Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 7 năm 2019

Xuất khẩu nông sản sụt giảm

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Số liệu xuất khẩu nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, nhiều ngành hàng chủ lực như cà phê, tiêu, điều… sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, nguyên nhân vì sao?

Ngành cà phê dự báo xuất khẩu giảm do cung vượt cầu

Nhiều quốc gia tăng diện tích

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 943.000 tấn trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê trong nước giảm 500 - 800 đồng/kg. Phân tích vấn đề này, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhận định, giá cà phê thế giới biến động giảm do tiếp tục chịu áp lực từ dư thừa nguồn cung toàn cầu. Hai nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới là Việt Nam và Brazil đều tăng diện tích và sản lượng. Hiện Việt Nam có khoảng 660.000ha diện tích cà phê.

Một trong những ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới trong năm 2018 nhưng nay hạt điều cũng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng xuất khẩu hạt điều ước đạt 197.000 tấn và 1,5 tỷ USD, tăng 13,1% về khối lượng nhưng giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, giá điều từ giữa 2018 và đầu năm 2019 liên tục điều chỉnh giảm do nhiều nước xuất khẩu điều thô nhưng nay tăng chế biến xuất khẩu điều nhân, dẫn đến nguồn cung cao hơn, cạnh tranh về giá gay gắt hơn.

Đối với ngành hồ tiêu, dù đã có cảnh báo từ đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2.579 USD/tấn, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới, giá hồ tiêu sẽ khó có khả năng tăng mạnh do nguồn cung hồ tiêu toàn cầu dồi dào, lượng tồn kho lớn, trong khi Việt Nam và Sri Lanka đã bắt đầu vụ thu hoạch mới với kỳ vọng năng suất cao. Nguyên nhân sụt giảm kéo dài được ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, lý giải, bắt nguồn từ năm 2014, giá hồ tiêu tăng cao, các nước có vùng nguyên liệu như Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Indonesia phát triển diện tích, ước tăng 8% nhưng nhu cầu thế giới chỉ tăng 2%. Đơn cử, Việt Nam từ 52.000ha vào năm 2013, tăng 152.000ha vào năm 2018. Tuy nhiên, sau 4 năm, cây tiêu mới ra sản phẩm; đồng thời, nông dân mới trồng, chưa thu lại lợi nhuận rất khó chặt bỏ nên giá tăng trong thời gian sớm là điều rất khó.

Tiềm năng thị trường trong nước

Trong bối cảnh giá nông sản xuất khẩu liên tục giảm, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, khuyến nghị, các chủ vườn cà phê nên chủ động nguồn tài chính để dự trữ, tránh ra hàng ồ ạt khiến giá khó tăng cao trở lại. Về lâu dài, thời điểm giá giảm là thời cơ thuận lợi để giảm diện tích những vùng trồng không thuận lợi, năng suất thấp. Mặt khác, nông dân phải đa dạng hóa thu nhập, tăng diện tích cây ăn trái xen kẽ cây cà phê và tập trung cho sản xuất cà phê đặc sản chất lượng cao. Hiện nay, ngành cà phê Việt Nam không thể mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, vì thế các công ty cần tăng cường khâu chế biến. Cuối cùng, nếu thị trường trong nước chiếm 20%-30% thì ngành cà phê sẽ giảm áp lực xuất khẩu.

Để tháo gỡ với ngành hồ tiêu, theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tái cơ cấu ngành, không phát triển thêm diện tích. Đối với cây sâu bệnh thì chuyển qua cây trồng khác hiệu quả hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững; đồng thời đầu tư công nghệ chế biến sâu để gia tăng giá trị như từ hồ tiêu thô sang hồ tiêu nghiền.

Dù giá trị giảm nhưng ngành điều vẫn tự tin sẽ duy trì được giá trị xuất khẩu như năm 2018 và có thể chỉ đứng sau rau quả, trái cây, đây là nhận định của ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam. Ngành điều sẽ không mở rộng diện tích, nhưng nâng cao khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng. Đặc biệt, Hiệp hội đang hỗ trợ nông dân Campuchia trồng điều nhằm tạo vùng nguyên liệu cho Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định để mở rộng thị trường, nếu ngành điều tận dụng tốt vẫn phát triển. Vấn đề là nhà nước cần hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Việt Nam với hơn 90 triệu dân, chỉ cần các doanh nghiệp chú trọng thị trường trong nước và nếu 20-30% sản lượng điều xuất khẩu được người Việt Nam tiêu dùng, sẽ giảm áp lực cho ngành.

Theo Bộ NN-PTNT, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 khoảng 43 tỷ USD cần có các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Nông sản chính từ 21 tỷ xuống còn 20,5 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ từ 10,5 lên 11 tỷ USD; thủy sản giữ nguyên 10,5 tỷ USD; còn lại các mặt hàng khác khoảng 1 tỷ USD.

THANH HẢ

Thêm cơ hội cho nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế

Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với chủ đề "Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao" sẽ khai mạc vào ngày 29/7.

Hội nghị sẽ giới thiệu các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Hơn 250 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về nông nghiệp phát triển nông thôn; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ trao đổi về những công nghệ sản xuất mới, định hướng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Tại hội nghị, UBND tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, ký kết các biên bản hợp tác chiến lược với một số doanh nghiệp. Các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, các nhà đầu tư/doanh nghiệp cũng sẽ được giới thiệu, khảo sát địa điểm các dự án kêu gọi đầu tư; tham quan dự án, mô hình nông nghiệp điển hình ở huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà.

Trong khuôn khổ hội nghị, tối 28/7 sẽ khai mạc hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp với hơn 60 gian hàng, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu ngành nông nghiệp địa phương.

Đây không chỉ là cơ hội quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh nền nông nghiệp Thừa Thiên Huế mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh giới thiệu các sản phẩm; thúc đẩy hợp tác, giao lưu kết nối giao thương cá nhân, doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh với các các tổ chức, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Đồng thời giới thiệu, thu hút các nhà đầu tư/doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư các dự án nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.

Hoàng Anh

Trồng rau má nghiền lấy bột thu 4 tỷ đồng mỗi năm ở Sài Gòn

Nguồn tin: VnExpress

Rau má được chị Hương trồng tại Củ Chi để lấy nguyên liệu nghiền làm bột bán với giá hơn một triệu đồng một kg.

Năm 2015, chị Nguyễn Ngọc Hương (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM) bắt đầu thử nghiệm trồng rau má.

"Trước đó từng làm ở công ty về chế biến nông sản, tôi nhận thấy cây rau má có nhiều công dụng. Việc sử dụng các sản phẩm đã qua chế biến từ loại rau này có tiềm năng nên tôi và nhóm bạn thử nghiệm làm bột rau má", chị Hương cho biết.

Cuối năm 2015, Hương và cộng sự trồng thử nghiệm rau má tại huyện Củ Chi. Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn trong làm trang trại, rau má lên không đều, bị sâu bệnh hàng loạt...

Vượt qua những khó khăn, chị đang có trang trại trồng rau má rộng 10.000 m2. Vùng trồng rau được đắp bờ cao giữa ruộng lúa để ngăn nước tràn vào.

"Tuy nhiên vùng nguyên liệu ở đây giờ không đủ nên tôi liên kết trồng với trang trại rộng 4 ha ở Tiền Giang. Việc này để đảm bảo đủ lượng rau má nghiền bột mỗi ngày", chị nói.

Rau má thân xanh là loại được chị trồng với số lượng lớn. Theo chủ trang trại, rau má này chứa diệp lục tố cao, có mùi thơm, đắng nhẹ và hương vị ngon.

Rau trồng thành từng luống theo thứ tự để tiện thu hoạch. Trung bình, những gốc rau má sau khi cắt lá mất một tháng lại thu hoạch trở lại. Mỗi gốc rau mọc liên tục trong khoảng 5 năm nếu chăm sóc tốt.

Trang trại được lắp đặt hệ thống tưới tự động, ngày tưới hai lần. Buổi sáng nhóm nhân công thu hoạch, chiều nhổ cỏ, làm bờ...

Nhóm nhân công cắt rau má từ 6h đến 10h, thu được 200 kg một ngày. Riêng tại trang trại ở Tiền Giang, sản lượng đạt gấp đôi.

"Việc cắt rau má cũng đơn giản, chỉ cần dùng liềm cắt sát gốc. Ở đây thu hoạch cuốn chiếu từng luống. Mỗi ngày tôi cắt được hơn 30 cân rau", bà Lê Thị Phớt (47 tuổi, trái) cho biết.

Rau má được vận chuyển vào xưởng để nhặt lá già, vàng úa và rửa sạch trước khi cho vào lò sấy khô. Trung bình, phải sấy trong 18 giờ liên tục để ra nguyên liệu nghiền bột.

Rau má sấy khô được đổ vào máy nghiền. Máy nghiền bằng đá sẽ cho ra bột mịn, nhiệt thấp nên không làm mất chất dinh dưỡng, hương vị ban đầu.

Trung bình, cứ 5 kg rau má tươi khi sấy và nghiền sẽ ra được một kg bột.

Sản phẩm được đóng gói theo dây chuyền tự động ngay sau khi nghiền và chủ yếu bán trong nước. Bột dùng để thay thế rau má tươi, chế nước uống, làm thức ăn, mỹ phẩm... Mỗi kg bột có giá thị trường hơn một triệu đồng.

"Doanh thu mỗi năm từ trồng rau má làm bột khoảng 4 tỷ đồng. Tôi muốn làm ra nhiều sản phẩm hơn và nâng cao năng lực để có thể xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...", chị Hương cho biết.

Quỳnh Trần

Trồng rau má trên bờ ao tôm ở Cà Mau lãi cao

Nguồn tin: VnExpress

Tận dụng đất trống theo bờ vuông tôm, nông dân Cà Mau áp dụng mô hình trồng rau má, thu về trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Xuân chăm sóc vườn rau má của gia đình. Ảnh: Hoàng Hạnh.

Ở ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau), ông Nguyễn Văn Xuân (51 tuổi) được xem là người tiên phong áp dụng mô hình trồng rau má trên bờ ao nuôi tôm, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình mỗi năm.

"Ban đầu thấy đất bờ vuông tôm trống khá nhiều, tôi trồng thử rau má để cải thiện bữa ăn, không ngờ rau phát triển tốt trên vùng đất mặn nên mở rộng diện tích ra khoảng 2.000 m2", ông Xuân nói và cho biết, hiện tại gia đình thu nhập khoảng 300.000 đồng một ngày từ loại rau này.

Theo ông Xuân, mặt hàng này rất được thị trường ưa chuộng. Mỗi ngày ông thu hoạch rau má đưa đến bỏ mối cho bạn hàng tại các chợ ở huyện và địa bàn lân cận, với giá dao động 12.000 - 18.000 đồng một kg.

So với các loại hoa màu khác thì rau má có sức sống mạnh và dễ trồng hơn nhiều. Đặc biệt, loại rau này chịu được nguồn nước nhiễm mặn, nhưng khi ăn thì hương vị rất ngon. Thấy mô hình mang lại kinh tế khá cao, ông Xuân nhiệt tình hướng dẫn cho nhiều hộ dân trong vùng áp dụng, và đều thành công.

Bà con đầu tư hệ thống lưới bao, tưới tự động để tăng năng suất rau. Ảnh: Hoàng Hạnh.

Thu về hơn 60 triệu đồng mỗi năm từ việc trồng rau má, ông Nguyễn Long Đỉnh cho biết, mô hình này không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, hay kỹ thuật cao, chỉ cần người trồng cần cù chăm sóc. Chi phí đầu tư trồng 1.000 m2 rau khoảng 12 triệu đồng bao gồm giống, cải tạo đất, phân bón...

Sau khi trồng, rau má sẽ cho thu hoạch gần một năm. Vào mùa mưa thì cắt một đợt khoảng 25 ngày, còn mùa khô thì khoảng 30 - 35 ngày. Sau khi hết chu kỳ, người trồng sẽ phát bỏ rau già rồi làm cỏ, cải tạo đất để tái vụ sau.

Theo ông Đỉnh, để hạn chế rau bị già, lá úa thì người trồng phải thu hoạch đúng lứa. Việc làm này còn giúp cho các lứa thu hoạch sau có năng suất cao hơn.

Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái Lữ Hoàng Hiền cho biết, ban đầu mô hình này chỉ xuất hiện ở một vài hộ dân trong xã, thế nhưng hiện tại, địa phương đã có hàng chục hộ dân áp dụng. "Để tăng năng suất, bà con lắp đặt hệ thống tưới tự động, thiết kế nơi trồng bài bản, cá biệt có hộ thu về trên dưới 100 triệu mỗi năm", ông Hiền nói và cho biết, trồng rau má quanh vuông tôm đang giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Hoàng Hạnh

Quảng Trị: Trồng hồ tiêu công nghệ cao trên đất Gio Phong

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Đi giữa vườn hồ tiêu xanh mướt đẫm ướt bởi từng “cơn mưa nhân tạo” từ hệ thống cột tưới tự động, anh Nguyễn Văn Thành không dấu niềm tự hào nói với tôi rằng, ước mơ về việc xây dựng một vườn hồ tiêu công nghệ cao trên mảnh đất Gio Phong (tỉnh Quảng Trị) của anh bây giờ đã trở thành hiện thực…

Vườn tiêu trồng theo công nghệ cao của gia đình anh Thành cho thu hoạch khá

Anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Lễ Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh, cho biết: “Gia đình tôi chỉ mới “bén duyên” với cây hồ tiêu cách đây 3 năm (năm 2016 đến nay). Trước đó, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu đều dựa vào 8 ha cao su”. Vào khoảng năm 2013 - 2014, sau trận bão làm gãy đổ số lượng lớn cây cao su trên diện tích 2 ha cao su của gia đình, anh Thành đã suy nghĩ đến chuyện xây dựng một vườn hồ tiêu công nghệ cao trên diện tích cây cao su bị gãy đổ. Để chuẩn bị cho ý tưởng ấp ủ, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi kiến thức, kĩ thuật từ nhiều mô hình trồng hồ tiêu cho năng suất, sản lượng cao qua sách, báo, mạng internet. Anh cũng lặn lội đến nhiều vườn hồ tiêu ở các xã có diện tích trồng hồ tiêu của huyện Gio Linh cũng như nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc vườn hồ tiêu. Từ kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được, mãi đến năm 2016 anh Thành đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng vườn hồ tiêu công nghệ cao trên diện tích 2 ha.

Theo anh Thành thì trồng hồ tiêu công nghệ cao nên phải tuân thủ nhiều quy trình kĩ thuật từ khâu trồng choái, xuống giống, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu hữu cơ. Rồi trong quá trình sản xuất phải phân tích yếu tố đất, nước; dự báo lượng mưa ảnh hưởng đến cây hồ tiêu; sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay vì dùng các loại phân bón hóa học… Cụ thể, việc đầu tiên mà anh Thành làm sau khi phát quang, làm sạch diện tích 2 ha, đó là cùng cánh thợ đúc gần 2.000 choái tiêu bằng xi măng không giống choái tiêu bình thường. Choái tiêu được anh thiết kế cao khoảng 3 m, phía trên choái được gắn thêm bánh xe máy hỏng được gá vào thân choái bằng sợi thép như hình chiếc vô lăng xe ô tô. Sở dĩ anh làm như vậy là để sau này cây tiêu mọc cao quá choái sẽ tự rũ xuống rồi tiếp tục phát triển, cho hạt xung quanh choái… Khi chôn xong choái, khâu tiếp theo là chọn cây hồ tiêu giống. Cây hồ tiêu giống phải được ươm trong bầu khi đạt chuẩn mới đem ra trồng (cây con ươm trong bầu khoảng 4 - 6 tháng và đảm bảo cây ra chồi, có từ 5 - 6 lá mới đạt chuẩn). Trước khi trồng, phải “huấn luyện” cho cây hồ tiêu giống tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bằng cách tháo tấm lưới che vườn ươm cây giống ra. Thời gian trồng cây hồ tiêu giống tốt nhất là đầu mùa mưa để tận dụng được lượng nước mưa cho cây. Đất trồng cây hồ tiêu cũng phải đảm bảo có độ tơi xốp, ẩm ướt và không bị ngập úng. Rễ cây hồ tiêu ăn cạn nên mực nước ngầm phải sâu tối thiểu khoảng 2m và thoát nước tốt, đặc biệt đất không được quá dốc… Khi đào hố trồng cây hồ tiêu giống phải đào hố phía đông choái để đảm bảo tận dụng được ánh nắng dịu mát buổi sáng, tránh nắng nóng buổi chiều để cây phát triển tốt. Riêng hệ thống tưới nước cho vườn hồ tiêu công nghệ cao, anh Thành đầu tư hơn 100 triệu đồng để dựng hệ thống cột nước cao hơn 3,5 m. Khi tưới, nước từ hệ thống cột sẽ phun đều tạo ra từng “cơn mưa nhân tạo” làm đẫm ướt toàn bộ vườn hồ tiêu công nghệ cao…

Dẫn tôi đến góc vườn tiêu đang rộn ràng tiếng nói cười của nhiều người được anh Thành thuê đến thu hoạch hồ tiêu theo thời vụ, anh cho biết, năm 2019 hơn 800 choái tiêu trong vườn hồ tiêu công nghệ cao của gia đình anh cho thu hoạch “bói” với sản lượng khoảng 1 tấn. Với giá bán hồ tiêu trên thị trường hiện tại giao động khoảng 40 - 50 nghìn đồng/kg thì vườn hồ tiêu công nghệ cao mang lại khoản thu nhập bước đầu là khoảng 50 triệu đồng/ vụ. Dự kiến khoảng 2 - 3 năm nữa, vườn hồ tiêu công nghệ cao của gia đình anh bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ thì sản lượng sẽ đạt khoảng 4 - 5 tấn/ha. Nguồn thu mỗi vụ hồ tiêu là khoảng 400 - 500 triệu đồng. Vừa qua, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã đặt vấn đề với anh về việc thu mua hồ tiêu từ vườn hồ tiêu công nghệ cao của gia đình anh để sản xuất hồ tiêu ngũ sắc. “Hồ tiêu ngũ sắc theo như tôi được biết là sản phẩm có 5 màu hoàn toàn tự nhiên từ quả tiêu: xanh (quả chưa chín), vàng (quả ướm chín), đỏ (quả chín), đen (quả tự khô), trắng (quả tróc vỏ gọi là tiêu sọ). Những hạt tiêu này khi đem sấy vẫn giữ được sắc, hương vị thơm, cay nồng. Mỗi màu của hạt tiêu sẽ mang một hương vị khác nhau, nếu là người sành về ẩm thực thì sẽ phân biệt được ngay. Trong 5 màu sắc ấy, hạt tiêu xanh cay nồng hấp dẫn hơn tất cả các hạt tiêu khác. Quy trình chế biến hồ tiêu ngũ sắc đòi hỏi kĩ thuật, vườn nguyên liệu bảo đảm hồ tiêu sinh học, hồ tiêu hữu cơ và thu hoạch đúng thời điểm. Từ thu hoạch đến thành phẩm chỉ tốn công rửa, giảm thiểu được chi phí đầu tư sân phơi. Sáng thu hái về rửa sấy là mai đã có tiêu bán…”, anh Thành cho biết.

An Phong

Đồng Tháp: Giá khoai môn tăng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Sau thời gian dài rớt giá, hiện tại, nông dân canh tác khoai môn trên địa bàn huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) phấn khởi vì mặt hàng này tăng giá trở lại. Mặc dù vậy, nông dân vẫn lo lắng cho các vụ mùa tiếp theo do đầu ra sản phẩm không ổn định.

Nông dân phân loại khoai môn bán cho thương lái

Hiện thương lái thu mua khoai môn tại ruộng với giá 20.000 - 22.000 đồng/kg, tăng 17.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 4/2019.

Theo ông Bùi Văn Bé Mười ngụ ấp Tân Hòa Đông, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, vào thời điểm tháng 4, có lúc khoai môn chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, khiến người trồng khoai lỗ nặng nhưng càng về thời điểm cuối vụ, thương lái lại đổ xô thu mua khoai để cung ứng cho thị trường. Theo ông, giá khoai môn tăng do các thị trường lân cận “ăn hàng” trở lại. Thời gian tới, để người dân trồng khoai môn được an tâm về đầu ra sản phẩm thì rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, trong vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 469ha khoai môn, tập trung nhiều ở các huyện: Lấp Vò, Tam Nông...

Khánh Quỳnh

Phòng chống sâu keo - xuống giống và phòng trừ đồng loạt

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Đây là loại sâu mới, nguy hại, thời gian đẻ trứng dài, sinh trưởng phát triển phức tạp, các lứa tuổi sâu liên tiếp trong khi điều kiện canh tác của nông dân mỗi nhà một thời vụ khác nhau tạo nguồn thức ăn cho sâu, vì thế việc phòng trừ gặp khó khăn...

Tại hội nghị phòng chống sâu keo mùa đông do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, đây là loại sâu mới, nguy hại, thời gian đẻ trứng dài, sinh trưởng phát triển phức tạp, các lứa tuổi sâu liên tiếp trong khi điều kiện canh tác của nông dân mỗi nhà một thời vụ khác nhau tạo nguồn thức ăn cho sâu, vì thế việc phòng trừ gặp khó khăn. Các địa phương không chủ quan cũng không hoảng sợ vì có nhiều giải pháp hiệu quả, như sử dụng giống kháng sâu tại huyện Mộc Châu. Cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con về tác hại của sâu cũng như các giải pháp phòng trừ hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp theo hướng dẫn cơ quan chuyên ngành, cái tốt hiệu quả cần đưa vào ngay, quy trình có thể thay đổi nếu cần để phù hợp tình hình.

Thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ sớm; ứng dụng biện pháp bẫy bả sinh học; vận động bà con xuống giống và phòng trừ đồng loạt; sử dụng giống kháng sâu như DK 6919S, DK 9955S... Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục thử nghiệm biện pháp diệt trừ hiệu quả để phổ biến. Theo báo cáo của Cục BVTV, đến cuối tháng 7, cả nước có 16.466ha ngô hè thu bị nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó có 2.740ha bị nhiễm nặng.

ĐĂNG LÃM

Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Ngày 26-7-2019, tại tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu”.

Các nhà quản lý, nhà khoa học giải đáp thắc mắc và đưa ra giải pháp canh tác cây ăn trái đạt chất lượng cao tại diễn đàn.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn trái của các tỉnh phía Nam trên 600.000ha, chiếm khoảng 60% diện tích của cả nước; tổng sản lượng hằng năm hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng của cả nước. Trong đó có 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng trên 10.000ha, như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, khóm, chôm chôm, mít, bơ, mãng cầu… ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực của phía Nam, chiếm khoảng 58% tổng diện tích cây ăn trái. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo giống cây ăn trái mới, chất lượng cao được chuyển giao sản xuất và nhà vườn áp dụng hiệu quả, như: sản xuất rải vụ thu hoạch, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung, cải thiện tăng đậu trái và chống rụng trái non… Đặc biệt, nhiều nông dân áp dụng mô hình sản xuất theo hướng VietGap, Global GAP đã tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Riêng, thị trường tiêu thụ cây ăn trái trong những năm gần đây tương đối thuận lợi, giá cao, người dân canh tác có lợi nhuận khá.

Bưởi da xanh, sản phẩm được nông dân TP Cần Thơ sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học, cho năng suất cao.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng tình hình sản xuất cây ăn trái của các tỉnh phía Nam vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Cụ thể, việc phát triển cây ăn trái còn nhỏ lẻ, manh mún và trồng nhiều loại cây trên cùng diện tích dẫn đến không đủ số lượng hàng hóa lớn để cung ứng theo nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, chất lượng cây ăn trái không đồng đều, việc áp dụng mô hình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế nên gặp khó đầu ra; trong khi đó, ngành nông nghiệp các địa phương chưa đưa ra dự báo chuẩn xác về thị trường tiêu thụ, từ đó tình trạng thiếu thừa thường xuyên xảy ra và nạn trồng - chặt liên tiếp tái diễn....

Từ những mặt hạn chế trên, các nhà khoa học, chuyên gia đã gợi mở nhiều giải pháp để giúp nông dân các tỉnh phía Nam sản xuất cây ăn trái hiệu quả và đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Trong đó, các địa phương cần hình thành những đề án, kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ, chú trọng đến các thị trường lớn , kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mã vùng để có được sản lượng lớn và chất lượng tốt, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp...

Tin, ảnh: H.VĂN

Trồng sầu riêng lời trên 600 triệu đồng/ha/năm

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo ông Trần Văn Não- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Bình (xã An Phước- Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), hiện cây sầu riêng ở ấp phát triển rất tốt. Cây sầu riêng trưởng thành (6 năm tuổi) cho trái 2- 2,5 tấn/ha, giá bán trung bình 40.000 đ/kg, giúp nông dân thu lời trên 600 triệu đồng/ha/năm.

Nhận thấy cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao lại thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương, chi hội đã vận động được 30 nông dân tham gia vào tổ hội nghề nghiệp trồng sầu riêng do Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làm tổ trưởng; định kỳ họp 3 tháng/lần để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cùng nhau áp dụng để tăng thu nhập.

Để giúp tổ viên giảm bớt chi phí đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, Hội Nông dân xã đã phối hợp hướng dẫn nông dân cách xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ; cử tổ viên đại diện đến các đại lý lớn để mua vật tư nông nghiệp.

Đồng thời, hướng dẫn các tổ viên đi tham quan các mô hình trồng sầu riêng có hiệu quả tại Bến Tre để học hỏi kinh nghiệm sản xuất và liên hệ các điểm thu mua tại huyện Chợ Lách đến mua sầu riêng tại vườn.

NGUYỄN PHƯƠNG

Dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh

Nguồn tin: Báo Long An

Đến nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện ở 112 hộ chăn nuôi thuộc 14 huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh Long An. Tổng số heo bệnh tiêu hủy là 2.885 con với tổng trọng lượng trên 181.492,5kg. Thời gian qua, công tác xử lý ổ dịch tại các địa phương được thực hiện quyết liệt, hầu hết ổ dịch đều được triển khai tiêu hủy (chôn, đốt) theo đúng quy định ngay trong ngày đầu tiên phát hiện. Công tác tiêu độc, khử trùng được thực hiện liên tục, thường xuyên nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan.

Tại huyện Đức Hòa, tình hình DTHCP diễn biến khá phức tạp. DTHCP xảy ra ở 19 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn 11 xã với tổng số 586 con. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện - Nguyễn Tấn Triều, nguyên nhân xuất hiện DTHCP trên địa bàn do xe vận chuyển thức ăn vào chuồng nuôi heo, một số hộ sử dụng thức ăn dư thừa, mua heo về nuôi, mua thịt về sử dụng hàng ngày,… Hiện nay, huyện vận động các trường hợp hộ nuôi có heo bị bệnh, chết thực hiện tiêu hủy bắt buộc bằng phương pháp chôn lấp; đồng thời, tổ chức công bố dịch bệnh trên địa bàn các xã xuất hiện dịch và xác định vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Để phòng, chống tốt hơn DTHCP, huyện đề nghị các xã cần nắm rõ phạm vi lân cận 3km để khuyến cáo người dân thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng; tăng cường quản lý cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt heo trên các chợ, vận động người dân chăn nuôi theo hướng an toàn, tiêm phòng vắc-xin các loại bệnh như tai xanh, lở mồm long móng. Huyện tổ chức lập các chốt sát trùng trên các tuyến đường ra, vào ổ dịch bằng vôi bột và phun thuốc; hướng dẫn thực hiện quy trình tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nhà xưởng, các hộ chăn nuôi trong vùng dịch. Bên cạnh đó, Đội Phản ứng nhanh phối hợp UBND xã kiểm tra, xác minh, lấy mẫu test nhằm triển khai kịp thời giải pháp, xử lý nhanh, nhịp nhàng, tránh lây lan.

“Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, huyện Đức Hòa đã chuẩn bị 5 máy phun xịt, 300 lít thuốc sát trùng, 50 bộ đồ bảo hộ lao động, 10 cuộn bạt phủ; đồng thời, được tỉnh hỗ trợ 11 tấn vôi bột và 400 lít thuốc sát trùng để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Lũy kế từ khi lập chốt đến nay, các chốt trên địa bàn huyện đã kiểm tra trên 1.900 xe với hơn 174.000 con heo” - ông Triều nói thêm. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung cho biết: Hiện nay, tốc độ lây lan bệnh DTHCP rất nhanh. Do đó, các ngành chức năng ở huyện, UBND các xã, thị trấn cần phối hợp đồng bộ, đeo bám địa bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu tính nguy hiểm của DTHCP trong chăn nuôi heo để họ không giấu dịch; vận động người dân không tái đàn, giảm đàn. Bên cạnh đó, các xã không chủ quan để dịch lây lan, phát sinh ổ dịch mới.

Tại huyện Cần Giuộc, đến nay, dịch bệnh xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi ở 3 xã với tổng số 232 con. Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo: “UBND các xã có dịch khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã và đội phản ứng nhanh theo Quyết định 16/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để giúp cơ quan chức năng và hộ chăn nuôi kiểm tra, thống kê đàn heo, phân loại heo bệnh cần tiêu hủy (heo nái, heo giống, heo thịt,… để làm cơ sở xem xét hỗ trợ và giúp người dân tiêu hủy); tiến hành rắc vôi tiêu độc, khử trùng, tổ chức lập các chốt kiểm soát động vật tạm thời trên các tuyến giao thông chính nhằm bao vây, khống chế khu vực có dịch, ngăn chặn việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo bị bệnh ra khỏi vùng có dịch để tiêu thụ gây lây lan mầm bệnh; tổ chức tiêu hủy heo bệnh, heo trong ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn bảo đảm đúng quy định; thực hiện phun xịt hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và báo cáo tình hình dịch bệnh về Phòng NN&PTNT. UBND các xã chưa xảy ra dịch, khẩn trương kiện toàn và duy trì hoạt động ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã và đội phản ứng nhanh; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, số lượng, tình trạng và giấy tờ của lô hàng; theo dõi sát sao tình hình DTHCP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác nhằm chủ động thực hiện các biện pháp cấp bách theo chỉ đạo của UBND huyện. Nếu xã nào để xảy ra DTHCP do chủ quan, thiếu trách nhiệm, chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và tùy theo mức độ để xem xét hình thức kỷ luật theo quy định. Các phòng, ban, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống DTHCP theo chỉ đạo của UBND huyện”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Trước tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng lan rộng, ngành tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTHCP; tăng cường công tác giám sát tại các xã, phường, thị trấn đã xảy ra dịch nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh các trường hợp nghi nhiễm bệnh. Đối với các xã, phường, thị trấn chưa xảy ra dịch bệnh tăng cường công tác giám sát và tuyên truyền, vận động người dân không nên tăng đàn trong thời gian này, hạn chế đến mức thấp nhất việc ra, vào khu vực chăn nuôi đối với người lạ, có biện pháp ngăn động vật khác (chuột, chó, mèo,…) vào khu vực chăn nuôi. Bố trí lực lượng 24/24 giờ đối với các chốt kiểm dịch tạm thời. Tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân biết về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và biết làm gì khi phát hiện bệnh...”./.

Lê Huỳnh

Bến Tre: An Hiệp ra mắt tổ hội nghề nghiệp nuôi gà thịt và gà mái đẻ

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Ra mắt tổ hội nghề nghiệp nuôi gà thịt và gà mái đẻ.

Hội Nông dân xã An Hiệp, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) vừa phối hợp với Chi bộ ấp Giồng Ao tổ chức lễ ra mắt mô hình tổ hội nghề nghiệp nuôi gà thịt và gà mái đẻ.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ kinh phí của Dự án AMD, Hội Nông dân xã đã vận động được gần 40 hộ trên địa bàn xã tham gia dự án nuôi gà thịt và gà mái đẻ ,với số lượng 100 con/hộ.

Tại buổi lễ, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã thông qua quyết định thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi gà thịt và gà mái đẻ ấp Giồng Ao gồm 12 thành viên, do ông Nguyễn Văn Lai làm tổ trưởng. Quy mô nuôi gần 1 ngàn con gà mái đẻ và 2 ngàn con gà thịt.

Tham gia tổ, tổ viên sẽ được tham dự tập huấn do xã tổ chức; chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gà trong các buổi sinh hoạt định kỳ; được kết nối với công ty thức ăn và thuốc thú y nhằm giảm chi phí đầu vào.

Tổ hội nghề nghiệp là một mô hình đổi mới đa dạng hóa hình thức tổ chức hội ở cơ sở theo hướng thiết thực và hiệu quả, góp phần tập hợp hội viên, sinh hoạt tổ hội. Qua đó́, nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh.

Tin, ảnh: Đào Văn Bình

Giá heo dự báo tăng mạnh vào nửa cuối năm

Nguồn tin: VnExpress

Giá heo hơi thế giới đi lên, trong khi nguồn cung giảm có thể đẩy giá heo trong nước tăng mạnh.

Tại thị trường Việt Nam, dịch tả heo lan rộng khiến giá heo giữa các vùng miền biến động thất thường. Hiện, giá bình quân ở thị trường phía Nam khoảng 28.000 - 35.000 đồng một kg, còn phía Bắc khoảng 38.000 - 42.000 đồng một kg.

Theo các doanh nghiệp cung ứng thịt heo, mức giá trên còn thấp nhưng thời gian tới giá heo hơi sẽ tăng do tổng đàn heo trong nước đã giảm đáng kể. Mặt khác, giá thịt heo nhập khẩu cũng đang tăng mạnh.

Đàn heo nuôi trong dân đang giảm. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, nếu đầu năm giá heo nhập khẩu chỉ ở mức 40.000 - 50.000 đồng một kg thì nay đã tăng lên 80.000 đồng. Giá heo nhập chưa dừng lại ở mức này và sẽ tăng cao khi dịch tả lan rộng ở nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Phú, Trung Quốc là nước có nguồn heo lớn nhưng sau khi bị tác động của dịch tả thì nguồn heo của nước này cũng giảm mạnh và giá heo hơi tại Trung Quốc đang leo thang.

Cụ thể, giá heo hơi nước này đang dao động ở 19 - 22 nhân dân tệ một kg (64.000 - 74.000 đồng). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc (MARA), giá thịt lợn bán buôn trung bình trong tháng 6/2019 tại Trung Quốc đã tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 21,59 CNY (khoảng 3 USD) một kg. MARA nhận định nguồn cung thịt lợn bị thắt chặt sẽ khiến giá tiếp tục tăng trong những tháng tới.

"Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2019 có thể tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, lên mức cao kỷ lục lịch sử, do nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng" ông Tang Ke, Vụ trưởng MARA dự báo. Còn theo Ngân hàng Nomura, nửa cuối năm giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng thêm 40% nữa.

Cũng chung xu hướng, giá heo miền Bắc - nơi khởi nguồn của dịch tả tại Việt Nam đang tăng mạnh và dự báo tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm nay.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm tổng đàn lợn cả nước giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con. Đến ngày 15/7, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị bệnh phải tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con, chiếm trên 10% đàn lợn trên cả nước. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng tấn công vào những trang trại chăn nuôi có quy mô rất lớn.

Công ty nghiên cứu Ipsos Business Consulting Ipsos ước tính tổng đàn nái cả nước tại thời điểm tháng 6/2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu các biện pháp phòng ngừa và an toàn sinh học thấp. Theo Ipsos, đến cuối năm 2019, đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.

Trước những diễn biến trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, 6 tháng cuối năm giá thịt lợn sẽ biến động mạnh, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Việc giảm cung không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi. Ipsos cũng dự đoán cuối năm 2019 đến gần Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt lợn, chiếm gần 20% tổng nhu cầu.

Thi Hà

Hiếu Giang tông hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop