Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 06 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 06 năm 2017

Hoàn tất thủ tục xuất khẩu thanh long vào Australia trong năm 2017

 

Nguồn tin: VOV

 

Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang cùng phối hợp sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường Australia cho quả thanh long trong năm nay.

 

Bộ Công Thương cho biết, sau khi mở cửa thị trường Australia cho mặt hàng vải thiều và xoài, hiện Bộ này đang cùng với Bộ NN&PTNT tích cực trao đổi, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia để tiếp tục cho một số loại quả tươi (thanh long, chôm chôm, vú sữa, nhãn) của Việt Nam được nhập khẩu vào Australia, trước mắt là khẩn trương hoàn tất thủ tục nhập khẩu cho quả thanh long, dự kiến hoàn thành trong năm 2017.

 

Ngày 15/6 vừa qua, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương cập nhật thông tin về tiến độ công tác mở cửa thị trường đối với quả thanh long tươi của Việt Nam. Đồng thời đề xuất được hỗ trợ Việt Nam trong việc xin phép Cơ quan Quản lý An toàn thực phẩm Australia - New Zealand để sử dụng phương pháp chiếu xạ cho quả thanh long tươi khi xuất khẩu sang Australia.

 

 

Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục xuất khẩu thanh long vào Australia.

 

Song song với công tác này, hiện nay Thương vụ Việt Nam tại Australia đã xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu thanh long tại thị trường Australia, theo đó tổng hợp đầy đủ các thông tin về nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn, quy định chất lượng, phương thức tiếp cận mạng phân phối... của thị trường Australia để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu cơ hội xuất khẩu thanh long ngay sau khi được tiếp cận được thị trường.

 

Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 895,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam./.

 

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình Thuận: Xanh ngắt đu đủ Triền

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Đi dọc theo tỉnh lộ 714, từ ngã ba Tà Zôn hướng về Thiện Nghiệp, một màu xanh ngút ngàn trải dài… Đây là vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống của xã Hàm Đức, thuộc thôn 7 (khu vực Triền) với nhiều loại cây trồng cho năng suất cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu bền vững. Và đu đủ lùn là một trong những điển hình.

 

 

Trong cái nắng cháy da của những ngày đầu hè, chúng tôi tìm gặp chị Hà Thị Lài tại xóm 4, xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Với độ dốc hơn 9%, trên nền đất cát và cát pha sỏi, hơn một sào đu đủ lùn, cao chỉ 1m, lá xanh ngắt, trái nặng trĩu với hơn 20 trái/cây mà mới trồng từ… tháng 10 năm trước. Là vùng đất cát lại có độ dốc tương đối nên mảnh vườn của chị thường bị rửa trôi chất dinh dưỡng rất nhanh, năng suất cây trồng như đậu phộng, thanh long không đạt hiệu quả. Nghe lời khuyên của người thân, chị Lài đem giống đu đủ lùn F1 về trồng, khoảng cách 4x4m với 130 gốc. “Mỗi gốc trung bình khoảng 15 trái, ước gần 25kg/ gốc, với giá từ 4 - 5 nghìn đồng/kg (thường ngày) thì số lượng đu đủ trên mang về nguồn thu nhập khá cho gia đình”, chị Hà cho biết về lứa trái thứ 2 sắp thu hoạch.

 

Tận dụng những khoảng trống trong vườn đu đủ, chị Lài trồng thêm bí, bầu, ớt, mãng cầu ta… tạo thêm nguồn thu cho gia đình mỗi ngày. Từ tiền tích lũy đó, chị nuôi thêm vài con bò, lấy nguồn phân hữu cơ.

 

Sau khi ủ với dây đậu phộng, phân bò đem bón cho các gốc đu đủ, tạo ra nguồn vi sinh và dinh dưỡng tốt cho cây.

 

Ngạc nhiên vì năng suất của đu đủ rất cao trên vùng đất này, chúng tôi tiếp tục đi thực tế. Và gia đình tiếp theo là ông Lê Văn Thảo tại xóm 2. Nằm ngay tại nguồn nước của một con suối, trước đây diện tích này ông Thảo trồng lúa nước, rồi dưa leo, đậu phộng… sau đó chuyển qua thanh long nhưng không đạt hiệu quả nên ông chuyển trồng đu đủ lùn F1. Khác với chị Lài, khoảng cách giữa các gốc đu đủ được ông Thảo linh động, hàng cách hàng 4m, còn gốc cách gốc 3m, vì vậy mà số lượng gốc nhiều hơn. Lý giải điều này, ông Thảo cho rằng khoảng cách nhỏ để tận dụng việc tiếp giáp với suối nước của vườn cây, từ đó đem lại hiệu quả cao cho cây trồng.

 

Không chỉ có đu đủ, thôn 7 còn có các loại cây trồng nổi tiếng như chuối sứ, đậu phộng, dừa, giúp nơi đây nổi tiếng là vùng sản xuất rau quả, hoa màu chính của Hàm Đức, cung cấp cho cả huyện Hàm Thuận Bắc và một số xã, phường của TP. Phan Thiết.

 

Đ.Hậu

 

Hiệu quả từ trồng chuối chất lượng cao

 

Nguồn tin: Hà Nội mới

 

Chuối, một trong 4 loại cây ăn quả được ngành Nông nghiệp Hà Nội lựa chọn là cây ăn quả đặc sản chủ lực cần được mở rộng. Đây là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, phù hợp phát triển tại các vùng đất bãi của Hà Nội.

 

 

Mô hình chuối tiêu hồng xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ.

 

Vài năm trở lại đây, cây chuối trở thành nguồn kinh tế chủ lực của xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ). Cây trồng này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình ổn định thu nhập mà còn cho lợi nhuận cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Chủ tịch UBND xã Vân Nam Đặng Việt Hùng cho biết: Trước đây, nông dân xã Vân Nam trồng nhiều loại chuối nhưng năng suất, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Cách đây 5 năm, được sự hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, xã Vân Nam chuyển sang trồng giống chuối tiêu hồng và chuối tây Thái Lan. Đến nay, toàn xã có trên 70ha chuyên trồng chuối tại vùng đất bãi, bình quân mỗi héc ta cho thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/năm. Năm qua, giá trị thu nhập từ trồng cây chuối toàn xã đạt 26 tỷ đồng. Sản phẩm chuối Vân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể.

 

Tương tự, nông dân xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) cũng làm giàu từ mô hình trồng chuối chất lượng cao. Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cổ Bi Đỗ Văn Thưởng cho biết: Trong số 50ha đất bãi chuyên trồng màu của xã, đến nay nông dân Cổ Bi đã chuyển đổi khoảng 30ha sang trồng chuối tiêu hồng. Cây chuối đã trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúa và hoa màu. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, toàn bộ quy trình trồng chuối ở xã Cổ Bi theo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

 

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn thành phố có hơn 3.176ha chuyên canh tập trung trồng cây chuối ở vùng đất bãi thuộc các huyện Thường Tín, Mê Linh, Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ… với sản lượng chuối bình quân đạt gần 70.450 tấn/năm. Cây chuối là một trong 4 cây trồng chủ lực nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội được ngành Nông nghiệp tập trung triển khai.

 

Để hỗ trợ nông dân ngoại thành mở rộng diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, trong 6 năm qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai 52 lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chuối với hơn 2.800 lượt nông dân tham gia; đồng thời, mở rộng 420ha trồng chuối nuôi cấy mô. Nhờ hỗ trợ giống, kỹ thuật, các mô hình trồng chuối trên địa bàn thành phố cho năng suất, chất lượng cao. Mục tiêu, đến năm 2020, Hà Nội mở rộng khoảng 4.000ha trồng chuối chất lượng cao.

 

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho rằng: Ngành Nông nghiệp đã xác định từ 2 đến 3 giống chuối hiệu quả kinh tế cao để đưa vào trồng. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô...

 

Cũng theo bà Hoàng Thị Hòa, để mô hình trồng chuối chất lượng cao phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi sản xuất khép kín nhằm ổn định đầu ra cho nông dân. Hiện, sản phẩm chuối của Hà Nội đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng khâu tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. Vì thế, về phía địa phương có thế mạnh trồng chuối cần tuân thủ đúng quy hoạch vùng và mở rộng theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng phá rào quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm khó tiêu thụ.

 

Đỗ Minh

 

Nhãn xuồng cơm vàng hút giá

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước hiện có 188,8 ha cây nhãn, trong đó diện tích cho sản phẩm là 177,1 ha, năng suất bình quân 9,647 tấn/ha.

 

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản cho biết: Phần lớn diện tích nhãn trên địa bàn huyện hiện nay là giống tiêu da bò, hay còn gọi là nhãn Huế. Giá sản phẩm của loại cây trồng này thay đổi thất thường, có thời điểm trên thị trường chỉ còn 5-7 ngàn đồng/kg, có lúc lại tới 12-15 ngàn đồng/kg. Những năm gần đây, giá nhãn trên thị trường ổn định ở mức 12-18 ngàn đồng/kg nên được người dân quan tâm. Với năng suất bình quân 10 tấn/ha, doanh thu của người trồng nhãn ở mức thấp nhất cũng đạt 120 triệu đồng/ha.

 

 

Thương lái đến vườn nhãn xuồng cơm vàng của anh Nguyễn Hoài Vũ, ấp 8, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) cắt với giá 40.000 đồng/kg nhưng không có trái để bán

 

Các nông hộ trồng nhãn cho biết, thị trường tiêu thụ nhãn xuồng cơm vàng hiện khá lớn. Thương lái tìm đến tận vườn mua giống nhãn này nhưng không có. Điều đáng nói là giá nhãn xuồng cơm vàng cao gấp 2 lần so với giống nhãn tiêu da bò. Giá tại vườn thương lái cắt 38-40 ngàn đồng/kg, nhà vườn tự cắt mang ra chợ bỏ mối dao động từ 50-60 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên năng suất giống nhãn này chỉ đạt từ 7-8 tấn/ha. Hiện diện tích nhãn xuồng cơm vàng toàn huyện Hớn Quản chưa đầy 20 ha cho trái.

 

Đông Kiểm

 

Ồ ạt trồng dưa lưới, nguy cơ dư thừa

 

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

 

Hơn 1 năm trở lại đây, dưa lưới rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Giá bán loại dưa này lại cao, đã khiến người nông dân mở rộng diện tích trồng.

 

 

Dưa lưới đang là sản phẩm nông nghiệp phát triển mạnh ở nhiều địa phương

 

Tăng diện tích trồng nhanh

 

Theo Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP), sau hơn 4 năm nghiên cứu, trồng thí nghiệm hơn 30 giống dưa lưới của nhiều nước, AHTP đã chọn được 4 giống phù hợp với khí hậu nóng, ít ẩm của vùng miền Đông và Tây Nam bộ. Một vụ từ lúc trồng tới lúc thu hoạch có thời gian 65 - 75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng được 4 vụ mùa. Trong đó, mùa khô trồng được khoảng 2.500 - 2.700 cây/1.000m²; mùa mưa trồng được 2.200 - 2.500 cây/1.000m². Trồng với mật độ này sẽ cho khoảng 21.000 quả đạt tiêu chuẩn trên 1,5kg/quả. Giá mua tại ruộng là 24.000 đồng/kg.

 

Theo AHTP, đây là loại cây được người châu Âu và các xứ lạnh khác ưa thích, nhất là người Nhật. Ở Việt Nam, dưa lưới phù hợp với khí hậu, là loại cây có đủ điều kiện để phát triển phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước không trồng được trong mùa lạnh (như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu…). TPHCM đã phát triển hơn 40ha của trên 30 hộ nông dân, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng trong nước; còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, với số lượng trên 15.000 tấn/năm.

 

Từ khi dưa lưới được ưa chuộng, vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã tăng diện tích đột biến, không thể kiểm soát được số lượng. Từ huyện Hóc Môn cho đến Củ Chi, có thể dễ dàng thấy nhiều nhà màng được dựng lên để trồng dưa lưới. Trong đó, nhiều nhất là huyện Củ Chi, đang tăng vọt diện tích trồng ở các xã Thái Mỹ, Nhuận Đức, Tân Thông Hội…

 

Theo một cán bộ kinh tế huyện, hiện nay không thể đánh giá được toàn huyện có bao nhiêu diện tích trồng. “Bởi diện tích trồng đang tăng lên từng ngày, chủ yếu là doanh nghiệp (DN) đầu tư để xuất khẩu chứ không phải nông dân địa phương. Huyện đang phát động nông dân trồng theo công nghệ cao để ổn định đầu ra”, vị cán bộ này cho biết. Tại huyện Nhà Bè, vừa qua có 2 DN đầu tư khoảng 4ha trồng dưa lưới xuất khẩu qua nước ngoài; huyện đang khuyến khích nhân rộng để có sản phẩm xuất khẩu.

 

Sớm quy hoạch để tránh rớt giá

 

Theo Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên (chuyên cung cấp hạt giống), hiện nay thị trường có nhiều thông tin không chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới, khiến cho nhiều người tham gia đầu tư sản xuất, dẫn đến số lượng tăng đột biến, nguy cơ tương lai sẽ dư thừa. Chưa kể đến, nhiều nông dân trồng thủ công nên dưa lưới chất lượng kém, cung cấp cho chợ đầu mối với giá rẻ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh dưa lưới Việt Nam. Cuối tháng 5 vừa qua, tại chợ đầu mối, dưa lưới đã giảm giá xuống 17.000 - 18.000 đồng/kg do “dội” chợ.

 

Theo khảo sát của Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên, diện tích trồng dưa lưới của vùng Đông Nam bộ ước tính gần 200ha. Công ty đã chào dưa lưới có chất lượng đặc thù của Việt Nam tại nhiều cửa hàng của Dubai, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả phản hồi. Bởi yêu cầu của đối tác nước ngoài là phải đủ chất lượng và số lượng. Hiện nay, chất lượng dưa lưới Việt Nam có thể đạt nhưng số lượng thì trung bình mỗi tuần chỉ mới xuất được 1 container, không đủ hàng, do chưa có liên kết với các nhà sản xuất khác. Do vậy, cần có một đơn vị nhà nước làm “đầu tàu”, từ quy hoạch sản xuất, thu mua, đến hợp đồng đầu ra. Nếu không sớm quy hoạch, trong tương lai chỉ khoảng 1 - 2 năm, giá dưa lưới sẽ giảm.

 

Đồng quan điểm, ông Đỗ Việt Hà, Phó Ban quản lý AHTP, cho biết: “Giá dưa lưới bán ở thị trường Nhật Bản khoảng 8 - 10USD/kg, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 3 USD/kg, nếu xuất khẩu được thì DN sẽ lãi nhiều hơn. Hiện nay, các nhà thương mại cần số lượng hàng hóa ổn định nhưng chưa có nhà cung cấp nào đáp ứng được (vì trung bình, trên 1ha chỉ có khoảng 1/3 số trái đạt loại 1).

 

Bên cạnh đó, các nước trên thế giới phần lớn thiếu dưa lưới vào mùa đông (6 tháng) nên nhu cầu nhập khẩu cao, còn mùa nóng thì số lượng ít hơn, DN nên kết hợp trồng sản phẩm khác để tránh lãng phí. Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu quy hoạch vùng trồng, quy mô, diện tích giới hạn để tránh trồng tràn lan không kiểm soát được, dẫn đến giảm chất lượng và hiện tượng dôi dư được mùa mất giá.

 

Dưa lưới sẽ là loại cây ăn quả ngắn ngày, giúp nông dân phát triển bền vững với tình hình biến đổi khí hậu. Hiện nay, AHTP, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM và một vài đơn vị đang gấp rút hoàn chỉnh giai đoạn cuối để đưa ra thị trường hạt giống dưa lưới lai F1 đảm bảo ổn định trong sản xuất, không còn phụ thuộc hạt giống nước ngoài”.

 

Thanh Hải

 

Đắk Lắk: Giống xoài Thái Lan cho năng suất cao nhất tại Ea Súp

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, đơn vị vừa xây dựng mô hình trồng xoài tại xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk trong đó giống xoài Thái Lan cho năng suất cao nhất.

 

Một vườn xoài ở thị trấn Ea Súp

 

Cụ thể, mô hình được triển khai trên diện tích 3 ha với các giống xoài Cát Hòa Lộc, Đài Loan, Thái Lan. Năng suất trung bình mỗi năm của giống xoài Cát Hòa Lộc đạt gần 8 tấn/ha (vụ nghịch 5,8 tấn/ha, vụ thuận gần 2,2 tấn/ha), Đài Loan hơn 10 tấn/ha (vụ nghịch 6 tấn/ha, thuận 4 tấn/ha), xoài Thái gần 12 tấn/ha (vụ nghịch 9,6 tấn/ha, thuận 2,3 tấn/ha). Sở dĩ năng suất xoài nghịch vụ cao hơn thuận vụ do đây là những giống xoài cao sản, có giá trị kinh tế cao nên người dân chủ yếu kích thích cây cho quả trái vụ nhằm cung cấp cho thị trường với giá cao hơn, còn vụ thuận thì để cây ra trái tự nhiên mà không chú trọng nhiều đến khâu chăm sóc.

 

Thanh Hường

 

Quảng Trị: Sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ở Hướng Hóa

 

Nguồn tin: Quảng Trị

 

Không chỉ năng suất, sản lượng giảm sút do diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ lớn hay những biến động thất thường của giá cả khiến nông dân thất thu, những năm gần đây người trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) còn đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra.

 

 

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất cà phê ở Hướng Hóa

 

Với tổng diện tích khoảng 5.000 ha cà phê, trong đó trên 4.700 ha đang cho thu hoạch, huyện Hướng Hóa là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Quảng Trị và khu vực Bắc miền Trung. Từ lâu cà phê là một loại cây công nghiệp chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn đối với ngành nông nghiệp địa phương. Giống cà phê được trồng phổ biến ở huyện Hướng Hóa là cà phê chè catimor, đây là giống cà phê cần ít nước tưới hơn so với các loại cà phê khác. Trong khi tập quán canh tác truyền thống của nông dân trên địa bàn từ trước đến nay vẫn chủ yếu trông chờ vào sự thuận lợi của thời tiết, ít chú trọng đầu tư hệ thống bơm tưới.

 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ nét lên sản xuất nông nghiệp toàn huyện nói chung và đối với ngành sản xuất cà phê nói riêng. Đơn cử như các đợt hạn hán vào các mùa khô năm 2013, 2014 và 2015 xảy ra trên địa bàn huyện đã không chỉ tác động đến đời sống, sinh hoạt thường nhật của người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của nhiều diện tích cà phê. Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho thấy, qua các đợt hạn hán này, hàng ngàn cây cà phê đã bị khô cành, héo lá, nở hoa không đúng thời điểm dẫn đến năng suất và chất lượng quả sụt giảm trầm trọng, ảnh hưởng đến giá bán của sản phẩm cà phê trên thị trường. Trước tình hình đó, để đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều nông dân ở Hướng Hóa đã chủ động sản xuất cà phê phù hợp với điều kiện mới.

 

Ông Nguyễn Mạnh, một nông dân trồng cà phê ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa cho biết, thời tiết những năm gần đây diễn biến thất thường, hạn hán kéo dài khiến nhiều vườn cà phê bị khô cành, héo lá. Để chủ động đối phó với thời tiết ngày càng bất thuận, 2 năm trước ông quyết định chi phí gần 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy bơm và ống dẫn. Hiện nay việc chăm sóc vườn cà phê gần 1,5 ha của ông đã chủ động hơn, nhất là trong những mùa khô hạn kéo dài. Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng tăng số lượng cây bóng mát trong vườn cà phê để giảm sự thoát hơi nước từ đất trong các mùa khô hạn, giữ được độ ẩm cho cây. Một giải pháp nữa được ông Mạnh áp dụng là tăng cường sử dụng phân chuồng để cung cấp dinh dưỡng cho cây và tạo được độ mùn trong đất dù chi phí có cao hơn so với dùng phân vô cơ.

 

Nhờ đó những niên vụ gần đây, vườn cà phê của gia đình ông Mạnh luôn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất và sản lượng đều tăng hơn so với những vườn cà phê khác của nông dân trên cùng địa bàn. Trước những ảnh hưởng tiêu cực ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, để thay đổi nhận thức trong sản xuất cà phê của người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, mới đây Viện Mê Kông phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa hỗ trợ kinh phí cho 2 hộ gia đình ở bản Cợp và Mã Lai (xã Hướng Phùng) triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước bằng phương pháp nhỏ giọt cho cây cà phê.

 

Tham gia dự án này, mỗi hộ gia đình sẽ được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước bằng phương pháp nhỏ giọt bao gồm bể nước, máy bơm, ống nước rải đều ở gốc cây cà phê có van xả nước nhỏ giọt với lưu lượng 1 lít nước/giờ. Mức đầu tư cho mỗi mô hình là 60 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại nông dân tham gia đối ứng. Anh Trần Văn Dương, một trong 2 hộ nông dân tham gia dự án cho biết, ưu điểm của hệ thống tưới nước nhỏ giọt là tiết kiệm nước và luôn giữ ẩm cho cây cà phê, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước bằng phương pháp nhỏ giọt cho vườn cà phê sẽ giúp người dân chủ động hơn trong quá trình chăm sóc cây, nhất là vào mùa khô hạn.

 

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, những năm trở lại đây, thời tiết trên địa bàn diễn biến thất thường, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất cà phê của nông dân. Thời gian qua, tại một số khu vực trên địa bàn huyện, do chịu tác động của hạn hán kéo dài nên nhiều vườn cà phê không ra hoa hoặc nở hoa muộn gây thất thu cho nông dân. Trước thực trạng đó, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức, dự án tăng cường phát triển cà phê theo hướng bền vững, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng chuỗi liên kết, áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất cà phê…

 

Trên thực tế, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đối với ngành sản xuất cà phê tại huyện Hướng Hóa. Để giúp nông dân chủ động hơn trong việc đối phó, đồng thời giảm thiểu tối đa những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, rất cần sự vào cuộc một cách đồng bộ của các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương từ huyện đến tỉnh. Trong điều kiện thực tế hiện nay, khi đề án tái canh cây cà phê giai đoạn 2017 - 2020 đã được thông qua và bắt đầu triển khai thì việc các cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng tìm kiếm những giống cà phê có khả năng chịu hạn cao, năng suất và chất lượng ổn định để phục vụ nhu cầu tái canh của nông dân là việc làm cấp thiết.

 

Một giải pháp nữa được nhiều chuyên gia đề cập gần đây là cần xây dựng các phương án chủ động nguồn nước tưới vào mùa khô như xây dựng các hồ chứa, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện máy móc để bơm tưới...Cùng với đó, các cấp, ngành địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu để giúp người dân, đặc biệt đối với người trồng cà phê tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chủ động trước những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra.

 

Công Điền

 

Đắk Lắk: Nông dân Cư Suê biến phế phẩm nông nghiệp thành phân bón

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là vỏ cà phê để ủ thành phân hữu cơ vi sinh là mô hình đang được nhiều nông dân xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) áp dụng.

 

Cách làm này đã mang lại hiệu quả “kép” cho nông dân: vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường vừa giảm thiểu chi phí đầu tư sản xuất.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Trích (thôn 2) có hơn 1 ha cà phê, bình quân mỗi năm ông thu được khoảng 3 tấn vỏ cà phê. Trước đây, gia đình ông mang lượng vỏ này bón cho cây trồng bằng cách đổ trực tiếp vào gốc cây; tuy nhiên, dinh dưỡng cây hấp thu được từ vỏ không nhiều, lại tạo môi trường lý tưởng cho một số vi sinh vật có hại phát triển gây bệnh cho cây cà phê.

 

 

Ông Nguyễn Văn Trích (trái) giới thiệu phân hữu cơ vi sinh được ủ từ vỏ cà phê. Ảnh: T.Dũng

 

Năm 2010, khi được Hội Nông dân xã tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp, ông Trích và các hộ khác trong thôn đã tận dụng lượng vỏ thu được từ cà phê để ủ thành phân hữu cơ vi sinh. Cách làm này đã bổ sung tốt nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời làm giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Với lượng vỏ cà phê thu được, kết hợp với 16 tấn phân chuồng và men vi sinh, sau khoảng 4 tháng, gia đình ông Trích đã tự sản xuất được gần 20 tấn phân hữu cơ vi sinh, chi phí bỏ ra chưa đến 17 triệu đồng… Ông Trích chia sẻ: “Ngày trước, vỏ cà phê được gia đình tôi bón trực tiếp khiến cây cà phê thường bị nấm, phải tốn nhiều chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật… Việc áp dụng mô hình ủ phân vi sinh không những khắc phục được tình trạng trên mà còn giúp cho chúng tôi giảm chi phí mà cây trồng phát triển tốt và bền vững hơn. Trước đây, trên diện tích 1 ha, gia đình tôi thường phải bón từ 5 - 6 tấn phân hóa học, thì giờ giảm xuống chỉ còn 1,8 tấn, thay vào đó là bón phân vi sinh”.

 

Tương tự, gia đình anh Đăng Văn Huy (thôn 3) cũng tận dụng vỏ cà phê của gia đình để ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Anh Huy cho hay: “Với 1 tấn vỏ thu được từ 3.000 cây cà phê, kết hợp thêm phân chuồng, mỗi năm gia đình tôi sản xuất được 12 – 13 tấn phân vi sinh. Nhờ vậy, lượng phân hóa học bón cho cây trồng từ 3,5 kg/cây giảm xuống còn 500 – 600 gram. Việc thay thế này không chỉ giảm chi phí đầu tư mà còn giúp đất giữ được độ ẩm, không bị bạc màu, cây trồng cũng phát triển tốt hơn”.

 

Bà Phạm Thị Thu, Chủ tịch Hội nông dân xã Cư Suê cho biết: “Hội Nông dân xã đã tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con về quy trình ủ phân vi sinh từ các phế phẩm nông nghiệp. Lúc đầu, do còn e ngại nên số hộ tham gia không nhiều nhưng sau thấy được hiệu quả từ mô hình đem lại, số hộ thực hiện đã tăng đáng kể. Phế phẩm đã qua xử lý vừa tránh được ô nhiễm môi trường, vừa là phân bón. Trên thị trường 1 kg phân vi sinh có giá khoảng 3.300 – 3.600 đồng song nếu người dân tự sản xuất thì giá chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg”.

 

Thấy được hiệu quả của việc ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp, nông dân xã Cư Suê đã không ngừng nhân rộng mô hình này. Từ khoảng 20 hộ áp dụng cách đây 10 năm, đến nay trên địa bàn xã đã có trên 200 hộ thực hiện mô hình. Theo ước tính của Hội Nông dân xã, bình quân mỗi năm nông dân trên địa bàn tự sản xuất được khoảng hơn 1.000 tấn phân hữu cơ vi sinh.

 

Trung Dũng - Thanh Tuyền

 

Kinh nghiệm chăm sóc tiêu của một nhà nông

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Qua giới thiệu chúng tôi đến nhà anh Huỳnh Minh Ngọc (36 tuổi), ấp 4, xã Minh Tâm (Hớn Quản, Bình Phước), người có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc tiêu. Vụ vừa qua, một số nhà vườn ở xã Minh Tâm bị mất mùa, chết nọc, năng suất thấp, thế nhưng vườn tiêu của gia đình anh vẫn sai trái. Vườn tiêu nhà anh có 2.800 trụ, trong đó 800 trụ 5 năm và 900 trụ từ 8-16 năm, còn lại từ 1-3 năm. Đối với vườn tiêu 800 nọc anh thu bình quân mỗi trụ 3,75kg.

 

 

Anh Ngọc trong vườn tiêu của gia đình

 

Anh Ngọc cho biết, để đạt năng suất cao anh bón phân vi sinh hoặc phân chuồng ủ hoai. Đất canh tác của gia đình là đất sỏi, giống tiêu Bắc Vĩnh Linh. Anh áp dụng hiệu quả quy trình kỹ thuật vào chăm sóc đối với từng vườn tiêu. Vườn tiêu 5 năm anh xịt thuốc 3 lần trong năm (sau khi thu hoạch xịt thuốc bón lá và kích thích ra bông, đậu trái), đồng thời bón phân 3 lần/năm. Đối với phân vi sinh loại phân gà đã qua xử lý, anh bón mỗi trụ 6kg chia đều 3 giai đoạn nhằm tiếp sức cho cây và giữ lá xanh tốt. Thêm vào đó, anh đổ tro trấu giữa các hàng tiêu giúp xốp đất, cây phát triển nhanh. Đồng thời bón phân hóa học với lượng vừa phải, bón phân vi sinh là chủ yếu.

 

Mới 36 tuổi, anh đã có kinh nghiệm trồng tiêu hơn 15 năm. Anh kể: “Tôi tham gia rất nhiều buổi hội thảo về chăm sóc tiêu và đã thay đổi tư duy từ sử dụng phân hóa học đến chuyên dùng phân vi sinh. Qua đó giúp vườn cây phát triển bền vững, năng suất, chất lượng nâng lên rõ rệt”.

 

Tham quan vườn tiêu 800 nọc 5 năm xanh tốt của gia đình anh, chúng tôi được biết những năm trước, khu vực này người trồng điêu đứng bởi bệnh tiêu “điên” tàn phá nặng nề khiến lá vàng, dây cùi lại. Thời điểm đó có đến trên 70% diện tích cắt dây của anh Ngọc bị bệnh tiêu “điên”. Anh đã tìm mọi cách để chữa trị, cuối cùng đổ đồng hòa vôi xử lý, trụ tiêu dần xanh trở lại. Khi tiêu phục hồi anh bón phân vi sinh.

 

Anh Ngọc lưu ý, nửa tháng trước khi cắt dây ở vườn mới trồng, người trồng nên dùng thuốc chống vàng lá gồm đồng và vôi trộn tưới vào gốc. 10 ngày trước khi cắt xịt thuốc trị nấm làm săn dây để khi cắt dây ít bị ra mủ. Cắt dây xong 1 tháng sau khi cây ra cựa cứng cáp bón phân vi sinh vào gốc hoặc phân chuồng ủ hoai. Người trồng tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học trong giai đoạn này và tránh cắt dây tiêu khi trời đang mưa vì dễ làm thối đầu vết cắt. Với phương pháp này, trong số 700 trụ cắt dây, vườn tiêu của anh Ngọc chỉ có khoảng 10 trụ bị bệnh, chết.

 

Thanh Mai

 

Làm giàu từ mô hình xen canh “3 trong 1”

 

Nguồn tin: Kinh tế đô thị

 

Với việc xen canh gối vụ nhiều loại cây trên cùng 1 diện tích canh tác, nông dân xã Thọ An, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã biến ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình thành hiện thực.

 

Xen canh “3 trong 1”

 

Thọ An là một xã thuần nông của huyện Đan Phượng, với tổng diện tích đất canh tác trên 200ha, trong đó có 70ha đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Những loại cây trồng chủ yếu ở đây là đu đủ, chuối, cam, bưởi, táo… Trong đó, cây táo chiếm diện tích lớn nhất với 40ha, với các giống táo mới kinh tế như táo lai lê, táo đại, táo đào…

 

 

Chị Nguyễn Thục Anh thu hoạch dưa lê. Ảnh: Nguyễn Nga

 

Tại khu vườn cây ăn quả xanh ngút tầm mắt của xã, ngoài đu đủ giống mới ra trái là những vườn táo lai bạt ngàn đang vươn mầm sau khi được đốn hạ. Dưới gốc táo, những quả dưa lê chín trắng, trên giàn là mướp sai chĩu chịt đang chờ thu hoạch. Cây táo sau khi thu hoạch quả, người dân sẽ đốn hạ cành tạo ra một khoảng cách rộng, thoáng giữa các hàng, đây là điều kiện tốt để trồng xen canh các loại cây hoa màu. Tận dụng thời gian cây táo "nghỉ" này, người dân Thọ An đã trồng xen canh dưa lê và mướp. Theo đó vào cuối tháng Giêng, người dân tiến hành đặt hom mướp và đánh luống trồng dưa lê dọc theo diện tích đất trống giữa các hàng táo. Dưa lê được người dân đánh luống trồng cho bò lan dưới mặt đất, luống được phủ nilong để giữ độ ẩm và hạn chế cỏ mọc. Còn dây mướp sẽ được bắc giàn cho leo lên phía trên. Ngoài ra, người dân cũng có thể trồng xen canh với cà chua, bí, dưa chuột… đều mang lại hiệu quả cao

 

Tăng lợi nhuận

 

Đang tất bật thu hoạch dưa lê và mướp để kịp giao cho khách, chị Nguyễn Thục Anh thôn Đông Hải, xã Thọ An cho biết, dưa lê và mướp hương là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, đặc biệt rất phù hợp với phương pháp trồng xen canh này. 2 loại cây này không tốn nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, do vậy khi xen canh dưa lê và mướp hương người nông dân sẽ tận dụng tối đa diện tích đất trống. Bên cạnh đó còn hạn chế được công làm cỏ ở những vụ sau. “Gia đình tôi thực hiện mô hình xen canh “3 trong 1” này đã được 3 năm, tính cả táo một năm tôi cũng thu được gần 300 triệu đồng từ mảnh vườn 8 sào này” - chị Anh bộc bạch.

 

Với phương pháp sản xuất xen canh, người dân có thu nhập từ 3 nguồn thu trên cùng một diện tích canh tác. Trung bình mỗi sào táo cho thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng/năm. Vào những ngày giáp Tết, người dân có thể bán được tới 40.000 đồng/kg. Đối với dưa lê và mướp có chu kỳ sinh trưởng và phát triển ngắn. Thường từ lúc trồng tới khi thu hoạch xong chỉ trong vòng 3 tháng. Hiện nay giá bán tại ruộng của dưa lê là 18.000 đồng/kg, mướp hương là 10.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, mỗi sào người dân có thu nhập trên 10 triệu đồng từ mướp hương và dưa lê. Tổng thu nhập của mô hình xen canh “3 trong 1” này có thể thu được 40 triệu đồng/sào/năm, gấp 10 lần so với cấy lúa trước đây.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ An, Trần Văn Vui cho biết, sau nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình xen canh “3 trong 1” đã khẳng định được hiệu quả vượt trội. Với cách làm này, diện tích đất ruộng cạn được tận dụng tối đa, việc xen gối vụ vừa tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích canh tác, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất của người dân. Thu nhập kép trên một diện tích đất ruộng là một cách làm hay của bà con nông dân xã Thọ An cần được khuyến khích và nhân rộng ra các địa phương khác.

 

Nguyễn Nga'

 

Hiếu Giang tổng  hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop