Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 02 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 02 năm 2023

 

Hai vùng nguyên liệu nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường Nhật Bản

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Cục Bảo vệ thực vật vừa ban hành văn bản về quản lý vùng trồng nhãn và thanh long xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

 

Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm thăm vườn nhãn đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường Nhật Bản.

Theo đó, 2 vùng trồng nhãn của Công ty Thái Lâm (diện tích 11ha), địa chỉ ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Tâm (diện tích 29,2ha), địa chỉ ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu thị trường Nhật Bản.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan quy định của Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với trái nhãn. Người trồng nhãn phải có sự liên kết, phối hợp, chung tay để bảo đảm các điều kiện duy trì mã số, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải đồng đều về chất lượng và mẫu mã. Những đối tượng sinh vật gây hại mà phía Nhật Bản quan tâm, từ cán bộ kỹ thuật, người trồng phải nắm rất rõ và có biện pháp phòng chống ngay từ khâu trước khi thu hoạch.

Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích sản xuất nhãn là 1.675 ha, phân bố chủ yếu tại các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, TX. Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu. Giống nhãn sản xuất chủ yếu là nhãn xuồng cơm vàng, nhãn edor,... cây nhãn cho năng suất trung bình 13,4 tấn/ha, với sản lượng ước tính khoảng 20.398 tấn.

VÂN ANH - THANH HIỀN

 

Cam sành rớt giá chưa từng thấy!

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Anh Phương lo, cam chín vàng cây nhưng HTX tiêu thụ khó.

Theo nhiều nhà vườn trồng cam tại Tam Bình và Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), gần 1 tháng nay giá cam liên tục giảm. Cam chín vàng ươm, nhưng giá bán chỉ 2.000 đ/kg, tiêu thụ lại cầm chừng và “gần như bán lẻ” nên hiện người trồng thấp thỏm, lo âu...

Nếu trước Tết, giá cam sành tại hai địa phương này từ 15.000 - 17.000 đ/kg, thì từ sau tết đến nay giá liên tục giảm, từ 7.000- 8.000 đ/kg, rồi 5.000 đ/kg và hiện chỉ còn khoảng 2.000 đ/kg.

Không bán được, nhiều nhà vườn buộc “neo lại” chờ giá. Tuy nhiên, càng neo giá cam càng sụt giảm, nhiều diện tích quá lứa, chín vàng. Ngoài giá bán rẻ, thương lái mua cầm chừng và hiện cũng không ít vườn cam không tiêu thụ được.

Ông Huỳnh Văn Sang (Hai Sang), ngụ ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- người từng được mệnh danh là “tỷ phú cam sành”, chua xót: “Năm nay cam sành rớt giá chưa từng thấy, cam tới lứa thu hoạch chín vàng cây, nhưng thương lái mua cầm chừng.

 

 

HTX Phương thúy phải hái cam xanh bán kèm cam chín.

Hiện vườn tôi còn khoảng 40 - 50 tấn cam chín ngọt ngất luôn, nhưng vẫn chưa tiêu thụ hết. Con rể có xe tải nhỏ, chở lên Cần Thơ bán lẻ, may mắn mỗi ngày bán cũng được hơn 1 tấn trái”.

Anh Bùi Tấn Trường (ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Xuân) than thở: “Chưa có năm nào giá cam lại rớt thê thảm như năm nay. Đầu vụ, thường mua phân bón thiếu các đại lý, đến thu hoạch xong mới trả tiền, nhưng giờ cam chưa bán được, chưa trả tiền nên đại lý không bán thiếu nữa, người trồng cam đành chịu trận!”.

Tại HTX cam sành Phương Thúy (Trà Ôn), theo ông Nguyễn Tấn Phương - Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX đã “đặt cọc” 400 - 500 tấn cam, song sức mua hạn chế, cam chín vàng buộc phải cắt bán cầm chừng bán kèm với cam đúng lứa (trái còn xanh).

Cũng theo ông Phương, với giá bán cam chín giá chỉ 2.000 đ/kg, trừ chi phí người trồng lỗ hơn 2.000 đ/kg; còn đúng lứa thu hoạch bán cũng chỉ từ 4.500 - 5.000 đ/kg thì người trồng tạm đủ chi phí.

Ông Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Xuân cũng cho biết, từ năm 2010 trở về trước, cam bán được giá cao, có khi lên đến 32.000- 35.000 đ/kg, từ đó diện tích trồng cam cứ tăng liên tục.

Riêng vụ cam này, đa số người trồng làm bông cho trái mùa Tết, sản lượng tập trung lớn vào cuối năm, nên dội hàng. Nhiều thương lái cũng thông tin, năm nay thời tiết khá lạnh nên nhu cầu tiêu thụ cam uống nước cũng hạn chế.

Cam được mùa mất giá là không mới, nhưng với giá rớt thảm như hiện nay khiến người trồng không khỏi thấp thỏm, lo âu, rất cần ngành chức năng sớm tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ ổn định.

Sản lượng cam của HTX cam sành Phương Thúy mỗi năm khoảng từ 3.000- 3.500 tấn. Cam của HTX mùa nào cũng được tiêu thụ hết, còn mùa này sức tiêu thụ chỉ bằng 1/10 các năm trước - ông Nguyễn Tấn Phương- Giám đốc HTX cho biết.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

 

Nâng cao giá trị sản xuất cho thanh long với kỹ thuật rải vụ

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Nhiều hộ trồng thanh long tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã áp dụng kỹ thuật rải vụ, qua đó có sản phẩm tiêu thụ quanh năm, hạn chế sự ùn ứ trong một mùa vụ, làm gia tăng giá trị sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn thanh long diện tích 15.000 m2 của gia đình anh Mai Hùng Cường được chia thành 4 khu khác nhau để tác động cho cây ra quả vào các lứa khác nhau thông qua việc sử dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660.

Lứa thứ nhất vừa cho thu hoạch sản phẩm cuối tháng Chạp năm 2022 để phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão, giờ vườn khu này đang nghỉ ngơi phục hồi để đến tháng hai âm lịch lại tiếp tục kích thích ra hoa.

Lứa thứ hai đang thời kỳ quả xanh, được tăng cường chăm sóc để bán vào đầu tháng hai âm lịch.

Lứa thứ ba đang được kích thích ra hoa, dự kiến thu hoạch sản phẩm vào rằm tháng 4.

Từ tháng 6 đến tháng 9 thì cây thanh long ra hoa cho quả tự nhiên theo mùa vụ thường kỳ.

Gia đình anh Cường cũng đang tiến hành cải tạo đất ở khu vườn hơn 1.500 m2 bằng việc trồng các loại cây ngắn ngày sau khi phá bỏ thanh long bị già cỗi, sâu bệnh, dự kiến sẽ trồng lại thanh long khi đất ổn định dinh dưỡng.

Tương tự như gia đình anh Cường, nhiều hộ nông dân trồng thanh long tại xã Cư Êbur từ chỗ kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ hai đợt mỗi năm thì hiện nay kích thích cây ra hoa, quả nhiều đợt hơn trong một năm để rải vụ đều đặn, cho thu hoạch sản phẩm thường xuyên hơn nhằm có sản phẩm tiêu thụ quanh năm, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”.

 

 

Khu vườn thanh long được kích điện để ra hoa của gia đình anh Mai Hùng Cường.

Người trồng thanh long cũng đã tiến hành cải tiến phương pháp kích thích cây ra hoa bằng bóng đèn sao cho mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Ông Trần Trọng Khánh, Trưởng thôn 2 (xã Cư Êbur) cho biết, từ năm 2016 về trước, bà con sử dụng loại bóng đèn sợi đốt 60 watt (IL - 60W) tốn điện rất nhiều nên hiệu quả không cao.

Từ năm 2017, Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty Rạng Đông thí điểm thành công loại bóng đèn compac 20 watt (CFL-20W NNR660) để kích thích ra hoa cho cây thanh long; loại bóng đèn này giảm hơn 60% điện năng so với bóng sợi 60 W, tiết kiệm đáng kể chi phí mà năng suất cây trồng lại tăng, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.

Hiện nay, một số hộ đã sử dụng bóng đèn Led 9 W (LED.TL-T60 WFR/9W) để thay thế dần bóng 20 W, tiết kiệm thêm hơn 50% tiền điện nữa.

Để kích thích thanh long ra hoa, quả thành công theo ý muốn, ngoài việc sử dụng ánh sáng từ bóng đèn điện chuyên dụng, bà con nông dân còn kết hợp nhiều yếu tố tác động khác.

Sau khi thu hoạch phải dưỡng cây chừng 25 - 30 ngày thông qua việc cắt tỉa cành sâu bệnh, cành không hữu hiệu kết hợp bón phân để cây lấy lại sức, sau đó mới kích thích ra hoa vụ tiếp theo.

Tùy theo thời điểm, thời tiết mà bố trí số giờ, số đêm thắp sáng cho cây khác nhau trong mỗi lứa. Việc quyết định ngắt điện vào lúc nào tốt nhất để cây ra hoa đều, chất lượng mẫu mã quả đẹp phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm của người trồng.

Cẩm Lai

 

Đồng bằng sông Cửu Long: Sầu riêng ‘sốt giá’

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Chưa bao giờ giá sầu riêng ở các tỉnh ĐBSCL được thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu “săn lùng” ráo riết như hiện nay. Song, nhiều người vẫn lo ngại khi “cơn sốt sầu riêng” dẫn đến tình trạng ùn ùn mở rộng diện tích sẽ kéo theo nguy cơ thừa sản lượng, giá rớt trở lại...

 

 

Sầu riêng là cây thế mạnh ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Ảnh: HƯNG TÂN

Giá cao kỷ lục

Mặc dù đã có thâm niên trồng sầu riêng hơn 15 năm, nhưng chưa bao giờ ông Trần Văn Nhị, ở ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cảm thấy giá cao như hiện nay, khi thương lái tới tận vườn hỏi mua sầu riêng Thái Monthong với giá từ 150.000-160.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 giá 120.000-130.000 đồng/kg… Với giá này, những vườn sầu riêng đạt năng suất cao (khoảng 20 tấn/ha) có thể thu lãi từ 80.000-100.000 đồng/kg, cao chưa từng có từ trước tới nay. “Hồi mùa khô năm 2020, hạn hán và xâm nhập mặn bất ngờ tấn công dữ dội vào hàng loạt vườn sầu riêng ở Tiền Giang và các tỉnh xung quanh khiến không ít vườn cây bị chết la liệt. 9 công sầu riêng của gia đình tôi cố gắng cầm cự và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để vượt qua được giai đoạn khó khăn do mặn xâm nhập. Sau đó, vườn sầu riêng phục hồi dần và năm nay đã cho trái ổn định lại với khoảng 10 tấn. Khoảng cuối tháng 2 âm lịch sẽ bắt đầu thu hoạch, với giá mà thương lái hỏi mua hiện nay thì gia đình “hứa hẹn” bội thu mùa sầu riêng dự kiến gần 1 tỉ đồng…”, ông Trần Văn Nhị phấn khởi cho biết.

Bà Lục Thị Kim Loan, cùng ngụ xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) cho hay, từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã có nhiều thương lái các nơi về vùng sầu riêng này hỏi mua với giá cao ngất ngưỡng. Họ nói thị trường xuất khẩu hút hàng, nhất là từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã tạo cú hích đẩy giá tăng lên. “Thật sự thì bà con ở vùng trồng sầu riêng lâu năm huyện Cai Lậy này vô cùng vui mừng, bởi chưa bao giờ giá sầu riêng cao và dễ bán như hiện nay. Chính vì vậy, mà đi đâu cũng nghe bàn tán xôm tụ chuyện sầu riêng được giá”, bà Loan bộc bạch.

Theo ông Phan Văn Hoằng, Trưởng ấp Hiệp Phú (xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy), khác với 2 năm về trước người dân xứ này phải khốn khổ chống hạn mặn bảo vệ vườn sầu riêng thì nay hệ thống cống ngăn mặn đã được cảnh báo từ xa và nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn đã được chủ động. Nhờ đó, việc phòng chống hạn mặn, bảo vệ vườn sầu riêng không còn là nỗi lo lớn; thay vào đó là niềm vui được giá cao ngay từ thời điểm chuẩn bị vào vụ…

Tại vùng trồng sầu riêng huyện Chợ Lách (Bến Tre), nhiều nông dân cũng hồ hởi khi giá dao động rất cao. Ông Nguyễn Văn Thanh, canh tác gần 10 công sầu riêng ở huyện Chợ Lách, cho biết: “Sầu riêng bây giờ được nông dân áp dụng kỹ thuật để rải vụ thành nhiều đợt trong năm, song thời điểm hiện nay thì sản lượng chưa nhiều. Có thể từ cuối tháng 2 âm lịch trở đi cho đến tháng 5 âm lịch sẽ là cao điểm của mùa sầu riêng vùng ĐBSCL. Nông dân hy vọng sầu riêng tiếp tục giữ được giá như lúc này thì tất cả sẽ có một vụ mùa thắng lớn…”.

Ở huyện Phong Điền, nơi phát triển khá mạnh cây sầu riêng trong mấy năm nay của thành phố Cần Thơ, giờ đây ai cũng phấn khởi trước giá sầu riêng tăng mạnh. Bà Lý Thị Thu Thủy, ở xã Trường Long (huyện Phong Điền), tâm sự: “Gia đình cũng mới chuyển 2ha đất sang trồng sầu riêng được mấy năm. Nếu như năm 2022 thu hoạch cả vườn được 16 tấn trái thì vụ này dự kiến năng suất tăng lên gần 30 tấn. Với giá sầu riêng hiện nay sẽ mang lại cho cả nhà nguồn thu nhập lớn nhất trong nhiều năm canh tác vườn cây”.

Còn vườn sầu riêng của ông Võ Văn Em, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có 16ha, thu hoạch hàng năm đạt khoảng 100 tấn trái (do cây còn nhỏ). Anh Võ Trung Tình (con ông Võ Văn Em), người trực tiếp quản lý vườn, chia sẻ: Trong tổng hơn 5.000 cây mới để trái thì có khoảng 1.300 cây. Hiện nay vườn đang xổ nhị, chưa có hàng. Khoảng 2,5 tháng nữa sẽ bắt đầu vào vụ thu hoạch sầu riêng. Hiện giá sầu riêng đang tăng cao kỷ lục chưa từng có, nhưng nông dân chưa có hàng để bán.

“Tháng này là tháng sầu riêng nghịch mùa. Giá cả thì tùy theo hàng năm, thị trường. Mọi năm giá cũng cao nhưng không tới mức độ này, giá năm nay đột biến, cao nhất từ trước tới nay. Hiện, những lái cũ vẫn hỏi thăm nhưng chưa có sầu riêng để bán. Sầu riêng vô vụ khoảng giữa tháng 4 đến hết tháng 7 (vụ thuận) âm lịch”, anh Võ Trung Tình bộc bạch.

Qua rà soát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có 1.830ha trồng sầu riêng, diện tích thu hoạch 677ha, ước sản lượng 16 tấn/ha, sản lượng cả năm đạt khoảng 10.561 tấn.

Thận trọng việc “ùn ùn” trồng sầu riêng

Sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã tạo cú hích đẩy giá liên tục tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10-2022, các mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó sầu riêng đạt 50 triệu USD, tăng 4.000% so với cùng kỳ năm 2021; còn thanh long đạt 33 triệu USD, giảm 25,9%; mít Thái đạt 14,4 triệu USD, giảm 6,5%; chuối đạt 10,5 triệu USD, tăng 77,4%… Như vậy, trong tháng 10-2022, sầu riêng đã vượt qua thanh long để trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc. Đến nay, phía Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng. Theo dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do còn hàng trăm mã đang trong quá trình kiểm tra, hoàn thiện thủ tục chờ Trung Quốc cấp phép.

Cũng cần thấy rằng, vài năm nay người dân ở Trung Quốc “sốt” sầu riêng. Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi của đất nước tỉ dân này tăng 42,7% so với năm 2020, lên 821.600 tấn; giá trị nhập khẩu tăng 82,4%, lên 4,2 tỉ USD. So với năm 2017 thì Trung Quốc hiện nhập khẩu sầu riêng tăng khoảng 4 lần và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Sự bùng nổ về nhu cầu sầu riêng tại Trung Quốc được thúc đẩy bởi Hiệp định RCEP. Quốc gia này có thể nhập khẩu trái cây tươi từ các nước Đông Nam Á dễ dàng hơn dựa trên thuế suất ưu đãi và vị trí địa lý tương đối thuận lợi. Ngược lại, khu vực Đông Nam Á hưởng lợi từ quy định ưu tiên thông quan hàng hóa dễ hư hỏng. Với sầu riêng, ngành hàng sẽ giảm đáng kể chi phí và giữ được độ tươi ngon lâu hơn.

Một điều cần thấy, khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào tháng 9-2022 sang Trung Quốc thì 2 “bạn hàng lớn, truyền thống” của Trung Quốc là Thái Lan và Malaysia chưa vào vụ. Do đó, nông dân của ta bán được giá cao. Nhiều khả năng tình hình sẽ thay đổi khi Thái Lan và Malaysia vào vụ thu hoạch sầu riêng. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây… cần phải tỉnh táo để khi xây lộ trình xuất khẩu sầu riêng một cách phù hợp; tránh việc ùn ùn đốn bỏ các loại cây khác để chuyển sang trồng sầu riêng sẽ dẫn đến nguy cơ thừa sản lượng, bởi sầu riêng khi trồng đến thu hoạch phải mất mấy năm…

Ông Trần Hữu Nghị, Phó phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho hay, toàn huyện hiện có 1.200ha sầu riêng, trong đó 1.000ha cho trái. Vài năm nay, nông dân có nhu cầu trồng sầu riêng khá cao, tuy nhiên huyện khuyến cáo bà con không vội mở rộng diện tích mà cần quy tụ vào hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Trong quá trình canh tác áp dụng các tiêu chí GAP, xây dựng mã vùng trồng… nhằm đáp ứng các điều kiện xuất khẩu đặt ra. Tại Tiền Giang, diện tích sầu riêng cũng tăng nhanh trong vài năm nay từ hơn 15.000ha (năm 2021) lên hơn 17.600ha hiện nay. Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, sẽ phối hợp cùng với các ngành chuyên môn đánh giá khả năng thích nghi và tiềm năng phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Sau đó, khuyến cáo việc phát triển sầu riêng một cách hợp lý, trên nguyên tắc gắn liên kết doanh nghiệp, gắn thị trường tiêu thụ. Tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao chất lượng.

Là một trong các cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa đang có kế hoạch liên kết tiêu thụ 1.000ha sầu riêng, với sản lượng 25.000 tấn tại thành phố Cần Thơ. Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vạn Hòa, nhìn nhận: “Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển cây sầu riêng nên công ty chủ động liên kết với nông dân nhằm phát triển vùng nguyên liệu sầu riêng xuất khẩu. Hiện công ty đã ký kết, cung cấp sầu riêng cho đối tác ở Trung Quốc với sản lượng 300.000 tấn/năm. Vì vậy, công ty sẽ chủ động bao tiêu sản phẩm sầu riêng cho nông dân và thực hiện chốt giá thu mua từ 10-15 ngày trước thời điểm thu hoạch; công ty cũng hỗ trợ vốn cho nông dân với mức 50 triệu đồng/ha từ đầu vụ. Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách khen thưởng, hỗ trợ, hướng dẫn trong xây dựng mã số vùng trồng và sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu…”.

Theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thới 1 (huyện Phong Điền), để ổn định đầu ra cho sầu riêng, nông dân cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng và đảm bảo các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu… đây là vấn đề bức thiết.

Sầu riêng nghịch vụ tại ĐBSCL đang xác lập giá kỷ lục, nhưng thời điểm hiện tại chỉ có một số vùng ở ĐBSCL có sầu riêng nghịch vụ thu hoạch và cũng không nhiều, sản lượng ít trong khi nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu tăng đẩy giá lên cao. Vào tháng 9-2022, sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội cho nông sản nước nhà lẫn người nông dân. Tuy nhiên, trước tình trạng giá sầu riêng thời gian gần đây “nóng” thì việc tuân thủ các quy định, để đảm bảo chất lượng sản phẩm cần được xem trọng hơn nữa, để giữ uy tín lâu dài.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và nông nghiệp xanh, kinh tế kết nối hiện nay, tư duy “đi cùng nhau” là yêu cầu bắt buộc. Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên.

HƯNG TÂN - MỘNG TOÀN

 

Sương muối trắng vườn, cà-phê Sơn La cháy khô

Nguồn tin: Báo Sơn La

 

Năm 2019, khoảng 2.800ha trồng cà-phê ở thành phố Sơn La và các huyện Mai Sơn, Thuận Châu (tỉnh Sơn La) bị cháy khô bởi những đợt sương muối, người trồng cà-phê thất thu và phải tỉa bỏ cành hoặc cưa bỏ đến gốc… Sau hơn ba năm chăm sóc, khắc phục hậu quả do sương muối và chờ ngày thu quả, thì những đợt rét đậm, rét hại kèm theo sương muối tiếp tục xuất hiện trong những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2023 khiến nhiều diện tích cà-phê bị cháy khô, người trồng cà-phê lại đứng trước nguy cơ thất thu.

 

 

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Sơn La hướng dẫn người dân tỉa cành cà-phê bị sương muối.

Những năm qua, cây cà-phê đã được khẳng định là một trong những cây trồng có vị thế số 1 tại nhiều huyện, thành phố của Sơn La. Việc quy hoạch và vạch ra chiến lược phát triển rõ ràng đối với cây cà-phê thời gian qua ở Sơn La đã tạo nên những vùng trồng tập trung quy mô lớn với giá trị kinh tế cao, giúp nhiều người dân có thu nhập cao. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay, người trồng cà-phê ở Sơn La đã phải gánh chịu nhiều đợt sương muối, khiến cho hàng nghìn héc-ta cà-phê phải đốn bỏ, dẫn đến diện tích bị sụt giảm.

Nguy cơ thất thu

Mấy hôm nay, ngày nào ông Nguyễn Đức Thặng, bản Chiềng Yên 2, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La cũng có mặt tại khu trồng cà-phê rộng hơn 1ha của gia đình. Ông Thặng phải cắt tỉa những cành cà-phê bị cháy lá do sương muối, hoặc cưa đốn những cây bị ảnh hưởng nặng. Sau đợt rét đậm kèm sương muối vừa rồi, nhiều diện tích cà-phê trong bản và các bản lân cận bị ảnh hưởng, dẫn tới cà-phê bị cháy lá, khô cành... Chỉ tay về các diện tích cà-phê chung quanh khu trồng cà-phê của gia đình mình, ông Nguyễn Đức Thặng nói: "Diện tích cà-phê của nhà tôi đợt này bị ảnh hưởng khoảng 30%, nhiều hộ ở các bản lân cận bị ảnh hưởng nặng hơn. Lần này thiệt hại không nặng như năm 2019, nhưng chúng tôi vẫn lo vì dự báo sẽ còn đợt rét kèm sương muối nữa. Thời tiết diễn biến phức tạp như này thì người trồng cà-phê sẽ tiếp tục thất thu".

Mặc dù đã được cán bộ khuyến nông thành phố Sơn La hướng dẫn cắt tỉa lá, cành bị táp do sương muối, nhưng nhiều hộ dân ở khu Phiêng Khoang, bản Hôm Yên, xã Chiềng Cọ vẫn chưa tiến hành cắt tỉa.

Bởi theo người trồng cà-phê vùng này thì sẽ có tiếp đợt sương muối nữa nên vẫn chờ xem diễn biến thời tiết thế nào để cắt tỉa một thể. Vì mỗi lần phải cưa tận gốc thì ba năm sau cà-phê mới có thể cho thu hoạch quả. Bà Lèo Thị Xuân, bản Hôm Yên, cho biết: "Nhà tôi có 4.800m2 đất canh tác cà-phê. Năm 2019, đã bị thiệt hại nặng toàn bộ diện tích. Đến năm 2022 mới thu hoạch được một ít, thì năm nay lại xuất hiện sương muối. Với thiệt hại như thế này thì nguy cơ thất thu là khó tránh khỏi". Cách vườn cà-phê nhà bà Lèo Thị Xuân không xa là 2,4ha cà-phê nhà anh Lò Văn Út. Cũng là hộ nằm trong diện phải cưa tận gốc toàn bộ diện tích cà-phê do ảnh hưởng sương muối năm 2019, năm nay một nửa diện tích cà-phê của gia đình anh Lò Văn Út sẽ phải cưa bỏ tận gốc. Anh Út cho biết: "Sau ba năm chăm sóc, phục hồi lại diện tích và vụ 2022 thu được 8 tấn quả tươi, năm nay đang chuẩn bị ra hoa lại bị sương muối, lá vàng hết và khô héo, lại thất thu rồi. Gia đình cũng đã trồng xen một số hoa màu, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi sương muối".

Chuyển đổi giống cà-phê mới

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban nhân dân các xã, đợt sương muối vừa qua đã ảnh hưởng khoảng 20ha cà-phê tại các bản của xã Chiềng Cọ và xã Chiềng Cơi (thành phố Sơn La). Trong đó, nhiều khu vườn bị ảnh hưởng hơn 70% số cây, cần phải cưa đốn, còn lại bị ảnh hưởng từ 30% đến 70% với hiện trạng cây đang bị táp lá. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La thông tin: "Ngay sau khi xảy ra sương muối, thành phố đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, phường rà soát, thống kê diện tích, đánh giá mức độ cây trồng bị thiệt hại để hỗ trợ cho bà con; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường phân công cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do sương muối gây ra đối với cây trồng và vận động người dân chuyển đổi giống cà-phê mới, chịu được sương muối".

Theo cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Sơn La, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân cấy ghép giống cà-phê mới có sức chống chịu sương muối tốt hơn. Trước mắt, đơn vị đang hướng dẫn người dân dùng ni-lông trong suốt che phủ cây cà-phê giống những ngày rét đậm, rét hại; hằng ngày tưới đủ ẩm, ủ gốc bằng mùn, rơm, rạ để giữ ấm và giữ ẩm cho cây. Khi có hiện tượng sương muối thì tiến hành hun khói, phun nước vào buổi sáng để bảo vệ vườn cây giống. Đối với vườn cà-phê trồng mới, dùng các loại tàn dư thực vật để che gốc cho cây cà-phê con; tiến hành hun khói ở đầu hướng gió hoặc tưới nước cho cây cà-phê (với những vùng có điều kiện nước tưới) vào buổi sáng khi có sương muối. Nếu tỷ lệ ảnh hưởng thấp, cần tiếp tục chăm sóc và trồng dặm. Nếu vườn bị nặng, khả năng phục hồi kém, cần tiến hành trồng lại bằng giống mới. Ông Quàng Văn Địa, Phó Trưởng bản Hôm, xã Chiềng Cọ cho biết: "Theo hướng dẫn, các vườn cây bị nặng (tất cả các lá và cành trên thân cây đều bị táp đen), bản và cán bộ kỹ thuật của thành phố hướng dẫn người dân tiến hành cưa đốn ngay sau khi vườn cây bị sương muối, dùng cưa cắt bỏ toàn bộ thân chính, vị trí cắt cách mặt đất từ 15cm đến 20cm, vết cưa nghiêng 45 độ, vết cắt phải phẳng, nghiêng từ đông sang tây, phần cắt phía đông cao hơn phía tây để buổi chiều ánh nắng mặt trời không làm khô gốc cây. Sau khi cắt, dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt, thu gom cành lá làm vật liệu ủ gốc để giữ ấm, ẩm... Tới đây, bản sẽ vận động các hộ cấy ghép giống mới chịu được sương muối đối với những diện tích phải cưa đốn gốc".

Với hơn 17.000ha cà-phê được trồng tại các huyện, thành phố, tỉnh Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất... Theo các chuyên gia, từ khi công trình thủy điện Sơn La được xây dựng, hiện tượng sương muối đã giảm rõ rệt, thuận lợi cho việc trồng cà-phê. Tuy nhiên, để duy trì được diện tích cà-phê hiện có và phát triển thêm diện tích mới, ngoài việc trồng theo quy hoạch, tránh những vùng hay xảy ra sương muối thì cần có chính sách hỗ trợ để giúp các hộ trồng cà-phê chuyển đổi giống cà-phê mới có sức chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, nhất là sương muối, bảo đảm cho tất cả vụ cà-phê đều bội thu thay vì phải lo lắng trước mỗi đợt sương muối.

Bài và ảnh: QUỐC TUẤN

 

Vĩnh Phúc: Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất nấm vân chi

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

 

Trồng nấm dược liệu vân chi đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học năm 2018, với sự năng động, nhạy bén, tích cực tích lũy kinh nghiệm từ thực tế nghiên cứu và sản xuất, những năm qua, Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình sản xuất nấm dược liệu vân chi mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh

Trên diện tích 1.000 m2, Trung tâm tư xây dựng mô hình nhà nuôi trồng nấm vân chi và các giàn treo bằng sắt kiên cố, giàn hấp bịch phôi, cùng nhiều máy móc thiết bị hiện đại để xây dựng một quy trình khép kín, quy mô 20 tấn nguyên liệu/năm. Trồng nấm vân chi không quá phức tạp nhưng nếu không nắm rõ quy trình kỹ thuật thì khó thành công. Bởi vậy trong sản xuất luôn phải tuân thủ từng công đoạn, từ nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, các tiêu chí về nhiệt độ, ánh sáng.

Các nhà nuôi trồng đều lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, thời gian tưới, lượng nước tưới được cài đặt tự động, đảm bảo ẩm độ không khí cho nấm sinh trưởng và phát triển.

Quá trình đóng bịch, khử trùng, cấy giống, ươm sợi trồng đến khi thu hoạch không sử dụng thuốc kích thích, chất bảo quản, tưới bằng nguồn nước sạch nên nông sản loại bỏ được sâu bệnh ngay từ đầu, sản phẩm cung cấp ra thị trường luôn sạch, an toàn vệ sinh.

Sau 3 tháng nuôi trồng nấm vân chi bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với 1 tấn nguyên liệu cho thu hoạch 19,7 kg nấm vân chi khô, giá bán 1,2 triệu đến 1,5 triệu một kilogam, cao hơn gấp 1,5 lần sản xuất nấm dược liệu linh chi và gấp 5-7 lần so với sản xuất nấm sò và nấm mộc nhĩ.

Bên cạnh việc duy trì mô hình sản xuất nấm dược liệu vân chi, Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc còn là nơi thăm quan học tập, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

Nhờ sản xuất theo quy trình chuẩn, đảm bảo an toàn, nên đến nay thị trường tiêu thụ nấm của Trung tâm ngày càng được mở rộng ra các tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, chất thải từ các bịch nấm đã sử dụng, được tái tạo lại để phục vụ cho việc sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho việc trồng trọt và sản xuất các loại cây rau màu khác từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thời vụ sản xuất nấm vân chi tại Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên mở rộng quy mô sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường, mở rộng nhà xưởng, công nghệ sấy, đóng gói, chế biến sản phẩm để đưa các sản phấm nấm vân chi vào thị trường tiêu thụ quanh năm.

Do chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mô hình trồng nấm của Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã mở ra hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân tỉnh Vĩnh Phúc duy trì và ngày càng phát triển nghề trồng nấm.

 

 

Mô hình trồng nấm vân chi tại Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc

Kim Liên - Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc

 

Đắk Nông: Nông dân Ðắk Song ứng phó với hồ tiêu mất mùa, rớt giá

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Hồ tiêu mất mùa, rớt giá khiến nông dân ở Đắk Song (Đắk Nông) thu không đủ chi phí sản xuất. Để sớm phục hồi cây trồng, tập trung cho vụ sau, nông dân đã sử dụng nhiều cách để giảm chi phí sản xuất.

Gia đình ông Trịnh Văn Thu, ở thôn 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) có 5 ha đất. Trên diện tích đất này, ông Thu trồng thuần 2.000 cây cà phê và 2.000 trụ tiêu.

Ông Thu cho biết, năm nay thu được hơn 1 tấn tiêu, trong khi năm ngoái thu được 7 tấn. Kết quả này không đủ chi phí sản xuất và trả công thu hoạch.

Dù thua lỗ, nhưng ông vẫn khẩn trương thu hái để phục hồi, chăm sóc vườn tiêu nhằm hướng tới vụ sau. Để duy trì sản xuất, ông đang tính nhân rộng đàn dê hơn 20 con, từ đó tạo nguồn thu, giảm chi phí phân bón.

Ông Thu cho biết, đây cũng là cơ hội để ông chuyển đổi sang phương thức sản xuất hồ tiêu thuận tự nhiên, giảm dần sự tác động phân thuốc hóa học cho cây trồng.

 

 

Vườn tiêu của anh Ky có 2.000 trụ, vụ này chỉ thu hoạch được hơn 1,5 tấn tiêu

Tương tự, anh Lại Văn Ky, ở thôn 4, xã Trường Xuân (Đắk Song), có 2.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch năm thứ 8. Vườn tiêu của anh đều, đẹp, mỗi trụ cao khoảng 5m.

Nói về vụ thu hoạch tiêu năm nay, anh Ky buồn bã cho biết: "Năm ngoái tôi thu được 10 tấn, năm nay thì thê thảm quá chỉ được hơn 1,5 tấn, trong khi nhân công thuê hái đã mất hơn nửa tấn tiêu rồi. Năm nay, tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng nhưng giờ coi như lỗ vốn".

Theo anh Ky, trước vụ thu hoạch năm nay, có thời điểm hồ tiêu hơn 80.000 đồng/kg. Còn hiện nay chỉ còn khoảng 55.000 đồng/kg. Ngoài việc giá thấp, mất mùa, chất lượng hồ tiêu năm nay cũng không đạt, nên hao hụt khá nhiều so với những năm trước.

Để ứng phó với tình trạng thu không đủ chi, anh Ky sẽ mở rộng quy mô đàn dê từ 60 con lên hơn 100 con. Việc mở rộng đàn dê vừa giúp anh có thu nhập, vừa có nguồn phân dồi dào để bón cho cây trồng.

Ngoài ra, anh Ky đang tính toán để chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên để nâng cao chất lượng, giá trị hồ tiêu khi bán ra thị trường.

Huyện Đắk Song có 13.795 ha hồ tiêu, trong đó, hồ tiêu kinh doanh 12.503 ha, tập trung ở các xã Thuận Hạnh, Thuận Hà, Nâm N’Jang, Đắk N’Drung, Nam Bình và Trường Xuân.

Nói về nguyên nhân hồ tiêu mất mùa, nhiều nông dân cho biết, năm ngoái mưa sớm, mùa khô ngắn, nên không có thời gian ép nước để kích thích cây ra hoa.

Thời gian sau đó lại mưa kéo dài liên tục, hoa hồ tiêu không phân hóa được, dẫn tới không đậu quả. Nhiều nông dân dù có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu, nhưng vẫn không khắc phục được.

Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song cho biết, để sản xuất hồ tiêu bền vững, huyện Đắk Song tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho bà con nông dân.

Trong đó, thông qua các chương trình tập huấn, huyện sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu cho bà con. Huyện lồng ghép các dự án, chương trình giúp nông dân sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu hiệu quả.

Hiện nay, có nhiều nông dân đang vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất hồ tiêu. Nhưng với thực tế sản xuất như năm nay, bà con đang rất lo lắng.

Người dân mong muốn được cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ. Trong đó, bà con mong được các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để có thêm điều kiện đầu tư khôi phục sản xuất vụ tới.

Đức Hùng

 

Thu nhập ổn định nhờ chế biến trái cây sấy

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

 

Sau hơn 1 năm tìm tòi, nghiên cứu và đầu tư máy móc để chế biến trái cây sấy dẻo, gia đình anh Lê Văn Chu (tổ 1, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) có nguồn thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng/tháng.

Vừa sắp xếp các sản phẩm vào tủ trưng bày, anh Chu kể về quá trình bén duyên với công việc chế biến trái cây sấy dẻo. Bố mẹ vợ anh có hơn 1 ha trồng rau củ quả và cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Để giúp bố mẹ tiêu thụ nông sản, vợ anh thường đăng giới thiệu sản phẩm trên trang Facebook cá nhân. Vào vụ thu hoạch, ngoài bán chanh đào tươi, vợ chồng anh còn sơ chế, ướp với mật ong, đường phèn để bán quanh năm; những quả chanh dây không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, anh Chu lấy phần ruột bên trong, đóng gói, cấp đông để bán dần, kiếm thêm thu nhập.

Anh Chu cho hay: Khi nhìn thấy những buồng chuối mốc chín vàng ươm, thơm nức vườn mà không bán được, bỏ thì tiếc nên vợ chồng anh nảy sinh ý tưởng làm chuối sấy. Anh cải tiến quy trình phơi chuối dưới nắng thành sấy qua máy để bảo quản được lâu hơn. Anh đăng ký tham gia lớp học online về quy trình sản xuất, bảo quản chuối sấy dẻo. Tháng 10-2021, anh mua 1 chiếc máy sấy 16 tầng và áp dụng kiến thức học hỏi vào quy trình chế biến.

Bước đầu, anh tận dụng nguồn nguyên liệu của gia đình để chế biến. Tuy nhiên, những mẻ chuối sấy đầu tiên không đạt yêu cầu. Chuối sau khi sấy, ăn vẫn còn vị chát, dai cứng, sẫm màu. Không nản lòng, anh tiếp tục mày mò cải tiến quy trình. “Rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, tôi đã điều chỉnh thời gian sấy; quá trình ngâm nước phù hợp để khi ra thành phẩm, chuối có vị ngọt tự nhiên, dẻo thơm, màu nâu óng, hấp dẫn”-anh Chu phấn chấn nói.

 

 

Gia đình anh Lê Văn Chu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) có thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng từ các sản phẩm trái cây sấy. Ảnh: Ngọc Minh

Cũng theo anh Chu, để chế biến được chuối sấy dẻo ngọt thơm thì chuối phải chín tự nhiên. Sau đó, bóc vỏ bên ngoài, lấy hết dây xơ, bột bám xung quanh. Tùy theo mức độ chuối chín mà thời gian ngâm nước dài hay ngắn. Sau đó, rửa sạch để ráo nước, ép quả mỏng thành miếng, xếp vào khay sấy 8-10 giờ. Cứ 5 kg chuối tươi cho ra 1 kg chuối sấy dẻo với giá bán 130 ngàn đồng/kg.

Cùng với đó, vợ chồng anh Chu còn chế biến món mãng cầu xiêm sấy dẻo được khách hàng đánh giá cao. Chị Đường Tiểu My (vợ anh Chu) cho hay: Mãng cầu xiêm chín sẽ được loại bỏ vỏ, lõi bên trong. Trong quá trình sơ chế, chị cắt ra từng miếng vừa ăn, cho thêm chút đường để giảm bớt độ chua, tạo độ kết dính. Trải qua thời gian sấy 8-10 tiếng đồng hồ, những miếng mãng cầu cô dẻo, vẫn giữ mùi thơm đặc trưng, hòa quyện vị chua chua ngọt ngọt, rất hấp dẫn. Để tăng thêm vị, mỗi hộp mãng cầu chị bỏ thêm gói muối ớt, dành cho những khách hàng thích ăn cay, đậm vị. “Sau Tết, nhiều người đặt mua mãng cầu xiêm sấy dẻo. Tôi đang liên hệ bà con thu mua nguyên liệu, kịp chế biến để trả đơn khách hàng. Khi mở rộng quy mô sản xuất, toàn bộ nguyên liệu tôi phải tìm mua của các hộ sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP”-chị My vui vẻ nói.

 

 

Chị Đường Tiểu My (vợ anh Lê Văn Chu) sấy chuối cung cấp cho thị trường. Ảnh: Ngọc Minh

Không dừng lại ở 2 món trái cây sấy, vợ chồng anh Chu còn tận dụng các loại nông sản của địa phương để chế biến các món ăn vặt khác như: gừng rim, đậu trắng rim, me sấy dẻo muối ớt, đậu phộng cháy tỏi ớt, chùm ruột rim, snack khoai sấy, rượu nếp cẩm… hay món dừa non xào sữa với các vị truyền thống, màu tự nhiên như xanh lá dứa, nâu của cà phê, đỏ của gấc, vàng chanh dây, màu tím của hoa đậu biếc. Ngoài ra, vợ chồng anh còn làm lạp xưởng, xúc xích nhồi sụn đáp ứng nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy nhồi, máy sấy, máy hút chân không, giúp cho việc chế biến sản phẩm nhanh, hiệu quả hơn. “Có máy móc hỗ trợ, kịp thời sản xuất hàng hóa, cung ứng thị trường đều đặn đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình gần 20 triệu đồng/tháng. Riêng tháng Chạp vừa rồi, gia đình phải thuê thêm người làm mới kịp trả đơn cho khách; thu nhập tăng gần 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-anh Chu thông tin.

Thường xuyên mua các loại mứt, trái cây sấy về thưởng thức và tặng người thân, bạn bè, chị Nguyễn Thị Hậu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) nhận xét: “Gia đình anh Chu sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Các loại trái cây sấy dẻo thơm ngon, tiện lợi, dễ sử dụng, giá cả phải chăng. Ngoài mua tiêu dùng, dịp Tết Quý Mão 2023, tôi mua chuối sấy dẻo, snack khoai tẩm mật ong, dừa sữa non ngũ vị làm quà biếu bạn bè, người thân bên Mỹ”.

Biết các sản phẩm trái cây sấy dẻo của gia đình anh Chu qua trang Facebook, chị Hồ Thị Mỹ Yên (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã đặt mua sử dụng và bán cho người tiêu dùng. Theo chị Yên, các sản phẩm được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản nên khách hàng tin tưởng, chị nhập đến đâu bán hết tới đó. “Riêng tháng Chạp vừa rồi, tôi nhập hơn 2 tạ sản phẩm. Trong đó, khách hàng phản hồi rất tích cực với món dừa non xào sữa, chuối sấy dẻo và mãng cầu sấy dẻo chấm với muối ớt. Thời gian tới, tôi tiếp tục lấy hàng của gia đình anh Chu về bán”-chị Yên chia sẻ.

Chỉ tay về phía khu đất sau nhà, chị My tiết lộ: “Từ giờ tới cuối năm, vợ chồng tôi cố gắng xây dựng khu chế biến, đầu tư thêm máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất đa dạng các loại sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập và góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương”.

NGỌC MINH

 

Anh Võ Văn Á: Thành công với mô hình nuôi rắn ri voi

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

 

Nuôi rắn ri voi là mô hình đang được nhiều nông dân thực hiện và đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, điển hình là anh Võ Văn Á (ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ mô hình này.

 

 

Anh Võ Văn Á kiểm tra rắn ri voi trong giai đoạn sinh sản. Ảnh: T.N

Năm 2014, từ nguồn vốn được LĐLĐ huyện Hồng Dân hỗ trợ, anh Võ Văn Á mua 50 con rắn ri voi giống về nuôi nhằm kiếm thêm thu nhập. Dự định ban đầu của anh là nuôi rắn thịt để bán, nhưng sau khi thấy rắn có giá trị kinh tế cao nên anh mạnh dạn đầu tư nuôi rắn để sinh sản và bán rắn giống. Mỗi con rắn giống có giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng, mỗi năm anh xuất bán hơn 2.000 con rắn giống và rắn thịt, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Hiện anh có 8 hồ nuôi rắn với khoảng hơn 300 con giống. Chia sẻ về mô hình này, anh Á cho biết: “Rắn ri voi rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và hầu như không mắc bệnh. Cứ 7 - 10 ngày cho rắn ăn 1 lần, thay nước mỗi tuần/lần. Thức ăn cho rắn ri voi là các loại cá da trơn, chủ yếu là cá trê phi, đầu tôm cũng có thể làm thức ăn cho rắn được. Hiện tôi đang tính đến việc tự nuôi cá trê để chủ động nguồn thức ăn cho rắn”.

Điều đáng nói, anh Á còn lập kênh YouTube để đăng tải những video hướng dẫn cách nuôi loài rắn này, đặc biệt là trực tiếp hướng dẫn cho bạn bè nuôi mang lại thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi rắn ri voi rất phù hợp với hộ nông dân ít vốn, ít đất. Tuy nhiên, người nuôi phải nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, biết chọn giống tốt, hồ nuôi được xây dựng chắc chắn, cho ăn đầy đủ… để rắn khỏe mạnh, mau lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao.

TUYẾT NGHI

 

Kỳ vọng mới cho yến sào Kiên Giang

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Việc sản phẩm yến sào Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sản phẩm của ngành yến Kiên Giang. Với đà thắng lợi liên tục trong 2 năm qua, nhiều cơ sở, doanh nghiệp yến sào Kiên Giang kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều bứt phá trong năm mới 2023.

 

 

Anh Trần Quốc Phương bên sản phẩm yến sào chuẩn bị giao cho khách hàng trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nghề nuôi chim yến tại Kiên Giang đang “ăn nên làm ra” và được ví như nghề “hái lộc trời” mang lại nguồn thu khá cao cho người dân, doanh nghiệp. Theo một số cơ sở, hộ nuôi yến tại Kiên Giang, hiện tổ yến thô có giá 20-25 triệu đồng/kg, tổ yến tinh chế từ 30-35 triệu đồng/kg, tổ yến rút lông 35-40 triệu đồng/kg. Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, với khoảng 3.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng yến sào thu hoạch năm 2022 của tỉnh ước khoảng 17,5 tấn, tăng 2,9% kế hoạch, tăng gần 2% so với năm 2021.

Ðầu tư thiết bị, công nghệ, kỹ thuật ngày càng hiện đại, các doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể tại Kiên Giang đã thành công trong dẫn dụ chim yến, tạo ra sản phẩm tổ yến chất lượng và đem lại giá trị cao.

Cơ sở sản xuất yến sào Du Long của gia đình anh Trần Quốc Phương, ngụ tại C1-15 đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc (TP Rạch Giá) là một trong những đơn vị khai thác, sản xuất yến sào lâu năm tại Kiên Giang. Những năm gần đây, cơ sở này đã tạo ra nhiều sản phẩm giá trị từ yến sào với chất lượng luôn ổn định, gia tăng sản lượng tiêu thụ, không ngừng đưa sản phẩm của mình vươn ra thị trường cả nước. Anh Phương cho biết: “Với 8 nhà yến, bình quân tôi thu về từ 15-20kg yến thô. Nhu cầu sử dụng yến sào chăm sóc sức khỏe của mọi người ngày càng cao nên sản lượng tiêu thụ của cơ sở tăng lên theo từng năm. Bình quân mỗi tháng cơ sở tiêu thụ từ 200-300kg yến các loại”. Anh Phương cho biết, sản lượng tiêu thụ có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn tăng mạnh so hồi năm 2019 trở về trước. Hiện anh đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để năm 2023 xuất khẩu sản phẩm từ yến sào sang thị trường Trung Quốc.

“Bật mí” bí quyết gia tăng giá trị sản phẩm yến sào, một số doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất yến sào tại Kiên Giang cho biết đã thực hiện liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Sở hữu 4 nhà nuôi chim yến tại TP Rạch Giá, mỗi năm, chị Châu Thị Như Thủy, chủ Doanh nghiệp tư nhân Hồng Châu Yến thu về 300kg tổ yến. Doanh nghiệp của chị Thủy còn thu mua yến thô của các hộ nuôi khác nhằm đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến.

Nhằm nâng cao giá trị mặt hàng yến sào, từ năm 2016, gia đình chị Thủy còn đa dạng sản phẩm bằng cách mở cơ sở tự chế biến các mặt hàng yến sào thành phẩm cung ứng ra thị trường, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Năm 2022, doanh nghiệp gia đình chị Thủy bán 1.000kg yến các loại, doanh thu tăng 150% so năm 2019. “Ðể có được kết quả này, doanh nghiệp luôn chú trọng chất lượng sản phẩm, đầu tư về mẫu mã, bao bì và chiến lược quảng bá trên thị trường. Ngoài ra, sự liên kết với Tập đoàn Long Beach, Công ty thực phẩm Long Beach Food và nhiều cửa hàng, siêu thị tiện lợi cũng đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước của doanh nghiệp”.

Với việc chính thức ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc, Việt Nam đã hoàn tất quy trình đưa một trong những thực phẩm đắt nhất thế giới sang Trung Quốc sau nỗ lực đàm phán giữa hai bên. Việc này mở ra cơ hội phát triển cho ngành hàng triệu đô, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ nuôi yến nước ta. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chị Thủy đang kỳ vọng vào cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Hong Kong, Ðài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng có không ít thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến sào sang thị trường này.

Chị Thủy nói: “Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu yến sang Trung Quốc, mong ngành chức năng tổ chức hội nghị phổ biến nội dung nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cho các tổ chức và doanh nghiệp có liên quan để các đơn vị chủ động chuẩn bị, đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Từ đó, giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thật kỹ và tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc nêu trong nghị định thư này như điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu…”.

Ông Trần Quốc Phương, chủ Cơ sở sản xuất Yến sào Du Long (TP Rạch Giá) cho rằng, yến sào là mặt hàng cao cấp, trên thị trường hiện nay thật giả lẫn lộn, có tình trạng sản phẩm từ yến bị nhái, bị giả mạo khiến người tiêu dùng bị lừa, thị trường chao đảo, ảnh hưởng xấu thương hiệu yến sào Kiên Giang. “Ðề nghị cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp quản lý việc mua bán mặt hàng yến sào. Ðồng thời, có chế tài đủ sức răn đe việc cơi nới, xây cất nhà yến không đúng quy hoạch của tỉnh, của huyện cũng như kịp thời xử lý tình trạng săn bắt chim yến vẫn đang diễn ra từng ngày nhằm giúp ngành yến Kiên Giang phát triển”, ông Phương nói.

Bài, ảnh: AN NAM

 

Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình nhân đạo: Xu hướng toàn cầu, thị trường mở rộng

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình nhân đạo. Theo đó, những con vật sẽ không bị nuôi nhốt trong lồng mà được chăn thả gần với tự nhiên.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm được chăn nuôi nhân đạo cũng đang mở rộng dần bởi đây là xu hướng mà nhiều tổ chức môi trường, quốc gia khuyến khích.

 

 

Trang trại Nhất Thống đang chăn nuôi gia cầm theo mô hình nhân đạo nhằm đáp ứng xu hướng thế giới

Chăn thả tự nhiên

Trong trang trại hữu cơ Nhất Thống (huyện Nhà Bè, TPHCM) có hai trại nuôi gà và vịt đạt tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu. Theo tiêu chuẩn này, gia cầm được nuôi thuận theo bản năng và được đối xử nhân đạo. Những con gà, vịt sẽ có “sân chơi” ngoài trời để có thể tung tăng “chơi đùa”. Nếu như khu nuôi vịt có thêm ao lớn để bơi lội, thì khu nuôi gà có thêm cây sào để gà bay lên đậu… Theo ông Phạm Hữu Thời, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống (thương hiệu Everyday Organic), hiện trang trại nuôi hơn 1.000 con gà và 300 con vịt, trung bình mỗi con có 4m2 để vui chơi. “Chăn thả tự nhiên rất khó vì phải giữ cho môi trường an toàn, hạn chế tối thiểu dịch bệnh. Phải làm trại ở nơi cao ráo, dễ thoát nước, cách xa khu vực có môi trường bị ô nhiễm và phải có vùng đệm, hàng rào ngăn cách với bên ngoài. Chuồng nuôi phải được thiết kế thông gió tốt, bảo đảm lưu thông không khí và có sự tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng tự nhiên, thuận lợi trong việc cho ăn, uống, vận động; đồng thời bảo đảm ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè”, ông Phạm Hữu Thời cho biết. Một yếu tố khá khó khăn khác là gia cầm thường hay đẻ trứng trên các bãi trấu, bụi cỏ nên việc thu gom trứng phải kỹ càng, tránh làm gia cầm sợ hãi. Mặt khác, chi phí đầu tư cho chăn nuôi nhân đạo cao hơn từ 30%-35% so với chi phí đầu tư chăn nuôi theo kiểu công nghiệp - là nuôi nhốt với chuồng trại đa phần chật hẹp.

Nhờ chăn nuôi tự nhiên, chất lượng thịt, trứng gia cầm ngon hơn thịt, trứng gia cầm chăn nuôi công nghiệp; vì vậy hiện sản phẩm của trang trại Nhất Thống chủ yếu bán cho các nhà hàng, khách sạn tại TPHCM và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, bởi phần lớn du khách đặt yêu cầu chỉ sử dụng trứng, thịt gia cầm được nuôi dưỡng nhân đạo. “Tuy thị trường còn nhỏ hẹp và chi phí đầu tư cao nhưng với giá bán cao hơn giá bán trứng gà, vịt thông thường khoảng 30% nên vẫn có lời. Với xu hướng tiêu dùng ngày càng ưu chuộng sản phẩm gia cầm, gia súc được đối xử nhân đạo như hiện nay, đơn vị đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất để có thể mở rộng quy mô chăn nuôi lên đến 10.000 con gà. Không chỉ có gà, vịt, trang trại còn nuôi heo, bò, dê theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo được đối xử nhân đạo tại các tỉnh Đắk Lắk và Hậu Giang”, ông Phạm Hữu Thời chia sẻ.

Tương tự, mới đây, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Vfood) đã thành công trong thực hiện mô hình chăn nuôi gà đạt chuẩn nhân đạo và được Hội Nhân đạo Quốc tế (Humane Society International - HSI) cấp chứng chỉ công nhận. Tâm huyết với chăn nuôi theo mô hình nhân đạo đối với gia súc, gia cầm, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Vfood, cho biết, hơn 3 năm trước, doanh nghiệp đã được HSI đến tư vấn, hướng dẫn cách chăn nuôi này. Lúc đầu, đơn vị tìm hiểu và biết chăn nuôi theo mô hình nhân đạo với súc vật tốn rất nhiều chi phí mà thị trường lại còn nhỏ nên đã đắn đo; nhưng khi được HSI thông tin, giúp đi thực tế tìm hiểu thị trường và nhận thấy có nhiều khách sạn, nhà hàng, công ty sản xuất bánh, kẹo, chế biến lương thực, thực phẩm bắt buộc phải sử dụng sản phẩm từ gia súc, gia cầm được chăn nuôi nhân đạo theo yêu cầu của khách hàng, đồng thời xu hướng này cũng đang được mở rộng trên toàn cầu, Vfood đã quyết định phát triển mô hình nuôi gà mái đẻ trứng theo tự nhiên, không nuôi trong những lồng nhốt chật hẹp.

“Ngoài yêu cầu về một môi trường nuôi tự nhiên, không ô nhiễm, còn có thêm một tiêu chí khác là không được gần các trang trại khác để tránh súc vật bị lây bệnh. Đặc biệt, thức ăn chăn nuôi phải không có xương từ động vật có vú; thuốc kháng sinh cũng phải là thuốc được sản xuất theo tiêu chí riêng. Do tại Việt Nam chưa sản xuất thức ăn và thuốc theo tiêu chuẩn như vậy nên Vfood phải tìm những nhà sản xuất để đặt hàng sản xuất riêng”, ông Trương Chí Thiện nói. Mất 1 năm chuẩn bị và 1 năm nuôi, Vfood vừa cho ra lô trứng gà nhân đạo đầu tiên. Trang trại gà của Vfood nằm ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) với tổng đàn 6.000 con gà mái, ước tính hàng năm cung cấp khoảng 1,5 triệu quả trứng. Nhãn hàng trứng gà nhân đạo của Vfood đã lên kệ tại các chuỗi siêu thị, khách sạn tại TPHCM như Co.opmart, MM Mega Market, Annam Naman, khách sạn Sofitel…

Thị trường dần mở rộng

Trong khi xu hướng tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới dần ưa chuộng sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm được đối xử nhân đạo thì tại Việt Nam, người tiêu dùng trong nước chưa quan tâm nhiều. Chưa có thống kê chính xác nhưng theo đại diện một số siêu thị có nhận bán các sản phẩm này, mức tiêu thụ sản phẩm không cao. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, điều người tiêu dùng quan tâm nhất vẫn là giá cả…

Tuy nhiên, trên thực tế cũng đang có sự thay đổi. Bà Lê Thị Hằng, Quản lý Chương trình Phúc lợi Động vật Trang trại của tổ chức HSI tại Việt Nam, đánh giá, sau một thời gian truyền tải thông điệp, nhiều công ty chăn nuôi đã và đang xem xét, cân nhắc lại mô hình chăn nuôi. Tất cả những doanh nghiệp này đều được HSI cam kết đồng hành; đồng thời đảm bảo những doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng này sẽ có các công cụ và kỹ thuật cần thiết trong quá trình chuyển đổi - bao gồm sẽ được tham quan học hỏi các mô hình tiên tiến, tư vấn, kết nối với chuyên gia. Hiện, tổ chức cũng đang triển khai mô hình chăn nuôi nhân đạo với heo, bò tại các trang trại phía Bắc từ đơn đặt hàng của các doanh nghiệp chế biến.

Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ NN-PTNT, cho hay, hiện nay một số quốc gia muốn xuất khẩu được sản phẩm từ động vật phải có chứng nhận đối xử nhân đạo với động vật. Trước xu hướng này, trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Bộ NN-PTNT đã đặt mục tiêu sẽ có khoảng 20% gà được chăn nuôi nhân đạo. Ngoài ra, heo cũng đang được xem xét đưa vào chăn nuôi theo tiêu chuẩn này. Về phần mình, doanh nghiệp phải chủ động liên kết với các trang trại lớn để chuyển đổi dần sang mô hình chăn nuôi nhân đạo với động vật, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

THANH HẢI

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop