Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 04 tháng 12 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 04 tháng 12 năm 2021

 

Làm giàu trên đất khó

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

Nhờ chăm chỉ lao động, gia đình ông Sut (làng Mor, xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã vươn lên làm giàu với nguồn thu 500-600 triệu đồng/năm.

Trước khi đến thăm nhà ông Sut, chúng tôi được ông Yung-Bí thư Đảng ủy xã Đak Tơ Ve-cho biết: Gia đình ông Sut giàu nhất ở xã đặc biệt khó khăn này. Gia đình ông có 2 căn nhà sàn khá rộng dựng bên cạnh nhau. Căn nhà thứ nhất được xây dựng cách đây hơn chục năm nhưng vẫn còn khá khang trang. Căn nhà thứ 2 được xem là to nhất xã đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bao quanh nhà là vườn cây xanh ngắt. Đã quá trưa nhưng ông và một số người vẫn đang xây các bức tường bê tông bao quanh nhà sàn. Ông bảo, ông xây tường bao quanh là để cất giữ nông sản an toàn, nhất là tránh mưa gió gây ẩm mốc.

 

 

Ông Sut bên chiếc máy gặt đập liên hợp của gia đình. Ảnh: Nhật Hào

Theo ông Sut, để có được thành quả này, vợ chồng ông đã trải qua rất nhiều vất vả. Lập gia đình năm 1982, vợ chồng ông được bố mẹ cho 1 ha đất trồng lúa rẫy. Với bản tính siêng năng, ông cùng vợ khai hoang thêm đất để mở rộng diện tích canh tác nhằm tăng thu nhập. Ông tâm sự: “Hồi đó, mình chỉ ăn cơm độn củ mì với rau rừng nhưng khỏe lắm. Cứ 5 giờ sáng, vợ chồng mình đã xách rìu đi phát rẫy tới tối mới về. Đến năm 1985, vợ chồng mình có thêm 1 ha đất. Tất cả đều trồng mì và lúa nên chẳng khi nào lo bị thiếu đói giáp hạt”.

Từ chỗ sản xuất đủ ăn, gia đình ông Sut có của dư để bán. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông lại mua thêm đất để trồng bời lời. Năm 2007, ông mua 2.700 cây cao su giống về trồng. Thời điểm cao su cho thu hoạch, gia đình ông lãi 500-600 triệu đồng. Từ đó, ông có thêm tiền để tiếp tục mở rộng sản xuất. Đến năm 2014, ông có tổng cộng 15 ha đất sản xuất. Sau khi chia cho các con, ông còn 12 ha để canh tác, mỗi năm, ông lãi ít nhất 500-600 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng xen một số cây ăn quả trong vườn cà phê. Đặc biệt, ông còn mua 2 chiếc máy cày và máy gặt đập liên hợp để phục vụ gia đình và bà con trong xã. Mỗi năm, gia đình ông thu thêm vài trăm triệu đồng từ công việc này.

 

 

Ông Sut cho biết, sau khi chia cho các con, ông còn 12 ha để canh tác, mỗi năm, lãi ít nhất 500-600 triệu đồng. Ảnh: Nhật Hào

Có thu nhập cao, ông Sut làm nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt có giá trị. Ông cũng thường xuyên giúp đỡ dân làng khi khó khăn, hoạn nạn. Khi xã vận động đóng góp phòng-chống dịch Covid-19, ông tiên phong trong việc đóng góp gạo và rau củ quả. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đóng đầy đủ các khoản tiền do xã huy động để làm đường và phá bỏ hơn 100 cây cao su để hiến 600 m2 đất mở rộng đường vào khu sản xuất của xã.

Ông Trần Thành Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve-đánh giá: Ông Sut là tấm gương điển hình về nỗ lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, khi xã vận động đóng góp cho công tác an sinh xã hội, ông luôn tiên phong thực hiện và vận động người thân cùng tham gia. Nhiều hoàn cảnh khó khăn cũng được ông giúp đỡ.

NHẬT HÀO

 

Nông dân với chuyển đổi số

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Hôm nay 2-12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam lần thứ 9” với 3 sự kiện quan trọng gồm: “Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ 6”, “Ngày nông dân không dùng tiền mặt” và lễ tôn vinh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

 

 

Nhân viên Vietnam Post hướng dẫn bà con nông dân quy trình đưa sản phẩm lên sàn TMĐT

Chủ đề diễn đàn năm nay là nông dân với chuyển đổi số, đặt ra vấn đề rất mới, tưởng như khó khả thi ở người nông dân “chân lấm, tay bùn”.

Theo nhiều chuyên gia, “số hóa” với người nông dân không cần phải là những khái niệm rộng lớn, trừu tượng mà đơn giản là làm sao để người nông dân biết sử dụng điện thoại smartphone, máy tính có kết nối internet… để quảng bá, chào bán “mớ rau, con cá” hay bất cứ nông sản nào làm ra.

Không chỉ những người làm ra nông sản, hiện nay, chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận ra sức mạnh của chuyển đổi số, thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến đối với thị trường nông sản. Những năm gần đây, tư lệnh các ngành, lãnh đạo các địa phương đều quan tâm hơn, trực tiếp xuống từng vựa nhãn, vựa xoài… để cùng nông dân, doanh nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, mở các gian hàng trực tuyến. Gần đây, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) còn có sáng kiến cùng các “sàn” xuống tận vườn tập huấn cho bà con cách chụp ảnh, đăng hình lên trang web, “livestream” bán hàng online… theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và được nhìn nhận là mang lại hiệu quả “trông thấy”.

Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới dự báo quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Theo khảo sát của Bộ Công thương, riêng năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến. Năm 2021, con số này chắc chắn còn lớn hơn nhiều khi mua sắm online trở thành nhu cầu lớn trong đại dịch. Sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng và những chính sách mở đường của Nhà nước đòi hỏi người nông dân phải được tập huấn về chuyển đổi số để đón bắt thời cuộc.

Ở cấp độ cao hơn, có lẽ, chuyển đổi số không chỉ là giúp nông dân biết cách “bán hàng qua mạng” mà phải hướng tới ứng dụng công nghệ vào quản lý cơ sở dữ liệu, vận hành dây chuyền sản xuất, truy xuất chất lượng nông sản, ký kết hợp đồng điện tử, giao dịch không cần dùng tiền mặt... Muốn làm được điều đó không thể để nông dân “tự bơi” mà cần sự chung tay của các nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước, để người nông dân có thể tận dụng được những thành quả khoa học kỹ thuật mới nhất cho nông nghiệp. Ở Thái Lan mới đây, các doanh nghiệp đã giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ sáng tạo những phần mềm giúp theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trái, xác định thời điểm thu hoạch… đảm bảo năng suất, chất lượng mà tiết kiệm chi phí. Các loại nông sản, thực phẩm ở Nhật Bản luôn có giá bán cao vì áp dụng triệt để khoa học công nghệ.

Rõ ràng, để đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp như các nước, cần phải có những tư duy đột phá, không chỉ ở người làm ra nông sản mà cả người làm chính sách.

VĂN PHÚC

 

Bình Dương: Gần 600ha sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ về trồng trọt

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có gần 600ha sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ về trồng trọt trên các loại cây trồng, gồm 250ha cây có múi, 25ha cây rau và 260ha cây ăn quả khác.

Trong đó, có 3 doanh nghiệp, trang trại lớn thực hiện đăng ký và được tổ chức nhận thẩm định cấp giấy chứng nhận. Bao gồm Công ty Vinamit, với diện tích hơn 150ha trồng 54 giống cây được tổ chức canh tác hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) chứng nhận; Hợp tác xã Nhân Đức với diện tích 19ha trồng cam sành và cam xoàn và Hợp tác xã dịch vụ Năm Hạng với diện tích trên 8ha trồng cam sành được tổ chức EU chứng nhận.

PHƯƠNG ANH

 

Giá mít ở Tiền Giang chỉ còn 2.000-3.000đ/kg do ùn ứ ở cửa khẩu với Trung Quốc

Nguồn tin: VOV

Theo các doanh nghiệp, thương lái, gần đây, giá trái cây sụt giảm là do một số cửa khẩu của Trung Quốc đóng cửa hoặc hạn chế phương tiện đưa trái cây xuất khẩu.

Mấy ngày gần đây, trái cây đưa đi xuất khẩu gặp khó khăn nên nhiều loại nông sản ở tỉnh Tiền Giang khó tiêu thụ, giá giảm mạnh.

Mít là loại trái cây bị rớt giá nặng nề nhất hiện nay tại tỉnh Tiền Giang. Tại huyện Cai Lậy nhà vườn bán mít giá trung bình từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng /kg, nhưng thương lái rất kén chọn. Các trái mít bị xơ đen, côn trùng làm hỏng vỏ...thương lái không thu mua. Các loại trái cây khác như khóm (dứa), mãng cầu Xiêm, Hồng Xiêm, xoài ...giá cũng giảm từ 10-15% so với tuần trước. Đối với trái thanh long ruột trắng hiện giảm còn trên dưới 8.000 đồng/kg; ruột đỏ khoảng 15.000 đồng/kg. Ở thời điểm mùa nghịch mà mức giá này, nhà vườn trồng cây thanh long không có lãi.

 

 

Tiền Giang nhiều loại trái cây rớt giá, khó tiêu thụ.

Tiền Giang là “thủ phủ” vườn cây ăn trái của cả nước với gần 80.000 ha, gồm 11 loại trái cây đặc sản. Việc đầu ra trái cây khó khăn đã ảnh hưởng đến thu nhập người dân. Theo các doanh nghiệp, thương lái, gần đây, giá trái cây sụt giảm là do một số cửa khẩu của Trung Quốc đóng cửa hoặc hạn chế phương tiện đưa trái cây xuất khẩu, gây ùn ứ, dội hàng.

Ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang – đơn vị chuyên mua trái thanh long ruột đỏ xuất khẩu chia sẻ: “Hiện tại giá (trái thanh long ruột đỏ) mua ngoài đồng giá 15-16.000 đồng /kg. So với tuần trước giảm từ 2000 đồng đến 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân do cửa khẩu bị ùn ứ, một số thương lái Trung Quốc rút đi bớt, chỉ cần một số kho của Việt Nam đóng gia công thôi, nên giá thị trường giảm. Hiện nay, đang tìm đầu ra, rất khó khăn. Nếu tính phân thuốc thì nhà vườn không có lãi”./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

 

Dùng phế phẩm nông nghiệp làm phân - Lợi ích nhiều mặt

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng được xem là hướng sản xuất bền vững. Cách làm này giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường, giảm chi phí sản xuất, sản phẩm an toàn.

Sau khi xay mẻ cà phê đầu vụ, anh Trần Văn Phú, ở thôn 8, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã xúc toàn bộ vỏ cà phê đổ ra một bãi đất trống. Anh trộn đều vỏ cà phê với phân bò, vôi, chế phẩm sinh học. Sau đó, anh tưới nước, phủ bạt ủ cho đến tầm tháng 7 - 8 sang năm để bón cho vườn cà phê.

Đây là cách mà anh Phú làm phân hữu cơ từ nhiều năm qua. Theo anh Phú, bình quân mỗi gốc cà phê, anh bón từ 7 - 9 kg phân hữu cơ từ vỏ cà phê. Trước đây, mỗi cây cà phê anh thường bón 3 kg phân hóa học chia thành 3 đợt.

Thế nhưng, từ khi biết cách tạo phân hữu cơ, anh đã giảm được 1 đợt bón phân hóa học. Với cách làm này, 5 ha cà phê, mỗi năm anh ước tính tiết kiệm chi phí sản xuất từ 15-20 triệu đồng.

Cũng theo anh Phú, phân hữu cơ có khả năng cải tạo đất rất tốt, giúp cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Trong bối cảnh giá phân hóa học liên tục tăng cao như hiện nay, việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ sẽ giúp nông dân giảm bớt áp lực về chi phí đầu tư.

 

 

Gia đình anh Phú tận dụng vỏ cà phê ủ làm phân hữu cơ

Tương tự, anh Vũ Duy Nghĩa, ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô) lại tận dụng vỏ quả ca cao sau khi thu hoạch để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vỏ ca cao tươi sau khi tách hạt được anh rải thành từng lớp, rồi trộn đều với phân chuồng, chế phẩm sinh học và phủ bạt cho đến khi hoai mục.

Theo tính toán của anh Nghĩa, bình quân 1 ha ca cao anh thu được lượng vỏ để tạo thành khoảng 3 tấn phân hữu cơ. Lượng phân này giúp anh giảm được khoảng 40% chi phí đầu tư cho cây trồng.

Lượng vỏ ca cao sau khi thu hoạch và tách hạt rất lớn, nên việc xử lý bằng cách ủ thành phân được xem là giải pháp hiệu quả, bền vững. Vỏ ca cao được xử lý cũng giúp giải quyết được vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường.

"Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tùy từng vùng, từng loại cây trồng mà có nhiều phụ phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây ngô, thân cây đậu, đậu phộng… Mọi người nên tận dụng các phế phẩm này để xử lý thành phân bón cho cây trồng, sẽ rất hiệu quả", anh Nghĩa chia sẻ.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô, tận dụng phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp đang là giải pháp hiệu quả mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Lượng phế phẩm có nguy cơ trở thành rác thải, nếu không được tận dụng làm phân bón. Sử dụng phân hữu cơ cũng từng bước giúp bà con nông dân thay đổi cách thức sản xuất theo hướng an toàn sinh học, quy trình nông nghiệp tốt.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tăng cường khuyến khích người dân sử dụng các loại phân hữu cơ để chăm sóc cây trồng. Ngành Nông nghiệp đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật về cách sản xuất phân bón hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân.

Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng triệu tấn phế phẩm nông nghiệp các loại. Nếu tận dụng được lượng phế phẩm này, bà con nông dân sẽ giảm được một lượng lớn chi phí đầu tư. Sản xuất nông nghiệp cũng sẽ từng bước thân thiện với môi trường hơn, sản phẩm làm ra đạt các tiêu chuẩn hữu cơ.

Bài, ảnh: Đức Hùng

 

Giá nhiều loại rau xanh tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Từ đầu tháng 11, giá rau xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bắt đầu tăng, nhất là khoảng 1 tuần qua, giá một số mặt hàng rau đã tăng mạnh so với tháng trước.

 

 

Do thiếu hụt nguồn cung nên giá nhiều loại rau xanh tăng mạnh

Ông Dương Minh Sang - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết: “Hiện, hành lá có giá 50.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngọt 20.000 đồng/kg; khổ qua 20.000 đồng/kg; dưa leo 15.000 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 30-50% so với tháng trước. Các loại rau xanh tăng giá do nguồn cung của nông dân đáp ứng cho thị trường thấp, trong khi nhu cầu sử dụng tăng và ảnh hưởng mưa kéo dài khiến năng suất rau xanh bị giảm”.

Trang Huỳnh

 

Chăn nuôi gia công: Thuận đầu ra, giá ổn định

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

Trang trại của gia đình chị Dương Thị Sim, ở xóm Lý Nhân, xã Bá Xuyên (T.P Sông Công) đã liên kết với Công ty TNHH Emivest Feedmilk Việt Nam chăn nuôi hơn 8.000 con gà trắng/lứa.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn T.P Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) đã mạnh dạn chuyển hướng từ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ sang phát triển trang trại liên kết với các doanh nghiệp (hay còn gọi là hình thức chăn nuôi gia công). Khi chăn nuôi theo hình thức này, người dân không những hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, đầu ra mà còn yên tâm khi giá cả sản phẩm luôn ổn định.

Thực tế cho thấy, chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, kèm theo chi phí thức ăn, phí vận chuyển tăng cao, vì vậy, chăn nuôi gia công là hướng đi được nhiều hộ lựa chọn trong những năm gần đây. Với hình thức chăn nuôi này, các doanh nghiệp sẽ đầu tư "trọn gói" từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, người chăn nuôi chỉ cần bỏ công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.

Trung bình 1kg lợn, gà hơi, người dân thu lợi nhuận 4-5 nghìn đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Theo đánh giá của người dân, so với chăn nuôi thông thường, chăn nuôi gia công có tính bền vững và an toàn hơn, bởi, bà con không phải lo lắng vấn đề đầu ra, dịch bệnh, môi trường được đảm bảo.

Với những ưu điểm trên, không ít hộ trên địa bàn T.P Sông Công đã chuyển dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hình thức trang trại liên kết với doanh nghiệp. Hiện, T.P Sông Công toàn thành phố có 125 trang trại chăn nuôi (tăng 13 trang trại so với năm 2020), chủ yếu là chăn nuôi gà và lợn, tập trung ở các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn... Trong đó, trên 90% trang trại có liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty JapFa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmilk Việt Nam, Công ty TNHH Newstar...

Có diện tích chuồng trại hơn 1.000m2, hơn 5 năm nay, gia đình anh Dương Quốc Huy, ở xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn đã liên kết với Công ty TNHH JapFa Comfeed Việt Nam chăn nuôi khoảng 30.000 con gà trắng/lứa (5-6 lứa/năm) và khoảng 400 lợn con thịt/lứa (1 năm 2 lứa). Theo các điều khoản hợp đồng ký kết, Công ty có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng, chống dịch bệnh, cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ gia đình trong quá trình chăm sóc vật nuôi và bao tiêu sản phẩm. Phía gia đình có trách nhiệm đầu tư chuồng trại đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật (khép kín, có phòng sát khuẩn, hệ thống camera giám sát…), vệ sinh phòng dịch và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Anh Huy cho hay: Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh của phía đối tác, mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi những năm gần đây diễn biến phức tạp, song đàn lợn, gà của gia đình tôi luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, mang lại lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.

Là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh với 43 trang trại gà (quy mô 5.000-8.000 con/lứa), từ nhiều năm nay, người dân xã Bá Xuyên đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để việc chăn nuôi mang lại hiệu quả.

Ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tại địa phương, mô hình chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp được thực hiện từ những năm 2012-2013. Đến nay, 41/43 trang trại trên địa bàn xã đã chuyển sang chăn nuôi theo hình thức này. Qua theo dõi, đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhìn chung các trang trại đều đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn thu nhập ổn định ngay cả khi giá cả thị trường xuống thấp. Mô hình này cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng. Do phải đáp ứng những quy trình nghiêm ngặt các doanh nghiệp đề ra, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở địa phương cũng từng bước được giải quyết.

Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công, trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học khép kín theo hình thức liên kết với doanh nghiệp là mô hình tối ưu cho các hộ nông dân khi vừa giải quyết được khâu vốn, kỹ thuật lại vừa hạn chế được rủi ro bởi dịch bệnh, rớt giá. Bên cạnh đó, người dân còn được tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Từ những ưu điểm trên, thành phố đang khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, khuyến cáo bà con, ngoài lợi ích kinh tế thì cần tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để phát triển chăn nuôi bền vững.

Thời gian tới, cùng với việc quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, T.P Sông Công sẽ tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để chăn nuôi đạt năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong chăn nuôi, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo bà con nên lựa chọn các công ty, doanh nghiệp có uy tín để việc liên kết được bền vững, hiệu quả.

Trịnh Phương

 

Nuôi vịt biển trên vùng nước ngọt

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

Mô hình nuôi vịt biển Đại Xuyên ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên thực hiện dự án Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa). Mục tiêu của mô hình nhằm chuyển giao đến nông dân giống vịt biển có khả năng thích nghi ở nhiều môi trường nuôi, từ nước mặn đến nước lợ và nước ngọt.

Vịt biển nuôi nhốt trên khô

Với 5.300 con vịt biển chuyển giao cho 10 hộ nuôi, sau hai tháng, tỉ lệ vịt nuôi sống đạt 95%, trọng lượng 2,7kg/con. Mô hình nuôi vịt biển ở Hòa Thắng đã có lãi 18.000 đồng/con, trong khi cùng thời điểm triển khai mô hình, các hộ chăn nuôi đại trà vịt siêu thịt đang bị lỗ khoảng 5.000-10.000 đồng/con.

Bà Đào Thị Hoa ở xã Hòa Thắng, nuôi 520 con giống vịt biển Đại Xuyên theo dự án, cho biết: Vịt lớn nhanh và dễ thích nghi với môi trường nuôi nước ngọt. Tôi đã bán 80 con vịt nuôi đợt 1, trọng lượng trên 2kg/con, với giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với vịt cỏ thường. Vịt biển nuôi nhốt trên vùng nước ngọt thịt thơm ngon khác biệt nên nhiều người dân địa phương đã đến gia đình hỏi mua. Số lượng vịt nuôi còn lại đạt trọng lượng trên 2,7kg/con. Tôi mong được tiếp tục hướng dẫn thêm kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá giá trị của vịt biển đến người tiêu dùng.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, giống vịt biển Đại Xuyên kiêm dụng vừa trứng vừa thịt, tỉ lệ sống cao. Giống vịt biển này do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên - Viện Chăn nuôi Quốc gia tạo ra, có tên vịt biển, có khả năng thích nghi rộng, có thể sống tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển. Mục tiêu của mô hình là chuyển giao đến bà con chăn nuôi một giống vịt mới có khả năng thích nghi rộng ở nhiều môi trường nước, đặc biệt ở môi trường nước mặn (biển), đa dạng đối tượng vật nuôi, đưa thêm con giống mới vào bộ giống chăn nuôi, tạo sinh kế cho các hộ nuôi vùng nước lợ, nước mặn, nước ngọt và người chăn nuôi ở các vùng miền trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Văn Minh ở xã Hòa Thắng, nuôi 1.200 con vịt của mô hình. Kết quả cho thấy, vịt biển sinh trưởng và phát triển nhanh, sức sống cao. Sau 2 tháng nuôi, trọng lượng bình quân đạt 2,7kg/con. Với giá bán trung bình 95.000-100.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lãi gần 20.000 đồng/con. Chi phí chăn nuôi tương đương với các giống vịt thịt khác nhưng giá bán cao hơn do chất lượng thịt vịt biển dai, thơm ngon và ít mỡ hơn, khá phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Minh chia sẻ: Vịt này thả lội dưới nước, nhốt trên khô cũng được. Không chỉ riêng tôi mà theo đánh giá của bà con nông dân tham gia mô hình, giống vịt mới này dễ nuôi do có khả năng thích ứng tốt với điều kiện chăn thả tại địa phương; khả năng tự tìm kiếm mồi rất tốt nên có thể kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tại địa phương trong quá trình nuôi để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Nhiều người tìm hiểu cách nuôi

Ông Nguyễn Văn Long ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) tham quan mô hình nuôi vịt biển ở xã Hòa Thắng cho hay: Qua theo dõi cũng như hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nơi nào có nguồn nước không bị ô nhiễm thì tỉ lệ nuôi sống giống vịt biển cao và phát triển tốt hơn các giống vịt khác. Vịt biển ít bị bệnh, ít tiêu tốn thức ăn nên người chăn nuôi rất thích. “Trong quá trình triển khai, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã tập huấn cho các hộ tham gia mô hình với các nội dung: Giới thiệu một số giống vịt do trung tâm sản xuất và một số giống vịt cho năng suất cao khác; các hình thức nuôi; cách nhận dạng và phòng trị một số bệnh trên vịt biển. Tôi cũng được học hỏi kỹ thuật nuôi vịt biển và nhiều người đến các hộ tham gia mô hình tìm hiểu cách nuôi”, ông Long nói.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, đối với vịt biển, người nuôi có thể sử dụng 50% cá biển hoặc cá đồng trong khẩu phần thức ăn mà không gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, trong khi đó giống vịt địa phương cho ăn 20% có thể bị tiêu chảy. Khả năng tìm kiếm và thu nhận thức ăn của giống vịt biển là rất tốt.

Giống vịt biển nuôi được trong các điều kiện nước lợ, nước mặn, nước ngọt theo nhiều phương thức khác nhau như: nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi. Từ đó có thể khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu giống, thay đổi tập quán chăn nuôi vịt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, đồng thời tạo ra sản phẩm thịt vịt với số lượng lớn, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo sinh kế cho người dân trong tỉnh.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Xã Hòa Thắng là địa phương thứ hai ở Phú Yên triển khai mô hình nuôi vịt biển. Trước đó, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình tại huyện Tuy An. Với tên gọi là vịt biển nhưng giống vịt này được lai tạo từ vịt trời và vịt Đại Xuyên, do vậy có thể nuôi ở vùng nước ngọt hoặc nước lợ, tỉ lệ sống cao, sinh trưởng tốt và ít bệnh tật, tăng trọng nhanh. Giống vịt này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi và thích nghi với điều kiện môi trường nuôi tại Phú Yên. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai mô hình tại các địa phương khác.

MẠNH LÊ TRÂM

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop