Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 01 tháng 02 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 01 tháng 02 năm 2023

 

Nông dân với ước vọng đầu xuân

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

 

Đầu xuân mới Quý Mão 2023, có dịp về nông thôn, rất dễ bắt gặp cảnh nông dân ngồi lại với nhau bàn chuyện sản xuất với ước vọng về những mùa lúa bội thu, vụ tôm trúng giá. Qua những câu chuyện của nông dân, có thể thấy, với sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, cộng với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được đưa vào ứng dụng trong sản xuất ngày càng phổ biến thì chuyện làm giàu của nông dân không còn là chuyện quá khó.

PHÁ THẾ ĐỘC CANH

Mùng 4 Tết, chúng tôi đến xông đất nhà nông ở huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu). Sau ly rượu đầu xuân, bà con nông dân lại bàn về các mô hình sản xuất, việc đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ số vào sản xuất để làm ra nhiều sản phẩm hơn trên cùng đơn vị diện tích. Tại Hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm (xã Vĩnh Hưng A), ông Trịnh Văn Ngang - Giám đốc HTX, cho biết: Hướng tới, HTX sẽ khuyến khích các xã viên sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Đặc biệt là phá thế độc canh cây lúa, đưa màu xuống ruộng để từng bước đa dạng hóa cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản”. Cũng theo ông Ngang, hiện HTX có khoảng 10ha được bà con xã viên bắt tay vào thực hiện thí điểm đưa màu xuống ruộng, nếu mô hình này hiệu quả, thời gian tới HTX sẽ khuyến khích nhân rộng trong toàn HTX.

 

 

Bà con nông dân ra đồng chuẩn bị mùa vụ mới.

Nông dân Nguyễn Văn Chuối (ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) thì bộc bạch: Cuối năm giá lúa tăng, nông dân chúng tôi rất phấn khởi, ăn Tết sung túc hơn mọi năm. Hiện khu vực này đã xây ô đê bao khép kín phục vụ sản xuất cho mô hình cánh đồng lớn nhưng chưa được đầu tư trạm bơm điện, nên năm mới bà con nông dân ai cũng mong muốn Nhà nước đầu tư trạm bơm để việc bơm tát nước phục vụ sản xuất được chủ động hơn”.

MONG TRÚNG MÙA, TRÚNG GIÁ

Vui nhất là nông dân vùng Bắc Quốc lộ 1A, vụ lúa - tôm trước tết Nguyên đán vừa trúng mùa, trúng giá, vì vậy bà con có tiền ăn Tết lớn. Còn các hộ nuôi tôm trong tỉnh cũng phấn khởi không kém vì giá tôm liên tục tăng cao vào thời điểm cuối năm. Theo đó, tôm sú 30 con/kg có giá 270.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg, thương lái thu mua tại ao giá 90.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 50 con/kg, giá 140.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Thanh Linh (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) phấn khởi nói: Giá tôm tăng cao, người nuôi có lãi nên ai cũng có một cái Tết sung túc. Hy vọng năm mới, bà con nuôi tôm ở xã Vĩnh Thịnh nói riêng và trong tỉnh nói chung ai cũng trúng mùa, trúng giá.

Đầu năm nghe nông dân nói chuyện làm ăn, mở ra hướng đi mới rất khả quan, chúng tôi thật sự vui lây. Rõ ràng, ngày nay nông dân không chỉ quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm, lúa mà còn biết cách làm giàu từ các mô hình sản xuất mới, đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình. Tin rằng, nông dân sẽ khá và giàu lên từ những ước vọng đầu năm với mô hình sản xuất mới, phát triển bền vững.

Bài và ảnh: MINH ĐẠT

 

Vui xuân không quên đồng ruộng

Nguồn tin: Báo Long An

 

Với điều kiện thời tiết nhiều bất lợi cho cây lúa vào thời điểm trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân và ngành chuyên môn tại các địa phương vui xuân nhưng không quên đồng ruộng.

Những ngày cận tết, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơn mưa trái mùa với lưu lượng vừa và lớn, đặc biệt là vào sáng sớm có sương mù dày đặc trên các cánh đồng lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Thông tin từ ngành Nông nghiệp tỉnh, với tình hình thời tiết như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu, bệnh phát triển và gây hại nặng trên các trà lúa Đông Xuân, nhất là giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Do đó, để bảo vệ tốt vụ lúa chính trong năm, nông dân cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa và điều trị đối với các đối tượng dịch hại.

 

 

Cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương phối hợp nông dân thăm đồng trước, trong và sau tết

Ông Nguyễn Văn Rỡ (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) cho biết: “Hiện lúa của gia đình tôi đã được hơn 40 ngày tuổi và sinh trưởng tốt. Năm nay, độ mặn chưa cao nên không lo thiếu nước sản xuất vào cuối vụ như những năm trước. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường nên dịch hại trên lúa cũng xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, tôi và nhiều nông dân địa phương thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trị sinh vật gây hại được hiệu quả, hạn chế dịch bệnh”.

Cùng ý thức vui xuân không quên ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Điệp (xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Hiện tại, trà lúa của tôi được trên 30 ngày tuổi, chưa xuất hiện sâu, bệnh gì đáng kể và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao khi thu hoạch. Tuy nhiên, để an tâm vui xuân, trước tết, tôi phun xịt một đợt thuốc để phòng ngừa sâu, bệnh phổ biến ở giai đoạn này và tăng cường thăm đồng nhiều hơn nhằm theo dõi tình hình phát triển của cây lúa trong dịp tết. Hiện các chi phí đầu tư cho cây lúa đang ở mức cao, nhất là tiền phân bón. Nếu để dịch hại tấn công làm ảnh hưởng đến cây lúa, gây giảm năng suất vào lúc thu hoạch thì tôi sẽ khó có lợi nhuận”.

Mặc dù bận rộn, tất bật với nhiều công việc trước, trong và sau tết, tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế tại nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh, vào thời điểm này, hầu hết nông dân đều tất bật chăm sóc ruộng lúa của gia đình mình chứ không dám lơ là, bỏ lúa để ăn tết. Bởi thời điểm trước, trong và sau tết, thời tiết khá thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh xuất hiện và gây hại nhiều hơn. Theo chia sẻ của nhiều nông dân thì nếu chỉ mải vui xuân, đón tết mà bỏ quên đồng ruộng, không may có sâu, bệnh tấn công sẽ tốn nhiều chi phí, ảnh hưởng đến năng suất lúa và lợi nhuận khi thu hoạch.

Ngành Nông nghiệp tỉnh dự báo về một số dịch hại có thể xuất hiện trước, trong và sau tết mà nông dân cần chú ý theo dõi, phòng ngừa hiệu quả. Cụ thể, rầy nâu T1-T2 xuất hiện rải rác; ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, chuột,... có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, rầy nâu, bệnh cháy bìa lá,... có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đòng trổ - chín.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, trước tình hình dự báo về sinh vật hại trước, trong và sau tết, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân vui xuân nhưng không quên đồng ruộng. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn của ngành tăng cường thăm đồng và xây dựng kế hoạch về việc tổ chức tập huấn tình hình dịch hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ cho nông dân từ trước tết đối với các khu vực được dự báo về tình hình dịch hại có nguy cơ bùng phát cao; đồng thời, cần chú ý các vùng có trồng giống lúa thơm chất lượng cao như OM5451, RVT, Đài Thơm 8, ST24, ST25,...

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp các địa phương, nhất là các huyện vùng hạ như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ,... cần thường xuyên phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh để cập nhật số liệu về diễn biến mặn xâm nhập trên địa bàn nhằm cung cấp thông tin sớm, kịp thời giúp nông dân chủ động phòng tránh mặn cho lúa, cây ăn trái và rau màu được hiệu quả./.

Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ gần 220.310ha lúa Đông Xuân 2022-2023, đạt 100,1% kế hoạch, bằng 101,1% so cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch trên 45.260ha, năng suất trung bình đạt 62,2 tạ/ha, sản lượng trên 281.695 tấn.

B.Tùng

 

Xuất khẩu nông sản: Tháng đầu năm, nhiều mặt hàng tăng trưởng cao

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Năm 2022, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi tăng trưởng trên các mặt sản xuất, xuất khẩu, góp phần ổn định vĩ mô trong nước và an ninh lương thực toàn cầu. Với nền tảng như vậy, bước sang năm 2023, nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục ghi nhận tín hiệu vui trong tháng đầu tiên của năm mới.

Điểm sáng từ thị trường Trung Quốc

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu nông sản đã có những tín hiệu khởi sắc. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp vào phần tăng trưởng này.

Thậm chí, các mặt hàng mới gia nhập đường đua xuất khẩu chính ngạch có đơn hàng bổ sung theo ngày. "Một là do nhu cầu của thị trường, sức mua tại châu Âu và Mỹ đang phục hồi nhanh hơn so với dự báo rằng phải đến cuối quý II/2023. Trong khi đó, mặt hàng trái cây tươi tiêu thụ nhanh do vậy đối tác đặt đơn mới theo ngày, nhất là từ thị trường Trung Quốc", ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.

Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc Trung Quốc mở cửa biên giới, gỡ bỏ chính sách "Zero COVID" từ ngày 8/1/2023 thì hưởng lợi nhất chính là các ngành hàng nông sản tươi sống.

"Hàng tươi sống có giá trị cao, như cua, tôm hùm, tôm sú và tôm thẻ gần như chỉ xuất bằng đường bộ, mà trong giai đoạn Trung Quốc kiểm soát dịch 'Zero COVID' thì cửa khẩu ách tắc, hàng không xuất được. Do vậy khi họ mở cửa giao thương, thông quan các mặt hàng này thuận lợi hơn. Thứ hai là sức tiêu thụ của thị trường 1,4 tỷ dân bị kìm nén gần 3 năm qua, nay họ mở lại nhà hàng thì nhu cầu thủy sản tươi sống sẽ tăng mạnh", ông Lê Bá Anh nhận định.

Dẫn chứng cho cơ hội này, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hacaseafood cho biết, trong tháng 1, doanh nghiệp có gần 200 container hàng xuất sang thị trường Trung Quốc phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Việc mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc được đánh giá là điểm sáng cho xuất khẩu nông sản nước ta trong năm 2023 vì thị trường 1,4 tỷ dân đang chiếm hơn 17% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

 

 

Không chỉ được cấp phép nhập khẩu chính ngạch, mà gạo thương hiệu Việt bán với giá rất cao - Ảnh minh họa

Giá gạo xuất khẩu cao, nông dân có thêm động lực mở rộng diện tích

Trong khi các ngành hàng tươi sống tận dụng lợi thế địa lý để tăng mạnh đơn hàng xuất sang Trung Quốc thì nhiều ngành hàng nông sản có giá trị kinh tế cao tiếp tục vươn ra những thị trường khó tính, điển hình là hạt gạo.

Năm vừa qua, việc gạo ST25 được nhập khẩu chính ngạch, bày bán tại các siêu thị ở Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu, thậm chí loại gạo có thương hiệu từ Việt Nam được chọn đưa vào bếp ăn Nội các Nhật Bản là minh chứng cho thấy sự dịch chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng của ngành nông nghiệp.

Không chỉ được cấp phép nhập khẩu chính ngạch mà gạo thương hiệu Việt bán với giá rất cao. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, năm vừa qua, giá gạo thơm xuất khẩu sang Trung Đông, châu Âu đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn. Đây là giá xuất khẩu cao đối với mặt hàng lúa gạo trong nhiều năm nay.

Khẳng định được thương hiệu ở các thị trường khó tính đã tạo đà cho gạo Việt ngay những ngày đầu năm 2023. Đơn cử như Công ty Trung An đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao từ nay đến đầu quý II/2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ, số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm.

"Nhu cầu về gạo chất lượng cao, gạo an toàn của người tiêu dùng trong nước và thế giới hiện nay rất nhiều. Cho nên tôi tin rằng, năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục phát triển kể cả về chất lượng và giá trị. Giá gạo xuất khẩu đầu năm 2023 đang rất cao, chúng tôi bán với giá từ 600-1.250 USD/tấn, ngay cả gạo 100% tấm cũng bán với giá lên đến 468 USD/tấn", ông Phạm Thái Bình cho hay và tin tưởng năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ thắng lớn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, thường cuối vụ giá gạo rất thấp, nên đối tác nhập khẩu căn cứ vào giá đó để đàm phán mua vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, năm nay, cuối vụ chúng ta lại bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ Đông Xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn. Quan trọng hơn, khi giá gạo tăng thì người nông dân có thêm động lực mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng.

Còn nhiều thách thức

Bước sang năm mới, cùng với cơ hội từ thị trường thì xuất khẩu các ngành hàng nông sản của nước ta được dự báo vẫn còn nhiều thách thức.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu cao,… để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, các tiêu chuẩn ngày càng khó hơn, nhất là có những quy định, điều chỉnh rất bất ngờ đối thủy sản nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải có những thay đổi về quan điểm, tâm thế, tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, xây dựng chiến lược chi tiết tới từng phân khúc địa phương nếu muốn tăng tỷ trọng vào thị trường này.

Còn ông Phạm Thái Bình thì cho rằng, vấn đề liên kết hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng vẫn còn yếu. Còn tình trạng "gà nhà đá nhau" thì nông nghiệp nước nhà khó vươn tầm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến nghị, trên bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu.

Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mã vùng trồng, ao nuôi, cơ sở chế biến, đóng gói phải được xác nhận. Liên kết hình thành vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng và sản lượng. Quy trình Global GAP, VietGAP triển khai chặt chẽ từ con giống, cây giống. Mở rộng quan hệ thương mại song phương, hướng tới xuất khẩu chính ngạch, sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Làm được điều này, nông sản Việt mới có cơ hội giữ vững chỗ đứng và thị phần, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu cũng như ngay trên sân nhà.

Băng Tâm

 

Giá nông sản tết ổn định, nông dân lãi khá

Nguồn tin:  Báo Long An

 

Cứ mỗi dịp tết đến, nhu cầu mua sắm hoa, dưa hấu và các loại nông sản khác luôn tăng cao. Nắm bắt xu thế này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An tập trung sản xuất, chuẩn bị tốt nhất cho vụ mùa này. Tết năm nay, hầu hết nông sản đều được mùa, được giá, nông dân có một cái tết no ấm, đủ đầy.

Theo nhiều nông dân trồng hoa tết, năm nay, hoa tết trúng mùa, nở đẹp nhưng nông dân chấp nhận giảm lợi nhuận để giá hoa không tăng quá cao dù chi phí sản xuất tăng hơn so với các năm trước.

Anh Lê Văn Tốt (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vui vẻ khoe, năm nay, giá hoa tăng thêm từ 5-10% so với năm trước. Nhờ kiểm soát được dịch Covid-19, kinh tế dần ổn định nên nhu cầu chơi hoa tết của người dân tăng hơn mọi năm. Anh Tốt chia sẻ: “Vụ hoa tết năm nay, gia đình tôi trồng khoảng 7.000 chậu hoa các loại, nhờ giá tăng hơn mọi năm nên sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng”.

Còn ông Nguyễn Văn Bình - nông dân có kinh nghiệm trên 10 năm trồng hoa tại xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, cho biết: “Năm nay, số lượng hoa của gia đình tôi giảm hơn mọi năm do tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi khiến tôi và nhiều người trồng hoa nơi đây lo lắng. Tuy nhiên, thật may là năm nay hoa nở đẹp, đúng dịp tết, thương lái tìm đến vườn mua cũng nhiều nên chỉ đến ngày 25 tháng Chạp là tôi đã bán hết hoa tại vườn”.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, vụ dưa hấu tết này, nông dân toàn huyện xuống giống 150ha, tập trung nhiều ở các xã: Thái Trị, Vĩnh Bình, Thái Bình Trung, Khánh Hưng,... với các giống: Sen Hồng, Rồng Xanh, Phù Đổng. Giá dưa hấu tết được thương lái thu mua tại ruộng từ 8.000-10.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi 60-80 triệu đồng/ha.

Anh Ngô Tấn Nghĩa (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) trồng 2,5ha dưa hấu tết phấn khởi: “Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, dưa đạt năng suất cao hơn những năm trước, trái đạt chất lượng, đẹp hơn. Đồng thời, giá dưa cũng ở mức cao hơn những năm trước nên gia đình tôi có lợi nhuận khá”.

 

 

Bưởi da xanh được nhiều người lựa chọn để chưng trong những ngày tết

Bên cạnh dưa hấu, nông dân trồng bưởi cũng có một vụ tết bội thu. Ông Phạm Nghĩa Văn (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Năm nay, nhờ chăm sóc tốt nên bưởi cho trái đẹp, tròn, đều. Giá bưởi vụ tết cũng cao hơn bình thường, đối với bưởi da xanh loại 1 có cuống, lá giá dao động từ 48.000-55.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 5.000-7.000 đồng/kg”.

Nhìn chung, các lại nông sản tết năm nay đều cho năng suất tốt, giá bán cao, tiêu thụ dễ. Nhờ vậy mà nhiều nông dân có điều kiện vui xuân, đón tết vui tươi, trọn vẹn./.

M.Tuệ

 

Gia Lai có thêm 4 mã vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Gia Lai có thêm 4 mã số vùng trồng chuối An Thinh Khang Farm 1 (xã Ia Kênh, T.P Pleiku), Phuc Tin Farm 1 , 2, 3 (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) và 2 mã cơ sở đóng gói An Thinh Khang Farm 1 (xã Ia Kênh, T.P Pleiku), Phuc Tin Farm 1 (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) chuối sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Chi cục vừa nhận được văn bản số 239/BVTV-HTQT ngày 19-1 của Cục Bảo vệ thực vật về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này theo đường chính ngạch. Trong đó, Gia Lai có 4 mã số vùng trồng An Thinh Khang Farm 1 (xã Ia Kênh, T.P Pleiku), Phuc Tin Farm 1, 2, 3 (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) và 2 mã cơ sở đóng gói An Thinh Khang Farm 1 (xã Ia Kênh, T.P Pleiku), Phuc Tin Farm 1 (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) chuối sang thị trường Trung Quốc.

 

 

Cánh đồng chuối của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (tại huyện Đak Đoa) được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Nam

Như vậy, toàn tỉnh đã được cấp 99 mã số vùng trồng và 24 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ,... Cụ thể, có 99 mã số vùng trồng đã được cấp, với tổng diện tích 6.800,4 ha (26 mã số chuối với diện tích 3.017,2 ha; 19 mã số chanh leo với diện tích 586,8 ha; 20 mã số ớt với diện tích 291,3 ha; 9 mã số dưa hấu với diện tích 735 ha; 8 mã số thanh long diện tích 445,5 ha; 6 mã số xoài với diện tích 102,9 ha; 10 mã số mít với diện tích 1.285,2 ha, 1 mã vùng trồng sầu riêng hơn 336,5 ha); 24 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 665-795 tấn quả tươi/ngày.

LÊ NAM

 

Về miền trái ngọt Vĩnh Long

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Chôm chôm Bình Hòa Phước thu hút du khách với màu đỏ rực, bắt mắt.

Đến Vĩnh Long không chỉ cảnh đẹp sông nước hữu tình, mà còn có nhiều loại đặc sản, trái cây ngon ngọt. Mỗi mùa mỗi thức, trái ngọt Vĩnh Long làm mê đắm lòng người với những vườn cây xum xuê, trĩu trái quanh năm. Ai đã về đây và từng thưởng thức vị ngon lành trái ngọt Vĩnh Long, sẽ khó mà quên được.

“Trái gì ngon nhất Vĩnh Long?”

Khách phương xa tới thường hỏi câu đó. Là tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái lớn tại ĐBSCL, Vĩnh Long nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản gắn với vùng đất như: cam sành Tam Bình, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, xoài cát núm Vũng Liêm, sầu riêng Ri 6 Long Hồ hay chôm chôm Bình Hòa Phước…

Bắt kịp xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại, một số vườn áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng cây ăn trái không ngừng được nâng lên.

Ghé thăm sông nước miệt vườn Bình Hòa Phước trên cù lao An Bình (Long Hồ), khách du lịch dễ bị mê hoặc bởi màu đỏ rực của chôm chôm. Chôm chôm có đủ vị, loại nào cũng có sức hút riêng: chôm chôm Java trái tròn gai dài, vị chua ngọt ăn không ngán; chôm chôm Thái đỏ sẫm pha lẫn chút xanh, ngọt đậm; chôm chôm đường vị ngọt đậm, giòn, thoang thoảng hương thơm của nhãn...

Chôm chôm hiện nay được nhà vườn xử ký rải vụ cho trái quanh năm, nên lúc nào du khách cũng có thể “đưa em sang sông vào vườn chôm chôm chín...” hái trái và thưởng thức ngay trong vườn.

Miệt vườn trái cây Vĩnh Long trải dài từ sông Tiền qua sông Hậu. “Vương quốc” bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (TX Bình Minh) níu chân du khách bởi vườn cây trái treo lủng lẳng. Bưởi màu xanh, khi chín ngả sang màu hơi vàng, vỏ mỏng, ruột trắng, vị ngọt thanh chua nhẹ, không đắng, không the và không hạt. Gần đây, bưởi Năm Roi đã được gắn với chỉ dẫn địa lý, càng được người dùng biết đến và ưa chuộng.

Không chỉ thực khách mê “tép bưởi mọng nước”, mà người trồng bưởi cũng lắm tự hào với đặc sản quê mình. Nói như chú Nguyễn Văn Trọng hơn 20 năm gắn bó với cây bưởi ở xã Mỹ Hòa: “Bưởi Năm Roi xứ này có vị ngon, ngọt riêng mà không loại bưởi nào có được”.

Dịp lễ, Tết, bưởi Năm Roi còn là loại trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả của nhiều gia đình. Với màu sắc đẹp, dáng xinh, bưởi Năm Roi còn được chọn làm quà tặng, nên càng cận Tết thu hoạch bưởi càng nhộn nhịp hơn.

Vòng qua Tam Bình sẽ gặp vùng cam sành nổi tiếng, hiện nay đã mở rộng đến Trà Ôn, Vũng Liêm… Thế nên mới nói “Vĩnh Long là xứ sở trái cây” cũng không quá, đi tới đâu cũng gặp vườn cây trái xum xuê. Phù sa ngọt ưu đãi cho thổ nhưỡng rất thích hợp trồng cam, xoài, bưởi, sầu riêng… cho trái đẹp, bắt mắt, hương vị thơm ngon vô cùng.

Nhiều nông dân như anh Lương Văn Tưởng (xã Loan Mỹ - Tam Bình) bảo rằng trái cây đã ngon thì phải lành, nên anh trồng cây cam là phải cho trái cam đẹp, sạch, an toàn để tạo tiếng thơm cho trái cây quê hương mình.

Khoác áo mới” cho trái cây đặc sản

Để nâng giá trị nông sản nói chung và trái cây nói riêng, không ít cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh đã bắt tay vào chế biến các sản phẩm từ trái cây. Nhiều trái cây đặc sản đã được “khoác áo mới”, được chào đón trên bàn ăn, bước vào những giỏ quà tặng sang trọng… bằng tư duy, cách làm rất mới của những người “sinh ra và lớn lên tại vùng trái cây này”.

Bạn đã thưởng thức: vỏ bưởi sấy giòn, mật bưởi, mứt xoài, sầu riêng sấy thăng hoa, nước cam đóng chai, trái cây sấy… chưa?

Mứt xoài được làm từ xoài cát núm Vũng Liêm có hương thơm, màu sắc đặc trưng riêng, vị chua ngọt nhẹ, không gây ngấy ngán. “Lâu nay chúng ta thường tiêu thụ trái tươi. Trong khi đó, để vận chuyển trái tươi ra thị trường đối mặt với nhiều rủi ro về hao hụt, giảm giá trị kinh tế.

Do đó, khi chế biến sản phẩm ngay tại vùng nguyên liệu thì chắc chắn giá trị kinh tế sẽ tăng cao hơn nhiều” - anh Nguyễn Hoàng Khang - người sáng lập Foodo - chuyên sản xuất và chế biến sản phẩm từ trái cây nhiệt đới, nói. Và mứt xoài ra đời, bằng tấm lòng, quyết tâm mạnh mẽ như thế.

Chị Phạm Thị Phượng - Chủ cơ sở sản xuất sản phẩm từ bưởi Vân Phượng (TX Bình Minh) cho hay: “Nhờ đa dạng các mặt hàng chế biến từ bưởi mà thị trường mở rộng hơn. Vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương vừa nâng giá trị kinh tế. Với xu hướng tiêu dùng hiện nay, nếu phát triển theo hướng chế biến sâu, các mặt hàng sản xuất từ trái cây có thể kiểm soát được chất lượng, giá thành, nâng giá trị hàng hóa gấp nhiều lần so với giá trái tươi”.

Những người “sinh ra từ làng” như anh Khang, chị Phượng cùng nhiều người nữa, đã và đang không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, tạo ra thêm nhiều sản phẩm chế biến, vừa “khoác áo mới” cho trái cây vừa tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Thời gian qua, không ít nhà vườn đã sản xuất theo tiêu chuẩn được chứng nhận gắn truy xuất nguồn gốc; vườn chuyên canh bưởi Năm Roi gắn với chỉ dẫn địa lý, và khoảng 30 mã số vùng trồng xoài, nhãn, chôm chôm, thanh long… đã được xác nhận.

Tết là một trong những thời điểm nhu cầu của thị trường về trái cây rất lớn nên nhà vườn cũng đã chủ động áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, xử lý để cây cho trái chín thu hoạch bán đúng vào dịp này. Người dân nhanh nhạy nắm bắt thị trường, tập trung sản xuất các loại cây, sản phẩm thế mạnh, đồng thời giảm tối đa chi phí sản xuất để nâng giá trị cạnh tranh trên thị trường.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Quản lý vùng trồng xoài xuất khẩu tại Bến Tre

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

 

Theo Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nguyễn Thị Thu Hương, Cục BVTV nhận được báo cáo số 1595 và công văn số 1596 về việc cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bến Tre.

 

 

Chăm sóc xoài ở Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: H. Trung

Sau khi xem xét hồ sơ, Cục BVTV có ý kiến như sau: Vùng trồng xoài của Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của các thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và EU.

Theo quy định của Hoa Kỳ, Cục BVTV sẽ gửi thông tin của vùng trồng trên cho Cơ quan Kiểm dịch động thực vật của Hoa Kỳ (APHIS). Sau khi APHIS phê duyệt mã số vùng trồng, Cục BVTV sẽ thông báo bằng văn bản cho chi cục biết. Đề nghị chi cục hướng dẫn và giám sát đại diện vùng trồng công khai thông tin cho các hộ dân tham gia sản xuất trong vùng trồng biết về tình trạng phê duyệt và sử dụng mã số vùng trồng.

Cục BVTV thông tin để chi cục được biết và thông báo cho vùng trồng bằng văn bản. Đồng thời, đề nghị chi cục tiếp tục giám sát vùng trồng, đặc biệt là giám sát ruồi đục trái và tổ chức giám sát dư lượng thuốc BVTV để đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.

Danh sách vùng trồng xoài xuất khẩu: Tên vùng trồng: Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường. Địa chỉ vùng trồng: Xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Tên sản phẩm: Xoài. Diện tích 10,9ha. Thị trường: Hoa Kỳ (sau khi APHIS phê duyệt); Hàn Quốc: Mã số vùng trồng CJ.07.04.01.005.KOR; Úc: Mã số vùng trồng CJ.07.04.01.005.AU; New Zealand: Mã số vùng trồng CJ.07.04.01.005.NZ; EU: Mã số vùng trồng CJ.07.04.01.005.EU.

Thu Huyền

 

Tiền Giang: Huyện Chợ Gạo xây dựng những vùng trồng cây ăn trái an toàn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

 

Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) hiện có trên 9.000 ha vườn trồng cây ăn trái, trong đó có gần 7.500 ha đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm trên 243.000 tấn trái, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Thanh long, bưởi da xanh đang là các cây ăn trái chủ lực của địa phương, là nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu cao, mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng cho nông dân địa phương.

Nổi tiếng với thương hiệu thanh long Chợ Gạo, địa phương có vùng chuyên canh thanh long lớn nhất tỉnh, với diện tích trên 7.000 ha, trong đó có 5.640 ha đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm khoảng 190.000 tấn trái.

Ngoài ra, gần đây, thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất, huyện Chợ Gạo còn trồng thêm hàng ngàn ha bưởi da xanh, tập trung ở 04 xã: Lương Hòa Lạc, Thanh Bình, Song Bình và Long Bình Điền. Trong đó, có 770 ha đang cho thu hoạch, sản lượng trên 17.700 tấn trái.

Để phát triển bền vững tiềm năng vườn cây ăn trái đặc sản, địa phương định hình các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa tham gia thị trường; đồng thời, tăng cường chuyển giao kỹ thuật thâm canh, đặc biệt là tổ chức thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) trên cây ăn trái gắn với phát triển các hợp tác xã kiểu mới kết nối cung cầu thị trường theo mô hình chuỗi giá trị.

Đến nay, toàn huyện đã có 2.200 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chí VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, địa phương đang tiếp tục tập huấn, hướng dẫn thêm gần 1.300 nông hộ vùng chuyên canh thanh long sản xuất theo quy trình GlobalGAP trên tổng diện tích 664 ha.

Mộng Tuyết

 

Huy động lực lượng hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

UBND huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa có văn bản gửi các phòng, ban chuyên môn cùng các xã, thị trấn trên địa bàn về việc huy động lực lượng tham gia hỗ trợ nông dân thu hoạch hồ tiêu.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê số hộ nông dân có nhu cầu hỗ trợ thu hoạch hồ tiêu, gửi về UBND huyện thông qua Phòng NN-PTNT trước ngày 5/2. UBND huyện cũng đề nghị Ban CHQS huyện phối hợp Phòng NN-PTNT tham mưu, đề xuất Bộ CHQS tỉnh, Sư đoàn Bộ binh 302 hỗ trợ lực lượng giúp nông dân thu hoạch hồ tiêu kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên trong các tổ chức giúp dân thu hoạch tiêu đúng thời vụ.

Huyện Châu Đức có gần 6.000ha trồng hồ tiêu. Thời điểm này đang vào cao điểm thu hoạch, nhưng giá bán chỉ 60.000 đồng/kg (khô), trong khi giá thuê nhân công hái tiêu là 300 ngàn đồng/công/ngày, nông dân không đủ tiền để thuê. Trong khi đó, nếu không thu hoạch đúng thời điểm tiêu chín, cây hồ tiêu sẽ bị suy kiệt, lâu dần ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

HỒNG PHÚC

 

‘Sếu đầu đàn’ trong nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Bình Định

 

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất khép kín đang là xu hướng. Ở tỉnh Bình Định, nắm giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực phải kể đến những cái tên như tôm Việt-Úc, gà giống Cao Khanh, gà giống Minh Dư…

VIỆT - ÚC KIẾN TẠO HỆ SINH THÁI NGÀNH TÔM

20 năm qua, Tập đoàn Việt Úc từng bước kiến tạo hệ sinh thái ngành tôm ở Bình Định, tạo ra nhiều giá trị lớn lao cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng. Năm 2005, tập đoàn này đầu tư vào phát triển tôm giống phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định và các địa phương lân cận. Từ năm 2010, Việt - Úc đầu tư phát triển phân khúc tôm bố mẹ để lai tạo nguồn giống tốt. Đến năm 2017, Tập đoàn Việt - Úc xây dựng Khu phức hợp sản xuất tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với tổng diện tích 300 ha, công suất 4.500 tấn/năm. Tại đây, đơn vị đầu tư 10 khu nhà màng và 30 khu nhà lưới nuôi tôm thương phẩm áp dụng công nghệ Biofloc, Synbiotic 100% không sử dụng kháng sinh, hướng tới việc xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Úc.

Đặc biệt, để phát triển bền vững ngành tôm ở địa phương, bên cạnh khu sản xuất giống, khu nuôi tôm thương phẩm, nhà máy chế biến thức ăn, Tập đoàn Việt - Úc xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản liền kề với quy mô diện tích 20 ha, khép kín chuỗi giá trị từ tôm bố mẹ đến tôm giống - thức ăn - tôm thương phẩm - chế biến xuất khẩu. Nhà máy chế biến sẽ được tự động hóa tối đa dây chuyển sản xuất trên 70%, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất để đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong chế biến sản phẩm.

Theo ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP Việt - Úc Bình Định, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh ngành tôm từ tôm bố mẹ - tôm giống - thức ăn - tôm thương phẩm - tôm chế biến, thì việc đầu tư cho phân khúc tôm bố mẹ đòi hỏi kỹ thuật lẫn công nghệ cao nhất. Và hầu hết các DN đều nhập khẩu từ nước ngoài.

Với sự hợp tác chiến lược của Viện CSIRO (Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia của Úc), từ năm 2010, Việt - Úc mạnh dạn đầu tư vào phân khúc tôm bố mẹ. Thành quả của hợp tác này là việc tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Tập đoàn Việt - Úc đã được Bộ NN&PTNT công nhận và cho phép thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho cả ngành tôm Việt Nam. Việc chủ động được nguồn tôm bố mẹ giúp DN sản xuất ra nguồn tôm giống có tỷ lệ sống cao hơn, sức đề kháng tốt và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tại Bình Định, Tập đoàn đã đầu tư khu sản xuất giống với diện tích 8 ha, cung ứng ra thị trường 5 tỷ con giống/năm.

CAO KHANH - LIÊN KẾT NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ

Năm 2010, Công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh (Phù Cát) được thành lập từ nền tảng là hộ kinh doanh con giống gia cầm, thủy cầm. Chỉ hơn 10 năm, Công ty đã vươn lên thành một DN cung cấp giống gà ta, gà thả vườn chất lượng cao. Giống gà ta Cao Khanh khẳng định tên tuổi, uy tín qua việc Bộ NN&PTNT công nhận về tiến bộ KHKT và được xếp vào nhóm 10 sản phẩm vàng của Bộ NN&PTNT 3 năm liên tiếp 2018, 2019 và 2020.

Giống gà ta Cao Khanh với những đặc điểm vượt trội như có sức đề kháng cao, thân hình vững chắc, tỷ lệ hao hụt thấp, tốc độ tăng trưởng nhanh… phù hợp cho chăn nuôi gà thả vườn, nhờ thế được người tiêu dùng đón nhận. Mỗi năm, DN cung ứng ra thị trường 20 - 25 triệu con gà giống 1 ngày tuổi, chiếm khoảng 15 - 17% thị phần gà giống lông màu trong cả nước; đồng thời còn xuất khẩu sang các thị trường như Lào, Campuchia…

 

 

Kiểm tra trứng giống tại khu trang trại nuôi gà công nghệ cao của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh. Ảnh: Công ty Cao Khanh

Dù vậy mục tiêu của DN không chỉ dừng lại ở việc cung ứng con giống mà hướng tới phát triển hợp tác, liên kết xây dựng chuỗi giá trị Gà ta Cao Khanh bền vững. Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, cho hay: Chúng tôi vận dụng triết lý kinh doanh “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Ở giai đoạn đầu, Cao Khanh “đi một mình” để tập trung tối đa cho việc phát triển con giống tốt. Còn hiện nay, chúng tôi muốn tạo dựng và tham gia sâu vào liên kết chuỗi để tăng giá trị cho sản phẩm.

Từ năm 2020, Công ty bắt đầu hợp tác với nhiều đối tác cả DN và nông hộ để xây dựng chuỗi liên kết nhà cung ứng - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng bằng hình thức chăn nuôi gia công và bao tiêu sản phẩm. Công ty đầu tư 2 dự án vào lĩnh vực trang trại chăn nuôi công nghệ cao và nhà máy ấp nở gia cầm, thủy cầm công nghệ cao để nâng cao năng lực sản xuất. Hiện nay, Công ty lên phương án liên kết, hợp tác cùng Công ty TNHH San Hà (TP Hồ Chí Minh) xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm tại tỉnh Bình Định nhằm nâng cao hiệu quả cho chuỗi liên kết 4 nhà, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, định hướng xuất khẩu.

BƯỚC ĐỘT PHÁ CHO NÔNG NGHIỆP BÌNH ĐỊNH

Xu hướng đầu tư và phát triển công nghệ cao là tất yếu nếu muốn nâng cao giá trị sản phẩm. Tại tỉnh Bình Định, nông nghiệp công nghệ dần được định hình trong giai đoạn 2020 - 2025 với những cú hích về thu hút đầu tư, các chính sách khuyến khích phát triển.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 về việc “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025” tạo tiền đề để ngành nông nghiệp triển khai thực hiện. Cuối năm 2022, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 vào sản xuất, chăn nuôi, tạo cơ sở để thu hút thêm các DN có tiềm năng về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Bình Định. “Với mong muốn có những cánh chim đầu đàn như Việt Úc, Cao Khanh, Minh Dư…, ngành nông nghiệp nỗ lực cùng với các DN từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc bày tỏ hy vọng.

THU DỊU

 

Triển vọng mô hình nuôi bò 3B

Nguồn tin: Báo Thái Bình

 

Là người tiên phong nuôi giống bò 3B, anh Phạm Văn Hưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) không chỉ xây dựng nên mô hình mới triển vọng trong phát triển kinh tế mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

 

 

Mô hình nuôi bò 3B của anh Phạm Văn Hưởng.

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi bò 3B của mình, anh Hưởng hào hứng chia sẻ: Sau 1 năm chăm sóc, đàn bò của tôi đang rất khỏe mạnh, phát triển tốt. Trọng lượng của bò đã tăng gấp đôi so với thời gian đầu, mỗi con nặng từ 750 - 800kg. Dự kiến lứa bò đầu tiên sau khi xuất bán sẽ cho thu nhập trên 900 triệu đồng.

Theo anh Hưởng, sau khi tìm hiểu qua sách báo, anh rất ấn tượng với tiềm năng của bò 3B. Đây là giống bò có trọng lượng lớn, thịt thơm ngon, được coi là “cỗ máy sản xuất thịt”. Giá trị kinh tế của bò 3B cũng cao hơn nhiều so với bò truyền thống. Không những vậy, nhờ có sức đề kháng tốt nên bò 3B ít bị bệnh, quá trình chăm sóc cũng không quá phức tạp. Nếu được nuôi theo phương pháp khoa học, trọng lượng mỗi con bò có thể lên đến 1,2 tấn.

Để thành công, anh Hưởng lặn lội đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Đầu năm 2022, anh thuê lại 2.000m2 đất nông nghiệp của các hộ dân không canh tác để xây dựng mô hình. Với số vốn 800 triệu đồng, anh cho xây chuồng trại kiên cố rộng 200m2 và đưa 20 con bò 3B về nuôi. Diện tích đất trống được anh cải tạo, trồng thử nghiệm các loại cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò. “Thời tiết tại địa phương rất phù hợp để nuôi giống bò này. Thức ăn dành cho bò chủ yếu là ngô, cỏ được ủ lên men vi sinh hoặc cám gạo, bã bia và bã đậu tương. Trên địa bàn xã Quỳnh Giao có rất nhiều hộ dân trồng ngô ngọt nên có thể tận dụng làm thức ăn cho bò” - anh Hưởng cho biết.

Bên cạnh đó, mô hình của anh Hưởng còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương. Công việc chủ yếu là chăm sóc bò và thu mua cây ngô, cám gạo, bã bia của người dân. Nhìn đàn bò khỏe mạnh, béo tốt do chính tay mình chăm sóc, ông Hoàng Hữu Tính cho biết: Trước đây, thu nhập chính của gia đình tôi chủ yếu đến từ mấy sào ruộng và nuôi bò truyền thống. Từ khi làm việc tại mô hình của anh Hưởng, tôi có thể phát huy kinh nghiệm chăn nuôi của mình và có thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng. Công việc không quá vất vả, chỉ cần cho bò ăn theo đúng quy trình, cứ 7 giờ sáng cho ăn, 10 giờ cho bò ngủ, đến chiều lại cho ăn. Giống bò này có sức ăn rất tốt nên luôn phải bảo đảm đầy đủ thức ăn, nước uống theo từng giai đoạn phát triển. Chuồng nuôi phải luôn thoáng mát, sạch sẽ và thường xuyên tắm rửa cho đàn bò.

Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi bò 3B nên anh Hưởng cũng gặp không ít khó khăn. Từng có thời điểm bò bị ốm, mắc bệnh viêm da nổi cục khiến anh rất lo lắng. Bằng sự nhanh nhạy và chăm chỉ, anh đã nhanh chóng tìm được giải pháp để chữa trị cho đàn bò. Chia sẻ về dự định của mình, anh Hưởng cho biết: Sau khi xuất bán thành công lứa bò đầu tiên, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp chuồng trại, tăng gấp đôi số lượng bò và kết hợp nuôi bò nái để tự cung cấp nguồn giống.

Nhận xét về mô hình của anh Hưởng, ông Nguyễn Đình Thiệu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giao cho biết: Không chỉ hăng say phát triển kinh tế, với cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Hưởng luôn gương mẫu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, anh cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hội viên làm giàu chính đáng. Mô hình nuôi bò 3B thương phẩm là mô hình kinh tế mới nhưng đã tận dụng được những lợi thế của địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi để người nông dân áp dụng vào thực tiễn; liên kết với ngân hàng cho các chủ mô hình vay vốn lãi suất thấp đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.

Nguyễn Quang

 

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

 

Mặc dù đã được cảnh báo, hướng dẫn nhưng nhiều người vẫn chăn nuôi trâu, bò thả rông trong điều kiện mưa rét, nguy cơ trâu bò bị ngã quỵ rất cao.

Sau khi gieo cấy lúa vụ đông xuân hoàn thành thì nguồn thức ăn trên đồng ruộng không còn. Đây cũng là thời điểm mưa rét nên nhiều hộ lùa trâu, bò về nuôi nhốt chuồng, tránh thiệt hại. Các hộ chủ động dự trữ thức ăn như rơm khô, cỏ, cám, đường… đảm bảo dinh dưỡng, sức khoẻ cho trâu bò.

Tuy nhiên, một bộ phận hộ dân còn thiếu chủ động, chủ quan trong bảo vệ đàn gia súc mùa mưa rét. Do thiếu nguồn thức ăn nên các hộ này thả rông trâu, bò, mặc cho thời tiết giá rét. “Bận công việc ngày tết nên thiếu chủ động dự trữ nguồn thức ăn, buộc phải thả bò tự tìm kiếm thức ăn”, anh Nguyễn Thông ở xã Phong Hải (Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) nói.

Về các vùng nông thôn, miền núi thời điểm này không khó bắt gặp những đàn trâu, bò chăn thả rông trong mưa rét. Hầu hết các hộ nuôi này đều tỏ ra chủ quan, chưa ý thức cao trong chăn nuôi, bảo vệ gia súc mùa giá lạnh.

Từ trước, trong mùa mưa rét, ngành chăn nuôi - thú y cử cán bộ bám cơ sở, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăn nuôi, bảo vệ tốt đàn gia súc. Qua kiểm tra, đánh giá của các địa phương, phần lớn các hộ đều chấp hành, đưa trâu, bò về nhốt chuồng, kết hợp dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, chăn thả gia súc trong điều kiện thời tiết mưa lạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh thông tin, cán bộ đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định chăn nuôi gia súc an toàn trong điều kiện thời tiết mưa rét kéo dài. Các địa phương, ban ngành theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của không khí lạnh, thông tin kịp thời và thường xuyên để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong ứng phó, phòng chống đói, rét.

Chi cục phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại đảm bảo ấm áp, tránh mưa dột gió lùa. Đối với các hộ không chủ động dự trữ nguồn thức ăn được hướng dẫn giảm đàn. Các hộ nuôi trong vùng thấp trũng trước khi xảy ra rét đậm, rét hại tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài và có rét đậm, rét hại cần có biện pháp giữ ấm cho gia súc. Người dân tuyệt đối không chăn thả rông gia súc, không chăn thả tự do khi xảy ra rét hại. Trâu, bò được đưa về nuôi nhốt có kiểm soát, che chắn, sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải làm áo chống rét cho trâu, bò. Nguồn thức ăn, nước uống phải được chủ động, dự trữ phù hợp với từng đối tượng nuôi và bảo quản tốt các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa mưa rét, kết hợp bổ sung thêm thức ăn tinh bột, vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi.

 

 

Nuôi trâu thả rông

Các địa phương, hộ chăn nuôi tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao. Khi có dấu hiệu xảy ra dịch phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh đang chủ động triển khai công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời trường hợp gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò... Các loại hoá chất tiêu độc khử trùng, vaccine... được dự phòng đầy đủ, chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc.

Các địa phương chủ động bố trí ngân sách để phục vụ công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.

Bài, ảnh: THẾ NHÂN

 

Chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững

Nguồn tin: Nhân Dân

 

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hết năm 2022, đàn bò nước ta có 6,53 triệu con (chủ yếu là bò thịt, bò sữa chỉ có 335.000 con), tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2021.

 

 

Nhiều chính sách (về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, kiểm soát dịch bệnh...) đã và đang đi vào thực tiễn, thu hút người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi nói chung và bò thịt nói riêng; chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu, cập nhật và chuyển giao cho sản xuất, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống, chuồng trại và thức ăn dinh dưỡng cho bò thịt.

Thí dụ như Hà Nội, do triển khai hiệu quả cơ cấu lại ngành chăn nuôi, nhiều tiềm năng và lợi thế được khai thác triệt để, cho nên đạt được nhiều đột phá, trong đó có chăn nuôi bò. Hiện đàn bò của thành phố đạt 130 nghìn con (bò thịt là chính), trở thành điểm sáng của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, sau nhiều năm tập trung cải tạo các giống bò (giống bò chuyên sinh sản, gồm Brahman, Senepol…; giống bò chuyên thịt như: BBB, Charolai, An gus, Wagyu...), nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào thực tiễn sản xuất, giúp người chăn nuôi trên địa bàn có lợi nhuận và thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Lý ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn chục con bò thịt, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng, cho nên đời sống cũng khấm khá hơn”.

Bên cạnh đó, Hà Nội phát huy lợi thế có 150.000ha đồi gò, 155 bãi phù sa để phát triển gia súc ăn cỏ, nhất là bò thịt; tiếp tục nâng quy mô, năng suất và chất lượng đàn bò, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6094/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò lai Sind thành bò lai F1 hướng thịt giai đoạn 2019-2025, do Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội thực hiện, trên quy mô 50 nghìn con bò cái nền, với sự tham gia của hơn 30 nghìn nông hộ; đến nay đã lai tạo được hơn 290 nghìn bê lai F1 BBB, giúp tăng năng suất đàn bò thịt.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho biết, mới đây doanh nghiệp được UBND thành phố cho phép xây dựng trung tâm sản xuất tinh bò chất lượng cao. Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ giúp chủ động nguồn tinh cung cấp cho chăn nuôi bò của thành phố và các địa phương khác trong cả nước. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo đạt 90% tổng đàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện ngành chăn nuôi bò thịt vẫn phải đối mặt một số thách thức như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ tiên tiến, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm năng suất, giá thành. Việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ và cây thức ăn cho bò ở nhiều nơi còn gặp khó khăn.

Mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt còn hạn chế. Tình hình nhập lậu vật nuôi sống, nhất là bò thịt từ nước ngoài qua biên giới đường bộ vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,05 triệu tấn, song sản lượng thịt bò mới chỉ có 474 nghìn tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thịt lợn và gia cầm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, tới đây cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Có thêm các cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi bò hướng đến sản xuất hàng hóa lớn; tận dụng thế mạnh, tổ chức sản xuất để khai thác tốt, nâng cao năng suất, chất lượng bò thịt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp; áp dụng công nghệ sinh học trong chế biến thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng; thống nhất hệ thống quản lý giống bò thịt ở các cơ sở nhân giống trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi; tổ chức gắn kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi bò, chú trọng liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác...

ANH QUANG và NGUYỄN LÂM

 

Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải và Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi các tỉnh, thành phố về tình trạng vi phạm quy định sử dụng và nghi sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (Salbutamol) đối với vật nuôi tại khu cách ly nhập khẩu, cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, vi phạm quy định của pháp luật.

X.K

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop