Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 15 tháng 10 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 15 tháng 10 năm 2021

 

Kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19

Nguồn tin:  Báo Long An

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn Long An gặp nhiều khó khăn khiến doanh thu, lợi nhuận giảm. Chính vì thế, Liên minh HTX tỉnh tích cực hỗ trợ HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm, giúp các HTX vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả.

Gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, những chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác (THT) bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, chính sách về tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, THT,... đều không thể triển khai, thực hiện trong thời gian qua do địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Ðây không chỉ là khó khăn trước mắt mà còn là thử thách cho các HTX, THT trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Toàn tỉnh hiện có 207 HTX nông nghiệp, trong đó có 176 HTX trồng trọt, 19 HTX chăn nuôi và 12 HTX thủy sản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều HTX gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Do yêu cầu kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ nên việc vận chuyển nông sản mất nhiều thời gian hơn so với trước đây. Nhiều loại nông sản bị hư hỏng hoặc phát sinh chi phí để sơ chế bảo quản, giá vật tư, phân bón tăng cao,... khiến nông dân e ngại khi tái sản xuất vụ mới. Ðây cũng là khó khăn chung của nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) - Bùi Văn Tuấn chia sẻ: “Trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản gặp khó do thương lái, nhà máy hạn chế mua hoặc mua giá thấp dẫn đến tồn đọng, trong khi đó, lãi vay vốn ngân hàng và các công nợ tới hạn phải thanh toán nên phải bán hàng với giá thấp hoặc chịu lỗ (lãi vay quá hạn, nợ xấu) để tiếp tục trữ nông sản. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nông dân không thu được lợi nhuận trong sản xuất. Cùng với đó là giá phân bón tăng cao, khó khăn trong chi phí đầu tư để tái sản xuất. Nếu không có cơ chế hỗ trợ thì các HTX rất khó để tổ chức vận hành sản xuất trở lại”.

Việc hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm là tín hiệu vui cho các hợp tác xã nói chung và người lao động, thành viên nói riêng

Kịp thời kết nối cung - cầu

Trước những khó khăn nêu trên, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức kết nối cung - cầu tiêu thụ, sản xuất. Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam ban hành Chương trình số 503/CTr-LMHTXVN, ngày 04/8/2021 về kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX, THT sản xuất theo chuỗi cung ứng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - Nguyễn Ngọc Bảo, đây là chương trình có ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, vai trò, trách nhiệm và sự chăm lo của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đối với sự phát triển kinh tế tập thể và với đất nước trong giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm với tên miền: lmhtxvnmart.com.vn để đăng tải đầy đủ thông tin của các sản phẩm lên cổng thông tin này, tạo thuận tiện cho việc cung - cầu. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm với tên miền: lmhtxvnmart.com.vn

Với mục tiêu hỗ trợ HTX trong việc tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh, tạo thuận lợi cho việc kết nối cung - cầu, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn đến từng HTX. Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Nguyễn Hoàng Huy cho biết: “Đẩy mạnh giới thiệu và bán sản phẩm trên mạng là lối đi tốt nhất hiện nay mà Liên minh HTX tỉnh hướng đến.

Chính vì thế, Liên minh HTX tỉnh tích cực hỗ trợ các HTX đăng ký thông tin bán hàng trên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm do Liên minh HTX Việt Nam xây dựng để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, giúp các HTX thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh giữa đại dịch Covid-19. Đến nay, có 7 HTX trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia bán hàng trên Cổng thông tin kết nối cung - cầu sản phẩm”.

Giữa đại dịch, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa đều gặp khó khăn, việc hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm là tín hiệu vui cho các HTX nói chung và người lao động, thành viên nói riêng. Qua đó, giúp các HTX giảm được thiệt hại, tăng sức chống chịu để vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần tích cực vào việc phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh khi trở lại trạng thái "bình thường mới"./.

Huỳnh Hương

Trồng cây chắn gió, lão nông vô tình thu lợi vài chục triệu đồng mỗi năm

Nguồn tin: Lao Động

Vốn chỉ biết đến là thứ quả dại, là cây giữ đê bao, chắn gió, nhưng dần dần cây cà na đã trở thành một thức ăn vặt quen thuộc với giới trẻ miền Tây. Cà na đã giúp nhiều hộ gia đình ở miền Tây có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Miền Tây bước sang tháng 10 - mùa nước nổi, cũng là lúc các lão nông tri điền ở Cần Thơ bước vào vụ thu hoạch trái cà na - một loại trái cây bình dị, tự nhiên ban tặng và được người dân miền Tây dùng làm nhiều món ăn vặt.

Trước đây cây cà na này mọc dại theo dọc đê, con mương, bờ rạch. Nhưng giờ đây thứ quà quê này được các bạn trẻ ưa chuộng, mê ăn vặt, mang lại một nguồn thu nhập cho nông dân.

Ông Phạm Hiền Phúc, ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ trồng 200 gốc cà na đã được 4 năm. Ban đầu, ông Phúc trồng cây cà na với mục đích phủ phía ngoài vườn sầu riêng và mít Thái để chắn gió. Nhưng lâu dần, cà na trở thành thức ăn vặt phổ biến nên ông Phúc dần kiếm được lời.

"Hồi đó tôi trồng chỉ để giữ đê, chắn gió thôi, chứ không nghĩ gì hết. Mấy năm trở lại đây có thu nhập, mình cũng mừng", ông Phúc vui vẻ cho biết.

Ông Phạm Hiền Phúc thu hoạch trái cà na. Ảnh: Minh Ánh

Trung bình mỗi năm, ông Phúc thu hoạch được 6 tấn cà na. Mọi năm với giá ổn định, dao động quanh mức 10.000 đồng/kg, ông Phúc có thể kiếm được khoảng 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ đầu vụ đến giờ, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên ông Phúc cũng "chẳng bán được là bao". Từ đầu vụ đến nay, ông ước tính bán được 1 tấn cà na, với giá giảm 50%, nhiều trái cà na chín rụng đầy vườn.

"Năm nay, số cây, năng suất cũng như những năm trước nhưng giá chỉ còn có 5.000 đồng/kg mà chỉ bán được chưa tới một nửa”, ông Phúc nói.

Trái cà na được coi là món ăn vặt phổ biến tại miền Tây. Ảnh: Minh Ánh

Theo ông Nguyễn Chí Thức, Phó trưởng trạm Khuyến nông quận Ô Môn, TP Cần Thơ, nông dân trên địa bàn quận Ô Môn thường chọn cây cây na trồng trên đê bao của họ. Thứ nhất để giữ đê bao. Thứ hai che chắn gió cho vườn cây ăn trái.

"Đến mùa nước nổi, người dân tận dụng những cây cà na sẵn có để thu hoạch, kiếm thêm thu nhập phụ trang trải kinh tế gia đình. Năm nay tiêu thụ cà na giảm, giá cũng thấp hơn năm trước nên nông dân kém vui hơn", ông Thức nói.

Theo ông Thức, cây cà na rất dễ trồng, bà con cũng không phải phân thuốc hay tốn công chăm sóc nhiều.

Mỗi vụ, gia đình ông Phúc có thể thu hoạch được 6 tấn cà na, làm lợi 60 triệu đồng mà không phải mất chi phí phân thuốc, công chăm sóc.

Vào tháng 9 - 10 các năm trước, khi chưa có dịch COVID-19, du khách về các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang hay Sóc Trăng thấy cà na được bày bán khắp nơi, từ các khu chợ đến các xe hàng rong ven đường.

Cà na theo y học cổ truyền là vị thuốc bổ máu, hỗ trợ lọc máu, chữa đau răng, dị ứng sơn, giải rượu, chữa cổ họng sưng đau, có nhiều đờm. Ảnh: Minh Ánh

Cây cà na thuộc họ trám trắng, thân gỗ cao 10 - 25m, chi chít nhánh, ra hoa trắng vào khoảng tháng 3 - 4. Cây phát triển tốt và hướng về phía mặt sông, trái ở phía này cũng nhiều hơn so với trong bờ. Trái cà na có hình thuôn tròn, dài cỡ 3 - 4cm, khi già trái chuyển màu xanh đậm, vị chát, khi chín trái màu vàng nhạt, vị chua.

MINH ÁNH

Giá lúa tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giá nhiều loại lúa tại ĐBSCL hiện tăng trở lại từ 100-300 đồng/kg so với cách nay khoảng 2 tuần.

Thương lái thu mua lúa vụ thu đông 2021 tại huyện Thới Lai.

Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… lúa tươi IR 50404 vụ thu đông 2021 được nông dân bán cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức 4.500-4.700 đồng/kg. Lúa tươi OM 5451, OM 6976 có giá từ 5.000-5.400 đồng/kg, OM 18 ở mức 5.500-5.600 đồng/kg. Lúa Đài Thơm 8 và RVT ở mức 5.600-5.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.000-6.100 đồng/kg…

Giá lúa tăng do nhu cầu chế biến gạo xuất khẩu tăng và giá gạo xuất khẩu của nước ta cũng tăng so với tháng trước. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu đạt mức 433-437 USD/ tấn, tăng khoảng 3-7 USD/tấn so với trước. Thời điểm này, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp tăng cường mua lúa gạo để chuẩn bị phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán 2022. Dự báo giá nhiều loại lúa có khả năng còn tăng trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ tăng và nguồn cung giảm khi nhiều địa phương bước vào cuối vụ thu hoạch lúa thu đông 2021.

Qua 8 tháng năm 2021, nước ta đã xuất khẩu gạo được 3,986 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,129 tỉ USD. Riêng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 9-2021 ước đạt khoảng 500.000-550.000 tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm nay nước ta dự kiến xuất khẩu 6-6,2 triệu tấn gạo các loại, với kim ngạch đạt khoảng 3,325 tỉ USD.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Đồng Nai: Trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ông Tô Thế Mạnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), cho biết, đơn vị đang trồng thí điểm loại nấm linh chi dưới tán rừng.

Được trồng tại Đầm Voi, nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất trong số 6 phân trường mà đơn vị đang quản lý, nấm có tỷ lệ mọc rất dày, tai to, sau 3 tháng có thể thu hoạch. Các khâu chăm sóc nấm cũng rất đơn giản, giá thể của nấm là tận dụng các phụ phẩm từ lá, cành mục của cây keo lai.

Ban quản lý sẽ phối hợp chi cục kiểm lâm tỉnh đánh giá hiệu quả mô hình để xây dựng kế hoạch nhân rộng loại dược liệu quý này cho các hộ dân đang nhận khoán chăm sóc rừng.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Xuân Lộc từng phối hợp chi cục kiểm lâm tỉnh triển khai nhiều mô hình cây xen canh dưới tán rừng như ca cao và một số cây dược liệu khác nhằm phát huy giá trị diện tích đất rừng.

TIẾN MINH

Yến liệng ở ‘vương quốc hồ tiêu’

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Một thời, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) được biết đến với mỹ danh là “vương quốc hồ tiêu”, để rồi khánh kiệt. Bây giờ, Chư Sê đang dần thành công trong lĩnh vực nuôi chim yến.

Chim yến thay hồ tiêu

Anh Phạm Tiến Dũng (tổ 3, thị trấn Chư Sê) từng có 9 ha hồ tiêu được trồng từ năm 2011. Đến năm 2014 thì vườn hồ tiêu của anh chết sạch. 15 tỷ đồng đầu tư vào vườn hồ tiêu, phần lớn là tiền vay ngân hàng theo đó mất trắng. Loay hoay với đủ nghề, thêm vào đó là một số ngân hàng hỗ trợ bằng cách giãn nợ, giảm lãi suất nên vợ chồng anh cũng đã dần thoát được bế tắc.

Thế rồi, nghề nuôi chim yến đến với gia đình anh Dũng một cách khá tình cờ. Anh kể: “Có nhiều hôm, vợ chồng tôi thấy chim yến bay lởn vởn trong khu vực thị trấn. Vợ tôi vốn đam mê mạng xã hội, liền mở ra tìm hiểu thì biết đó là chim yến. Sẵn máu làm ăn, cũng thông qua mạng, bà ấy liên lạc với những người đang làm nhà yến trong cả nước để tìm hiểu cách làm, thị trường tiêu thụ. Cuối cùng, tôi đã đồng ý làm thử một nhà yến, sau một thời gian bị bà ấy kiên trì thuyết phục”.

Tháng 10-2014, vợ chồng anh Phạm Tiến Dũng mở máy, chính thức khai trương nhà dẫn dụ chim yến của mình. Đây cũng là nhà nuôi yến đầu tiên của huyện Chư Sê. Anh Dũng cho biết: Sau 18 tháng kể từ ngày mở máy, nhà yến đã cho thu lai rai. Đến năm thứ 5 thì thu rộ. Cho đến giờ, vợ chồng anh đã có 3 căn nhà yến ở thị trấn Chư Sê, 1 căn ở xã Hbông. Trong đó, 2 căn đã cho thu hoạch, bình quân khoảng 20 kg tổ yến thô/tháng.

Ông Nguyễn Hồng Hà-Bí thư Huyện ủy Chư Sê: Hiện các ngân hàng thương mại chưa có chủ trương cho vay dự án nuôi yến, chỉ dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay thương mại. Duy chỉ có Sacombank cho vay dự án nuôi yến. Huyện sẽ hỗ trợ Hội Yến sào hoạt động có hiệu quả, nhằm giúp người dân yên tâm đầu tư, đảm bảo đầu ra, bảo vệ quyền lợi cho người nuôi yến.

Cũng ở thị trấn Chư Sê, anh Lã Văn Phóng (tổ 9) có cửa hàng làm nhôm kính. Thấy mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Dũng thành công ngoài mong đợi, năm 2016, anh Phóng quyết định đầu tư 2 căn nhà nuôi yến. Hồi đó, nghề nuôi yến ở Chư Sê chưa nhiều, trong khi cửa hàng của anh đang kinh doanh phát đạt nên không ít người ái ngại cho gia đình. “Có người còn gọi là “Phóng liều” nhưng tôi vẫn quyết làm. Tôi nhờ anh Dũng mang máy đến thử, thấy yến về nhiều, lại được anh ấy tận tình tư vấn từ khâu thiết kế xây dựng nhà yến đến việc chống thiên địch và thú ăn thịt như quạ, chuột, sóc, rồi thu hoạch và cả đầu ra… Vậy là tôi làm”-anh Phóng chia sẻ. Bây giờ, 2 nhà yến của anh Phóng đã cho thu hoạch 5 kg sản phẩm thô/tháng. Một năm thu 10 tháng, gia đình anh có được 50 kg yến thô.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm căn nhà yến được phát triển ở huyện Chư Sê. Điều này khẳng định sự thành công trong việc đầu tư nuôi yến trên địa bàn. Chả vậy mà có những căn biệt thự hàng mấy tỷ đồng, được xây lên từ thời hoàng kim của hồ tiêu, giờ đây cũng cải tạo lại để làm nhà dẫn dụ chim yến về làm tổ.

Nhà nuôi yến của ông Phạm Phú Hoan (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Ảnh: Nguyễn Diệp

Cần thương hiệu “Yến sào Chư Sê”

Anh Phạm Tiến Dũng cho biết: Chất lượng yến sào Tây Nguyên không hề thua kém ở đồng bằng, bởi ở đây khí hậu rất hợp với chim yến, nguồn thức ăn lại dồi dào. Đặc biệt do gần với nước bạn Campuchia nên chim yến thường bay sang bên ấy, chiều về đã no nê với nguồn thức ăn là côn trùng từ những cánh rừng nguyên sinh. “Nuôi yến không khó. Nhiều người nói “chim trời cá nước”, biết đâu mà lần. Tuy nhiên, đã làm thì phải có niềm tin và quyết tâm cao. Quan trọng là vùng đó yến có về hay không, phần nữa là vốn đầu tư”-anh Dũng tâm sự.

Theo tính toán của anh Dũng, chưa kể đất thì 1 m2 nhà yến đầu tư hết 3,5 triệu đồng. Nếu gia đình nào có sẵn đất, để đầu tư một căn nhà yến 100 m2, cần đến 350 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, bởi người dân ở “vương quốc hồ tiêu” này vẫn chưa hoàn toàn “bình phục” sau cơn đại dịch hồ tiêu. Tuy nhiên, nếu xác định được vị trí đặt nhà yến (sau khi dùng máy thử đảm bảo có yến và giữ đúng khoảng cách với khu dân cư) thì đầu tư là nắm phần thắng.

Qua khảo sát hồi đầu tháng 4 năm nay, toàn huyện Chư Sê có 228 nhà nuôi chim yến đang hoạt động. Cùng thời điểm này, Ban vận động Hội Yến sào huyện Chư Sê đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Yến sào huyện Chư Sê nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ tịch Hiệp hội là anh Phạm Tiến Dũng-người tiên phong trong nghề nuôi yến ở địa phương. Báo cáo tại Đại hội cho biết: Với 228 nhà nuôi chim yến hiện có, sản lượng hàng năm đạt khoảng 700 kg tổ yến sào. Với giá thị trường 18-22 triệu đồng/kg tổ yến thô thì đây là nguồn thu không hề nhỏ.

Phương hướng của Hội Yến sào huyện Chư Sê là tập trung bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hỗ trợ các chủ nhà nuôi chim yến tiếp cận thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử cho từng nhà yến… Tập hợp các thành viên trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý Yến sào Chư Sê cũng như của tỉnh phát triển bền vững.

Đến nay, Hội Yến sào huyện Chư Sê đã có khoảng 100 nhà yến tham gia. “Các chủ nhà yến đã thấy được vai trò của Hội, xác định tham gia để giao lưu học hỏi kinh nghiệm, được bảo vệ quyền lợi chính đáng… Tuy nhiên, vẫn rất cần một thương hiệu mang tên “Yến sào Chư Sê”, mà yến sào Chư Sê hoàn toàn xứng đáng với thương hiệu này”-anh Dũng khẳng định.

TRẦN BÌNH ĐỊNH

Thái Nguyên: Nuôi ong lấy mật ở sườn Đông Tam Đảo

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Đến nay, thị trấn Quân Chu đã có trên 100 hộ nuôi ong với trên 2.000 đàn. Sản lượng bình quân đạt khoảng 15-20 tấn mật/năm.

Nằm sát dãy Tam Đảo hùng vỹ, thị trấn Quân Chu (Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) có khí hậu trong lành, mát mẻ, thuận lợi cho nhiều loại hoa trái sinh sôi. Phát huy lợi thế này, những năm gần đây, nhiều hộ dân địa phương đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Bên dưới tán rừng cùng gần 2ha nhãn, vải, bưởi… là hàng trăm đàn ong mật của gia đình ông Bá Văn Chung, ở tổ dân phố số 5, thị trấn Quân Chu. Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật đã gần 30 năm, ban đầu ông Chung chỉ nuôi hai chục đàn để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhận thấy việc nuôi ong có vốn đầu tư thấp nhưng mang lại giá trị kinh tế cao, ông đã mạnh dạn phát triển lên 150 đàn ong, trở thành một trong những hộ nuôi ong nhiều nhất trong vùng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu khoảng 1.000 lít mật với giá bán từ 150-170 nghìn đồng/lít, đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, ông Chung cho hay: Muốn nâng cao sản lượng mật, người nuôi ong cần di chuyển đàn đến những vườn cây hay khu vực rừng có nhiều hoa. Chất lượng mật tốt nhất khi ong lấy mật từ cây ăn quả, trong đó, mật ong hoa nhãn có giá trị cao hơn cả (cao hơn các loại mật khác khoảng 50 nghìn đồng/lít).

So với việc nuôi ong lấy mật ở các nơi khác, nghề nuôi ong lấy mật ở thị trấn Quân Chu khá thuận lợi do nằm trong vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của huyện Đại Từ, lại giáp ranh với vùng sản xuất cây ăn quả tập trung xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên). Đặc biệt, các loại lá non, hoa rừng tự nhiên ở sườn Đông Tam Đảo cũng góp phần làm nên hương vị thơm ngon riêng có của mật ong nơi đây.

Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi ong lâu năm ở địa phương, thông thường, từ tháng 9 Âm lịch, người nuôi sẽ tạo chúa mới, nhân đàn và thực hiện chăm sóc, giữ ấm cho đàn ong cho tới hết mùa đông giá lạnh. Sản lượng mật đạt “đỉnh” vào tháng 2 âm lịch, đó là mùa hoa vải, hoa nhãn, cứ khoảng 10 ngày, người nuôi có thể lấy mật một lần. Từ tháng 3 đến tháng 6 Âm lịch là thời gian thu mật rừng. Trung bình mỗi năm, mỗi đàn ong cho khai thác mật từ 7-8 lần, hộ nào chăm sóc tốt có thể lấy đến 9-10 lần. Mỗi đàn cho thu hoạch từ 10-12 lít mật/năm.

Nhận thấy hiệu quả của việc nuôi ong, từ vài hộ ban đầu, nhiều gia đình đã tìm hiểu kỹ thuật rồi dần dần nhân đàn, mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật. Đến nay, toàn thị trấn Quân Chu đã có trên 100 hộ nuôi ong với tổng số trên 2.000 đàn. Sản lượng bình quân đạt khoảng 15-20 tấn mật/năm. Đáng chú ý, phần lớn các hộ đều nuôi giống ong bản địa, được đưa từ rừng của địa phương về để thuần hóa, sau đó nhân đàn. Tuy cho ít mật hơn ong nhập ngoại nhưng giống ong này lại cho chất lượng mật thơm ngon hơn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Một số hộ nuôi nhiều ong, cho chất lượng mật có tiếng trong vùng như: Ông Nguyễn Huy Dự, ở tổ dân phố số 2; ông Nguyễn Minh Tuấn, ở tổ dân phố số 6; ông Bùi Anh Tuấn ở tổ dân phố số 4…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Quân Công, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quân Chu cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật đã chứng minh được hiệu quả khi chi phí đầu tư thấp nhưng lại cho thu nhập tương đối ổn định. Thế nhưng, hiện nay, người nuôi ong ở thị trấn Quân Chu vẫn cơ bản chăn nuôi theo kinh nghiệm, với quy mô nhỏ lẻ và chưa có đầu ra ổn định. Do vậy, thời gian tới, cùng với địa phương, chúng tôi rất mong muốn các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc hình thành chuỗi liên kết, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mật ong của thị trấn Quân Chu. Qua đó, phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Thu Huyền

Chủ động phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi vụ đông xuân

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, thời tiết trong vụ Đông - Xuân năm 2021-2022 bị tác động của biến đổi khí hậu nên dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất chăn nuôi.

Người dân không chăn thả trâu, bò khi xảy ra rét đậm, rét hại. Ảnh: Đại La

Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng phương án phòng, chống đói rét, dịch bệnh, hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi.

Cụ thể: Các địa phương cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động.

Thành lập các đoàn công tác xuống chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi,đặc biệt là các huyện miền núi thường có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét.

Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.

Thống kê đầy đủ những thiệt hại về vật nuôi do ảnh hưởng của giá rét để kịp thời hỗ trợ cho người sản xuất theo quy định. Đồng thời hướng dẫn người dân, chủ trang trại các biện pháp phòng, chống đói, rét; mua sắm phương tiện sưởi ấm cho đàn vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm non.

Chủ nuôi trâu, bò phải có chuồng nuôi và cây rơm, rạ bảo đảm bình quân 5-7 kg thức ăn/con/ngày trong những ngày giá rét; không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do khi xảy ra rét hại; đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát và chuẩn bị thêm thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe.

Loại thải những con trâu, bò già yếu, không nuôi đàn gia cầm với quy mô quá lớn, vượt khả năng bảo vệ, quản lý của gia đình. Các huyện miền núi như: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn có biện pháp di chuyển đàn trâu bò thả rông trong rừng về các khu khuất gió, căng bạt che mưa nơi đàn tụ về ngủ ban đêm hoặc nuôi nhốt gần nhà để tiện quản lý, chăm sóc. Hướng dẫn người chăn nuôi khai báo đầy đủ đàn vật nuôi với chính quyền cấp xã theo quy định để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại khi xảy ra chết đói, chết rét.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tập huấn, tuyên truyền, cử cán bộ phối hợp với các huyện, TP kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại cơ sở.

TS

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop