Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 5 năm 2019

Sẵn sàng trải nghiệm mùa Lễ hội trái cây Nam bộ

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Diễn ra xuyên suốt 3 tháng hè (từ 1-6 đến 31-8-2019) tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Lễ hội trái cây Nam bộ được tổ chức năm thứ 15 sẽ tiếp tục giới thiệu nét đặc sắc và đa dạng chủng loại trái cây vùng sông nước Nam bộ đến du khách khi đến TPHCM.

Các nhà vườn, nông dân trồng cây trái của 19 tỉnh, thành Nam bộ với 766 đơn vị sẽ mang đến lễ hội các loại trái to, ngon, lạ, được giảm giá 20-30%. Du khách sẽ được trải nghiệm hàng trăm loại trái cây các loại.

Ban tổ chức thông tin về Lễ hội trái cây Nam bộ lần 15 tại cuộc họp báo sáng 28-5. Ảnh: PHONG LAM

Theo đó, Lễ hội trái cây Nam bộ lần 15 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như: Chợ nổi trái cây, Hội thi trái ngon an toàn, Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây, Diễu hành trái cây, Khu vườn kỳ hoa dị thảo, Trình diễn nghệ thuật pha chế thức uống, Món ngon chế biến từ trái cây…

Lễ hội trái cây Nam bộ trở thành sự kiện văn hóa, du lịch độc đáo của TPHCM. Ảnh: PHONG LAM

Lễ hội trái cây Nam bộ 2019 do Sở Du lịch TPHCM, Sở NN-PTNN TPHCM, Sở Công thương TPHCM và Khu du lịch văn hóa Suối Tiên cùng phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM.

ĐÌNH DƯ

Phú Yên: Vui mùa quả ngọt ở Tuy An

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Nông dân các xã An Mỹ, Phú Điềm, An Chấn, An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) những ngày qua bội thu mùa quả ngọt trên những cánh đồng. Mùa quả chỉ kéo dài 40 đến 50 ngày, mỗi hộ dân có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Nông dân Trần Văn Tài gánh dưa gang lên QL1A bán. Ảnh: NGỌC OAI

Ông Lê Đức Sang (52 tuổi, thôn Phú Long, xã An Mỹ), người dân đang trồng dưa gang trên cánh đồng thôn Phú Long, cho biết: “Những cánh đồng ở huyện Tuy An này là vùng đất đen phù sa nên trồng cây gì cũng tươi tốt. Trồng rau quả, nhất là dưa gang thì cho trái to lắm”.

Nông dân Sang kể, nghề trồng dưa tại huyện Tuy An có truyền thống lịch sử lâu đời. Đời này truyền sang đời khác, cứ thế những lớp người thay nhau phát triển nghề. Những cánh đồng như đồng Mốc (xã An Chấn), xóm Chùa, bàu Súng, bàu Đường (xã An Mỹ)… thường bạt ngàn rau, quả như: dưa gang, dưa hấu, dưa bơm, dưa lê, rau, khổ qua… Mấy năm trước trồng quả trúng lớn, cứ 1 sào đất (500m2) thu về vài triệu đồng, có hộ mỗi vụ thu cả trăm triệu đồng.

Đang tay thu hoạch vựa dưa gang nằm sát bên QL1A, anh Trần Văn Tài (46 tuổi, xã An Mỹ) vui vẻ: “Tui có 4 năm trồng rau muống, năm nay thấy chán nghề nên chuyển sang học trồng dưa. Tôi đến thuê 7 sào đất của hợp tác xã ở bên QL1A này để trồng dưa gang, dưa lê, dưa bom và cả dưa hấu. Mới xuống giống chăm sóc 45 đến 50 ngày mà vựa dưa gang này đã ra trái sai kinh khủng. Nhiều thương lái đánh giá, trước nay vùng rau quả Tuy An chưa có ruộng dưa gang nào sai trái như ruộng của tui hết. Dưa nhiều trái, cho quả rất ngọt nên thương lái đổ xô đến hẹn thu mua từ rất sớm. Đã hơn 1 tuần nay, tui gánh quả, bán được hơn 30 triệu rồi mà ruộng dưa vẫn còn ngổn ngang. Hiện, vẫn còn 2,5 sào quả dưa hấu đang chuẩn bị cho thu. Vụ này, chắc thắng lớn!”.

Một số thương lái đang bán dưa trên QL1A (đoạn qua tỉnh Phú Yên) rỉ tai rằng, ở vùng dưa Tuy An, dưa gang và dưa lê cho trái rất ngọt, nhất là vùng ruộng ở xã An Hiệp, Phú Điềm. Hiện, giá dưa lê bán 15.000 đồng/kg; dưa gang, dưa bom, dưa hấu… khoảng 4.000 - 7.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã An Chấn, cánh đồng Mốc rộng khoảng 7ha. Trước đây, đồng này vẫn trồng lúa 2 vụ, nhưng khoảng 6 năm trở lại đây, nước ở đập thủy nông đồng Cam không đưa vào được nên bà con chuyển đổi qua trồng các loại quả ngắn ngày. Việc trồng quả này, mỗi năm cho thu nhập khá cao đối với người dân.

Ông Hồng hứa hẹn: “Sắp tới, nếu có nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới thì chúng tôi sẽ quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn quả, cho kéo điện, khoan giếng để bà con sản xuất rau quả sạch. Nếu làm được quy hoạch, liên kết được với các xã còn lại như An Mỹ, An Hiệp, Phú Điềm thì chúng tôi sẽ tạo được một vùng rau quả lớn nhất khu vực. Từ đó, ngành chức năng sẽ hướng dẫn cho bà con mở rộng phạm vi, tư duy, giống rau quả. Làm sao biến nơi đây thành vùng rau quả lớn, chuyên cung cấp sản phẩm sạch nhất đến với người tiêu dùng…”.

NGỌC OAI

Xúc tiến xuất khẩu quả bơ sang thị trường Mỹ

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Bộ NN&PTNT đang cùng các bộ, ngành phối hợp, xúc tiến đưa quả bơ Việt Nam xuất khẩu tới Mỹ - đây là thị trường tiêu thụ bơ rất lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2018, nước này chi 2,35 tỷ USD để nhập 1,04 triệu tấn bơ. Bơ được 51% hộ gia đình tại Mỹ tiêu thụ với mức trung bình 24,5 USD/năm/hộ.

Bơ là loại trái cây ăn liền nên các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm các yếu tố an toàn thực phẩm. Để xúc tiến, đưa được bơ sang Mỹ, cần xây dựng vùng sản xuất bơ bảo đảm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn nước nhập khẩu về độ chín, màu sắc, trọng lượng; quả bơ phải nguyên vẹn, sạch sẽ, không mang côn trùng, không qua tiếp xúc với môi trường quá ẩm ướt và trong tình trạng có thể vận chuyển, đóng gói được...

ĐỖ MINH

Làm giàu từ trồng vải lai u, vải u trứng

Nguồn tin: Tỉnh Hưng Yên

Ở thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc (Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) nhiều người biết đến gia đình ông Đoàn Văn Hiểu bởi ông có mô hình trồng vải lai u, vải u trứng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thu hoạch vải u trứng ở vườn của gia đình ông Đoàn Văn Hiểu

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi về thăm vườn sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGap của ông Hiểu, những chùm quả to, mọng nước đang độ chín lúc lỉu trên cây trông thật thích mắt.

Dẫn khách thăm vườn, ông Hiểu chia sẻ, nhiều năm trước, gia đình ông trồng giống vải gai, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khi biết ở xã Tam Đa (Phù Cừ) có mô hình trồng cây vải lai u, ông đã tìm đến tham quan, học tập. Với diện tích 2,7 mẫu ruộng, cách đây 7 năm, ông mạnh dạn chặt bỏ vườn vải gai và đầu tư trồng 240 cây vải lai u. Để nắm được kỹ thuật trồng, ông đã tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức và tích lũy kinh nghiệm từ thực tế. Sau gần 2 năm, vườn vải lai u của ông sinh trưởng tốt và cho thu hoạch.

Đặc biệt, ông Hiểu còn trồng 24 cây vải u trứng, là loại vải có nhiều ưu điểm như: quả to, mã đẹp, chất lượng vượt trội, được khách hàng ưa chuộng với giá bán cao hơn so với vải lai u.

Mặc dù năm nay thời tiết bất lợi cho cây vải, diện tích trồng vải của hầu hết các hộ đều đạt năng suất thấp hơn trung bình vài năm trước đây. Song vườn vải nhà ông Hiểu vẫn đạt năng suất tương đương năm trước, và cao hơn so với năng suất trung bình ở địa phương. Đó là nhờ các biện pháp kỹ thuật chăm bón cây vải mà ông Hiểu áp dụng trên diện tích trồng vải của gia đình mình.

Ông Hiểu tiết lộ, biện pháp khoanh cây vải được ông áp dụng vào thời điểm tháng 10 âm lịch, nguồn phân bón chủ yếu sử dụng cho cây vải là phân chuồng ủ hoai mục 6 tháng, mỗi năm chỉ bón hai lần (bón thúc mầm và bón thúc quả). Ngoài ra, ông bón thêm đạm, lân, kali.

Để phòng trừ sâu, bệnh, ông chủ yếu dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thuốc được phép sử dụng trên rau quả an toàn...) và cách ly trước thời điểm thu hoạch ít nhất 20 ngày để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sử dụng.

Vụ vải này, gia đình ông Hiểu ước thu hoạch được từ 13 - 15 tấn quả vải lai u và 2 tấn quả vải u trứng, tương đương sản lượng năm ngoái. Không những không bị mất mùa, nhờ chăm sóc cẩn thận, quả vải của gia đình ông Hiểu còn cho chất lượng cao: không bị sâu đầu, quả to, mã đẹp, ngọt thơm nên được thương lái đến tận vườn thu mua. Với giá bán 20.000 đồng/kg quả vải lai u và 50.000 - 55.000 đồng/kg quả vải u trứng, vụ vải này, ông Hiểu ước thu khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Để cây vải ngày càng phát triển, giá trị cây vải ngày càng được nâng cao, ông Hiểu tiếp tục tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, học hỏi bí quyết của người trồng vải lâu năm trên quê hương mình để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, ông nhiệt tình chia sẻ những kiến thức kỹ thuật chăm sóc cho các hộ trồng vải tại địa phương với mong muốn nông dân trồng vải có nhiều mùa bội thu hơn so với năm nay.

HƯƠNG GIANG

Phát triển nghề trồng nấm thương phẩm trên địa bàn Gia Lai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Nấm là một trong những cây trồng khá thích hợp với điều kiện khí hậu ở Gia Lai, cho giá trị kinh tế cao và hầu như không ảnh hưởng đến môi trường sống. Chính vì vậy, những năm qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã “bén duyên” với nghề trồng nấm và không ngừng nhân rộng, phát triển đa dạng các loại nấm thương phẩm.

Nền tảng từ một dự án

Năm 2013, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nấm rơm, nấm sò và nấm mộc nhĩ cho người dân”; thời gian thực hiện trong 2 năm với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Mô hình có sự tham gia của 50 hộ dân (15 hộ sản xuất nấm sò, 20 hộ trồng nấm rơm và 15 hộ trồng nấm mộc nhĩ) tại TP. Pleiku và các huyện, thị xã: Đak Pơ, Phú Thiện, An Khê, Ayun Pa với quy mô 5.000 m2 lán trại. Ngoài hỗ trợ 2.000 bịch phôi giống/hộ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ còn đào tạo 5 kỹ thuật viên cơ sở và tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho 100 lượt người dân, chú trọng vào các địa bàn trọng điểm cũng như nơi có hộ dân tham gia các mô hình của dự án. Qua đó, các hộ đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế, bảo quản nấm để áp dụng vào sản xuất.

Ông Trương Xuân Phú-nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Chủ nhiệm dự án-cho hay: “Qua theo dõi, năng suất trung bình của mô hình trồng nấm rơm đạt hơn 1,3 tạ nấm tươi/1 tấn nguyên liệu; nấm sò đạt gần 300 gram tươi/bịch phôi; nấm mộc nhĩ đạt hơn 50 gram khô/bịch phôi. Nhìn chung, năng suất các loại nấm khá ổn định, có thể duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh”.

Dự án của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã giúp nhiều người dân “bén duyên” với nghề trồng nấm. Ảnh: Hồng Thi

Cũng theo ông Phú, thời gian qua, giá cả có lúc xuống thấp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người trồng nấm. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu của Gia Lai rất thuận lợi nên hiệu quả kinh tế thu được từ nghề trồng nấm vẫn khá tốt, đồng thời người dân cũng đã có kinh nghiệm trong sản xuất loại cây trồng này nên sau khi dự án kết thúc, mô hình vẫn được duy trì.

Phát triển đa dạng các loại nấm

Nấm ăn là loại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, thậm chí một số loại còn chứa các thành phần dược liệu. Sau khi kết thúc dự án trên, nhiều hộ dân trong tỉnh đã phát triển mạnh nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu, trong đó chủ yếu là nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ và linh chi. Hiện nay, một số hộ dân tham gia mô hình đã đầu tư mở rộng sản xuất với quy mô trang trại, sử dụng các trang-thiết bị khoa học kỹ thuật, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh được trên thị trường.

Từ chỗ chỉ có một cơ sở sản xuất nhỏ, hộ ông Phan Ngọc Tuấn (tổ 4, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Hoàng Đức Phát Gia Lai chuyên sản xuất và cung cấp các loại nấm ăn, nấm dược liệu cho thị trường cả nước. Ông Tuấn cho hay, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông đã tự làm meo, tận dụng mùn cưa cây cao su để sản xuất nấm mộc nhĩ xuất khẩu và nấm sò cung cấp cho thị trường nội địa. Khi ấy, trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông xuất khoảng 6 tấn mộc nhĩ khô đi Đài Loan và vài tạ nấm sò tươi cho địa bàn Gia Lai cùng một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, ông còn bán từ 800 ngàn đến 1 triệu bịch phôi giống/tháng.

Ông Phan Ngọc Tuấn đang cấy meo nấm. Ảnh: H.T

Những năm sau đó, giá nấm giảm mạnh, các thành viên trong gia đình lại thay nhau đổ bệnh nên ông Tuấn đành tạm ngưng trồng nấm trong một thời gian dài. “Năm 2013, khi sức khỏe dần cải thiện, tôi lại trở về với nghề trồng nấm để vực dậy kinh tế gia đình. Đúng lúc ấy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai dự án sản xuất nấm thương phẩm, tôi là một trong những hộ được chọn tham gia. Đây là cơ hội để tôi gầy dựng lại cơ sở của mình”-ông Tuấn tâm sự.

Bên cạnh sản xuất các loại nấm thông thường, ông Tuấn còn tự ghép mô để tạo ra các loại nấm mới vừa phù hợp với khí hậu địa phương, vừa có khả năng kháng bệnh và cho năng suất, giá trị dinh dưỡng cao như: mộc nhĩ Đài Gia (ghép giữa nấm mộc nhĩ rừng ở Gia Lai với mộc nhĩ Đài Loan), sò xám (ghép giữa nấm sò trắng miền Nam nước ta với nấm sò đen Nhật Bản) để trồng và cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, ông cũng thành công trong việc trồng các loại nấm quý như: hoàng chi Nhật Bản, linh chi đỏ Hàn Quốc, vân chi Nhật Bản… với giá bán dao động từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.

Anh Trương Công Hạnh (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) cũng là một trong những hộ tham gia dự án và đã duy trì mô hình trồng nấm sò suốt 6 năm qua. “Hiện tôi là người duy nhất trồng và cung cấp nấm sò ở Đak Pơ. Tôi thấy trồng nấm không khó và cũng không tốn nhiều công chăm sóc, sau 3 tháng treo phôi là có nấm hái hàng ngày, thu nhập cũng tạm ổn. Tuy nhiên, khí hậu ở Đak Pơ khá nắng nóng, độ ẩm thấp, hầu như nấm trồng chỉ đạt năng suất vào mùa mưa còn mùa khô thì kém. Do đó, tôi chưa dám mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dù nhu cầu tiêu thụ tại địa phương khá lớn”-anh Hạnh bày tỏ.

Việc phát triển các loại nấm thương phẩm trên địa bàn tỉnh ta đa dạng là thế, song trên thực tế có khá ít hộ dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất mà phần lớn còn manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, người trồng nấm chưa có sự liên doanh, liên kết với các đơn vị thu mua, xuất khẩu sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu trong và ngoài nước để phát triển các thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn. Đây là một khó khăn cần sớm tháo gỡ nếu muốn đẩy mạnh nghề trồng nấm theo hướng hàng hóa với quy mô lớn trên địa bàn.

HỒNG THI

Phú Yên: Đồng bào miền núi cần nước cho sản xuất

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Cán bộ nông nghiệp huyện Đồng Xuân hướng dẫn nông dân chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng đậu phộng - Ảnh: MINH DUYÊN

Thiếu nước mía khô lá, sắn chậm phát triển, keo không đạt kích thước gỗ… Hiện trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn phụ thuộc vào nước trời, nên khi nắng nóng kéo dài, sản xuất của bà con gặp khó. Các địa phương đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế khó khăn trước mắt.

Trông trời mưa xuống

Mang Y ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) chỉvào hai đám keo, nói: Đám trên cao không có nước, đọt lá bắt đầu vàng đi. So với đám gần suối (tuy suối đã cạn nhưng vẫn còn độ ẩm) lá cây còn xanh. Người trồng rừng như tôi chỉ cần nhìn vào màu lá là biết cây thiếu nước hay không. Năm nay nắng gay gắt quá, nếu trời không mưa thì đám keo thiếu nước chắc chắn sẽ bị còi, phải trồng 6-7 năm mới khai thác được, chứ không phải 5 năm như keo có điều kiện nước tưới thuận lợi.

Còn theo Ksor Y Múp ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), sắn năm nay mất mùa, thiếu nước, trồng 2-3 tháng rồi nhưng cây chỉcao khoảng 20-30cm. “Mọi năm, khoảng thời gian này là giai đoạn sinh trưởng tốt nhất của cây sắn, thân vươn cao, lá xanh, bộ rễ phát triển chuẩn bị tạo củ. Tôi vừa nhổ thử một gốc sắn chỉ có 2 rễ, mọi năm tầm này phải ra cả chùm rễ rồi. Tôi lo lắm, cứ tình trạng thiếu nước thì không thu hoạch được bao nhiêu”, Ksor Y Múp nói.

Ông Nguyễn Văn Huyên ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: Mía vừa chặt, tôi cũng vừa đốt rẫy để gốc có kali từ tro mà nảy mầm, nhưng năm nay mía nảy mầm chậm, nguyên nhân chính là thiếu nước. Mọi năm cũng nắng hạn, nhưng thường thì ngày nắng chiều mát và thỉnh thoảng có mưa, đủ ướt đất để cây có điều kiện phát triển. Năm nay nắng oi, nhiều ngày liền không có lấy một cơn mưa nào. Tôi cũng đã mua phân về chuẩn bị bón cho mía, nhưng thời tiết thế này phân không tan được vào đất, cây cũng chẳng nhận được gì…

Giải quyết khó khăn trước mắt

Tại huyện Sông Hinh, ngoài hệ thống sông suối, hồ chứa nước, hiện có hơn 20 công trình thủy lợi được xây dựng với khoảng 125km kênh mương, đảm bảo nước tưới cho hàng ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp. Song bà con phải có đủ phương tiện như máy bơm, đường ống để kéo nước về ruộng rẫy của mình. Theo ông Ksor Y Phao, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, đồng bào sống ở vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế hạn chế nên không có nhiều điều kiện đầu tư cho sản xuất. Rẫy của đồng bào chủ yếu ở núi cao với địa hình phức tạp nên ngoài nước trời và nước từ các khe suối, bà con khó lấy nước từ nguồn nào khác vì không đủ kinh phí đưa nước lên. Để hạn chế trước mắt tình trạng này, đơn vị đã hướng dẫn bà con tạo ra các bể chứa nước linh hoạt đặt tại rẫy để giải quyết một phần khó khăn về nước tưới khi gặp thời tiết cực đoan. Đơn vị cũng phối hợp với Phòng NN-PTNT hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng trên diện tích thiếu nước không đạt hiệu quả kinh tế.

Tại các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân thì khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật vào sản xuất để giảm nhu cầu về nước tưới. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Đơn vị hướng dẫn đồng bào chuyển diện tích trồng lúa thiếu nước sang trồng đậu phộng, bắp. Với diện tích trồng rừng sản xuất trên các đồi, núi cao thì khuyến khích bà con áp dụng kỹ thuật trồng cây gỗ lớn từ 8-10 năm tuổi. Vì cây gỗ lớn bám sâu vào đất tự tìm nguồn nước nên khả năng sinh tồn cao hơn trong thời tiết nắng nóng khô hạn. Đồng thời giá trị kinh tế của cây gỗ lớn cao hơn gấp nhiều lần so với gỗ 5 năm. Đối với hộ đồng bào có diện tích sản xuất lớn, đơn vị khuyến khích bà con phát triển mô hình trang trại, kết hợp trồng trọt với đào ao thả cá, chăn nuôi heo bò, để vừa có nước tưới, phân bón cho cây trồng vừa tăng nguồn thu nhập.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, do địa hình và điều kiện về kinh tế nên việc xây dựng các công trình cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Hàng năm, nguồn kinh phí từ các chương trình, chính sách hỗ trợ hạ tầng cơ sở cho đồng bào thiểu số chỉ mới chủ yếu tập trung cho xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và các công trình cấp nước sinh hoạt. Sản xuất của bà con ở đây phụ thuộc chủ yếu vào nước trời nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Các giải pháp tình thế trước mắt cũng chỉ góp phần hạn chế phần nào tình trạng thiếu nước, song về lâu dài thì chỉcó đầu tư hạ tầng cho thủy lợi mới giúp bà con sản xuất ổn định, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

MINH DUYÊN

Tiêu chết như ngả rạ, nông dân Bình Phước lao đao

Nguồn tin: Lao Động

Nhiều hộ dân nhìn vườn tiêu chết trong tình cảnh ruột đau như cắt... Ảnh: Đ.T

Nhiều hộ nông dân trồng tiêu ở tỉnh Bình Phước đang lâm cảnh dở khóc dở mếu, khi hàng trăm héc-ta vườn tiêu đang xanh tốt, bỗng dưng … vàng lá, khô cành, rồi chết đứng. Cơ quan chức năng tỉnh đã vào cuộc nhưng chưa thể tìm ra nguyên nhân sự việc.

Tiêu chết đồng loạt

Bà Nguyễn Thị Hương (trú thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất. Bà Hương cho biết: Từ năm 2010, khi hạt tiêu có giá rất cao, gia đình bà đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để trồng mới khoảng 3.000 trụ tiêu. Rồi sau đó, số lượng lên tới hơn 6.000 trụ… Bất ngờ, năm 2017, hơn 1.000 trụ bị nhiễm bệnh và chết dần.

Đến cuối năm 2018, hơn 5.000 trụ còn lại bắt đầu vàng lá, khô cành, chết như ngả rạ… Và, trong hơn tháng qua, thì gần như vườn tiêu nhà bà Hương bị "xóa sổ".

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Lý (thôn 9) cũng bị thiệt hại với 2.500 nọc tiêu, tương đương gần hơn 1,5ha. Đến nay, toàn bộ vườn tiêu của gia đình bà Lý thiệt hại đến 80%. Theo bà Lý, vườn tiêu đang xanh tốt bỗng dưng chuyển sang ngả vàng, khô lá rồi chết mà không rõ nguyên nhân.

Trước tình cảnh đó, bà lý đã sử dụng mọi biện pháp trừ bệnh nhưng vẫn không khỏi bệnh. Tiêu chết thành từng cụm rồi lây lan nhanh sang các trụ khác khiến gia đình bà Lý như ngồi trên đống lửa. Ngoài số nọc tiêu chết hẳn, những nọc tiêu kịp thời được cách ly tuy không bị lây bệnh nhưng cũng èo uột, thiếu sức sống.

Nhiều chủ vườn cắt hạ vườn tiêu để chuyển sang trồng loại cây khác. Ảnh: Đ.T

Còn gia đình anh Lê Đình Thành (trú ấp Thanh Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản), cách đây khoảng 3 tháng vườn tiêu với hơn 2.000 nọc đột nhiên ngả vàng, rụng lá, rồi chết không rõ nguyên nhân. Ngay sau khi phát hiện tiêu có dấu hiệu bệnh, anh Thành thuê máy cuốc đào mương sâu nhằm cách ly hồ tiêu bị bệnh nhưng vẫn không ăn thua.

Gia đình anh Trương Văn Nghiệp (ấp Tân Phước, xã Tân Tiên, huyện Bù Đốp) với gần 3.000 nọc tiêu chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch, thì vào tháng 4.2019 vừa qua, hàng ngàn nọc tiêu bỗng rụng lá, gốc rễ thối đen và không ngừng lây lan khiến gia đình anh không kịp trở tay…

Chưa rõ nguyên nhân tiêu chết

Ông Hà Anh Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh - nói: “Trước tình trạng tiêu chết, Sở Khoa học và công nghệ Bình Phước đã mời các nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có giải pháp giúp người dân đối phó sâu bệnh trên cây tiêu.

Ông Hồ Long Nhật (huyện Hớn Quản) đã trồng xen cây ăn trái trong vườn tiêu đang nguy cơ bị xóa sổ. Ảnh: Đ.T

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp hữu hiệu, cụ thể điều trị cho loại cây trồng này. Hiện nay, người dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh vẫn đang tự cứu vườn tiêu của gia đình bằng những kinh nghiệm vốn có, cùng với những lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng”.

Trước đó, năm 2018 toàn tỉnh Bình Phước có hơn 570ha tiêu bị bệnh chết nhanh. Theo ông Dũng, tình trạng thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô, mùa mưa thì lốc xoáy…; càng khiến người trồng tiêu ở tỉnh Bình Phước đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Bình Phước là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, với 17.178ha, tăng hơn 700ha so năm 2017. Tuy nhiên, gần đây năng suất tiêu giảm đáng kể. Niên vụ 2017-2018 chỉ đạt 14 tạ/ha, sản lượng giảm hơn 40% so niên vụ 2016-2017.

Bệnh chết nhanh làm hồ tiêu chết hàng loạt, mức độ gây hại trên 70%, tập trung ở một số huyện, thị xã như: Bù Gia Mập 310ha, Bình Long 79ha, Hớn Quản 54ha, Bù Đốp 41ha, Lộc Ninh 25ha…

ĐÔNG ANH - ĐỨC TRUNG

Giữ ổn định nguồn cung thực phẩm

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Hiện nay, lượng lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy khá lớn. Để bù đắp nguồn cung thực phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương tích cực phát triển chăn nuôi các vật nuôi khác, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giá cả bấp bênh

Gia đình ông Phí Văn Thành, thôn Tân Độ, xã Tân Liễu (Yên Dũng) chăn nuôi vịt gần 20 năm nay. Ông luôn duy trì tổng đàn 1,5 nghìn con vịt đẻ, cung cấp ra thị trường hơn 1,2 nghìn trứng/ngày. Ngoài ra, ông còn tận dụng hơn 1 ha mặt nước để thả cá. Từ chăn nuôi ông thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Phạm Văn Dũng (bên phải), thôn Đồng Thịnh, xã Nhã Nam (Tân Yên) giới thiệu với khách cơ sở chăn nuôi gà đẻ công nghệ cao.

Ông Thành chia sẻ, hằng năm, trước khi thu hoạch lúa chiêm nửa tháng là ông vào đàn vịt con để sau khi gặt, vịt có thể ra đồng kiếm ăn. “Đầu tháng 5 vừa rồi tôi mua 1,7 nghìn vịt con hậu bị với mục đích kế vào đàn vịt đang sinh sản hiện có. Năm ngoái gia đình tôi nuôi 6 nghìn vịt thịt nhưng năm nay dự kiến chỉ nuôi một nghìn con vì lo thị trường có nhiều biến động”, ông Thành nói.

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất gà giống tại Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên… sức tiêu thụ, giá bán đều giảm so với trước. Trong đó, giá gà giống các loại giảm từ 7 đến 9 nghìn đồng/con. Hiện gà đồi thương phẩm tại Yên Thế dao động từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg (tùy theo độ tuổi của gà), thấp hơn thời điểm này năm trước hơn 5 đến 10 nghìn đồng/kg.

Giá vịt thương phẩm dao động từ 40 đến 45 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 5 nghìn đồng/kg so với tháng trước (riêng giá vịt lại phụ thuộc vào lứa nuôi, nếu các hộ vào đàn và bán ra cùng thời điểm thì vịt sẽ rẻ và ngược lai). Các loại thực phẩm như thịt bò, trâu vẫn ổn định; thịt dê hơi tăng nhẹ, đạt 145 nghìn đồng/kg.

Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế nói: “Thông thường, khi nguồn cung thịt lợn giảm thì giá gà, vịt sẽ tăng nhưng năm nay lại hoàn toàn ngược lại, cả trước và sau khi lợn bị dịch bệnh, giá gà, vịt vẫn chững lại. Hiện HTX chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch tăng đàn gà thịt”. Được biết, không chỉ HTX của ông Cường mà hầu hết các hộ chăn nuôi trong huyện Yên Thế đều chưa tăng đàn vì đây là thời điểm mùa hè, và giá gà chưa có tín hiệu tăng.

Theo ông Lương Đức Kiên, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện tượng trên chứng tỏ trước mắt nguồn cung thực phẩm ngoài lợn của Bắc Giang vẫn dồi dào. Người chăn nuôi không tái đàn mạnh là do giá gà, vịt đang thấp. Một nguyên nhân nữa, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, người dân có tâm lý e ngại phát sinh dịch bệnh.

Đẩy mạnh chăn nuôi ngoài đàn lợn

Hiện bệnh dịch tả lợn châu phi (DTLCP) vẫn diễn biến phức tạp, đã lan ra 34 tỉnh, TP trên cả nước với hơn 1 triệu con lợn bị tiêu hủy và chưa dừng lại ở đó. Tình hình này ảnh hưởng lớn tới chăn nuôi lợn của Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Các đàn lợn khi mắc dịch bệnh đều phải tiêu huỷ, người chăn nuôi hạn chế tái đàn sẽ dẫn tới nguồn cung thực phẩm cho thị trường giảm sút trong thời gian tới.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trước thực tế này, Sở đã có văn bản yêu cầu các huyện, TP phát triển các đối tượng vật nuôi khác thay thế chăn nuôi lợn bị giảm sút trong thời gian qua. Theo đó, về gia cầm, tập trung phát triển mạnh đàn gà lông màu thả vườn, gà đồi, gà chuyên đẻ trứng; quan tâm tới các giống gà đang được thị trường ưa chuộng như gà lai chọi, lai đông tảo, gà hồ lai, phấn đấu tăng đàn từ 7% - 10% so với năm 2018, đưa tổng đàn gà của tỉnh đạt 17 triệu con vào tháng 10-2019. Cùng đó, các địa phương cũng tích cực chăn nuôi thủy cầm, chim bồ câu.

Đối với gia súc ăn cỏ, Sở yêu cầu người chăn nuôi tích cực nhân đàn, vỗ béo đàn trâu, bò, dê trước khi giết mổ để nâng cao chất lượng, sản lượng thịt đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường. Các huyện có lợi thế phát triển chăn nuôi trâu, ngựa bạch, dê, thỏ như: Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên cần xây dựng kế hoạch và có cơ chế đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT, Bắc Giang hiện có tổng đàn gia cầm 14 triệu con; trâu 47 nghìn con; bò 140 nghìn con; dê 32 nghìn con; lợn hơn 600 nghìn con (giảm khoảng 40% tổng đàn từ khi có bệnh DTLCP),…

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tăng cường giúp người dân phòng bệnh cho đàn vật nuôi và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm...

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài Yên Thế và Lục Ngạn thực hiện các đề án xây dựng vùng nuôi và thương hiệu “Dê núi Hồng Kỳ” (Yên Thế) và “Dê Biên Sơn”, “Trâu Phong Minh”, “Ngựa Phong Vân”, “Gà thiến Tân Sơn” (Lục Ngạn) từ trước khi bệnh DTLCP xuất hiện thì các địa phương vẫn chưa triển khai chỉ đạo của ngành nông nghiệp theo chủ trương trên. Lý do được các nơi đưa ra là đang tập trung nhân lực cho việc chống bệnh DTLCP.

Thiết nghĩ, việc chăn nuôi không phải một sớm một chiều mà hình thành và có sản phẩm xuất bán được. Do đó, các huyện, TP không được chủ quan vì thấy thời điểm này nguồn cung thực phẩm vẫn dồi dào mà lơ là khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi. Bởi ngoài tránh bị động nguồn cung thực phẩm, bù cho lượng thịt lợn thiếu hụt thì việc tăng đàn vật nuôi ngoài lợn cũng làm tăng giá trị, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định.

Thế Đại

Dịch tả lợn Châu Phi tấn công: Người chăn nuôi phải tự cứu lấy mình!

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Vệ sinh và tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

Trước bệnh dịch tả lợn Châu Phi tấn công và nguy cơ lây lan nhanh, người chăn nuôi đang đứng trước 2 khó khăn rất lớn đó là thiệt hại từ thị trường khi giá heo đang giảm mạnh. Bên cạnh những biện pháp phòng chống, kiểm soát của ngành chức năng thì bản thân người chăn nuôi cũng phải nâng cao nhận thức tự cứu lấy mình và đàn heo!

Không cho heo ăn thức ăn thừa nữa!

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nuôi heo rừng sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến phát sinh dịch bệnh tại các tỉnh phía Bắc.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Thanh Dũng- chủ cơ sở nuôi heo rừng (tại Khóm 6, Phường 5- TP Vĩnh Long) bị nhiễm bệnh dịch vừa được phát hiện cũng thừa nhận: “Tôi nuôi heo rừng được 4 năm nay, chủ yếu là cho ăn thức ăn thừa. Trước đây thấy heo cũng khỏe mạnh bình thường nên nghĩ không sao. Tôi cũng có biết thông tin bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng đâu có ngờ lại xảy ra chính nơi mình nuôi”.

Từ khi xuất hiện dịch bệnh, ngành chức năng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khống chế dịch, hạn chế dịch lây lan ra các khu vực khác. Theo đó, UBND TP Vĩnh Long đã công bố dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn từ ngày 21/5/2019. Theo đó, vùng dịch là Phường 5 và Phường 8, vùng uy hiếp là bán kính 3km bao gồm các phường xã còn lại của TP Vĩnh Long.

34% nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh là cho heo ăn thức ăn thừa.

Về biện pháp xử lý tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh, ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Không điều trị heo bệnh, heo nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, khi phát hiện heo bị bệnh dịch, ngành thú y đã tiêu hủy toàn đàn trong 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh.

Bên cạnh đó, ngành thú y còn thực hiện các biện pháp khoanh vùng ổ dịch. Theo đó, đối với vùng dịch uy hiếp trong phạm vi 3km đã thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục 1 lần/ngày, trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3/lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đồng thời, theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con heo nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn Châu Phi.

“Nghiêm cấm vận chuyển heo và các sản phẩm heo ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Không vận chuyển heo con, heo giống ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y”- ông Nguyễn Thành Một cho biết thêm.

Người chăn nuôi hãy tự cứu lấy mình!

Hiện, nhiều người chăn nuôi cũng nơm nớp lo sợ về tình hình dịch bệnh hiện nay. Cô T.T.H. (Chánh Hội- Mang Thít) cho hay: “Trước đây nghe bệnh dịch ở đâu nên cũng còn chưa quan tâm nhưng giờ dịch đã vào tỉnh rồi. Tôi nuôi có hơn 10 con heo mà trước giờ cũng hay cho ăn thức ăn thừa nên tôi lo quá. Nghe khuyến cáo, tôi đã ngưng cho ăn thức ăn thừa, đồng thời tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, thêm các khoáng chất để tăng đề kháng cho heo, mong dịch sẽ không lan đến đây”.

Theo nhiều người, nếu như dịch tả lợn Châu Phi lây lan rộng thì hậu quả sẽ khủng khiếp so với cách bệnh khác bởi “bệnh khác còn chữa được, còn dịch tả lợn Châu Phi mà bùng phát là nó lan rất nhanh và chết 100%, không còn cách gì cứu được”- một hộ chăn nuôi heo ở Long Hồ cho hay.

Vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt thực hiện các biện pháp dập dịch và khống chế dịch lây lan của ngành chức năng, để hạn chế tối đa và giảm mức thiệt hại thấp nhất thì quan trọng nhất là ý thức của người chăn nuôi.

Cụ thể, để hạn chế được thấp nhất mức độ lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người chăn nuôi cần tuân thủ nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt.

Người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại. Trong ảnh: Rắc vôi, khử trùng vùng dịch.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho rằng: người chăn nuôi phải nhận thức rõ vấn đề là dịch đã đến Vĩnh Long rồi, phải hiểu rõ tác hại và thiệt hại mà bệnh dịch gây ra. Do đó, người chăn nuôi phải tự giữ và bảo vệ lấy đàn heo của mình.

Tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa cho heo, không để người lạ vào chuồng trại, trước khi vào chuồng thực hiện sát trùng, tắm, thay quần áo, thay ủng. Phải cách ly chuồng trại với các nguồn khác có nguy cơ lây bệnh. Đồng thời, phải tăng cường hơn nữa trong biện pháp phòng như tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin,…

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

TP.HCM: Phát triển nuôi bò thịt chất lượng cao

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

Để phát triển đàn bò thịt năng suất cao trên địa bàn TP.HCM, UBND thành phố đã chủ trương phát triển đàn bò thịt song song với bò sữa, được xem là bước đột phá trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt. Mục tiêu là hình thành các giống bò lai phù hợp với các điều kiện chăn nuôi tại thành phố.

Trong đó, lựa chọn các dòng tinh bò thịt cao sản như: BBB, Red Angus, Droughtmaster... phối cho bò cái nền lai Sind hoặc bò cái HF có năng suất sữa thấp nhưng khả năng sinh sản tốt tạo ra con lai F1 có ưu thế lai cao, mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với chăn nuôi các giống bò thịt truyền thống trước đây.

Trung tâm khuyến nông TP.HCM đã triển khai mô hình “Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại” thực hiện theo phương thức phối hợp dựa trên danh sách cập nhật 45 con bò cái đã mang thai được phối tinh bò Red Angus, Brahman, BBB... từ Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Bê lai sau thời gian nuôi 12 - 18 tháng đạt trọng lượng trung bình 331 - 503 kg/con.

Một số giống bò thịt chất lượng cao

Bò Brahman: Đây là giống bò nhiệt đới, lớn con, thân dài, lưng thẳng, có chân trung bình đến dài. BòBrahman cómàu lông thay đổi, nhưng trội hơn cả là màu trắng ghi đến trắng xám (Brahman trắng) và màu đỏ sáng (Brahman đỏ). Đặc điểm sản xuất thịt vượt trội so với các giống bò có u khác. Ưu điểm nổi bật của giống này là năng suất thịt cao hơn hẳn các giống bò có u khác, thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có khả năng sử dụng thức ăn thô tốt và chịu gặm cỏ. Bò cái mắn đẻ, tuổi thọ cao, sinh đẻ dễ và rất ham con. Bò cái trưởng thành đạt 450 - 500 kg, bò đực 800 - 900 kg (có nhiều bò đực giống nặng trên 1.000 kg). Khối lượng bê sơ sinh 22 - 25 kg. Bê đực Brahman có khả năng tăng trọng tốt. Tỷ lệ thịt xẻ 52 - 55%.

Bò Droughtmaster: Giống này được tạo ra ở vùng Bắc Queensland (Úc) trên cơ sở lai tạo giữa bò đực có u (Bos indicus) Brahman Mỹ với giống bò cái không có u (Bos taurus) của Anh (chủ yếu là Shorthorn). Bòcómàu đỏ, cóhoặc không cósừng. Con đực trưởng thành cóthểđạt tới khối lượng 900 - 1.000 kg, con cái 650 - 700 kg. Bò thích nghi tốt ở vùng nhiệt đới vì chúng có khả năng thải mồ hôi qua da. Tỷ lệ thịt xẻ: 58 - 60%. Bò cũng có khả năng gặm cỏ trong điều kiện bãi chăn thả thiếu cỏ và nước vào mùa khô. Khả năng kháng ve cao hơn so với các giống bò ôn đới.

Bò Red Angus: Đây là một giống bò nhà được chăn nuôi phổ biến ở các nước ôn đới trên thếgiới để lấy thịt. Toàn thân bò thuần cómàu đen (black Angus) hoặc đỏ(red Angus) vàthường chỉ có một màu đồng nhất. Bò thường không có sừng. Bò cái trưởng thành nặng 550 - 650 kg, bò đực 800 - 950 kg. Nuôi thịt (vỗ béo) lúc 15 tháng tuổi bê đực đạt 450 - 460 kg, bê cái 350 - 450 kg. Tỷ lệ thịt xẻ bình quân 65 - 67%. Bò có chất lượng thịt tốt, có vân mỡ trắng xen kẽ trong những thớ thịt giúp thịt mềm và có vị béo.

Bò BBB: Bò Blanc Blue Belgium (BBB) là giống bò thịt đặc biệt của thế giới được tạo ra từ nhiều giống bò địa phương của Bỉ với bò Shorthorn từ năm 1919. Sau hơn 50 năm nghiên cứu tạo giống bò BBB là giống bò thịt đặc biệt có cơ bắp phát triển siêu trội (hệ thống cơ đôi), ngoại hình đẹp, khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao, bò BBB rất hiền lành. Trọng lượng sơ sinh bình quân 44 kg/con, một năm tuổi đạt trọng lượng 480 - 500 kg/con. Trọng lượng trưởng thành: bòđực từ 1.100 -1.250 kg/con, có trường hợp đạt 1.400 kg/con. Bò có khả năng sản xuất thịt tốt, mức tăng trọng trung bình đạt 1.300 g/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 70%. Phẩm chất thịt thơm ngon. Tỷ lệ thịt tinh/thịt xẻ đạt: 78%. Nhược điểm của bò cái BBB thuần là sự đàn hồi của cơ xương chậu kém khi đẻ, 90% bò cái BBB thuần khi đẻ phải mổ để lấy thai.

Bò Sind: Bò Sind có nguồn gốc từ tỉnh Karachi và Hyderabad của Pakistan. Bò Sind thuộc nhóm có kích cỡ nhỏ. Kết cấu cơ thể vững chắc, mông tròn, cơ bắp nổi rõ. Màu lông nổi bật là màu đỏ cánh gián, có lẫn những mảng tối ở hai bên cổ, u vai và dọc lưng. Đôi khi có những đốm trắng nhỏ ở yếm và ở trán. Có u yếm phát triển. Khối lượng bò đực 370 - 450 kg, bò cái 300 - 350 kg. Khối lượng bê sơ sinh 18 - 21 kg. Tỷ lệ thịt xẻ 48 - 50%. Bò cái có khoảng cách lứa đẻ 13 - 18 tháng.

Anh Lê Văn Thuận (Trung tâm khuyến nông TP.HCM) cho biết, trong cùng điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, khẩu phần phù hợp theo từng giai đoạn, việc đầu tư nuôi bò thịt lai giống ngoại có hiệu quả kinh tế vượt trội. Bò thịt lai giống ngoại có khối lượng cơ thể lớn hơn 1,7 lần so với bò lai Sind trong cùng thời gian nuôi.

PHƯƠNG DUY

Bình Định: Giá gà ta tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Bình Định

Theo các hộ nuôi gà ta thả vườn ở huyện Phù Cát, Hoài Ân, Tuy Phước (tỉnh Bình Định), gần 1 tháng trở lại đây giá gà ta thả vườn tăng mạnh từ 10.000- 12.000 đồng/kg.

Nuôi gà thả vườn tại một gia trại ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân).

Hiện giá gà ta thả vườn từ 90.000 - 120 ngàn đồng/kg; gà nuôi trại từ 55.000 - 65.000 đồng/kg. Một số hộ chăn nuôi cho hay, nhu cầu gà ta thả vườn của thị trường hiện nay khá lớn, nhất là khi tình trạng bệnh dịch tả heo châu Phi đang có nhiều diễn biến phức tạp, người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ thịt gà nhiều hơn.

GIA KHƯƠNG

Ứng phó dịch tả heo Châu Phi: 'Đánh chuột không vỡ bình'

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Tuy không lây lan cho người nhưng dịch tả heo Châu Phi với nhiều con đường truyền nhiễm sẽ rất khó bị kiểm soát nếu cộng đồng người tiêu dùng, doanh nghiệp, người chăn nuôi và chính quyền địa phương không đủ sự thấu hiểu, hy sinh, và hợp tác tích cực trong phòng chống dịch.

Nhiều tỉnh thành ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long còn đang phát động phong trào “toàn dân tiêu độc khử trùng trong 1 tháng” với các hộ, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi.

Đây là ghi nhận tại Hội nghị triển khai giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả heo Châu Phi tại các tỉnh phía Nam ngày 25/5 tại TPHCM.

Đã tiêu hủy 5% tổng đàn heo cả nước

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính tới hết ngày 24/5 vừa qua, dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện ở 2.904 xã thuộc 265 huyện tại 42 tỉnh, thành trên cả nước, với hơn 1,7 triệu con heo bị tiêu hủy (chiếm 5% tổng đàn cả nước).

Tại khu vực phía Nam, hiện đã có 8/18 tỉnh xuất hiện heo bệnh. Nhìn chung, các ổ dịch được phát hiện đa phần ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia đều đã xuất hiện dịch. Đáng chú ý một số khu vực ở Campuchia có dịch tả heo Châu Phi lại giáp ranh với nhiều tỉnh của Việt Nam như Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai, Đắk Lắk.

Dự báo của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lây lan đến những vùng nuôi còn đang an toàn, thậm chí sẽ xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Những nơi có dịch đã qua 30 ngày không phát hiện thêm ổ dịch mới cũng vẫn còn rủi ro dịch sẽ quay lại.

Tuy bệnh lây lan nhanh nhưng công tác phòng chống dịch bước đầu đã đạt kết quả nhất định khi có 80 xã thuộc 49 huyện của 22 tỉnh, thành không phát sinh thêm heo mắc bệnh trong 30 ngày qua.

Cả nước cũng đã tổ chức xây dựng được 740 cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Riêng Đông và Tây Nam Bộ - nơi chiếm 65% tổng đàn heo của cả nước - có 459 cơ sở. Ngành nông nghiệp cũng đang chủ trương xúc tiến các giải pháp thúc đẩy chăn nuôi gia cầm và các loại gia súc khác để bù đắp (trâu, bò, dê, cừu…).

Thực tế, công tác phòng chống dịch ghi nhận nhiều khó khăn như: quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, chuồng trại còn lẫn trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi cao, số cơ sở chăn nuôi an toàn còn ít so với tổng số trang trại. Nhiều hộ chăn nuôi chưa hiểu rõ tính nguy hiểm nên chưa thực hiện các biện pháp an toàn sinh học triệt để (Bình Phước vẫn chăn nuôi heo lai, heo rừng kiểu “gần gũi thiên nhiên”, hoặc tận dụng thức ăn dư thừa cho chăn nuôi. Đồng Nai vẫn phát hiện giết mổ heo bệnh, heo lậu…). Người chăn nuôi khi phát hiện bệnh không khai báo ngay do tâm lý luyến tiếc. Từ lúc phát hiện bệnh đến lúc cơ quan chức năng thực hiện tiêu hủy heo bệnh mất 5, 6 ngày - tức tạo ra nguy cơ lây lan lớn.

Một số nơi công tác vệ sinh, tiêu độc, sát trùng còn chậm và chưa đúng kỹ thuật; lực lượng tham gia chưa được tập huấn, không có quần áo bảo hộ; trang thiết bị tiêu độc, khử trùng chưa đầy đủ. “Thiếu dự trữ vôi bột, hóa chất cục bộ nên xe cộ cứ chạy đi, chạy lại, ra - vào vùng dịch để vận chuyển thêm cũng gây ra rủi ro chưa xử được dịch đã làm lây lan dịch”, ông Bạch Đức Lữu - Phó Cục trưởng Cục Thú y quan ngại.

Báo cáo của ngành thú y còn cho thấy một số địa phương chưa đủ nhân lực để ứng phó kịp thời với dịch bệnh; nơi thì không còn chi cục thú y nên không thuận lợi về đầu mối triển khai, liên thông thông tin; nơi thì giám đốc trung tâm thú y là… bí thư xã - không phải cán bộ chuyên môn - và trung tâm cũng chỉ có 3 người…

Hiện Đồng bằng Sông Cửu Long đang vào mùa mưa, nhiều nơi ngập úng - là kiểu thời tiết bất lợi cho phòng chống dịch; gây khó khăn khi xử lý heo bệnh bằng phương pháp chôn lấp. Đây cũng là khu vực có kênh rạch, sông ngòi chằng chịt nên kiểm soát vận tải đường thủy càng phức tạp hơn.

“Chạy nước rút” hỗ trợ người chăn nuôi

Sau khi ngành thú y “điểm danh” các bất cập về điều kiện cơ sở vật chất tại một số chốt chặn như “xe chở heo phải dừng giữa đường để kiểm dịch trong khi các xe khác vẫn chạy ào ào bên cạnh - rất nguy hiểm” hoặc chốt kiểm dịch không có nơi nuôi nhốt heo khi phát hiện “có vấn đề”, các địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ.

Nhiều tỉnh thành ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long còn đang phát động phong trào “toàn dân tiêu độc khử trùng trong 1 tháng” với các hộ, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi.

Tại Đồng Nai, khi phát hiện dịch, không chỉ heo bệnh mà cả lượng thức ăn chăn nuôi còn dư thừa cũng phải bị tiêu hủy. “Đấu tranh, vận động cũng khó khăn vì người dân phản đối do e ngại không đủ nguồn lực tái đàn sau này; hay chính quyền phải nhờ cả công an hỗ trợ cưỡng chế, điều tra, tìm kiếm ổ dịch. Thậm chí có trường hợp chống đối đang chuẩn bị khởi tố để làm gương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho hay.

Nhiều địa phương tại Tây Nam Bộ như Hậu Giang, Bạc Liêu thì đồng tình kiến nghị nhanh chóng sửa đổi chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại bởi dù thực hiện theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP hay Nghị quyết 16/NQ-CP thì mức hỗ trợ cũng khá thấp, không quá 38.000 đồng/kg hơi.

“Muốn điều chỉnh Nghị định cũng mất thời gian, còn giá heo trên thị trường thì thay đổi hàng ngày. Nếu giao cho tỉnh chủ động về giá hỗ trợ thì người dân sẽ yên tâm hơn, sẽ chủ động báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời hơn, thay vì tâm lý ‘tiếc’ hoặc cố tình tìm cách bán ‘chạy’ heo bệnh để vớt vát”, Chủ tịch UBND Tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đặt vấn đề cho giải pháp có tính tác động kinh tế.

Phản hồi các kiến nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng lãnh đạo các tỉnh thành có thể tham mưu, trình thường trực Hội đồng Nhân dân quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho người chăn nuôi. “Các địa phương đừng quá cứng nhắc, không ai đi bắt bẻ người làm lợi cho dân cả”. Tất nhiên, tới đây ngành nông nghiệp cũng sẽ tham mưu Chính phủ ra cơ chế mới theo hướng cho thực hiện hệ số cộng thêm hoặc đề nghị phân cấp để địa phương tự quyết.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo “tất cả các cơ sở, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn nhỏ không tái đàn vào lúc này. Khi nào dịch bệnh được kiểm soát, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ có thông báo tăng đàn trở lại. Chúng tôi đã bàn với các địa phương tìm sinh kế mới cho người chăn nuôi heo”.

Hiện tại, các cơ sở giết mổ tập trung có lợi thế về công nghệ chế biến được khuyến khích tăng cường thu mua, giết mổ, dự trữ thịt cấp đông vì dự báo thị trường sẽ thiếu hụt thịt heo trong những tháng, những quý tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo Bộ Công thương trao đổi với các địa phương tùy tình hình cụ thể để ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện công tác này.

Dù rằng khó mà kiểm soát hết các con đường truyền nhiễm kiểu “chim trời, cá nước” của vi rút dịch tả heo Châu Phi nhưng theo Bộ NNN&PTNT, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn cần có khuyến cáo ứng xử đảm bảo “an toàn sinh học” cho các hộ chăn nuôi vệ tinh, trong đó chú ý cả hoạt động di chuyển của công nhân, người tham gia chăn nuôi khi ra vào vùng có dịch.

Làm sao để đánh chuột không vỡ bình hoa? Cuộc chiến phòng chống dịch tả heo Châu Phi lần này rõ ràng cần sự đồng lòng của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp, để không chỉ bảo vệ chính sinh kế lâu dài cho người chăn nuôi mà còn góp phần ổn định “sức khỏe” cho ngành nông nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Phương Hiền

Hiếu Giang tổng tợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop