Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 07 tháng 06 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 07 tháng 06 năm 2023

 

Khơi dậy tiềm năng phát triển cây ăn quả chất lượng cao

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Mô hình trồng quýt đường ở xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung quy mô lớn với các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Điều này giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả mang đặc trưng từng vùng miền.

Hiện ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, quy mô sản xuất cây ăn quả khoảng 8.000ha và đạt 10.000ha vào năm 2030.

Từng bước phát huy thế mạnh tiềm năng

Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có hơn 7.000ha cây ăn quả, diện tích này có xu hướng tăng qua từng năm. Trong đó, diện tích cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 1.000ha như: sầu riêng, mít thái, bơ, xoài, mãng cầu, cam, bưởi da xanh, ổi, vải, nhãn, khóm... được trồng tập trung tại các huyện có vùng đất đỏ bazan màu mỡ như Sông Hinh, Tây Hòa, Sơn Hòa, một ít ở Phú Hòa và Đồng Xuân.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Năm 2021, sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án Xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, các địa phương đã nỗ lực mở rộng diện tích quy hoạch theo từng vùng, phù hợp cho từng loại cây ăn quả; đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng khoa khọc kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Đến nay, nhiều sản phẩm cây ăn quả của tỉnh được thị trường đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và xây dựng được thương hiệu, đem lại thu nhập cho người dân.

Tại huyện Sông Hinh, những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn quả tăng nhanh ở các vùng đất đỏ có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp như các xã Ea Ly, Ea Bar, Ea Trol. Năm 2022, tổng diện tích ước đạt khoảng 1.705ha, tăng 150% so với năm 2016 (677ha); sản lượng 14.000 tấn. Theo ông Phạm Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, từ năm 2017 đến nay, phòng đã xây dựng nhiều mô hình trồng cây có giá trị kinh tế cao tại 11 xã, thị trấn.

“Hiện diện tích trồng sầu riêng hạt lép trên địa bàn huyện trên 400ha, gồm các giống chất lượng như sầu riêng Ri 6, monthon, musaking. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hỗ trợ phát triển một số loại cây ăn quả có múi có giá trị khác gồm cam sành, cam V2, cam xoàn, bưởi da xanh, quýt đường đạt diện tích khoảng 300ha. Một số loại cây trồng khác như nhãn hương chi khoảng 20ha, mít thái 100ha, bơ 275ha, xoài cát, xoài úc 90ha và một số loại cây ăn quả khác”, ông Hải cho hay.

Tại huyện Sơn Hòa, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây truyền thống, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Ông Alê Y Bớ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: Đến nay, toàn huyện đã trồng 230ha cây ăn quả. Nhiều diện tích thực hiện mô hình được đầu tư kỹ lưỡng từ cây giống, hỗ trợ hệ thống tưới, cử cán bộ đi cơ sở hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân… Từ đó hình thành các mô hình mẫu, để nông dân địa phương học tập và nhân rộng mô hình.

Xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ

Đánh giá tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất về tư vấn, hỗ trợ tỉnh Phú Yên phát triển vùng trồng cây ăn quả, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay, diện tích các loại cây ăn quả trồng phân tán, rải rác ở các huyện, diện tích từng loại còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa trở thành hàng hóa. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu còn hạn chế; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư. Do vậy, Phú Yên đang triển khai đề án Xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Phú Yên phát triển lĩnh vực này.

Tại buổi làm việc và trực tiếp đi khảo sát thực tế các mô hình cây ăn quả tại các huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trên hành trình Sơn La đến thành công trong ngành Nông nghiệp như ngày nay, nhất là về lĩnh vực cây ăn quả. Đồng chí Hoàng Văn Chất cho rằng, Phú Yên cần quan tâm vấn đề chọn cây trồng phải hợp lòng dân, trồng cây gì thì phải chăm lo để phát triển theo chuỗi và đặc biệt là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu tỉnh đề ra.

Theo đề án Xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, Phú Yên sẽ phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

“Đến nay, toàn tỉnh có 2 vùng trồng sầu riêng tại xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) với diện tích hơn 55ha và 1 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu là Công ty TNHH MTV Mangala HC - Chi nhánh 2 tại phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) đã được Cục Bảo vệ thực vật chấp nhận hồ sơ và đang gửi đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chờ phê duyệt, cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện ngành Nông nghiệp đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả để xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả theo chuẩn nông nghiệp sạch, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh hiện có 9 sản phẩm là cây ăn quả được công nhận đạt chuẩn OCOP 3-4 sao. Sản phẩm đạt chất lượng OCOP sẽ đưa lên wesite thương mại điện tử của tỉnh để giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để người tiêu dùng cả nước biết đến.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT: Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh thu hút các nguồn lực phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm trái cây để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường; đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng tập trung, bền vững. Cùng với đó, tỉnh sẽ từng bước thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất cây ăn quả.

NGỌC HÂN

 

Trồng ổi an toàn cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

Những năm qua, xã Tân Quang (TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đã khuyến khích, vận động nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, mô hình trồng ổi theo hướng an toàn đang được nhân dân trong xã phát triển và nhân rộng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập.

 

 

Bình quân 1ha trồng ổi cho thu hoạch trên 40 tấn/năm, với giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Là một trong những người đầu tiên đưa giống ổi lê Đài Loan về trồng tại địa phương, anh Doãn Văn Nguyên, ở xóm Bài Lài, xã Tân Quang, cho biết: Trồng ổi nhanh cho thu hoạch, giá bán lại ổn định nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với một số loại cây ăn quả khác. Đặc biệt, giống ổi lê Đài Loan dễ trồng, ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao và có thể thu hoạch quanh năm nếu được chăm sóc tốt.

Với diện tích hơn 1ha ổi, hằng năm, gia đình anh Nguyên thu về trên 100 triệu đồng. Hiện nay, anh cũng đã cải tạo một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng ổi lên thêm hơn 4.000m2.

Nói về cây ổi trên đất Tân Quang, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Cách đây chừng 10 năm, cây ổi đã được trồng rải rác trên địa bàn xã, tuy nhiên, phát triển mạnh thì phải từ năm 2018. Đến nay, toàn xã có khoảng 6ha ổi, chủ yếu là giống ổi lê Đài Loan, ổi Nữ Hoàng, ổi Đông Dư… Đặc biệt, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi những chân ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ổi nhằm nâng cao thu nhập. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cùng kỹ thuật chăm sóc tốt, cây ổi trên vùng đất Tân Quang được đánh giá có chất lượng ngon, giòn, đậm vị, mang lại thu nhập khá cho người dân.

Nhận thấy việc trồng ổi mang lại hiệu quả, năm 2021, Tổ hợp tác (THT) trồng cây ăn quả xã Tân Quang được thành lập, thu hút 13 thành viên ở các xóm Bài Lài, Tân Mỹ 1 và Tân Mỹ 2 tham gia sản xuất ổi, với quy mô 5ha. Khi tham gia THT, người dân được tư vấn, hướng dẫn kỹ hơn về kỹ thuật trồng, chăm sóc ổi theo hướng an toàn, quy trình VietGAP.

Theo đó, sản phẩm ổi được kiểm soát chặt chẽ, tỉ mỉ ở từng khâu, từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch quả. Quá trình chăm sóc, người dân đều sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Không chỉ sản xuất ổi chính vụ, bà con trong xã đã học hỏi được kỹ thuật sản xuất trái vụ cho thu hoạch quả quanh năm. Nhờ đó, giá trị cây trồng được nâng cao.

Đến nay, sản phẩm ổi của xã Tân Quang đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi ha trồng ổi cho thu hoạch trên 40 tấn/năm, với giá bán dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, người dân thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Với anh Nguyễn Văn Nghìn, ở xóm Tân Mỹ 1, từ 5 năm nay, hơn 2.500m2 trồng ổi đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng ổi, anh Nghìn cho biết: Quả ổi khi bằng ngón tay cần được bọc 2 lớp, lớp ngoài là nilon chống sâu và côn trùng phá hoại, lớp trong là xốp mỏng để giữ cho quả được bóng đẹp, không bị trầy xước. Việc này cũng hạn chế sâu bệnh xâm nhập, côn trùng đẻ trứng và tránh thuốc bảo vệ thực vật không may bị vướng vào. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tuy phải tuân thủ quy trình chăm sóc khắt khe, song đầu ra thuận lợi hơn rất nhiều. Ổi của gia đình thu hoạch đến đâu đều được tiểu thương, người dân trên địa bàn thành phố tiêu thụ hết đến đó.

Tân Quang hiện có trên 15ha cây ăn quả các loại. Những năm gần đây, xã xác định cây ổi là một trong những cây trồng mũi nhọn tại địa phương, mang lại thu nhập khá cho bà con. Từ những hiệu quả kinh tế mang lại, Tân Quang đang tập trung xây dựng sản phẩm ổi đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Trịnh Phương

 

Hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây chanh dây

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai) vừa có hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây chanh dây.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 4.731,4 ha cây chanh dây (trong đó có khoảng 2.669,8 ha trồng thuần và 2.061,6 ha trồng xen). Tính đến ngày 22-5, đã có 86 ha chanh dây bị sâu bệnh gây hại; trong đó, bệnh vi rút gây hại xuất hiện tại huyện Chư Prông, Chư Pưh với diện tích nhiễm 60 ha; ruồi đục quả gây hại tại huyện Chư Prông với diện tích nhiễm 18 ha; bệnh sương mai gây hại tại huyện Đak Đoa với diện tích nhiễm 8 ha.

 

 

Nông dân Gia Lai chăm sóc vườn chanh dây. Ảnh: L.H

Để triển các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh dây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Phòng Kinh tế/Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân trồng cây chanh dây khẩn trương tập trung triển khai các biện pháp phòng trừ sau:

Áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây chanh dây. Sử dụng cây giống của những cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chuyên môn cấp phép. Cây giống trước khi trồng phải đảm bảo chứng nhận sạch vi rút và không nhiễm các nấm bệnh truyền qua đất như Fusarium, Phytophthora,...

Biện pháp canh tác: Thu dọn sạch sẽ cỏ dại, tàn dư thực vật, nhổ bỏ các cây là ký chủ của vi rút và môi giới truyền bệnh như cỏ xuyến chi, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, su su, cà tím, ớt... trên khu vực dự định trồng chanh dây. Trước khi trồng cây phải xử lý đất để diệt trừ mầm sâu, bệnh bằng cách cày sâu 35-40 cm, bừa kỹ 2 lần, nhặt sạch cỏ dại và tàn dư thực vật khác. Xử lý mối, tuyến trùng và các sâu hại dưới đất bằng thuốc bảo vệ thực vật trước khi trồng. Khử trùng đất bằng vôi bột với lượng 0,5 kg/hố trước khi trồng ít nhất 15 - 20 ngày.

Mật độ trồng chanh dây dao động từ 600-800-1.000 cây/ha (6 m x 3 m, 4 m x 3 m, 3 m x 3 m) tùy điều kiện đất đai, khí hậu.

Thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm, thu gom và tiêu hủy triệt để các bộ phận của cây bị nhiễm sâu, bệnh hại, loại bỏ và thay thế các cây có biểu hiện của bệnh virus như xoăn, vàng lá và ngọn. Hàng năm, khử trùng vườn bằng vôi bột với lượng 500 kg/ha (chia làm 2 lần), rắc toàn bộ vườn hoặc rắc vào các rãnh thoát nước để khử trùng nguồn bệnh và nâng cao độ pH của đất đảm bảo từ 5,5-7,7.

Sau thu hoạch cắt toàn bộ các cành trên mặt giàn đã cho quả. Để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Khi chồi mới nhú ra từ 2 - 3 cm cần phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh để bảo vệ các chồi non.

Bảo vệ cây tránh môi giới truyền bệnh virus sau khi trồng bằng cách làm lồng lưới. Sử dụng phân bón theo hướng cân bằng dinh dưỡng, ứng dụng công nghệ sinh học để phòng trừ sâu bệnh; sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…

Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật đối kháng như nấm Trichoderma, xạ khuẩn Steptomyces, vi khuẩn Bacillus, thảo mộc trừ tuyến trùng chứa các hoạt chất saponin, ankaloid, nấm ký sinh côn trùng Metarhizium... và các vi sinh vật có ích khác để phòng trừ nấm và tuyến trùng gây hại trong đất.

Các chế phẩm sinh học có thể bón kết hợp với các đợt bón phân, hoặc rắc chế phẩm (trong vùng rễ) rồi phủ lớp đất lên. Trong mùa khô có thể hòa chế phẩm sinh học trong nước để tưới. Thời kỳ trước và sau mùa mưa nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma nồng độ 0,5% tưới vào gốc từ 3 - 4 lần/vụ, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày.

Sử dụng bẫy dính vàng để bắt côn trùng trong vườn, mật độ đặt bẫy từ 15-20 bẫy/ha, treo cách mặt đất 1,2-1,5 m.

 

 

Vườn cây chanh dây đầu dòng của Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Biện pháp hoá học: Đối với nhóm bệnh hại do nấm (bệnh đốm nâu, thối thân thối quả, bệnh thối gốc - phình thân, bệnh thán thư): Khi bệnh mới chớm xuất hiện, sử dụng luân phiên thuốc có các hoạt chất như Tebuconazole, Mancozeb, Propineb, Metalaxyl, Dimethomorph, Difenoconazole, Azoxystrobin, Chlorothalonil, Fosetyl Aluminium, Copper oxychloride, Hexaconazole, để phòng trừ. Phun khi cây ra chồi mới hoặc vào đầu mùa mưa, bệnh nặng, cần phun lại lần 2 cách lần 1 khoảng 7 - 10 ngày.

Tưới, sục gốc, hoặc quét các loại thuốc có hoạt chất như Phosphonate, Fosetyl Aluminium, Mancozeb, Metalaxyl... lên các gốc chanh dây chớm bị bệnh thối gốc phình thân và các cây xung quanh 1 - 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa.

Đối với nhóm bệnh vi rút và côn trùng môi giới (rệp muội, bọ phấn, bọ trĩ): Treo bẫy dính vàng để dự tính dự báo sớm sự xuất hiện của các môi giới truyền vi rút, thường xuyên kiểm tra vườn để phòng trừ kịp thời. Trùm lưới là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ cây con khỏi các côn trùng gây hại, đặc biệt là các môi giới truyền vi rút từ khi mới trồng tới khi cây chuẩn bị lên giàn. Chỉ tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất: Spirotetramat, Abamectin, Emamectin benzoate để phòng trừ môi giới truyền virus ngay sau khi tháo bỏ lưới.

Nếu không trùm lưới bảo vệ cây trước khi trồng, phải phun phòng trừ các môi giới truyền vi rút như rầy, rệp, bọ phấn và côn trùng khác ngay sau khi trồng cây bằng thuốc có chứa các hoạt chất: Spirotetramat, Abamectin, Emamectin benzoate, Matrine... Sau đó có thể sử dụng các thuốc trên để phòng trừ khi điều tra thấy các côn trùng môi giới gây hại trong vườn.

Sau các đợt cắt tỉa khi cây bắt đầu ra lộc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất: Abamectin, Azadirachtin, Emamectin benzoate để phun phòng trừ côn trùng gây hại.

Đối với các loại nhện hại: Sử dụng luân phiên các thuốc có chứa hoạt chất như Abamectin Abamectin+Petroleum oil 39,7%,propargite, dầu khoáng,... phun ướt đều bề mặt lá và các bộ phận khác trên cây. Sau 3 - 5 ngày nếu thấy vẫn còn nhện cần phun nhắc lại lần 2.

Đối với ruồi đục quả: Dùng bẫy dính màu vàng hoặc bẫy dẫn dụ có hoạt chất Methyl Eugenol treo bên ngoài vườn, để dự báo sự xuất hiện của ruồi. Khi có ruồi vào bẫy, phun bã protein (Ento-Protein 150 DD). Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên phun bã protein đồng loạt trên diện rộng để tăng hiệu quả diệt ruồi.

TRẦN ĐỨC

 

Giá cà phê cao kỷ lục

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Giá cà phê hiện tăng 40% so với đầu niên vụ 2022-2023 và được xem là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Việc giá cà phê tăng cao đã giúp nhiều đơn vị gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Giá cà phê tăng cao kỷ lục

Từ giữa tháng 5 đến nay, giá cà phê tăng cao kỷ lục, có thời điểm lên đến 64 ngàn đồng/kg. Mức giá này được xem là cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh giá từ đầu niên vụ 2022-2023, cà phê trong nước có mức tăng đến 40%. Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai-cho biết: Hiện trên các sàn cà phê đang giao dịch quy đổi ra VND dao động ở mức 63-64 ngàn đồng/kg. Khi cà phê lên 50 ngàn đồng/kg đã là mức giá kỳ vọng của nông dân nên hiện lượng hàng trong dân không còn. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều kinh nghiệm, tình trạng bán trước-mua sau không còn nữa. Thay vào đó, khi có giá vốn, doanh nghiệp sẽ canh và “fix giá” bán luôn, không đầu cơ dài hạn như trước đây.

Hiện nay, đối với ngành hàng cà phê xuất khẩu, gần như các doanh nghiệp đều cân đối được lượng hàng xuất khẩu và cơ bản đáp ứng các hợp đồng đã ký với đối tác. Mọi năm, giá bán trong nội địa lên hay xuống dựa vào giá xuất khẩu, còn năm nay thì không. Trường hợp doanh nghiệp “cháy” hợp đồng thì giá nào họ cũng sẽ mua, chấp nhận lỗ để giữ uy tín với đối tác nước ngoài.

“Nguồn cung cà phê chưa năm nào bất thường như vậy và giá tăng đột biến theo tôi chủ yếu là do các quỹ đầu cơ trên thế giới đã chi phối. Chứ trên thực tế không đến nỗi thiếu hàng nghiêm trọng như vậy. Tuy nhiên, giá cà phê sẽ không trụ ở mức cao như hiện nay và dự kiến quay lại giá trị thực trong tháng 7, 8 khi Brazil (quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới) bắt đầu vào vụ thu hoạch. Cùng với đó, một số quốc gia trồng cà phê cũng sẽ vào vụ thu hoạch, cho đến tháng 10 là vụ mới của Việt Nam. Khi nguồn cung dồi dào buộc các quỹ đầu cơ phải tất toán, lúc đó, giá sẽ giảm lại. Song, để giá rớt dưới mức 40 ngàn đồng/kg như những năm trước là rất khó. Bởi Việt Nam đang đứng đầu về xuất khẩu cà phê Robusta nên có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cà phê trên thế giới. Trong khi đó, sản lượng sẽ không tăng vì hiện nay, người trồng cà phê đã bắt đầu xen canh rất nhiều nên năng suất giảm đi, chưa kể việc chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả đã thu hẹp diện tích cà phê”-ông Thành nhận định.

Theo các doanh nghiệp cà phê, 3 yếu tố cực kỳ quan trọng tác động đến giá mặt hàng này trên thị trường gồm: quan hệ cung-cầu, yếu tố đầu cơ và quy luật giá trị. Hiện nay, diễn biến giá cà phê theo nhiều doanh nghiệp là do yếu tố đầu cơ. Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam-cho rằng: Chính sách thắt chặt tín dụng ở thời điểm đầu vụ khiến nhiều doanh nghiệp cà phê bị thiếu vốn nên không đủ sức thu mua hàng phục vụ sản xuất. Trong khi đó, với tiềm lực vốn rất mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài đã tranh thủ thời cơ này đẩy mạnh thu gom một lượng lớn hàng nên sản lượng cà phê trong nội địa gần như không còn nữa. Nếu không chủ động được nguồn vốn kinh doanh chắc chắn doanh nghiệp không thể chủ động được nguồn hàng để tồn kho và sản xuất liên tục cho tới niên vụ mới. Một nguyên nhân nữa là diện tích chuyển đổi cây trồng quá lớn, rồi tình hình biến đổi khí hậu khiến năng suất, sản lượng cà phê giảm đáng kể.

Ở thời điểm ngân hàng khóa room tín dụng, nhiều doanh nghiệp thu mua cà phê gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn, do đó, lượng hàng thu mua không lớn như mọi năm. Bà Hà Thị Gái-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Gái Thành (huyện Đak Đoa) cho hay: “Giá cà phê ở mức trên 60 ngàn đồng/kg thời điểm này là điều không thể đoán được. Hiện nay, sản lượng cà phê trong dân và doanh nghiệp không còn vì đa phần khi giá lên mức trên 40 ngàn đồng/kg đã bán gần như hết. Với doanh nghiệp cũng vậy, vì cần tiền quay vòng vốn nên đã bán hết lượng cà phê thu mua”.

Gia tăng giá trị xuất khẩu

Ông Thành thông tin thêm: Niên vụ 2022-2023, Công ty Hoa Trang bán ra thị trường khoảng 57 ngàn tấn cà phê nhân, tổng doanh thu đạt khoảng 2.600 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng xuất khẩu hơn 45 ngàn tấn với kim ngạch đạt khoảng 82 triệu USD, còn lại là bán nội địa. So với niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê tiêu thụ giảm khoảng 10% nhưng giá trị kim ngạch lại tăng khoảng 5%. Đến thời điểm này, Công ty đã đảm bảo hàng giao theo hợp đồng. Dự kiến hoạt động xuất khẩu của Công ty sẽ kết thúc trong tháng 6, sau đó đóng cửa nhà máy trong 3 tháng để bảo dưỡng, bảo trì.

Tình trạng thiếu hụt nguồn hàng cho các hợp đồng xuất khẩu gần như không xảy ra đối với các doanh nghiệp ở Gia Lai. Bởi lẽ, thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đã cơ bản hoàn tất hợp đồng ký trước đó với đối tác. Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: 5 tháng đầu năm nay, Công ty xuất khẩu trên 100 ngàn tấn cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê hòa tan, tương ứng kim ngạch hơn 200 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng giảm khoảng 10% nhưng giá trị lại tăng 5%. Dự kiến trong tháng 6, Công ty sẽ giao hết theo các hợp đồng. Để chủ động nguồn hàng có chất lượng phục vụ xuất khẩu bình quân khoảng 160 ngàn tấn/năm, Công ty đã liên kết sản xuất trên diện tích 25 ngàn ha, mỗi năm sản lượng đạt khoảng 75 ngàn tấn, còn lại Công ty thu mua lại từ các doanh nghiệp, đại lý.

 

 

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mỗi năm mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 300 triệu USD. Ảnh: Vũ Thảo

Trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, ông Hiệp cho rằng: Hiện nay, các chính sách tín dụng đối với ngành cà phê chưa thật sự tạo thuận lợi để doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, cộng với biến đổi khí hậu khiến cây cà phê chịu tổn thất rất lớn. Việc giá tăng là tín hiệu tích cực để người dân không phá bỏ cà phê chuyển sang cây trồng khác. Ở chiều ngược lại, nếu giá cà phê xuống thấp đồng nghĩa với việc sản lượng ngày càng giảm, từ đó nguồn cung cho xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn. Hiện nguồn nguyên liệu nội địa không còn nên từ nay đến đầu vụ mới, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tạm ngừng hoạt động, từ đó tác động đến kim ngạch xuất khẩu cà phê.

Muốn ngành cà phê phát triển bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn, cần có các gói sản phẩm dành riêng cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Gia Lai hiện có khoảng 98.700 ha cà phê, năng suất đạt 30,2 tạ/ha, sản lượng 267.428 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, doanh nghiệp tham gia ngành hàng cà phê xuất khẩu không nhiều nhưng đa phần có quy mô lớn và là những đơn vị xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 360 triệu USD (đạt 52,94% kế hoạch, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt sản lượng 150 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 305 triệu USD (tăng 1,67% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022), chiếm hơn 84% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng là do giá cà phê tăng ổn định từ đầu năm đến nay đã thúc đẩy các doanh nghiệp của tỉnh gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, những tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do đã tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, nhất là khu vực EU.

VŨ THẢO

 

Duy trì trồng cây ca cao xen trong vườn dừa

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

 

Hơn 15 năm, ông Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1955, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 13, khu phố Phước Trung, thị trấn Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) đã trồng cây ca cao xen trong vườn dừa. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn mặn, việc chăm sóc cây ca cao gặp không ít khó khăn, nhưng ông Sáu quyết gắn bó với mô hình trồng cây ca cao xen vườn dừa.

 

 

Ông Nguyễn Văn Sáu bên cây ca cao trồng xen dừa của gia đình.

Năm 2005, ông Nguyễn Văn Sáu trồng 300 cây ca cao xen trong vườn dừa của dự án 10 ngàn héc-ta ca cao của tỉnh, với giá hỗ trợ 7 ngàn đồng/cây. Năm 2020, hạn mặn diễn ra gay gắt ở tỉnh đã gây chết hơn 100 cây ca cao của ông. Để đối phó với hạn mặn, ông Sáu vận động người thân đắp đê bao và thuê khoan cây nước, với chi phí 3,5 triệu đồng để phục vụ tưới tiêu quanh năm. Khoảng 3 tháng trước, ông Sáu mua thêm 100 gốc ca cao tháp bo để trồng bổ sung những chỗ cây đã chết do hạn mặn, với giá 17 ngàn đồng/gốc. Ông còn triển khai bó nhánh, được khoảng 100 nhánh đang trong giai đoạn ra rễ để nhân rộng thêm những chỗ trống trong vườn nhà.

Trên diện tích 3 công đất, ông Sáu trồng dừa. Khi dừa sinh trưởng, phát triển ổn định, ông Sáu trồng xen ca cao vào khoảng trống giữa 2 cây dừa. Khi cây ca cao cho trái, ông bán trái cho vựa thu mua ở gần nhà, giá 5,5 ngàn đồng/kg. Trung bình ông thu hơn 2 triệu đồng/tháng từ việc thu hoạch ca cao. Ông cũng thu hoạch từ 300 - 400 trái dừa/lứa (1,5 tháng), giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Ca cao có trái quanh năm nhưng khi trời mưa giúp đất ẩm là điều kiện tốt cho cây ra hoa và kết trái. Trung bình, ông Sáu bón phân pha trộn giữa NPK 20-20-15 và Ure cho ca cao 2 lần/năm vào đầu và cuối năm, chừng 1,5 bao/đợt (30kg/bao). Ngoài ra, tùy lượng phân chuồng (phân heo) đã qua xử lý thì ông Sáu bón cho ca cao cùng dừa, 1 lần/năm. Chừng 3 - 4 tháng, ông Sáu tỉa đọt, loại bỏ những nhánh um tùm để cây thu nhận nguồn ánh sáng sinh trưởng và phát triển tốt.

“Cây ca cao dễ trồng và mang lại nguồn thu ổn định nên tôi duy trì trồng, tuyệt đối không đốn bỏ. Theo tôi, trồng cây ca cao xen trong vườn dừa là bước phát triển bền vững trước sự biến động giá cả của thị trường”, ông Sáu chia sẻ.

Phó chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phước Mỹ Trung Trần Văn Mến cho biết: Ở địa phương, người dân trồng ca cao phổ biến nhưng diện tích trồng rất ít, số lượng nhỏ lẻ. Riêng ông Nguyễn Văn Sáu vẫn duy trì trồng ca cao xen canh dừa, tạo thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: Lê Đệ

 

Lão nông 74 tuổi tâm huyết với cây chè Shan tuyết trên đỉnh đèo Gió

Nguồn tin: Báo Hà Giang

 

Câu chuyện lão nông 74 tuổi Hoàng Thanh Ngọc ở thôn Bản Vẽ (Hà Giang) vẫn hàng ngày say mê, tâm huyết với cây chè Shan tuyết, từng bước đưa sản phẩm địa phương tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước đã được người dân xã Nà Chì (Xín Mần) lan tỏa.

 

 

Ông Hoàng Thanh Ngọc hàng ngày vẫn đi hái chè để chế biến sản phẩm chè Bản Vẽ.

Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Nà Chì, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hoàng Thanh Ngọc. Con đường ngoằn ngoèo, bám theo sườn núi, dốc đá cheo leo, cách trung tâm xã gần 7 km.

Sau hơn 1 tiếng đi xe máy, chúng thôi đã đến được ngôi nhà của ông. Ngôi nhà sàn theo phong cách truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, phía trước nhà là những thửa ruộng lúa bậc thang đang thì con gái, phía sau là đồi chè xanh ngắt. Thấy chúng tôi đến, ông Ngọc gác lại công việc, ngồi trò chuyện, tâm sự về chuyện làm chè trên đỉnh núi. Rót chén trà còn phả hơi nóng, ông Ngọc chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Bản Vẽ, cuộc sống của gia đình gắn liền với cây chè Shan tuyết. Nhiều cây chè cổ thụ đã có từ trước khi tôi sinh ra và đang phát triển tốt đến bây giờ. Cây chè Bản Vẽ sinh trưởng và phát triển trên đỉnh đèo Gió, nơi giao thoa giữa đất trời, khí hậu mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ, vì thế sản phẩm chè Bản Vẽ luôn có sự khác biệt so với các vùng chè khác. Hiện nay, những cây chè cổ thụ được người dân xem là sản vật quý báu mà cha ông để lại. Từ những gốc chè cổ này trải qua nhiều đời các hộ dân đã nhân rộng những đồi chè xanh tươi, tạo nên một nguồn sinh kế quan trọng cho gia đình tôi cũng như bà con trong thôn.

Dẫn chúng tôi ra thăm đồi chè của gia đình, ông Ngọc hào hứng chỉ những cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi gấp nhiều lần so với tuổi của ông. Những búp chè Shan tuyết tươi non mơn mởn đua nhau vươn lên. Ông Ngọc cho biết thêm: Cây chè ở đây hoàn toàn phát triển tự nhiên, không sử dụng bất cứ một loại chất kích thích nào. Người làm chè ở Bản Vẽ luôn tâm niệm rằng “Để có được chè ngon thì phải hái được chè tốt, làm được chè tốt”, để khách hàng sử dụng được chè sạch từ khâu chế biến đến khi hoàn thành sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, hương vị chè Bản Vẽ khi pha có hương thơm dịu, có màu nước xanh nõn chuối pha với màu nâu cánh dán nhạt. Khi uống có vị chát nhẹ nhàng, vị ngọt hậu riêng biệt. Đến nay, chè Bản Vẽ của gia đình ông Hoàng Thanh Ngọc có thị trường tiêu thụ khắp cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng, đặt hàng quanh năm. Nhiều khách hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác sau khi thưởng thức chè Bản Vẽ đã liên hệ đặt hàng làm thức uống hàng ngày và làm quà tặng với nhiều sản phẩm như: Hồng trà, Bạch trà và trà Phổ Nhĩ. Với giá bán 200 nghìn đồng/kg, được cho là “bình dân” phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, nên sản phẩm chè Bản Vẽ chế biến ra bao nhiêu được đặt hàng mua bấy nhiêu.

Hiện, gia đình ông Hoàng Thanh Ngọc sở hữu gần 5 ha chè Shan tuyết, nếu chè không có sâu bệnh thì một năm cũng cho thu hoạch được khoảng 1 tấn chè khô, thu nhập của gia đình trung bình đạt gần 300 triệu đồng/năm. Thôn Bản Vẽ có khá nhiều hộ trồng chè, tổng diện tích chè của cả thôn trên 50 ha. Năm 2020, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên một số diện tích trồng ngô kém hiệu quả, ông Hoàng Thanh Ngọc đã mạnh dạn đi đầu trong việc đưa cây chè Shan tuyết nhân rộng thay thế diện tích ngô để tăng diện tích vùng nguyên liệu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa. Hiện tại, số diện tích chè trồng mới đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch, mang lại thu nhập cho gia đình.

Bài, ảnh: VĂN LONG

 

Lào Cai: Chuyện vui - buồn ở ‘thủ phủ’ sa nhân Nậm Chảy

Nguồn tin: Báo Lào Cai

 

Trong vài năm gần đây, sa nhân được coi là cây giúp “xóa đói, giảm nghèo” đối với nhiều hộ ở xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai). Tuy nhiên thời gian qua, cây sa nhân liên tục mất mùa, mất giá khiến nhiều hộ phải chặt bỏ dù còn “nặng lòng” hy vọng.

Một thời hoàng kim

Được đánh giá là cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng truyền thống nên trong một thời gian ngắn, cây sa nhân đã tạo nên “cơn sốt” đối với người dân huyện Mường Khương, tổng diện tích lên đến gần 1.368 ha, được trồng tại 16/16 xã, thị trấn, trong đó diện tích thu hoạch năm 2022 là 1.100 ha, năng suất trung bình 1,5 tấn/ha, sản lượng đạt 1.650 tấn, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, giá trị sản lượng ước đạt 74,25 tỷ đồng.

Xã Nậm Chảy được coi là địa phương đi đầu trong phát triển cây sa nhân hàng hóa của huyện. Được trồng trên diện rộng từ năm 2015, cây sa nhân nhanh chóng giúp nhiều hộ ở Nậm Chảy thoát nghèo và đến năm 2018 thì nơi đây được coi là “thủ phủ” của cây dược liệu này.

 

 

Theo nhiều hộ trồng, khi sa nhân được giá, 1 kg quả tươi có giá tới 250.000 đồng. Người dân Nậm Chảy cũng vì thế mà bảo nhau trồng. Nhiều diện tích rừng sản xuất, nương ngô được chuyển sang trồng sa nhân. Nhất là thời điểm quả sa nhân được giá, bất kỳ khoảng trống nào từ đồi cao, nương ngô đến ven bờ suối cũng thấy cây trồng này. Đến năm 2016, toàn bộ 11 thôn của xã trồng cây sa nhân và năm 2018 là thời điểm “hoàng kim” nhất của cây sa nhân tại xã, diện tích đạt gần 500 ha. Khi ấy, ai cũng nghĩ cây sa nhân sẽ mang lại lợi ích kép, có nhiều triển vọng và cho thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ thậm chí đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống lò sấy bằng than để chủ động bảo quản quả.

Niềm vui… chẳng tày gang

Tưởng rằng cây sa nhân sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân Nậm Chảy, nhưng khi người trồng sa nhân đang mải mê “ôm mộng” đổi đời thì thị trường bị “dội gáo nước lạnh”. Từ cuối năm 2019, thương nhân Trung Quốc bắt đầu hạn chế thu mua, có thời điểm dừng mua. Vụ sa nhân trong 2 năm qua có giá quả tươi chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, bằng 1/10 giá những năm trước.

Theo một số tiểu thương thu mua sa nhân, trước kia quả sa nhân được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dưới hình thức kinh doanh biên mậu, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, phía Trung Quốc tăng cường quản lý xuất - nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, đồng thời thực hiện chặt chẽ truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản Việt Nam. Trong khi đó, quả sa nhân chưa có trong danh mục nông sản Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nên không thể làm thủ tục xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn. Còn nếu xuất qua nước thứ 3 rồi đưa vào thị trường Trung Quốc thì chi phí trung gian cho việc bảo quản, chuyển tải, giao dịch tăng nhiều, khiến lợi nhuận giảm.

 

 

Đến các thôn của xã Nậm Chảy, phóng viên ghi nhận, do đầu ra cho quả sa nhân khó nên việc chăm sóc cây sa nhân không còn được quan tâm như trước, cây chủ yếu sống nhờ “nước trời”. Thậm chí tại nhiều nơi, cây sa nhân đã bị người dân chặt bỏ, đốt hàng loạt. Một số hộ vay vốn mua giống trồng cây sa nhân nay rơi vào thế mắc kẹt: Để thì mất công chăm mà chặt đi thì tiếc.

Mặc dù là người trồng cây sa nhân lâu năm tại địa phương nhưng anh Lèng Sử Hòa (thôn Lùng Phìn A) cũng không biết vì lý do gì mà vài năm nay vườn sa nhân không đậu quả như trước. Ngoài ra, giá sa nhân thấp nên gia đình anh quyết định phá bỏ phần lớn để trồng cây khác. Anh Hòa cho biết: Từ năm 2017, gia đình tôi trồng hơn 2 ha sa nhân, thu nhập mỗi vụ hơn 100 triệu đồng. Nhưng 2 năm gần đây giá thấp, chỉ được 25.000 đồng/kg nên tôi đã chặt bỏ và chuyển sang trồng cây khác như ngô, chuối.

Gia đình anh Tẩn Si Phủ ở thôn Sảng Lùng Phìn cũng đứng ngồi không yên. Anh dẫn chúng tôi đi thăm vườn sa nhân mà chỉ cách đây 2 năm từng mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Anh rầu rĩ bảo năm nay nắng hạn kéo dài, cây sa nhân ra rất ít hoa, báo trước một vụ mùa thất thu. “Cây đậu quả ít, giá bán tụt thảm hại. Nếu thời gian tới cây sa nhân không còn hiệu quả, tôi đành phải chặt bỏ và chuyển sang trồng ngô”, anh Phủ nói.

 

 

Cơ sở sấy quả sa nhân tại xã Nậm Chảy được đầu tư xây dựng với số vốn hàng trăm triệu đồng có nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

Trao đổi với phóng viên, ông Cư Thọ, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy cho biết: Ngay từ khi cây sa nhân du nhập về địa phương, chúng tôi đã xác định đây là loại cây trồng có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng. Đặc biệt, hiện nay loại quả này chưa có trong danh mục xuất khẩu sang Trung Quốc nên đầu ra bấp bênh. Vì vậy, chính quyền xã không khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Tới đây, xã tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi dần diện tích sang trồng cây khác để tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Sau một thời gian gắn bó với cây sa nhân, nhiều hộ như gia đình anh Hòa, anh Phủ ở xã Nậm Chảy bắt đầu chặt bỏ để chuyển sang trồng cây khác. Đây là bài học cần được người dân và chính quyền địa phương rút ra để tránh điệp khúc “trồng rồi chặt”. Thực tế đã chứng minh khi một cây trồng mới xuất hiện mà không có sự kiểm chứng về sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường tiêu thụ… để phát triển bền vững thì chỉ có lợi trước mắt và một số ít người được lợi nhờ bán cây giống, còn đa phần những người theo sau sẽ thua trắng.

Phạm Vũ Sơn - Lê Nam

 

Anh nông dân Khmer thành công với mô hình đa dạng vật nuôi, cây trồng

Nguồn tin:  VOV

 

Với sự cần cù, chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, anh Thạch Chanh Đô Ra, người dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng hàng năm có doanh thu từ việc trồng lúa, trồng dừa, nuôi bò, cá, rắn ri voi… lên tới vài trăm triệu đồng. Anh cũng là một trong những nông dân điển hình trong phát triển kinh tế của huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Anh Thạch Chanh Đô Ra quê ở ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành. Đây là địa phương kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp là chính. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân nên anh Đô Ra rất cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Năm 2007, anh lập gia đình và ra ở riêng, được cha mẹ 2 bên cho được 4 công đất ruộng. Anh Đô Ra luôn ấp ủ phải nỗ lực vươn lên để kinh tế gia đình khá giả hơn, thế là anh chọn khởi nghiệp từ mô hình làm nông nghiệp ngay tại quê hương mình.

Nói là làm, anh vừa trồng lúa vừa làm thêm nhiều nghề khác, tiết kiệm được bao nhiêu, anh đầu tư mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Đến nay, anh đã có cho mình hơn 3ha đất nông nghiệp. Sau nhiều lần suy nghĩ và tìm tòi học hỏi thực tế từ các mô hình làm kinh tế trong và ngoài địa phương và cả trên mạng internet, anh Đô Ra đã chọn mô hình đa dạng cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.

 

 

Mô hình nuôi rắn ri voi của anh Thạch Chanh Đô Ra

“Nếu như mình chọn trồng hay nuôi chuyên canh một thứ thì rủi ro rất cao. Nếu như thất hay là bán không được giá thì sẽ rất khó. Mình chọn nuôi, trồng đa dạng như vậy thì nếu như có một thứ nào đó không đạt, vẫn còn thứ khác hỗ trợ vào. Làm nhiều thứ một ít như vậy, giá ổn định thì tốt hơn”, anh Đô Ra chia sẻ.

Thế là anh cải tạo đất gần 5.000m2 để làm mô hình vườn-ao-chuồng. Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, anh Đô Ra chọn những cây trồng và vật nuôi dễ chăm sóc nhưng cho giá trị kinh tế ổn định và bền vững.

Anh Đô Ra chia sẻ, xung quanh vườn anh trồng hơn 100 gốc dừa. Dừa không phải chăm sóc, chủ yếu cây sinh trưởng tự nhiên. Mỗi tháng có thương lái đến thu mua trái tận nơi, thu nhập cũng từ 1,5-2 triệu đồng/tháng. Dẫn chúng tôi tham quan chuồng trại chăn nuôi bò thịt, anh Đô Ra cho biết thêm, vài ngày trước, gia đình vừa thu về 24 triệu đồng từ việc bán 2 con bò thịt, giờ chỉ còn lại 2 con để tiếp tục nhân giống, sinh sản.Với chăn nuôi bò, cứ từ 1 năm rưỡi đến 2 năm anh lại bán một đợt, thu về cũng vài chục triệu đồng, tùy từng thời điểm, giá thị trường khác nhau. Riêng phân bò, anh sử dụng làm phân hữu cơ, tận dụng bón cho diện tích trồng cỏ nuôi bò và cây dừa. Anh còn đào thêm ao nuôi cá sặc rằn và ốc bươu đen, mỗi năm thu hoạch cũng kiếm gần 20 triệu đồng.

“Với cây dừa, đầu tiên là dễ trồng, dưới gốc dừa mình có thể trồng được cỏ nuôi bò, còn phân bò thì mình tận dụng ủ làm phân hữu cơ bón lại cho cây dừa và cỏ. Còn trong ao có trồng bông súng, nuôi cá, ốc, là có thêm thu nhập. Tôi chọn cây trồng, vật nuôi này vì như dừa, dù có mưa bão thì mình cũng không sợ bị thiệt hại, dừa cho trái quanh năm. Đối với cá, ốc thì rất phù hợp môi trường ở nông thôn, vì vậy tôi chọn trồng vật nuôi này vì thấy hiệu quả”, anh Đô Ra nói.

Anh Đô Ra còn nuôi hơn 20 con rắn ri voi sinh sản. Theo chia sẻ của Đô Ra, rắn ri voi là loại dễ nuôi, công chăm sóc không nhiều, chi phí thấp, chỉ bỏ công làm lời, lợi nhuận cao. Mỗi con rắn con 1 tháng tuổi anh bán cho khách 50.000 đồng, nuôi càng lớn giá càng cao. Hàng năm anh thu lợi nhuận từ việc bán rắn con cũng từ 15-20 triệu đồng.

Bên cạnh mô hình vườn - ao - chuồng cho thu nhập khá và ổn định, anh Đô Ra còn có nguồn thu nhập chính từ 20 công đất trồng lúa. Để nâng cao năng suất và giá trị kinh tế, những năm qua, anh Đô Ra tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, anh cũng chuyển từ sản xuất lúa thường sang trồng loại lúa chất lượng cao. Điển hình như vụ lúa Đông Xuân vừa qua, anh tập trung canh tác giống lúa Đài Thơm 8, mỗi công (1 công = 1.300m2) anh thu về 1,1 tấn lúa hàng hóa, thương lái thu mua 6.700 đồng/kg, trừ chi phí xong, anh có lợi nhuận 80 triệu trên diện tích 20 công.

Ông Sơn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành nhận xét, việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, giúp anh Đô Ra tránh được rủi ro, biến động của thị trường cũng như tận dụng tối đa thời gian sản xuất, đồng thời, còn sử dụng hiệu quả các phế phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi.

Đối với mô hình của anh Đô Ra, trong thời gian nhàn rỗi từ làm ruộng thì anh cũng chịu khó tìm tòi, học hỏi tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả, rồi anh đầu tư trồng hơn 100 gốc dừa, bên cạnh đó, đào ao nuôi cá, nuôi ốc, tìm tòi kỹ thuật nuôi rắn ri voi. Với mô hình đa cây, đa con như vậy, mỗi thứ tích cóp một chút thì cũng cho hiệu quả kinh tế cho gia đình”, ông Sơn Minh Hoàng đánh giá.

Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao là hướng đi đang được nhiều nông dân thực hiện. Mô hình trồng trọt kết hợp với nuôi bò, cá, rắn ri voi… của anh Thạch Chanh Đô Ra là một điểm sáng được không ít hộ nông dân tại xã Thuận Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng học tập, áp dụng./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

 

Thái Bình: Nghiệm thu mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo Thái Bình

 

Ngày 1/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình tổ chức nghiệm thu mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản an toàn sinh học tại hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

 

 

Đoàn nghiệm thu tại mô hình của ông Tạ Văn Sử, xã Hồng Dũng (Thái Thụy).

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản an toàn sinh học tại 4 hộ thuộc 2 xã: Hồng Dũng (Thái Thụy), Đông Trà (Tiền Hải) với quy mô 12.000 con vịt giống Star53. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần chi phí mua con giống, thức ăn chăn nuôi, vật tư thiết yếu đồng thời được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), hướng dẫn các quy định về điều kiện chăn nuôi, xử lý chất thải, công tác thú y, phòng chống dịch bệnh theo các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y... Chi cục cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi ngoài mô hình về quy trình chăn nuôi vịt thương phẩm áp dụng các biện pháp chăn nuôi VietGAHP.

Qua theo dõi, nghiệm thu, vịt thương phẩm cao sản chăn nuôi theo VietGAHP giảm tỷ lệ chết do mắc bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng kém (tỷ lệ nuôi sống đạt 95%), giảm tiêu tốn thức ăn (tỷ lệ tiêu tốn thức ăn khoảng 2,5kg/1kg tăng khối lượng), giảm chi phí trung gian, rút ngắn thời gian nuôi do đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi thông thường.

Mô hình cũng đã giúp người chăn nuôi nắm vững kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm theo quy trình VietGAHP, từ đó có hướng phát triển kinh tế cho gia đình cho các lứa vịt sau.

Ngân Huyền

 

Trường ĐH Nông Lâm TPHCM chuyển giao nuôi ruồi lính đen cho người dân

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

 

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM vừa vừa phối hợp huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mô hình nuôi ruồi lính đen (Hermetia illucens) cho người dân tại 2 xã Bình Nhì và Vĩnh Hựu.

Tại sự kiện, GS.TS Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học công nghệ, trường ĐH Nông Lâm đã chia sẻ, hướng dẫn về quy trình của mô hình nuôi ruồi lính đen từ phụ phẩm nông nghiệp. Theo GS.TS Dương Nguyên Khang, ruồi lính đen là loại côn trùng an toàn, phân bổ khắp nơi trên thế giới và không mang các tác nhân gây bệnh như ruồi nhà, rất hữu ích cho chăn nuôi công nghiệp.

 

 

GS.TS Dương Nguyên Khang chia sẻ quy trình nuôi ruồi lính đen cho người dân.

Ruồi lính đen có vòng đời khoảng 45 ngày, từ trứng phát triển thành ấu trùng, rồi từ ấu trùng phát thiển thành nhộng, từ nhộng phát triển thành côn trùng và sinh sản. Ấu trùng ruồi lính đen sinh trưởng rất nhanh và thức ăn của chúng khá đa dạng như các loại thức ăn thừa; rác thải thực phẩm như vỏ trái cây, vỏ rau củ; phụ phẩm nông nghiệp: xác bia, xác bã đậu nành,… Trước giai đoạn hóa nhộng, ấu trùng ruồi lính đen rất giàu dinh dưỡng như: protein, chất béo, canxi, phốt pho nên rất tốt để làm thức ăn chăn nuôi.

 

 

Ruồi lính đen (Hermetia illucens) và giai đoạn ấu trùng trước khi hóa nhộng.

GS.TS Dương Nguyên Khang cho biết, mô hình nuôi ruồi lính đen từ phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ này có thể áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Mô hình này giúp nông dân phát triển kinh tế, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng và còn giúp bảo vệ môi trường. Quá trình nuôi ruồi lính đen góp phàn phân hủy rác thải hữu cơ và hoàn toàn không tạo ra mùi khó chịu ra môi trường xung quanh.

Trong đợt tập huấn này, sau khi hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trường ĐH Nông Lâm hỗ trợ người dân của 2 xã Bình Nhì và Vĩnh Hựu (25 người dân mỗi xã) mỗi người 8 gram ấu trùng ruồi lính đen để đem về nuôi cùng 3 khay nhựa dùng để nuôi và hơn 3 kg xác bia, xác bã đậu nành để làm thức ăn cho ruồi lính đen. Sau khi nuôi ấu trùng ruồi lính đen khoảng 20 ngày sẽ được nhộng đen dùng làm thức ăn trong chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm như: cá, lợn, chim yến, gà, vịt,…

TS. Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, những năm qua, nhà trường đã tiến bộ vượt bậc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mô hình nuôi ruồi lính đen nói trên là một trong những sự chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ của trường nhận được sự quan tâm rất lớn của các địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường ĐH Nông Lâm cũng nhận được đơn đặt hàng của rất nhiều địa phương, đối tác, doanh nghiệp. Có nhiều tập đoàn lớn về lĩnh vực nông nghiệp đã ký hợp tác với trường về cả đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật.

“Nhà trường xác định rất rõ trọng trách của nhà khoa học đối với tam nông và xem đây là nhiệm vụ tối quan trọng, chính yếu để phát triển nền nông nghiệp nước nhà tiếp cận theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh”, TS. Trần Đình Lý chia sẻ.

HOÀNG NGUYỄN

 

Tây Ninh: Một nông dân ở Phước Bình (Trảng Bàng): Nuôi dúi có thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Ông Phan Thiện Khâm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) cho biết, một nông dân trên địa bàn xã rất thành công với mô hình nuôi dúi giống. Đó là hộ anh Lê Văn Lộc, ngụ ấp Gò Ngãi.

 

 

Hội Nông dân thị xã Trảng Bàng tham quan mô hình nuôi dúi của anh Lê Văn Lộc.

Ông Phan Thiện Khâm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình (thị xã Trảng Bàng) cho biết, một nông dân trên địa bàn xã rất thành công với mô hình nuôi dúi giống. Đó là hộ anh Lê Văn Lộc, ngụ ấp Gò Ngãi.

Anh Lộc chia sẻ: “Năm 2008, vợ chồng tôi mở quán ăn gia đình, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống. Buôn bán thì có lúc này lúc kia và còn phải lo cho 2 con nhỏ ăn học. Năm 2020, tình cờ xem được các mô hình nuôi dúi trên mạng, tôi hỏi thăm và tìm đến những người nuôi dúi thành công ở trong và ngoài tỉnh học hỏi kinh nghiệm. Thấy nuôi dúi dễ và có hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định mua 5 cặp dúi giống về nuôi thử với hy vọng có thêm điều kiện để lo cho cuộc sống gia đình”.

Với bản tính cần cù và ham học hỏi, anh Lộc đã nuôi thành công 5 cặp dúi đầu tiên và tích luỹ kinh nghiệm. Nhờ Chi hội Nông dân ấp giới thiệu cho anh vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh quyết định mua thêm 50 con dúi giống, cùng với đó là đầu tư chuồng và mua sắm các vật dụng cần thiết để nuôi dúi.

Đến nay, anh đã phát triển 100 ô chuồng, mỗi ô chuồng chỉ 0,5m2 nuôi từ 1-3 con dúi. Mỗi tháng anh bán từ 20 đến 25 cặp duối giống cho người có nhu cầu nuôi ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cà Mau và một số tỉnh phía Bắc. Dúi giống hơn 2,5 tháng tuổi, nặng từ 300 đến hơn 400g/con anh bán từ 1,6 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/cặp.

Anh Lộc cho biết, dúi rất ăn tạp nên thức ăn dễ tìm, chủ yếu là rau củ quả hoặc các loại cây như mía, bắp, thậm chí là cây tre, dúi ăn ít và công chăm sóc cũng đơn giản nên tốn chi phí thấp, sau mỗi lần xuất bán anh có lãi hơn 30 triệu đồng.

Việt Khánh

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop