Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 08 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 08 năm 2022

 

Hòa Bình: Xuất khẩu 1 tấn nhãn Sơn Thủy đầu tiên sang thị trường EU

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Ngày 11/8, tại xã Xuân Thủy (Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện Kim Bôi và Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA tổ chức lễ xuất hàng chuyến hàng đầu tiên của sản phẩm nhãn Sơn Thủy sang thị trường EU. Dự lễ xuất hàng có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 

 

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các ngành, đơn vị chuyên môn kiểm tra chất lượng sản phẩm nhãn Sơn Thủy trước khi vận chuyển đi xuất khẩu.

Năm 2016 là năm đánh dấu sự chuyển mình trong khâu tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn Thủy khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ "Nhãn hiệu tập thể". Tiếp đó là hàng loạt các chứng nhận được cấp về an toàn thực phẩm (năm 2016); VietGAP (năm 2019); OCOP (năm 2020) đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp mã số vùng trồng năm 2019 - được coi như giấy thông hành để sản phẩm này xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế. Trong đó, một trong những thị trường khó tính nhất là EU. Đến nay, tổng diện tích nhãn của toàn xã Xuân Thủy đạt gần 200 ha, riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy 34 ha.

Tất cả những yêu cầu kỹ thuật từ thị trường EU đặt ra với sản phẩm rau quả tươi đã được người trồng nhãn Sơn Thủy dần hoàn thiện một cách nghiêm ngặt từ năm 2019 đến nay. Gần đây nhất, mẫu nhãn Sơn Thủy đã có kết quả phân tích tại phòng thử nghiệm được chỉ định theo tiêu chuẩn EU, tất cả 3 mẫu đều đạt yêu cầu kỹ thuật của 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của EU.

Chuyến nhãn xuất khẩu đầu tiên sang thị trường EU có tổng số lượng 1 tấn. Nhãn do HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy sản xuất, đóng gói và được vận chuyển sang thị trường xuất khẩu bởi Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA - đơn vị đã đồng hành cùng ngành NN&PTNT trong xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh.

Tại buổi lễ, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là thành công ban đầu từ sự nỗ lực của người dân cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp. Qua nhiều năm, sản phẩm nhãn Sơn Thủy đã vượt qua những khó khăn trong canh tác đến những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật để thành công trong việc chinh phục thị trường EU.

Ngành NN&PTNT tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến hết vụ nhãn năm 2022 xuất khẩu được 50 tấn nhãn Sơn Thủy sang thị trường EU.

T.H

 

Đưa dâu tằm về xứ biển

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Trong lần tham quan mô hình của người thân ở tỉnh An Giang, ông Ngô Phú Vinh ở phường An Bình, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, quyết định đem cây dâu tằm từ “xứ ruộng” về “se duyên” nơi xứ biển quê nhà. Chỉ sau 4 năm, cây dâu tằm đã giúp gia đình ông Vinh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

 

Để nâng cao thu nhập, ông Vinh chiết bán cây giống ra thị trường với giá 50.000 đồng/nhánh.

Những ngày này, vườn dâu của ông Vinh đang trĩu quả. Từ sáng sớm, vợ chồng ông đã ra vườn tất bật hái trái để kịp bỏ mối cho bạn hàng ở chợ Rạch Giá. Ông Vinh chia sẻ: “Trước kia, với hơn 4 công đất ruộng trồng lúa và rau màu, dù tốn nhiều công chăm sóc nhưng thu nhập của gia đình khá bấp bênh. Sau lần đến nhà người thân ở An Giang, thấy mô hình trồng dâu tằm khá hay nên tôi học hỏi rồi quyết định mang 10 cây giống về cải tạo đất của gia đình để chuyển sang trồng dâu tằm. Ðã 4 năm qua, cây dâu tằm rất thích hợp với thổ nhưỡng địa phương nên lớn nhanh, sai trái, thu hoạch không đủ bỏ mối cho bạn hàng”.

Theo ông Vinh, việc trồng dâu tằm khá đơn giản vì cây rất ít sâu bệnh lại nhẹ công chăm sóc. Ngoài tưới nước, bón một ít phân sau khi thu hoạch để cây tiếp tục phát triển thì không sử dụng bất kỳ phân, thuốc gì. “Tôi thấy trồng cây dâu tằm cũng đơn giản, đất không cần lên liếp, chỉ đắp mô cao hơn bình thường. Ðể cây sai trái, tôi chia vùng, tỉa cành hoặc làm cây rụng lá để dồn chất dinh dưỡng cho trái, tiện thu hoạch. Nhờ vậy, tôi còn tích lũy được kinh nghiệm cho cây ra trái theo ý muốn của mình” - ông Vinh nói.

Nhờ dụng công chăm sóc, sau 4 năm, từ những nhánh trồng thử ban đầu, ông Vinh đã phát triển vườn dâu tằm của gia đình với hơn 500 gốc. Ông Vinh cho biết cây dâu tằm dễ trồng, cây nhỏ cũng có trái. Trái dâu tằm khi già có vị chua, đến chín ăn ngọt mát, có tác dụng bổ huyết, bổ can thận, nhuận tràng, giải khát. Ngoài ra trong trái dâu có nhiều thành phần dưỡng chất có lợi cho sức khỏe nên rất được thực khách ưa chuộng, nhất là chị em phụ nữ. “Bình quân sau khi trồng nhánh chiết khoảng 3 tháng sẽ thu hoạch. Với 500 gốc dâu tằm, hiện gia đình tôi hái cách ngày, mỗi lần thu hoạch được 15-20kg trái tươi, bán với giá 50.000-60.000 đồng/kg” - ông Vinh cho biết.

Ðể tăng giá trị kinh tế, ngoài bán trái dâu tươi, ông Vinh còn chế biến trái dâu thành các sản phẩm rượu dâu, mật dâu, nước cốt dâu, mứt dâu, siro dâu, sinh tố dâu bán cho thực khách và chiết bán giống với giá 50.000 đồng/nhánh. Trong vườn, ông Vinh cũng kết hợp trồng xen cây cà na Thái nhằm đa dạng sản phẩm và nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp. Với mô hình kết hợp dâu tằm - cà na, mỗi năm gia đình ông Vinh thu lời hơn 200 triệu đồng. “Trồng dâu tằm cơ bản chỉ tốn công chăm sóc chứ chi phí phân thuốc rất ít nên lời cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Do đó tôi sẽ trồng thêm vài trăm gốc dâu tằm để mở rộng diện tích, xây dựng vườn dâu thành điểm du lịch sinh thái phục vụ du khách. Ðồng thời làm thêm cây bon sai dâu tằm bán cho khách chơi Tết” - ông Vinh cho hay.

Ông Đặng Xuân Quy, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình, cho biết: “Mô hình trồng dâu tằm của anh Vinh mang hiệu quả kinh tế khá cao, trái dâu tươi không đủ cung cấp ra thị trường. Hiệu quả thu được từ các mô hình kinh tế không chỉ giúp bà con nông dân tự nâng cao đời sống gia đình, mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đã đề nghị nhân rộng mô hình trồng dâu tại địa phương để góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích”.

Bài, ảnh: HIẾU THUẬN

 

Trồng bắp nếp lãi hơn 30 triệu đồng/ha/vụ

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Những năm gần đây, nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã chuyển đất trồng mía sang trồng bắp nếp. Riêng từ đầu năm đến nay, theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, nông dân trong huyện đã chuyển gần 100ha đất trồng mía sang trồng bắp, nâng tổng diện tích trồng bắp trên địa bàn huyện lên gần 500ha.

 

 

Năm nay, bắp nếp có giá nên thu nhập của người trồng bắp cao hơn mọi năm.

Trung bình 1ha bắp nếp cho năng suất hơn 20.000 trái, hiện được thương lái thu mua với giá 2.200-2.400 đồng/trái, hoặc 30.000-32.000 đồng/chục (14 trái), tăng gần 10.000 đồng/chục so với cùng kỳ năm trước. Với năng suất và giá bán trên, trừ hết các khoản chi phí đầu tư, nhà vườn lãi hơn 30 triệu đồng/ha/vụ. Do bắp nếp có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 75 ngày, nên một năm nhà vườn có thể trồng được từ 3-4 vụ.

Theo nhiều nông hộ trồng bắp nếp ở huyện Phụng Hiệp cho biết, năm nay chi phí phân bón tăng, nhưng giá bắp cũng tăng hơn so với mọi năm, nên thu nhập của người trồng bắp được cải thiện hơn trước. Trồng bắp có nhiều ưu thế so với trồng mía, ngoài việc cho lợi nhuận cao còn trồng được nhiều vụ trong năm nên cho thu nhập quanh năm.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

 

Lâm Đồng: Đạ Huoai khuyến cáo phòng bệnh trên cây điều

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), trong tuần cuối tháng 7/2022, cây điều trên địa bàn nhiễm bệnh thán thư với tỷ lệ gây hại trung bình 9,2%, tỷ lệ gây hại cao nhất 27,9%. Riêng bọ xít muỗi gây hại cây điều với tỷ lệ trung bình 11%, tỷ lệ cao nhất 31,1%.

Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai khuyến cáo nông dân cần thường xuyên kiểm tra vườn điều, theo dõi diễn biến các loại bệnh bệnh thán thư, bọ xít muỗi, bọ phấn đục nõn, sâu đục thân và đục cành... để áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Cụ thể, phòng bọ xít muỗi và một số sâu ăn lá cây điều bằng các loại thuốc với liều lượng sử dụng theo nhà sản xuất khuyến cáo trên bao bì như: Alfathrin 50EC, Cymerin 10EC-25EC, IMI.R4 40WP, Karate 2.5EC…

Các loại bệnh khác gây hại cây điều cần sử dụng các loại thuốc phòng trừ như: Grandgold 80SC, thuốc gốc đồng (Norshield 86,2 WP, Champion 37.5SC), gốc thuốc Mancozeb 80WP (Penncozeb 80WP)…

VŨ VĂN

 

Nuôi vịt trời tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống

Nguồn tin: Báo Long An

Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết, nhất là nối tiếp truyền thống nuôi vịt của gia đình, anh Ngô Hồng Thứ (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) không chỉ thành công với mô hình Nuôi vịt trời mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 30 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

 

 

Anh Thứ luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề nuôi vịt

Gia đình anh có kinh nghiệm nuôi vịt siêu thịt, cũng nhờ nuôi vịt, cha mẹ anh Thứ có điều kiện nuôi các con ăn học thành tài, có việc làm ổn định. Song, theo thời gian, việc nuôi vịt siêu thịt có lợi nhuận rất ít, bởi vịt thường xuyên bị bệnh, giá cả bấp bênh, thời gian nuôi lâu và giá thức ăn tăng cao. Trăn trở với việc nuôi vịt của gia đình, anh Thứ bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu nuôi các loại vịt khác nhau nhằm tìm ra giống vịt chất lượng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với thị trường.

Anh Thứ trải lòng: “Năm 2013, tôi cùng gia đình dự tiệc tại một nhà hàng ở TP.HCM. Bữa đó, nhà hàng có đãi món vịt trời nướng muối ớt với giá bán 550.000 đồng/con, trọng lượng gần 1kg. Ai ăn cũng khen ngon bởi thịt có vị ngọt tự nhiên, mùi thơm rất đặc trưng. Sau bữa tiệc đó, tôi về chợ nông sản huyện Thạnh Hóa tìm mua vịt trời để nuôi thử nhưng không thành công”. Dù thất bại nhưng anh Thứ vẫn không nản lòng và lặn lội đến các tỉnh miền Tây, thậm chí miền Bắc để tìm mua được các giống vịt trời chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Thậm chí, có lúc anh mua 15 con vịt trời Hà Nội với giá 10 triệu đồng để nuôi thử nghiệm. Sau 6 tháng, vịt bắt đầu đẻ trứng. Lứa trứng đầu tiên tỷ lệ nở rất thấp, con giống nhỏ, không chất lượng. Anh gặp các kỹ sư, chuyên gia để nhờ tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi vịt trời sao cho sinh trưởng tốt, tỷ lệ nở cao, sinh sản khỏe. Nhờ được tư vấn, cộng với gia đình có kinh nghiệm nhiều năm nuôi vịt, đến nay, tỷ lệ trứng nở đạt trên 70%, chất lượng con giống ngày càng tốt.

Anh Thứ cho biết: “Từ 15 con vịt giống ban đầu, tôi đã nhân giống hàng chục ngàn vịt giống bán cho người dân trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 700 con vịt giống bố mẹ và hơn 2.000 vịt thịt. Bình quân, vịt thịt bán 100.000 đồng/con trọng lượng từ 1-1,2kg; vịt giống 10.000 đồng/con, thị trường tiêu thụ vịt thịt chủ yếu là TP.HCM. Sau khi trừ chi phí, hàng năm, tôi thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ nuôi vịt trời”.

Vịt trời là giống bán hoang dã nên kỹ thuật nuôi không khó và ít công chăm sóc. Cụ thể, vịt giống từ khi mua về, nuôi khoảng 60 ngày là có thể bán, thức ăn cho vịt chủ yếu là cám, gạo, lục bình; tiêm ngừa 2 đợt (đợt 1 là vịt giống mới nở, đợt 2 khi vịt chuẩn bị đẻ trứng). Thấy mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, anh Thứ còn chủ động cung cấp con giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn để cùng vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giuộc - Nguyễn Văn Trầm chia sẻ: “Huyện Cần Giuộc ngoài phát triển cây rau thì Hội Nông dân các cấp còn tạo điều kiện cho nông dân phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả khác như nuôi ốc, trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, trồng lan kết hợp nuôi cá,... trong đó có mô hình Nuôi vịt trời. Theo đó, huyện đã tạo điều kiện cho xã Tân Tập thành lập tổ hợp tác nuôi vịt trời với 15 thành viên tham gia, mỗi thành viên được hỗ trợ vay vốn từ 30-50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Có thể nói, mô hình Nuôi vịt trời của anh Thứ không chỉ giúp gia đình tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân quê mình”.

Dù đạt được nhiều thành công trong mô hình Nuôi vịt trời, anh Thứ vẫn còn băn khoăn về kế hoạch chăn nuôi trong thời gian tới. Cụ thể, anh muốn mở rộng quy mô trang trại để tạo việc làm cho nhiều người nhưng hiện diện tích đất chăn nuôi của gia đình đều nằm trong khu quy hoạch, anh không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại. Giờ đây, anh Thứ chỉ mong các dự án quy hoạch sớm được triển khai và anh tìm được chỗ chăn nuôi mới, ổn định để phát triển mô hình. Tin rằng, với sự tâm huyết, trách nhiệm, anh Thứ sẽ ngày càng thành công với mô hình Nuôi vịt trời./.

Lê Ngọc

 

Hòa Bình: Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Hòa Bình

Những năm gần đây, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) quan tâm, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, giúp quản lý tốt hơn về chất lượng sản phẩm, tăng khả năng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông hộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong ngành nông nghiệp, khai thác thế mạnh của địa phương.

 

 

Anh Bùi Văn Huế, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện (Lạc Sơn) và các hộ thành viên chú trọng giữ thương hiệu gắn với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Gà ri Lạc Sơn không chỉ là đặc sản nổi tiếng của huyện mà còn là đặc sản của tỉnh. Giống gốc có chất lượng tốt, thịt săn chắc, thơm ngon. Về đặc điểm, gà Lạc Sơn có màu lông chính là màu vàng rơm (gà mái), màu đỏ tía (gà trống), dáng gà thanh, đầu nhỏ, mỏ màu vàng hoặc đen, cổ và lưng dài, chân nhỏ có màu vàng. Các dịp lễ, Tết, gà ri Lạc Sơn không đủ nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên trước đây, thương hiệu gà Lạc Sơn bị nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm khác. Việc chăn nuôi gà chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, quy mô dưới 30 con/lứa chiếm khoảng 96%. Phương thức bán chăn thả hình thành chưa lâu, chiếm 4% số hộ nuôi gà toàn huyện.

Sau nhiều nỗ lực xây dựng, thương hiệu gà Lạc Sơn đã được bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2019. Tổng đàn gà của huyện tính đến thời điểm này có hơn 1,1 triệu con. Hiện nay đã thành lập một số cơ sở sản xuất chăn nuôi gà theo hướng trang trại, liên kết thị trường tiêu thụ. Tiêu biểu là HTX gà đồi Hương Nhượng, HTX chăn nuôi và cung ứng gà thả vườn Lạc Sơn - xã Hương Nhượng; HTX chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện - xã Quyết Thắng; HTX chăn nuôi và cung ứng gà, dịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn - xã Vũ Bình. Anh Bùi Văn Huế, Giám đốc HTX chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện chia sẻ: Bên cạnh thương hiệu gà Lạc Sơn đã có, HTX chủ động xây dựng chuỗi giá trị gà được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây là "chìa khóa” để hỗ trợ hộ thành viên tiếp cận với thị trường lớn. HTX cũng đứng ra hỗ trợ các tổ hợp sản xuất cung ứng sản phẩm cho các mối hàng theo liên kết tiêu thụ.

Trước đó, nhãn hiệu tập thể "Hạt dổi Lạc Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Thương hiệu hạt dổi Lạc Sơn gắn với vùng đất xã Chí Đạo và ngày càng phát triển, mở rộng vùng trồng ra các xã lân cận thuộc phía Tây. Đến nay, tại xã Chí Đạo đã thành lập được 1 HTX cung ứng dổi ở xóm Be Trên. Tại xã Thượng Cốc có hộ ông Hoàng Văn Giang xây dựng vườn ươm giống dổi ghép và trồng dổi lấy hạt thương phẩm trên diện tích hơn 3 ha. Với diện tích cây dổi quý đã góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo ở các xã, trở thành cây làm giàu, mang lại nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân. Cùng với việc được bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu, hạt dổi Lạc Sơn đã bảo vệ được thương hiệu, chất lượng trước sự xâm nhập của các loại hạt dổi tràn lan trên thị trường. Giống cây dổi do địa phương sản xuất được khách hàng ở mọi miền lựa chọn, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên đang trồng dổi Lạc Sơn để phủ xanh đồi rừng.

Đồng chí Bùi Văn Huân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Sơn” được cấp chứng nhận năm 2020. Trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng nhãn nhiệu tập thể cho một số sản phẩm nông nghiệp như: Măng vùng Cộng Hòa, ớt Phú Lương… Qua đó, uy tín, danh tiếng sản phẩm nông nghiệp của địa phương được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy sản xuất của người dân, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Bùi Minh

 

Hiếu Giang tổnng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop