Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 12 tháng 07 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 12 tháng 07 năm 2021

Nông dân Việt ‘khóc ròng’ với vườn chuối bên...Lào

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bỏ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng để thuê đất trồng chuối ở nước bạn Lào, nay COVID-19 bùng phát, ngành chức năng siết chặt đường biên khiến nhiều nông dân ở các xã vùng biên huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) bó gối, khóc ròng vì chuối không thể hái, bị hỏng hoặc bị trộm khoắng sạch…

Chuối Tân Long nổi tiếng trong vùng - Ảnh: N.P

Thủ phủ chuối lao đao

Tại rất nhiều xã ở huyện vùng biên Hướng Hóa, cây chuối là loại cây chủ lực, mang về thu nhập cao cho nhiều người dân với khoảng 4.100 ha, sản lượng trên 55.000 tấn/năm. Chuối Hướng Hóa thường xuất đi Trung Quốc, các nước Asean và tiêu thụ trong nước.

Trong đó, xã Tân Long được xem là thủ phủ chuối của huyện này. Từ khi chuối bắt đầu xuất khẩu, phong trào trồng chuối ở Tân Long phát triển mạnh, diện tích chuối không ngừng tăng lên. Năm 2005, diện tích chuối trên địa bàn xã Tân Long gần 410 ha, đến nay toàn xã đã trồng được 950 ha chuối. Với giá bán 3.000- 10.000 đồng/kg chuối, mỗi năm toàn xã Tân Long thu về cả trăm tỉ đồng từ tiền bán chuối. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, chợ chuối Tân Long là nơi vào ra tấp nập của các thương lái Bắc-Nam. Cũng tại đây, vào dịp Tết, chủ vườn có những buồng chuối đẹp có thể hét giá 2-5 triệu đồng cho mỗi buồng là chuyện rất bình thường.

Nhưng 2 năm trở lại đây, thủ phủ chuối Tân Long lâm vào cảnh đìu hiu. Tất cả cũng vì COVID-19 hoành hành. Từ giữa năm 2020, công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc xuất khẩu chuối sang Trung Quốc qua các cửa khẩu bị ngưng trệ. Giá chuối cùng bắt đầu tụt dốc theo sự bùng phát của dịch bệnh, có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm bởi các lễ hội trong nước tạm dừng tổ chức; nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp đóng cửa; học sinh nghỉ học… Thậm chí, có thời điểm, tư thương nhiều ngày không nhập chuối khiến các hộ dân không bán được, nếu có thì với mức giá rất thấp.

Người dân ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa đã có 2 mùa chuối lao đao -Ảnh: N.P

Sang năm 2021, giá chuối bắt đầu nhích lên thì 1 khó khăn khác nảy sinh. Theo ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long thì ngoài canh tác chuối ở địa phương, có khoảng 300 người dân Tân Long sang các vùng giáp biên thuộc đất Lào thuê đất để trồng chuối, tổng diện tích lên tới 1.200 ha. “2 năm nay, COVID-19 bùng phát, ngành chức năng 2 nước siết chặt biên giới, bà con không sang bên kia để thu hoạch chuối về được, dẫn đến kinh tế khó khăn”, ông Cương thông tin.

Cho "Chộ" nhưng ... không cho ăn

Ông Võ Hoành (50 tuổi), trú tại thôn Long Thành, xã Tân Long cho biết ông sang Lào thuê đất trồng chuối từ năm 2002, trước khi có dịch xảy ra ông có khoảng 12 ha chuối ở bản A Xing (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào). Theo ông Hoành, 2 năm không thể sang Lào chặt chuối mang về, ông mất đi một nguồn thu rất lớn và giờ rẫy chuối của ông không ai quản, một phần chuối chín bị hư hỏng, một phần bị người ta chặt trộm hết. “Trong số đó, có 1 vườn chuối 900 gốc rất đẹp, tôi mua 155 triệu đồng, mới khai thác được 4 năm đã thu về 500 triệu đồng rồi. Giờ chỉ biết ngồi tiếc. Nhưng tôi dù sao vẫn còn có tí vốn liếng lận lưng từ những vụ trước để cầm cự, chứ những người mới vào nghề, vay vốn ngân hàng để sang Lào mua vườn chuối thì chỉ có... chết đứng”, ông Hoành cho biết.

Tương tự, ông Đoàn Văn Ly (51 tuổi), cũng trú ở thôn Long Thành cho biết ông cùng 1 người bà con chung vốn và hiện có 7.000 gốc chuối ở bản A Rực (huyện Sê Pôn). Sang nước bạn trồng chuối từ năm 2013 đến nay nhưng chưa khi nào gia đình anh lại rơi vào cảnh éo le như 2 năm nay. “Đợt dịch 2020, số chuối bên Lào xem như bỏ vì đường biên bị kiểm soát chặt chẽ để phòng chống dịch bệnh. Sang đầu năm 2021, dịch giã thưa thưa 1 chút, chúng tôi gồng mình sang lại nước bạn, bỏ thêm mấy chục triệu đồng thuê nhân công nhổ cỏ, phát cây, bón phân cho vườn chuối, mong gỡ gạc lại chút ít. Nhưng giờ dịch lại bùng phát, máy móc chưa kịp thu dọn, chuối chín đầy vườn bên kia, còn chúng tôi ngồi đây… chơi không, giữa lúc tiền lãi ngân hàng đến tháng vẫn phải nộp”, ông Ly ngao ngán nói.

Anh Võ Hoàng ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa kiểm tra lại chiếc xe máy chở chuối, 2 năm qua không mấy khi dùng -Ảnh: N.P

Vợ ông Ly nói chen vào, ý rằng vụ chuối thứ 2 này tiếp tục thất thu nhưng gia đình bà còn rất lo cho cả vườn chuối những năm tiếp sau. “Trồng chuối là phải làm cỏ, tỉa cây, chặt lá… định kỳ. Giờ để không, chẳng ai chăm, cây cỏ mọc lên um tùm, chuối nó rụi hết và coi nhưng công chăm mấy năm trước đó đổ sông đổ biển”, bà nói.

Đáng nói, không chỉ ông Hoành, ông Ly và người dân ở xã Tân Long, mà có rất nhiều người nông dân ở các xã Thanh, Thuận, Lìa, Tân Thành, Tân Lập (huyện Hướng Hóa) cũng ngồi “khóc” vì vườn chuối bên Lào. Có người đứng bên bờ sông Sê Pôn, ngóng sang vườn chuối của mình ở bên kia đang chín rục mà than trời: “Đúng là cho chộ (thấy) nhưng… không cho ăn!”.

Chờ phương án ... giải cứu

Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết địa phương rất hiểu cho nỗi buồn, nỗi lo của bà con nông dân có rẫy chuối bên Lào nhưng lực bất tòng tâm. “Chuối bà con không thu hoạch cũng chịu, vì tất cả phải đảm bảo quy định phòng chống COVID-19. Họp dân, bà con có ý kiến nhiều nhưng chúng tôi cũng chỉ biết ghi nhận, báo cáo lên trên, đồng thời động viên bà con chịu khó để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Cương nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Mĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long cho biết hầu hết người dân sang Lào trồng chuối vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, người ít thì vài trăm triệu, người nhiều thì cả tỉ đồng. “Trong hoàn cảnh này, các hộ dân cũng như chính quyền địa phương rất mong muốn các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi hoặc khoanh nợ cho bà con. Hiện, phía Ngân hàng Chính sách xã hội đã có phương án giúp bà con nông dân rồi”, ông Mĩnh thông tin.

Nguyễn Phúc

Đắk Nông: Ưu thế của sầu riêng truyền thống trên thị trường

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Với những phẩm chất riêng biệt, sầu riêng truyền thống (thường gọi sầu riêng hạt) vẫn khẳng định được vị trí trên thị trường. Do đó, nhiều người dân vẫn duy trì diện tích sầu riêng truyền thống để bảo đảm nguồn thu nhập.

Anh Đoàn Quang Hoàng, thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), mặc dù có cả vườn sầu riêng ghép, nhưng anh vẫn duy trì số diện tích sầu riêng truyền thống. Theo anh Hoàng, sầu riêng truyền thống vẫn giữ được những giá trị riêng và bảo đảm thu nhập.

Gia đình anh anh Đoàn Quang Hoàng, thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) vẫn đang duy trì diện tích sầu riêng truyền thống

Hiện nay, đa số người dân đều trồng sầu riêng hạt lép. Thế nhưng, những người sành ăn lại thích sầu riêng truyền thống, với hương thơm và vị ngon riêng. Vì vậy, diện tích sầu riêng truyền thống dù được trồng từ năm 1994, nhưng anh vẫn duy trì chăm sóc.

Mỗi năm, trung bình mỗi cây sầu riêng truyền thống cho thu khoảng 1 tạ quả. So với sầu riêng hạt lép, đa số sầu riêng truyền thống có tỉ lệ cơm ít, hạt nhiều.

Quả sầu riêng truyền thống chỉ khoảng 2-3 kg, cơm có vị thanh mát, ngọt vừa phải, không ngọt lịm. "Đến mùa thu hoạch, gia đình đem bán sầu riêng truyền thống và được rất nhiều người ưa thích", anh Hoàng chia sẻ.

Sầu riêng truyền thống vẫn khẳng định được vị trí nhờ những giá trị đặc trưng

Theo chị Nguyễn Thị Thảo, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), người tiêu dùng ưa chuộng sầu riêng truyền thống một phần vì giá cả bình dân. Lâu nay, chị vẫn rất thích sầu riêng truyền thống.

Gia đình chị cũng có 5 cây sầu riêng truyền thống, mỗi năm cho khoảng 5 tạ quả. Giá của loại sầu riêng này thường từ 15.000-20.000 đồng/kg. Với 5 cây sầu riêng truyền thống, mỗi năm, chị thu về khoảng vài chục triệu đồng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung có thói quen dùng sầu riêng truyền thống. Theo chị Hương, sầu riêng truyền thống thường có giá thấp hơn rất nhiều so với sầu riêng hạt lép, nên đa số người dân dễ mua, dễ bán.

Bởi vì, ngoài giá cả, sầu riêng truyền thống có vị thơm đặc trưng, độ ngọt vừa phải. Đặc biệt, sầu riêng truyền thống hầu như không bị nhiễm thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, nên rất yên tâm sử dụng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 1/4 diện tích sầu riêng truyền thống. Với những đặc tính, lợi thế riêng, sầu riêng truyền thống vẫn khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Các loại sầu riêng truyền thống chủ yếu có giống nội địa, được người dân trồng phổ biến từ khá lâu. Nhiều nhà vườn đang duy trì diện tích sầu riêng truyền thống vì dễ trồng, dễ tiêu thụ và hiệu quả kinh tế ổn định.

Ngành nông nghiệp cũng đang tính toán để chọn lọc những loại sầu riêng truyền thống có giá trị cao để làm giống đầu dòng. Từ đó duy trì, xây dựng bản sắc, thương hiệu cho sầu riêng truyền thống.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Tìm liên kết tiêu thụ sầu riêng cho miền núi Khánh Hòa

Nguồn tin: VOV

Ngay từ bây giờ, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai các giải pháp kết nối, tránh sự đứt gãy, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho người dân miền núi.

Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị vào vụ thu hoạch sầu riêng, dự kiến sản lượng đạt hàng ngàn tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 việc tiêu thụ loại trái cây này nguy cơ gặp nhiều khó khăn. Ngay từ bây giờ, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai các giải pháp kết nối, tránh sự đứt gãy, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho người dân miền núi.

Sầu riêng là loại trái cây đặc sản của huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà. Cây sầu riêng được trồng phổ biến khoảng 20 năm trở lại đây trên vùng đất thung lũng - chuyển tiếp giữa Tây nguyên và đồng bằng ven biển. Khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp đã cho những trái sầu riêng cơm vàng, hạt lép thơm ngon. Sầu riêng nơi đây còn chín “lệch pha”, thu hoạch muộn hơn so với các địa phương khác từ 1-2 tháng.

Sầu riêng Khánh Sơn là trái cây đặc sản ở tỉnh Khánh Hòa.

Những năm trước, sầu riêng được thương lái thu mua tận vườn, đem lại tiền tỷ cho nhiều hộ dân miền núi. Năm nay, khi sắp vào vụ thu hoạch, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hộ dân lo lắng việc tiêu thụ sẽ khó khăn. Anh Huỳnh Văn Sa, trồng 1 ha sầu riêng ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết, sầu riêng chín rộ trong thời gian ngắn, nếu không thu hoạch kịp sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người trồng.

“Sầu riêng đủ độ chín phải tiêu thụ ngay nếu không nó sẽ rụng. Các nhà vườn đang chuẩn bị thu hoạch đúng vào dịp dịch, đáng lo nhất là thương lái các vùng miền nhiều khả năng họ không di chuyển về địa phương thu mua. Trước đó, các vườn đã có các thương lái đến chốt vườn mua trái, nhưng dịch như thế này không biết các thương lái có bỏ cọc hay không”, anh Sa lo lắng.

Từ 10 ha khảo nghiệm ban đầu, đến nay, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà đã đưa sầu riêng trở thành một trong những cây trồng chủ lực. Diện tích trồng sầu riêng được mở rộng với hơn 3.000 ha, tập trung tại 7 xã và 1 thị trấn. Trong đó khoảng 2.000 ha đã cho quả, tổng sản lượng hàng năm khoảng 5.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, hàng năm, địa phương tổ chức lễ hội trái cây để thu hút du khách, giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương bị giãn cách, phong tỏa nên thương lái ngại lên Khánh Sơn thu mua sầu riêng.

“Thu mua nông sản cho bà con năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn vì đa số thương lái ở miền Nam, họ ra thu mua sản lượng rất lớn. Huyện đang kiến nghị với tỉnh có những cơ chế để cho phép các thương lái đã tiêm ngừa vaccine, hoặc xét nghiệm chứng nhận không dương tính Covid-19 vào địa bàn thu mua. Đặc biệt, tuyên truyền vận động cho bà con toàn tỉnh Khánh Hòa có sự quan tâm, hỗ trợ đầu ra cho nông sản Khánh Sơn”, ông Nhuận cho biết.

Câu chuyện khó khăn tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra với nhiều loại nông sản như xoài, bưởi, dưa hấu, tỏi… Vừa qua, khi nông sản khó tiêu thụ, xuất hiện nhiều mô hình giúp nông dân bán nông sản nhưng vẫn mang tính phong trào, lượng tiêu thụ không đáng kể.

Huyện Khánh Sơn có diện tích sầu riêng khá lớn đang rất cần tháo gỡ khó khăn để tiêu thụ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để giải quyết bài toán đầu ra ổn định cho sầu riêng nói riêng cũng như các loại nông sản khác, trước mắt các ngành như công thương, nông nghiệp và chính quyền địa phương cùng “xắn tay” để hỗ trợ người dân. Ngành công thương chủ động nắm chắc sản lượng để đưa nông sản vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên phạm vi toàn quốc.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tuân, về lâu dài, phải đảm bảo thực hiện phát triển các loại nông sản đúng quy hoạch, cơ cấu mùa vụ hợp lý, đa dạng liên kết tiêu thụ tránh bị dồn ứ khi bị đứt gãy chuỗi thu mua.

“Các đơn vị trong tỉnh phải giúp cho nhân dân Khánh Sơn tiêu thụ nông sản chất lượng cao vào đầu tháng 8. Giám đốc Sở Công Thương kích hoạt với toàn bộ hệ thống tiêu thụ trên toàn quốc, các siêu thị, các cửa hàng. Cùng với đó, Khánh Sơn phải tích cực thực hiện nhiều hình thức, nhiều kịch bản, để đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng dịch và phát triển sản xuất”, ông Tuân chỉ rõ./.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Xuất khẩu cà phê đạt 1,3 tỷ USD, giảm về lượng nhưng giá tăng

Nguồn tin: VOV

Xuất khẩu cà phê trong những tháng đầu năm 2021 giảm 12% về lượng, giảm 3% về kim ngạch nhưng tăng 7,6% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2021 xuất khẩu cà phê sụt giảm trên 1% cả về lượng và kim ngạch so với tháng liền kề trước. Cụ thể xuất khẩu cà phê đạt 130.285 tấn, tương đương 243,54 triệu USD. Tuy nhiên, giá cà phê tăng nhẹ 0,2%, đạt 1.869,3 USD/tấn.

Trong 5 tháng năm 2021, xuất khẩu giảm 12% về lượng, giảm 3% về kim ngạch nhưng tăng 7,6% về giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 715.263 tấn cà phê, tương đương tỷ 1,3 tỷ USD.

Xuất khẩu cà phê đạt 1,3 tỷ USD, giảm về lượng nhưng giá tăng.

Trong 5 tháng đầu năm, cà phê của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức, chiếm 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 178,67 triệu USD, giá tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 2 về tiêu thụ cà phê Việt Nam giảm 3,5% về lượng, nhưng tăng 6,7% kim ngạch và tăng 10,6% về giá so với cùng kỳ, đạt 149,67 triệu USD. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ giảm 24,7% về lượng, giảm 18,6% về kim ngạch nhưng tăng 8,1% về giá, đạt 101,09 triệu USD.

Thị trường Trung Quốc là điểm sáng duy nhất trong xuất khẩu cà phê, tăng mạnh 61% về lượng và tăng 52,7% kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 52,8 triệu USD.

Nhìn chung, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê sang đa số thị trường bị sụt giảm cả lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá lại tăng./.

Phương Hoài/VOV.VN

Mô hình lúa - tôm kết hợp trồng màu trên bờ vuông: Hiệu quả cao và bền vững

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) được xem là “thủ phủ” của mô hình lúa - tôm. Vụ lúa - tôm năm ngoái, toàn huyện có 12.500ha diện tích xuống giống lúa trên đất tôm và có 7.100ha thả tôm càng xanh xen với lúa. Mô hình này chủ yếu tập trung ở các xã Vĩnh Phú Tây, Phước Long, thị trấn Phước Long và một phần xã Phong Thạnh Tây A.

Mô hình lúa - tôm kết hợp trồng màu trên bờ vuông ở huyện Phước Long. Ảnh: M.Đ

Đây là mô hình nuôi kết hợp mang tính sinh thái. Ưu điểm của mô hình này là sản xuất ngắt vụ nên hạn chế được mầm bệnh phát sinh trong ao nuôi tôm; sang vụ lúa, lúa sẽ hấp thu các chất hữu cơ trong ao nuôi, các sản phẩm thải của tôm cá giúp cải tạo lại ao nuôi. Mùa vụ của mô hình: Sản xuất từ tháng 1 - tháng 8 hằng năm. Theo đó, thả 2 vụ tôm sú, đến tháng 8 khi độ mặn giảm thì tiến hành rửa mặn để sạ lúa, kết hợp với thả tôm càng xanh và trồng màu trên bờ vuông. Mật độ thả tôm sú từ 1 - 2 con/m2, tôm càng xanh từ 1 - 2 con/m2; số lượng lúa sạ 7kg/1.000m2. Kết quả: Năng suất tôm sú từ 200 - 280kg/ha/năm, lãi từ 15 - 30 triệu đồng/ha/năm; năng suất lúa từ 4 - 4,5 tấn/ha, lãi từ 12 - 16 triệu đồng/ha/vụ; năng suất tôm càng xanh từ 100 - 150 kg/ha/năm, lãi từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm. Riêng trồng các loại màu như khổ qua, bắp, bí đỏ, dưa hấu, dưa leo trên bờ vuông, sau khi trừ chi phí sản xuất cho lãi gần 15 triệu đồng trong thời gian 3 - 4 tháng. Tổng lợi nhuận từ mô hình này từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm.

Qua nhiều năm sản xuất, nông dân cho rằng mô hình lúa - tôm kết hợp trồng màu trên bờ vuông đã mang lại hiệu quả cao và phát triển bền vững. Hiện mô hình này được huyện Phước Long và ngành chức năng khuyến cáo nhân rộng.

NHẬT MINH

Thái Nguyên: Hoàn thành gieo trồng 50% diện tích ngô vụ mùa

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Bà con xóm Phẩm 2, xã Dương Thành (Phú Bình) kiểm tra sâu bệnh trên cây ngô.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch gieo trồng 4.260ha ngô (giảm 490ha so với cùng kỳ năm ngoái), phấn đấu sản lượng đạt 20.300 tấn.

Cơ cấu giống ngô được tỉnh khuyến khích bà con đưa vào sản xuất gồm: HN88, NK4300, NK6639, LVN61, NK66 Bt/GT, NK4300 Bt/GT, NK7328 Bt/GT… Để cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, bà con tiến hành trồng với mật độ hợp lý, tăng cường thâm canh, bón phân cân đối, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và hạn chế dùng thuốc diệt cỏ.

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô nên ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân sử dụng các giống ngô biến đổi gen có năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh cao để đưa vào gieo trồng. Cùng với đó, bà con cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để có biện pháp phòng, trừ có hiệu quả. Tính đến ngày 8-7, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 50% diện tích ngô vụ mùa.

Khánh Thiện

Hạn hán giữa mùa mưa Đắk Lắk khiến nông dân thiệt hại nặng

Nguồn tin:  VOV

Hiện tượng hạn hán xảy ra vào giữa mùa mưa như hiện nay là hiếm hoi ở Đăk Lăk, khiến gần 2.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trên 1.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã vào mùa mưa. Tuy nhiên ở xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có mưa, công trình thủy lợi cạn kiệt khiến gần 2.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trên 1.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Rẫy cà phê rộng hơn 1 ha đang trong thời kỳ kinh doanh của gia đình ông Hứa Văn Quân, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ đang phải đối mặt với khô hạn nặng. Cà phê đang giai đoạn nuôi quả lớn đáng nhẽ phải xanh tươi nhưng cành lá lại héo rũ, quả non khô quắt rơi rụng. Ông Hứa Văn Quân cho biết, nếu trong vài ba ngày tới mà trời không xuất hiện mưa, vườn cây không được tưới nước, thì nguy mất trắng là điều khó tránh khỏi.

“Thời điểm này như các năm trước không bị hạn trái cà phê to hơn nhiều, nhưng do khô hạn nên cây không phát triển được dẫn tới quả bé hơn so với mọi năm. Hạn hán còn làm cành lá cây cà phê khô héo, quả non rụng nhiều, thậm chí có nhiều cây đã chết”, ông Quân cho hay.

Hàng trăm ha ngô mới gieo trồng của người dân xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ bị chết khô do không có nước tưới.

Tương tự, vườn cà phê trồng xen canh ngô lai rộng 1,4 ha của gia đình bà Siu H’Niê, thôn 2B, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ cũng đang phải đối mặt với khô hạn nặng. Bà Siu H’Niê chia sẻ, năm ngoai diện tích này cho thu trên 4 tấn cà phê nhân, 5 tấn ngô hạt, nhưng năm nay khô hạn khiến cà phê bị khô cháy, ngô trồng xen thì đã chết. Thu nhập của gia đình bà Siu H’ Niê chủ yếu dựa vào 1,4 ha đất này, thế nhưng hạn hán đã đốt sạch.

“Nắng nóng khiến ngô chết hết, năm ngoái thu được 20 triệu thì năm nay mất trắng, còn vườn cà phê cũng đang héo lá, rụng quả. Nước đập hiện nay đã khô nứt nẻ, nếu vài ngày nữa không có mưa lớn thì năng suất nông sản sẽ giảm đi rất nhiều”, bà Siu H’Niê than phiền.

Thống kê của UBND xã Ea Siên cho thấy, vụ Đông Xuân năm 2021, toàn xã có gần 2.000 ha cây trồng các loại; trong đó 1.500 ha cây trồng lâu năm là cà phê, hồ tiêu, mắc ca, nhãn còn lại trên 500 ha là cây ngắn ngày gồm lúa, ngô, đậu và nghệ.

Người dân xã Ea Siên đang mong chờ mưa từng giờ để ứng phó với khô hạn.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch UBND xã Ea Siên, tình trạng hạn hán trên địa bàn xã đã diễn ra trong nhiều năm, nhất là vào cao điểm mùa khô. Tuy nhiên, việc hạn hán xảy ra vào giữa mùa mưa như hiện nay là hiếm hoi. Do địa chất đặc thù nên nguồn nước ngầm ở xã rất khan hiếm, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt chủ yếu từ hai công trình hồ thủy lợi Ea Mích, Ea B’Lang và các ao hồ, sông suối nhỏ. Việc chưa xuất hiện mưa lớn khiến các công trình thủy lợi, ao hồ hay sông suối đã cạn khô.

Hơn nữa, các công trình thủy lợi là hồ Ea Mích và Ea B’lang nhiều năm qua chưa được nạo vét, nâng cấp nên việc tích nước không đạt dung tích thiết kế ban đầu dẫn tới khô hạn khốc liệt hơn. Khô hạn xảy ra không chỉ gây thiệt hại cho gần 2.000 ha cây trồng, mà còn khiến trên 7.500 nhân khẩu trên địa bàn xã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

“Hạn hán xảy ra ở xã đã gây khó khăn cho cả việc tưới tiêu cho cây trồng và nước sinh hoạt. Về nước sinh hoạt, UBND xã đã đề xuất lên thị xã Buôn Hồ xây dựng công trình cấp nước tập trung bơm từ hồ Krông Búk Hạ về trạm tại thôn 2A để xử lý cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các thôn. Nước tưới cho cây trồng cũng được xã trình các phương án nạo vét, tu sửa nâng và nâng cấp hai công trình hồ thủy lợi Ea Bích và Ea M’lang, hoặc có thể xây thêm các công trình thủy lợi khác để phục vụ việc tưới tiêu cho địa phương”, ông Cường cho hay.

Hạn hán cục bộ xảy ra giữa mùa mưa thể hiện thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan khó lường ở Tây Nguyên./.

Tuấn Long/VOV- Tây Nguyên

Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp - đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra vào cuối năm

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn vừa có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan về kế hoạch tổ chức Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2021 với chủ đề “Liên kết cùng phát triển”.

Quang cảnh buổi làm việc

Dự kiến, sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 5/12 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Đồng Tháp (Số 03, đường Duy Tân, phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh). Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Triển lãm sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố ĐBSCL; trình diễn của nghệ nhân các làng nghề, giới thiệu và giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch của các địa phương; giới thiệu ẩm thực miền Tây và các vùng, miền trên cả nước; hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp xuất khẩu...

Theo lãnh đạo các sở, ngành đề nghị, ngoài việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, diễn đàn cần quan tâm vấn đề kết nối, xây dựng chuỗi cung – cầu để tiêu thụ sản phẩm.

Qua nghe các đề xuất và góp ý, lãnh đạo UBND tỉnh giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư ghi nhận các ý kiến, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các đơn vị tư vấn để hoàn chỉnh kế hoạch.

NHƯ Ý

Sẽ triển khai hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Nguồn tin:  Báo Bình Thuận

Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Thuận có kế hoạch triển khai hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Mục tiêu, cơ bản tiêu thụ hết nông sản của tỉnh, đảm bảo vẫn giữ được thương hiệu, giữ được giá cả ổn định góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân...

Thanh long sau thu hoạch.

Sản lượng nông sản lớn

Trong số các loại cây lợi thế của Bình Thuận, diện tích thanh long hiện có 33.750 ha, thời điểm hiện tại đang vào mùa thu hoạch chính. Dự kiến sản lượng thu hoạch 6 tháng cuối năm đạt 437.000 tấn. Riêng cây cao su đang trong mùa thay lá non, người trồng tập trung chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới, dự kiến sản lượng thu hoạch từ tháng 6-12 đạt 60.330 tấn. Cây điều đang trong thời điểm thu hoạch, với sản lượng điều khô từ nay đến cuối năm đạt 8.680 tấn. Riêng các sản phẩm thủy sản, tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp khai thác và chế biến sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, dự kiến sản lượng khai thác tôm thẻ chân trắng đạt 142.350 tấn…

Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu khả quan. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản ước thực hiện 9,69 triệu USD, tăng 37,6% so cùng kỳ. Riêng đối với thị trường tiêu thụ nội địa, do diễn biến mới của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn, resort trên địa bàn tỉnh không có khách nên tình hình tiêu thụ nông sản có dấu hiệu trầm lắng.

Đặc biệt, phải nói đến mặt hàng nông sản chính của Bình Thuận là thanh long, trong nửa năm qua, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch thực hiện 4,3 triệu USD tương đương 2.747 tấn, giảm 6,59% về giá trị và giảm 37,83% về lượng so cùng kỳ năm 2020. Ngoài thị trường xuất khẩu chính là châu Á, một số nước châu Âu, châu Mỹ… thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu biên mậu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu biên mậu được thực hiện thông quan song song với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản sang thị trường này theo hình thức biên mậu gặp không ít khó khăn.

Có giải pháp hỗ trợ

Đứng trước thực tế đó, mới đây UBND tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 đến cuối năm. Trong đó, đề xuất các giải pháp phù hợp để phấn đấu thực hiện đạt được mục tiêu hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tiêu thụ nông sản của tỉnh năm 2021. Trong đó, xây dựng kịch bản về tiêu thụ thanh long là phải tiêu thụ hết thanh long với mức giá hợp lý. Đẩy mạnh xuất khẩu thanh long cả chính ngạch và tiểu ngạch. Tập trung tiêu thụ thanh long tại thị trường trong nước, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Đáng chú ý, trong tổng số sản lượng thanh long 6 tháng cuối năm 2021 khoảng 437.000 tấn, sẽ được tính toán tiêu thụ chính ngạch, biên mậu và thị trường nội địa. Riêng các loại nông sản khác thực hiện như kịch bản tiêu thụ thanh long khi nông sản tiêu thụ gặp khó khăn, dồn ứ. Mặt khác, tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa gắn với tập trung tiêu thụ nội địa. Song song, đẩy mạnh tiêu thụ trên nền tảng số, thương mại điện tử và bảo quản tại các kho lạnh chờ điều kiện thuận lợi để tiêu thụ và xuất khẩu.

Thời điểm này, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành, địa phương liên quan để thực hiện tốt việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19. Mục tiêu là có giải pháp ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn chủ động và tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản…

KIỀU HẰNG

Hiệu quả từ cây trồng, vật nuôi đặc sản

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã hình thành được những mô hình cây trồng, vật nuôi đặc sản theo hướng hàng hóa đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô. Những đặc sản, như: Gà Mía Sơn Tây, bưởi đường Quế Dương, nhãn chín muộn Đại Thành… không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Gà Mía Sơn Tây được nuôi bảo tồn nguồn gen quý và nhân giống tại Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội).

Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao

Sim vốn là cây mọc hoang ở vùng đồi gò, ít giá trị về kinh tế nhưng với anh Kiều Văn Lợi ở thôn Bơn, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) lại là loại cây trồng mang lại nhiều lợi nhuận. Nắm bắt nhu cầu thị trường, cách đây 4 năm, anh Lợi đã đào những gốc sim mọc hoang trên đồi về trồng. Năm 2020, những gốc sim ban đầu đã cho 5 tạ quả, bán với giá 40 nghìn đồng/kg. “Trồng sim không khó, vì ít sâu bệnh, ít công chăm sóc, giá trị cao hơn rất nhiều so với để vườn tạp”, anh Lợi cho biết.

Còn ông Nguyễn Như Hảo ở xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) đã cùng một số người góp vốn thành lập Hợp tác xã Sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, cung ứng bưởi đường đặc sản cho thị trường. Với giá bán trung bình 35.000-40.000 đồng/quả, trồng bưởi đường Quế Dương cho thu nhập 500-700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Quân ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cho biết, với 300 con gà Mía thả vườn, mỗi năm, gia đình ông thu được gần 150 triệu đồng. Đây là nguồn thu lý tưởng đối với các hộ dân làm nông nghiệp ở địa phương. Thời điểm hiện tại, xã Đường Lâm có hơn 20 hộ chăn nuôi gà Mía thương phẩm và nhân giống gà Mía cung cấp cho người chăn nuôi trong vùng.

Nói về những mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, sau khi thực hiện thành công chương trình dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh giá trị cao. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi là đặc sản của địa phương, như: Bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, cam Canh, nhãn chín muộn Đại Thành, gà Mía Sơn Tây… đã được nông dân nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần nâng thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn lên 55 triệu đồng/người/năm (tính đến hết năm 2020).

Hỗ trợ để phát triển theo hướng hàng hóa

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, Sở NN&PTNT tích cực hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số loại cây ăn quả; phát triển thương hiệu cho một số vật nuôi là đặc sản của các địa phương; đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời nghiên cứu thị trường, dự báo sản lượng để bảo đảm ổn định sản xuất.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, những năm gần đây, Quốc Oai đã chuyển đổi hàng trăm héc ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Riêng với xã Đại Thành, huyện đã phê duyệt chuyển đổi 100% diện tích đất nông nghiệp (115ha) sang trồng nhãn chín muộn. Sở NN&PTNT và huyện Quốc Oai hỗ trợ người trồng nhãn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, nhờ đó, chất lượng quả được bảo đảm, mã quả sáng, đẹp hơn. Niên vụ năm 2020, sản lượng nhãn chín muộn đạt 2.500 tấn, doanh thu hơn 50 tỷ đồng.

Còn Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm - Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Duy Vụ thông tin, đơn vị đang nuôi hàng chục nghìn con gà Mía giống “bố mẹ”, với kỹ thuật hiện đại, mỗi năm có thể nhân được hàng triệu con gà Mía giống cung cấp cho các hộ nông dân, trang trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá: “Thành phố Hà Nội đã đi đúng hướng, khi khai thác lợi thế từ các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, giá trị cao để phát triển kinh tế. Những mô hình như vậy cần được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp của thành phố hỗ trợ, từ khâu chọn giống, quy trình sản xuất đến các vấn đề liên quan tới thị trường tiêu thụ... để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phát huy hiệu quả đã đạt được từ các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Hà Nội cần tiếp tục xác định lợi thế riêng của mỗi địa phương, chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi vừa có giá trị kinh tế cao, vừa bảo đảm phát triển bền vững, đưa vào sản xuất theo hướng hàng hóa, qua đó nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn”.

NGUYỄN MAI

Nuôi gà sạch, an toàn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nuôi gà sạch nhằm đảm bảo chất lượng thịt ngon, dễ bán, đó cũng là ý tưởng mới của nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Hậu Giang và đã có rất nhiều người thành công từ mô hình này.

Anh Trường với mô hình nuôi gà theo hướng sạch, an toàn.

Chăn nuôi gà là một trong những nghề đã có từ lâu và được nông dân chọn nhiều, bởi gà là vật dễ nuôi, nhu cầu thị trường lớn, chi phí đầu tư ban đầu không cao như nuôi heo, nuôi trâu bò… Trong những năm gần đây, gà được tiêu thụ mạnh, giá bán tương đối cao, người nuôi có lời nên có rất nhiều hộ nuôi với hình thức từ nhỏ lẻ chuyển sang quy mô lớn. Trong đó, có nhiều giống gà được chọn nuôi như: gà ta, gà phượng hoàng, gà Bến Tre, gà đông tảo… Tuy nhiên, phần đông số hộ nuôi gà thường theo lối truyền thống, còn thực hiện theo phương pháp chăn nuôi gà sạch thì rất ít người nghĩ tới.

Nhận thấy đây là một hướng đi mới đem lại nhiều tiềm năng, hiệu quả trong chăn nuôi, thị trường tiêu thụ ổn định nên chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền và một số hộ dân khác ở ấp 4, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi gà sạch tại gia đình. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi gà của chị, để áp dụng được phương pháp nuôi gà sạch, trước hết là chị Tuyền phải đầu tư lại hệ thống chuồng trại rất kỹ bằng đệm lót sinh học. Dụng cụ cho ăn đảm bảo vệ sinh, chuồng nuôi thường xuyên được tẩy uế bằng vôi và thuốc sát trùng, ngoài ra chị còn đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, lưới bao xung quanh chuồng.

Khâu lựa chọn gà giống của chị Tuyền cũng khá khắt khe. Chị không mua gà con trôi nổi để nuôi, mà tự gầy đàn, nhân giống với những giống phù hợp khí hậu địa phương như gà ta, gà chọi, vì các giống gà này có ưu điểm khỏe, đề kháng tốt… Trong quá trình nuôi, chị áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật theo hướng sạch, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, đồng thời thực hiện đúng quy trình tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho gà nên gà của chị nuôi luôn bán được giá cao. Mỗi năm chị xuất chuồng bán ra 2 lứa khoảng 1.000 con, tương đương 2 tấn gà thịt, với giá bán tại chuồng từ 75.000-80.000 đồng/kg, cho nguồn lợi nhuận hơn 50 triệu đồng mỗi năm.

Anh Tư Bình (Trần Văn Bình), hàng xóm với chị Tuyền và cũng là người nhiều năm nuôi gà thả vườn cho biết để gà nuôi bán được giá cao, không sợ “ế” thì người nuôi chỉ cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn gà sạch. Từ khâu thức ăn, đến quá trình chăn nuôi đều có quy chuẩn chặt chẽ, giảm tối đa việc sử dụng các loại chất kháng sinh trong cám. Điều đặc biệt, cách nuôi này có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn con giống, chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Đồng thời, việc vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên, lưu ý giai đoạn đầu của gà con, cần phải theo dõi đàn gà, tránh dịch bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của gà. Trong tháng đầu tiên, phải đảm bảo sử dụng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, dịch cúm H5N1... Đồng thời, vườn thả gà cần được khoanh lưới rộng, sạch sẽ để đảm bảo gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài.

Chị Lê Thị Thanh Cần, cán bộ tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Thuận Hòa, cho hay: Nhờ có sự hỗ trợ tích cực của ngành thú y và chăn nuôi từ huyện đến tỉnh, về cách chăm sóc cũng như cách phòng trừ dịch bệnh gây hại cho gà nên hầu hết số hộ nuôi gà trong xã đều thực hiện chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, từ đó gà nuôi lớn nhanh và ít bị dịch bệnh. Ngoài ra, gà nuôi theo hướng sinh học cho thịt dai và thơm ngon nên bán được giá cao hơn các giống gà nuôi theo lối công nghiệp. Nhờ vậy mà có nhiều hộ dân nuôi gà trong xã đều đạt tỷ lệ thành công cao, thu nhập khá. Có đều, để nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi người chăn nuôi phải tuân thủ nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm được chi phí giá thành trong chăn nuôi và chủ động tạo ra con giống tốt…

Anh Đặng Võ Nhựt Trường, ở ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, một thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu từ nghề chăn nuôi heo, gà, vịt, có thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm, cho biết: Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà thả vườn đang rất phát triển ở nhiều vùng nông thôn, bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Tuy chăn nuôi gà thả vườn không khó, nhưng để nuôi gà ta đạt hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi người chăn nuôi phải học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế ở từng hộ gia đình. Bởi nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm giống với cách chăn nuôi truyền thống, gà được thả tự do với không gian rộng lớn trong vườn. Vì thế, ngoài các loại thức ăn chính là lúa, bắp và thức ăn công nghiệp tổng hợp thì gà còn tự kiếm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để cung cấp thêm dinh dưỡng. Ngoài việc chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn xuất khẩu thì người nuôi cũng cần nuôi theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm sạch, có như vậy mới đảm bảo cung cấp được chất lượng gà thịt tốt nhất tới người tiêu dùng.

Nhờ mạnh dạn và tìm hướng đi để phát triển mà anh Trường đã và đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình từ mô hình nuôi gà sạch, không tốn quá nhiều vốn đầu tư, thời gian chăm sóc, mà hiệu quả kinh tế cao.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Làm giàu nhờ liên kết với doanh nghiệp nuôi heo gia công

Nguồn tin: Báo Bình Định

Một số hộ nông dân thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định) nhiều năm qua liên kết với DN trong chăn nuôi gia súc và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, đạt hiệu quả cao.

Cách đây gần 15 năm, ông Lê Xuân Quang là người đầu tiên ở xã Nhơn Thọ nuôi heo gia công, khi ký hợp đồng với Công ty CP chăn nuôi C.P (Công ty C.P). Ban đầu ông Quang nuôi 400 con/lứa (mỗi năm nuôi 2 lứa), sau tăng lên 600 - 700 con/lứa. Từ năm 2014 đến nay, ông thuê thêm một trang trại của người khác để tăng đàn lên 1.500 con/lứa. “Trong quá trình nuôi, Công ty C.P chịu trách nhiệm cung ứng toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y và đưa kỹ sư về hướng dẫn lao động chăm sóc heo tại trang trại. Đàn heo của tôi nuôi gia công bảo đảm tăng trọng, chưa bao giờ xảy ra các dịch bệnh lớn. Hằng năm sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận cũng trên 800 triệu đồng”, ông Quang chia sẻ.

Ông Lê Xuân Quang chăm sóc đàn heo nuôi gia công cho DN. Ảnh: XUÂN THỨC

Nuôi heo gia công đến nay cũng đã 10 năm, trang trại của anh Nguyễn Thành Bảo mỗi năm nuôi 2 lứa heo (1.500 con/lứa). Anh Bảo cho biết: Thấy anh Lê Xuân Quang làm hiệu quả, nên có đợt Công ty C.P về địa phương khảo sát tìm thêm đối tác nuôi heo gia công, tiêu chuẩn đưa ra phải có đất rộng, bảo đảm nuôi từ 1.000 con heo trở lên, chuồng trại xây dựng theo tiêu chuẩn Công ty đưa ra..., tôi liền ký hợp đồng. Thiếu vốn xây chuồng trại, tôi mạnh dạn thế chấp nhà, đất để vay tiền đầu tư. Nhờ nuôi hiệu quả, gia đình tôi rất phấn khởi khi thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Còn anh Nguyễn Bá Ân sau khi đi tham quan một số mô hình trong thôn, cũng quyết định xây chuồng trại, tìm đến Công ty C.P xin hợp đồng nuôi heo gia công. Mỗi năm anh được Công ty C.P đầu tư con giống nuôi từ 1.000 - 2.000 con/lứa, thu nhập từ 600 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm. Gia đình anh có tiền tích lũy sau khi trả hết nợ ngân hàng đã vay lúc đầu để xây dựng chuồng trại.

Ông Phan Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thọ, cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 8 hộ nuôi heo theo hình thức gia công và đều thu lợi nhuận trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Các hộ đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị xã, riêng ông Lê Xuân Quang đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

XUÂN THỨC

Heo hơi Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP.HCM giảm mạnh

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Đồng Nai, hiện lượng heo cung cấp cho TP.HCM giảm so với trước do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Heo đang được đưa lên xe để vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ

Cụ thể, trước đây lượng heo trung bình cung cấp vào thị trường TP.HCM thường từ 3-4 ngàn con/ngày đêm thì hiện nay giảm chỉ còn khoảng hơn 2 ngàn con heo/ngày đêm. Theo các thương lái trên địa bàn Đồng Nai kinh doanh mặt hàng thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Tân Xuân (TP.HCM), hiện các chợ này đang tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid - 19. Đa số các thương lái này cũng đang thực hiện tự cách ly để phòng dịch nên tạm dừng hoạt động mua bán, cung cấp mặt hàng thịt heo vào các chợ đầu mối tại TP.HCM.

Tuy nhiên hoạt động kinh doanh, mua bán heo hơi từ Đồng Nai vào thị trường TP.HCM vẫn diễn ra bình thường. Nguyên nhân lượng heo tiêu thụ vào thị trường TP.HCM giảm hơn trước là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm vì ảnh hưởng dịch Covid - 19.

Phan Anh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop