Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 10 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 10 năm 2021

 

Kon Tum: Tăng cường gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

Nguồn tin:  Báo Kon Tum

Thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản và bước đầu đã gặt hái được kết quả tích cực. Song để “gỡ nút thắt” đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi một số nông sản chủ lực của tỉnh Kon Tum sắp bước vào vụ thu hoạch chính vẫn cần những giải pháp quyết liệt hơn.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi khiến cho nhiều chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bị đứt gẫy. Việc tiêu thụ nông sản của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng vì thế gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm sâu.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất trong đợt dịch thứ 4 này, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vấp phải những trở ngại như việc ký kết các hợp đồng mua bán nông sản, thủ tục xuất khẩu sang các nước gặp khó khăn, thời gian thông quan kéo dài làm gia tăng chi phí; sức tiêu thụ chậm, không tìm được đầu ra khiến sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng nhiều, giá cả nhiều mặt hàng giảm sâu. Trong khi đó, nhân công lao động thiếu hụt, giá vật tư sản xuất liên tục tăng (mức tăng từ 10-40%) từ đầu năm đến nay, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao…

Cá thương phẩm cũng là một trong những mặt hàng gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: TH

Trước tình hình đó, để góp phần tháo gỡ khó khăn, ngày 26/7, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 650/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong điều kiện dịch Covid-19. Hơn 2 tháng qua, Tổ công tác đã tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, vận chuyển, cung ứng, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19. Tổ công tác cũng kết nối thường xuyên với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm ở các tỉnh phía Nam cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả, Tổ công tác đã kết nối cho Công ty TNHH MTV Gia Bạch thực hiện 2 chuyến bán hàng lương thực, thực phẩm dưới dạng combo vào tiêu thụ tại tỉnh Bình Dương với tổng sản lượng khoảng 25 tấn, bao gồm 20 tấn rau, củ, quả, trái cây; 2 tấn thịt và 3 tấn cá; góp phần giúp người dân tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, thông qua kênh thông tin của Tổ công tác có 23 sản phẩm của 9 doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký thành công tiêu thụ sản phẩm trên trang tin kết nối cung cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị bán lẻ như Siêu thị Co.op Mart Kon Tum cũng chủ động thu mua và bán với mức giá bình ổn đối với một số loại nông sản thời vụ bị ùn ứ như dưa hấu, bí đỏ…

Sắp tới, Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm có khoảng 10.000 tấn chuối tươi cần được kết nối tiêu thụ. Ảnh: T.H

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện tại, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất lớn vẫn còn tồn sản lượng hàng hóa lớn như Công ty TNHH Cà phê Nguyên Huy Hùng còn tồn khoảng 15 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan, 150 tấn cà phê nhân; Hợp tác xã nông nghiệp thương mại và dịch vụ Sáu Nhung tồn khoảng 2 tấn sản phẩm cà phê hòa tan, 1 tấn tinh chất cà phê; Công ty TNHH Tá Tiến còn khoảng 500 tấn cá nước ngọt nuôi lồng bè chưa có đầu mối tiêu thụ. Một số hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể cũng tồn đọng khoảng 10-15 tấn măng khô, măng muối…

Các tháng cuối năm, tỉnh ta sẽ bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, lúa, bắp...Ước tính sản lượng cà phê năm 2021 khoảng 66.800 tấn, lúa khoảng 59.700 tấn, bắp khoảng 22.800 tấn, cao su khoảng 97.600 tấn. Ngoài ra, một số đơn vị sản xuất cũng có sản lượng thu hoạch tương đối lớn như: Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Nghĩa Phát dự kiến thu hoạch 1.000-1.500 tấn mít Thái; Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm khoảng 10.000 tấn chuối tươi (chủ yếu là giống chuối tiêu hồng)…cần được kết nối để tiêu thụ.

Vì vậy, các hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như thời gian qua cần tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh hơn nữa để gỡ “nút thắt” về đầu ra cho nông sản. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Thiên Hương

Giá dừa khô tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Do nhu cầu tăng và hoạt động thu mua được đẩy mạnh, giá dừa khô nguyên liệu tại tỉnh Bến Tre tăng từ 15.000-20.000 đồng/chục (12 trái) so với cách nay hơn 1 tháng.

Sơ chế cơm dừa tại một cơ sở chế biến dừa ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre (ảnh chụp hồi tháng 6-2021).

Hiện dừa khô nguyên liệu loại 1 đang được tiểu thương, doanh nghiệp và vựa dừa trong tỉnh thu mua với giá 100.000-105.000 đồng/chục, trong khi trước đây giá chỉ 80.000-90.000 đồng/chục. Còn giá dừa khô được thương lái thu mua xô ngay tại vườn ở mức 80.000-90.000 đồng/chục (thương lái tự bẻ dừa). Riêng dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ hiện được doanh nghiệp bao tiêu, thu mua dừa khô của nông dân với giá 110.000 đồng/chục. Giá dừa khô tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng và thời điểm này nhiều vườn dừa cho ít trái vì thời gian qua ảnh hưởng bởi sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất lợi, không được chăm sóc tốt. Sau khi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến dừa xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre đã mở cửa hoạt động trở lại. Thời điểm này, đơn vị, doanh nghiệp đang tích cực thu mua dừa khô nguyên liệu để chế biến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022. Dự báo giá dừa khô khả năng còn tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian tới.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Bưởi da xanh VietGAP giá bán cao hơn thị trường

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hợp tác xã Tiến Nông, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), có 22 thành viên với trên 37ha chuyên sản xuất bưởi da xanh. HTX được thành lập mới 2 năm, sản xuất theo quy trình VietGAP, được Công ty TNHH Công nghệ NHONHO công nhận với diện tích gần 22ha từ năm 2020.

Ông Đặng Văn Út đã và đang chuẩn bị nhiều đợt trái bưởi rải vụ để có hàng cung ứng quanh năm nên giá cả luôn cao hơn so với thị trường bên ngoài.

Hiện nay, bưởi của HTX đã được 5 năm tuổi, cho trái 2 năm. Nhiều thành viên HTX đã tổ chức cho trái rải vụ để đều đặn cung cấp hàng hóa cho thị trường. Vì thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo chuẩn VietGAP nên sản phẩm bưởi da xanh của HTX khi tiêu thụ luôn có giá cao hơn với bên ngoài thị trường. Hiện nay, HTX đã cho trái rải vụ và chuẩn bị sẵn lượng hàng lớn cho dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Giá bán ngoài thị trường từ 35.000-40.000 đồng/kg. Ông Đặng Văn Út, Phó Giám đốc HTX Tiến Nông, thông tin: Đa số sản phẩm của HTX chỉ cung ứng cho khách hàng sử dụng với mục tiêu làm quà biếu, hoặc đóng thùng đi thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, giá cả luôn cao hơn so với thị trường khoảng 5.000-10.000 đồng/kg.

Tin, ảnh: TRÚC LINH

Để cây hồng không hạt phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Khi tiết trời vào thu cũng là lúc các nhà vườn ở Chợ Đồn, Ba Bể… (tỉnh Bắc Kạn) bận rộn thu hoạch quả hồng không hạt. Thời điểm hiện nay đang là chính vụ, tuy nhiên do bệnh thán thư gây hại nên năng suất không cao.

Là loại quả đặc sản được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nức tiếng thơm, ngon, giòn, ngọt nên hồng không hạt Bắc Kạn luôn thiếu hàng, được giá. Nhận thấy, đây là loại quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp, thúc đẩy phát triển loại cây ăn quả này.

Người dân xã Quảng Bạch thu hoạch hồng không hạt. (Ảnh: Thu Trang)

Từ năm 2005 đến năm 2010, Sở Khoa học – Công nghệ Bắc Kạn đã phát triển dự án trồng hồng không hạt tại xã Nam Cường (Chợ Đồn). Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ vốn, cây giống, đưa cây hồng không hạt vào trồng nhiều ở các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn... Đến nay, hồng không hạt đã được nhân rộng và trở thành cây đặc sản của địa phương, có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chính có tiềm năng mở rộng và phát triển.

Để phát triển hơn nữa diện tích hồng không hạt, tỉnh đã quy hoạch hồng không hạt là cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Sau nhiều giai đoạn nỗ lực phát triển, đến nay cây hồng không hạt đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa các xã Quảng Khê, Khang Ninh, Địa Linh, Hà Hiệu (Ba Bể); Quảng Bạch, Đồng Lạc, Ngọc Phái, Nam Cường (Chợ Đồn)… Sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, trở thành đặc sản, có thương hiệu nổi tiếng, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh, tổng diện tích hồng không hạt hiện có 747ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 467ha. Diện tích đã được đầu tư thâm canh 55ha; diện tích được chứng nhận VietGAP 7ha; diện tích trồng mới năm 2021 là 44ha.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Văn Lợi- Giám đốc HTX Đồng Lợi, xã Quảng Khê (Ba Bể) cho biết: HTX có 12 thành viên trồng hồng không hạt. Toàn xã có khoảng 31ha hồng đã cho thu hoạch, tuy nhiên năm nay cây hồng mắc bệnh thán thư gây rụng quả non, huyện đã hỗ trợ 50% kinh phí (khoảng 500 triệu đồng) để chữa trị nhưng không khỏi nên quả nhỏ, năng suất rất thấp chỉ đạt khoảng 30 đến 40% so với những năm trước.

Tại huyện Chợ Đồn, xã Quảng Bạch được coi là vùng hồng không hạt, với tổng diện tích 41ha. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, bệnh thán thư gây hại hiện chưa có biện pháp chữa trị hiệu quả, khiến cho năng suất, chất lượng hồng năm nay giảm đáng kể. Phòng NN&PTNT huyện Chợ Đồn đã thí điểm mô hình đưa một số loại phân bón, chế phẩm sinh học để xử lý bệnh trên cây hồng không hạt.

Ông Nông Đình Khuê- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh cho biết: Đây là bệnh rất khó chữa, nguy cơ lây lan rất cao. Hiện nay, Viện BVTV Trung ương phối hợp với Chi cục BVTV Bắc Kạn đang thực hiện dự án chữa loại bệnh này. Tuy nhiên, người trồng hồng cần phải tuân thủ đúng quy trình của dự án, nhất là hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, tỉa cành lá, phun diệt trừ sâu đúng thời điểm…

Ðể nâng cao chất lượng, tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ kỹ thuật thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, ngành chuyên môn để đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, trồng cây mới thay thế diện tích cây già cỗi. Nhiều huyện sử dụng các nguồn vốn 30a, 135 hỗ trợ cây giống bảo đảm chất lượng cho người dân…

Thực tế cho thấy, hồng không hạt chưa bao giờ đủ bán nên việc tiếp tục mở rộng là cần thiết. Tuy nhiên, để phát triển thành chuỗi giá trị, các cấp, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ nguồn giống, đảm bảo chất lượng giống từ cây đầu dòng. Tránh tình trạng sử dụng nguồn giống trôi nổi du nhập ở vùng khác đem về trồng hoặc nhân giống thường bằng phương pháp ghép với cây gốc. Đồng thời, phổ biến để người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình chăm sóc tránh hiện tượng thoái hóa.

Những khó khăn về nguồn gốc giống hồng không hạt và bệnh thán thư cần được ngành chức năng kiểm soát hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển loại cây ăn quả đặc sản này một cách bền vững./.

P – Q

Long Phú (Sóc Trăng): Nông dân sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu hiện nay. Với mục đích nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo ra lợi thế cạnh tranh, nông dân huyện Long Phú (Sóc Trăng) sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất lúa.

Long Phú là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, cây trồng chủ lực là lúa với diện tích sản xuất hàng năm khoảng 36.600 ha, ước tổng sản lượng lúa hơn 185.700 tấn, trong đó, lúa đặc sản, lúa thơm chiếm tỷ lệ 53% tổng sản lượng lúa. Hệ thống thủy lợi, cống, đập, đê bao, trạm bơm trên địa bàn huyện được đầu tư khá hoàn chỉnh, đảm bảo phục vụ hơn 90% diện tích lúa được tưới tiêu chủ động. Thời gian qua, nông dân trong huyện, nhất là các tổ hợp tác, hợp tác xã đã ứng dụng dụng cơ giới hóa khá tốt ở một số khâu như làm đất, bón phân, thu hoạch, cấy, sạ… Tuy nhiên, ở khâu phun thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn sử dụng sức người để mang vác, làm hiệu suất lao động thấp và không an toàn cho người. Thực trạng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị đã làm lực lượng lao động phục vụ nông nghiệp ngày càng ít. Mặt khác, sâu rầy hại lúa ngày càng tăng, nhu cầu phun thuốc phòng trừ ngày càng lớn. Do đó, đòi hỏi cần đưa máy bay vào phun thuốc để giải quyết thực trạng này. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Long Phú, có một số tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp và một số hộ nông dân đã mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty ADC đưa máy bay vào phun thuốc bảo vệ thực vật cho đồng ruộng của mình, với chi phí thuê phun 200 ngàn đồng/ha.

Nông dân ký hợp đồng với Công ty ADC sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Võ Văn Phúc - Giám đốc hợp tác xã Thành Công, xã Phú Hữu cho biết: “Đã hơn 3 năm nay, hợp tác xã đã ký hợp đồng với Công ty ADC bao tiêu đầu vào, đầu ra sản phẩm, đặc biệt là hợp đồng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, ban đầu bà con thành viên hợp tác xã còn e ngại, nhưng khi tìm hiểu thực tế, bà con mới tin và thuê máy bay phun thuốc. Chi phí thuê máy bay phun thuốc bằng chi phí phun bằng tay, nhưng thời gian phun nhanh hơn, chủ động hơn, nhất là vụ hè thu mưa nhiều, phun bằng máy bay với công nghệ ly tâm, thuốc ra mịn, bám đều lá lúa hơn, không bị hao hụt thuốc. Sử dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật diệt sâu rầy hiệu quả hơn”.

Sóc Ca

ĐBSCL: Nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống 80 kg/ha có kết quả tốt

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nhiều địa phương giảm lượng giống gieo sạ đem lại hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp- PTNT tại lễ Phát động chương trình giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha và văn bản về giảm lượng giống gieo sạ, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều triển khai thực hiện giảm lượng giống gieo sạ.

Kết quả lúa gieo sạ dưới 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực, lượng giống gieo sạ trên 50 kg/ha có chiều hướng giảm, xu hướng 120- 130 kg/ha đang được triển khai nhiều tại các tỉnh.

Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang được nhân rộng. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa giúp việc giảm lượng giống lúa gieo sạ được thực hiện tốt hơn.

Tại Vĩnh Long, ngành nông nghiệp cũng tăng cường khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ, giảm lượng giống gieo sạ, xuống giống đồng loạt, áp dụng khoa học kỹ thuật, thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh, phòng chống thiên tai nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra.

Tuy nhiên, vẫn còn biến động rất lớn về lượng giống gieo sạ giữa các tỉnh và các vụ sản xuất trong năm.

Đồng thời, vẫn còn một số yếu tố hạn chế làm chậm việc thực hiện giảm lượng giống lúa gieo sạ, như: số lượng máy cấy lúa còn ít do chi phí đầu tư cao; diện tích ruộng lúa chưa bằng phẳng nên việc ứng dụng máy cấy lúa còn gặp nhiều khó khăn.

Một số đối tượng gây hại (chim, chuột, ốc bươu vàng,...) làm giảm tỷ lệ nảy mầm và cắn phá cây con làm tăng thêm chi phí công tỉa giặm và độ đồng đều của ruộng lúa.

Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm lượng giống gieo sạ ở ĐBSCL song song với nâng cao việc sản xuất và cung ứng giống lúa cấp xác nhận cho sản xuất.

Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG

Phát triển vùng rau ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Long An

Xác định ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất là góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, các địa phương có thế mạnh về trồng rau trong tỉnh Long An tích cực triển khai các giải pháp, trong đó tập trung quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ. Nhờ đó, các vùng rau ƯDCNC đã từng bước được hình thành, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích canh tác.

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho nông dân

Nhiều tín hiệu khả quan

Những năm gần đây, huyện Cần Giuộc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ƯDCNC, bền vững, an toàn thực phẩm; phát triển vùng trồng rau ƯDCNC theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, toàn huyện có trên 1.000ha rau ƯDCNC ở các xã: Phước Hậu, Phước Lý, Mỹ Lộc, Long Thượng,... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Nhờ chú trọng công tác phối hợp các sở, ngành trong xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản, tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất nên các sản phẩm rau của huyện đã dần xây dựng được thương hiệu. Theo đó, thu nhập của nông dân tăng đáng kể. Nông sản của huyện được tiêu thụ rộng rãi, góp phần vào việc phát triển KT-XH cũng như mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân”.

Tại huyện Cần Đước, những năm qua, diện tích rau được duy trì ổn định trên 600ha/vụ; năng suất ước đạt gần 16-18 tấn/ha, tập trung tại 6 xã: Phước Vân, Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Mỹ Lệ, Tân Trạch. Trong đó, xã Long Khê được xem là vùng rau lớn nhất của huyện với trên 160ha. Nơi đây chủ yếu trồng các loại như xà lách, rau muống, cải, rau thơm,... cung cấp cho các chợ đầu mối, thương lái trong và ngoài huyện.

Chị Nguyễn Thị Thủy (ấp 4, xã Long Khê) có 0,4ha rau, chia sẻ: “Trước đây, người dân đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn, nước tưới cũng không đủ để sản xuất với quy mô lớn, rau bị hư hỏng một phần do khó vận chuyển. Bây giờ, việc vận chuyển, tiêu thụ thuận lợi hơn nhiều, nông dân ƯDCNC vào sản xuất nên năng suất, chất lượng nông sản cao hơn trước”.

Hạ tầng nông thôn được nâng cấp, tạo điều kiện phát triển vùng rau ứng dụng công nghệ cao

Chú trọng xây dựng hạ tầng nông nghiệp

Chủ tịch UBND xã Long Khê - Bùi Thanh Sang cho biết: “Các công trình giao thông phục vụ sản xuất và phát triển vùng rau luôn được xã và huyện quan tâm. Hầu hết các tuyến đường đều đã được mở rộng lên 4m và được cứng hóa, bêtông hóa để thuận tiện cho việc giao thương. Các công trình thủy lợi nội đồng cũng được quan tâm đầu tư, cung cấp đủ nguồn nước tưới. Qua đó, nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích rau ƯDCNC, mang lại hiệu quả kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của xã đạt trên 57 triệu đồng/năm”.

Còn tại huyện Cần Giuộc, công tác xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Qua đó, nông dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành các cống đầu mối điều tiết nước, xổ xả nước ô nhiễm nội đồng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đồng thời, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao trên địa bàn huyện, bảo vệ các công trình thủy lợi, chống triều cường và xâm nhập mặn.

Trong năm nay, huyện tiếp tục triển khai xây dựng các công trình thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, gồm 1 công trình chuyển tiếp và 19 công trình mới với tổng vốn đầu tư trên 9.100 tỉ đồng. Hầu hết các công trình đều đã thi công 40-90% khối lượng. Ông Đặng Văn Tổng (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Những năm gần đây, hệ thống giao thông, thủy lợi của địa phương được nâng cấp, người dân có thể đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Nguồn nước phục vụ sản xuất cũng được bảo đảm. Nông dân rất phấn khởi, mở rộng diện tích canh tác, xây dựng nhà lưới và lắp đặt hệ thống tưới tự động để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn”.

Những kết quả trên cho thấy việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp thông qua việc ban hành thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp chính quyền các địa phương lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn và huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn./.

Bùi Tùng - Kim Thoa

Thái Nguyên: Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng, giá bán giảm

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Do giá thịt lợn giảm, giá cám tăng nên gia đình chị Ngô Thị Quyến, ở xóm Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình), chỉ nuôi cầm chừng 10 con lợn.

9 tháng qua, sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh Thái Nguyên ước đạt 120,4 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, thịt gia cầm đạt 46 nghìn tấn, tăng 10,6%; thịt lợn đạt 65,7 nghìn tấn, tăng 3,5%; thịt trâu khoảng 3,7 nghìn tấn, tăng 5,3% và thịt hơi khoảng 4,9 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc vận chuyển, tiêu thụ các mặt hàng gặp khó nên giá bán sản phẩm chăn nuôi cũng giảm mạnh. Cụ thể, giá bán thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh hiện dao động ở mức 40-42 nghìn đồng/kg, giá bán gà lông màu 50-55 nghìn đồng/kg còn gà lông trắng từ 30-32 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi lại giảm mạnh khiến nhiều hộ thua lỗ, phải cắt giảm đàn và tận dụng các loại thức ăn như: Cám gạo, ngô, sắn... để giảm chi phí sản xuất.

Khánh Thiện

Quảng Trị: Hiệu quả từ chăn nuôi vịt trên sàn lưới tại Hướng Hóa

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Những năm gần đây, bên cạnh cách nuôi vịt truyền thống như chăn thả trên đồng hay ao hồ, hiện nay nhiều nông dân ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) mạnh dạn áp dụng hình thức chăn nuôi vịt trên sàn lưới. Cách làm mới này đang phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh vừa tăng năng suất cho các hộ nông dân tại đây.

Mô hình nuôi vịt trên sàn lưới của gia đình anh Hoàng Hà, thôn Long Quy, xã Tân Long, Hướng Hóa - Ảnh: B.L

Gia đình anh Hoàng Hà ở thôn Long Quy là một trong những hộ chăn nuôi vịt quy mô lớn tại xã Tân Long. Trước đây, anh Hà chủ yếu nuôi vịt theo mô hình chạy đồng truyền thống, vừa tốn công chăm sóc mà nguy cơ dịch bệnh cao. Hơn một năm trở lại đây, anh Hà đầu tư nuôi vịt siêu thịt trên sàn lưới. Bước đầu mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định. Khác với mô hình nuôi vịt chạy đồng truyền thống, mô hình nuôi vịt cạn của anh Hà đang được thực hiện là nuôi trên sàn làm bằng sắt và trải lưới mắt cáo lên trên. Sàn nuôi vịt được giăng lưới trên hệ thống đà vững chắc cao trên 50 cm so với mặt sàn xi măng, trên mặt sàn căng lưới mềm chuyên dùng cho chăn nuôi. Ngoài diện tích nhỏ cho vịt phơi nắng, phía trên sàn lưới có mái che mưa cao và thoáng gió.

Theo anh Hà, cách làm này giúp vịt sống trong môi trường thoáng mát và không tồn đọng phân vịt, nhờ vậy sẽ hạn chế được dịch bệnh. Giống vịt gia đình anh đang nuôi là giống vịt siêu thịt, có thời gian nuôi từ 50 - 60 ngày, trọng lượng mỗi con đến khi xuất bán đạt trung bình từ 2-3kg, theo giá thị trường hiện nay khoảng 35 - 40 ngàn đồng/kg. Với quy mô hơn 3 ngàn con, cùng với chu kỳ nuôi ngắn, mỗi năm anh Hà xuất ra thị trường hơn 12 ngàn con vịt, hằng năm gia đình anh có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng. Anh Hà chia sẻ thêm: “Trước đây tôi nuôi vịt trên cạn thì hay bị dịch bệnh, không mang lại hiệu quả. Sau khi áp dụng phương pháp nuôi vịt trên sàn lưới thì vịt đã ít bị bệnh rõ rệt, ít hao hụt nên mang lại hiệu quả cao. Với mô hình nuôi vịt trên sàn lưới thì vốn đầu tư ban đầu nhiều nhưng do chăn nuôi quay vòng nhanh, ít tốn công chăm sóc và vịt lớn nhanh, khấu hao thấp, mức lãi cao nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”.

Ngoài mô hình của anh Hoàng Hà, hiện tại trên địa bàn xã Tân Long có 3 trang trại chăn nuôi vịt trên sàn lưới với hơn 10.000 con. Sau hơn 2 năm áp dụng hình thức chăn nuôi này có thể nhận thấy đây là mô hình nuôi mới với hình thức nuôi khép kín, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đem lại năng suất cao. Hiện tại xã Tân Long cũng như một số địa phương tại huyện Hướng Hóa đang xây dựng chính sách khuyến khích người nuôi vịt trên địa bàn xã nuôi vịt trên sàn lưới để giúp người dân tận dụng địa hình đất dốc nhằm tăng thu nhập trên những vùng đất trũng, khó canh tác. Đặc biệt, mô hình nuôi vịt trên sàn lưới được nhiều hộ gia đình thử nghiệm thành công đang mở ra hướng chăn nuôi mới, bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống, có thu nhập cao.

Ông Nguyễn Triệu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho hay: Trong thời điểm người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng như COVID-19 đang có diễn biến phức tạp thì đây là mô hình, cách làm hay, góp phần ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với địa phương thì chăn nuôi vịt trên sàn lưới là mô hình mới với hình thức nuôi khép kín, không gây ô nhiễm môi trường, đem lại năng suất cao. Với những hiệu quả bước đầu mang lại, thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích người nuôi vịt trên địa bàn xã nuôi theo hình thức này để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng thực phẩm trong chăn nuôi”.

Ưu điểm của nuôi vịt trên sàn lưới là cần ít diện tích mặt bằng, ít tốn công chăm sóc, dễ quản lý và vịt lớn nhanh, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình chăn nuôi này có hiệu quả, người chăn nuôi cũng cần tìm hiểu kỹ kiến thức chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và cần tìm được đầu ra ổn định.

Bích Liên

Tạo chuỗi liên kết trong chăn nuôi để phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Để gỡ khó cho người nông dân, các sở, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu vẫn sản xuất, chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ như hiện nay.

Nhiều trang trại nuôi gia công vẫn có thu nhập tương đối ổn định dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Vào khoảng tháng 8, tháng 9, gà công nghiệp rớt giá kỷ lục, chỉ còn 8.000 đồng/kg, trong khi đó, chi phí sản xuất ước 30.000 đồng/kg, nhiều gia trại phải bán với giá rẻ để thu hồi vốn.

Anh Đặng Đình Đông, ngụ ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 500 con vịt lúa của gia đình dù đến lứa nhưng không thể xuất bán vì không có thương lái đến thu mua. Anh phải bán rẻ cho người dân với giá 30.000 – 33.000 đồng/kg để thu hồi vốn. “Vụ này tôi lỗ hàng trăm triệu đồng nên tới giờ chưa xác định có nuôi vịt lại hay không"- anh Đông nói.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, tiêu thụ gia súc, gia cầm cho người dân. Trước tình hình này, Tây Ninh nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị trong và tỉnh, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã tiêu thụ được lượng gia súc, gia cầm nhất định. Tuy vậy, số gia súc, gia cầm đã tiêu thụ được còn khiêm tốn so với lượng do nông dân chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Vừa rồi, một số doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi phải tiêu huỷ phần lớn đàn gà vì không tiêu thụ được; còn trứng ấp con giống cũng bán với giá trứng thực phẩm. Việc xuất bán trứng gà ấp sẽ làm giảm quy mô đàn nuôi và có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung khi thị trường mở cửa trở lại.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, nhưng tình hình dịch ở các tỉnh lân cận còn diễn biến phức tạp; lượng heo tồn trong dân quá lớn khiến giá heo hơi “rơi tự do”, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng khiến người dân bị lỗ. Một số chủ trang trại chăn nuôi tại huyện Dương Minh Châu cho biết giá heo hơi hiện nay dao động từ 40.000 – 42.000 đồng/kg, và có thể tiếp tục giảm do số lượng heo quá lứa xuất chuồng còn lớn.

Tại các trang trại nuôi gia công, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, doanh nghiệp, dù gặp khó khăn khi chi phí sản xuất, vận chuyển tăng gấp 3-4 lần, nhưng người chăn nuôi không bị lỗ quá nhiều.

Theo anh Phạm Lê Tâm, ngụ xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên - nuôi gia công gà công nghiệp cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, khi nuôi gia công, công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc… người nuôi chỉ làm theo các quy trình chăn nuôi do công ty quy định. Đến lứa xuất chuồng, công ty sẽ cho người đến cân; những rủi ro về giá cả hay thiệt hại về thức ăn do gà quá lứa mà chưa xuất bán thì người chăn nuôi không phải chịu. Điều này giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định hơn, giảm rủi ro.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, người dân có thể đầu tư xây chuồng trại, chăn nuôi số lượng lớn, nhưng chưa tính đến đầu ra tiêu thụ như thấ nào. Việc nuôi gia công cho các doanh nghiệp cũng là một dạng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, vì người chăn nuôi không lo bị lỗ, giá thu mua được ký hợp đồng từ ban đầu.

Vì thế, giải pháp chăn nuôi theo chuỗi, có sự liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp để cung cấp lượng hàng ổn định, bảo đảm chuỗi cung ứng theo nhu cầu thị trường sẽ hạn chế được rủi ro so với việc chăn nuôi cá thể.

Vũ Nguyệt

Hiếu Giang tỏng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop