Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 10 tháng 02 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 10 tháng 02 năm 2023

 

Giá lúa tăng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Những ngày qua, giá lúa tươi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tăng 200 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, thời tiết vụ này khá thuận lợi, lúa đạt năng suất cao, nông dân có lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/ha.

 

 

Nông dân phấn khởi vì giá lúa tăng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch hơn 60 ngàn ha lúa đông xuân, với năng suất bình quân 68,7 tạ/ha.

Ông Nguyễn Văn Mười ngụ xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười có lúa đang thu hoạch cho biết: “Hiện, lúa tươi giống IR 50404 có giá 6.300 đồng/kg; Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM 18 giá 6.700 - 6.800 đồng/kg; OM 5451 giá 6.500 đồng/kg. Sở dĩ, giá lúa tăng là do thương lái đẩy mạnh thu mua phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.

TRANG HUỲNH

 

Thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ bán dưa non bỏ đi

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Mọi năm, những quả dưa hấu non không đạt chất lượng sẽ được người dân cắt bỏ. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay, những quả dưa non bỏ đi này lại được thương lái đến mua với giá cao, giúp nông dân có nguồn thu nhập khá.

Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) được xem là thủ phủ trồng dưa của tỉnh với diện tích hơn 1.000 ha. Nơi đây có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây dưa hấu nên không chỉ người dân địa phương mà rất nhiều nông dân từ Bình Định, Phú Yên lên thuê đất để trồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này, trên các ruộng dưa, nông dân đang tất bật chăm sóc để chuẩn bị cho vụ thu hoạch dự kiến vào cuối tháng Giêng. Thông thường, mỗi nhánh (dây) của bụi dưa, nông dân sẽ giữ lại 1-2 quả để nuôi lớn thành phẩm, các quả còn lại sẽ được cắt bỏ. Khác với những năm trước, những quả dưa bị cắt bỏ nằm la liệt thối rữa trên ruộng thì năm nay đã có thương lái đến mua, giúp nông dân có thêm thu nhập.

Ông Lê Văn Nở (thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần) cho biết: Năm nay, khí hậu thuận lợi nên dưa cũng tương đối năng suất. Mấy năm trước, những quả dưa non bị cắt bỏ tràn lan tại ruộng mà không có ai đến lấy, nhưng năm nay lại có người đến mua với giá 1.500-2.000 đồng/kg. Gia đình tôi trồng được 3 đám dưa với diện tích khoảng 2 ha. Những đám nào đã lựa quả thì cắt dưa non kém chất lượng bỏ đi. Chẳng hạn, 1 gốc cây dưa hấu mọc ra 3 dây thì mỗi dây mình chọn 2 quả tốt nhất để lại, còn là cắt bỏ hết. “Cách đây 2 ngày, tôi thu gom dưa hấu non trong ruộng về bán được hơn 1 triệu đồng”-ông Nở nói.

 

 

Gia đình ông Lê Văn Thật (xã Phú Cần) đang tất bật chăm sóc vụ dưa sau Tết. Ảnh: Hà Phương

Tương tự, tại ruộng dưa 1,2 ha của gia đình ông Lê Văn Thật (xã Phú Cần) cũng được thương lái đến thu mua dưa non đã cắt bỏ. Hiện gia đình ông đã gom khoảng 600 kg quả dưa hấu non và được thương lái đến thu mua với giá 1.500 đồng/kg. “Hôm nay, số lượng dưa non bỏ đi còn nhiều hơn hôm qua, dự kiến bán được hơn 1 triệu đồng”-ông Thật thông tin.

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Bích (thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần) kiếm hàng triệu đồng từ những quả dưa non bỏ đi. Chị Bích thổ lộ: “Tôi được chủ ruộng dưa cho đến để thu gom dưa hấu non, vì họ không có nhân lực để làm. Tùy vào từng ngày mà số lượng dưa gom được nhiều hay ít. Hôm qua, tôi gom được khoảng 5 tạ bán gần 1 triệu đồng”.

Để tìm hiểu về mục đích của việc thu gom những quả dưa hấu non bỏ đi, chúng tôi đã liên hệ với chị Trần Thị Tuyên-một thương lái ở TP. Kon Tum. Chị Tuyên cho hay: Nhiều năm qua, chúng tôi đã thực hiện thu mua dưa non ở các nơi từ Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum. Đây là lần đầu tiên tôi về Krông Pa để thu mua. Mỗi ngày, tôi mua hàng chục tấn dưa non của người dân khu vực huyện Krông Pa. Ai muốn bán dưa non cứ đến ruộng nhận bao bì rồi gom dưa bỏ vào. Khoảng 17 giờ hàng ngày, tôi đến cân rồi trả tiền. Tuần trước, giá dưa non thu mua 2.000 đồng/kg, nhưng giá hiện tại chỉ còn 1.500 đồng/kg. Số dưa non này tôi bán lại cho một thương lái ở TP. Hồ Chí Minh, còn họ mua về làm gì thì tôi không biết.

 

 

Người dân nhặt những quả dưa hấu non mang về bán cho thương lái. Ảnh: Hà Phương

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Mấy ngày trước, chúng tôi đã nghe thông tin thương lái đến thu mua dưa hấu non bỏ đi của người dân. Điều này thấy hơi lạ vì những năm trước, dưa non bỏ đầy ruộng. “Không biết họ mua với mục đích gì nhưng thực tế đã thấy người dân bán được rất nhiều dưa non với giá tương đối cao. Điều này rất đáng mừng, vì những quả dưa non vốn được nông dân cắt bỏ để cho thối rữa trên ruộng thì nay lại bán được giá, giúp thu về hàng triệu đồng”-ông Châu chia sẻ.

Cũng theo ông Châu, vụ dưa năm nay tương đối được mùa, trung bình đạt khoảng 40 tấn/ha. So với trước Tết giá dưa chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, thì hiện đã tăng lên 5.000 đồng/kg. Với giá này, người dân đã có lợi nhuận. Hiện chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng với việc thị trường Trung Quốc mở cửa, hy vọng giá dưa sẽ cao và việc tiêu thụ của người dân cũng tốt hơn.

HÀ PHƯƠNG

 

Thu nhập ổn định nhờ trồng bưởi hữu cơ

Nguồn tin: Báo Long An

 

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh hữu cơ, chị Mai Thị Kim Phượng (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An) có thu nhập ổn định. Hiện sản phẩm bưởi da xanh của chị Phượng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân Việt Nam xã Nhơn Thạnh Trung, chúng tôi đến vườn bưởi trĩu quả của chị Kim Phượng. Chị chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa nhưng năm nào trúng mùa thì rớt giá, còn được giá thì lại mất mùa. Vì vậy, tôi quyết định chuyển đổi cây trồng. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, tôi chọn trồng bưởi da xanh, dù thời điểm đó đa số người dân đều trồng thanh long”.

 

 

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh hữu cơ, chị Mai Thị Kim Phượng có nguồn thu nhập ổn định

Do trước đây chỉ gắn bó với cây lúa nên khi chuyển sang trồng bưởi, chị Kim Phượng phải học hỏi rất nhiều. Đầu tiên, chị tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của những nông dân có thâm niên; tìm hiểu thông tin trên Internet, sách, báo; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do địa phương tổ chức,... Cây bưởi da xanh không quá xa lạ với nông dân, tuy nhiên, nếu chọn canh tác theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ suy nghĩ đó, chị Kim Phượng mạnh dạn áp dụng phương pháp hữu cơ thay vì trồng bưởi theo kiểu truyền thống.

Định kỳ hàng tháng, chị Kim Phượng tưới phân sinh học và xịt quản lý côn trùng bằng thuốc sinh học. Chị cũng thường xuyên tỉa cành tạo tán, bón phân nuôi cây để lấy trái. Khi trái lớn bằng cái chén, chị sử dụng các túi lưới bọc trái lại, tránh bị côn trùng tấn công. Theo chị Kim Phượng, sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học là hướng đi phù hợp cho nông dân nói chung và người trồng bưởi nói riêng. Phân hữu cơ, thuốc sinh học vừa giúp cây bưởi phát triển xanh tốt, tăng tuổi thọ cho cây, đất không bị chai cằn, vừa không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người sử dụng. Sản phẩm làm ra không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Điều đáng mừng là khi chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ, trái bưởi rất to, tròn đều. Vì chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ giúp đất có dinh dưỡng, tạo thêm độ ngọt cho trái nên bưởi được nhiều người đánh giá cao về chất lượng, trái to, da xanh bóng, vỏ mỏng, múi mọng nước đến vị ngọt thanh, không bị the hay đắng.

Thời gian qua, chị Kim Phượng được hướng dẫn đăng ký tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đưa lên trên sàn thương mại điện tử. “Việc đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử giúp tôi có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng khắp nơi, không bó hẹp trong phạm vi địa phương. Nhờ đó, “Bưởi da xanh hữu cơ Kim Phượng” được nhiều người biết đến, tin dùng, mở ra hướng tiêu thụ mới” - chị Phượng bày tỏ.

Với diện tích 4.000m2, trồng 200 gốc bưởi 6 năm tuổi, chị Phượng thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Đây là minh chứng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng đắn, phù hợp nhu cầu thị trường hiện nay. Sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cũng như tìm kiếm đầu ra cho trái bưởi da xanh, sản phẩm “Bưởi da xanh hữu cơ Kim Phượng” ngày càng được nhiều người biết đến./.

Huỳnh Hương

 

Sản phẩm OCOP Ðắk Nông: Bưởi da xanh ruột hồng

Nguồn tin: Báo Ðắk Nông

 

Thấy vùng đất ở thôn Đức Long, xã Đắk Sắk (Đắk Mil, Ðắk Nông) có nhiều lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, tháng 8/2015, anh Nguyễn Văn Đảm mua 5 ha đất để trồng bưởi da xanh. Anh tiến hành lấy mẫu đất, nước gửi đi kiểm tra và kết quả cho thấy đạt chuẩn, đủ điều kiện sản xuất bưởi da xanh hữu cơ.

Mục tiêu từ đầu là sản xuất bưởi da xanh hữu cơ, nên anh để cho cỏ mọc tự nhiên trong vườn bưởi. Khi cỏ lên cao mới cắt bỏ để ủ làm phân bón cho cây. Cách làm nông nghiệp hạn chế tối đa phân, thuốc hóa học của anh Đảm được xem là điểm then chốt dẫn đến thành công và phù hợp với xu hướng hiện nay. Vùng nguyên liệu được anh áp dụng quy trình sản xuất bền vững, tạo hướng đi riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Theo anh Đảm, bưởi da xanh là loại cây khó tính, bưởi cho quả đẹp, nhưng chưa chắc đã bán được nếu bưởi không ngon, chua hoặc sần sùi. Để chăm sóc bưởi tốt, anh dùng vôi xịt lên cây hoặc treo long não để hạn chế côn trùng. Thông thường, bưởi 8 tháng mới cho thu hoạch nhưng anh đã can thiệp để cây cho ra nhiều lứa quả khác nhau. Trên cùng một cây bưởi vừa có quả đã 5 tháng, quả 3 tháng, quả mới đậu hoặc đang ra hoa. Để tạo được cây bưởi như vậy, mỗi năm cây bưởi có 4 - 5 đợt tháo đọt và đây cũng là dịp để anh can thiệp kỹ thuật cho cây bưởi cho quả quanh năm.

 

 

Sản phẩm bưởi da xanh của Trang trại Hải Nguyên được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao

Vườn bưởi 5 ha của anh trồng 1.500 cây và năm 2018 cho thu bói được khoảng 10 tấn quả. Khi bưởi bắt đầu cho quả bói, anh đã gửi những quả bưởi mẫu đến các cửa hàng chuyên thu mua hoa quả trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra chất lượng. Kết quả, bưởi da xanh của trang trại được bạn hàng hài lòng và đặt hàng mua với số lượng lớn. Hiện nay, trung bình mỗi năm, trang trại bưởi Hải Nguyên cung cấp ra thị trường trên 30 tấn quả trở lên.

Mẫn Doanh

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thanh long được giá, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Hơn một tháng qua, giá thanh long tăng mạnh, gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm ngoái khiến nông dân phấn khởi.

 

 

Ông Châu Thanh Thọ (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ của gia đình.

Thu lãi cao

Chúng tôi đến thăm vườn thanh long của ông Châu Thanh Thọ (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) sáng 7/2 khi ông đang xịt thuốc dưỡng trái cho khu vườn 1ha với 850 gốc thanh long. Đưa tay quệt mồ hôi lăn dài trên trán, ông Thọ vui vẻ nói: “Trước Tết, tôi bán khoảng 3 tấn thanh long ruột đỏ với giá thu mua tại vườn 32 ngàn đồng/kg. Đây là vụ thanh long nghịch mùa, sản lượng ít nhưng sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi 60 triệu đồng”.

Cách đó không xa, vườn thanh long ruột đỏ rộng 6.000m2 của gia đình ông Hồ Đình Lâm (ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang) cũng xum xuê trái. Gia đình ông vừa xuất bán lứa thanh long 2 tấn với giá 30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 45 triệu đồng. “Sau 2 năm liên tục rớt giá, nay giá thanh long tăng cao trở lại nên chúng tôi rất vui. Theo kinh nghiệm trồng và bán thanh long nhiều năm, dự báo trong những ngày tới thanh long có khả năng sẽ còn giữ giá ở mức cao”, ông Lâm nhận định.

Tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, nhiều hộ trồng thanh long cũng đang xịt dưỡng hoa cho lứa mới. Ông Phan Văn Hùng (tổ 7, ấp Bưng Riềng) cho hay, gia đình ông đang chăm sóc 4.000m2 trồng thanh long ruột đỏ với 500 gốc đã 5 năm tuổi. Theo ông Hùng, giá thanh long ruột đỏ tăng từ tháng 9/2022 đến nay, tăng từ 20 ngàn đồng lên 30 ngàn đồng và hiện giá thu mua tại vườn là 35 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân lãi khoảng 10 ngàn đồng/kg.

Nâng chất lượng vùng trồng

Theo các thương lái thu mua thanh long, giá thanh long hiện đang ở mức cao nhờ thị trường Trung Quốc hút hàng. Với giá mua như trên, nhà vườn rất phấn khởi, yên tâm đầu tư sau thời gian giảm giá mạnh. Trong thời gian tới, thị trường tiêu thụ thanh long sẽ có những bước chuyển biến tốt, khả quan hơn giúp bà con nông dân ổn định sản xuất.

“Giá thanh long lên cao khiến nông dân chúng tôi rất mừng. Tôi mong giá ổn định để có thể sống được với cây thanh long”, ông Phan Văn Hùng, xã Bưng Riềng thông tin thêm.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 688,3ha trồng thanh long, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Xuyên Mộc và Châu Đức. Để nâng cao chất lượng cũng như tạo đầu ra ổn định cho trái thanh long, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch phù hợp theo nhu cầu thị trường; phổ biến các mô hình, quy trình kỹ thuật giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành, canh tác theo hướng VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục thực hiện thiết lập, quản lý và đề nghị cấp 4 mã số vùng trồng đối với 57ha thanh long trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, ước sản lượng khoảng 1.630 tấn/năm, sản lượng xuất khẩu 1.427 tấn/năm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 

Trồng atisô thương phẩm sử dụng cây giống nuôi cấy mô

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Thông tin từ Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết, thành phố đang triển khai Mô hình Trồng cây atisô thương phẩm sử dụng cây giống nuôi cấy mô (invitro) chất lượng tốt tại địa phương. Theo đó, từ nguồn kinh phí 270 triệu đồng, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng Phòng Kinh tế thành phố xây dựng một số mô hình nông dân trồng atisô thương phẩm sử dụng cây giống nuôi cấy mô. Atisô là cây dược liệu, nông sản có tiếng của Đà Lạt, thường được nông dân nhân giống bằng phương pháp tách cây con nảy ra từ cây mẹ. Sau nhiều lần nhân giống, atisô bị thoái hóa dẫn đến giảm năng suất, chất lượng cũng như bị sâu bệnh hại. Việc xây dựng mô hình trồng atisô sử dụng cây giống nuôi cấy mô chất lượng tốt sẽ giúp trẻ hóa nguồn giống, cho nông dân trồng atisô có thêm lựa chọn để phát triển loài cây có giá trị kinh tế cao.

D.Q

 

Khánh Hòa: Nông dân huyện Vạn Ninh: Sản xuất 180ha tỏi niên vụ 2022 - 2023

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

Theo lãnh đạo Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), niên vụ tỏi 2022 - 2023, nông dân huyện Vạn Ninh xuống giống khoảng 180ha tỏi, chủ yếu tại xã Vạn Hưng (150ha) và xã Vạn Thạnh (30ha).

Đối với các diện tích xuống giống sớm, cây tỏi đã bắt đầu cho thu hoạch (khoảng 20ha). Theo người trồng tỏi tại xóm Ba Non (thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh), cây tỏi xuống giống sớm trong quá trình sinh trưởng gặp điều kiện thời tiết bất lợi, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến sự phát triển nên củ nhỏ, năng suất thấp hơn từ 30 đến 50% so với năm trước. Đối với các diện tích tỏi chính vụ, hiện nay, nông dân các địa phương đang tập trung chăm sóc và phòng, chống sâu bệnh, bón phân cho cây tỏi. Nhìn chung, cây tỏi phát triển ổn định, ít sâu bệnh và dự kiến cho thu hoạch trong khoảng 1 tháng nữa.

ĐỒNG XUÂN

 

Làm giàu từ trồng nấm

Nguồn tin: Báo Thái Bình

 

Bỏ ra gần 100 triệu đồng đầu tư hệ thống phun sương tự động tạo độ ẩm cho nấm, ông Nguyễn Đức Đỉnh, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vừa làm vừa chơi mỗi năm vẫn thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng. Kết quả có được là nhờ ông áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

 

Ông Nguyễn Đức Đỉnh thu lãi 400 - 500 triệu đồng mỗi năm từ trồng nấm.

Sau 25 năm trồng nấm tại tỉnh Gia Lai, năm 2017 ông Đỉnh quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp. Từ mảnh đất sẵn có của gia đình, ông xây dựng nhà xưởng tiếp tục duy trì nghề trồng nấm, chủ yếu là nấm sò, mộc nhĩ. Ban đầu diện tích trồng nấm trên 1.000m2, ông vẫn sử dụng phương pháp chăm sóc thủ công nên năng suất không cao, chất lượng nấm sau thu hoạch không bảo đảm.

“Khi trở về quê hương trồng nấm, tôi vẫn sử dụng phương pháp thủ công như trước đây là bố trí nhân công dùng vòi tưới vào các bịch nấm để tạo độ ẩm. Do lượng nước tưới không đều nên nấm có bịch ra nhiều, bịch ra ít dẫn đến năng suất không cao. Chưa kể sau khi thu hoạch có hiện tượng bị thối cánh nấm nên việc tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng” - ông Đỉnh chia sẻ.

Năm 2021, may mắn đến với ông, trong một lần Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thăm mô hình trồng nấm của gia đình, thấy phương pháp chăm sóc nấm vẫn mang tính thủ công, Trung tâm đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật bằng hệ thống phun sương tự động với chiếc điện thoại thông minh được kết nối wifi. Việc thử nghiệm ban đầu được tiến hành với diện tích 300m2, sau 35 - 40 ngày lứa thu hoạch đầu theo phương pháp chăm sóc mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ việc thu 1 vạn bịch nấm chỉ được khoảng 8 tấn, bằng phương pháp mới lượng nấm thu được trên 10 tấn.

Thấy phương pháp phun sương tự động mang lại hiệu quả cao, sử dụng ít nhân công, ông Đỉnh quyết tâm mở rộng diện tích trồng nấm lên 3.000m2, đầu tư giàn phun sương tự động hết gần 100 triệu đồng. Ông tâm sự: Để chăm sóc 3.000m2 tương ứng 15 vạn bịch nấm bằng phương pháp thủ công phải cần 20 - 25 nhân công mà hiệu quả mang lại không cao, mất nhiều thời gian. Với phương pháp mới, việc chăm sóc chỉ cần 5 - 7 người; quá trình tạo độ ẩm cho nấm thay vì mất 2 tiếng đồng hồ như trước giờ chỉ cần 3 - 5 phút là hoàn thành; lượng nước tưới đều, nấm sau thu hoạch khô ráo, không bị thối, dễ tiêu thụ. Giàn phun sương tự động ít khi trục trặc, việc sửa chữa cũng dễ, có thể tự sửa. Chưa kể, không cần phải ở nhà tôi vẫn có thể tưới nước cho nấm bằng chiếc điện thoại thông minh được kết nối wifi; năng suất tăng trên 20% so với trước. Giờ đây, vừa làm vừa chơi mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ nghề trồng nấm 400 - 500 triệu đồng.

Hiện tại, ngoài sản xuất nấm bán cho người dân và các thương lái, gia đình ông Đỉnh vẫn duy trì việc ươm nấm sò cung cấp cho các hộ có nhu cầu trồng nấm và hỗ trợ về kỹ thuật. Năm 2023, ông Đỉnh dự định trồng thêm nấm đùi gà và nấm hoàng đế. “Ngày nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thực sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, giúp họ có cơ hội vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nghề trồng nấm đã và đang giúp gia đình tôi phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững” - ông Đỉnh chia sẻ.

Nguyễn Cường

 

Mở lối làm giàu từ sâm Ngọc Linh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Bằng tình yêu và niềm đam mê, chàng trai 26 tuổi Trần Cao Nguyên (quê gốc tỉnh Kon Tum) đã đi rất nhiều nơi và liên tục tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm nhằm tìm ra vùng đất phù hợp để phát triển sâm Ngọc Linh. Sau nhiều lần nỗ lực “gieo mầm”, đến nay, mô hình trồng sâm Ngọc Linh của nhà nông trẻ được ươm tại thôn K'Long K'Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương đã bắt đầu gặt hái được nhiều “trái ngọt”.

 

 

Trần Cao Nguyên bên vườn sâm Ngọc Linh

Tới thăm vườn sâm Ngọc Linh của anh Trần Cao Nguyên trên đỉnh đồi cao nhất của thôn Long Lanh, tiếp chúng tôi với một nụ cười hiền lành, Nguyên kể, từ lúc vẫn còn là một cậu bé học sinh, anh đã có cơ hội được tiếp xúc với sâm Ngọc Linh mỗi ngày, khi gia đình vốn có truyền thống trồng loại dược liệu này đã gần chục năm nay. Nhờ đó, khi đến tuổi trưởng thành, chàng trai trẻ Trần Cao Nguyên đã quyết định đặt chân lên mảnh đất Nam Tây Nguyên với quyết tâm cao và mãnh liệt là khởi nghiệp và làm giàu từ việc trồng sâm Ngọc Linh.

Đầu năm 2019, Nguyên mạnh dạn mua 3,5 sào đất nông nghiệp tại thôn K'Long K'Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương và bắt tay ngay vào việc đầu tư hệ thống nhà lưới cho vườn sâm tương lai của mình. Dù đã tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm trồng sâm, nhưng thời gian đầu, nhà nông trẻ vẫn gặp không ít khó khăn khi phải làm quen với việc trồng sâm ở một môi trường mới. Lứa cây đầu bị chết nhiều do bệnh nấm và chưa hoàn toàn thích nghi được dưới nhiệt độ trong nhà kính. Không nản chí, Nguyên vừa tìm cách chữa bệnh cho cây qua các phương tiện truyền thông như sách, báo và không ngừng học hỏi, tiếp thu thêm các kiến thức mới từ những người bạn có kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh ở quê nhà. Sau khoảng thời gian kiên trì đó, vườn sâm của Nguyên đã bắt đầu ra nụ và đơm những đoá hoa đầu tiên.

Sâm Ngọc Linh còn được gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm, sâm trúc, củ ngải rọm con hay cây thuốc “giấu”. Đây là một trong những loại dược liệu thượng đẳng, mang lại rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch và sức đề kháng, hỗ trợ phòng bệnh ung thư, ngăn ngừa và chống lão hóa, chống độc tố, kháng viêm, hồi dương,… Theo nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học, sâm Ngọc Linh đã được khẳng định là một trong những loài sâm tốt nhất thế giới với 52 hoạt chất saponin chính (nhiều nhất so với các loại sâm khác). Bên cạnh đó, trong loại “thần dược” này còn chứa axit béo, axit amin và nhiều nguyên tố đa lượng, vi lượng khác (một trong những nhóm chất dinh dưỡng chính mà cơ thể cần để hoạt động)… “Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao. Mỗi năm vườn sâm của chúng tôi sẽ ươm khoảng 10.000 - 15.000 hạt. Cho đến hiện tại, vườn đã trồng được khoảng 8.000 cây sâm một năm tuổi, trung bình mỗi năm thu hoạch được khoảng 40 kg lá tươi, 20 kg củ. Vườn sâm hiện có trị giá tầm 10 tỷ đồng”, Trần Cao Nguyên chia sẻ.

Đánh giá về mô hình trồng sâm Ngọc Linh của nhà nông Trần Cao Nguyên, ông Vũ Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais cho biết, sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế rất cao. Đây là loại sâm khó trồng, cần có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp như ở vùng đất Ngọc Linh. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Cao Nguyên đã trồng thành công sâm Ngọc Linh về trên địa bàn xã. Đây là một tín hiệu đáng mừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền xã Đạ Chais sẽ đề ra các phương án để hỗ trợ mô hình trồng sâm Ngọc Linh được phát triển, sinh sôi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu đến các cấp, ngành chức năng nhằm lan tỏa những mô hình hay, góp phần giúp bà con Nhân dân phát triển kinh tế.

HƯƠNG LY

 

Nông dân xoay xở khi giá vật tư tăng

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông

 

Hiện nay, giá các loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, khiến người sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ngoài vật tư nông nghiệp tăng cao, giá xăng dầu, nhân công cũng đắt đỏ, dẫn đến các dịch vụ làm đất, bơm tưới, thu hoạch… tăng giá, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Hiện nay, nông dân trên địa bàn Đắk Nông đang tập trung sản xuất vụ đông xuân. Đây là thời điểm mùa khô bắt đầu diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh. Do đó, người dân cần lượng lớn vật tư nông nghiệp để chăm sóc, chống hạn cho cây trồng.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN – PTNT), ước tính tổng chi phí bình quân cho sản xuất 1 ha lúa vụ đông xuân 2021-2022 là 32,6 triệu đồng, cao hơn so với các năm trước khoảng 7,8 triệu đồng. Nguyên nhân do giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao.

Hiện nay, giá phân bón tăng từ 8-70%; giá mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 10-20%. Bên cạnh đó, nhiên liệu (xăng, dầu) đồng loạt tăng làm ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng vật tư trong sản xuất.

 

 

Giá vật tư nông nghiệp tăng làm tăng chi phí sản xuất lúa

Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Triệu Văn Tuấn, ở xã Buôn Choáh (Krông Nô) gieo sạ 7 sào lúa. Năm nay, không chỉ giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao mà tình trạng khan hiếm giống cũng gây khó khăn cho những hộ trồng lúa như ông Tuấn.

Ông Tuấn cho biết: “Cây lúa muốn tốt, cho năng suất cao là nhờ phân bón. Nhưng giá phân bón tăng làm tăng chi phí đầu vào. Ước tính 1 ha lúa chi phí đầu tư khoảng trên 32 triệu đồng. Với mức đầu tư này nhưng năng suất chỉ đạt từ 6 – 6,5 tấn/ha đối với giống lúa thường, giá bán ở mức 6.000 đồng/kg thì xem như hòa vốn, thậm chí lỗ”.

Để giảm chi phí đầu tư, ông Tuấn cũng như nhiều hộ trồng lúa hiện nay đã hạn chế dùng phân bón vô cơ, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ nhằm tiết giảm chi phí đầu tư, cải thiện thu nhập.

Những năm về trước, khi mà vườn cà phê còn “sung sức”, bình quân mỗi vụ, gia đình ông Thanh thu về hơn 8 tấn cà phê, 6 tấn hồ tiêu.

Ông Thanh cho hay, chi phí đầu vào tăng cao, khiến giá thành sản phẩm tăng theo. Thu nhập của gia đình cũng vì thế mà giảm xuống.

 

 

Một người dân ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) sử dụng trái cây phế bỏ để ủ phân hữu cơ

"Để xoay xở trong lúc giá vật tư tăng đột biến, buộc tôi phải cắt giảm chi phí đầu tư, từ đó năng suất cây trồng sẽ giảm. Dĩ nhiên thu nhập cũng sẽ giảm theo”, ông Thanh cho hay.

Hiện nay, ông Thanh đã tìm tòi cách làm phân hữu cơ vi sinh từ xác, bã thực vật. Từ đó, ông phần nào thay thế phân hóa học để bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí đầu tư.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, trước khó khăn do giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao, ngoài việc tăng cường sử dụng nguồn phân hữu cơ vi sinh, nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong canh tác.

Trong đó, đối với sản xuất lúa, bà con nông dân cần đẩy mạnh sử dụng các loại giống mới, ứng dụng chương trình ‘3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”…

Trong sản xuất cà phê, tiêu, cây ăn trái..., bà con cần chú trọng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ theo phương pháp "4 đúng", sử dụng phân hữu cơ vi sinh…

Với những cách làm đó, bà con có thể giúp tăng năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường, giảm độc hại do sử dụng thuốc hóa học, giảm chi phí đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế.

Kim ngân

 

Cơ giới hóa sản xuất trái cây, nâng chất lượng nông sản xuất khẩu

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

 

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có trên 82.000 ha vườn trồng cây ăn trái các loại, với sản lượng mỗi năm trên 1,61 triệu tấn trái đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

 

Lắp đặt hệ thống tưới phun tự động tại vườn ông Ngô Thành Trung (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy).

Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của trái cây, tỉnh Tiền Giang ứng dụng đồng bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là cơ giới hóa các khâu sản xuất cây ăn trái. Tỉnh vận dụng nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất trái cây, nhất là thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 04/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp (gọi tắt là Quyết định 68).

Từ khi triển khai Quyết định 68 đến nay, toàn tỉnh có gần 500 khách hàng vay vốn ưu đãi đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy sấy nông sản, máy làm đất..., với tổng vốn vay ưu đãi trên 136 tỷ đồng và số tiền lãi được hỗ trợ trên 11 tỷ đồng. Đồng thời, từ nguồn kinh phí khuyến nông, địa phương đầu tư xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ về cơ giới hóa trong nông nghiệp nói chung và trồng cây ăn trái nói riêng.

Trên lĩnh vực trồng cây ăn trái, đầu tư xây dựng những mô hình tưới tiết kiệm nước, mô hình trồng thanh long leo giàn, hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ chế biến, đóng gói, sơ chế, bảo quản trái cây xuất khẩu,... Mặt khác, lồng ghép với thâm canh theo tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP.

Ông Lê Quang Khôi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, toàn tỉnh có 610 ha cây ăn trái được chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Thực hiện "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đều tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến trái cây trên các khâu từ giống, quy trình canh tác, cơ giới hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu,...

Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai chương trình "Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển 100 ha thanh long vùng Chợ Gạo, Tiền Giang", xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước trên vườn chuyên canh sầu riêng đồng thời hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến trái cây xuất khẩu.

Qua chương trình "Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển 100 ha thanh long vùng Chợ Gạo, Tiền Giang", Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, chế tạo các công cụ hỗ trợ nông dân thâm canh vườn cây thanh long nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, giảm công lao động; hoàn thiện công nghệ nhà máy sơ chế, đóng gói 1.000m2 và kho bảo quản 1.000 tấn sản phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP và đạt tiêu chí xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Sở thiết kế phần mềm quản lý trang trại theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Qua đó, thông tin sản xuất của trang trại được điện tử hóa và giúp chủ trang trại quản lý được tất cả thông tin trong quá trình sản xuất ngay cả khi không có mặt tại trang trại. Thông tin được cập nhật liên tục và cung cấp thông tin cho tổ chức chứng nhận, khách hàng, cơ quan chức năng nhanh chóng nhất khi cần thiết.

Sở Khoa học và Công nghệ cũng chuyển giao kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm vườn thanh long và sầu riêng với hai kiểu tưới là tưới phun mưa gốc (béc thấp) kết hợp bón phân và tưới phun mưa đầu trụ (béc cao) kết hợp phun thuốc. Hai kiểu tưới này được điều khiển tự động qua sóng điện thoại hoặc bằng tay.

Nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến trái cây, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tỉnh Tiền Giang cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vay ưu đãi 14,72 tỷ đồng với lãi suất chỉ bằng 50% so với các ngân hàng thương mại. Mục đích giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Quỹ còn hỗ trợ Công ty TNHH Phước Hưng đầu tư máy sấy bơm nhiệt, máy cắt rau củ đa năng, máy hút chân không... chế biến các sản phẩm từ trái thanh long trong khuôn khổ Dự án "Đầu tư mở rộng nhà xưởng - ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thanh long sấy tại Công ty TNHH Phước Hưng".

Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư máy sấy bơm nhiệt, máy cắt rau củ đa năng, máy hút chân không chế biến các sản phẩm từ trái thanh long thông qua Dự án "Đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến trái cây sấy dẻo với quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao"...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ những nỗ lực ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa sản xuất trái cây góp phần phát huy tiềm năng và thế mạnh ngành trồng cây ăn trái, giúp tăng năng suất, sản lượng, giải phóng sức lao động và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm trái cây.

Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, lên líp, xới đất đạt gần 85% diện tích cây ăn trái; bơm tát bằng động cơ đạt 100% diện tích, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy đạt 100% diện tích, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động vào sản xuất giúp tiết kiệm nước, mang lại những tiện ích khác đạt đến gần 60% diện tích...

Ông Ngô Thành Trung, canh tác 7.000m2 sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho toàn bộ diện tích sầu riêng. Mỗi gốc cây, ông bố trí bốn béc phun mưa ở bốn phía. Ngoài chức năng tưới, hệ thống này còn kết hợp bón phân tự động cho cây sầu riêng. Theo ông Trung, lắp đặt hệ thống tưới phun mang lại nhiều tiện ích, rõ nhất là tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, giải phóng sức lao động, giảm nhân công thuê mướn, tiết kiệm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế cao.

Xác định cơ giới hóa sản xuất trái cây là định hướng chiến lược phát triển tiềm năng và lợi thế ngành trồng cây ăn trái đặc sản hướng đến xuất khẩu, thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ ở các khâu sản xuất trái cây.

Trước mắt, đảm bảo cơ giới hóa 100% khâu làm đất. Trong khâu chăm sóc, thu hoạch ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng như nhân rộng mô hình phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay, hệ thống phun xịt tự động đồng thời tiếp tục nghiên cứu, cải tiến phương tiện, dụng cụ bao trái, thu hoạch và vận chuyển bằng cơ giới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hệ thống sơ chế trái cây bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế thất thoát sau thu hoạch.

Ngoài ra, ứng dụng khoa học - công nghệ công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý tiên tiến vào cơ giới hóa sản xuất trái cây, bảo đảm kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần vừa đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe của thị trường, vừa bảo vệ môi sinh, môi trường và sức khỏe con người.

Minh Trí

 

Kon Tum: Khai mạc phiên chợ sâm Ngọc Linh

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Tối 6/2, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tổ chức khai mạc phiên chợ sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh.

 

 

Sâm Ngọc Linh và các dược liệu được bán tại Phiên chợ lần 2 - Ảnh: VGP/Dương Nương

Tham gia phiên chợ có 50 gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh cùng các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh và các dược liệu.

Phiên chợ diễn ra từ ngày 6 - 9/2 với 10 hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động giới thiệu về văn hoá, ẩm thực, sản phẩm của cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác.

Nét khác biệt ở phiên chợ lần 2 này là có 4 chương trình mới, gồm: Chương trình chấp cánh ước mơ cho thanh thiếu niên Tu Mơ Rông; hội thảo liên kết về phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023; hội thi Sâm Ngọc linh lần thứ 1 và Lễ hội khinh khí cầu.

Các hoạt động tập trung khai quảng bá tiềm năng du lịch, giá trị của sâm Ngọc Linh, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân Xơ Đăng, giúp du khách được thưởng lãm vùng đất sản sinh ra quốc bảo cũng như tiếp sức "truyền lửa" cho thanh thiếu niên mạnh dạn theo đuổi ước mơ bằng con đường học vấn.

Tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh năm nay, huyện Tu Mơ Rông rất chú trọng kiểm soát chất lượng sâm. Theo đó, người dân, tổ chức muốn tham gia phiên chợ phải có giấy chứng nhận nguồn gốc, vùng trồng rõ ràng, giấy mua bán sâm được địa phương xác nhận… Đặc biệt, lần này, huyện đã bố trí máy kiểm định chất lượng đặt ở phiên chợ, để xét nghiệm sâm ngay tại chỗ nếu khách có yêu cầu. Việc xét nghiệm bằng máy sẽ cho ra kết quả ngay và tuyệt đối chính xác.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết phiên chợ lần này còn là sự tiếp nối, phát huy thành công của phiên chợ lần thứ nhất để tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đó là chất lượng, uy tín sản phẩm; người tiêu phải được mua sản phẩm thật, đảm bảo chất lượng góp phần nâng tầm sâm Ngọc Linh, hướng tới phổ thông hóa sản phẩm sâm Ngọc Linh cho mọi người dân được sử dụng.

Phiên chợ cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình gặp gỡ, tìm hiểu kết nối, phát triển diện tích, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc hữu; là hoạt động góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã vào hoạch định chiến lược du lịch cho huyện nhằm khai thác có hiệu quả nhất sản phẩm du lịch riêng có của huyện đó là "kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh với du lịch".

Dương Nương

 

Ðắk Nông - Miền đất hứa để nuôi ong lấy mật

Nguồn tin: Báo Ðắk Nông

 

Những ngày đầu tháng Giêng năm 2023, dưới những tán điều rộng lớn thuộc xã Đắk R’tíh (Tuy Đức, Ðắk Nông), nhiều người nuôi ong mang ong đến “đánh mật” vụ mới. Năm nay, nhờ những cơn mưa trái mùa, hoa điều và hoa cà phê nở sớm, thợ nuôi ong rất phấn khởi vì sản lượng mật được dự đoán sẽ nhiều hơn vụ mùa trước.

Nhẹ nhàng kiểm tra từng thùng ong, anh Phạm Duy Đông (quê Thanh Hóa) cho biết, hơn 1 tháng mang ong đến nuôi tại xã Đắk R’tíh, anh đã quay mật được 2 lần. Dự kiến, anh sẽ quay mật thêm một lần nữa vào khoảng 15 ngày tới, sau lứa hoa cà phê cuối cùng, trước khi di chuyển đàn ong của mình đi nơi khác.

Lần đầu tiên đưa ong đến Đắk Nông để khai thác mật hoa, anh Phạm Duy Đông đánh giá, điều kiện tự nhiên như khí hậu, nhiệt độ và diện tích cây công nghiệp lớn giúp Đắk Nông là “miền đất hứa” với những người nuôi ong.

 

 

Anh Phạm Duy Đông (quê Thanh Hóa) lần đầu tiên đưa đàn ong đến Đắk Nông để khai thác mật

“Tôi mang lên đây hơn 400 thùng ong từ trước Tết Nguyên đán. Thời điểm trước Tết, gió lớn và thời tiết lạnh nên lần "đánh mật" đầu tiên không được nhiều. Tuy nhiên, sau đó nhờ thời tiết thuận lợi, cây điều, cà phê gặp mưa trái vụ ra hoa sớm, nên lần đánh mật mới đây tốt hơn, với khoảng 1,4 tấn mật”, anh Đông thông tin.

Cách vườn điều của anh Đông nuôi ong không xa, vợ chồng chị Phan Thị Sương (Bình Dương) cũng đặt hơn 400 thùng ong mật. 6 năm theo chồng rong ruổi khắp các vùng quê để tìm mật ngọt cũng là 6 năm hai vợ chồng ăn, ngủ dưới tán cao su, hồ tiêu. Vất vả, gian nan thậm chí là nguy hiểm, thế nhưng khi cầm trên tay những cầu mật vàng óng, sóng sánh, niềm hạnh phúc lại hiện rõ trên khuôn mặt đôi vợ chồng trẻ.

Chị Sương tâm sự, đối với nghề nuôi ong lấy mật, thợ nuôi ong phải hiểu được tập tính của ong. Bên cạnh đó, việc chọn địa điểm đặt đàn ong cũng rất quan trọng. Ong cần nơi có nguồn mật dồi dào, xa khu dân cư, thời tiết thuận lợi nhưng nguồn mật phải an toàn, không ảnh hưởng đến chất lượng mật cũng như sức khỏe của ong thợ.

“Ở một số vùng, người dân có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ hoa và tăng tỷ lệ đậu trái. Do đó, chủ trại ong phải thường xuyên đi kiểm tra để bảo vệ đàn ong của mình. Dù cẩn thận đến đâu, nhưng đã có năm, đàn ong của gia đình tôi bị trúng độc, thiệt hại cả đàn, khiến cả gia đình trắng tay. Tôi theo chồng đi nuôi ong cũng nhiều nơi, nhưng ở Đắk Nông là thuận lợi nhất, ong phát triển và cho chất lượng mật, phấn hoa tương đối tốt”, chị Sương cho hay.

Theo các chủ trại ong, những năm qua nhu cầu sử dụng mật ong của người dân rất lớn, mật ong được quay ra đều được các thương lái đến tận vườn để thu mua. Hiện giá mật ong dao động khoảng trên, dưới 100.000 đồng/kg, được đánh giá là mức thu mua cao, giúp người nuôi ong lạc quan cho một vụ mùa thắng lợi.

Thanh Hằng

 

Trang trại tuần hoàn: Nuôi bò sữa - làm phân trùn

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Trang trại nuôi bò sữa - lấy chất thải nuôi trùn quế của anh Lê Văn Thạnh (thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những mô hình khép kín theo hướng kinh tế tuần hoàn..

 

 

Cho trùn ăn phân bò tại trang trại anh Lê Văn Thạnh

• GIÀU TỪ NGUỒN SỮA TRẮNG

Anh Lê Văn Thạnh vốn là nhà nông của đất Hiệp Thạnh. Anh kể lại, năm 2015, anh bắt đầu gây dựng đàn bò sữa của gia đình. Sau tám năm chăn nuôi, hiện, đàn bò sữa lên tới 70 con, với 50 bò mẹ đang cho sữa, 20 bò hậu bị và bê con. Anh Thạnh chia sẻ, đất Phú Thạnh vốn hợp với con bò. Khí hậu ôn hòa, không quá nóng, không quá lạnh. Quan trọng là cần đảm bảo môi trường vệ sinh và lượng thức ăn đầy đủ cho đàn bò. Để giúp bò khỏe và có chất lượng sữa tốt, anh Thạnh dành ra 3 ha đồng cỏ chuyên trồng các loại cỏ voi, cỏ đậu... cung cấp chất xanh cho bò. Ngoài ra, anh còn nhập các loại cỏ khô có chất lượng dinh dưỡng cao từ nước ngoài làm chất ăn thêm cho bò. Một số loại củ, quả của địa phương như bắp, khoai lang cũng được anh sử dụng cho bò, bên cạnh các loại cám chất lượng cao. Cỏ dư được ủ với mật mía, phụ gia để bò ăn vào mùa thiếu chất xanh.Với lượng ăn đầy đủ, khí hậu ôn hòa, bò của trang trại anh Lê Văn Thạnh cho năng suất sữa khá tốt.

Anh Lê Văn Thạnh, cũng như hầu hết dân cư trong xã Hiệp Thạnh, đều nuôi bò cung cấp sữa theo hợp đồng. Với năng suất từ 18 tới 20 kg sữa một con mỗi ngày, anh có thể thu hoạch 4 - 5 tạ sữa. Giá bán cho công ty được đảm bảo từ 12 tới 14 ngàn đồng/ lít sữa. Thu nhập từ đàn bò là không nhỏ, với anh cũng như hầu hết nông dân nuôi bò.

Được biết, không chỉ là một trong những trang trại bò lớn nhất của địa phương, anh Lê Văn Thạnh còn là giám đốc Hợp tác xã Bò sữa 007. Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng bao tiêu sữa với công ty Agrifood cho tất cả các thành viên của mình. Trạm thu mua sữa được đặt ngay tại trang trại của anh, hằng ngày thu sữa cho xã viên và bà con nông dân quanh vùng.

• BIẾN PHÂN BÒ THÀNH PHÂN TRÙN QUẾ

Điều làm trang trại bò sữa của anh Lê Văn Thạnh khác biệt, đó là anh không khai thác phân bò tươi như nhiều trang trại đang làm. Anh Thạnh đang thực hiện kinh tế tuần hoàn, dùng phân bò nuôi trùn quế, sau đó từ phân trùn quế để sản xuất ra các loại phân hữu cơ. Bắt đầu từ một dự án xử lý môi trường của Hội Nông dân, anh Lê Văn Thạnh xây chuồng nuôi trùn quế.

Trong các chuồng nuôi được xây gạch cao chừng 50 cm, anh Thạnh đổ đầy lượng phân bò trộn lẫn đất hữu cơ đã được xử lý, sau đó bỏ 100.000 con giống trùn quế vào nuôi. Trùn quế rất dễ sống, chỉ cần được cung cấp lượng phân bò, phân heo cũng như phụ phẩm nông nghiệp hợp lý. Trên mặt chuồng phủ bạt đen để trùn phát triển. Cứ ba tuần, anh Thạnh phủ lên mặt chuồng một lớp phân bò dày 15 cm và một số phụ phẩm nông nghiệp. Sau hai tháng, trùn quế xử lý sạch lượng phân đó, đồng thời, thải ra được khối lượng phân hữu cơ dễ tiêu. Lượng phân trùn quế này, anh Thạnh thu hoạch và đưa vào nhà máy khai thác thành phân trùn nén, dịch trùn... Những loại phân này rất dễ hấp thụ, hiệu quả với mọi loại cây trồng, đặc biệt, cây trồng vùng rau, hoa.

Hiện tại, anh đang có 400 m2 chuồng nuôi trùn quế. Tuy nhiên, anh Thạnh khẳng định nhu cầu phân trùn quế rất cao và anh đang tiếp tục xây dựng mở rộng thêm diện tích chuồng nuôi. Anh Lê Văn Thạnh chia sẻ: “Lượng phân bón từ trang trại của gia đình tôi là không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất phân bón từ trùn quế. Vì vậy, tôi đang liên kết với bà con nông dân xung quanh để phát triển con trùn quế này. Trang trại sẽ cung cấp giống, hỗ trợ kĩ thuật và tiêu thụ phân trùn cho bà con. Hiện tại, nhà máy đã được xây dựng và trong tương lai, nhu cầu phân trùn ngày càng mở rộng. Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng vùng nuôi trùn quế trong vùng bà con chăn nuôi bò sữa. Đây là một dạng kinh tế tuần hoàn, biến chất thải trở thành phân hữu cơ, giải quyết vấn đề môi trường và mang lại lợi ích kinh tế lớn cho bà con nông dân nuôi bò”.

Anh Nguyễn Văn Thắng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh đánh giá, trang trại bò sữa - nuôi trùn quế của gia đình anh Lê Văn Thạnh là một trang trại được xây dựng và chăn nuôi quy mô lớn, định hướng rất tốt. Mô hình nuôi bò sữa - làm phân trùn đang được nhân rộng trong nông dân xã Hiệp Thạnh với mục tiêu xây dựng kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình làm kinh tế, bảo vệ môi trường được Hội Nông dân tích cực vận động hội viên, nông dân áp dụng, mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế hộ gia đình và bảo vệ môi trường.

DIỆP QUỲNH

 

Tái đàn chăn nuôi cần chú trọng phòng, chống dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Long An

 

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bắt đầu tái đàn để duy trì quy mô chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát khá cao và diễn biến phức tạp. Do đó, người chăn nuôi cần thận trọng trong việc tái đàn và chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Để phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Lũy (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) xuất bán hơn 15 con heo. Sau khi xuất bán, anh vệ sinh chuồng trại,sử dụng hóa chất và vôi bột để khử khuẩn. Anh Lũy cho biết, việc tái đàn thường được tập trung từ tháng 01 đến tháng 3. Đây là thời điểm giao mùa, vì vậy, ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn heo thì cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Năm nay, giá heo thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên gia đình anh chỉ nuôi khoảng 10 con.

 

 

Người chăn nuôi cần chú trọng phòng, chống dịch bệnh khi tái đàn

Bà Nguyễn Thị Nhỏ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) chia sẻ, năm qua, đàn gà của gia đình không mắc bệnh, giá cả tương đối ổn định. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, bà xuất bán trên 2.000 con gà thịt với giá từ 65.000-70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi trên 60 triệu đồng. Để tái đàn, bà Nhỏ đã vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực nuôi, chuẩn bị nhập khoảng 3.000 con gà về nuôi. Theo bà Nhỏ, con giống đóng vai trò quan trọng nên bà lựa chọn cẩn thận, hầu hết được nhập từ những trang trại giống uy tín và kiểm tra chất lượng, tiêm phòng vắc-xin, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh khuyến cáo: “Hiện nay, thời tiết bất thường là điều kiện để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát triển, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp như cải tạo chuồng trại thông thoáng, tránh gió lùa, mưa dột; sử dụng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng để phun, khử trùng chuồng trại,...

Bên cạnh đó, cần tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh”./.

Minh Tuệ

 

Nuôi gà lấy trứng, đạt hiệu quả kinh tế tốt

Nguồn tin: Báo Bình Định

 

Anh Lê Thiệu, 47 tuổi, ở thôn Phước Bình, xã Ân Hảo Đông, là chủ trại nuôi gà lấy trứng quy mô lớn nhất huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định). Khu chuồng trại rộng gần 300 m2 được đầu tư đầy đủ hệ thống chiếu sáng, thông gió, cung cấp thức ăn, bệ đẻ trứng, thoát nước tự động của anh hiện đang có 2.100 con gà, trong đó hơn 90% đang cho trứng.

 

 

Anh Lê Thiệu kiểm tra và thu hoạch trứng. Ảnh: TỐNG BÌNH

Anh Lê Thiệu cho biết: Tháng 11.2022, tôi đầu tư gần 800 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại, con giống này. Hiện nay, mỗi ngày thu hoạch và bán ra khoảng 2.000 trứng, thu lãi hơn 1,5 triệu đồng. Tới đây, tôi sẽ xây dựng tiếp khu chuồng trại thứ 2 cũng rộng khoảng 300 m2 để mở rộng quy mô chăn nuôi, cùng với đó, liên kết với một số hộ dân có điều kiện chăn nuôi để hợp tác nuôi gà lấy trứng cung cấp cho thị trường.

Hiện nay, tổng đàn gà của huyện Hoài Ân vào khoảng 600 nghìn con nhưng chủ yếu là gà thịt. Việc nuôi gà lấy trứng như thực tế mà anh Thiệu đã làm gợi mở một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi. Với tinh thần sẵn sàng đồng hành với người dân, chúng tôi hỗ trợ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng để lên kế hoạch xin kinh phí hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sản xuất gắn kết tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân.

TỐNG BÌNH

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop