Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 03 tháng 03 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 03 tháng 03 năm 2023

 

Thận trọng trong ‘cơn sốt’ sầu riêng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Nông dân huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) đang mở rộng diện tích sầu riêng do giá thành ở mức khá cao. Kể từ tháng 9/2022, khi lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư, đến nay diện tích sầu riêng trồng mới của huyện đã tăng gần 300 ha.

Nông dân thận trọng

Xã Cư Pơng là địa phương có diện tích trồng sầu riêng tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, xã có hơn 1.163 ha sầu riêng, chủ yếu được trồng xen canh trong vườn cà phê, mắc ca…

Hội Nông xã đã tiến hành kiểm tra, khảo sát tại một số diện tích sầu riêng trồng mới cho thấy, các hộ dân đã có sự quy hoạch vườn rẫy bài bản, đó là trồng xen cây sầu riêng vào vườn cà phê vừa tận dụng không gian, vừa tạo bóng mát cho cây cà phê. Việc trồng xen canh giúp tạo ra nhiều nguồn thu trên một đơn vị diện tích, giảm rủi ro về giá cả. Điều đáng nói, nhiều nông dân ở xã đã chủ động học tập kiến thức, khoa học kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

 

 

Hội Nông dân huyện Krông Búk kiểm tra, khảo sát diện tích trồng sầu riêng mới của hội viên nông dân xã Tân Lập.

Gia đình ông Trương Hùng, ở buôn Adrơng Điết (xã Cư Pơng) có trên 5 ha đất canh tác, đã trồng các loại cây như: cà phê, tiêu và 700 gốc sầu riêng. Năm 2022, trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, gia đình ông Hùng bắt đầu trồng thêm sầu riêng. “Cách đây 4 năm, cây bơ cho chúng tôi cuộc sống sung túc. Mặc dù ngành nông nghiệp địa phương cảnh báo nhưng bà con nông dân vẫn phát triển diện tích bơ một cách tự phát. Khi nguồn cung vượt quá cầu, giá bơ xuống thấp, đỉnh điểm là vụ thu hoạch năm 2022, giá bơ chỉ còn từ 2.000 - 4.000 đồng, thậm chí có nhà còn không bán được. Người trồng lỗ đậm, lao đao trong cảnh nợ nần, không ít người phải nhổ bỏ để trồng cây khác. Do vậy, khi quyết định tăng số lượng gốc sầu riêng trong vườn, tôi chủ yếu trồng xen canh hoặc trên diện tích bơ booth đã được phá bỏ từ trước”, ông Hùng nói.

“Phát triển cây sầu riêng theo hướng xuất khẩu là sự bứt phá trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, không phải vì cái mới mà phá bỏ hướng phát triển bền vững” - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Phan Hoàng Lâm.

Còn tại xã Tân Lập, diện tích trồng cây sầu riêng hơn 300 ha (tăng 40% so với năm 2021); trong đó với 172 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 1.548 tấn; diện tích còn lại được trồng mới từ năm 2020 đến nay và đa số được trồng xen canh với các loại cây trồng khác.

Riêng tại Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tân Lập Đông (xã Tân Lập) đã được cấp 4 mã vùng trồng sầu riêng với diện tích 49,5 ha. Năm 2022, sản lượng sầu riêng của Hợp tác xã đạt 850 tấn. Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đã đưa giá trị trái sầu riêng tăng từ 50 - 60% so với năm 2021. Anh Nguyễn Hữu Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã thông tin: Sau đợt “xuất ngoại” đầu tiên, đơn vị đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía khách hàng là thị trường Trung Quốc, có thêm những đơn hàng mới. Đây là kết quả đáng mừng, cho thấy việc cấp mã vùng trồng sầu riêng trở nên bức thiết.

Tăng diện tích phải đảm bảo chất lượng

Bà Lê Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho hay, cây sầu riêng mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây công nghiệp khác, do đó người dân trên địa bàn xã đang chú trọng đầu tư, chăm sóc; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác có hiệu quả.

Tính đến cuối năm 2022, xã Tân Lập đã thành lập 14 tổ hợp tác với 191 thành viên, phối hợp với các doanh nghiệp hướng dẫn, xây dựng 14 vùng đề nghị cấp mã vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích 224,36 ha để tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài và bền vững. Song, việc tăng diện tích này địa phương cũng đã chủ động xem xét, khoanh vùng đủ điều kiện cho cây sầu riêng đạt chất lượng của Nghị định thư.

Bên cạnh đó, việc giá thành quả sầu riêng tăng cao khiến giá cây giống tăng theo và hút hàng nên vấn đề chất lượng cây giống được huyện đặc biệt quan tâm để tránh rủi ro. Hội Nông dân huyện đã khuyến cáo, tuyên truyền, vận động hội viên không mua cây giống trôi nổi, không rõ chất lượng.

 

 

Người nông dân nên thận trọng trước "cơn sốt" sầu riêng. (Trong ảnh: Nông dân huyện Krông Pắc chăm sóc sầu riêng). Ảnh: Hoàng Gia

Ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ năm 2020 đến nay, việc tăng trưởng của cây sầu riêng tại huyện tương đối đồng đều. Dù vậy, ông Lâm cũng nhìn nhận có sự “đột biến” về diện tích sầu riêng trong năm 2022, song sự tăng trưởng này vẫn phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện.

Ông Lâm nhấn mạnh: “Cà phê vẫn là cây chủ lực của huyện. Dù bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn chưa thể khẳng định tính bền vững của cây sầu riêng. Bà con nông dân cần phải đặt câu hỏi: Trồng để làm gì? Tiêu thụ như thế nào? Còn về phía chính quyền sẽ không vì việc tăng diện tích, tạo điều kiện cho người trồng sầu riêng mà đề nghị cấp mã vùng trồng một cách ồ ạt, thay vào đó ngành nông nghiệp sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm sầu riêng theo đúng Nghị định thư.

Để người trồng sầu riêng có cái nhìn rõ hơn xung quanh câu chuyện cây sầu riêng, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị về mã vùng trồng. Nội dung sẽ xoay quanh việc tuyên truyền hạn chế mở rộng diện tích sầu riêng; phân tích lợi thế cũng như so sánh giữa những vùng có thể và không thể trồng sầu riêng. Các xã phải tổ chức tập huấn cho nông dân nhằm áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng…

Hoàng Ân

 

Lãi đậm nhờ chong đèn làm nhãn trái vụ

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Trong khi nhiều vườn nhãn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trong giai đoạn dưỡng cây, chờ vào chính vụ (mùa Hè), thì tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc), những người nông dân nơi đây lại kiếm bộn tiền từ vụ thu hoạch nhãn trong những ngày đầu mùa Xuân.

 

 

Chong đèn kích thích quang hợp ban đêm để nhãn ra hoa, đậu trái sớm.

Mùa nhãn chín chính vụ là mùa Hè. Nhưng hiện nay một số chủ vườn tại xã Bông Trang chong đèn, dùng ánh sáng đèn để kích thích quang hợp, cho nhãn ra hoa, đậu trái. Nhãn trái mùa luôn bán được giá.

Điển hình là ông Trần Văn Long (SN 1979), ở tổ 3, ấp Trang Định, xã Bông Trang hiện đang canh tác gần 8ha nhãn xuồng cơm vàng. Ông Long cũng là người đầu tiên trên địa bàn xã Bông Trang áp dụng kỹ thuật chong đèn làm nhãn trái vụ.

Chia sẻ “bí quyết” này, ông Long vui vẻ cho biết, cách đây hơn 4 năm, ông quan sát thấy một số cây nhãn trồng sát với vườn thanh long cũng ra hoa, kết trái sớm nhờ ánh sáng đèn từ cây thanh long. Từ ý tưởng chong đèn cho cây nhãn, ông Long làm thử nghiệm khoảng 2 sào nhãn trong nhà. Thấy nhãn ra hoa, kết trái như ý muốn, ông Long đã mở rộng diện tích nhãn chong đèn. Từ năm 2021 đến nay, trước và sau Tết Nguyên đán, gia đình ông thu hoạch gần 30 tấn nhãn, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

“Ưu điểm của nhãn trái vụ là vị ngọt đậm và thơm nên rất được khách hàng ưa chuộng. Năng suất thấp hơn khoảng 20% so với chính vụ, nhưng bù lại giá bán cao gấp 3 lần. Hiện thương lái đến tận vườn mua 50 ngàn đồng/kg nhãn tươi; nếu để nhãn chín vào mùa mưa, thì chỉ còn khoảng 15 - 16 ngàn đồng mỗi kg”, ông Long cho biết.

Cách đó không xa, 100 gốc nhãn xuồng (diện tích khoảng 3 sào) của gia đình anh Trần Hữu Hoài Ân (SN 1990), ở ấp Trang Định cũng đang cho thu hoạch.

Theo anh Ân, đây là năm thứ hai anh làm nhãn trái vụ. Nhãn trái vụ dù sản lượng thấp nhưng bù lại rất đắt hàng. “Tôi không phải đi chợ để bán nhãn mà thương lái đến tận vườn để mua. Giá mỗi kg nhãn xuồng cơm vàng hơn 50 ngàn đồng; nhãn bắp cải gần 100 ngàn đồng mỗi kg. Vườn nhãn gia đình tôi năm nay thu khoảng 2 tấn, ước lợi nhuận hơn 50 triệu đồng”, anh Ân cho biết thêm.

Theo một số nhà vườn, thời gian từ khi cây ra hoa đến lúc thu hoạch là 6 tháng. Trong khoảng thời gian này, người trồng cần áp dụng phương pháp bón phân tổng hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của cây. Đồng thời, tiến hành cắt tỉa chọn cành từ lúc bắt đầu ra hoa và chỉ để lại một số cành có khả năng đậu trái. Tiếp đó, cắt tỉa lại một lần nữa để chọn những chùm khỏe, có khả năng cho trái to.

Việc ép nhãn cho quả trái vụ thành công đã mở ra cơ hội rất lớn cho nông dân làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang nhận xét: “Thời gian gần đây, trên địa bàn xã có một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Trong đó, mô hình trồng nhãn trái vụ của ông Trần Văn Long và một số nông dân học cách làm này đã cho hiệu quả thiết thực. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham quan, học tập và áp dụng mô hình này vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - HỮU TẤN

 

Cây ăn trái trồng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn bên vườn bưởi của gia đình. Ảnh: KHÁNH VY

Thời gian qua, nhiều gia đình ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) đầu tư, nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, tạo ra các sản phẩm an toàn, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu trong đó có gia đình ông Nguyễn Ngọc Sơn ở thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam.

Hiện khu vườn trồng cây ăn trái của gia đình ông Sơn được công nhận là vườn mẫu nông thôn mới và trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm của người dân trong vùng.

Trồng cây theo hướng hữu cơ

Theo lời kể của ông Nguyễn Ngọc Sơn, trước năm 1975, ông tham gia du kích xã Xuân Sơn, sau làm xã đội trưởng, rồi làm chính trị viên Đại đội 381 (Huyện đội Đồng Xuân). Năm 1979, ông Sơn chuyển ngành với quân hàm trung úy, kinh qua nhiều nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, đến năm 2010, ông nghỉ hưu. Nhận thấy Đồng Xuân là huyện miền núi có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng muốn đem lại hiệu quả kinh tế thì phải am hiểu khí hậu, thổ nhưỡng cũng như đặc điểm từng loại cây trồng, ông đã tìm tòi, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo và quyết định cải tạo, chuyển đổi vườn tạp lâu năm của gia đình thành vườn cây ăn trái.

Khởi đầu cho chuyển đổi mô hình này, năm 2019, ông Sơn cải tạo mảnh vườn rộng hơn 1,2ha, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để trồng hơn 650 gốc cây các loại như: mít thái, cam, bưởi da xanh. Thay vì canh tác theo kiểu truyền thống, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, ông Sơn mạnh dạn áp dụng phương pháp trồng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu; dùng túi ni lông bọc trái để chống sâu, rầy.

Ông Sơn bày tỏ: “Trồng loại cây nào cũng vậy, muốn phát triển tốt, cho năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế thì việc tạo được nền đất màu mỡ, nhiều dinh dưỡng, đầu tư cây giống chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành công. Bởi vậy, khi mới bắt tay vào làm vườn, tôi đã chọn sản xuất theo hướng hữu cơ. Tôi nghĩ rằng, làm vườn thì suốt ngày quanh quẩn bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân, nếu sử dụng thuốc hóa học thì chính mình và người thân phải chịu ảnh hưởng đầu tiên”.

Mô hình vườn mẫu nông thôn mới

Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên sau 3 năm canh tác, hiện nay vườn mít xen canh cam, bưởi của gia đình ông Sơn đã cho sản lượng mít trung bình hơn 16 tấn/năm, cam 1,45 tấn/năm, bưởi 1 tấn/năm, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. “Tôi chọn trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân chuồng, phân rơm, kèm với phân từ tro trấu… giúp đất có dinh dưỡng, tạo thêm độ ngọt cho trái. Bởi vậy, khi nghe mọi người khen ngon, tôi vui lắm, xem như mình phát triển đúng hướng”, ông Sơn phấn khởi nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Sơn Nam Võ Thị Hoài Dân, trước đây vùng Tân Phú này, bà con chỉ biết trồng keo, trồng sắn nên đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Việc ông Sơn mạnh dạn đi đầu thử nghiệm trồng các loại cây ăn trái đã giúp cho bà con trong vùng có sự lựa chọn mới trong việc chuyển đổi cây trồng tại địa phương. “Mô hình vườn cây ăn trái của gia đình ông Sơn không chỉ mang nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn là mô hình vườn mẫu nông thôn mới của xã. Hiện mô hình này trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm của người dân trong vùng”, bà Dân cho hay.

Ông Nguyễn Đức ở xã Xuân Lãnh cho biết: “Được biết mô hình trồng cây ăn trái của gia đình anh Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi đến học hỏi kinh nghiệm. Anh không những tận tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, mà còn đến tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách chọn cây giống… Chúng tôi rất biết ơn anh và cũng hy vọng việc trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở huyện”.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân Nguyễn Văn Kim: Vườn mẫu nông thôn mới của ông Nguyễn Ngọc Sơn là một trong bốn vườn mẫu trên địa bàn huyện Đồng Xuân. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ gia đình ông Sơn xây dựng sản phẩm bưởi da xanh và mít thái thành sản phẩm OCOP nhằm tìm kiếm các kênh tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị.

KHÁNH VY

 

Trồng đa cây ăn trái để giảm rủi ro về giá

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng diện tích đất, anh Nguyễn Bá Tòng, thôn 4, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), đã tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, bền vững. Cách làm này giúp anh giảm rủi ro do biến động thị trường.

Năm 1998, anh Tòng rời quê hương Bình Định đến xã Kiến Thành lập nghiệp. Có được số vốn kha khá từ quê mang vào, anh mua được 5 ha đất và bắt đầu hành trình khởi nghiệp trên vùng đất mới.

Lớn lên từ đồng ruộng, chưa có nhiều kiến thức về cây lâu năm, anh Tòng vừa trồng cà phê, vừa học hỏi người dân địa phương kỹ thuật chăm sóc.

Sau một thời gian, cà phê cho thu hoạch, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, tốn nhiều công sức. Trong khi đó, anh nhận thấy cây ăn quả phù hợp với vùng đất Kiến Thành.

Do đó, anh Tòng từng bước chuyển đổi trồng xen các loại cây ăn trái trong vườn cà phê. Có hàng chục loại cây ăn trái được anh lần lượt trồng thử nghiệm. Qua sàng lọc, giống nào phù hợp đều được anh đầu tư mở rộng.

Anh Tòng cho biết, lúc đầu khi chuyển đổi trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ, cam..., anh gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật canh tác. Vì mỗi loại cây trồng đòi hỏi có những quy trình chăm sóc khác nhau.

Trong khi vườn cây của anh chủ yếu được trồng xen, nên việc áp dụng quy trình chăm sóc riêng biệt sẽ mất rất nhiều thời gian, công cán.

 

 

Anh Tòng tạo nhiều nguồn thu từ việc trồng đa cây để giảm rủi ro về giá bán

Từ những khó khăn, anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi, tham quan cách làm từ các mô hình trong và ngoài tỉnh. Anh cũng nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức sản xuất qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Sau một thời gian, anh đã làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây ăn trái. Nhờ đó, hầu hết cây trồng của anh đều phát triển xanh tốt, cho thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, để mang lại hiệu quả kinh tế, anh tìm hiểu, nắm bắt thị trường. Anh dần dần chuyển đổi cây trồng một cách phù hợp để tránh rủi ro.

Đến nay, anh đã có 6 ha cây ăn trái. Trong đó, anh có 300 cây sầu riêng cho thu chính; 300 cây bưởi, 2.000 cây cam bắt đầu cho thu hoạch…

Năm vừa qua, anh thu được 50 tấn sầu riêng, 15 tấn cam, mang về nguồn thu nhập khoảng 2 tỷ đồng đã trừ chi phí. Ngoài ra, một số cây trồng như mít, măng cụt... vẫn đang được anh trồng thử nghiệm trên vườn.

Theo anh Tòng, trồng cây nào anh cũng tính toán để hình thành hệ sinh thái, khai thác được hiệu quả sự tương trợ lẫn nhau và mang lại hiệu quả kinh tế cao trên 1 đơn vị diện tích đất.

Khi anh trồng bưởi, cam, sầu riêng đều có sự tính toán khoảng cách để các loại cây trồng này không cạnh tranh nhau về không gian, thuận lợi trong quá trình chăm sóc.

 

 

Vườn cây ăn trái của anh Tòng được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP

Vườn cây ăn trái của anh Tòng hiện nay đã đạt chứng nhận VietGAP và đang trở thành điểm tham quan học hỏi của nhiều nông dân địa phương.

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp đánh giá, mô hình canh tác của anh Tòng đã phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên của địa phương.

Anh Tòng là nông dân có kiến thức về nông nghiệp. Anh đã linh hoạt, sáng tạo trong sản xuất, cần cù chịu khó tìm hiểu kiến thức về các loại cây trồng và áp dụng hiệu quả.

"Mô hình của anh Tòng đang là điểm đến để học hỏi kinh nghiệm của người dân trên địa bàn thời gian qua", ông Nên cho biết.

Đức Hùng

 

Trà Vinh: giá lác cao, người trồng phấn khởi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh

 

Trong những ngày này, các hộ dân ở huyện Càng Long (Trà Vinh) đang bước vào vụ thu hoạch lác với tâm trạng khá phấn khởi vì cây lác có giá thu mua cao. Đây là vụ lác có giá cao nhất trong vài năm qua. Từ đó góp phần làm cho cuộc sống của bà con ngày càng sung túc hơn.

 

 

Nông dân xã Đức Mỹ, huyện Càng Long thu hoạch lác

Nhẩm tính cùng chúng tôi ngay trên ruộng lác đang thu hoạch, nông dân Lưu Văn Mịn ở ấp Long Sơn, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long cho biết: trong 4 công đất trồng lác của gia đình, trung bình mỗi công thu về được khoảng 800kg lác loại I và hơn 300kg lác manh có chất lượng thấp hơn. Với giá bán tương ứng là 20.000 và 14.000 đồng mỗi kí thùy theo loại lác, qua gần 6 tháng trồng và thu hoạch, sau khi trừ các khoản chi phí bình quân mỗi công còn lời hơn 10 triệu đồng.

Tùy chất lượng của từng loại cây lác mà thương lái thu mua với giá khác nhau, nhưng theo các hộ trồng thì nhìn chung giá lác năm nay cao nhất so vài năm trở lại đây. Nếu so với vụ lác cùng kỳ năm trước thì năm nay có giá tăng từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg, từ đó hiện nay nhiều hộ trồng lác ở Càng Long đang phấn khởi để tập trung thu hoạch. Bên cạnh vấn đề đầu ra cho cây lác cũng tương đối thuận lợi, được nhiều thương lái tìm mua với số lượng không hạn chế để cung cấp cho các cơ sở dệt chiếu, se lõi tại địa phương hoặc xuất ra các tỉnh, thành trong khu vực.

Lác là loại cây trồng thích nghi tốt trên vùng đất lợ và đất nhiễm phèn, do đó trong những năm qua được nhiều hộ dân ở xã Đức Mỹ huyện Càng Long chú trọng chuyển đổi trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng lác có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên theo các hộ dân, dù giá lác được thu mua cao nhưng ở vụ đông xuân này có ít diện tích đạt được năng suất từ một tấn lác loại I trên 1 công đất trồng, phần lớn diện tích chỉ đạt năng suất dao động từ 700 đến 800 kg/công lác loại I, còn lại là loại lác manh có giá thu mua rẻ hơn.

Theo UBND xã Đức Mỹ, hiện nay toàn xã có gần 500 hecta đất trồng lác, chiếm gần 50% diện tích đất nông nghiệp của toàn xã, với tổng số hộ sản xuất, lao động lĩnh vực cây lác là trên 1.000 hộ. Bên cạnh các hộ trồng thì trên địa bàn xã có 2 công ty, 10 cơ sở và 2 tổ hợp tác chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cây lác. Nhưng để phát triển chuỗi ngành hàng cây lác nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho hộ trồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc liên kết các khâu trong sản xuất còn hạn chế, chưa xây dựng được thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Xuân Kha

 

Lào Cai: Phát triển cây dược liệu ở huyện Bắc Hà

Nguồn tin: Báo Lào Cai

 

Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và giá trị kinh tế đem lại, huyện Bắc Hà đã đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, giúp người dân tìm hướng đi mới, giải quyết việc làm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, với đặc thù đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên khí hậu, huyện Bắc Hà đã phát triển các loại dược liệu có nguồn gốc ôn đới. Cây dược liệu của huyện phát triển dưới 2 hình thức là nhóm cây dược liệu trồng lâu năm dưới tán rừng, khai thác từ tự nhiên (sa nhân, thảo quả, giảo cổ lam, chè dây, hoàng tinh, nhân trần, tam thất hoang, các loại cây thuốc tắm, thuốc hỗ trợ điều trị xương khớp...) và nhóm cây dược liệu hằng năm (cát cánh, đương quy, atiso, đan sâm, đẳng sâm...). Trong đó, nhóm cây dược liệu lâu năm, dược liệu dưới tán rừng chủ yếu tự thu hoạch và chế biến thô thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Nhóm cây dược liệu hằng năm được trồng phục vụ sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, khi có Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cây dược liệu được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, của huyện và diện tích, sản lượng đều tăng qua các năm, góp phần tạo nguồn thu ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất cho người dân các xã trong vùng sản xuất.

 

 

Trồng cây cát cánh ở Bắc Hà cho thu nhập cao.

Trong năm 2022, cùng với hỗ trợ về vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân các xã trong vùng sản xuất dược liệu của huyện Bắc Hà đã tham gia dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu, với tổng diện tích 163 ha, tăng 93 ha so với năm 2021. Các loại cây dược liệu trồng chủ yếu là cát cánh, đương quy, atiso, mạch môn. Theo kế hoạch năm 2023, huyện Bắc Hà trồng 258 ha cây dược liệu, trong đó có 168 ha cát cánh, 55 ha mạch môn, 20 ha đương quy, 5 ha atiso, 10 cây dược liệu khác (đan sâm, đẳng sâm, bạch chỉ, bạch truật…).

Tại xã vùng cao Tả Van Chư hiện có 175 hộ dân tộc Mông tham gia trồng cây dược liệu (cát cánh) với tổng diện tích hơn 64 ha. Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết, với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, xã chú trọng phát triển cây dược liệu theo chủ trương của tỉnh và huyện, bước đầu có những tín hiệu đáng mừng. Đó là đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên 1 ha đất canh tác. Từ thành công trong việc đưa cây dược liệu vào trồng trên diện tích đất cấy lúa, trồng ngô kém hiệu quả, năm 2023, xã Tả Van Chư tiếp tục trồng 92 ha cây dược liệu, trong đó có 80 ha cát cánh, còn lại là đương quy và mạch môn.

Việc phát triển cây dược liệu ở huyện Bắc Hà cho hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng nông nghiệp khác trên cùng 1 ha đất canh tác. Như trồng cây cát cánh, bình quân lãi hơn 157 triệu đồng/ha. Điều đáng nói là có nhiều hộ người dân tộc thiểu số nhờ trồng cây dược liệu đã có thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững và hướng tới làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết: Để đầu ra ổn định, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã liên kết mở rộng diện tích trồng và tiêu thụ cây dược liệu. Hiện nay, cây atiso do Hợp tác xã nông nghiệp Na Hối hợp đồng sản xuất trực tiếp với các hộ và Công ty THHH MTV TraphacoSapa tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Cây cát cánh được trồng, bán theo hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện với các công ty như Công ty TNHH Nam Dược, Công ty TNHH MTV Dược liệu xanh Nam Hà, Công ty Cổ phần ANVY, Công ty TNHH Thuốc nam Nguyễn Kiều...

Chia sẻ về định hướng phát triển cây dược liệu của huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho rằng, tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện rất lớn, vì vậy cùng với giữ mối liên hệ chặt chẽ với các công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng kinh tế bao tiêu sản phẩm dược liệu giai đoạn 2019 - 2025 thì cần mời gọi thêm các doanh nghiệp có tiềm năng, uy tín để liên kết sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, cần đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu mới và hằng năm tổ chức đánh giá độ phù hợp, hiệu quả kinh tế nhằm nhân rộng, tăng cơ cấu cây trồng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất. Lồng ghép các chính sách hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến. Tạo niềm tin để người dân yên tâm sản xuất, tạo sự liên kết từ cung ứng vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm để kết nối thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm.

Viết Vinh

 

Tân Châu (Tây Ninh): Nhiều diện tích cây khoai mì bị nhện đỏ tấn công

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Trên địa bàn huyện Tân Châu (Tây Ninh) có trên 14.800 ha cây khoai mì. Trong đó, vụ hè thu và vụ mùa năm 2022 trồng trên 2.800 ha, vụ đông xuân 2022 - 2023 trên 12.000 ha.

 

 

Cây mì bị cháy do nhện đỏ tấn công.

Hiện nay do thời tiết đang là cao điểm của mùa khô, nắng nóng một số dịch hại trên cây khoai mì phát triển mạnh, nhất là nhện đỏ (nông dân gọi là rầy lửa).

Ông Nguyễn Hữu Phong- Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Triệu chứng gây hại của nhện đỏ thường bắt đầu xuất hiện ở mặt dưới của những lá già, sau đó chuyển dần lên các lá phía ngọn. Khi nhện đỏ phát triển nhiều sẽ gây hại cả hai bề mặt của lá, thậm chí cả thân cây và đặc biệt là phần ngọn non.

Lúc đầu lá có màu vàng sau chuyển nâu, khô và rụng. Nếu thân cây bị nhện chích, ngọn sẽ teo lại và phát triển kém. Biện pháp phòng trừ Nhện đỏ hiện nay là tưới nước đầy đủ và tưới thường xuyên bằng hệ thống tưới phun béc cố định hoặc bằng dây phun.

Bà con có thể dùng một trong các loại thuốc hóa học như: Dầu khoáng, Propargite (Comite 73EC, Saromite 57 EC, Superrex 73 EC,..), Fenpyroximate (Ortus 5SC), Diafenthiuron (Pegasus 55SC, Redmine 500SC...) ...

Tuy nhiên, khi sử dụng thường xuyên thuốc hóa học có thể làm cho nhện đỏ phát sinh nhiều hơn do thuốc hóa học diệt cả thiên địch trên đồng ruộng, trứng nhện tiếp tục nở ra và tái nhiễm có thể sẽ nặng hơn.

Chí Thành

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sản xuất nông nghiệp an toàn

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Nhiều giải pháp đang được ngành nông nghiệp triển khai nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó hướng đến nền nông nghiệp an toàn với cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất.

 

 

Ông Lê Ngọc Hiền sử dụng hệ thống tưới phun tự động trên ruộng khoai môn của gia đình.

Nông dân chuyển hướng sản xuất sạch

Trang trại bưởi Kim Long của Công ty CP CNC Kim Long (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) rộng 50ha được canh tác theo hướng hữu cơ trải dài một màu xanh mát mắt.

Bà Cao Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty CP CNC Kim Long cho biết, trồng bưởi theo hướng hữu cơ là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng. Không những vậy, cây phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, năng suất bình quân đến nay khoảng 25 tấn/ha/năm.

“Trang trại đã lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc vi sinh để tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Công ty cũng đã hoàn tất hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng”, bà Diệp cho biết.

Gắn bó với cây khoai môn 30 năm, ông Lê Ngọc Hiền (ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) cũng nhận thấy việc sản xuất theo hướng hữu cơ không chỉ bảo đảm ATVSTP mà còn nâng cao giá trị của thương hiệu khoai môn Láng Dài. Đây cũng là cách làm mà Tổ hợp tác trồng khoai môn Láng Dài áp dụng, đó là canh tác xanh, gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế thuốc BVTV. Hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Đây là chứng chỉ giúp nâng giá trị thương hiệu của khoai môn Láng Dài và góp phần phát triển bền vững loại nông sản này.

“Việc trồng khoai môn theo hướng sạch vừa giữ gìn được môi trường trong lành, nâng cao độ tơi xốp, bảo vệ cho đất, vừa giúp nông dân hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, lại tiết kiệm chi phí đầu vào trong chăm sóc cây trồng”, ông Lê Ngọc Hiền nói.

Giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường

Khắc phục tình trạng nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV và các chất kích thích, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) đã và đang tích cực tuyên truyền và hướng dẫn nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang quy trình sản xuất sạch, an toàn, VietGAP, GlobalGAP.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, sản xuất sạch giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường là mục tiêu mà ngành nông nghiệp đang hướng tới. Do đó, ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất bảo vệ môi trường cho nông dân. Đồng thời liên kết để tập trung nguồn lực của DN, phối hợp với nông dân triển khai các mô hình, dự án xử lý chất thải, tàng dư thực vật và ứng dụng các vật tư đầu vào tiên tiến theo hướng hữu cơ để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trong đó, ngành cũng tăng cường việc hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV theo danh mục được cho phép và xử lý bao bì đúng cách đúng quy trình; hướng đến xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

Đến nay gần 1.600ha trồng trọt được chứng nhận sạch với sản lượng 17.000 tấn/năm. Giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP hoặc tương đương chiếm 11% trên tổng giá trị ngành trồng trọt; các sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP hoặc tương đương chiếm trên 14,5% trên tổng giá trị ngành chăn nuôi; riêng nuôi trồng thủy sản chiếm 33,2%.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 

Chăn nuôi sạch: Giải pháp tạo sản phẩm chất lượng, an toàn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

 

Chăn nuôi không thuốc kháng sinh, an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc… là các mô hình mà nhiều trang trại đang xây dựng nhằm giảm rủi ro và tạo ra sản phẩm sạch.

 

 

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo theo hướng hữu cơ tại trại bò Đồng Phát (H.Cẩm Mỹ)

Đây cũng là mô hình mà cơ quan quản lý môi trường, người tiêu dùng mong muốn.

Không thuốc kháng sinh, chất cấm

Đồng Nai là nơi có chăn nuôi tập trung lớn của cả nước. Những năm gần đây, các trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, không thuốc kháng sinh, không chất cấm để tạo ra sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Giám đốc Công ty TNHH Lan Chi (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) Lâm Thị Lan Chi cho biết: “Trang trại luôn đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng giống tốt cho khách hàng là nhờ mô hình nuôi vịt không thuốc kháng sinh. Lợi ích việc không dùng kháng sinh là tỷ lệ sinh sản cao, con giống khỏe, hạn chế được rủi ro liên quan đến thời tiết, dịch bệnh. Tiết kiệm tiền mua vaccine”.

Cũng theo bà Chi, trung bình mỗi tháng trại giống Lan Chi xuất ra thị trường 500-600 ngàn con vịt. Trong quá trình chăn nuôi, bà sử dụng các nguyên liệu như: gừng, ớt, tỏi, quế ngâm chung với mật ong hoặc rượu tạo “thuốc” giúp vịt tăng sức đề kháng.

Tại trại bò Đồng Phát (xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ), mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ được áp dụng từ năm 2018. Thức ăn của bò không phải là cám mà là phụ phẩm nông nghiệp, được kiểm tra kỹ lưỡng thành phần dinh dưỡng cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trại sử dụng men vi sinh để khử mùi hôi, dùng vôi bột khử trùng.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Đồng Phát thuộc Tập đoàn Hòa Phát (xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Văn Ngôn chia sẻ: “Bò Úc công ty nuôi có thể lực tốt, khả năng kháng bệnh cao nên không sử dụng thuốc kháng sinh. Đồng thời, công ty đặc biệt quan tâm đến chất lượng thức ăn, nước uống cho bò nhằm tạo môi trường sạch để hạn chế phát sinh vi khuẩn”.

Bên cạnh chăn nuôi không thuốc kháng sinh, nhiều trang trại gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các mô hình như: VietGAP, an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc nhằm giảm rủi ro về dịch bệnh, giảm phát sinh chất thải, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

 

Trứng vịt hữu cơ tại trang trại giống Lan Chi

Tạo sản phẩm chất lượng

Chăn nuôi sạch góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Đây là mô hình nhiều năm nay tỉnh luôn khuyến khích người chăn nuôi thực hiện. Có nhiều trang trại thực hiện khá tốt nhưng vẫn còn một số trang trại chưa xử lý chất thải đạt chuẩn.

Phó Trưởng phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Xuân Viên cho rằng, vài năm trở lại đây, số lượng các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện tăng mạnh. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, Phòng TN-MT và Phòng NN-PTNT đã triển khai các giải pháp như: chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm tra môi trường, thực hiện tiêu độc khử trùng, nhưng vẫn còn cơ sở chăn nuôi vi phạm. Năm 2022, qua phản ánh của người dân, phòng đã phối hợp với các bên liên quan kiểm tra, phát hiện 4 cơ sở chăn nuôi vi phạm về môi trường, trong đó có cơ sở bị UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt đến 196 triệu đồng.

“Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra môi trường và xử phạt những trang trại chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi an toàn cho các trang trại và người dân nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi” - bà Viên chia sẻ.

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) Lê Văn Bình, đa phần cơ sở chăn nuôi chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cụ thể: đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hợp đồng với các đơn vị chức năng xử lý chất thải rắn, sử dụng hóa chất hoặc chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi. Bên cạnh đó, vẫn còn cơ sở chăn nuôi chưa tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Năm nay, Sở sẽ kiểm soát chặt chẽ các trang trại chăn nuôi, xử lý nghiêm những trường hợp gây ô nhiễm môi trường.

Chăn nuôi sạch là giải pháp để tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời đây cũng là giải pháp để giảm rủi ro về dịch bệnh trong chăn nuôi.

Số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường, đến cuối năm 2022, Đồng Nai có 1,4 ngàn cơ sở chăn nuôi tập trung, trong đó có 1,2 ngàn cơ sở chăn nuôi gia súc và hơn 300 cơ sở chăn nuôi gia cầm.

Năm 2022, UBND tỉnh và cơ quan chức năng, các huyện đã xử phạt tổng cộng 32 cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng.

Phan Anh

 

Thu nhập cao từ nghề nuôi dúi ở miền núi

Nguồn tin: Nhân Dân

 

Tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), anh Nguyễn Đình Bảo, 29 tuổi, đã mạnh dạn đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi dúi má đào để bán con giống và thương phẩm. Bước đầu mô hình nuôi dúi đang phát triển tốt và đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Sau một thời gian nuôi thử nghiệm nhận thấy nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao, anh Bảo quyết định tập trung phát triển và nhân rộng mô hình.

Với trại chăn nuôi có diện tích 150m2, anh nhân đàn thành công, duy trì số lượng hơn 300 con dúi má đào, trong đó có 70 cặp bố mẹ sinh sản.

Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng đạt đến 500-700g, với giá bán từ 1,5 đến 2 triệu đồng/cặp; dúi thương phẩm nuôi 6-7 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng hơn 1kg, có giá từ 2 đến 3 triệu đồng.

Trung bình mỗi tháng anh Bảo bán ra thị trường khoảng 10 cặp dúi giống và dúi thương phẩm, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

Nói về những ngày đầu nuôi dúi, anh Bảo chia sẻ: Khi mới bắt đầu tập nuôi dúi, tôi nuôi thử nghiệm loại dúi đen. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm sóc thì dúi chết khá nhiều do bị bệnh.

Sau đó, tôi tìm hiểu trên mạng và đi tham quan các mô hình nuôi dúi ở ngoài bắc học hỏi thêm kinh nghiệm, thì được biết loại dúi má đào rất dễ nuôi, lại phù hợp với thời tiết, khí hậu ở chỗ mình, nên tôi thử nhập về nuôi thì thấy nó phát triển khá tốt.

Dúi là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, lại mang giá trị kinh tế khá cao. Chuồng trại nuôi dúi đơn giản, không chiếm nhiều diện tích, nhưng phải luôn thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ.

Tiêu chí quan trọng là phải bảo đảm nhiệt độ và độ ẩm, trong đó hệ thống đèn sưởi, quạt làm mát luôn sẵn sàng khi thay đổi thời tiết.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, anh Bảo cho biết: Loại dúi này có tập tính ăn về ban đêm, nên sau khi đi làm về, tận dụng thời điểm buổi chiều tối, mình vừa dọn dẹp chuồng trại, vừa cho ăn nên cũng không phụ thuộc quá nhiều thời gian vào việc chăm sóc dúi.

Một năm dúi sinh sản từ 2-3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 4-9 cá thể dúi con. Dúi con được khoảng 60 ngày thì tách mẹ. Sau khi tách mẹ khoảng 15 ngày, phải cho dúi con ăn bổ sung thêm ngô non - loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.

Thời gian tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ phải phù hợp. Nếu dúi con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ. Vì vậy, khi dúi sinh sản được 2–2,5 tháng, thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm.

 

 

Dúi thương phẩm được anh Bảo tách riêng để chuẩn bị xuất chuồng.

Huyện miền núi Hướng Hóa có khí hậu và địa hình thích hợp để loài dúi sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn dồi dào cho dúi như tre, nứa sẵn có trong tự nhiên sẽ giúp nông dân giảm bớt chi phí khi nuôi loài đặc sản này.

Ông Đinh Trường Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Khe Sanh cho biết: Đây là mô hình đầu tiên của thị trấn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên, đặc biệt là hội viên trẻ ở địa bàn thị trấn.

Trong thời gian tới, Hội sẽ cho các hội viên đến mô hình của anh Nguyễn Đình Bảo học tập và nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế trên địa bàn.

Hiện tại, mô hình nuôi dúi của anh Bảo chỉ kịp bán dúi giống, không đủ số lượng bán thịt để cung cấp cho các nhà hàng.

Dự định trong thời gian tới, anh Bảo sẽ nhân rộng mô hình, hỗ trợ bà con về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, phát triển mô hình nuôi dúi, để góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống của bà con ở miền núi Hướng Hóa.

NHẬT MINH

 

Mùa ăn ong

Nguồn tin: Báo Cà Mau

 

Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11 kéo dài đến tháng 3, tháng 4 âm lịch năm sau là thời gian bà con hành nghề gác kèo ong dưới tán rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) bước vào cao điểm mùa ăn ong. Việc ăn ong không chỉ mang về cho người dân nguồn thu nhập khá, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn nghề gác kèo ong - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Anh Lâm Hoàng Khái, Ấp 16, xã Nguyễn Phích, là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề gác kèo ong. Theo anh Khái, để gác kèo ong đạt hiệu quả cần đến rất nhiều yếu tố, từ việc chọn địa hình, quan sát hướng đi của con ong đến chọn chất liệu cây để làm kèo; tất cả điều này được anh học hỏi từ những người đi trước. Nhờ chịu khó học hỏi và tích cực nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn nên hơn 6 năm qua, năm nào anh cũng thu về lượng mật ong khá lớn. Chỉ tính riêng từ đầu vụ đến giờ, anh đã thu về hơn 20 triệu đồng từ việc bán mật ong.

Tuy nhiên, anh Khái cho biết: “Năm nay ong về sớm hơn mọi năm, tuy nhiên, việc ăn ong không được thuận lợi như mùa khô các năm trước, do từ đầu vụ tới giờ xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa, việc ăn ong không được liên tục. Những năm trước ăn ong thuận lợi hơn, thời điểm này là tôi ăn được hơn 100 lít, năm nay chỉ mới được mấy chục lít”.

Ông Trần Văn Nhì, Ấp 1, xã Nguyễn Phích, người có hơn 40 năm hành nghề gác kèo ong, chia sẻ: “Nghề này nói khó thì không khó, nhưng dễ thì cũng không dễ, quan trọng là nắm được đặc tính của con ong, coi chiều hướng nó bay như thế nào rồi mình mới chọn hướng để đặt kèo. Với kinh nghiệm tôi có được, tôi đã truyền nghề lại cho con tôi và cả mấy đứa con rể, giờ đứa nào cũng tự mình gác và ăn ong, mỗi năm thu về hàng trăm lít mật. Từ đầu mùa mật đến giờ, tôi và con trai tôi thu được hơn 60 lít mật, trị giá hơn 30 triệu đồng”.

 

 

Ông Trần Văn Nhì có hơn 40 năm hành nghề gác kèo, ăn ong truyền thống ở đất rừng U Minh Hạ.

Hiện nay có hàng trăm hộ dân sinh sống dưới tán rừng U Minh Hạ tham gia hành nghề gác kèo ong. Song song với việc gìn giữ nghề truyền thống, bảo tồn Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, người dân dưới tán rừng cũng đang nỗ lực bảo vệ nhãn hiệu tập thể Mật ong rừng U Minh Hạ, bởi trên thị trường tình trạng bán mật ong trôi nổi khá nhiều.

Theo những người hành nghề gác kèo ong dưới tán rừng U Minh Hạ, để bảo vệ được nhãn hiệu tập thể Mật ong rừng U Minh Hạ, chỉ còn cách duy nhất hiện nay là đi ăn ong trực tiếp, rồi bán mật cho khách. Bằng cách này vừa tạo lòng tin cho khách hàng, lại vừa góp phần giới thiệu, quảng bá nghề gác kèo ong cho khách du lịch gần xa, giúp nhiều người biết đến sản phẩm hơn, từ đó dần xây dựng lại thương hiệu Mật ong rừng U Minh Hạ.

“Trước đây, mật ong bán không có giá, đầu ra cũng không ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi thực hiện dịch vụ du lịch trải nghiệm nghề gác kèo ong, cho du khách trực tiếp theo mình đi ăn ong thì mật ong của gia đình tôi ngày càng bán được hơn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá mật ong rừng U Minh Hạ, từ đó mật ong ngày càng được nhiều người biết đến hơn, giá bán cũng cao hơn”, ông Nhì cho biết.

Ngoài ra, những người gác kèo ong còn tính đến chuyện bảo vệ rừng, bởi khi rừng được bảo vệ an toàn thì ong mới có nơi sinh sản và phát triển, mới tiếp tục mang về cho người dân nguồn thu nhập. Hiện nay, những người tham gia ăn ong vào mùa hạn đều quan tâm đến công tác bảo vệ rừng; họ có lịch ăn ong hẳn hoi, đồng thời trang bị những dụng cụ ăn ong một cách an toàn nhất, không để xảy ra cháy rừng.

Nghề gác kèo ong đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân dưới tán rừng U Minh Hạ. Ðây cũng là tiền đề để người dân kết hợp nghề gác kèo ong, ăn ong với làm du lịch sinh thái; không chỉ góp phần giới thiệu, quảng bá nghề truyền thống của địa phương mà còn giúp nâng cao giá trị của mật ong rừng U Minh Hạ, cải thiện đời sống người dân dưới tán rừng./.

Trung Ðỉnh - Trần Thể

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop