Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 07 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 07 năm 2021

Tiền Giang: Huyện Cai Lậy có gần 400 ha cây ăn trái sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, huyện chú trọng sản xuất cây ăn trái đảm bảo đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Huyện Cai Lậy chú trọng sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tính đến nay, huyện Cai Lậy có 378 ha cây ăn trái sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, sầu riêng 305 ha, chôm chôm 50 ha, nhãn 23 ha. Đồng thời, huyện có 21 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Song song đó, huyện Cai Lậy tiếp tục quan tâm việc sản xuất, đảm bảo chất lượng và quảng bá thương hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy".

Ngoài ra, trong năm 2021, huyện đang thực hiện các bước hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hiệp Đức tham gia Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây trái vùng Đồng Tháp Mười và HTX sầu riêng Ngũ Hiệp xây dựng Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện nói chung. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán sản xuất theo chiều hướng tích cực, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hồng Linh

Ổn định đầu ra cho dưa lê nhờ liên kết tiêu thụ

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Trong những năm gần đây, một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), nhiều hộ nông dân đã phát triển thêm mô hình trồng dưa lê. Đây là một trong những loại nông sản cho thu nhập khá, bởi đầu ra sản phẩm ổn định. Do doanh nghiệp liên kết từ đầu vào đến đầu ra, bao tiêu sản phẩm nên bà con yên tâm sản xuất, giá dưa được doanh nghiệp báo luôn đầu vụ. Vì vậy, hộ dân tính toán được phần lợi nhuận sau thu hoạch dưa...

Anh Hồ Thanh Phong - thương lái liên kết thu mua dưa lê trao đổi với bà con nông dân trồng dưa lê về cách thức liên kết cho vụ dưa tiếp theo. Ảnh: THÚY LIỄU

Một trong những hộ chuyển đổi cây màu kém hiệu quả sang trồng dưa lê liên kết đầu ra, ổn định đời sống đó là hộ anh Dương Hữu Thọ, ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung). Chúng tôi đến tham quan ruộng dưa lê của anh Thọ đúng lúc anh vừa thu hoạch xong diện tích dưa 6.000m2 và anh đang tất bật rửa lại toàn bộ số dưa đã thu hoạch, giao đơn vị thu mua. Anh Hữu Thọ bộc bạch: “Doanh nghiệp họ hỗ trợ hạt giống, phân bón và các loại thuốc vi sinh suốt quá trình trồng dưa, kể cả hướng dẫn kỹ thuật nên tôi đã mạnh dạn ký hợp đồng triển khai trồng luôn dưa lê với diện tích đất 6.000m2".

Theo anh Thọ, dưa lê được người tiêu dùng tin dùng; đồng thời dưa có thời gian sinh trưởng ngắn, từ lúc xuống giống dưa đến thu hoạch là 48 ngày, đến dưa chín, không phải thu hoạch hết 1 đợt như dưa hấu mà chia theo nhiều đợt thu hoạch trong thời gian tầm 1 tháng mới thu hết lượng trái, bình quân dưa cho năng suất từ 2 - 3,5 tấn/1.000m2, dưa ít gặp các loại dịch bệnh, sâu hại tấn công nên hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, do thời gian trồng đến lúc thu hoạch ngắn, nên dưa lê trồng được 3 vụ/năm.

“Tôi vừa mới thu hoạch xong dưa lê vụ thứ 2, năng suất đạt gần 18 tấn, có giảm hơn so vụ trước, bởi ảnh hưởng thời tiết. Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm trồng nên chất lượng dưa tốt hơn, chi phí đầu tư giảm, đơn vị bao tiêu 6.000 đồng/kg. Theo tính toán, trong vụ dưa này tôi bỏ túi số tiền hơn 70 triệu đồng/6.000m2, lợi nhuận tốt hơn nhiều so với một số loại rau màu khác và trồng dưa lê cũng yên tâm hơn vì có thương lái bao tiêu, chỉ cần chăm sóc để dưa phát triển tốt, cho trái nhiều, thu nhập sẽ tăng. Dự kiến trong vụ tới, tôi mở rộng diện tích trồng dưa lê là 1ha” - anh Hữu Thọ phấn khởi cho biết thêm.

Anh Hồ Thanh Phong - thương lái liên kết thu mua dưa lê của các hộ dân tại huyện Cù Lao Dung thông tin: “Nhận thấy một số địa phương trên địa bàn Cù Lao Dung có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng dưa lê nên chúng tôi đã trao đổi với bà con nông dân mở rộng diện tích trồng dưa và bao tiêu đầu ra. Để nông dân yên tâm sản xuất, chúng tôi liên kết luôn với đơn vị cung ứng hạt giống, phân bón, thuốc vi sinh các loại nhằm đưa đến nông dân cũng như khuyến cáo bà con trồng dưa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong năm 2020, chúng tôi đã liên kết bao tiêu 10ha trồng dưa lê/10 hộ. Trong vụ dưa năm 2021, diện tích bao tiêu là 20ha, tập trung tại xã An Thạnh Nam và mới mở diện tích liên kết tại xã An Thạnh Tây thêm 2ha. Bên cạnh đó, chúng tôi thu mua dưa lê không giới hạn diện tích, nếu bà con đáp ứng thu hoạch dưa tầm 3 tấn/chuyến xe trở lên sẽ thu mua hết và giá bao tiêu là 6.000 đồng/kg, dưa có trọng lượng 200 gram trở lên là đạt chuẩn. Ngoài ra, ngay đầu vụ chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ tiền mua hạt giống, tiền thuê nhân công chăm sóc dưa…”.

THÚY LIỄU

Lào Cai: Hồng không hạt Tân An mất mùa

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến mùa thu hoạch hồng không hạt nhưng khác với không khí hồ hởi mọi năm, không khí chăm sóc vườn hồng ở xã Tân An, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) năm nay trầm lắng bởi hồng mất mùa.

Hồng không hạt mất mùa khiến nông dân lo lắng.

Giá đình chị Hoàng Thị Tam, thôn Tân An 1 có 30 gốc hồng không hạt cho thu hoạch, những năm trước hồng sai quả, gia đình chị thu về hơn 30 triệu đồng, tuy nhiên năm nay trên cây chỉ lác đác vài quả, báo hiệu một vụ hồng thất thu. Không chỉ gia đình chị Tam mà hầu hết các vườn hồng không hạt ở Tân An đều mất mùa.

Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chuyên môn xác định là do thời tiết năm nay diễn biến thất thường, khi hồng ra hoa đậu quả non thì mưa nhiều khiến quả hồng rụng, đến giai đoạn quả non phát triển thì khô hạn nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả...

Xã Tân An hiện có hơn 50 ha hồng không hạt, đây là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã, đặc biệt là tại thôn Tân An 1 nơi có diện tích hồng lớn nhất xã. Đặc biệt, mùa thu hoạch hồng không hạt trùng với thời điểm diễn ra lễ hội đền Bảo Hà, nên hồng được giá, tiêu thụ tốt. Theo đánh giá của UBND xã Tân An, so với trung bình mọi năm, nay nay sản lượng hồng giảm khoảng 70%. Giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân thiếu việc làm, nay quả hồng lại mất mùa khiến đời sống người dân trên địa bàn thêm khó khăn.

Mạnh Dũng

3 biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh virus gây hại cà chua

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quy trình phòng trừ tổng hợp (PTTH) bệnh virus gây hại cây cà chua trên địa bàn, trong đó áp dụng 3 biện pháp trong vườn trồng.

Cụ thể, biện pháp canh tác sử dụng các giống cà chua không có triệu chứng nhiễm virus. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm và nhổ bỏ các cây nhiễm bệnh để tiêu hủy.

Tiếp theo, với biện pháp vật lý, đặt 1 hàng bẫy dính cuộn màu vàng xung quanh vách nhà kính, mật độ 40 bẫy/1.000 m2 để dẫn dụ và tiêu diệt bọ trĩ, bọ phấn.

Và biện pháp hóa học, sử dụng luân phiên các loại thuốc đã đăng ký trong danh mục được phép sử dụng trên cây cà chua phòng trừ bọ trĩ, bọ phấn như: hoạt chất Abamectin (Silsau 1.8EC) và Spinetoram (Radiant 60SC), Dinotefuran (Oshin 20WP); Citrus oil (MAP Green 10AS); Oxymatrine (Vimatrine 0.6 SL); Cyantraniliprole (DupontTM Benevia® 100OD); Chlorfluazuron + Dinotafuran (TT Checker 270SC); Galic juice (Bralic-Tỏi Tỏi 1.25SL; Biorepel 10SL)...

VŨ VĂN

Tỏi Lý Sơn ‘bí’ đầu ra vì dịch COVID-19

Nguồn tin: Báo Lao Động

Được ví như “vàng trắng”, đặc sản quý của đất đảo, có thời điểm giá tỏi khô ổn định ở mức mỗi kg trên 100 nghìn đồng, thế nhưng hơn 2 năm qua, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) trượt dốc không phanh. Nông dân ở “thủ phủ” tỏi phải chứng kiến tình cảnh gần 2 nghìn tấn tỏi khô “bí đầu ra” vì dịch.

Hơn 50 năm gắn bó với cây tỏi, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Tả ở thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn chưa bao giờ nghĩ tỏi Lý Sơn – một đặc sản quý của đất đảo, từng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân - nay lại lâm vào tình cảnh mất giá, khó tiêu thụ.

Nếu như thời “hoàng kim”, 2 tấn tỏi khô gia đình bà Tả thu lãi hơn trăm triệu đồng. Nếu bán hết số tỏi hiện có, bà Tả cũng thua lỗ khoảng 40 triệu đồng. Thế nhưng, sản lượng tỏi của bà dường như không tiêu thụ được.

Bà Tả cho biết vụ tỏi vừa rồi bà đầu tư 70 triệu đồng để trồng 5 sào tỏi, đó là chưa tính công lao động, nhưng đến kỳ thu hoạch giá thấp, không thể tiêu thụ, phải phơi khô bảo quản, chờ giá.

“Mấy năm trước, thương lái đến tận nhà thu mua, mỗi kg tỏi khô tôi bán 100 nghìn đồng – 120 nghìn đồng, năm vừa rồi còn 60 nghìn, cuối năm xuống còn 30 nghìn, bây giờ chỉ còn 17 nghìn – 20 nghìn đồng. Có 2 tấn tỏi khô nhưng đến giờ chỉ bán được 25kg với giá 17 nghìn/kg”, bà Tả bày tỏ.

Giá bán thấp từ 5 – 7 lần so với trước đây, thì mỗi sào tỏi nông dân trên đảo cầm chắc lỗ 5 – 7 triệu đồng. Giá thấp, sau kỳ thu hoạch, nông dân phải trữ tỏi, chờ giá. Tuy nhiên, việc trữ tỏi cũng đối mặt với nỗi lo về giá cả, giá chưa phục hồi, ngược lại sức mua thì giảm mạnh

Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch COVID-19, khách du lịch không thể ra đảo nên lượng bán lẻ tỏi sụt giảm, việc đưa tỏi vào các thị trường lớn tiêu thụ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận cũng gặp nhiều khó khăn, vì thế thương lái giảm thu mua. Tình trạng gian lận thương mại tỏi Lý Sơn trong thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến giá tỏi Lý Sơn liên tục biến động, khó tiêu thụ.

Chị Mai Thị Nhiều, thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn, cho hay: “Nhà trồng được hơn 2 tấn tỏi khô, từ Tết đến giờ chưa bán được vì tỏi quá rẻ. Ngoài ra, vì dịch bệnh, xe cộ, tàu ghe khó vận chuyển nên tỏi không bán được”.

“Mấy năm trước, 2 tấn tỏi khô của gia đình tôi cứ đến tháng Chạp là bán hết rồi vì có giá, nhưng bây giờ trồng 5 sào tỏi mà bán không được củ nào. Tỏi 15 nghìn – 20 nghìn đồng/kg thì bà con lấy gì mà ăn đây”, ông Nguyễn Sơn, thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn, nói.

Toàn huyện Lý Sơn có 325ha diện tích trồng tỏi. Vụ tỏi năm nay, nông dân thu hoạch hơn 2 nghìn tấn tỏi khô. Mặc dù, đã qua hơn nữa năm, nhưng nông dân trên đảo chỉ tiêu thụ được 1/7 sản lượng tỏi với giá cực thấp.

Hiện 1.800 tấn tỏi khô đang tồn đọng trong dân. Chính quyền huyện Lý Sơn đang lên phương án hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho nông dân với giá hợp lý, để giải quyết khó khăn cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh. Trước mắt phải tiêu thụ được 50% lượng tỏi tồn đọng. Nếu không giải quyết kịp thời, cuối năm, phần lớn lượng tỏi khô có nguy cơ hư hỏng.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết để hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho bà con, trước mắt huyện đã có văn bản gửi Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh có sự hỗ trợ, kêu gọi đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng chung tay giúp tiêu thụ tỏi Lý Sơn.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành, trong đó sẽ phối hợp với Sở Công Thương để có giải pháp giúp cho huyện, nếu Sở Thông tin và Truyền thông cũng có một kênh hỗ trợ tiêu thụ tỏi Lý Sơn như vải thiều Bắc Giang thì việc tiêu thụ tỏi sẽ nhận được ủng hộ rất nhiều của người dân trong và ngoài tỉnh", bà Phạm Thị Hương cho biết.

Cuộc sống của gần 40% dân số trên đảo phụ thuộc rất lớn vào cây tỏi. Là đặc sản quý, mang thương hiệu quốc gia, nhưng nông dân trên đảo vẫn thường xuyên lâm vào cảnh thua lỗ nặng, thậm chí là chứng kiến cảnh giải cứu tỏi vào cuối năm 2018. Một giải pháp phục hồi giá và đầu ra ổn định cho tỏi Lý Sơn khi dịch bệnh lắng xuống là điều mà nông dân đất đảo mong chờ.

NHÂN NGHĨA

Yên Bái: Trồng bí lấy hạt - Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Ứng trước cho người dân về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm là cách làm từ nhiều năm nay giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hạt giống Tân Lộc Phát và nông dân xã Lương Sơn, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) trong mô hình trồng bí lấy hạt. Với cách làm này, không chỉ giúp người dân yên tâm sản xuất mà doanh nghiệp cũng được đảm bảo chất lượng hàng hoá khi thu mua.

Anh Hà Sơn Dong, thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn là một trong những hộ trồng bí lấy hạt từ nhiều năm nay. Trước đây, cũng giống như nhiều hộ trong thôn, gia đình anh chỉ trồng các cây rau màu thông thường, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu, anh đã mạnh dạn cải tạo đất ruộng kém hiệu quả của gia đình để trồng bí đỏ. Đến nay, 1 năm 2 vụ, diện tích bí mỗi vụ của gia đình anh đạt khoảng 1.000 m2, sau khi trừ chi phí cũng cho gia đình anh nguồn thu đáng kể.

Anh Dong chia sẻ: “Nếu như trước đây, với diện tích 1.000 m2 gia đình tôi trồng ngô chỉ thu được 5 - 6 triệu. Nay tôi trồng bí lấy hạt, với giá thu mua của công ty là 340.000 đồng/kg hạt bí đỏ khô và 600.000 đồng/kg hạt bí xanh khô, sau khi trừ đi chi phí, mỗi vụ tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng. Nhất là được công ty cam kết thu mua toàn bộ hạt giống nên bà con chúng tôi yên tâm sản xuất, không phải lo đầu ra nữa”.

Anh Dong còn cho biết thêm, mỗi thôn Công ty cử 1 cán bộ kỹ thuật theo sát từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hái nên bà con được hướng dẫn tỉ mỉ quy trình kỹ thuật. Thu nhập từ cây bí lấy hạt được người dân coi như cây xoá đói giảm nghèo.

Liên kết với doanh nghiệp trồng bí lấy hạt mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Cũng giống như gia đình anh Dong, anh Nguyễn Văn Nối ở thôn Tành Hanh, xã Sơn Lương là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm trồng bí lấy hạt của xã. Bắt đầu trồng bí lấy hạt từ năm 2011, ban đầu gia đình anh chỉ trồng ít theo bà con, sau thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các cây rau màu khác nên gia đình anh đã đầu tư cải tạo toàn bộ đất vườn của gia đình để trồng bí lấy hạt. Đến nay, gia đình anh trồng hơn 2.500 m2 trong đó 1.500 m2 trồng bí đỏ và 1.000 m2 trồng bí xanh.

Theo anh Nối, trồng bí lấy hạt ngoài việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì khâu thụ phấn đóng vai trò quan trọng. Công đoạn thụ phấn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ vì phải làm thủ công từng bông và kết thúc trong vòng 1 tuần khi hoa cái còn chưa nở. Người trồng phải đi thụ phấn vào buổi sáng sớm và lấy giấy đậy lại giúp tránh côn trùng cắn phá, nếu có mưa sẽ không bị ảnh hưởng đến khả năng đậu quả. Để tránh nhầm lẫn, phải đánh dấu vào những bông đã thụ phấn để thuận lợi cho quá trình thu hoạch.

Anh Nối cũng cho biết thêm, mô hình trồng bí lấy hạt rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, giống cây khỏe, ít sâu bệnh và dễ chăm bón. Ngoài ra, thời gian thu hoạch chỉ mất khoảng 120 ngày kể từ ngày xuống giống. Nếu người dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/ha và cao gấp 5 lần so với các loại cây rau màu khác. Mặt khác, công ty chỉ thu mua hạt nên sau khi thu hoạch, phần thịt quả được người dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm đã tiết kiệm được chi phí đầu vào cho chăn nuôi.

Ông Hà Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: “Mô hình trồng bí lấy hạt tại xã Sơn Lương tuy không phải là mô hình mới nhưng đã thể hiện sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Thu nhập từ trồng bí lấy hạt đã đem lại cho người dân nguồn thu đáng kể, nếu đem so sánh về hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác thì gấp 5 đến 6 lần. Vụ đông xuân năm nay toàn xã trồng bí lấy hạt với tổng diện tích hơn 5 ha, chúng tôi cũng đã có ý kiến với công ty vụ tới tiếp tục mở rộng diện tích thêm 3 đến 5 ha”.

Được biết, vụ đông xuân 2021 Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát triển khai mô hình trồng bí lấy hạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái với tổng diện tích 12 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Phù Nham và xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn. Với mong muốn đưa các giống tốt, có hiệu quả kinh tế cao đến các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn để góp phần tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, công ty có đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã qua đào tạo nằm vùng tại địa phương, luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình trong cả mùa vụ.

Nguyễn Thị Minh Phượng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái

Sản xuất theo hướng ‘thuận thiên’: Lợi ích kép

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Thời gian qua, các địa phương của Hà Nội tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đã đạt một số kết quả tích cực. Đặc biệt, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng "thuận thiên" - thuận theo điều kiện tự nhiên - đã mang lại lợi ích kép: Vừa gia tăng giá trị canh tác, vừa góp phần giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu...

Sản xuất theo hướng "thuận thiên" tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).

Đa dạng các mô hình sản xuất "thuận thiên"

Đến thăm thửa ruộng mênh mông rộng 10 mẫu của ông Phan Công Hải ở xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) với mô hình "lúa + cá" mới thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình này. Đầu vụ sản xuất, ông Hải rút nước trên ruộng phơi 15 ngày cho đất khô nứt nẻ để diệt ốc bươu vàng, sinh vật hại, sau đó mới bắt đầu làm đất, tổ chức sản xuất. Khi lúa tốt, ông Hải tháo nước vào, thả cá, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi thu hoạch lúa thì cắt bằng tay để tạo lúa chét làm thức ăn nuôi cá và 1.000 con vịt thả vào ruộng, làm sạch ruộng đồng. Nhờ vòng tròn sinh thái khép kín như thế, ông Hải giảm tối đa chi phí, mỗi năm thu trên 10 tấn cá, 12 tấn lúa, mấy ngàn vịt thịt, lãi vài trăm triệu đồng...

Tương tự, tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), phương pháp sản xuất "thuận thiên" tạo vòng tròn khép kín bước đầu khẳng định thương hiệu nông sản chất lượng cao. Chị Nguyễn Thị Mùi - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã đồng thời là Phó Giám đốc hợp tác xã, sáng lập viên, cho biết, Nam Phương Tiến là xã có núi đồi, nguồn nước sạch, đất sạch, không khí sạch, rất thuận tiện để sản xuất hữu cơ. Trên diện tích 60ha, hợp tác xã đã tổ chức sản xuất đa dạng chủng loại sản phẩm như rau, quả, lúa, cá... Các phế phẩm từ rau, củ, quả trong quá trình thu hoạch được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi và cá. Ngược lại, phế phụ phẩm từ chăn nuôi sau khi được xử lý vi sinh lại trở thành phân bón tốt cho cây trồng. Nhờ đó, nông dân không chỉ có thu nhập tốt từ sản xuất hữu cơ, mà còn sống khỏe mạnh.

Một mô hình khác cũng sản xuất thuận theo tự nhiên cho hiệu quả kinh tế cao của hộ ông Nguyễn Đình Viện ở xã Thư Phú (huyện Thường Tín) được đánh giá cao. Ông Viện chia sẻ, nếu muốn làm giàu bền vững thì phải biết nâng niu và bảo vệ môi trường. Tại trang trại 11ha của ông Viện, toàn bộ phân từ chăn nuôi được thu gom, ủ hoai mục, sau đó bón cho cây ăn quả ngay trong trang trại, không sử dụng bất kỳ một loại phân bón hóa học nào. Nhờ mô hình tương hỗ khép kín, trang trại tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cây trồng mà không xả thải ra môi trường.

Mô hình sản xuất "thuận thiên" cho hiệu quả tại xã Thư Phú (huyện Thường Tín).

Khuyến khích nhân rộng

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Mạnh Phương, Hà Nội xác định, để nông nghiệp phát triển bền vững, một trong những nền tảng là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Theo cách đó, trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản, cần theo trình tự tìm giải pháp khoa học kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi điều kiện đất đai, khí hậu, không chấp nhận hy sinh một số yếu tố môi trường sinh thái... để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ chia sẻ, thời gian qua, nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nông dân trên địa bàn các xã triển khai quyết liệt. Qua đánh giá bước đầu, các giải pháp này hoàn toàn phù hợp điều kiện tự nhiên và các biến động thời tiết, cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Một số mô hình canh tác tận dụng và xử lý 100% chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt để tái sử dụng hiệu quả đã góp phần to lớn vào bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Các mô hình chuyển đổi canh tác "thuận thiên" theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó hiệu quả trước biến động khí hậu là xu thế tất yếu, đã và đang được các địa phương và ngành Nông nghiệp khuyến khích nhân rộng. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với cơ quan, các hội đoàn thể nhân rộng thêm nhiều mô hình sản xuất này, kết hợp ứng dụng kỹ thuật để tăng tính bền vững, đạt hiệu quả cao và bảo vệ môi trường.

BẠCH THANH

Lâm Đồng: Trại chim trĩ mang thương hiệu Thiện Đào

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Chim trĩ, giống chim có hình dáng đẹp, thịt ngon, đẻ sai đang trở thành vật nuôi thương phẩm cung ứng cho thị trường cả thịt và trứng. Trang trại trĩ Thiện Đào Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đang dần xây dựng như một trang trại cung cấp trĩ nổi tiếng với phương thức cung ứng qua các nền tảng thương mại điện tử.

Anh Nguyễn Đắc Thiện và một con chim trĩ xanh trống

Bắt đầu từ 50 cặp chim trĩ

Anh Nguyễn Đắc Thiện, chủ trang trại trĩ Thiện Đào, tổ dân phố Chi Lăng 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà kể lại, như hầu hết dân địa phương, anh chị vốn trồng cà phê và chăn nuôi gà, lợn. Thấy chăn nuôi bấp bênh vì dịch bệnh, giá cả thất thường, lại ô nhiễm mùi vì làm chuồng ngay trong vườn nhà, anh chị quyết chuyển sang tìm một vật nuôi khác. Nhìn xung quanh, anh chị thử nghiệm bằng việc mua 50 cặp chim trĩ về nuôi trong vườn. Anh Thiện cho biết: “Năm 2016, vợ chồng tôi mua 50 cặp chim bố mẹ với giá 750 ngàn đồng/ cặp chim trĩ đỏ. Từ 50 cặp chim ban đầu, giờ trang trại nuôi từ 3 ngàn - 5 ngàn chim tùy thời điểm, trong đó có khoảng 400 chim mái đẻ trứng”. Trang trại chăn nuôi cả trĩ đỏ và trĩ xanh, trong đó trĩ xanh được thị trường ưa chuộng hơn với màu lông xanh điển hình.

Chim trĩ là giống chim được thuần hóa, nuôi làm thịt khá quen thuộc với người tiêu dùng. Chim trĩ lúc còn nhỏ có màu lông hạt dẻ nếu là trĩ đỏ, màu xanh đen nếu là trĩ xanh, 5 tháng thay lông con trống đổi màu với bộ lông đẹp, đuôi dài và một vòng cổ đỏ. Tới 6 tháng, chim có thể xuất bán với trọng lượng 1,4-1,6kg/ con trống, 1,2 kg/ con mái. Sau 8 tháng, chim mái bắt đầu đẻ trứng. Điểm đặc biệt là chim trĩ đẻ trứng theo mùa, từ tháng 2 tới tháng 8 chim mái đẻ liên tục, một con trung bình đẻ từ 60 - 80 trứng/ vụ. Hết mùa sinh sản, chim không đẻ nữa mà vào mùa rụng lông kiếm ăn. Trứng được anh chị thu hoạch cung ứng cho thị trường hoặc để ấp nở ra một đợt trĩ non. Theo anh Thiện, chim mái đẻ qua 2 mùa sẽ thải rồi chọn đợt chim mái tơ khỏe, đẻ sai và chất lượng trứng tốt.

Chim trĩ trang trại Thiện Đào được nuôi theo hướng “bán hoang dã”. Sau khi ấp nở bằng máy, chim non đươc úm trong thùng xốp có thắp bóng điện. Khi cứng cáp, chim non được thả vào chuồng có trải trấu giữ ấm và giữ vệ sinh, được tiêm chủng đầy đủ các loại văc xin. Anh chị ấp chim gối đầu, mỗi lứa cách nhau 15 ngày nên chuồng nuôi cũng phân loại để nhốt chung lứa, đảm bảo chế độ chăm sóc hợp lý. Sau khi chim được 3 tháng, anh chị thả ra vườn cà phê để chim tự do bay nhảy, kiếm ăn. Anh Thiện chia sẻ, chim trĩ ăn không nhiều, chủ yếu là ăn bắp vỡ, rau xanh các loại. Anh chị trồng hàng trăm cây đu đủ trong vườn để cung cấp trái cho trĩ vì trái đu đủ là món chim trĩ rất ưa chuộng.

Cung cấp hàng qua mạng

Thêm một điều rất tiến bộ ở trang trại chim trĩ Thiện Đào là hiện gia đình anh chị chủ yếu cung ứng trĩ thịt, trứng cũng như chim giống qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Con gái lớn của anh chị, bạn Nguyễn Thị Thanh Hoa là người “chủ xị” việc cung ứng trĩ qua mạng. Thanh Hoa chia sẻ, việc bán trực tiếp hạn chế rất nhiều khả năng tiếp cận của trang trại cũng như khách hàng khó biết đến sản phẩm của trại. Vì vậy, Thanh Hoa mở rộng việc quảng cáo trên các nền tảng điện tử như website, fanpage, zalo…, đặt hàng cũng như giao hàng thông qua thương mại điện tử.

Thanh Hoa chia sẻ: “Thực sự xây dựng thương hiệu và cung ứng trĩ trên các nền tảng điện tử khiến việc tiêu thụ sản phẩm của trang trại ngày càng hiệu quả, nhất là trong thời điểm dịch COVID -19 như hai năm nay. Việc đi lại của khách hàng cũng khó khăn, em mở rộng việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, gửi hàng tới tận nơi cho khách hàng xa, gần đạt kết quả rất tốt”. Trĩ thịt được làm sạch, đóng gói cấp đông gửi trong xe lạnh, trứng trĩ được bảo quản kỹ trong thùng xốp và vỏ trấu chống dập vỡ... gửi tới tận Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, miền Đông như Tây Ninh, Cần Thơ hay miền Trung như Đà Nẵng, Phú Yên.

Hiện trang trại Thiện Đào bán trĩ thịt với giá 220 ngàn đồng/ kg, trứng trĩ 70 ngàn đồng/ chục, chim giống mới nở 30 ngàn đồng/ con, chim giống 2 tháng 130 ngàn đồng/ con. Chỉ cần một tin nhắn, một cuộc điện thoại, trang trại gửi hàng tới tận tay khách dù xa hay gần. Theo Thanh Hoa, việc cung cấp các sản phẩm của trang trại thông qua thương mại điện tử thuận lợi và hiệu quả hơn bán hàng trực tiếp rất nhiều. Vì vậy, anh chị Nguyễn Đắc Thiện đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích chăn nuôi để nâng lượng trĩ bố mẹ, có thêm nhiều sản phẩm thịt và trứng trĩ cung ứng cho thị trường.

DIỆP QUỲNH

Thanh Hóa: Vịt biển – sự lựa chọn đầy triển vọng cho các nông hộ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Thực hiện Dự án “Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học” giai đoạn 2020-2021, trong 2 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hoá triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học theo hướng thịt với quy mô 8.700 con, 20 hộ tham gia.

Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, đàn vịt có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường, thời tiết khí hậu của tỉnh; sinh trưởng và phát triển khá tốt với khả năng tăng trọng cao; khối lượng cơ thể lớn, trọng lượng ở 8 tuần tuổi đạt trung bình khoảng 2,4-2,5 kg/con, ở 10 tuần đạt trung bình khoảng 2,7-2,8 kg/con khi nuôi ở mùa hè, nắng nóng (từ tháng 4-8). Giống vịt này có sức đề kháng tốt nên ít mắc bệnh, cho tỷ lệ nuôi sống cao. Đặc biệt, giống vịt này nuôi được trong điều kiện nước lợ, nước mặn (nước biển) rất tốt. Trong điều kiện môi trường nước ngọt, với các phương thức nuôi khác nhau như nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt vịt đều sinh trưởng phát triển rất tốt.

Vịt biển sinh trưởng và phát triển khá tốt với khả năng tăng trọng cao

Ghi nhận tại các hộ chăn nuôi trong cả 2 năm cho thấy, trong cùng thời điểm chăn nuôi và trong cùng điều kiện chăn nuôi của các hộ, các giống vịt siêu thịt, vịt bầu cánh trắng thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, hao hụt nhiều hơn.

Ông Trịnh Văn Châu - thôn Đông Thị - xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, người có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi vịt cho biết trước đây gia đình thường nuôi các giống vịt siêu thịt, vịt bầu cánh trắng, vịt siêu trứng nhưng khi nuôi giống vịt biển thì thấy vịt khỏe hơn. Những ngày đầu mới bắt về thấy nhanh nhẹn, khỏe mạnh, ăn uống tốt và nuôi úm gần như không hao hụt; giai đoạn nuôi thả vịt nhanh nhẹn, bơi lội giỏi, ít mắc bệnh và rất ít chết.

Còn anh Trần Văn Lực - xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, cũng là 1 chủ hộ tham gia mô hình cho biết thêm: ưu điểm nổi trội của giống vịt này tự kiếm ăn rất giỏi, trên ruộng lúa sau thu hoạch, đàn vịt nhà anh tự kiếm ăn và ăn tất cả các loại rau bèo, côn trùng, cá, ốc, tôm, cua, lúa rơi vãi…, không cần phải cho ăn thêm mà vịt vẫn sinh trưởng phát triển tốt, nhanh lớn như cho ăn bằng thức ăn hỗn hợp công nghiệp; thịt vịt ít mỡ, da mỏng, rất thơm và ngon, hơn hẳn các giống vịt hiện đang nuôi trên địa bàn xã.

Với nhiều ưu điểm, giống vịt này đang được nhiều nông hộ lựa chọn để chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Lê Sỹ Thành - Trung tâm Khuyến nông Thanh Hoá

Gia Lai: An Khê công bố dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 4 xã, phường

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Ủy ban nhân dân thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) vừa có Quyết định số 1391/QĐ-UBND và 1392/QĐ-UBND công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 3 xã: Xuân An, Thành An, Cửu An, Song An và phường An Phước.

Theo đó, vùng dịch là xã Xuân An, Thành An, Cửu An, Song An và phường An Phước; vùng uy hiếp gồm xã Tú An, phường Ngô Mây và An Bình; vùng đệm là phường An Tân và Tây Sơn. Trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc cảm nhiễm với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ra vào vùng dịch.

Chủ tịch UBND xã Xuân An, Thành An, Cửu An, Song An và phường An Phước chịu trách nhiệm thành lập và tổ chức hoạt động Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh động vật đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn; cắm biển báo vùng dịch, triển khai chống dịch theo đúng quy định.

Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: Ngọc Minh

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND 4 xã, phường có dịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai công tác chống dịch, tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, thực hiện khẩn trương các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định.

Ủy ban nhân dân các xã, phường thuộc vùng uy hiếp và vùng đệm phải chủ động và tăng cường công tác phòng dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên động vật để xử lý kịp thời nếu dịch xảy ra.

Phòng Tài chính và Kế hoạch thị xã chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp kịp thời tham mưu UBND thị xã cấp kinh phí đầy đủ phục vụ công tác phòng-chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

NGỌC MINH

Huyện Lạc Sơn (Hòa Bình): Nhiều hộ nuôi gà ‘phơi chuồng’ vì khó khăn kép

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bị đứt gãy, cộng thêm giá thức ăn tăng phi mã nên nhiều hộ nuôi gà ở huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) bỏ trống chuồng nuôi. Những hộ còn duy trì thì nuôi cầm chừng với không ít lo lắng về nguy cơ thua lỗ.

Do đầu ra khó khăn nên nhiều hộ ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đã bỏ nuôi gà. Hiện chỉ còn gia đình bà Quách Thị Hòa (ảnh), xóm Bưng Cọi duy trì đàn gà khoảng 1.000 con.

Những năm qua, Hương Nhượng là một trong những xã phát triển mạnh về chăn nuôi gà ở huyện Lạc Sơn. Năm 2016, HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng được thành lập đã mở ra hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng, đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực. Sự ra đời của HTX đã kết nối các hộ chăn nuôi, giúp họ cùng nhìn về một hướng, đặc biệt là đã nâng cao trình độ sản xuất để tạo ra sản phẩm gà đồi được thị trường ưa chuộng. Một bước ngoặt quan trọng là xã đã có sản phẩm gà đồi Hương Nhượng được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đang trên đà phát triển và mở ra viễn cảnh làm giàu từ nuôi gà thì từ năm 2020 đến nay, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đầu ra của gà Hương Nhượng gặp nhiều khó khăn, khiến sản xuất của HTX bị chững lại. Đến nay, nhiều hộ đành phải chấp nhận "phơi chuồng” vì càng nuôi càng thua lỗ.

Đến thăm HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng thời điểm này có thể thấy, đa số các hộ không còn nuôi gà, một số chuyển sang nuôi ngan, vịt, lợn. Bà Quách Thị Hòa, Giám đốc HTX cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của bà con khi giá bán giảm, đầu ra ngày càng khó khăn hơn. Trong năm 2020, bà con vẫn kiên trì nuôi gà nhưng sang năm 2021, hầu như đều đã bỏ vì càng nuôi càng lỗ. Trước đây, khi đầu ra ổn định, mỗi con gà cho lãi từ 40 - 60 nghìn đồng, đến năm 2020, các hộ nuôi thua lỗ vì đầu ra khó khăn do dịch Covid-19. Nếu nuôi 1 nghìn con thì lỗ 30 triệu đồng, 2 nghìn con lỗ 60 triệu đồng”.

Theo bà Hòa, hiện nay, HTX có 17 thành viên chính và khoảng 50 hội viên bên ngoài. Trước khi HTX ra đời, các hộ vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu ra chưa ổn định, chưa chú trọng khâu kết nối, quảng bá sản phẩm. Năm 2016, HTX thành lập đã có một website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng nên giá khá ổn định. Số lượng sản phẩm làm ra nhiều và đều tiêu thụ hết. Từ năm 2016 - 2019, mỗi lứa, HTX xuất ra thị trường khoảng 60 nghìn con gà thương phẩm (chủ yếu là gà ri, gà mía, gà lai chọi) và hàng vạn quả trứng. "Trước đây, mỗi năm HTX ký từ 4 - 5 hợp đồng tiêu thụ gà nhưng đến cuối năm 2020, chưa một hợp đồng nào được ký. Ngày trước, mỗi đêm xuất bán ra chợ đầu mối vài tấn gà, xe ô tô về tận nơi thu mua nhưng hiện đều "im bặt” - bà Hòa buồn bã.

Với đầu ra ổn định như 2 năm về trước đã tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng. Thế nhưng, với tình hình như thời gian qua, nhiều chị em lại rơi vào cảnh không có việc làm để đảm bảo thu nhập. Hiện còn duy nhất gia đình bà Hòa duy trì nuôi khoảng 1.000 con gà. Không chỉ khó tiêu thụ mà giá bán gà cũng giảm mạnh, nhất là giá gà lai xuống mức dưới 50 nghìn đồng/kg. Chưa kể, từ tháng 8/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 8 lần, bình quân mỗi bao cám (loại 25 kg) đã tăng thêm khoảng 50 nghìn đồng/bao.

Ngoài HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng, tình hình chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Lạc Sơn cũng gặp những khó khăn tương tự do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với HTX chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện (xã Quyết Thắng), sản phẩm gà ri vẫn tiêu thụ khá tốt. Tuy nhiên, việc tiêu thụ con giống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí chăn nuôi cao hơn vì giá thức ăn tăng liên tục. Anh Bùi Văn Huế, thành viên HTX cho biết: Trước đây, chi phí nuôi 1 con gà đến lúc xuất bán khoảng 75 nghìn đồng, nhưng với giá thức ăn như hiện nay đã tăng lên từ 90 - 95 nghìn đồng.

Có thể nói, hộ chăn nuôi gà gặp rất nhiều khó khăn khi những chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó là sự tăng giá liên tục của thức ăn chăn nuôi khiến chi phí tăng cao mà giá bán sản phẩm lại tỷ lệ nghịch. Ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi diễn biến thị trường, thận trọng vào đàn để tránh bị thua lỗ.

Viết Đào

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop