cây cho năng suất ổn định, bình quân bảy ngày thu hoạch một lần. Nhờ chăm sóc đúng cách mà cây phát triển tốt, cho năng suất cao, đạt 30 đến 40 kg/cây. Bán tại vườn với giá bình quân 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Tiền thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Không chỉ ở Hậu Giang, hộ gia đình anh Dương Trường Sơn, ở thôn 4, xã Tân Phúc (Hàm Tân, Bình Thuận), nhờ sự giúp đỡ của người quen, anh tìm hiểu kỹ về đu đủ ruột vàng và mạnh dạn mua 600 cây giống về trồng thí điểm trên diện tích 4.000 m2. Anh Sơn cho biết: “Giống đu đủ ruột vàng trồng rất hợp trên vùng đất pha cát, ít gió. Thời gian sinh trưởng, phát triển nhanh, tỷ lệ cho trái nhiều và cây ít khi bị chết. Trung bình mỗi trái khi thu hoạch từ 1,5 đến 2kg, mỗi cây cho 60kg, thu hoạch trong hai năm liên tiếp”.

Đu đủ ruột vàng được xem là cây trồng ngắn ngày, trái dễ tiêu thụ, với đặc điểm trái to, vỏ bóng và nặng ký. Khi chín đu đủ có ruột vàng, dày cơm, ít hạt, vị ngọt thanh, vì thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Khi trồng giống đu đủ này không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, ít tốn công chăm sóc, dịch bệnh sâu hại không đáng lo ngại như các loại cây trồng khác. Một lợi thế nữa là đu đủ ruột vàng có vỏ cứng, thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa.

HỒNG LOAN

Trồng đu đủ ruột vàng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Đam Rông (Lâm Đồng) là vùng đất không có ưu thế để sản xuất cây bơ, nhưng với sự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu của mình, năm 2011 ông Huỳnh Văn Toàn, ở thôn 3, xã Liêng Srôn, huyện Đam Rông đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm gần 3 ha bơ sáp, đến nay cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Toàn, được xem là nhà nông đầu tiên ở huyện Đam Rông tiên phong đưa giống bơ về trồng tại rẫy cà phê của gia đình.

Nằm nghiêng trên triền đồi, nếu như 7 ha đất của gia đình ông Toàn trước đây chỉ phù hợp với sản xuất cà phê, thì nay màu xanh đó được che phủ của cây bơ và sầu riêng. “Năm 2014, vụ thu hoạch đầu tiên năng suất vẫn ở mức trung bình, tuy nhiên 2 năm trở lại nay năng suất và chất lượng bơ được trồng xen canh với cà phê và sầu riêng đều đạt ngang bằng so với các vùng trồng bơ chuyên canh trong tỉnh…” - ông Toàn, chia sẻ.

Qua khảo sát của ngành nông nghiệp huyện Đam Rông, cây bơ trồng ở vùng đất Đam Rông khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Mặc dù được trồng xen canh, tuy nhiên sau thu hoạch năng suất, chất lượng của ba loại cây trồng, gồm: bơ, cà phê và sầu riêng đều đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm nông nghiệp huyện Đam Rông, cho biết: Việc người dân trồng bơ ở Đam Rông là không mới. Trước đây một số hộ đã trồng thử để ăn, tuy nhiên khi thấy trái bơ phát triển tốt, chất lượng bơ ngon, thì người dân bắt đầu có niềm tin và mạnh dạn đầu tư. Đặc biệt, từ hiệu quả cây bơ của gia đình ông Toàn mang lại, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch, đồng thời tham mưu cho UBND huyện để xây dựng mô hình điểm, trên cơ sở lấy vườn bơ của gia đình ông Toàn làm điểm để tổ chức cho bà con nông dân đến tham quan, học hỏi để có hướng mở rộng.

Ông Toàn cho biết thêm: Để trồng bơ hiệu quả, nhất là tạo tính bền vững, thì kỹ thuật chăm bón, đặc biệt là làm tốt việc phòng dịch, tạo tuổi thọ cho cây bơ phát triển tại vùng đất ven đồi núi ở Đam Rông là rất quan trọng. Ngoài những giống bơ cũ, hiện nay ông đang tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm một số giống bơ ghép mới, nếu hiệu quả thời gian tới sẽ cho nhân rộng đại trà.

Phương thức trồng xen giữa cây bơ, cà phê và sầu riêng trên cùng một diện tích đã tiết kiệm được đất sản xuất, không ảnh hưởng đến cây trồng khác mà còn tạo môi trường hòa hợp để các loại cây phát triển tốt, đồng thời giúp cho người nông dân có thêm nguồn thu nhập không nhỏ so với độc canh. Với hiệu quả trồng bơ xen canh từ mô hình của gia đình ông Toàn, sẽ mở ra triển vọng phát triển mới của cây bơ trên vùng đất nghèo Đam Rông trong tương lai.

Mạnh Thành

Bình Thuận: Bệnh đốm nâu thanh long: Quyết liệt ngăn chặn từ đầu mùa mưa

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Mưa nắng thất thường làm cho bệnh đốm nâu tái bùng phát và đang gia tăng mạnh về diện tích nhiễm cũng như mức độ gây hại tại các vùng trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 30 ha thanh long bị nhiễm bệnh nặng. Các địa phương có diện tích nhiễm bệnh nhiều nhất là Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình.

Theo số liệu mới nhất của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 21/6, toàn tỉnh có 2.035 ha thanh long nhiễm bệnh đốm nâu. Trong đó, có 1.669 ha nhiễm nhẹ (tỷ lệ bệnh từ 5 - 10%), 336 ha nhiễm trung bình (tỷ lệ bệnh từ 10 - 20%), 30 ha nhiễm nặng (tỷ lệ bệnh từ 20 - 50%). Trong đó, huyện Hàm Thuận Bắc 1.019 ha, Hàm Thuận Nam 844 ha, Bắc Bình 123 ha, so với tuần trước diện tích bệnh đã tăng 1.253 ha.

Tại huyện Hàm Thuận Nam, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu tăng đáng kể. Ông Phạm Văn Phụng, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hàm Thuận Nam cho hay: “Dự kiến hết tháng 6, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu trên địa bàn huyện có thể tăng đến 2.000 ha. Đốm nâu xuất hiện, lây lan theo từng vùng, khu vực. Tập trung chủ yếu ở các xã Hàm Minh, Hàm Thạnh, Hàm Mỹ. Để ngăn chặn mầm bệnh, từ đầu mùa khô trạm thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn nông dân các biện pháp cắt, tỉa tiêu hủy cành bệnh theo đúng quy trình sửa đổi của Cục Bảo vệ thực vật. Phối hợp với các công ty bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo lồng ghép phổ biến quy trình kỹ thuật phòng bệnh”. Nông dân Nguyễn Văn Toàn ngụ ở xã Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam) đã hơn 10 năm canh tác gần 2.000 trụ thanh long cho biết: “Cứ đến mùa mưa là bệnh đốm nâu lây lan nhanh, vườn nào nhiễm bệnh đốm nâu ở mức nhẹ thì khoảng 30%, có vườn bị nặng lên đến 50%. Những trái bị nhiễm đốm nâu là thương lái loại bỏ hoặc mua với giá thấp”.

Theo kinh nghiệm lâu năm một số nhà vườn trồng thanh long, để ngăn chặn triệt để mầm bệnh, tất cả các nhà vườn cần tuân thủ đúng quy trình cắt, tỉa, tiêu hủy cành bệnh theo đúng quy định. Bởi nếu trong khu vực trồng thanh long vườn tuân thủ, vườn không thì không thể tiêu diệt mầm bệnh. Ông Phụng cho biết thêm: “Khó khăn trong công tác phòng chống bệnh đốm nâu là người dân còn chủ quan, lơ là phòng bệnh vào mùa khô. Việc cắt, tỉa cành bệnh không tiến hành đồng loạt, nên hiệu quả chưa cao”. Hàm Thuận Bắc là một trong những địa phương có diện tích nhiễm bệnh đốm nâu cao nhất tỉnh với 1.019 ha. Anh Đặng Ngọc Lý - cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hàm Thuận Bắc cho hay: “Trạm Bảo vệ thực vật huyện luôn theo dõi sát tình hình bệnh. Phổ biến những khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh về công tác phòng bệnh đến người dân. Đối với một số hộ dân cắt tỉa cành, tiêu hủy cành, hoa, trái bị bệnh tập trung chưa đúng nơi quy định. Trạm đã lồng ghép trong các cuộc họp thôn, khu phố nhắc nhở thêm. Tuy nhiên, để tiêu ngăn chặn bệnh lây lan cần sự tự giác người dân”.

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, bệnh đốm nâu hiện chưa có thuốc đặc trị. Biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng bệnh vẫn là biện pháp canh tác. Ông Phạm Hữu Thủ - Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh) nhấn mạnh: “Theo quy luật, vào mùa mưa độ ẩm tăng cao, bệnh đốm nâu sẽ lây lan nhanh. Để chủ động phòng, tiêu diệt bệnh, sở đã có văn bản yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phòng chống bệnh đốm nâu. Người dân cần lưu ý, thời tiết có mưa phải thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh đốm nâu sớm để phòng trừ kịp thời khi bệnh mới chớm xuất hiện. Không nên bón phân có chứa nhiều đạm dễ kích thích mọc chồi non vào mùa mưa, tăng mức độ nhiễm cho vườn”.

Thanh Duyên

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop