Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 10 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 10 năm 2020

Tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Nguồn tin:  VOV

Việt Nam hiện đang có 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ và 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.

Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ được xem là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Cả nước hiện có 237.000 ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ, tăng hơn 53.000 ha so với năm 2016. Việt Nam đang có 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ và 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh...

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới.

Vừa qua, tại Hội thảo “Thúc đẩy sản xuất và phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện đang thuận lợi, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, chấp nhận mua với giá cao. Thị trường xuất khẩu cũng rất ưa chuộng sản phẩm hữu cơ.

Nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn như: Nông dân chưa có kinh nghiệm trong ghi chép sổ sách canh tác, vẫn duy trì phương thức sản xuất truyền thống, không đủ kiến thức thực hiện các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ, hạn chế về vốn đầu tư...

Các đại biểu đề nghị cơ quan chức năng tăng cường phổ biến, đào tạo tiêu chuẩn hữu cơ cho nông dân, cho vay vốn... để tăng diện tích trồng. Đồng thời, các địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Có như thế, nông nghiệp hữu cơ mới có thể trở thành phương thức sản xuất phổ biến, bền vững./.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Chiến lược dài hơi cho nông nghiệp sạch

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Con đường khởi nghiệp được các chuyên gia đánh giá đầy chông gai, nhưng hiện nay vẫn có nhiều bạn trẻ dấn thân, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Tuy vậy, để đưa được sản phẩm an toàn, có thương hiệu đến người tiêu dùng, cần đam mê, dấn thân và đầu tư lâu dài.

Điểm qua các sản phẩm rau sạch trên mạng, cửa hàng thực phẩm an toàn, phiên chợ nông sản…, số lượng hàng hóa của các bạn trẻ chưa nhiều, nhưng là tín hiệu đáng mừng. Chốn “hẹn hò” thân quen để các ông bà chủ trẻ giới thiệu sản phẩm nhà nông vẫn là các phiên chợ do hiệp hội, đoàn thể tổ chức. Ngược lại, phần lớn thương hiệu nông nghiệp đã có tên tuổi đi thẳng vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…

Theo chia sẻ của Hoàng Anh, chuyên phân phối mặt hàng nông sản sạch nhà trồng tại quận 7 (TPHCM), hàng hóa như rau củ quả tươi, sấy khô xuất xứ Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp… phân phối cho thị trường ngách. Bởi các nhà sản xuất chỉ cung ứng với quy mô nhỏ, liên kết với nhau đưa ra thị trường. Người mua cũng là khách lẻ, các bà nội trợ trẻ.

“Về lâu dài, các bạn trẻ này sẽ đi theo con đường khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng nói thực rất khó cạnh tranh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đầu tư nhà vườn chuyên nghiệp như hiện nay. Hàng loạt nhà vườn thuê chuyên gia nước ngoài giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật, quy mô đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng tại Lâm Đồng là ví dụ”, Hoàng Anh nhận định.

Giám đốc một công ty chuyên về rau thủy canh tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) chia sẻ, để sản phẩm có chỗ đứng tạm xem là ổn định trên thị trường, thường phải mất khoảng 4-5 năm. Mô hình sản xuất rau sạch thủy canh của anh cũng vậy. Với số vốn bỏ ra làm vườn hơn 2 tỷ đồng, nhưng lứa rau đầu tiên thất bại. Khi khắc phục được, đưa rau đẹp, an toàn ra thị trường, cuộc cạnh tranh mới chính thức bắt đầu. Mặc dù sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an toàn, quy trình sạch khép kín, đạt chứng nhận VietGAP nhưng giá bán hầu như không chênh lệch nhiều so với sản phẩm bình thường bán ngoài chợ.

Các sản phẩm rau quả của vị giám đốc trên hiện đã có mặt tại Co.opMart, BigC nhưng lợi nhuận cực kỳ khiêm tốn và con đường sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Chính tiểu thương các chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) cũng từng nhiều lần tâm sự rằng, có những đợt, rau sạch được chào bán tại chợ với giá mắc hơn hàng thường chỉ vài ngàn đồng mỗi ký. Chính điều này đã làm nhụt chí các nhà khởi nghiệp trẻ.

Bài toán “nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn tuần tự lặp lại nhiều năm. Đây cũng là thực tế của ngành nông nghiệp, mà người trẻ khởi nghiệp nên lưu tâm, chuẩn bị ứng phó với thách thức này trước khi hào hứng bắt tay vào công việc. Trong cuộc hội thảo về nông nghiệp sạch mới đây, một chuyên gia kinh doanh khuyến nghị rằng: Các bạn trẻ nếu muốn khởi nghiệp bằng con đường nông sản sạch, hãy đáp ứng luôn các tiêu chuẩn GlobalGAP để định hướng xuất khẩu, thay vì chỉ cung ứng trong nước với tiêu chuẩn VietGAP thông thường. Khi thành công, sản phẩm sẽ định vị được thương hiệu Việt Nam toàn cầu, tăng giá trị cho nông sản Việt, mang thêm ngoại tệ về cho đất nước và đây cũng chính là cách làm giàu bền vững.

GIA BẢO

Trái bơ sẽ dư thừa do tăng diện tích trồng rất nhanh

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Đó là cảnh báo Cục Trồng trọt tại Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc.

Diện tích trồng cây bơ phát triển nhiều ở Tây Nguyên

Ngày 27-10, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc.

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, diện tích trồng cây bơ đang tăng gấp nhiều lần so với 3 năm trước. Đây là cây công nghiệp dài ngày, trồng 3 năm mới thu hoạch và thu hoạch trong nhiều năm nên các địa phương phải có định hướng, không thể phát triển ồ ạt. Bên cạnh đó, giống bơ của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn như kích thước, chất lượng... để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Đối với thị trường Trung Quốc, cây bơ chưa nằm trong lộ trình đàm phán mở cửa xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp, địa phương, nông dân cần phải tìm hiểu kỹ trước khi phát triển cây bơ.

Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến hết tháng 9-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 9,8 tỷ USD giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm, cụ thể là hàng rau quả đạt 1,4 tỷ USD giảm 25,9%. Hiện nay, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Ngoài sầu riêng đang trong quá trình hoàn thành thủ tục, Bộ NN-PTNT tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa; đồng thời ký kết Nghị định thư mở cửa thị trường thạch đen, khoai lang.

Đối với tình hình cấp mã số đối với thị trường Trung Quốc, theo Cục Bảo vệ thực vật đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị với 1.735 mã số vùng trồng, diện tích trên 180.000 ha cho 9 loại quả tươi và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

THANH HẢI

10 hộ dân bị giao nhầm cây giống với số lượng hơn 1.000 cây

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Sáng ngày 27-10, đại diện Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang (tiền thân là Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh), cùng một số đơn vị liên quan đến làm việc với nông dân bị giao nhầm cây giống tại phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy.

Ông Phan Quốc Thứ (bìa phải), Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang trao đổi với nông dân Nguyễn Thanh Hùng (giữa).

Qua trao đổi với nông dân, ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang, thừa nhận: Nguyên nhân một phần là giao nhầm cây giống. Mặt khác khi có thông tin phản ánh, cán bộ kỹ thuật có đi tới một số vườn xem thì được biết một số hộ dân cũng cắt chồi không đúng. Về góc độ kỹ thuật, chúng tôi thấy rằng đã chưa hỗ trợ cho bà con tới nơi tới chốn trong quá trình trồng. Đây là một bài học cần rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới. Đơn vị đã phối hợp Phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy làm việc trực tiếp với các hộ dân. Ngoài thành phố Ngã Bảy, chúng tôi đã cho rà soát lại và chưa ghi nhận có trường hợp tương tự ở các đơn vị huyện khác.

Được biết, phía Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang đã hỗ trợ xong khoảng 1.000 cây giống bưởi Năm Roi cho người dân trồng lại, trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Thanh Hùng, ở ấp Xẻo Vông C, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy. Trường hợp này có tỷ lệ nhầm lẫn giống cao, trên 80%. Trước đề xuất hỗ trợ chi phí chăm sóc lại vườn bưởi của ông Nguyễn Thanh Hùng, phía công ty đồng ý hỗ trợ 3 năm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, để ông chăm sóc, tái tạo lại vườn bưởi Năm Roi. Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang thông tin thêm, những trường hợp tương tự có tỷ lệ lẫn giống thấp đã được cấp lại 100% giống vào tháng 11 và tháng 12-2019.

Ở góc độ địa phương, ngoài việc liên hệ với các công ty thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ 1 năm phân thuốc miễn phí cho ông Hùng, Phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy đã làm việc với Hội Nông dân để kéo giãn thời gian vay vốn cho hộ này thêm 2 năm nữa.

Dự án hỗ trợ cây giống phục vụ phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố Ngã Bảy năm 2017-2018 có 3 đơn vị xã Tân Thành, Đại Thành và phường Hiệp Lợi có tổng số 76 hộ tham gia, diện tích khoảng 34,75ha. Tổng số cây theo dự án là 14.908 cây, trong đó bưởi da xanh là 5.173 cây; bưởi Năm Roi 6.797 cây; chanh không hạt trên 2.938 cây. Tổng số hộ giao lẫn giống bưởi lông cổ cò là 10 hộ (xã Đại Thành 6 hộ/800 cây; phường Hiệp Lợi 4 hộ/250 cây). Trong đó, có 3 hộ tỷ lệ lẫn giống 50% - 55%, và 1 hộ tỷ lệ 80% (hộ ông Nguyễn Thanh Hùng, ở phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy).

KỲ ANH

Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây dược liệu

Nguồn tin: VOV

Mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng cũ sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gia đình ông Giàng A Chu (Sơn La) mỗi năm đã có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cũ sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gia đình ông Giàng A Chu ở bản vùng cao Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã thoát nghèo. Ông cũng là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở vùng cao Sơn La.

Đặt gùi thảo quả nặng trĩu dưới tán cây, hương thảo dược thoảng bay giữa cái se lạnh của núi rừng, ông Giàng A Chu cho biết, trước đây, khi Nhà nước dỡ bỏ cây thuốc phiện, gia đình ông cùng bà con dân bản quay sang trồng lúa, trồng ngô và nhặt quả sơn tra đi bán, dù rất cố gắng, song thu nhập thấp, cái đói nghèo vẫn cứ đeo bám.

Gia đình ông Giàng A Chu thu lãi ổn định từ 200 - 250 triệu đồng mỗi năm.

Năm 2005, trong một lần về chúc Tết bà con Pa Cư Sáng, một thành viên đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Sơn La có nói rằng: Nơi đây rất thích hợp trồng cây dược liệu là thảo quả, vừa phát triển được kinh tế, vừa bảo vệ được rừng. Nghe vậy, nhiều ngày sau đó, ông đã tự tìm hiểu về loại cây này, rồi tự đi xe máy vượt hàng trăm cây số sang tận xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu và mang giống cây thảo quả về trồng.

Ông Giàng A Chu cho biết: "Đi đến Nậm Xé tôi xem cách trồng của họ rồi về hướng dẫn bà con trồng thảo quả. Tôi đi xem hết mấy khu nương mà họ đã thu và xem đất khô hay là đất ẩm; sau đó người dân để cho lại cho mấy gốc mới cắt đủ 1 bao tải để tôi mang về chia cho dân".

Đất không phụ công người, đến nay, 3 ha trồng thảo quả dưới tán rừng của ông đã phát triển xanh ngát. Ngoài số này, ông còn có 2 ha cây sơn tra ghép mắt; nuôi đàn gia súc, gia cầm hàng chục con... Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình ông đã có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Mô hình được đông bảo bà con trong bản, trong xã học hỏi, cùng phát triển kinh tế. Đến nay đã có 5/15 xã của huyện Bắc Yên trồng cây thảo quả.

Về cây thảo quả, ông Chu cho biết, cây này rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc. Cây lớn sau khi thu hoạch thì cắt tỉa, số cành, lá cắt tỉa bỏ xuống đất chỗ nào thì chỗ ấy cỏ không mọc lên nữa, nên không mất nhiều công làm cỏ, khá là nhàn.

"Trồng thảo quả là thích nhất, công sức phải bỏ ra ít hơn trồng lúa, trồng ngô. Không phải đầu tư phân, giống, chỉ chăm sóc 2 đến 3 năm là được thu rồi; từ lúc được thu ấy thì rất nhàn" - ông Giàng A Chu chia sẻ.

Nhận thấy hiệu quả của việc phát triển cây thảo quả, ông Giàng A Chu cũng tích cực vận động và hỗ trợ nhiều hộ dân trong bản, trong xã trồng loại cây này; nhất là vận động các hộ gia đình không bán thảo quả non mà phải giữ đến khi chín mới bán để được giá cao. Qua đó, nhiều hộ gia đình cũng đã có mức thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao.

Mô hình trồng thảo quả cho thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Ông Thào A Chư, Chủ tịch Hội nông dân huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay mô hình kinh tế của ông Giàng A Chu đã được nhân rộng ra 5 xã của huyện, gồm: Tà Xùa, Háng Đồng, Xím Vàng, Làng Chếu và nhất là tại xã Hang Chú, 100% các bản đã trồng cây thảo quả.

"Mô hình trồng cây thảo quả hiện nay đã có hộ gia đình như hộ Giàng A Chu thu đến trên 200 triệu đồng/năm, nhiều hộ khác đã thu trên 100 triệu đồng/năm. Năm nay giá của thảo quả hiện đang thu mua đạt hơn 26.000/kg tươi, bà con rất phấn khởi, tin tưởng mô hình và càng ngày càng nhân rộng ra" - ông Thào A Chư cho hay.

Phấn khởi với cuộc sống mới, người nông dân xã Hang Chú, huyện Bắc Yên vẫn rất mong muốn được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhất là được quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; có như vậy, sản phẩm quả và thảo dược của bà con mới yên tâm đứng vững trên thị trường./.

Trấn Long/VOV-Tây Bắc

Chư Pưh (Gia Lai): Trồng bắp sinh khối mang lại hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Vụ mùa năm nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với các hộ dân triển khai mô hình trồng bắp sinh khối. Với giống bắp cho năng suất cao và đầu ra ổn định nên thu nhập của bà con nông dân tăng 30% so với trồng bắp lấy hạt.

Ông Rơ Mah Lin (làng Tao Lăh, xã Ia Rong) cho hay: Trước đây, gia đình ông chỉ trồng bắp lấy hạt. Tuy nhiên, cứ đến vụ thu hoạch thì bị thương lái ép giá. Vì vậy, khi được xã vận động tham gia mô hình trồng bắp sinh khối của HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS thì ông đăng ký trồng 1,5 ha.

Vừa rồi, gia đình ông Lin thu hoạch được 70 tấn, HTX thu mua với giá 650.000 đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, ông thu về gần 40 triệu đồng, cao hơn so với trồng bắp lấy hạt 10-15 triệu đồng/ha (khoảng 30%). “Tôi thấy trồng bắp sinh khối cho năng suất cao mà còn được HTX thu mua tại ruộng nên không lo bị ép giá hay thiếu nhân công mỗi khi bước vào vụ thu hoạch như các năm trước”-ông Lin vui vẻ nói.

Gia đình ông Rơ Mah Rmul (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) trồng bắp sinh khối cho hiệu quả cao hơn bắp lấy hạt. Ảnh: Phạm Ngọc

Tương tự, ông Rơ Mah Rmul (thị trấn Nhơn Hòa) cho biết: Trồng bắp lấy hạt thời gian cho thu hoạch khoảng 110-125 ngày, trong khi trồng bắp sinh khối chỉ mất 80-90 ngày. Vì vậy, trong 1 năm sẽ trồng được 2 vụ. Thời gian còn lại thì trồng các loại rau màu.

“Sau khi tham gia mô hình, tôi đã nắm bắt được kỹ thuật trồng và sản phẩm có đầu ra ổn định hơn. Với 0,5 ha bắp sinh khối, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 40 triệu đồng/năm nếu trồng 2 vụ”-ông Rmul cho hay.

Ông Trần Văn Công-Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS-cho biết: Mục tiêu của HTX là hoạt động theo quy trình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm sau chế biến. Trước khi bước vào vụ sản xuất, HTX ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ với định mức 20 kg bắp giống và 800 kg phân bón/ha.

“Thời gian tới, HTX sẽ áp dụng một số chính sách như: hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất, thu mua với giá có lợi cho người dân... Đồng thời, HTX triển khai thêm một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định”-ông Công cho hay.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, sau khi HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS triển khai mô hình trồng bắp sinh khối, toàn huyện có 60 hộ dân tham gia với diện tích 80 ha, tập trung ở các xã: Ia Rong, Ia Hrú, Ia Dreng và thị trấn Nhơn Hòa. Ưu điểm của giống bắp sinh khối là thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng kháng bệnh cao, hạt đầy sữa phù hợp để làm thức ăn trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, bắp sinh khối lại ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết so với bắp lấy hạt. Việc rút ngắn được 30-45 ngày trên vụ không những giảm rủi ro do thiên tai mà còn có thể tăng vụ. Ngoài ra, vụ mùa năm nay, HTX còn liên kết với các hộ dân triển khai mô hình trồng bí đỏ. Mô hình này bước đầu cũng cho kết quả khả quan, nhận được sự đồng thuận của người dân.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Thành công bước đầu từ mô hình liên kết trồng bắp sinh khối và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch đã khẳng định hướng đi của huyện là đúng đắn.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, HTX triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp để hướng bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích”-ông Khánh thông tin.

PHẠM NGỌC

Kiên Giang: Sử dụng máy bay sạ lúa giúp giảm lượng phân bón, ngày công lao động

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Vụ lúa hè thu năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất phối hợp Công ty Cổ phần Đại Thành, Ủy ban nhân dân xã Lình Huỳnh triển khai mô hình gieo sạ lúa, phun thuốc bằng máy bay. Máy bay sạ lúa có dung tích bình chứa 16 lít, thời gian sạ lúa 30 phút/ha, lượng giống sạ/lần bay là 5kg giống.

Máy bay sạ lúa tại xã Lình Huỳnh (Hòn Đất).

Ruộng mô hình và ruộng đối chứng đều gieo sạ giống lúa DS1. Hai ruộng gieo sạ cùng ngày, chung một lô đất và cùng người canh tác. Ruộng mô hình sạ mật độ 65kg/ha. Ruộng đối chứng sạ bằng máy phun phân bón với mật độ 80kg/ha. Qua thực hiện mô hình ghi nhận thời gian sạ lúa bằng máy bay và thời gian sạ lúa bằng máy phun phân bón tương đương nhau (khoảng 30 phút/ha). Sau khi gieo sạ 5 ngày cho thấy ruộng sạ lúa bằng máy bay tuy có lượng giống ít hơn nhưng lúa lên dày và đều hơn so với ruộng sạ bằng máy phun phân bón.

So ruộng đối chứng, ruộng lúa sạ bằng máy bay có lượng phân đạm và lân thấp hơn từ 5-10kg/ha (do ruộng sạ bằng máy bay lúa lên đồng đều hơn ruộng đối chứng nên không cần phải dặm thêm phân bón); có lượng lúa giống 65kg/ha, ít hơn 15kg/ha, giảm được 195.000 đồng/ha tiền lúa giống. Ruộng trình diễn lợi nhuận 25.956.000 đồng/ha, cao hơn 466.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng sạ bằng máy phun phân bón.

Qua thực hiện mô hình trên cho thấy, việc sử dụng máy bay phun thuốc để gieo sạ lúa trên địa bàn xã Lình Huỳnh bước đầu mang lại hiệu quả cho nhà nông và được nông dân tham gia tìm hiểu. Mô hình mang lại một số lợi ích: Hướng việc sản xuất nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân; giảm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên; giảm bớt công lao động. Tuy nhiên, một số nông dân còn băn khoăn các vấn đề như thời tiết ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa; giá dịch vụ phun thuốc, sạ lúa còn cao (450.000 đồng/ha, cao hơn 200.000 đồng so với sạ bằng máy phun phân bón); máy bay sạ lúa vận hành phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao nên nông dân khó tiếp cận; mặt bằng đồng ruộng chưa được bằng phẳng, đồng đều...

Tin và ảnh: Vũ Thanh Long

Bắc Ninh: Toàn tỉnh có 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín, với tổng diện tích hơn 500 nghìn m2, mỗi năm sản xuất được hơn 25 triệu con giống và 132 triệu quả trứng.

Trong đó có 46 trang trại chăn nuôi lợn, 19 trang trại chăn nuôi gia cầm, 6 trang trại chăn nuôi thỏ, 1 trang trại chăn nuôi chim bồ câu. Nhiều cơ sở chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại như công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin vào sản xuất để giảm sức lao động thủ công, nâng cao mật độ chăn nuôi trên một đơn vị diện tích và tạo ra khối lượng sản phẩm chăn nuôi lớn, điển hình như: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công Dabaco (xã Lạc Vệ - Tiên Du), với 20.000 m2 chuồng kín nuôi gần 1.000.000 con gà đẻ trứng, mỗi năm sản xuất gần 200 triệu quả trứng thương phẩm; Công ty TNHH Delco (Nguyệt Đức - Thuận Thành) nuôi 30.000 con gà đẻ trứng, mỗi năm sản xuất gần 9 triệu quả trứng thương phẩm.

Năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng CNC chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh.

V.T

Làm giàu từ chăn nuôi bò

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Dám nghĩ, dám làm, nông dân Cao Đăng Cường ở thôn Dương Thôn, xã Cộng Hòa (Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò với quy mô hơn 100 bò thịt, bò sinh sản, giúp gia đình vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Anh Cường tạo việc làm cho 5 - 10 lao động với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Sau nhiều năm bươn trải tìm kế sinh nhai nhưng không thành công, năm 2015 anh Cường dồn hết vốn liếng được hơn 600 triệu đồng cùng gia đình mua 12 mẫu đất bãi ven sông để trồng cỏ voi nuôi 30 cặp bò lai Sind. Do ban đầu chưa có kinh nghiệm nuôi bò nên đàn bò của anh mắc bệnh chết.

Anh Cường chia sẻ: Lúc đó tôi mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền nhưng với quyết tâm bám trụ với nghề, mong ước làm giàu trên mảnh đất quê hương, cùng với sự động viên của gia đình, tôi quyết tâm làm lại từ đầu.

Sau đó anh Cường theo học các lớp chăn nuôi thú y và tìm hiểu thêm kỹ thuật chăn nuôi bò 3B, bò lai Sind. Anh cũng chủ động tham gia học tập, tham quan các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh do hội nông dân tổ chức. Từ đó càng thúc giục anh phải sớm khôi phục lại việc chăn nuôi.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra lúc này với anh là vốn bởi nuôi bò cần nguồn vốn lớn, nhất là giống bò 3B mỗi con giống có giá từ 20 - 25 triệu đồng, trong khi phần lớn vốn liếng tích cóp đã không còn do thất bại từ lần chăn nuôi trước. Sau đó, anh Cường mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân Cộng Hòa, người thân, bạn bè để đầu tư nuôi 40 con bò 3B. Rút kinh nghiệm từ lần chăn nuôi trước, anh đã tìm hiểu kỹ lưỡng kỹ thuật chăn nuôi và làm tốt công tác vệ sinh, phòng dịch bệnh.

Theo anh Cường, bò 3B là giống bò cao sản nuôi không khó bởi có sức đề kháng cao, phàm ăn, cho sản lượng thịt rất cao. Trong quá trình chăn nuôi cần tiêm đủ hai loại vắc-xin phòng bệnh là lở mồm long móng và tụ huyết trùng, chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Giống bò này nuôi từ 8 - 9 tháng là bắt đầu vỗ béo, thời điểm này phải cho ăn điều độ, đủ chất dinh dưỡng. Ngoài lượng cỏ voi là nguồn thức ăn chính, gia đình tôi còn cho bò ăn thêm tinh bột. Để có đủ lượng thức ăn cho bò, vào những ngày mùa anh Cường đã thuê nhân công đi thu rơm khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện, đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy thu rơm và máy nghiền thức ăn để thuận tiện trong việc chăn nuôi, vừa cắt giảm chi phí, lại cho hiệu quả chăn nuôi cao.

Sau nhiều năm vừa học vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay anh Cường đã thành công từ nuôi giống bò 3B và bò lai Sind. Hai năm 2018, 2019 anh xuất bán hơn 40 con bò thịt, trừ chi phí còn thu lãi gần 500 triệu đồng. Hiện trang trại của gia đình anh lúc nào cũng duy trì nuôi hơn 100 con bò, trong đó 60 bò sinh sản. Riêng đàn bò thương phẩm luôn được anh nuôi thành nhiều lứa vừa bảo đảm mật độ chuồng nuôi vừa cho thu nhập ổn định. Ngoài ra anh còn tạo việc làm cho 5 - 10 lao động với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Văn Minh, quê ở Tuyên Quang hiện đang làm tại trang trại của anh Cường cho biết: Tôi làm cho anh Cường, công việc không quá vất vả, chỉ cắt cỏ, nghiền cỏ và cho bò ăn nhưng thu nhập ổn định nên rất yên tâm.

Để xử lý chất thải của đàn bò, anh Cường đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas tận dụng khí làm chất đốt và có lượng phân hữu cơ để bón cho cỏ, mỗi đợt bón phân cho cỏ anh tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng. Thấy anh Cường làm ăn có lãi, nhiều nông dân ngoài xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và đầu tư chăn nuôi bò như anh. Hiện nay trang trại của gia đình anh Cường đã đầu tư gần 3 tỷ đồng với hệ thống chuồng trại chăn nuôi rộng hơn 1.000m2, khu vực trồng cỏ được anh trồng xen 1.000 cây gỗ lát, hơn 4.000 cây gỗ xoan, sau khi trừ chi phí mô hình của anh thu về hơn 600 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, anh Cường dự định mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi theo mô hình VietGAP và thành lập tổ chăn nuôi bò, xây dựng thêm lò giết mổ để vừa chăn nuôi vừa tiêu thụ, cung cấp thịt bò cho nhiều cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Tiến Đạt

Làm kinh tế với mô hình kết hợp nuôi tắc kè và dế

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Đầu năm 2019, anh Nguyễn Văn Tài (SN 1972), ở thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) ra Hà Nội tìm mua 60 con tắc kè giống thương phẩm về nuôi sinh sản. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, sau vài tháng nuôi, nhiều con bị chết do mắc bệnh.

Thất bại nhưng không bỏ cuộc, anh Tài tìm tới trang trại nuôi tắc kè ở các huyện lân cận để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham khảo thêm kiến thức trên sách báo... Cuối năm 2019, anh dành thời gian học hỏi về kỹ thuật chăm sóc vật nuôi tại một trang trại nuôi tắc kè ở huyện Ea Kar, rồi quyết định mua gần 100 con giống về gây nuôi sinh sản. Anh Tài chia sẻ: “Quy mô nuôi ban đầu chỉ 10 m2; đến năm 2020 gia đình tôi đã đầu tư xây dựng tăng quy mô lên 50 m2. Hiện gia đình tôi đang nuôi hơn 400 con tắc kè, gồm cả con giống và thương phẩm, lúc nhiều nhất lên đến 500 con”. Giá tắc kè thương phẩm từ 150.000 – 250.000 đồng/con tuỳ theo trọng lượng, khách hàng mua chủ yếu về gây nuôi sinh sản hoặc làm dược liệu. Thị trường tiêu thụ mở rộng sang các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh...

Anh Tài kiểm tra trọng lượng tắc kè và đàn dế nuôi.

Anh Tài cho biết, nuôi tắc kè đòi hỏi quy trình chăm sóc nghiêm ngặt như thức ăn sạch, chuồng trại thông thoáng, đủ ánh sáng tự nhiên, chuồng mát mẻ. Hằng tuần phải phun thuốc sát trùng và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để tắc kè không bị bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa. Mùa sinh sản của tắc kè từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Mỗi lứa một cá thể mẹ sinh sản từ 6 - 8 quả trứng, sau 2 - 3 tháng thì trứng nở; chúng đẻ liên tục trong nhiều năm. Kinh nghiệm khi nuôi tắc kè là ngoài việc cung cấp đủ thức ăn, nước uống, cần phải chú ý ghép đàn theo tỷ lệ 1 đực với 4 cái/chuồng nuôi để tắc kè sinh sản tốt và nhân đàn nhanh. Ngoài bán con giống và tắc kè thương phẩm, thời gian tới, anh Tài dự định xây dựng nhà xưởng chế biến tắc kè thành các sản phẩm như cao tắc kè, bột tắc kè khô, rượu tinh chất tắc kè…

Anh Tài đã nuôi dế mèn để chủ động nguồn thức ăn cũng như phòng dịch bệnh cho tắc kè, vừa tiết kiệm chi phí. Anh làm chuồng nuôi dế bằng cách đóng các thùng bọc ni lông với diện tích 1,2 x 2,4 m; bên trong dựng các khay xốp làm nơi trú ngụ cho dế. Từ 2 thùng nuôi thử nghiệm, đến nay anh Tài đã mở rộng lên 20 thùng nuôi dế. Thức ăn cho dế chủ yếu là lá sắn, bắp cải, bí ngô... Ngoài làm thức ăn cho tắc kè, anh Tài còn bán dế thương phẩm, 20 thùng nuôi sau 45 ngày sẽ cho thu hoạch khoảng 50 - 60 kg dế thương phẩm được anh bán với giá 150.000 đồng/kg.

Hiện nay mô hình nuôi tắc kè kết hợp nuôi dế thương phẩm mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Đoàn Dũng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop