Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 01 tháng 03 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 01 tháng 03 năm 2023

 

Gia Lai: Nông dân Krông Pa lãi lớn vì giá dưa hấu tăng vọt

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Cách đây gần 1 tháng, giá dưa hấu dao động ở mức 3,5-4 ngàn đồng/kg. Nhưng hiện tại, giá đã tăng vọt lên 12-13 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, bà con nông dân ở “thủ phủ dưa hấu” Krông Pa rất phấn khởi khi đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha.

Những ngày này, tại huyện Krông Pa, nông dân đang tất bật vào vụ thu hoạch dưa hấu. Thương lái ở các nơi cũng đổ về thu mua dưa khá đông. Những chiếc xe tải nối nhau nằm chờ ở các điểm tập kết để chở dưa đi khắp nơi tiêu thụ. Hiện giá dưa hấu được thương lái mua tại ruộng từ 22 triệu đồng đến 30 triệu đồng/sào.

Vừa thu hoạch xong 2 ha dưa hấu, ông Nguyễn Thái Phong (trú tại tổ 4, thị trấn Phú Túc) cho biết: Năm nay, gia đình ông trồng 3,5 ha dưa hấu tại cánh đồng xã Ia Mlah. Bình quân mỗi sào đầu tư hết 18 triệu đồng. Hiện thương lái mua với giá khoảng 24 triệu/sào. Nhẩm tính sơ bộ khi bán hết 3,5 ha dưa hấu, ông thu về khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Năm nay thời tiết thất thường nên năng suất dưa hấu giảm còn 3,6 tấn/sào (năm ngoái là 5 tấn/sào). Tuy nhiên, do dưa được giá nên gia đình tôi có lãi. Còn 1,5 ha chưa thu hoạch, tôi mong giá vẫn ổn định như hiện nay”-ông Phong bày tỏ.

 

 

Ông Nguyễn Thái Phong (trú tại tổ 4, thị trấn Phú Túc) bên ruộng dưa của gia đình. Ảnh: R’Ô Hok

Còn ông Nguyễn Thành Vinh (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) thì cho hay: Năm nay, gia đình ông thuê 4 ha đất ở xã Phú Cần để trồng dưa hấu, chi phí thuê 22 triệu đồng/ha. Do trồng trên đất bãi bồi sông Ba giàu phù sa và chăm sóc đúng kỹ thuật nên dưa hấu phát triển tốt, năng suất ước đạt 38-40 tấn/ha. Bên cạnh đó, dưa hấu bán được giá cao nên gia đình ông rất mừng. “Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dưa hấu khó tiêu thụ, giá thấp nên gia đình tôi chịu lỗ. Hiện nay, việc thông quan sang Trung Quốc thuận lợi nên giá dưa cũng tăng cao so với năm trước, dao động ở mức 12-13 ngàn đồng/kg. Đây là tín hiệu mừng với người trồng dưa chúng tôi”-ông Vinh chia sẻ.

Vừa thu hoạch xong 2 ha dưa hấu, ông Huỳnh Ngọc Thái (thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thu được hơn 60 tấn dưa hấu. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh, thương lái đến tận ruộng mua với giá cao nên bà con rất phấn khởi. Với giá dưa mua tại ruộng hơn 22 triệu đồng/sào như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng dưa có lãi khá cao”.

 

 

Dưa hấu được tiêu thụ mạnh, thương lái đến tận ruộng mua với giá cao. Ảnh: Hà Phương

Ông Kpă Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần-thông tin: Toàn xã có 187 ha dưa hấu, chủ yếu do người từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi lên thuê đất để trồng. Năm nay, do thời tiết bất thường nên một số ruộng dưa hấu của bà con nhiễm bệnh hại. Tuy nhiên, được thương lái thu mua với giá dao động 12-13 ngàn đồng/kg, cao hơn so với các năm trước nên bà con rất phấn khởi.

Còn bà Nguyễn Thị Hà-thương lái đến từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cho hay: “Nếu ruộng dưa tốt thì tôi mua với giá 22-28 triệu đồng/sào và thu hoạch ngay. Cũng có một số thương lái mua với giá 30-32 triệu đồng/sào nhưng họ chưa cắt. Những xe dưa đẹp (trung bình 4 kg/quả trở lên), tôi xuất khẩu sang Trung Quốc, còn dưa quả nhỏ hơn thì tiêu thụ trong nước. Mỗi mùa dưa, tôi mua khoảng 70-80 xe, mỗi xe 25-30 tấn để bán đi các nơi. Giá dưa hiện nay tăng nhiều hơn so với cách đây 1 tháng nên bà con trồng dưa rất phấn khởi. Sau khi mua xong ở đây, tôi lại xuống huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) để thu mua tiếp”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, toàn huyện có hơn 900 ha dưa hấu với sản lượng gần 44.000 tấn. Phần lớn diện tích trồng dưa này là của người dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi lên thuê đất trồng. Diện tích dưa hấu tập trung nhiều nhất tại các xã: Đất Bằng, Ia Mlah, Phú Cần, Ia Hdreh, Uar, Ia Rsai…

Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho hay: Giá dưa hấu trước Tết Nguyên đán là 18 ngàn đồng/kg, nhưng sau đó giảm xuống còn 3-4 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân do chất lượng dưa hấu thời điểm đó không đạt. Hiện giờ, giá dưa hấu đã tăng trở lại, thương lái thu mua với giá khoảng 300 triệu đồng/ha, có nơi gần 400 triệu đồng/ha. “Giá dưa hấu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên không ổn định. Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên sản xuất ồ ạt và phải đảm bảo quy trình kỹ thuật để ổn định năng suất, chất lượng”-ông Châu nói.

Trao đổi với P.V, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-thông tin: Huyện có diện tích trồng dưa rất lớn. Thời gian gần đây, người dân các nơi tập trung về địa phương để thu hoạch, thu mua dưa nên các dịch vụ ăn theo cũng nhộn nhịp hơn. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng có thêm thu nhập từ tiền cho thuê đất trồng dưa, trung bình 20-22 triệu đồng/ha trong 3 tháng.

HÀ PHƯƠNG - R’Ô HOK

 

Giá mít Thái tăng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Hiện, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 3.000ha trồng mít Thái, nhiều nhất là các huyện: Tháp Mười, Thanh Bình, Cao Lãnh và Châu Thành. Tại huyện Châu Thành, giá mít Thái loại 1 (cỡ 9kg/trái trở lên), da đẹp đang được thương lái thu mua tại vườn với giá 34.000 đồng/kg; mít loại 2 là 24.000 đồng/kg; mít loại 3 là 14.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

 

 

Nông dân thu hoạch mít Thái

Theo các thương lái mua mít tại huyện Châu Thành, giá mít tăng do nguồn hàng khan hiếm trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng trở lại.

TRANG HUỲNH

 

Đắk Lắk: ‘Sân chơi’ nghề trồng sầu riêng của nông dân Ea Tu

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Là một trong những vùng “bén duyên” với cây sầu riêng Dona từ rất sớm (năm 1998) tuy nhiên, nhiều nông dân ở buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn còn rất lúng túng trong khâu chăm sóc, nhất là khi thời tiết có nhiều diễn biến thất thường như hiện nay.

Từ nguyện vọng của hội viên, Hội Nông dân xã Ea Tu đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây sầu riêng tại buôn Ko Tam với 27 thành viên tham gia.

Ngay trong buổi ra mắt cũng là buổi sinh hoạt đầu tiên, các thành viên đã cùng chia sẻ sôi nổi về những vấn đề trong vườn sầu riêng của gia đình như: chậm phân hóa mầm hoa, nhiễm nấm bệnh, cách thức chăm sóc phù hợp trong điều kiện trồng xen…

Bên cạnh việc nông dân mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm của mình, buổi sinh hoạt còn có sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp chuyên dành cho cây sầu riêng.

Ông Y Drin Kpơr, thành viên chi hội chia sẻ, gia đình ông có 2 ha, trước đây chủ yếu trồng cà phê và chỉ mới bắt đầu trồng các giống sầu riêng Dona, Ri6, Musang King trong vòng 4 năm nay.

“Khi các chi hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, nông dân sẽ nhận thức rõ hơn lợi ích, vai trò của việc liên kết tạo vùng nguyên liệu, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Đó chính là những tiền đề quan trọng để hình thành nên các hợp tác xã do chính nông dân làm chủ” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tu Nguyễn Quang An.

Phần lớn các cây sầu riêng đang ở giai đoạn phân hóa mầm hoa lần đầu tiên, song vì chưa nắm vững kỹ thuật nên ông rất lúng túng trong khâu canh tác, chăm sóc, xử lý ra hoa, đậu trái. Qua buổi sinh hoạt cùng chi hội, ông đã nhận ra những cách làm chưa phù hợp của mình để kịp thời điều chỉnh từ khâu cung cấp dinh dưỡng, điều tiết nước tưới, phòng trừ sâu bệnh. Đây là những kiến thức vô cùng bổ ích đối với ông cũng như các thành viên khác.

Còn anh Y Dam Dăn Êban trồng sầu riêng Dona từ năm 2003 và đã có nhiều vụ thu hoạch thắng lợi. Đơn cử năm 2022, chỉ với 120 cây sầu riêng xen canh trong 1 ha cà phê, gia đình anh thu hoạch được 15 tấn quả. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, gia đình anh thu được 750 triệu đồng từ canh tác sầu riêng. Tuy vậy, anh Y Dam Dăn bộc bạch, gia đình anh vẫn rất lo lắng vì mùa vụ năm nay, dưới tác động của không khí lạnh kéo dài và mưa trái mùa, vườn sầu riêng của gia đình anh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phân hóa mầm hoa, chậm hơn 1 tháng so với năm ngoái. Vì vậy, tham gia Chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc sầu riêng không chỉ giúp anh có thêm điều kiện giao lưu, học hỏi về các giải pháp kỹ thuật canh tác mới, giảm thiểu những rủi ro, ứng phó kịp thời với điều kiện thời tiết thất thường.

 

 

Các thành viên Chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây sầu riêng buôn Ko Tam cùng tìm hiểu kỹ thuật xử lý phân hóa mầm hoa.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tu Nguyễn Quang An cho biết, Chi hội nghề nghiệp là hình thức phù hợp để tập hợp nông dân có chung sở thích, nguyện vọng, tạo môi trường cho nông dân được trao đổi, chia sẻ và học hỏi trong lĩnh vực mình quan tâm. Đây cũng là mô hình để các cấp hội nông dân đổi mới nội dung, cách thức sinh hoạt, tập hợp nông dân trong điều kiện mới.

Không lệ thuộc vào nội dung sinh hoạt định kỳ hằng quý, Hội Nông dân xã còn hướng dẫn các chi hội nghề nghiệp lập nhóm Zalo để thành viên có thể gửi video, hình ảnh về hiện trạng cây trồng để mọi người cùng thảo luận, tìm hướng xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng sẽ tích cực phát huy vai trò cầu nối, kết nối các chi hội nghề nghiệp với các chuyên gia, nhà khoa học để hội viên được tiếp cận kiến thức chuyên sâu, đồng thời, tạo điều kiện để các chi hội được tham quan, học hỏi trực tiếp từ các mô hình thành công, kết nối với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra…

Đinh Nga

 

Mùa vụ hồ tiêu 2023: Nông dân kỳ vọng vào giá

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Giá hồ tiêu đang tăng từng ngày vào đúng thời điểm thu hoạch vụ tiêu 2023 khiến nông dân khấp khởi mừng, với kỳ vọng sẽ phần nào bù lại chi phí đầu vào tăng cao trong quá trình đầu tư.

Giá tiêu đang khởi sắc

Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu những tháng đầu năm tăng mạnh ngay cả khi đang trong vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.

Cụ thể, tính đến ngày 23/2, giá tiêu giao dịch quanh mức 65.000 – 67.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Trong đó, giá tiêu tại Đắk Lắk giao dịch ở mức trên 65.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá tiêu tăng mạnh ngay cả trong giai đoạn thu hoạch một phần là do yếu tố lạm phát đang tăng cao. Đồng thời, Trung Quốc đang quay trở lại mua hàng từ Việt Nam sau thời gian đóng cửa để thực hiện chính sách Zero COVID. Đây là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai của Việt Nam, với tỷ trọng khoảng 12%, đứng sau Mỹ (26%) và chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

 

 

Người dân huyện Cư M'gar tất bật thu hoạch hồ tiêu.

Với sự khởi sắc của thị trường, nông dân các vùng sản xuất tiêu trọng điểm của Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch mới với nhiều kỳ vọng về giá. Gia đình bà Thái Thị Hường (thôn 8, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) có 8 sào tiêu trồng xen cà phê, so với năm ngoái thì năng suất hồ tiêu năm nay đạt cao hơn khoảng 40% (vì năm 2022 tiêu bị mất mùa), trung bình mỗi trụ cho thu hoạch từ 4 - 5 kg tiêu. Giá tiêu có chiều hướng tăng ngay từ đầu vụ, với giá bán hiện nay khoảng 67.000 – 70.000 đồng/kg khiến gia đình cũng bớt lo lắng khi chi phí đầu tư vào cây tiêu đang cao. Tuy nhiên, để người dân thực sự có lợi nhuận thì giá tiêu phải đạt 90.000 – 100.000 đồng/kg.

Còn bà Ngô Thị Mỹ Hạnh (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho hay, vụ tiêu năm nay được mùa và giá có chiều hướng tăng nên bà con ở đây cũng khấp khởi mừng. Hiện gia đình bà có 6 sào tiêu, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 3 tấn, cao hơn năm ngoái gần 1 tấn, gia đình đang tập trung nhân công thu hoạch cho xong để hy vọng bán được với giá cao. Bà con trồng tiêu đang mong giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới để nông dân có lợi nhuận, tiếp tục tái đầu tư cho vụ sau bền vững hơn.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 31.000 ha hồ tiêu, năng suất ước đạt 30 tạ/ha, sản lượng ước gần 80.000 tấn. Việc giá hồ tiêu liên tục giảm trong năm 2022 đã tác động không nhỏ đến việc đầu tư, chăm sóc của người nông dân đối với loại cây này. Đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sâu bệnh, giá vật tư, phân, thuốc, nhân công vẫn ở mức cao cũng tác động tới lợi nhuận người nông dân. Giá tiêu đang khởi sắc ngay từ đầu vụ thu hoạch 2023 là tín hiệu tích cực để nông dân yên tâm đầu tư vào cây hồ tiêu phát triển bền vững.

Gia tăng giá trị để tăng giá bán

Ngoài giá bán tăng, người dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng có một vụ mùa tăng cả về sản lượng lẫn chất lượng nhờ các biện pháp giảm giá thành như áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tự làm phân hữu cơ để bón cho cây tiêu, tưới nhỏ giọt...

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nhiều địa phương trong nước đang bước vào thu hoạch vụ tiêu 2023 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 4, với sản lượng ước khoảng 180.000 - 185.000 tấn, tăng 5% so với năm 2022. Ngành tiêu đang tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách để tránh những rủi ro khi xảy ra các sự cố ở thị trường tiêu thụ chính.

Huyện Cư Kuin là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh với diện tích gần 4.700 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 4.044 ha. Vụ tiêu 2023 năng suất toàn huyện đạt cao hơn năm ngoái, ước khoảng 3,4 tấn/ha (cao hơn khoảng 2 tạ/ha). Trên địa bàn huyện, cây hồ tiêu được trồng chủ yếu ở hai xã: Ea Ning và Ea Bhốk tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trong những năm vừa qua, dù giá hồ tiêu giảm mạnh, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2020 nhưng người dân huyện Cư Kuin vẫn luôn xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực và mang lại nguồn thu nhập chính cho nông hộ, vì vậy diện tích, năng suất và sản lượng luôn được bà con nông dân duy trì. Để đồng hành với người dân trong sản xuất hồ tiêu bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất hồ tiêu, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường việc trao đổi hợp tác trong sản xuất… Đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 1 hợp tác xã sản xuất hồ tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha; 2 câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với diện tích 25 ha; 2 tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu bền vững với diện tích 20 ha. Đặc biệt, trong quá trình thu hoạch, người dân trên địa bàn huyện luôn ưu tiên thu hái những chùm quả chín trên 95% nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của vườn cây. Sau thu hoạch, người dân chủ yếu sử dụng hình thức phơi sấy tự nhiên là chính, ít có hộ gia đình sử dụng lò sấy.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, Đắk Lắk đang phát triển sản xuất hồ tiêu trở thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, đủ điều kiện xuất khẩu trên thị trường thế giới. Đặc biệt, khi Đắk Lắk tham gia Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” nông dân sẽ được nâng cao kiến thức canh tác và có sự liên kết hợp tác của doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu sẽ tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu và gia tăng giá trị cho hạt tiêu Đắk Lắk, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Minh Thuận - Đinh Hằng

 

Nông dân An Đồng (Thái Bình): Thu lãi gần 300 triệu đồng/ha nhờ trồng sắn dây

Nguồn tin: Báo Thái Bình

 

Xã An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) hiện có 12 hộ tích tụ ruộng đất để trồng sắn dây với diện tích khoảng 5ha. Sau gần một năm chăm sóc, đến thời điểm này các hộ gia đình đang khẩn trương thu hoạch để bán cho thương lái và người dân.

 

 

Nông dân An Đồng thu hoạch sắn dây.

Do thời tiết thuận lợi nên sản lượng, chất lượng bột sắn dây tốt hơn, giá năm nay cũng cao hơn năm trước. Ước tính 1ha trồng sắn dây thu hoạch được 24,3 tấn củ (cao hơn 4 tấn so với vụ trước) giá bán tại vườn dao động từ 15.000 đồng - 17.000 đồng/kg (cao hơn khoảng 4.000 đồng so với năm 2022). Trừ chi phí, 1ha trồng sắn dây mang lại lợi nhuận cho người trồng gần 300 triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng lúa.

Sau thu hoạch, nông dân xã An Đồng tiếp tục làm đất, trồng vụ sắn dây mới.

Nguyễn Cường

 

Trúng mùa lúa Đông xuân

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Lúa trúng mùa, cộng thêm bán được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi khi đang bước vào thu hoạch vụ lúa Đông xuân 2022-2023.

 

 

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa Đông xuân đầu vụ trong niềm vui trúng mùa, bán được giá.

Lúa trúng mùa, được giá

Vào thời điểm này, nhiều cánh đồng xuống giống sớm vụ lúa Đông xuân tại huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đang được bà con tất bật vào vụ thu hoạch. Giống như nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nông dân Hậu Giang cũng đang hưởng niềm vui về vụ lúa Đông xuân sớm trúng mùa, bán được giá. Cụ thể, năng suất lúa đang dao động từ 800kg đến 1,3 tấn/công (tùy giống và một công là 1.300m2). Về giá bán, thương lái đang cân lúa tươi tại ruộng dao động từ 6.000-7.200 đồng/kg (tùy giống), tăng bình quân từ 500-800 đồng/kg so với cùng kỳ.

Với vẻ mặt đầy phấn khởi khi vừa thu hoạch xong hơn 1ha lúa Đông xuân (giống lúa IR 50404) của gia đình để chuẩn bị cân cho thương lái, ông Nguyễn Văn Bình, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, thông tin: “Tuy chưa cân lúa nhưng qua đếm số lượng bao lúa vừa cắt xong thì bình quân mỗi công được 23 bao và trọng lượng mỗi bao không dưới 50kg. Như vậy, năng suất lúa của tôi ở vụ Đông xuân này đạt hơn 1,1 tấn/công, cao hơn 100kg/công so với cùng kỳ. Về giá bán, thương lái cân lúa tươi tại ruộng ở mức 6.200 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với cùng kỳ. Hiện không riêng gì tôi mà tất cả bà con ở cánh đồng nơi đây đều có lúa trúng mùa khi đạt năng suất từ 1-1,2 tấn/công, đồng thời bán được giá cao nên rất phấn khởi”.

Cùng niềm vui lúa trúng mùa, trúng giá, ông Lê Văn Ri, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho hay: “Tôi vừa cắt xong 1,3ha lúa Đông xuân, với giống lúa RVT. Do là giống lúa thơm nên năng suất lúa không cao bằng giống lúa thường nhưng cũng đạt gần 900kg/công, nhích hơn vài chục ký/công so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bù lại là giá bán lúa ở mức 7.300 đồng/kg, tăng gần 500 đồng/kg so với cùng kỳ. Sở dĩ gia đình tôi bán lúa được giá cao như trên là do mới lấy tiền cọc của thương lái cách nay khoảng 7 ngày nên giá có nhích lên theo thị trường lúc này, từ đó cao hơn chút ít so với những hộ đã lấy tiền cọc sớm hơn”.

Qua ghi nhận từ người dân đã, đang và chuẩn bị thu hoạch lúa Đông xuân sớm trên địa bàn tỉnh thì thời tiết từ đầu vụ thu hoạch đến nay tương đối thuận lợi cho cây lúa phát triển, nguồn nước phục vụ sản xuất đảm bảo; đặc biệt tình hình sinh vật gây hại ít, nhất là dịch hại rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá… Nhờ vậy, chi phí đầu tư ở mức thấp, nông dân tăng được nguồn lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Phúc, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho hay: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 5 công lúa Đông xuân, với giống RVT. Năng suất lúa đạt hơn 900kg/công, giá bán là 7.000 đồng/kg. Vụ lúa này do dịch hại ít nên chi phí đầu tư chỉ gần 2 triệu đồng/công. Như vậy, với năng suất và giá bán như trên, gia đình tôi kiếm được nguồn lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công sau khi cân lúa cho thương lái”.

Hiện mức lợi nhuận có được khi bán lúa xong của ông Phúc cũng là mức lợi nhuận của hầu hết bà con nông dân đã và đang thu hoạch lúa Đông xuân trong lúc này trên nhiều cánh đồng trong tỉnh.

Thị trường lúa gạo đang nhộn nhịp

Theo chia sẻ từ Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá lúa gạo từ ngày 17-2 đến nay ở ĐBSCL được duy trì ổn định ở mức cao. Đặc biệt là hiện các kho tăng mua vào khiến thị trường lúa gạo nhộn nhịp. Trong đó, ngoài giống lúa Đài Thơm 8 được điều chỉnh tăng 100 đồng/kg và đang ở mức từ 6.600-6.800 đồng/kg thì các giống lúa phổ biến khác vẫn bình ổn. Cụ thể, qua ghi nhận tại tỉnh Hậu Giang, giống lúa RVT và nhóm giống lúa ST đang được thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng từ 7.000-7.300 đồng/kg; giống lúa hạt tròn ở mức 6.000-6.200 đồng/kg, giống lúa OM 5451 và OM 18 từ 6.300-6.500 đồng/kg.

Còn theo chia sẻ của nhiều thương lái đang thu mua lúa Đông xuân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, hiện nguồn gạo về ổn định, các kho hỏi mua nhiều, giá gạo neo ở mức cao. Những ngày vừa qua, thị trường giao dịch lúa gạo rất nhộn nhịp khi hầu hết các kho đang thực hiện thu mua vào. Bên cạnh đó, nguồn cung lúa gạo hiện nay tuy có cải thiện nhưng chưa nhiều do bà con tại vùng ĐBSCL chưa vào vụ thu hoạch rộ lúa Đông xuân mà chỉ mới bắt đầu cắt lúa rải rác tại một số cánh đồng xuống giống sớm.

Cụ thể tại tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Đông xuân 2022-2023, nông dân nơi đây xuống giống được hơn 75.500ha, đến ngày 22-2, bà con chỉ mới thu hoạch được hơn 2.150ha, với năng suất bình quân đạt 7,8 tấn/ha. Trong đó, huyện Châu Thành A đã cắt hơn 1.300ha, huyện Long Mỹ hơn 652ha, huyện Vị Thủy hơn 50ha, thị xã Long Mỹ hơn 105ha và thành phố Vị Thanh hơn 20ha. Vào thời điểm này, huyện Châu Thành A là địa phương có năng suất lúa đạt cao nhất tỉnh, với 7,93 tấn/ha.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Mặt thuận lợi vào đầu vụ thu hoạch lúa Đông xuân năm nay của tỉnh là thời tiết nắng khô ráo, nông dân thu hoạch lúa trúng mùa, bán được giá nên đang tạo không khí mùa vụ phấn khởi, nhộn nhịp. Dự kiến vào cuối tháng 2 này, nông dân Hậu Giang sẽ vào vụ thu hoạch rộ lúa Đông xuân trên nhiều cánh đồng nên nguồn cung mặt hàng lúa gạo sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, điều lưu ý là khi vào đợt cao điểm thu hoạch thì khả năng sẽ thiếu máy cắt tại một số khu vực. Do đó, để đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương có vùng lúa trong tỉnh cần rà soát và sớm báo cáo tình hình để có sự hỗ trợ kịp thời.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

 

Nông dân Gia Lai phấn khởi vì giá nông sản tăng cao

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

Hiện nay, giá một số loại nông sản như mì, mía, chanh dây, cà phê... tăng cao hơn so với những năm trước và duy trì ổn định khiến bà con nông dân ở Gia Lai rất phấn khởi.

Những ngày này, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP của thôn 6C (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) rất phấn khởi khi bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Càng vui hơn khi họ được Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Trường Xuân (tỉnh Đak Lak) đến tận vườn hướng dẫn thu hoạch, đóng gói theo đúng tiêu chuẩn và thu mua với giá 24-25 ngàn đồng/kg (nhãn loại 1) và 20 ngàn đồng/kg (n

hãn loại 2). Mức giá này cao hơn thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg.

 

 

Thành viên Tổ hợp tác sản xuất nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP của thôn 6C (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) thu hoạch nhãn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Bà Nguyễn Thị Vui-Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP-cho biết: Năm 2019, gia đình bà cùng một số hộ trong thôn được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và xã Ia Hla hỗ trợ 150 cây nhãn Hương Chi để trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân. Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình tự mua thêm gần 1.000 cây giống của HTX về trồng trên đất hồ tiêu chết. Năm nay, gia đình bà có khoảng 900 cây cho thu hoạch, trong đó, 400 cây bước vào kinh doanh, năng suất bình quân đạt khoảng 25 kg quả/cây. “Ước tính với 400 cây nhãn Hương Chi này, tôi thu được 10 tấn quả đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, được HTX bao tiêu toàn bộ với giá 24-25 ngàn đồng/kg, cao hơn so với thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 130 triệu đồng. 500 cây còn lại, tôi dự kiến sẽ thu hoạch trong tháng 3 tới. Trồng nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đầu tư thấp hơn so với cà phê và hồ tiêu, đầu ra lại ổn định nên chúng tôi rất yên tâm”-bà Vui chia sẻ.

Tương tự, những năm gần đây, HTX Sản xuất-thương mại-dịch vụ-du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với người dân các xã trên địa bàn huyện, trong đó có cây chanh dây. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX-cho biết: Hợp tác xã liên kết với các tổ hợp tác và 178 hộ trồng chanh dây trên địa bàn xã Ia Mơ Nông và các xã lân cận. Từ cuối năm 2022 đến nay, giá chanh dây trên thị trường duy trì ổn định ở mức 14-16 ngàn đồng/kg giúp các hộ liên kết có lợi nhuận khá. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp 30-40 tấn quả chanh tươi cho Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên.

 

 

Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch mì vận chuyển về nhà máy tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo bà Đỗ Thị Huệ-Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân: Hiện nay, HTX liên kết với khoảng 270 hộ nông dân ở huyện Chư Pưh trồng120 ha nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho người dân giá cao hơn thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg. Ngoài huyện Chư Pưh, HTX cũng liên kết sản xuất, tiêu thụ khoảng 60 ha nhãn Hương Chi tại huyện Chư Sê và đang xây dựng mô hình trồng 600 cây nhãn tại huyện Ia Pa. “Vụ thu hoạch năm nay, đích thân tôi đến từng vườn hướng dẫn người dân cách cắt quả, đóng gói bao bì sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu của HTX để bà con có thể tự làm nhằm giảm chi phí, nâng cao thu nhập từ cây nhãn Hương Chi”-bà Huệ cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian gần đây, giá các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê, chanh dây, mì, mía, chuối… luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Đây là tín hiệu vui giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất, quản lý nâng cao chất lượng nông sản, nhất là cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản; hướng dẫn người dân, HTX và doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định về xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, hình thành các chuỗi liên kết phát triển sản xuất gắn với chế biến và xác định vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến; phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm… giúp người dân tiêu thụ nông sản ổn định.

NGUYỄN DIỆP

 

Nhân rộng ‘Làng thông minh’, thúc đẩy nông thôn phát triển

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

 

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bình Dương diễn ra mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân được cải thiện, góp phần đưa phong trào xây dựng NTM trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.

Nhân rộng mô hình thông minh

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của giai đoạn trước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, qua 2 năm của giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu 2021-2025, Bình Dương có 29/41 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Từ những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, duy trì tốt và nâng dần mức độ hoàn thiện các tiêu chí về thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, cấp nước sạch nông thôn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; chăm lo tốt công tác giáo dục - đào tạo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội.

 

 

Mô hình trồng bưởi đường lá cam theo quy trình thực hành tốt VietGAP ở Hợp tác xã Nông nghiệp Bạch Đằng

Vào năm 2010, xã Bạch Đằng được chọn thí điểm xây dựng NTM. Đến cuối năm 2013, xã đạt 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM và trở thành điểm sáng điển hình trong xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2021-2025, xã Bạch Đằng tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thí điểm “Làng thông minh” theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

“Làng thông minh” theo mô hình được xây dựng tại xã Bạch Đằng là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng, như công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục… Đáng chú ý, những ứng dụng trong công nghệ thông tin sẽ được ứng dụng quá trình quản lý sản xuất, bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng NTM với phát triển đô thị xanh. Dự kiến đến năm 2025, có trên 80% đường giao thông do xã quản lý được lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, có hệ thống cây xanh hai bên đường, 100% nút giao thông quan trọng đều được lắp đặt camera an ninh.

Từ mô hình thí điểm đầu tiên ở TX.Tân Uyên, hiện nay huyện Phú Giáo cũng đang xây dựng Đề án “Làng thông minh” trên địa bàn huyện. Đề án tập trung vào các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất, kinh doanh thông minh. Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua huyện Phú Giáo thực hiện khá tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Phú Giáo được nâng lên... Những thành tựu trên đây đã tạo nền tảng đầy đủ cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình “Làng thông minh”; trong đó, nền tảng nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã NTM thông minh.

Tập trung thực hiện

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ hoàn thành 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025, tỉnh đã xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững và hoàn thành các tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm...

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả mô hình “Làng thông minh” ở xã Bạch Đằng làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát cộng đồng, bảo đảm giữ vững an ninh trật tự xã hội, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững được đồng bộ, toàn diện thông qua bản đồ số và cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên kết quả tới cấp cơ sở, công trình hạ tầng, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, phát huy tối đa vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò tự quản, giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM…

Việc xây dựng “Làng thông minh” của xã Bạch Đằng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng NTM thông minh trong tương lai của tỉnh, bảo đảm xây dựng NTM gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng thành quả xây dựng NTM thời gian qua giúp Bình Dương tự tin hướng đến mục tiêu mở rộng mô hình “Làng thông minh” trên toàn tỉnh.

THOẠI PHƯƠNG

 

Cà Mau: Hội quán Ðồng Tiến - Nơi chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

 

Nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) thành lập Hội quán Ðồng Tiến (Hội quán). Ðây là bước chuyển mình khá mới mẻ trong tập hợp sức mạnh đoàn kết của người nuôi tôm công nghiệp, từng bước tạo động lực, định hình hướng đi đúng, chia sẻ cách làm hay trong nuôi tôm công nghiệp mang đến niềm vui chung cho người dân tại địa phương.

Hội quán được thành lập vào ngày 15/2 với 26 thành viên tham gia, là tổ chức mang tính tự nguyện của những người có mục đích và nguyện vọng hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp. Với khẩu hiệu “Ðoàn kết - Ðổi mới - Sáng tạo - Bền vững”, Hội quán được thành lập nhằm mục đích mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho thành viên, cộng đồng xã hội.

 

 

Tham gia vào Hội quán, các thành viên luôn kỳ vọng vào hướng đi bền vững của mô hình nuôi tôm công nghiệp trong thời gian tới.

Hội quán được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc không hình thành pháp nhân mới, mà chỉ tập trung những thành viên hỗ trợ cùng nhau phát triển sản xuất và chịu sự quản lý trực tiếp của UBND xã. Bên cạnh đó, Hội quán hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự chủ kinh phí; tự quản thành viên và tài sản đóng góp chung của thành viên; không kinh doanh và không vì mục đích lợi nhuận; tự chịu trách nhiệm các nội dung và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Ðiều lệ Hội quán.

Mục đích của Hội quán là tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp đạt năng suất, chất lượng; cổ vũ, động viên và hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp. Hội quán sẽ trực tiếp tư vấn hỗ trợ khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hội quán sẽ đoàn kết, tập hợp sức mạnh tập thể đóng góp vốn cho các thành viên gặp khó khăn để tiếp tục sản xuất.

“Dựa trên những mong muốn và tình hình sản xuất thực tế tại địa phương, sau khi bàn bạc giữa các thành viên, cũng như sự nhất trí cao của Ðảng uỷ, UBND nên Hội quán được thành lập. Ðây được xem là nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ nhau của những nhà nông nuôi tôm công nghiệp. Những buổi trao đổi, gặp gỡ giữa các thành viên Hội quán sẽ góp phần tìm được tiếng nói chung trong cách thực hiện sản xuất, đồng thời hỗ trợ các thành viên khác gặp vướng mắc, khó khăn trong các khâu kỹ thuật nuôi, xử lý môi trường nước, cung cấp dinh dưỡng cho tôm...”, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết.

Tình hình sản xuất tôm nguyên liệu gặp nhiều khó khăn như hiện nay; tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hay vấn đề tìm đầu ra, biến động giá cả… gây áp lực cho người nông dân, khiến vụ mùa thiệt hại xảy ra như thời gian qua. Hội quán được thành lập được xem như một kênh thông tin hữu ích giúp người nuôi tôm công nghiệp có được sự sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm của các thành viên để cùng nhau hướng đến sự phát triển bền vững.

Ông Trần Huỳnh Dũng, Chủ nhiệm Hội quán, cho rằng: “Ðây là điều kiện tốt nhất để những người nuôi tôm đoàn kết, tương trợ nhau trong vấn đề sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi thành lập Hội quán với mong muốn đưa mô hình nuôi tôm công nghiệp phát triển ở quy mô cao hơn nữa”.

Hội quán được khởi xướng từ các hộ dân nuôi tôm công nghiệp tại ấp Ba Tiệm và ấp Vàm Xáng trên tinh thần tự nguyện. Dù khá mới mẻ nhưng Hội quán đã mang đến những tín hiệu tích cực. "Thời gian tới, UBND xã tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện mở thêm nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp để các hộ nuôi có được kiến thức đồng bộ. Hướng đi bền vững của mô hình nuôi tôm công nghiệp sẽ mang đến nhiều niềm vui chung cho nông dân, tăng nguồn thu nhập ổn định, góp phần cùng địa phương hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao”, ông Nguyễn Trường Sơn kỳ vọng./.

Hằng My

 

Thu nhập cao từ nghề nuôi dúi ở miền núi

Nguồn tin: Nhân Dân

 

Tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), anh Nguyễn Đình Bảo, 29 tuổi, đã mạnh dạn đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi dúi má đào để bán con giống và thương phẩm. Bước đầu mô hình nuôi dúi đang phát triển tốt và đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Sau một thời gian nuôi thử nghiệm nhận thấy nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao, anh Bảo quyết định tập trung phát triển và nhân rộng mô hình.

Với trại chăn nuôi có diện tích 150m2, anh nhân đàn thành công, duy trì số lượng hơn 300 con dúi má đào, trong đó có 70 cặp bố mẹ sinh sản.

Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng đạt đến 500-700g, với giá bán từ 1,5 đến 2 triệu đồng/cặp; dúi thương phẩm nuôi 6-7 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng hơn 1kg, có giá từ 2 đến 3 triệu đồng.

Trung bình mỗi tháng anh Bảo bán ra thị trường khoảng 10 cặp dúi giống và dúi thương phẩm, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

Nói về những ngày đầu nuôi dúi, anh Bảo chia sẻ: Khi mới bắt đầu tập nuôi dúi, tôi nuôi thử nghiệm loại dúi đen. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm sóc thì dúi chết khá nhiều do bị bệnh.

Sau đó, tôi tìm hiểu trên mạng và đi tham quan các mô hình nuôi dúi ở ngoài bắc học hỏi thêm kinh nghiệm, thì được biết loại dúi má đào rất dễ nuôi, lại phù hợp với thời tiết, khí hậu ở chỗ mình, nên tôi thử nhập về nuôi thì thấy nó phát triển khá tốt.

Dúi là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, lại mang giá trị kinh tế khá cao. Chuồng trại nuôi dúi đơn giản, không chiếm nhiều diện tích, nhưng phải luôn thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ.

Tiêu chí quan trọng là phải bảo đảm nhiệt độ và độ ẩm, trong đó hệ thống đèn sưởi, quạt làm mát luôn sẵn sàng khi thay đổi thời tiết.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, anh Bảo cho biết: Loại dúi này có tập tính ăn về ban đêm, nên sau khi đi làm về, tận dụng thời điểm buổi chiều tối, mình vừa dọn dẹp chuồng trại, vừa cho ăn nên cũng không phụ thuộc quá nhiều thời gian vào việc chăm sóc dúi.

Một năm dúi sinh sản từ 2-3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 4-9 cá thể dúi con. Dúi con được khoảng 60 ngày thì tách mẹ. Sau khi tách mẹ khoảng 15 ngày, phải cho dúi con ăn bổ sung thêm ngô non - loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.

Thời gian tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ phải phù hợp. Nếu dúi con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ. Vì vậy, khi dúi sinh sản được 2–2,5 tháng, thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm.

 

 

Dúi thương phẩm được anh Bảo tách riêng để chuẩn bị xuất chuồng.

Huyện miền núi Hướng Hóa có khí hậu và địa hình thích hợp để loài dúi sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn dồi dào cho dúi như tre, nứa sẵn có trong tự nhiên sẽ giúp nông dân giảm bớt chi phí khi nuôi loài đặc sản này.

Ông Đinh Trường Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Khe Sanh cho biết: Đây là mô hình đầu tiên của thị trấn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên, đặc biệt là hội viên trẻ ở địa bàn thị trấn.

Trong thời gian tới, Hội sẽ cho các hội viên đến mô hình của anh Nguyễn Đình Bảo học tập và nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế trên địa bàn.

Hiện tại, mô hình nuôi dúi của anh Bảo chỉ kịp bán dúi giống, không đủ số lượng bán thịt để cung cấp cho các nhà hàng.

Dự định trong thời gian tới, anh Bảo sẽ nhân rộng mô hình, hỗ trợ bà con về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, phát triển mô hình nuôi dúi, để góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống của bà con ở miền núi Hướng Hóa.

NHẬT MINH

 

Thu nhập ổn định từ nghề nuôi dê

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

 

Với điều kiện thuận lợi, những năm gần đây, nghề nuôi dê được nhiều hộ ở xã Phú Vinh (Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đầu tư đã đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định.

 

 

Mô hình nuôi dê của anh Đinh Công Thơ, xóm Giác, xã Phú Vinh (Tân Lạc) cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm.

So với các loại vật nuôi khác, dê có khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt; nuôi dê chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn. Chuồng trại chăn nuôi có thể tận dụng chuồng bò, chuồng lợn cũ quây lưới, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Dê được nuôi dưỡng tốt sau 10 tháng bắt đầu sinh sản. Một năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 3 con, sau 6 - 7 tháng có thể xuất bán, trọng lượng đạt 20 - 30 kg/con. Giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá lớn, không chỉ tiêu thụ trên địa bàn xã, huyện mà nhiều thương lái từ các địa bàn lân cận cũng đến mua.

Đồng chí Đinh Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: "Toàn xã có trên 50 hộ nuôi với hơn 1.360 con dê, hộ ít nuôi 4 - 5 con, nhiều hộ có đàn dê 60 - 70 con... Dê giống được lựa chọn chủ yếu là giống dê cỏ, dễ nuôi, dễ thích nghi với thời tiết, ít dịch bệnh. Từ phát triển nuôi dê, đời sống kinh tế của bà con khởi sắc hơn, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Thăm khu nuôi dê của hộ anh Đinh Công Thơ, xóm Giác, một trong những hộ nuôi dê nhiều nhất xã. Anh Thơ cho biết: Năm 2014, gia đình tôi bắt đầu nuôi dê với số vốn đầu tư ban đầu 20 triệu đồng, tôi làm chuồng rộng khoảng 30 m2 và mua 4 con dê giống về nuôi, đến nay đàn dê có trên 70 con. Nuôi dê khá nhàn vì đây là loài vật ít bệnh, ăn tạp. Hình thức nuôi chủ yếu vừa nuôi nhốt kết hợp bãi chăn thả để đàn dê nhanh lớn, thịt dê đảm bảo chất lượng, được thị trường đón nhận tích cực. Với giá bán 130.000 - 150.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển mô hình, anh Thơ cho biết thêm: Nguồn thức ăn của dê khá phong phú. Hàng ngày, khi mặt trời lên cao, cây cỏ hết ướt sương mới đi cắt lá cho dê ăn để tránh dê bị lạnh bụng, dễ ốm, đến chiều tối lùa từ bãi thả vào chuồng. Dê là loài tạp ăn, nhiều loại lá cây và cả phế phụ phẩm nông nghiệp chúng đều có thể ăn được. Chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng, sàn cách mặt đất khoảng 1 m vì loài dê không ưa độ ẩm cao, nhất là mưa phùn dê rất dễ ốm. Phía trước chuồng nuôi cần có một khoảng đất trống để quản lý theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Nuôi dê không mất công chăn thả, ít bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài, chất thải từ dê còn tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Nghề nuôi dê phù hợp với địa bàn, bởi địa hình xã có khí hậu thuận lợi, ôn hòa, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, chi phí cho thức ăn chăn nuôi tương đối thấp, hiệu quả kinh tế cao. Hiện, nhu cầu tiêu thụ dê thịt lớn, thương lái các tỉnh, thành phố lân cận tìm đến tận nhà hỏi đặt cọc, thu mua với giá ổn định từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi dê hàng hóa ở xã Phú Vinh đem lại nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương, hiệu quả bền vững. Xã đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê, từng bước hướng tới xây dựng HTX, sản phẩm thế mạnh, nổi bật của địa phương; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các kênh tín dụng chính sách, tiếp tục tăng đàn, góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 42 triệu đồng/ người/năm.

Hoàng Anh

 

Giá dê hơi và trứng gia cầm giảm

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

 

Chăn nuôi dê tại một hộ dân ở huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ.

Giá dê hơi (dê thịt) tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL hiện giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng. Tại nhiều tỉnh vùng ÐBSCL như Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh… hiện giá hơi được hộ dân bán cho thương lái ở mức 75.000-90.000 đồng/kg. Còn dê con (17kg/con trở lại) có giá 110.000-120.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá 120.000-125.000 đồng/kg.

Giá dê giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm và nguồn cung dồi dào vì lượng dê tới lứa xuất bán nhiều, cũng như do thời gian qua người dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển nuôi. Ngoài ra, nguồn cung còn được tăng cường bởi một lượng dê nhập khẩu từ một số nước, nhất là từ Thái Lan.

Giá nhiều loại trứng gia cầm tại vùng ÐBSCL như trứng gà, trứng vịt, trứng cút… giảm ít nhất từ 1.000-5.000 đồng/chục (10 trứng) so với cách nay khoảng 1 tháng. Hiện giá trứng vịt tươi được bán lẻ tại nhiều nơi chỉ còn ở mức 25.000-35.000 đồng/chục, trong khi trước đây có giá từ 30.000-40.000 đồng. Giá bán lẻ trứng gà công nghiệp và gà ta tại nhiều nơi ở mức 23.000-30.000 đồng/chục; trứng cút tươi 6.000-7.000 đồng/chục. Gần đây, sức tiêu thụ nhiều loại trứng gia cầm đã giảm mạnh và có nguồn cung dồi dào nên giá trứng không còn duy trì ở mức cao như trước.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop