Tin nông nghiêp ngày 30 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 30 tháng 11 năm 2019

Khả quan đạt 41,4 tỷ USD xuất khẩu nông sản

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Bộ NN&PTNT cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng nông - lâm - thủy sản (NLTS) 11 tháng ước đạt 65,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK đạt 37,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị NK các nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp ước tính khoảng 28,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng 11/2018.

Riêng tháng 11, kim ngạch XK NLTS ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng 10; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính đạt 1,7 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 1,15 tỷ USD, thủy sản đạt 868 triệu USD và chăn nuôi đạt 58 triệu USD.

Như vậy, tính đến tháng 11 ngành nông nghiệp xuất siêu 8,8 tỷ USD (cao hơn 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước). Dự kiến kim ngạch XK cả năm đạt khoảng 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại ước khoảng 9,5 - 10 tỷ USD.

Nhóm nông sản chính ước đạt 17,0 tỷ USD, giảm 5,2%, chiếm 45,7% kim ngạch xuất khẩu; lâm sản chính đạt 10,2 tỷ USD, tăng 20,5% và chiếm 27,5% tỷ trọng XK; thủy sản ước đạt 7,9 tỷ USD, giảm 1,2%, tỷ trọng chiếm 21,3%; chăn nuôi ước đạt 638 triệu USD, tăng 6,5% và chiếm 1,7% tỷ trọng.

Qua 11 tháng, giá trị XK một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, như: Cao su đạt 2,0 tỷ USD, tăng 9,3%; chè đạt 216 triệu USD, tăng 16,0%; rau đạt 592 triệu USD, tăng 9,0%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,6 tỷ USD, tăng 19,5%; quế đạt 163 triệu USD, tăng 31,0%; mây tre, cói đạt 437 triệu USD, tăng 44,4%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 638 triệu USD, tăng 6,5%.

Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch XK giảm, gồm: Trái cây đạt 2,6 tỷ USD, giảm 5,5%. Hạt điều, hạt tiêu và gạo mặc dù lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá XK bình quân giảm mạnh nên giá trị XK giảm, cụ thể: Hạt điều đạt 3,0 tỷ USD, giảm 1,8% về giá trị, nhưng lượng tăng 23,6%, gạo đạt 2,6 tỷ USD, giảm 9,4% về giá trị, lượng tăng 4,8%, hạt tiêu đạt 677 triệu USD, giảm 5,8% nhưng lượng tăng 23,3%; riêng cà phê giảm cả về giá trị và lượng, giá trị XK đạt 2,5 tỷ USD, giảm 15,2%, lượng giảm 22,7%.

Trung Quốc vẫn là thị trường XK lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch XK; tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 21,9%; EU chiếm 11,7%; ASEAN chiếm 10,1%; Nhật Bản chiếm 8,8% và Hàn Quốc chiếm 5,8%.

Về NK, tính chung 11 tháng, kim ngạch NK các mặt hàng NLTS ước khoảng 28,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, NK các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 23,7 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ. NK sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất đều giảm (phân bón giảm 12,1%, bông các loại giảm 13,9%,... ). Một số mặt hàng nông sản có giá trị NK giảm khá mạnh như: Lúa mì giảm 39,8%; đậu tương giảm 19,7%, hạt điều giảm 11,5%. Tuy nhiên, NK sản phẩm chăn nuôi tăng 20,3% (3,4 tỷ USD); ngô tăng 13,8% (2,2 tỷ USD); gỗ tăng 9,7% (2,3 tỷ USD), rau tăng 14,1% (602 triệu USD).

Đỗ Hương

Thương lái vẫn là lực lượng chính trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo An Giang

Nông dân là người làm ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá bán sản phẩm của chính mình, thay vào đó, thương lái sẽ là người định đoạt giá bán sản phẩm.

Nguyên nhân của vấn đề trên là do việc tổ chức thực hiện mô hình chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa được triển khai sâu rộng, nếu có thì kết quả mang lại chưa như mong muốn. Từ đó, nông sản của nông dân làm ra phải nhờ vào lực lượng thương lái mang đi tiêu thụ, vì vậy vấn đề “được mùa” thì “mất giá” tiếp tục diễn ra. “Do cách mua bán như thế nên đời sống của người làm nông nghiệp rất bấp bênh. Nguyên nhân do quá trình sản xuất lợi nhuận không cao hoặc có lợi nhuận thì rất thấp. Thương lái lại là người định đoạt giá trị nông sản, từ đó người làm ra sản phẩm nông nghiệp luôn ở thế bị động” - bà Trần Thị Hai (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) bức xúc.

Vụ hè thu vừa qua, gia đình bà Hai sản xuất 3ha lúa IR 50404. Những tưởng giá lúa như những năm 2017 và 2018, nào ngờ khi vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa IR50404 không “vượt qua nổi” mức 5.000 đồng/kg. Vụ đó, bà Hai thua lỗ mỗi công 1 triệu đồng và trên diện tích 3ha, mức lỗ khoảng 30 triệu đồng. “Lúa giá thấp, muốn bán lúa được phải qua “cò”. Có thể nói, “cò” và thương lái là người định đoạt giá cho hàng nông sản. Trong khi hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, mùa vụ luôn thất bát. Vụ hè thu vừa qua, 1 công lúa chỉ thu hoạch được 450kg, thất mùa mà lại mất giá nên nhà nông bị lỗ kép ” - bà Hai chia sẻ.

Đa số những người làm “cò” lúa đều không có việc làm ổn định nhưng lại rất rành địa bàn ở khu vực nông thôn. Thương lái đã tận dụng triệt để lực lượng này để biết được ai có lúa bán và bán với giá bao nhiêu, chỉ cho thương lái đến mua. Từ đó, một lực lượng trung gian ra đời, công việc hàng ngày là nắm thông tin về thời vụ, thời gian thu hoạch, diện tích sản xuất của từng nông hộ để báo cho lực lượng thương lái. Họ có thu nhập từ tiền hoa hồng của những thương lái và người bán lúa. “Cò” lúa đã trở thành một cái nghề ở nông thôn và trong chuỗi sản xuất lúa, gạo, một tầng nấc trung gian lại xuất hiện, thương lái và người làm nông nghiệp phải mất thêm chi phí cho lực lượng này.

Trước những vấn đề bất cập trên, ngày 15-11 vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học An Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông thủy sản bền vững”. Hội thảo thu hút nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học; các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh tham dự. Đã có 42 tham luận được trình bày tại hội thảo, các tham luận tập trung phân tích, đánh giá thực trạng việc hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung. Qua đó đề cập đến các hạn chế, bất cập và nguyên nhân của việc hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông, thủy sản trong thời gian qua bị đổ vỡ.

Cũng tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã đi sâu phân tích nguyên nhân vì sao trong thời gian qua, việc các DN liên kết với các HTX, THT triển khai mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị không thành công, từ đó đề xuất cách làm hiệu quả. Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ), liên kết là quá trình mà ở đó, DN và nông dân tương tác với nhau qua hợp đồng thu mua sản phẩm. Muốn hợp đồng này thực thi đạt hiệu quả cao thì mỗi bên phải biết chia sẻ lợi ích. Nếu bên nào cũng muốn tối ưu hóa lợi nhuận trong làm ăn thì việc đổ vỡ là điều khó tránh khỏi. “Một liên kết được xem là bền vững khi giữa các bên tham gia thương mại phải hợp tác, liên kết với nhau dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi (win-win). Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ cho một liên kết bền vững là đôi bên phải biết chia sẻ và “chịu đựng” với nhau” - TS Son chia sẻ.

Còn theo ThS Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang, việc hợp tác, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông, thủy sản bền vững phải được xem là một giải pháp tích cực, đột phá trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Muốn vậy, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, sự cần thiết và lợi ích của việc liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đến các bên tham gia liên kết. Trong liên kết này, DN phải giữ vai trò nhạc trưởng, nông dân là chủ thể quan trọng nhất, phát huy vai trò của HTX nông nghiệp và thương lái trong quá trình vận hành chuỗi liên kết. Đi cùng với đó là đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác giữa DN, HTX và nông dân… Có vậy thì việc triển khai chuỗi liên kết mới bền vững, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do nông dân làm ra.

“Khi thương lái là lực lượng chính trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh mặt tích cực của lực lượng này, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản (nhất là lúc cao điểm của vụ thu hoạch) thì mặt hạn chế của nó là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nông dân, người làm ra sản phẩm nhưng không quyết định được giá bán nông sản của mình; DN chế biến không chủ động và quản lý được chất lượng của nguồn nguyên liệu đầu vào khi thương lái đứng ra thu mua sản phẩm rồi giao lại” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ khẳng định.

MINH HIỂN

Trồng chuối già Nam Mỹ cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Sau hơn 1 năm đầu tư trồng chuối già Nam Mỹ, gia đình anh Phạm Công Xây (thôn 4, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã thu được thành công. Hiện tại, với 7,5 ha chuối, mỗi tháng gia đình anh lãi hơn 90 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, anh Xây nhận thấy giống chuối già Nam Mỹ có những ưu điểm nổi trội như chất lượng quả ngon, vỏ dày nên không bị dập nát, thời gian chín lâu có thể mang được đi xa… Vì vậy, anh đã quyết định đầu tư trồng loại chuối này. Trước khi bắt tay vào trồng, anh dành nhiều thời gian đến các vườn chuối già Nam Mỹ trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm. Tháng 8-2018, anh bắt tay xuống giống 5 ha chuối già Nam Mỹ, tương đương với 5.000 cây. Chuối được trồng cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 3 m. Mỗi héc ta chuối, anh đầu tư hết 100 triệu đồng. Đến nay, vườn chuối sinh trưởng, phát triển rất tốt. Hiện gia đình anh đã mở rộng diện tích trồng chuối lên 7,5 ha với tổng cộng 12.000 cây. Mỗi buồng chuối thu hoạch nặng 20-25 kg, bán với giá 4 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 3 triệu đồng/ngày từ vườn chuối. “Chuối già Nam Mỹ phù hợp với nhiều loại đất, dễ trồng và chăm sóc. Mỗi ngày, thương lái đến tận vườn thu mua để vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố. Đến nay, tôi đã bán được hơn 100 tấn chuối. Hiện lượng chuối vẫn không đủ để cung cấp cho thương lái”-anh Xây cho hay.

Anh Phạm Công Xây (thôn 4, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) chăm sóc vườn chuối già Nam Mỹ của gia đình. Ảnh: P.T

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chuối già Nam Mỹ, anh Xây cho rằng, ngoài việc chọn giống kỹ càng, người trồng cần chú ý đến kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là từ lúc xuống giống đến khi chuối trổ bông. Đây là giai đoạn quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong quá trình chăm sóc, khi quả chuối đã được vặt hết râu và khô nhựa, cần bọc ni lông màu xanh xung quanh buồng để giúp vỏ chuối xanh hơn khi chịu tác động của ánh nắng mặt trời. Hơn nữa, việc bọc ni lông còn giúp buồng chuối đỡ bị côn trùng cắn và ít bị ảnh hưởng khi bón phân cho cây. “Từ lúc trồng đến khi thu hoạch lứa đầu là 12 tháng, sau đó cứ 8 tháng cho thu hoạch 1 lần. Mỗi cây có tuổi thọ 3 năm và thu được 5 lứa thì phải chặt bỏ để trồng mới nhằm đảm bảo năng suất cũng như chất lượng chuối. Tôi dự định tiếp tục mở rộng thêm 1,5 ha chuối nữa”-anh Xây chia sẻ.

Trước tình trạng giá cả nông sản bấp bênh, anh Xây xác định phải đa canh để đa dạng nguồn thu nhập, tránh phụ thuộc vào một loại cây. Vì vậy, trước khi trồng chuối, anh đã trồng 400 cây sầu riêng và 400 cây bơ trên diện tích 3 ha. Theo anh Xây, việc trồng xen các loại cây khác vào vườn chuối có tác dụng cản gió, tăng độ tơi xốp và độ ẩm của đất. Nhờ đó, năng suất cây trồng sẽ cao hơn so với khi trồng riêng biệt. Năm 2018, anh thu về hơn 100 triệu đồng từ bán bơ và sầu riêng.

Đánh giá về mô hình trồng chuối già Nam Mỹ của gia đình anh Xây, ông Phan Đình Thắm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: Anh Xây là hội viên nông dân trẻ tuổi và rất ham học hỏi. Anh đã bước đầu thành công với mô hình trồng chuối già Nam Mỹ, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Vừa qua, anh Xây vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen tại hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2017-2019.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Đồng thời, hỗ trợ người dân trong việc quảng bá sản phẩm cũng như tìm đầu mối tiêu thụ, giúp bà con yên tâm sản xuất”-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai cho hay.

PHAN THƯƠNG

Lục Ngạn: Giá bán cam tăng hơn so với cùng kỳ năm trước

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo thông tin từ cơ quan chức năng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), đến thời điểm này, các vườn cam, bưởi trên địa bàn huyện đang được người dân tập trung thu hoạch. Khâu tiêu thụ sản phẩm diễn ra khá thuận lợi, các thương lái đưa ô tô đến tận vườn để thu mua.

Khách đến thăm vườn cam của một hộ dân ở xã Thanh Hải (Lục Ngạn).

Nhìn chung, giá bán một số loại cam năm nay tăng hơn năm trước. Cụ thể, giá bán cam ngọt tại vườn là 45 - 50 nghìn đồng/kg, loại đẹp 60 - 65 nghìn đồng/kg, tăng 10 - 15 nghìn đồng/kg; cam lòng vàng từ 17 - 20 nghìn đồng/kg, tăng 3 - 5 nghìn đồng/kg so với năm trước.

Tuy nhiên, giá bưởi giữ ở mức tương đương năm trước, trong đó bưởi da xanh từ 60 - 70 nghìn đồng/kg; bưởi ngọt 20 - 25 nghìn đồng/một quả.

Hiện nay, bưởi da xanh đã cuối vụ, người dân thu hoạch được khoảng 90% sản lượng; bưởi ngọt và cam ngọt bắt đầu được thu hoạch.

Được biết, tổng diện tích cây có múi của huyện là hơn 6,7 nghìn ha (trong đó cam hơn 4,2 nghìn ha; bưởi hơn 2,3 nghìn ha), sản lượng năm 2019 ước đạt khoảng 60 nghìn tấn. Dự kiến, mùa thu hoạch cam, bưởi sẽ diễn ra từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2020.

Thành Nam

Kon Tum: Hiệu quả từ mô hình trồng bí Nhật ở Kon Plông

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Được triển khai trồng thử nghiệm vào tháng 4/2019 và ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 7/2019 đã cho kết quả ngoài mong đợi, mô hình trồng bí Nhật (giống Kurimaru) trong nhà màng của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) được đánh giá là một trong những mô hình xuất nông nghiệp có hiệu quả tại địa phương. Từ 3 hộ tham gia vụ đầu, đến vụ gieo trồng thứ 2, số hộ tham gia mô hình đã tăng lên 16.

Ông Lê Tấn Hiển - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và xây dựng mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tháng 4/2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, UBND thị trấn Măng Đen, UBND xã Măng Cành cùng Công ty TNHH Đông Phương triển khai thực hiện mô hình thí điểm trồng cây bí Nhật (giống Kurimaru) trong nhà màng tại 3 hộ dân (1 hộ ở thị trấn Măng Đen, 2 hộ ở xã Măng Cành) trên tổng diện tích 900m2.

Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND thị trấn Măng Đen và UBND xã Măng Cành hỗ trợ 4.500 hạt giống, 405kg phân bón lót, 195kg phân bón thúc, 6kg thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nhà màng (màng phủ, bạt phủ, đinh kẽm, sợi nông nghiệp, kẹp…), hệ thống tưới nước nhỏ giọt và giúp các hộ dân làm đất; đồng thời cử cán bộ hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng, che phủ, chăm sóc…

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông (áo sơ mi trắng) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây bí Nhật cho hộ dân thôn Kon Du, xã Măng Cành. Ảnh: ĐT

Khi triển khai mô hình trồng bí Nhật, từ khâu xuống giống, đến chăm sóc trong quá trình sinh trưởng và phát triển…, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên cử cán bộ xuống hướng dẫn các hộ dân quy trình kỹ thuật một cách kỹ lưỡng, tận tình theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Vì vậy, cây bí Nhật ở vườn của các hộ dân tham gia mô hình phát triển tốt, cây lớn nhanh, lá to xanh đậm và cho thu hoạch năng suất khá cao. Vụ mùa đầu tiên, các hộ thu hoạch được 1.842 quả (1.852kg) và được Công ty TNHH Đông Phương thu mua với giá hơn 12.000/kg.

Anh A Niu (thôn Kon Chênh, xã Măng Cành), 1 trong 3 hộ tham gia trồng bí Nhật cho hay, tham gia mô hình trồng bí Nhật, gia đình anh được Nhà nước và các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn tận tình. Nhờ vậy, tỷ lệ nảy mầm tại vườn bí Nhật của nhà anh đạt 96%. Sau gần 45 ngày xuống giống, cây bí Nhật ra hoa đồng loạt. Tỷ lệ đậu quả tốt, thu hoạch được 647 quả, có quả đạt khối lượng gần 3kg, tổng khối lượng quả 728kg, bán thu được hơn 8,7 triệu đồng.

Ông Trần Văn Nết - Chủ tịch UBND xã Măng Cành chia sẻ, xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện dự án thí điểm trồng cây bí Nhật, từ lúc bắt đầu dựng nhà màng đến lúc thu hoạch, 2 hộ A Niu (thôn Kon Chênh) và A Diu (thôn Kon Tu Rằng) luôn thực hiện đúng hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan. Tham gia mô hình, bà con ở địa phương không chỉ có thêm kiến thức, kinh nghiệm về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tiếp cận được giống cây mới, mà còn có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần thoát nghèo bền vững.

Hộ A Niu, xã Măng Cành thu hoạch vụ bí Nhật đầu tiên. Ảnh: ĐT

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, mô hình trồng bí Nhật trong nhà màng còn khá mới mẻ, vụ đầu trồng thí điểm các hộ dân tham gia mô hình còn nhiều bỡ ngỡ trong kỹ thuật trồng, chăm sóc và thụ phấn. Tuy nhiên, nhờ cần cù, chịu khó và thực hiện đúng kỹ thuật được hướng dẫn, nên quả bí Nhật đạt chất lượng về màu sắc, độ ngọt và bảo đảm được các tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Từ thành công ban đầu, tháng 8/2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông phối hợp với UBND các xã Măng Cành, Pờ Ê, Đăk Tăng, thị trấn Măng Đen cùng các đơn vị liên quan tiếp tục nhân rộng mô hình trồng bí Nhật với sự tham gia của 16 hộ dân trên tổng diện tích 4.800m2.

“Để vụ trồng cây bí Nhật thứ 2 đạt hiệu quả cao, UBND các xã, thị trấn bố trí, sắp xếp cho các hộ dân mới tham gia dựng nhà màng gần với nhà màng của các hộ trồng bí Nhật vụ đầu tiên để bà con thuận lợi trong việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với doanh nghiệp thu mua về vấn đề bao tiêu sản phẩm. Trong những năm tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện cấp kinh phí để nhân rộng mô hình này cho các hộ dân trên địa bàn, coi đây là một trong những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững” - ông Lê Tấn Hiển cho biết thêm.

Đức Thành

Giá mía tăng thêm 60 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa có thông báo sẽ nâng giá thu mua mía thêm 60 đồng/kg, tức 760 đồng/kg, mía 10 chữ đường (CCS) cân tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Casuco; trường hợp mía cao hoặc thấp hơn 10 CCS thì mức tăng giảm là 7 đồng mỗi 0,1 CCS.

Nhà máy đường nâng thêm giá thu mua mía nên phần nào khiến nông dân đang thu hoạch cảm thấy phấn khởi.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, thời điểm này, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch gần 5.500ha mía trong tổng số diện tích đã trồng gần 8.200ha, năng suất bình quân 100 tấn/ha. Bên cạnh thu hoạch mía, nhiều nông dân đốn mía trước đã bắt đầu xuống giống cho niên vụ mía 2019-2020, với diện tích hiện tại 323ha, chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Trà Vinh: Hiệu quả từ mô hình trồng đậu bắp Nhật

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Trong vụ sản xuất cây màu năm 2019, Hội Nông dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đã kết hợp với Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải đưa về trồng thử nghiệm thành công giống đậu bắp Nhật Bản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Nông dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) chủ yếu sản xuất các loại cây màu như: dưa hấu, bí đỏ, đậu phộng (lạc)… Tuy nhiên, trong những năm qua, do bà con thường xuyên sử dụng các giống cây truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, Hội Nông dân xã đã kết hợp cùng Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải đưa về trồng thử nghiệm giống đậu bắp Nhật Bản ở vụ màu năm 2019 trên diện tích hơn 15 ha và bao tiêu tòan bộ sản phẩm. Để bà con nắm rõ kỹ thuật và quy trình trồng giống cây mới này, Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải đã tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân thực hiện mô hình theo từng thời điểm phát triển cuả cây.

các hộ dân tại đây cho biết: Do nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới nên không ít hộ nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây đậu bắp Nhật Bản. Đây là loại cây trồng ngắn ngày, rất thích hợp với vùng đất ở địa phương, khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, thích ứng với nhiều mùa vụ cũng như các vùng sinh thái khác nhau do cây chịu được phèn mặn; thời gian sinh trưởng từ 60 - 70 ngày, cho năng suất cao; sau khi gieo hạt 45 ngày là bắt đầu thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài trong 30 ngày.

Nông dân xã Ngũ Lạc thu hoạch đậu bắp Nhật Bản

Vụ sản xuất vừa rồi, anh Sơn Phước ở ấp Thốt Lốt, xã Ngũ lạc, huyện Duyên Hải đã trồng giống đậu bắp Nhật Bản này trên diện tích 3 công đất (1 công đất = 1.000 m2) đã cho năng suất trên 1,5 tấn trái/công, với giá bao tiêu 5.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lợi nhuận hơn 7,8 triệu đồng/công. Sản phẩm của gia đình anh được Công ty bao tiêu trọn gói. “Hồi đó đến giờ, tôi trồng các loại cây màu khác. Đây là vụ đầu tiên tôi chuyển sang trồng giống đậu bắp Nhật Bản này. Tôi thấy giống đậu bắp Nhật Bản rất dễ trồng, hiệu quả cao hơn các giống cây màu khác”- anh Phước nói.

Từ hiệu quả ban đầu của mô hình trồng thử nghiệm giống đậu bắp Nhật Bản trên vùng đất xã Ngũ Lạc đã bổ sung thêm một đối tượng cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao cho người trồng màu ven biển tỉnh Trà Vinh.

Nguyễn Tân - Đài PTTH Trà Vinh

Nhân rộng mô hình nuôi gà sinh học thương phẩm

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Trên cùng một diện tích canh tác, so với trồng cây dứa hoặc cây hoa màu thì giá trị đem lại từ việc chăn nuôi gà sinh học thương phẩm cao hơn từ 30-50 lần. Đó là chia sẻ của ông Vũ Đức Lợi ở Tổ dân phố 7, phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).

Ông Vũ Đức Lợi cho biết: Đầu năm 2017, với sự tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ của Khối dân vận, Hội Nông dân phường Nam Sơn, gia đình ông đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chăn nuôi “Gà sinh học thương phẩm”. Trong quá trình triển khai thực hiện, ông Lợi được tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu vay vốn, liên kết bao tiêu sản phẩm. Trong đó, Hội Nông dân phường hỗ trợ kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện vệ sinh chuồng trại, giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, khu vực xung quanh, phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ. Bên cạnh đó, hỗ trợ thực hiện tốt các khâu như chọn con giống, chăm sóc, tiêm phòng bệnh, bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng thuốc sát trùng chuồng trại cho đàn gia cầm...

Sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi “Gà sinh học thương phẩm” bước đầu mang lại hiệu quả cao so với trồng cây hoa màu. Kết quả, sau khoảng 3,5 đến 4 tháng nuôi thử nghiệm, tỷ lệ sống trên đàn gà của gia đình đạt 90-95%. Khi xuất bán, gà mái đạt trọng lượng khoảng 1,5 đến 2 kg, gà trống có trọng lượng khoảng 2,5 đến 3kg, thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Từ thành công của những lứa gà đầu tiên, ông Lợi mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng 1.500m2 chuồng trại, lồng nuôi, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh trên diện tích đất của gia đình khoảng 2ha. Ban đầu ông đầu tư 3 nghìn con gà giống, đến nay đã phát triển được 2 trang trại nuôi từ 10-13 nghìn con. Mỗi năm gia đình ông xuất ra ngoài thị trường 3 lứa, mỗi lứa từ 2-3 tấn gà thịt; tổng thu nhập của gia đình từ 600-800 triệu đồng/năm. So với trước đây trồng cây dứa hoặc cây hoa màu thì giá trị đem lại từ việc chăn nuôi gà thương phẩm cao hơn từ 30-50 lần.

Ông Lợi cho biết thêm: Với mô hình chăn nuôi mới, những năm gần đây thu nhập của gia đình ông luôn ổn định và có phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho 4-6 lao động. Mô hình nuôi gà sinh học thương phẩm của ông cũng đã được nhiều hộ dân trong vùng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, toàn phường đã triển khai nhân rộng cho trên 10 hộ nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong chăn nuôi gia cầm, giá trị kinh tế đem lại cao hơn trước đây.

Theo ông Lợi, nuôi gà sinh học thương phẩm cũng có nhiều điểm tương đồng với nuôi gà truyền thống, dễ nuôi, kỹ thuật không cần cầu kỳ, sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có sức đề kháng tốt, tận dụng nguồn lao động dôi dư tại chỗ, sản phẩm đầu ra ổn định, vốn quay vòng nhanh, sẵn mối đầu tư liên kết và tiêu thụ sản phẩm… Do đó có thể phổ biến, nhân rộng để tăng hiệu quả kinh tế, nhất là ở vùng đồi núi như Tam Điệp. Tuy nhiên, cũng cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức như Hội Nông dân làm cầu nối giữa người nông dân với Nhà nước, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư để hộ gia đình được tiếp cận với các chủ trương, chính sách trong vấn đề phát triển kinh tế, hỗ trợ tiền vay, hỗ trợ lãi suất; tiếp thu các kiến thức khoa học, kinh nghiệm hay, đảm bảo đầu ra ổn định giúp nông dân an tâm sản xuất. Đặc biệt là quan tâm việc bảo vệ môi trường, chất lượng an toàn từ sản phẩm làm ra.

Vân Giang

Bắc Giang: Chăn nuôi gà lông màu an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Những ngày cuối tháng mười một này về xã Hoàng An huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) gặp gỡ những hộ chăn nuôi gà trong dự án “Phát triển mô hình chăn nuôi gà lông màu theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm” do trường Đại học nông lâm Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang triển khai, chúng tôi vô cùng phấn khởi bởi mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Bùi Văn Thạnh thôn An Cập, xã Hoàng An cho biết, khi đang loay hoay giữa cơn bão dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông không biết phải phát triển kinh tế bằng cách nào. Đúng lúc đó ông nhận được thông báo của UBND xã Hoàng An về việc phát triển chăn nuôi gà lông màu theo hướng an toàn sinh học, ông mạnh dạn đăng ký tham gia. Tham gia dự án các hộ dân được cán bộ kỹ thuật của dự án hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn như cải tạo hệ thống chuồng trại, làm tường bao và hàng rào xung quanh khu vực chăn nuôi, thực hiện chế độ nuôi khép kín đối với từng dãy chuồng, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại trong suốt quá trình nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi… Đến nay, sau hơn 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng khoảng 2,3 kg/con, với giá bán buôn tại hộ 70.000 đồng/kg, gia đình ông Thạnh thu lãi khoảng 50.000 đồng/con. Nuôi 1.000 con thời điểm này sẽ cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/lứa.

Cùng tham gia dự án tại xã Hoàng An, gia đình ông Nguyễn Văn Tược cho biết, từ khi tham gia mô hình gia đình cũng học hỏi được nhiều kỹ thuật mà từ trước tới nay chưa biết đến như việc ghi chép sổ sách trong quá trình chăn nuôi. Tham gia dự án việc bắt buộc đối với các hộ là phải ghi chép nhật ký chăn nuôi, từ ngày nhập gà, ngày dùng vắc-xin và giao cám…, đến việc thất thoát đầu con đều được ghi chép cẩn thận. Ghi chép đã góp phần giúp các hộ chăn nuôi hoạch toán lỗ lãi một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt đây là dự án phát triển chăn nuôi gà theo chuỗi nên các hộ tham gia được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hàng tuần hàng tháng đều có cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Trường Đại Học Nông lâm và Công ty cám Hải Thịnh về tư vấn kỹ thuật kịp thời nên đàn gà phát triển rất tốt, gia đình rất yên tâm trong quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Tược kiểm tra đàn gà của gia đình

Ông Tược tâm sự, từ trước tới nay khi chăn nuôi gà gia đình hoàn toàn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng tham gia dự án, đại diện của dự án cũng đã thông báo rõ sẽ thu mua sản phẩm khi các hộ gặp khó khăn trong quá trình xuất bán... Tuy nhiên, thời điểm này giá thịt lợn tăng cao kéo theo các mặt hàng khác cùng tăng theo trong đó phải kể đến sản phẩm thịt gà. Hiện nay giá gà lông đã đạt đỉnh điểm 70.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Quốc Mỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa khẳng định, dự án “Phát triển mô hình chăn nuôi gà lông màu gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã thực sự đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, góp phần làm thay đổi thói quen chăn nuôi của bà con địa phương. Để động viên khích lệ bà con chăn nuôi Trung tâm đã thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm gà thả vườn của các hộ tham gia mô hình. Dự kiến trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sang các xã lân cận trên địa bàn huyện.

Nguyễn Thanh - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

Giá gà tăng vọt

Nguồn tin: VnExpress

Hai tháng trước giá gà lông trắng ở mức 13.000 - 15.000 đồng một kg thì nay tăng lên 42.000 đồng.

Ông Phong, chủ trang trại gà Đồng Nai cho biết, mấy ngày nay giá gà ông bán ra liên tục tăng. Cách đây 5 ngày ông bán 1.000 con với giá 36.000 đồng một kg thì nay đã lên 42.000 đồng.

"Mặc dù giá gà tăng cao nhưng do trước đó giá xuống thấp hơn giá thành nên trang trại của tôi vẫn chưa thể bù lỗ", ông Phong nói và giải thích, hai tháng trước mỗi ngày trang trại của ông phải xuất đi vài nghìn con đã tới lứa và số lỗ lên tới vài tỷ. Do đó, để cắt lỗ ông không dám tái đàn nhiều nên tới nay lượng gà có để xuất chuồng giảm tới 50%.

Chung tình cảnh giá gà tăng cao nhưng không có nguồn để bán, ông Năm ở Đồng Nai cho rằng, vì bán gà để cắt lỗ đợt trước nên đợt này sản lượng gà trưởng thành của ông chỉ chiếm 50% sản lượng của đợt đầu tháng 9. "Vì sản lượng giảm, giá cả lại không ổn định nên dù đang ở mức 42.000 đồng thì năm nay chăn nuôi gà vẫn gặp khó", ông Năm nói.

Giá gà lông trắng tăng cao. Ảnh: GV.

Theo Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, hiện giá gà đang tăng thêm 6.000 đồng so với tuần trước đó, đẩy giá gà hơi lông trắng lên đỉnh 42.000 đồng một kg, cao nhất trong 11 tháng qua.

Ông Quyết cho biết, có ba nguyên nhân khiến giá gà tăng cao. Thứ nhất là do hồi tháng 9, giá gà giảm mạnh khiến nhiều cơ sở chăn nuôi đua nhau bán để cắt lỗ nên nguồn cung giảm mạnh tới 30-40% đã đẩy giá gà tăng trở lại. Thứ hai là do dịch tả heo châu Phi lan rộng, nguồn cung heo giảm khiến giá heo tăng vọt, người dùng chuyển sang tiêu thụ thịt gà. Cuối cùng là giá gà trong nước xuống thấp kỷ lục khiến gà nhập khẩu khó cạnh tranh. Do đó, các đơn vị nhập khẩu dừng nhập khiến nguồn cung giảm so với trước.

"Dù giá gà đang tăng mạnh nhưng nhu cầu thị trường vẫn lớn, giá hấp dẫn hơn so với thịt heo. Hiện nhiều bếp ăn công nghiệp tích cực tăng mua thịt gà và giảm thịt heo nên nhu cầu thị trường đang tăng trên 15% so với trước đó", ông Quyết nhận định.

So với hồi giữa tháng 9, giá gà trắng đã cao hơn 2,8 lần. Còn so với giá bình quân của tháng 10, giá gà trắng đang cao hơn gần 40%. Không chỉ giá gà trắng, giá gà thịt lông màu cũng đã tăng đáng kể trong tháng 11. Đến ngày 28/11, giá gà thịt lông màu từ 40.000 đồng một kg hơi, tăng tới 30% so với giá bình quân của tháng 10.

Khảo sát tại các chợ TP HCM, giá thịt gà công nghiệp đã tăng thêm 10.000 đồng một kg so với hai tháng trước. Theo đó, đùi gà dao động 65.000 - 70.000 đồng một kg, ức gà 50.000 - 55.000 đồng, các loại chân gà tăng 45.000 - 50.000 đồng một kg.

Theo số liệu Tổng cục Hải, 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng thịt gà nhập khẩu đã giảm dần từ tháng 6 đến nay.

Giá thịt gà nhập khẩu về Việt Nam thời gian qua bình quân là 861 USD một tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng một kg chưa bao gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...

Thi Hà

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop