Tin nông nghiệp ngày 31 tháng 10 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 31 tháng 10 năm 2020

Mơ về vùng cây trái thơm ngọt

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) là vùng đất trù phú với những miệt vườn. Nhờ mạnh dạn cải tạo diện tích cây trồng kém hiệu quả, mà vườn bưởi da xanh, quýt đường, sầu riêng, măng cụt... đã và đang hình thành trên địa bàn, mở ra triển vọng về một vùng chuyên canh cây ăn trái trong tương lai không xa.

Những vườn cây trái giúp nông dân Cát Tiên có thu nhập ổn định

Cây trái “thơm ngọt”…

Từ lâu, chôm chôm không chỉ được biết đến là loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng mà đó còn là giống cây trồng mang lại nguồn lợi kinh tế cho nhiều gia đình. Tận dụng điểm này, rất nhiều người dân trên địa bàn xã Đức Phổ kết hợp chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ nên hiệu quả đạt được khá cao.

Cũng như nhiều nông dân khác trên địa bàn xã, năm 1998, gia đình Anh Trần Văn Thức từ miền Bắc vào (Thôn 3, xã Đức Phổ) lập nghiệp. Ngay từ đầu ông đã phá bỏ diện tích điều già cỗi, mang lại kinh tế không cao để trồng cây ăn quả. Anh lựa chọn chôm chôm để trồng. Nhờ thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chôm chôm của gia đình lúc nào cũng trĩu quả. Anh quan tâm chăm sóc vườn nhà bằng phương pháp hữu cơ nên cây chôm chôm luôn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình 100 - 150 kg/cây. Từ nhiều năm nay, với diện tích hơn 2 ha chôm chôm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh khoảng 300 triệu đồng/năm.

Được bạn bè có kinh nghiệm trong lĩnh vực cây ăn trái tư vấn, năm 2011 anh Trần Minh Hiếu (Thôn 1, Đức Phổ) trồng thử nghiệm 100 cây giống bưởi da xanh trên diện tích 3 sào đất vườn, sau hơn 3 năm chăm sóc cuối cùng những quả ngọt đầu tiên mang lại lợi nhuận kinh tế. Anh Hiếu chia sẻ: “Nhận thấy bưởi da xanh đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tôi và vợ bàn nhau phá vườn điều để mở rộng diện tích trồng bưởi. Với 100 cây giống ban đầu đến nay tôi đã nhân giống trồng được 300 cây trên diện tích 1 ha”.

Để vườn cây trái xanh tốt, anh Hiếu dành nhiều thời gian, công sức cải tạo nền đất, đào ao để tích nước phục vụ cây trồng vào những ngày khô và thoát nước mùa mưa. Nhờ đó, sau một thời gian dày công chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình anh phát triển tốt và cho năng suất cao. Giờ đây, anh Hiếu đã nắm vững mọi kỹ thuật để chăm sóc và có thể “điều khiển” vườn bưởi ra trái quanh năm, do vậy mùa nào vườn nhà anh cũng có trái để bán. Giá bán trung bình 35.000 đồng một kg thu mua tại vườn, với diện tích trên, mỗi năm gia đình anh Hiếu bỏ túi 800 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Mở rộng vùng chuyên canh

Người dân Cát Tiên hy vọng biến vùng đất này thành vựa cây ăn quả an toàn, gắn nhãn mác lên sản phẩm để giữ thương hiệu. Chính quyền địa phương cũng tích cực vận động người dân giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Đức Phổ cho biết, Đức Phổ nổi lên trở thành địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện trên 200 ha, xã đang cùng huyện xây dựng nhãn hiệu chôm chôm sạch và măng cụt có xuất xứ từ Cát Tiên. Để từ đó, phát triển sản phẩm mang tính hàng hóa của xã Đức Phổ theo chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) dựa trên lợi thế của địa phương.

Theo ông Nguyễn Trọng Quả, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc đưa cây ăn quả vào trồng thay những loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế là một trong những hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện. Nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung đã hình thành như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cam đường canh, bưởi da xanh…, giúp người nông dân thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để nâng cao giá trị sản phẩm gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trước mắt, huyện tập trung duy trì bền vững và mở rộng các vùng sản xuất, đưa vào các giống mới năng suất, chất lượng cao; đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả của địa phương. Ông Quả cho biết, huyện tập trung phát triển các loại cây ăn quả tại các xã Đức Phổ, thị trấn Phước Cát, Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi, cải tạo vườn cây ăn quả theo hướng trồng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống tưới, phân bón. Phát triển kinh tế vườn hộ, cải tạo chuyển đổi diện tích vườn tạp sang phát triển cây có giá trị kinh tế cao với diện tích từ 800 - 1.000 ha, gắn với xây dựng vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cát Tiên có 920 ha cây ăn quả, phấn đấu đến hết năm 2020, toàn huyện mở rộng thêm khoảng 200 ha, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường sinh thái bền vững, sản phẩm mang tính đặc trưng riêng của địa phương gắn xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, ông Quả cũng nhìn nhận, hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn còn gặp phải khó khăn do việc quy hoạch trồng các loại cây ăn quả chưa phù hợp và sát với tình hình biến động, dẫn đến việc sản xuất của nông dân theo phong trào, tự phát, không cân đối được cung cầu; tỷ lệ sản phẩm cây ăn quả được ký hợp đồng tiêu thụ chưa cao; thực tế những năm qua, các sản phẩm nông sản của huyện luôn chật vật tìm chỗ đứng, giá trị thấp, thị trường bấp bênh, vẫn lòng vòng với bài toán xây dựng thương hiệu… Do vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

HOÀNG YÊN

Bình Thuận: Ốc sên gây hại nhiều diện tích thanh long

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Hiện nay, nhiều diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang bước vào vụ chong đèn. Thế nhưng, những cơn mưa liên tiếp trong thời gian qua làm độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi để ốc sên sinh trưởng và gây hại tại nhiều vườn thanh long.

Những trái thanh long chín của gia đình chị Thủy đã bị ốc sên gây hại.

Hiện người trồng thanh long đang hết sức lo lắng, bởi mật độ ốc sên dày đặc và phá hoại nhanh làm cho năng suất và chất lượng trái thanh long bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gia đình chị Lê Thị Thủy, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam có hơn 1.000 trụ thanh long; trong đó có 500 trụ đang chong đèn cho hoa trái vụ. Do ốc xuất hiện nhiều ở dưới gốc rồi bò lên cành, lên trái nên những ngày gần đây, chị phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình tập trung bắt ốc, thậm chí phải thức xuyên đêm để bắt, bởi đã áp dụng nhiều biện pháp như xịt thuốc, rải bã diệt ốc sên nhưng vẫn không hiệu quả. “Thông thường 1 vụ thanh long chong đèn thường kéo dài gần 3 tháng, với lượng ốc như thế này dù huy động cả gia đình tôi cũng bắt không hết”, chị Thủy cho biết thêm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thời điểm này, trung bình mỗi trụ thanh long của gia đình ông có từ 10 - 20 con ốc sên, có trụ 30 con. Hiện gia đình ông đang ra sức bắt ốc vì nếu để ốc tấn công những trái thanh long chín sắp thu hoạch thì coi như vụ thanh long này lỗ nặng.

Ông Thành cũng như nhiều nông dân trồng thanh long cho biết, loài ốc này không phải lúc nào cũng bò ra ăn, mà nó đợi khi trời mưa hay ban đêm thì sẽ “tiến hành” phá hoại. Ốc sên gây hại các bộ phận non, mềm như cành non, hoa và trái. Đặc biệt đối với những vườn vừa chong điện, ốc ăn bông non gây giảm năng suất, còn khi ăn trái thì gây ảnh hưởng đến mẫu mã trái và tạo điều kiện cho bệnh hại khác tấn công như bệnh thán thư.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, loài ốc sên này có tên khoa học là Bradybaena similaris Ferus, còn gọi là ốc sên nhỏ hay ốc sên lá, nó xuất hiện và tàn phá mạnh vào năm 2016. Từ đầu năm đến nay, diện tích bị ốc sên gây hại khoảng 1.896 ha, mật độ trung bình từ 5-10 con/trụ, tăng 1.295 ha so cùng kỳ năm trước, phân bố tại Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình… Mưa càng nhiều, độ ẩm càng cao thì ốc sên càng thuận lợi để phát triển.

Anh Lê Công Hoàng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, để phòng trừ bà con nông dân cần kết hợp nhiều biện pháp. Trước hết, cần vệ sinh vườn, làm cỏ gốc sạch sẽ, phát quang bờ ranh và các nơi trú ẩn của ốc sên đúng thời điểm. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các loại thuốc trị ốc bưu vàng có hoạt chất metaldehyde để diệt trừ ốc sên trên thanh long.

“Đặc tính của loài ốc sên này thường ăn ban đêm, việc đánh bã hoặc rải thuốc diệt ốc cần được tiến hành vào buổi chiều mới mang lại hiệu quả. Chúng ta có thể rải ở đầu trụ, hoặc ở những nơi ốc thường trú ẩn và có thể kết hợp giữa nhóm thuốc này với một số loại bã. Mặt khác, các nhà vườn thanh long có bờ ranh giáp nhau cần phối hợp diệt ốc sên đồng loạt trong một thời điểm để tránh phát sinh trở lại, do ốc sên di chuyển từ vườn này sang vườn khác”, anh Hoàng cho biết thêm.

NGỌC DIỆP

Bơ sáp OCOP vẫn giữ giá cao, tiêu thụ tốt

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Năm nay giá bơ trên thị trường giảm sâu, khiến cho nhiều nông dân trồng bơ thua lỗ. Thế nhưng, sản phẩm bơ sáp tiêu chuẩn OCOP của gia đình anh Hồ Văn Hoan, ở thôn 11, xã Đắk Lao (Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), vẫn giữ được mức giá cao, tiêu thụ tốt.

Hằng năm, vụ thu hoạch bơ của gia đình anh Hồ Văn Hoan luôn diễn ra chậm hơn 2 tháng so với các loại bơ chính vụ trên địa bàn huyện Đắk Mil. Theo anh Hoan, vườn bơ của gia đình anh là giống bơ sáp. Loại bơ này luôn chín muộn hơn so với các loại bơ khác. Đây chính là lợi thế, vì bơ sáp khi đó lại "hút hàng" và bán được giá.

Anh Hồ Văn Hoan xây dựng sản phẩm bơ sáp thành sản phẩm OCOP

Năm nay, dù các loại bơ khác đồng loạt rớt giá thê thảm, nhưng bơ sáp của anh Hoan vẫn bán được tầm 28.000 – 30.000 đồng/kg. Đặc biệt, vườn bơ sáp của anh Hoan luôn giữ vững thương hiệu và uy tín nhờ áp dụng quy chuẩn VietGAP và được “gắn sao” OCOP (Chương tình mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm bơ của anh Hoan được các vựa bơ, các nhà bán lẻ từ các tỉnh, thành đặt hàng với số lượng lớn.

Anh Hoan cho biết, việc gia đình anh áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để trồng bơ đến khi được công nhận sản phẩm OCOP là một quá trình dày công, với nhiều nỗ lực, tâm huyết. Gia đình anh chỉ có vỏn vẹn 60 cây bơ trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu. Với quyết tâm làm ra sản phẩm sạch, chất lượng, anh đăng Hoan ký tham gia Tổ hợp tác bơ an toàn của huyện Đắk Mil.

Anh Hoan chia sẻ: “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ít ra cũng tạo niềm tin cho khách hàng. Bởi nhà vườn áp dụng quy trình sản xuất từ làm cỏ cho đến bón phân, phòng bệnh cho bơ đều áp dụng công nghệ sinh học để chăm sóc. Tiến thêm một bước là sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng quét mã QR code bằng điện thoại để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy, quả bơ được nâng cao giá trị”.

Sản phẩm bơ sáp của anh Hồ Văn Hoan được chứng nhận sản phẩm OCOP Đắk Nông đợt 1 năm 2020

Không chỉ áp dụng phương pháp sản xuất tiến bộ trên vườn bơ, anh Hoan còn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm trồng bơ mỗi khi có người tìm đến tìm hiểu, tham quan. Những năm qua, có hàng trăm người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu cây giống, chồi ghép, cách phòng trừ sâu bệnh đối với bơ sáp.

Do giống bơ của gia đình anh chọn lọc từ cây bơ sáp địa phương, nên khả năng sinh trưởng, phát triển rất tốt, cây đã thuần chủng, thích nghi tốt với khí hậu, môi trường, khả năng kháng bệnh cao. Loại bơ này có nhiều ưu điểm như trái có hình dáng thon dài, cơm vàng, mẫu mã đẹp và đang rất được thị trường ưa chuộng.

Sau hơn 3 năm áp dụng sản xuất VietGAP, đến nay sản phẩm bơ sáp của anh Hoan được UBND huyện Đắk Mil lựa chọn để tham gia xây dựng sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, vừa qua, sản phẩm bơ sáp của anh Hoan đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tỉnh Đắk Nông đợt 1 năm 2020. Đây chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực lao động, sản xuất của anh. Anh Hoan cho biết, được chứng nhận OCOP là động lực để anh tiếp tục nâng cao chất lượng bơ sáp và xây dựng thương hiệu cho giống bơ này trở thành đặc sản của địa phương.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nông nghiệp chuỗi giá trị kinh tế cao - hướng đi bền vững ở Lai Châu

Nguồn tin:  VOV

Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.

Nông nghiệp chất lượng cao là một trong những điểm nhấn về thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế của tỉnh biên giới Lai Châu trong nhiệm kỳ qua. Xác định nông nghiệp là thế mạnh và tập trung khai thác; doanh nghiệp, người dân được tạo điều kiện tối đa về chính sách để phát triển, nên nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã dần hình thành, giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.

Mô hình kinh tế của ông Đào Huy Chương ở tổ 6, phường Quyết Tiến, TP Lai Châu được nhiều người biết đến, bởi chỉ với diện tích đất khá khiêm tốn với hơn 500m2 của gia đình, nhưng đã cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhiều chuỗi giá trị sản phẩm đã trở thành hàng hóa đặc trưng của Lai Châu và là thế mạnh khi có mặt trên thị trường cả nước.

Mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo được ông bắt tay khởi nghiệp cách đây 5 năm, sau một chuyến tham quan thực tế tại Trung Quốc. Ban đầu mô hình của gia đình ông chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ gia nhu cầu sử dụng của gia đình, người thân. Thấy nấm phát triển tốt, ông đã nhân rộng bán ra thị trường và đến nay sản phẩm của gia đình đã được bán trên thị trường khắp cả nước.

"Mình bắt đầu học hỏi và thực hành sản xuất đông trùng hạ thảo từ năm 2015. Hiện nay, sản phẩm của gia đình chủ yếu được tiêu thụ trong nước, nhưng đã tạo công ăn việc làm cho 8 -15 lao động địa phương. Tới đây, gia đình rất mong được các cấp tạo điều kiện cho thuê mặt bằng để mở quy mô sản xuất, cơ sở khang trang hơn và sản phẩm được công nhận trở thành đặc trưng của tỉnh Lai Châu", ông Đào Huy Chương bày tỏ.

Từ các chính sách hỗ trợ về lãi suất vay vốn, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, máy móc, nhà xưởng… hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi giá trị đã được hình thành trên địa bàn thành phố Lai Châu. Các mô hình kinh tế chủ yếu khai thác lợi thế ưu đãi của thiên nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp khác biệt, trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đào Ngọc Sơn, Giám đốc hợp tác xã Quyết Tâm, xã San Thàng, thành phố Lai Châu - đơn vị chuyên sản xuất các loại rau ôn đới theo phương pháp trồng thủy canh cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay ngày càng đòi hỏi cao hàng hóa có chất lượng, đặc biệt là đối với thực phẩm sạch.

Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình ông Sơn hiện nay chỉ có hơn 2ha, nhưng mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng chục tấn rau sạch các loại. Đến nay, rau của HTX Quyết Tâm không chỉ được bán tại thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận và nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng.

"Kinh nghiệm cho thấy, đối với rau sạch khi sản phẩm làm ra phải tạo được sự khác biệt so với thị trường. Cụ thể như vào mùa Hè, HTX thiên về làm sản phẩm trái mùa như rau xà lách, cà chua và rau cải. Những sản phẩm này ở các vùng lân cận như Hà Nội vào mùa hè thời tiết nóng rất khó sản xuất, nhưng HTX lại sản xuất rất tốt vì khí hậu thuận lợi. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất cần phải lựa chọn phương pháp tối ưu, giảm chi phí sản xuất về mức thấp nhất", ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm.

Từ hướng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị chất lượng cao, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vào đầu tư, đến nay thành phố Lai Châu có hơn 50 mô hình kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện địa phương có 16 mặt hàng được công nhận là sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn 3 sao, 4 sao theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp như: nấm đông trùng hạ thảo, thanh long ruột đỏ, rau ôn đới, hoa hồng, lan kèn Lai Châu...

Các sản phẩn nông nghiệp tại Lai Châu đều được khai thác dựa trên thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng...

Ông Bùi Hữu Cam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu cho biết, để thu hút đầu tư, thành phố Lai Châu đã xây dựng các vùng quy hoạch phát triển trọng điểm cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Từ các vùng quy hoạch đó thì kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư. Đến nay, thành phố đã có nhiều vùng sản xuất chuyên canh liên kết tập trung cho chuỗi giá trị kinh tế cao.

"Thành phố Lai Châu đã xây dựng các vùng quy hoạch cụ thể cho các sản phẩm trọng điểm. Từ các vùng quy hoạch đó, Lai Châu kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát và nghiên cứu hợp tác. Lai Châu cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân liên kết với các doanh nghiệp, thông qua hình thức góp đất, góp ngày công lao động. Đặc biệt, Lai Châu cũng xúc tiến đẩy mạnh việc xây dựng quy trình công nhận sản phẩm OCOP cho nhiều sản phẩm, tạo thêm giá trị thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương", ông Cam cho hay.

Dù diện tích sản xuất nông nghiệp không nhiều, nhưng phát triển chuỗi mô hình sản xuất giá trị là hướng đi đang mang lại hiệu quả kinh tế cho TP Lai Châu. Hướng đi này hiện cũng đã, đang được áp dụng tại nhiều địa phương khác có lợi thế trong tỉnh; từ đó hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, hướng tới mục tiêu nông nghiệp sạch, chất lượng, thân thiện với người tiêu dùng./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Hội chợ - triển lãm công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản TP.HCM lần III năm 2020 tại quận Tân Bình

Nguồn tin:  Khuyến Nông TP.HCM

Nhằm thể hiện tốt vai trò là cầu nối, kênh xúc tiến thương mại quan trọng đối với các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là Thành phố đi đầu về sản xuất, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao cho các tỉnh, thành,… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội chợ – Triển lãm công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản TPHCM, lần III năm 2020 kết hợp với Hội chợ Khuyến mại quận Tân Bình năm 2020 do UBND quận Tân Bình tổ chức.

Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 30/10/2020 – 03/11/2020 tại Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Tân Bình, số 446 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình.

Hội chợ năm nay sẽ có quy mô khoảng 250 gian hàng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia. Ngoài việc giới thiệu, quảng bá những giống cây, giống con chất lượng cao, các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp đô thị của Thành phố; giới thiệu các mô hình, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, các nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp của Thành phố và các tỉnh, thành. Hội chợ – Triển lãm năm nay kết hợp hội chợ chăn nuôi, giới thiệu, quảng bá các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, quy trình sản xuất, máy móc thiết bị phục vụ ngành chăn nuôi.

Theo Ban tổ chức Hội chợ cho biết về chính sách hỗ trợ: sẽ hỗ trợ 100% phí thuê gian hàng (tối đa 02 gian hàng) đối với: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành; Các Viện, Trường, Trang trại, Hợp tác xã, các Tổ hợp tác trên địa bàn TP.HCM; Hỗ trợ chi phí cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia khu nhà chung triển lãm thành tựu về giống, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của TP.HCM; Đối các cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia nhiều hơn số gian hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ hoặc các đối tượng khác không được hỗ trợ thì đơn vị tự dựng gian hàng (liên hệ Ban Tổ chức để được hướng dẫn cụ thể).

Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố các cá nhân, đơn vị nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn trong suốt thời thian diễn ra Hội Chợ.

M.H

Mưa bão kéo dài, nhiều loại rau ngắn ngày tiếp tục tăng giá mạnh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Tại TP Đà Lạt và các huyện lân cận, rau ăn quả và rau ăn lá như xà lách, dưa cải, hành lá, cần tây, cà rốt... giá tăng thêm từ 2.000-15.000 đồng/kg so với cách nay 1 tháng.

Người dân thu hoạch rau cần tây tại đường Thánh Mẫu, Phường 8, TP Đà Lạt

Theo ghi nhận sáng 29/10, giá các loại rau ăn lá là thế mạnh của Đà Lạt, huyện Đơn Dương như hành lá bán tại vườn 16.000-17.000 đồng/kg; xà lách cuộn giá 20.000 đồng/ kg; rau cần tây 15.000 đồng/kg;… tăng từ 10.000 -15.000 đồng/kg so với 1 tháng trước thời điểm mưa bão.

Ngoài ra, các mặt hàng như cà rốt, bắp sú, cải thảo, cà chua, cô rôn, hành tây, rau thơm các loại cũng tăng giá từ 3.000-10.000 đồng/kg so với thời điểm trước.

Nhiều loại nông sản Đà Lạt đều tăng giá do mưa bão kéo dài, năng suất bị sụt giảm

Theo các thương lái chuyên thu mua rau tại Đà Lạt, giá cả các mặt hàng nông sản tăng nhanh do mưa kéo dài, đồng thời các tỉnh miền Trung và một số nơi nông sản bị ngập úng, nguồn cung gần như không còn.

Bên cạnh đó, việc mưa gió kéo dài cũng khiến năng suất các loại rau giảm từ 30 tới 50% so với mùa nắng nên giá thường được đẩy lên cao hơn để bù các thiệt hại do thời tiết gây ra.

Theo dự báo của nhiều nhà vườn, trong thời gian tới, có thể giá cả nhiều loại nông sản sẽ vẫn còn giữ ở mức trên do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường vẫn cần cung ứng số lượng lớn.

C.PHONG

Sản xuất tiêu hữu cơ: Xu hướng tất yếu

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Năm 2013, UBND tỉnh Bình Phước thuận chủ trương tiếp nhận Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” tại tỉnh do Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ phát triển các câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất tiêu ở Bình Phước đạt các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ và bao tiêu sản phẩm. Qua gần 8 năm thực hiện, dự án đã hình thành được kỹ năng sản xuất tiêu bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người trồng và giữ vững giá trị hồ tiêu Bình Phước. Thay đổi nhận thức và canh tác

Năm 2017, gia đình ông Hứa Quốc Hùng ở thôn 2, xã Đức Liễu tham gia Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” do ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tại Bình Phước thực hiện ở huyện Bù Đăng.

Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Quân đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong ảnh, ông Quân tỉa cành cây lồng mức để tiêu quang hợp

Được chủ nhà dẫn ra thăm vườn tiêu, chúng tôi khá ấn tượng vì hàng ngàn trụ tiêu khỏe mạnh, xanh tốt, bám cây lồng mức vươn cao tới 5-6m. Cả vườn tiêu trong giai đoạn kinh doanh, từng chùm hạt căng bóng đang thời kỳ vào mẩy. Ngạc nhiên là bởi thời gian qua, một số nơi trong tỉnh tiêu chết hàng loạt, trong khi vườn nhà ông tràn đầy sức sống. Ông Hùng cho biết: “Gia đình có 1,8 ha tiêu Vĩnh Linh, trồng từ năm 2014. Nếu như trước đây, nhà nào cũng dùng thuốc hóa học để diệt cỏ và phân hóa học để bón cây, thì nay tham gia dự án, nhận thức và canh tác của bà con đã thay đổi. Cỏ trong vườn chỉ dùng máy phát và để hoai mục tại chỗ làm phân. Đất trong vườn tiêu nhờ thế mà luôn đủ độ ẩm, xốp. Hệ sinh vật có lợi như giun và các loại côn trùng phát triển khá phổ biến, không khí trong vườn mát lành, thân thiện”.

Ở thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng nhiều hộ có thâm niên trồng tiêu từ 20-30 năm. Ông Nguyễn Văn Quân có 2 ha tiêu đang thời kỳ kinh doanh. Năm 1987, ông cũng đã trồng tiêu ở huyện Lộc Ninh, nay chuyển về đây sinh sống vẫn tiếp tục gắn bó với cây trồng này. Ông Quân cho rằng: Sản xuất tiêu sạch, hữu cơ, trước hết là đảm bảo sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Nông dân cũng không bị thiệt vì công ty mua giá sản phẩm cao hơn thị trường. Do vậy, bà con yên tâm sản xuất.

Liên kết chuỗi giá trị bền vững

Bình Phước hiện có khoảng 17.000 ha trồng tiêu. Giai đoạn 2013-2020, dự án đã thành lập 66 câu lạc bộ trồng tiêu bền vững có gần 2.000 nông hộ tham gia. Tổng diện tích áp dụng theo quy trình sản xuất là 2.000 ha, sản lượng bình quân hằng năm từ 3.500-4.000 tấn. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Trần Văn Phương cho biết: “Trong điều kiện thị trường giá tiêu giảm và những tác động xấu của dịch Covid-19 nhưng các câu lạc bộ vẫn hoạt động hiệu quả”.

Ông Lê Thanh Hùng, phụ trách các chính sách Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tại Bình Phước: “Thủ phủ hồ tiêu của Bình Long là xã Thanh Phú. Trước đây, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú có khoảng 200 hộ, tất cả đều trồng tiêu. Riêng tổ 5, ấp Thanh Sơn có hơn 20 hộ, thì giờ chỉ còn 6 hộ trồng ít tiêu xen kẽ với các cây khác. Hồ tiêu bây giờ không còn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế mà chỉ còn vài trụ làm cây gia vị cho gia đình sử dụng”.Công ty đã triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ người trồng tiêu Bình Phước tham gia dự án về chất lượng, sản lượng và chính sách thương mại. Trong đó, nếu sản phẩm đạt chất lượng châu Âu thì sẽ thưởng từ 10% trở lên. Nếu bà con chưa muốn bán nhưng cần vốn để sản xuất - kinh doanh thì công ty thực hiện chính sách ký gửi thuận tiện.

Cuối năm 2019, dự án đã đánh giá độc lập việc sản xuất tiêu của 1.090 nông hộ tại 40 câu lạc bộ. Kết quả, cơ bản các nông hộ tuân thủ tiêu chí đề ra. Niên vụ 2019-2020, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đã thu mua hơn 4.000 tấn sản phẩm hồ tiêu của các câu lạc bộ tham gia dự án. Ngoài ra, công ty còn mua khoảng 10.000 tấn hồ tiêu của các nông hộ ngoài dự án nhưng có sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng.

Tại Bình Phước, nhiều năm trước, hồ tiêu là một trong những cây kinh tế chủ lực. Thời điểm giá hồ tiêu cao, nhiều nông dân đã ồ ạt trồng, dẫn đến ảnh hưởng quy hoạch của tỉnh, đồng thời tạo áp lực dịch bệnh khiến diện tích tiêu chết khá lớn, gây thiệt hại kinh tế. Hiện nay, Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” tại tỉnh đã từng bước nâng tầm giá trị và tạo hướng đi đúng, đó là liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thành công ở các câu lạc bộ tiêu hữu cơ Nghĩa Bình 1, Nghĩa Bình 2, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng và Câu lạc bộ tiêu hữu cơ Đắk Ơ, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã góp phần nâng cao nhận thức, tập quán canh tác của nông dân. Từ tác động của xu thế thị trường, chênh lệch giá giữa các sản phẩm an toàn và chưa an toàn nên nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã xin tham gia dự án. Hiệu ứng lan tỏa này cho thấy sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là xu hướng tất yếu.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết: Thời gian tới, sở sẽ giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam phát triển Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” theo hướng cấp mã vùng trồng và mã cơ sở chế biến. Hiện Công ty Nedspice Việt Nam đã xây dựng cơ sở chế biến tại Bình Phước nên có nhiều thuận lợi trong chuỗi liên kết. Việc công ty thực hiện chính sách thu mua và ưu đãi giá tốt đối với sản phẩm chất lượng, đó là động lực lớn để nông dân yên tâm sản xuất tiêu bền vững.

Quang Minh

Tiền Giang: Giá heo hơi giảm

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Dù giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những ngày qua đã giảm về mức khoảng 70.000 đồng/kg, tuy nhiên, theo nhận định của người chăn nuôi, thời gian tới, giá heo hơi có khả năng tăng trở lại do việc tái đàn còn hạn chế.

Giá heo hơi giảm nhưng được dự báo sẽ tăng trở lại.

Khoảng hơn 01 tuần nay, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh giảm từ mức 80.000 đồng/kg xuống còn khoảng 70.000 đồng/kg, thậm chí có nơi, giá heo hơi xuống dưới mức 70.000 đồng/kg. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, hiện đàn heo của huyện có khoảng 76.000 con. Những ngày qua, giá heo hơi đã giảm còn khoảng 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi vẫn còn lợi nhuận rất cao.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Đông cho biết, hiện đàn heo ở xã còn khoảng 17.000 con. Giá heo hơi được các thương lái thu mua trên địa bàn ở dưới mức 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi vẫn có lãi khá cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên người dân có tâm lý ngại tái đàn nên đàn heo ở xã không tăng. Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây đã chuyển sang nuôi gia cầm một phần sợ dịch bệnh, một phần không có khả năng tái đàn.

Theo ông Nguyễn Minh Thuần, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, những ngày qua, giá heo hơi nằm ở nhiều mức khác nhau, một phần cũng do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, đối với heo đảm bảo an toàn dịch bệnh thì giá bán vẫn trên 70.000 đồng/kg. Giá heo hơi giảm cũng một phần do nước ta nhập khẩu thịt heo đông lạnh và heo sống từ Thái Lan về để bù lắp lượng thịt heo thiếu hụt trong thời gian qua. Thời gian tới, dự báo, giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng do chuẩn bị sắp tới Tết Nguyên đán năm 2021. Thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ tăng trong khi nguồn cung thịt heo tại chỗ thì đang bị hạn chế. Người dân đang ngại tái đàn do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Muốn hạ giá heo hơi, không còn cách nào khác là phải đảm bảo tái đàn để đảm bảo cung cầu. Việc nhập khẩu thịt heo chỉ là giải pháp tình thế.

Thời điểm này, dù giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với khoảng 01 tháng trước, tuy nhiên giá thịt heo tại các chợ cũng không có nhiều biến động so với trước. Ghi nhận tại chợ Phường 1, TP. Mỹ Tho, thịt heo đùi có giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, thịt ba rọi có giá từ 170.000 - 180.000 đồng/kg. Còn tại hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, thịt heo đùi nhập khẩu có giá khoảng 143.000 đồng/kg, thịt ba rọi nhậu khẩu có giá khoảng 149.000 đồng/kg, sườn non 199.000 đồng/kg...

Trọng Đạt

Thái Nguyên: Bảo vệ vật nuôi thời điểm giao mùa

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Ngoài cung cấp thức ăn đủ chất dinh dưỡng, anh Nguyễn Hồng Phong, xóm Ao Rôm 1, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) thường xuyên phun tiêu độc khử trùng để đảm bảo an toàn cho trang trại gà với số lượng 40.000 con.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm biến động mạnh sẽ làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh gây hại đến đàn gia súc, gia cầm là rất lớn. Do đó, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đang chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường các biện pháp, hướng dẫn các hộ dân tích cực chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

Ý thức được những nguy hiểm của dịch bệnh, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa nên gia đình ông Đỗ Xuân Thủy, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa đặc biệt chú trọng việc chăm sóc gần 9.000 con gà lông trắng trong trang trại của mình. Ông Thủy cho biết: Chúng tôi phải thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp. Hiện nay, ban ngày thời tiết nắng nhưng đêm nhiệt độ lại xuống thấp nên gia đình phải bật hệ thống sưởi ấm gà vào gần sáng, bởi nếu gà bị bị nhiễm lạnh sẽ dễ mác các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng các loại vắc xin, vệ sinh chuồng trại cũng được chúng tôi thường xuyên quan tâm.

Cũng như ông Thủy, gia đình anh Âu Văn Phương, ở xóm Xuân Quang, xã Quang Sơn thời điểm này phải dùng lưới, bạt để che chắn cho 15 con lợn nái khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Anh Phương chia sẻ: Bình thường, nếu thời tiết khô ráo, nền nhiệt độ ổn định (từ 20 độ C trở lên) thì chăm sóc vật nuôi không khó khăn. Tuy nhiên, khi độ ẩm xuống thấp hơn, sức đề kháng của vật nuôi kém, dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh như: Dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng... Do đó, gia đình tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, mắc lưới tránh ruồi và muỗi đốt, lây nhiễm bệnh cho đàn lợn. Về đêm, gia đình che thêm bạt quanh chuồng để chắn gió lạnh lùa vào.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có khoảng 30.000 con lợn, hơn 5.000 trâu, bò và hơn 1 triệu con gia cầm. Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, thời điểm giao mùa, trời nắng nóng kèm mưa ẩm xen kẽ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, đàn gia súc, gia cầm dễ mắc các bệnh như: Cúm, tiêu chảy, viêm phổi... Để chủ động phòng, chống, người chăn nuôi cần che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh mưa tạt, gió lùa; khi nhiệt độ giảm cần giữ ấm cho vật nuôi, nhất là những vật nuôi còn non cần phải có chuồng úm, đèn sưởi; thường xuyên vệ sinh chuồng trại và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ngoài cách chăm sóc tốt, có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi khá quan trọng thời điểm này. Vừa qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức tiêm phòng đợt 2 của năm 2020 cho đàn vật nuôi, đồng thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng chuồng trại trên địa bàn 15 xã thị trấn.

Theo đó, phòng chuyên môn đã tiến hành tiêm được trên 4.325 liều vắc xin lở mồm, long móng; gần 4.400 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; hơn 13.000 liều dịch tả lợn; gần 12.500 liều tụ dấu lợn; 52.000 liều cúm gia cầm… Ngoài ra, huyện cũng đã tiến hành cấp 2.450 lít hóa chất cho các xã, thị trấn phun tiêu độc khử trùng. Chị Âu Thị Luyến, cán bộ thú y xã Quang Sơn cho biết: Những hộ chăn nuôi quy mô trang trại chấp hành rất tốt các quy định tiêm phòng, hệ thống chuồng trại được đầu tư kỹ càng nên đã hạn chế việc phát sinh dịch bệnh. Thời gian qua, chúng tôi tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở bà con thường xuyên vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; bổ sung thêm một số vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Trường hợp vật nuôi có biểu hiện của bệnh nguy hiểm, có dấu hiệu lây lan cần thông báo kịp thời đến cán bộ thú y để có biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Xuân Quang cho biết thêm: Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vận chuyển gia cầm cần chú ý cập nhật thông tin về thời tiết, tránh vận chuyển vào những ngày có mưa lạnh, gió lùa; chú ý đảm bảo đúng các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn…

Chung An

Hưng Yên: Phát triển đàn bò lai hướng thịt chất lượng cao

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Chương trình “Phát triển đàn bò lai hướng thịt chất lượng cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019 -2023” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện. Kết quả bước đầu đã khẳng định đây là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả trong việc làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn bò, tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ cũng như bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi…

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ và các đại biểu tham quan trang trại bò của Hợp tác xã Tân Tuyến (xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ)

Với lợi thế điều kiện tự nhiên đa dạng, thị trường có sức tiêu thụ lớn, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt. Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình lai tạo, nâng cao chất lượng giống bò. Thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tầm vóc, khối lượng thịt và chất lượng thịt của đàn bò đã được nâng lên đáng kể. Sau 1 năm triển khai thực hiện, chương trình “Phát triển đàn bò lai hướng thịt chất lượng cao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019 -2023” (viết tắt là Chương trình), đã tổ chức được 20 lớp tập huấn cho gần 2000 lượt người tham dự; cấp phát 2000 cuốn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò lai hướng thịt, cách tự phối chế thức ăn, nhất là chủ động được nguồn thức ăn cho vụ đông từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như ngô, chuối, cỏ, giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm 2019, chương trình đã tuyên truyền giúp người chăn nuôi hiểu được lợi ích của công tác truyền tinh nhân tạo cho bò, hỗ trợ 1250 liều tinh bò đực giống Brahman đỏ, Drought Master, Red Angus và BBB để truyền tinh cho bò cái sinh sản, cải tạo đàn bò cái nền hiện có của địa phương giúp nâng cao tầm vóc, hiệu quả trong chăn nuôi bò.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt, trang trại nuôi bò của Hợp tác xã Tân Tuyến (xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ) hiện có 200 con bò được nuôi theo mô hình chuỗi khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức ăn và tiêu thụ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Tham gia chương trình, năm 2020, hợp tác xã được hỗ trợ 100% liều tinh nhân tạo giống bò lai chất lượng cao. Chị Đoàn Thị Tuyến, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hiện 100% số lượng bò của hợp tác xã là bò lai chất lượng cao giống BBB, được nuôi nhốt trong chuồng thoáng mát, mỗi con một ô, thức ăn cho bò là cám chăn nuôi và cỏ voi, phụ phẩm nông nghiệp. Theo chị Tuyến, nuôi bò lai không phải chăn thả như bò địa phương, bò có sức đề kháng cao, không bị dịch bệnh, chất lượng thịt ngon, tỷ lệ thịt nạc cao, thơm ngon nên thị trường tiêu thụ rất thuận lợi. Lợi nhuận từ chăn nuôi bò thịt đạt khoảng 1,2 triệu đồng/con/tháng. Không chỉ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để chăn nuôi và chăm sóc bò mà ngay cả việc giết mổ, đưa ra thị trường tiêu thụ cũng được Hợp tác xã Tân Tuyến thực hiện với quy trình khép kín, theo tiêu chuẩn, Hợp tác xã Tân Tuyến được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tìm đến học tập kinh nghiệm và mua con giống.

Trong bối cảnh chăn nuôi lợn, gia cầm đang gặp khó khăn, chăn nuôi bò vẫn phát triển ổn định và nhu cầu thị trường còn rất lớn. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết: Để phát triển đàn bò lai hướng thịt trên địa bàn tỉnh, năm 2020, chương trình đã cấp hỗ trợ gần 5000 liều tinh bò để truyền tinh nhân tạo. Chất lượng thụ tinh nhân tạo cho bò đạt kết quả cao, với tỷ lệ đạt 80 - 90%. Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nên chất lượng đàn bò lai hướng thịt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cao.

Minh Huấn

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop