Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 07 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 07 năm 2021

Kế Sách (Sóc Trăng): Giá trái cây giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến việc thu mua, vận chuyển và tiêu thụ khiến giá phần lớn các loại trái cây đều giảm mạnh và tiêu thụ khó khăn.

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, hiện nay giá trái cây giảm trung bình 40 - 50% so với cách đây hơn 2 tháng và so cùng kỳ năm trước. Trong đó, mít Thái là loại trái cây rớt giá mạnh nhất, giá mua xô tại vườn chỉ còn ở mức 3.000 - 5.000 đồng/kg, chỉ bằng 1 phần 10 so với trước đây; giá chanh cũng giảm mạnh, giá bán tại vườn chỉ ở mức 2000 - 3000 đồng/kg giảm 2 phần 3 so với 2 tháng trước đây.

Hiện nay, giá mua nhãn các loại tại vườn cũng giảm nhanh: Giá nhãn xuồng Cơm Vàng còn 13.000 - 15.000 đồng/kg, nhãn Edor 10.000 - 13.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với tháng trước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ rất khó khăn do không có thương lái mua để cung ứng ra ngoài tỉnh, chỉ có một số ít thương lái thu mua và tiêu thụ trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà vườn ở xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) cho biết, năm nay nhãn xuồng Cơm Vàng, nhãn Edor rất trúng và đang vào thời kỳ thu hoạch, hiện nhà vườn trong khu vực rất lo lắng khi hàng trăm tấn nhãn sắp chín nhưng chưa có người mua.

Nhãn Edor trúng mùa nhưng tiêu thị khó

Ông Đỗ Văn Út (xã Kế Thành, huyện Kế Sách) cho biết, giá xoài Đài Loan tiếp tục rớt giá thê thảm, chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi thuê nhân công thu hái đã tốn 500 đồng/kg nên nhiều nhà vườn bỏ luôn hoặc cho cá ăn.

Giá trái cây rớt sâu trong khi phân bón, vật tư đầu vào tăng nhanh khiến nhà vườn thua lỗ, không còn vốn để đầu tư, chăm sóc vườn cây đúng mức nên sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của vụ sau. Do vậy, nhiều nông dân mong muốn ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ hoặc tăng mức cho vay để chia sẻ khó khăn với những nhà vườn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương thống kê diện tích cây trồng chính đang cho trái, sản lượng và thời gian thu hoạch để xây dựng phương án chủ động tiêu thụ thông qua việc kết nối với doanh nghiệp, bán thông qua sàn giao dịch điện tử. Đặc biệt, thảo luận giải pháp thu mua, vận chuyển, giao nhận trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch vừa đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn./.

Vũ Bá Quan

Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang): Nông dân gặp khó khăn trong xử lý sầu riêng nghịch vụ

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) trồng trên 6.300 ha vườn cây ăn trái, trong đó sầu riêng gần 2.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã phía Nam của thị xã như: Long Khánh, Thanh Hòa, Phú Quý và Nhị Quý. Những năm gần đây, nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xử lý sầu riêng cho ra hoa trái vụ, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế vườn cây ăn trái.

Ông Nguyễn Văn Năm chăm sóc sầu riêng nghịch vụ.

Theo nhiều nông dân, nếu để sầu riêng ra hoa mùa thuận, hàng dội chợ, bán giá không cao. Do đó, thông qua tập huấn khuyến nông, nông dân xử lý mùa nghịch bằng cách vào khoảng tháng 5, tháng 6 (âm lịch), nông dân tiến hành vệ sinh gốc, điều tiết nước cạn trong mương, dùng màng ni-lông phủ kín gốc, đồng thời phun thuốc kích thích khoảng 01 tháng sau cây sẽ ra hoa. Sau 02 tháng sầu riêng xổ nhụy, tiến hành thụ phấn nhân tạo bằng cách dùng chổi ni-lông quét vào bông nở lúc chiều tối, nhằm giúp trái phát triển tròn, đều. Sau đó tỉa bỏ bớt trái xấu để cây mang trái vừa đủ, chống cây suy và cho trái to. 04 tháng sau, vào khoảng tháng 11 đến tháng Chạp (âm lịch), sầu riêng cho thu hoạch, thương lái đến tại vườn mua với giá dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, tùy theo trái đẹp hay xấu, trừ chi phí nông dân thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/ha.

Năm 2021, thời tiết thất thường, ban ngày nắng nóng xen kẽ mưa vào ban đêm ảnh hưởng đến việc xử lý sầu riêng ra hoa nghịch vụ của nông dân địa phương. Nhiều hộ trồng sầu riêng trên địa bàn thị xã Cai Lậy có chung tâm trạng lo lắng, sầu riêng thất mùa, mất giá ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân, nhiều hộ đã dỡ màng ni-lông cho cây ra hoa mùa thuận hoặc chờ xử lý vụ nghịch năm sau.

Ông Nguyễn Văn Năm, ở ấp Phú An, xã Phú Quý cho biết: Năm 2019, thời tiết thuận lợi, ông xử lý 0,6 ha sầu riêng, 01 tháng cây ra bông đều, thu lợi nhuận 400 triệu đồng. Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết qua hơn 01 tháng xử lý, sầu riêng ra hoa không đạt yêu cầu so với năm 2019. Tương tự anh Nguyễn Văn Chính, ở ấp Mỹ Vĩnh, xã Long Khánh chia sẻ: Năm 2019, gia đình anh xử lý 0,5 ha sầu riêng nghịch vụ, lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Riêng năm nay, xử lý sầu riêng hơn 01 tháng cây không ra hoa, hoặc ra hoa không đều, do mưa nhiều vào ban đêm làm hư mầm hoa, đành phải chấp nhận cho cây ra hoa mùa thuận, hàng dội chợ, bán giá thấp là điều không tránh khỏi.

Năm 2021 là năm đầy thử thách đối với nông dân thị xã, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng vọt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến đầu ra nông sản, nhiều nông dân suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhất là sau đợt hạn, xâm nhập mặn năm 2020 làm nhiều diện tích sầu riêng bị chết và suy kiệt, nông dân tốn nhiều chi phí để trồng lại và chăm sóc cho cây phục hồi.

Trước diễn biến thất thường của thời tiết cũng như dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước nói chung và thị xã Cai Lậy nói riêng còn diễn biến phức tạp, nông dân thị xã Cai Lậy hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, cũng như Nhà nước có những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định giá vật tư nông nghiệp và hỗ trợ nông dân tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm. Có như vậỵ, nông dân mới an tâm sản xuất và nghề làm vườn mới thật sự phát triển bền vững.

Thảo Quyên

Nông dân trồng dưa hấu gặp khó do giá cả bấp bênh

Nguồn tin: Báo Long An

Thời điểm này, nông dân trồng dưa hấu tại các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa (tỉnh Long An) đang tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, so với đầu vụ, giá dưa hấu đang giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, nông dân trồng dưa hấu gặp nhiều khó khăn.

Tại huyện Mộc Hóa, những ngày gần đây, giá dưa hấu giảm mạnh. Theo nhiều người trồng dưa hấu, năm nay, dưa hấu được mùa hơn so với các năm trước nhưng giá lại khá bấp bênh. Hiện giá thu mua tại ruộng chỉ từ 3.500-3.800 đồng/kg.

Giá dưa hấu giảm, trong khi giá thuê nhân công thu hoạch dưa trên dưới 300.000 đồng/tấn. Anh Lê Thành Sự, ngụ xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, chia sẻ: “Gia đình trồng 2ha dưa hấu, thu hoạch được hơn 55 tấn. Với chi phí bỏ ra khoảng 80 triệu đồng/ha nhưng với giá bán sụt giảm như hiện nay, huề vốn đã là may mắn”.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa, toàn huyện có hơn 200ha dưa hấu, chủ yếu tập trung tại xã Bình Hòa Trung. Phần lớn diện tích dưa hấu đều do người từ nơi khác đến địa phương để thuê đất trồng. Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ dưa hấu rất khó khăn. Thương lái cũng chậm thu mua do khó vận chuyển đi xa.

Tình hình tiêu thụ dưa hấu khó khăn cũng diễn ra tại huyện Tân Hưng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vụ này, nông dân trên địa bàn huyện trồng trên 160ha dưa hấu, đã thu hoạch gần xong, năng suất trung bình 30 tấn/ha. Những diện tích thu hoạch ở đầu vụ bán được giá khá cao, từ 7.000-7.500đồng/kg, lợi nhuận trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, cuối vụ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá dưa hấu giảm mạnh, chỉ còn 3.000-3.500 đồng/kg. Nông dân thu hoạch dưa vào thời điểm này cầm chắc lỗ nặng vì không những bị thương lái ép giá mà nếu dưa chín để lâu không kịp bán thì sẽ bị hư.

Anh Võ Văn Tài, sản xuất 1,2ha dưa hấu ở xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, vừa thu hoạch được hơn 30 tấn, bán với giá 3.800 đồng/kg. Anh Tài bộc bạch: “Chi phí người dân bỏ ra cho 1kg dưa hấu khoảng 5.000 đồng. Nếu bán với giá thấp hơn 5.000 đồng/kg thì nông dân sẽ bị thua lỗ. Vụ này, mặc dù dưa đạt năng suất cao nhưng lại không được giá, gia đình tôi thua lỗ khoảng 40 triệu đồng”.

Chị Hường - thương lái chuyên thu mua dưa hấu ở huyện Tân Hưng, cho biết: "Thời điểm này rất khó tiêu thụ dưa hấu do không thể vận chuyển đi xa. Thương lái chúng tôi hiện giờ phải chia nhỏ số dưa thu mua được để giao cho bạn hàng bán ở các chợ tuyến huyện ở các tỉnh, thành lân cận; một số ít dưa lớn được tuyển chuyển ra tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc".

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng thông tin: Hiện nay, không chỉ riêng dưa hấu mà nhiều loại nông sản khác cũng rất bấp bênh đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều cần nhất hiện nay là nông dân nên chủ động nắm bắt thông tin, thay đổi phương thức sản xuất và tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật để giảm giá thành, tăng năng suất. Ngoài ra, nông dân cần quan tâm đẩy mạnh việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, bảo đảm uy tín và chất lượng để có đầu ra ổn định./.

Minh Tuệ

Thành phố Kon Tum: 15 xã, phường có bệnh khảm lá mì

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Đến ngày 10/7, đã có 15/21 xã, phường của thành phố Kon Tum xuất hiện bệnh khảm lá mì. UBND thành phố yêu cầu UBND các xã, phường tăng cường các biện pháp hỗ trợ bà con nông dân trừ bệnh.

Chính quyền thành phố Kon Tum khuyến cáo người dân cẩn trọng trong khâu chọn hom mì giống. Ảnh: HL

Đã có 333,12ha mì nhiễm bệnh khảm lá, trong đó, 279,32ha/14 xã, phường bị nhiễm bệnh ở mức nhẹ, gồm Đăk Năng (130ha), Kroong (34,5ha), Ia Chim (3,5ha), Đoàn Kết (29,5ha), Ngọc Bay (6 ha), Đăk Cấm (8,5ha), Nguyễn Trãi (5ha), Thống Nhất (13,12ha), Đăk Rơ Wa (1,8ha), Ngô Mây (10ha), Vinh Quang (15ha), Thắng Lợi (3ha), Quang Trung (0,7ha), Chư Hreng (14ha).

38ha/11 xã, phường bị nhiễm bệnh ở mức trung bình, gồm Đăk Năng (7ha), Kroong (21ha), Ia Chim (1ha), Đoàn Kết (0,5ha), Đăk Cấm (1,5ha), Nguyễn Trãi (1,5ha), Thống Nhất (0,2ha), Quang Trung (0,3ha), Chư Hreng (0,5ha), Hòa Bình (0,5ha), Vinh Quang (4ha).

15,8ha ở 6 xã, phường bị nhiễm ở mức nặng, trong đó Đăk Năng có 3ha, Kroong 9ha, Nguyễn Trãi 0,5ha, Ngọc Bay 2,2ha, Chư Hreng 0,5ha, Vinh Quang 0,6ha.

UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường vận động, hướng dẫn nhân dân phun thuốc trừ bọ phấn trắng; nhổ bỏ, thu gom, tiêu hủy toàn bộ cây mì ở diện tích nhiễm bệnh nặng; nhỏ bỏ, tiêu hủy cây mì bị bệnh ở diện tích nhiễm bệnh nhẹ. Tuyệt đối không vận chuyển cây mì ra khỏi địa bàn trong thời gian đang còn dịch bệnh; không lấy thân cây mì trong ruộng nhiễm bệnh để làm hom giống cho vụ sau.

Hồng Lam

Gừng đông lạnh Việt Nam bán 220.000 đồng/kg tại Australia

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Kim ngạch xuất khẩu gừng 4 tháng đầu năm 2021 sang thị trường Australia tăng trưởng 1.350%, vượt kim ngạch xuất khẩu một vài loại trái cây tươi.

Củ gừng Việt Nam bày bán tại siêu thị ở khu Haymarket, Sydney, Australia. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Australia

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gừng Việt Nam sang thị trường Australia tăng trưởng 1.350 % so với cùng kỳ, đạt hơn 348.000 USD.

Hiện nay, gừng đông lạnh Việt Nam không chỉ được bán tại siêu thị, cửa hàng tại Australia mà còn được bán online. Giá gừng Việt Nam đông lạnh tại Australia khoảng 9-13 AUD/kg (khoảng 220.000 đồng/kg).

"Gừng được đóng gói 0,5-1 kg chủ yếu phục vụ các nhà hàng. Chúng tôi đang đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu đóng gói nhỏ hơn khoảng 250 gram để phục nhu cầu tiêu thụ tại các gia đình", đại diện Thương vụ Australia cho biết.

Đối với mặt hàng gừng tươi Việt Nam, hiện nay, Australia chưa mở cửa thị trường. Trước đây, gừng đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang Australia với số lượng hạn chế, chưa được người tiêu dùng biết tới, trong khi sản phẩm gừng già đông lạnh Việt Nam giữ nguyên được hương vị, hoàn toàn có khả năng chinh phục thị trường.

Khảo sát thị trường Australia từ tháng 1/2021, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, mặt hàng gừng tươi có thời điểm lên đến hơn 50 AUD/kg (khoảng 850.000 đồng). Dựa vào kim ngạch nhập khẩu gừng của Australia, Thương vụ dự đoán, xuất khẩu gừng sang thị trường này năm 2021 có thể lên đến 100 tỷ đồng.

Chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản gia vị Việt Nam đang tiếp tục được Bộ Công Thương giao các thương vụ đẩy mạnh để khai thác dư địa thị trường. Riêng mặt hàng gừng, dù tăng trưởng với tốc độ 1.350% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ, nhưng thị phần gừng nhập khẩu tại Australia vẫn còn lớn. Do đó, việc thúc đẩy xuất khẩu gừng đông lạnh là hướng đi hiệu quả, không chỉ về mặt thị phần, kim ngạch mà quan trọng hơn là thuận lợi bảo quản, vận chuyển trong bối cảnh dịch COVID-19.

PT

Hiệu quả kinh tế từ trồng ngô sinh khối

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Tích cực đổi mới cây trồng, HTX Kiên Anh tại tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn đã đưa cây ngô sinh khối vào canh tác tại địa phương. Đây là giống cây cho năng suất, chất lượng thân lá cao, chuyên phục vụ chăn nuôi. Từ những vụ đầu tiên đã cho thấy hiệu quả kinh tế rất khả quan.

Bà con nông dân Sỹ Bình, huyện Bạch Thông thu hoạch cây ngô sinh khối đợt 1 năm 2021.

Ngoài trồng các giống ngô để lấy hạt, năm nay HTX Kiên Anh đã đưa vào trồng giống ngô sinh khối NK 7328 và cho hiệu quả kinh tế cao. Ưu điểm của cây ngô sinh khối là thích nghi, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để đạt hiệu kinh tế quả cao thì bà con phải trồng ở đất tơi xốp, dễ thoát nước, tránh nơi gió lớn. Thời gian sinh trưởng dao động từ 85 - 95 ngày sẽ cho thu hoạch đại trà, trong khi đó cây ngô truyền thống thời gian sinh trưởng lâu hơn khoảng 45 ngày.

Đại diện HTX cho biết, nếu chăm sóc tốt, cây ngô sinh khối đạt sản lượng từ 5,5 - 6,5 tấn/1.000m2, tương đương 55- 65 tấn/ha, nếu trồng 1 năm 3 vụ, ngô sinh khối có thể cho thu nhập khoảng 126 triệu đồng/ha/năm. Ưu điểm trồng ngô sinh khối, sau khi thu hoạch xong có thể tái đầu tư vụ mới, không phải mất công và chi phí làm cỏ, giảm chi phí cho các vụ sau. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, HTX Kiên Anh duy trì diện tích trồng 300ha ngô/năm, để đáp ứng nhu cầu đơn hàng 60 tấn/ngày, 1.800 tấn/tháng đã ký kết cung cấp thức ăn chăn nuôi vỗ béo bò úc cho các công ty, doanh nghiệp trong nước và tiến tới xuất khẩu thức ăn ủ chua cho đối tác của Nhật Bản.

Trong vụ ngô đầu tiên của năm 2021, HTX Kiên Anh triển khai liên kết với gần 50 hộ thực hiện mô hình tại 10 xã thuộc các huyện Chợ Mới, Bạch Thông và phường Xuất Hoá, thành phố Bắc Kạn. Tổng sản lượng ngô sinh khối đợt một năm 2021 đạt 247 tấn, tổng doanh thu đạt gần 250 triệu đồng, đóng góp vào ngân sách địa phương trên 20 triệu đồng. Bà con lần đầu tiên tham gia thực hiện mô hình trồng cây ngô sinh khối đã thấy hiệu quả kinh tế cao nên rất phấn khởi. Chị Hà Thị Diễm, thôn Ba Phường, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên gia đình tôi trồng cây ngô sinh khối. Thời gian thu hoạch loại ngô này ngắn hơn so với cây ngô lấy hạt. Cây ngô hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, giúp bà con tăng năng suất, xoá đói giảm nghèo hiệu quả. Được HTX Kiên Anh rất tạo điều kiện, cung cấp giống, phân, kỹ thuật chăm sóc và đến kỳ thu hoạch thì bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con, bà con rất phấn khởi”.

Theo đánh giá ban đầu, vụ ngô sinh khối đợt 1 năm 2021 của HTX Kiên Anh hiện mới đáp ứng được 15% đơn hàng trong 5 năm. Các vụ tiếp theo cần nhân rộng mô hình từ đợt 1, duy trì và phát triển mới đáp ứng được 100% nguồn hàng trong thời gian tới. HTX Kiên Anh sẽ phối hợp với các địa phương đặt xưởng băm, phay, ủ chua ngô tại chỗ, nhằm thu toàn bộ sản lượng của bà con khi tham gia sản xuất, đồng thời nâng cao giá trị sản lượng, giá trị kinh tế. Theo kế hoạch, những vụ tiếp theo, HTX Kiên Anh sẽ thu mua ngô sinh khối cho bà con với giá 700 đồng/kg tại địa điểm tập kết. Hiện, HTX đang xây dựng xưởng băm và ủ chua ngô tại tổ 1, phường Xuất Hóa (thành phố Bắc Kạn), dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 7/2021. Khi đó, giá thu mua ngô tại xưởng này sẽ đạt cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Chung- Giám đốc HTX Kiên Anh cho biết: “Quá trình sản xuất cây ngô sinh khối sẽ giúp tăng vụ, trong 1 năm bà con có thể sản xuất 3 vụ liên tục. Thu hoạch xong bà con giảm được chi phí ngày công, vì có thể làm đất và xuống giống và tái vụ ngay. Từ trồng ngô sinh khối, HTX Kiên Anh dự kiến sẽ sản xuất thức ăn ủ chua chăn nuôi phục vụ bà con trong tỉnh Bắc Kạn, thay thế cho cỏ voi và một số loại cỏ có năng suất và hàm lượng dinh dưỡng thấp; thực hiện chuỗi chăn nuôi theo hộ, nhóm hộ đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Cây ngô sinh khối là cây trồng mới và có nhiều ưu điểm, hiện đã và đang được trồng trên địa bàn tỉnh là hướng đi mới để người dân tham khảo, tham gia canh tác để phát triển kinh tế./.

Uý Thương

Gây dựng kinh tế gia đình từ nuôi gà J-Dabaco thả vườn

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Bắt đầu chăn nuôi gà từ năm 2010 nhưng khác với các hộ chăn nuôi ở địa phương, anh Trần Quang Tiến ở thôn 3, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn đầu tư mua giống gà J-Dabaco từ tỉnh Bắc Ninh về nuôi.

Lúc ấy, gà giống J-Dabaco một ngày tuổi có giá là 19.000 đồng/con, anh Tiến đầu tư nuôi vài trăm con/lứa. Hai năm sau, anh được gia đình cho gần 1.200 m2 đất để lập nghiệp, từ nguồn vốn tích lũy và vay mượn thêm, vợ chồng anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 1.000 con gà. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, kiến thức về thị trường nên đàn gà bị bệnh chết 1/3; số gà còn lại thì bán với giá thấp.

Nuôi 3 lứa gà liên tiếp thất bại, anh Tiến vẫn không nản chí. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, anh dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu thị trường và trau dồi kỹ thuật chăn nuôi. Sau gần một tháng cải tạo, vệ sinh chuồng trại, anh Tiến nuôi lứa gà mới với hơn 1.500 con. Nhờ chăm sóc tốt đàn gà sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, bán được giá, cho thu lãi gần 20 triệu đồng. Đây là động lực để anh mua thêm 2.000 m2 đất rẫy và tiếp tục tăng đàn lên 3.000 con gà vào các lứa tiếp theo. Từ năm 2018 đến nay, anh Tiến duy trì tổng đàn từ 3.000 – 4.000 con/lứa. Trung bình mỗi năm, gia đình anh cung ứng ra thị trường hơn 10 tấn gà thương phẩm, sau khi trừ chi phí có lãi gần 200 triệu đồng.

Anh Tiến chăm sóc đàn gà của gia đình.

Anh Tiến chia sẻ, giống gà J-Dabaco có ưu thế thuần nhất về giống và sự phát triển đồng đều về trọng lượng, giữ được chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon của gà ri truyền thống, mã đẹp. Nuôi khoảng 90 - 105 ngày, gà trống đạt trọng lượng từ 2,5 - 2,7 kg, gà mái trên 2 kg, thích hợp điều kiện chăn thả tự nhiên. Anh Tiến cho biết, hiện tại số lượng gà nuôi thương phẩm đều đạt trọng lượng từ 2,5 – 3 kg/con, xuất bán với giá ổn định là 65.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn nuôi 300 con gà đẻ lấy trứng cho thu hoạch khoảng 300 quả trứng/ngày.

Anh Tiến cho biết: “Để nuôi gà đạt hiệu quả, đầu tiên cần chọn giống gà chuẩn, sạch bệnh. Chuồng trại thông thoáng, mát vào mùa hè, khô ráo vào mùa mưa. Cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gà, tích cực kiểm tra để kịp thời loại bỏ, cách ly những con bị bệnh, tránh lây chéo trong đàn. Đặc biệt, cần thường xuyên vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh; thực hiện nghiêm quy trình nhập gà giống và xuất bán cả đàn cùng lúc để thuận tiện cho việc phòng, chống dịch bệnh”.

Thời gian tới, anh Tiến dự định sẽ mở rộng chuồng trại và tăng số lượng đàn gà lên 4.000 - 5.000 con/lứa và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đoàn Dũng

Thành phố Kon Tum: 1.540 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum, đến thời điểm hiện tại, thành phố Kon Tum có 1.540 con bò của 850 hộ dân ở 87 thôn tại 19 xã, phường trên địa bàn bị mắc bệnh viêm da nổi cục.

Lực lượng chức năng tiêu hủy bò chết vì bệnh viêm da nổi cục ở xã Đăk Cấm. Ảnh: ĐT

Ghi nhận của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum, một số địa phương có số lượng lớn bò mắc bệnh viêm da nổi cục, gồm xã Ngọc Bay (280 con), xã Ia Chim (264 con), xã Vinh Quang (225 con), xã Đăk Năng (186 con)…

Trong số 1.540 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục, có 563 con được chữa khỏi, 917 con đang điều trị và 60 con bị chết đã tiêu hủy.

Đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum đã triển khai tiêm 6.500 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò và cung cấp 286 lọ hóa chất diệt ruồi cho 12/20 xã, phường trên địa bàn thành phố (phường Quyết Thắng không có hộ chăn nuôi trâu, bò).

Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tiêm 7.925 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò và cung cấp 410 lọ hóa chất diệt ruồi cho 8 xã, phường còn lại để hoàn thành việc tiêm 14.425 liều vắc xin và cung cấp 696 lọ hóa chất diệt ruồi như kế hoạch đề ra, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn thành phố; đồng thời, tăng cường hỗ trợ các hộ dân điều trị các con bò bị mắc bệnh và thực hiện việc tiêu hủy, chôn lấp bò chết theo quy định.

Đức Thành

Giá lợn hơi giảm mạnh, thấp nhất 53.000 đồng/kg

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 12-7, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước giảm mạnh, trong đó, tại miền Bắc, giá dao động trong khoảng 59.000-64.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi giảm mạnh, thấp nhất 53.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại các tỉnh: Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Yên Bái, giá lợn hơi đồng loạt giảm mạnh 6.000 đồng/kg so với hôm qua, đang có giá thấp nhất khu vực là 59.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, giá lợn hơi giảm 5.000 đồng/kg, xuống còn 61.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Thái Nguyên, giá lợn hơi giảm 1.000-3.000 đồng/kg, xuống còn 61.000 đồng/kg...

Còn tại miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm 5.000-6.000 đồng/kg, hiện các thương lái thu mua trong khoảng 57.000-65.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng giảm mạnh 5.000 đồng/kg so với hôm qua, được các thương lái thu mua dao động trong khoảng 53.000-62.000 đồng/kg.

Theo các chủ trang trại, giá lợn hơi giảm mạnh trong mấy ngày qua do thị trường tiêu thụ chậm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động ăn uống và du lịch bị giới hạn trong khi nguồn cung bảo đảm vì người chăn nuôi dần hồi phục đàn vật nuôi; việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi.

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao, nếu giá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh thì chăn nuôi nông hộ sẽ khó khăn vì lợi nhuận thấp.

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop