Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 10 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 10 năm 2021

 

Tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích vườn kém hiệu quả để xây dựng và phát triển những mô hình sản xuất theo hướng kết hợp chuỗi liên kết tuần hoàn để lấy ngắn nuôi dài, giảm chi phí đầu tư trong quá trình canh tác.

Anh Thì nuôi ếch trong mương vườn, vừa tận dụng chất nhờn và thức ăn dư từ ếch để nuôi cá. Ảnh: D.KHÁNH

Chuyển đổi sản xuất hiệu quả

Canh tác 8 công mía không mang lại hiệu quả, cách đây 3 năm được chính quyền địa phương vận động, anh Trần Thanh Thì, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã quyết định bỏ mía chuyển sang trồng xoài Đài Loan và mít Thái. Dưới mương anh Thì nuôi ếch kết hợp với cá đồng.

Ếch được anh Thì nuôi trong mùng lưới phía dưới lót sàn để tận dụng chất thải từ ếch để nuôi cá. Mỗi vụ ếch anh thả nuôi 10.000 con, sau hơn 2 tháng cho thu hoạch lợi nhuận 15 triệu đồng, vừa trang trải cho kinh tế gia đình, vừa có kinh phí đầu tư cho vườn cây ăn trái.

Phân thuốc cho vườn cây ăn trái anh Thì chuộng xài phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để vừa tạo môi trường sinh thái ổn định cho cá dưới ao phát triển vừa tạo ra trái cây sạch. Nhờ cách làm này, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng mô hình của anh Thì vẫn cho tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh Thì cho biết: “Mô hình này có yếu tố kết hợp là lấy ngắn nuôi dài, như ếch sau 2 tháng sẽ cho thu hoạch bán lấy phần lãi đầu tư phân thuốc cho vườn cây. Ngoài ra, quá trình nuôi ếch, chất nhờn và thức ăn dư từ ếch còn được tận dụng làm thức ăn để nuôi cá. Để cuối năm cá thu hoạch là có thêm một phần thu nhập nữa. Cứ xoay vòng như thế đến khi cây ăn trái cho thu hoạch là mình lãi ròng không cần phải trừ chi phí đầu tư”.

Điểm dễ nhận thấy ở những mô hình kết hợp của nông dân là chi phí đầu tư thấp, dễ làm, dễ thực hiện và quan trọng hơn là tạo sự cân bằng cho hệ sinh thái và cải thiện thu nhập. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tạo, ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, cách đây 4 năm, ông quyết định bỏ 10 công mía chuyển sang trồng xoài Đài Loan kết hợp với trồng bông súng dưới mương. Cây bông súng không cần đầu tư phân thuốc nên với diện tích mặt nước gần 5.000m2, cách 5 ngày thu hoạch một đợt từ 500-600kg, với giá bán ổn định ở mức 2.000-4.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trừ hết các khoản chi phí, một vụ bông súng 6 tháng ông thu nhập hơn 40 triệu đồng. Ông Tạo cho biết: “Ngoài việc cho hiệu quả kinh tế thì khi trồng bông súng dưới ao cũng giúp cân bằng hệ sinh thái cho vườn. Mỗi buổi sáng ra vườn bông súng nở rộ, các loài ong, côn trùng bu vào chích hút nên hạn chế việc gây hại trên cây xoài, đặc biệt bệnh xì mũ trên trái cũng giảm hẵn”.

Như gia đình ông Ngô Văn Thành, ở ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, trước đây chủ yếu là trồng cam mật nhưng do thời gian dài không được chăm sóc kỹ nên năng suất đạt không cao, cộng với giá cả bấp bênh. Đến năm 2018, gia đình ông mạnh dạn cải tạo lại vườn và mua 850 cây mít Thái về trồng trên diện tích 1,7ha vườn. Cây mít Thái siêu sớm là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, giá bán ổn định, năng suất cao, cho trái quanh năm. Đối với cây mít, khi cây lớn bắt đầu cho trái thì tỉa cành, tỉa trái, tùy vào từng cây mà để số lượng trái ít hay nhiều, đồng thời phun xịt thuốc trừ sâu bệnh và bón phân cân đối để trái mau lớn. Thời gian qua thương lái đến tận nhà mua mít, mỗi lần cắt cũng vài trăm ký, giá bán tương đối ổn định. Thu nhập bình quân từ cây mít của gia đình mỗi năm cũng hơn 150 triệu đồng.

Đẩy mạnh mô hình liên kết

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, trong tổng số 971 mô hình sản xuất nông nghiệp của huyện, hiện có 200 mô hình sản xuất theo hướng kết hợp như: trồng cây ăn trái kết hợp trồng xen hoa màu, nuôi cá, trồng bông súng, trồng sen… Mô hình góp phần bổ trợ cho nhau, lấy ngắn nuôi dài nâng cao hiệu quả kinh tế từ 50-100 triệu đồng/mô hình. Mục tiêu của ngành nông nghiệp huyện trong thời gian tới sẽ nhân rộng thêm 300 mô hình kết hợp. Để từ đây làm cơ sở cho huyện phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn khép kín.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đối với nông nghiệp khép kín tuần hoàn này phải có thời gian xây dựng tương đối lâu dài và trải qua nhiều bước, nhiều giai đoạn. Hiện nay, huyện đang xây dựng bước đầu tức là nông nghiệp an toàn, rồi sẽ nâng từ an toàn lên hữu cơ và khép kín tuần hoàn. Chính vì thế, để mô hình phát triển bền vững, song song với việc chọn mô hình xây dựng thí điểm để trình diễn, huyện cũng tiếp tục cho nhân rộng những mô hình sản xuất theo hướng kết hợp, để những mô hình này phát triển đủ lớn sẽ từng bước nâng lên khép kín tuần hoàn.

Theo nhận định của các địa phương, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, theo chuỗi liên kết tuần hoàn đang là xu hướng phát triển mới của nông nghiệp hiện đại. Vì khai thác tối đa diện tích và không gian, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu và phế phẩm để sản xuất và chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Vừa giảm được giá thành sản xuất nhưng quan trọng hơn là tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tới đây sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường, nhất là tập trung cho các nông sản chủ lực gồm lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường.

Phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết tới đây ngành sẽ phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương gắn với liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với thị trường, nhất là đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Phát triển kinh tế từ mô hình trồng na VietGAP

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Sau khi rời quân ngũ, ông Nguyễn Văn Dân (sinh năm 1968), thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) đã năng động, sáng tạo phát triển kinh tế và có thu nhập cao từ mô hình sản xuất na theo quy trình VietGAP.

Đến tham quan vườn na VietGAP của ông Nguyễn Văn Dân vào những ngày đầu tháng 10/2021, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với thung lũng na xanh mướt rộng 3 ha đang ra quả gối vụ. Theo lời kể của ông Dân, chúng tôi được biết, ông sinh ra và lớn lên tại Hữu Lũng, năm 1989, ông lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1992, ông xuất ngũ trở về địa phương cùng gia đình lao động sản xuất. Từ đó, ông tập trung nghiên cứu và đi nhiều nơi học hỏi các mô hình triển kinh tế. Năm 1998, ông Dân có dịp tham quan mô hình trồng na ở thôn Đồng Ngầu, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), nhận thấy đây là cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khí hậu và chất đất ở Hữu Lũng, đến năm 2000, ông đã bàn với gia đình trồng 1.000 cây na.

Ông Nguyễn Văn Dân chăm sóc na gối vụ

Ông Dân cho biết: Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây. Thấy vậy, tôi đã tự tìm hiểu, theo học kỹ thuật thụ phấn, cách chăm sóc na tại thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Nhờ kỹ thuật thụ phấn, cây na cho ra quả đều, ít bị sâu bệnh. Vụ bói quả đầu tiên, gia đình thu được 15 tấn, thu nhập gần 300 triệu. Có vốn, năm 2005, tôi tiếp tục mở rộng thêm 1 ha na.

Trong quá trình mở rộng phát triển mô hình trồng na để tăng thu nhập, ông Dân đã không ngừng tìm tỏi, học hỏi từ thực tế cũng như qua các trang mạng xã hội để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, năm 2016, ông tham gia mô hình sản xuất na theo quy trình VietGAP trên địa bàn xã. Theo đó, ông đã được cán bộ huyện tập huấn kỹ thuật chăm sóc na VietGAP và được hỗ trợ 5 tấn phân hữu cơ.

Ông Dân cho biết thêm: Sản xuất na theo quy trình VietGAP, tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ cách chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, bảo quản và có sổ ghi chép nhật ký chăm sóc hằng ngày. Nhờ áp dụng theo quy trình VietGAP mà mẫu mã, chất lượng quả na ngày càng đẹp hơn, giá bán cũng cao hơn so với canh tác theo hướng truyền thống. Nếu trung bình 1 cây na đạt 1 triệu đồng/cây/2 vụ thì sau khi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đạt 1,2 triệu đồng/cây/2 vụ.

Nhờ sự cần cù và chịu khó, đến nay, ông đã có 3 ha na (tương đương 3.000 gốc na) cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, vụ chính, gia đình ông thu được 30 tấn quả, vụ na gối thu hoạch 7 tấn đến 8 tấn quả, thu nhập đạt từ 700 triệu đến 800 triệu đồng/năm. Mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Dân tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập 250.000 đồng/người/ ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội CCB xã Cai Kinh cho biết: Ông Nguyễn Văn Dân là một hội viên rất tích cực, năng động đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự cần cù, sáng tạo, không ngừng học hỏi, ông đã thành cồng với mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP. Không những vậy, ông là người gương mẫu, tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ, phong trào của Hội CCB xã như: đóng góp ngày công lao động trong phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, gia đình ông là gia đình văn hoá tiêu biểu tại địa phương.

Với những cố gắng, nỗ lực đó, ông Nguyễn Văn Dân đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Đặc biệt, tháng 8/2021, ông được Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lạng Sơn tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2016 – 2021.

HỒ DUNG

Tân Phước (Tiền Giang): Khóm có giá, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tử tỉnh Tiền Giang

Hiện nay, giá khóm tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) đang tăng trở lại, mang lại thu nhập khá, giúp ổn định cuộc sống nông dân vùng chuyên canh trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung.

Theo ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước, giá khóm trong những ngày qua thương lái thu mua đạt từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, tùy theo phẩm chất và địa bàn, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá tiêu thụ kể trên, nông dân trồng khóm thu hoạch đạt giá trị sản lượng từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí còn lãi từ 40 - 50 triệu đồng/ha.

Nông dân Đặng Văn Thích, cư ngụ tại ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa cho biết, với giá trên, người trồng khóm có thu nhập khá. Gia đình ông canh tác 08 ha khóm, trung bình mỗi năm đạt sản lượng từ 180 tấn đến 200 tấn khóm thương phẩm. Theo ông Thích, nếu khóm giữ mức giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, hàng năm, gia đình ông lãi khoảng 400 triệu đồng. Nhờ nguồn lợi từ cây khóm, nhiều năm nay, gia đình ông tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng, là triệu phú trên miền đất mới Đồng Tháp Mười.

Ông Lê Văn Bé Hai, canh tác 05 ha khóm ở xã Thạnh Mỹ đánh giá, giá khóm tăng trở lại nhờ trong những ngày qua, nhiều địa bàn đang kiểm soát tốt dịch bệnh; một số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép tái hoạt động trở lại có nhu cầu về tiêu thụ nông sản, trong đó có khóm, nông dân rất phấn khởi.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên trong thời gian qua, sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, hoạt động tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, giá các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn huyện giảm mạnh, có lúc không có thương lái vào thu mua bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm khi các chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số chợ truyền thống, các cửa hàng kinh doanh ăn uống đóng cửa do ảnh hưởng của việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Tiền Giang và các tỉnh phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An là nơi tập trung tiêu thụ sản lượng lớn dứa, thanh long vùng Đồng Tháp Mười. Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, giá khóm giảm chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/kg và việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn, nhất là những địa bàn sâu, xa như xã Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông,… Do vậy, để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch, thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa nói chung, trái khóm nói riêng, huyện Tân Phước chủ động cấp giấy đi đường cho nông dân và thương lái qua lại các chốt kiểm soát để ra đồng sản xuất, thu mua nông sản với yêu cầu phải tuân thủ quy định 5K, thương lái thu mua phải test nhanh kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2… nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

Hiện nay, nhờ giá khóm hồi phục, mang lại nguồn thu khá, tạo động lực cho bà con vùng Đồng Tháp Mười nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, tích cực đầu tư thâm canh, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Nông dân địa phương đang kỳ vọng cùng với tiến độ kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, đồng thời những giải pháp khôi phục sản xuất sau đại dịch được các ngành, các cấp thực thi trong những ngày sắp tới, cây khóm Đồng Tháp Mười có thêm cơ hội khẳng định vị thế trên thị trường, giúp nông nghiệp - nông thôn - nông dân làm giàu bền vững.

Khóm là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước. Trong các năm qua, bà con vào khai hoang lập nghiệp đã mở rộng vùng khóm chuyên canh lên trên 15.000 ha, với sản lượng mỗi năm từ 220.000 - 300.000 tấn trái, chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu cũng như cung ứng thị trường trong nước.

Minh Trí

Yên Bái: Hiệu quả trồng tre măng Bát độ ở Yên Bình

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Được đưa vào trồng tại một số xã vùng thượng huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) từ năm 2004, đến nay cây tre măng Bát độ đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Lãnh đạo xã Mỹ Gia kiểm tra việc trồng tre măng Bát độ tại thôn Phú Mỹ.

Mỹ Gia là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình với trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số và người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng nhưng lại trồng quảng canh, không quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, năm 2004, huyện Yên Bình đã chỉ đạo ngành chuyên môn vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng tre măng Bát độ. Tuy nhiên, khi mới triển khai, xã gặp khá nhiều khó khăn do người dân còn đắn đo, chưa ủng hộ. Bởi vậy, xã vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu; mặt khác, huyện cũng đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, người dân đã yên tâm và đăng ký trồng.

Đến nay, Mỹ Gia có trên 30 hộ dân tham gia trồng tre măng Bát độ với tổng diện tích gần 100 ha; trong đó, 62 ha đang cho thu hoạch và bình quân mỗi năm nguồn thu từ tre măng Bát độ đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Ông Hà Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Gia cho biết: "Từ hiệu quả của cây tre măng Bát độ, xã tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích. Phấn đấu đến năm 2022 toàn xã có gần 200 ha và bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân”.

Là một trong những đảng viên tiên phong trồng tre măng Bát độ ở Mỹ Gia, đến nay, gia đình anh Nguyễn Công Kiều ở thôn Phú Mỹ đã có 3 ha, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Anh Kiều cho biết: "Lúc đầu mới trồng tôi cũng lo bởi không biết tre măng Bát độ có phù hợp không và sản phẩm tiêu thụ thế nào, song được cán bộ tập huấn kỹ thuật và có Công ty cổ phần Yên Thành thu mua sản phẩm nên tôi rất yên tâm sản xuất”.

Những ngày này, người dân ở các xã vùng thượng huyện Yên Bình đang tích cực thu hoạch măng tre Bát độ. Từ Mỹ Gia xuống đến Cảm Nhân, xã nào cũng có điểm cân, thu mua và sơ chế măng tươi tại chỗ của Công ty cổ phẩn Yên Thành giúp người dân thuận tiện hơn trong tiêu thụ sản phẩm.

Anh Lân Hoàng Hiệp ở thôn Làng Dẫy, xã Cảm Nhân cho biết: "Từ khi đưa cây măng tre Bát độ vào trồng, tôi thấy rất phù hợp với chất đất và khí hậu của địa phương, cây dễ chăm sóc lại không đòi hỏi nhiều về đầu tư phân bón mà hiệu quả kinh tế cao. Tới đây, gia đình tôi sẽ trồng thêm 2 - 3 ha nữa để tăng thu nhập”.

Hiện nay, toàn huyện Yên Bình có trên 300 ha tre măng Bát độ được trồng chủ yếu tại các xã khu vực thượng huyện là: Mỹ Gia, Yên Thành, Xuân Lai, Cảm Nhân; trong đó, có hơn 200 ha đang cho thu hoạch. Hiện tại, Công ty cổ phần Yên Thành đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tre Bát độ cho người dân.

Theo tính toán của người trồng thì trung bình mỗi héc - ta tre măng Bát độ cho thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với cây nguyên liệu khác; sản phẩm măng tre Bát độ được Công ty cổ phần Yên Thành tiêu thụ ổn định và đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số nước trong khu vực.

Để tiếp tục đưa cây tre măng Bát độ trở thành cây kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại các xã vùng thượng huyện, năm 2021 huyện Yên Bình tiếp tục triển khai dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ tại xã Mỹ Gia, xã Cảm Nhân với quy mô 270 ha; trong đó, hỗ trợ trồng mới 100 ha đưa tổng diện tích tre măng Bát độ của toàn huyện lên trên 350 ha, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Bên cạnh đó, các địa phương trong huyện tiếp tục tăng cường phối hợp với Công ty cổ phần Yên Thành hợp tác phát triển vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn người dân khai thác, trồng, sơ chế măng đảm bảo chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hồng Duyên

Mô hình 'Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp'

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Trước thực trạng sâu keo mùa thu gây hại nặng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung và Hàm Thuận Bắc nói riêng thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã thực hiện mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” tại ruộng ông K’ Văn Thảo, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc với quy mô 10.000 m2, mang lại hiệu quả.

Anh K’ Văn Thảo và ruộng bắp mô hình.

Đa dạng các phương pháp phòng, tiêu diệt sâu keo

Bắp là một trong những cây trồng chiếm vị trí khá quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Thuận. Nhiều giống bắp có năng suất cao được phép nhập nội thay thế cho các giống địa phương. Qua đó, đã góp phần mở rộng thêm diện tích trồng bắp hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng trên 15.000 ha.

Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh (chi cục), hiện nay Bình Thuận có hơn 1.700 ha bắp bị sâu keo mùa thu gây hại. Trước tình hình đó, từ tháng 7 - 9/2021, chi cục đã thực hiện mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Đến thời điểm này, theo đánh giá mô hình đạt hiệu quả tốt.

Mô hình này được triển khai trên vùng đất trước đây bị sâu keo gây hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích bắp của gia đình ông K’ Văn Thảo, xã Đông Giang đang ở giai đoạn phun râu, đậu trái, phát triển tốt và ít sâu bệnh. Chủ ruộng bắp chia sẻ: Mô hình sử dụng giống NK 7328, với lượng giống 20 kg/ ha. Trước khi thực hiện mô hình, chi cục đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và phương pháp thực hiện mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” cho nông dân. Qua đó, bà con trong vùng và hộ dân trực tiếp tham gia được cung cấp những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về thực hiện biện pháp dẫn dụ côn trùng, góp phần nâng cao nhận thức, đa dạng các phương pháp phòng, tiêu diệt sâu keo gây hại bảo vệ mùa màng. Từ kết quả đạt được của mô hình, người dân sẽ chủ động áp dụng nhiều biện pháp kết hợp để giảm mật độ sâu keo gây hại trên từng vụ bắp.

Đánh giá kết quả mô hình

Ông Lê Hữu Nhiệm - cán bộ phụ trách mô hình của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” được áp dụng đầu tiên trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, trong vụ hè thu năm 2021. Qua 2 tháng thực hiện mô hình cho thấy, giống xử lý thuốc kháng sâu có mật độ sâu thấp hơn so với giống chưa xử lý thuốc kháng sâu ở thời điểm 7 và 14 ngày khi gieo. Với mô hình “Bẫy chua ngọt” có thể dẫn dụ bướm trên một diện tích lớn diệt sâu keo ngay từ đầu vụ. Nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, nhưng vẫn có thể tiêu diệt được nhiều sâu, tác dụng của bẫy kéo dài cả vụ bắp. Ngoài ra còn có thể áp dụng biện pháp này trên các loại cây trồng khác trong nhiều vụ, nhiều năm mà không lo ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Qua thời gian thực hiện mô hình đặt “Bẫy chua ngọt”, ngoài bướm vào bẫy còn có ong, ngài và các loại côn trùng khác.

Dự kiến năng suất lý thuyết của bắp trong mô hình đạt được là 10,5 tấn/1 ha so với năng suất thực thu năm 2020 là 9 tấn/1 ha, cao hơn 1,5 tấn/1 ha. Đặc biệt, trong vụ hè thu năm 2021, vùng sản xuất bắp có áp dụng mô hình này cho thấy hiệu quả cao, tình trạng sâu gây hại cho bắp ít so với các vùng sản xuất khác trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp hộ dân nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động và bền vững.

Từ hiệu quả ban đầu của mô hình này, Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị xã Đông Giang và huyện Hàm Thuận Bắc nhân rộng mô hình trên các cánh đồng. Các địa phương trồng bắp chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu ngay từ đầu vụ sản xuất, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp…

Kiều Hằng

Ngành ong mật ‘thấp thỏm’ với thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Ngành ong mật cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang gặp nhiều khó khăn từ Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất trong những năm qua. Điều này bắt đầu sau khi mật ong nhập khẩu từ Việt Nam bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu điều tra chống bán phá giá.

Sản lượng xuất khẩu giảm

Năm 2021 được xem là năm khó khăn của ngành ong mật trong vòng 30 năm qua, không chỉ do tác động của dịch bệnh COVID-19 mà còn là thông tin bất lợi từ thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, ngày 21-4-2021, nguyên đơn là những người nuôi ong và Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đệ đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ kiện mật ong Việt Nam và 4 quốc gia khác gồm Brazil, Argentina, Ấn Độ, Ukraine bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành ong nội địa. Trong các nước này, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ với sản lượng chiếm 25 – 30%.

Một người dân tại xã Ea Tul, huyện Cư M'gar khai thác mật ong.

Thông tin trên đã gây xáo trộn, lo lắng không chỉ cho các nhà xuất khẩu mà cả doanh nghiệp nhập khẩu mật ong, bởi thời điểm này trúng mùa mật ở Việt Nam. Về phía các doanh nghiệp nhập khẩu, sau khi có thông tin này, họ đều chốt đơn hàng từ rất sớm, hàng phải đi từ tháng 5 đến tháng 8-2021 để không bị áp thuế cao từ đầu tháng 9-2021, do dự kiến đến tháng 11-2021 mới có phán quyết về mức thuế phải chịu, nhưng theo quy định từ phía Hoa Kỳ, sản phẩm phải chịu thuế hồi tố từ trước đó 3 tháng. Điều này gây áp lực rất lớn cho các nhà xuất khẩu mật ong. Họ phải thu mua, chế biến và bán nhanh nhất để kịp tiến độ hợp đồng.

Toàn tỉnh hiện có 220.600 đàn ong, sản lượng mỗi năm khoảng 10.000 tấn. Mật ong địa phương có một số mùa chính là mật hoa cà phê, tràm, cao su. Ngoài mật, ngành ong còn cung cấp ra thị trường mỗi năm hàng nghìn tấn phấn hoa.

Tuy nhiên, từ tháng 5-2021, dịch COVID-19 trong nước bắt đầu bùng phát mạnh khiến hoạt động khai thác, sản xuất và xuất khẩu mật ong bị ngưng trệ, đặc biệt mùa mật nhãn, vải ở miền Bắc vào khoảng tháng 6, tháng 7 thất bại nặng nề do ảnh hưởng dịch bệnh. Các doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách xoay xở để đáp ứng các đơn hàng của đối tác trong tháng 8. Đến tháng 9 thì hầu như không có đơn hàng mật ong nào xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mùa mật năm nay kết thúc sớm hơn hằng năm, sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp cả nước giảm 30%. Tại Đắk Lắk xuất khẩu mật ong chỉ đạt 57,4% kế hoạch năm, giảm gần 20% so với năm 2020.

Cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành, Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk đang trải qua thời điểm khó khăn. Lãnh đạo công ty này cho biết, giai đoạn cao điểm dịch COVID-19, nhà máy của công ty ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Phước phải sản xuất “3 tại chỗ”, lái xe phải thường xuyên test nhanh, nhưng lượng hàng gom được rất ít do người nuôi ong không đi lấy mật được. Bên cạnh đó, việc lấy, gửi mẫu hàng ra nước ngoài cho đối tác cũng khó khăn. Chưa kể, do số lượng tàu hạn chế nên cước phí vận chuyển tăng gần gấp đôi. Đến thời điểm này, công ty chỉ xuất gần 7.000 tấn, giảm 3.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Lo thiệt hại kéo dài

Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết, 90% sản lượng mật ong xuất khẩu của nước ta là vào thị trường Hoa Kỳ. Tại Đắk Lắk, 5 công ty ong mật lớn, mỗi năm xuất khẩu khoảng 25.000 tấn, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu cả nước. Hiện các doanh nghiệp ong mật đang tích cực hợp tác với cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để tránh trường hợp bị áp mức thuế bất lợi.

Cụ thể, cả nước hiện có 32 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, trong đó, 24 doanh nghiệp tham gia điều tra tự nguyện, 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc gồm Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk và Công ty Cổ phần Ong mật Buôn Ma Thuột – những đơn vị đứng trong tốp đầu về xuất khẩu mật ong. Các bị đơn đã trả lời đầy đủ những câu hỏi về lượng và giá trị xuất khẩu để Hoa Kỳ thẩm định, làm căn cứ áp mức thuế cho mật ong Việt Nam tại thị trường nước này. Điều mà ngành ong lo lắng là phía Hoa Kỳ lấy giá thành nuôi ong của Ấn Độ để làm cơ sở tính thuế, bởi chi phí sản xuất, giá bán mật ong nước này cao hơn chúng ta.

Tuy nhiên, cơ sở để hy vọng mật ong được áp mức thuế có lợi là sản lượng mật ong Việt Nam ở Hoa Kỳ rất lớn, cơ quan độc lập sẽ thẩm định lại mức thuế gây ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ để đưa ra mức hợp lý, bởi nếu áp mức thuế quá cao thì sản lượng tại nước họ sẽ giảm mạnh. Hơn nữa mật ong Việt Nam có chất lượng tốt, được thị trường nước này ưa chuộng.

Đàn ong của một hộ dân tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ.

Theo các doanh nghiệp ngành ong, khó khăn sẽ tiếp tục đến với ngành này trong năm 2022 và thời gian tiếp theo, do chưa biết sản phẩm sẽ bị đánh thuế như thế nào nên các nhà sản xuất, xuất khẩu rất e dè. Hiện đang mùa đầu tư cho đàn ong, nhưng các đơn vị phải dừng lại vì sợ lỗ và cũng không liên kết đầu tư với người nuôi ong.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk, nếu trường hợp thuế cao và khó xuất vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng sang châu Âu, dù thị trường này đòi hỏi những tiêu chí khắt khe hơn nhiều. Còn đại diện một doanh nghiệp khác cho biết, họ đang rất lo lắng, thấp thỏm chờ phán quyết cuối cùng từ phía Hoa Kỳ mới tính toán kế hoạch kinh doanh cho thời gian tới.

Theo ông Lê Thanh Vân, nếu mật ong của Việt Nam bị áp mức thuế cao, không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến đời sống người nuôi ong trên cả nước. “Những năm gần đây, người nuôi ong gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, sản phẩm tiêu thụ chậm. Nhiều chủ ong hiện đang loay hoay chưa biết tăng hay giảm đàn, thậm chỉ một số người còn có ý định bỏ nuôi ong”, ông Vân chia sẻ.

Minh Thông

Người đầu tiên nuôi dê đàn ở Chư Drăng

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Dưới những gốc điều cổ thụ, đàn dê gần 50 con của ông Nay Hoa (buôn Ia Jip, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) túm tụm nhấm nháp những chiếc lá tươi non trước khi được chủ lùa lên rẫy chăn thả. Ông Nay Hoa là người đầu tiên nuôi dê với quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn những vật nuôi khác.

Đợi khi nắng lên tới đỉnh đầu, ông Nay Hoa mới lùa đàn dê ra khỏi chuồng để bắt đầu một ngày chăn thả. Không để dê ăn thức ăn còn ngậm sương nhằm tránh các bệnh đường ruột là kinh nghiệm mà người nông dân Jrai này nằm lòng sau hơn 1 năm nuôi dê. Gia đình ông Nay Hoa là hộ đầu tiên phát triển đàn dê lớn ở vùng đất này. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Tháng 2-2020, gia đình được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay 50 triệu đồng. Ông mua 11 con dê giống và đầu tư làm chuồng trại. Chỉ sau 1 năm rưỡi, đàn dê phát triển lên gần 50 con. Ông đã bán 16 con dê thịt thu được 36 triệu đồng. “Người Jrai trước đây nghĩ nuôi dê không mang lại giá trị kinh tế cao như nuôi bò nên thường chỉ nuôi vài ba con. Trong khi đó, diện tích đồi núi ở đây rộng lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, giá dê thịt cao và ổn định. So với nuôi bò hay trồng mì thì hiệu quả kinh tế khi nuôi dê cao hơn hẳn”-ông Nay Hoa đúc kết.

Ông Ksor Rok-Chủ tịch UBND xã Chư Drăng: “Toàn xã còn 226 hộ nghèo, chiếm 15,3%. Những năm gần đây, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, vận dụng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao để nhân rộng”.

Ngoài vốn đầu tư con giống, nuôi dê không tốn mấy chi phí. Vấn đề là cần quan sát và chăm sóc kỹ để kịp thời phát hiện một số bệnh thông thường mà dê hay mắc như: bệnh đường ruột, lở mồm long móng, viêm phổi, mù mắt… Nhờ vậy, đàn dê của ông Nay Hoa không có con nào bị chết bởi bệnh tật. Ông luôn “bắt” chính xác bệnh cho chúng và chữa trị kịp thời. Người nông dân Jrai này chia sẻ: “Dê rất dễ mắc bệnh đường ruột nên không để chúng ăn cỏ khi còn đọng sương. Mùa nắng thì pha nước muối loãng cho dê uống để tăng sức đề kháng. Nơi chăn thả phải làm chòi cho dê nghỉ và tránh mưa nắng. Bên cạnh đó, chuồng trại phải thường xuyên vệ sinh, phun thuốc đuổi muỗi và côn trùng. Khi dê mẹ đẻ, mình kiểm tra thường xuyên cuống rốn của dê con trong 15 ngày đầu vì chỗ đó hay bị ruồi muỗi đốt. Khi chăn thả, thấy con nào ăn kém, hay chui vào bụi, không biết bệnh thì phải gặp cán bộ thú y để nhờ tư vấn chữa trị. Chăn dê còn phải để ý nếu thấy chúng ăn phải cây gai mắc cỡ bị lở mồm thì phải xát chanh vào để diệt khuẩn, chỉ 2 ngày sẽ khỏi, nếu không dê sẽ ốm nặng hơn”.

Ông Nay Hoa (bên phải) là hộ Jrai đầu tiên phát triển đàn dê quy mô vài chục con ở xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Nguyên Bình

Khác với cách nuôi truyền thống, ông Nay Hoa rào chắn khu vực chăn thả ngay trên diện tích đất rẫy gần 4 ha của gia đình. Ông cho hay: “Năm nay nắng nhiều nên mì chết đến hơn 40%, nếu trồng lại cũng không mấy kết quả, thậm chí là lỗ. Cây mì lại rất bấp bênh nên tôi hướng tới mô hình trang trại, phát triển đàn dê lên 100-200 con trong thời gian tới”. Theo ông Nay Hoa, dê đẻ 1 năm 2 lứa, mỗi lứa 3-4 con và chỉ nuôi trong năm đã có thể xuất chuồng, đầu ra lại rất thuận lợi. Với giá bán 90-120 ngàn đồng/kg, ông thu được 2-3,5 triệu đồng/con.

Ông Nay Ly-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Drăng-cho biết: “Ông Nay Hoa là người đầu tiên ở xã nuôi dê đàn. Thành công của ông Hoa ở chỗ đàn dê phát triển rất nhanh, khỏe mạnh, hầu như không bệnh tật. Mô hình này được xem là hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể giúp người dân thoát nghèo bền vững. Chúng tôi có kế hoạch nhân rộng, lấy mô hình gia đình Nay Hoa làm điển hình giúp nông dân trong xã học tập làm theo, góp phần giảm nghèo, tăng tích lũy. Trước tiên là giới thiệu rộng rãi mô hình này để bà con tham quan tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt cách làm. Sau đó tìm kiếm nguồn vốn, hỗ trợ con giống giúp sinh kế cho hộ nghèo”.

Cũng theo ông Nay Ly, khí hậu, thổ nhưỡng ở Chư Drăng rất phù hợp để chăn nuôi dê, có thể nói đây là vật nuôi “1 vốn 4 lời”. Nếu người dân được tạo điều kiện vay vốn đầu tư nuôi dê thì không chỉ xóa đói giảm nghèo bền vững mà còn có khả năng tích lũy, làm giàu.

NGUYÊN BÌNH

Nông dân phấn khởi nhờ giá kén tằm tăng cao

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau một thời gian dài giảm giá mạnh, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tăng trở lại từ 130 - 160 ngàn đồng/kg, từ đó đã tạo tâm lý phấn khởi cho người nông dân, hoạt động nuôi tằm trong tỉnh bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Nông dân phục hồi vườn dâu để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tằm

Ghi nhận tại huyện Lâm Hà, kén tằm được các vựa thu mua với giá 155.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Ngát (thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh) cho hay, nhà chị có 3 sào đất trồng dâu tằm, nhiều tháng nay, hoạt động sản xuất, chăn nuôi tằm của gia đình gặp nhiều khó khăn do giá kén xuống thấp, không bù nổi chi phí sản xuất. Ở trong thôn nhiều gia đình cũng đã chặt dâu ngưng nuôi từ vài tháng qua. Thế nhưng, bắt đầu từ giữa tháng 9 đến nay, giá kén tằm liên tục tăng trở lại. Điều này khiến người trồng dâu tằm tơ ở địa phương vô cùng phấn khởi. Với mức giá hiện tại, nguồn thu về từ kén tằm đã tiệm cận thời điểm đầu năm 2020, giúp nhiều hộ gia đình như chị an tâm đầu tư, tiếp tục sản xuất.

Ông Vũ Bá Yêu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Hà cho biết, so với năng suất và mặt bằng giá cà phê, giá chè cành trong cùng thời điểm 3 năm vừa qua, thì trên 1 ha mỗi năm trồng dâu nuôi tằm giống mới ở Lâm Hà bằng các biện pháp kỹ thuật, đã thu lợi nhuận cao hơn lần lượt từ 2,28 đến 2,71 lần.

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, một số cơ sở ươm trên địa bàn huyện thực hiện “3 tại chỗ”, lượng công nhân ít đi, công suất chế biến giảm kéo theo giá kén cũng giảm xuống còn 120.000 đồng/kg kén. Tuy nhiên, tình hình này chỉ kéo dài trong vòng 1 tuần. Đến hiện tại, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các cơ sở ươm hoạt động ổn định lại bình thường, giá kén cũng tăng trở lại dao động từ 150.000 đến 160.000 đồng/kg. Việc giá kén tằm tăng cao những ngày vừa qua đã tạo động lực cho nông dân yên tâm phát triển nghề dâu tằm.

Theo ông Yêu tuy trong thời điểm dịch bệnh, nhưng tình hình trồng dâu, nuôi tằm của bà con vẫn tương đối ổn định, ít ảnh hưởng. Tính đến hiện tại, trên địa bàn huyện có hơn 80% nông dân trồng dâu, nuôi tằm với tổng diện tích hơn 3.500ha. Diện tích trồng dâu được mở rộng hằng năm, riêng trong năm nay, bà con trồng mới khoảng trên 200ha; sản lượng kén đạt hơn 5.000 tấn/năm.

Tương tự, tại huyện Đạ Tẻh, ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết, tình hình hoạt động trồng dâu, nuôi tằm của bà con nông dân vẫn ổn định. Từ đầu năm đến nay, giá kén vẫn giữ mức bình ổn dao động từ 120.000 đến 125.000 đồng/kg. “Với mức giá tằm hiện tại bà con vẫn có lãi, nông dân cũng phấn khởi sản xuất và gắn bó với cây dâu, con tằm”, ông Tiện chia sẻ.

Giá kén tằm tăng mạnh nông dân vô cùng phấn khởi

Những năm trở lại đây, diện tích trồng dâu, nuôi tằm của huyện Đạ Tẻh liên tục được mở rộng giúp đưa huyện trở thành một trong những “thủ phủ” trồng dâu, nuôi tằm của tỉnh. Tổng diện tích trồng dâu, nuôi tằm của huyện đến nay là hơn 1.600 ha; sản lượng kén bình quân đạt từ 1,5 đến 1,6 tấn/ha/năm. So với đầu năm, diện tích trồng dâu của huyện tăng khoảng 50ha. Theo ông Tiện, hiện tại địa phương có 95% nông dân trồng giống cây dâu tằm S7 và VA-201, đây là những giống dâu tằm mới. Giống dâu tằm này cho sản lượng trung bình đạt khoảng 25 tấn lá dâu/ha/năm.

“Có thể nói, nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện đang rất phát triển. Để đầu ra, giá cả của kén ổn định, thời gian qua, huyện cũng đã thành lập thêm một số hợp tác xã (HTX) dâu tằm. Các HTX này liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và cơ sở chế biến, nhờ đó giúp tình hình sản xuất, tiêu thụ của bà con được ổn định”, ông Tiện cho biết.

Những ngày qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ươm tơ, xuất khẩu đang đẩy mạnh hoạt động thu mua kén từ người dân. Ông Nguyễn Đình Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân (huyện Đạ Tẻh) cho biết, Công ty đang liên kết với 200 hộ với diện tích 150 ha, đồng thời hợp tác thu mua với các hợp tác xã tại địa phương và đơn vị lân cận. Giá kén tằm trên địa bàn hiện được doanh nghiệp thu mua với giá 140.000 đồng/kg. Hoạt động thu mua kén từ người dân cũng diễn ra vô cùng nhộn nhịp, khác hẳn với thời điểm cách đây vài tháng. Theo ông Chiến, sở dĩ giá kén tằm tăng mạnh trở lại là do thị trường xuất khẩu tơ tằm đang có những khởi sắc trở lại. Hiện, Ấn Độ đã từng bước mở cửa lại thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đang có những đơn hàng xuất khẩu lớn.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp ngành tơ tằm trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới cơ bản được khống chế, thị trường dệt may đang phát triển trở lại khiến giá kén tằm trong nước và thế giới bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Trong những năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh đã khôi phục và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích dâu, sản lượng kén tằm, tơ lụa. Chất lượng kén tằm nguyên liệu được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ươm tơ chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hiệu quả sản xuất ngành dâu tằm mang lại cho người dân thu nhập cao hơn so với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi.

Hiện toàn tỉnh có hơn 9.300 ha trồng dâu, với hơn 15.000 nông hộ trồng dâu nuôi tằm, cung cấp ổn định cho khoảng 150 cơ sở thu mua kén, 22 cơ sở ươm tơ dệt lụa. Đặc biệt, công nghệ chế biến tơ lụa Lâm Đồng đã được đầu tư, nâng cấp với 50 dãy ươm tơ tự động, đạt 80% sản phẩm tơ cấp cao và 20% tơ thủ công với sản lượng 1.200 tấn tơ. Ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đang phát triển quy mô hàng đầu của cả nước, góp phần lớn trong xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

NHẬT QUỲNH - HOÀNG YÊN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop