Đổi đời nhờ cây mãng cầu xiêm
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) được xem là vùng chuyên canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như: thanh nhãn, xoài cát Hòa Lộc... Đặc biệt ở vùng đất này, mãng cầu xiêm là giống cây trồng cực kỳ hưng thịnh với hàng trăm héc-ta chuyên canh. Những năm qua, đời sống nông dân nơi đây từng bước vươn lên khấm khá, nhiều hộ nông dân hiện thực hóa ước mơ trở thành tỉ phú nhờ cây mãng cầu. Trong đó có anh Trần Thanh Việt, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 2, xã Thới Hưng. Anh là một trong những điển hình tiêu biểu có nhiều đóng góp trong 20 năm xây dựng và phát triển TP Cần Thơ (2004-2024), được vinh dự gặp gỡ lãnh đạo Ðảng và Nhà nước.
Anh Trần Thanh Việt phấn khởi khi mãng cầu xiêm trúng mùa, được giá.
Dọc theo đường về ấp 2, xã Thới Hưng dễ dàng bắt gặp những mảnh vườn mãng cầu xiêm trĩu quả, tươi tốt. Thời điểm này, mặc dù đã vào cuối vụ, nhưng tại nhiều nhà vườn, những chuyến xe của thương lái vẫn nặng trĩu trái chín nối nhau đi tất bật. Anh Việt tấm tắc: “Nhờ bám trụ với cây mãng cầu xiêm, đời sống nhiều nông dân nơi đây thêm no ấm”.
Nhiều năm trước, anh Việt nuôi cá da trơn. Tuy mô hình nuôi cá tra mang lại lợi nhuận cao nhưng giá cả bấp bênh. Từ năm 2015, anh đã chuyển đổi, cải tạo đất để trồng mãng cầu xiêm và trồng sen lấy gương. Trên diện tích hơn 1ha đất, anh Việt trồng khoảng 700 gốc mãng cầu xiêm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây mãng cầu trĩu quả, anh Việt chia sẻ: “Sở dĩ tôi chọn trồng mãng cầu xiêm bởi đây là giống cây trồng dễ canh tác, ít sâu bệnh, lại nhẹ công chăm sóc, phù hợp thổ nhưỡng địa phương. Tôi trồng mỗi gốc mãng cầu cách nhau khoảng 2,5m. Khâu chăm sóc khá đơn giản, chủ yếu là đất trồng mãng cầu phải có nền cao, thông thoáng; khi ra trái phải tiến hành bao trái để tránh ruồi vàng đục trái… Bên cạnh đó, nông dân phải kiểm tra vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện sâu bệnh. Việc xử lý phân thuốc theo quy tắc “4 đúng” (đúng lúc, đúng loại, đúng liều, đúng cách)”.
Theo anh Việt, trong quá trình canh tác mãng cầu xiêm, vất vả nhất là khâu thụ phấn. Thông thường nếu muốn cho trái vào mùa thuận, thời gian thụ phấn sẽ bắt đầu từ tháng 6-7 dương lịch và kéo dài trong suốt 2 tháng. Từ lúc thụ phấn đến thu hoạch mất hơn 4 tháng. So với nhiều giống cây ăn trái khác, cây mãng cầu xiêm cho thu hoạch sớm, năng suất khá cao. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 18 tháng và sản lượng trái tăng lên theo thời gian. Những năm đầu, năng suất trái chỉ từ 30-40kg/cây, các năm tiếp theo có thể đạt khoảng 70-80kg/cây.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mô hình mang lại, cuối năm 2021, anh tiếp tục lên bờ, mở rộng trồng 3.000 gốc mãng cầu trên tổng diện tích vườn 4,5ha. Anh Việt bộc bạch: “Nếu trồng đúng, đạt năng suất và với giá thương lái mua khoảng 25.000 đồng/kg, 1ha mãng cầu có thể thu hoạch 40-50 tấn trái, thu nhập trên 1 tỉ đồng”. Hiện nay, với giá thương lái thu mua bình quân 25.000 đồng/ký, vườn mãng cầu xiêm giúp anh Việt “sống khỏe” mỗi năm; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 2, anh Việt luôn nhiệt tình trong công tác Hội, tích cực vận động hội viên tham gia sinh hoạt Hội và hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua do các cấp Hội Nông dân phát động. Với sự hỗ trợ của Chi hội, trên địa bàn ấp 2 xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, tổ hợp tác hiệu quả thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.
Ðặc biệt, anh luôn sâu sát, tích cực vận động hội viên nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống. Với kinh nghiệm trồng mãng cầu xiêm lâu năm, anh Việt luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho hội viên. Anh Trần Tấn Đạt ở ấp 2, xã Thới Hưng, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, trồng sen nên huê lợi không cao. Tôi làm nghề mua bán gương sen để kiếm thêm thu nhập. Được sự khích lệ, hỗ trợ của anh Việt, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mãng cầu xiêm. Đến nay, cây đã bắt đầu cho trái. Trong suốt quá trình canh tác, bất cứ khó khăn về kỹ thuật, tôi đều được anh Việt hướng dẫn tận tình”.
Chị Trần Thị Kim Khéo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Hưng, nhận xét: “Trên địa bàn xã Thới Hưng có 4.201ha trồng cây ăn trái, trong đó có trên 430ha trồng mãng cầu xiêm. Một trong những mô hình hiệu quả nhất là mô hình của anh Việt. Anh là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, luôn tìm tòi, vận dụng kiến thức khoa học để áp dụng tại vườn nhà. Nhờ đó, vườn mãng cầu xiêm của anh luôn đạt năng suất cao, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bên cạnh đó, anh Việt còn phát huy tốt vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hội viên nông dân trong quá trình sản xuất”.
Bài, ảnh: KIẾN QUỐC
Bà Rịa - Vũng Tàu: Trải nghiệm sầu riêng hữu cơ ở Sông Xoài, Phú Mỹ
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Vườn sầu riêng hữu cơ mang tên Trung Tín, tổ 5, ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) do anh Phạm Tùng, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sông Xoài làm chủ. Đây là mô hình trồng sầu riêng đầu tiên trên địa bàn TX.Phú Mỹ được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Anh Phạm Tùng thu hoạch sầu riêng trồng theo phương pháp hữu cơ.
Chuyển hướng trồng hữu cơ vì sức khỏe
Vùng đất Sông Xoài phần lớn là đất đỏ bazan màu mỡ, mạch nước ngầm và nguồn nước tưới dồi dào. Từ hơn 20 năm trước, người dân nơi đây đã phát triển trồng trọt với nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó có sầu riêng. Riêng anh Tùng, năm 2013 mới bắt đầu làm quen với cây sầu riêng “nhờ mua mảnh vườn 5.000m2 trên đất đã có sẵn cây trồng”.
Ban đầu cũng như các nông hộ trong vùng, anh Tùng chăm sóc vườn sầu riêng theo cách truyền thống. Dần dà, nhận thấy việc dùng phân, thuốc hóa học không chỉ ảnh hưởng tuổi thọ của cây, của đất mà còn nguy hại cho sức khỏe người trồng. “Gia đình tôi sinh sống ngay trong vườn, hóa chất tích tụ ngày ngày thấm vào đất, lan vào không khí hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của cả nhà. Hơn nữa, thị hiếu người tiêu dùng đang dần ưa chuộng sản phẩm sạch, an toàn, hữu cơ. Từ năm 2021, tôi bắt đầu chuyển hướng trồng hữu cơ trên chính mảnh vườn này”, anh Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, 2 chữ “hữu cơ” nói rất dễ nhưng bắt tay chuyển đổi là cả một quá trình dài. Đất và nguồn nước lâu năm đã thấm hóa chất nay phải cải tạo để đào thải chất độc. Nguồn phân hữu cơ phục vụ bón lót, cải tạo đất ở thị trường nội địa hiếm, chủ yếu phải nhập khẩu. Kỹ thuật, kiến thức trồng hữu cơ cũng chưa có. Anh Tùng vừa tới lui tham khảo những người đi trước rồi tranh thủ tham gia những khóa học hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt hữu cơ, vừa mày mò trên mạng tìm kiến thức rồi chắt lọc, ứng dụng cho mình.
Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sau 3 năm miệt mài, ngày 27/5 vừa qua, quả sầu riêng đã được xướng tên đạt chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Thời hạn chứng nhận trong 2 năm, đến 2026 với sản lượng sầu riêng sạch dự kiến 8 tấn/năm. Trước đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã hỗ trợ làm tem truy xuất nguồn gốc có chứa mã vạch QR code dán lên sản phẩm sầu riêng hữu cơ Trung Tín chứng minh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để mở rộng đầu ra cho quả sầu riêng sạch.
Nâng cao giá trị
Anh Tùng cho biết, trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ chi phí tăng khoảng 30% so với canh tác truyền thống do phải dùng nhiều phân bón hữu cơ để cải thiện đất. Chưa kể sản lượng sẽ giảm từ 10 đến 20% trong thời gian chuyển đổi. Thế nhưng với anh, giá trị mang lại từ trái sầu riêng sạch tốt hơn hẳn so với trái sầu riêng thường mới là điều quan trọng nhất.
Giá bán bình quân tại vườn từ 47 đến 57 ngàn đồng/kg đối với sầu riêng canh tác thông thường. Giá bán sầu riêng hữu cơ cho thương lái đại trà cũng tương đương. Nhưng nếu bán tại vườn cho người biết ăn, biết trân trọng sản phẩm sạch giá được gần gấp đôi. “Tôi chưa tính toán được lãi lỗ vì đang trong giai đoạn chuyển đổi nhưng tôi tự tin mở cửa vườn cho ban bè, người thân tham quan, thưởng thức sầu riêng chín tại vườn. Thị trường cũng đón nhận rất tích cực, nhất là đối với khách hàng lẻ là hộ gia đình. Nhiều hôm không đủ hàng bán cho khách đặt ăn. Tôi tin tưởng rằng khi cây sinh trưởng ổn định theo lối canh tác mới sản lượng sẽ tăng, chi phí duy tu, bảo dưỡng, chăm bón sẽ giảm”, anh Tùng nói.
Hôm chúng tôi đến, vườn sầu riêng hữu cơ Trung Tín đang rộ thu hoạch. 87 gốc sầu riêng giống Ri6 và Mongthong phát triển xanh tốt, trái còn trĩu cành. Hương thơm đặc trưng sầu riêng chín lúc nồng nàn khi thoáng qua thoang thoảng vô cùng hấp dẫn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn, anh Tùng chia sẻ thêm, từ đầu vụ đến nay đã thu hoạch được hơn 4,5 tấn rồi. Dự kiến đến giữa tháng 6 trái sẽ chín hết. “Sau khi cây sinh trưởng ổn định, năng suất tốt tôi sẽ nhân rộng, chuyển giao kỹ thuật cho bà con xã viên HTX Nông nghiệp Sông Xoài và những ai có nhu cầu chuyển đổi sang trồng sầu riêng hữu cơ”, anh Tùng chia sẻ.
Theo ông Trần Ngọc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Phú Mỹ, việc mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ của anh Phạm Tùng rất đáng tuyên dương vì góp phần thiết thực hiện thực hóa kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn TX.Phú Mỹ nói riêng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung. Hội sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ mô hình trên nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Bài, ảnh: THANH TÂM
Nỗi lo sầu riêng bị nấm bệnh
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Đồng Phú (Bình Phước) nói riêng bị thiếu nước tưới dẫn đến chết dần. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau vài cơn mưa, tình trạng các vườn sầu riêng càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự xuất hiện của nấm bệnh, khiến người trồng gặp khó trong tìm giải pháp điều trị...
Chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, hàng loạt cây sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Ðức Mạnh bị nhiễm nấm dẫn đến rụng lá và chết dần
Vườn sầu riêng 6 năm tuổi rộng 1 ha của gia đình anh Nguyễn Đức Mạnh ở tổ 2, ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú năm nay bước vào vụ thu bói. Sau bao năm khổ cực chăm sóc chưa kịp vui mừng vì sắp được thu trái ngọt, thì nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới nên một số cây trong vườn bị chết, số còn lại cũng phải cắt hết trái để cứu cây. Cuối tháng 5 xuất hiện vài cơn mưa tưởng chừng sẽ là cứu sinh cho vườn cây, nhưng sau mưa, trên thân và cành sầu riêng xuất hiện nấm bệnh như bị hoại tử từ bên trong vỏ cây, dẫn đến tình trạng cây rụng lá và chết dần.
Anh Mạnh cho biết: Vườn sầu riêng gia đình tôi có 130 cây, đến nay đã chết khoảng 40 cây. Trời đang nắng nóng, sau 2-3 cơn mưa thì xuất hiện nấm rất nhiều làm thối lớp vỏ cây từ bên trong dẫn đến rụng lá rồi chết dần. Gia đình cũng đang tìm mọi cách cứu chữa, nhưng không biết còn được bao nhiêu cây…
Vườn sầu riêng 2 năm tuổi với 150 cây của gia đình ông Nguyễn Văn Thạnh ở tổ 3, ấp Thạch Màng cũng chung cảnh ngộ. Hiện vườn chỉ còn khoảng 90 cây. Một phần chết vì thiếu nước tưới trong mùa khô hạn, một phần đang chết dần do sự xuất hiện của nấm bệnh. Ông Thạnh cho hay: “Với tình hình này chắc vườn cây sẽ chết sạch. Rất mong các ngành chức năng cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ tìm ra giải pháp điều trị để giúp nông dân cứu vườn cây”.
Theo ông Hoàng Văn Có, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lợi, hiện trên địa bàn xã có khoảng 50 ha sầu riêng, phần lớn được trồng từ 2-7 năm. Sau vài cơn mưa đầu mùa, hiện hầu hết vườn cây xuất hiện tình trạng nấm bệnh chưa có giải pháp điều trị. Trước thực trạng này, Hội Nông dân xã đã kiến nghị Huyện hội và các ngành chức năng sớm vào cuộc hỗ trợ, tìm cách cứu vườn cây để tránh thiệt hại nặng cho nông dân.
Văn Ðoàn
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhãn xuồng Lộc An vào vụ thu hoạch
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Thời điểm này, người trồng nhãn xuồng trên địa bàn xã Lộc An, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính.
Thu hoạch nhãn tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ.
Do thời tiết không thuận lợi, mưa trễ nên nhãn cho năng suất thấp hơn mọi năm, đạt 5-6 tấn/ha (giảm khoảng 10%). Thương lái đang thu mua nhãn bao công tại vườn với giá khoảng 50 ngàn đồng/kg, nhãn tiêu 120 ngàn đồng/kg và nhãn bắp cải từ 120-150 ngàn đồng/kg. Với giá này, trừ chi phí, người trồng nhãn lãi khoảng 100-150 triệu đồng/ha.
Lộc An là địa phương có diện tích trồng nhãn xuồng lớn nhất huyện Đất Đỏ, với gần 41ha/37 hộ, tập trung chủ yếu tại ấp An Điền. Nhãn xuồng Lộc An được trồng và cho thu hoạch chính vụ từ khoảng tháng 5 đến tháng 7 âm lịch hàng năm. Tháng 6/2022 nhãn xuồng Lộc An đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Xã Lộc An hỗ trợ HTX nhãn xuồng Lộc An về khoa học kỹ thuật, vốn mở rộng diện tích trồng nhãn xuồng công nghệ cao và liên kết tiêu thụ nhằm tránh tình trạng được mùa, mất giá.
SONG BÌNH
Sự sáng tạo của một tỉ phú nông dân ở Bình Minh
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Anh Nguyễn Thanh Long (30 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) kiếm được thu nhập từ 400-500 triệu đồng mỗi tháng nhờ trồng nấm bào ngư, kết hợp sản xuất điện mặt trời.
Trại nấm bào ngư đem lại thu nhập cao cho anh Long.
Anh Long là người gốc Thái Bình, nhưng cơ duyên đưa anh đến mảnh đất miền Tây để theo học ngành kinh doanh thương mại của Trường Đại học Cần Thơ. Năm 2016, anh xin vào làm việc tại một công ty thuốc bảo vệ thực vật có chi nhánh ở Thái Bình với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Năm 2018, với niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp, anh quyết định nghỉ việc để về trồng cói, bán khoai tây giống và mở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật. Cùng thời điểm đó, anh quyết tâm trở lại miền Tây để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp. Tình cờ biết đến mô hình trồng nấm bào ngư, cũng như thấy được tiềm năng phát triển nên anh quyết tâm đầu tư trại trồng nấm tại Vĩnh Long. “Thời điểm đó tôi cũng kinh doanh sân bóng đá mini. Tình cờ biết được mô hình trồng nấm bào ngư. Tìm hiểu thấy mang lại thu nhập cao, chi phí đầu tư không quá lớn, có thể tận dụng được mùn cưa, rơm rạ. Nên tôi quyết định trồng, tận dụng kho trống ở sân bóng đá để trồng”, anh Long kể.
Ban đầu, anh nhập 20.000 bịch phôi nấm với giá hơn 100 triệu đồng về trồng. Tuy nhiên, sau thời gian trồng anh nhận ngay “gáo nước lạnh” bởi nhiều phôi không ra nấm. Sau khi tìm hiểu, anh biết được nguyên nhân xuất phát từ nguồn phôi đầu vào kém chất lượng. Nhận thấy cách làm của bản thân chưa phù hợp và còn thiếu kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình trồng. Anh quyết trở về Thái Bình, tìm các trang trại có tiếng để theo học hỏi. Sau khi tự tin với kiến thức tích lũy được, anh trở lại Vĩnh Long đầu tư máy móc, thiết bị, lò hấp và mở rộng diện tích trại nấm lên 500m2, thực hiện quy trình khép kín vừa sản xuất phôi, trồng và bán sản phẩm. Sau đó thành công, nấm trong quá trình trồng không còn bị hư hỏng, hao hụt. Chia sẻ bí quyết trồng nấm, anh Long cho biết cần chú trọng làm trại luôn sạch sẽ, được khử trùng. Nấm trồng khoảng hơn 2 tháng cho thu hoạch.
Quy trình trồng nấm cũng trải qua nhiều bước, từ nhập mùn cưa về trộn với vôi trong 15 ngày, sau đó trộn tiếp với rơm đã được ủ, đóng bịch, đưa vào lò hấp đã được khử trùng. “Trại phải đảm bảo các khu cấy mô đạt chuẩn, kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng thì nấm khi trồng mới phát triển tốt và không nhiễm bệnh”, anh Long nói. Hiện nay, nếu thu hoạch hết công sức các trại nấm, mỗi ngày anh Long sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 300-400kg nấm, thương lái đến tận nơi mua 45.000 đồng/kg.
Hiện anh Long đang liên kết với thầy cô ở Trường Đại học Cần Thơ để chuyển giao quy trình sản xuất ra thành phẩm: ruốc nấm, nấm muối dưa, khô bò chay... từ nấm bào ngư. Sắp tới, anh dự định mở rộng thêm trại nấm rộng 3.500m2, trồng theo quy trình mới giúp rút ngắn thời gian, tăng sản lượng. “Xây dựng trại theo kiểu mới, sản xuất hoàn toàn bằng quy trình mới giúp rút ngắn thời gian trồng, tăng sản lượng. Trại hiện nay là quy trình tưới sốc nhiệt bằng nước, trại mới sẽ sốc nhiệt bằng máy lạnh”, anh Long tiết lộ. Ngoài trang trại nấm bào ngư, năm 2020, anh Long còn đầu vào các dự án điện mặt trời. Tổng công suất 965kWp, dự kiến bán điện trong 20 năm, doanh thu hàng tháng hiện tại là khoảng 220-250 triệu đồng.
Nhờ vậy, mỗi tháng, anh Long kiếm được thu nhập gần 500 triệu đồng từ trại nấm, sản xuất điện mặt trời, kinh doanh sân bóng đá mini. Với những thành công trong mô hình kinh doanh, làm nông nghiệp, anh cũng là một trong những thành viên của Câu lạc bộ Nông dân tỉ phú Bình Minh.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH
Làm giàu từ vườn ươm trên đất quê hương
Nguồn tin: Báo Bình Định
Nhiều năm qua, vườn ươm của ông Nguyễn Văn Phước (SN 1972, ở thôn Kiên Ngãi, xã Bình Thành, tỉnh Bình Định) được biết đến là cơ sở ươm giống keo lai có quy mô lớn nhất huyện Tây Sơn. Ngoài làm giàu cho bản thân, ông Phước còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con phát triển kinh tế.
Năm 2012, sau khi học được kỹ thuật ươm cây giống từ bạn bè, ông Phước dùng số tiền tích cóp và vay mượn thêm người thân, với tổng cộng 150 triệu đồng, thuê thêm hơn 7.000 m2 đất, đầu tư vườn ươm keo lai, bạch đàn. Năm 2013, ông xuất ra thị trường 500 nghìn cây giống, chẳng những thu hồi vốn mà còn có lợi nhuận lớn.
Ông Phước ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để tạo cây giống chất lượng cao.Ảnh: N.C
Năm 2014, ông Phước mở rộng vườn ươm và xuất ra thị trường 650 nghìn cây giống, thu được hơn 450 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Nhận thấy nhu cầu cây giống lâm nghiệp của người dân còn lớn, ông quyết định tăng quy mô vườn ươm. Năm 2015, ông được UBND xã Bình Thành tạo điều kiện cho thuê 1,1 ha đất để mở rộng sản xuất, nâng diện tích vườn ươm lên hơn 3 ha.
“Năm 2017, vườn ươm của tôi đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng với sản lượng cây giống đạt 1,5 triệu cây. Đó là năm rơi vào chu kỳ khai thác rừng trồng, giá gỗ cao nên giá cây giống cũng cao, người ta trồng lại và trồng mới nhiều. Từ đó đến nay, quy mô vườn ươm luôn đạt từ 1,5 - 2,5 triệu cây/năm, lợi nhuận ở mức hơn 40% trên tổng doanh thu”, ông Phước phấn khởi.
Nhiều năm qua, cơ sở của ông Phước có quy mô lớn nhất huyện, cung cấp giống keo lai cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Để làm được điều này, ông ứng dụng các kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, tạo ra cây con có chất lượng tốt, khả năng sống cao, đạt từ 95% trở lên.
Từ năm 2023 đến nay, hoạt động của các DN gỗ gặp nhiều khó khăn khiến giá cây giống cũng bấp bênh. Tuy nhiên, xác định đây là hoạt động kinh tế mang lại thu nhập chính cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều người nên ông Phước cố gắng duy trì sản xuất. Ngoài vườn ươm, nhiều năm qua ông còn thành công với mô hình nuôi gà thả vườn, trồng mai.
Gần 10 năm qua, cơ sở của ông Phước tạo công việc thường xuyên cho 8 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với vai trò Chi hội trưởng nông dân thôn Kiên Ngãi, ông luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm để giúp bà con làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
NGUYỄN CHƠN
Giá tiêu lên 162.000 đồng/kg
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngày 10/6, giá tiêu tiếp tục tăng thêm 1.000 - 4.000 đồng/kg, đưa giá bán lên mức cao nhất là 162.000 đồng/kg.
Theo đó, các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Bà Rịa - Vũng Tàu đang có giá thu mua hồ tiêu cao nhất là 162.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg tùy khu vực. Mức giá 161.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh Gia Lai và Bình Phước, tăng 4.000 đồng/kg. Còn tại Đồng Nai, giá tiêu được thu mua thấp nhất, ở mức 160.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng.
ĐÔNG HIẾU
Ứng dụng tưới tiết kiệm nước trong nông nghiệp: Tăng hiệu quả kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu
Nguồn tin: Báo Bình Định
Thời gian qua, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đầu tư, ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng theo hướng tự động hóa. Đây là hướng phát triển tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm nước, giảm nhân công, bảo đảm cấp nước cho cây trồng phù hợp trong từng giai đoạn sinh trưởng, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Với hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng béc phun xoay và được điều khiển từ xa, 12 ha cây trồng tổng hợp, chủ yếu là cây ăn quả (sầu riêng, dâu xanh, bưởi da xanh, dừa xiêm, cam, quýt, hồ tiêu) của ông Đặng Văn Cấp, ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) luôn xanh mướt, trĩu quả, cho năng suất cao mỗi vụ.
Ông Cấp cho hay, năm 1989, ông khai hoang 10 ha để trồng cây dừa xiêm. Sau đó, ông trồng thêm cây hồ tiêu và một số loại cây ăn quả khác. Để tưới hết cho hàng trăm gốc cây này, ông phải thuê 5 lao động và chia thành nhiều ngày tưới khác nhau. Năm 2016, nhận thấy việc tưới cây tốn khá nhiều chi phí, thời gian, ông quyết định đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bằng béc phun xoay. Giờ đây, toàn bộ diện tích cây trồng đều được ông tưới bằng phương pháp tưới tiết kiệm nước.
“Để thuận lợi cho việc tưới, tôi lắp đặt hệ thống đóng, mở tự động ở từng khu, phù hợp với từng loại cây trồng. Khi cần tưới, tôi chỉ cần bật cầu dao điện thì hệ thống béc sẽ đồng loạt mở, tưới quanh gốc, rất tiện lợi và không bị lãng phí nước tưới trong bối cảnh nắng nóng đang diễn ra gay gắt như hiện nay”, ông Cấp kể.
Hệ thống tưới tiết kiệm nước được ông Đặng Văn Cấp (huyện Hoài Ân) áp dụng tưới cho cây trồng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tương tự, vườn xoài cát Hòa Lộc rộng 4 ha của ông Nguyễn Ngọc, ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) cũng phát triển tốt, cho năng suất cao nhờ được cấp nước tưới theo phương pháp này.
Ông Ngọc cho hay: “Trước đây, để tưới nước cho diện tích 4 ha, gia đình phải mất từ 4 - 5 ngày và thuê thêm khoảng 5 nhân công. Từ khi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động, gia đình chỉ mất 4 giờ là tưới xong cho cả vườn mà không mất thêm bất kỳ chi phí nhân công nào. Đó là chưa kể, khi áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, lượng nước, phân bón không ồ ạt mà thấm dần vào đất, tập trung tại gốc cây, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất, chất lượng theo đó mà tăng lên”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh có gần 4.720 ha cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trong đó cây hằng năm hơn 4.470 ha và cây lâu năm gần 249 ha, chủ yếu là cây ăn quả. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đánh giá: Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho năng suất cây trồng cao hơn 10 - 15%/ha/năm so với diện tích không sử dụng hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; chi phí công lao động để tưới và chăm sóc giảm khoảng 20 - 25%. Lượng nước tiết kiệm so với tưới nước truyền thống là 20 - 25%, đồng thời giảm 10% lượng phân bón sử dụng. Việc giảm chi phí sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Theo đề án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có hơn 5.960 ha cây trồng cạn được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa; trong đó tưới cho cây hằng năm hơn 5.150 ha và cây lâu năm gần 813 ha. Định hướng đến năm 2030, là hơn 10.500 ha; trong đó tưới cho cây hằng năm hơn 7.700 ha và cây lâu năm gần 2.789 ha.
Để thực hiện mục tiêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho hay: Ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương trong tỉnh sẽ tích cực tuyên truyền, khuyến khích nông dân trên địa bàn, nhất là các vùng đồi núi ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để khắc phục khó khăn về mặt địa hình, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, trong đó có công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để người dân thấy được hiệu quả và chủ động ứng dụng. Tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, HTX, DN tiếp cận được vốn vay ưu đãi để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
TRỌNG LỢI
Xây dựng sản phẩm đặc trưng từ mô hình nuôi ong dú lấy mật
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Bỏ công lên rừng tìm tổ ong dú về nuôi, lấy mật thương phẩm, kết hợp với bán con giống, mỗi năm anh Nguyễn Văn Khương ở thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) thu về gần 150 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Khương chia sẻ về quy trình nuôi ong dú. Ảnh: KHANG ANH
Bước đầu cho thu nhập ổn định
Cách đây 5-6 năm, anh Nguyễn Văn Khương đi bắt ong lỗ trong trụ điện về đóng thùng nuôi nhưng loại ong này thường hay đốt người nên anh không nuôi nữa, tiếp đến anh nuôi ong ruồi. Anh bắt cả tổ ong ruồi về lấy mật và tiếp tục treo trên cây ở vườn nhà, nhưng không thành công.
“Có lần tôi đến chơi nhà một thợ rừng cùng quê và được mời uống rượu ong dú. Nghe đến tên một loài ong lạ, tôi bắt đầu tìm hiểu, xin về nuôi thử. Thấy loài ong này không đốt, không tốn công chăm sóc nên tôi lên rừng ở huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, có khi lên tỉnh Gia Lai tìm tổ ong. Mỗi lần lên rừng tìm tổ ong, tôi phải ở lại 2-3 ngày mới về”, anh Khương cho biết.
Theo anh Nguyễn Văn Khương, ong dú thường ở trong các loại cây khô, mục trên rừng. Nếu đi lên rừng một mình thì không tìm được nhiều nên sau đó anh thuê nhân công cùng đi. Kiếm được tổ ong dú mang về, anh chẻ cây ra để bắt ong dú chúa bỏ vào hộp (mỗi con ong chúa là một hộp), tiếp đó các con ong thợ theo vào tổ. Vòng đời ong chúa khoảng 3-4 năm, còn ong thợ thì 60-70 ngày, tuy nhiên các đàn ong cứ tự sinh sản liên tục và dự trữ mật.
Chia sẻ về hộp nuôi ong dú, anh Khương cho hay: Mới đầu tôi tự mày mò, nghiên cứu nhiều loại hộp phù hợp đặc tính tự nhiên con ong và cuối cùng cũng làm ra được kiểu hộp thuận tiện cho việc lấy mật, chia đàn và dễ chăm sóc đàn ong. Mỗi hộp được chia làm hai ngăn, một ngăn để ong sinh sản, sinh trưởng và một ngăn để tạo mật.
Những chiếc hộp này được xem là ngôi nhà để nuôi ong, đảm bảo cho việc tách đàn, hoặc lấy mật mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn ong. Mỗi hộp/tổ ong dú nuôi trong vòng gần 1 năm mới thu hoạch, được tầm 250-500ml mật ong.
Bắt đầu nuôi ông dú từ năm 2019, đến thời điểm này, ngoài nuôi ong dú tại nhà, anh Khương cũng đã làm thêm ba trại nuôi riêng ở khu vực trong núi, bìa rừng với tổng cộng trên 400 tổ. Tuy nhiên, việc thu hoạch mật chỉ mới được 2 năm nay, bình quân mỗi năm anh thu gần 100 lít mật, giá bán ra thị trường 1,5 triệu đồng/lít. Trừ chi phí làm hộp, thuê nhân công tìm con giống…, anh lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ bán mật ong, trong quá trình nuôi, anh Nguyễn Văn Khương còn tìm, theo dõi để gầy con giống, tách đàn và bán hộp con giống. Các hộp con giống được anh bán cho người nuôi ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số người dân tại địa phương với giá 1,2-1,5 triệu đồng/hộp. Tiền bán giống cũng giúp anh có thêm 40-50 triệu đồng/năm.
Xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương
“Ong dú tự sinh trưởng và làm mật. Đặc tính của loài ong này là không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật tự nhiên và nguyên chất. Mật ong dú có ba vị: ngọt, chua và đắng; trong đó mật có vị đắng có giá trị và bán giá cao hơn hai loại còn lại. Tuy nhiên loại mật đắng không có nhiều vì khó tìm được giống cho ra mật đắng”, anh Khương cho biết.
Theo Sở Công Thương, huyện Đồng Xuân có các sản phẩm đặc trưng như dầu đậu phộng, sản phẩm dệt thổ cẩm, bưởi da xanh, gạo đỏ, chè dung, mật ong dú… Trong đó, sản phẩm mật ong dú đang được người dân ưa chuộng. Sở Công Thương sẽ tạo điều kiện quảng bá sản phẩm thông qua hoạt động trưng bày tại các hội chợ thương mại, công nghiệp sắp tới để sản phẩm tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng.
Năm 2023, sản phẩm mật ong dú của anh Nguyễn Văn Khương được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường) cấp giấy chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ. Anh cũng đăng ký làm thủ tục truy xuất nguồn gốc, đóng hũ thành phẩm, làm nhãn hàng hóa với tên Ong dú An Nhiên.
Đến đầu năm 2024, anh tiếp tục đăng ký làm sản phẩm OCOP của địa phương và đang hoàn thiện hồ sơ để được xét công nhận OCOP 3 sao. Mặt khác, anh Khương cũng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong dú cho một số người dân địa phương với mong muốn các hộ dân cùng phát triển mô hình để hình thành sản phẩm đặc trưng của Xuân Quang 2.
Nhận xét về mô hình nuôi ong dú của anh Nguyễn Văn Khương, ông Nguyễn Đức Thi, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 cho biết: Đa số nông dân trên địa bàn xã Xuân Quang 2 phát triển mô hình trồng sắn, mía, chăn nuôi bò, trồng rừng là chủ yếu, còn các mô hình nông nghiệp khác thì không nhiều.
Song với mô hình nuôi ong dú của anh Nguyễn Văn Khương, đây là mô hình mới nhưng bước đầu mang lại thu nhập cho người nuôi. Mong muốn của chính quyền địa phương là mô hình sẽ được nhân rộng, tạo thu nhập cho những người dân có nhu cầu làm kinh tế.
KHANG ANH
Giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi phấn khởi
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, giá lợn hơi trong cả nước tăng dần. Hiện tại, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai dao động từ 66.000 - 70.000 đồng/kg.
Hiện giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh dao động từ 66.000 - 70.000 đồng/kg.
Thông thường giá lợn hơi xuất chuồng giảm vào mùa hè, bởi khi thời tiết nóng, người tiêu dùng ăn thịt ít hơn so với khi thời tiết lạnh. Thế nhưng năm nay thị trường thịt lợn hơi diễn biến trái quy luật.
Được biết, từ sau tết Nguyên đán đến giữa tháng 4/2024, thương lái mua lợn hơi tại chuồng nuôi của nông dân với giá từ 58.000 - 60.000 đồng/kg. Từ giữa tháng 4 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng tăng rất mạnh. Hiện tại giá lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh dao động từ 66.000 - 70.000 đồng/kg. Theo đó, mỗi kg lợn hơi đã tăng thêm từ 8.000 - 12.000 đồng/kg và hiện đang đang ở mức cao nhất trong 3 năm qua.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giá lợn hơi tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thiếu nguồn cung. Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ chuyển sang nuôi các loại con khác hoặc giảm đàn, hoặc để trống chuồng. Do đó, nguồn cung lợn không dồi dào như trước.
Hiện với mức giá 66.000 - 70.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi khoảng 3 triệu đồng/con lợn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện là hơn 449.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm ước đạt 19.270 tấn.
Kim Thoa
Xây dựng thương hiệu gà Tân Hiệp
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Với lợi thế đất rộng, xa khu dân cư, nhiều hộ dân ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) đầu tư mô hình nuôi gà thả vườn. Thời gian qua, giá gà thương phẩm ổn định ở mức cao, có lãi nên người dân phấn khởi tiếp tục đầu tư. Để giúp nông dân phát triển mô hình bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Tân Hiệp chỉ đạo Hội Nông dân cùng các nông hộ phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn từng bước xây dựng thương hiệu gà Tân Hiệp.
PHÁT HUY KINH NGHIỆM CHĂN NUÔI
Từ tỉnh An Giang lên huyện Hớn Quản lập nghiệp, gia đình chị Đỗ Thị Cà Me ở ấp 9, xã Tân Hiệp đã mượn đất cao su của một doanh nghiệp cách khu dân cư khoảng 2km để nuôi gà thả vườn. Chị Me cho biết: “Gia đình tôi nuôi gà từ năm 2015. Bình quân 1 năm nuôi khoảng 10.000 con. Vườn cao su có tán che khép kín, thời tiết dù nắng hay mưa đều ít ảnh hưởng tới sức khỏe đàn gà. Nhiều năm qua, tại đây chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gà”.
Bình quân mỗi năm, gia đình chị Đỗ Thị Cà Me ở ấp 9, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản nuôi khoảng 10.000 con gà ta trong lô cao su
Gia đình chị Me thường mua gà từ khoảng 7 ngày tuổi. Giai đoạn này, gà còn non, hằng ngày phải thắp điện hoặc đốt ga sưởi ấm (úm gà). Bình quân mỗi lứa gà nuôi khoảng 4 tháng. Để có gà thương phẩm cung cấp liên tục cho thị trường, mỗi lứa gia đình chị nuôi cách nhau vài ngày. Với kinh nghiệm nuôi nhiều năm, chị Me cho biết: “Muốn gà phát triển đồng đều, cần tách riêng trống, mái. Gà trống to, sức khỏe tốt thường hay mổ tấn công gà mái để tranh giành thức ăn. Gà mái có giá bán cao hơn 10.000 đồng/kg, tiêu thụ dễ hơn. Tuy nhiên ngày rằm, mồng 1, gà trống tiêu thụ nhanh hơn. Do vậy, lượng gà trống, mái trong một lứa tương đối đều”.
Cách nhà chị Me khoảng 1km, gia đình ông Thạch Sót (dân tộc Khmer) nuôi khoảng 4.000 con/năm. “Vì nhà chỉ có 2 người, việc chăm sóc cũng vất vả. Do đó, tôi nuôi từng lứa một, không gối đầu. Gia đình không có điều kiện tách riêng gà trống, mái, do vậy, muốn gà phát triển đồng đều, hằng ngày tôi phải cho ăn nhiều lần. Ban ngày, những con nhỏ hay bị con khác tấn công, không được ăn thì ban đêm, tôi gom thức ăn vào máng để gà đói sẽ ăn tiếp. Nhờ chịu khó chăm sóc nên đàn gà khỏe mạnh, con nào cũng thịt chắc, da vàng, đạt trọng lượng” - ông Sót chia sẻ.
Các hộ nuôi cho biết, bình quân mỗi lứa gà 2.000 con, chi phí hết khoảng hơn 200 triệu đồng. Với giá bán bình quân 85.000 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi lời hơn 100 triệu đồng/lứa.
LIÊN KẾT, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Ông Lê Văn Huyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp cho biết: Xác định được những lợi thế về điều kiện chăn nuôi gia cầm tại địa bàn, năm 2021, Đảng ủy xã Tân Hiệp đã ban hành Nghị quyết số 31 về việc thành lập “Tổ chăn nuôi gà thả vườn xã Tân Hiệp”. Bước đầu, tổ có 8 thành viên, nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Hiện nay, đã tăng lên 35 hộ với tổng đàn mỗi năm khoảng 250.000 con. Tuy nhiên, hiện các mô hình chăn nuôi còn những khó khăn nhất định. Đa số người dân thiếu vốn sản xuất. Việc đầu tư chuồng trại phần lớn mang tính tạm bợ, chưa xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn. Hệ thống máng ăn, nước uống cho gà cũng chưa được đầu tư bài bản, nguy cơ gà mắc bệnh hô hấp còn cao. Trong quá trình chăm sóc, phần lớn người dân dựa vào kinh nghiệm nên hao hụt gà vẫn chiếm tỷ lệ nhất định.
Ông Thạch Sót trăn trở: Hiện giá gà thương phẩm ổn định ở mức cao, người dân đầu tư có lời. Đến thời điểm gà xuất chuồng, thương lái tự tìm tới mua. Tuy nhiên hiện nay, tổ hợp tác chưa phát huy vai trò kinh tế tập thể, vẫn mạnh hộ nào hộ ấy nuôi. Chưa có sự liên kết, hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm và tiêu thụ. Do vậy, trong số 35 hộ nuôi, có hộ thành công, nhưng cũng không ít hộ gặp khó vì gà bệnh, dẫn đến ảnh hưởng giá bán cũng như tiến độ tiêu thụ.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp Lê Xuân Thắng: Sau 3 năm thành lập Tổ chăn nuôi gà thả vườn xã Tân Hiệp, những hộ chăn nuôi cơ bản đã xây dựng được mô hình, không ít hộ có kinh tế ổn định, vươn lên làm giàu. Để mô hình hoạt động hiệu quả và nhân rộng, chúng tôi đang chỉ đạo Hội Nông dân xã chuẩn bị điều kiện cần thiết để phát triển tổ chăn nuôi lên thành hợp tác xã. Trên cơ sở đó sẽ tham mưu, kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền quan tâm ưu tiên nguồn vốn ưu đãi, quỹ hỗ trợ nông dân… giúp các hộ có vốn đầu tư sản xuất.
Để hướng tới xây dựng thương hiệu gà Tân Hiệp, còn đó nhiều việc cần giải quyết như: trang bị kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi cho các thành viên thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kết nạp thành viên, phát huy lợi thế chăn nuôi để tăng đàn. Qua đó, liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ gà thương phẩm theo chuỗi với chất lượng tốt, đảm bảo đầu ra ổn định.
Quang Minh
Hiếu Giang tổng hợp