Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 02 tháng 12 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 02 tháng 12 năm 2021

 

Lần đầu đưa chanh leo Việt Nam nguyên quả tới tay người tiêu dùng Australia

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Điều kiện thổ nhưỡng đã giúp trái chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới và được người tiêu dùng tại các thị trường Thụy Sỹ, Pháp, Hà Lan…yêu thích. Tới đây, 2 tấn chanh leo cấp đông nguyên quả sẽ lần đầu tiên được giới thiệu tới tay người tiêu dùng Australia.

 

 

Điều kiện thổ nhưỡng đã giúp trái chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới và được người tiêu dùng tại các thị trường Thụy Sỹ, Pháp, Hà Lan…yêu thích -Ảnh minh họa

Australia là quốc gia sản xuất được chanh leo với hơn 4.700 tấn/niên vụ, 91% chanh leo trồng tại Australia được đưa ra thị trường tiêu thụ dưới dạng trái cây. Trong khi đó, chanh leo tươi Việt Nam hầu như chỉ xuất sang Australia dưới dạng nhân, ruột đông lạnh, làm cho trái chanh leo Việt Nam chưa có thương hiệu tại thị trường này.

Từ bài học thành công mở ra thị trường sầu riêng Ri6 sôi động tại Australia, Thương vụ Việt Nam đã kiến nghị Đại sứ quán triển khai Chương trình xây dựng thương hiệu chanh leo Việt Nam. Qua đề nghị nhiều công ty, Công ty Ưu Đàm đã nhận lời thay vì xuất khẩu ruột chanh leo, đã tuyển chọn 2 tấn nguyên quả cấp đông tự nhiên theo yêu cầu của Thương vụ. Từ 2 tấn nguyên quả này, hình hài, thương hiệu chanh leo Việt Nam sẽ được nhận biết, thúc đẩy một thị trường đa dạng các sản phẩm chanh leo Việt Nam.

Ông Nguyễn Tất Thành, Đại sứ Việt Nam tại Australia nhìn nhận, qua khảo sát, chanh leo là loại quả giữ nguyên được hương vị sau cấp đông, do cấu tạo tự nhiên của lớp vỏ. Đặc biệt, điều kiện thổ nhưỡng đã giúp chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới và nhận được sự yêu thích từ người tiêu dùng tại các thị trường Thụy Sỹ, Pháp, Hà Lan. Với việc xuất khẩu nguyên quả, người tiêu dùng tại Australia sẽ có cơ hội thưởng thức chanh leo Việt Nam với vị ngọt dịu, thơm không bị mất nước và lớp vỏ căng, bóng, mịn.

Khi chanh leo cập bến và được phân phối trong tháng 12, khách hàng tại Australia khi mua chanh leo có cơ hội trúng thưởng 2.000 AUD do Tập đoàn Việt Úc tài trợ đồng hành cùng nông sản Việt. Hãng hàng không Vietjet cũng treo thưởng 3 vé máy bay khứ hồi nội địa để kích cầu du lịch. Công ty Ưu Đàm Australia cũng dành tặng 20 phần quà thực phẩm Tết cổ truyền.

Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá truyền thông và giới thiệu ẩm thực từ chanh leo cấp đông nguyên quả liên tục tại Australia.

Giá bán chanh leo Việt Nam dự kiến được đưa ra tại Australia là khoảng 9 AUD/kg (khoảng 145.000 đồng/kg). Đây có thể sẽ trở thành món quà giáng sinh có ý nghĩa trong những ngày sắp tới.

Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận xét: Australia là một cường quốc về nông nghiệp, do đó để phát triển thị trường cho nông sản Việt Nam là nỗ lực rất lớn. Hiện Australia mới chỉ mở cửa 4 loại nông sản tươi của Việt Nam. Trong bối cảnh dịch COVID-19, 10 tháng đầu năm 20221, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Australia tăng 27,65%.

PT

 

Lâm Đồng: Đạ Huoai phát triển 1.222 ha sầu riêng VietGAP

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Huyện Đa Huoai (tỉnh Lâm Đồng) đang tích cực vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng diện tích sầu riêng VietGAP của hộ thành viên lên 1.222 ha vào đầu năm 2022.

Cụ thể, huyện Đạ Huoai hỗ trợ phát triển sầu riêng VietGAP ở các xã Đoàn Kết, Đạm P’loa, Đạ Tồn, Phước Lộc, Madaguôi, thị trấn Đạm M’ri, mỗi địa phương tối thiểu 1 hợp tác xã; xã Hà Lâm 4 tổ hợp tác; xã Đạ Oai 2 hợp tác xã và tổ hợp tác.

Trong đó, quy mô mỗi hợp tác xã, tổ hợp tác hỗ trợ sản xuất VietGAP phải đạt từ 35 ha sầu riêng kinh doanh trở lên, đồng thời thành viên phải cam kết đối ứng kinh phí để giám sát, duy trì hiệu lực chứng nhận các năm tiếp theo.

Được biết, đến nay toàn huyện Đạ Huoai đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển 752 ha diện tích sầu riêng VietGAP. Và trong hơn 2 tháng còn lại của năm 2021, huyện Đạ Huoai phải nhân rộng thêm 470 ha sầu riêng VietGAP tiếp theo để đạt 100% kế hoạch.

VĂN VIỆT

 

Đắk Lắk: Nông dân Ea Hiao liên kết sản xuất cà phê bền vững

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Tham gia Dự án cung ứng dịch vụ nông nghiệp phát triển cà phê bền vững, nông dân xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đã chủ động liên kết sản xuất cà phê, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đầu ra ổn định cho sản phẩm, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Hơn một năm tham gia Dự án cung ứng dịch vụ cho phát triển cà phê bền vững, 3 ha trồng cà phê (gần 20 năm tuổi) của gia đình ông Phạm Văn Thợi (thôn 5B) ngày càng phát triển xanh tốt và cho năng suất cao hơn trước. Trước đây, gia đình ông chủ yếu sản xuất cà phê theo phương thức truyền thống, vốn đầu tư cao, trong khi vài năm trở lại đây giá cà phê luôn ở mức thấp nên mỗi vụ thu hoạch sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chẳng đáng là bao. Sau khi tham gia dự án, thông qua các lớp tập huấn, ông được hỗ trợ về cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cây trồng xen hiệu quả và các quy trình sơ chế, chế biến cà phê chất lượng…

Từ những kiến thức học được, ông đã trồng xen canh một số cây dổi, sầu riêng, bơ vào vườn cà phê, góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Đầu năm 2021, ông đã tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp bền vững Đại Thắng để liên kết sản xuất, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau phát triển cà phê bền vững, cà phê chất lượng cao. Gia đình ông được dự án hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 5 sào cà phê. “Còn khoảng hai tuần nữa, vườn cà phê của gia đình sẽ bước vào thu hoạch rộ. Tôi dự kiến sẽ thu được 4 tấn cà phê nhân/ha, tăng 0,5 tấn so với những năm trước” - ông Thợi vui mừng chia sẻ.

Dự án cung ứng dịch vụ nông nghiệp phát triển cà phê bền vững được Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Chi nhánh Buôn Ma Thuột), Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan IDH, Tập đoàn JDE phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo triển khai trên địa bàn xã Ea Hiao từ tháng 6/2020 đến hết năm 2022, với diện tích 4.300 ha, 3.600 nông hộ tham gia, nhằm mục đích hỗ trợ trang thiết bị chế biến cà phê chất lượng cao, hệ thống tưới nước tiết kiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển cà phê bền vững. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị cà phê địa phương.

Sau khi kết thúc dự án, Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex vẫn sẽ tiếp tục đồng hành, kết nối và bao tiêu sản phẩm cà phê cho người dân trên địa bàn xã. Hiện dự án đã hỗ trợ người dân thành lập HTX Nông nghiệp bền vững Đại Thắng và HTX Nông nghiệp bền vững Trọng Phú, gồm 27 thành viên, sản xuất 100 ha cà phê đặc sản, cà phê sạch; bàn giao nhà lồng phơi, hệ thống máy chế biến cà phê đặc sản (phân loại quả chín, rửa sạch, lên men tự nhiên…); bể chứa, máy cày đất, máy băm cành và 5 hệ thống tưới nước tiết kiệm cho hai HTX…

 

 

Người dân xã Ea Hiao kiểm tra, vận hành thử máy băm cành được hỗ trợ từ Dự án.

Ông Lê Thế Thung, Giám đốc HTX Nông nghiệp bền vững Đại Thắng cho hay, cuối vụ thu hoạch năm 2020, HTX mới bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản và bán cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex được 10 tấn cà phê nhân đạt tiêu chuẩn, giá bán được cộng thêm 10.000 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi. Mùa vụ cà phê năm nay, HTX vẫn tiếp tục sản xuất cà phê đặc sản, cà phê sạch theo hướng dẫn của dự án, đồng thời nâng cao quy trình sản xuất, thu hái, sơ chế đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Hiao Nguyễn Xuân Trọng, Dự án cung ứng dịch vụ nông nghiệp phát triển cà phê bền vững triển khai trên địa bàn xã bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, góp phần tăng năng suất, giá cả, đầu ra thuận lợi. Dự án cũng thay đổi được thói quen, phương thức sản xuất truyền thống, giúp người dân phát triển cà phê bền vững, cà phê đặc sản, chung tay cùng địa phương nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với việc giá cà phê tăng cao hơn so với mọi năm, vụ thu hoạch năm nay, dự án cũng đảm bảo bao tiêu từ 7.000 – 12.000 tấn cà phê cho người dân với giá cao hơn thị trường.

Phương Thảo

 

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến đánh giá hình thức chăn nuôi tại Khánh Hòa có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn khá nhỏ; khâu giết mổ gia súc, gia cầm cần được quan tâm hơn.

Chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 80%

Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khá ổn định, một số ổ dịch nhỏ xuất hiện trên đàn vật nuôi nhưng đã được khống chế kịp thời, không để lây lan diện rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 64.000 con trâu bò, 350.000 con heo, 2,58 triệu con gia cầm. Quy mô chăn nuôi này đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và một phần cung cấp ngoài tỉnh.

 

 

Đoàn công tác kiểm tra tình hình chăn nuôi heo tại Khánh Hòa.

Đáng chú ý, trong những năm qua, hình thức chăn nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng rất tích cực. Toàn tỉnh hiện có 410 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, 31 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 250 trang trại quy mô vừa và 129 trang trại quy mô nhỏ. So với chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi theo quy mô trang trại đòi hỏi khắt khe hơn về các điều kiện an toàn chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường…

Bên cạnh sự chuyển dịch hình thức chăn nuôi, việc phát triển, cải tạo giống vật nuôi tại Khánh Hòa cũng là một trong những điểm sáng được đoàn công tác Bộ NN-PTNT đánh giá cao. Đến nay, Khánh Hòa có hơn 65% đàn bò đã được lai Zebu; 100% heo đực giống, heo nái giống tại các trang trại chăn nuôi là các giống cao sản như: Duroc, Yorshire, Landrace… Hàng năm, cung ứng trên 350.000 con giống thương phẩm cho thị trường. Với chăn nuôi gà, ngoài các giống gà công nghiệp hướng thịt và hướng trứng ở trang trại chăn nuôi công nghiệp, Khánh Hòa còn có giống gà địa phương (gà Ri Ninh Hòa), chủ yếu được phân phối thông qua Công ty TNHH Giống gia cầm Phùng Dầu Sơn với hơn 5 triệu con giống mỗi năm cung cấp cho thị trường.

Cần chiến lược dài hơi

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, dân số Khánh Hòa hiện tại khoảng 1,4 triệu người, với quy mô chăn nuôi như hiện nay cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tới đây, Khánh Hòa được định hướng phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô dân số hơn 2 triệu người, việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho quy mô dân số này, trong đó có phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là vấn đề cần được tính toán ngay từ bây giờ. Hình thức chăn nuôi tại Khánh Hòa có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ quy mô nông hộ sang trang trại, nhưng tổng đàn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng cũng như đòi hỏi thực tế trong tương lai gần. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Khánh Hòa tập trung triển khai chiến lược chăn nuôi của tỉnh dựa trên cơ sở Quyết định 1520 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm chủ động trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Mặt khác, đến nay, Khánh Hòa vẫn chưa có khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt chuẩn theo quy định, trong khi nhiệm vụ này đã được đặt ra cho các ngành, địa phương từ rất nhiều năm trước…

Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến, đề nghị của đoàn công tác trong việc phát triển chăn nuôi; quyết tâm đầu tư khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong thời gian tới để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh...

Hồng Đăng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop