Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 15 tháng 02 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 15 tháng 02 năm 2023

 

Giá trái cây dần hạ nhiệt

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

 

Đầu tháng 02/2023, nông dân tỉnh Tiền Giang vui mừng khi các loại trái cây chủ lực như sầu riêng, mít, xoài,... đang được giá, hút hàng do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi hơn. Sau thời gian tăng giá mạnh, hiện tại giá trái cây đã dần hạ nhiệt.

 

 

Giá trái cây đã dần hạ nhiệt, sau thời gian tăng giá mạnh.

*Trái cây đã bớt "nóng"

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn trái trên 82.000 ha, tập trung tại các huyện Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy với các loại trái cây chủ lực như sầu riêng, khóm, thanh long, mít. Theo đánh giá của hợp tác xã cung ứng trái cây xuất khẩu, dịp Tết Nguyên đán năm 2023, các loại trái cây chủ lực đều có giá tốt, nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19. Ghi nhận tại một số vựa trái cây cho thấy sầu riêng, mít, xoài... có giá bán khá cao, nhà vườn rất phấn khởi.

Ông Ngô Tấn Trung, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) cho biết, sầu riêng khá hút hàng tại thị trường Trung Quốc, song mới vào đầu vụ nghịch nên sản lượng còn thấp, giá tăng cao. Trong Tết Nguyên đán năm 2023, sầu riêng đã có giá trên 100.000 đồng/kg và dao động đến 200.000 đồng đến nay. Do sầu riêng không ngay mùa nên cũng hiếm hàng, giá cao.

Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp hiện có 102 thành viên, tổng diện tích khoảng 52 ha; tổng sản lượng dao động khoảng 1.000 tấn/năm. Hợp tác xã có kết nối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiêu thụ sản phẩm của các thành viên. Hướng tới, Hợp tác xã sẽ hỗ trợ thêm cho thành viên về kỹ thuật trồng theo đúng quy trình, hướng dẫn thành viên sản xuất theo mã số vùng trồng, đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Hợp tác xã bao tiêu hỗ trợ kỹ thuật, phân bón đầu vào cho bà con như phân hữu cơ, tư vấn kỹ thuật.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) chia sẻ, gần 01 tháng qua, giá mít cũng đang giá tăng mạnh. Mít loại 1 có giá 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg, mít loại 2 giá 20.000 đồng/kg. Cách đây 01 tháng, mít chỉ có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Xoài cũng là một trong những lại trái cây tăng giá mạnh, nhưng do không vào vụ thu hoạch nên hàng rất hiếm. Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè cho biết, khoảng 01 tháng nữa xoài bắt đầu vô mùa, sản lượng năm nay thất hơn năm trước, do khí hậu, dịch hại nên không được thuận lợi. Diện tích trồng xoài của Hợp tác xã là 80 ha, với 139 thành viên. Tại thời điểm này, xoài cát Hòa Lộc có giá khoảng 110.000 đồng/kg, khi vào mùa giá xoài chỉ dao động mức 40.000 - 80.000 đồng/kg.

Theo Sở Công Thương, giá cả trái cây từ trước, sau Tết và hiện nay thường xuyên thay đổi tăng giảm. Trước Tết do nhu cầu tiêu thụ cao, đặc biệt là do nhu cầu của thị trường Trung Quốc nên giá tăng, sau Tết sản lượng cũng như chất lượng giảm hơn, cộng với nhu cầu giảm nên hầu như giá trái cây các loại có xu hướng giảm.

Nếu xét về giá tăng, thì chỉ có sầu riêng tăng liên tục từ trước Tết với giá 110.000 - 120.000 đồng/kg, có đỉnh điểm do nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, sau khi có Nghị định thư cho xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nên giá lên đến 180.000 - 200.000 đồng/kg (cao gấp 3 lần cùng kỳ và đạt kỷ lục từ trước tới nay), tuy nhiên hiện giảm chỉ còn 120.000 - 150.000 đồng/kg, nhưng vẫn ở mức cao.

Giá thanh long và xoài cát Hòa Lộc, từ sau Tết đến nay giảm. Cụ thể, trước Tết thanh long ruột đỏ có giá 25.000 - 40.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 20.000 - 24.000 đồng/kg, hiện tại thanh long ruột đỏ chỉ còn 15.000 - 30.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 14.000 - 16.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc từ 80.000 - 110.000 đồng/kg trước Tết, nay giảm còn 45.000 - 80.000 đồng/kg.

Giá mít từ trước Tết là 10.000 - 25.000 đồng/kg tăng đến sau Tết được 16.000 - 33.000 đồng/kg, nhưng ghi nhận hiện tại giá giảm còn 13.000 - 28.000 đồng/kg. Giá bưởi da xanh tương đối ổn định khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.

*Để trái cây phát triển bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm giảm bớt áp lực thu hoạch rộ vào một thời điểm, tránh tình trạng bị dư thừa cung vượt cầu và hạn chế dịch bệnh, chủ trương trong việc tổ chức, quản lý sản xuất của ngành Nông nghiệp là thực hiện rải vụ thu hoạch một số loại cây ăn trái. Rải vụ giúp kéo dài thời gian thu hoạch trong năm, không thu hoạch tập trung vào vụ thuận với sản lượng cao.

Hiện tại, đa phần các loại cây trồng có quy mô lớn, mang tính hàng hóa đều được nông dân sản xuất rải vụ. Tuy nhiên, việc sản xuất rải vụ cũng cần lưu ý quy trình kỹ thuật cho từng loại cây, phù hợp cho từng vùng. Để giảm bớt rủi ro, tránh tình trạng cung vượt cầu và câu chuyện "được mùa, mất giá" thì một trong những giải pháp hiệu quả được người nông dân thực hiện là sản xuất rải vụ, vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây sầu riêng, vừa giúp nhà vườn gia tăng thu nhập. Về lâu dài, nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của thị trường.

Theo Sở Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh các mặt hàng trái cây, trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu tại một số tỉnh, thành trong nước như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,...; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại ngoài nước tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN,...

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của tỉnh, do đó, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì hoạt động xuất khẩu trái cây có sản lượng lớn sang thị trường Trung Quốc như: Thanh long, mít, sầu riêng,...

Bên cạnh đó, tích cực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng trái cây, cấp mã số vùng trồng, kiểm dịch và dần chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, tránh các rủi ro về kinh tế. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội; xây dựng và phát hành ấn phẩm dưới dạng video, tin bài,...

Lý Oanh

 

Bến Tre: Diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen đang phục hồi tốt

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tình hình sâu bệnh hại dừa vẫn còn diễn biến phức tạp, diện tích nhiễm bọ cánh cứng là 4.115,5ha giảm 569ha so cùng kỳ. Trong đó nhiễm nhẹ (tỷ lệ hại 13 - 15%) là 3.601,7ha, nhiễm trung bình (tỷ lệ hại 25%) là 511,8ha.

 

 

Diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen đang phục hồi tốt.

Lũy kế diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen trên vườn dừa từ 2,4ha tháng 7 năm 2020 tăng lên 2.230,61ha vào tháng 12 năm 2022. Công tác phòng trừ sâu đầu đen được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, nỗ lực triển khai quyết liệt của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, huyện; sự quan tâm hỗ trợ về tài chính, nhân lực và giải pháp kỹ thuật từ các doanh nghiệp tiêu thụ chế biến dừa, các công ty thuốc bảo vệ thực vật, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam nên việc phòng trị, kiểm soát sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học dùng ong ký sinh và bọ đuôi kìm đạt kết quả cao.

Đến nay, diện tích nhiễm sâu đầu đen chỉ còn 854ha, diện tích đang phục hồi là 1.282ha. Tốc độ phục hồi tăng đáng kể so với năm 2021. Nếu năm 2021 chỉ phục hồi 226ha thì năm 2022 phục hồi hơn 1.000ha.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho hay: Điều đáng mừng là nông dân trồng dừa và các địa phương đã dần tin tưởng vào hiệu quả kiểm soát sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học, đang có xu hướng giảm sử dụng thuốc hóa học định kỳ như trước đây.

Tin, ảnh: C. Trúc

 

Thơm tây - cây xen canh ngắn ngày cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Với đặc tính thơm, vàng, giòn, ngọt, trái to, nhiều nước, mắt nông, gai ít, rất dễ trồng và chăm sóc, loại dứa (thơm) mật, hay có tên gọi khác là dứa MD2, thơm tây là loại cây trồng hứa hẹn đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế và khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, gia đình ông Huỳnh Văn Thức và bà Phan Thị Hương ở khu phố 2, phường Phước Bình, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng thơm tây. Theo ông bà, giống thơm này hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm và hướng sản xuất mới cho nông dân trong thời gian tới.

DỄ CHĂM SÓC

Từ một vài bụi thơm tây trong vườn nhà, gia đình ông Huỳnh Văn Thức đã nhân giống và trồng khắp vườn theo hình thức xen canh. Đến nay, vườn nhà ông có gần 1.000 gốc thơm tây. Hiện gia đình ông là hộ có diện tích trồng thơm tây nhiều nhất tại phường Phước Bình và một số xã, phường lân cận. Ông Thức chia sẻ: Giống thơm tây mọc ở tầm thấp nên không cản trở sự phát triển của các cây trồng khác trong vườn. Trái lại, nó phủ và làm mát đất, giúp cây phát triển tốt hơn. Còn bà Hương cho biết: Trồng cây thơm tây rất dễ, không phải chăm sóc nhiều mà cũng không cần sử dụng thuốc rầy, thuốc trừ sâu. Đây là trái cây sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng an toàn của người dân hiện nay.

 

 

Ông Huỳnh Văn Thức (thứ hai từ trái qua) giới thiệu về đặc điểm của trái thơm tây

Một bụi thơm tây, nếu trồng bằng nhánh, từ lúc trồng đến khi thu hoạch thời gian trung bình 3 tháng, còn trồng bằng cuống khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, nếu trồng và chăm sóc cây đúng kỹ thuật, thời gian sẽ rút ngắn, trái to và nặng hơn. Bà Hương cho biết thêm: “Giống thơm tây dễ trồng, chỉ cần đào hố, bỏ giống xuống là cây sẽ lên. Đất tốt thì khỏi cần bón phân, còn nếu đất xấu có thể bón ít phân gà kết hợp phân hữu cơ. Mùa mưa, người trồng không cần tưới nước, còn vào mùa nắng nếu có điều kiện thì tưới để cây trái xanh tốt hơn, nhưng cũng chỉ cần tưới ẩm đất là đủ. Mình trồng một gốc thơm coi như ăn hoài. Chừng nào thấy cây suy kiệt quá thì nhổ bỏ rồi trồng lại”.

ỔN ĐỊNH KINH TẾ

Thơm tây có đặc tính dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có thể trồng xen canh. Ưu điểm ra trái quanh năm; năng suất cây cao gấp đôi, gấp ba so với giống truyền thống nên thơm tây có thể xem là cây trồng thoát nghèo cho người nông dân.

Theo ông Thức, 1 cây thơm tây nếu chăm sóc tốt sẽ cho trái đạt trọng lượng trung bình từ 2-3kg. Cá biệt, có những trái lớn khoảng 7kg. Đặc biệt, thơm tây mỏng vỏ, lõi nhỏ và mọng nước, hương vị rất thơm ngon, phù hợp để pha chế các loại thức uống giải khát nên được nhiều cơ sở kinh doanh đồ uống ưa chuộng. Hiện với giá bán 25.000 đồng/kg, gia đình thu khoảng 200 triệu đồng từ vườn thơm tây.

 

 

Thơm tây là giống cây trồng thích hợp trồng trên đất đồi dốc

Ông NGUYỄN VĂN CÔNG, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phước Bình, TX. Phước Long: “Tôi thấy thơm tây là giống cây trồng rất nhanh được thu hoạch và cũng phù hợp với người trồng cây ngắn ngày. So với giá cả thị trường hiện tại, giống cây này có thể giúp người nông dân, đặc biệt là những hộ ít đất sản xuất tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Hiện gia đình ông Thức trồng giống thơm tây theo hình thức nhỏ lẻ. Nhận thấy hiệu quả từ giống cây này, gia đình ông dự tính mở rộng diện tích và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thị trường mà gia đình ông hướng đến là chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh, siêu thị và tin rằng, đây là loại cây ngắn ngày đem lại hiệu quả kinh tế trong tương lai.

Trồng thơm tây chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao, tuy nhiên hạn chế của trái thơm tây là vỏ mỏng, mọng nước nên thời gian bảo quản ngắn (chỉ khoảng 1 tuần). Trái dễ bị giập khi va đập, đầu ra sản phẩm kén khách vì quá ngọt nên không phù hợp khi sử dụng kết hợp nấu các món ăn mà chỉ hợp dùng ăn tráng miệng, làm nước ép. Nếu muốn trồng với số lượng lớn thì người dân nên cân nhắc đầu ra của sản phẩm.

Hồng Phương

 

Giá mít Thái liên tục tăng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Diện tích trồng mít trong tỉnh Hậu Giang hiện có 9.938,60ha, tăng 14,49% (bằng 1.257,93ha) so với cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu ở các huyện như: Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng ước được 2.548,12 tấn, đạt 2,65% kế hoạch năm là 96.000 tấn và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2022.

 

 

Mít được các vựa cân phân loại rồi đưa đi tiêu thụ...

Tại huyện Châu Thành, giá mít loại 1 cỡ 9 kg/trái trở lên, tròn trịa, da đẹp được thương lái thu mua với giá 34.000 đồng/kg; mít loại 2 là 27.000 đồng/kg; mít loại 3 là 17.000 đồng/kg. Theo các thương lái mua mít, đây là mức giá hấp dẫn, cao từ 4-5 lần so với năm 2022 khi giá mít có thời điểm rớt xuống còn 5.000-7.000 đồng/kg. Tuy vậy, hiện nguồn hàng khan hiếm, mít được thu mua chủ yếu để cung cấp cho các vựa lớn để xuất khẩu.

Việc giá mít tăng cùng các loại nông sản khác ngay từ đầu năm là điều phấn khởi. Thế nhưng, ngành chức năng khuyến cáo nông dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích để tránh cung vượt cầu, giá cả xuống thấp, điều quan trọng là áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ thị trường xuất khẩu…

Tin, ảnh: MỘNG TOÀN

 

Kết nối nâng cao chuỗi giá trị cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Cà phê vùng Tây Nguyên chiếm trên 91% tổng diện tích cà phê cả nước. Để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững không thể thiếu đội ngũ khuyến nông cộng đồng. Đây được xem là "mắt xích" quan trọng trong việc kết nối nông dân với các nguồn lực để sản xuất theo chuỗi mang lại hiệu quả tốt nhất.

“Xương sống” của phát triển vùng nguyên liệu

Hiện Việt Nam có hơn 710 nghìn héc-ta cà phê, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà phê cả nước. Mặc dù diện tích sản xuất lớn nhưng thực trạng sản xuất và tiêu thụ cà phê của nông dân vùng Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao. Cùng với đó là kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.

 

 

Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Ea Tóh (huyện Krông Năng).

Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, để "hóa giải" những khó khăn này và khai thác tốt lợi thế vùng nguyên liệu lớn, Đề án khuyến nông cộng đồng được thí điểm triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, trong đó có vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum). Từ năm 2021 đến nay, riêng vùng nguyên liệu cà phê xây dựng được 8 tổ khuyến nông cộng đồng, với 42 thành viên. Việc xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng trong giai đoạn hiện tại nhằm kiện toàn công tác khuyến nông cơ sở, đặc biệt là cấp xã, lấy HTX nông nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững; tăng cường nhiệm vụ khuyến nông theo hướng dịch vụ, bám vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hình thành phát triển HTX (vận động, tư vấn thành lập HTX, tư vấn tổ chức sản xuất,...); thông tin thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số; đa dạng các loại hình hoạt động khuyến nông theo hướng dịch vụ, ưu tiên phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Đắk Lắk là một trong những địa phương thực hiện đề án và đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị” tại hai xã Ea Tóh và Phú Lộc (huyện Krông Năng). Để tiếp cận với các yêu cầu đổi mới trong hoạt động khuyến nông, các tổ khuyến nông cộng đồng đã hỗ trợ thành lập, duy trì tổ liên kết sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ với 40 thành viên tham gia, tổng diện tích 51 ha. Thông qua các hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại mô hình đã giúp nhận thức của bà con nông dân trong vùng thay đổi phương pháp canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giá cà phê nhân liên kết được đơn vị tiêu thụ sản phẩm mua với giá cao hơn so với thị trường từ 1.500 - 2.000đồng/kg nhân khô, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ.

Tăng cường vai trò khuyến nông cộng đồng

"Khuyến nông cộng đồng chính là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học và thị trường, là lực lượng chuyển giao kinh nghiệm sản xuất cho nông dân. Tổ khuyến nông cộng đồng có nhiệm vụ tư vấn, tạo sự liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững các vùng nguyên liệu" - ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia.

Đánh giá về hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng ở vùng nguyên liệu cà phê, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, các tổ khuyến nông cộng đồng đang phát huy được vai trò của mình với đa dạng hoạt động khuyến nông như: tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp điển hình. Việc này góp phần tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở các vùng nguyên liệu; tham gia liên kết chuỗi giá trị, thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn; thực hiện sơ chế, đóng gói, bao tiêu hoặc liên kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên các HTX và nông dân, đồng thời thông tin định hướng thị trường sản phẩm nông sản…

Tuy nhiên hiện nay, để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động thực sự hiệu quả, thực sự phát huy được sự đổi mới của công tác khuyến nông, các tổ khuyến nông cộng đồng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho những thành viên tham gia; hỗ trợ trang thiết bị cần thiết đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyển môn để đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ…

Theo các doanh nghiệp ở lĩnh vực cà phê, đội ngũ khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các khâu đầu vào cho nông dân trong sản xuất, bảo đảm cho sản phẩm đạt chuẩn. Đồng thời, là "mắt xích" kết nối để chuyển giao khoa học kỹ thuật của Nhà nước đến nông dân, kết nối doanh nghiệp với nông dân. Tuy nhiên, cần đào tạo về kỹ thuật, thông tin thị trường, kỹ năng truyền thông, nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông để đáp ứng bối cảnh hội nhập.

Từ thực tế trên, Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trương sẽ nâng cao năng lực và tích hợp thêm nhiều giá trị đối với các tổ khuyến nông cộng đồng. Giai đoạn đầu, bên cạnh các hoạt động truyền thống là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ đào tạo trực tiếp cho những người tham gia tổ khuyến nông cộng đồng như: hỗ trợ kỹ thuật, phân tích thị trường, chuyển đổi số, các dịch vụ nông nghiệp. Về hoạt động thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng; phát triển các định dạng ấn phẩm số, truyền thông số; mô hình nông dân công nghệ số; đa dạng nội dung và hình thức...

Minh Thuận

 

Hiệu quả và lan tỏa từ mô hình tưới tiết kiệm nước

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân cho cà phê. Mô hình đã giúp người dân tiết kiệm được hơn 30% lượng nước, 70% công lao động, giảm chi phí đầu vào từ 5-7%...

Mô hình tưới nước tiết kiệm có 16 hộ tham gia, với diện tích hơn 14 ha cà phê. Mô hình được đầu tư trên địa bàn các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, với tổng kinh phí đầu tư 840 triệu đồng từ Chương trình khuyến nông.

Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ trên 632 triệu đồng, người dân đối ứng gần 62 triệu đồng. Mô hình bắt đầu triển khai từ năm 2020 và đến nay được đánh giá đạt hiệu quả.

Gia đình ông Lê Đăng Thế ở bon Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức), có hơn 2 ha cà phê trồng xen hồ tiêu, cây ăn trái.

Năm 2020, gia đình ông Thế được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50 triệu đồng để xây hồ chứa nước, khoan giếng và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1 ha cà phê.

 

 

Ông Lê Đăng Thế, bon Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) điều chỉnh hệ thống tưới nước cho cây cà phê

Theo ông Thế, trước đây, cứ vào mùa khô, gia đình ông khá vất vả vì vườn rẫy xa nguồn nước. Hai năm nay, nhờ chủ động nguồn nước và lắp đặt hệ thống tưới tại vườn, nên cây trồng của gia đình luôn đủ nước, sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Thế cho biết, ngoài hệ thống tưới tiết kiệm, gia đình tôi còn được hỗ trợ xây hồ chứa trong vườn, chỉ cần mở van là tự động tưới.

Không chỉ bơm tưới trong mùa khô, mùa mưa ông còn dùng để bón phân cho vườn cây, giảm được chi phí nhân công. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp chống côn trùng có hại trong vườn.

Gia đình ông Vũ Văn Tiệp, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) cũng được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ hơn 34 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 7.000m2 xoài.

Theo ông Tiệp, những năm trước, mỗi đợt tưới, ông phải mất 15 giờ. Còn bây giờ, với hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, thời gian tưới giảm xuống khoảng 10 giờ.

 

 

Hệ thống tưới tiết kiệm nước dễ dàng kết hợp bón phân cho cà phê

“Lượng nước, phân bón, tiền điện và công tưới đều giảm. Vườn cây hấp thụ tốt hơn nhờ hệ thống béc được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu về nước, phân bón theo từng thời điểm của cây”, ông Tiệp cho biết.

Sau 2 năm triển khai, đến nay, nhiều hộ dân trồng cà phê, sầu riêng, chanh dây ở các địa phương đã áp dụng mô hình hình này vào chăm sóc cây trồng.

Cụ thể, tại bon Đắk M’rê, xã Quảng Tân, từ mô hình của ông Lê Đăng Thế, rất nhiều người trồng sầu riêng, chanh dây đã áp dụng theo.

Sau khi sử dụng hệ thống tưới nước này, các hộ đều đánh giá rất cao về hiệu quả sản xuất. Họ tiếp tục tuyên truyền, vận động những hộ khác cùng áp dụng.

Theo ông Phạm Tấn Minh, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ kết quả đối chứng, mô hình tưới tiết kiệm nước đã khẳng định được tính hiệu quả.

Việc áp dụng mô hình tưới tiên tiến này có thể tiết kiệm được hơn 30% lượng nước, 70% công lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào từ 5-7% so với cách làm truyền thống của bà con trước đây.

Với mô hình này, tỷ lệ vườn cây sinh trưởng, phát triển đồng đều đạt trên 90%, năng suất không giảm so với vườn đối chứng.

“Mô hình tưới nước tiên tiến này đang có sức lan tỏa lớn, góp phần giúp người dân sản xuất đạt hiệu quả cao hơn”, ông Minh cho biết thêm.

Kim Ngân

 

Sản xuất rau sạch - hướng đi bền vững

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Sản xuất rau sạch phục vụ người tiêu dùng đang là xu hướng được các hộ nông dân hướng đến. Và một trong những phương pháp đắc lực hỗ trợ quy trình trồng rau sạch chính là mô hình trồng rau trong nhà lưới, theo hướng sản xuất hữu cơ. Tại Bình Phước, vài năm trở lại đây, mô hình trồng rau trong nhà lưới đã và đang được các nông hộ thực hiện đạt kết quả khả quan.

CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC CANH TÁC

Từ những luống rau ngoài vườn, gia đình ông Lê Văn Trọng ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản đã đầu tư trồng rau trong nhà lưới. Mặc dù chi phí ban đầu xây dựng hệ thống nhà lưới cao hơn so với cách sản xuất truyền thống nhưng theo ông Trọng, phương thức này có những ưu điểm vượt trội và là cách hữu hiệu nhất để trồng rau an toàn. “Tôi thấy trồng rau trong nhà lưới giúp hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và người nông dân sẽ sản xuất theo hướng hữu cơ là chính. Đây là hình thức rất hiệu quả, giúp chống sâu bệnh, sự thất thường của thời tiết, giúp cây rau dễ phát triển hơn và tiết kiệm chi phí sản xuất” - ông Trọng chia sẻ.

 

 

Ông Lê Văn Trọng ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản rất hài lòng với hiệu quả kinh tế khi chuyển sang trồng rau trong nhà lưới

Là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi phương thức sản xuất ở huyện Bù Đốp, gia đình ông Vũ Bá Uẩn ở ấp Tân Nhân, xã Tân Tiến đã đưa mô hình nhà lưới vào quy trình sản xuất của vườn nhà. Theo ông Uẩn, ưu điểm của canh tác trong nhà lưới là hạn chế sự tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên đến cây trồng; giúp cây phát triển tốt, không bị hư hỏng. Ông Uẩn cho biết: “Nhờ có công nghệ nhà lưới, gia đình vẫn trồng được rau mà không lo mưa to hay gió lớn. Mô hình còn làm hơi nước bốc lên ít nên độ ẩm trong đất cao hơn, giúp rau sinh trưởng nhanh. Mặt khác, có nhiều loại rau khó trồng vẫn sống được trong nhà lưới”.

VÌ SỨC KHỎE NGƯỜI TIÊU DÙNG

Mô hình trồng rau trong nhà lưới ngoài giúp cây trồng khỏe mạnh, phát triển nhanh thì ưu điểm lớn nhất là giảm tỷ lệ phân bón hóa học. Nhờ hệ thống lưới bao quanh nên cản được côn trùng xâm nhập, phá hoại, góp phần giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng và chăm sóc rau.

Ông Vũ Bá Uẩn, ấp Tân Nhân, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp: Với sản lượng rau, quả mà gia đình tôi làm, bán ra ngoài vẫn hết nhưng đôi khi bị đánh đồng với rau trôi nổi trên thị trường. Vì thế, bên cạnh sự hỗ trợ từ các ngành chức năng, tôi rất mong tạo được thương hiệu rau sạch của mình để cung cấp cho địa phương.

Ông Uẩn chia sẻ: Nghề trồng rau rất vất vả vì để có rau xanh tốt đến tay người tiêu dùng thì người nông dân phải đầu tư, chăm sóc rất kỹ. Gia đình tôi vẫn luôn đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu. Do vậy, trong suốt quá trình trồng và chăm sóc, chúng tôi luôn làm bằng cái tâm; không vì lợi nhuận cao mà lạm dụng phun thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc kích thích.

“Muốn trồng rau sạch, trước hết phải có nhà màng, để bón rau thì phải ủ phân hữu cơ. Trong quá trình trồng, nếu có sâu rầy với số lượng ít thì dùng cách khò lửa để diệt; trường hợp sâu rầy xuất hiện toàn vườn thì phải xử lý bằng vôi bột. Nếu vườn rau bị các loại nấm gây hại thì xử lý bằng men. Đây là một trong những biện pháp an toàn nhất của trồng rau” - ông Uẩn cho biết.

ĐỂ LÀ XU THẾ

Trồng rau trong nhà lưới hiện là mô hình tiên tiến giảm chi phí sản xuất, giúp người tiêu dùng có thực phẩm sạch. Tuy nhiên, quy trình trồng rau trong nhà lưới cũng đòi hỏi nhà nông phải kỹ lưỡng, từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch và thực hiện vụ mùa mới. Trong đó, khâu đầu tư cơ sở ban đầu là điều khiến các nông hộ trong tỉnh còn chần chừ với phương thức này.

Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long hiện có 8 thành viên. HTX đang hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện cả 8 thành viên HTX chưa đầu tư nhà lưới vào quá trình sản xuất.

Ông Cao Minh Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rau an toàn phường Phú Thịnh cho biết: “Muốn sản xuất rau sạch hoàn toàn thì phải có nhà lưới để không bị côn trùng chích hút, phá hại. Điều này đòi hỏi phải có đầu tư lớn, trong khi vốn của nông dân chúng tôi không nhiều. Vì vậy nông dân rất cần sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, thị xã và các ngân hàng thương mại để hướng đến sản xuất sạch”.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thịnh Đào Lê Xuân Thái chia sẻ: Việc sản xuất rau sạch, rau an toàn và đạt chuẩn VietGAP được hội chú trọng và đang vận động người dân chuyển đổi thực hiện. Tuy nhiên, sản xuất rau an toàn có một số khó khăn về chi phí đầu tư nên sắp tới chúng tôi sẽ tranh thủ mọi nguồn vốn để hỗ trợ thành viên HTX được vay xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch.

Hồng Phương

 

Liên tiếp xảy ra mía cháy ở xã Ia Piar

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Sau khi đã thiêu rụi hơn 30 ha mía, hỏa hoạn tiếp tục gây thiệt hại đến gần 20 ha mía chưa kịp thu hoạch tại xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).

Chiều 10-2, ông Siu Thiên-Chủ tịch UBND xã Ia Piar cho hay, Nhà máy đường Ayun Pa đang tích cực thu hoạch diện tích mía vừa bị cháy tại thôn Plei Rbai, xã Ia Piar nhằm giảm thiệt hại cho người dân.

Trước đó, khuya 6-2, người dân tại khu vực phát hiện đám cháy lớn ở các rẫy mía tại thôn Plei Rbai. Nhận được tin báo, UBND xã đã huy động lực lượng tại chỗ đến hiện trường hỗ trợ người dân. Vụ cháy xảy ra trong đêm tối giữa thời tiết hanh khô, gió mạnh nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chữa cháy đã phải dùng máy cày để tạo các đường ranh cản lửa nhằm khoanh vùng hiệu quả tránh cháy lan trên diện tích rộng.

 

 

Thêm gần 20 ha mía ở xã Ia Piar bị cháy. Ảnh: Văn Ngọc

Đến sáng 7-2, ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn. Qua thống kê xác định đã có gần 20 ha mía bị thiệt hại trong lần cháy mới nhất này. Theo đó, chỉ từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại xã Ia Piar đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cháy mía với diện tích hơn 50 ha. “Những diện tích mía cháy trước đã được thu hoạch, còn vụ cháy mới đây phía Nhà máy cũng đang cho chặt để đảm bảo chữ đường cho bà con”-ông Thiên cho biết.

VĂN NGỌC

 

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Nguồn tin:  Báo Báo Đắk Lắk

 

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Với nhiều nông dân trong tỉnh Đắk Lắk, công tác bảo vệ môi trường hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững đang được chú trọng.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Anh Lê Văn Tâm (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những nông dân sử dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ để mang lại hiệu quả. Chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tham gia mô hình này, anh cho hay, anh có 5 ha trồng cà phê theo hướng hữu cơ. Quá trình canh tác, anh thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng "thuận tự nhiên", tôn trọng hệ sinh thái vườn và không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo anh, việc canh tác theo hướng hữu cơ có nhiều lợi thế, vừa giữ gìn được môi trường trong lành, nâng cao độ tơi xốp, bảo vệ cho đất, vừa giúp nông dân hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, lại tiết kiệm chi phí đầu vào trong chăm sóc cây trồng, giá bán ra tăng hơn hai lần so với cách canh tác thông thường.

Người dân ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) có truyền thống trồng rau lâu đời, có tiếng. Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thịnh với hơn 100 thành viên tham gia trồng rau trên diện tích 25 ha, có thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, cách thức canh tác đã có nhiều thay đổi, người dân đã quan tâm hơn đến việc sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho đất. Ông Nguyễn Công Nam, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, với việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP giúp bà con kiểm soát được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bảo đảm chất lượng an toàn cho sản phẩm. Điều này đã tạo sự khác biệt so với cách làm cũ, thay đổi về nhận thức, kỹ thuật sản xuất trong bà con. Nhiều hộ còn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun sương tự động... mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và bảo vệ môi trường sống.

Công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương cũng thu hút sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể. Từ năm 2017, Huyện Đoàn Cư M’gar đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện triển khai mô hình “Hố thu gom chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật” đã qua sử dụng. Những hố thu gom được đặt ở các trục đường chính ra khu vực đồng, rẫy nên thuận tiện cho người dân trong việc thu gom tập trung chai, lọ đã qua sử dụng để đưa đi xử lý, tiêu hủy.

Khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại

Thực tiễn trong thời gian qua đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, tạo nên thế mạnh cho sản xuất, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Các mô hình này cho thấy sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy và thay đổi thói quen canh tác của người nông dân, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Nông sản làm ra theo hướng này cũng đã tạo được uy tín trên thị trường, thu về giá trị cao hơn và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương. Theo đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), phần lớn đất đai sản xuất nông nghiệp hiện nay đang có sự biến động lớn về lý, hóa tính và cả sinh học theo hướng tiêu cực và ảnh hưởng xấu cho việc canh tác nông nghiệp. Cụ thể, trong vòng 30 năm trở lại đây, đất canh tác độc canh cà phê ở Đắk Lắk đã bị chua hóa nhanh, bình quân độ pH của đất đã giảm từ 0,5 - 1,2 đơn vị, hàm lượng các cation kiềm thổ giảm 40 - 70%... Thoái hóa môi trường đất ở Đắk Lắk có nguyên nhân do canh tác nông nghiệp chưa hợp lý, sử dụng quá mức các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật...

 

 

Đoàn viên, thanh niên xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar) thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đi tiêu hủy.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, việc phát triển nông nghiệp tại tỉnh hiện đang đối mặt với thách thức trong phát triển bền vững. Một trong những giải pháp cần làm là định hướng phát triển và quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo cách tiếp cận cảnh quan trên nguyên tắc đa dạng sinh học, có biện pháp bảo vệ đất. Trước hết, cần chú ý vấn đề tái canh tác cà phê, phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật kết hợp với nông nghiệp chính xác, như: thực hiện quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm, bón phân hợp lý, sử dụng các chế phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật công nghệ sinh học... kết hợp các biện pháp nông nghiệp "thuận tự nhiên", như: làm cỏ tối giản, sử dụng biochar để cải tạo pH đất, tưới nước chính xác dựa trên lượng bốc hơi nước của vườn cây...

Với mục mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 18/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện thực hóa mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm.

Trâm Anh

 

Chìa khóa xuất khẩu bền vững

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

 

Nông sản trong tỉnh Hậu Giang đã và đang đáp ứng tốt các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường, ngay cả những thị trường nhập khẩu khó tính. Đây là kết quả của việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của những nông dân thời hội nhập.

 

 

Nhờ vào chất lượng mà nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Thay đổi

Nếu như trước kia, bưởi, chanh, xoài, nhãn… nông dân trong tỉnh sản xuất ra chỉ tiêu thụ nội địa thì nay đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Tính riêng năm ngoái, HTX đưa ra thị trường khoảng 2.500 tấn nông sản các loại, mục tiêu sắp tới là 3.500 tấn/năm. Trong đó, nguồn hàng trong tỉnh khoảng 70-75%. Số lượng đã được thay vào chất lượng, giá cả vì thế cũng được nâng lên mà quan trọng nhất khi áp dụng theo các quy trình sản xuất mới, có kỹ sư hướng dẫn trực tiếp, sản phẩm làm ra được bao tiêu với giá luôn cao hơn ngoài thị trường nên nông dân an tâm. Từ vài hộ dân tham gia liên kết, đến nay HTX có 160 thành viên.

Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, cho biết: Những thị trường xuất khẩu dĩ nhiên là chất lượng quan trọng hơn rồi. Chất lượng sẽ quyết định số lượng, nhất là những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Trung Quốc. Các tiêu chuẩn về GlobalGAP, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, kim loại nặng… Lô hàng cho dù 10kg hay 100 tấn nếu không đạt sẽ không nhận, hủy hết.

Ông Trần Bá Sơn đưa ra dẫn chứng: “Ví dụ mình định hướng doanh nghiệp của mình xuất khẩu vào thị trường EU thì phải nắm rõ các quy định về mặt chất lượng, dư lượng, các tiêu chuẩn khi muốn xuất vào đó rồi mình mới quay lại hướng dẫn cho người nông dân làm theo, khi làm đạt rồi mới bao tiêu, thu mua, xuất khẩu”.

Ngoài ra, theo ông Sơn, có một bộ phận nông dân cũng lo ngại giá giảm, nôn nóng bán cũng có thể thu hoạch sớm. Tuy nhiên, HTX có hệ thống kỹ sư để hướng dẫn và khuyên người nông dân thu hoạch nông sản đúng thời điểm để đảm bảo được chất lượng. Bởi quan trọng là chữ tín và có ràng buộc trong các hợp đồng, khi không tuân thủ thì HTX không thu mua.

Tri thức hóa nông dân, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp chính là giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với tư duy mới cho nông dân. Nhận thức rõ điều này, những nông dân trong tỉnh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Tiêu biểu như ông Lê Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, một trong 2 nông dân của tỉnh được Trung ương chứng nhận đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”.

Có 35 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng, trong đó 15 năm trồng xuất khẩu, hơn ai hết, ông Sáu hiểu rõ yêu cầu thị trường ngày càng cao, nông dân phải mạnh dạn thay đổi, sản xuất sạch, an toàn mới được thị trường đón nhận lâu dài. Ông Sáu bộc bạch: “Nông dân nào chịu tìm tòi, học hỏi thì mới thành công. Tôi tiếp cận nhà khoa học và tự tìm tòi, học hỏi thành ra mới được như ngày hôm nay. Trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP cây vừa khỏe mà cơm sầu riêng rất đạt. Ngoài ra, đã làm thủ tục, đang chờ cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính”.

Áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ

Khoa học kỹ thuật và đặc biệt là công nghệ cao là chìa khóa để tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Trong xây dựng mô hình canh tác về nông nghiệp để chuyển giao đến người nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh luôn quan tâm đến những mô hình ứng dụng công nghệ, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn và gắn với truy xuất nguồn gốc, liên kết bao tiêu đầu ra hướng tới phục vụ tốt cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định sản xuất nông nghiệp, hướng tới sự bền vững.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, cho rằng: Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện theo mã số vùng trồng, ứng dụng truy suất nguồn gốc, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình và mang lại hiệu quả. Hiện các nước nhập khẩu đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt là những tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo những tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn GlobalGAP, hay các tiêu chuẩn về hữu cơ hoặc những tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường của nước đó. Do đó, trong sản xuất, người dân phải gắn với doanh nghiệp để sản phẩm làm ra đạt theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, nguyên Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, chia sẻ: “Trước đây chúng ta chú trọng về lượng, bây giờ chúng ta chú trọng về chất. Trước kia chúng ta cạnh tranh bằng giá rẻ, bây giờ chúng ta cạnh tranh bằng giá trị gia tăng cao. Trước kia chúng ta cạnh tranh thuần túy là chạy theo khách hàng dễ tính, bây giờ chúng ta chấp nhận tái cơ cấu, chuyển đổi sang khách hàng khó tính. Bởi vì chỉ có phục vụ khách hàng khó tính, đáp ứng yêu cầu của họ chúng ta mới tự nâng mình lên. Xoay góc nhìn từ truyền thống, lạc hậu chuyển sang góc nhìn hiện đại phù hợp với thời thế hơn thì tôi tin sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho ĐBSCL”.

Sự thay đổi trong nhận thức, tư duy sản xuất đã giúp hình thành các vùng nguyên liệu có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng không thể lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, bắt đầu tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp…

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

 

Mùa ‘chăn’ ong ở Ðắk Nông

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Cứ vào độ hoa cà phê bung nở, Đắk Nông trở thành “vựa mật” dồi dào nên mọi người nuôi ong khắp mọi miền đổ về đây "chăn" ong.

Vào mùa hoa cà phê nở, dễ dàng bắt gặp những lán trại di động, xung quanh là những thùng ong. Đó là trại "dã chiến" của những người “chăn” ong.

Không chỉ người địa phương mà người nuôi ong tứ xứ đều di cư cho đàn ong đến Đắk Nông lấy mật từ hoa cà phê.

 

 

Mật ong từ hoa cà phê được xem là "đặc sản" của Đắk Nông

Mùa hoa cà phê, người nuôi ong không phải cho ong ăn. Đàn ong tự đi kiếm ăn và lấy mật từ hoa cà phê. Chính vì vậy, chất lượng mật luôn được đánh giá rất tốt.

Điều đặc biệt của mật hoa cà phê là có màu sắc vàng óng, đậm đặc, có vị ngọt dịu nhẹ, bảo quản được lâu. Nếu càngđể lâu, mật ong càng tốt, không bị ngả màu hay đóng đường.

Đắk Nông có diện tích cà phê hơn 130 ngàn ha, đứng thứ 3 ở Tây Nguyên. Mùa hoa cà phê bung nở, là giai đoạn cao điểm cho người nuôi ong đổ về "chăn" ong

Ông Lý Văn Minh, ở phường Nghĩa Phú (TP. Gia Nghĩa) cho biết, muốn ong cho nhiều mật thì phải chịu khó di chuyển đàn ong tới các vùng trồng cây công nghiệp có quy mô lớn như cà phê, cao su, điều...

Riêng mùa hoa cà phê thường kéo dài từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3 âm lịch. Đây là giai đoạn cao điểm để đàn ong đi lấy mật.

Trong mùa hoa cà phê, ông Minh thường thu hoạch được từ 3 - 5 lần mật, với số lượng khoảng 1.000 lít mật/lần quay. Mật ong cà phê có giá bán từ 80.000 - 120.000 đồng/lít tuỳ loại.

Mật ong đạt chuẩn mỗi lít nặng 1,4kg. Mỗi lần thu hoạch mật ong cách nhau từ 13 - 18 ngày tùy thời tiết và hoa cà phê nở rộ hay không.

Mỗi lần quay mật, ông Minh thu được hơn 60 triệu đồng. Chi phí thuê người quay mật 400.000 đồng/ngày/người. Trừ hết chi phí, mỗi mùa cà phê, người "chăn" ong như ông Minh có lãi hàng trăm triệu đồng.

Một năm, những người nuôi ong phải di chuyển đàn ong từ 5-7 lần, đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để "chăn" ong theo mùa hoa các loại cây trồng.

 

 

"Chăn" ong là công việc khá nhàn nhã, làm theo mùa hoa, nhưng mang lại nguồn thu nhập cao

Những người nuôi ong có kinh nghiệm không chỉ nuôi ong lấy mật mà còn biết cách tạo ong chúa, nhân đàn... Vì thế, lợi nhuận của họ càng tăng cao hơn.

Đến nay, nhiều người đã xây dựng được thương hiệu mật ong hoa cà phê Đắk Nông. Sản phẩm hoa cà phê luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, ở thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh (Đắk Mil) đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Gia chuyên chăn nuôi, cung cấp mật ong hoa cà phê.

Đến nay, ông đã xây dựng được thương hiệu "Mật ong Đắk Mil". Mật ong của gia đình ông đã trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Đắk Mil và đang hướng tới xuất khẩu.

Hưng Nguyên

 

Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

Nguồn tin: Báo Bình Định

 

Không ngại khó, ngại khổ, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Trần Thành Văn (SN 1992, ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đã vượt qua khó khăn, khởi nghiệp thành công nhờ mô hình trang trại tổng hợp.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Xây dựng tại TP Đà Nẵng, năm 2013, anh Văn lên Kon Tum lập nghiệp, làm kỹ sư xây dựng. Với khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2019, anh Văn quyết định về quê khởi nghiệp và được cha mẹ ủng hộ.

 

 

Anh Trần Thành Văn chăm sóc chim bồ câu tại trang trại. Ảnh: D.Đ

Trên mảnh đất vườn 1,4 ha của gia đình, anh đầu tư gần 150 triệu đồng từ số tiền tiết kiệm để xây dựng chuồng trại nuôi chim trĩ và trồng trọt. Song, vì là “tay ngang”, chưa có kinh nghiệm, lại gặp thiên tai, dịch bệnh, việc chăn nuôi của anh không đạt hiệu quả. Không nản chí, anh Văn đã tự tìm hiểu, tham quan và học hỏi các mô hình nuôi chim trĩ tại các huyện, đồng thời trau dồi thêm kiến thức thông qua các kênh truyền thông.

Năm 2020, anh đầu tư thêm 100 triệu đồng thực hiện mô hình trang trại tổng hợp chuyên trồng trọt và chăn nuôi an toàn. Bước đầu triển khai, anh nhập 200 con chim trĩ giống mới; xây dựng lại chuồng trại theo hướng khép kín, tránh gió, phủ đệm lót sinh học, theo dõi và ghi chép lại quá trình sinh trưởng của chim. Nhờ đó, lứa chim trĩ mới đầu tiên phát triển tốt.

Về trồng trọt, anh Văn tập trung trồng các loại cây như chuối, dừa xiêm, mít Thái, rau sạch. Nhờ chú trọng áp dụng tiến bộ KHKT mới, nên các loại cây trồng đều sinh trưởng tốt, đảm bảo chất lượng.

Đến nay, trang trại của anh Văn đã được mở rộng với hàng nghìn con chim trĩ. Trong năm 2021 - 2022, anh đã xuất bán trên 4.000 con chim trĩ giống, 1.000 con chim trĩ thương phẩm và hàng nghìn quả trứng chim. Cùng với đó, trang trại của anh còn phát triển thêm 10 con heo nái và 70 cặp chim bồ câu Pháp; trồng nấm rơm; nấu rượu… Các sản phẩm từ trang trại của anh được tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Thu nhập bình quân của anh đạt 150 - 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Văn còn rất năng động trong các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương. Anh luôn cùng ĐVTN địa phương tham gia các hoạt động vì cộng đồng, vì an sinh xã hội, dọn vệ sinh môi trường và giúp đỡ các thanh niên mới khởi nghiệp.

Nói về dự định tương lai, anh Văn chia sẻ: “Thời gian tới, tôi sẽ làm hồ sơ vay vốn từ Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp để có thêm vốn mở rộng diện tích trang trại, nhập thêm con giống mới, trồng thêm nhiều cây ăn quả đạt năng suất cao hơn. Đồng thời, đẩy mạnh vận động ĐVTN cùng giúp nhau trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

TRIỀU CHÂU

 

Thừa Thiên Huế: Nhân tạo thành công bò lai Wagyu Nhật Bản tại A Lưới

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

 

Thụ tinh nhân tạo thành công bò lai Wagyu Nhật bản tại A Lưới (Thừa Thiên Huế) mở ra triển vọng, cơ hội mới nâng cao giá trị, hiệu quả chăn nuôi bò nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.

 

 

Mẹ con bò lai Wagyu

Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gia súc, gia cầm luôn là mục tiêu hướng đến của ngành chăn nuôi của tỉnh. Nắm bắt nhu cầu và xu thế của thị trường trong tiêu thụ sản phẩm thịt bò chất lượng cao, năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các ban ngành ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo giống bò Wagyu trên địa bàn huyện A Lưới. Nguồn tinh giống bò Wagyu do PGS.TS. Sử Thanh Long, Trưởng bộ môn Ngoại sản - Khoa Thú y thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tặng 35 liều.

Thịt bò Wagyu được biết đến không chỉ chất lượng, thơm ngon mà còn có giá hàng triệu đồng/kg. Đây được xem là giải pháp chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Theo đánh giá của người tiêu dùng, giá thịt bò Wagyu không quá đắt như bò Kobe nhập ngoại, nhưng chất lượng thơm ngon thì không có loại thịt bò nào bằng. Nhiều người đã ăn thịt bò này một lần thì sẽ thích ăn mãi. Chất lượng thịt bò Wagyu bằng 70-80% chất lượng bò Kobe ở Nhật Bản, song giá thịt bò Wagyu bán ra chỉ bằng 60% so với mức giá thịt bò nhập từ Nhật Bản và Australia nên nhiều người vẫn thích mua về ăn và làm quà biếu.

Cả nước hiện chỉ có hai tỉnh, thành nuôi được bò Wagyu là Hà Nội và Lâm Đồng. Sản phẩm bò này tại Lâm Đồng chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh. Vì thế giá thịt bò Wagyu vẫn ở mức cao, giá thịt thăn nội hơn 4,5 triệu đồng/kg, thăn ngoại 3,7 triệu đồng/kg.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, đàn bò Wagyu được lai tạo dựa trên tinh bò Wagyu phối tinh nền HF, tạo ra thế hệ F1 có 50% máu Wagyu. Sau đó, dùng con cái sinh sản phối tiếp với tinh bò Wagyu để tạo ra con F2 có 75% máu Wagyu…

Các cơ sở nuôi bò này thường xuyên chải lông, massage, cho bò nghe nhạc để những vùng nhiều mỡ dưới da tan vào trong thịt, tạo thành lớp thịt xen mỡ đặc biệt chứa nhiều Omegar 3 tốt cho sức khỏe và đẹp da. Đây là một trong những thành công quan trọng trong việc lai tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thịt nhằm phát huy tốt dư địa chăn nuôi bò A Lưới cũng như trên địa bàn tỉnh.

Tổng đàn bò của toàn tỉnh hiện có hơn 30 ngàn con. Với dân số khá đông thường xuyên có mặt sinh sống và làm việc, hiện TP. Huế đang là trung tâm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất của vùng Bắc Trung bộ. Ước tính nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của thành phố khoảng 33 ngàn tấn/năm.

A Lưới, Phong Điền… có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò thịt nhờ có diện tích tự nhiên rộng, nhiều vùng bãi ven sông để tận dụng trồng cỏ, ngô, cây họ đậu phục vụ thức ăn chăn nuôi bò. Có thể thấy dư địa cho chăn nuôi bò thịt của tỉnh còn rất lớn nếu được quan tâm đầu tư một cách bài bản, thỏa đáng.

Đối với bò thịt, những năm qua, ngành chăn nuôi đã đưa các giống bò năng suất, chất lượng cao vào lai tạo, nhân giống như Brahman, Droghmatterr, BBB, Charolai, Angus, Wagyu... Từ đó nâng khối lượng trung bình ở giai đoạn trưởng thành (24 tháng tuổi) từ 220 - 300kg/con (bò vàng) tăng lên 350 - 380kg/con (bò lai Sind).

Hiện, khối lượng của các giống bò lai chất lượng cao như BBB, Charolai, Angus, Wagyu đã tăng lên 480 - 650kg/con, tỷ lệ thịt nâng từ 43% lên 63%. Các giống bò mới mang lại hiệu quả kinh tế từ 3 - 6 triệu đồng/bê. Ngoài ra, hoạt động cải tạo đàn bò cái nền từ tinh bò Brahman, Senepol là tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo, sản xuất giống bò thịt trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: TRIỀU NHÂN

 

Bao giờ giá heo hơi tăng trở lại?

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

 

Không như người nuôi heo kỳ vọng và trái ngược hoàn toàn với quy luật hàng năm, dịp tết Nguyên đán vừa qua, giá heo hơi chẳng những không tăng mà còn xuống ở mức thấp dưới giá thành khiến người chăn nuôi hết sức thất vọng. Sự thất vọng đó ngày một kéo dài thêm khi giá heo hơi dù có tăng đôi chút nhưng vẫn chưa đạt mức có lãi cho người chăn nuôi từ sau tết Nguyên đán đến nay. “Bao giờ giá heo hơi tăng trở lại” là câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng để người chăn nuôi an tâm tái đàn.

Cuối tháng 12/2022, giá heo hơi đã dập tắt mọi hy vọng về mùa tiêu thụ cao điểm của người chăn nuôi khi thiết lập đáy mới ở mức từ 50.000 - 51.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá heo hơi chạm đáy dịp cuối năm được các chuyên gia và doanh nghiệp lý giải là do nguồn cung dồi dào, nhiều lao động bị mất việc làm, buộc phải thắt chặt chi tiêu. Từ sau tết Nguyên đán đến nay, một số doanh nghiệp vẫn chưa tìm được đơn hàng mới, nên một bộ phận lao động vẫn chưa tìm được việc làm và thu nhập ổn định. Do đó, các dự báo đều nghiêng về khả năng mức tiêu thụ thịt heo sẽ tiếp tục ở mức thấp, giá heo hơi vì thế khó có khả năng được cải thiện trong quý I này.

Thực tế cho thấy, từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá heo hơi dao động tăng, giảm quanh quẩn mức từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Đến ngày 9/2/2023, theo cập nhật của người viết, giá heo hơi tại Sóc Trăng và một số tỉnh trong khu vực chỉ ở mức từ 52.000 - 53.000 đồng/kg, nhờ các doanh nghiệp lớn đẩy giá heo hơi cung ứng ra thị trường lên mức từ 57.000 - 59.000 đồng/kg. Trong khi giá heo hơi vẫn chưa bứt ra khỏi điểm hòa vốn thì giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp được điều chỉnh tăng. Cùng với đó là sức tiêu thụ trên thị trường vẫn còn yếu, dịch bệnh còn khó lường nên đa phần người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ còn phân vân chưa dám tái đàn. Sự phân vân đó hoàn toàn có cơ sở, bởi theo tính toán của doanh nghiệp và ngành chức năng, với giá con giống, thức ăn như hiện nay thì chăn nuôi nông hộ giá thành đã trên 57.000 đồng/kg. Ngay cả doanh nghiệp chủ động được con giống, thức ăn thì giá thành cũng đã hơn 53.000 đồng/kg.

 

 

Những trang trại nuôi heo quy mô lớn, chủ động con giống, thức ăn tiếp tục nuôi hy vọng giá heo hơi sẽ phục hồi trong năm 2023. Ảnh: TÍCH CHU

Khi thị trường trong nước khó khăn, người chăn nuôi bắt đầu kỳ vọng vào việc xuất khẩu heo hơi khi Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại từ ngày 8/1. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc xuất khẩu heo hơi sang Trung Quốc (chính ngạch lẫn tiểu ngạch) vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan nào, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là giá heo hơi tại thị trường Trung Quốc thời gian qua ở mức rất thấp. Những ngày gần đây, dù đã có sự cải thiện, nhưng nhìn chung, giá heo hơi tại Trung Quốc cũng chỉ ở mức từ 51.000 - 52.000 đồng/kg.

Theo dự báo, chăn nuôi heo trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó chí ít là đến hết quý I, nhưng khả năng kéo dài đến hết quý III là rất cao. Lý giải cho điều này, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, phải đến đầu quý II, nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý III. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại giúp sức tiêu thụ tăng lên. Thứ hai là chúng ta đã có vắc xin dịch tả heo châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi và thứ ba là giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm nhưng do giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn giá nguyên liệu nên phải đến đầu quý II, giá thức ăn chăn nuôi trong nước mới có khả năng giảm dần so với hiện tại.

Cũng có nhiều dự báo lạc quan cho rằng, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá heo hơi từ quý IV trở đi nhiều khả năng sẽ thiết lập mốc 60.000 đồng/kg và sức tiêu thụ cả năm sẽ tăng khoảng 5%. Cơ sở cho dự báo trên là khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại thì nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ tăng. Trong khi đó, nhiều khả năng nguồn cung sẽ thiếu hụt do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dám tái đàn hoặc không còn khả năng tái đàn vì thua lỗ kéo dài. Mặt khác, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ cũng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ thịt heo của Trung Quốc tăng mạnh, kéo theo giá tăng, góp phần hỗ trợ giá heo hơi trong năm 2023.

Tất cả vẫn chỉ là dự đoán, còn riêng với người chăn nuôi, điều họ trông chờ nhất là các chính sách kích thích phát triển kinh tế của Chính phủ nhanh chóng phát huy hiệu quả, để qua đó kích cầu được tiêu dùng, kéo giá heo hơi trở về đúng với giá trị thật của nó, giúp ngành chăn nuôi heo phục hồi và phát triển, người chăn nuôi yên tâm sống với nghề.

TÍCH CHU

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop