Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 8 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 8 năm 2024

 

Giống mãng cầu ta Tây Ninh được công nhận lưu hành đặc cách giống

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Mãng cầu (na) là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tây Ninh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước với trên 5.600 ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 5.100 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường ước gần 75.000 tấn/năm, năng suất bình quân 145 tấn/ha.

 

 

Nông dân bao trái mãng cầu.

Trên địa bàn tỉnh có 8 xã có chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Đen, tập trung tại xã Suối Đá, xã Phan, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); xã Thạnh Tân, xã Tân Bình, phường Ninh Thạnh, phường Ninh Sơn (thành phố Tây Ninh).

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay có 4 nhóm giống mãng cầu ta được trồng phổ biến, tuy nhiên, chỉ có nhóm giống mãng cầu dai là được người dân ưa chuộng do có năng suất cao, chất lượng tốt có khả năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mãng cầu ta có thể nhân giống vô tính và hữu tính.

Biện pháp nhân giống bằng hạt vẫn được người dân áp dụng rộng rãi do chi phí thấp, cây trồng từ hạt có độ đồng đều tương đối; biện pháp ghép ít được áp dụng do khó làm, chi phí cao.

Tuy nhiên, vườn mãng cầu trồng bằng cây nhân giống vô tính cần được quan tâm nhằm tạo vườn cây thuần giống giúp ổn định năng suất, phẩm chất tốt, đồng đều, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Nhằm bảo tồn và phát triển giống cây mãng cầu bản địa có giá trị kinh tế cao, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen, góp phần phát triển thương hiệu mãng cầu Tây Ninh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các thủ tục đăng ký công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng đối với giống mãng cầu ta của tỉnh.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có quyết định công nhận lưu hành đặc cách đối với giống mãng cầu ta của tỉnh, mã số lưu hành trên toàn quốc là CNLH.2024.76.

Theo Sở NN&PTNT, đây là bước tiến mới trong phát triển giống của Tây Ninh, tạo ra cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mãng cầu.

Đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh giống mãng cầu bản địa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của giống, bảo đảm chất lượng nguồn giống từ địa phương.

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống cũng như sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm trái mãng cầu Tây Ninh, Sở NN&PTNT đề nghị các tổ chức, cá nhân trồng và sản xuất giống mãng cầu đã được cấp Quyết định bảo hộ giống cây trồng cần tiếp tục áp dụng tốt các quy trình sản xuất như: chương trình quản lý dịch hại IPM, ICM; quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để bảo tồn, nhân giống, cải thiện giống cây mãng cầu mang lại hiệu quả, chất lượng cao hơn.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây mãng cầu ta trên địa bàn tỉnh liên hệ Sở NN&PTNT để được hỗ trợ, cấp uỷ quyền kinh doanh đối với giống cây mãng cầu đã được cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách.

Giang Hà

 

Ninh Thuận: Nông dân xã Phước Bình có thu nhập cao từ trồng cây sầu riêng

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Vài năm trở lại đây, ngoài những cây trồng như: Bắp, đậu, chuối, điều, bưởi da xanh... người dân xã Phước Bình (Bác Ái) đã đưa cây sầu riêng, loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao vào trồng trên những vùng đất dốc, sườn đồi nơi có điều kiện khí hậu dịu mát, ôn hòa, cây sầu riêng phát triển tốt, cho thu nhập cao. Nhờ đó giúp kinh tế của hộ dân ngày càng đi lên, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân.

Theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã Phước Bình chúng tôi đến thăm rẫy sầu riêng với diện tích gần 4ha của gia đình ông Pi Năng Phiên ở thôn Gia É. Ông Phiên, cho biết: Trong chuyến đi tham quan thực tế mô hình trồng sầu riêng ở Khánh Sơn tôi thấy trồng cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác, hơn nữa điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng cũng phù hợp với loại cây trồng này. Vì vậy, tôi quyết định bỏ cây điều, đầu tư trên 100 triệu đồng để cải tạo đất, đào ao chứa nước, mua máy móc, hệ thống tưới nhỏ giọt và giống sầu riêng về trồng. Qua hơn 5 năm trồng, hiện nay 2ha đã cho trái ngọt lứa đầu tiên, bán với giá 70.000 đồng/kg mang về nguồn thu hơn 150 triệu đồng nên gia đình rất phấn khởi.

 

 

Nhờ điều kiện khí hậu ôn hòa giúp rẫy sầu riêng của gia đình ông Trịnh Quốc Tuấn phát triển tốt.

Cách đó không xa, rẫy sầu riêng diện tích gần 3ha của nông dân Trịnh Quốc Tuấn ở thôn Bậc Rây 1 cũng mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Ông Tuấn, chia sẻ: Gia đình tôi hiện đang canh tác gần 3ha sầu riêng giống Monthong, nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở xã Phước Bình phù hợp nên chất lượng không thua kém những nơi khác, sầu riêng có chất cơm vàng, vị ngọt thanh nên người dùng rất ưa chuộng. Dù mới trồng được 4 năm nhưng trung bình mỗi cây cho gần 60kg trái. Trái to, đều nên thương lái thu mua đồng giá 80.000 đồng/kg. Trong đợt cắt bán đầu vụ, gia đình thu về gần 1 tỷ đồng nhờ 12 tấn. Hiện toàn vườn còn khoảng 3-5 tấn đã được thương lái đặt mua, chờ ngày thu hoạch.

Nhờ điều kiện khí hậu dịu mát, ôn hòa nên cây sầu riêng rất phù hợp khi trồng ở vùng đất xã Phước Bình, tuy nhiên mức đầu tư ban đầu rất cao, khoảng 100 triệu đồng/ha và phải đợi từ 4-5 năm mới cho thu hoạch. Do đó hiện nay một số hộ dân đầu tư trồng theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, ban đầu trồng từ 10-20 cây sau đó phát triển diện tích tăng dần. Theo thống kê, hiện nay toàn xã đã phát triển lên 105ha sầu riêng, chủ yếu giống Ri6 và Monthong, trong đó có trên 60ha vào giai đoạn thu hoạch. Năng suất bình quân mỗi cây gần 1 tạ trái. Với giá bán sỉ dao động từ 45.000-55.000 đồng/kg với giống sầu riêng Ri6, từ 70.000-80.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Monthong đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Đồng chí Katơr Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình, cho biết: Cây sầu riêng rất thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. So với các loại cây khác, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao với giá bán bình quân từ 50.000-100.000 đồng/kg cắt tại vườn, nhờ đó giúp hộ dân có thu nhập ổn định. Thời gian tới địa phương tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích trồng sầu riêng, phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, định hướng về kỹ thuật trồng và chăm sóc cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục xúc tiến thành lập các tổ liên kết, canh tác sầu riêng theo hướng an toàn để xuất khẩu và phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương.

Kha Hân

 

Nâng cao thu nhập từ trồng ngô ngọt

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã chuyển đổi những diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ngô ngọt (ngô Mỹ) giúp nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Võ Văn Vinh (thôn 4) là một trong những hộ tiên phong trồng cây ngô ngọt tại địa phương.

Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng ngô lấy hạt nhưng chỉ trồng được một vụ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019, ông Vinh đã quyết định đầu tư hệ thống tưới nước phun sương và chuyển đổi 7 sào đất màu của gia đình sang trồng cây ngô ngọt lấy trái.

Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh nên vườn ngô của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ sau 2,5 tháng trồng, ngô đã cho thu hoạch với năng suất đạt 5.000 trái/sào. Toàn bộ ngô trái thu hoạch được thương lái vào tận nơi thu mua với giá từ 2.200 – 2.700 đồng/trái (tùy loại). Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi 6 triệu đồng/sào.

 

 

Anh Bùi Ngọc Dũng (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) chăm sóc vườn ngô ngọt.

Nhận thấy hiệu quả mà cây ngô ngọt mang lại, sau vụ mùa đầu tiên, ông Vinh đã mở rộng diện tích gieo trồng. Theo ông Vinh, giống ngô ngọt dễ chăm sóc, thích ứng tốt với thời tiết, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn nên một năm có thể trồng được ba vụ. Với 1 ha đất trồng ngô ngọt, trung bình mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 180 triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với các loại cây hoa màu khác.

“Trồng ngô lấy hạt thì phải sau bốn tháng mới cho thu hoạch, nếu “được mùa, được giá” thì cũng chỉ lãi khoảng 2,5 triệu đồng/sào. Trong khi đó, trồng ngô ngọt chỉ sau 75 – 80 ngày là đã cho thu hoạch, với mức lợi nhuận đạt từ 5 - 6 triệu đồng/sào”, ông Vinh tính toán

Tương tự, gia đình anh Bùi Ngọc Dũng (thôn 3) cũng đã trồng cây ngô ngọt 5 năm nay, với diện tích 5 sào. Việc trồng cây ngô ngọt đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện đời sống.

Để bảo đảm việc sản xuất ổn định, anh đã liên kết với một đại lý thu mua trên địa bàn xã để được cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm gia đình anh gieo trồng từ 3 – 4 vụ ngô ngọt. Cứ sau khi thu hoạch là anh tiến hành làm đất và tiếp tục xuống giống cho vụ kế tiếp. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất và chất lượng vườn ngô luôn bảo đảm, mang lại cho gia đình anh mức lợi nhuận ổn định 5 triệu đồng/sào/vụ.

“Ưu điểm của loại ngô ngọt này là sản phẩm được thu hái và bán trực tiếp theo kiểu “đếm trái tính tiền” nên không tốn thời gian tách hạt, phơi phóng. Cùng với đó, do thời gian canh tác ngắn nên sau khi thu hoạch, thân lá của cây ngô vẫn còn xanh, tôi tận dụng làm thức ăn cho đàn bò của gia đình, giúp tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập”, anh Dũng chia sẻ.

Để việc sản xuất ngô ngọt đạt hiệu quả và mang tính bền vững hơn, địa phương đang nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp có năng lực để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ ngô ngọt nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và hướng đến xuất khẩu” – Ông Hồ Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền.

 Theo bà con nông dân, toàn bộ diện tích ngô ngọt tại địa phương đều được các thương lái, chủ vựa tìm đến tận vườn thu mua bằng hình thức tính trái hoặc cân theo ký.

Bà Lê Thị Phương, chủ vựa ngô Tiên Phương (xã Khuê Ngọc Điền) cho biết, hiện ngô ngọt đang có thị trường tiêu thụ tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có chất lượng ngon, mềm và ngọt. Sản phẩm ngô ngọt đang được bà Phương cung ứng cho đầu mối tại các chợ, nhà máy sản xuất sữa và chế biến thực phẩm ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Năm nay, bà Phương liên kết với khoảng 200 hộ dân trồng ngô ngọt trên địa bàn xã, với tổng diện tích là 100 ha nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Theo Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền Hồ Văn Lịch, qua thực tế cho thấy, cây ngô ngọt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và có thể trồng được nhiều vụ trong năm.

Giá ngô ngọt hiện đang ở mức ổn định từ 2.000 - 3.000 đồng/trái đã mang lại thu nhập khá cho người nông dân và cao gấp 2 - 3 lần so với các loại hoa màu khác.

Với những ưu điểm vượt trội về năng suất và giá cả, cây ngô ngọt đang được người dân địa phương ưu tiên trồng và mở rộng diện tích. Năm 2024, toàn xã ước tính có khoảng 200 ha ngô ngọt (tập trung chủ yếu ở các thôn 1, 3, 5 và 11) được chuyển đổi từ những diện tích trồng ngô hạt, mía, sắn, đậu… kém hiệu quả và thường bị ngập úng vào mùa mưa.

Tuyết Mai

 

Mã vùng trồng - Chìa khóa đưa nông sản vươn xa

 

Nguồn tin:  Bà Rịa - Vũng Tàu

Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những khâu then chốt góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc xuất khẩu chính ngạch.

Chú trọng xây dựng mã vùng trồng

Năm 2018, khi trồng mới 2,2ha sầu riêng ông Đoàn Đức Hòa, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chọn canh tác theo hướng hữu cơ, ghi nhật ký canh tác, sử dụng hệ thống nước tưới, bón phân tự động. Nhờ đó sản phẩm làm ra đạt chuẩn và được các DN xuất khẩu thu mua với giá 60-70 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Hòa thu lãi khoảng 800 triệu đồng/năm. Đầu năm 2023, 87ha sầu riêng của Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức - Xà Bang (trong đó có vườn của ông Hòa) được cấp 4 mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, chủ yếu là sầu riêng Ri6 và Mongthong.

Ông Đoàn Đức Hòa chia sẻ: “Các công ty có mã số đóng gói, trong khi các vườn đủ tiêu chuẩn có mã số vùng trồng, 2 mã số này tạo được sự liên kết, đầu ra cho ổn định cây sầu riêng. Đây cũng được xem là “chìa khóa”, là điều kiện bắt buộc để nông sản nói chung, sầu riêng nói riêng có đầu ra ổn định, nhất là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”.

Từ năm 2019, Công ty CP cao su Thống Nhất (TP. Bà Rịa) đã chuyển đổi 174ha cây cao su kém hiệu quả về năng suất và chất lượng tại thôn Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức sang trồng chuối già Nam Mỹ theo công nghệ cao kiểm soát chặt chẽ quy trình từ nguồn gốc cây giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói sản phẩm. Công ty đã xây dựng mã vùng trồng để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 95%.

Để đảm bảo tiêu chí xuất khẩu đối với mặt hàng chuối, công ty đã hoàn thiện các thủ tục như: cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký cấp mã vùng trồng, nhà sơ chế, cơ sở đóng gói, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các chứng nhận chuẩn khác theo yêu cầu của các đối tác để xuất khẩu.

Còn tại HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) cũng đã được Bộ NNPTNT cấp mã số vùng trồng sang thị trường Mỹ, châu Âu vào 9/2023. Ông Nguyễn Trọng Trung, Giám đốc HTX bưởi da xanh Hắc Dịch cho biết, HTX thành lập tháng 10/2022 với 40 thành viên, diện tích liên kết sản xuất 40ha. Hướng tới mục tiêu xuất khẩu, HTX đã sản xuất theo quy trình VietGAP. Sau 1 năm, HTX đã được cấp 2 mã vùng trồng xuất khẩu vào Mỹ và châu Âu.

“Để được cấp mã vùng trồng, quy trình phải đạt được về diện tích và quy trình trồng bảo đảm theo hướng sạch, an toàn. Sau khi được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, ngay sau đó nhiều DN và thương lái tìm đến liên hệ hợp tác thu mua sản phẩm với mức giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước”, ông Trung thông tin.

 

 

Sầu riêng của Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức - Xà Bang (huyện Châu Đức) đã được cấp 4 mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc. Trong ảnh: Ông Đoàn Đức Hòa chăm sóc sầu riêng tại vườn của gia đình - một trong các vườn đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nâng cao chất lượng

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật…, mà ý nghĩa lớn hơn là tỉnh xây dựng được hình ảnh minh bạch, trách nhiệm về nông sản.

Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 24 vùng trồng được cấp 43 mã số xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật Bản và Trung Quốc và 68 mã số vùng trồng nội địa. Từ năm 2023 đến nay, các vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu hơn 10.600 tấn nông sản các loại sang thị trường Trung Quốc và khoảng 2.700 tấn sản phẩm được tiêu thụ nội địa.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng vùng trồng đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, đóng gói.

Chi cục cũng phối hợp với các địa phương thực hiện giám sát định kỳ tối thiểu 1 lần/năm hoặc trước vụ thu hoạch đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng và giữ vững mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng góp.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 

Bình Phước: Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

 

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Hiện nay, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang được xem là hướng đi tất yếu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, làm nông nghiệp công nghệ cao còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.

Tiết kiệm chi phí, nhân công

Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình anh Hứa Minh Chúc ở thôn 4, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng (Bình Phước) là một trong những minh chứng làm nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Với diện tích 6 sào nhà màng, gia đình anh Chúc trồng 5 loại rau cải và xà lách. Mỗi ngày, hộ anh thu hơn 30kg rau sạch cung cấp cho người dân trong xã. Anh Chúc chia sẻ, trồng rau thủy canh không tốn nhiều công chăm sóc như trồng rau trong đất, có thể làm liên tục, không phải cải tạo lại đất. Sau mỗi lần thu hoạch chỉ cần vệ sinh các máng nước sạch sẽ là có thể trồng mới đợt khác, không làm gián đoạn quá trình sản xuất.

Mỗi loại rau sẽ có chu kỳ phát triển và thời gian thu hoạch khác nhau, nhưng điểm chung của các loại rau trồng trong nhà màng là ít bị sâu bệnh hại. Rau cải từ lúc lên khay đến khi thu hoạch khoảng từ 30-35 ngày, còn rau xà lách có thời gian lâu hơn là 50 ngày. Theo anh Chúc, rau ươm khoảng 15 ngày là có thể tách cho lên giàn để chăm sóc theo quy trình. Hiện gia đình anh tự ươm rau đạt tỷ lệ hơn 90%.

 

 

Mỗi ngày, gia đình anh Chúc có hơn 30kg rau thủy canh các loại cung cấp cho người dân địa phương

Để cây rau phát triển ổn định thì phải kiểm tra dinh dưỡng mỗi ngày bằng bút kiểm tra. Nếu dinh dưỡng trong nước thấp hoặc không đủ, nhà vườn sẽ chủ động nguồn nước dinh dưỡng cung cấp qua ống thủy canh để nuôi cây. Anh Chúc cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu hơi cao nhưng về lâu dài thì rất hiệu quả. Rau thủy canh có thể làm quanh năm. Mùa mưa rau trồng trong đất thường bị giập, úng nhưng rau thủy canh vẫn phát triển tốt trong nhà màng, giá bán cao hơn”.

Mô hình trồng rau thủy canh sử dụng hệ thống bơm dung dịch thủy canh tự động cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách tuần hoàn. Khi áp dụng mô hình này, chất dinh dưỡng sẽ được ống thủy canh luân chuyển đến từng cây, tạo điều kiện để cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Thời gian qua, mô hình này được nhiều gia đình, hộ kinh doanh nông nghiệp trong tỉnh áp dụng để cung cấp nguồn rau sạch cho người dân.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đoàn Kết Đinh Thị Mỹ Duyên chia sẻ: Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình anh Chúc được chọn là mô hình nông nghiệp công nghệ cao điểm tại địa phương để giới thiệu và nhân rộng cho hội viên phụ nữ trong xã tham quan, học tập kinh nghiệm. Với cách trồng này, cây rau không trực tiếp tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tăng giá trị bền vững

Năm nay, vườn sầu riêng rộng gần 3 ha của gia đình ông Hứa Văn Công ở thôn 4, xã Đoàn Kết bắt đầu cho thu hoạch và đạt gần 10 tấn. Với giá bán tại vườn từ 80-82 ngàn đồng/kg, gia đình ông Công đã có lời.

Đầu tư 100 triệu đồng làm hệ thống năng lượng mặt trời, gia đình ông Công tiết kiệm được chi phí tiền điện trong quá trình tưới tiêu cho vườn sầu riêng. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư hệ thống nước tưới tự động. Theo đó, mỗi cây sầu riêng sẽ có ít nhất 2 béc tưới. Ngoài cung cấp nước tưới, hệ thống này còn được sử dụng để bón phân định kỳ cho cây. Nói về những lợi ích của KHCN trong sản xuất nông nghiệp, ông Công cho biết: Làm nông nghiệp truyền thống cần 2-3 nhân công để tưới nước, chăm sóc vườn sầu riêng nhưng áp dụng KHCN, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động thì chủ vườn chỉ cần một thao tác là cả vườn sầu riêng được tưới mát.

So với canh tác truyền thống, ông Công nhận thấy sử dụng KHCN có nhiều ưu điểm vượt trội. Chỉ cần có kết nối internet thì chủ vườn có thể chăm sóc vườn bằng cách điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh mà không cần có mặt tại vườn. Sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống tưới tự động giúp gia đình ông Công tiết kiệm tối đa công chăm sóc. Ông Công chia sẻ: Trước đây, gia đình phải mua dầu đổ máy nổ tốn vài triệu đồng/tháng, nhưng có năng lượng mặt trời thì nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thoải mái. Đầu tư một lần có thể sử dụng 10-20 năm.

Từ thực tiễn cho thấy, ứng dụng KHCN vào sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngọc Quế

 

Sóc Trăng phát triển chăn nuôi bò bền vững

 

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Tại Sóc Trăng, việc triển khai thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã mang đến cơ hội cho nhiều nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Không ít hộ khấm khá nhờ sự hỗ trợ từ dự án này.

 

 

Anh Lâm Văn Hữu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bên đàn bò sữa của gia đình có phần hỗ trợ của Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU

Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức thực hiện. Để triển khai thực hiện hiệu quả dự án, ngành Nông nghiệp tỉnh đã luôn bám sát các mục tiêu dự án đã đề ra để phát triển đàn bò cũng như hỗ trợ cho hộ chăn nuôi theo từng giai đoạn phù hợp, kết hợp tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa của dự án. Trong giai đoạn 2022 - 2025, Ban Quản lý Dự án đã phát 2.000 tài liệu tuyên truyền, thông tin về chính sách hỗ trợ của dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh; phát 2.100 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án đã tiến hành hỗ trợ 5.504 liều tinh bò gieo cho 2.752 con bò thịt, với các giống Red Brahman, Red Sindhi; hỗ trợ 620 con bò cái hậu bị lai Red Brahman, Red Sindhi cho 237 hộ chăn nuôi, nhằm rút ngắn thời gian Zebu hóa đàn bò địa phương. Hỗ trợ 27.676 liều tinh bò thịt cao sản gieo cho 13.838 con bò thịt tại các địa phương; hỗ trợ hạt cỏ sả cho các địa phương đã trồng được 2.000ha, góp phần cung cấp 60% lượng thức ăn thô xanh cho đàn bò; xây dựng 50 mô hình dự trữ, chế biến sử dụng nguồn phụ phế phẩm. Hỗ trợ 10 cái máy băm thái cỏ và 40 máy cắt cỏ cầm tay cho hộ chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Đóm - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh cho biết, dự án này triển khai hỗ trợ cho hộ dân chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, Ban Quản lý Dự án đã xây dựng 10 mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP quy mô từ 5 con bò cái sinh sản trở lên, có đủ điều kiện nuôi theo hướng VietGAHP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng 170 mô hình xử lý chất thải; hỗ trợ kinh phí duy trì phát triển 29 tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò; hỗ trợ vỗ béo 200 con bò thịt (cho 60 hộ) nhằm tăng trọng lượng, chất lượng bò thịt, giúp hộ chăn nuôi tăng thêm thu nhập. Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho hộ chăn nuôi, với 1.360 lượt người dự. Đối với công tác cải thiện, nâng cao chất lượng giống bò sữa, Ban Quản lý Dự án đã hỗ trợ 6.274 liều tinh cho đàn bò sữa tại các địa phương; hỗ trợ 63 con bò sữa hậu bị cái. Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho hộ nuôi, với 540 lượt người dự. Hỗ trợ 20 máy cắt cỏ cầm tay và 10 mô hình hố chứa phân bò cho hộ nuôi bò; xây dựng 20 mô hình dự trữ, chế biến sử dụng nguồn phế phụ phẩm; xây dựng 3 mô hình nhà chứa rơm phục vụ cho dự trữ thức ăn cho đàn bò…

Anh Lâm Văn Hữu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên bộc bạch: “Tôi rất phấn khởi khi được sự đồng hành từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh, được hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng nuôi; mua con giống bò sữa F1; máy vắt sữa và xây dựng hố chứa phân bò. Cùng với đó, tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi đàn bò sữa. Hiện tại, đàn bò có 17 con, dự tính đến cuối năm 2024, đàn bò sẽ cho sữa bò tươi mỗi ngày. Nhờ có dự án hỗ trợ, tôi đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi đàn bò sữa, bởi đã nắm bắt đầy đủ các kiến thức chăn nuôi bò từ cán bộ kỹ thuật chuyển giao”.

“Theo mục tiêu dự án, đến năm 2025, số lượng đàn bò thịt hiện có 48.850 con sẽ nâng lên 77.000 con và đàn bò sữa 6.750 lên 11.000 con. Ban Quản lý Dự án sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt, bò sữa bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo từ nguồn tinh bò nhập ngoại. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ 4 - 5 con/hộ lên 5 - 6 con/hộ, khuyến khích phát triển chăn nuôi bò theo hướng gia trại, trang trại. Nâng cao chất lượng nguồn thức ăn thô xanh, tận dụng tốt nguồn phụ phế phẩm công, nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa trong chăn nuôi. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò hiệu quả, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh…”, đồng chí Trương Văn Đúng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Giám đốc Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh chia sẻ.

THÚY LIỄU

 

Triển khai phác đồ điều trị với bò sữa bị bệnh tiêu chảy

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Chiều 10/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã công bố phác đồ điều trị, hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa.

 

 

Người dân chăm sóc bò bị nhiễm bệnh

Theo đó, từ ngày 30/7/2024, trên địa bàn các huyện Đơn Dương và Đức Trọng xuất hiện hiện tượng bò sữa bị tiêu chảy cấp làm một số bê, bò sữa chết.

Lũy kế đến ngày 9/8, đã có 3.917 con (bê, bò sữa) của 202 hộ trên địa bàn 6 xã/2 huyện bị bệnh; trong đó, bị chết 172 con.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã vào hiện trường điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

Được sự tham vấn của Cục Thú y, Phân viện Thú y miền Trung, các chuyên gia đầu ngành và kỹ thuật của các công ty chăn nuôi bò sữa trên địa bàn cả nước..., Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa. Đề nghị Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai thực hiện.

Trong đó, nêu rõ các biện pháp an toàn sinh học: Phân nhóm bò để chăm sóc, quản lý và điều trị; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đồng thời các loại hóa chất để sát trùng…

Với phác đồ chăm sóc và điều trị bò bệnh: Trường hợp bò, bê có triệu chứng nhẹ, kém ăn (lơ ăn), sốt dưới 40 độ C, phản xạ kém, giảm sản lượng sữa, tăng nhịp thở, nhu động ruột tăng, xử lý theo 2 trường hợp sau đây và tiếp tục theo dõi.

+ Đối với bò, bê đã được tiêm vắc xin phòng bệnnhviêm da nổi cục hoặc các vắc xin khác trước đó: Dùng các loại thuốc tăng cường sức đề kháng, trợ tim, trợ lực: Vitamin C, tiêm Vitamin tổng hợp; Caphein natri benzoate, truyền dung dịch Glucoza ưu trương 10-30% + Điện giải (Lactat Ringer) hoặc hòa hỗn hợp chất điện giải theo hướng dẫn của Nhà sản xuất cho bò, bê uống tự do (Vita-Electrolytes, Gluco KC, Nova-Dextrolytes, ...).

Hỗ trợ tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong đường ruột bằng cách trộn men tiêu hóa (Probiotic) có chứa các loại vi sinh vật, nấm men có lợi tại dạ cỏ và đường tiêu hóa như Bacillus subtilis, Saccharomyces... vào thức ăn thô xanh.

Tăng lượng thức ăn thô xanh (cỏ, thân bắp - cây ngô,...), giảm thức ăn tinh (đậm đặc).

+ Đối với bò, bê chưa được tiêm vắc xin phòng bệnnhviêm da nổi cục hoặc các vắc xin khác trước đó: Cân nhắc sử dụng một trong các loại kháng sinh phổ rộng, mẫn cảm với các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, đường hô hấp như: Enrofloxacin, Amoxicillin, Marbofloxacin, Neomycin, Navet-Enro 100, Navet-Cel, Syvaquinol, Ceftiofur, Ceftiofen (Ceftiofure + Ketoprofen), Ceptrixon LA, Marbovitryl, Nova-Enrocin 10%,...

Ưu tiên sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ hoặc kháng sinh dòng Fluoroquinolones (Enrofloxaxin, Marbofloxaxin); Oxytetracyclin,... theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trường hợp bò bệnh nặng: Bò, bê mệt mỏi, bỏ ăn, sốt cao từ 40 độ C trở lên, thở dốc, viêm đường hô hấp, ủ rủ, chảy nước dãi, tiêu chảy phân lỏng dạng nước (có thể lẫn máu, niêm mạc ruột), vận động kém hoặc nằm một chỗ, triệu chứng mất nước và điện giải biểu hiện rõ (lõm hốc mắt, sụt cân nhanh...) hoặc có biểu hiện thần kinh (do máu bị cô đặc - nhiễm độc).

Liệu trình điều trị chung cho tất cả bò có triệu chứng nặng (đã tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin viêm da nổi cục hoặc các loại vắc xin khác trước đó) cũng có các danh mục thuốc đặc trị, chuyên trị được hướng dẫn cụ thể.

Đồng thời, ngành chức năng cũng đưa ra khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học Interferon (Navet-interferon,...) trên toàn bộ bò, bê tại trại đang nhiễm bệnh.

Không được bán, vận chuyển, giết mổ bò mắc bệnh, chết. Không vứt xác bò chết ra ngoài môi trường. Tiêu hủy bò chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương.

Nhân viên thú y tham gia điều trị không đi lại/hạn chế đi lại giữa các trang trại, hộ chăn nuôi khi không cần thiết.

DIỄM THƯƠNG

 

Khởi nghiệp từ nuôi hươu lấy nhung

 

Nguồn tin: Báo Bình Phướ

Nuôi hươu sinh sản kết hợp lấy nhung là mô hình đã có từ lâu trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Nhung hươu có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để bào chế dược liệu đông y, có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng. Vì có giá trị dinh dưỡng cao nên giá bán nhung hươu trên thị trường không hề rẻ. Nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Quế ở thôn 2, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp đã đầu tư nuôi hươu, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

MẠNH DẠN RẼ HƯỚNG

Trước đây, anh Nguyễn Văn Quế chăn nuôi dê. Do dê thịt rớt giá, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh chỉ lời vài chục triệu đồng. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, anh mạnh dạn đầu tư nuôi hươu sinh sản kết hợp lấy nhung. Tận dụng đất rộng, anh xây dựng chuồng nuôi trên diện tích 150m2. Chuồng nuôi chủ yếu làm bằng gỗ, nền xi măng, có độ dốc để thoát nước. Chuồng trại xây dựng thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đảm bảo ánh sáng. Ban đầu anh nuôi thử nghiệm 6 con để hiểu tập tính sinh trưởng của loài hươu. Sau nhiều năm, đàn hươu phát triển lên hơn 20 con, trong đó có 8 con đực đang cho khai thác nhung.

Anh Quế cho biết, hươu là động vật dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, nguồn thức ăn có thể tận dụng các phế phẩm từ cây cỏ, rau, củ trong vườn. Trong thời gian nuôi 18 tháng, hươu cái trưởng thành được phối giống sinh sản, còn hươu đực bắt đầu ra chồi nhung. Một con hươu cái trưởng thành có trọng lượng khoảng 45-50kg, hươu đực nặng từ 65-90kg. Hươu đực nuôi 24 tháng có thể lấy nhung với trọng lượng mỗi con từ 250-300g nhung. Càng nuôi lâu thì chồi nhung càng nhiều, lợi nhuận càng cao. Thông thường thời gian nuôi hươu để lấy nhung tốt nhất là 5 năm, khi đó nhung hươu sẽ đạt trọng lượng khoảng 800g, nếu chăm sóc tốt sẽ cho nhung nhiều hơn. Nhung hươu có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để chế biến các sản phẩm đông y, thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe. 1kg nhung có giá bán từ 23-25 triệu đồng.

Anh Quế chia sẻ: “Nhung hươu giá cao nhưng không có để bán. Một cặp nhung hươu khoảng 18 triệu đồng, cặp to bán giá cao hơn. Nhung chủ yếu phát triển vào mùa xuân và được lấy từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Trong thời kỳ này cần tăng cường thức ăn đầy đủ dưỡng chất cho hươu”.

MÔ HÌNH CHO THU NHẬP CAO

Nuôi hươu không dùng các loại thức ăn công nghiệp nên tốn ít chi phí đầu tư. Một con hươu ăn rất ít, chỉ bằng 1/3 thức ăn của bò. Bình quân mỗi ngày, 1 con ăn từ 5-6kg cỏ. Mỗi lần cho hươu ăn cỏ, lá keo, anh Quế thường dùng máy cắt nhỏ cho vào máng. Trong khu vườn, anh Quế dành khoảng 3 sào đất trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn hươu. Ngoài ra, hươu còn ăn các loại thức ăn tinh bột như bắp, đậu đen, đậu trắng, đậu đỏ, đậu phộng; các loại rau như rau muống, rau lang và một số loại rau dại khác. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn dồi dào là các phế phẩm rau, củ, quả trong vườn nên anh Quế tốn rất ít chi phí mua thức ăn. Giai đoạn hươu mang thai và lấy nhung cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, thức ăn tinh bột, nhất là các loại hạt. Hằng ngày, bổ sung thêm muối ăn vào nước uống hoặc có thể treo cục đá muối liếm vào góc chuồng để bổ sung khoáng chất cho hươu phát triển khỏe mạnh. Anh Quế cho biết: “Hươu là động vật dễ chăm sóc và có sức đề kháng cao. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý nếu cho ăn thức ăn lạ, ôi thiu thì hươu rất dễ bị bệnh tiêu chảy. Những lúc hươu bị chướng bụng, đầy hơi tôi thường cho ăn lá ổi, chuối xanh thì bệnh giảm dần, sau vài ngày là khỏi”.

 

 

Thức ăn của hươu chủ yếu là cỏ, hạt bắp, đậu phộng… và nhiều loại rau, củ, quả khác

Không chỉ nuôi hươu lấy nhung, anh Quế còn nuôi hươu sinh sản, cung cấp hươu giống cho người dân quanh vùng. Hươu cái mang thai 7,5 tháng, mỗi lứa đẻ 1 con. Hiện nay, hươu giống có giá bán rất cao, 1 con 6 tháng tuổi từ 15-17 triệu đồng. Thịt hươu bán với giá 450 ngàn đồng/kg. Với mô hình nuôi hươu sinh sản kết hợp lấy nhung, mỗi năm trừ chi phí, anh Quế lãi khoảng 200 triệu đồng. Anh Quế cho biết, mô hình nuôi hươu lấy nhung tốn ít chi phí, chủ động được nguồn thức ăn, lấy công làm lời và tận dụng thời gian rảnh để làm những việc khác. Sau 8 năm khởi nghiệp với mô hình này, kinh tế gia đình anh Quế ngày càng phát triển. Trong tương lai, anh sẽ xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi.

Ông PHẠM ĐÌNH THOẠI, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp: “Nuôi hươu lấy nhung tốn ít chi phí, chỉ cần mua con giống ban đầu và lấy công làm lời. Việc chăm sóc hươu cũng đơn giản hơn so với những vật nuôi khác. Đối với nông hộ có nhu cầu nuôi, hội sẽ phối hợp với những hộ nuôi trước giới thiệu cung cấp con giống, cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Hy vọng thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn, giúp nông dân có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình”.

Theo Hội Nông dân xã Thiện Hưng, mô hình nuôi hươu thích hợp với những hộ dân ít đất. Mỗi hộ có từ 2-3 sào đất là có thể trồng cỏ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ngoài hộ anh Quế đang nuôi hiệu quả, còn một hộ dân khác cũng nuôi khoảng 20 con. Sau nhiều năm phát triển, mô hình đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Thùy Linh

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop