Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 05 tháng 06 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 05 tháng 06 năm 2023

 

Trồng hồ tiêu cho thu nhập ổn định

Nguồn tin: Báo Bình Định

 

Với suy nghĩ để phát triển kinh tế, ổn định thu nhập thì phải có hướng đi mới, năm 2017, sau khi tham vấn cán bộ khuyến nông xã, vợ chồng chị Bùi Thị Tuyết, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) quyết định tập trung cải tạo 0,5 ha đất đồi vốn trồng các loại đậu, đỗ kém hiệu quả kinh tế sang trồng 400 gốc hồ tiêu. Dám nghĩ, dám làm, chủ động nghiên cứu, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, vợ chồng chị Tuyết đã có nguồn thu nhập khá từ loại cây trồng này.

Xác định vừa làm vừa học nên chị Tuyết chuyên cần tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, làm giàu kiến thức, tìm hiểu các tiến bộ KHKT để áp dụng vào vườn hồ tiêu.

 

 

Chị Bùi Thị Tuyết có thu nhập khá từ vườn hồ tiêu. Ảnh: D.T.D

Chị Tuyết kể: Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn, vườn tiêu của tôi phát triển tốt. Tiêu thu hoạch được, tôi bán cho các thương lái ở huyện Hoài Ân và các huyện lân cận. Bình quân mỗi năm tôi thu khoảng 1 - 1,5 tấn tiêu hạt, lãi khoảng 100 - 150 triệu đồng.

Xã An Tân từng là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn ở An Lão. Thế nhưng mấy năm trước, nhiều diện tích hồ tiêu bị dịch bệnh, chết hàng loạt, cùng lúc đó giá hạt tiêu rớt sâu khiến nhiều người chặt bỏ, chuyển sang loại cây trồng khác, riêng vợ chồng chị Tuyết vẫn kiên trì chăm sóc, và đến nay vườn hồ tiêu đã cho thu nhập khá.

Bà Võ Thị Lệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân, cho biết: Vườn tiêu nhà chị Tuyết là vườn tiêu thành công bậc nhất của xã. Nhờ chịu khó học hỏi tiến bộ KHKT và mạnh dạn áp dụng, chuyển dần sang canh tác theo hướng hữu cơ nên vườn tiêu phát triển xanh tốt, năng suất cao. Đây cũng là mô hình điểm mà địa phương đang định hướng nhân rộng nhằm phát huy lợi thế diện tích đất sỏi, đất gò đồi khá lớn ở An Lão.

DIỆP THỊ DIỆU

 

Lâm Đồng tập huấn sản xuất cà phê vối hữu cơ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Ngày 1 và 2/6, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tổ chức lớp tập huấn phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam; tập huấn quy trình sản xuất cà phê vối hữu cơ cho các nông hộ sản xuất cà phê hữu cơ trên địa bàn huyện Di Linh.

Trong thời gian tập huấn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã thông tin đến lớp tập huấn các vấn đề như: tình hình canh tác hữu cơ ở Việt Nam và thế giới; lợi ích của nông nghiệp hữu cơ; một số nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ; các yêu cầu đối với đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ; định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; cách quản lý đất, nước trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; quy định chung về thu hoạch, sơ chế, bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển sản phẩm hữu cơ; các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ và chính sách...

Sau tập huấn, các nông hộ sản xuất cà phê hữu cơ được trang bị thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích về phương pháp sản xuất cà phê hữu cơ. Đồng thời, góp phần thay đổi tư duy của người dân trong canh tác cà phê từ việc sản xuất theo truyền thống chuyển sang phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây là hướng đi bền vững cho sự phát triển của ngành cà phê tại tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.

PV

Thu nhập khoảng 100 triệu đồng/công từ trồng rau màu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Nhiều nông dân trồng rau màu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho biết, với một công đất (1.000m2), bà con tiến hành trồng luân phiên nhiều loại rau ăn lá như cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách… hay rẫy dây thì bình quân mỗi ngày sẽ thu hoạch được từ 25-30kg, tùy theo giá bán có thể lên xuống nhưng bình quân ở mức 10.000 đồng/kg thì nhà vườn có thể kiếm được nguồn thu nhập từ 250.000-300.000 đồng/ngày, tính cả năm thì khoảng 100 triệu đồng. Điều mà nông dân trồng rau màu trong tỉnh cảm thấy an tâm để gắn bó với nghề là thị trường tiêu thụ luôn ổn định, khi thu hoạch rau màu xong đều có thương lái vào tận nhà để thu mua.

 

 

Mô hình trồng rau màu đang tạo nguồn thu nhập hấp dẫn cho người dân trong tỉnh.

Qua thống kê nhanh của ngành nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 21.000ha rau màu các loại, trong đó riêng diện tích trồng bắp là gần 1.600ha. Hiện tại, diện tích rau màu đã thu hoạch được hơn 14.600ha, ước năng suất đạt khoảng 4-20 tấn/ha (tùy loại), diện tích chưa thu hoạch đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

 

Mưa kéo dài, nhiều loại rau tăng giá

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Do mưa kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều loại rau, củ tại TP Đà Lạt và các vùng phụ cận tăng cao.

 

Thu hoạch rau ngoài trời tại địa bàn Phường 7, TP Đà Lạt

Cụ thể, theo ghi nhận, giá thu mua tại vườn đối với xà lách coron ở mức 12.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; rau bó xôi 38.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với khoảng một tuần trước. Một số loại rau ăn quả cũng ghi nhận mức tăng như: cà chua tăng 2.000 đồng/kg, lên mức 9.000 đồng/kg; đậu leo tăng 3.000 đồng/kg, lên 11.000 đồng/kg; ớt sừng tăng 4.000 đồng/kg, lên mức 20.000 đồng/kg.

Trước đó (từ ngày 22 tới 26/5), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh qua cập nhật thông tin giá nông sản và vật tư nông nghiệp tại các điểm cung cấp tin trên địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và TP Đà Lạt, giá cổng trại một số sản phẩm nông sản cũng có sự biến động so với tuần trước. Cụ thể, cà chua 9.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; đậu leo 11.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; ớt sừng 20.000 đồng/kg, xà lách coron 12.000 đồng/kg, đều tăng 4.000 đồng/kg; pó xôi 38.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá rau củ tăng thời gian qua theo các thương lái do sản lượng bị hao hụt nhiều bởi Đà Lạt và vùng phụ cận liên tục có mưa trong những ngày qua. Đặc biệt, đối với các loại rau trồng ngoài trời dễ bị hư hại nên nguồn cung ứng giảm.

C.PHONG

 

Nhiều rủi ro khi phá điều trồng sầu riêng

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Dù Bộ NN-PTNT, ngành chức năng đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng nhiều người dân Đắk Nông vẫn phá bỏ diện tích cây điều để trồng sầu riêng.

 

 

Nhiều rủi ro khi nông dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng sầu riêng

Anh Bùi Văn Tú, ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), trước đây có 2 ha điều. Hiện anh đã phá bỏ vườn điều này và chờ mưa xuống để trồng 300 cây sầu riêng. Dự kiến, anh sẽ đầu khoảng 36 triệu đồng.

Anh Tú cho biết, sẽ đi làm thuê, cắt cỏ, làm công và trồng các loại cây ngắn ngày để tạo nguồn thu nhập trong thời gian chờ đợi vườn sầu riêng phát triển.

Dù chưa có nhiều kiến thức trồng và chăm sóc sầu riêng, nhưng anh sẽ vừa làm, vừa học. Theo anh Tú, sầu riêng là cây cho giá trị kinh tế cao hiện nay, nên anh đã quyết định đặt kỳ vọng vào loại cây này.

Anh Phạm Tấn Đới, ở xã Kiến Thành (Đắk R'lấp), có 1,5 ha điều. Anh đang tiến hành cắt bỏ vườn điều này để trồng sầu riêng. Anh đã đầu tư 14 triệu đồng để mua 140 cây sầu riêng giống để trồng khi mùa mưa đến.

Anh Đới làm nghề kinh doanh củi. Từ đầu năm đến nay, nhiều người dân đã cắt hạ khoảng 100 ha điều để bán củi cho anh và hầu hết diện tích này đều được chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Anh Đới cho biết: "Do mất mùa nhiều năm liền, nên nhiều người không còn muốn tái canh cây điều nữa. Bà con chọn trồng sầu riêng vì có giá trị kinh tế cao hiện nay".

Theo tính toán của những người trồng sầu riêng, đến năm thứ 5, sầu riêng mới bắt đầu cho thu hoạch. Chi phí đầu tư mỗi ha sầu riêng từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch tốn khoảng 300 triệu đồng.

Với nhiều nông dân không còn nguồn thu nhập thì đây là mức chi phí rất lớn. Ngoài ra, việc người dân tự đánh giá đất, khí hậu để trồng sầu riêng còn rất chủ quan, nên chưa biết có mang lại hiệu quả hay không.

Diện tích sầu riêng của Đắk Nông hiện đạt 6.139 ha, vượt hơn 1.000 ha so với quy hoạch đến năm 2025. Trong đó, diện tích sầu riêng đã cho thu hoạch 2.039 ha, năng suất bình quân đạt 109,3 tạ/ha.

Theo Sở NN-PTNT, không chỉ điều mà nhiều loại cây trồng khác đang được người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Hầu hết những người chuyển đổi sang trồng sầu riêng đều chưa có kinh nghiệm, kiến thức, nên đổi mặt với nhiều rủi ro.

Hiện nay, diện tích sầu riêng ở Đắk Nông đã vượt quy hoạch rất nhiều. Nguyên nhân được ngành Nông nghiệp đánh giá là do giá sầu riêng cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với điều và nhiều cây trồng khác.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, sầu riêng là cây trồng khó tính. Khu vực sản xuất sầu riêng cần bảo đảm đủ nước để tưới thường xuyên, khuất gió.

Bên cạnh đó, nguồn giống sầu riêng phải rõ ràng, bảo đảm chất lượng để tránh thiệt hại về lâu dài. Người trồng sầu riêng phải nắm rõ kỹ thuật quy trình chăm sóc mới mang lại hiệu quả.

Cũng theo bà Tình, sầu riêng đang hướng tới các thị trường xuất khẩu. Vì thế, người dân phải sản xuất sầu riêng theo các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn, có chứng nhận.

Hiện nay, để xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, đòi hỏi có mã vùng trồng. Với việc người dân phát triển sầu riêng tự phát, quy mô nhỏ lẻ sẽ không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, dễ xảy ra “khủng hoảng thừa” khi bước vào thu hoạch chính.

Sở NN-PTNT vừa khuyến cáo: Nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng. Các địa phương quản lý chặt việc sản xuất, kinh doanh, chất lượng cây giống sầu riêng để bảo đảm nguồn giống chất lượng khi cung cấp ra thị trường, tránh gây thiệt hại cho người nông dân.

Hưng Nguyên

 

Sầu riêng phát triển 'nóng' ở Giồng Riềng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ\

 

Trong vòng 5 năm qua, nông dân huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên gần 50ha, tăng hơn 40ha so năm 2018. Trước cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phong trào ồ ạt trồng sầu riêng, liệu việc mở rộng diện tích loài cây đặc sản này tại Giồng Riềng có đáng lo ngại?

 

 

Ông Đặng Văn Cầm (bìa phải), ngụ ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng) trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng.

Dọc ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng), nhiều cánh đồng lúa bạt ngàn trước đây giờ đã được chuyển đổi một phần thành vườn sầu riêng, một số diện tích đã cho thu hoạch 1-2 vụ, có nơi cây vừa ra bông lứa đầu tiên. Ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Thạnh Vinh nói: “Gắn bó với cây lúa bao đời nay nhưng giá vật tư nông nghiệp tăng cao thời gian qua khiến lợi nhuận từ cây lúa rất thấp, gia đình tôi chuyển sang trồng 1.250 gốc sầu riêng trên tổng diện tích 6ha từng canh tác lúa. Sầu riêng có giá, ở Phong Ðiền (TP Cần Thơ) trồng 1 gốc sầu riêng cho lợi nhuận 7-10 triệu đồng/vụ tùy theo giá thị trường, thấy ham! Vả lại sầu riêng là cây đặc sản lâu năm, trồng một lần là ăn hoài”.

Ðang mở hệ thống tưới nước tự động cho vườn sầu riêng 70 gốc gồm các giống Musang King, Monthong, Ri6, ông Ðặng Văn Cầm, ngụ ấp Thạnh Vinh, cho biết: “Ðây là năm đầu tiên tôi để trái cho vườn sầu riêng. Thấy làm lúa lợi nhuận bấp bênh quá nên tôi chuyển 4 công đất lúa sang trồng sầu riêng, còn lại 20 công vẫn làm lúa. Thấy nhiều người trồng mình cũng trồng theo chứ cũng chưa liên kết tiêu thụ với ai cả. Ai mua được giá thì bán thôi”. Dù chưa có bất kỳ nguồn thu nào nhưng ông Cầm vẫn tin rằng khi sầu riêng cho trái sẽ mang lại thu nhập cao và ổn định hơn cây lúa.

Theo ông Nguyễn Văn Ðầy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Vinh, do chi phí trồng sầu riêng khá cao nên mô hình chỉ phù hợp với những hộ có điều kiện kinh tế. Ông Ðầy nói: “Tính cả chi phí cải tạo đất sang làm mô trồng sầu riêng, hệ thống tưới nước, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 1 cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải tốn 4 triệu đồng. Bình quân 1 công đất người trồng đầu tư hơn 50 triệu đồng”.

Ông Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc thông tin, toàn xã hiện có gần 42ha trồng sầu riêng. Ða số diện tích sầu riêng từ 2-5 năm tuổi. Hộ nhiều nhất cũng 8ha, hộ ít thì nửa công, tập trung tại các ấp Thạnh Vinh, Thạnh Lợi, Thạnh Hiệp, chủ yếu được chuyển từ đất lúa, vườn tạp chứ không có hộ nào chặt bỏ cây gì để chạy theo phong trào.

Gần 5.000m2 sầu riêng 2 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ khu phố Quang Mẫn, thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng) trước đây là ruộng lúa 2 vụ/năm nên nền đất thấp, ông phải thuê chở 1.800 xe đất để làm mô trồng sầu riêng. Trên diện tích này, ông Hùng trồng 165 gốc sầu riêng với vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng. Ông Hùng còn trồng xen ổi ruby ruột hồng, xoài cát Hòa Lộc, dưa leo, bí đao để kiếm thêm thu nhập hằng ngày theo hướng lấy ngắn nuôi dài.

Theo những người cố cựu tại các xã Ngọc Hòa, Hòa Thuận, Long Thạnh, sầu riêng là cây đặc sản được người dân trồng từ những năm trước 1975 và những xã này có những vườn sầu riêng từ 30-50 tuổi hiện đang cho trái. Nhờ phù hợp thổ nhưỡng với vùng đất phân phèn ven tuyến sông Cái Bé nên chất lượng sầu riêng thơm ngon và mang hương vị đặc trưng. Một số hộ còn khai thác du lịch sinh thái.

Ðang nhổ cỏ trong mảnh vườn của gia đình tại ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, ông Lê Văn Út cho biết: “Gia đình tôi trồng sầu riêng từ 50 năm trước và khai thác phục vụ du lịch sinh thái từ năm 2001. Những năm gần đây, do nhu cầu thưởng thức sầu riêng tại vườn tăng nhưng diện tích sầu riêng có sẵn chưa đáp ứng đủ nên tôi tăng số lượng trồng sầu riêng lên 100 gốc Ri6. Sầu riêng chủ yếu phục vụ du khách chứ không bán cho thương lái. Gia đình dự tính sẽ liên kết với các nhà vườn trong huyện để tiêu thụ sầu riêng theo hướng này”.

Ông Cao Quốc Ðiện, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, cho biết, theo quy hoạch của huyện, sầu riêng là một trong những loại cây trồng được huyện khuyến khích người dân các xã ven tuyến sông Cái Bé chuyển đổi từ đất vườn, đất lúa kém hiệu quả vì đây là cây trồng đã từng được người dân trồng cách đây khoảng 50 năm. “Chúng tôi đang khuyến cáo bà con phát triển chậm lại, cải tạo từng bước có lộ trình chứ không chặt phá cây khác mà chuyển sang sầu riêng vì chi phí cải tạo từ đất lúa, đất vườn sang trồng sầu riêng khá cao”, ông Cao Quốc Ðiện nói.

Cho rằng nông dân không nên canh tác quá ồ ạt để tránh tình trạng cung vượt cầu, ông Cao Quốc Ðiện cho biết, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Cái Bé; tập trung chuyển giao khoa học, kỹ thuật để làm sao chất lượng sầu riêng của huyện đồng đều, hướng đến dần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Ngoài ra, huyện cũng sẽ mời chuyên gia hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất trái vụ, thời điểm mà các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc không thể thực hiện. Bên cạnh đó, có các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển, kết nối giao thương nhiều hơn ở các thị trường mới.

Bài, ảnh: AN NAM

 

Bơ đặc sản ‘chân dài’ rớt giá mạnh

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Bơ 034 được mệnh danh là đặc sản "chân dài" của Đắk Nông. Nhiều năm qua, loại bơ này có giá bán cao, thị trường tiêu thụ tốt. Thế nhưng, năm nay bơ 034 rớt giá mạnh, khiến nông dân mất vui.

Bơ 034 có một số ưu điểm như: hình thức bên ngoài đẹp, quả thon dài, thời gian chín sau khi hái khá lâu, khoảng 5-7 ngày. Ruột bơ 034 dày, béo, dẻo, hạt nhỏ, bóc vỏ dễ. Nhờ đó, bơ 034 được người tiêu dùng ưa chuộng

 

 

Bơ 034 có hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng

Khoảng 10 năm về trước, loại bơ này từng gây sốt, với giá lên tới 200.000 đồng/kg vào đầu vụ. Thời điểm chính vụ, giá bơ 034 khoảng 50.000-60.000 đồng/ kg.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, loại bơ này rớt giá mạnh, hiện còn vài chục ngàn đồng một kg. Thị trường tiêu thụ bơ 034 cũng gặp nhiều khó khăn.

Giá bơ 034 hiện nay chỉ giao động 12.000-20.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tại các cửa hàng, điểm bán trái cây dao động khoảng 25.000-30.000 đồng/kg.

Theo chị Đoàn Thị Hồng Trâm, chủ cơ sở thu mua trái cây ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), dù mới đầu mùa, nhưng giá bơ 034 không cao so với năm ngoái.

Bơ rớt giá, nhưng nguồn cung trên thị trường cũng hạn chế. Năm ngoái, mỗi ngày chị có thể thu mua, xuất bán 5-6 tấn bơ 034 một cách dễ dàng. Nhưng năm nay, để mua được 3-4 tấn bơ 034 chị phải huy động nhiều kênh từ nhà vườn, lái buôn nhỏ hơn.

Bơ này được chị mua chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang có thị trường Campuchia, Thái Lan. “Chất lượng bơ không cao cũng là nguyên nhân làm giá không cao”, chị Trâm cho biết thêm.

Tại các chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử, giá bơ này cũng không tăng so với năm ngoái và sức mua có phần kém sôi động.

Theo chị Nguyễn Kim Lành, tại chợ thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), chị mua bơ 034 tại vườn chỉ 10.000-22.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

Giá bơ không cao, theo chị Lành, chủ yếu do sức tiêu thụ trên thị trường giảm. Trước đây, bơ 034 chỉ được trồng tại Lâm Đồng, còn hiện nay có mặt ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, với diện tích lên tới vài chục ngàn ha.

Chị Lê Thị Thu Trang, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong), có trên 3 ha bơ 034. Năm nay, vườn bơ của chị chỉ đạt khoảng 19 tấn quả/ha, giảm khoảng 10 tấn/ha so với mọi năm.

Theo chị Trang, nguyên nhân bơ mất mùa là do thời tiết thay đổi thất thường. Mưa, gió nhiều vào thời kỳ cây bơ ra hoa, nên lượng quả đậu thấp.

Thời tiết thay đổi bất thường cũng làm giảm lượng quả bơ loại 1. “Sản lượng thấp, nhưng việc tiêu thụ bước đầu cũng không mấy thuận lợi. Hiện tại vườn, bơ có giá khoảng 12.000 đồng/kg. Trong khi đó năm ngoái 20.000 đồng/kg”, chị Trang cho biết

Bơ 034 được bà con trồng ở hầu hết các huyện, thành phố. Nhiều hộ phản ánh, năm nay vườn bơ 034 mất mùa, quả loại 1 (2 quả 1kg) không nhiều.

Theo Sở NN-PTNT, những năm qua, diện tích bơ của tỉnh tăng mạnh. Cụ thể, năm 2019, diện tích bơ toàn tỉnh ở mức 3.794 ha, sản lượng đạt 15.050 tấn.

Năm 2020, diện tích bơ tăng lên 4.383 ha, sản lượng 18.992 tấn. Năm 2021-2022 toàn tỉnh có khoảng 4.500 ha bơ, sản lượng khoảng 21.000 tấn.

Phần lớn sản lượng bơ hiện nay ở Đắk Nông được bán tươi, không qua chế biến. Tỉnh chưa hình thành được các chuỗi giá trị về sản xuất, chế biến và tiêu thụ bơ bền vững.

Ngành chức năng đang có những đánh giá lại hiệu quả của cây bơ tại các địa phương gắn với từng vùng đất, khí hậu, giống, kỹ thuật phù hợp. Bà con không nên mở rộng diện tích, hay chặt bỏ những giống bơ đang phát triển tốt.

Hồng Thoan

 

Tăng thu nhập từ quýt trái vụ

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Nếu chính vụ, năng suất vườn quýt của gia đình anh Lê Hoàng Minh đang canh tác có thể đạt từ 40-45 tấn/ha, còn xử lý cho cây ra trái vụ năng suất đạt từ 20-25 tấn/ha. Tuy làm trái vụ năng suất thấp nhưng giá bán lại cao hơn, đem về nguồn thu khá cho người trồng.

Từ miền Tây lên Bình Phước lập nghiệp, anh Lê Hoàng Minh ở ấp 8, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài (Bình Phước) thuê lại 14,4 ha trồng quýt ngọt để canh tác. Khi đó, vườn quýt đã bị nhiễm bệnh và chủ vườn đang có ý định đốn bỏ. Sau khi thuê lại vườn, anh Minh chăm sóc, phục hồi, trang bị hệ thống tưới tiêu và xử lý kỹ thuật để quýt ra trái vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Việc xử lý cho quýt ngọt ra trái vụ đòi hỏi kỹ thuật và sự tính toán chuẩn xác. Anh Minh chia sẻ, có 2 cách để quýt ra hoa trái vụ. Cách thông thường là dùng thuốc phun chặn đọt, tạo mầm, sau đó xử lý cho rụng lá già, tái tạo lá mới để cây làm hoa. Cách thứ hai là ngưng tưới và xiết nước tạo khô hạn, dùng bạt che, khi đủ thời gian theo yêu cầu sẽ tưới đẫm và đồng loạt, kết hợp phun các loại thuốc kích thích hoa.

 

 

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đồng Xoài Phạm Thị Yến Linh và anh Lê Hoàng Minh trao đổi về kỹ thuật chăm sóc để quýt ngọt ra trái vụ

Theo tính toán của anh Minh, cho cây ra hoa trái vụ tuy năng suất thấp so với chính vụ nhưng giá bán lại cao hơn. Hiện giá thương lái thu mua quýt tại vườn khoảng 18 ngàn đồng/kg, gần gấp đôi so với thời điểm chính vụ. Với khoảng 8 ha quýt đang ở thời điểm cho thu hoạch, anh Minh dự kiến sản lượng vụ này đạt khoảng 200 tấn.

Thông thường, với quýt ngọt, từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch loại trái vỏ còn xanh khoảng 9-10 tháng, còn loại siêu ngọt vỏ đã chuyển sang vàng cần thời gian từ 11-12 tháng. Hiện nhiều loại cây ăn trái khác cũng bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch, tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với mặt hàng quýt ngọt. Do đó, anh Minh dự định sau khi thu xong vụ trái này, anh sẽ xử lý sớm để vườn có thể cho thu vào thời điểm tháng giêng, tháng hai năm sau để quýt có giá hơn.

Theo nhận định của nông dân, vùng đất xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài phù hợp trồng cây quýt vì nguồn nước tưới sẵn có, khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng thích hợp. Thêm vào đó, nông dân có thể chủ động khống chế lượng nước cho cây nên trái quýt có độ ngọt cao, được người tiêu dùng ưa thích. Có kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, biết ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, lại thêm sự nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường nên vườn quýt ngọt đang mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt cho gia đình anh Minh.

Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đồng Xoài Phạm Thị Yến Linh cho biết, hội đánh giá cao mô hình canh tác quýt trái vụ của gia đình anh Lê Hoàng Minh. Gia đình anh đã ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất cũng như biết canh tác trái vụ để đem lại nguồn thu khá. “Chúng tôi mong mô hình này sẽ được nhân rộng để hội viên có thể tham khảo. Về phía Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ trong khả năng để người nông dân có thể phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, bền vững” - bà Linh cho biết.

Ngọc Huyền - Hồng Thoại

 

Ninh Thuận: Bưởi Phước Bình được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

 

Ngày 30/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh Ninh Thuận đã được cấp một mã số vùng trồng (MSVT) bưởi xuất khẩu đến thị trường Hoa Kỳ. Cụ thể, MSVT được phê duyệt là mã vùng trồng bưởi có ký hiệu PB.32.02.01.001 (Irads:27424), với diện tích 23 ha, thuộc xã Phước Bình (Bác Ái). Mã số này có hiệu lực từ ngày 22/6/2023.

 

 

Bưởi Phước Bình được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh: Phan Bình

MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng, thiết lập được MSVT sẽ là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch. Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thông báo cho đại diện mã vùng trồng để chuẩn bị xuất khẩu bưởi, đồng thời giám sát nhằm bảo đảm vùng trồng luôn duy trì tuân thủ quy định của nước nhập khẩu.

T.Xuân

 

Gần 60 nghìn tấn sầu riêng được xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

 

 

Thực hiện kiểm dịch sầu riêng quả tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Từ đầu năm 2023 đến ngày 30/5, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60 nghìn tấn. Trong đó, chỉ riêng tháng 5/2023, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã đạt trên 17,5 nghìn tấn.

Thời điểm hiện tại, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là cửa khẩu có sản lượng sầu riêng xuất khẩu nhiều nhất so với các cửa khẩu đường bộ trong khu vực miền Bắc.

Hiện đang vào chính vụ thu hoạch sầu riêng tại các tỉnh phía trong, dự ước sản lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị trong tháng 6/2023 có thể đạt trên 20 nghìn tấn.

Theo thông tin từ lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, Cục Kiểm dịch thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng chức năng của Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến chất lượng sầu riêng của Việt Nam, vì vậy, tất cả các lô hàng sầu riêng khi nhập khẩu vào Trung Quốc được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, về nguồn gốc xuất xứ…

Do đó, để đảm bảo thuận lợi cho việc thông quan, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan chuyên ngành về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác…

TRÍ DŨNG

 

Sản xuất theo GAP nâng cao giá trị, chất lượng nông sản

Nguồn tin:  Báo Long An

 

Sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, GAP mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp duy trì hệ sinh thái tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe con người, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững.

“Rộng” đầu ra - tăng giá trị

Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An luôn có những giải pháp thiết thực giúp nông dân thay đổi nhận thức từ sản xuất theo hướng truyền thống sang sản xuất hữu cơ, đạt chuẩn GAP, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng nông sản. Đến nay, tỉnh có vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ trên 2.606ha với các sản phẩm như lúa trên 830ha, rau trên 207ha, thanh long trên 120ha, chanh 150ha,…

Ông Dương Văn Hoàng (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) có kinh nghiệm gần 15 năm trồng chanh. Thời gian đầu, ông bón phân, phun thuốc hóa học để tăng năng suất. Tuy nhiên, điều này làm cây chanh giảm tuổi thọ, đất bị bạc màu, các vi sinh vật có lợi trong đất bị chết, nhất là thường xuyên bị thương lái ép giá do không tìm được đầu ra ổn định. Kết quả không như mong muốn, ông bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất theo phương pháp truyền thống sang hướng hữu cơ, liên kết sản xuất, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản và bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Hoàng cho hay: “Hiện gia đình tôi có 3ha chanh đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Công ty (Cty) The Fruit Republic Cần Thơ thu mua chanh của gia đình tôi cao hơn thị trường, đặc biệt là trong thời điểm thương lái bỏ cọc, Cty vẫn thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập 300 triệu đồng/năm, riêng năm 2022, thu nhập 400 triệu đồng/năm do chanh bán có giá”.

Huyện Bến Lức, tỉnh Long An là một trong những địa phương có diện tích trồng chanh lớn nhất tỉnh với trên 6.700ha, trong đó, trên 1.880ha chanh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) sản xuất theo hướng GAP, đủ điều kiện xuất sang thị trường châu Âu với sản lượng gần 15.000 tấn/năm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ: “Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện chủ động làm "cầu nối" giữa Cty The Fruit Republic Cần Thơ và nông dân với mục đích tạo đầu ra ổn định cho nông sản, hướng nông dân sang sản xuất sạch, hữu cơ để đưa sản phẩm đến các thị trường khó tính như châu Âu, góp phần nâng tầm nông sản địa phương, khẳng định thương hiệu chanh Bến Lức. Cùng với sự định hướng của Cty trong việc xây dựng thương hiệu và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân dần thay đổi nhận thức, cách sản xuất. Hầu hết diện tích trồng chanh ƯDCNC sản xuất theo GAP đều được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg”.

Với mục đích đem đến sản phẩm sạch, chất lượng, tăng năng suất, lợi nhuận cho các thành viên, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) xây dựng 35ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích này đều được HTX bao tiêu từ đầu vào đến đầu ra; đồng thời, cho kỹ sư chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: “Xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP là điều không dễ dàng, trong đó, nông dân đóng vai trò quan trọng, còn HTX chỉ làm "cầu nối" chuyển giao khoa học - kỹ thuật và kết nối với doanh nghiệp. Chỉ cần nông dân đồng ý thì việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP rất dễ dàng bởi họ chỉ cần thay đổi quy trình, ƯDCNC vào sản xuất, nhất là không chú trọng năng suất mà quan tâm đến chất lượng sản phẩm và lợi nhuận sau khi thu hoạch. Trung bình, diện tích lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP thương lái sẽ thu mua cao hơn từ 50-100 đồng/kg”.

Khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng an toàn

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều mô hình điểm sản xuất lúa ƯDCNC tại các xã: Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), Bình Hòa Tây (huyện Mộc Hóa), Tân Đông (huyện Thạnh Hóa) và Tuyên Thạnh (thị xã Kiến Tường) với diện tích 250ha. Nông dân tham gia mô hình trong năm đầu tiên được hỗ trợ 50% lúa giống, phân bón hữu cơ, thuốc sinh học và dịch vụ máy bay phun thuốc. Đến năm thứ 2, nông dân được hỗ trợ 30%, năm thứ 3 hỗ trợ 20%.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Võ Thành Nghĩa khẳng định: “Dự kiến sau khi kết thúc năm thứ 3, tất cả diện tích nằm trong mô hình đều đạt chứng nhận VietGAP. Đây là tiền đề quan trọng để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

 

Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần xây dựng vùng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP

Để hướng tới nền nông nghiệp sản xuất sạch, bền vững, xây dựng thương hiệu hàng nông sản, thủy sản của tỉnh, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước, vượt qua rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu, những năm qua, tỉnh đẩy mạnh triển khai hỗ trợ các HTX, trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, sơ chế sản phẩm nông nghiệp, thủy sản (gọi chung là cơ sở) sản xuất theo hướng GAP.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí để phân tích mẫu đất, nước và không khí khi áp dụng quy trình VietGAP; hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, hệ thống điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu áp dụng quy trình VietGAP theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỉ đồng/dự án; hỗ trợ một lần 100% kinh phí tư vấn, đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động tại cơ sở áp dụng quy trình VietGAP, biên soạn, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ các lớp đào tạo, tập huấn, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ một lần không quá 50% chi phí đầu tư dụng cụ, trang thiết bị sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo GMP, SSOP, HACCP và mức hỗ trợ tối đa không quá 75 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ một phần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại;…

Tuy nhiên, các cơ sở phải có đất sản xuất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, sản phẩm của các cơ sở phải phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, Tiêu chuẩn quốc gia về thực hành nông nghiệp tốt do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố và các tiêu chuẩn GAP khác. Ngoài ra, các cơ sở phải đăng ký áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh phấn đấu tăng diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP thêm 10% so với năm 2022. Để đạt mục tiêu này, ngành đang tích cực phối hợp các địa phương tổ chức lại sản xuất và tăng cường kết nối, xây dựng liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho nông sản. Đồng thời, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng các vùng chuyên canh theo từng vùng, từng loại nông sản, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư,... Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các HTX, chủ thể sản xuất nông nghiệp nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP;... hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững”./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

 

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao-nhiều tiềm năng

Nguồn tin:  Báo Tây Ninh

 

Tây Ninh mong muốn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu thông tin và định hướng đầu tư, phát triển nông nghiệp tại Tây Ninh.

 

 

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn của Hoàng Xuân farm tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng

Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Nguồn lực đất đai rộng lớn cùng với hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng và các tuyến kênh, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông sẽ bảo đảm nguồn nước tưới ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt...Ðó là tiềm năng cho đầu tư vào nông nghiệp tại Tây Ninh.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp- nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thông qua việc tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023, Tây Ninh mong muốn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu thông tin và định hướng đầu tư, phát triển nông nghiệp tại Tây Ninh.

Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 25.5 về công bố kế hoạch tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh, năm 2023”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược là đầu mối giao thương kết nối Việt Nam với các nước ASEAN trong vùng Mekong mở rộng và cũng là cửa ngõ để hàng hoá từ Tây Ninh đến với các tỉnh bạn và thế giới.

Bên cạnh đó, Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp, với địa hình bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hoà, hệ thống thuỷ lợi được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, luôn bảo đảm nguồn nước tưới ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, nông nghiệp chiếm khoảng 20,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp 342.144 ha chiếm 84,65% diện tích tự nhiên. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị và hiệu quả cao, hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng như: cao su, mía, mì, mãng cầu, lúa, rau màu... Chăn nuôi phát triển mạnh, công tác quản lý vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp tại Tây Ninh rất lớn, tuy nhiên, việc thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chi phí đầu tư cao trong khi sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động thị trường.

Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước có nhiều biến động, giá cả nông sản thiếu ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, nhất là giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất.

Những năm qua, Tây Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng hiện có, tại Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI đã xem phát triển nông nghiệp- nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh quy hoạch 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2022-2030 với diện tích quy hoạch trên 11.650 ha.

Nhiều dự án chăn nuôi đang chờ triển khai

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi trong những năm qua được tỉnh rất quan tâm. Hiện ngành chăn nuôi đang từng bước phát triển và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó, tổng đàn gia súc tỉnh Tây Ninh hiện có 344.917 con, 628 trang trại, tăng 5,7% so với năm 2021. Gia cầm có 9.000.000 con, 107 trang trại, tăng 20,88% so với năm 2021.

Trên địa bàn tỉnh có các mô hình chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho chợ truyền thống; chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho điểm cung cấp thịt heo an toàn của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Tây Ninh với hơn 20 cửa hàng; chuỗi 8 cửa hàng trong hệ thống siêu thị Co.opMart và 70 cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh.

Chuỗi chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, chế biến sản phẩm thịt bò của Công ty TNHH Pacow international theo công nghệ thịt mát và chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các nông hộ chăn nuôi bò thịt của HTX Hiệp Phát tại xã Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng. 92% sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh được gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ với Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk và Friesland Campina thông qua các trạm trung chuyển sữa tại thị xã Trảng Bàng.

 

 

Hệ thống thuỷ lợi của Tây Ninh được đầu tư bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nổi bật là Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel Gà đã xây dựng tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng), với công suất thiết kế trên 19 triệu gà con/năm.

Một dự án giết mổ gia cầm công suất 52 triệu con/năm, chế biến thực phẩm 132.000 tấn/năm tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khu chăn nuôi công nghệ cao DHN Tây Ninh tại huyện Tân Châu, diện tích 39,5 ha từ giữa năm 2022.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh còn có nhà máy sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources tại huyện Tân Biên, sản lượng bình quân 700.000 trứng/ngày/trại. Ðây là một trong những doanh nghiệp có hệ thống chăn nuôi gà hiện đại, có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài.

Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam đang đầu tư 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, công suất 250.000 tấn/năm; 9 dự án nuôi 27.400 heo nái, 134.000 heo thịt và đang tìm vị trí đất phù hợp để xây dựng cơ sở giết mổ - chế biến trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vài năm trở lại đây, Tây Ninh đã thu hút rất nhiều dự án chăn nuôi đăng ký và triển khai, với khoảng 140 dự án các loại. Trong đó có 70% là các dự án chăn nuôi heo, còn lại là gà và bò, thịt bò, bò sữa. Phần lớn các dự án đăng ký trong thời gian vừa qua đều là những trại nuôi quy mô lớn, hoặc trại lạnh và bảo đảm an toàn sinh học.

Trong số đó, có một số dự án chậm triển khai. Nguyên nhân do yếu tố khách quan khi giá heo, gà thời gian qua biến động giảm. Lãi suất ngân hàng tăng và hạn chế cho vay cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Xuân, chỉ cần 50% dự án đăng ký đi vào hoạt động thì trong thời gian tới, số lượng heo của Tây Ninh sẽ tăng gấp 3 con số đang có (hiện khoảng 231.000 con); và số gà có thể tăng gấp rưỡi, kể cả gà trứng và gà thịt.

 

 

Tây Ninh bước đầu đã thu hút được một số dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

Tây Ninh tiếp tục mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, đây là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá của ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.

Trong thời gian tới Tây Ninh phấn đấu tiếp tục đưa tỷ trọng chăn nuôi tăng lên 25%-30% vào năm 2030; góp phần tạo ra việc làm, thu nhập, và đóng góp đáng kể hơn vào GDP của tỉnh...

Ông Trần Văn Chiến hy vọng thông qua việc tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)- với thế mạnh về công nghệ, tài chính và thị trường, có thể hỗ trợ Tây Ninh phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, là động lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cả số lượng lẫn quy mô trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo ông Trần Văn Chiến, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp hiện đại để phát triển các chuỗi khép kín, từ thức ăn, con giống cho đến giết mổ và chế biến sâu.

Minh Dương

 

Triển vọng du lịch nông nghiệp

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

 

Với không gian du lịch được trải dài từ Đông Triều - Móng Cái, du lịch nông nghiệp là một trong những nhóm sản phẩm du lịch được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ để truyền tải thông điệp đến mọi người “Quảng Ninh không chỉ có Hạ Long mà còn nhiều hơn nữa”.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp của Quảng Ninh khá đa dạng, phát triển từ rừng, biển cho đến đồng ruộng. Ngay trong thời điểm này, loại hình du lịch biển kết hợp với sản phẩm du lịch trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân” ở các xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn), Thanh Lân (huyện Cô Tô) đang được nhiều du khách thích thú. Ngoài việc tận hưởng bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ của biển đảo thì việc được hóa thân thành những ngư dân thực thụ, cùng ra biển kéo lưới, đánh bắt thuỷ hải sản và chế biến thưởng thức món ăn truyền thống cùng cư dân biển ngay trên thuyền đã mang lại cho du khách những trải nghiệm rất đáng nhớ.

Anh Hoàng Anh Quân (TP Hà Nội) cho biết: "Dưới sự hướng dẫn của những ngư dân địa phương, chúng tôi đã học cách rải lưới, đập nước lùa cá theo cách đánh bắt cá truyền thống và được chỉ dẫn cụ thể để tránh những khu vực khả năng có lầy, sụt lún, hoặc những chỗ có hố, vực sâu, ghềnh đá có hà, hàu... Những trải nghiệm thực tế này đã giúp chúng tôi thêm yêu cảnh đẹp ở Quan Lạn và có những kỷ niệm không thể nào quên”.

Thành công từ sản phẩm du lịch trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân” của xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn), Thanh Lân (huyện Cô Tô) hiện lan tỏa, nhiều địa phương học tập, nhất là các địa phương với lợi thế về biển đảo như: Hải Hà, Cô Tô, Móng Cái.. Việc nhân rộng loại hình này cộng thêm những dấu ấn đặc sắc riêng của từng địa phương đã khiến cho lượng khách tìm đến các xã đảo ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

 

 

Du khách tham quan quá trình nuôi trai lấy ngọc tại Trang trại Ngọc trai Hạ Long (TP Hạ Long). Ảnh: Phan Hằng

Sản phẩm du lịch tham quan và nuôi cấy ngọc trai Hạ Long cũng đã khá quen thuộc với du khách quốc tế từ những năm 2010. Đến tham quan tại cơ sở nuôi cấy ngọc trai của Công ty Ngọc trai Hạ Long, du khách trong và ngoài nước được tận mắt chứng kiến mọi quy trình hình thành hiện đại, chuyên nghiệp về nuôi cấy ngọc trai và việc tạo nên một viên ngọc quý từ việc nuôi cấy. Đây không chỉ là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Ninh mà còn phục vụ nhu cầu mua sắm trang sức cao cấp làm quà kỷ niệm cho khách du lịch đến Quảng Ninh, đồng thời tạo cơ hội cho du khách trong và ngoài tỉnh khám phá thêm một vẻ đẹp tiềm ẩn trong lòng di sản Vịnh Hạ Long. Điểm đặc biệt của mô hình này là ngọc trai chỉ có thể sống ở vùng nước sạch nên mô hình này có thể nhân rộng ở ngoài vùng di sản Vịnh Hạ Long, như: Vân Đồn, Hải Hà, Cô Tô.

Tiếp nối thành công từ mô hình du lịch làng quê Yên Đức, TX Đông Triều cũng đang triển khai mô hình trải nghiệm vườn trái cây ở làng quê Việt Dân. Việc phát triển du lịch ở đây đang được khởi động với mô hình thí điểm liên kết giữa Công ty TNHH Han Nong (Hàn Quốc), có trang trại tại Đông Triều, với 4 hộ tại thôn Tân Thành của xã Việt Dân. Theo đó, Công ty TNHH Han Nong liên kết các hộ làm vườn điển hình, hỗ trợ các hộ quy hoạch vườn phù hợp với du lịch, đưa du khách thăm vườn, trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp cũng như thưởng thức hoa trái, sản phẩm của vườn. Tham gia mô hình, các hộ dân liên kết được Công ty chi trả 1 tháng lương cơ bản/tháng, hộ dân nơi Công ty đặt văn phòng nhận mức chi trả 10-15 triệu đồng/tháng.

Khi đưa du lịch vào xã theo mô hình trên, thôn Tân Thành là một điểm dừng chân trong hành trình tour Hà Nội - Hạ Long - Uông Bí, để khách tham quan, trải nghiệm khu miệt vườn cây trái ở đây. Mô hình trải nghiệm được thiết kế đơn giản, thuận theo tự nhiên, hoạt động canh tác của người nông dân vẫn diễn ra bình thường. Du khách khi tới đây có khoảng 40-45 phút trải nghiệm miệt vườn, có thể xem trực tiếp, có những cảm nhận thực về các loại cây trái, vườn tược cũng như tập tục canh tác nông nghiệp của người dân và được thưởng thức các loại trái cây trong vườn theo xu hướng “mùa nào thức ấy”…

Cùng với TX Đông Triều, hiện mô hình du lịch làng quê đang được phát triển ở nhiều địa phương khác, gắn với các sản phẩm OCOP đặc thù, như: Trải nghiệm hái cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn); trải nghiệm hái ổi Hoành Bồ (TP Hạ Long), hay mô hình tham quan đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà).

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm... Do đó, có ý nghĩa lớn trong hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.

Đánh giá về nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Du lịch nông nghiệp sẽ giúp Quảng Ninh đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo thêm sức hút cho du khách, gia tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, du lịch nông nghiệp tại Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh trong tỉnh mà mới chỉ phát triển lẻ tẻ, tự phát chưa có quy hoạch chiến lược cụ thể, chưa có tuyên truyền, quảng bá đủ mạnh để tạo thành thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Nên thực tế vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm du lịch nông nghiệp đã rất phát triển ở các địa phương khác, như: Du lịch Bản Lác (tỉnh Hòa Bình), du lịch Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Bắc Hà (tỉnh Lào Cai)... Dưới góc độ là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch, rất cần đưa du lịch nông nghiệp vào quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.

Hoàng Nga

 

Du lịch miền Tây sẽ có làng bè sắc màu trên ngã ba sông

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

 

Du lịch miền Tây chuẩn bị xuất hiện làng bè sắc màu trên ngã ba sông, với hàng trăm chiếc bè được bao phủ bởi các khối màu, nhằm tạo điểm đến mới lạ, thu hút du khách.

 

Làng bè Châu Đốc hiện nay.

Dự án làng bè sắc màu được thực hiện trên ngã ba sông Châu Đốc, thuộc địa bàn thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang. 165 chiếc bè ở khu vực này sẽ được sơn thành 6 khối màu: đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Chủ đầu tư dự án là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh An Giang.

Hồi cuối quý I-2023, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc. Trong tháng 4 và 5 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã làm việc với UBND TP Châu Đốc và huyện An Phú để khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng dự án, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp du lịch, kêu gọi đầu tư kinh doanh dịch vụ trên làng bè… Qua các buổi làm việc, đa phần các hộ dân và doanh nghiệp đồng thuận cao về dự án này.

Làng nuôi cá trên bè là nét đặc trưng ở ngã ba sông Châu Đốc từ hàng chục năm qua. Các nhà bè nuôi cá kéo dài khoảng 5km trên sông nước, tạo thành một làng nổi đầy khác lạ, do đó thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách khi đến với An Giang. Trên mỗi bè, các chủ bè vừa nuôi cá, vừa bố trí sinh hoạt như một ngôi nhà bình thường trên đất liền. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian qua, tiềm năng du lịch của làng bè chưa được khai thác hiệu quả.

Sau khi dự án hoàn thành, làng bè sẽ trở thành một cảnh quan đặc sắc và có lẽ là duy nhất của ĐBSCL. Đến đây, du khách có cơ hội tham quan một làng nổi đầy màu sắc, tìm hiểu đời sống của người nuôi cá, trải nghiệm cho cá ăn, tham gia sinh hoạt trên bè… Ngoài ra, các chủ bè còn buôn bán đặc sản, quà lưu niệm, sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang.

Không chỉ thế, ven hai bờ sông là làng Chăm Châu Phong và làng Chăm Đa Phước, nơi cộng đồng Chăm Islam (Hồi giáo) định cư lâu đời và đóng góp nhiều giá trị văn hóa độc đáo cho địa phương. Bởi thế, các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác kết hợp cung đường trên tham quan làng bè sông nước và tham quan các làng Chăm, thánh đường Islam, cơ sở dệt thổ cẩm, hàng quán ẩm thực Chăm…

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang họp dân để thống nhất màu sắc, làm việc với địa phương rồi sau đó thông báo đấu thầu. Nếu không có gì trở ngại, dự kiến tháng 7 năm nay sẽ bắt đầu triển khai dự án. Ở giai đoạn đầu, đơn vị sẽ vận động người dân làng bè phối hợp làm du lịch phục vụ du khách. Có thể bè cá này bán cà phê hoặc bè cá kia bán thức ăn sáng cho du khách.”

Châu Đốc trước nay được xem là “thành phố du lịch” của Tây Nam Bộ, mỗi năm đón khoảng 5 triệu lượt khách, với tâm điểm là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Tuy nhiên, không chỉ có du lịch tâm linh, Châu Đốc còn nhiều tài nguyên hấp dẫn khác. Làng bè sắc màu sau khi chỉnh trang và đi vào hoạt động sẽ mang đến một hình ảnh mới về Châu Đốc, đô thị biên giới yên bình trên sông nước.

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, dự án làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc dự kiến thực hiện từ năm 2021, tuy nhiên do hai năm dịch bệnh 2021-2022, đến năm 2023 dự án mới tái khởi động.

Bài, ảnh: Yên Lương

 

Tăng thêm thu nhập từ nuôi dê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Trước đây, cuộc sống gia đình chị H’Moan Êban (ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) rất khó khăn.

Năm 2016, thấy một số hộ nuôi dê có hiệu quả, chị quyết định mua 4 con dê cái giống Bách thảo (là giống dê được hình thành từ việc tạp giao giữa dê cỏ Việt Nam và các giống dê được nhập từ nước ngoài) đã có chửa về nuôi.

May mắn, dê sinh trưởng tốt, mỗi năm dê đẻ được 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 4 con. Đến năm 2018, đàn dê tăng lên hơn 40 con, chị H’Moan bán giống với giá từ 7 - 8 triệu đồng/cặp.

Những năm gần đây, theo nhu cầu thị trường, gia đình chị H’Moan tiếp tục nhân nuôi giống dê Boer có nguồn gốc Nam Phi, sở hữu vóc dáng to lớn, nhiều thịt, phát triển nhanh với phương thức nuôi nhốt, lợi nhuận mỗi năm đem lại từ 40 đến hơn 50 triệu đồng.

 

 

Chị H'Moan chăm sóc đàn dê.

Có 3 sào cà phê nên chị H’Moan tận dụng nguồn phân dê ủ với vỏ cà phê, thêm lượng urê và nấm Trichoderma theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để sản xuất phân hữu cơ bón cho cà phê. Bên cạnh đó, lá keo từ những cây keo che bóng và cỏ trong vườn cà phê được chị dùng làm thức ăn chủ yếu cho đàn dê. Chị chia sẻ, để dê ít bị bệnh thì chuồng nuôi dê cần phải cao ráo, sạch sẽ; nền chuồng cách mặt đất từ 0,7 – 1 m, sàn bằng gỗ và tre nứa, dễ vệ sinh, có lối thoát đầy đủ. Không gian của dê phải đủ diện tích để dê sinh hoạt (dê con khoảng 0,5 – 1 m²/con, dê trưởng thành khoảng 3 - 4 m²/con).

Chăn nuôi dê cùng 3 sào cà phê trồng xen 30 cây sầu riêng và tiêu, mỗi năm gia đình chị H’Moan có thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng.

Cẩm Lai

 

Giá gà giảm sâu, người chăn nuôi ‘lao đao’

Nguồn tin: Báo Lào Cai

 

Gà là sản phẩm chủ lực trong ngành chăn nuôi của tỉnh Lào Cai, nhưng việc nuôi thiếu dự báo thị trường, chưa có chế biến sâu nên giá sản phẩm bấp bênh. Hiện giá bán gà thương phẩm giảm xuống rất thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Từ đầu năm đến nay, giá bán gà luôn thấp hơn giá thành sản xuất. Cụ thể, giá bán gà ta dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, có thời điểm xuống 48.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất phải từ 58.000 - 60.000 đồng/kg. Người nuôi gà đang gặp khó khăn “kép”, bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá bán gà giảm mạnh.

Vừa xuất bán hơn 1.000 con gà thịt, bà Trần Thị Giang, xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng) lỗ gần 5 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc. Bà Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá gà liên tục giảm, trong khi giá cám tăng mạnh, lứa gà nào cũng lỗ, tình trạng này gia đình không thể duy trì nuôi.

Còn ông Hà Văn Quang, chủ trại gà tại xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) cho biết: Nuôi gà là nghề chính của gia đình, mỗi năm gia đình nuôi 24.000 - 25.000 con. Năm nay giá gà xuống thấp, mỗi lứa gà xuất bán gia đình lỗ cả chục triệu đồng. Chuồng trại đã đầu tư, lại không có nghề gì khác nên gia đình vẫn phải duy trì nuôi với hy vọng giá tăng.

Không chỉ những hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ gặp khó khăn khi giá gà giảm mạnh, mà những trang trại chăn nuôi với số lượng lớn, có liên kết với đơn vị tiêu thụ cũng gặp khó tương tự.

Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) là đơn vị nuôi gà quy mô lớn nhất nhì tỉnh. Trước đây, đơn vị liên kết với các nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm và tiểu thương tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, nên việc tiêu thụ gà thuận lợi. Nhưng từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ chậm, khiến gà nuôi tồn đọng.

Ông Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến cho biết: Từ đầu năm 2023, giá gà liên tục giảm, từ 90 nghìn đồng/kg xuống 52 nghìn đồng/kg, có thời điểm giảm còn 48 nghìn đồng/kg. Thời gian này, khi các trường học nghỉ hè dừng hợp đồng mua gà, dẫn đến tiêu thụ khó, nhiều hộ xã viên bị thua lỗ phải “bỏ chuồng”. Trước đây, hợp tác xã có 13 hộ xã viên nuôi gà thương phẩm, quy mô 160 nghìn con gà mỗi năm, nay còn 5 hộ nuôi, tổng đàn khoảng 60 nghìn con gà.

Gà đến lứa không xuất bán được khiến người nuôi phải tiếp tục nuôi giữ trong chuồng, phát sinh chi phí thức ăn, nhân công và đối mặt với tình trạng gà ốm, chết do thời tiết. Các thành viên hợp tác xã phải tìm thương lái trong và ngoài tỉnh để bán. Tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn rất thấp, trung bình đạt khoảng 10 tấn gà/tháng (giảm gần 1/3 so với cùng kỳ năm 2022).

Để giảm thiệt hại, trước mắt, hợp tác xã chỉ đạo các hộ xã viên giảm tổng đàn, theo dõi diễn biến của thị trường để vào đàn phù hợp; các hộ xã viên ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nhằm hạn chế chi phí thị trường.

"Hợp tác xã đang tìm hướng chuyển đổi sang nuôi những loại gà chất lượng cao như gà giống H’Mông, gà ác và nuôi theo hướng hữu cơ để chinh phục thị trường khách hàng cao cấp. Ngoài ra, Hợp tác xã triển khai mổ gà, cấp đông nhằm giảm áp lực chuồng nuôi, đồng thời thêm lựa chọn cho khách hàng trong và ngoài tỉnh khi muốn vận chuyển thịt gà đi xa"

Ông Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến

 

 

Lý giải về nguyên nhân giá gà hiện nay giảm, ngành chức năng nhận định, do năm ngoái người nuôi gà có lãi nên tăng cường tái đàn. Đến nay, nguồn cung trong tỉnh tăng mạnh, cộng với lượng lớn gà từ các tỉnh dưới xuôi nhập vào địa bàn tỉnh có giá rẻ hơn, tạo sức ép giảm giá. Hiện thương lái trong tỉnh thu mua cầm chừng, một số nhà hàng chuyển sang dùng nguồn hàng dưới xuôi khiến nhiều hộ chăn nuôi phải tự tiêu thụ bằng cách rao bán lẻ trên mạng xã hội và mang ra bán lẻ tại các chợ trên địa bàn. Nguyên nhân nữa khiến giá gà bán bấp bênh, phụ thuộc vào diễn biến chung của thị trường là hiện nay, sản phẩm gà của tỉnh chủ yếu dừng lại ở việc tiêu thụ sống.

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: mấy năm gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, giá bán gia cầm giảm, đầu ra không ổn định nên hộ nuôi nhỏ lẻ liên tục thua lỗ.

Hiện trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 117 trang trại chăn nuôi gà và khoảng 10.600 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2022 đến nay, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm khoảng 20%

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4,9 triệu con, đạt 96,08% kế hoạch năm. Ngành chăn nuôi khuyến cáo, người nuôi gà cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường trước khi tái đàn. Đồng thời, đổi mới phương thức nuôi, xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, áp dụng khoa học - kỹ thuật; cần hướng vào liên kết với các đơn vị chế biến sâu để phục vụ đa dạng nhu cầu của thị trường.

Kim Thoa

 

Giá heo hơi tiếp tục tăng

Nguồn tin: Báo Bình Dương

 

Từ đầu tháng 5 đến nay, giá heo hơi tại nhiều tỉnh, thành có xu hướng tăng. Trong tuần gần đây, giá heo hơi lại tiếp tục tăng nhanh. Nhiều thương lái cho biết, hiện giá heo hơi xuất chuồng đã chạm mức gần 60.000 đồng/kg, tăng đến 20% so với mức giá trung bình vào tháng 2 năm nay. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.

Giá heo hơi tăng nhưng giá bán lẻ tại các chợ truyền thống vẫn duy trì mức cũ. Hiện giá heo ba rọi rút sườn, sườn non ở mức 180.000- 200.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, hiện sức tiêu thụ vẫn ổn định trong khi nguồn cung heo thịt không còn dồi dào. Dự báo giá thịt heo bán lẻ có thể điều chỉnh tăng trong vài ngày tới.

THANH HỒNG

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop