Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 03 tháng 12 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 03 tháng 12 năm 2021

 

Mã số vùng trồng: Vé thông hành cho nông sản

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

 

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “tấm vé thông hành” với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng (MSVT) là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng và quản lý MSVT nông sản vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Mang lại nhiều lợi ích

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Theo đó, để được cấp MSVT, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác,... Các vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ; nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp.

Việc cấp MSVT và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu, và cũng có thể xem đây là công tác tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa cho nông sản Việt Nam (đặc biệt là đối với các mặt hàng quả tươi) xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài.

Theo đó, việc cấp MSVT không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Có thể xem đây là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ), cho hay: Hợp tác xã chuyên sản xuất chôm chôm Java và chôm chôm Thái nghịch vụ với tổng diện tích 42ha và được sản xuất theo quy trình Global GAP, kiểm tra chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Theo đó, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã đã thực hiện đăng ký MSVT chôm chôm. Hiện thị trường chính là Trung Quốc, còn lại xuất sang Mỹ và Châu Âu như Pháp, Hà Lan,… Số còn lại tiêu thụ trong nước.

“Hợp tác xã sản xuất với sản lượng 840 tấn/năm, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Hợp tác xã tự tìm khách hàng thu mua cho thành viên, thông qua các doanh nghiệp bằng hình thức liên kết. Khi chưa được cấp MSVT, sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu tiêu thụ ở thị trường tiểu ngạch của Trung Quốc và thị trường trong nước giá cả không cao. Từ khi được cấp MSVT, chôm chôm của hợp tác xã có giá trị cao hơn”- ông Nhân cho biết thêm.

Cần khắc phục “rào cản”

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới việc xuất khẩu nông sản, việc gắn MSVT hiện nay đang ngày càng được tỉnh Vĩnh Long quan tâm, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký. Vừa qua, Sở Nông nghiệp- PTNT đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân đăng ký MSVT, cơ sở đóng gói cho nông sản trên địa bàn để thực hiện chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Nhiều nông dân cũng cho hay, trước đây Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính. Song, do dịch COVID-19, sức tiêu thụ thị trường này gần đây bị giảm sút. Đồng thời, việc Trung Quốc đưa ra chính sách ưu tiên nhập khẩu chính ngạch, chỉ có các loại rau quả được Trung Quốc cấp phép, có đăng ký MSVT mới được nhập khẩu, khiến rau quả Việt Nam càng khó vào thị trường này hơn trước đây.

Tuy nhiên, không ít nông dân cho rằng, quá trình triển khai đăng ký MSVT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như: diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều, trong khi (yêu cầu để được cấp MSVT phải từ 10ha trở lên); chi phí cho việc cấp MSVT tương đối lớn; vẫn còn không ít nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chú trọng việc xây dựng MSVT cho nông sản,…

Bên cạnh đó, theo ông Nhân, thị trường xuất khẩu không ổn định, số lượng nhỏ lẻ, không liên tục. Trong khi, hợp tác xã chưa ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Không chỉ vậy, quá trình quản lý hồ sơ MSVT còn chưa rõ ràng, nên theo dõi và truy cập đôi lúc chậm và chưa chính xác. Đối với MSVT do hợp tác xã quản lý thì không biết cách định hướng và khai thác nên không phát huy được hiệu quả.

 

 

Việc đăng ký xây dựng mã số vùng trồng giúp nông sản nâng cao giá trị.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Văn Liêm, cho biết: Để triển khai thực hiện xây dựng MSVT cho nông sản, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp, hộ sản xuất phải nâng cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu đặt ra. Đồng thời, cần sự thay đổi mạnh mẽ nhận thức của các hộ sản xuất, doanh nghiệp, từ cơ sở sản xuất và cơ sở chế biến, áp dụng truy xuất, khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đến tháng 9/2021, Vĩnh Long có 59 MSVT cây ăn trái với trên 730ha và 6 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài: Hoa Kỳ, EU, Úc, Trung Quốc và Newzealand.

Tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp MSVT vùng nguyên liệu khoai lang tím với trên 1.100ha, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Hàng nghìn xe chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn

Nguồn tin:  Nhân Dân

 

Các xe trở hàng nông sản tồn tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).

Sáng 1/12, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn), Bế Thái Hưng cho biết: Ngày 30/11, cửa khẩu thực hiện thông quan xuất được 215 xe nông sản chủ yếu là thanh long, xoài, mít..., hiện còn tồn ở khu phi thuế quan ở cửa khẩu và bãi xe Bảo Nguyên hơn 1.930 xe hàng nông sản, tương đương hơn 38 nghìn tấn nông sản.

Hiện đang là thời điểm cuối năm và cũng là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như: thanh long, xoài, bưởi, mít... ở các tỉnh phía nam nước ta. Đây là những nông sản có lượng xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) thông tin: Thời gian gần đây bãi đỗ xe phi thuế quan chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng (huyện Cao Lộc); cửa khẩu song phương Chi Ma (huyện Lộc Bình) và cửa khẩu phụ Tân Thanh (huyện Văn Lãng) luôn trong tình trạng tồn hàng nghìn xe chờ thông quan hàng hóa, chủ yếu là hàng nông sản.

Nguyên nhân do phía nước bạn đã tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, nhưng hàng từ nhiều địa phương vẫn đổ dồn về, cho nên chưa thể xuất đi được. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 26/9, tất cả các lái xe chuyên trách của Việt Nam đều phải bàn giao xe cho lái xe nước bạn, trong khi lái xe chuyên trách phía Trung Quốc bị thiếu hụt, khiến việc ùn ứ kéo dài.

Hiện nay, trong khi tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thì phía Trung Quốc vẫn thực thi chính sách "Zero Covid", chỉ cần một ca nhiễm dịch Covid-19 theo lái xe xuất hàng thì cửa khẩu sẽ bị đóng lại, mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ.

Phó cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường kiến nghị: Không chỉ kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc cũng đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói... Vì vậy, các địa phương, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Đồng thời thực hiện ký kết hợp đồng với bên Trung Quốc, hạn chế thấp nhất lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu không xuất được, gây thiệt hại, phát sinh chi phí không đáng có, đặc biệt hàng nông sản, hàng tươi sống...

Tin, ảnh: HÙNG TRÁNG

 

Vú sữa Hoàng Kim đầu vụ giá tốt

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện tại, 4 cây vú sữa Hoàng Kim của ông Trần Văn Chánh, ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), đã cho trái chiếng. Lứa đầu tiên ông mới hái được hơn 10kg, nhưng giá bán khá cao so với vú sữa Lò Rèn hay những loại vú sữa khác.

 

 

Vú sữa Hoàng Kim đầu vụ nhưng trái rất to, ngọt thanh, thịt nhiều, chỉ 1 hạt/trái.

Vú sữa Hoàng Kim loại 1 (loại 3 trái 1kg) được bán với giá 80.000 đồng/kg; loại 4-5 trái/kg bán giá 70.000 đồng/kg. Được biết, ông Chánh rất quý cây này, khi mua cây giống rất hiếm và khó chăm sóc. Ban đầu chưa quen đặc tính cây như thế nào nên ông chăm rất kỹ, bón phân hữu cơ và khi có trái ông đều bao bằng bao xốp để tránh bị côn trùng chích hút gây sẹo, giúp trái bóng đẹp. Lứa trái đầu tiên nên ông không dám để nhiều, chỉ vài chục kg/cây, ước tổng sản lượng khoảng 100kg.

Tin, ảnh: TRÚC LINH

 

Nông dân Mũi Né lo lắng vụ xoài tết

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Nhà vườn trồng xoài ở Mũi Né (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, khi vụ xoài nghịch chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2022 bị thâm trái, thối dần do ảnh hưởng của thời tiết.

 

 

Những vườn xoài ở Mũi Né bị ảnh hưởng của thời tiết nên tỷ lệ đậu trái thấp.

Với vẻ mặt buồn bã nhìn những cây xoài sum sê nhưng lác đác chỉ có vài trái neo lại, lão nông Nguyễn Tấn Ngọc (khu phố Suối Nước) chua xót nói: “Gắn bó với cây xoài hơn 15 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên phải chịu cảnh trắng tay”. Nén tiếng thở dài bởi ông biết khó có thể cứu vãn được tình thế, thiên tai, dịch bệnh là điều không ai đoán trước được. Nguyên nhân khiến lứa xoài đợt này không đậu trái hoặc chỉ đậu với số lượng rất ít là khi xoài đang ra bông thì đúng vào các đợt mưa. Thời tiết bất lợi cũng khiến sâu bọ phát triển mạnh hơn nên trái bị thâm, nám, mặc dù đã được nhà vườn chủ động xử lý, bao trái.

Sau những thất bát từ vụ mùa vào tháng 5, tháng 6 vì trúng đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, khiến việc tiêu thụ xoài gặp trở ngại dù được mùa nhưng mỗi kg xoài loại 1 chỉ bán được 30.000 – 40.000 đồng, thấp hơn nửa giá so cùng thời điểm năm ngoái. Còn xoài loại 2, loại 3 chỉ bán được 3.000 – 5.000 đồng/kg. Thậm chí có những hôm khi cắt xong không có thương lái tới mua, người dân phải chở ra các quán ăn gửi bán. Lỗ nặng nhưng ai cũng mong bán tống bán tháo cho nhanh, lấy được đồng nào hay đồng đó. Nên đến vụ nghịch này, nhà vườn ở Suối Nước đặt hết hy vọng và công chăm sóc, những mong thu lại tiền vốn đầu tư cả năm, có thêm thu nhập. Vậy mà đến thời điểm này, sự lo lắng lại đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của người nông dân nơi đây.

Lão nông Lê Văn Hùng cũng than thở: Một bao phân Lân 20 – 20 - 15 trước đây có giá 700.000 đồng, nhưng bây giờ đã tăng lên 900.000 đồng. Như vậy với 3 ha xoài của gia đình tôi thì phải mất hơn 60 triệu đồng, đó là chưa kể mua thêm phân chuồng, tiền thuốc kích bông, phòng trừ các loại sâu bọ, trị nấm, mua bao bảo quản trái…

Cứ mỗi dịp tết đến, xoài cát Mũi Né luôn được thương lái và người tiêu dùng tìm mua, mặc dù giá tầm 90.000 – 100.000 đồng/kg, cao hơn xoài ở các nơi khác mang về bán. Điều này được lý giải là do xoài Mũi Né trái to, khi chín có màu vàng tươi, vị ngọt thanh, rất thơm, vỏ bóng, trơn và rất mỏng, lại bảo quản được lâu. Theo thống kê của Chi hội Nông dân khu phố Suối Nước, phường Mũi Né, hiện có hơn 50 hộ dân trồng xoài với diện tích khoảng 40 ha. Vì thế dù tỷ lệ đậu trái thấp nhưng nhà vườn vẫn đang tích cực chăm sóc, cùng với hy vọng thời tiết thuận hòa để gỡ gạc lại chi phí bỏ ra, khi thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến sẽ khan hiếm xoài hơn.

T. Anh

 

Vườn cà chua bạc tỷ giữa đất cà phê

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Giữa bạt ngàn cà phê, một nhà kính hiện đại, được đầu tư bài bản đang nuôi dưỡng những cây cà chua xanh tốt. Đầu tư hàng tỷ đồng để thay đổi cơ cấu cây trồng, một nông dân vùng sâu đã dám vượt qua giới hạn của bản thân, mang lại thu nhập cao bằng cây trồng cao cấp.

 

 

Vườn cà chua Runner chuẩn bị thu hoạch của gia đình anh Đỗ Minh Hải

Đà Loan vốn là xã “chuyên canh” cà phê của huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Dân cư trong xã chủ yếu sống bằng cây cà phê, thời gian gần đây có một số nông hộ chuyển dần một phần diện tích sang làm nhà lưới trồng rau. Và hộ anh Đỗ Minh Hải, thôn Đà Thành, xã Đà Loan là một trong những hộ tiên phong nhất. Nhà kính của anh không phải nhà lưới tạm như hầu hết bà con xung quanh mà anh đã đầu tư một dàn nhà lưới cao cấp, áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại với số tiền không nhỏ. Anh Đỗ Minh Hải cho biết: “Diện tích nhà kính gia đình mới xây dựng khoảng 4 sào, chi phí hơn 1 tỷ đồng với hệ thống tưới hiện đại. Ngay từ đầu, tất cả các phương tiện hỗ trợ như bộ châm phân tự động, bộ kiểm tra nhiệt độ, pH nước… đều được gia đình đầu tư lắp đặt đồng bộ, nên thuận lợi hơn rất nhiều trong việc canh tác cây trồng”.

Khu vực Đà Thành - nơi gia đình anh Đỗ Minh Hải cư trú vốn là đất trũng. Một vài năm, nước từ suối Đạ Quyn dâng lên là vườn lại ngập. Vì vậy, cây cà phê trồng đất này cũng èo uột, vàng lá, năng suất thấp do ngập nước. Nhiều nông hộ đã cắt cà phê, chuyển qua một số cây trồng ngắn ngày như đậu, bắp. Anh Hải lại nghĩ, làm ăn phải tính đến chuyện lâu dài, có đầu tư mới có thu nhập tương xứng. Vậy là anh tiến hành nâng đất, xây ta luy nâng cao hẳn khỏi mặt đất trũng, làm nhà kính hiện đại, đồng bộ hóa các phương tiện canh tác. Một dàn nhà kính hiện đại sẵn sàng cho cây trồng.

Vụ đầu tiên, gia đình anh Đỗ Minh Hải xuống giống cà chua Runner, giống cà chua cao sản thuộc dòng cà chua Beef, trái to vị ngọt, vỏ dày, cùi dày, tiện cho việc vận chuyển đi xa. Trên diện tích 4 sào, gia đình xuống giống xấp xỉ 10 ngàn gốc cà chua Runner, trồng hoàn toàn trên giá thể để đảm bảo canh tác đúng yêu cầu kỹ thuật. Anh Hải chia sẻ: “Cà chua được trồng trong các túi giá thể, cách li hoàn toàn khỏi nền đất. Nước tưới nhỏ giọt được cắm thẳng vào từng gốc cà chua. Hệ thống tưới, châm phân hoàn toàn tự động, điều khiển qua app điện thoại. Tùy thuộc vào thời tiết, thời điểm sinh trưởng của cây trồng mà tưới cho phù hợp, nắng tưới nhiều, trời mưa tưới ít hơn do lượng nước trong không khí cao. Phân cũng vậy, phân được pha trong bể riêng, hẹn giờ qua điện thoại và tưới hoàn toàn tự động”. Anh Hải cũng cho biết, kỹ thuật viên của hãng phân bón, hãng giống cũng thường xuyên ghé qua vườn, tư vấn cho gia đình các kỹ thuật chăm sóc cây trồng phù hợp. Dưới sự chăm sóc tận tâm, những cây cà chua Runner bắt đầu cho trái. Vào thời điểm tháng 11/2021, gia đình anh Hải đang cung cấp cà chua với giá xấp xỉ 30 ngàn đồng/kg. Cà chua Runner trồng 65 ngày bắt đầu cho thu hoạch và thu liền trong 4-5 tháng, mỗi gốc có thể cho năng suất 8-10 kg. Và gia đình anh Đỗ Minh Hải đang đón quả ngọt đầu mùa từ sự đầu tư chính xác của mình.

Không chỉ có sự đầu tư của gia đình, anh Đỗ Minh Hải cũng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống châm phân hiện đại của gia đình anh được huyện Đức Trọng hỗ trợ một phần kinh phí. Tuy sự hỗ trợ chỉ chiếm con số nhỏ trong tổng kinh phí đầu tư, song cũng giúp gia đình ấm lòng giữa thời điểm đầu tư dồn dập. Anh Lê Văn Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đà Loan, huyện Đức Trọng đánh giá, hộ anh Đỗ Minh Hải là nông hộ cực kỳ mạnh dạn trong đầu tư thay đổi cơ cấu cây trồng. Gia đình anh Hải đã xây dựng dàn nhà kính hiện đại nhất trong xã, với chi phí rất lớn. Đồng thời, các thành viên trong gia đình chịu khó học hỏi, nắm bắt kỹ thuật canh tác hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ. Gia đình đã có thu hoạch bước đầu, cho thấy sự đầu tư đúng đắn, sự học hỏi của người nông dân sẽ mang lại kinh tế khá giả ngay trên đất quê.

DIỆP QUỲNH

 

Nông dân Ninh Thuận mất trắng vụ hành tím

Nguồn tin: Nhân Dân

 

Chọn lựa những cọng hành, củ hành còn có thể bán được để mời chào thương lái đến thu mua, giúp nông dân vớt vát phần nào vốn đầu tư.

Những trận mưa kéo dài khiến hàng trăm ha cây hành tím vụ mùa và rau màu của nông dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận bị ngập sâu trong nước, mất trắng cả mùa vụ.

Sáng 1/12, trời ngớt mưa, chị Nguyễn Thị Dung, ở thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) gọi điện thoại nói chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân: “Nhà báo sớm phản ánh xem các cấp, các ngành có cách nào cứu cánh cho nông dân chúng tôi không? Nước ngập trắng đồng, vụ hành năm nay bà con mất trắng tay rồi”.

Trên đường đi đến vùng trồng cây hành tím của bà con, hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận ban đầu đó là hàng trăm ha cây hành tím đang chuẩn bị cho thu hoạch của nông dân các xã Nhơn Hải, Thanh Hải đã bị ngập sâu trong nước nhiều ngày qua. Có hàng chục ha, nước ngập trắng xóa không còn nhìn thấy màu xanh của những luống hành.

Nhiều hộ tất bật thuê công lao động (150 nghìn đồng/người/buổi) nhổ hành bỏ lên bờ phơi, để đất không bị thối. Đồng thời chọn những cọng hành, củ hành còn có thể bán được để mong vớt vát lại phần nào vốn đầu tư, chăm sóc sau hơn 2 tháng trồng. Tuy nhiên, các thương lái từ chối thu mua, vì hành tím thu hoạch khi chưa đủ tuổi và bị ngập nước nhiều ngày khiến chất lượng kém. Nông dân rất nóng lòng chờ “giải cứu”.

Cùng tham gia với những người được thuê để nhổ hành chất lên ngay bờ ruộng để phơi, chị Nguyễn Thị Dung, chia sẻ: “Vụ 1 năm nay, nhà tôi trồng 3 sào (3.000 m2) hành tím đã hơn 1 tháng 20 ngày, còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch thì bị mưa nhấn chìm, gây hư hại hơn 90% diện tích. Giờ mất trắng hơn 70 triệu đồng chi phí đầu tư, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc”.

Nhiều nông dân cho biết, mùa vụ năm trước, sau khi thu hoạch 3 sào, được gần 5 tấn hành củ, tư thương thu mua từ 25-30 nghìn đồng/kg. Sau mùa vụ lãi khoảng 40 triệu đồng, nay thu hoạch phải bỏ phơi đầy bờ, bà còn chỉ mong bán với giá 10 nghìn đồng/kg nhưng thương lái không thu mua, xem như bị mất trắng.

Cạnh đó, hộ anh Nguyễn Khắc Chí cũng cùng chung cảnh ngộ. Anh Chí chua xót nói: “3 sào hành ngập nước hư hại hết, nay có mấy người trong xóm xin nhổ ít để về làm rau xanh ăn hoặc nấu với mì tôm ăn, tôi không thuê công nhổ bỏ vì đã hết tiền đầu tư. Cũng không đủ sức đặt máy bơm để hút nước, vì không còn cách nào cứu cánh, đành bỏ cuộc”.

 

 

Xác hành trôi bồng bềnh ngay trên thửa đất sản xuất bị ngập nước, dồn tụ thành những núi rác.

Tại thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, hầu như các thửa, luống trồng hành bị ngập trắng, người dân nhổ hành bỏ đầy đường đi. Xác cây hành tấp vào bờ như những núi rác. 3 sào hành tím của hộ anh Bùi Văn Hảo ở thôn Mỹ Hiệp, đã hơn 2,5 tháng tuổi, chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch đúng kỳ, nhưng giờ đã bị ngập trắng. Mấy ngày qua, anh Hảo huy động người thân trong gia đình lội nước để nhổ hành đưa lên bờ với hy vọng vớt vát được chút đỉnh, nhưng tư thương không thu mua, mặc dù bà con để cho tư thương tự áp giá thu mua, để cứu cánh cho bà con.

Hiện tại, nhiều nông dân trồng cây hành tím tại các xã Nhơn Hải, Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã bị mất trắng mùa vụ bấc năm nay. Nhưng việc tư thương không thu mua sản phẩm, hành nhổ bỏ phơi trắng đồng, chỉ vài ngày nữa dễ bị hư thối, sẽ tác động tiêu cực đến môi trường.

Không chỉ riêng cây hành tím mà còn nhiều loại cây khác vẫn đang bị ngập sâu trong nước.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 619 căn nhà bị ngập nước; hơn 2.603 ha cây trồng các loại bị ngập, thiệt hại. Riêng huyện Ninh Hải có khoảng 91,5 ha hành tím đang giai đoạn phát triển, chuẩn bị thu hoạch bị hư hại gần như hoàn toàn…. Sau mưa, người dân sống, sản xuất tại các vùng bị thiệt hại do mưa lũ đang tổ chức khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

NGUYỄN TRUNG

 

Quảng Trị: Hiệu quả từ mô hình chuồng trại chống lũ cho vật nuôi ở Triệu Phong

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, người dân vùng thấp lũ ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã có sáng kiến xây dựng chuồng trại chống lũ cho đàn gia súc, gia cầm. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ tài sản, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

 

 

Nhiều hộ dân ở Triệu Phong đầu tư xây dựng chuồng trại cao ráo nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi khi có lũ lụt xảy ra - Ảnh: N.T

Xã Triệu Giang có khoảng 20 hộ dân xây dựng chuồng cao tránh lũ cho đàn vật nuôi. Mô hình này nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và phòng bệnh cho đàn gia súc sau lũ. Do đó, chính quyền xã Triệu Giang đã tích cực vận động người dân xây dựng mô hình nhà chống lũ để chăn nuôi bền vững và thu nhập ổn định.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Giang Lê Thị Hồng Nhung cho biết: “Đối với xã Triệu Giang là vùng thấp trũng, mỗi năm hứng chịu 2 - 3 trận lũ gây ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi của người dân. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, chúng tôi triển khai thực hiện các kế hoạch vận động, tuyên truyền nông dân xây dựng chuồng trại cao để khi mùa lụt về vẫn tiếp tục chăn nuôi, duy trì thu nhập, góp phần giảm thiệt hại trong chăn nuôi. Nhờ vậy, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn, học tập kinh nghiệm để xây dựng chuồng trại chống lũ”.

Ngoài trồng lúa, để nâng cao thu nhập, nhiều năm qua gia đình chị Hồ Thị Duyết, ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ở địa phương, năm nào lũ về, nước dâng cao là người chăn nuôi lại bị thiệt hại nặng nề do vật nuôi bị cuốn trôi hoặc chết. Rút kinh nghiệm, từ năm 2015 gia đình chị Duyết quyết định vay vốn làm chuồng trại chống lũ cho lợn cách mặt đất trên 2m, được xây dựng trên các trụ bê tông cốt thép rất chắc chắn, đảm bảo thoáng mát và an toàn. Trong chuồng được chia làm nhiều ngăn nhỏ, mỗi ngăn thả nuôi từ 5 - 10 con lợn thịt. Lối lên xuống chuồng cũng được đúc xi măng, thuận tiện để di chuyển gia súc. Bên cạnh đó, máng ăn, vòi nước và hệ thống vệ sinh chuồng trại được thiết kế bán tự động. Trên chuồng còn có ngăn dự trữ thức ăn dành cho lợn, gà, vịt.

Chị Duyết chia sẻ: “Từ ngày xây chuồng chống lũ, tôi rất yên tâm vì đàn vật nuôi được bảo vệ an toàn. Do đó, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư phát triển đàn lợn. Bình quân mỗi lứa, nuôi từ 50 - 100 con lợn thịt và 4 - 6 con lợn nái. Có chuồng trại cao ráo để chăn nuôi, thu nhập của gia đình tôi đảm bảo hơn, cả những năm có lũ lớn ”.

Hằng năm mỗi khi mưa lũ đến, các địa phương nằm ven sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định thuộc địa bàn huyện Triệu Phong thường xuyên bị ngập sâu, gây ảnh hưởng lớn đến việc chăn nuôi của người dân. Do đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi cao để tránh lụt ở Triệu Phong là giải pháp thiết thực, hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

Không riêng xã Triệu Giang, nhiều người dân ở các địa phương khác vùng thấp lụt trên địa bàn huyện Triệu Phong như Triệu Long, Triệu Thành, Triệu Thượng… cũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại cao ráo để tránh lũ cho đàn vật nuôi. Những hộ dân xây dựng chuồng trại chống lũ còn được quan tâm hỗ trợ kiến thức về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ một vài mô hình tự phát, đến nay toàn huyện có khoảng 200 chuồng trại chống lũ, một số hộ dân có điều kiện đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại quy mô.

Để xây dựng một chuồng chống lũ an toàn, cần đầu tư kinh phí từ 20 - 50 triệu đồng. Do đời sống còn khó khăn nên mặc dù rất muốn thực hiện mô hình quy mô hơn nhưng nhiều người chăn nuôi ở địa phương không có điều kiện triển khai.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thượng Lê Kim Cận cho biết: “Lâu nay theo thói quen, phần lớn người dân trong xã làm chuồng trại chăn nuôi ở vị trí thấp. Do đó, mỗi khi có lũ lớn xảy ra, thường bị thiệt hại rất lớn về đàn vật nuôi. Để giúp nông dân bảo vệ đàn gia súc, gia cầm an toàn hơn, thời gian qua, hội tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng chuồng trại ở vùng cao ráo, đặc biệt đối với những nơi thường xuyên lũ lụt thì nên xây chuồng chống lũ. Một số hội viên có điều kiện đã xây dựng chuồng trại chống lũ vừa an toàn cho gia súc, gia cầm, vừa đảm bảo thu nhập của gia đình. Mặc dù nhiều hộ nông dân rất muốn xây dựng chuồng trại chống lũ cho đàn vật nuôi nhưng họ không đủ kinh phí. Do đó, hội đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại chống lũ; kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh phí xây dựng chuồng trại chống lũ, giúp người dân yên tâm chăn nuôi mỗi khi vào mùa lũ lụt”.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng cho biết: “Hiện nay, các hộ xây dựng chuồng cao chống lũ cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện còn ít, dân tự đầu tư vốn là chủ yếu. Thời gian tới, đơn vị đề xuất các ngành chức năng cần có chủ trương hỗ trợ để những nông dân ở vùng thấp trũng có điều kiện xây dựng chuồng trại cao ráo, đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong mùa lũ, thoáng mát về mùa hè, phòng, chống được dịch bệnh cho đàn vật nuôi, góp phần mang lại giá trị kinh tế cho ngành chăn nuôi trên địa bàn”.

Ngọc Trang

 

Nuôi dúi – hướng phát triển kinh tế ở miền núi

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Từ vài cặp dúi ban đầu, đến nay anh Nguyễn Hữu Nghĩa (26 tuổi – đoàn viên thanh niên ở xã Tân Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) đang sở hữu một trại dúi với quy mô hơn 250 con, cho thu nhập đáng kể...

 

 

Dúi con vừa tách mẹ.

Anh Nghĩa cho biết, dúi (còn gọi nu) vốn là động vật tự nhiên nhưng hoàn toàn có thể thuần chủng, nhân giống, nuôi nhốt. Thức ăn của dúi chủ yếu là tre, mía, bắp, các loại khoai... Những thức ăn này có rất nhiều ở miền núi, lại dễ trồng nên giảm đáng kể chi phí nuôi. Dúi sinh sản mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 1 – 4 con. Dúi có sức đề kháng cao, nhưng để loài động vật này phát triển khỏe mạnh, hạn chế bị bệnh phải nắm rõ kỹ thuật nuôi cũng như hiểu rõ được tập tính sinh trưởng của nó. Dúi con nuôi được 8 tháng là trưởng thành, đến kỳ sinh sản và đạt trọng lượng từ 1 - 1,5 kg. Điều quan trọng nhất là người nuôi cần đánh số chuồng, ghi chép thời gian giao phối để theo dõi, tách dúi đực và dúi con riêng, tránh trường hợp giao phối cận huyết. Mỗi ngày chỉ cần thăm, vệ sinh, cho dúi ăn một lần là đủ, tránh để dúi ăn thức ăn đã hỏng vì có thể dẫn đến bệnh tiêu chảy.

Theo quan sát, chuồng nuôi dúi được anh Nghĩa thiết kế đơn giản. Trong chuồng chia thành nhiều ô, mỗi ô dùng gạch men gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50cm và dài 50cm. Tuy nhiên theo anh Nghĩa, chuồng dúi có thể thiết kế rộng hoặc hẹp hơn tùy vào từng điều kiện của mỗi người và từng giai đoạn phát triển của dúi. Song, nên thiết kế thoáng mát, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. “Toàn bộ dúi của em hiện đã thuần chủng đến F3, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương. Hầu hết, dúi đều phát triển nhanh, khỏe, đồng đều. Năm nay, em đã bán hơn 40 cặp dúi giống với giá 3 triệu đồng/cặp, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt trên 70 triệu đồng. Em sẵn sàng hỗ trợ về con giống, kỹ thuật nuôi, cam kết thu mua, đảm bảo đầu ra cho những ai có nhu cầu. Trường hợp không có điều kiện tiếp tục nuôi em sẽ thu mua lại” – anh Nghĩa nói.

“Chúng tôi đánh giá cao mô hình nuôi dúi của anh Nghĩa – một đoàn viên thanh niên của xã, vì hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp. Hiện nay, dúi thương phẩm trên thị trường có giá 500.000 – 600.000 đồng/kg. Để thanh niên xã nhà có thêm lựa chọn và yên tâm phát triển kinh tế từ việc nuôi dúi, Xã đoàn đã liên kết với Trại dúi Thuần Việt của anh Nguyễn Hữu Nghĩa, cam kết đến tận nhà hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho thanh niên, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường” - anh Trần Ngọc Tâm – Bí thư Xã đoàn Tân Hà cho hay. Được biết, thịt dúi có hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon, là một trong những món ăn đặc sản nên được nhiều người ưa chuộng, nhưng đến nay nguồn cung vẫn không đủ nhu cầu. Trại dúi của anh Nghĩa hiện tại cũng chủ yếu xuất bán giống, chưa đủ số lượng để bán thịt. Ở Đức Linh, số hộ nuôi dúi còn hạn chế, quy mô nhỏ. Từ thực tế và nhu cầu thị trường cho thấy, nuôi dúi là hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng ở Đức Linh, cũng như các huyện miền núi trong tỉnh. Bởi, nuôi dúi không tốn nhiều thời gian, nguồn thức ăn của dúi có sẵn tại địa phương, điều kiện khí hậu nơi đây cũng phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của dúi. Tin rằng, với niềm đam mê và phương pháp nuôi khoa học, con dúi sẽ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, vươn lên làm giàu chính đáng.

LÊ PHÚC

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop